Đời Thứ Mười Lăm Sau Lục Tổ

11/04/201112:00 SA(Xem: 5488)
Đời Thứ Mười Lăm Sau Lục Tổ


THIỀN SƯ TRUNG HOA TẬP BA
H.T Thích Thanh Từ
Tu Viện Chơn Không 1981
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành - PL. 2534 - 1990

ĐỜI THỨ MƯỜI LĂM SAU LỤC TỔ

29- Thiền sư Từ Tông ở Tuyết Đậu Minh Châu.
30- Thiền sư Huệ Huy Tự Đắc ở Tịnh Từ Hàn Châu.
31- Thiền sư Huệ PhươngHòa Sơn.
32- Am chủ Diệu Phổ Tánh Không ở Hoa Đình.
33- Thiền sư Thủ Trác ở Trường Linh Thiên Ninh.
34- Thiền sư Bổn Tài Phật Tâm ở Thượng Phong Đàm Châu.
35- Thiền sư Khắc Cần Phật Quả ở Chiêu Giác.
36- Thiền sư Huệ Cần Phật GiámThái Bình.
37- Thiền sư Thanh Viễn Phật NhãnLong Môn.
38- Thiền sư Đạo Ninh ở Khai Phước Đàm Châu.
39- Thiền sư Nguyên Tĩnh ở Nam Đường Đại Tùy.
40- Thiền sư Tông Thới ở Vô Vi Hán Châu.
41- Thiền sư Biểu Tự ở Ngũ Tổ Kỳ Châu.


29. THIỀN SƯ TỪ TÔNG
Tuyết Đậu Minh Châu

 Sư họ Trần, quê ở Huy Châu, thuở nhỏ chuyên học kinh, khi thọ giới cụ túc xong, nương theo Thiền sư Huệ Diệu Trạm thưa hỏi được thích nhiên khế hợp. Thiền sư Huệ lấy phất tử phó chúc cho Sư.

*

 Sau Sư đến Thiền sư Hoằng Trí nhờ ấn khả, ở đây đạo đức của Sư càng được thâm áo. Sau này Sư trụ trì các nơi như: Phổ Chiếu, Thiện Quyền, Thúy Nham, Tuyết Đậu.

*

 Sư thượng đường: Mỗi người đều có cái lỗ mũi, chỉ có Thiện Quyền không lỗ mũi. Tại sao không? Vì hai mươi năm trước bị người kéo rơi rồi. Mỗi người đều có hai tròng con mắt, Chỉ có Thiện Quyền không tròng con mắt. Vì cớ sao? Vì bị người lấy cây móc rồi. Mỗi người đều có xương sọ, chỉ có Thiện Quyền không xương sọ. Vì sao không? Vì người mượn làm gáo đựng phân rồi. Sư bèn gọi đại chúng nói: Lỗ mũi không, tròng con mắt không, xương sọ cũng không. Quí vị lại biết Thiện Quyền chăng? Nếu chẳng biết là quí vị chôn vùi Thiện Quyền. Nếu chẳng như thế, hãy nghe một bài tụng: ?Trâu đất đáy khe vàng phết mặt, đầu non gái đá mặc chân hồng, trên cọc cột lừa cỏ thơm ngát, chẳng phải mây che chót lò hương.?

*

 Sư thượng đường: - Thúy Nham chẳng phải chẳng nói, chỉ vì không có thời tiết, sáng nay thích thú mấy khi, một câu vì anh mổ xẻ, cột cái vốn là khúc cây, trái cân chỉ là sắt nguội. Quí vị nếu đến các nơi, chớ nói Sơn tăng nhiều lời. 

 Tăng hỏi: - Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?

 Sư đáp: - Mất đi lỗ mũi ông. 

 Tăng hỏi: - Sau khi ra khỏi nước thì thế nào?

 Sư đáp: - Xỏ phủng tròng mắt ông.

 Tăng hỏi: - Thế nào là chánh pháp nhãn?

 Sư đáp: - Đậu đen.

 Tăng hỏi: - Thế nào là quân?

 Sư đáp: - Mài giũa kiếm ba thước, đợi chém người bất bình.

 Tăng hỏi: - Thế nào là thần?

 Sư đáp: - Mây trắng thật quá rảnh, dòng nước rất lăng xăng.

 Tăng hỏi: - Thế nào là quân thần đạo hiệp?

 Sư đáp: - Mây bay mưa rơi trăng sáng sao soi.

 Tăng hỏi: - Thế nào là chánh trung thiên?

 Sư đáp: - Hoa ấu chưa soi trước.

 Tăng hỏi: - Thế nào là thiên trung chánh?

 Sư đáp: - Sum vầy không thiếu dư.

 Tăng hỏi: - Thế nào là chánh trung lai?

 Sư đáp: - Khắp cõi bặt mảy trần.

 Tăng hỏi: - Thế nào là kiêm trung chí?

 Sư đáp: - Công cắn tên trước đùa.

 Tăng hỏi: - Thế nào là kiêm trung đáo?

 Sư đáp: - Mười đường chẳng lọt mảy tóc.

 Tăng hỏi: - Thế nào là chuyển công tựu vị?

 Sư đáp:-Buông tay chẳng tựa toàn thể hiện, thuyền con ngư phủ tựa hoa lau.

 Tăng hỏi: - Thế nào là chuyển vị tựu công?

 Sư đáp:-Đêm giữa đầu non trăng gió lặng, cây cao con vượn một tiếng kêu. 

 Tăng hỏi: - Thế nào là công vị tề chương?

 Sư đáp: - Ra cửa chẳng đi lối trở lại, bụi bay đầy mắt dứt điểm ai.

 Tăng hỏi: - Thế nào là công vị câu ẩn?

 Sư đáp: - Trâu đất uống cạn trăng đầm lặng, ngựa đá ra roi chẳng ngoái đầu.

*

 Sư tịch tại núi này, tháp toàn thân góc Tây Nam của chùa.

 *


30. THIỀN SƯ HUỆ HUY TỰ ĐẮC
Ở Tịnh Từ Hàn Châu

 Sư họ Trương, quê ở Hội Khê, thuở nhỏ Sư nương theo thầy Đạo Ngưng ở Trừng Chiếu thế phátthọ giới cụ túc. Năm hai mươi tuổi, Sư đến yết kiến Chơn Yết ở Trường Lô có sở chứng chút ít. Sau đó, Sư đến yết kiến Hoằng Trí. Trí nhắc: ?chính trong sáng có tối, chẳng dùng tối gặp nhau, chính trong tối có sáng, chẳng dùng sáng thấy nhau? để hỏi Sư. Sư chẳng khế hội. Đầu hôm, Sư định trở lại trước tượng Thánh tăng thắp hương, mà Hoằng Trí cũng vừa đến. Sư trông thấy liền chóng rõ câu nói trước. Hôm khác, Sư vào thất. Hoằng Trí nhắc: Than ôi! Ngày trước mặt như ngọc, lại than! Xoay về râu tợ sương, để hỏi Sư. Sư đáp: - Kia vào ly, kia ra vi. Từ đây, Sư hỏi đáp không ngại.

 Hoằng Trí nhận là Chân tử trong thất.

 Niên hiệu Thiệu Hưng (1131), Sư khai phápPhổ Đà, kế đến Vạn Thọ, Kiết Tường, Tuyết Đậu. Niên hiệu Thuần Hy thứ ba (1176), sắc vua bổ Sư trụ trì chùa Tịnh Từ.

 Sư thượng đường: Tái tê gió bắc quét cây rừng, về cội lá rơi hiện mảnh tâm, muôn dòng về biển thuyền bờ đến, sáu cửa sáng ngời cải gặp kim, vốn đã hiện thành chớ kiếm tìm, đất tánh thảnh thơi xưa nay sáng, ngoài cửa tuyết tan sắc xuân đông, bốn núi lẫn làm cây long ngâm.

 Sư thượng đường: Ông già Thích-ca cùng lý tận tánh miệng vàng nói ra giáo lý một đời dường thể xoay châu chuyển ngọc, vẫn bị người gọi là giấy cũ lau ghẻ. Tổ sư Đạt-ma dùng pháp Nhất thừa chỉ thẳng riêng truyền, nhìn vách chín năm chẳng lập văn tự, bị người gọi là Bà-la-môn nhìn vách. Hãy nói hành lý thế nào? Thơ bị người bên chỉ ra rồi, chăn kéo trùm đầu muôn việc thôi, khi này sơn tăng trọn chẳng hội.

 Sư thượng đường: Ổ biết gió hang biết mưa, ngọt đó ngọt chừ đắng đó đắng, chẳng cần suy nghĩ lại xét lường, năm năm từ lâu là hăm lăm, muôn việc sắp đặt đến bình thường, đây là câu tùng lâm tham vấn no. Quí vị lại hiểu rõ chăng? Lão quê chẳng biết sức Nghiêu Thuấn, đùng đùng đánh trống cúng thần sông.

 Sư thượng đường: Thần của hang chốt của máy, trong cho bên tham tầm xoay đường được diệu mây tuy động mà thường nhàn, trăng tuy tối mà càng chiếu, chủ khách lẫn tham chánh thiên kiêm đáo, mười châu xuân hết hoa héo tàn, rừng cây san hô nhật sáng rỡ.

 Tăng hỏi: - Thế nào là chánh trung thiên?

 Sư đáp: - Đêm qua canh ba sao đầy trời.

 Tăng hỏi: - Thế nào là thiên trung chánh?

 Sư đáp: - Mây trắng trùm đầu núi, trọn chẳng bày ngất cao.

 Tăng hỏi: - Thế nào là chánh trung lai?

 Sư đáp: - Chớ gọi cá kình không lông cánh, ngày nay chính từ đường chim sang.

 Tăng hỏi: - Thế nào là kiêm trung chí?

 Sư đáp: - Ứng không dấu dụng không vết.

 Tăng hỏi: - Thế nào là kiêm trung đáo?

 Sư đáp: - Người đá chiếc áo rách, quả đất không người may.

*

 Sư thượng đường: Da thịt rơi rụng bặt chỗ nơi, sáng tỏ thân tâm một vật không, khéo vào đạo lớn chỗ sâu lặng, người ngọc yên ngồi xe bạch ngưu. Điền địa diệu minh người đạt rất ít, thức tình chẳng đến chỉ chứng mới biết. Con mây trắng linh linh tự chiếu, cha núi xanh cao ngất thường còn, cơ phân sáng sau đảnh, trí hợp mắt trước kiếp. Vì thế nói, đường Tân Phong chừ vót vẫn gieo, động Tân Phong chừ lặng nhưng tươi, người đi đi chừ chẳng động diêu, người dạo dạo chừ chớ mau gấp, nhà nghỉ tuy có người đến ít, rừng suối chẳng dài cây tầm thường. Chư thiền đức! Hướng thượng một phen đến tôn quí khó rõ, trên điện Lưu Ly chẳng xưng tôn, trước rèm phỉ thúy lại hợp bạn. Chính cùng khi ấy kim chỉ xâu suốt chân tông chẳng rơi, nên làm sao thi thiết? Tóc bạc đầy đầu lìa hang núi, giữa đêm xuyên mây vào xóm làng.

