Quyển Trung

16/05/201012:00 SA(Xem: 21767)
Quyển Trung
KINH TỲ-KHEO NA-TIÊN
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội 2009

QUYỂN TRUNG


I. CÁC VẤN ĐỀ VỀ TÂM THỨC

1. CẢM XÚC VÀ SỰ KHỔ, VUI

Vua hỏi: “Bạch đại đức, người ta thấy vui trong lòng, điều ấy là thiện hay bất thiện? Người ta thấy khổ trong lòng, điều ấy là thiện hay bất thiện? Phật có thuyết các pháp vui hoặc khổ chăng? Như khiến cho các pháp hữu vi không phải khổ.”

Na-tiên liền hỏi vua: “Này đại vương, như có người đốt hòn sắt nóng đỏ, nắm trong lòng bàn tay, hòn sắt có làm người ấy rất khó chịu chăng? Lại trong lòng bàn tay kia nắm chặt một cục băng, cục băng có làm người ấy rất khó chịu chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên, cả hai đều có sức gây khó chịu như nhau.”

Na-tiên hỏi vua: “Như vậy, vật trong hai tay người ấy, có phải đều nóng cả chăng?”

“Không phải đều nóng cả.”

“Hay là đều lạnh cả chăng?”

“Cũng không phải đều lạnh cả.”

Na-tiên nói: “Cả hai vật ấy đều gây khó chịu. Bần tăng đã hai lần hỏi đại vương. Nếu cả hai đều nóng, nên nói là đều nóng; nếu cả hai đều lạnh, nên nói là đều lạnh. Nay vì sao một lạnh, một nóng, lại có thể nói là đều gây khó chịu cho người?”

Vua nói: “Trẫm không đủ trí tuệ hiểu rõ việc này. Xin đại đức vì trẫm giảng giải.”

Na-tiên đáp: “Kinh Phật nói rằng: Có sáu việc khiến cho người ta đắm vào sự vui, có sáu việc khiến người ta đắm vào sự buồn, lại có sáu việc khiến người ta không vui, có sáu việc khiến người ta không vui cũng không buồn. 

“Còn có sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự vui, sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự buồn.”

Vua hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta chìm đắm vào sự vui?”

Na-tiên đáp: “Một là mắt nhìn thấy, trong lòng mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Hai là tai nghe âm thanh dễ chịu, trong lòng mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Ba là mũi ngửi hương thơm, trong lòng mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Bốn là lưỡi nếm vị ngon, trong lòng mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Năm là thân xúc chạm êm ái, trong lòng mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Sáu là trong ý được vui, trong lòng mong mỏi có được mãi, vì thế nên vui. Như vậy là sáu việc khiến người ta chìm đắm vào sự vui.”

Vua lại hỏi: “Những gì là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự vui?”

Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy sắc đẹp, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, tự suy nghĩ hiểu thấu lẽ vô thường, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui. 

“Hai là tai nghe âm thanh dễ chịu, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui. 

“Ba là mũi ngửi hương thơm, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui. 

“Bốn là lưỡi nếm vị ngon, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui. 

“Năm là thân xúc chạm êm ái, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy thoát ra khỏi sự vui. 

“Sáu là ý nghĩ đến ái dục, lòng nghĩ nhớ rằng chẳng thể được như vậy mãi, liền sanh tâm dứt bỏ, nhờ vậy nên thoát ra khỏi sự vui. 

“Như vậy là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự vui.”

Vua hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta chìm đắm vào sự buồn?”

Na-tiên đáp: “Một là những điều mắt không ưa thích mà phải nhìn thấy, nên sanh tâm buồn. Hai là những điều tai không muốn nghe mà phải nghe, nên sanh tâm buồn. Ba là những mùi mũi không ưa ngửi mà phải ngửi, nên sanh tâm buồn. Bốn là những vị lưỡi không ưa nếm mà phải nếm, nên sanh tâm buồn. Năm là những điều thân không ưa thích mà phải xúc chạm, nên sanh tâm buồn. Sáu là những điều ý không ưa thích mà phải nghĩ tưởng, nên sanh tâm buồn. Như vậy là sáu việc khiến người ta chìm đắm vào sự buồn.” 

Vua hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta không vui?”

Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy những hình sắc xấu xí, khiến người không vui. Hai là tai nghe những âm thanh khó chịu, khiến người không vui. Ba là mũi ngửi những mùi hôi thối, khiến người không vui. Bốn là lưỡi nếm những vị cay đắng, khiến người không vui. Năm là thân xúc chạm những vật thô nhám, khiến người không vui. Sáu là trong ý ôm ấp những sự oán ghét, khiến người không vui. Như vậy là sáu việc khiến người ta không vui.”

Vua lại hỏi: “Những gì là sáu việc khiến người ta không buồn cũng không vui?”

Na-tiên đáp: “Một là mắt thấy hình sắc, lòng không buồn, cũng không vui. Hai là tai nghe âm thanh, lòng không buồn, cũng không vui. Ba là mũi ngửi hương thơm, lòng không buồn, cũng không vui. Bốn là lưỡi nếm mùi vị, lòng không buồn, cũng không vui. Năm là thân có xúc chạm, lòng không buồn, cũng không vui. Sáu là ý có suy nghĩ, lòng không buồn, cũng không vui. Như vậy là sáu việc khiến người ta không buồn cũng không vui.”

Vua lại hỏi: “Những gì là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự buồn rầu?”

Na-tiên đáp: “Một là mắt nhìn thấy sự chết, nhân đó suy ngẫm rằng thân mình với vạn vật đều vô thường. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn rầu

“Hai là tai không ưa thích những âm thanh hay lạ. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn rầu

“Ba là mũi không ưa thích mùi hương thơm. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn rầu

“Bốn là lưỡi không sợ những vị nhạt đắng. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn rầu

“Năm là thân không ưa những sự xúc chạm mềm mại. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn rầu

“Sáu là ý không ưa thích sự ái dục. Người ấy tự nghĩ rằng: Ta đã có được ý nghĩ này, làm sao lại không đắc đạo? Như vậy thoát ra khỏi sự buồn rầu

“Như vậy là sáu việc giúp người ta thoát ra khỏi sự buồn rầu.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”

2. SAU KHI CHẾT

Vua hỏi: “Người ta sau khi chết đi rồi, những gì sẽ sanh trở lại ở đời sau?”

Na-tiên đáp: “Là danh và thân sanh trở lạiđời sau.”

Vua hỏi: “Có phải là danh và thân của đời này sanh trở lại chăng?”

Na-tiên đáp: “Không phải! Không phải danh, cũng không phải thân của đời này sanh trở lại. Nhưng do nơi danh và thân của đời này tạo tác các việc thiện ác, nên đời sau mới có danh và thân theo đó sanh ra.”

Vua hỏi: “Như nói rằng danh và thân của đời này làm các việc thiện hoặc ác, đời sau danh thân ấy lại chẳng sanh ra, vậy người có làm những điều cực ác, cuối cùng cũng có thể được thoát khỏi, không phải chịu lấy những điều khổ hay sao?”

Na-tiên đáp: “Như người đời nay làm việc thiện, sau không sanh ra nữa, cũng nói là được thoát khỏi sao? Người tạo tác các việc thiện ác không dừng nghỉ, vậy nên không thể thoát được nghiệp quả.

“Ví như có người hái trộm quả xoài của người khác. Người chủ bắt được, giải đến trước vua khiếu nại rằng: Người này hái trộm xoài của tôi.

“Người hái trộm xoài liền nói: Tôi không có hái trộm xoài của ông này. Ông này ngày trước chỉ có trồng cây xoài con, vốn không có trồng quả xoài. Nay tôi tự tay hái được quả xoài, sao gọi là trộm? Tôi không có hái xoài của ông ta, nên không có tội.”

Na-tiên hỏi vua: “Này đại vương, hai người tranh nhau như thế, ai đúng ai sai?”

Vua đáp: “Người trồng cây xoài con là đúng. Kẻ trộm kia không có lý, tất phải chịu buộc tội.”

Na-tiên hỏi: “Kẻ trộm vì sao có tội?”

