AND ITS PSYCHOLOGICAL AFTERMATH
(CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ HẬU QUẢ TÂM LÝ CỦA NÓ)
Trần Kiêm Đoàn
The Vietnam War and Its Psychological Aftermath
Hội chứng Hậu chấn thương Tâm lý (PTSD)
Đây là một món quà hơi… khó nuốt so với nắm xôi của Thằng Bờm. Tập sách là một thế giới nhỏ mang nội dung tìm hiểu và luận bàn về chiến tranh, hòa bình và tiếng thở dài trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ sau ngày buông súng gác kiếm của bao người hùng thời đại – thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng! Vết thương tâm lý chưa thành sẹo. Nỗi thao thức trăn trở còn vương theo những dòng thế hệ kế thừa.
Nửa thế kỷ trôi qua, thời gian đủ dài để khép lại một thế hệ: Thế hệ Chiến Tranh Việt Nam (The Vietnam War Generation). Về sinh mạng và hình tướng, một thế hệ con người có thể qua đi và mất dấu vĩnh viễn; nhưng về mặt tâm lý, tâm thức và tâm cảm thì di lụy chiến tranh vẫn còn dai dẳng, âm thầm lan chuyển và tác động không biết đến bao giờ.
Cuộc nội chiến Mỹ (American Civil War) chỉ diễn ra trong vòng 4 năm (1961-1965) nhưng chấn thương tâm lý vẫn còn ảnh hưởng đến cả trăm năm sau và chưa biết đến bao giờ. Cuộc chiến Việt Nam dài và thương vong gấp cả mười lần hơn thế nên đã 50 năm sau ngày hết chiến tranh mà di lụy tâm lý vẫn còn đâu đó.
Trong lịch sử ngành Tâm Lý Học thế giới, có một chứng bệnh tâm thần được nhận diện, tham khảo, nghiên cứu càng ngày càng tạo ra dấu ấn tâm lý lạ lùng và vi tế đã ra đời sau Chiến tranh Việt Nam. Đó là bệnh tâm lý PTSD (Post-traumatic stress disorder = Hội chứng hậu chấn thương tâm lý). Đây là căn bệnh rối loạn tâm lý mà các chuyên gia y khoa, tâm lý và thần kinh học đã phát hiện năm 1980 từ các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến Việt Nam còn sống sót trở về. Ngày nay, căn bệnh tâm thần PTSD đã đã trở thành một bệnh tâm thần với tầm nghiên cứu phổ biến nhất trong toàn ngành Tâm Lý Trị Liệu (Psychotherapy) của thế giới.
Riêng với người lính Việt Nam của cả hai miền Nam Bắc đã trực tiếp tham gia cuộc chiến 30 năm thì hiện tượng PTSD chưa được nghiên cứu sâu rộng như ở phương Tây. Ngày nay, tài liệu nghiên cứu về PTSD đã trở thành “thiên kinh vạn quyển” nên qua những dòng viết nhỏ bé trong tập sách, người viết cũng chỉ xin được làm công việc “hạt muối bỏ biển” để học hỏi và tìm hiểu một vài khía cạnh rất tiêu biểu về hiện tượng và ứng dụng của PTSD đối với người Việt, kể cả cựu chiến sĩ và dân thường. Sự tìm hiểu của tôi bị thu nhỏ trong giới hạn “chữ nghĩa học trò” nên mỗi chữ viết ra là đã sẵn sàng tâm lý khiêm tốn đón nhận sự chỉ bảo của các bậc thầy và đàn anh, đàn chị, đàn em…
Thuốc Tâm Lý cho PTSD
PTSD là một chứng bệnh tinh thần của những người từng sống trong một đất nước, xã hội hay biến cố, hoàn cảnh đã trực tiếp trải qua nhiều biến động và thay đổi mang tính chất “đổi mạng, đổi đời”. Từ trong và sau ngày chiến tranh chấm dứt. người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đang trải qua những biến động hoàn cảnh kéo theo biến động tâm lý. Nếu nhìn qua lăng kính Tâm Lý Trị Liệu thì nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, người Việt trong cũng như ngoài nước từng trải qua những dao động tinh thần do cuộc chiến Việt Nam và hệ quả của nó vẫn đang còn dấu ấn trong “tâm lý Việt” ngày nay. Đặc biệt là những người lính trận đã trực tiếp tham gia cuộc chiến của cả hai miền Nam Bắc.
