16. Giới Trộm Cắp

17/02/20243:00 SA(Xem: 34288)
16. Giới Trộm Cắp
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH PHẬT GIÁO
DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH

NỘI DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 16
GIỚI TRỘM CẮP
(Nghe audio bấm vào hàng chữ này)

Thưa quý thính giả,

Trong chương trình phát thanh hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tiếp một Giới răn quan trọng nữa trong đạo Phật, mà cũng rất dễ phạm, đó là Giới Trộm Cắp.

Quý thính giả có thể thắc mắc rằng "tại sao Giới này lại dễ phạm được, mọi người đều cẩn thận gìn giữ và luôn miệng dạy con cháu phải thật thà, không tham lam, không xâm phạm của người cơ mà."

Vậy thì chúng ta hãy tìm hiểu coi đạo Phật quan niệm thế nào là "trộm cắp".
Hòa thượng Thích Diễn Bồi dạy rằng: "Không cho mà tự lấy là trộm cắp."

Không cho mà tự lấy cũng có nhiều hình thức:

1 -- Cướp lấy: Là dùng sức mạnh mà đoạt tài vật của người khác một cách ngang nhiên, công khai, ngay trước mặt khổ chủ, mặc kệ những sự chống đối, van xin của họ.
2 -- Trộm lấy: Là tránh né sự có mặt của chủ món tài vật, hoặc là lựa lúc họ không chú ý, lén lút lấy đem đi.
3 -- Hăm dọa để đoạt lấy: Biết được ai đó có điều bí ẩn mà họ lại muốn giấu giếm, bèn hăm dọa để đòi họ phải đút lót cho mình tiền bạc hoặc món đồ mà mình muốn.
4 -- Lừa dối mà lấy: Là lợi dụng lòng tin của người mà lừa gạt người để lấy được món tài vật mà mình muốn.
5 -- Gian dối để lấy: Đôi khi người ta làm những việc nho nhỏ, tưởng là không đáng kể, nhưng lại phạm vào Giới trộm cắp, thí dụ như có người viết một lá thư quá dài, đương nhiên thư quá nặng, bưu phí phải tăng lên. Để bớt bưu phí, họ gói thư ấy cuốn vào giấy báo hoặc tạp chí gởi đi cho nhẹ tiền cước phí. Đó là chuyện rất bình thường, thấy như không có gì là tội lỗi.

Nhưng nếu nói theo Giới Luật của Phật pháp, điều ấy đã phạm giới trộm cắp, là trộm tiền của quốc gia. Hoặc thấy trong sở làm có nhiều loại linh tinh như bút, mực, giấy, đồ dùng lặt vặt, là những món đồ mà nhà mình cũng cần, bèn lượm về nhà xài, đây là những chuyện mà ngày nay người ta gọi là chôm chĩa. Hoặc lợi dụng chức vụ để bòn rút, mưu đồ chiếm đoạt tài nguyên của quốc gia hoặc của sở làm, ngày nay người ta gọi là móc ngoặc. Tuy người đời đã chế ra những từ ngữ tuy có vẻ nhẹ nhàng, nhưng về thực chất, tất cả những hành động ấy đều phạm vào Giới răn về trộm cắp.

Lại thí dụ như người tổ chức chơi hụi, mỗi phần hụi là một ngàn đồng, nếu rủ được năm mươi phần thì được năm chục ngàn đồng. Mình làm chủ hụi, gom hết tiền rồi trốn đi, người ta gọi là vỡ hụi, nhưng đây cũng chính là phạm Giới trộm cắp.

Hoặc vốn không có tâm lấy trộm của người, nhưng bỗng nhiên tài vật ở trước mặt mình, lại không có ai thấy biết, nên không ngần ngại, lượm lấy tài vật bỏ túi, hay cất giấu nơi khác. Với thế tục cho là không phải trộm cắp, nhưng trong Phật pháp cũng là phạm tội "phương tiện trộm cắp".

Hoặc đã học Phật pháp, biết những môn bói toán bùa chú là tà đạo, không thuộc chánh pháp, mà lừa dối người, nhận tiền của người để bầy trò bói toán bùa chú tà thuật, giả bộ trừ ma phá quỷ, hù dọa người để họ phải cúng kiếng tốn tiền, để cho mình thủ lợi, đều là lường gạt, phạm giới trộm cắp. Nếu như Phật tử, nhất là hàng xuất gia mà bày trò lường gạt người, ấy là tội nhân trong Phật pháp. Tỳ kheo mà làm những chuyện bùa chú tà thuật này là sống theo lối tà mạng, trong Phật pháp tuyệt đối không thể được, chúng ta cần phải tránh xa, không nên coi họ là người trong Phật pháp, vì họ đã dùng bùa chú tà thuật lừa gạt là họ đã phạm một trong các loại trộm cắp.

