Quốc Sư Đại Đăng Nhật Bản: Gặp Nhau Mà Chưa Từng Gặp Gỡ

24/10/20233:35 SA(Xem: 3790)
Quốc Sư Đại Đăng Nhật Bản: Gặp Nhau Mà Chưa Từng Gặp Gỡ

QUỐC SƯ ĐẠI ĐĂNG NHẬT BẢN:
GẶP NHAU MÀ CHƯA TỪNG GẶP GỠ
Nguyễn Thế Đăng

 

dai  dang quoc su
Quốc sư Đại Đăng
(Ảnh Wikipedia)

1/ Sống trong tánh Không

“Nhật hoàng Hậu Đề Hồ, trị vì năm 1318 - 1338 là một quốc vương rất hâm mộ đạo Thiền. Ngày nọ, gặp nhà vua, quốc sư Đại Đăng (1282-1338) nói:

Ta xa nhau từ vô lượng kiếp mà vẫn chưa hề rời nhau chốc lát.

Ta đối mặt nhau suốt ngày mà vẫn chưa hề gặp nhau lần nào’.”

Trích từ Cốt tủy đạo Phật, Trúc Thiên dịch, nxb An Tiêm, 1968 (The Essence of Buddhism, D. T. Suzuki, 1947)

 

Một thiền sư khi nói chuyện bao giờ cũng là lời khai thị. Quốc sư Đại Đăng một lần khi gặp Nhật hoàng đã nói hai câu và được ghi chép lại chứng tỏ đó là hai câu khai thị quan trọng. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu để theo đó mà thực hành, và sự tìm hiểu này chủ yếu dựa vào hệ thống Kinh Đại Bát Nhã, giảng về tánh Không - tánh Như.

Là một thiền sư lỗi lạc của Thiền tông Nhật bản, hẳn là ngài thấy và sống hoàn toàn trong tánh Không, thật tướng của tất cả mọi sự, cũng là bản tánh của tâm hay Phật tánh. Thế nên những lời ngài là để khai thị tánh Không mà ngài đang sống nhuần nhuyễn trong đó.

Ta xa nhau từ vô lượng kiếp

- Kinh Đại Bát Nhã, ngài Tu Bồ Đề nương thần lực Phật nói:

Bạch Thế Tôn! Con chẳng thấy được tất cả pháp có tập hợp có lìa tan. Con chẳng thấy được sắc cho đến thức, nhãn cho đến ý, sắc cho đến pháp, nhãn thức cho đến ý thức, nhãn xúc cho đến ý xúc, thọ do nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cho đến thọ do ý xúc làm duyên sanh ra, cũng giống như thế.

Con cũng chẳng thấy được vô minh cho đến lão tử có hợp có tan, vô minh diệt cho đến lão tử diệt có hợp có tan.

Bạch Thế Tôn! Con chẳng thấy được năm ấm hợp tan, như mộng, như vang, như bóng, như sóng nắng, như biến hóa”.

(Phẩm Tập Tán, thứ 9)

Trong tánh Không, không có tập hợp hay lìa tan. Thế nên, “chúng ta xa nhau từ vô lượng kiếp”.

- Trong tánh Không, các sự vật, các hình tướng xuất hiện là “vô sở hữu” (không có hiện hữu thật ở đâu cả), và “bất khả đắc” (chẳng thể đắc). Lục Tổ Huệ Năng nói, “Xưa nay không một vật” (Bổn lai vô nhất vật). Thế thì làm gì có sự gặp gỡ nào, nên “chúng ta xa nhau từ vô lượng kiếp”.

- Kinh thường hay nói, “không có ta, người, chúng sanh, thọ mạng”. Thế nên chẳng có người nào gặp người nào, chúng sanh nào gặp chúng sanh nào: “Chúng ta xa nhau từ vô lượng kiếp”.

