TÁNH KHÔNG - TÁNH NHƯ
BAO TRÙM XUYÊN SUỐT TẤT CẢ
Nguyễn Thế Đăng
Trí huệ Bát nhã là trí huệ hiểu biết, thấu đạt trọn vẹn tánh Không - tánh Như. Trí huệ Bát nhã chính là tánh Không - tánh Như. Các Tu Đà Hoàn, cho đến các Độc Giác Phật và đại Bồ tát đều từ tánh Không - tánh Như mà được thành tựu quả vị.
“Chư Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn, cho đến chư A la hán và quả A la hán, chư Độc giác Phật và đạo Độc giác Phật, chư đại Bồ tát, đều từ trong Bát nhã ba la mật này mà học thành.
Có thể thành tựu chúng sanh, thanh tịnh cõi Phật, chứng Vô thượng Giác ngộ đều từ trong Bát nhã ba la mật này mà học thành”.
(Phẩm Rải Hoa, thứ 29)
Tánh Không - tánh Như bao trùm và xuyên suốt tất cả mọi quả vị của Phật giáo.
Hơn nữa, tánh Không - tánh Như bao trùm và xuyên suốt tất cả các pháp, tất cả năm ấm, và tất cả chúng sanh.
“Đức Phật biết rõ tướng như của chúng sanh và tướng như của các thứ tâm (tâm số) xuất hiện, tan chìm, co giãn của chúng sanh, tướng như của năm ấm, các hành, cũng chính là tướng như của các tất cả các pháp. Đó là tướng như của sáu ba la mật, của ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đó là tướng như của mười tám Không, tướng như của chín Định thứ đệ, đó là tướng như của mười Trí lực, của bốn Vô úy, của bốn Vô ngại trí, của đại từ đại bi, của mười tám pháp bất cộng, đó là tướng như của Nhất thiết chủng trí.
Đó là tướng như của pháp thiện, pháp bất thiện, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, pháp hữu vi, pháp vô vi. Đó là tướng như của quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, quả Độc giác Phật, quả Vô thượng Giác ngộ của chư Phật. Tướng như của chư Phật đều là tướng nhất như, chẳng hai, chẳng khác, chẳng tận, chẳng hoại. Đây gọi là tất cả pháp là tướng như.
Đức Phật do Bát nhã ba la mật mà được tướng Như như vậy. Cho nên Bát nhã ba la mật có thể sanh chư Phật, có thể hiển thị tướng thế gian. Thế nên, này Tu Bồ Đề! Đức Phật biết rõ tất cả pháp là tướng như, chẳng khác biệt, chẳng phải chẳng như. Vì được tướng Như như vậy nên Phật được gọi là Như Lai”.
(Phẩm Phật Mẫu, thứ 48)
Tánh Không - tánh Như bao trùm và thông suốt tất cả các pháp, tất cả chúng sanh và những phiền não của họ (“năm ấm, các hành, các thứ tâm xuất hiện, tan chìm, co giãn”), tất cả các quả vị, tất cả các pháp môn, tất cả Phật pháp và tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian.
Nói gồm lại, tánh Không - tánh Như bao trùm và thông suốt tất cả sanh tử và Niết bàn.
Tánh Không - tánh Như là bản tánh của chúng sanh, của năm ấm, các hành, là bản tánh của tất cả các pháp, của thế gian và xuất thế gian, cũng là bản tánh của tất cả thánh phàm. Như Kinh nói “Bát nhã ba la mật có thể sanh chư Phật, có thể hiển thị tướng thế gian”. Thế nên một vị Bồ tát sống ở đời để giúp đỡ, cởi thoát cho chúng sanh thì có thể tìm thấy bản tánh ấy, tánh Như và tánh Không, ngay trong cuộc đời sanh tử này, ngay trong những phiền não của mình và của người khác, trong tất cả các pháp.
Đó là ý nghĩa của “năng lực của trí huệ (Bát nhã) phương tiện thiện xảo”.
2/ Theo Lục Tổ Huệ Năng
Tất cả mọi tông phái Đại thừa và Kim Cương thừa đều có một nền tảng chung là tánh Không - tánh Như, đó cũng là “pháp thân của tất cả chư Phật”.
Vị Tổ nói nhiều về tánh Không - tánh Như bằng một lối nói ít lý luận, bác học (chẳng hạn như Trung Luận của Tổ Long Thọ), trực tiếp và đời thường khiến dễ hiểu, để thực hành là Lục Tổ Huệ Năng. Thế nên, về sự bao trùm và thông suốt của tánh Không - tánh Như, ở đây trích ra một số đoạn của ngài để chúng ta có thể thấy và thực hành con đường tánh Không - tánh Như.