*

 Sư thượng đường: Phó Đại sĩ có bài tụng Pháp thân: ?Tay không cán cuốc cầm, bộ hành cỡi lưng trâu, trên cầu người qua thẳng, cầu trôi nước chẳng trôi.? Đại sư Vân Môn nói: ?Các người đông lại tây lại nam lại bắc lại, mỗi mỗi cỡi một con trâu lại. Tuy nhiên như thế, ngàn đầu muôn đầu chỉ cần biết một cái đầu này.? Sư nói: Vân Môn bình thường khô khan châm dùi chẳng phủng, đến trong này cũng biết dính bùn kẹt nước. Quí vị! Hiện nay cần thấy một đầu này chăng? Khí trời hơi lạnh mỗi người tự về nhà.

*

 Sư thượng đường nhắc việc phong phan, Sư nói: Chỗ phong phan động, mắt nhìn tới tức là Thượng tọa, chỗ phong phan động, mất đi con mắt tức là phong phan. Kia nếu chưa như thế, chẳng phải phong phan chẳng phải tâm, Thiền tăng luống tự gắng dùi châm, phòng núi mưa qua khói mù sạch, nằm nghe gió mát trong rừng tre.

 Niên hiệu Hy Ninh thứ bảy (1074) mùa thu, Sư trở lại Tuyết Đậu. Đến Hy Ninh thứ mười (1077) giữa mùa đông, ngày hai mươi chín lúc giữa đêm, Sư tắm rửa xong liền tịch.

*

31. THIỀN SƯ HUỆ PHƯƠNG
Hòa Sơn

 Sư họ Lung quê ở Lâm Giang.
 Sư dạy chúng: Trước dụng sau chiếu cốt nghiệm tác gia, trước chiếu sau dụng chẳng còn hình bóng, chiếu dụng đồng thời vách đứng ngàn nhẫn, chiếu dụng chẳng đồng thời căn trần nên soi. Cổ nhân dùng bốn chuyển ngữ này để nghiệm Thiền tăng trong thiên hạ. Nếu không phải người đủ con mắt chân chánh liễu ngộ thấu đáo khó bề nương tựa. Ngày nay vì quí vị nêu ra rõ ràng rồi vậy. Lại hiểu rõ hay chăng? Nếu hiểu rõ rồi, đáng gọi chẳng động mảy tơ chóng lên giác địa. Nếu chưa thế ấy, cần phải chín chắn. Sư lại đưa cây phất tử nói: Xem! Xem! Chỉ cái này ở Lâm Tế ắt chiếu dụng đồng hành, tại Vân Môn ắt sự lý đều đủ, ở Tào Động thì thiên chánh hiệp thông, tại Qui Ngưỡng thì ám cơ viên hiệp, tại Pháp Nhãn thì nào dừng duy tâm. Song Ngũ gia Tông phái lập bài môn đình ắt chẳng không, dù cho biện được bè nhóm rõ ràng vẫn là việc bên quang ảnh. Nếu cần chống cự với sanh tử thì trời đất xa cách. Hãy nói, một câu siêu việt sanh tử làm sao mà nói? Sư im lặng giây lâu nói: - Đã là lầm hạ chú cước.

*

32. AM CHỦ DIỆU PHỔ TÁNH KHÔNG
Ở Hoa Đình

 Sư người Hán Châu, nương Thiền sư Tử Tâm đã lâu được ấn chứng. Sư đi đến sông Tú theo nếp Hoa Đình Thuyền Tử, cất một chiếc am tranhđồng Thanh Long, thổi sáo sắt để tự vui. Sư có làm nhiều phú, vịnh, người được đều quí như của báu. Bài Sơn Cư:
 Tâm pháp song vong du cách vọng
 Sắc trần bất nhị thượng dư trần
 Bách điểu bất lai xuân hựu quá
 Bất tri thùy trị trụ am nhân.
 Dịch:
 Tâm pháp hai quên còn cách vọng
 Sắc trần bất nhị vẫn thừa trần
 Chẳng đến trăm chim xuân lại mất
 Biết ai quả thật người trụ am.
 Sư làm bài cảnh chúng rằng:
 Học đạo du như thủ cấm thành
 Trú phòng lục tặc dạ tinh tinh 
 Trung quân chúa tướng năng hành lệnh 
 Bất động can qua trị thái bình.
 Dịch:
 Học đạo ví như giữ cấm thành
 Ngày ngừa lục tặc, tối tinh tinh
 Trong quân chúa tướng hay hành lệnh
 Chẳng động gươm đao trị thái bình.
 
 Niên hiệu Kiến Viêm năm đầu (1127) giặc Từ Minh làm phản đi theo con đường Ô Trấn mặc tình giết hại, dân chúng sợ chạy. Sư một mình cầm gậy đi đến, giặc trông thấy lấy làm lạ, nghi là ngụy phục, bèn hỏi duyên cớ. Sư đáp: - Tôi là Thiền giả muốn đến chùa Mật Ấn. Giặc nổi giận muốn chém Sư. Sư nói: - Đại trượng phu cần đầu liền chặt lấy, cần gì phải nổi giận. Tôi hẳn phải chết, xin cho một bữa ăn để làm tống chung. Giặc dâng cá thịt, Sư dùng như ngọ trai thường, trước xuất sanh xong, bèn nói: Ai sẽ vì tôi làm bài văn để cúng? Giặc tức cười mà không đáp. Sư đòi bút viết: ?Than ôi! Duy linh, nhọc ta do sanh ắt lỗi khối đất, sai ta do sống ắt quấy âm dương, thiếu ta do nghèo ắt ngũ hành chẳng chánh, khốn ta do mạng ắt ngày giờ chẳng tốt.

Chao ôi! Lớn thay! May có đạo xuất trần, ngộ được tánh của ta, cùng diệu tâm kia. Hẳn diệu tâm này ai hay làm thân, trên đồng chân hóa của chư Phật, dưới hiệp với vô minh của phàm phu, mảy bụi chẳng động vốn tự viên thành. Diệu vậy thay! Diệu vậy thay! Mặt trời mặt trăng chưa đủ là sáng, càn khôn chưa đủ là lớn, lạ lạ lùng lùng không chướng không ngại, hơn sáu mươi năm hòa quang lẫn tục, bốn mươi hai hạ tiêu dao tự tại, gặp người thì vui thấy Phật chẳng lạy. Cười vậy ư! Cười vậy ư! Đáng tiếc chàng thiếu niên, phong lưu rất tươi đẹp, thản nhiên đi về phó gió xuân, thể dường hư không trọn chẳng hoại. Lại mời! Sư liền cầm đũa gắp ăn. Bọn giặc cười to. Sư ăn xong lại nói: Kiếp số đã gặp ly loạn, tôi là kẻ rất thích sống, hiện nay chính là giờ tốt, xin mời một đao hai khúc. Sư bèn hô to: Chém! Chém! Giặc kinh hãi cúi đầu tạ tội, khiến quân rút lui. Nhà cửa vùng Ô Trấn khỏi bị thiêu đốt, thật nhờ ơn đức của Sư. Kẻ đạo người tục nghe việc này càng cung kính Sư.
 Có vị Tăng xem bài ca có câu: ?thấy Phật chẳng lạy?, nghịch hỏi Sư: - Đã thấy Phật vì sao chẳng lạy?
 Sư tát tai, hỏi: - Hội chăng?
 Tăng đáp: - Chẳng hội.
 Sư lại tát tai, nói: - Nhà không hai chủ.
 Niên hiệu Thiệu Hưng (1131) năm Canh Thân mùa Đông, Sư làm một cái bồn to mà đậy lại, biên thơ gởi cho Thiền sư Trì ở Tuyết Đậu nói: Tôi sắp thủy táng vậy. Đến năm Nhâm Tuất, Thiền sư Trì đến thăm, thấy Sư vẫn còn, bèn làm bài kệ ngạo rằng:
 Dốt thay lão Tánh Không,
 Chỉ thích mồi cho cá,
 Đi chẳng đòi tánh đi,
 Chỉ quản nhằm người nói.
 Sư xem qua, cười nói: - Đợi huynh đến chứng minh.
 Sư liền sai báo tin họp tứ chúng. Chúng họp xong, Sư vì chúng nói pháp yếu, bèn nói kệ: 
 Ngồi thoát đứng chết chẳng bằng thủy táng,
 Một bớt tốn củi, hai khỏi đào đất,
 Buông tay liền đi hẳn là thích thú,
 Ai là tri âm Hòa thượng Thuyền Tử,
 Cao phong khó nối trăm ngàn năm,
 Một bản ông chài ít người xướng.
 Sư bèn vào ngồi trong bồn xuôi nước mà đi. Chúng đều theo đến cửa biển nhìn theo đứt mắt. Sư lấy gàu múc nước bơi bồn vào, chúng nâng lên xem, không thấy vô nước. Sư lại theo dòng nước mà đi, xướng lên rằng:
 Thuyền Tử đương niên phản cố hương
 Một tung tích xứ diệu nan lương
 Chân phong biến ký tri âm giả
 Thiết địch hoành xuy tác tán trường.
 Dịch:
 Thuyền Tử năm này lại cố hương
 Chỗ không dấu vết diệu khó lường
 Chân phong khắp gởi tri âm đấy
 Sáo sắt thổi ngang vĩnh biệt trường.
 Tiếng sáo xa xa rồi đứt khoảng trong chốn mênh mông, thấy Sư ném chiếc sáo rồi chìm. Chúng thương xót ngậm ngùi. Ba hôm sau, người ta thấy thân Sư ngồi kiết già trên bãi cát. Tăng tục đua nhau đến đón về chùa, lưu lại năm ngày sau mới trà-tỳ. Khi trà-tỳ có hai con chim nhạn bay qua bay lại trong hư không, đến thiêu xong mới đi.

*

33. THIỀN SƯ THỦ TRÁC
Ở Trường Linh Thiên Ninh
 
 Sư họ Trang, quê ở Tuyền Châu.

*
 
 Sư thượng đường: Ba ngàn kiếm khách riêng nhận Trang Chu, vì sao lại nhảy chẳng khỏi? Cửa thầy thuốc nhiều bệnh nhân, vì sao chẳng tiêu một cái chích. Người đã thấu quan mời biện xem.

