DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH
NỘI DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 40
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
(Nghe audio bấm vào hàng chữ này)
Thưa quý thính giả,
Chúng tôi nhận được thư góp ý của một vị thính giả, xin đọc lên như sau:
“Thưa quý Ban Biên Tập,
Trong kỳ phát thanh vừa qua, nơi phần đầu, có đoạn sau đây:
"Phật dạy:"Khi thấy, chỉ thấy. Khi nghe, chỉ nghe (...) Khi nhận biết một đối tượng tâm linh, chỉ nhận biết nó." Hãy ngưng lại ngay đó, và trí huệ tự nhiên sẽ chuyển động. Hãy chọn lấy lối đi đúng đắn và thích hợp. Đừng khai sanh thêm "người thương" hay "kẻ ghét", và theo sau đó là cái ý muốn hành động theo sự thương hay sự ghét, vì đấy chính là sự khởi sanh ra cái tự ngã trong tâm. Một tâm tư như thế trở nên náo động, chẳng được tự do. Tâm tư ấy hoạt động chẳng có chút trí huệ nào cả.
Tại sao ta lại chẳng nêu lên giới, định, huệ, tạo phước đức hay bố thí liên quan đến một công đức đầy thắng quả như thế? Các điểm ấy (giới, định, v.v.) là những trợ duyên giúp cho hành giả, chớ chúng chẳng phải là cốt tủy của Giáo Pháp, còn chưa phải là phần thiết yếu. Chúng ta tạo phước đức, bố thí, giữ giới, tập định, và phát triển trí huệ, chính là để trở thành người an định. Khi đang thấy, chỉ thấy; khi đang nghe, chỉ nghe. Thực hiện điều nầy, chúng ta trở thành an định. Chúng ta có được sự an định, sự chẳng lay chuyển và thế quân bình. Mặc dầu cảnh vật bên ngoài đến tiếp xúc với chúng ta hằng ngày, dưới nhiều hình thức qua các nẻo của giác quan, cái tự ngã (Ta) cũng chẳng sanh khởi ra được. "
Xin hỏi:
- “Nếu cho là...”... Đừng khai sanh thêm "người thương" hay "kẻ ghét", và theo sau đó là cái ý muốn hành động theo sự thương hay sự ghét, vì đấy chính là sự khởi sanh ra cái tự ngã trong tâm. Một tâm tư như thế trở nên náo động, chẳng được tự do. Tâm tư ấy hoạt động chẳng có chút trí huệ nào cả..”....,
Thưa Ban Biên Tập, như vậy thì khi gặp những hoàn cảnh khốn cùng, chúng ta cứ mặc kệ họ bằng cách đè nén tình cảm xuống, không được cảm thấy thương xót mà giúp đỡ họ hay sao? Xin quý vị giải thích thêm về điều này.”
Kính thưa quý vị,
Tất cả ngàn kinh muôn luận của nhà Phật đều cùng có một mục tiêu thuyết phục người đời:
-
Không làm điều xấu ác
-
Siêng làm điều lành thiện
-
Tự chấm dứt sự chạy nhẩy liên miên của ý thức
(Chư
ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý).
Không làm điều xấu ác và siêng làm điều lành thiện là mục tiêu chung của hầu hết các tôn giáo và các hệ thống công dân giáo dục của các nước trên thế giới. Duy có điều thứ ba, tự tịnh kỳ ý, chấm dứt sự chạy nhảy của ý thức, là cốt tủy của đạo Phật, là mục tiêu tối thượng của hành giả tu Phật.
Tại sao vậy?
Là vì từ sự giác ngộ của đức Phật, Ngài trực nhận được rằng khi tâm ý thức ngưng bặt, không còn quay cuồng thì Giác Tánh hiển lộ. Giác Tánh còn có nhiều từ ngữ để biểu thị, thí dụ Phật Tánh, Chân Tâm, Chân Như, Niết Bàn Diệu Tâm, Tri Kiến Phật, Chánh Biến Tri, Trí Tuệ Bát Nhã vân vân... Những từ ngữ tương đương của các nguồn tư tưởng khác dùng để biểu thị Giác Tánh này thí dụ như Tuyệt Đối (Absolute), Cái Chân Thật (The Truth), Cái Đang Là, Cái Hiện Tiền vân vân...
