Quyển Hạ

16/05/201012:00 SA(Xem: 20129)
Quyển Hạ
KINH TỲ-KHEO NA-TIÊN
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nguyễn Minh Hiển hiệu đính
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội 2009

QUYỂN HẠ


I. VIỆC LÀMNHÂN QUẢ

1. KHÔNG AI HƠN PHẬT

Vua hỏi Na-tiên: “Có thật là không ai hơn được đức Phật chăng?”

Na-tiên đáp: “Đúng vậy, không ai hơn được đức Phật.”

Vua lại hỏi: “Làm sao biết là không có ai hơn được đức Phật?”

Na-tiên liền hỏi vua: “Này đại vương, như người chưa từng đi biển, có thể biết là biển rộng lớn. Vì có năm dòng sông lớn, mỗi dòng có 500 sông nhỏ chảy vào. Một là sông Hằng, hai là sông Tín-tha, ba là sông Tể-xoa, bốn là sông Tư-tha, năm là sông Thi-phi-di. Năm dòng sông ấy ngày đêm liên tục chảy vào biển, mà nước biển vẫn không dâng thêm chút nào. Có thể nhờ vậy mà biết là biển rộng lớn lắm chăng?”

Vua đáp: “Quả thật có thể biết được.”

Na-tiên nói: “Cũng giống như vậy. Vì có những bậc đắc đạo cùng nhau luận đàm, mà không ai hơn được Phật. Vì thế bần tăng tin là Phật cao trổi hơn hết.”

Vua hỏi: “Làm sao biết được là không có ai luận đàm hơn được Phật?”

Na-tiên hỏi: “Đại vương có biết ai là người chế ra chữ viết chăng?”

Vua đáp: “Người chế ra chữ viết trước đây tên là Chất.”

Na-tiên hỏi: “Đại vương đã từng gặp người ấy chưa?”

Vua đáp: “Người đã chết từ lâu rồi, trẫm chưa từng được gặp.”

Na-tiên hỏi: “Vua chưa từng được gặp ông ấy, sao biết ông là người chế ra chữ viết?”

Vua đáp: “Từ xưa đến nay truyền nối nhau mà bảo rằng ông Chất tạo ra chữ viết, nên trẫm biết được như vậy.”

Na-tiên nói: “Cũng như vậy đó. Bần tăng đã từng được thấy kinh điển, giới luật của Phật truyền lại, cũng như thấy Phật không khác. Kinh điển do Phật thuyết dạy rất sâu xa, vi diệu, mang lại sự an lạc. Những người đã được học biết kinh điển, giới luật của Phật nối tiếp nhau truyền dạy lại cho đời sau. Do đó mà bần tăng biết là không ai hơn được Phật.”

2. LÀM THEO KINH PHẬT

Vua lại hỏi: “Như được gặp kinh điển của Phật, có thể học làm theo lâu dài chăng?”

Na-tiên đáp: “Những kinh điển, giới luật do Phật truyền dạy rất thâm sâu, thích đáng, có thể học làm theo suốt đời.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

3. SAU KHI CHẾT

Vua lại hỏi: “Người ta sau khi chết, thân này không tái sanh trở lại hay sao?”

Na-tiên đáp: “Người ta sau khi chết sẽ thọ sanh với một thân thể mới, còn thân này không sanh theo qua đời sống khác.

“Ví như bấc đèn, khi cháy hết lại thêm bấc khác vào, nên tiếp nối nhau, lửa cháy bằng bấc mới. Thân người cũng như vậy. Khi thân cũ không tồn tại nữa, lại thọ nhận một thân thể mới.”

Na-tiên hỏi vua: “Khi đại vương còn nhỏ tuổi, có theo thầy học các loại kinh sách chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên là có. Đến giờ trẫm vẫn còn nhớ.”

Na-tiên hỏi vua: “Đại vương do nơi thầy mà học kinh sách, nhưng vị thầy ấy có tự biết được nguồn gốc của kinh sách chăng, hay do nơi người xưa mà biết?”

Vua đáp: “Thật không tự biết. Do nối tiếp theo người xưa mà biết.”

Na-tiên nói: “Thân người cũng như vậy. Khi hoại thân cũ thì nối tiếp mà thọ thân mới.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

4. NHÂN QUẢ NỐI TIẾP

Vua lại hỏi: “Khi thọ thân mới như vậy, tự người ta có nhớ biết chăng?”

Na-tiên đáp: “Không biết.”

Na-tiên lại hỏi vua: “Ví như có người hái trộm quả xoài của người khác, người ấy có tội chăng?”

Vua đáp: “Có tội.”

Na-tiên hỏi: “Như khi mới trồng cây xoài con, thật không có quả xoài. Vậy sao nói người trộm xoài có tội?”

Vua nói: “Như không có trồng cây xoài con, làm sao ngày nay có quả xoài? Vì vậy nói người hái trộm xoài là có tội, không thể chối cãi.”

Na-tiên nói: “Người ta cũng như vậy. Đời này tạo tác các việc thiện ác, sanh qua đời sau phải thọ lãnh với thân mạng mới.”

Vua lại hỏi: “Người ta dùng thân này mà tạo tác các việc thiện ác, khi thọ thân mới rồi, thiện ác khi ấy ở đâu?”

Na-tiên đáp: “Những điều thiện ác đã làm sẽ theo người ta như bóng theo hình. Dù khi chết đi, chỉ hoại mất thân này chứ việc đã làm thật không hề mất. Ví như người ban đêm thắp đèn viết thư, sau tắt đèn rồi, lá thư vẫn còn đó. Khi thắp đèn lên lại liền nhìn thấy. Đời nay làm việc thiện ác, đời sau thọ lãnh cũng giống như vậy.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

5. DỰ TRI NHÂN QUẢ

Vua lại hỏi Na-tiên: “Có thể phân biệt biết rõ các việc thiện ác đã làm sẽ kết quả ra sao ngày sau chăng?”

