THIỆN PHÚC
HOA NGHIÊM KINH &
TRƯỜNG PHÁI MANG TÊN BỘ KINH NÀY
(THE AVATAMSAKA SUTRA &
THE SCHOOL THAT BEARS THE NAME OF THIS SUTRA)
HOA NGHIÊM KINH & TRƯỜNG PHÁI MANG TÊN BỘ KINH NÀY-VIỆT
HOA NGHIÊM KINH & TRƯỜNG PHÁI MANG TÊN BỘ KINH NÀY-ANH
Copyright © 2025 by Ngoc Tran. All rights reserved.
No part of this work may be reproduced or transmitted in any form or by any means, electronic or mechanical, including photocopying and recording, or by any information storage or retrieval system without the prior written permission of the author, except for the inclusion of brief quotations. However, staff members of Vietnamese temples who want to reprint this work for the benefit of teaching of the Buddhadharma, please contact Ngoc Tran at (714) 778-2832.
Lời Đầu Sách
Kinh Hoa Nghiêm là lý thuyết căn bản của trường phái Hoa Nghiêm với rất nhiều điều tu của chư Đại Bồ Tát. Một trong những kinh điển dài nhất của Phật giáo, cũng là giáo điển cao nhất của đạo Phật, được Đức Phật thuyết giảng ngay sau khi Ngài đại ngộ. Người ta tin rằng kinh nầy được giảng dạy cho chư Bồ tát và những chúng hữu tình mà tâm linh đã phát triển cao. Kinh so sánh toàn vũ trụ với sự chứng đắc của Phật Tỳ Lô Giá Na. Kinh cũng nhấn mạnh rằng mọi sự vật và mọi hiện tượng đồng nhất thể với vũ trụ. Kinh Hoa Nghiêm là một trong những bộ kinh thâm áo nhất của Đại Thừa, ghi lại những bài thuyết pháp của Đức Phật sau khi Ngài đã đạt giác ngộ viên mãn. Đại Phương Quảng Phật Hoa nghiêm Kinh. Nhan đề Phạn ngữ của Hoa Nghiêm là Avatamsaka, nhưng Pháp Tạng trong bản chú giải kinh Hoa Nghiêm bộ 60 quyển nói nguyên ngữ chính là Gandavyuha. Ba bản dịch của Kinh Hoa Nghiêm bên Trung Quốc: Thứ nhất là bản dịch của ngài Phật Đà Bạt Đà đời Đông Tấn, khoảng năm 406 sau Tây Lịch, 60 quyển, còn gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm hay Tấn Kinh, hay kinh cũ. Thứ nhì là bản dịch của ngài Thực Xoa Nan Đà đời Đường, vào khoảng năm 700 sau Tây Lịch, 80 quyển, còn gọi là Bát Thập Hoa Nghiêm, Đường Kinh, hay Kinh mới. Thứ ba là bản dịch của ngài Bát Nhã đời Đường, khoảng năm 800 sau Tây Lịch, 40 quyển, còn gọi là Tứ Thập Hoa nghiêm. Bản dịch nầy bao gồm phần Hoa Nghiêm Âm Nghĩa của ngài Huệ Uyển biên soạn năm 700 sau Tây Lịch. Sau khi khảo sát về nội dung của Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy kinh khởi đầu bằng những bản kinh độc lập và về sau được tập hợp thành một dòng thơ, mỗi thể tài được trình bày trong các kinh đó đều được xếp loại theo từng thể và được gọi chung là Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm hay Phạn ngữ Gandavyuha là tên phẩm kinh kể lại công trình cầu đạo của Bồ Tát Thiện Tài Đồng Tử. Bồ Tát Văn Thù hướng dẫn Đồng Tử đi tham vấn hết vị đạo sư nầy đến vị đạo sư khác, tất cả 53 vị, trong 53 Thánh địa của đại sĩ Tăng lữ và cư sĩ, trụ khắp các tầng cảnh giới, mang đủ lốt chúng sanh. Mục đích của cuộc chiêm bái nầy là để chứng ngộ nguyên lý Pháp giới. Theo Giáo Sư Junjiro Takakusu trong Cương Yếu Triết Học Phật Giáo, lý viên dung của tông Hoa Nghiêm được phát triển chính yếu là ở Trung Hoa. Đây là điểm son cho những công trình học thuật của Phật giáo Trung Hoa. Như các tông phái khác, tông Hoa Nghiêm được thành lập trên nền tảng lý nhân quả duy tâm, nhưng theo chủ trương của Hoa Nghiêm, lý thuyết nầy có đặc điểm riêng. Đấy là “Pháp giới duyên khởi.” Trong pháp giới duyên khởi, mọi hiện tượng đều tùy thuộc lẫn nhau, cái nầy tùy thuộc cái kia, do đó một trong tất cả và tất cả trong một. Theo nguyên lý pháp giới duyên khởi nầy, không một sự hữu nào hiện hữu bởi chính nó và hiện hữu cho cái khác, nhưng toàn thể thế giới sẽ vận động và hành sự trong nhất trí, cơ hồ toàn thể được đặt dưới tổ chức tổng quát. Một thế giới lý tưởng như thế được gọi là “Nhất chân pháp giới” hay “Liên Hoa tạng.” Nguyên lý nầy căn cứ trên pháp giới duyên khởi của cảnh vực lý tánh (Dharmadhatu) mà chúng ta có thể coi như là sự tự tạo của chính vũ trụ. Đừng quên rằng đó chỉ là duyên khởi do cộng nghiệp của tất cả mọi loài, và nguyên lý nầy cũng dựa trên thuyết vô ngã. Trong thuật ngữ Phật giáo, nguyên lý viên dung được gọi là “Hoa Nghiêm” (Avatamsaka).