Vì Giới Trộm Cắp rất dễ phạm cho nên Hoằng Nhất luật sư , vốn là một cao tăng giới hạnh tinh nghiêm, đã nói: "Theo ý tôi suy nghĩ kỹ, ở trong năm giới, khó giữ gìn nhất không chi hơn trộm cắp". (Danh từ "luật sư trong đạo Phật là để chỉ những tỳ kheo thận trọng giữ gìngiải thích giới luật. Chỉ những vị tỳ kheo học giới, trì giới, khéo giải thích, xử lý, và giải đáp mọi vấn đềliên quan tới giới luật, mới xứng đáng được tôn là luật sư. Địa vị của luật sư trong Phật giáo tương đương với học giả pháp luật hoặc pháp quan ở thế gian).

Mọi người đều công nhận trộm cắp là việc không tốt, pháp luật của các quốc gia trên thế giới từ xưa đến nay, cả Đông phương lẫn Tây phương đều nghiêm cấm nhân dân làm chuyện trộm cắp. Dù lén trộm hay công khai cướp đoạt, đều vi phạm pháp luật quốc gia và bị trừng trị.

Tại sao Phật pháp cùng thế pháp đều ngăn cấm việc trộm cắp như thế?
Phật dạy rằng: "Bất luận trí tuệ của người ấy cao thế nào, thiền định của người ấy sâu thế nào, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ, chẳng những không thể ra khỏi trần lao, mà kết quả chắc chắn lạc vào đường tà, vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử".

Nhà Phật tin rằng tất cả mọi sự việc xảy ra trong đời đều dính mắc nhân quả với nhau. Bất cứ một việc thiện hay ác nào cũng đều có nhân quả báo ứng.

câu chuyện về nhân quả báo ứng để nhắc nhở Phật tử rằng hễ đã gây nhân thiện hoặc ác thì tương lai sẽ có quả báo thiện hoặc ác tới, như sau:

"Tại một ngôi chùa trên đồi kia có một vị sư già trụ trì. Xa xa là xóm dân ở rải rác. Một hôm, có nhà kia bị mất con bò. Người chồng đi vắng, người vợ đi tìm bò, nhìn lên vườn sau nhà chùa thấy thấp thoáng hình dáng con bò của mình đang đứng, nhưng không tiện một mình lên đòi, bèn chờ chồng về nói cho biết là cô ta trông thấy con bò có vẻ như bị cột đứng trên vườn chùa. Người chồng bèn lên chùa đòi bò. Vị sư trả lời là ông không hề lấy bò, không hề cột bò vào vườn nhà chùa, nhưng có lẽ vì buổi trưa ông giặt y vàng hoại sắc, máng trên hàng rào, xa trông giống da bò nên vợ anh này tưởng lầm chăng. Anh hàng xóm không chịu, đem việc lên cáo quan. Quan cho mời vị sư lên, hỏi:
-- Ông có lấy bò của người này chăng?
Vị sư trả lời:
-- Thưa không.
Quan hỏi:
-- Thế thì ông oan à?
trả lời:
-- Không oan.
Quan hỏi:
-- Không oan thì ông có lấy trộm bò à ?
trả lời:
-- Tôi không lấy trộm bò.
Quan hỏi:
-- Không lấy trộm bò, vậy là ông oan chứ gì?
Sư lại trả lời:
-- Không oan.
Ông quan bèn tống giam vị sư.
Sư có một đệ tử, nghe tin thày bị ở tù, bèn tới thăm, hỏi:
-- Thầy ơi, con tin chắc là thầy oan, sao không minh oan mà để đến nỗi bị tù thế này?
Vị sư nói:
-- Không oan.
Người đệ tử ngớ người ra hỏi:
-- Không oan thì thầy ăn cắp bò à?
Thày trả lời:
-- Thày không ăn cắp bò.
Đệ tử vò đầu:
-- Thày nói thế thì con cũng điên cái đầu, làm sao mà hiểu cho nổi.
Chừng đó ông thày mới từ tốn:
Con ơi! Cái mà ta đang nhận chỉ là quả báo thôi. Ta giới hạnh tinh nghiêm như thế mà bị nỗi oan này thì hẳn là trong thời quá khứ ta đã từng ăn trộm, nay phải trả cái quả báo đây mà. Nhân đã gây thì phải lãnh quả, để đền cái tội mình đã phạm, dù là trong quá khứ lâu xa.

Muốn thoát khỏi mọi khổ ải do quả báo từ những nhân xấu ác mình đã tạo từ vô lượng kiếp thì chỉ có một cách là phải tu hành tinh tấn, thanh tịnh hóa thân tâm, để đạt được "Tâm được tịnh rồi tội (nghiệp) liền tiêu", giác ngộ lại Bản Thể Chân Tâm thanh tịnh, ra khỏi được vòng luân hồi sinh tử, rốt ráo giải thoát, thì chuỗi dây xích nhân quả từ quá khứ mới chỉ còn là chuyện trong giấc mơ khi còn vô minh thôi.