Na-tiên đáp: “Không thể biết được.”

Na-tiên hỏi vua: “Ví như cây trái chưa kết thành quả, có thể phân biệt chỉ rõ quả cây đang ở chỗ nào trong cây chăng?”

Vua đáp: “Không thể biết được.”

Na-tiên nói: “Cũng vậy đó. Người chưa đắc đạo thì không thể nào biết được những việc thiện ác sẽ kết quả chính xác ở đâu, lúc nào được.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

Vua lại hỏi: “Như người còn phải thọ sanh đời sau nữa, có thể tự biết điều ấy chăng?”

Na-tiên đáp: “Có thể tự biết.”

Vua hỏi: “Làm sao biết được?” 

Na-tiên hỏi lại: “Ví như người làm ruộng cày bừa, gieo giống, mưa nắng thuận thời, có thể biết trước là sẽ có thu hoạch chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên là biết. Do đã đầy đủ các điều kiện, có thể đoán trước được sẽ có thu hoạch.”

Na-tiên nói: “Người ta cũng như vậy. Như phải thọ sanh đời sau nữa, có thể biết trước được.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

II. PHẬT VÀ ĐỆ TỬ

1. PHẬT ĐANG Ở ĐÂU?

Vua lại hỏi: “Thật có Niết-bàn hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Quả thật có.”

Vua hỏi: “Vậy có thể chỉ rõ Phật đang ở tại chỗ nào chăng?”

Na-tiên đáp: “Không thể được. Không thể chỉ rõ Phật đang ở tại nơi nào, vì Phật đã nhập Niết-bàn từ lâu rồi.

“Ví như có người đốt lửa. Sau tắt lửa đi rồi, có thể chỉ được ánh sáng của lửa đang ở đâu chăng?”

Vua nói: “Không thể chỉ được.”

Na-tiên nói: “Cũng vậy đó. Phật đã nhập Niết-bàn từ lâu, không thể biết được chỗ trụ xứ của ngài.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

2. TỰ YÊU MẾN THÂN THỂ

Vua lại hỏi: “Các vị sa-môn có tự yêu mến thân mình hay không?”

Na-tiên đáp: “Không, sa-môn không tự yêu mến thân mình.”

Vua hỏi: “Như nói rằng sa-môn không tự yêu mến thân mình, vì sao chỗ nằm phải lo cho êm ấm, miếng ăn phải chọn những thứ ngon bổ. Như vậy là nghĩa thế nào?”

Na-tiên hỏi vua: “Đại vương đã từng ra trận chiến đấu chưa?”

Vua đáp: “Có, trẫm đã từng ra trận chiến đấu.”

Na-tiên hỏi: “Khi ra trận, đại vương có từng bị gươm đao hoặc tên địch bắn trúng chăng?”

Vua đáp: “Có. Trẫm đã từng bị đao chém trúng.”

Na-tiên hỏi: “Khi bị thương, đại vương làm thế nào?”

Vua đáp: “Dùng thuốc đắp lên, lấy vải băng kỹ lại.”

Na-tiên hỏi: “Đại vương vì yêu mến vết thương ấy mà săn sóc kỹ như vậy chăng?”

Vua đáp: “Không phải. Trẫm không có yêu mến vết thương ấy.”

Na-tiên hỏi: “Đã không yêu mến, tại sao lại dùng thuốc đắp lên, dùng vải băng kỹ lại?”

Vua đáp: “Trẫm chỉ muốn cho mau bình phục, thật không phải yêu mến gì vết thương ấy.”

Na-tiên nói: “Các vị sa-môn cũng như vậy. Không yêu mến gì bản thân mình. Tuy thọ dụng việc ăn uống, nhưng tâm không tham đắm vui theo vị ngon, không muốn ăn những món ngon lạ, nhưng cũng không để cho thân đói khát, vì chỉ muốn giữ lấy thân thể này để làm theo kinh điển, giới pháp của Phật mà thôi.

“Kinh Phật có dạy rằng: Thân thể người ta có chín lỗ thông ra bên ngoài, như chín cái ung nhọt, thảy đều là những chỗ bất tịnh.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay! Hay thay!”

3. PHẬT KHÔNG GIỐNG THẾ GIAN

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, có thật là đức Phật đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân có sắc vàng ròng, hào quang chiếu sáng hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Đúng vậy. Đức Phật đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân có sắc vàng ròng, hào quang chiếu sáng quanh thân.”

Vua hỏi: “Như cha mẹ của đức Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân có sắc vàng ròng, hào quang chiếu sáng hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Không, cha mẹ của đức Phật không có các tướng tốt như thế.”

Vua nói: “Như cha mẹ đã không có, vậy chắc là Phật cũng không thể có các tướng như thế. Như trong các loài, sanh ra đều tùy theo chủng loại của mình. Cha mẹ của Phật đã không có các tướng ấy, vậy chắc chắn là Phật cũng không thể có được.”

Na-tiên nói: “Cha mẹ của Phật tuy không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân có sắc vàng ròng, hào quang chiếu sáng, nhưng Phật quả thật có các tướng ấy.”

Na-tiên hỏi vua: “Đại vương đã từng thấy hoa sen chưa?”

Vua đáp: “Trẫm đã từng thấy.”

Na-tiên hỏi: “Như hoa sen ấy, sanh ra trong lòng đất, lớn lên trong bùn nước. Màu sắc và hương thơm đều tuyệt hảo, như vậy có giống cùng loại theo với đất bùn và nước hay chăng?”

Vua đáp: “Không giống.”

Na-tiên nói: “Tuy cha mẹ của đức Phật không có các tướng tốt, nhưng Phật quả thật có các tướng ấy. Phật sanh ra nơi thế gian, lớn lên nơi thế gian, nhưng không giống theo các việc của thế gian vậy.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

4. NGỤY BIỆN

Vua lại hỏi: “Có thật là đức Phật giữ tịnh hạnh như Phạm thiên vươngcõi trời thứ bảy hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Đúng vậy, quả thật ngài giữ tịnh hạnh tinh khiết, không hề có tỳ vết.”