Vua đáp: “Sở dĩ nói kẻ ấy có tội, là vì nhân có người trồng cây xoài con ngày xưa, mới thành cây cao lớn, có quả như ngày nay.”

Na-tiên nói: “Việc sanh ra của con người cũng giống như vậy. Đời này, với danh và thân này tạo tác các việc thiện ác, tùy theo đó mà thọ sanh ở đời sau. Tạo các việc thiện ác trong đời này là gốc vậy.

“Ví như có người gặt trộm lúa người khác. Chủ ruộng bắt được nói rằng: Ông gặt trộm lúa của tôi. 

“Người ấy nói: Tôi không có trộm lúa của ông. Ông gieo mạ xuống ruộng, tôi tự cắt lúa mà lấy, làm sao gọi tôi là trộm?

“Hai bên tranh cãi, cùng đưa nhau đến chỗ vua, trình bày lại sự việc. Như vậy, ai đúng ai sai?”

Vua đáp: “Người đã gieo mạ là đúng, người gặt trộm lúa là không đúng?”

Na-tiên hỏi: “Vì sao biết kẻ gặt trộm lúa là không đúng?”

Vua nói: “Vì việc gieo mạ là nguyên nhân, như không có người gieo mạ, làm sao có được bông lúa?”

Na-tiên nói: “Việc sanh ra của con người cũng giống như vậy. Đời này, với danh và thân này tạo tác các việc thiện ác, tùy theo đó mà thọ sanh ở đời sau. Tạo các việc thiện ác trong đời này là gốc vậy.

“Ví như ngày đông giá rét, có người nhóm lửa trong nhà để sưởi ấm. Người ấy lại để lửa như vậy mà bỏ đi, dần dần lửa bén ra vách nhà, làm cháy nhà, lây sang đến các nhà gần đó. Chủ nhà bị hại bắt người ấy đưa đến chỗ vua, tâu rằng: Người này nhóm lửa, làm cháy nhà tôi.

“Người ấy nói: Tôi chỉ nhóm một đống lửa nhỏ để sưởi ấm mà thôi. Tôi không có đốt nhà.”

Na-tiên hỏi vua: “Như vậy ai đúng, ai sai?”

Vua đáp: “Người nhóm lửa ấy sai rồi. Vì chính do lửa ấy mà sanh ra đám cháy.”

Na-tiên nói: “Việc sanh ra của con người cũng giống như vậy. Đời này, với danh và thân này tạo tác các việc thiện ác, tùy theo đó mà thọ sanh ở đời sau. Tạo các việc thiện ác trong đời này là gốc vậy.

“Ví như có người đang đêm đốt đuốc cắm trên tường để soi sáng mà ăn cơm. Đuốc cháy rơi tàn, bén lửa ra vách, rồi thiêu cháy cả nhà người ấy, lại lan ra cháy cả thành lớn. Nhân dân trong thành cùng đến hỏi người ấy rằng: Vì sao ông đốt lửa thiêu cháy cả thành này?

“Người ấy đáp: Tôi chỉ đốt lên một cây đuốc nhỏ để chiếu sáng khi ăn cơm. Ngọn lửa lớn thiêu đốt cả thành này không phải lửa của tôi.

“Cứ như vậy, đôi bên tranh cãi với nhau, cùng lôi kéo đến trước vua trình bày mọi việc.”

Đại đức Na-tiên hỏi vua rằng: “Như trong chuyện này, ai đúng ai sai?”

Vua đáp: “Người đốt lửa không đúng.”

Na-tiên hỏi: “Làm sao biết?”

Vua đáp: “Vì chính là do nơi lửa của người ấy sanh ra đám cháy. Người ăn cơm xong không chịu dập tắt lửa, để cho lửa ấy lan ra làm cháy cả thành.”

Na-tiên nói: “Việc sanh ra của con người cũng giống như vậy. Đời này, với danh và thân này tạo tác các việc thiện ác, tùy theo đó mà thọ sanh ở đời sau. Tạo các việc thiện ác trong đời này là gốc vậy. 

“Người ta vì si mê không biết, tạo tác các việc thiện ác, nên không thể được thoát khỏi sanh tử.

“Ví như có người mang sính lễ đến đính hôn với một cô gái còn nhỏ tuổi. Sau cô gái ấy lớn lên, lại có người khác mang lễ đến cưới về làm vợ. Người đã đính hôn khi trước liền tìm đến nói rằng: Sao ông cưới vợ của tôi?

“Người kia đáp: Ông trước kia đính hôn với một cô gái còn nhỏ tuổi, còn tôi nay cưới một thiếu nữ đã khôn lớn về làm vợ. Vậy sao nói là tôi cưới vợ của ông?

“Hai người tranh nhau, cùng đưa đến chỗ vua xin phán xét.”

Na-tiên hỏi: “Này đại vương, chuyện là như vậy, ai đúng ai sai?” 

Vua đáp: “Người mang sính lễ đính hôn trước là đúng.”

Na-tiên hỏi: “Làm sao đại vương biết là đúng?”

Vua đáp: “Chính là cô gái nhỏ tuổi ngày trước, nay lớn lên cũng chỉ là một người ấy mà thôi. Vậy nên biết kẻ mang sính lễ đến trước là đúng, vì cô gái xem như đã là vợ người ấy.”

Na-tiên nói: “Việc sanh ra của con người cũng giống như vậy. Đời này, với danh và thân này tạo tác các việc thiện ác, tùy theo đó mà thọ sanh ở đời sau. Tạo các việc thiện ác trong đời này là gốc vậy.

“Ví như có người mang bình đến nhà người nuôi bò để mua sữa. Mua sữa rồi đi về, gởi bình sữa lại mà nói với người chủ rằng: Để tôi trở lại lấy sau.

“Đi về rồi, chẳng bao lâu trở lại. Khi ấy sữa đã chuyển thành sữa chua. Người ấy nói với chủ bò rằng: Tôi đem bình sữa tươi gởi cho ông, sao nay ông lại lấy bình sữa chua đưa cho tôi?

“Người bán sữa nói: Ấy chính là sữa của ông, tự nó chuyển thành sữa chua đó thôi.

“Hai người tranh nhau chẳng ai nhường ai, cùng đưa đến chỗ vua nhờ phân xử.”

Na-tiên hỏi vua: “Trong chuyện này, đại vương xử ai đúng, ai sai?”

Vua đáp: “Người bán sữa là đúng.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao đại vương biết như vậy?”

Vua đáp: “Người mua sữa rồi để lại, tự nó hóa thành sữa chua. Người bán sữa đâu có lỗi gì?”

Na-tiên nói: “Việc sanh ra của con người cũng giống như vậy. Đời này, với danh và thân này tạo tác các việc thiện ác, tùy theo đó mà thọ sanh ở đời sau. Tạo các việc thiện ác trong đời này là gốc vậy.

3. NGUYÊN NHÂN TÁI SANH

Vua lại hỏi: “Như đại đức có còn phải sanh ra ở đời sau nữa hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Đại vương hỏi lại điều bần tăng đã nói trước đây rồi vậy. Như bần tăng còn có ân tình ái luyến, đời sau ắt phải tái sanh. Như dứt sạch được ân tình ái luyến, đời sau không phải tái sanh.

“Ví như có người mang hết sức lực phụng sự cho vua. Vua hiểu việc ấy, nên đem rất nhiều tài vật ban thưởng cho. Người ấy được thưởng hậu, các món ăn uống, y phục đều đầy đủ, sống đời vui vẻ. Gặp khi bàn luận chuyện trò, người ấy nói rằng: Ta vốn có công với vua, vua lại chưa từng ban thưởng cho ta.”

Na-tiên hỏi vua: “Như người kia, đã được ban thưởng, sau lại nói ngược lại rằng chưa từng được thưởng. Lời nói của người ấy có đúng hay chăng?”

Vua đáp: “Lời nói kẻ ấy thật không đúng.”

Na-tiên nói: “Vì vậy, bần tăng nói với đại vương rằng: Như bần tăng còn có ân tình ái luyến, đời sau ắt phải tái sanh. Như dứt sạch được ân tình ái luyến, đời sau không phải tái sanh.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”

4. DANH VÀ THÂN

Vua lại hỏi: “Vừa rồi đại đức có dạy về danh và thân của con người. Chẳng hay những gì là danh? Những gì là thân?”

