Hạnh Huệ Soạn dịch
Trọng Yếu Của Nhân Học
“Nhân”, phải trải qua sự từng trải việc người mới có thể trưởng thành.
“Nhân”, phải nghĩ đến sự tồn tại của người khác mới có thể rộng mở.
“Vô duyên đại từ - đồng thể đại bi”, ắt là cảnh giới tối cao giữa “người” và “người”.
Tháng 11 năm 1994, tại đạo trường Phật Quang Sơn Đài Bắc cử hành hội nghị học thuật của hai bờ eo biển, tôi đáp lời mời cùng các nhà học giả tọa đàm. Trong bàn có một vị giáo sư nói, trước mắt, Trung Quốc Đại Lục có một nhóm học giả chuyên môn nghiên cứu “Nhân học”. Ông ta là một người trong đó. Thì ra, Người - mới là học vấn tối trọng yếu của thế gian. Tôi bảo với các nhân sĩ, nếu chỉ nghiên cứu “người” trên bề mặt thì chưa đủ, cần phải nên nghiên cứu “tâm”, bởi vì người là sắc và tâm hòa hợp mà thành, ắt đem vật chất và tinh thần điều hòa, mới có thể triệt để đem “người” làm tốt, trọng yếu của nhân học, mới thật chẳng hư rỗng.
Nhớ lúc còn bé, bà ngoại đưa tôi đi học tại trường tư thục. Ngày đầu tiên thầy giáo chỉ dạy tôi một chữ “người” (人: Nhân). Sau này đem “người” làm tốt trở thành mục tiêu của đời tôi. Do đó, trước hết tôi theo sự hiếu thuận với bậc trưởng thượng mà làm, vì muốn giúp người mẹ cô quả khổ cực, tôi đem số tiền dành dụm hằng ngày, tiền mừng tuổi năm mới đưa mẹ mua điểm tâm về nhà, để cho tiếng cười thích thú của bọn con cái làm nhạt nhòa sự thảm não trong lòng mẹ.
Tuổi quá sáu mươi, tôi và người mẹ đã xa cách bốn mươi năm gặp gỡ nhau, tôi liền nghĩ cách rước mẹ về nuôi dưỡng hiếu kính, thần hôn định tĩnh, và bắt chước tinh thần của Lão Lai Tử mặc áo hoa làm vui cho mẹ, nương vui dưới gối. Thậm chí tôi yêu nhà và quạ đậu trên nhà, hết sức vì cậu, anh chị em giải quyết vấn đề khiến cả nhà vui vẻ an lạc, làm mẹ được an tâm.
Năm mười hai tuổi, tôi xuất gia. Sư phụ là Thượng nhân Chí Khai đưa tôi đến Phật Học Viện để học. Tôi tiến một bước học đến tâm là nguồn vạn pháp. Học làm “người” trước phải điều tâm, trong tâm có “người”, vì “người” mà để tâm đến, là điều kiện tiên quyết làm “người”. Vì để Sư phụ hoan hỷ, khỏi lo, tôi tinh tấn phấn phát, cố sức vươn lên. Vì muốn cho sư huynh đảm nhiệm trụ trì tại chùa chuyên tâm quản lý việc chùa, tôi thường xuống núi chạy hơn trăm dặm đường dài lo kinh sám Phật sự, qua lại giữa thôn làng mà thổ phỉ thường ẩn hiện, và cũng tự nguyện tối ba mươi Tết gõ cửa từng nhà để quyên góp lương thực.
Lúc nội chiến bùng nổ, tôi cùng bạn đồng học một mặt hoằng pháp, một mặt lánh nạn. Sự thiếu thốn vật dụng khiến tôi nghĩ đến nhu yếu của người khác, do đó khi tiết đông lạnh giá tôi đem chiếc áo bông duy nhất tặng bạn đồng song là Hoành Độ, lại đem chiếc áo tràng khó được cho người bạn tốt Chữ Vân. Tôi cảm nhận sâu xa giữa “người” và “người”, nếu có thể tương thân tương ái, vũ trụ rộng mở biết bao!
