" Trong người anh có một tiếng nói, nó thường nhắc nhở anh những việc cần làm. Tiếng nói ấy, tức là tiếng nói của lương tâm anh... "
Victor Pauchet
" Có hề gì, nó đã sống..."
Một người hiểu biết nghĩa vụ, làm tròn nghĩa vụ là người xứng đáng làm người, khả dĩ làm tấm gương sáng cho đời.
Sinh trưởng trên trái đất loài người, con người là nguyên động lực chi phối tất cả. Con người là hiện thân của tất cả nên con người phải hiểu biết và thực hành tất cả trong mọi trường hợp và mọi thời gian.
Một gia đình sống ấm cúng trong sự hòa thuận, tin yêu vui vẻ không thể không đòi hỏi nhiều ở nghĩa vụ con người. Một quốc gia được vinh dự trên trường quốc tế được yên ổn sống trong khung cảnh hưng thịnh, phú cường là nhờ ở những người công dân có lương tâm, có hiểu biết và thành thực với nghĩa vụ mình. Cho nên một xã hội có đủ bằng cứ bảo đảm là một xã hội có tổ chức và tiến bộ trên nghĩa sống như thực, một lý tưởng hằng ôm ấp trong lòng sẽ tạo nên những hành vi hợp với lý tưởng, đem lại sự thực chân chính và lợi ích chung cùng, đều không phải ngoài nơi bản thân con người, con người sẳn có quan năng " tri, thành hợp nhất ".
Đối với chúng ta là một phần tử trong gia đình, quốc gia, xã hội, một địa vị trong tất cả hoàn cảnh để duy trì và kiến tạo, lẽ nào chúng ta lại không thể không thừa nhận chân giá trị, chân nghĩa vụ của con người chúng ta.
Khi chúng ta đã thừa nhận tất nhiên chúng ta phải tìm hiểu, phải vui vẻ gánh vác và phải thực hiện cho thích ứng với hoàn cảnh chúng ta.
1.- NGHĨA VỤ CHA MẸ ĐỐI VỚI CON CÁI.
" Đã là cha mẹ, ai cũng muốn đem lại sự lợi ích cho con cái, cho nên cha mẹ hay làm những việc khó làm, hay nhẫn những điều khó nhẫn ".
Kinh Bảo Tích
Nổi lòng cha mẹ
Cha mẹ con cái là một mối dây hòa đồng trong linh hồn gia tộc, nên cha mẹ sẵn có một nguồn thông cảm rạt rào không bờ bến trước sự sinh trưởng và tác thành của con cái. Dầu cho phải nhẫn nhục trước bao sự vất vả, khổ sở, ô uế hay khinh bỉ, trong khi thơ ấu cũng như trong lúc trưởng thành cha mẹ cũng chỉ biết dốc hết cả vào nơi con cái một lòng thương yêu chân thật và một sự cố gắng lo toan, gây dựng, nếu là cha mẹ biết làm đúng với nghĩa vụ của mình.
Để xứng đáng với nghĩa vụ ấy, Kinh Trường A Hàm đã dạy : " Người làm cha mẹ phải biết lấy năm việc thân thiết đối với con cái :
a/ Phải hạn chế không cho con làm điều ác
Con người trước khi cấu thành chỉ là một tổ hợp chung cùng của thiện và ác. Đã là chung cùng của " thiện " và " ác " khi sinh trưởng tất nhiên nó sẽ tương ứng với cảnh đời và nó sẽ tăng trưởng theo sự tương ứng ấy trong cảnh hay hay dở. Phàm làm cha mẹ phải biết nhận thức rành rẽ những hành vi của con cái. Hành vi ác, cha mẹ phải triệt để ngăn cấm, không cho nó sinh khởi và phải cố gắng diệt trừ khi nó đã sinh khởi để khỏi hư hỏng thân người, khỏi liên lụy đến mình và khỏi mất thanh thế gia phong. Nói cách khác, là cha mẹ phải chế ngự những cái gì làm ngưng trệ, suy đồi hay hủy hoại sự sống của con người và xã hội do con cái gây nên.
b/ Cần chỉ bảo cho con biết chổ thiện
" Thiện là những gì làm tăng trưởng hay duy trì sự sống của con người và của xã hội. Thiện là hết thảy những gì ứng hợp với khuynh hướng căn bản của bản chất, của sự cấu tạo con người và xã hội. Thiện là những gì ứng hợp với lề luật của sự sống ". Nghĩa là những gì thích hợp, bảo tồn được sự sống thực, đem lại lợi ích cho mình và cho người trên sự thật chân chính. Đã là sự thật chân chính tất nhiên nó là một phương châm hướng dẫn con người đạt đến chỗ chân, thiện, mỹ. Là cha mẹ không bao giờ muốn cho con lạc ngoài phương châm ấy mà phải cố gắng uốn nắn cho con theo đúng khuôn khổ của nó trong sự tìm hiểu và thực hành.
Năm điều răn, mười điều thiện hay cách xử thế v.v... đều là chỗ mà cha mẹ cần nên chỉ bảo cho con cái.
c/ Phải thương yêu con cái thật thắm thía.
Thương yêu là thường tình của người đời. Nhưng thương yêu cũng có mặt phải và mặt trái. Thương yêu như chàng Sở- Khang thương yêu nàng Thúy Kiều, như cô gái quạt mồ và đập săng trong truyện Trang Chu ... đâu phải là thương yêu chân thật. Thương yêu ấy phải được như bà Mạnh Mẫu thương con, như ông Trịnh Kiểm thương mẹ mới là tình thương yêu chân thật, mặc dầu sự thương yêu đó mới chỉ là một phương tiện. Thì đây, tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái phải thương yêu trong chia ngọt xẻ bùi, thương yêu trong rét, bức, đói, no, thương yêu trong ốm đau, tàn tật, thương yêu trong sinh tồn, yểu uổng... Nghĩa là không phút nào, không hoàn cảnh nào cha mẹ lãng quên con cái mới là cha mẹ biết làm trọn nghĩa vụ của mình.
d/ Nên vì con cái mà tìm chỗ kết hôn cho xứng đáng
Sinh tồn là truyền thống đương nhiên của con người. Con cái khi tuổi xuân đến độ, tất nhiên phải đòi hỏi ở nơi cha mẹ về vấn đề thành lập gia thất, trừ những người muốn thoát ly nó. Trong trường hợp ấy cha mẹ không thể yên nhiên phó mặc cho đời son trẻ. Cha mẹ phải ra công dò xét tâm lý con cái, phải tìm hiểu hoàn cảnh và cá tính của trai, gái nào có thể xứng đáng sánh đôi, đem lại hạnh phúc lâu dài cho chúng. Và sau khi bên đã ý hợp tâm đầu bằng sự hiểu biết chân thật chứ không phải là sự cám dỗ, mù quáng, áp bức, cha mẹ mới tùy theo hoàn cảnh, phong tục mà thành lập hôn lễ.
đ/ Nên tùy thời cung cấp cho những sự cần dùng
Trong khi con còn thơ ấu hay lúc hoàn cảnh và sức lực của cha mẹ còn có thể cung cấp được cha mẹ không nên tiếc con cái về những món ăn, áo mặc, thuốc men, giấy bút, vật dụng, chi tiêu. Nghĩa là tất cả những thứ gì, những vật gì đem lại sự sống còn, sự hiểu biết của con cái thì cha mẹ cần phải bố thí cho chúng để chúng có điều kiện lớn khôn và tiến tới.
Như thế không những cha mẹ có công sinh dục, lại phải có công tác thành cho con cái. Trong sự tác thành, không phải dễ dàng mà phải bao công phu bền bỉ, bao nổi lòng chân thật, bao chí khí cương quyết, bao nhận định sáng suốt, bao năng lực dồi dào mới đem lại sự an ổn và không lo sợ về con cái. Nhưng chỉ có vậy, mới xứng đáng là cha mẹ của con cái.
2.- NGHĨA VỤ CON CÁI ĐỐI VỚI CHA MẸ
" Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu. Điều ác nhất không gì hơn bất hiếu "
Kinh Nhẫn Nhục
Công ơn sinh dưỡng
Con người đã có thân, tất nhiên phải có cha mẹ. Có cha mẹ tất nhiên con phải biết báo đáp công ơn cha mẹ.