Na-tiên đáp: “Những gì đại vương hiện nhìn thấy tồn tại đây là thân, những gì trong tâm nghĩ biết là danh.”

Vua lại hỏi: “Vì sao danh có thể sanh ra ở đời sau mà thân thì lại không?”

Na-tiên đáp: “Thân với danh trước sau đều có tương quan với nhau. Ví như phôi gà trong trứng, phải có lòng trắng và vỏ trứng bao quanh thì sau mới có thể nở thành con gà con. Danh và thân của người ta tương quan với nhau cũng giống như vậy, không thể chia tách ra được.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”

5. VÒNG TRÒN SANH TỬ

Vua lại hỏi Na-tiên: “Những gì là lâu dài?”

Na-tiên đáp: “Việc quá khứ là lâu, việc tương lai cũng là lâu. Những gì đang nhìn thấy trong hiện tại không lâu.”

Vua nói: “Hay thay!”

Vua lại hỏi: “Thật ra, có thật có sự lâu dài hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Sự lâu dài ấy, hoặc có, hoặc không.”

Vua hỏi: “Sao gọi là có? Sao gọi là không?”

Na-tiên đáp: “Những người đã đắc nhập Niết-bàn, không còn có sự lâu dài nữa. Đối với những ai chưa đắc đạo, còn lưu chuyển trong vòng sanh tử, tất nhiên còn có sự lâu dài. Trong sự luân chuyển lâu dài ấy, những ai đời này hay làm việc bố thí, hiếu thuận với cha mẹ, đời sau chắc chắn sẽ được hưởng phước báo.”

Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”

Vua lại hỏi: “Như trong các việc quá khứ, tương lai và hiện tại, ba việc ấy lấy gì làm gốc?”

Na-tiên đáp: “Như xét cả ba việc quá khứ, tương lai và hiện tại, sự ngu si chính là gốc rễ. Ngu si sanh ra, tức sanh thần thức. Thần thức sanh tức có sanh ra thân. Thân sanh ra danh, danh sanh ra sắc. Sắc sanh ra sáu sự nhận biết. Sáu sự nhận biết ấy là mắt nhận biết, tai nhận biết, mũi nhận biết, lưỡi nhận biết, thân nhận biết và ý nhận biết. Sáu sự nhận biết này đều hướng ra bên ngoài. 

“Thế nào là hướng theo bên ngoài? Mắt hướng theo hình sắc, tai hướng theo âm thanh, mũi hướng theo hương thơm, lưỡi hướng theo mùi vị, thân hướng theo xúc chạm, ý hướng theo tham dục. Đó là sáu sự hướng theo bên ngoài, gọi là sáu nhập. Nhập là hiệp lại, là biết khổ, biết vui. Từ khổ vui mà sanh ra ân ái, lại theo nơi ân ái mà sanh ra tham dục, từ tham dục sanh ra chấp hữu, liền làm nhân sanh ra sự già yếu. Già yếu là nhân sanh ra bệnh khổ. Bệnh khổ là nhân sanh ra sự chết. Do sự chết sanh ra buồn đau sầu khổ trong tâm.

“Vậy nên sự hiệp lại ấy đều là khổ não, do hiệp lại mà giả tạm gọi là người. Người do đây mà luân chuyển mãi trong sanh tử, không có lúc dừng. Muốn tìm lại cái thân trước đây thật là không thể được.

“Ví như người trồng lúa, gieo hạt xuống, sanh lên thành cây, ra lá, đơm bông, ngậm hạt, cho đến khi có lúa gặt về. Năm sau lại gieo trồng nữa, lại được nhiều lúa nữa.”

Na-tiên hỏi: “Như người trồng lúa ấy, năm nào cũng gieo trồng, vậy có khi nào dứt đoạn không có lúa chăng?”

Vua đáp: “Nếu như năm nào cũng gieo trồng, tất không có khi nào dứt đoạn không có lúa.”

Na-tiên nói: “Con người cũng vậy. Luân chuyển nối tiếp mà sanh ra, không có lúc nào gián đoạn.

“Ví như con gà sanh ra cái trứng, cái trứng nở ra con gà... nối tiếp mà sanh mãi. Việc sanh tử của con người cũng vậy, nên không có khi nào gián đoạn.”

Đại đức Na-tiên nhân đó cúi xuống vẽ một bánh xe tròn trên mặt đất, hỏi vua rằng: “Này đại vương, như trong cái bánh xe này, có chỗ nào là góc cạnh chăng?”

Vua đáp: “Là hình tròn, nên không có góc cạnh.”

Na-tiên nói: “Kinh Phật dạy rằng, việc sanh tử của người ta cũng như cái bánh xe tròn này, liên tục xoay vòng, không có lúc nào chấm dứt.

“Người ta do nơi mắt, thấy được cảnh sắc vạn vật, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi tai, nghe được âm thanh, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi mũi, ngửi được mùi hương, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nhân nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi lưỡi, nếm được mùi vị, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi thân, xúc chạm các thứ mềm mại hoặc thô nhám, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi ý, suy nghĩ các việc, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Người ta cứ như vậy, nối tiếp tương tục mà sanh ra, không có lúc dừng lại.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

6. CỘI NGUỒN SANH TỬ

Vua lại hỏi Na-tiên: “Đại đức có dạy rằng việc sanh tử của con người không thể tìm đến chỗ khởi điểm. Không thể tìm được, là ý thế nào?”

Na-tiên đáp: “Như có chỗ khởi điểm, tất không còn phải sanh ra trở lại nữa. Lại như có chỗ khởi điểm, tất phải nằm trong quá khứ rồi.”

Vua nói: “Trẫm cho rằng không có chỗ khởi điểm, tất không sanh ra trở lại. Như thấy có chỗ khởi điểm, tất ở trong quá khứ. Như vậy, chỗ khởi điểm ấy là không dứt chăng?”

Na-tiên đáp: “Đúng vậy, tất cả đều là quá khứ.”

Vua lại hỏi Na-tiên: “Người ta trong chỗ sanh tử, có thể nhờ nơi những gì ở bên ngoài mà được tăng thêm ích lợi chăng?”

Na-tiên hỏi lại vua: “Người và hết thảy các động vật lớn nhỏ trong thế gian, có thể nhờ nơi những gì ở bên ngoài mà được tăng thêm ích lợi chăng?”

Vua nói: “Trẫm không hỏi ngài về người và hết thảy các động vật lớn nhỏ trong thế gian. Trẫm chỉ muốn hỏi ngài về chỗ căn bản sanh tử của con người mà thôi.”

Na-tiên nói: “Cây cối sanh ra, do cây non làm căn bản. Các loại ngũ cốc sanh ra, do hạt giống làm căn bản. Trong trời đất vạn vật lớn nhỏ đều tùy theo chủng loại mà có căn bản sanh ra. Đối với con người thì có sáu mối tình ân ái làm căn bản.

“Người có mắt, có thấy hình sắc, có nhận biết; có tai, có nghe âm thanh, có nhận biết; có mũi, có ngửi hương, có nhận biết; có lưỡi, có nếm vị, có nhận biết; có thân, có xúc chạm, có nhận biết; có ý, có các pháp, có nhận biết. Do nơi mười tám pháp ấy mà sanh ra sự khổ, vui. Do khổ, vui sanh ra ân ái. Do ân ái mà sanh tham dục. Do tham dục mà sanh xúc hiệp.

“Các mối khổ ấy ấy hợp thành con người. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khiến cho có sự chấp hữu nơi sáu trần, cùng với sự xúc hiệp mà thành sáu nhập. Do sáu nhập ấy mà thành biết khổ, biết vui. Từ khổ vui mà sanh ra ân ái, lại theo nơi ân ái mà sanh ra tham dục, từ tham dục sanh ra chấp hữu, liền làm nhân sanh ra sự già yếu. Già yếu là nhân sanh ra bệnh khổ. Bệnh khổ là nhân sanh ra sự chết. Do sự chết sanh ra buồn đau sầu khổ trong tâm. Sự sống con người là như vậy.