*

 Sư thượng đường: Thí như con mắt chẳng tự thấy con mắt, tánh tự bình đẳng. Người không bình đẳng liền thế ấy đi, chùy sắt không lỗ anh hãy an trí. Dù đặng vào rừng chẳng động cỏ, vào nước chẳng động sóng, cũng là phương tiện một thời. Nếu là, tre trong giậu nhổ măng ngoài giậu, khe đông hoa nở khe tây hồng. Lại đợi khám phá qua đã.
 Tăng hỏi: - Đơn Hà thiêu Phật gỗ, Viện chủ vì sao lại rụng lông mày?
 Sư đáp: - Mèo con biết trèo cây.
 Tăng thưa: - Sớm biết như thế trọn chẳng như thế. 
 Sư bảo: - Tiếc lấy lông mày.
 Tăng hỏi: - Thế nào là việc của kẻ áo nạp?
 Sư đáp: - Trời hạn dân sầu.
 Tăng hỏi: - Khi Phật chưa xuất thế thì thế nào?
 Sư đáp: - Tuyệt hào tuyệt ly.
 Tăng hỏi: - Sau khi xuất thế thì sao?
 Sư đáp: - Lấp hồ bít khe.
 Tăng hỏi: - Xuất thế cùng chưa xuất thế cách nhau bao nhiêu?
 Sư đáp: - Người bình chẳng nói, nước bình chẳng chảy.

*
 
 Sư thượng đường: San cao đến thấp, đuổi giặc phá nhà, cắt sắt chặt đinh, con chồn mến hang, thảy chẳng thế ấy lại là sao? Vì thế nói, vực cao muôn nhẫn buông tay thõng, phải là người ấy. Chỉ như ôm bát vào nước Hương Tích một câu làm sao nói? Sư im lặng giây lâu nói: - Tối kỵ gió thổi trong biệt điệu.

*
 
 Sư thượng đường: Đức Thích-ca đóng cửa thất phạm lỗi tày trời, ngậm miệng nơi Tỳ-da tự cứu chưa xong. Thế nào? Thế nào? Cửa miệng quá nhỏ.

*

 Niên hiệu Tuyên Hòa thứ năm (1123) ngày hai mươi bảy tháng mười hai, Sư yên lặng thị tịch.

*

34. THIỀN SƯ BỔN TÀI PHẬT TÂM
Ở Thượng Phong Đàm Châu
 
 Sư họ Đào, quê ở Phước Châu, thuở bé được xuất gia, thọ giới cụ túc xong đi du phương. Sư đến Đại Trung nương Thiền sư Long ở Hải Ấn thấy lão túc là Đạt Đạo xem kinh đến câu ?một đầu sợi lông sư tử trăm ức đầu sợi lông đồng thời hiện?, Sư chỉ hỏi: - Một đầu sợi lông sư tử vì sao được trăm ức đầu sợi lông đồng thời hiện? Đạt đáp: - Ngươi mới vào tùng lâm đâu thể lý hội được việc này. Sư nhân đây sanh nghi. Sư phát tâm lãnh chức Tịnh đầu. Một hôm, Sư đến phiên quét dọn. Hải Ấn vừa đến dạ tham, đến nơi thấy sửa sang tòa liền ném cây gậy bảo: - Liễu thì đầu sợi lông nuốt bể cả, mới biết cả đại địa một hạt bụi. Sư bỗng nhiên có tỉnh.

*
 
 Sau Sư ra xứ Mân đến Dự Chương núi Hoàng Long ở chỗ Tử Tâmcơ duyên không khế hợp. Sư đến tham vấn Linh Nguyên, mỗi khi vào thất ra ắt lau nước mắt nói: - Việc này ta thấy được rất rõ ràng, chỉ là lâm cơ nói chẳng ra. Nếu thế là tại sao?
 Linh Nguyên biết Sư rất cần mẫn, bảo: - Phải đại triệt mới được tự tại.
 Chưa bao lâu, bỗng thấy vị Tăng ở bàn bên cạnh đọc Tào Động Quảng Lục, đến Dược Sơn hái củi về có vị Tăng hỏi: - Chỗ nào lại?
 Dược Sơn đáp: - Đốn củi lại.
 Tăng chỉ con dao dưới lưng nói: - Khua ren ren là cái gì?
 Dược Sơn rút dao làm thế chặt. Sư chợt vui mừng tát vị Tăng đang đọc một tát, vén rèm chạy tuôn ra cửa nói kệ:
 Triệt! Triệt!
 Đại hải càn khô hư không tịnh liệt
 Tứ phương bát diện tuyệt già lan
 Vạn tượng sum la tề lậu tiết.
 Dịch:
 Triệt! Triệt!
 Biển cả khô khan hư không đều nát
 Bốn phương tám mặt bặt ngăn che
 Vạn tượng sum la đều tiết lộ.
 Về sau, Sư được chia tòa giảng dạy ở Chơn Thừa, nhận trụ ở Thượng Phong và dời trụ nhiều chùa nổi tiếng.
 
 Khi Sư trụ ở Càn Nguyên ngày khai đường dạy chúng: Trăm ngàn môn tam-muội vô lượng tạng phước đức, buông đi cũng như mở kho thì sâm sai xen lẫn, nắm đứng cũng giống tuyết phủ hoa lau khắp thân khó biện. Khiến cho người thấy đó khêu dậy liền đi, người nghe đó một đao thẳng vào, mỗi mỗi đủ chánh nhãn ở đảnh môn, người người mang theo tay một linh phù, quét tri kiến Phật Tổ, làm họa ương ở tùng lâm. Tôi nhớ ngày khai đường của Bảo Thọ, Tam Thánh đẩy một vị Tăng ra, Bảo Thọ liền đánh, Tam Thánh nói: Thế ấy vì người là làm mù mắt người cả một thành Trấn Châu đi rồi. Vả như Càn Nguyên ngày nay khai đường, hoặc có vị Tăng ra đây, sơn tăng cũng đánh, chẳng những thoại này đại hành, cốt yếu mở mắt người cả thành Phước Châu. Vì sao vậy? Kiếm vì bất bình lìa giáp báu, thuốc nhân cứu bệnh ra bình vàng. 
 
 Sư thượng đường: Đức Đạt-ma trước khi chưa sang Đông Độ, người người đều ấp hạt châu Mỵ Thủy, kẻ kẻ đều ôm hòn ngọc Kinh Sơn, đáng gọi là vách đứng ngàn nhẫn. Đến khi Nhị Tổ lễ ba lạy, về sau mỗi mỗi Nam hỏi các bạn, Bắc lễ Văn-thù, rất chẳng trượng phu. Hoặc có một người nửa người chẳng cầu chư Thánh chẳng trọng kỷ linh, một ngựa một thương nhằm trong hư không đấu kiếm, thật là thích thú bình sanh. Như hiện nay có chăng? Tự là chẳng về về liền được, mây cảnh ngũ hồ có ai giành.

*
 
 Sư thượng đường: Nhất pháp có hình gồm động thực, trăm sông chảy xiết biển đua về, sáng đâu chẳng động trời mây nhạt, tưởng tượng Tỳ- da một bệnh ông. Duy-ma bệnh ắt Thượng Phong bệnh, Thượng Phong bệnh ắt cây gậy bệnh, cây gậy bệnh ắt sum la vạn tượng bệnh, sum la vạn tượng bệnh ắt phàm cùng thánh bệnh. Quí vị lại biết chỗ bệnh trước khởi chăng? Nếu là biết được, tình cùng vô tình đồng một thể, nơi nơi đều đồng chân pháp giới. Nếu chưa như thế, dưa ngọt tột rễ ngọt, dưa đắng gốc cũng đắng.

*

35. THIỀN SƯ KHẮC CẦN PHẬT QUẢ
Ở Chiêu Giác
 
 Sư họ Lạc quê ở Bành Thành, gia thế theo Nho. Thuở nhỏ Sư mỗi ngày nhớ được ngàn lời. Bỗng Sư đến chùa Diệu Tịch thấy sách Phật, xem qua ba lượt buồn bã như được vật cũ. Sư nói: Ta ngờ quá khứ làm Sa-môn. Sư liền bỏ nhà nương thầy Tự Tỉnh thế phát, theo Văn Chiếu Thông học kinh, lại theo Mẫn Hạnh học kinh Lăng Nghiêm. Bỗng mang bệnh nặng, Sư than: Con đường Niết-bàn của chư Phật chẳng ở trong văn cú, tôi muốn do tiếng cầu thấy sắc, nơi kia không tử vậy.

*
 Sư rời đây tìm đến pháp hội Thiền sư Thắng ở Chơn Giác. Sư Thắng chích máu nơi cánh tay chỉ dạy Sư: - Đây là một giọt nước nguồn Tào. 
 Sư kinh hãi giây lâu nói: - Đạo vẫn như thế ư?
 Sư liền đi bộ đến đất Thục trước yết kiến Thiền sư Hạo ở Ngọc Tuyền, kế nương Thiền sư Tín ở Kim Loan, Thiền sư Triết ở Đại Qui, Thiền sư Tổ Tâm ở Hoàng Long, Thiền sư Độ Liễm ở Đông Lâm chỉ vì pháp khí. Thiền sư Tổ Tâm khen Sư rằng: - Ngày sau một tông Lâm Tế thuộc ngươi vậy.

*
 
 Rốt sau, Sư yết kiến Thiền sư Diễn ở Ngũ Tổ. Sư trình hết cơ dụng của mình mà Diễn đều không chấp nhận. Sư nghĩ Thiền sư Diễn gắng xoay chuyển người, nói lời bừa bãi, tức giận bỏ đi. Thiền sư Diễn nói: - Đợi khi ông mắc bệnh nặng mới nghĩ đến ta.
 Sư đi đến Kim Sơn mắc bệnh thương hàn rất nặng, dùng chỗ thấy bình thường thí nghiệm đều không đắc lực. Từ đây mới nhớ lại lời ngài Pháp Diễn. Sư tự thệ rằng: Bệnh tôi tạm bớt liền trở lại núi Ngũ Tổ. Khi bệnh thuyên giảm, Sư liền trở lại núi Ngũ Tổ. Thiền sư Pháp Diễn trông thấy cười dạy đến nhà tham thiền. Sư vào liêu Thị giả mới được nửa tháng, gặp Bộ Sử hưu trí trở về đất Thục đến Pháp Diễn hỏi đạo. Pháp Diễn hỏi: - Đề Hình thuở thiếu niên từng đọc Tiểu Diểm thi chăng? Có hai câu hỏi gần nhau ?vừa kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc, chỉ cốt đàn lang nhận được thanh?.
 Đề Hình ứng: - Dạ! Dạ!
 Pháp Diễn bảo: - Hãy chín chắn
 Sư vừa đến ứng hầu thưa: - Nghe Hòa thượng nhắc Tiểu Diểm thi, Đề Hình hiểu chăng?
 Pháp Diễn bảo: - Kia nhận được thanh.
 Sư thưa: - Chỉ cốt đàn lang nhận được thanh, kia đã nhận được thanh, vì sao lại chẳng phải?
 Pháp Diễn nói: - Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang, cây bá trước sân, ghê?
 Sư chợt có tỉnh. Sư bước ra, thấy con gà bay đậu trên lan can vỗ cánh gáy, lại tự bảo: Đây há chẳng phải là thanh. Sư bèn sắm hương đèn vào thất trình kệ:
 Kim ô hương tỏa cẩm tú vi
 Sảnh ca tùng lý túy phù qui
 Thiếu niên nhất đoạn phong lưu sự
 Chỉ hứa giai nhân độc tự tri.
 Dịch: 
 Quạ vàng hương kín túi gấm thêu
 Nhịp ca tùng rậm say dìu về
 Một đoạn phong lưu thuở niên thiếu
 Chỉ nhận giai nhân riêng tự hay.
 Pháp Diễn bảo: - Phật Tổ đại sự chẳng phải căn nhỏ cơ hèn hay đến được, tôi giúp ông vậy. Pháp Diễn liền bảo khắp cho hàng kỳ cựu trong núi rằng: Thị giả của tôi tham được thiền. Do đây, Sư đi đến đâu cũng được đưa lên làm Thủ tọa.