Tông Hoa Nghiêm được thành lập tại Trung Hoa vào khoảng năm 630 và tồn tại cho đến năm 1.000. Thời Hoa Nghiêm không phải là thuần viên vì nó gồm cả biệt giáo. Thời kỳ nầy kéo dài ba tuần lễ và Phật đã thuyết giảng ngay sau khi Ngài đạt được đại giác. Với giáo thuyết nầy, Đức Phật muốn đánh thức các đệ tử của Ngài, nhưng vì giáo pháp quá thậm thâm nên đa phần các đệ tử của Ngài đã không hiểu được những lời thuyết giảng nầy, tức là ý tưởng cho rằng vũ trụ là biểu hiện của cái tuyệt đối. Nói chung, giáo lý được giảng dạy trong thời kỳ nầy là pháp tự chứng của Phật trong sự đại giác của Ngài, nghĩa là khai thị về sự giác ngộ của Ngài. Thính chúng không thể thấu triệt nổi nên họ như câm như điếc. Trước Hoa Nghiêm tông, ở Trung Hoa đã có một phái mang tên là Địa Luận Tông và Pháp Tính Tông, y cứ trên bản luận giải của Thế Thân về Thập Địa Kinh. Tác phẩm nầy được phiên dịch sang Hán văn trong năm 508-512 do công trình của Bồ Đề Lưu Chi, Bửu Huệ và Phật Đà Phiến Đa. Theo truyền thuyết Phật giáo Trung Hoa, Hoa Nghiêm tông được ngài Đỗ Thuận sáng lập, giáo pháp dựa trên giáo lý của bộ kinh Hoa Nghiêm, được ngài Giác Hiền dịch sang Hán tự. Trường phái Hoa Nghiêm là một trường phái Phật giáo Đại Thừa được thành lập ở Trung Hoa, căn cứ theo lời Đức Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là một trong những bộ kinh thâm áo nhất của Đại Thừa, ghi lại những bài thuyết pháp của Đức Phật sau khi Ngài đã đạt giác ngộ viên mãn.
Tính đến Bồ Tát Long Thọ, tông Hoa Nghiêm có bảy vị tổ. Sơ Tổ Là Hòa Thượng Đỗ Thuận: Ngài Đế Tâm Đỗ Thuận là người sáng lập tông Hoa Nghiêm bên Trung Hoa làm thủy tổ, ngài thị tịch năm 640. Sau khi ông chính thức khai sáng tông Hoa Nghiêm, thì tất cả đồ đệ của Địa Luận Tông Nam Đạo Phái thảy đều bị thu hút quanh ông. Từ đó Địa Luận tông được coi như kết hợp với Hoa Nghiêm Tông. Nhị Tổ Là Hòa Thượng Trí Nghiễm: Ngài Vân Hoa Trí Nghiễm Pháp Sư là đồ đệ tài ba của Đỗ Thuận, lên kế tổ của tông phái nầy. Ông chịu ảnh hưởng của giáo thuyết Duy Thức, nên luôn cho rằng bản chất tối hậu của tất cả mọi thứ đều là tâm. Giống như ý niệm Duy Thức trong Kinh Lăng Già, hết thảy chư pháp đều ở bên trong cái tâm, không có pháp nào ở ngoài tâm (tâm có nghĩa là nhóm khởi lên các pháp; thức có nghĩa là phân biệt các pháp). Tam Tổ Hiền Thủ Pháp Tạng (634-712): Pháp Sư Pháp Tạng có công hệ thống hóa toàn bộ nền triết học Hoa Nghiêm. Hoạt động của ông không những chỉ là công trình văn học, mà còn cả ở dịch thuật và diễn giảng. Có bảy tác phẩm được xem là do ông viết ra. Trong số đó có quyển Hoa Nghiêm Nhất Thừa Giáo Nghĩa Phân Tế Chương, bàn luận về ý nghĩa độc đáo của giáo lý Nhất Thừa (Ekayana) thuộc kinh Hoa Nghiêm; quyển Hoa Nghiêm Kinh Minh Pháp Phẩm Nội Lập Tam Bảo Chương; và quyển Hoa Nghiêm Kinh Sư Tử Chương Vân Giảng Loại Giải. Tứ Tổ Là Thanh Lương Trừng Quán: Thanh Lương Trừng Quán Pháp Sư (738-806 hay 760-820?). Trừng Quán là vị Tăng nổi tiếng vào thời nhà Đường, tác giả của nhiều bộ luận, đệ tử của ngài Hiền Thủ, hoằng dương tông Hoa Nghiêm. Ngũ Tổ Là Khuê Phong Tông Mật Thiền Sư (780-841): Khuê Phong Tông Mật là tên của một vị Thiền sư Trung Hoa vào thế kỷ thứ chín. Hiện nay chúng ta không có nhiều