“Như không có mắt tức không thấy cảnh sắc, không nhận biết. Không nhận biết nên không có xúc hiệp. Không xúc hiệp thì không có khổ, vui. Không có khổ vui nên không sanh ân ái. Không ân ái thì không có tham dục. Không tham dục thì không có sự chấp hữu. Không chấp hữu thì không có già, bệnh, chết, cũng không có buồn đau sầu khổ trong tâm, liền thoát hết các sự khổ nãođắc nhập cảnh giới Niết-bàn.

“Như không có tai tức không nghe âm thanh, không có mũi tức không ngửi mùi hương, không có lưỡi tức không nếm được vị, không có thân tức không có sự xúc chạm, không có ý tức không sanh các ý nghĩ, không có sự xúc nhập. Không có xúc nhập thì không có khổ, vui. Không có khổ vui nên không sanh ân ái. Không ân ái thì không có tham dục. Không tham dục thì không có bào thai. Không có bào thai thì không có chỗ sanh ra, không có già, bệnh, chết, cũng không có buồn đau sầu khổ trong tâm. Dứt hết được các sự khổ não, liền đắc nhập cảnh giới Niết-bàn.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

7. NHÂN DUYÊN SANH

Vua lại hỏi đại đức Na-tiên rằng: “Trong thế gian, có vật gì tự nhiên mà sanh ra chăng?”

Na-tiên đáp: “Không có vật gì tự nhiên sanh ra cả. Thảy đều phải có nguyên nhân.”

Liền đó, Na-tiên hỏi vua: “Như cung điện mà vua đang ngự đây, có phải do sức người làm ra chăng? Hay tự nhiên sanh ra?” 

Vua đáp: “Ấy là do nhân công làm ra, cây cối lấy từ trong rừng, gạch xây tường lấy đất làm ra.”

Na-tiên nói: “Con người cũng như vậy. Do mười tám giới hòa hiệp lại mà thành con người. Vậy nên nói là không có vật gì tự nhiên sanh ra, thảy đều phải có nguyên nhân. Ví như người thợ đồ gốm làm ra các món đồ, phải lấy bùn đất hòa với nước, nhồi nặn, nung ra mà thành. Bùn đất kia không thể tự nhiên mà thành đồ vật, phải hội đủ công sức của người, lại có lửa nung chín mới thành món đồ. Vậy nên nói là không có vật gì tự nhiên sanh ra, thảy đều phải có nguyên nhân.”

Na-tiên lại hỏi vua: “Như cây đàn kia không có dây, không có phím, không có người gẩy, có thành âm thanh chăng?”

Vua đáp: “Không, không thể tự nhiên mà thành âm thanh được.”

Na-tiên hỏi: “Như đàn có dây, có phím, có người gẩy đàn, có thành âm thanh chăng?”

Vua đáp: “Bạch đại đức, có.”

Na-tiên nói: “Như vậy đó. Cho nên trong thiên hạ không có vật gì tự nhiên sanh ra, hết thảy đều phải có nguyên nhân.”

Na-tiên lại hỏi vua “Như việc xát cây lấy lửa, như không có hai thanh gỗ, không có người xát gỗ, có thể có lửa chăng?”

Vua đáp: “Không thể có lửa được.”

Na-tiên hỏi: “Như có đủ hai thanh gỗ, có người xát vào nhau, có sanh ra lửa chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên, như vậy phải sanh ra lửa.”

Na-tiên nói: “Như vậy đó. Cho nên trong thiên hạ không có vật gì tự nhiên sanh ra, hết thảy đều phải có nguyên nhân.”

Na-tiên lại hỏi: “Như tấm kính lấy lửa, không có người cầm giữ, lại không có mặt trời đốt nóng, có thể có lửa chăng?”

Vua đáp: “Không thể có lửa được.”

Na tiên hỏi: “Như có người cầm giữ tấm kính ấy, lại có mặt trời đốt nóng, có thể có lửa chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên, như vậy phải sanh ra lửa.”

Na-tiên nói: “Như vậy đó. Cho nên trong thiên hạ không có vật gì tự nhiên sanh ra, hết thảy đều phải có nguyên nhân.”

Na-tiên lại hỏi vua: “Như người kia không có gương soi, gặp lúc không có ánh sáng, lại muốn soi mình, có thể tự thấy được mình chăng?”

Vua đáp: “Không thể tự thấy được.”

Na-tiên hỏi: “Như có gương soi, có ánh sáng, có người tự soi mình, có thể nhìn thấy mình chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên, có thể tự nhìn thấy được.”

Na-tiên nói: “Như vậy đó. Cho nên trong thiên hạ không có vật gì tự nhiên sanh ra, hết thảy đều phải có nguyên nhân.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

8. BẢN NGÃ

Vua lại hỏi Na-tiên: “Người thế gian có thật có cái bản ngã hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Thế gian không thể xác định rõ được có bản ngã hay không. Thật ra, theo đại vương thì cái gì là bản ngã?”

Vua hỏi: “Thân thể này với mạng sống có phải là bản ngã chăng?”

Na-tiên hỏi lại vua: “Thân thể con người với mạng sống có thể dùng mắt để nhìn thấy hình sắc chăng? Có thể dùng tai để nghe âm thanh chăng? Có thể dùng mũi để ngửi mùi hương chăng? Có thể dùng lưỡi để nếm vị chăng? Có thể dùng thân để biết sự xúc chạm chăng? Có thể dùng ý để nghĩ biết chăng?”

Vua đáp: “Có thể.”

Na-tiên hỏi: “Hiện giờ bần tăngđại vương cùng ở trong điện này, bốn phía đều có cửa sổ. Như người tùy ý muốn nhìn bên ngoài, theo những cửa sổ ấy mà nhìn ra có được không?”

Vua đáp: “Được.”

Na-tiên lại hỏi: “Như nói bản ngã ở trong thân thể này, tất phải tùy ý do nơi các cửa thông ra bên ngoài mà thấy biết, như có thể dùng mắt để nhìn thấy hình sắc. Vậy có thể dùng tai mà nhìn hình sắc được chăng? Có thể dùng mũi mà nhìn hình sắc được chăng? Có thể dùng lưỡi mà nhìn hình sắc được chăng? Có thể dùng thân mà nhìn hình sắc được chăng? Có thể dùng ý mà nhìn hình sắc được chăng?” 

Vua đáp: “Không thể được.”

Na-tiên lại nói: “Như nói bản ngã ở nơi tai, nên có thể dùng tai để nghe âm thanh. Vậy có dùng tai để thấy chăng? Có thể dùng tai để ngửi hương được chăng? Có thể dùng tai để nếm vị chăng? Có thể dùng tai để xúc chạm chăng? Có thể dùng tai để suy nghĩ chăng?”

Vua đáp: “Không thể được.”

Na-tiên lại nói: “Như nói bản ngã ở nơi mũi, nên có thể dùng mũi để ngửi hương. Vậy có dùng mũi để nghe âm thanh chăng? Có thể dùng mũi để nếm vị được chăng? Có thể dùng mũi để xúc chạm chăng? Có thể dùng mũi để suy nghĩ chăng?”

Vua đáp: “Không thể được.”

Na-tiên lại nói: “Như nói bản ngã ở nơi lưỡi, nên có thể dùng lưỡi để biết vị. Vậy có dùng lưỡi để nghe âm thanh được chăng? Có thể dùng lưỡi để ngửi hương được chăng? Có thể dùng lưỡi để xúc chạm chăng? Có thể dùng lưỡi để suy nghĩ chăng?”

Vua đáp: “Không thể được.”

Na-tiên lại nói: “Như nói bản ngã ở nơi thân, nên có thể dùng thân để biết xúc chạm mềm mại hoặc thô nhám. Vậy có dùng thân để thấy chăng? Có thể dùng thân để nghe âm thanh chăng? Có thể dùng thân để ngửi hương được chăng? Có thể dùng thân để nếm vị chăng? Có thể dùng thân để suy nghĩ chăng?”

Vua đáp: “Không thể được.”