Bên cạnh những phương tiện y khoa của thời đại mới thường có tính cách trấn áp nhất thời sự phát tác và hành hạ người bệnh. Trong khung thời gian vừa lâu vừa dài thì yếu tố tinh thần và tôn giáo được xem là những phương thuốc thần hiệu nhất để chữa bớt hay chữa lành những bệnh tinh thần đã di lụy và biến chứng qua nhiều chặng đường và hoàn cảnh. Phần nửa sau cuộc đời của thế hệ Chiến tranh Việt Nam đa số người tìm đến tôn giáo để tìm sự an lạc cho tuổi già và nơi an nghỉ lúc nhắm mắt xuôi tay. Những phương thuốc thần hiệu nhất giúp an thần là tôn giáo nói chung. Riêng về Phật giáo trong nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã có một vai trò chữa bệnh tinh thần nổi bật trong xã hội phương Đông cũng như phương Tây.
Với ngành Tâm Lý Trị Liệu, trong số các nhà tu Phật giáo nổi tiếng nhất trên toàn thế giới trong thế kỷ này, Việt Nam có Thiền sư Nhất Hạnh chỉ đứng sau đức Đạt Lai Lạt Ma. Có thể nói đó là những Y sư Tâm Linh giúp nhân loại giảm bớt những cơn đau tinh thần ngày càng cấp tính. Thiền sư Nhất Hạnh được thế giới mệnh danh là “cha đẻ của Chánh Niệm”, người đã giúp hoằng dương Phật giáo vào thế giới phương Tây với Chánh Niệm. Thầy Nhất Hạnh và hậu duệ mới chỉ vận dụng một tuyệt chiêu “Chánh Niệm” – trong Bát Chánh Đạo là diệu dược của đạo Phật chữa bách bệnh, mà trong đó căn bệnh tinh thần là tiêu biểu nhất – cũng đã có khả năng chinh phục thế giới phương Tây theo hướng vương đạo rồi.
Boundless Spirituality viết: Thích Nhất Hạnh được biết như là “Cha đẻ của Chánh Niệm”, ông được xem như có công lao mang đạo Phật vào phương Tây và đưa chánh niệm lan tỏa rộng rãi nơi này (Thích Nhất Hạnh known as "the Father of Mindfulness", he is credited with helping to bring Buddhism to the West and making mindfulness well known there.)
Ô hay! Trong niềm vui muốn đưa lời cám ơn chơn chất nhất của mình đến nhà Xuất bản Liên Phật Hội về món quà đặc biệt cuốn sách The Vietnam War and its Psychological Aftermath, tôi lại đi quá xa rồi. Tôi không chắc trong ngữ cảnh của người Việt chúng ta thì mình phải dịch thế nào cho đúng. Nếu dịch chữ theo chữ như một kẻ khách quan trước cuộc thế thì sẽ dịch là “Chiến Tranh Việt Nam và Hậu quả Tâm Lý của Nó”. Bởi không thể làm kẻ khách quan đứng ngoài nên khi đưa mình vào nội cảnh thì tôi phải dịch là: “Cuộc Chiến Việt Nam và Hệ Lụy Tâm Lý của Nó”! Là một người trong cuộc thì sẽ thấy được rằng: hậu quả của biến cố này thường mang hệ lụy đến mai sau.
Cám ơn đạo Phật đã cho tôi tầm nhìn và hướng lý giải về thực chất, hiện tượng và tác động của Chiến tranh Việt Nam trên thân phận… trùng trùng duyên nghiệp của dân mình so với bao nhiêu dân tộc khác có cùng hoàn cảnh. Cám ơn Liên Phật Hội đã tặng một món quà tinh thần tuyệt vời trong dịp “Bảy lên Tám” cho một lão Ngoan Đồng không một tí ti… nội lực thâm hậu mà Kim Dung hoàn toàn chưa biết tới.
Sacramento, Trung Thu 2024