Vua nói: “Như nói rằng Phật giữ tịnh hạnh giống như Phạm thiên vươngcõi trời thứ bảy, như vậy thì Phật là đệ tử của vị ấy rồi.”

Na-tiên hỏi vua: “Này đại vương, Phạm thiên vươngcõi trời ấy có ý niệm hay không có ý niệm?”

Vua đáp: “Có ý niệm.”

Na-tiên nói: “Như vậy thì Phạm thiên vươngchư thiên cõi ấy hẳn đều là đệ tử của Phật rồi.”

Na-tiên lại hỏi vua: “Này đại vương, tiếng chim kêu giống tiếng gì?”

Vua đáp: “Giống tiếng nhạn.”

Na-tiên nói: “Đại vương vừa nói tiếng chim kêu giống nhạn, vậy tất cả các loài chim đều là đệ tử của nhạn cả chăng? 

“Nếu không phải vậy, thì Phật cũng như vậy đó, không thể nói là đệ tử của Phạm thiên vương được.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

5. AI LÀ THẦY CỦA PHẬT

Vua hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, đức Phật tất cũng phải học biết kinh điển, giới luật, rồi mới có thể làm theo được?”

Na-tiên đáp: “Tất nhiên là vậy.”

Vua hỏi: “Như vậy, Phật do nơi vị thầy nào mà học biết kinh điển, giới luật?”

Na-tiên đáp: “Phật không có thầy. Khi đức Phật chứng đắc đạo quả, liền tự mình rõ biết tất cả kinh điển. Không giống như các đệ tử của Phật, đều phải học theo lời Phật dạy. Vì vậy, đệ tử Phật đã được học biết kinh điển, giới luật thì phải suốt đời vâng làm theo.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

III. TU TẬPGIẢI THOÁT 

1. HAI GIỌT LỆ

Vua lại hỏi: “Khi cha mẹ chết đi, người ta buồn đau nhỏ lệ. Khi được nghe kinh Phật, người ta cũng cảm động mà nhỏ lệ. Hai trường hợp rơi lệ ấy có gì khác nhau không?”

Na-tiên đáp: “Khi cha mẹ chết, người ta đau buồn mà nhỏ lệ, đó là xuất phát từ cảm xúc ân tình, ái luyến, buồn khổ đau đớn của thế gian, ấy là giọt lệ ngu si vậy.

“Khi được nghe kinh Phật, người ta cảm động mà nhỏ lệ, đó là xuất phát từ lòng từ bi, ai mẫn, thương xót những nỗi khổ của thế gian, ấy là giọt lệ sanh ra phước đức lớn lắm vậy.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

2. NGƯỜI ĐƯỢC GIẢI THOÁT 

Vua lại hỏi: “Người đã được giải thoát, với người chưa được giải thoát, có gì khác biệt nhau?”

Na-tiên đáp: “Người chưa giải thoát trong tâm có tham dục. Người đã giải thoát rồi trong tâm khôngtham dục, cho đến việc ăn uống cũng chỉ nhằm để nuôi thân mạng mà thôi.”

Vua nói: “Trẫm nhìn trong thế gian này, chỉ thấy người ta ai ai cũng muốn được sướng thân, muốn được ăn ngon, chẳng lúc nào thấy đủ.”

Na-tiên nói: “Người ta chưa được giải thoát, khi được ăn ngon đều lấy làm khoái trá, vui mừng. Người đã giải thoát rồi, tuy có ăn uống, chẳng lấy đó làm vui, chẳng lấy làm thích, chỉ là vì để nuôi sống thân mạng mà thôi.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

3. TRÍ NHỚ

Vua lại hỏi: “Những việc người ta đã từng làm, lâu xa về sau có thể nhớ lại chăng?”

Na-tiên đáp: “Có. Nhất là khi người ta có chuyện buồn lo, thường nhớ lại những việc xa xưa.”

Vua hỏi: “Người ta dùng cái gì để nhớ lại như thế? Dùng ý chí mà nhớ chăng? Dùng niệm tưởng mà nhớ chăng?”

Na-tiên hỏi vua: “Đại vương đã từng học qua nhiều điều, về sau có nhớ biết hết chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên. Nhưng trong những chỗ đã học qua, cũng có điều bỗng nhiên quên đi mất.”

Na-tiên hỏi: “Đại vương lúc trước không có quên? Vì sao sau lại quên?”

Vua nói: “Trẫm lúc ấy do có nhiều vọng niệm.”

Na-tiên nói: “Vậy không đúng với điều đại vương đã nghĩ.”

Vua lại hỏi Na-tiên: “Những việc người ta đã từng làm đều có thể nhớ lại như lúc mới làm chăng? Ngày nay thấy những điều trước mắt, có phải đều dùng trí nhớ mà biết chăng?”

Na-tiên đáp: “Những việc đã qua, đều nhờ trí nhớ mà biết. Những việc hiện nay, cũng nhờ trí nhớ mà biết.”

Vua nói: “Như vậy thì lẽ ra người ta chỉ có thể nhớ việc quá khứ, không thể nói là nhớ cả việc mới đây.”

Na-tiên đáp: “Giả như nói là mới, có việc đã làm mà không thể nhớ được thì có khác gì quá khứ.”

Vua nói: “Vậy như người học vẽ, học viết, học các môn kỹ xảo, có uổng công chăng?”

Na-tiên đáp: “Người học viết, học vẽ đều có ghi nhớ, do đó mới có thể dạy lại cho đệ tử sau này. Vậy nên biết là có trí nhớ.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

4. PHÁT KHỞI TRÍ NHỚ

Vua lại hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, người ta do nơi những việc gì mà gợi nên trí nhớ?”