Đời nay có người tự cho mình là văn minh nên tự bình phẩm : " Cha mẹ không có ơn gì đối với con cả chỉ vì muốn thỏa mãn sự đòi hỏi của một chút dục tình mà chẳng may sinh ra con, nay nuôi nấng chịu cực khổ vì con là phải lắm ! "
Đành rằng đã sinh làm người, mấy ai lại khỏi có dục tình nên mới lập gia đình, mới sinh con đẻ cái, mới tác thành con người. Nhưng cha mẹ một khi sinh con, không có một cha mẹ nào lại không hi sinh cho con và vui lòng chịu cực khổ vì con. Những cha mẹ chịu chết vì con thì nhiều, những người con chịu chết vì cha mẹ thì hiếm ! Như thế sao dám tính toán, đo lường ân cao nghĩa trọng của cha mẹ.
Lời Kinh dẫn chứng
Để chứng minh cho ân đức ấy chúng ta hãy đọc những đoạn Kinh sau này, hãy thành kính nghiêng mình trước hình ảnh hai bậc ân nhân cao dày của những người biết vinh dự được làm con : " Cha mẹ đối với con ân đức cao nặng sâu dày : ân đức sản sinh, đem từ tâm cho con bú mớm, ân đức tắm giặt, nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con khỏi khổ được vui. Không bao giờ xao lãng việc nhớ con, thương con, sự thương nhớ ấy như bóng theo hình ‘.
Kinh Bổn Sự
Non Thái ơn cha mới sánh tầy !
Biển sâu là đức mẹ hiền nay !
Dù trong một kiếp ta lưu lại,
Nói đến công kia khó hết rầy !
Kinh Tâm Địa Quán
Và đây là công ơn mẹ hiền khi sinh sản :
Mẹ hiền khi thụ thai con
Cưu mang vất vả luôn luôn trong người,
Màng đâu năm dục trên đời,
Đồ ăn thức uống tùy thời tiếp nuôi,
Ngày đêm canh cánh ngậm ngùi,
Cảm thương... đi đứng nằm ngồi héo hon.
Đến thời trọn tháng sinh con,
Tựa gươm dao cắt ruột gan tơi bời,
Mê mang bất tỉnh sự đời,
Khắp mình đau đớn, suốt người đớn đau,
Hoặc lâm sản, bị mình nào ?
Thân tình quyến thuộc âu sầu phân chia.
Vì con mẹ chịu khổ kia !
Lo thương thống thiết lấy chi sánh bì !
Thân lành mạnh không hề chi,
Như người được của còn gì vui hơn !
Thấy con dung mạo phi thường,
Nhìn con... thương nhớ, nhớ thương khôn rời.
Cho hay mẫu tử tình đời !
Chắt chiu trước ngực không ngơi mẹ hiền.
Cam lồ suối sữa chảy liền,
Kịp thời cung dưỡng không phiền thiếu khan.
Niệm từ sâu rộng muôn vàn !
Công cao cúc dục khôn bàn tới nơi ! "
Kinh Tâm Địa Quán
Với ân đức ấy không sao kể xiết được. Nhưng có một điều là chúng ta phải làm thế nào báo đáp được ân đức ấy, nếu chúng ta đứng vào địa vị là người con có hiếu ? Kinh Trường A Hàm nói : " Làm con kính thờ cha mẹ có năm điều :
a/ Phải cúng dường cha mẹ không được thiếu thốn
Tất cả những sự cần dùng về ăn uống quần áo, thuốc men, vật dụng hay chi tiêu phải được đầy đủ.
b/ Làm việc gì phải trình thưa trước
Trước khi muốn thực hiện tất cả những công việc về sinh hoạt, sự nghiệp, giao tế... Chúng ta nên trình để cha mẹ rõ. Một là để giữ lễ độ cho phải đạo. Hai là sẽ được cha mẹ chỉ bảo cho những kinh nghiệm mà có khi chúng ta chưa nghĩ tới.
c/ Cha mẹ làm việc gì , vâng thuận không trái
Tất cả các công việc thực hiện lựa theo tiên ý của cha mẹ hay muốn thực hiện do cha mẹ sai bảo chúng ta không nên có lời nói phản kháng, mặc dầu trong những ý định ấy cũng có khi có sự sai lầm, nhưng chúng ta phải khéo dùng phương tiện để sửa đổi mà không phật ý cha mẹ.
d/ Cha mẹ dạy điều phải không được trái lệnh
Cha mẹ có thương con mới dạy bảo con những điều hay lẽ phải, chúng ta phải hết sức phục tùng không nên chiều theo tính hiếu kỳ, nông nổi hay vì địa vị của mình mà lãng bỏ.
đ/ Không được ngăn việc làm chân chính của cha mẹ
Những việc xây dựng trong gia đình, làm vẻ vang cho đất nước, bỏ việc ác, làm việc thiện, giúp đỡ những người thiếu thốn về tinh thần cũng như về vật chất... là những việc nên làm và cần làm, chúng ta không nên vì thành kiến hay lòng sẻn tham của chúng ta mà ngăn cấm cha mẹ. Kinh Hiếu Tử cũng nói : " Làm con cúng dường cha mẹ, lấy nước cam lộ trăm mùi nuôi dưỡng, lấy âm nhạc cõi Thiền mua vui, lấy y phục rực rỡ trang nghiêm thân thể, lấy vai cõng cha mẹ đi khắp bốn bể chưa được gọi là " Hiếu ".
Cha mẹ mê muội không biết kính tin Tam Bảo, cha mẹ tàn bạo cướp của, nói lời gian dối, cha mẹ trái ngược đạo chính, mê say cuồng loạn làm con phải hết sức can ngăn khiến cha mẹ hướng về đạo chính, giữ năm điều răn, làm mười điều lành, sống cuộc đời trong sạch : Không lấy trộm, không nói dối, không rượu chè, cờ bạc. Có thế cha mẹ ở đời mới được yên lành, lúc mệnh chung khỏi mọi điều phiền não, sinh lên các cõi vui vẽ, được nghe lời Phật thuyết Pháp. Chỉ vậy mới gọi là " hiếu ".
Chúng ta nhận thấy chúng ta được sinh ra đời, được sống ở đời thành người, toàn nhờ công ơn cha mẹ sinh thành và dưỡng dục. Công ơn ấy chỉ có thể tạm ví với non cao, bể rộng. Chúng ta làm người con phải luôn luôn nghĩ tới và tìm phương báo đáp bằng tinh thần cũng như vật chất, trong lúc sống cũng như khi chết, để đem lại sự an vui thiết thực và giải thoát cho cha mẹ.
" Thờ Trời, đất, quỷ, thần không bằng có hiếu với cha mẹ. Vì cha mẹ là vị thần minh cao hơn tất cả các vị thần minh ". Kinh Tứ Thập Nhị Chương.
3.- NGHĨA VỤ NGƯỜI CHỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI VỢ
" Thấy chồng thì biết được vợ "
Kinh Tạp A Hàm
Sự hệ trọng trong nghĩa vụ người chồng.
Người chồng là chủ nhân ông trong gia đình, người chồng là tấm gương sáng soi khắp những nổi lòng uẩn khúc, những đức tính cần có và những công việc cần cù của người vợ để đem lại lòng thân ái, đức nhân từ và sự vui vẻ trong gia đình. Người chồng phải luôn luôn tỏ ra là thương yêu, công bằng, đứng đắn và chăm chỉ để kiến lập gia đình, hầu đem lại sự kính thuận và tinh tấn của người vợ. Ảnh hưởng của người chồng đối với người vợ, đối với công việc gia đình không phải là kém phần hệ trọng.
Hiểu thấu sự hệ trọng ấy Kinh Trường A Hàm đã dạy : " Người chồng đối với người vợ phải cần có năm việc :
a/ Phải lấy lễ mà đối xử với nhau
Mặc dầu trong tình yêu đằm thắm của vợ chồng, hay khi tình yêu ấy đã đem lại một kết quả truyền tiếp cho tương lai, vợ chồng vẫn luôn luôn lấy lễ độ đối đãi với nhau, không làm phiền lòng vợ khi xử sự, khi ăn uống chờ đợi và không ngoại tình với người khác... Các nhà tâm lý học cũng như thực tế đều đã chứng minh điều đó : " Một tình yêu đằm thắm trong lễ độ, quyết nhiên một gia đình hòa hợp, vui vẻ và vĩnh cửu. Một tình yêu chỉ hướng về sự thỏa mãn nhục dục một cách sổ sàng trên bộc trong dâu tất nhiên không tránh khỏi nổi nửa đường đứt gánh, đem lại một bài học chua chát trong tình trường ". Chúng ta có thể nói rằng : " Bao cuộc hôn nhân bị đảo lộn, bị tan vỡ là phản ảnh của sự thiếu lễ độ, thiếu tình yêu chân thật, mà người vợ nhận thấy ở nơi người chồng ".