Na-tiên lại nói: “Như nói bản ngã ở nơi ý, nên có thể dùng ý để suy nghĩ. Vậy có thể dùng ý để nghe âm thanh chăng? Có thể dùng ý để ngửi hương được chăng? Có thể dùng ý để nếm vị được chăng? Có thể dùng ý để xúc chạm chăng?”

Vua đáp: “Đều không thể được.”

Na-tiên nói: “Lời của đại vương như vậy trước sau không hợp nhau vậy.

“Như bần tăng cùng với đại vương ngồi trong điện này, nay phá bỏ hết bốn cửa sổ đi, tầm nhìn có xa rộng hơn không?”

Vua đáp: “Tất nhiên là phải xa rộng hơn.”

Na-tiên nói: “Như nói cái bản ngã ở tại trong thân, nay hủy con mắt đi, tầm nhìn có thể xa rộng hơn chăng? Hủy lỗ tai đi, có thể nghe xa hơn chăng? Hủy lỗ mũi đi, có thể ngửi được xa hơn chăng? Hủy cái lưỡi đi, có thể nếm được nhiều vị hơn chăng? Lột hết da đi, cảm giác xúc chạm của thân có thể nhiều hơn chăng? Hủy tâm ý đi, có thể nhờ đó suy nghĩ rộng hơn chăng?”

Vua đáp: “Bạch đại đức, đều là không thể được.”

Na-tiên nói: “Như vậy đó, lời nói của đại vương trước sau không hợp nhất rồi.”

Na-tiên lại hỏi vua: “Này đại vương, như có người giữ kho đến đứng chầu trước mặt đại vương, đại vương có biết là người ấy đang đứng chầu trước mặt không?”

Vua đáp: “Biết.”

Na-tiên lại hỏi: “Người ấy lại đi vào phòng của đại vương, vậy có biết là người ấy vào phòng chăng?”

Vua đáp: “Biết.”

Na-tiên nói: “Như bảo rằng cái bản ngã vốn ở trong thân thể, vậy người ta để các món ăn vào lưỡi, có thể biết các vị nhạt, mặn, ngọt, chua, cay, đắng... hay chăng?”

Vua nói: “Đúng vậy, có thể biết.”

Na-tiên nói: “Như vậy đó, lời nói của đại vương trước sau không hợp nhất rồi.

“Như có người lấy rượu ngon đổ vào trong bồn lớn, lại thả một người vào trong bồn ấy, nhưng rượu không lên tới miệng. Người ấy có biết rượu ngon chăng?”

Vua đáp: “Không thể biết.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao không biết?”

Vua đáp: “Vì rượu không vào trong miệng, chẳng chạm đến lưỡi nên không thể biết rượu ngon dở.”

Na-tiên nói: “Như vậy đó, lời nói của đại vương trước sau không hợp nhất rồi.”

Vua nói: “Trẫm quả thật ngu si trí cạn, không luận giải nổi việc này. Kính mong đại đức giảng rõ cho.”

Na-tiên nói: “Người ta do nơi mắt mà thấy hình sắc, tâm liền cảm thọ. Cảm thọ tức sanh các điều khổ vui, trong tâm liền duyên theo. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như thế, khi tiếp xúc với ngoại trần đều khiến tâm sanh cảm thọ. Cảm thọ tức sanh các điều khổ vui, nhân đó ý sanh niệm tưởng. Niệm tưởng như thế tiếp nối nhau mà sanh ra, tạo thành dòng luân chuyển mãi mãi. Thật không hề có một cái bản ngã thường làm chủ như đại vương nghĩ.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

9. CĂN VÀ THỨC

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như khi người ta sanh ra, có phải con mắt với tâm cùng lúc sanh ra chăng?”

Na-tiên đáp: “Đúng vậy, chúng đồng thời sanh ra.”

Vua lại hỏi: “Con mắt sanh ra ở phía trước? Hay tâm sanh ra ở phía trước?”

Na-tiên đáp: “Con mắt sanh ở phía trước, tâm sanh ở phía sau.”

Vua hỏi: “Vậy con mắt có nói với tâm rằng: Theo chỗ tôi sanh ra, anh hãy tùy đó mà sanh phía sau. Hoặc là tâm có nói với con mắt như vậy chăng?

“Hoặc tâm có nói với con mắt rằng: Theo chỗ anh sanh ra, tôi sẽ tùy đó mà sanh phía sau. Hoặc là con mắt có nói với tâm như vậy chăng?”

Na-tiên đáp: “Hai bên chẳng hề trao đổi với nhau như thế.”

Vua hỏi: “Chẳng phải đại đức đã nói là chúng đồng thời sanh ra đó sao? Vậy vì sao lại không có trao đổi trước như thế với nhau?”

Na-tiên đáp: “Có bốn trường hợp cùng làm theo nhau mà không cần trao đổi, giao hẹn trước. Những gì là bốn? Một là thuận theo chiều đi xuống, hai là thuận theo một cửa duy nhất, ba là thuận theo dấu vết đã có trước, bốn là thuận theo kinh nghiệm đã trải qua nhiều lần. Bốn trường hợp như vậy thì có thể cùng làm đúng theo nhau mà không cần phải giao hẹn trước.” 

Vua hỏi: “Thế nào là thuận theo chiều đi xuống?”

Na-tiên hỏi vua: “Như trời mưa trên núi cao, nước chảy thế nào?”

Vua đáp: “Nước sẽ chảy theo chiều từ trên cao xuống thấp.”

Na-tiên lại hỏi: “Như có mưa lần sau nữa, nước chảy thế nào?”

Vua đáp: “Vì theo chiều từ cao xuống thấp, nên cũng theo đúng những đường chảy trước kia.”

Na-tiên hỏi vua: “Vậy nước chảy trước có nói với nước chảy sau rằng: Anh nên theo đường tôi đã chảy. Hoặc nước chảy sau có nói với nước chảy trước rằng: Tôi sẽ chảy theo đường anh đã chảy. Hai bên có trao đổi, giao hẹn trước với nhau như thế chăng?”

Vua đáp: “Nước chảy trước, chảy sau đều tự nhiên mà chảy, không có trao đổi với nhau như thế.”

Na-tiên nói: “Con mắt cũng vậy, chẳng hề nói trước với tâm rằng: ‘Anh nên tùy chỗ tôi sanh mà sanh ở phía sau.’ Tâm cũng không nói với con mắt rằng: ‘Tôi sẽ tùy chỗ anh sanh ra mà sanh ở phía sau. Mắt và tâm không giao hẹn trước với nhau, tự nhiên mà sanh ở nơi thích hợp, gọi là thuận theo chiều đi xuống. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều giống như vậy.”

Vua lại hỏi: “Còn thế nào gọi là thuận theo một cửa duy nhất?” 

Na-tiên hỏi vua: “Như trong thành lớn chỉ có một cửa ra. Trong thành có một người muốn ra, sẽ đi theo hướng nào?”

Vua đáp: “Tất nhiên hướng về phía cửa ấy mà ra.”

Na-tiên hỏi: “Sau lại cũng có người muốn ra nữa, sẽ đi theo hướng nào?”

Vua đáp: “Tất nhiên lại theo đường ra cửa như người trước.”

Na-tiên hỏi vua: “Người ra trước có nói với người ra sau: ‘Anh nên theo đường tôi đã ra mà đi.’ Hoặc người ra sau có nói với người ra trước: ‘Tôi sẽ theo đường anh đã ra mà đi.’ Hai người có trao đổi, giao hẹn trước với nhau như vậy chăng?”

Vua đáp: “Người trước, người sau, thật khôngtrao đổi, giao hẹn với nhau gì cả.”

Na-tiên nói: “Con mắt cũng vậy, chẳng hề nói trước với tâm rằng: ‘Anh nên tùy chỗ tôi sanh mà sanh ở phía sau.’ Tâm cũng không nói với con mắt rằng: ‘Tôi sẽ tùy chỗ anh sanh ra mà sanh ở phía sau.’ Mắt và tâm không giao hẹn trước với nhau, tự nhiên mà sanh ở nơi thích hợp, gọi là thuận theo một cửa duy nhất. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều giống như vậy.”

Vua lại hỏi: “Còn thế nào là thuận theo dấu vết đã có trước?”