Na-tiên đáp: “Người ta có mười sáu việc làm cho nhớ lại việc đã qua. Một là nhớ được những điều đã làm từ rất lâu xa. Hai là thấy người mới học nên nhớ. Ba là nhớ đến những việc lớn quan trọng. Bốn là nhờ nghĩ điều lành nên nhớ. Năm là nhớ đến những điều khổ sở. Sáu là thường suy nghĩ đến nên nhớ. Bảy là những điều thường làm khác nhau đều nhớ biết. Tám là nhờ người khác nhắc nhở mà nhớ. Chín là nhớ những việc tương tự, gần giống. Mười là nhớ những điều mình đã từng hay quên. Mười một là nhớ những điều mình hiểu rõ. Mười hai là nhớ những điều mình đã tính toán, học làm theo. Mười ba là mắc nợ nần nên nhớ. Mười bốn là nhờ chuyên tâm không tán loạn cho nên nhớ. Mười lăm là nhớ những điều đọc thấy trong sách vở. Mười sáu là nơi mình đã từng sống, nay nhìn thấy lại nên nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ lại những điều đã làm từ rất lâu xa?”

Na-tiên đáp: “Như ngài A-nan, đệ tử của Phật, và nữ cư sĩ Cưu-thù-đan-bãi, nhớ lại được những điều từ nhiều đời trước. Nhiều vị tu chứng khác nữa, cũng có khả năng nhớ lại được việc từ nhiều đời trước. Những người trong chúng tu học được như A-nan và vị nữ cư sĩ ấy nhiều lắm. Khi nhớ được điều này lại có thể nhân đó nhớ được điều khác nữa.”

Vua hỏi: “Thế nào là thấy người mới học nên nhớ?” 

Na-tiên đáp: “Như người đã từng học hỏi, tính toán, làm được điều gì, sau quên mất. Nay nhìn thấy người khác học hỏi liền nhớ lại.” 

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ đến những việc lớn, quan trọng?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như vị thái tử được lập lên làm vua, cho đó là việc lớn quan trọng, vì giúp mình được trở nên cao quý. Nghĩ như vậy nên ghi nhớ.” 

Vua hỏi: “Thế nào là nhờ nghĩ điều lành nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như người ta có ý tốt mời thỉnh người khác đến chiêu đãi, trong lòng tự nghĩ rằng: Ngày ấy, ta mời thỉnh người ấy với ý tốt muốn cung phụng, đãi ngộ. Do ý tốt ấy mà ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ đến những điều khổ sở?”

Na-tiên đáp: “Ví như người đã từng bị người khác giam hãm, tù đày khổ sở nên ghi nhớ.” 

Vua hỏi: “Thế nào là thường nghĩ đến nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như những điều người ta thường trông thấy, như người, vật quen thuộc trong gia đình, thường nghĩ đến nên đều ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là những điều thường làm khác nhau đều nhớ biết?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như tên người, cảnh, vật khác biệt nhau, màu sắc, hương vị... mà người ta ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhờ người khác nhắc nhở mà nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví như người ta tính hay quên. Những người bên cạnh lại có kẻ nhớ, người quên. Người quên nhờ người nhớ nhắc cho nên nhớ lại.” 

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những việc tương tự, gần giống?”

Na-tiên đáp: “Người ta cho đến trâu, ngựa... mỗi loài đều có những điểm giống nhau trong loài của mình. Người ta nhờ đó mà ghi nhớ.” 

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều mình đã từng hay quên?”

Na-tiên đáp: “Ví như có những việc mình hay quên mất, nhiều lần được người khác nhắc nhở nên tự mình luôn tâm niệm về việc ấy, nhờ vậy mà ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều mình hiểu rõ?”

Na-tiên đáp: “Ví như người học viết, chú ý tìm hiểu rõ về các con chữ nên ghi nhớ.” 

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều mình đã tính toán, học làm theo?”

Na-tiên đáp: “Ví như người vừa tính toán việc gì, lại vừa tự mình học làm theo được hoàn tất, có thể phân biệt rất rõ ràng. Đó là nhờ có học hỏi, tính toán và làm theo mà nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là mắc nợ nần nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví như người có món nợ, lúc nào cũng nhớ nghĩ đến. Như vậy gọi là mắc nợ nần cho nên nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhờ chuyên tâm không tán loạn cho nên nhớ.”

Na-tiên đáp: “Ví như vị sa-môn nhờ tu tậpthể đạt đến chỗ nhất tâm, liền tự nhớ lại những việc từ ngàn vạn đời trước cho đến nay. Như vậy bần tăng gọi là nhờ chuyên tâm không tán loạn cho nên nhớ lại.” 

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều đọc thấy trong sách vở?”

Na-tiên đáp: “Ví như các vị đế vương có những quyển sách rất cổ xưa. Nhờ đó biết được ngày trước có vị vua như thế, vào tháng năm như thế, đã ghi trong sách này... Như vậy là nhờ đọc sách mà nhớ biết việc trước kia.” 

Vua hỏi: “Thế nào là nơi mình đã từng sống, nay nhìn thấy lại nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Như người có chỗ cư trú trước đây rất lâu xa, nay có dịp đến nhìn thấy lại liền nhớ biết.”

Vua tán thán: “Hay thay!"

5. ĐỘ NGƯỜI CŨNG NHƯ TRỊ BỆNH

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, có phải đức Phật rõ biết được hết các việc trong quá khứ cũng như trong tương lai?” 

Na-tiên đáp: “Đúng vậy, Phật có thể rõ biết hết thảy.”

Vua hỏi: “Nếu như Phật đã rõ biết hết thảy mọi việc, tại sao không một lúc truyền dạy hết cho các vị đệ tử, lại phải tuần tự mà dạy mỗi khi một ít?”

Na-tiên hỏi vua: “Trong xứ bệ hạ có vị thầy thuốc nào chăng?”