*
 
 Khoảng niên hiệu Sùng Ninh (1102-1107), Sư về quê thăm cha mẹ, bốn chúng nghênh đón lễ bái. Nguyên soái ở Thành đô Hàn Lâm Quách Công Tri Chương thỉnh Sư khai pháp ở chùa Lục Tổ kế đến chùa Chiêu Giác.

*
 
 Khoảng niên hiệu Chánh Hòa (1111-1118), Sư xin nghỉ việc lại ra núi đi dạo phương Nam. Bấy giờ cư sĩ Trương Vô Tận đang ngụ ở Kinh Nam, dùng đạo học tự ở, ít tiếp xúc với người. Sư dừng thuyền đến ra mắt ông. Luận về chỉ yếu kinh Hoa Nghiêm, Sư nói: - Cảnh giới hiện lượng kinh Hoa Nghiêm lý sự toàn chân, ban đầu không nhờ pháp. Sở dĩ tức một là muôn, rõ muôn là một. Một lại một muôn lại muôn thênh thang không cùng, tâm Phật chúng sanh ba không sai biệt, co duỗi tự tại viên dung không ngại. Đây tuy lý tột trọn là không gió sóng ầm ầm. Khi ấy Vô Tận bất chợt nhóm giường. 
 Sư hỏi: - Đến đây cùng ý Tổ sư Tây sang là đồng là khác?
 Vô Tận đáp: - Đồng.
 Sư bảo: - Chẳng được, không dính dáng.
 Vô Tận đổi sắc. Sư bảo: - Chẳng thấy Vân Môn nói: ?núi sông đất liền không một mảy tơ lỗi lầm vẫn là chuyển cú, thật được chẳng thấy một sắc mới là bán đề, lại phải biết có hướng thượng mới là thời tiết toàn đề?, Đức Sơn, Lâm Tế há chẳng phải toàn đề ư?
 Vô Tận bèn gật đầu. Hôm sau lại nói về sự pháp giới lý pháp giới, đến lý sự vô ngại pháp giới, Sư lại hỏi: - Đây đáng gọi là thiền chưa?
 Vô Tận đáp: - Chính là nói thiền.
 Sư cười bảo: - Chẳng phải, chính là còn trong lượng pháp giới, bởi lượng pháp giới chưa diệt, nếu đến sự sự vô ngại pháp giới thì lượng pháp giới diệt, mới là nói thiền. Thế nào là Phật? - Cục cứt khô. Thế nào là Phật? - Ba cân gai. Thế nên Chơn Tịnh có bài kệ nói: ?Sự sự vô ngại, như ý tự tại, tay cầm đầu heo, miệng tụng tịnh giới, đẩy ra phòng dâm, tiền rượu chưa trả, chữ thập đầu đường, cởi mở túi vải.?
 Vô Tận nói: - Luận hay thay! Đâu dễ được nghe.
 Khi ấy Vô Tận lễ Sư làm thầy, mời ở Bích Nham.

*
 
 Sư lại đến Đạo Lâm, Khu mật Đặng Công Tử Thường tâu về triều xin ban tử y và hiệu. Chiếu vua mời Sư trụ Tương Sơn ở Kim Lăng, học giả tụ họp không còn chỗ để dung. Lại sắc mời trụ chùa Vạn Thọ ở Thiên Ninh. Niên hiệu Kiến Viêm năm đầu (1127) vua lại mời Sư trụ Kim Sơn. Nhà vua đến Duy Dương mời Sư vào hỏi đạo, vua ban hiệu là Viên Ngộ Thiền sư và mời trụ Vân Cư. Về sau lại mời Sư trụ Chiêu Giác.

*
 Có vị Tăng hỏi: - Vân Môn nói ?núi Tu-di? ý chỉ thế nào?
 Sư đáp: - Đẩy chẳng đến trước, kéo chẳng lùi sau.
 Tăng thưa: - Chưa biết lại có lỗi hay không?
 Sư đáp: - Ngồi ở đầu lưỡi. 
 Có vị Tăng hỏi: - Pháp chẳng riêng khởi nương cảnh mới sanh, liền đưa tọa cụ lên nói: - Cái này là cảnh, cái nào là pháp?
 Sư đáp: - Lại bị Xà-lê cướp mất thương.
 Sư thượng đường: Khắp thân là mắt thấy chẳng đến, khắp thân là tai nghe chẳng thấu, khắp thân là miệng nói chẳng được, khắp thân là tâm xem xét chẳng ra. Dù cho cả đại địa rõ được không sai sót một mảy tơ vẫn còn ở giữa đường, cứ lệnh toàn đề, hãy nói diễn bày thế nào? Trong không nhật nguyệt dọc ngang chống, một buổi trời trong vạn cổ xuân.
 Sư thượng đường: Chót núi sóng vỗ đáy giếng bụi bay, mắt nghe dường vang sấm nổ, tai thấy tợ bày gấm vẽ, ba trăm sáu mươi lóng xương mỗi lóng hiện vô biên diệu thân, tám mươi bốn ngàn đầu sợi lông mỗi đầu lông bày biển Bảo Vương sát, chẳng phải thần thông diệu dụng, cũng phi pháp nhỉ như nhiên, dù hay ngàn mắt chóng mở, hẳn là mười phương ngồi đoạn, vả lại một câu siêu nhiên độc thoát làm sao nói. Thử ngọc cần trải qua lửa mà biết, châu chẳng rời bùn.
 Sư thượng đường: Ngày mười lăm về trước ngàn trâu lôi chẳng lại, ngày mười lăm về sau chim cưu mạnh đuổi chẳng đến, chính ngày mười lăm trời bình đất bình đồng sáng đồng tối, đại thiên sa giới chẳng ngoài ngay đây. Khả dĩ ngậm nhổ mười phương, tiến một bước siêu việt bất khả thuyết biển Hương Thủy, lùi một bước ngồi đoạn ngàn lớp muôn dặm mây trắng, chẳng tiến chẳng lùi chớ nói là Xà-lê mà lão tăng cũng không có chỗ mở miệng. Sư đưa cây phất tử nói: - Chính hiện nay thì thế nào? Có khi để ở trên ngàn đảnh, cắt đứt mây thu chẳng phóng cao.

*
 
 Sư thượng đường: Mười phương đồng tụ hội, thân xưa nay không muội, mỗi mỗi học vô vi, trên đảnh dùng kềm búa, đây là trường thi Phật, sâu rộng khó hay lường, tâm không thi đậu về, kiếm bén chẳng bằng chùy. Bàng cư sĩ lưỡi chỏi đến Phạm Thiên miệng trùm bốn biển, có khi đem cọng cỏ làm thân vàng trượng sáu, có khi đem thân vàng trượng sáu làm cọng cỏ, rất là kỳ đặc. Tuy nhiên như thế, cốt chẳng từng động đến cổng hướng thượng. Thế nào là cổng hướng thượng? Đúc ấn để đàn cao.

*
 
 Sư thượng đường: ?Câu có câu không, siêu tông việt cách, như bìm nương cây, núi bạc vách sắt.? Đến khi cây ngã bìm khô, bao nhiêu người mất đi lỗ mũi. Dù cho lượm được lại, đã là ngàn dặm muôn dặm. Chỉ như khi chưa có tin tức thế ấy là thế nào? Lại thấu được chăng? Gió ấm tiếng chim hát, nhật lên bóng hoa chồng.
 Sư dạy chúng: Một lời cắt đứt tiếng ngàn thánh, một kiếm ngay đầu thây nằm ngàn dặm. Vì thế nói, có khi câu đến ý chẳng đến, có khi ý đến câu chẳng đến, câu hay cắt ý, ý hay cắt câu, câu ý lẫn đuổi lỗ mũi Thiền tăng. Nếu hay thế ấy chuyển đi, trời trong cũng phải ăn gậy. Hãy nói y cứ cái gì? Đáng thương vô hạn người đùa sóng, rốt cục lại là sóng chết chìm.
 Sư dạy chúng: Bờ cao muôn nhẫn buông thõng tay, cần phải người ấy, cây nỏ ngàn quân khi ấn máy há vì chuột thỏ, Vân Môn, Mục Châu, ngay mặt lầm qua, Đức Sơn, Lâm Tế nói đùa ngoài cổng, ngoài ra lập cảnh lập cơ làm hang làm ổ, thế là diệt chủng tộc nhà Phật, một câu độc thoát phải nói làm sao? Muôn duyên thay đổi nào còn việc, tháng năm phòng núi lạnh như băng.
 Niên hiệu Thiệu Hưng thứ năm (1135) tháng tám, Sư có chút bệnh, ngồi kiết già viết kệ để lại cho chúng, ném bút thị tịch. Khi trà-tỳ lưỡi và răng không cháy hết. Tháp ở bên chùa Chiêu Giác. Vua ban thụy là Chơn Giác Thiền sư.
36. THIỀN SƯ HUỆ CẦN PHẬT GIÁM
 
 Sư họ Uông xuất gia thuở nhỏ, học thông kinh điển, mỗi khi đọc đến câu ?chỉ đây một sự thật còn hai thì chẳng chân?, liền có tỉnh. Sư đi tham vấn các bậc tôn túc, qua lại chỗ Thiền sư Pháp Diễn mấy phen. Sư bực Pháp Diễn không ấn chứng, nên kết bạn với Viên Ngộ cùng đi. Đến khi Viên Ngộ trở lại chỗ Pháp Diễn mới được triệt ngộ. Bỗng Sư tìm đến, ý còn muốn đi nơi khác, Viên Ngộ khuyên nên ở lại. Viên Ngộ nói: - Tôi cùng huynh mới cách nhau hơn tháng, so lại khi gặp nhau lúc trước thế nào?
 Sư đáp: - Chỗ tôi nghi là ở đây.
 Sư liền dừng lại đây.