Na-tiên hỏi vua: “Như xe đi trước để lại dấu vết, xe đi sau sẽ đi thế nào?”

Vua đáp: “Theo vết xe trước mà đi.”

Na-tiên hỏi: “Vậy xe trước có nói với xe sau rằng: ‘Anh nên theo đường tôi đã đi trước.’ Hoặc xe sau có nói với xe trước: ‘Tôi sẽ theo đường anh đã đi.’ Hai bên có trao đổi, giao hẹn trước với nhau như vậy chăng?”

Vua đáp: “Đều không có nói với nhau như thế.”

Na-tiên nói: “Con người cũng như vậy. Con mắt chẳng hề nói trước với tâm rằng: ‘Anh nên tùy chỗ tôi sanh mà sanh ở phía sau.’ Tâm cũng không nói với con mắt rằng: ‘Tôi sẽ tùy chỗ anh sanh ra mà sanh ở phía sau.’ Mắt và tâm không giao hẹn trước với nhau, tự nhiên mà sanh ở nơi thích hợp, gọi là thuận theo một cửa duy nhất. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều giống như vậy.”

Vua lại hỏi Na-tiên: “Còn thế nào là thuận theo kinh nghiệm đã trải qua nhiều lần?”

Na-tiên đáp: “Kinh nghiệm đã trải qua, đó là sự bắt chước theo việc đã làm trước đây. Như học hỏi, viết lách đều là nhờ kinh nghiệm đã qua.

“Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy, là do huân tập dần dần từ lâu đời nên nay mới như vậy.

“Sáu thức đều góp phần vào sự nhận biết của con người, không phải do nơi một trong sáu thức ấy mà thành nhận biết được.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

10. XÚC NHẬP

Vua lại hỏi: “Khi người ta sanh, con mắt với sự vui khổ có đồng thời sanh ra chăng?”

Na-tiên đáp: “Con mắt với sự vui khổ cùng sanh ra. Các căn đều là theo nơi chỗ hiệp lại mà sanh.”

Vua hỏi: “Thế nào là chỗ hiệp lại?”

Na-tiên đáp: “Hai bên cùng xúc chạm nhau gọi là hiệp, ví như hai con dê húc lẫn nhau. Một con dụ cho mắt, một con dụ cho hình sắc, hai bên hiệp nhau mà thành chỗ nhập. Cũng ví như một bàn tay là mắt, bàn tay kia là hình sắc, hai bàn tay hiệp lại thành chỗ nhập.

“Lại ví như hai viên đá, một là mắt, một là hình sắc, hai viên đá hiệp lại thành chỗ nhập. 

“Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều là căn, theo nơi các trần là hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm, pháp trần mà hiệp lại thành sáu chỗ nhập. Cho đến như ýtư tưởng cũng vậy. Ví như hai viên đá, một viên là ý, một viên là tư tưởng, hai viên hiệp lại thành chỗ nhập. Ý và tư tưởng hiệp lại như vậy mà thành chỗ nhập.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

11. LẠC THỌ

Vua lại hỏi: “Còn như về sự vui thì hiểu thế nào?”

Na-tiên đáp: “Tự mình nhận biết, hiểu rõ, đó là vui. Ví như có người phụng sự nhà vua. Người ấy hiền đức, vua liền khen thưởng các món tài vật. Người ấy được thưởng rồi, dùng các món ấy tự lấy làm khoái chí, vui vẻ. Trong khi vui vẻ như vậy, người ấy tự nghĩ: ‘Ta phụng sự nhà vua, được ban thưởng nên nay mới vui vẻ như thế này.’

“Hoặc như người tâm nghĩ điều lành, thân làm điều lành, miệng nói lời lành. Nhờ vậy sau khi chết được sanh lên cõi trời. Người ấy sanh nơi cõi trời được hưởng đủ các điều khoái lạc, trong lòng hết sức khoan khoái vui vẻ, tự nghĩ rằng: ‘Ta lúc còn ở chốn thế gian, tâm nghĩ điều lành, thân làm điều lành, miệng nói lời lành. Nhờ vậy nay được sanh nơi đây, được sự vui vẻ cực kỳ vậy.’ Như vậy gọi là nhận biết.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

12. HIỂU RÕNHẬN BIẾT 

Vua lại hỏi: “Thế nào gọi là người nhận biết?”

Na-tiên đáp: “Do hiểu rõ mà có thể nhận biết. Ví như đại vương có người giữ kho, vào trong kho chứa liền tự xem xét khắp các nơi trong ấy, rồi hiểu rõ có bao nhiêu các món tiền bạc, vàng ngọc, châu báu, vải vóc... cho đến màu sắc thế nào, nằm ở những vị trí nào. Như vậy gọi là hiểu rõ, nhận biết.”

Vua nói: “Hay thay!”

13. TƯ TƯỞNG

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, còn như chỗ suy nghĩ của người ta thì thế nào?”

Na-tiên đáp: “Chỗ suy nghĩ của người ta, đó là chỗ dẫn đến việc làm

“Ví như người pha thuốc độc để uống, lại còn khiến cho người khác uống theo. Thân đã chịu khổ, còn gây khổ cho người khác nữa.

“Cũng giống như kẻ làm ác, sau khi chết phải đọa vào địa ngục. Những người học theo tư tưởng của kẻ ấy, cũng đều phải đọa địa ngục. Người độc ác có chỗ suy nghĩ ác, dẫn đến việc làm ác là như vậy.”

Vua nói: “Hay thay!”

14. SỰ RUNG ĐỘNG TRONG LÒNG

Vua lại hỏi: “Còn thế nào là sự rung động trong lòng?”

Na-tiên đáp: “Trong tâm khởi ý nghĩ liền có sự rung động trong lòng.”

Vua hỏi: “Rung động trong lòng và hành động quan hệ thế nào?”

Na-tiên đáp: “Ví như cái nồi đồng, có người đến đốt lửa nấu, nước sôi sủi bọt kêu thành tiếng. Khi ngưng nấu rồi mà tiếng kêu vẫn còn một lúc nữa. Chỗ hành động là như vậy, do sự rung động trong lòng trước đó mà có.

“Khi đốt lửa nấu sôi, ấy là lúc rung động. Khi không nấu mà còn tiếng kêu một lúc sau, ấy là lúc hành động.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

15. PHÂN BIỆT

Vua hỏi Na-tiên: “Có thể nào phân biệt được những gì đã hợp lại trong tâm thức hay chăng? Chẳng hạn như chỉ rõ ra được đâu là chỗ nhập? Đâu là chỗ hiểu biết? Đâu là chỗ suy nghĩ? Đâu là ý? Đâu là sự rung động?”

Na-tiên đáp: “Nếu như đã hợp lại, không thể phân biệt ra được nữa.

“Ví như người đầu bếp nấu món ăn ngon, trong ấy có nước, có thịt, có gia vị hành, tỏi, gừng, dưa muối, bột gạo... Đại vương bảo người đầu bếp ấy rằng: Ngươi nấu món ăn này như thế nào, hãy mang từng món đến đây cho trẫm, trước hãy mang nước đến..., sau nữa là hành, sau nữa là gừng, sau nữa là dưa muối, sau nữa là bột gạo... 

“Món ăn đã nấu rồi, người ấy có thể mang riêng từng vị trong ấy đến cho đại vương như vậy được chăng?”

Vua đáp: “Món ăn đã nấu thành rồi, không thể phân biệt các vị trong ấy ra được nữa.”

Na-tiên nói: “Những việc ta đang bàn đây cũng lại như vậy. Một khi đã hợp lại thì không còn có thể phân biệt ra được nữa. Không thể chỉ ra đây là sự khổ vui, đây là sự hiểu biết, đây là sự rung động, đây là sự suy nghĩ...”

Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”

Vua lại hỏi Na-tiên: “Người ta lấy mắt nhìn có thể phân biệt được vị mặn của muối chăng?”

Na-tiên hỏi lại: “Chỗ biết của đại vương có như vậy chăng? Có thể lấy mắt nhìn được vị mặn của muối chăng?”

Vua đáp: “Mắt không nhìn được vị mặn.”