Đến Đài Loan, tín đồ ngày càng tăng, và lo nhu yếu cho người khác, có thể nói là tôi ngày ngày vì người cực khổ, ngày ngày vì người bận rộn. Bằng hữu Nhất Thông điện thoại sẽ đến thăm, tôi tựa cửa ngóng trông, quét giường để đợi. Tín đồ có Phật sự tống táng, tôi vội vàng đi xe siêu tốc để kịp thời dự lễ, niêm hương, thuyết pháp. Hứa làm lễ hỷ sự kết hôn, dù ở mãi tận cuối làng xa xôi hẻo lánh, trời mưa tầm tã, tôi cũng len lỏi trên đường nhỏ quanh co giữa sấm chớp vang rền, kiếm cách đến nơi để chúc phúc chứng minh, thậm chí sau này còn quan tâm đến vấn đề họ sanh con nuôi cái. Như nhà cư sĩ Thái Cố Nghi ba đời đều là tôi đặt tên cho, năm người con của Quách Bổn Vân, ba cậu bé của Lý Nhất Bình, tôi thay họ nuôi nấng nhiều năm. Về sau, dứt khoát mở rộng, đổi thành Dục Ấu Viện, chuyên thâu nhận nuôi dưỡng luôn một loạt. Trong đám đông nhân quần, vì người khác bôn ba cực nhọc, tôi chẳng chút nào cho rằng khổ, nhân vì tôi từ thân “người” học tập được đức tính tốt đẹp khiêm hòa nhẫn nhục, từ bi bao dung.
Một đệ tử trẻ tuổi từng nói với tôi:
- Người ta đến lúc già thường giống như trái banh chuyền, con cái đẩy qua đẩy lại, chẳng chịu chiếu cố, nhưng Sư phụ lại giống quả bóng chày, con cái trong thiên hạ đều hoan hỷ qua lại ôm chầm Thầy.
Tôi nghĩ đây nhân vì tôi rất chú trọng sự tôn trọng hài hòa giữa con người với nhau. Bình thường chúng ta đều biết lúc trời lạnh cần chuẩn bị dù đi mưa, lúc xuân hạ cần tích cốc phòng đông. “Người” cũng không thể chỉ thấy lợi gần ngắn ngủi mà phải ở hằng ngày bồi dưỡng duyên lành, vì vị lai vĩnh hằng mà lưu tâm.
Tôi suốt đời giữ nguyên tắc xử thế đãi “người”: “Anh lớn tôi nhỏ, anh tốt tôi xấu, anh có tôi không, anh vui tôi khổ”, có bị thua thiệt thế nào đi nữa cũng không dễ dàng phá hoại “tình người”. Kết quả tôi làm người khác hoan hỷ, người khác cũng dang rộng hai tay, biểu thị hoan nghinh tôi.
Có lúc, tín đồ cho rằng tôi biết xem phong thủy địa lý, đến hỏi tôi miếng đất này tốt hay xấu. Tôi hoàn toàn đề xướng “nơi nơi đều là đất tốt”, nhân đây đều nói “Tốt”, chúc phúc họ được cát tường như ý, đợi họ được bình an thuận lợi, mới đem cục đá trong tâm buông xuống. Có tín đồ hỏi tôi ngày này tốt hay xấu. Tôi luôn chủ trương “ngày ngày đều là ngày tốt, do đó đều nói “tốt”, chúc phúc họ tháng tốt ngày lành, chỉ vẫn đợi đến khi họ cảm tình hòa mục, tự mình cũng mới an tâm. “Người” là điều trọng yếu. Tánh của “người”, tại có sở đắc. Tuy nói đưa ra chút quan tâm, nhưng có thể bảo trì tình nghĩa nặng sâu, tự biết như thế là thu hoạch nhiều tốt đẹp.