Như thế đủ thấy tội trộm cắp nặng biết dường nào, chướng ngại cho con đường tu hành biết dường nào? Vì thế nên làm người trên thế gian, đặc biệt là một hành giả Bồ Tát, quyết phải răn chừa tội trộm cắp, không thể vi phạm. Nếu không thì tuyệt đối không thể nào bước lên con đường rộng lớn quang minh của Bồ Tát Đạo, để thực hiện công tác hóa độ chúng sinh!

Lại nữa, đối với một hành giả Bồ Tát thì việc giữ Giới trộm cắp lại còn phải thận trọng hơn. Với thế nhân, chỉ khi đã lấy hẳn vật gì thì mới là phạm Giới trộm cắp, hành giả Bồ Tát phải giữ Tâm Giới, vừa mới khởi tâm làm việc thiện hoặc ác là đã có nhân quả theo sau, khởi tâm nghĩ tới chuyện ăn cắp, chôm chĩa, móc ngoặc, lừa đảo, là đã phạm Giới trộm cắp rồi.

Về việc giữ gìn cho khỏi phạm Giới trộm cắp thì chẳng những tài vật của người dân không được trộm lấy, mà bất cứ tài vật có chủ nào, dù là tài vật của quỷ thần, của giặc cướp, một vật dù nhỏ bé như cây kim, ngọn cỏ, cũng không được cố ý trộm cắp.

Tài vật của quỷ thần là những đồ cúng trong miễu thờ quỷ thần. Vì những đồ cúng trong miễu thờ quỷ thần, tức quỷ thần làm chủ, hay người làm chức Từ giữ miễu làm chủ. Phàm những tài vật có chủ đều không được phép trộm lấy.

Tóm lại:

Tất cả tài vật, bất luận quý, tiện, trọng, khinh, cũng không luận là nhiều, ít, tốt, xấu, cho đến những vật nhỏ nhất như một cây kim, một ngọn cỏ đều không được "không cho mà lấy". Nếu trộm lấy tức là phạm giới trộm cắp.
Người hành giả đi trên Bồ Tát Đạo có thể giáo hóa chúng sinh, giúp cho họ giảm dần những hành vi gây nên tội ác, bị trả quả báo nặng nề bằng cách lấy lại những tài vật trong tay người đã cướp đoạt tài vật để đem trả lại cho khổ chủ đã bị mất những vật đó. Việc này Ấn Thuận Luật Sư trong Phật Pháp Khái Niệm có thuyết minh:

"Trộm cướp và sát sanh cũng tương đồng. Bất luận là quốc vương, tể tướng, đại thần hay thường dân, nếu có người cướp tài vật một cách phi pháp, thì hành giả Bồ Tát đạo không ngần ngại truất phế, lật đổ quyền vị của các quốc vương, tể tướng, chủ tụ lạc hay thường dân ấy... Với khả năng của mình, vị hành giả Bồ Tát đoạt lại tài vật từ trong tay kẻ cướp đoạt đem trả lại cho người bị cướp đoạt. Đây là việc cần phải thực hiện, không thể bỏ qua. Đối với kẻ cướp đoạt kia, việc làm này của hành giả Bồ Tát cũng là một thiện hạnh. Vì nếu để cho họ thọ dụng tài vật đã cướp đoạt một cách phi pháp, tức là gia thêm tội ác cho họ càng sâu. Cướp đoạt lại là cứu tế cho họ. Nhưng dù làm việc cứng rắn như vậy, trong tâm hành giả Bồ Tát phải hoàn toàn không có tâm niệm giận ghét như đối với cừu thù, mà vẫn phải có tâm từ bi, lân mẫn với những kẻ ác ấy.

Vấn đề này, Du Già Luận Bồ Tát Giới Bổn nói rất rõ ràng như sau:

"Chư hành giả Bồ Tát khi thấy kẻ cường đạo hay bọn trộm cướp đoạt lấy tài vật của người khác hoặc của tăng già hay tháp Phật mà kẻ cường đạo kia ngoan cố buông lung, tự ý thọ dụng những tài vật đã cướp đoạt ấy mà không biết rằng thọ dụng tài vật của Tam Bảo là tội rất nặng, tương lai sẽ thọ khổ trong ác thú trải qua nhiều kiếp. Hành giả Bồ Tát thấy thế, đối với kẻ giặc cướp ấy sanh khởi tâm lân mẫn thâm sâu, muốn làm lợi ích an lạc cho họ, nên tùy theo khả năng của mình, chọn lấy một phương cách cưỡng bức mà đoạt tài vật, đừng để bọn họ buông lung thọ dụngtrong đời vị lai phải chịu lấy khổ quả bi thảm.