tài liệu chi tiết về Thiền sư Khuê Phong Tông Mật; tuy nhiên, có một vài chi tiết nhỏ về vị Thiền sư này trong Truyền Đăng Lục, quyển XIII: Tông Mật lớn lên trong một gia đình Khổng giáo. Năm 807 ông đang chuẩn bị đi thi làm quan thì gặp một thiền sư. Vị thiền sư nầy đã gây cho ông một ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi ông quyết định đi tu. Ông bắt đầu từ việc nghiên cứu học thuyết thiền. Nhưng sau khi đọc một lời bình giải trong kinh Hoa Nghiêm, ông đã đến xin làm đệ tử của ngài Trừng Quán và là một trong những đại biểu chính của phái Hoa Nghiêm. Lục Tổ Là Mã Minh Bồ Tát: Thuật ngữ Bắc Phạn “Mã Minh” có nghĩa là “Tiếng ngựa kêu.” Mã Minh Bồ Tát, một nhà thơ và nhà triết học Ấn độ thuộc phái Đại thừa, sống vào thế kỷ I hoặc II sau Tây lịch (khoảng 600 năm sau ngày Phật nhập diệt). Ngài là tác giả của Buddha-Charita mô tả về cuộc đời Đức Phật. Ngài còn là một nhà trước tác nổi danh đương thời rất được vua Ca Ni sắc Ca (Kanishka) hộ trì. Theo truyền thống Phật giáo thì Asvaghosa sanh ra trong một gia đình Bà La Môn nhưng cải sang đạo Phật bởi vị sư tên Parsva trong trường phái Tỳ Bà Sa. Thất Tổ Là Long Thọ Bồ Tát: Theo truyền thuyết thì vào thế kỷ thứ ba, ngài Long Thọ du hành xuống Long cung để chép kinh Hoa Nghiêm. Theo một truyền thuyết khác thì Ngài đã tìm thấy kinh nầy trong một tu viện bỏ hoang. Ngài là tổ thứ 14 của dòng Thiền Ấn Độ, là sơ tổ của phái Trung Quán hay Tam Luận và Tịnh Độ tông. Ngày vía Đức Long Thọ Bồ Tát là ngày mười bảy trong tháng. Sau đời tổ sư thứ bảy, Tông Hoa Nghiêm được truyền bá sang Nhật Bản. Tông Hoa Nghiêm được truyền sang Nhật vào đầu nhà Đường và rất thịnh hành tại đây. Tại Nhật tông nầy lấy giáo thuyết Pháp Tính nên cũng có tên là Pháp Tính Tông.
Quyển sách nhỏ có tựa đề “Hoa Nghiêm Kinh & Trường Phái Mang Tên Bộ Kinh Này” này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về giáo lý nhà Phật, mà nó chỉ đơn thuần vạch ra những giáo pháp cốt lõi về con đường tu tập giác ngộ và giải thoát theo tinh thần tông Hoa Nghiêm dựa trên giáo thuyết của kinh Hoa Nghiêm cho hàng Phật tử chúng ta noi theo. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là tự giác, nghĩa là tự giác hay tự quán sát bằng cái trí của chính mình chứ không dựa vào kẻ khác; giác tha (sau khi tự mình đã giác ngộ lại thuyết pháp để giác ngộ cho người khác, khiến họ được khai ngộ và giúp họ rời bỏ mọi mê lầm và khổ não trong vòng luân hồi) rồi cuối cùng mới đi đến giác hạnh viên mãn, thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, đó chính là Niết Bàn đạt được ngay trong kiếp này. Cuộc hành trình từ người lên Phật còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Hoa Nghiêm Kinh & Trường Phái Mang Tên Bộ Kinh Này” song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.
Thiện Phúc
Xem thêm:
Mười Dấu Ấn Của Kinh Hoa Nghiêm
Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật
Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật Giảng Giải (trọn Bộ 25 Tập)
Yếu Lược Tinh Hoa Giáo Pháp Kinh Hoa Nghiêm | Thiện Phúc (Song ngữ Vietnamese-English)
Tu Tập Theo Tinh Thần Bồ Tát Trong Kinh Hoa Nghiêm (Sách Ebook Song Ngữ Vietnamese-English PDF)
- Từ khóa :
- Hoa Nghiêm Kinh