Về sự bao trùm của tánh Không - tánh Như:
“Thiện tri thức! Hư không thế giới bao hàm muôn vật sắc tướng, mặt trời mặt trăng tinh tú, núi sông đất đai, suối nguồn, khe rạch, cây cỏ, rừng rú, người thiện người ác, pháp thiện pháp ác, thiên đường địa ngục, tất cả biển lớn, các núi Tu di, đều ở trong cái Không. Tánh Không của người đời cũng lại như vậy.
Thiện tri thức! Tự tánh bao hàm muôn pháp, đó gọi là lớn. Muôn pháp ở trong tánh của con người. Nếu thấy tất cả những điều xấu tốt của người mà đều chẳng lấy chẳng bỏ, cũng không nhiễm dính, tâm như hư không, đó gọi là lớn, nên nói là Ma ha”.
(Phẩm Trí Huệ, thứ hai)
Tự tánh là tánh Không của tâm: “tánh Không của người đời cũng lại như vậy”. Tự tánh bao hàm muôn pháp, đó gọi là lớn, tâm như hư không, đó gọi là lớn (Đại), nên nói là Ma Ha.
Trong 18 cái Không của Kinh Đại Bát Nhã, có Đại Không(*), tương tự với những điều Lục Tổ chỉ dạy về tánh Không của tâm, nói ở trên. Tánh Không của tâm nói gọn lại là Tâm Không.
Với tin (cái đầu tiên trong Năm Căn, Năm Lực) vào Kinh và lời dạy của Tổ, người ta thiền định thiền quán đồng thời (Chỉ Quán đồng thời) về tính cách bao trùm tất cả mọi sự của Tâm Không. Tâm thức bình thường từ từ mở rộng ra cho đến lúc tiếp xúc, kinh nghiệm được tâm Không này như hư không, bao trùm tất cả mọi hiện hữu. Khi thấy phần nào tâm Không như vậy, người ta an trụ vào tâm Không ấy cho đến lúc tất cả con người, các giác quan, ý thức và tiềm thức (thức thứ 8) hoàn toàn sống trong tánh Không ấy.
Thực hành của đạo Phật là thấy và an trụ trong thực tại tánh Không – tánh Như này.
Tính cách bao trùm của tánh Không được nói nhiều trong Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ, chỉ xin trích ra một đoạn ở trên.
Về tính cách thông suốt, không bị ngăn ngại của tánh Không, Lục Tổ trích một câu của Kinh Duy Ma Cật.
“Kinh Duy Ma Cật nói: tức thời rỗng suốt, hoàn lại bản tâm”.
(Phẩm Trí Huệ, thứ hai)
Tâm Không thì vốn thông suốt, không ngăn ngại:
“Thiện tri thức! Trong ngoài chẳng trụ, qua lại tự do, bặt dứt tâm bám chấp, thông suốt không ngăn ngại. Tu hành như vậy thì vốn không sai khác gì với kinh Bát Nhã”.
(Phẩm Trí Huệ, thứ hai)
Tâm Không ấy là ánh sáng thấu suốt phá tan các tướng sanh tử:
“Trên đất tâm mình là tánh giác Như Lai, phóng ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, hay phá các cõi trời Lục dục. Tự tánh chiếu bên trong ba độc liền dứt, các tội địa ngục nhất thời tiêu diệt. Trong ngoài sáng suốt chẳng khác Tây phương. Chẳng tu như thế thì làm sao đến cõi kia được”.
(Phẩm Nghi Vấn, thứ ba)
Thiền định thiền quán đồng thời về tính cách thông suốt, sáng suốt, rỗng sáng khắp trong ngoài của tánh giác Không – Minh, khiến các che chướng dần dần rơi rụng, cho đến lúc người ta trực tiếp thấy được tánh Không - tánh Như và an trụ trong đó. Các hạnh ba la mật là các hoạt động đặt nền trên tánh Không - tánh Như khiến người ta đi sâu vào và an trụ rốt ráo trong đó.
Lúc ấy, người ta sống trong pháp giới tánh Không - tánh Như, tất cả các pháp đều là tánh Không - tánh Như. Lời Lục Tổ dạy sư Trí Hoàng:
“Khi tâm ông như hư không mà chẳng bám vào cái thấy không, ứng dụng vô ngại, động tịnh đều tâm Không, tình phàm thánh dứt, năng sở đều hết, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng định”.
(Phẩm Cơ Duyên, thứ bảy)
Chú thích
(*): Đại Không theo Kinh Đại Bát Nhã:
“Thế nào là Đại Không? Đại là nói mười phương. Xét về phương Đông thì phương đông rỗng không, cho đến phương dưới thì phương dưới rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Vì sao thế? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là Đại Không”
(Phẩm Vấn Thừa)
Như vậy Đại Không bao trùm tất cả không gian và tất cả thời gian và rỗng không, thông suốt khắp cả.
- Từ khóa :
- Tánh Không