Na-tiên nói: “Người ta chỉ có thể dùng lưỡi mà biết vị mặn của muối, không thể dùng mắt mà biết được.”

Vua lại hỏi: “Có phải mọi người đều dùng lưỡi để biết các mùi vị chăng?”

Na-tiên đáp: “Đúng vậy, mọi người ai cũng dùng lưỡi để phân biệt mùi vị.”

Vua lại hỏi: “Như xe chở muối, trâu kéo muối, xe với trâu có phân biệt được vị của muối chăng?”

Na-tiên đáp: “Xe với trâu không thể phân biệt biết được vị của muối.”

Vua hỏi: “Như vị mặn của muối có thể cân lường được chăng?”

Na-tiên đáp: “Chỉ lấy trí hiểu biết của đại vương mới có thể ước lượng được vị mặn của muối. Vị mặn của muối không thể cân lường được. Chỉ sự nặng nhẹ mới có thể cân lường được thôi.”

Vua nói: “Hay thay!”

16. CĂN VÀ TRẦN

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, trong thân người có năm sự nhận biết, do nơi nhiều việc mà biết, hay chỉ do nơi một việc mà biết?”

Na-tiên đáp: “Do nhiều việc mà biết, không phải chỉ do một việc mà biết. Ví như trên một chỗ đất, các loại ngũ cốc mọc lên, mỗi thứ đều tùy theo giống loại của mình. 

“Năm sự rung động khác nhau trong thân người đều do nơi nhiều việc, tùy theo công năng của mình mà sanh ra sự nhận biết.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”

II. SANH TỬNIẾT BÀN

1. NGHIỆP QUẢ SAI BIỆT

Vua lại hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, người thế gian sanh ra vốn dĩ thân thể đều đầy đủ như nhau, tại sao lại có người được sống lâu, có người chết yểu; có người lắm bệnh khổ, có người được ít bệnh; có người giàu sang, có người nghèo hèn; có bậc đại sĩ, có kẻ tiểu nhân; có người hình dung xinh đẹp, có kẻ xấu xí khó coi; có người nói ra được người khác tin cậy, có người luôn bị nghi ngờ; có người sáng suốt hiếu thuận, có người ngu si thiển trí... Vì sao có những sự bất đồng như vậy?”

Na-tiên nói: “Cũng giống như các loại cây trái, trong đó có loại chua, lại có loại đắng, có loại cay, cũng có loại ngọt. Này đại vương, các loại cây sao lại sanh ra trái chẳng giống như nhau?”

Vua đáp: “Cây trái sở dĩ không giống nhau, là vì giống loại của chúng khác nhau.”

Na-tiên nói: “Người ta cũng vậy. Chỗ sở niệm trong tâm đều không giống nhau, vì thế mà người thế gian chẳng thể đồng như nhau. Có người được sống lâu, có người chết yểu; có người lắm bệnh khổ, có người được ít bệnh; có người giàu sang, có người nghèo hèn; có bậc đại sĩ, có kẻ tiểu nhân; có người hình dung xinh đẹp, có kẻ xấu xí khó coi; có người nói ra được người khác tin cậy, có người luôn bị nghi ngờ; có người sáng suốt hiếu thuận, có người ngu si thiển trí...

“Vì thế, Phật có dạy rằng: ‘Tùy nơi việc làm thiện hoặc ác mà người ta phải tự nhận lãnh lấy nghiệp quả.’ Có người giàu sang phú quý, có người nghèo khổ bần cùng... thảy đều do nơi những điều thiện ác đã làm từ đời trước. Cho nên mỗi người đều tùy nơi phước đức của mình mà nhận lãnh.”

Vua tán thán: “Lành thay! Lành thay!”

2. NÊN SỚM LÀM VIỆC THIỆN

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như người muốn làm việc thiện, nên làm trước hay đợi về sau sẽ làm?”

Na-tiên đáp: “Nên sớm làm điều lành từ trước. Đợi về sau mới làm không thể được phần lợi ích. Nếu sớm làm từ trước mới được lợi ích lớn.

“Như đại vương đến lúc khát nước, sai người đào giếng, có thể giúp giải cơn khát ấy chăng?”

Vua đáp: “Không thể khỏi khát. Cần phải đào giếng từ trước mới được.”

Na-tiên nói: “Người ta làm thiện cũng vậy. Nên làm từ trước. Đợi sau muộn màng mới làm là vô ích.

“Như đại vương đến lúc đói, sai người cày ruộng gieo giống, có kịp cơm ăn chăng? Hay phải có gạo trữ từ trước?”

Vua đáp: “Tất phải có gạo trữ từ trước.”

Na-tiên nói: “Người ta làm thiện cũng vậy. Phải nên làm từ trước. Đợi khi thúc bách mới làm, chẳng có ích gì cho thân mình.

“Như đại vươngthù oán, khi cần chiến đấu mới sai người luyện tập quân mã, có nên vậy chăng?”

Vua đáp: “Không được. Cần phải rèn luyện trước, lúc cần là sẵn sàng chiến đấu. Như đợi lúc cần mới luyện quân mã, chỉ là vô ích thôi.”

Na-tiên nói: “Kinh Phật dạy rằng: Người ta nên nhớ nghĩ làm việc thiện từ trước, chờ đến sau này mới làm vô ích.

“Đại vương chớ nên bỏ đạo lớn mà học theo tà đạo, đừng bắt chước kẻ ngu si mà bỏ thiện làm ác, sau này có than khóc cũng chỉ là vô ích. Người nào bỏ nẻo chánh mà theo điều bất chánh, đến khi sắp chết dù hối hận cũng không còn kịp nữa.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”

3. ĐỊA NGỤC

Vua hỏi Na-tiên: “Trẫm nghe các vị sa-môn dạy rằng: Lửa ở chốn địa ngục không giống như lửa ở thế gian này. Như lấy một viên đá nhỏ mà đốt trong lửa từ sáng đến tối ở thế gian này, cũng chẳng hề tiêu mất. Nhưng lấy một hòn đá lớn mà thả vào lửa địa ngục liền tức thì tiêu mất. Nói như vậy, trẫm không tin được.

“Các vị sa-môn lại dạy rằng: Người làm việc ác, đọa vào chốn địa ngục, trải qua cả ngàn vạn năm thọ khổ cũng không tiêu mất, cũng không chết đi. Như vậy trẫm càng không thể tin được!”

Na-tiên hỏi vua: “Này đại vương, dưới nước có các loài rắn biển, rồng, rùa, cua..., khi con cái có thai thường ăn cả cát, sỏi vào bụng. Đại vương có từng nghe nói đến việc ấy chăng?”

Vua đáp: “Trẫm có nghe nói, các loài ấy lấy những thứ đó làm thức ăn.”

Na-tiên hỏi: “Vậy những thứ cát, sỏi ấy vào trong bụng chúng có tiêu được không?”

Vua đáp: “Tất nhiên là chúng đều được tiêu hóa hết.”

Na-tiên hỏi: “Còn cái thai trong bụng chúng có tiêu mất chăng?”

Vua đáp: “Không, không thể tiêu được.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao không tiêu được?”

Vua đáp: “Vì là tương đồng, cùng loại của chúng nên tất nhiên là không thể tiêu mất được.”

Na-tiên nói: “Người đọa vào địa ngục cũng giống như vậy. Trải qua ngàn vạn năm vẫn không tiêu, không chết. Do những việc tội lỗi mà người ấy đã tạo ra chưa được giải trừ hết, nên không thể tiêu mất, không thể chết đi.

“Này đại vương, như những loài sư tử, cọp, chó, mèo, khi con cái có thai đều ăn xương thịt của các con mồi. Vậy xương thịt ấy vào bụng chúng có tiêu đi không?”

Vua đáp: “Đều tiêu hóa hết.”

Na-tiên hỏi: “Còn cái thai trong bụng chúng có tiêu mất chăng?”

Vua đáp: “Không, không thể tiêu được.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao không tiêu được?”

Vua đáp: “Vì là tương đồng, cùng loại của chúng nên tất nhiên là không thể tiêu mất được.”