Mục tiêu tối thượng của đạo Phật là đạt được sự giải thoát hoàn toàn, rốt ráo, triệt để. Muốn tới đích đó, hành giả phải tập buông bỏ dần những thói quen đã bị điều kiện hóa từ muôn đời, cho rằng mỗi người chỉ có một thân xác vật chất và cái đầu óc suy nghĩ liên miên này. Có thể dùng thí dụ như một đứa trẻ được sanh ra trong nhà tù, đối với hắn, thế giới chỉ là bốn bức tường của nhà giam, đời sống tinh thần chỉ là ngôn ngữ của mấy người cai tù quát tháo, chỉ được tiếp cận với những điều nhỏ nhoi, giành giật nhau từng chút ân huệ, hắn không hề biết bên kia bức tường cao của nhà tù là một thế giới phong phú, muôn hình vạn trạng, đầy hoa thơm cỏ lạ.
Phần “tự tịnh kỳ ý”, chính là để giải thoát kiếp người ra khỏi nhà tù tinh thần, vượt qua bức tường giam hãm họ trong vòng Tham Sân Si từ vô lượng kiếp, hội nhập lại Bản Thể Chân Tâm.
Lời giảng mà vị thính giả nêu trên là của tỳ kheo Phật Lệ, nhằm vào mục tiêu cốt tủy đó. Nhà Phật gọi bước tu này là “tu huệ” hay là “tu giải thoát”. Đích của bước này là cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh.
Phương pháp tu này chỉ dành riêng cho những người quyết tâm hành trì để chấm dứt vòng luân hồi ngay trong kiếp sống hiện tại. Đó là những vị sư tự mình tới những nơi thanh tịnh, xa lánh sự ồn náo của thế nhân. Các vị này ẩn tu như vậy nhiều khi hàng chục năm ròng rã, rất ít tiếp xúc với người đời.
Ngoài ra, cũng có những khóa tu theo phương pháp này, nhưng chỉ kéo dài khoảng một vài tuần, để thiền giả tập cho quen dần với nếp sống thấy rõ mọi sự diễn biến ngay trong hiện tại, không để cho tâm đuổi theo tư tưởng lưu chuyển, gọi là thường lưu, như thế gọi là “ sống tỉnh thức”. Đây là những khóa tu ngắn ngày, để cho những người bận rộn với đời sống có cơ hội thư giãn tâm trí, còn gọi là những khóa tĩnh tâm (retreat)
Tu để đạt được sự giác ngộ ngay trong một kiếp sống là điều rất ít người thực hành được. Một phần vì ít có người tin nổi, để mà quay lưng lại với cuộc đời, dấn bước lên đường. Một phần vì nghiệp chướng nặng nề, cho nên có những người đã quyết tâm tìm đường giải thoát, nhưng rồi lại bị những cái gọi là “thuận duyên đời, nghịch duyên đạo”, thí dụ được đề cử làm những chúc vụ có danh, có tiền, bị tài sắc lôi cuốn, vân vân... , đi lạc vào ngõ rẽ, làm lỡ làng đường tu
Giáo lý nhà Phật quy ra thành năm bước đường tu tập như sau:
Thứ nhất -- Nhân Thừa: là bước đầu, để chuyển hóa từ người xấu trở thành người tốt. Người tu Nhân Thừa phải thọ Tam Quy Y (là ba nơi nương tựa về tinh thần), và giữ gìn Năm Giới Cấm.
Ba nơi nương tựa là Phật, Pháp và Tăng.
Năm Giới Cấm là :
-Cấm
sát sinh
-
Cấm trộm cắp
-
Cấm tà dâm
-
Cấm nói dối trá, cấm nói những lời độc ác
-
Cấm uống rượu và những chất làm cho say sưa, mất lý trí.
Thứ hai -- Thiên Thừa: là bước tu tập cao hơn, phải thực hành Thập Thiện, là mười điều lành, như sau:
- Không
giết hại chúng sinh mà phóng sinh, đồng thời không ăn thịt
để tránh gián tiếp làm cho chúng sinh phải chết.
-
Không trộm cắp mà còn đem của cải của mình bố thí cho
người nghèo khốn.
-
Không dâm đãng, trụy lạc.
-
Không dối trá
-
Không thêu dệt, bịa chuyện, đặt điều, chỉ nói đúng những
điều có thật.
-
Không nói những lời độc ác, thô tục, lăng mạ người khác.
-
Không thêu dệt để gây mâu thuẫn giữa những người khác.
-
Không tham lam mà sống trong sự tri túc (biết đủ)
-
Không giận dữ mà luôn luôn bình tĩnh
-
Không si mê mà hành động hợp đạo lý.
Hai giai đoạn tu theo Nhân Thừa và Thiên Thừa kể trên có mục đích chuyển hóa dòng nghiệp lực, sẽ được hưởng thiện báo trong thế giới tương đối.