Vua đáp: “Bạch đại đức, có.”

Na-tiên hỏi: “Vị thầy thuốc ấy có biết đủ các vị thuốc, bài thuốc chăng?”

Vua đáp: “Đã làm thầy thuốc trị bệnh, tất nhiên phải biết đủ.”

Na-tiên hỏi: “Vị thầy thuốc ấy khi trị bệnh, trong một lúc cho dùng tất cả các vị thuốc, bài thuốc, hay chỉ chờ đúng lúc mà dùng mỗi lần một ít?”

Vua đáp: “Như người chưa có bệnh, không thể cho thuốc. Đợi khi có bệnh, chọn thuốc mà cho.”

Na-tiên nói: “Đức Phật cũng như vậy. Tuy ngài biết đủ các việc trong quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng không thể trong một lúc dạy hết cho người trong thiên hạ. Phải chọn đúng lúc, đúng người mà tuần tự dạy dỗ kinh điển, giới luật, khiến cho có thể nhận lãnh mà vâng làm theo.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

6. THUYỀN CHỞ ĐÁ

Vua lại hỏi: “Sa-môn các ngài dạy rằng: Người ta dù làm đủ các điều ác, cho đến khi trăm tuổi, lúc sắp chết quay lại niệm Phật. Như vậy sau khi chết liền được sanh lên cõi trời. Trẫm không tin điều ấy.

“Lại còn nói rằng: Chỉ cần giết hại một sanh mạng, khi chết phải đọa vào địa ngục. Trẫm lại càng không thể tin được!”

Na-tiên hỏi vua: “Này đại vương, như có người cầm hòn đá nhỏ ném xuống mặt nước. Đá ấy nổi hay chìm?”

Vua đáp: “Tất nhiên là chìm.”

Na-tiên lại hỏi: “Như có người lấy cả trăm hòn đá to mà xếp lên thuyền lớn, thuyền ấy có chìm không?”

Vua đáp: “Không chìm.”

Na-tiên nói: “Hàng trăm hòn đá to nhờ có chiếc thuyền nên không bị chìm. Người ta cũng vậy, tuy có làm các điều ác, nhưng nhờ biết hồi tâm niệm Phật, nên không bị đọa vào địa ngục. Sau khi chết được sanh lên cõi trời

“Chỉ một hòn đá nhỏ rơi xuống nước tất phải chìm, cũng như người làm việc ác nhưng không được học biết kinh Phật. Sau khi chết nhất định phải đọa vào địa ngục.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

7. VÌ SAO PHẢI LO TU HÀNH

Vua lại hỏi: “Sa-môn các ngài vì sao phải xuất gia lo việc tu hành, học đạo?”

Na-tiên đáp: “Chúng tôi vì thấy những sự khổ não trong quá khứ, trong hiện tại, biết là sẽ khổ trong tương lai, nên muốn dứt sạch các nỗi khổ đó, không muốn phải thọ nhận trở lại nữa. Vì vậyxuất gia tu hành học đạo.”

Vua lại hỏi: “Việc khổ não mà ngài nói đó là thuộc đời sau, vì sao đời này lại phải lo tu?”

Na-tiên hỏi: “Này đại vương, ngài có những kẻ thù địch nào thường muốn chờ dịp đến đánh phá chăng?”

Vua đáp: “Tất nhiên là có. Những nước đối nghịch với trẫm thường luôn chờ dịp thuận tiện để đem quân đánh phá.”

Na-tiên hỏi: “Vậy đại vương đợi quân địch đến, rồi mới lo chuẩn bị việc chống cự, hay phải lo dự phòng mọi việc từ trước?”

Vua đáp: “Phải lo dự phòng, chuẩn bị chờ sẵn.”

Na-tiên hỏi: “Vì sao phải lo dự phòng, chuẩn bị chờ sẵn?”

Vua đáp: “Vì không thể biết quân địch sẽ đến lúc nào.”

Na-tiên lại hỏi: “Này đại vương, có thể đợi khi đói mới đi cày ruộng, gieo giống; lúc khát mới đi đào giếng chăng?”

Vua đáp: “Không. Đều phải dự phòng, lo tính từ trước.”

Na-tiên nói: “Quân địch còn chưa đến, sao phải lo chuẩn bị? Chưa đến lúc đói khát, sao phải lo dự phòng?”

Vua tán thán: “Hay thay!”

8. SỰ HÓA HIỆN CỦA TÂM THỨC

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như cõi Phạm thiên cách đây bao xa?”

Na-tiên đáp: “Rất xa. Giả như có khối đá lớn bằng cung điện của đại vương, từ cõi trời Phạm thiên mà rơi xuống, tảng đá ấy phải rơi trong sáu tháng mới đến được đây.”

Vua hỏi: “Sa-môn các ngài có dạy rằng: Người đắc quả A-la-hán, chỉ cần trong khoảng thời gian như người ta co duỗi cánh tay, có thể bay lên đến cõi Phạm thiên. Trẫm không tin điều ấy. Vượt qua đường dài cả ngàn vạn dặm, làm sao có thể nhanh như thế?”

Na-tiên hỏi vua: “Đại vương sanh ở xứ nào?”

Vua đáp: “Trẫm sanh ở xứ A-lệ-tán, nước Đại Tần.”

Na-tiên hỏi: “Từ xứ A-lệ-tán đến đây khoảng bao xa?”

Vua đáp: “Khoảng tám mươi ngàn dặm.”

Na-tiên hỏi: “Đại vương có bao giờ nhớ nghĩ lại những việc ở xứ ấy chăng?”

Vua đáp: “Có, trẫm vẫn thường nghĩ nhớ về những việc trước đây ở nơi ấy.”

Na-tiên nói: “Bây giờ đại vương thử nghĩ đến một việc gì đã làm ở xứ ấy được chăng?”