*
 
 Một hôm, Sư nghe Pháp Diễn nhắc việc Tăng hỏi Triệu Châu: ?Thế nào là gia phong của Hòa thượng? Triệu Châu nói: - Lão tăng lãng tai hỏi to lên đi. Tăng lại hỏi to lên. Triệu Châu nói: - Ông hỏi gia phong của ta, ta lại biết gia phong của ông rồi.? Sư liền hoát nhiên đại ngộ thưa: - Xin Hòa thượng chỉ bày chỗ tột?
 Pháp Diễn đáp: - Sum la và vạn tượng là sở ấn của một pháp.
 Sư liền lễ bái. Pháp Diễn cử Sư làm thư ký.

*

 Sư cùng Viên Ngộ luận đạo bàn việc Đông Tự hỏi Ngưỡng Sơn hạt minh châu trấn hải, đến chỗ không lý có thể bày. Viên Ngộ gạn lại Sư: - Đã nói nhận được, đến khi đòi hạt châu, lại nói không lời có thể đáp không lý có thể bày là sao?
 Sư không thể đáp được. Hôm sau, Sư nói với Viên Ngộ: - Đông Tự chỉ đòi một hạt châu, Ngưỡng Sơn ngay đó trút cả giỏ.
 Viên Ngộ thừa nhận đó, lại khuyên Sư: - Lão huynh lại nên thân cận lão Hòa thượng.
 Một hôm, Sư đến phương trượng chưa kịp nói gì, bị Pháp Diễn mắng chửi thậm tệ rồi lui. Về liêu, Sư đóng cửa nằm ngủ, hận Pháp Diễn vô cùng. Viên Ngộ đã thầm biết đến gõ cửa.
 Sư hỏi: - Ai?
 Viên Ngộ đáp: - Tôi.
 Sư liền mở cửa. Viên Ngộ hỏi: - Huynh đến lão Hòa thượng thế nào?
 Sư đáp: - Tôi vốn không đi, bị huynh lừa nhiều lần, tôi bị lão ấy mắng chửi.
 Viên Ngộ cười hả! Hả! Nói: - Huynh nhớ được lời ngày trước chăng?
 Sư hỏi: - Là lời gì?
 Viên Ngộ nói: - Huynh lại nói, Đông Tự chỉ đòi một hạt châu, mà Ngưỡng Sơn trút cả giỏ.
 Sư ngay đây liền tan vỡ. Viên Ngộ bèn hướng dẫn Sư đến phương trượng. Pháp Diễn vừa thấy Sư đến liền nói: - Huynh Cần đáng mừng đại sự xong rồi. 
Năm sau, Pháp Diễn cử Sư làm Đệ nhất tọa.

*

 Gặp khi Linh Nguyên về trụ Hoàng Long, thiếu người ở Thái Bình, Linh Nguyên tiến cử Sư với Thái thú Thơ Châu là Tôn Đảnh. Tôn Đảnh thỉnh Sư trụ trì Thái Bình. Khi Sư từ biệt, Pháp Diễn trao pháp y. Sư nhận và đưa lên nói với chúng: - ?Phật Thích-ca thuở xưa dùng ca-sa Kim Lan trượng sáu đắp thân Phật Di-lặc ngàn thước, thân Phật chẳng dài ca-sa chẳng ngắn, hiểu chăng? Tức dạng này không dạng khác.? Từ đây pháp đạo truyền rộng.

*
 
 Niên hiệu Chính Hòa năm đầu (1111), chiếu vua mời Sư trụ trì chùa Trí Hải ở Đông Đô. Sau năm năm, Sư xin trở về, lại có chiếu chỉ mời Sư trụ Tương Sơn.
 Tăng hỏi: - Thế nào là ý Tổ sư Tây sang?
 Sư đáp: - Ăn giấm biết chua, ăn muối biết mặn.
 Tăng hỏi: - Khi tên hết cung gãy thì thế nào?
 Sư đáp: - Một trường bối rối.
 Tăng hỏi: - Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?
 Sư đáp: - Bổ nát cột cái.
 Tăng hỏi: - Về quê không đường thì sao?
 Sư đáp: - Lộ trình của vua có hạn. 
 Tăng hỏi: - Trước ba ba sau ba ba là sao?
 Sư đáp: - Sáu lần sáu là ba mươi sáu.
 Tăng hỏi: - Được nghe Hòa thượng thân thấy Ngũ Tổ Diễn phải chăng?
 Sư đáp: - Trâu sắt nhai nát cỏ vàng ròng.
 Tăng thưa: - Thế ấy là thân kiến Ngũ Tổ Diễn?
 Sư bảo: - Ta cùng ông có oán thù gì?
 Tăng hỏi: - Chỉ như Đạt-ma thấy Võ Đế ý chỉ thế nào?
 Sư đáp: - Lời Hồ dễ biện tiếng Hán khó rành.
 Tăng hỏi: - Vì sao lặng lẽ thầm qua sông?
 Sư đáp: - Nhân gió giúp tiện.
 Tăng hỏi: - Thế nào là khách trong chủ?
 Sư đáp: - Tiến trước lùi sau buồn chết người.
 Tăng hỏi: - Thế nào là chủ trong khách?
 Sư đáp: - Lời chân thật thành vọng ngữ.
 Tăng hỏi: - Thế nào là khách trong khách?
 Sư đáp: - Phu Tử dạo đi ách tại Trần.
 Tăng hỏi: - Thế nào là chủ trong chủ?
 Sư đáp: - Trọn ngày đồng đi chẳng bạn bè.
 Tăng hỏi: - Chủ khách đã nhờ Thầy chỉ dạy, việc hướng thượng trong tông thừa thế nào?
 Sư đáp: - Búa lớn chặt rồi tay bóp xoa.
 Tăng hỏi: - Tức tâm tức Phật thì chẳng hỏi, phi tâm phi Phật việc thế nào?
 Sư đáp: - Hôm qua có Tăng hỏi, lão tăng chẳng đáp.
 Tăng hỏi: - Chưa biết cùng tức tâm tức Phật cách nhau bao nhiêu?
 Sư đáp: - Gần thì ngàn muôn dặm, xa thì chẳng cách mảy tơ.
 Tăng hỏi: - Bỗng bị học nhân cắt đứt hai đầu, về nhà ngồi yên lại là sao?
 Sư hỏi: - Ông ở chỗ nào?
 Tăng thưa: - Một thân tự do trong đại thiên sa giới.
 Sư bảo: - Chưa đến nhà, nói lại.
 Tăng thưa: - Học nhân đến trong đây liền được đông tây chẳng biện, nam bắc chẳng phân.
 Sư bảo: - Chưa là phần ngoại.

*
 
 Sư thượng đường: Chí đạo không khó, chỉ hiềm giản trạch, hoa đào hồng hoa lý bạch, ai bảo chung chung chỉ một sắc, chim yến kêu hoàng oanh hót, ai bảo đồng đồng chỉ một tiếng. Chẳng thấu được then chốt cửa Tổ sư, nhận suông núi sông làm tròng mắt.
 Sư thượng đường: Nhật nhật nhật tây chìm, nhật nhật nhật đông lên, nếu muốn học Bồ-đề. Sư ném cây gậy nói: - Chỉ xem khuôn mẫu này.
 Tuần giáp năm Thiền sư Pháp Diễn, Sư thượng đường: Năm trước cũng ngày này, lò hồng mảnh tuyết bay, ngày nay cũng năm trước, bọn gái đọc bia đêm. Một câu ở rốt sau, mắt Phật cũng khó thấy, sen trắng trên đảnh núi, trời đỏ nhiễu Tu-di, chim mổ cây san hô, cá kình nuốt trâu nước, Thái Bình gia nghiệp ấy, ngàn xưa noi Dương Kỳ.
 Sư thượng đường cầm ngang cây gậy nói: - Trước chiếu sau dụng. Dựng đứng cây gậy nói: - Trước dụng sau chiếu. Xoay tròn cây gậy nói: - Chiếu dụng đồng thời. Đưa lên một cái nói: - Chiếu dụng bất đồng thời. Cả thảy các ông bị một cái miệng cây gậy nuốt hết rồi, chính là các ông không biết. Nếu nhằm trong ấy nói được một câu chuyển thân, khỏi thấy một trường hơi ngạt. Nếu chưa như thế, lão tăng ngày nay thất lợi.
 Sư thượng đường: Quạ vàng gấp thỏ ngọc chóng, sáng trôi gấp gấp mười tháng bảy. Du Tử không cùng chẳng về nhà, dù về chỉ ở trước cửa đứng. Trước cửa đứng, nắm tay lôi gã chẳng chịu vào, muôn dặm xem xem tất cỏ không, hoa rơi đầy đất không người lượm. Không người lượm một lần mưa qua một lần ướt. 
 Sư thượng đường: Thế Tônmật ngữ Ca-diếp chẳng che giấu. Sư bảo: - Ngươi bình thường nói vàng nói đen bình phẩm cổ kim, há chẳng phải mật ngữ. Ngươi bình thường bẻ quanh cúi ngước lấy muỗng cầm đũa chắp tay vái chào, là che giấu chẳng che giấu. Bỗng nhiên đầy đất đi cũng không thể biết. Cần hiểu chăng? Thế Tônmật ngữ, đông đến hàn thực trăm lẻ năm. Ca-diếp chẳng che giấu, nước rỉ chẳng thông đã bày tang vật. Thiền tăng lanh lợi nếu hiểu được, một lớp trên tuyết một lớp sương.

*
 
 Sư thượng đường: Việc ngày mười lăm về trước trên gấm thêu hoa, việc ngày mười lăm về sau như biển nổi hòn bọt, chính ngày mười lăm giống hệt chiếc gương một thước soi hình tượng ngàn dặm. Tuy là chân không bặt dấu, ngại gì hải ấn phát quang, mặc tình cột cái nở hoa, nói gì mặt Phật trăm xấu. Cớ sao? Đến nơi trăng đêm sương, dần dà rơi suối trước.
 Sư thượng đường nhắc lại Tăng hỏi Triệu Châu: - Thế nào là nghĩa chẳng đổi? Triệu Châu lấy tay làm thế nước chảy. Vị Tăng có tỉnh. Lại vị Tăng hỏi Pháp Nhãn: - ?Chẳng thủ nơi tướng như như bất động?, thế nào chẳng thủ nơi tướng thấy được như như bất động? Pháp Nhãn nói: - Trời mọc phương Đông tối lặn Tây. Tăng ấy có tỉnh. Nếu nơi đây thấy được, mới biết nói: ?Xoay non ngã núi xưa nay thường lặng, sông rạch đua tràn vốn tự chẳng chảy.? Nếu chưa như thế, chẳng khỏi lại vì buông lời, trời xoay trái, đất xoay mặt, xưa qua nay lại trải bao phen, gà vàng bay thỏ ngọc chạy, vừa mới ra cửa biển, lại rơi sau núi xanh, sông rạch sóng ào ào, Hoài, Tế lượng ầm ầm, thẳng vào sông cái ngày đêm chảy. Sư liền lớn tiếng nói: Chư thiền đức! Lại thấy như như bất động chăng?