Đối với hơn ngàn đệ tử xuất gia, từ trên thực chất cho đến sự khải phát về tinh thần, từ sự kiến thiết cứng cỏi đến nghị định chế độ, từ giáo dục sinh hoạt đến khai thác tư tưởng, từ khai đạo cá biệt đến phổ tham đại chúng…, tôi đều đem hết khả năng, đắng miệng mềm lòng… Nhưng mưa thì nhuần khắp mặt đất mà cây thì có lớn nhỏ khác nhau, trình độ thấm nhuần bất đồng. pháp thì đồng dạng, một vị bình đẳng, nhân nơi trí hay ngu của “người” có phân biệt hơn kém, sự tiếp thọ nhiều ít cũng có sai biệt. Giống như có một ít đệ tử không hề muốn tôi quan hoài, một lòng chỉ nghĩ việc phụng hiến thường trụ, phục vụ nhân quần, bọn họ tạm dùng thời giờ, sẽ thành long tượng trong cửa Phật, lương đống trong giáo giới. Nhưng có một ít đệ tử đã không muốn người khác quan tâm, mà tự mình chẳng giúp đỡ “người khác” chút nào, chỉ nghĩ cho mình, bình tĩnh an nhàn qua một đời. Có một số đệ tử chỉ hy vọng “người khác” đối xử tốt với mình, chính mình lại không chịu đáp trả. Lại có số chỉ biết chê gièm “người khác”, dù đối với họ tốt, họ cũng chẳng biết đủ, vừa lòng. Bọn họ cứ việc lo tài năng cho ưu việt, nhưng do cá tánh sai sử, không cách gì làm cho nhân hòa, nghĩ đến tiền đồ của họ cũng chịu nhiều hạn chế.
Hơn mười năm trước, vì mở mang chùa Tây Lai làm cơ sở hoằng pháp tại Âu Mỹ, một nhóm đồ chúng trẻ tuổi mạnh mẽ, có đủ tiềm lực lục tục đến Mỹ quốc làm công tác khai sơn, đâu dè có một ít đệ tử lại nói sau lưng:
-Sư phụ đem đồ đệ ưa thích nhất đưa đi Mỹ.
Về sau chùa Tây Lai khánh thành, thường trụ lại phái một nhóm đệ tử lão thành cẩn thận, tu dưỡng thâm hậu đến trước để độ chúng, chẳng dè mấy người này lại nói:
-Hiện tại Sư phụ đem đệ tử không ưa nhất phái đi Mỹ.
Vừa nghe như thế, thật chẳng biết làm sao. Lòng bàn tay hay lưng bàn tay cũng đều là thịt, rốt cuộc ai là người tôi thích nhất? Ai là người tôi ghét nhất? Theo thời gian đưa đẩy, đến nay, tiếng bất bình đã mất tăm mất tích. Té ra thích hay không thích đều là vấn đề “người” mà thôi. Tâm có cao thấp, “người” bèn có tầng lớp bất đồng. Chỉ cần việc làm công chính, công bình, qua một thời gian, tự nhiên khiến người nể phục, hà tất suy bì cái thấy ngắn ngủi một thời của người sao?
Nhớ mấy năm trước, vào một sáng quang đãng, tôi đưa mẹ đi tản bộ. Lúc đến dốc phía dưới bên trái chùa Tây Lai, tôi rút chìa khóa mở cửa sắt, giải thích cho mẹ:
-Cái cửa hông này là đường ngắn thông tới chùa Tây Lai.
Mẹ tôi nói:
-Cửa chính? Cửa hông? “Người bậc thượng” thì rước cửa trên, “Người bậc trung” thì “người” đãi “người”, “Người bậc hạ” thì cầu chẳng thành. Đâu có con đường ngắn nào?
Đích xác, đầy đủ từ bi trí tuệ, chịu chủ động phục vụ cho “người”, tự nhiên được mọi người công kênh làm “người ở trên người”. Tâm ôm phân biệt, chỉ tính lợi trước mắt, đã không từ bi lại không trí tuệ, đương nhiên chỉ quanh quẩn làm “người ở dưới người”.
Lại có một lần, tôi tuyên giảng kinh Kim Cang, lúcxuống tòa, tôi hỏi mẹ hay hay không? Mẹ tôi đáp: “ââÔng nói không ngã tướng, tôi có thể lý giải được, nhưng làm người nếu như không nhân tướng, tôi không rõ lắm. Trong tâm một con người mà không có người khác, thì làm sao an thân lập mạng trên xã hội?”