Vua đáp: “Được, trẫm đã nghĩ rồi.”

Na-tiên hỏi: “Đại vương đi về quãng đường tám mươi ngàn dặm sao nhanh vậy?”

Vua tán thán: “Hay thay!”

° ° °

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như có hai người cùng chết một lúc. Một người sanh lên cõi Phạm thiên, một người sanh về xứ Kế Tân, cách đây 2.700 dặm. Trong hai người, ai sẽ đến trước?”

Na-tiên đáp: “Cùng đến một lúc.”

Vua hỏi: “Đường xa gần khác nhau nhiều lắm, sao lại đến nơi cùng lúc?”

Na-tiên bảo vua: “Đại vương thử nghĩ đến xứ A-lệ-tán được chăng?”

Vua đáp: “Trẫm đã nghĩ đến rồi.”

Na-tiên lại bảo: “Bây giờ nghĩ đến xứ Kế Tân được chăng?”

Vua lại đáp: “Trẫm đã nghĩ rồi.”

Na-tiên hỏi: “Đại vương nghĩ đến hai xứ ấy, nhanh chậm thế nào?”

Vua đáp: “Đều như nhau.”

Na-tiên nói: “Như hai người cùng chết một lúc. Một người sanh lên cõi Phạm thiên, một người sanh về xứ Kế Tân, cũng đều giống nhau như thế.”

Na-tiên lại hỏi vua: “Như có hai con chim đang bay, một con đậu xuống cây đại thọ cao lớn. Cùng lúc ấy, con chim kia đậu xuống một cây cành lá nhỏ bé. Hai con chim cùng đậu xuống, bóng con chim nào in lên mặt đất trước?”

Vua đáp: “Đều cùng lúc như nhau.”

Na-tiên nói: “Như hai người cùng chết một lúc. Một người sanh lên cõi Phạm thiên, một người sanh về xứ Kế Tân, cũng đều đến cùng lúc như nhau vậy.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

9. NHÂN DUYÊN HIỂU ĐẠO

Vua lại hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, người ta nhờ vào những việc gì để có thể học hiểu đạo.”

Na-tiên đáp: “Nhờ vào bảy việc để có thể học hiểu đạo. Những gì là bảy việc? Một là nghĩ nhớ các điều thiện, ác. Hai là nỗ lực tinh tấn. Ba là vui với chánh đạo. Bốn là điều phục tâm ý làm theo điều lành. Năm là luôn nghĩ nhớ đến chánh đạo. Sáu là nhất tâm. Bảy là gặp việc không sanh lòng ưa thích hoặc ghét bỏ.”

Vua hỏi: “Người ta phải dùng đến cả bảy việc ấy mà học hiểu đạo sao?”

Na-tiên đáp: “Không cần phải dùng cả bảy việc ấy mới có thể học hiểu đạo. Như người có trí, dùng trí để phân biệt các việc thiện ác, ấy là chỉ cần dùng một việc mà phân biệt được vậy.”

Vua lại hỏi: “Như nói chỉ cần dùng một việc có thể biết như vậy, vì sao phải thuyết dạy đến bảy việc?”

Na-tiên hỏi: “Như người để con dao trong bao da, đứng dựa vào tường, dao ấy có tự cắt được vật gì chăng?”

Vua đáp: “Không.”

Na-tiên nói: “Tâm người cũng vậy, dù đã sáng tỏ, hiểu đạo, cũng phải nhờ thực hành đủ các việc khác mới có thể cắt đứt phiền não ái dục, thành tựu đạo giải thoát được.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

10. THIỆN ÁC VÀ TỘI PHƯỚC

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như người làm điều thiện nhỏ có thể được phước lớn chăng? Làm điều ác lớn có phải bao giờ cũng chịu họa lớn chăng?”

Na-tiên đáp: “Người làm điều thiện nhỏ có thể được phước lớn. Người làm điều ác lớn có thể chỉ chịu họa nhỏ. Đó là khi người làm điều ác ngày đêm hối lỗi, thì điều ác ấy cũng ngày đêm vơi bớt mà nhỏ đi. Người làm điều thiện ngày đêm nghĩ đến đều thấy hoan hỷ vui mừng, nên được phước rất lớn.

“Như lúc Phật còn tại thế, có người bị cụt tay chân, thành tâm dâng cúng cho Phật chỉ một cành hoa sen. Khi ấy Phật dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Người cụt tay chân này, từ nay về sau trải qua chín mươi mốt kiếp không bị đọa vào các đường dữ là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, được sanh lên cõi trời. Sau khi mãn phước ở cõi trời rồi, được sanh trở lại làm người.’ 

“Do chuyện ấy, bần tăng biết là người làm điều thiện nhỏ có thể được phước lớn.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

° ° °

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như người trí làm ác và người ngu làm ác, người nào chịu họa lớn hơn?”

Na-tiên đáp: “Người ngu chịu họa lớn, người trí chịu họa nhỏ.”

Vua nói: “Không thể như lời đại đức nói được. Như theo phép trị nước của trẫm thì quan lớn có lỗi xem là tội nặng, người dân không biết mắc lỗi thì xem là tội nhẹ. Cứ như lý ấy mà xét, thì người trí làm ác phải chịu họa lớn, kẻ ngu làm ác phải chịu họa nhỏ vậy.”

Na-tiên hỏi: “Ví như có hòn sắt đốt nóng bỏ xuống đất. Có hai người, một người biết đó là hòn sắt nóng, một người không biết. Hai người đều buộc phải nắm lấy hòn sắt ấy, vậy người nào bị bỏng nặng hơn?”

Vua nói: “Người không biết phải bị bỏng nặng hơn.”