*
 
 Trong thất Sư dùng gỗ làm sáu cái đầu tử mỗi mặt đều khắc chữ công. Tăng vừa vào, Sư liền ném nói: - Hội chăng? Tăng nghĩ hay chẳng nghĩ. Sư liền đánh đuổi ra.

*
 
 Ngày mùng tám tháng chín, Sư thượng đường: Tâm ấn Tổ sư dáng giống máy trâu sắt, đi liền ấn đứng, đứng liền ấn phá, dù cho chẳng đi chẳng đứng cũng chưa phải là chỗ hành lý của Thiền tăng. Làm sao phải chỗ hành lý của Thiền tăng? Đợi tháng mười trước sau vì các ông chú phá.

*
 
 Đến ngày mùng tám tháng mười, Sư tắm gội đắp y ngồi ngay thẳng, tay cầm bút viết một số thơ từ biệt bạn cũ, dừng bút Sư tịch.

*

37. THIỀN SƯ THANH VIỄN PHẬT NHÃN
Long Môn
 
 Sư họ Lý, quê ở Lâm Ngang, dáng vẻ nghiêm chỉnh ít nói. Năm mười bốn tuổi Sư xuất gia chuyên học luật. Nhân đọc kinh Pháp Hoa đến câu ?pháp ấy không phải chỗ suy nghĩ phân biệt hay hiểu?, Sư đem hỏi Giảng sư. Giảng sư không thể giải được, Sư than rằng: Nghĩa học danh tướng không phải nguyên nhân liễu việc lớn sanh tử. Sư bèn sửa soạn hành lý đi hành cước phương Nam.

*
 
 Sư đến Thơ Châu ở chùa Thái Bình vào pháp hội Thiền sư Pháp Diễn. Nhân đi quyên tởi ở Lô Châu, Sư trợt chân té nhào xuống đất, phiền não dấy động. Bỗng nghe hai người chửi lộn, người can nói: - Ông vẫn tự phiền não.
 Sư nhân lời này có tỉnh. Trở về chùa, Sư có hỏi lời gì, Pháp Diễn đều bảo: - Ta chẳng bằng ông, ông tự hội được thì tốt.
 Hoặc nói: - Ta chẳng hội, ta chẳng bằng ông.
 Sư càng nghi liền đến thưa hỏi Thủ tọa Nguyên Lễ. Lễ bèn đưa tay nắm lỗ tai Sư đi quanh lò mấy vòng, vừa đi vừa nói: - Ông tự hội được thì tốt.
 Sư thưa: - Có lòng mong khai phát có phải đùa với nhau sao?
 Lễ bảo: - Ông về sau ngộ rồi mới biết được việc khúc chiết ngày nay.
 Pháp Diễn sắp từ Thái Bình dời đến Hải Hội. Sư tức giận nói: - Ta mang bát mới về tham vấn lại, giờ đây theo đến một viện hoang, đâu thể giải quyết được việc của mình.
 Sư bèn làm kệ cáo từ đến Tương Sơn nhập hạ.

*
 
 Gặp được Thiền sư Linh Nguyên ngày càng thêm thân mật, trong khi thong thả bàn luận nhau Sư nói: - Xưa gặp một tôn túc ở Đô Hạ ngôn cú dường như có duyên.
 Linh Nguyên bảo: - Diễn Công là Tông sư bậc nhất trong thiên hạ, cớ sao lại bỏ mà đi xa? Nói là có duyên đó, tức bậc thầy tri giải cùng huynh lúc sơ tâm phù hợp.
 Sư nghe theo lời khuyến khích liền đi thẳng đến Hải Hội. Sau Pháp Diễn đặt Sư làm Điển tọa. Gặp lúc đêm lạnh, Sư ngồi một mình vạch trong lò thấy một đóm lửa bằng hạt đậu, bỗng nhiên tự mừng nói: - Vạch sâu sâu đóm nhỏ xíu, việc bình sanh chỉ như đây. 
 Sư đứng dậy đến bàn, xem bộ Truyền Đăng Lục, đến nhân duyên ngài Phá Táo Đọa, bỗng nhiên đại ngộ. Sư làm kệ:
 Đao đao lâm điểu đề 
 Phi y chung dạ tọa
 Bác hỏa ngộ bình sanh
 Cung thần qui Phá Đọa.
 Sự kiểu nhân tự
 Khúc đạm thùy năng hòa
 Niệm chi vĩnh bất vong 
 Môn khai thiểu nhân quá.
 Dịch:
 Vang vang rừng chim hót
 Mặc áo trọn đêm ngồi
 Vạch lửa ngộ bình sanh
 Thần tột về Phá Đọa.
 Việc rõ người tự mê
 Nhạc nhẹ ai hòa được
 Nhớ đó mãi chẳng quên
 Cửa mở ít người đến.
 Viên Ngộ có việc đến liêu Sư, nhắc lại lời Thanh Lâm ban đất để nghiệm Sư, nói rằng: - Xưa nay không người ra được, huynh hiểu thế nào?
 Sư đáp: - Cũng có rất khó.
 Viên Ngộ nói: - Chỉ như kia nói: ?xe sắt thiên tử hoàn trung chỉ? ý thế nào?
 Sư đáp: - Tôi nói: ?trong cung Đế Thích thơ phòng xá?.
 Viên Ngộ trở về nói với người: - Đáng mừng huynh Viễn có câu sống người.
 Từ đây Sư ở ẩn am Đại Trung tại Tứ Diện. Thái thú Vương Công Hoán thỉnh Sư khai pháp tại chùa Vạn Thọ. Kế đó, lại bổ Sư trụ trì chùa Long Môn. Tiếng tăm Sư từ đó vang dội.
 Sư thượng đường: Trên đường Đài Sơn khách qua rất ít, trước nhà Phá Táo cảm ân vô cùng, tuyết chôn cây bá trước sân, băng bủa đầy tràn khe suối, tuy ở phương Nam làm trưởng nhà trù, mà chẳng vào nhà trong vò tiêu ớt. Xem! Xem! Ngày ba mươi tháng chạp, bèn là đầu xuân vẫn lạnh. Cả thảy các ông, mỗi người phải nỗ lực hướng trước, tối kỵ tự sanh lui sụt.
 Sư thượng đường lia cây gậy nói: Trò sáng rõ biết chẳng do tâm niệm, chấp với chết cốt nói rơi hầm lọt hố, cứu kính thế nào? Sư liền tựa cây gậy xuống tòa.
 Sư thượng đường: Bào huyễn đồng không ngại, tại sao chẳng liễu ngộ? Con ngươi trong mắt kêu người thổi, đạt pháp ở trong ấy. Chẳng phải nay cũng chẳng phải xưa, sáu chiếc đầu tử đỏ đầy bồn. Đại chúng! Thời nhân vì sao ngồi dưới đất xem bát bồn ở Dương Châu để gá vào mẫu mới, trên trâu cỡi trâu cười chết người.

*
 
 Sư thượng đường: Triệu Châu chẳng thấy Nam Tuyền, sơn tăng chẳng biết Ngũ Tổ (Pháp Diễn), dưa ngọt tận gốc ngọt, dưa đắng cùng rễ đắng.

*
 
 Sư thượng đường: Một lá rụng thiên hạ xuân, không đường suy nghĩ cười chết người. Dưới là trời trên là đất, lời này chẳng nhập ý thời lưu. Nam làm Bắc Đông làm Tây, động mà dừng mừng mà buồn, đầu rắn đuôi rết một thứ đó, trong miệng cọp dữ chim sẻ sống, là lời gì? Về nhà đi.

*

 Sư thượng đường: Nói ngàn nói muôn không bằng chính mặt thấy, dù chẳng nói cũng tự phân minh. Dụ đao báu vương tử, dụ đám mù rờ voi, trong thiền học việc cách sông đưa tay ngoắt, việc trông châu đình thấy nhau, việc xa bặt chỗ không người, việc chỗ núi sâu bờ cao, đây đều chính mặt thấy đó, chẳng ở nói vậy.

*
 
 Sư thượng đường: Tô Võ chăn trâu nhục mà chẳng khuất, Lý Lăng trông Hán vui mà quên về, là ở ngoại quốc ở bản quốc? Trong nhóm đệ tử Phật, có người hai chân nhảy khỏi hầm, có người nghe đàn đứng múa, có người thân vùi đống phân, có người quở mắng thần sông, là tập khí hay diệu dụng? Đến như cầm nạn đập đất, dựng phất tử gõ giường thiền, Mục Châu một bề đóng cửa, Lỗ Tổ trọn năm ngó vách, là vì người hay chẳng vì người? Biết chắc tất cả phàm phu kho báu bị chôn vùi, sao chẳng trượng phu? Các người sao không thể gay chèo trương buồm bỏ sông qua bờ nghỉ, lại thả neo cột cọc ngày nào đến nhà? Đã làm người Tào Khê, lại là kẻ trong nhà, lại thấy việc trong nhà chăng?
 Tăng hỏi: - Kiếp hỏa cháy rực Đại thiên đều hoại, chưa biết cái này hoại chẳng hoại?
 Sư đáp: - Trong thùng sơn đen sắc vàng ròng.
 Tăng hỏi: - Đạo xa vậy thay, chạm việc là chân, thế nào là đạo?
 Sư đáp: - Trên đảnh tám thước năm.
 Tăng hỏi: - Lý này thế nào?
 Sư đáp: - Vuông tròn bảy tám tấc.
 Tăng hỏi: - Trước kiếp hỏa Oai Âm riêng là một bầu trời, trước ngự lầu săn bắn, chẳng phải cắt tranh ruộng.
 Tăng liền hét.
 Sư đáp: - Cột cái chứng minh, Sư nghe tiếng bảng nói: - Cứ điều lệ kết án.
 
 Sư thường đề ngữ trên vách nhà Diên Thọ tại Long Môn: Phật cho người có bệnh phải điều trị, cho có chỗ sắp tắt thở, trong thiền lâm có nhiều tên. Hoặc nói: Niết-bàn, thấy pháp thân thường trụ rõ pháp chẳng sanh. Hoặc nói: Tỉnh hành, biết duyên trói buộc này đều từ hành khổ. Hoặc nói: Diên Thọ, muốn được thọ mạng gìn giữ sắc thân. Kỳ thật khiến người rõ chỗ sanh tử. Phần nhiều thấy có chút ít bệnh liền vào nhà này. Nếu không chống lại lời tôi, liền có bổ ích. Đến người mắc bệnh lâu bèn nghĩ nhớ quê hương là không tốt, phải nghĩ lui lại để diệt trừ gốc bệnh. Thánh trước nói: Bệnh là thuốc hay của chúng sanh, nếu khéo uống đều được lành bệnh vậy.