- Một vị A la hán là ngài Ajahn Chah (1918-1992) nói, “Không có ai cả”. (No Ajahn Chah, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch, nxb Tôn Giáo, 2012). Không có ai cả thì hẳn là “ta xa nhau từ vô lượng kiếp”, vì chưa từng có ta, có chúng ta.

- “Quốc sư Huệ Trung (?-772), đệ tử của Lục Tổ, khi duyên hóa độ sắp mãn, bèn từ giả vua Đại Tông trở về núi.

Vua hỏi: Thầy sau khi diệt độ, đệ tử sẽ làm gì để kỷ niệm?

Sư đáp: Bảo thí chủ tạo một cái tháp Vô Phùng”.

Vô Phùng là không gặp gỡ. Chưa từng gặp gỡ trong quá khứ, không đang gặp gỡ trong hiện tại, và không gặp gỡ trong tương lai. Đó là từ đầu đến cuối cùng chỉ là tánh Không: “ta xa nhau từ vô lượng kiếp”.

mà vẫn chưa hề rời nhau chốc lát”:

Vì tất cả ở trong tánh Không, không chỗ nào không là tánh Không, không thời gian nào không là tánh Không. Kinh Đại Bát Nhã nói: “Tất cả các pháp không lìa tan”.

“Mà vẫn chưa hề rời nhau chốc lát”, vì xưa nay vẫn ở trong tánh Không, dầu thánh dầu phàm. Chưa có một ai, một hiện tướng nào có thể rời lìa khỏi tánh Không thanh tịnh không có ta không có pháp (vô ngãvô pháp) dù chỉ trong chốc lát.

Người ở trong, an trụ trong tánh Không thì suốt ngày, suốt đời ở trong sự thanh tịnh. Sự thanh tịnh này, như Bát nhã Tâm kinh nói, là “không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm”.

Kinh Đại Bát Nhã nói:

 “Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Sự thanh tịnh này chẳng tương tục, chẳng nối tiếp nhau.

Đức Phật nói: Vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Ngài Xá Lợi Phất thưa: Những pháp nào chẳng nối tiếp nhau nên thanh tịnh này chẳng nối tiếp nhau?

Đức Phật nói: Vì sắc chẳng đi, chẳng nối tiếp nhau nên sự thanh tịnh này chẳng nối tiếp nhau, cho đến Nhất thiết chủng trí chẳng đi, chẳng nối tiếp nhau nên sự thanh tịnh này chẳng nối tiếp nhau.

Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh này vô cấu (không dơ).

Đức Phật nói: Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.

Phẩm Ca ngợi thanh tịnh (Thán tịnh), thứ 42

“Vì sắc chẳng đi”: không thấy cái gì, mình và người, có đi nên cũng chưa từng đến. Đó là không có không gian “Chẳng nối tiếp nhau” là không có thời gian. Không có không gian chia cách, không có thời gian tiếp nối nhau, đây là “sự thanh tịnh rốt ráo vậy”.

Ta xa nhau từ vô lượng kiếp mà vẫn chưa hề rời nhau chốc lát.

Ta đối mặt nhau suốt ngày mà vẫn chưa hề gặp nhau lần nào”.

Những mối tương giao ở trong tánh Không thật kỳ diệu, vượt khỏi suy nghĩ và tưởng tượng của ý thức. Chúng không lệ thuộc vào sự thương ghét của cảm xúc, không tùy thuộc vào sự xa gần của không gian và sự bất khả vãn hồi của thời gian. Đây là sống trong tánh Không.

 

2/ Sơ lược cuộc đời quốc sư Đại Đăng.

Phần này được lấy từ Quốc sư Đại Đăng - Thuần Bạch dịch, nxb Tp.HCM, 2004. (Eloquent Zen: Daito and Early Japanese Zen, Kenneth Kraft, University of Hawai Press, Honolulu, 1992).

Đại Đăng sanh năm 1282, trong một gia đình thuộc dòng họ quyền quý. Khi sư gần mười tuổi, cha mẹ gởi đến một chùa Thiên Thai tông. Sư tu học ở đây gần chín năm.