Na-tiên nói: “Cũng như vậy đó. Người ngu làm việc ác không biết để hối lỗi, nên thế nào cũng sẽ mắc họa lớn. Người trí như có lỡ làm việc ác, liền biết đó là việc không nên làm, ngày ngày thường hối lỗi, vì vậy mà sẽ mắc họa nhỏ thôi.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

11. NGƯỜI ĐẮC ĐẠO VÀ CÁC VIỆC LẠ

Vua lại hỏi: “Người ta có thể nào dùng thân thể này mà bay trên hư không, lên đến cõi Phạm thiên, hoặc xuống thấp tận cõi Uất-đan-việt, hay là đến những nơi theo ý muốn được chăng?”

Na-tiên đáp: “Có thể được.”

Vua hỏi: “Làm sao có thể được như vậy?”

Na-tiên hỏi vua: “Đại vương nhớ lại lúc thiếu thời, có lúc nào chơi đùa nhảy cao khỏi mặt đất chừng một trượng chăng?”

Vua đáp: “Có. Khi chơi đùa, có lúc trẫm nhảy cao đến hơn một trượng.”

Na-tiên nói: “Người đắc đạo rồi, như trong ý muốn nhảy lên đến cõi Phạm thiên, hoặc xuống cõi Uất-đan-việt, cũng chỉ giống như vậy thôi.”

Vua tán thán: “Hay thay!”

° ° °

Vua lại hỏi: “Sa-môn các vị dạy rằng: Có lóng xương dài đến bốn ngàn dặm. Làm sao lại có lóng xương dài đến như thế?”

Na-tiên hỏi: “Đại vương có nghe nói ngoài biển lớn có giống cá gọi là cá chất, thân nó dài đến hai mươi tám ngàn dặm hay chăng?”

Vua đáp: “Đúng là có như vậy, trẫm đã từng nghe nói.”

Na-tiên nói: “Như con cá ấy, thân dài hai mươi tám ngàn dặm, vậy lóng xương hông chỉ dài bốn ngàn dặm, sao đại vương lại lấy làm lạ?”

12. NGƯNG HƠI THỞ

Vua hỏi: “Sa-môn các vị dạy rằng: Người tu hành có thể đoạn dứt cả hơi thở. Làm thế nào có thể đoạn dứt được hơi thở?”

Na-tiên hỏi: “Này đại vương, đại vương có từng nghe nói người có ý chí chăng?”

Vua đáp: “Trẫm có nghe.”

Na-tiên hỏi: “Vậy đại vương có nghĩ là ý chí ấy ở trong thân người chăng?”

Vua đáp: “Theo trẫm nghĩ thì đúng là ý chí ấy ở trong thân người.”

Na-tiên nói: “Này đại vương, như đại vương nói đó là đối với những người ngu si vô trí, không thể chế phục được thân và miệng, không thể thọ trì và làm theo kinh điển, giới luật của Phật. Những người như vậy, thân thể họ cũng không thể đạt đến sự an vui.

“Còn như người học đạo tu hành, có thể chế phục được thân và miệng, có thể thọ trì và làm theo kinh điển, giới luật của Phật, nên có thể đạt đến nhất tâm, chứng đắc tứ thiền, khi ấy có thể không cần phải giữ hơi thở như người thường.”

Vua tán thán: “Hay thay!” 

13. TRÍ TUỆ CỦA NGƯỜI ĐẮC ĐẠO

Vua hỏi: “Bạch đại đức, như người ta gọi tên biển, vì sao gọi như vậy? Hoặc giả gọi nước là biển chăng? Hoặc do điều gì mà gọi tên là biển?”

Na-tiên đáp: “Gọi tên là biển, bởi vì trong nước biển có một nửa phần là muối.”

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như người sau khi đã đắc đạo, có thể suy xét thấu đáo những việc huyền vi sâu xa hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Tất nhiên là vậy. Người sau khi đắc đạo rồi có thể suy xét thấu đáo những việc huyền vi sâu xa. Như kinh điển của Phật truyền dạy chính là những việc huyền vi sâu xa nhất, không thể ước lượng hết, nhưng lấy cái trí của người sau khi đắc đạo thì đều có thể hiểu thấu được.” 

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”

Vua lại hỏi: “Bạch đại đức, như giữa thức, trí và tánh, ba điều ấy có giống nhau hay chăng? Hay khác biệt nhau?”

Na-tiên đáp: “Thức lấy sự nhận biết làm chính, trí có thể hiểu được đạo, còn tánh thì như hư không. Ba điều ấy không phải là bản ngã.” 

Vua hỏi: “Vậy phải do đâu mà nhận được bản ngã? Mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi biết vị, thân biết phân biệt mềm mại hay thô nhám, ý biết phân biệt các việc thiện ác. Trong những điều ấy nên nhận đâu là bản ngã?”

Na-tiên hỏi vua: “Như nói bản ngã ở trong thân, qua con mắt mà nhìn ra cảnh vật, vậy khoét bỏ con mắt đi, có thể nhìn thấy xa hơn chăng? Khoét rộng tai ra, có nghe được xa hơn chăng? Khoét mũi rộng ra, có thể ngửi được nhiều mùi hương hơn chăng? Mở miệng rộng hơn, có biết được nhiều vị hơn chăng? Cắt lột da ra, có nhận biết xúc chạm nhiều hơn chăng? Diệt bỏ ý chí, có làm cho tư tưởng mạnh mẽ hơn chăng?”

Vua đáp: “Đều không phải.”

Na-tiên nói: “Này đại vương! Đại vương nên biết rằng, việc Phật đã làm được là rất khó. Chỗ hiểu biết của Phật là rất thâm sâu, vi diệu.

“Lời Phật nói có thể thấu trong lòng người, mắt nhìn thấy sự việc đều có thể giải thích rõ. Chẳng những giải được những việc mắt thấy, cả những việc tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm, đều có thể giải rõ. Ngài cũng có thể giải rõ các việc thành bại, trừ được các mối nghi, giải rõ các ý nghĩ, giải rõ cả những việc thần bí.