Thứ ba -- Thanh Văn Thừa: là những người thấu hiểu giáo lý nhà Phật qua sự lãnh hội được ý nghĩa của Tứ Diệu Đế, (đế là chân lý) nghĩa là Bốn Chân Lý Cao Quý, do đức Phật nói ra, gồm:
- Khổ Đế, là chân lý nói về sự khổ của kiếp người.
- Tập Đế, là chân lý nói về sự huân tập những thói quen xấu đưa đến những nỗi thống khổ.
- Diệt Đế, là chân lý giải thích cách dứt trừ sự khổ.
- Đạo Đế, là chân lý chỉ dẫn đường lối tu để chấm dứt vĩnh viễn sự khổ, đạt được cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh. Con đường này là “Bát Chánh Đạo”, nghĩa là tám điều chân chánh, gồm:
1 -- Chánh Kiến, là nhận xét sáng suốt, hợp với lẽ phải.
2 -- Chánh Tư Duy, là suy nghĩ và xét đoán sáng suốt, khách quan.
3 -- Chánh Ngữ, là nói năng ôn hòa và đúng với sự thực trong tinh thần tôn trọng chân lý.
4 -- Chánh Nghiệp, là làm những việc chân chính, siêng làm điều lành thiện, không làm điều xấu ác.
5 -- Chánh Mạng, là sống chân chánh, làm những nghề nghiệp lương hảo, không làm những nghề gây nên nỗi khổ cho chúng sinh.
6 -- Chánh Tinh Tấn, là siêng năng tu tập những điều chân chính để chuyển hóa tâm hồn, trở nên ngày càng sáng suốt hơn.
7 -- Chánh Niệm, là nhớ nghĩ những tư tưởng và công việc tốt lành, chân chính, không tạo cơ hội cho tâm trí nổi lên những ý tưởng xấu ác.
8 -- Chánh Định, là tu tập để đạt tới sự tĩnh lặng của tâm, chấm dứt dòng ý thức trôi chảy liên miên, nhảy từ chuyện này qua chuyện khác do Tham Sân Si lôi cuốn, nhà Phật gọi là tâm viên ý mã, nghĩa là tâm ý chạy nhảy như vượn, như ngựa.
Hành giả thành công trong giai đoạn tu tập này chứng được cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh.
Thứ
tư -- Duyên Giác Thừa, là hành
giả tự tu theo phương pháp quán chiếu Thập Nhị Nhân Duyên,
là mười hai giai đoạn liên hệ với nhau mà sinh khởi trong
dòng sinh mệnh, khởi đầu là Vô Minh, do một niệm vô minh
mà dòng sinh tử khởi đầu,
duyên
qua Hành, là tác động, thấy có Ta và cái không phải Ta,
duyên
qua Thức, là ý thức hoạt động,
duyên
qua Danh Sắc, thì Danh là phần phi vật chất, là tâm linh, và
Sắc là phần vật chất, là sự hình thành khởi đầu của
cơ thể con người,
duyên
qua Lục Nhập là sáu giác quan, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân và ý căn, các cơ quan chức năng của con người
duyên
qua Xúc, là động chạm, từ sự đụng chạm trong bụng mẹ
cho tới khi ra khỏi bụng mẹ,
duyên
qua Thọ, là lãnh nhận mọi cảm giác,
duyên
qua Ái, là ưa thích,
duyên
qua Thủ, là nắm giữ lấy,
duyên
qua Hữu, là có sự hiện diện của thân người,
duyên
qua Sanh, là được sanh ra
duyên
qua Lão và Tử, là có được kiếp người rồi thì sau đó
sẽ có ngày già đi và chết.
Nếu không tự thanh tịnh được tâm ý để tự giải thoát khỏi luân hồi, thì vòng quay mười hai nhân duyên sẽ tiếp tục, do Vô Minh đem theo từ kiếp trước, sẽ duyên Hành, vân vân...
Do quán chiếu sâu xa, cuối cùng hành giả bừng tỉnh, Ngộ ra rằng tất cả thế giới hiện tượng này chỉ tồn tại tương đối, do tương tác với nhau, bản chất của nó là Không, là Vô Ngã.
Từ sự giác ngộ này, hành giả chấm dứt được những suy tư mê lầm về một thế giới tưởng như là có thật, buông xả được những dính mắc vào cái xưa nay vẫn cho là Tự Ngã, giải thoát khỏi Tham Sân và Si.
Thứ năm -- Bồ Tát Thừa, cũng là những người tu với mục đích giải thoát nhưng khác với Thanh Văn và Duyên Giác Thừa.
Hành giả Thanh Văn và Duyên Giác Thừa thì mục tiêu là đạt được cảnh giới tâm Niết Bàn tịch tĩnh.