b/ Thường giữ vẻ uy nghiêm
Uy nghiêm là đức tính cần thiết của người chồng. Có uy nghiêm mới có thể giữ vững được cương kỷ trong gia đình. Có uy nghiêm mới đem lại sự kính thuận và làm tiêu tan những lỗi lầm nghi kỵ của người vợ. Nghĩa là nhờ sự uy nghiêm, nó đem lại cho gia đình đầm ấm, quy củ và thành thật với nhau nhưng, hẳn là một vẻ uy nghiêm trong êm ái, chứ không phải uy nghiêm trong võ dũng mà nó được bộc lộ ở nơi người chồng.
c/ Đồ ăn thức mặc tùy thời mà cung cấp cho vợ
Người ta ai lại không cần có sức khỏe. Muốn có sức khỏe phải được ăn uống, thuốc men, quần áo đầy đủ bảo đảm cho nó. Người vợ cũng thế, ăn uống cũng phải bổ dưỡng để đương nổi gánh nặng nội trợ, để đủ sức trong khi sinh sản và đủ sức trong khi dưỡng dục con cái. May mặc, chi tiêu cũng phải được đầy đủ, để thân bớt tật bệnh, khỏi tủi phận hờn duyên, khỏi lo nghĩ chán nản và khỏi vương những bệnh di truyền cho con cái về tâm lý cũng như về sinh lý. Cho nên đã là người chồng không thể lãng quên vấn đề này được.
d/ Tùy theo sự giàu, nghèo, sang, hèn của mình mà sắm sửa trang sức cho vợ.
Đàn bà là một phái nghiêng về vấn đề trang sức. Vấn đề trang sức là một vấn đề quan trọng nhất, còn hơn cả vấn đề học vấn và ăn uống.Vì theo tâm lý người đàn bà, có trang sức mới có giá trị, mới nổi bậc vai trò trên sân khấu đời, mới đem lại sự vừa ý trong mong muốn. Hiểu tâm lý ấy, người chồng nên tùy hoàn cảnh, tùy thời tiết sắm sửa cho vợ được trang nghiêm để cho người vợ khỏi có những giọt nước mắt thừa, những làn hơi thở dài trước những người này và người nọ là " thua em kém chị ".
đ/ Giao phó việc trong nhà cho vợ
Người chồng là người đã có mang sẳn tinh lực hoạt động. Hoạt động cho mình cho nhà, cho quốc gia, xã hội trên mọi mặt. Đã là người hoạt động tất nhiên sự hoạt động ấy phải chiếm mất nhiều thì giờ nên nó không thể cho phép người chồng quán xuyến tất cả những việc trong gia đình nếu đúng là người hoạt động. Và lẽ dĩ nhiên giữa xã hội này đều có sự phân công hợp lý. Công việc trong gia đình người vợ phải có nhiệm vụ đảm đang thay cho người chồng. Song người chồng cũng phải nhận lấy lẽ phải như thế mà giao phó thành thực cho người vợ không nên bảo thủ tất cả hay dò xét, nghi ngờ để đến nổi gia đình tan nát kẻ Bắc người Nam.
Trong một gia đình người chồng phải là người đứng vào địa vị thủ lĩnh, có trí óc phán đoán, giàu tình cảm, hiểu tâm lý, có đức độ, khoan dung, biết phân phối và biết làm trọn nghĩa vụ mình hẳn là một gia đình sẽ được hoàn hảo, một hạnh phúc chân thật sẽ được đáp lại bởi người vợ hiểu biết và kính thuận.
Một người vợ hiền đức là hình dáng phản chiếu của người chồng tài năng, độ lượng.
4.- NGHĨA VỤ NGƯỜI VỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHỒNG
" Cúng dường cha mẹ, phụng sự người chồng, chăm nom con cái, cũng gọi là tịnh hạnh ".
Kinh Tịnh Hạnh Pháp Môn
Ảnh hưởng giá trị của người vợ
Người vợ là người chủ sự chốn đình vi. Người vợ là người đem nguồn sống nhân từ, bác ái đượm nhuần khắp cõi lòng và thân thể con cái, là giọt nước cam lồ để an ủi những nổi lòng lo lắng cho chồng, là tấm gương sách tiến chí khí cho chồng đạt tới sự vẻ vang trên trường đời. Ảnh hưởng, giá trị của người vợ đối với gia đình, xã hội không phải là một sự quá thấp kém như nhiều người lầm tưởng, nếu là người vợ hiểu biết và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Muốn hiểu biết và thực hiện đúng nghĩa vụ ấy người vợ hãy nghiêng mình thành kính nghe những lời Phật dạy trong Kinh Trường A Hàm : " Người vợ nên lấy năm việc mà cung kính người chồng :
a/ Nên dậy trước
Tất cả công việc ở đời, không có chuyên cần cũng không có thành tựu. Một bà nội trợ trong gia đình, thay thế người chồng trông nom tất cả công việc không thể cứ bình tĩnh nằm ngủ rất muộn, phải dậy sớm để xếp đặt công việc trong ngày nay, điều khiển mọi người làm và săn sóc đến con cái. Bóng sáng không chờ đợi. Bóng sáng chỉ dành cho những người vợ muốn công việc được kết quả, muốn gia đình được đầy đủ và muốn xứng đáng là người vợ đáng tin cậy của người chồng. Vậy nên mỗi buổi sáng người vợ phải dậy trước chồng là lẽ đương nhiên chứ không phải là bất bình đẳng, nếu so sánh với người chồng còn ngủ.
b/ Nên ngủ sau
Cũng thế, tất cả công việc suốt ngày bề bộn, tối đến phải thu xếp hẳn hoi, nhà cửa phải đóng cài cẩn thận, con cái phải được ngủ yên nơi chốn, không phải là ít thời giờ, không phải là ít hơi sức, tuy rằng chưa kể đến dự định chương trình tiến hành công việc ngày mai do sự dự tính của người vợ nên người vợ cũng đành chịu đi ngủ sau và cũng coi đó là nghĩa vụ không thể từ chối được, nếu là người vợ xứng đáng.
c/ Lời nói phải ôn hòa
Ca dao có câu " Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ". thật thế người vợ phải lựa lời mà nói, đừng vì lời nói mà mình, người vợ trở thành kẻ thù số một của người chồng như các sách truyện, nhật báo đã tường thuật. Người vợ luôn luôn tự đặt mình như một nhà ngoại giao dùng những lời nói ôn tồn, hòa nhã, dịu dàng nhưng thân mật và lễ độ. Người vợ không bao giờ dùng những lời nói thô bỉ, tục tằn, vô lễ, cắn rứt đối với người chồng hay đối với con cái trong nhà.
d/ Phải kính thuận
Người vợ cần tín kính và hòa thuận với chồng. Khi người chồng đi đâu về nên đón chào niềm nở, khi ăn uống phải nên ân cần chờ đợi, khi ốm đau nên thuốc than săn sóc, khi cần tiêu dùng nên cung cấp đầy đủ, không nên nhìn nhau bằng vẻ mặt lạnh lùng, không nên tư túi của riêng hay nắm giữ độc quyền về kinh tế và không nên tư tình với người khác. Những việc gì định làm nên thảo luận và cũng có sự thoả thuận của người chồng. Những việc gì làm xong nên thông qua để người chồng cùng biết. Nghĩa là nhất nhất việc gì người vợ đều nhận mình là người đại diện cho người chồng và là luật tắc hoà thuận chính đáng trên cơ sở xây dựng.
đ/ Nên đón chiều ý chồng
Một công việc gì được kết quả, một gia đình nào được êm ấm đều là công phu của sự hiểu biết, cố gắng, nhường nhịn. Người chồng không phải là không có khi nặng lời với người vợ, nhưng người vợ biết nhẫn nhục vui cười không một chút giận dữ tất nhiên những lời nặng nề ấy sẽ được trở lại bình tĩnh, yên lành. Người chồng không phải là người không có sự ham muốn, nhưng người vợ cũng nên chiều theo sự ham muốn ấy và sẽ tìm phương sửa đổi, nếu là ham muốn không chính đáng. Những công việc kiến thiết gia đình do chương trình của người chồng đã định, người vợ nên vâng theo thực hiện. Khi giao tế cần phải có lịch sự, người vợ nên hiểu biết để làm vừa lòng người chồng đem lại vinh dự cho gia đình.
Cả một vấn đề được trình bày với bao sự tốt đẹp và sung sướng trong gia đình mà phát xuất điểm là ở nơi người vợ xứng đáng. Là người vợ có đủ tài ba điều khiển guồng máy nội vụ, đủ những đức tính cần mẫn, cương quyết, nhu hòa, sáng suốt, phục tùng, lễ độ, thành tín và phương tiện tất nhiên sẽ kiến tạo thành gia đình ấy, sẽ vững vàng hưởng thụ hạnh phúc lâu dài và sẽ mặc nhận là con người biết làm tròn nghĩa vụ của người vợ đối với người chồng yêu quý và là người mẹ hiền đối với con cái.