“Này đại vương! Như người ta ngậm một ngụm nước biển vào miệng, có thể phân biệt được trong ấy là bao nhiêu phần nước suối, hoặc nước của sông này, sông kia... đã chảy ra biển hay chăng?”

Vua nói: “Các dòng nước đều đã hợp nhất, không thể phân biệt được.”

Na-tiên nói: “Việc mà Phật làm được cũng khó khăn như phân biệt các vị nước khác nhau trong nước biển vậy. Nay việc nước biển là việc trước mắtđại vương còn không thể phân biệt biết rõ, huống chi thần thức không thể biết được trong thân thể, vốn có sáu việc không thể thấy?

“Sáu việc ấy, đức Phật đều đã giảng rõ là: từ tâm niệm đến chỗ mắt thấy, từ tâm niệm đến chỗ tai nghe, từ tâm niệm đến chỗ mũi ngửi, từ tâm niệm đến chỗ lưỡi nếm, từ tâm niệm đến chỗ thân xúc chạm phân biệt các sự khổ, vui, lạnh, nóng, thô, cứng. 

“Tùy chỗ tâm niệm hướng đến, Phật đều có thể phân biệt giải rõ.”

Vua tán thán: “Hay thay! Hay thay!”

IV. ĐOẠN KẾT

Khi ấy, đại đức Na-tiên nói: “Đã quá nửa đêm rồi, bần tăng xin được cáo lui.”

Vua lập tức sai các quan cận thần lấy bốn tấm vải cuộn lại, tẩm dầu vào và đốt lên thành đuốc để đưa đại đức Na-tiên về. Vua bảo các cận thần rằng: “Các ngươi phải hầu hạ đại đức giống như hầu hạ trẫm.”

Các quan đều tuân mệnh.

Vua lại nói: “Nếu được bậc thầy như đại đức Na-tiên đây, lại được người đệ tử như ta, thì đạo pháp có thể nhanh chóng đạt đến vậy.”

Những điều vua hỏi đều được Na-tiên trả lời cặn kẽ, nên vua hết sức hoan hỷ, vui mừng.

Vua sai xuất kho lấy ra một tấm áo giá trị đến mười vạn quan tiền để dâng cúng cho đại đức Na-tiên. Vua lại nói: “Từ nay về sau, nguyện đại đức cùng với tám mươi vị sa-môn ngày ngày thọ nhận sự cúng dường của trẫm, từ sự ăn uống cho đến bất cứ những món gì mà các vị cần đến. Trẫm xin được cung cấp tất cả.”

Na-tiên nói: “Đại vương! Chúng tôi đều là những kẻ tu hành, không có tham muốn gì cả.”

Vua nói: “Tuy vậy, đại đức cũng nên tự giữ mình và giữ gìn giúp cho trẫm nữa.” 

Na-tiên hỏi: “Thế nào là tự giữ mình, và giữ gìn cho đại vương?”

Vua nói: “Như đại đức không nhận sự cúng dường của trẫm, người đời sẽ bàn tán, dị nghị. 

“Hoặc cho rằng trẫm tham tiếc, keo lận. Đại đức đã vì trẫm giải đáp hết thảy các điều nghi vấn, mà lại không có gì ban thưởng

“Hoặc cũng có thể nói rằng: Đại đức Na-tiên không giải đáp được những điều hoài nghi của vua, nên không được ban thưởng.

“Như đại đức thọ nhận, sẽ giúp cho trẫm đây được phần phước đức, mà đại đức cũng giữ được danh thơm.”

Vua lại nói: “Bạch đại đức, như con sư tử bị nhốt ở trong lồng bằng vàng, trong lòng vẫn thường mong muốn được tự do. Trẫm ngày nay tuy làm vị quốc vương, ở trong cung điện này, nhưng lòng thật chẳng được vui, chỉ mong muốn được lìa bỏ việc nước để xuất gia học đạo.”

Vua nói xong, Na-tiên từ biệt trở về chùa.

° ° °

Na-tiên ra về rồi, vua một mình tự nghĩ: “Trẫm đã hỏi đại đức Na-tiên những việc gì? Na-tiên đã vì trẫm giảng giải những việc gì?”

Rồi vua tự nghĩ rằng: “Những gì trẫm đã hỏi, Na-tiên đã giải đáp hết, không còn việc gì nữa!” 

Đại đức Na-tiên về đến chùa cũng tự nghĩ rằng: “Nhà vua đã hỏi ta những việc gì? Ta đã giải đáp cho vua những việc gì?”

Rồi ngài tự nghĩ: “Những gì vua đã hỏi, ta đều đã giải đáp hết rồi!”

Hai người đều suy nghĩ như vậy cho đến khi trời sáng.

Sáng hôm sau, đại đức Na-tiên đắp y mang bát đến cung vua, vào thẳng trong điện mà ngồi. Vua liền đến trước ngài làm lễ, rồi cũng ngồi xuống một bên.

Vua thưa với đại đức Na-tiên rằng: “Bạch đại đức, đêm hôm qua khi đại đức ra về rồi, trẫm một mình tự suy nghĩ về những việc đã hỏi đại đức, thấy rằng hết thảy mọi việc đều đã được giải thích rõ ràng. Trẫm nghĩ như vậy rồi, trong lòng rất hoan hỷ, nằm yên không ngủ cho đến sáng.”

Na-tiên nói: “Này đại vương, đêm hôm qua khi bần tăng về đến chùa rồi, cũng suy nghĩ lại những điều đại vương đã hỏi, thấy rằng mọi việc đều đã được giải thích rõ ràng. Bần tăng nghĩ như vậy rồi, trong lòng rất hoan hỷ, nằm yên không ngủ cho đến sáng.”

Nói xong, Na-tiên cáo từ ra về. Vua đứng dậy làm lễ tiễn chân.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/06/2014(Xem: 42625)
03/09/2014(Xem: 27521)
24/11/2016(Xem: 16422)
29/05/2016(Xem: 8113)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.