*
 
 Đến niên hiệu Tuyên Hòa năm đầu (1119), Sư do bệnh, từ nhiệm trở về nhà Đông ở Tương Sơn. Năm sau, một hôm thọ thực xong, Sư ngồi kiết già bảo đồ chúng rằng: Những bậc lão túc các nơi sắp tịch để kệ từ biệt thế gian. Thế gian có thể từ sao? Sắp đi an ổn, Sư bèn chắp tay vui vẻ thị tịch. Môn đồ xây tháp bên cạnh Linh Quang đài ở Long Môn thờ Sư.

 *

38. THIỀN SƯ ĐẠO NINH
Ở Khai Phước Đàm Châu

 Sư họ Uông, quê ở Thiệp Khê, thuở tráng niên làm đạo nhân ở chùa Sùng Quả làm người lo việc nhà tắm. Một hôm muốn rửa chân, chợt tụng kinh Kim Cang đến câu ?nơi chương cú này hay sanh lòng tin cho là thật?, liền quên mất sở tri, bỗng đẩy chân vô nồi nước sôi, phát minh việc nơi mình. Sau Sư thế phát tại Tương Sơn và nương với Thiền sư Lão Lương ở Tuyết Đậu. Ở đây được hai năm, Sư bèn dạo các tùng lâm tham vấn chư danh túc. Sau cùng, Sư đến chùa Bạch Liên nghe Thiền sư Pháp Diễn trong buổi tiểu tham nhắc lại lời Trung Quốc Sư về cổ Phật tịnh bìnhTriệu Châu con chó không Phật tánh, liền thấu triệt pháp nguyên.

 Khoảng niên hiệu Đại Quan (1107-1111), Đàm soái Tịch Công thỉnh Sư trụ chùa Khai Phước, Tăng lữ tụ họp tham vấn.

*
 
 Ngày tắm Phật, Sư thượng đường: Chưa rời Đâu-suất đã giáng Vương Cung, chưa ra khỏi thai mẹ độ người đã xong. Chư Thiền đức! Ngày ngày mặt trời từ bờ Đông lên, sớm sớm gà nhằm canh năm gáy. Tuy nhiên chẳng phải đào hoa động, xuân đến hoa đào cũng đầy khe. Sư lại nói: Trong vườn Tỳ-ni giáng sanh hông mặt, khắp đi bảy bước nhìn xem bốn phương, ?trên trời dưới trời chỉ ta hơn hết?. Giống hệt ?thích xem trăng trên trời, mất đi châu trong tay?. Lại biết chỗ rơi chăng? Nếu biết chỗ rơi mới là con hiếu cháu hiền. Nếu chưa được như thế, chưa khỏi lập lại chú cước. Sư im lặng giây lâu nói: Trời sanh kỹ lưỡng hay kỳ quái, chưa đến xe người một trường đùa.

*
 
 Sư dạy chúng: ?Trời thu sáng đầy không, sông thu tẩm màu biếc, thương thay người cửa ngoài, nơi nơi tìm Di-lặc. Trên đường chợt gặp nhau, gặp nhau mà chẳng biết.? Chư Thiền đức! Đã là gặp nhau vì sao lại chẳng biết nhau? Cắt hết trước sân trúc, đến khe chẳng hóa rồng.

*
 
 Sư thượng đường: Khắp cõi chẳng từng che toàn thân không ảnh tượng. Gặp nhau chớ than rất ngu si, nhiều kiếp đến nay không kỹ lưỡng. Không kỹ lưỡng ít người hay, đại để trả kia xương thịt tốt, đâu cần đến kiếng vẽ chân mày.

*
 
 Su thượng đường: Chánh lệnh Ma-kiệt chưa khỏi gập ghềnh, thùy từ Thiếu Thất sớm chạm phong cốt, lưng đãy tay thương cô phụ bình sanh, luyện hạnh khôi tâm thay nhau cùn lụt. Đâu giống mưa xuân tạnh núi xuân xanh, mây trắng ba mảnh bốn mảnh, hoàng oanh một thanh hai thanh, đại bi ngàn mắt xem chẳng đủ, Vương Duy tuy khéo vẽ khó thành. Dù cho liền thế ấy, vẫn tự dính đồ trình, chẳng dính đồ trình một câu làm sao nói? Người từ Biện Châu lại, chẳng được tin Đông Kinh.

*
 Tăng hỏi: - Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?
 Sư đáp: - Người trời chắp tay.
 Tăng hỏi: - Sau khi ra khỏi nước thế nào?
 Sư đáp: - Chẳng ngại qua lại xem.
 Tăng hỏi: - Thế nào là câu đến mà ý chẳng đến?
 Sư đáp: - Cỏ lành vốn không gốc, tin nhận nhổ đem dùng.
 Tăng hỏi: - Thế nào là ý đến câu chẳng đến?
 Sư đáp: - Nhận lấy ý đầu lưỡi câu, chớ chấp trái cân bàn.
 Tăng hỏi: - Thế nào là ý câu đều đến?
 Sư đáp: - Đại bi chẳng xòe tay, khắp thân là tròng mắt.
 Tăng hỏi: - Thế nào là ý câu đều chẳng đến?
 Sư đáp: - Anh đến Tiêu Tương tôi đến Tần.

*

 Niên hiệu Chánh Hòa thứ ba (1113) ngày mùng bốn tháng mười một, Sư cạo tóc tắm gội xong. Hôm sau thọ trai rồi tiểu tham, Sư khuyến khích chúng hành đạo lời rất thiết tha. Đến giờ Dậu, Sư ngồi kiết già thị tịch.

*

39. THIỀN SƯ NGUYÊN TĨNH
Ở Nam Đường Đại Tùy
 
 Sư là con nhà đại nho Triệu Công Ước Trọng. Lúc mười tuổi, Sư bị bệnh nặng, bà mẹ khấn vái cảm điềm mộng lạ, bèn cho xuất gia. Sư là cháu trong dòng Đại Từ Bảo Sanh Viện ở Thành đô. Niên hiệu Nguyên Hựu thứ ba (1088), Sư thông kinh được độ làm Tăng. Sư ở lại các hội giảng kinh mấy năm, mới đi dạo phương Nam.

*

 Ban đầutham vấn Thiền sư Ân ở Vĩnh An, câu ba gậy của Lâm Tế, Sư được phát minh. Kế Sư đến các bậc danh túc, mà không có chỗ nào hợp ý. Sư nghe Thiền sư Pháp Diễn ở núi Ngũ Tổ cơ phong cao vót, bèn muốn đến đó. Sư liền đến núi Ngũ Tổ tham vấn. Pháp Diễn nói: - Ta trong đây chẳng sánh với chư phương, phàm ở trong thất chẳng cần ông tiến trước lùi sau, dựng ngón tay đưa nắm tay, nhiễu giường thiền làm người nữ bái, đưa tọa cụ lên, ngàn thứ kỹ lưỡng. Chỉ cần ông ngay một câu nói cho thích hợp, bèn là chỗ ông thấy.
 Sư mờ mịt thối lui. Trải qua ba năm, một hôm Sư nhập thất xong, Pháp Diễn bảo: - Chỗ hạ ngữ của ông đã được mười phần, thử lại vì ta nói xem? Sư liền trình bày rành mạch. Pháp Diễn bảo: - Nói cũng nói được mười phần, lại vì ta đoạn xem.
 Sư theo chỗ hỏi mà phán xét. Pháp Diễn bảo: - Hay là hay, chỉ là chưa hiểu lời nói của lão tăng. Sau ngọ trai nên đến chỗ tháp Tổ sư vì ông mỗi mỗi xét qua mới được. Khi đến nơi, Pháp Diễn liền lấy những câu: ?tức tâm tức Phật, phi tâm phi Phật, Mục Châu kẻ gánh bảng, Nam Tuyền chặt con mèo, Triệu Châu con chó không Phật tánh, có Phật tánh?, hỏi Sư. Sư đáp không có chỗ ngăn ngại. Đến câu con chó của Tử Hồ, Pháp Diễn nghiêm sắc mặt bảo: - Chẳng phải.
 Sư thưa: - Chẳng phải lại thế nào?
 Pháp Diễn nói: - Đây chẳng phải thì những cái trước đều chẳng phải.
 Sư thưa: - Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
 Pháp Diễn nói: - Xem kia nói: ?Tử Hồ có một con chó, trên cắn đầu người, giữa cắn lưng người, dưới cắn chân người, người vào cửa xem kỹ. Vừa thấy Tăng vào cửa liền nói: - Xem chó.? Nhằm chỗ Tử Hồ nói ?xem chó? hạ một chuyển ngữ khiến Tử Hồ phải đớ lưỡi, lão tăng phải câm họng, là chỗ ông liễu đáng.
 Hôm sau vào thất, Sư thầm thưa lời kia. Pháp Diễn cười nói: - Chẳng nói ông là người thiên liễu bách đáng, lời này chỉ giống Tiên sư hạ ngữ.
 Sư thưa: - Con là người gì mà được giống Hòa thượng Đoan?
 Pháp Diễn nói: - Chẳng vậy, lão tăng tùy thừa kế Tiên sư, vẫn nói lời Tiên sư vụng. Vì vậy chỉ dùng thủ đoạn Viễn Lục Công tiếp người. Được như lão tăng cùng Viễn Lục Công bèn cùng Bá Trượng, Hoàng Bá, Nam Tuyền, Triệu Châu, nắm tay cùng đi, vừa thấy lời vụng liền không chịu.
 Sư cho là không đúng bèn chống gậy qua sông. Vừa gặp lúc nước sông dâng tràn, đành phải lưu lại. Hai năm sau, Pháp Diễn mới hứa khả. Thường thương lượng cổ kim, Pháp Diễn nắm tay Sư nói: - Được ông nói, phải là ta nhắc, được ta nhắc, phải là ông nói, từ nay về sau bí yếu Phật Tổ khóa cửa các nơi không thoát khỏi tay ông.
 Pháp Diễn liền lập nhà Nam để cho Sư ở. Khi ấy danh tiếng Sư đồn khắp.

*

 Nguyên soái Tịch Công ở Thành đô thỉnh Sư khai pháp tại Gia Hựu, chưa bao lâu lại mời đến Chiêu Giác, rồi dời lại Năng NhơnĐại Tùy.
 Sư thượng đường: Quân vương rõ rõ tướng soái tỉnh tỉnh, một phen đắc thắng sáu nước thanh bình
 Sư thượng đường: Nhắc lời Lâm Tế tham vấn Hoàng Bá, Hòa thượng Bạch Vân Đoan tụng rằng: ?Một thoi thoi ngã lầu Hoàng Hạc, một đạp đạp nhào Châu Anh Võ, khi có ý khí thâm ý khí, chỗ chẳng phong lưu cũng phong lưu.? Sư nói: Đại Tùy (Sư) tức chẳng vậy, ?tuổi đời bảy chục già lù khù, con mắt sáng ngời tai chẳng ù, bất chợt có người tỏ khinh bỉ, một thoi té ngã đến Quan Đông?.