Hành giả Bồ Tát vì tâm lân mẫn, muốn lợi ích hữu tình mà đoạt lại tài vật. Nếu đồ vật ấy thuộc về tăng già thì đem trả cho tăng già; thuộc về tháp Phật đem trả lại tháp Phật; là tài vật của thường dân, trả lại cho thường dân. Riêng mình, một vật rất nhỏ như sợi tơ, sợi tóc đều không khởi tâm ham muốn.

Hành giả Bồ Tát vận dụng khả năng, tự mình có sức mạnh đoạt lại tài vật đem trả lại chỗ cũ, do tâm lân mẫn đối với hữu tình, vị hành giả đó chẳng những không vi phạm tội mà lại còn sanh nhiều công đức. Nếu đối với tài vật đã đoạt lại, sanh khởi tâm tham, dù một vật nhỏ như sợi tơ, chẳng những không sanh công đức, lại trở thành kẻ trộm cướp. Đoạt của cải kẻ trộm cướp để làm của cho riêng mình là một việc tuyệt đối không được.

Nếu người hành giả trên con đường Bồ Tát Đạo mà trộm cướp đem về cho mình thì đã có nghiệp nhân này đương nhiên phải thọ quả khổ.
Theo Phật pháp, việc tích chứa tiền của giàu có chính đáng còn không được khích lệ tán dương, hà huống làm giàu do trộm cướp hoặc do thấy lợi mà bỏ nghĩa, đều là những việc nhơ bẩn và muôn ngàn tội ác. Đức Phật không bao giờ khen ngợi. Nhưng bất hạnh thay cho thế nhân, chỉ vì quá yêu quý tiền của mà thường tạo nhiều tội ác. Một đời bon chen tạo ác mà đến lúc nhắm mắt buông xuôi hai tay, nào có mang theo được gì ngoài hai món tùy thân là nghiệp thiện và nghiệp ác, để làm nhân cho đời sau mà thôi.

Vì thế, hàng Phật tử nói riêng, tất cả nhân loại nói chung, cần phải vâng lời Phật dạy, nghiêm cẩn trì giới không trộm cắp này cho thanh tịnh. Nếu không trộm cắp thì không tạo thành tội trộm cắp cực trọng và không chiêu cảm quả khổ trong tam ác đạo. Cho nên răn ngừa tội trộm cắp là một sự kiện trọng yếu. Tỳ kheo Thích Chân Tính khuyên rằng:

-Cổ nhân nói: "Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ" , nghĩa là người không có lễ nghĩa thì chẳng nên thân, đồ vật phi nghĩa chẳng nên lấy giữ. Vì vật phi nghĩa là của cờ bạc, của rơi rớt ngoài đường, của hối lộ móc ngoặc, của lừa gạt dối trá người... những thứ này không phải mồ hôi công sức mình tạo ra nên khó thể bền vững lâu dài với mình được. Tục ngữ ta có câu: "Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ" . Chúng ta cứ suy xét cho kỹ những kẻ tham lam trộm cắp lừa gạt của người đem về xây đắp gia đình, thử hỏi họ có bao giờ hạnh phúc đâu? Hay lúc nào cũng phải phập phồng lo sợ đêm ngày không yên. Khi lấy của người thì muốn vơ vét cho thật đầy, thật nhiều, đến lúc bị tội lại mong thật ít, thật nhẹ. Giả sử nếu công việc trôi chảy êm xuôi, chưa chắc những của phi nghĩa ấy tồn tại với kẻ gian lâu. Rồi nó cũng sẽ tiêu ma hết, hoặc xui khiến gia đình không tai kia thì tật nọ, không vợ đau thì con ốm, tai họa dồn dập, rốt cuộc bao nhiêu tiền phi nghĩa ấy đổ vào chạy thầy chữa thuốc cũng chẳng đủ. Thế là nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ, chỉ thêm được một số lời, đó là tội lỗi và tính gian tham.

Gian tham có rất nhiều hình thức, là Phật tử chúng ta nên cẩn thận và xử lý kịp thời khi phát hiện, không nên làm ngơ bỏ qua và cho rằng việc nhỏ không đáng. Chẳng hạn như khi thấy người khác trả dư tiền mình cũng làm ngơ, mượn đồ của người mà họ quên đòi thì giữ luôn để xài, đi xe, qua đò không trả tiền v.v...
Muốn tránh gian tham, không có phương pháp nào hay hơn là giữ hạnh ngay thẳng và tâm chân thật. Kinh Lục Độ Tập dạy rằng: "Ta thà giữ đạo nghèo mà chết chứ không chịu vô đạo mà sống ".

Ban Biên Tập




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/10/2010(Xem: 14616)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.