" Tâm đẹp được mọi người cung kính mới là cái đẹp chân chính "
Kinh Ngọc Gia Nữ.
5.- NGHĨA VỤ THẦY GIÁO ĐỐI VỚI HỌC TRÒ
" Thầy trò nên lấy đạo tương cảm thời tự nhiên tín kính nhau, coi người như mình ... "
Kinh Vấn Sự Phật Cát Hung .
Địa vị Thầy giáo
Theo sự phân công của xã hội thầy giáo ở một địa vị khá quan trọng.
Với nghĩa vụ của Thầy giáo đem thiên chức của mình cung cấp vào sự mong muốn của người sau hầu làm phát triển những điều cần thiết về thể chất, trí thức và tinh thần của họ. Do đó họ sẽ đáp lại sự nhu cầu của xã hội ngày mai và bảo đảm được nghĩa sống của họ.
Vì thế, nó đòi hỏi nơi Thầy giáo rất nhiều sự hi sinh, nếu đúng với nghĩa vụ như trong Kinh Trường A Hàm đã nói :
a/ Nên theo như pháp mà dạy dỗ họ
Một vật gì đẹp hay xấu, hữu ích hay vô ích đều thoát thai ở khuôn khổ đầu tiên do tay người thợ cấu tạo ra nó. Người học trò cũng thế, sau khi ra gánh vác việc gia đình, quốc gia, xã hội thành hay không, hữu dụng hay vô dụng đều là phản ảnh trung thành của sự rèn luyện khi sơ tâm của họ. Thầy giáo là một người lĩnh cái thiên chức thiêng liêng thay cha mẹ để dạy dỗ họ. Vậy Thầy giáo nên theo tiếng gọi của lương tâm, đem chỗ kinh nghiệm quán chiếu tâm lý họ và dùng những phương tiện chỉ bảo theo trình độ của họ một cách thân mật, vui vẻ nhưng không trái với lẽ phải, với chương trình.
b/ Nên dạy họ những điều chưa biết
Đây mới là lúc bắt đầu học hỏi để họ sẽ bước trên một con đường đầy chông gai nguy hiểm và dày đặc của cõi đời. Thầy giáo phải đem những chỗ hiểu biết của mình về thể dục, trí dục và đức dục mà dạy bảo họ : Đâu là cách rèn luyện thân thể cho bắp thịt nở nang, ăn uống tiết độ, nhà ở mát mẻ, thu hít dưỡng khí... Đâu là trao dồi trí tuệ, hiểu biết lý hóa, toán học, hiểu biết nguyên nhân của vũ trụ nhân sinh... Đâu là hiểu biết về cách xử thế đối với mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội... là những điều họ chưa biết cần cho họ biết.
c/ Nên giảng giải cho họ những điều đã nghe
Học không phải chỉ học trong phạm vi chương trình mà còn phải học tất cả những cái gì chung quanh mình có liên hệ tới mình bằng hữu hình hay vô hình. Học không phải là chỉ học suông, phải biết phân biệt, suy nghĩ và thực hành. Nhưng chưa chắc đã đúng hẳn, cần phải có chỗ quyết định, mà chỗ quyết định ấy tức là Thầy giáo. Thầy giáo cần đem những chỗ đã học, đã nghe hay những chỗ nghi vấn của họ, giảng giải cho họ một cách tỉ mỉ trên phương diện cụ thể hóa khiến họ hiểu thấu rõ rệt về mặt lý thuyết cũng như về mặt thực tế !
d/ Nên chỉ cho họ biết chọn bạn hiền
Cảnh sách nói : " Sinh dưỡng ta là cha mẹ, thành thân ta là thầy bạn ".
Bạn là những người giúp đỡ cho họ thành người, gián tiếp thay mình, thầy giáo dạy bảo họ. Vì bạn luôn luôn đi sát với họ, bình đẳng với họ có thể thẳng thắn bảo họ hay khuyên họ điều hay điều dở. Nhưng phải là bạn hiền lương, là những bạn biết ngăn điều trái cho nhau, có lòng thương mến nhau, chỉ làm lợi cho nhau và đồng lòng làm việc với nhau. Trái lại, là những bạn chỉ sợ hãi, chỉ luồn cúi ngoài mặt nhưng không thực bụng, chỉ có lời nói khéo léo nhưng ngấm ngầm sát hại, chỉ biết nịnh hót, chiều chuộng để cầu lợi và chỉ rủ rê làm điều càn bậy. Cho nên vấn đề giao bạn rất cần thiết cho học trò song, chắc chắn họ chưa đủ trí óc lựa chọn, tất nhiên thầy giáo phải có nghĩa vụ chỉ bảo cho họ một cách thẳng thắn, nhưng khéo léo, đừng làm phật ý trò khác.
đ/ Nên đem hết những chỗ mình biết dạy bảo họ
Thầy giáo nên tự nhủ : " Ta sinh ra để làm việc xã hội, ta đừng để lương tâm ta cắn rứt, ta đem hết tài năng của ta phụng sự cho bổn phận, ta cùng biểu đồng tình với tư tưởng của ông F. Gregh :
" Mai đây tôi có thác đi người ta sẽ nói : có hề gì, nó đã sống ", để làm mục đích cho ta trong khi thi hành sự vụ. Đã tự nhủ được như thế, tất nhiên sự không tận tâm, sự tham tiếc sẽ tiêu tan, sẽ đem lại cho sự ích lợi chung cho thầy và trò. Nếu không được thế, không những không phải là người hiểu nghĩa vụ và không còn là ân nghĩa sâu sa của thầy trò nữa.
Đối với học đường là một nơi đào luyện con người, tất nhiên trong đó nó tiềm tàng bao thắng nghĩa của con người, của xã hội. Thắng nghĩa ấy không đòi hỏi gì ngoài sự đòi hỏi về sự hiểu biết, thân ái, khôn khéo và tận tâm nơi thầy giáo. và chỉ có thế mới đem lại một giá trị như thật cho nghĩa vụ làm người đứng trong địa hạt giáo dục.
6.- NGHĨA VỤ HỌC TRÒ ĐỐI VỚI THẦY GIÁO
" Phàm học trò ở đời nên kính đức của Thầy, mừng điều thiện của Thầy và không nên có ác ý với Thầy ".
Kinh Vấn Sự Phật Cát Hung
Biết ơn, trả ơn.
Người ta sinh ra đời, không ai có thể mặc nhận là người không học mà hiểu biết được. Đã phải học tất nhiên là phải noi theo sự chỉ dẫn và đã làm tốn bao sinh lực, tâm lực của người khác. Người ấy chúng ta thường gọi là thầy giáo.
Với sự hy sinh cao cả của Thầy giáo, người học trò không thể lãng quên được, phải luôn luôn kính cẩn và cố gắng thực hành năm điều răn trong Kinh Trường A Hàm đã chỉ rõ để đáp lại công ơn ấy nếu là người học trò hiểu nghĩa vụ của mình :
a/ Nên cung cấp cho Thầy
Con người được sống cần phải có bao nhiêu mối tương quan phụ thuộc. Thầy giáo cũng thế, đứng vào địa vị giáo dục là một địa vị cao cả, nhưng phải chịu nhiều sự khó khăn, vất vả trong phạm vi suy nghĩ, nói năng, vận động và lãnh đạo. Sự vất vả ấy nếu không được sự cung cấp đầy đủ của học sinh hay của Chính Phủ, để bồi dưỡng thân thể và tâm thần tất nhiên sẽ đem lại cho ông một kết quả bi quan là suy yếu, giải nghệ hay là không đủ sức để dạy bảo học trò cho tấn tới được.
Cho nên sự nhu dụng của Thầy giáo cần được giải quyết một cách ổn đáng.
b/ Nên lễ kính, cúng dường Thầy
Biết cung cấp Thầy chưa đủ, phải biết lễ kính nữa. Nghĩa là người học trò luôn luôn phải có một thái độ lễ phép và cung kính đối với Thầy. Trong trường học cũng như những nơi khác từ dáng điệu, lời nói, việc làm hay khi kính biếu một vật gì người học trò phải chứng tỏ là một người có đức hạnh đượm vẻ " biết ơn và nhớ ơn Thầy " mà không vương một chút thị kỳ, kiêu mạn gì về năng lực, địa vị hay của cải của mình.
c/ Nên tôn trọng và quy ngưỡng Thầy
Đã học Thầy phải tôn trọng Thầy. Với giá trị Thầy, thân thế Thầy, địa vị Thầy, người học trò không nên làm mai một nó bất cứ trong trường hợp nào. Người học trò chỉ nhận ở bất cứ nơi Thầy là ngọn đuốc sáng soi đường cho ta đi trong đêm tối, ta không nên phân biệt hay câu chấp vào con người mà bỏ mất ánh sáng. Nhưng cũng có thể dùng ánh sáng soi lại ánh sáng cho người cầm đuốc sáng bằng cách thành thực và lễ độ. Nghĩa là người học trò biết đem bổn phận mình hướng về Thầy, kính mến Thầy, mặc dầu có khi Thầy vô tình đã sa vào lầm lỗi.
d/ Nên vâng thuận lời Thầy
Trong khi học tập hay lúc ra ngoài lớp Thầy có dạy bảo điều gì, việc gì, người học trò nên hết sức vâng lời, kính thuận và cố gắng thực hành. Thầy có quở trách không nên tỏ vẻ giận dử, bực tức và cãi lại, để cho bầu hòa khí được bền chặt mãi trong đạo nghĩa Thầy trò.
đ/ Nên ghi nhớ lời Thầy
Học để biết, biết để làm, nên tất cả những lời gì, những bài gì, do Thầy đã dạy bảo người học trò phải ghi nhớ kỹ càng để đem áp dụng vào việc lợi mình, lợi người, dầu khi còn theo học hay lúc xa Thầy.
Nên đây người học trò nên nhận lấy câu : " Hòa thuận, trung hậu, không oán ghét mà chân thành " là lời Đức Phật dạy trong Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung để làm châm ngôn cho đời chúng ta đối với công ơn của Thầy giáo.
7.- NGHĨA VỤ ANH EM, HỌ HÀNG ĐỐI VỚI NHAU
" ... Anh em, hàng trong ngoài của gia đình, nên kính mến nhau đừng nên ganh ghét nhau. Di sản có hay không đều nên chung hưởng cùng nhau. Lời nói sắc mặt thường hòa nhã không nên chống trái nhau ".
Kinh Vô Lượng Thọ
Tinh thần gia tộc
Sinh mệnh con người là một sự truyền tiếp không ngừng trong nguồn gốc nhân chủng. Cùng nguồn gốc tức là cùng huyết thống. Huyết thống ấy chu lưu xa, gần trong hệ thống gia đình nội, ngoại nên có thể gọi chung là " gia tộc ".
Gia tộc là một tổ chức mà thành phần trong ấy có anh, chị, em,chú, bác, cô, dì v.v... cùng thai sinh bởi sinh lực của cha mẹ, tổ tiên, cùng hấp thụ theo tư tưởng, tập quán của gia phong và cùng chịu ảnh hưởng chung về giá trị và thanh thế. Đã có một tổ chức chung, tất nhiên phải có quy tắc gì về sự đối đãi với nhau cho phải đạo ? Quy tắc ấy đã được trình bày, rõ rệt trong Kinh Lễ Sáu Phương : thân mật với nhau. Chúng ta phải luôn luôn tín kính, yêu mến nhau trong trật tự gia tộc.
Phải giúp đỡ nhau
Trong gia tộc nếu có ai bị hoàn cảnh thiếu thốn chúng ta phải phụ trợ cho nhau, nhà giàu có nên san sẻ cho nhau, có của gì tốt, sự gì hay cùng chia sẻ cho nhau chung hưởng.
Được như thế, linh hồn gia tộc mới trường tồn bất diệt, giây thân ái mới càng thêm khắn khít, nếp gia phong mới được nêu cao trong xã hội, sự sinh hoạt mới chiếm phần ưu thắng và do đó nền tảng quốc gia thêm bền vững.
" Người ta không bao giờ đặt ra cái đích để đi ra ngoài nó bao giờ ".
Người có tinh thần gia tộc hãy khép mình trong tinh thần ấy để đem lại sự an vui, hòa hảo vĩnh cửu cho mình và cho tất cả.
8.- NGHĨA VỤ BẠN BÈ ĐỐI VỚI NHAU
" Có thế trí mà không có bạn lành thì thường mê đạo. Chưa tự ngộ cần phải có bạn lành ".
Tông Kính Lục
Cần phải có bạn
Ở đời cần phải có bạn, có bạn để làm chiến lũy ngăn tất cả cái gì có thể đột nhập, phá hoại những cõi lòng trong trắng, tấm thân thanh sạch của mình. Có bạn, để đem lại những chỗ chưa nghe, chưa hiểu, chưa biết cho mình một cách rõ rệt có thực nghiệm.
Nhưng, bạn cũng có hai loại : bạn thân thiết và bạn thù nghịch :
A/ Bạn thù nghịch :
Những người chính là ác thù với mình mà mình lầm coi là bạn thân. Bạn ấy có 4 hạng :
Hạng
úy phục : Những người trước cho rồi sau gạt lại, cho ít
mong báo đền nhiều, vì sợ mà gượng cho hay làm thân, hoặc
vì lợi mà làm thân cũng có.
Hạng
mỹ ngôn : Những người dù hay dù dở cũng nghe theo để chìu
ý mình nhưng, hễ có hoạn nạn thì họ bỏ ngay, thấy người
tốt đến với mình thì họ ngấm ngầm cản và thấy mình
có việc nguy hại thì họ lại tìm phương hại thêm.
Hạng
kính thuận : Những người coi như có lễ độ, thuận tòng
nhưng hay nói dối trước khi có việc, sau khi có việc, đang
khi có việc và mình hơi có lỗi nhỏ một chút thì họ giở
mặt ngay.
Hạng
ác hữu : Những người chỉ làm bạn với nhau lúc uống rượu,
lúc đánh bạc, lúc chơi bời dâm dật và lúc múa hát.
B/
Bạn thân thiết : Những bạn thân ái chân thật, giúp ích
cho mình nhiều điều hay. Bạn này cũng có 4 hạng :
a/
Hạng chỉ phi : Những người thấy ai làm điều ác thì ngăn
cấm, bảo cho biết những điều chân chính, chỉ dẫn cho biết
đường về nơi an vui vĩnh viễn.
b/ Hạng từ mẫn : Những người thấy ai có sự ích lợi thì thì mừng, thấy ai có tội ác thì lo, khen ngợi cái hay của người và ngăn cản sự nói xấu của người khác.
c/ Hạng lợi nhân : Những người biết gìn giữ cho kẻ khác khỏi bị phóng đãng và hại của, giúp đỡ kẻ khác khỏi sợ hãi và trong chỗ kín đáo thường răn dạy nhau.
d/ Hạng đồng sự : Những người vì người đồng sự mà không tiếc thân mệnh, tiền của, tích cực bên vực nhau trong lúc sợ hãi và vì kẻ đồng sự mà trong chỗ kín đáo thường răn dạy nhau.
Một thí dụ...
Trước khi bắt tay vào công việc lựa chọn một trong hai loại bạn trên đây kinh Phật Bổn Hạnh đã cho chúng ta một thí dụ cụ thể : " Một hôm đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng ông Nan Đà vào thành Ca Tỳ La đến một hàng cá Ngài liền bảo ông Nan Đà : " Ông hãy vào hàng này xin một ít cá, bỏ vào lá, cầm một lát rồi ném xuống đất xem tay ông có mùi gì không ? " Ông Nan Đà liền làm theo lời Phật dạy và thưa : " Dạ có mùi tanh hôi bất tịnh ". Phật nói : " Thật thế, nếu thân cận với kẻ ác tri thức và chỉ giao thiệp với họ trong một thời gian ngắn liền nhiễm nghiệp ác, tiếng dữ đồn xa ". Cũng khi ấy đức Thế Tôn lại bảo ông Nan Đà : " Ông hãy cầm một bao hương của hàng này trong một thời gian ngắn rồi bỏ xuống xem tay ông có mùi gì không ? "
Ông Nan Đà liền làm theo lời Phật dạy và thưa " Dạ, chỉ có mùi thơm vi diệu khó lường ". Phật nói " Thật thế, nếu thân cận với hàng thiện tri thức, thường tập theo đức tính của họ sẽ thành đức lớn ".
Như thế, chúng ta đã thấy sự cần thiết, lợi ích hay nguy hại của bạn thân và bạn thù thế nào rồi. Cùng một tâm niệm, chắc chắn chúng ta nên chọn lấy bạn thân. Vì được bạn thân, gần bạn thân cũng như gần đèn thì sáng, như được châu báu sẽ đem lại sự vẻ vang và sung sướng.
Vậy chúng ta nên dùng những hành vi của người bạn thân thiết mà đối đãi với nhau, nếu chúng ta cần có bạn.
" Những ai có tình cảm cao thượng nhất là họ thọ nhất ".
Lời ông Bailey.
9.- NGHĨA VỤ CHỦ NHÂN VÀ TÔI TỚ ĐỐI VỚI NHAU
" Điều mình không ưa làm chớ nên trách người ".
Kinh Vấn Sự Phật Cát Hung
Ở đời mỗi người đều có một công việc để giúp đỡ nhau
Danh từ chủ nhân và tôi tớ là một danh từ được đặt ra để chỉ về con người chủ động và bị động trên công việc làm, hầu đem lại một mực sống chung cùng cho xã hội chứ không phải là một danh từ thống trị hay nô lệ.
Vì ai cũng là phần tử của xã hội phải hòa theo sự phân phối hợp lệ của xã hội, nếu đúng với chân nghĩa bình đẳng của đạo Phật.
Đúng chân nghĩa ấy còn đâu là phân chia giai cấp, còn đâu là sang, hèn, giàu, nghèo, còn đâu là sung sướng, khổ sở mà chỉ biết nhận ở nơi mình, chủ nhân, tôi tớ, một nghĩa vụ phải làm và phải xứng đáng với nghĩa vụ ấy.
Kinh Thiện Sinh nói : " Chủ Nhân phải biết nghĩa vụ mình đối với tôi tớ ".
a/ Nên tùy tài lực họ mà đặt để vào công việc
Có người thông minh, có người ngu độn, có người khỏe mạnh, có người yếu ớt nên chủ nhân cần phải lượng sức họ, xếp đặt công việc cho họ để khỏi thiệt hại quyền lợi của mình vì sự chậm chạp, vụng về của họ và cũng khỏi làm suy yếu thân thể, bạc nhược tinh thần của họ
b/ Nên đầy đủ lương soạn và thức ăn uống cho họ
Người lao động với vấn đề ăn uống và lương soạn là một vấn đề quan trọng. Họ đem lương thực để cung phụng cho xã hội, chỉ mong xã hội trả lại cho họ một giá phải chăng về cơm ăn, áo mặc đầy đủ, món lương công bằng và sòng phẳng, là chủ nhân cần làm thỏa mãn sự nhu cầu của họ.
c/ Nên săn sóc họ khi đau yếu
Ai khỏe mà không yếu. Yếu, khỏe là luật chung thì sự săn sóc cũng phải như nhau. Là chủ nhân, trong lúc này cần hết sức trông nom thuốc thang, cơm cháo... cũng như khi mình đau yếu.
d/ Nên cho họ nghỉ ngơi
Chủ nhân cần biết phân phối thì giờ cho hợp lý. Nghĩa là,trong một ngày đêm, theo luật quốc tế, chỉ nên để họ làm việc tám tiếng đồng hồ, ngoài ra nên để cho họ ngủ nghỉ kèm theo với những ngày nghỉ khác. Nếu được nghỉ, thân thể họ sẽ khỏe mạnh thêm, học hỏi được thêm, họ sẽ có nhiều sáng kiến giúp vào công việc của chủ và biết cách cư xử với chủ là khác. Lợi hại trước mắt mà ít người nhìn thấy!
đ/ Nên khen ngợi công lao họ
" Một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng "
Ở đời không mấy ai không có lòng tự ái và tính hiếu kỳ. Họ thấy sự cố gắng của họ được chủ biết đến còn chi sướng bằng, tất nhiên họ sẽ cố gắng hơn lên. Là chủ nhân nên dùng phương sách này bằng lời nói, hay của cải để khích lệ họ.
Đó là một nghĩa vụ mà chủ nhân đã thực hiện, để đáp lại nghĩa vụ ấy người tôi tớ có năm việc cần làm :
a/ Nên có lễ độ đối với chủ
Lễ độ là một việc cần thiết trong luân lý mà không một phương sở nào không dùng nó, mặc dầu hình thức khác nhau. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi làm việc đều phải có lễ độ đối với chủ cho tôn nghiêm
b/ Nên làm việc cho chu đáo
Khi chủ đã đặt để mình vào công việc gì phải làm cho đến nơi đến chốn không nên trốn tránh lười biếng, lơ đãng để tốn phí thời giờ.
c/ Nên làm việc cho có trật tự
Tất cả việc gì mình làm cần phải có ngăn nắp. Việc trước làm trước, việc sau làm sau. Và, trong khi làm hay khi thôi về một công việc gì, vật liệu hay tài liệu cần được cất để trật tự không nên ngổn ngang lộn xộn.
d/ Nên có lòng thật thà
Tất cả của cải hay đồ vật của chủ mình đều coi giữ cẩn thận và cũng không nên có bụng tham lam, trộm cắp một thứ gì, nếu không phải là chủ cho mình.
đ/ Nên ngợi khen danh tiếng chủ
Bất cứ trường hợp nào mình đều kính mến chủ và tán thán những đức tính tốt của chủ một cách thành thực.
Có như thế lẽ sống trong sạch của đôi bên mới có giá trị, hạnh phúc chân thật mới được cảm thụ, giây thân ái mới được bền chặt, nguồn kinh tế mới được dồi dào và nền hòa bình mới có bảo đảm lâu dài được.
" Bí quyết của thành công là mình biết đặt vào địa vị người khác ".
10.- NGHĨA VỤ CÔNG DÂN ĐỐI VỚI QUỐC GIA
" Các bạn hãy yêu Tổ Quốc của các bạn, vì nó là tên họ của các bạn ở giữa vạn quốc, là vinh quang của các bạn, là chữ ký của các bạn đấy ! ".
J.Mazzini
Quốc Gia
Quốc gia là một tổ chức do nhiều phần tử nhân dân kết hợp, cùng chung một tiếng nói, cùng chịu một ảnh hưởng về phong tục và có một lịch sử, một lĩnh thổ nhất định. Đã do sự kết hợp tất nhiên sự hưng vong của nó không phải là không đòi hỏi nhiều ở nơi nghĩa vụ người công dân.
Nghĩa vụ người công dân là một nghĩa vụ thiêng liêng cao cả đối với sự mất, còn của đất nước, sự sướng khổ của nhân dân nên công dân phải hết lòng vì nước, vì dân. Chúng ta hãy xem Kinh Bồ Tát Diệm Tử dạy : " Làm vua quan, công chức phải biết thương dân, dạy dân. Làm người dân phải biết tuân theo và kính nhượng ".
A/ NGƯỜI CÔNG CHỨC
Người công chức cũng là người công dân, được dân suy tôn hay đề cử để thay mặt dân, cầm vận mệnh quốc gia, giành lại hay duy trì nền độc lập, tự do, hạnh phúc cho quốc dân. Đã thay mặt dân tất nhiên không thể bỏ dân, làm ngu dân, hại dân, hay xa dân. Trái lại, phải cần dân, dạy dân, thương dân và gần dân.
a/ Biết gần dân
Người công chức phải luôn luôn đi sát với dân chúng, đồng sự với dân chúng, cùng tìm hiểu trong sự sinh hoạt, sự cần thiết cho lẽ sống về tinh thần và vật chất của dân chúng. Người công chức muốn tỏ ra mình là bạn dân nên theo lời ngài Lão Tử nói :
" Người quân tử muốn tỏ đức với thiên hạ bao giờ cũng hạ mình thấp xuống ".
b/ Biết thương dân
Đã hiểu được ý niệm của dân chúng tất nhiên người công chức phải biết thương dân. Thương dân tức là đem lại sự an ninh trật tự, thuốc men đầy đủ, kinh tế dồi dào, vật dụng phong phú và một nền văn minh tiến bộ cho dân chúng.
c/ Biết dạy dân
Muốn cho dân được thỏa mãn nguyện vọng người công chức phải đem hết tài năng mình dạy dỗ dân chúng về tất cả mọi mặt : chính trị, ngoại giao, hành chính, quân sự, văn hóa, công nghệ, kỹ nghệ, canh nông, thương mại v.v... một cách thân ái và bình đẳng, nghĩa là dạy bảo nhưng không có hình dung gì là dạy bảo.
d/ Biết cần dân
Dạy cho dân biết đường lối làm người công dân để cung ứng vào công việc quốc gia tức là phải cần dân. Đã cần dân dĩ nhiên tất cả việc gì liên hệ đến tinh thần quốc gia dù đối nội hay đối ngoại đều phải được sự đồng ý của dân. đã hỏi ý kiến của dân tức là người công chức đã mặc nhận và tôn trọng quyền tự do hoàn toàn của người công dân, hay ít nhất cũng được quyền tự do như nhà văn hào Milton viết : " Trên hết mọi việc tự do khác hãy cho tôi tự do biết nói và thảo luận tự nhiên theo lương tri của tôi ".
Nghĩa là người công chức phải tự nhận mình là công bộc của dân, làm việc cho dân, tất cả đều hướng nhiều về hai chữ " vì dân ". Người công chức phải làm sao cho dân quý, dân mến, dân yêu, dân phục. Người công chức đối với dân chúng nên cố gắng làm tương tự như lời Ngài Mạnh Tử khuyên : " Kính cha mẹ mình và cha mẹ người, thương con nhỏ mình và con nhỏ của người ".
Và xin đừng để ông Shakespeare cũng như dân chúng phải cất tiếng nguyền rủa, kêu than : " Người đời ôi, người đời kiêu căng quá, họ hơi khoác một chút uy quyền vào mình, họ liền diễn trước hóa công những hài kịch lố lăng đến nổi các vị thần minh trông thấy cũng phải sa lệ ! "/
B/ NGƯỜI DÂN
Người dân đã được thừa hưởng một đặc quyền về tự do, hạnh phúc dưới chính thể " vì dân ", người dân phải hết sức cung kính khiêm nhượng người công chức và phải triệt để tôn trọng, tuân theo hiến pháp, hiến pháp do dân lập ra. Đã nhượng kính và tuân theo tức là người dân phải thực hành đúng với nghĩa vụ của mình.
a/ Không làm điều phi pháp
Tất cả những gì thuộc về lời nói, ý nghĩ, việc làm trái với lương tâm, trái với đạo lý, trái với pháp luật người dân đều không vi phạm tới. Như không giết người lấy của, không hãm hiếp, cướp bóc, không đánh nhau, kiện cáo v.v...
b/ Biết đoàn kết chặt chẽ
Tất cả mọi người đều đồng tâm nhất chí, hiểu biết nhau, thân yêu nhau, nắm chặt tay nhau cùng nhau chung sức để bảo vệ tổ quốc, kiến thiết quốc gia, làm hậu thuẩn cho Chính phủ để thực hiện hiến pháp mà không bị mù quáng trước quyền lợi tư kỷ. " Các bạn phải đoàn kết mạnh mẽ, nếu không các bạn sẽ bị tiêu diệt ".
c/ Biết đóng góp đầy đủ
Muốn bảo vệ Tổ quốc, kiến thiết quốc gia đều trông vào tài nguyên vô tận của dân. Người dân hãy dốc vào những công việc ấy bằng tất cả nhân lực, vật lực của mình khi mà tất cả công việc ấy đã được hiến pháp bảo đảm và công nhận cho sự chân chính của nó.
d/ Biết tận tâm tận lực
Bất cứ công việc gì có lợi ích cho quốc gia, cho quần chúng, người dân phải đem hết tài năng, sinh lực mình vào công việc ấy, không chút do dự, trốn tránh và chậm trễ để làm hao tổn thì giờ hay tinh thần của quốc gia. Vì " Bỏ một ngày đi tới vinh quang tức là bỏ một ngày đi tới hạnh phúc".
Người dân phải nhận lấy công việc quốc gia là công việc của mình. Quốc gia hưng thịnh hay suy vong người dân sẽ chịu ảnh hưởng sung sướng hay nô lệ. Sung sướng hay nô lệ không đòi hỏi gì ngoài sự tận tâm, đoàn kết hay trốn tránh, chia rẽ ngay tại bản thân người dân. " Anh được tự do sống hay là để sự sống lôi cuốn anh "
Như thế nghĩa vụ người công dân, công chức và thường dân đối với quốc gia rất quan trọng, quan trọng vì sự sống còn, sự vinh quang của dòng máu truyền thống trên giải đất hữu định. Vậy chúng ta hãy nghiêng mình kính cẩn đảm nhận lấy nghĩa vụ ấy.
" Biết đoàn kết, biết ăn ở hoà hảo cùng nhau và thường hội họp nhau lại để lo bàn việc nước thì không sợ gì sẽ bại vong mà nhất định sẽ được cường thịnh, phong phú thêm lên "
Kinh Trường A Hàm.
11.- NGHĨA VỤ CON NGƯỜI ĐỐI VỚI XÃ HỘI
" Kẻ nào không quan tâm tới người khác kẻ ấy sẽ gặp nhiều sự khó khăn và còn là người có hại nhất cho xã hội ".
Adler
Xã hội
Xã hội là một tổ hợp bởi nhiều phần tử có liên hệ về sự sinh hoạt. Trong sự sống còn của loài người được sung sướng hay đau khổ là phản ảnh của xã hội thịnh đạt hay suy vong là hiện thân của con người tinh tấn hay biếng nhác, hiểu biết hay ngu si. Cho nên nghĩa vụ con người đối với xã hội không phải là không cần thiết.
Khế Kinh nói : " Ta không cần phúc báo nào cả đến phúc báo được tái sinh ở một nơi cõi Cực lạc. Nhưng ta tìm tòi sự lơi?lạc cho loài người, ta tìm cách làm cho những kẻ lạc đường biết quay trở lại, soi đường cho những kẻ sống tối tăm và lầm lỗi, làm cho đời hết mọi phiền não và đau thương ".
Muốn làm cho đời hết mọi phiền não và đau thương cần phải chứng nhập chân lý của sự vật, dùng chân lý hướng dẫn chúng sinh như trong Kinh Độ Thế nói : " Nắm ngọn đuốc pháp chiếu khắp mười phương, phá tan đen tối, làm cho ai nấy đều được bước lên đường quang minh của Phật ".
Tiến tới đường quang minh của Phật không phải xa xôi mà tự ngay nơi vững tin, gắng làm và phát nguyện của chúng ta biết hướng về, toàn thể Kinh Hoa Nghiêm nói : " Bồ Tát có phúc đức lớn, có tâm rộng rãi, có chính niệm quán sát nên không thoái thác công việc độ sinh mà Bồ Tát thường vì sự lợi ích cho tất cả chúng sinh siêng tu phép lành và chưa từng lầm khởi những ý niệm bỏ chúng sinh... Dùng giáp trụ đại nguyện của Bồ Tát để trang nghiêm, cứu độ chúng sinh nên Bồ Tát luôn luôn tiến tới chứ không lui chuyển ... "
Căn cứ vào giá trị trên đây đã đem lại cho chúng ta một đường đi rõ ràng trong sự thực hiện nghĩa vụ của chúng ta giữa xã hội ;
a/ Phải hiểu biết và tận tâm
Trước một nghĩa cử gì nếu chúng ta không hiểu biết rõ ràng, chúng ta không nên làm và nếu chúng ta làm chúng ta phải thể nhập sự thật, hướng theo sự thật, đem lại lợi ích chung cho cá nhân và xã hội chúng ta. Chúng ta tự nhận chúng ta là một cá nhân trong xã hội, chúng ta nhờ xã hội mà sống và xã hội sống nhờ chúng ta nên chúng ta phải dám nhận là vị Bồ Tát hi sinh, tận tâm làm việc cho xã hội. Bất cứ trường hợp nào, điều kiện gì, hi sinh đến mực nào mà những công việc ấy có tính cách xã hội, lợi ích cho toàn thể chúng ta đều cố gắng thực hành, không sờn lòng nản bước hay chậm trễ.
b/ Phải thân ái với nhau
Kinh Trường A Hàm nói : " Bậc hiền biết hòa giải những người chia rẽ, kết chặt những người đồng tâm nhất chí ... ". Ta là người, người là ta. tất cả những cái ta muốn là người muốn, những cái ta không muốn tức là người cũng không muốn. Chúng ta cố gắng nói nghĩ, làm như bậc hiền, chúng ta luôn luôn thân mật, yêu mến nhau, sống chung với nhau trong sáu điều hòa kính của Phật :
_ Thân hòa : chung sống an bình,
_ Khẩu hòa : lời nói êm dịu,
_ Ý hòa : vui vẻ chân thành,
_ Kiến hòa : giúp thêm hiểu biết,
_ Giới hòa : cùng tu, cùng tiến,
_ Lợi hòa : quyền lợi đồng đều,
c/ Phải giúp đỡ nhau
Theo nghiệp lực của nhân quả, con người có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau : đâu là thông minh, ngu độn, khỏe mạnh, ốm yếu, đâu là sung sướng, đau khổ... Do đó chúng ta có nghĩa vụ phải giúp đỡ nhau tùy theo hoàn cảnh và năng lực của mình, như giúp đỡ tiền của, thuốc thang, cơm áo, giúp đỡ sách, vở, báo chí hay dạy học, giúp đỡ bằng lời an ủi hay hi sinh cứu vớt khi lâm nạn v.v... Nhưng sự giúp đỡ ấy phải thốt ra tự đáy lòng chân thành của chúng ta như lời Bác sĩ Albert Shweitzer nói : " Một đồng xu nhỏ của một quả phụ thiếu thốn đem cho người nghèo có nhiều giá trị hơn những món quà lớn của nhà triệu phú tặng kẻ bần hàn, nếu đồng xu nhỏ ấy là tất cả gia sản của quả phụ ".
d/ Phải dạy bảo nhau
Đã thân yêu nhau, đã giúp đỡ nhau phải dạy bảo nhau cùng hiểu biết về chân lý, về sự nghiệp của lẽ sống và đời sống của con người. Chúng ta còn dạy bảo nhau về cách xử thế như đối với mình, đối với gia đình..., biết tìm hướng đi chân chính :
_ Hiểu biết chân chính : nhận thức sáng suốt và hợp lý
_ Suy nghĩ chân chính : suy nghĩ không trái với lẽ phải, có lơi?cho mình cho người.