*

 Sư thượng đường vấn đáp xong, bèn nói: Có Tổ đến giờ người đời lầm hiểu, chỉ đem ngôn cú dùng làm thiền đạo. Đâu chẳng biết đạo vốn không thể, nhân thể được tên, đạo vốn không tên nhân tên mà lập hiệu. Chỉ như vừa rồi Thượng tọa thế ấy ra đây, liền thế ấy về chúng. Hãy nói đủ mắt chẳng đủ mắt? Nếu nói đủ mắt, vừa thế ấy ra đây mắt ở chỗ nào? Nếu nói chẳng đủ mắt, đâu nên liền thế ấy đi? Chư nhân giả! Nơi đây thấy được thấu suốt rõ ràng thì biết Nhị Tổ lễ bái đứng y chỗ cũ thật được tủy kia. Chỉ chút xíu này là mạng căn chư Phật ba đời, là mạng mạch sáu đời Tổ sư, là chỗ an thân lập mạng chư lão Hòa thượng trong thiên hạ. Tuy nhiên như thế, phải là thân mới đến được.

*
 
 Sư thượng đường: Vườn ruộng chính mình mặc sức cày, móng nền tông Tổ gắng làm hay, ngộ được ngàn thánh chỗ ngồi ấy, dụng nhắm tam đồ thẳng bước ngay.
 Tăng hỏi: - Tổ sư tâm ấn thỉnh Thầy chỉ thẳng?
 Sư đáp: - Ông nghe nóng chăng?
 Tăng thưa: - Nghe.
 Sư bảo: - Vả chăng nghe lạnh.
 Tăng thưa: - Hòa thượng lại nghe nóng chăng?
 Sư đáp: - Chẳng nghe.
 Tăng hỏi: - Vì sao chẳng nghe?
 Sư cầm quạt quạt nói: - Vì ta có cái này.
 Tăng hỏi: - Thế nào là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh?
 Sư đáp: - Bắt sống ma vương xỏ lỗ mũi.
 Tăng hỏi: - Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhân?
 Sư đáp: - Ở giữa cái cây thuộc tôi xem.
 Tăng hỏi: - Thế nào là nhân cảnh cả hai đều đoạt?
 Sư đáp: - Một lưỡi câu ba núi dính sáu trạnh.
 Tăng hỏi: - Thế nào là nhân cảnh đều chẳng đoạt?
 Sư đáp: - Ban ngày cỡi trâu qua chợ búa.

*
 
 Tăng hỏi: - Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?
 Sư đáp: - Tốt.
 Tăng hỏi: - Sau khi ra khỏi nước thì sao?
 Sư đáp: - Tốt.
 Tăng hỏi: - Thế nào là hoa sen?
 Sư đáp: - Tốt.
 Vị Tăng lễ bái.
 Sư bảo: - Cùng kia ba cái tốt, muôn việc một lúc thôi.

*
 
 Tăng hỏi: - Thế nào là thiền trong núi?
 Sư đáp: - Ngoài sân trúc ốm sanh măng trước, khe suối tùng khô cành lão dài.
 Tăng hỏi: - Thế nào là thiền trong chợ?
 Sư đáp: - Sáu đường chuông trống vang đùng đùng, chính chỗ bày vàng thế giới trung.
 Tăng hỏi: - Thế nào là thiền trong thôn?
 Sư đáp: - Trộm cắp hết rồi tằm lúa chín, vui ca múa hát nhạc thăng bình.

*
 
 Có vị lão túc nói: Đầu đường chữ thập (+) cất một nhà cầu bằng tranh, chỉ là không cho người ỉa. Có vị Tăng đem lời này hỏi Sư. Sư bảo: Chính ông ỉa trước rồi, lại bảo người nào ỉa. Lão túc nghe thắp hương trông xa về Đại Tùy lễ bái tạ đó.

*
 
 Niên hiệu Thiệu Hưng vào mùa thu năm Ất Mão tháng bảy mưa to trong núi tuyết có tướng lạ. Sư bảo: Hạn kỳ của ta đến vậy. Ngày mười bảy, Sư từ biệt Quận thú, ba ngày sau có chút bệnh ở Thiên Bành. Đến hai mươi bốn, Sư bảo vị Tăng thị giả: - Khi trời sáng không trăng thì thế nào? Thị giả không đáp được. Sư bảo: - Nói ngược ta vì ông châm lửa mới được. Hôm sau lại Bằng Khẩu ở Giải Viện, Sư để lời dặn dò xong, thoát nhiên thị tịch. Đệ tử thỉnh toàn thân về, trà-tỳ mùi hương khắp nơi, cái lưỡi vẫn còn nguyên.

*

40. THIỀN SƯ TÔNG THỚI
Vô Vi Hán Châu

  Sư quê ở Bồi Thành, từ khi ra khỏi quê hương dạo khắp tùng lâm. Sư đến núi Ngũ Tổ yết kiến Thiền sư Pháp Diễn. Ngày cúng hương, Pháp Diễn nhắc lời Triệu Châu ?rửa bát đi? để tham. Đến khi vào thất cũng nhắc lời này hỏi Sư rằng: - Ông nói Triệu Châu nói với y thế nào, mà vị Tăng này liền ngộ?
 Sư thưa: - Rửa bát đi, ghê!
 Pháp Diễn bảo:-Ông chỉ biết việc trên đường, chẳng biết mùi vị trên đường.
 Sư thưa: - Đã biết việc trên đường, trên đường có mùi vị gì?
 Pháp Diễn nói: - Ông chẳng biết sao?
 Pháp Diễn lại hỏi: - Ông từng dạo Chiết chưa?
 Sư thưa: - Chưa.
 Pháp Diễn nói: - Ông vẫn chưa ngộ.
 Từ đây đến năm năm Sư không thể đáp.

*
 
 Một hôm Pháp Diễn đăng đường nhìn chúng nói: - Ông già tám mươi đánh tú cầu.
 Liền xuống tòa. Sư vui vẻ ra chúng thưa: - Hòa thượng, thử đánh một cái xem?
 Pháp Diễn lấy tay làm thế đánh trống, dùng âm xứ Thục xướng bài ca Miên Châu: ?Núi Đậu Tử đánh trống ngói, núi Dương Bình rải mưa trắng, mưa trắng rơi tận Long Nữ, dệt lụa được hai trượng ngũ, một nửa thuộc La Giang, một nửa thuộc Huyền Võ.?
 Sư nghe đại ngộ, liền bụm miệng Pháp Diễn nói: - Chỉ nên xướng đến trong đây.
 Pháp Diễn cười to rồi về.

*

 Sau Sư trở về đất Thục, tứ chúng thỉnh khai phápVô Vi, rồi dời đến Chánh Pháp.

*
 
 Sư thượng đường: Một đại sự nhân duyên này, từ Thế Tôn đưa cành hoa Ca-diếp cười chúm chím. Thế Tôn bảo: - Ta có chánh pháp nhãn tạng phân phó cho Ma-ha Ca-diếp. Về sau đèn đèn nối nhau, Tổ Tổ truyền nhau, thẳng đến ngày nay liên miên chẳng dứt, liền được khắp chỗ sanh hoa, cho nên gọi: Niết-bàn diệu tâm, cũng gọi: Bản tâm, cũng gọi: Bản tánh, Bản lai diện mục, Đệ nhất nghĩa đế, Thước-ca-la nhãn, Ma-ha đại bát-nhã. Tại nam gọi: Nam, tại nữ gọi: Nữ. Cả thảy các ông chỉ tự ngộ lấy, những lời này thảy là ngôn ngữ nhàn. Sư cầm cây phất tử lên nói: Hội rồi bảo là thiền. Chưa ngộ quả nhiên khó khó khó, trước mắt như cách núi Tu-di. Ngộ rồi dễ dễ dễ, tin miệng nói ra đều là phải.

*
 Tăng hỏi: - Thế nào là Phật?
 Sư đáp: - Ai dạy ngươi hỏi thế ấy?
 Tăng suy nghĩ. Sư bảo: - Xong.

*

41. THIỀN SƯ BIỂU TỰ
Ngũ Tổ Kỳ Châu

  Sư quê ở Hoài An, buổi đầu nương theo Thiền sư Pháp DiễnNgũ Tổ, rất lâu mà không có tỉnh. Lúc đó Viên Ngộ làm Thủ tọa, Sư đến thưa thỉnh. Viên Ngộ bảo: - Huynh có chỗ nghi thử nói tôi xem. Sư liền nhắc lại Đức Sơn tiểu tham không đáp thoại, hỏi thoại ăn ba mươi gậy. 
 Viên Ngộ bảo: - Lễ bái đi ta làm thầy được ông, nhắc thoại còn chẳng hội.
 Sư làm lễ xong, Viên Ngộ bảo nhắc lại thoại trước. Sư thưa: - Đức Sơn tiểu tham không đáp thoại.
 Viên Ngộ bụm miệng Sư nói: - Chỉ thế ấy khán.
 Sư to tiếng nói: - Bậy! Bậy! Đâu có công án, chỉ dạy người khán một câu đạo lý.
 Có một vị bảo Sư: - Huynh không nên nói như thế, Thủ tọa phải có phương tiện.
 Nhân đây, Sư tịnh tọa thể cứu một tuần, bỗng giải được chỗ nghi. Sư đến Viên Ngộ lễ tạ.
 Viên Ngộ nói: - Huynh mới biết tôi chẳng khi huynh. 
 Sư lại đến phương trượng, Pháp Diễn đón Sư vui vẻ. Từ đây càng ngày Sư càng thâm nhập huyền áo. Pháp Diễn sắp qui tịch, để thơ cùng Huyện thú giới thiệutrụ trì. Tăng chúng bốn phương vẫn kéo tới đông đảo.
 Sư yết bảng trước cửa liêu thị giả rằng: ?Đông Sơn có ba câu, nếu người nói được liền đeo mang.? Chư Tăng đều không nói được. Một hôm, có vị Tăng mang tọa cụ đi thẳng đến phương trượng, thưa Sư rằng: Con nói chẳng được chỉ cần đeo mang. Sư rất vui, gọi: Duy-na ở dưới cửa sổ an bày.
 Sư thượng đường: Khi Thế Tôn đưa cành hoa, Ca-diếp cười chúm chím, người chỉ biết đưa hoa cười chúm chím, vẫn không biết Thế Tôn.
 Có vị Tăng hỏi: - Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?
 Sư đáp: - Trong rừng gai góc múa Chá Chi (tên bản nhạc). 
 Tăng hỏi: - Thế nào là Phật? 
 Sư đáp: - Mới sanh hài tử ném bồn vàng.

 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2023(Xem: 4164)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.