Hành giả Bồ Tát Thừa có nhận thức rằng tất cả chúng sinh và bản thân mình vốn đồng Thể Tánh, cho nên hành giả Bồ Tát Thừa lập hạnh nguyện tu hành để mình giác ngộ, nhưng không an trú trong cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh, mà tiếp tục vì Nguyện Lực mà trở lại thế gian để cứu độ tất cả chúng sinh, vốn đồng Thể với mình, gọi là Đồng Thể Đại Bi.
Bồ Tát Thừa đi trên con đường Lục Độ Ba La Mật, tiếng Phạn là paramita, nghĩa là rốt ráo, qua luôn. Tất cả những pháp môn tu như Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Tuệ đều được người tu theo hạnh nguyện Bồ Tát hành trì với tâm nguyện Tam Luân Thể Không, có nghĩa làm xong là buông xả ngay, không còn vướng trong tâm, thí dụ Bố Thí Ba La Mật thì người bố thí không thấy rằng có mình đang bố thí để mà kiêu ngạo, không thấy có vật bố thí là nhiều hay ít để mà khoe khoang và không thấy có người nhận của bố thí để mà kể ơn nghĩa.
Tóm lại, nhà Phật có câu bốn vạn tám ngàn pháp môn tu, để tương ưng với rất nhiều tâm thức, căn cơ khác nhau. Ngày xưa, trước khi đức Phật nói pháp, Ngài thường nhìn thính chúng, định lượng coi nên nói pháp gì cho phù hợp, để mọi người có thể lãnh hội, do đó, người nghe pháp được lợi lạc rất lớn. Ngày nay, sách vở in ra rất nhiều, lại có cả những chương trình phát thanh, người nói cũng chỉ biết gửi ra chung chung cho tất cả mọi người, không thể chọn được độc giả và thính giả, mà chính độc giả và thính giả phải lựa coi những pháp nào thích hợp với căn cơ của mình.
Không phải là tất cả mọi người đều vào rừng tu giải thoát. Trên con đường tu tập để đến đích tối cao, có những bước gần gũi, thiết thực với đời sống hằng ngày hơn. Con đường Bồ Tát Đạo là cánh cửa để những người có tấm lòng vị tha hành đạo. Vua A Dục khi xưa trong khi vẫn đang làm vua mà vẫn hành đạo tuyệt vời. Rất nhiều công trình hộ pháp của nhà vua còn được tuyên dương cho tới ngày nay. Vua Lương Võ Đế, thái tử Lương Chiêu Minh cũng là những bậc hộ pháp tận tụy và thâm hiểu kinh điển. Nhà Phật tin rằng có rất nhiều vị Bồ Tát đã chứng đạo, nhưng vì lập hạnh nguyện Đại Bi, các vị ấy xuất hiện trong thế giới tương đối này, làm đủ mọi ngành nghề, có khi sinh vào các tôn giáo khác, hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn, để hóa độ và giúp đỡ chúng sinh.
Đức Phật cũng có những kinh dạy Phật tử trong đời sống hằng ngày, vừa sinh sống trong gia đình với cha mẹ con cái, vừa thực hành giáo pháp. Do thực hành Bát Chánh Đạo, người Phật tử làm ăn buôn bán chăm chỉ, có một đời sống lành mạnh sung túc, dành bớt tiền của ra làm những việc tốt đẹp như ấn tống kinh sách để hoằng truyền, hộ trì chánh pháp là pháp thí, cúng dường tam bảo, giúp đỡ mọi người, là tài thí.
Trong việc ấn tống kinh sách chúng ta cũng cần dùng trí tuệ để nhận xét coi những kinh sách nào là Chánh pháp thì mới ấn tống. Có những sách tuy cũng dùng những từ ngữ của nhà Phật như Bát Nhã, Chân Tâm, vân vân, nhưng nội dung ca ngợi sự dâm đãng xác thịt, cho là dùng sự liên hệ tình dục để đạt “Ngộ”. Những sách đó chắc chắn không phải là Chánh pháp. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này, là theo giới luật nhà Phật, nam tu sĩ phải giữ 250 giới cấm, nữ tu sĩ phải giữ 348 giới cấm. Với con số giới cấm nhiều như thế, mà giới Dâm đứng ngay hàng đầu, là giới trọng thứ nhất, tu sĩ mà phạm giới này được gọi là tội Ba La Di, ngang với tội tử hình của thế gian, bị đuổi ra khỏi tăng đoàn. Như thế thì không thể có chỗ đứng cho loại tà thư, giả danh đạo Phật, đề cao sự dâm đãng mà dám cho là Phật sự.
Ban
Biên Tập
(Bài
này đã được phát thanh ngày 10 tháng 12 tại Nam California
và 11 tháng 12, 2005 tại Houston Texas)