Na-tiên nói: “Người đọa vào địa ngục cũng giống như vậy. Trải qua ngàn vạn năm vẫn không tiêu, không chết. Do những việc ác mà người ấy đã tạo ra chưa được giải trừ hết, nên không thể tiêu mất, không thể chết đi.

“Này đại vương, như những loài trâu, ngựa, lừa, nai, khi con cái có thai đều ăn các loại cỏ khô. Vậy cỏ khô ấy vào bụng chúng có tiêu đi không?” 

Vua đáp: “Đều tiêu hóa hết.” 

Na-tiên hỏi: “Còn cái thai trong bụng chúng có tiêu mất chăng?”

Vua đáp: “Không, không thể tiêu được.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao không tiêu được?”

Vua đáp: “Vì là tương đồng, cùng loại của chúng nên tất nhiên là không thể tiêu mất được.”

Na-tiên nói: “Người đọa vào địa ngục cũng giống như vậy. Do tội lỗi đã làm chưa được giải trừ hết, nên không thể tiêu mất, không thể chết đi.

“Này đại vương, như những hàng phụ nữ giàu có trong xã hội, mỗi khi có thai thường tùy ý ăn rất nhiều món ngon. Vậy những món ngon ấy vào bụng họ có tiêu đi không?”

Vua đáp: “Đều tiêu hóa hết.”

Na-tiên hỏi: “Còn cái thai trong bụng họ có tiêu mất chăng?”

Vua đáp: “Không, không thể tiêu được.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao không tiêu được?”

Vua đáp: “Vì là tương đồng, cùng loại nên tất nhiên là không thể tiêu mất được.”

Na-tiên nói: “Người đọa vào địa ngục cũng giống như vậy. Sở dĩ trải qua ngàn năm vẫn không tiêu, không chết, là do những việc ác đời trước tạo ra chưa được giải trừ hết, nên không thể tiêu mất, không thể chết đi.

“Họ sanh ra trong địa ngục, lớn lên trong địa ngục, cho đến già đi là lúc tội lỗi trừ hết thì sẽ chết.”

Vua tán thán: “Hay thay! Hay thay!”

4. NIẾT-BÀN

Vua hỏi: “Bạch đại đức, có phải người ta nhập Niết-bàn rồi thì những gì trong quá khứ không bao giờ còn sanh khởi trở lại nữa chăng?” 

Na-tiên đáp: “Đúng vậy! Nhập Niết-bàn rồi không còn sanh khởi lại các pháp.

“Kẻ ngu si tham cầu những sự ái luyến trong thân, ngoài thân, nên mãi mãi không thể được thoát ra khỏi già, bệnh, chết.

“Người có trí tu học theo đạo, dù trong thân, ngoài thân đều không tham đắm. Người như vậy không có ân tình ái luyến. Không có ân tình ái luyến, nên không có tham dục. Không có tham dục thì không sanh vào bào thai. Không phải sanh vào bào thai nên không có sanh, già, bệnh, chết. Như vậy không có sầu não đau khổ. Trong lòng không có khổ não, liền đắc nhập Niết-bàn.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!” 

5. AI NHẬP NIẾT-BÀN

Vua lại hỏi: “Hết thảy những người học đạo, có thể sẽ được nhập Niết-bàn cả hay không?”

Na-tiên đáp: “Không. Không phải tất cả đều được nhập Niết-bàn. Chỉ những người chân chánh hướng theo đường lành, học hỏi những điều chân chánh, làm được những điều nên làm, tránh xa được những điều không nên làm, nhớ nghĩ những điều nên nhớ nghĩ, từ bỏ hết trong tâm những điều không nên nhớ nghĩ, mới có thể đắc nhập Niết-bàn.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

6. VÌ SAO BIẾT NIẾT-BÀN LÀ VUI?

Vua lại hỏi: “Như người chưa nhập Niết-bàn, có thể biết được Niết-bàn là khoái lạc hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Tất nhiên, tuy chưa được đắc nhập Niết-bàn, có thể biết được Niết-bàn là khoái lạc.”

Vua hỏi: “Chưa nhập Niết-bàn, vậy làm sao biết được Niết-bàn là khoái lạc?”

Na-tiên hỏi vua: “Người ta chưa từng bị chặt tay chân, có thể biết rằng khi bị chặt tay chân là đau đớn lắm chăng?”

Vua đáp: “Tuy chưa từng bị chặt tay chân, có thể biết bị chặt tay chân là đau đớn lắm.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao mà biết?”

Vua đáp: “Vì đã từng thấy những kẻ bị chặt tay chân kêu khóc đau đớn, nên biết như vậy.”

Na-tiên nói: “Cũng như vậy đó. Những người đã đắc nhập Niết-bàn truyền lại cho biết rằng nhập Niết-bàn là khoái lạc. Vì thế nên tin theo mà biết.”

Vua nói: “Hay thay!”

7. VÌ SAO BIẾT CÓ PHẬT?

Vua hỏi: “Bạch đại đức, ngài đã từng được thấy Phật hay chưa?”

Na-tiên đáp: “Chưa từng thấy.”

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như các vị thầy trước ngài, đã từng thấy Phật hay chưa?”

Na-tiên đáp: “Các vị ấy cũng chưa từng thấy Phật.”

Vua nói: “Như đại đức và các vị thầy trước đây đều chưa từng thấy Phật, vậy trẫm nghĩ chắc chắn là không có Phật.”

Na-tiên hỏi vua: “Đại vương đã từng được thấy chỗ hội tụ của 500 dòng nước chăng?”

Vua đáp: “Trẫm chưa từng được thấy.”

Na-tiên lại hỏi: “Vậy như phụ vương của ngài, cho đến tổ phụ, đã từng được thấy chưa?”

Vua đáp: “Đều chưa từng được thấy.”

Na-tiên nói: “Như đại vương, phụ vương và tổ phụ của ngài đều chưa từng được thấy chỗ hội tụ của 500 dòng nước ấy, vậy trong thiên hạ chắc chắn là không có chỗ hội tụ của 500 dòng nước ấy chăng?”

Vua nói: “Không phải vậy. Tuy rằng trẫm và phụ vương, tổ phụ đều chưa từng nhìn thấy, nhưng thật có những dòng nước ấy.”

Na-tiên nói: “Cũng vậy đó. Tuy bần tăng đây và các vị tôn sư đều chưa từng thấy Phật, nhưng quả thật là có Phật và giáo pháp của ngài truyền lại ở cõi thế này.”

Vua nói: “Hay thay! Hay thay!”

8. NGƯỜI ĐẮC ĐẠO CÓ KHỔ HAY KHÔNG?

Vua lại hỏi: “Như người đã đắc đạo, đời sau không còn phải sanh ra nữa. Người như vậy có còn chịu khổ hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Cũng có khổ, cũng không khổ.”

Vua hỏi: “Sao gọi là cũng có khổ, cũng không khổ?”

Na-tiên đáp: “Thân còn chịu khổ, tâm không còn chịu khổ.”

Vua hỏi: “Như vậy nghĩa là thế nào?”

Na-tiên đáp: “Thân sở dĩ có khổ, là vì thân này còn đang tồn tại cho nên phải có khổ. Tâm đã trừ bỏ các điều ác, dứt sạch tham dục nên không còn phải khổ.”

9. ĐẮC ĐẠONHẬP NIẾT BÀN

Vua hỏi: “Giả sử như người đắc đạo mà vẫn không dứt được nỗi khổ của thân, vậy là chưa được Niết-bàn chăng?”

Na-tiên đáp: “Người đã đắc đạo không còn ân tình ái luyến, thân tuy khổ nhưng tâm ý an vui. Như vậy còn mong cầu được đạo gì nữa?”

Vua nói: “Nếu như người đã đắc đạo rồi, vậy còn lưu lại cõi thế làm chi?” 

Na-tiên đáp: “Ví như quả cây chưa chín, không thể ép được. Như khi đã chín, tất không cần phải chờ đợi nữa. Bần tăng nay chẳng cầu sống, cũng chẳng cầu chết, chỉ đợi thời điểm đến thì ra đi thôi.” 

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/06/2014(Xem: 42771)
03/09/2014(Xem: 27569)
24/11/2016(Xem: 16468)
29/05/2016(Xem: 8128)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :