Chương Ii. Phật GiáoTrung Quốc

31/12/201012:00 SA(Xem: 17108)
Chương Ii. Phật Giáo Ở Trung Quốc

VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LƯỢC
Tác giả: Thích Mật Thể
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

Chương hai

II. PHẬT GIÁOTRUNG QUỐC


Nước ta lúc đầu ảnh hưởng Phật giáo tuy có trực tiếp với Ấn Độ, song sự truyền bá không được phổ cập hết dân tộc, nên sau Phật giáo có thạnh là nhờ kinh điển của Trung Quốc đã dịch lại ở văn Phạn. Bởi thế, ta cần biết qua lịch sử Phật giáoTrung Quốc.

Trong sách Liệt Tử có dẫn lời đức Khổng Tử rằng : “Khâu này nghe phương Tây có bậc Thánh, không trị mà không loạn, không nói mà tự tin”.

Lại sách Ngụy thư thích Lão chi có chép : “Vua Võ Đế nhà Tây Hán sai tướng Hoạt Khử Định đánh nước Hung Nô, bắt được hình người bằng vàng dài hơn một trượng, đem về dâng vua, vua liền đem vào thờ ở trong cung Cam Tuyền, thường ngày thắp hương lễ bái”.

Cũng trong sách ấy chép : “Đời Tây Hán có tướng Trương Khiên phụng mệnh vua Võ Đế đi sứ Tây vức về tâu rằng : Bên nước Thân độc (một nước trong xứ Tây vức bấy giờ) có đạo Phù Đề (tức Phật giáo)”.

Sách Liệt tiên truyện của Lưu Hướng đời Tây Hán Thành đế có chép : “Từ đời Hoàng đế đến nay, đắc đạo có hơn 700 người, nhưng trong số ấy tu theo đạo Tiên chỉ có 146 người, còn bao nhiêu đều theo đạo Phật”.

Xem đó đủ biết dân Trung Quốc biết có Phật giáo đã lâu lắm, trong dân gian rải rác đã có người theo và trong nước đã có dư luận về đạo Phật vậy.

Mãi đến đời nhà Đông Hán, niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (TL.67) vua Minh Đế sai các ông Thái Hâm, Vương Tuân, cả thảy 18 người, qua nước Đại Nhục Chi để rước Phật về thờ và có mời được hai vị sư là Ca Diếp Ma ĐằngTrúc Pháp Lan qua Trung Quốc. Vua Hán Minh Đế liền sắc dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và cho hai ngài ở đó dịch kinh, truyền đạo Hai ngài dịch được kinh Tứ thập nhị chương và 16 quyển khác. ở Trung Quốc, Phật giáo được triều đình thừa nhận, có làm chùa và dịch kinh là bắt đầu từ đó. Dần dần đạo Phật càng ngày càng bành trướng khiến đạo Lão gần mất hết thế lực. Bởi thế, những nhà truyền đạo từ Tây vức lục tục kéo sang Trung Quốc, như ngài An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sấm, Chi Diệu, Trúc Phật Sóc là những bậc nổi tiếng nhất. Đến đây, kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán đã đến số 300 bộ.

Nhà Đông Hán mất; Ngụy, Thục, Ngô nổi lên, tức là đời Tam Quốc, có ngài Khương Tăng Hội từTây Vức qua truyền đạo, thuyết pháp, vua Ngô Tôn Quyền chịu qui y. Năm thứ hai niên hiệu Gia Bình vua Ngụy Minh Đế (TL. 250), ngài Đàm-ma-ca-la từ Trung Ấn Độ qua thi hành phép “Thập Nhơn Thọ”[1] về Tứ Phần luật. Trung Quốc thi hành giới luật là bắt đầu từ lúc ấy. Mấy năm sau (TL. 258), Châu Tử Hàng ở Lạc Dương khai đàn giảng kinh Bát-nhã. Trung Quốc công khai giảng kinh Phật cho nhân dân nghe cũng bắt đầu từ lúc ấy. Nhưng thời bấy giờ kinh điển dịch ra chưa hoàn bị, nghĩa còn mờ quá, nên Châu Tử Hàng quyết chí qua Tây vức học chữ Phạn và tìm nguyên bản kinh chữ Phạn để dịch lại.

Năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Gia nhà Tây Tấn (TL. 310), ngài Sa-môn xứ Tây Vức Phật Đồ Trừng sang thuyết pháp, nhân dân mộ theo rất đông, có hàng vạn người, trong ấy như Ngài Đạo An, Pháp Hòa, Trúc Pháp Hải v.v...là những môn đồ nổi tiếng nhất. Phật giáo cảm hóa nhân gian và hưng thạnh hơn từ đó. Ngài Đạo An, Huệ Viễn sau phát dương mối manh tôn chỉ của Phật giáo ra, đến ngài Cưu-ma-la-thập mới là thạnh đạt. Đó là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc biến đổi lần thứ nhất. Đời này bắt đầu có Tam luận tôn, Thành thật tôn.

Đến đời Nam Bắc triều (TL. 420-588) Phật giáo càng có thế, có Tăng sĩ Huệ Lâm được tham dự triều chính. Đời ấy có ngài Bồ-đề Đạt-maThiên Trúc sang truyền pháp Thuyền Tôn, ngài Tam Tạng Nhơn Đế dịch luận Đại thừa Khởi tín. Lúc đó ở Trung Quốc mới đề xướng pháp môn “Chân như duyên khởi”. ấy là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc biến đổi lần thứ hai. .Lại có Nam Nhạc đại sư lập Thiên thai tôn, ngài Đàm Vô Sấm dịch truyền Niết-bàn tôn.

Nhưng đến niên hiệu Thái Bình Chân Quân thứ 7 (TL. 446), vua Hậu Ngụy Thái Võ Đế lại chém giết hết các Tăng lữphá hủy hết Kinh, Tượng, Chùa, Tháp trong nước. Lịch sử Phật giáo có chỗ gọi rằng: “Tam Võ, nhất Tôn chi ách”[2],đây là Võ ách lần thứ nhất. Bốn năm sau Võ Đế thăng hà, Văn Thành vương nối ngôi, lại sắc phục hưng Phật giáo. Dần dần các đời vua sau cũng chấn hưng, nên đạo Phật được trùng quang. Có ngài Lặc-na-ma-đề dịch truyền Địa luận tôn. Đến đời vua Tuyên Võ (TL. 508), Phật giáo lại cực thạnh, các Sa-môn Tây Vức tìm đến có ba ngàn, chùa chiền trong nước dựng hơn một vạn, Tăng lữ gần hai triệu.

Song đến đời Võ Đế Bắc Chu (TL. 574), Phật giáo lại bị ách vận lần thứ hai : Vua bãi bỏ Phật giáo, dùng chùa chiền làm phủ độ cho các vương hầu; còn Tăng sĩ phải về làm dân hoặc tuyển làm quân lính.

Sau Võ Đế, Tuyên Đế nối ngôi, lại sắc chiếu phục hưng Phật giáo, chuyên dịch kinh luận. Tiếp đến đời Tùy, Phật giáo càng ngày càng thạnh, vua quan đều qui y Phật pháp, các Tăng đồ trước thuật nhiều kinh luận.

Nhà Tùy suy, đến nhà Đường nổi lên, vua Cao Tổ cũng sùng tín Phật giáo, nhưng có quan Thái Sử Lịnh là Phó Dịch bảy lần dâng sớ bài bác đạo Phật, vua Cao Tổ lại phải chất vấn lại các Tăng sĩ, nên có hai vị Tăng là Huệ Thừa làm Biện chính luậnMinh Khái làm Quyết đối luận. Nhưng vua Cao Tổ cũng hạn chế việc làm chùa và truyền đạo. Thời ấy Lão giáo cũng bị hạn chế.

Sau Cao Tổ có Lý Thế Dân là con nối ngôi, hiệulà Dường Thái Tôn. Đời này nhơn dân an cư lạc nghiệp, đường giao thông với ngoại quốc mở rộng, nên không những Phật giáo hưng thạnh mà các giáo khác của ngoại quốc cũng bắt đầu truyền vào, như Tiên giáo, Ma Ni giáo, Hồi giáoCảnh giáo. Chính ngài Huyền Trang sang Thiên Trúc cầu kinh cũng vào lúc này. Nguyên kinh điển Phật giáo bấy giờ phần thì các đời trước dịch sai lầm, phần thì mấy lần bị các vua chúa thiêu hủy, khi chép lại có sai nhiều; ngài Huyền Trang thấy thế liền quyết sang tận thành Vương-xá Trung Ấn Độ, thọ giáo với ngài Giới Hiền luận sư, rồi lại du lịch các nước trong cõi Ấn Độ để tìm nguyên bản kinh điển đem về dịch. Niên hiệu Trinh Quán thứ 19 (TL 645), ngài mới về nước. Đường Thái Tôn rất tôn kính, ban ngài ở chùa Đại từ ân và chùa Hoằng Phước để dịch kinh, truyền đạo. Ngài hết sức truyền bá, nên Phật giáo được lừng lẫy phổ cập khắp nhơn gian. Với kinh điển của ngài dịch ra, người sau gọi là “Tân dịch”, đối với những lần dịch trước có phần sai khác. Đó là thời kỳ biến đổi lần thứ ba Phật giáoTrung Quốc. Các đệ tử của ngài về sau cũng trước tác kinh luận rất nhiều quyển có giá trị.

Sau vua Cao Tổ, đến bà Võ Tắc Thiên Hoàng đế, cũng sai sứ qua nước Vu Điền (tức là Khotan và Kustana bây giờ) cầu kinh Hoa Nghiêm thêm các kinh điển chữ Phạn, và mời một học giả chữ Phạn là Thật-xoa-nan-đà về dịch kinh cùng ngài Bồ-đề Lưu Chi Tam tạng, dịch kinh Hoa Nghiêm được 80 quyển gọi là “Bát thập Hoa nghiêm”, bà Võ Tắc Thiên làm bài tựa. Lại có ngài Nghĩa Tịnh Tam tạng cùng qua Ấn Độ du lịch các nước và cầu kinh về dịch được 60 bộ, cộng 230 quyển, Phật giáo thật đến hồi cực thạnh vậy.

Từ đó hết đời vua này đến đời vua khác, vua nào cũng ủng hộ Phật giáo, Tăng sĩ có rất nhiều người hoặc Tây du, hoặc dịch Kinh, hoặc làm Luận, nên Phật giáo càng ngày càng rộng.

Nhưng đến đời vua Võ Tôn, Phật giáo lại đại ách, tức là Võ ách thứ ba : Niên hiệu Hội Xương thứ 5 (TL. 845), nguyên Võ Tôn sùng tín Lão giáo, nên nghe các đạo sĩ hạ sắc hủy 44.600 chùa Phật, bắt 265.000 Tăng sĩ hoàn tục, những chuông khánh bằng đồng tịch thu để đúc tiền. Thời ấy các giáo khác cũng bị giải tán.

Cách hai năm sau, vua Tuyên Tôn lên ngôi mới lại hạ sắc tu bổ chùa chiền, chấn hưng Phật giáo. Nhưng đời ấy quốc thế nhà Đường đã đến thời suy, nên Phật giáohết sức chấn hưng cũng kém bề thạnh đạt.

Đời Đường có thêm các tôn : Tịnh độ, Pháp tướng, Cu-xá, Luật Hoa nghiêm, Chơn ngôn.

Xét ra, Trung Quốc đến đây và từ đây về sau, chỉ có đời Đường, từ Đường Cao Tôn (TL. 645) đến đầu đời Đường Võ Tôn (TL. 845) là Phật giáo hưng thạnh lừng lẫy nhất. Còn từ nay về sau, Phật giáo từ chỗ bảo thủ đến thời suy đồi, không đời nào được hưng thạnh hơn nữa; ấy cũng bởi thời thế rối ren, thay đổi luôn luôn. Như sau đời Đường đến đời Ngũ Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu), chiến tranh thường nổi dậy. Không những thế, vua Thế Tôn nhà Hậu Chu lại không ưa Phật giáo, sắc chỉ phá hủy chùa chiền đến 30.336 cái, và đem tượng đồng, chuông, khánh đúc tiền (đó là nhất Tôn chi ách vậy), những kinh điển và chương luận của các bậc Cao Tăng tán lạc hết, Phật giáo tưởng đến tuyệt tích!

Hết đời Ngũ Đại, nhà Tống nổi lên chấn hưng Phật giáo, nhưng không thể rực rỡ ngay được nữa. Tuy vậy, những chùa chiền, tháp tượng đã bị phá hủy, dần dần cũng được dựng lại, kinh điển được tìm ra khắc lại. Và cũng có sứ sang Cao Ly tìm kinh điển, nên Phật giáo cũng đỡ điêu tàn. Lần lượt các đời vua sau hết sức chấn hưng, sai sứ đi cầu Kinh, cầu Pháp sư Tây Vức về, và sắc dịch kinh điển, nên Phật giáo lại được hồi phục, tuy có kém trước.

Rồi dần dần nhà Tống cũng suy yếu, nhà Kim (Mãn Châu) sang xâm lấn, Phật giáo vì vậy cũng suy. Sau Mông Cổ lại diệt Kim, Hốt Tất Liệt diệt Nam Tống thống nhất thiên hạ, lập ra nước Nguyên; tuy các đời vua cũng sùng tín Phật giáo, nhưng không có việc gì đặc sắc. Nhân lại có Lạt Ma giáoTây Tạng truyền vào, được vua chúa triều đình sùng thượng hơn, nên đạo Phật cố hữu ở Trung Quốc càng suy kém.

Nhà Nguyên suy, Chu Nguyên Chương nổi lên thay thiên hạ, lập ra nhà Minh. Minh Thái Tổ lúc nhỏ đã từng làm Sa-di, nên hết sức ủng hộ Phật giáo. Ngài lại qui định phép tắc cho Tăng lữ, đặt những Ty Tăng Càng, Tăng chánh, Tăng hội để chưởng lý các Tăng lữ. Trong phái Tăng đồ có chức hiệu từ đó. Đồng thời cũng có nhiều Tăng sĩ phiên dịch và trước thuật kinh luận, nên Phật giáo lại được trùng hưng. Đến đây có thể nói là thời kỳ vẻ vang sau cùng vậy.

Nhà Minh tàn, nhà Thanh (Mãn Châu) nổi lên thống nhất thiên hạ. Thanh Thái Tổ, Thanh Cao Tôn tuy cũng ủng hộ Phật giáo, nhưng cũng chỉ là bảo thủ thôi Đến đời Thánh Tổ, Thế Tôn thì Phật giáo càng suy đốn, vẫn có chùa chiền, Tăng sĩ, nhưng thật ít người thấu hiểu đạo lý của Phật.

Cuối đời nhà Thanh, sóng văn minh âu Tây truyền vào, thuyết bài trừ mê tín sôi nổi toàn quốc, Phật giáo càng suy, các chùa chiền phần nhiều bị đổi ra làm trung học hoặc các việc công ích khác. Bởi vì sự thật, Phật giáo bấy giờ chỉ còn hư danh, nói đến Phật học là người ta chỉ nghĩ cúng cấp mê tín thôi, nên Phật giáo cũng bị người ta lầm cho là một món tà đạo đầy sự lợi dụng, mê tín. Sau các nhà văn sĩ, học giả mới nổi lên, đều nghiên cứu triết lý nhà Phật. Họ nghiên cứu theo khoa học và đồng tán dương trên sách báo nên Phật giáo nhờ đó lại được quốc dân tưởng niệm đến.

Đến thời Tôn Văn nổi lên cách mệnh, xướng thuyết Tam Dân chủ nghĩa rồi diệt nhà Thanh mà lập nên Dân quốc (1912), dân chúng càng ảnh hưởng văn minh, thì Phật học lại càng tăng và đi vào đường nghiên cứu. Nhờ vậy Phật giáo bỗng nẩy ra những tia sáng mới lạ.

Năm Dân quốc mới thành lập, ngài Kỉnh Sơn cùng các ngài đồng chí Sa-môn, cư sĩ, sáng lập Trung Quốc Phật giáo Tổng hội; các cư sĩ ở Thượng Hải cũng lập Phật giáo cư sĩ lâm, Phật giáo Tịnh nghiệp xã.

Về sau này, các Sa-môn cư sĩ dần dần sáng lập những chuyên môn học hiệu, như: Giảng đường chùa Quán Tôn ở Ninh Ba (Chiết Giang) do Đế Nhàn Pháp sư chủ giảng; ở Võ Xương (Hồ Bắc) có Phật học viện do TháiPháp sư là người tân học uyên bác chủ giảng; ở Giang Tô có Hoa Nghiêm học viện; Nam kinh có Hội học viện do Âu Dương Kỉnh Vô chủ giảng. Trong các đoàn thể nghiên cứu Phật giáo, phần nhiều có tạp chí làm cơ quan hoằng dương giáo nghĩa, như Phật học tùng báo, Hải triều âm, Cư sĩ lâm san. Tinh nghiêm nguyệt san. Chi Na nội học, Oai âm, Vi diệu thanh, Phật giáo tân văn v.v... đều lục tục xuất bản.

Đến nay xảy ra nạn Trung Nhật chiến tranh, nên Phật giáo cũng bị ảnh hưởng, các cơ quan phần bị tạc đạn, phần chạy loạn, nên công việc hoằng dương đều phải đình đốn cả. Nhưng các bậc Đại đức Tăng già, Hộ pháp cư sĩ vẫn quyết chí duy trì ở những nơi đã bị chiếm cứ hoặc chưa bị chiếm cứ, tưởng sau này thời thế được yên, thì Phật giáo chắc lại có cơ hồi tịnh vậy[3]

vietnamphatgiaosuluoc1-02


[1] Mười người để truyền giới, tức Tam sư : Hòa thượng Đàn Đầu, yêt-ma, Giáo thọ ; Thất chúng là 7 vị Tôn chứng

[2] Ách vận của đạo Phật trong ba đời vua Võ, một vua Tôn, Ba Võ là : Thái Võ nhà Hậu Ngụy, Võ Đế Bắc Chu, Võ Tôn nhà Đường. Nhất tôn là Thế Tôn Hậu Chu 

[3] Phần này hoàn toàn toát yếu trong cuộc “Trung Quốc Phật giáo tiểu sử” của Trần Bàn Hòa, Mật Thể dịch thuật.
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11239)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…