_ Lời nói chân chính : nói những lời có ích lợi chính đáng
_ Hành động chân chính : hành vi, động tác chân chính và ích lợi.
_ Lẽ sống chân chính : nghề nghiệp sinh sống chính đáng, lương thiện, không bạo tàn, ti tiện.
_ Siêng năng chân chính : siêng làm những việc chính đáng, có lợi cho mình cho người.
_ Nhớ nghĩ chân chính : điểm này có hai loại là " Chính ức niệm " và " Chính quán niệm ".
Ức niệm là nhớ nghĩ cảnh quá khứ, quán niệm là quán sát cảnh hiện tại và sắp đặt, tưởng tượng cảnh tương lai. Song dù tưởng việc đã qua, nghĩ việc nay, mai cũng đều phải hướng về chổ hoàn toàn chân chính.
_ Định lực chân chính : tập trung tư tưởng suy xét sự vật một cách chính đáng.
Được thế xã hội còn đâu là chia rẽ giai cấp, còn đâu là quyền lợi bất bình đẳng, còn đâu có sự xung đột cạnh tranh, lầm than điêu đứng, còn đâu bị phiền não cấu xé, mà chính là ngọn đuốc sáng, soi tỏ cho con người tiến trên đường chân chính, giải thoát là nền tảng hòa bình vĩnh viễn, như thật được xây dựng giữa xã hội loài người.
Chúng ta nhận lấy nghĩa vụ của chúng ta và chúng ta cố gắng theo đuổi nó một cách chân thành và kính ái.
" Các bạn hãy yêu kính lý tưởng của các bạn, vì nó là quê hương của tinh thần, xứ sở của linh hồn ".
12.- NGHĨA VỤ CỦA CON NGƯỜI ĐỐI VỚI TÍN NGƯỠNG
" ...Tín ngưỡng ở đời rất nhiều nhưng, những người hiểu thấu tín ngưỡng và tín ngưỡng chân chính thì hiếm lắm ! ".
Tín ngưỡng là niềm tin tưởng đặt trên hi vọng và đạt kết quả trong hi vọng
Chúng ta ai cũng phải có sự tin tưởng trong lòng tùy theo thời gian và hoàn cảnh, nhưng chúng ta có biết tự luyện, tự tạo, tự phát triển nó hay không mà thôi. Bất cứ một công việc gì muốn thành công không phải là không đặt vào đấy rất nhiều tin tưởng và hi vọng. Con người muốn nên người không phải là không có sự tin tưởng và hi vọng thành người. Tin tưởng và hi vọng là tín ngưỡng. Tín ngưỡng có kết quả sau khi tự mình suy nghĩ, thể nghiệm và thực chứng chân lý, dù mình tin theo một học thuyết nào, một đạo giáo nào. Vì học thuyết hay đạo giáo chỉ là ngón tay chỉ lên mặt trăng, chứ không phải ngón tay là mặt trăng. Và biết hay không biết là quyền lựa chọn của đứa trẻ, không ai có quyền bắt buộc nó.
" Anh hãy là ngọn đuốc và là nơi nương náu cho chính mình anh, anh đừng nên tự phó thác vào chốn dung thân nào khác ".
Thực là một lời nói huyền diệu cho tinh thần của hai chữ " Tín Ngưỡng " của con người và con người tín ngưỡng được bày tỏ trong Kinh Đại Niết Bàn với một giá trị tự do cao thượng.
Sự cần thiết và quan hệ của tín ngưỡng
Cao thượng nên nghĩa vụ của con người đối với tín ngưỡng không phải là không quan hệ, nó quan hệ cũng ngang với tín ngưỡng phải có nơi con người. Con người không thể sống một đời sống không tin tưởng. Con người không thể sống một đời sống không hi vọng. Có tin tưởng, có hi vọng, con người phải biết nhận xét nó, phải biết suy nghĩ nó, phải biết kinh nghiệm về nó, phải biết chính thực nó, đem nó soi sáng lại con người, tự làm cho con người có nguồn hạnh phúc chân thật và giải thoát. Nếu con người không biết tự soi sáng con người, thì con người chỉ là mồi ngon cho mọi vật cám dỗ, là nô lệ hóa, mà tự mình đào hố chôn vùi tính linh giác của mình. Vì thế, với hai chữ " phải biết " trên đây là nghĩa vụ của con người đối với tín ngưỡng một cách thiêng liêng cao cả, nếu con người tự biết cho mình là Phật, là Thượng đế , là chủ nhân ông của con người.
Tín ngưỡng trong đạo Phật
Cùng một ý nghĩa ấy, tín ngưỡng trong Đạo Phật chỉ là một sự tin cậy vào giáo Pháp do đấng Giáo chủ đã cố công tìm ra con đường giải thoát cho chúng sinh. Chúng sinh phải tự lực cố gắng, thực chứng, giác ngộ theo con đường ấy.
_ Vì đạo Phật là một kỹ thuật, một kỹ thuật hợp lý, có công năng bạt trừ khổ não, chứ không phải là một tôn giáo như định nghĩa thông thường của danh từ. Đức Phật Thích Ca Mâu ni đã nói : " Giáo lý của tôi cũng như chiếc bè chở tất cả mọi người qua sông, nhưng qua sông rồi mọi người không nên nắm giữ nó, vì chính pháp còn phải bỏ huống là phi pháp ".
Kinh Kim Cương
_ " Tôi chỉ là người hướng dẫn ... Tôi như người Thầy thuốc xem bệnh cắt thuốc, còn uống hay không là tùy ở bệnh nhân chứ không lỗi ở Thầy thuốc... "
Kinh Di Giáo
_ " Các vị Tỳ khưu, Tỳ khưu Ni, thiện nam, tín nữ nào luôn luôn làm trọn phận sự, biết ăn ở theo chính giáo, biết noi theo đường chân chính mới đáng gọi là những người biết tôn kính, thờ phụng, sùng bái, cúng dường Như Lai bằng cách cao thượng ".
Đại Niết Bàn
_ " Tất cả những sự thật theo kinh nghiệm riêng của anh và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc riêng cho anh và hạnh phúc cho tất cả mọi loài thì chính đó là sự thật và anh cố gắng sống theo sự thật ấy "
Kinh Kalamas
Y cứ vào những giáo lý trên đây chúng ta nhận thấy đạo Phật không thể xây dựng trên tín ngưỡng hình thức, chúng ta chỉ đem giáo lý của Phật dùng làm mực thước để chúng ta nương tựa vào đấy để chúng ta uốn nắn hành nghiệp trong đời chúng ta. Và, ngoài giáo lý ấy chúng ta không đem một nghi lễ nào khác như cúng tế, đồng bóng, mù mã, xôi thịt... thay thế vào được
_ Đạo Phật không xây dựng trên tín ngưỡng thần quyền, vì đức Phật không phải là thần tiên, sứ giả để tuyên dương một chân lý đã phát minh. Ngài chỉ là người khai diễn những điều tự mình đã giác ngộ và khai thỉnh chúng ta tu tập theo những điều Ngài đã tu. Chúng ta cố nhiên không thể tu tập được nếu chúng ta không hiểu rõ yếu chỉ của sự giác ngộ, chứng đạo của Phật.
Muốn được sự giác ngộ, chứng đạo như Phật, bước đầu tiên chúng ta phải học hiểu Phật Pháp, tu tập quán sát, thể nghiệm thực nghĩa trong lúc Thiền định, thực dụng trong đời sống cá nhân của chúng ta, khi chúng ta đã nhận thấy chỗ chí chân của đạo lý. Và chúng ta cứ thực hành như thế cho tới mục đích cứu cánh của đạo.
Như thế con người có tín ngưỡng, thực hành theo tín ngưỡng chân chính là con người biết nâng cao giá trị con người, biết sống đời sống thanh cao, biết tự chủ được mình và chi phối được tất cả.
" Chúng sinh là Phật sẽ thành "