Khoảng năm 21 tuổi sư đến học với Thiền sư Cao Phong, và hoát nhiên tỉnh ngộ.

Sách viết, “Mặc dù giác ngộ đôi khi được diễn tả là một kinh nghiệm tất cả hoặc không là gì hết, những lần chứng ngộ có thể khác xa rất lớn về mức độ sâu cạn, bừng sáng và mãnh liệt.

Tác giả tự truyện nói về lần thức tỉnh đầu tiên của Đại Đăng (và Mộng Song) dưới hội Cao Phong là “có tỉnh” hoặc “tỉnh ngộ”, thường để chỉ một sự thoáng thấy hoặc chợt nếm qua lần đầu tiên hương vị của tự ngộ”.

Hai ba năm trôi qua từ khi Sư được thiền sư Nam Phổ giao cho công án chữ Quan của tổ Vân Môn.

Vào năm 1307… “Gần mười ngày trôi qua, khi sư làm rớt chìa khóa trên bàn. Ngay đó, sư thấu phá chữ Quan. Sư đạt được chứng ngộ, toàn mãn, vô lượng vô biên, chỗ Phật pháp hiển lộ tròn đầy. Mồ hôi ướt đẫm cả toàn thân”.

Ngay sau khi đại ngộ, Đại Đăng chạy đến thầy Nam Phổ, nói rằng: “Hầu như cũng một con đường ấy”.

Sau đó, Nam Phổ nói với Đại Đăng: “Trước khi ấn chứng chính thức công khai, ngươi phải tiếp tục tu hai mươi năm nữa”.

Sau đó sư đã sống hai mươi năm với đám người ăn xin dưới cầu Ngũ Điều ở Kyoto. Thiền sư Nhất Hưu có một bài thơ về việc này và Bạch Ẩn có những bức tranh và những hàng chữ trong tranh vẽ và viết về ngài trong hình thức một người ăn xin.

Năm 1326, 44 tuổi, sư được đương kim Nhật hoàng và cựu hoàng phong làm trụ trì chùa Đại Đức, là một trong vài ngôi chùa lớn nhất của Nhật.

Ngài là một trong những thiền sư vĩ đại đã khai sáng Thiền tông Nhật bản, và khác với những thiền sư nổi tiếng đương thời, ngài chưa hề đi học ở Trung Hoa. Ngài để lại nhiều thiền ngữ, và Đại Đăng ngữ lục. Về sau Bạch Ẩn đã bình chú từng dòng hai cuốn đầu của Ngữ lục này, đây là tác phẩm được xem là hàng đầu của Bạch Ẩn. Ngày nay đa số thiền tăng Lâm Tế tụng đọc bài Khuyến Văn Tối Hậu của ngài hàng ngày, trước thời thuyết pháp của vị giáo thọ và vào cuối ngày.

Một tuần lễ hội kỷ niệm năm thứ 650 ngày Đại Đăng viên tịch vào năm 1983. Hơn 3000 quan khách đến dự từ khắp nước Nhật. Bức tượng của Đại Đăng được dời lên bệ cao trong pháp đường đầy cờ xí sáng chói. Đông đủ những vị trụ trì trong pháp y đại lễ cử hành chín khóa lễ riêng biệt. Nhật hoàng Chiêu Hòa (1901-1989) gửi cúng dường riêng của hoàng đếchính thức phong tặng Đại Đăng tước hiệu mới. Ấn bản khắc gỗ mới của Đại Đăng ngữ lục, bản sao của ấn bản 1621, được phân phát cho số quan khách chọn lọc…” 

 

Bài đọc thêm về Quốc Sư Đại Đăng:
https://thuvienhoasen.org/a32532/quoc-su-hung-thien-dai-dang 
Cốt tủy của Đạo Phật (Trúc Thiên dịch)





Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 191258)
01/04/2012(Xem: 36816)
08/11/2018(Xem: 15484)
08/02/2015(Xem: 54756)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…