51. Tâm Chân Như Và Tâm Sinh Diệt

24/10/201012:00 SA(Xem: 10663)
51. Tâm Chân Như Và Tâm Sinh Diệt

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH PHẬT GIÁO
DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH

NỘI DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 51
TÂM CHÂN NHƯ VÀ TÂM SINH DIỆT
(Nghe audio bấm vào hàng chữ này)

Thưa quý thính giả,

Chúng tôi nhận được thư của một vị thính giả gửi về, nội dung như sau:

Thưa Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen,

Trong các bài phát thanh Phật giáo, chúng tôi thường được nghe quý vị đề cập đến những từ ngữ như “Tâm”, “trôi lăn từ vô lượng kiếp”, “chiều dài của dòng sinh tử” và “tu hành để chấm dứt vòng luân hồi”, vân vân ......
Thắc mắc của tôi là nếu quả thật tôi đã từ cái “Tâm” mà luân hồi nhiều kiếp, thì tại sao cái “Tâm” của tôi lại không nhớ được những chuyện xảy ra trong các kiếp quá khứ của tôi. Xin quý Ban Biên Tập giải thích, tôi rất cảm ơn.
Nay kính,
Phạm văn Châu

Thưa quý thính giả và ông Châu,

Chữ Tâm trong nhà Phật gồm hai phần là “Tâm Chân Như” và “Tâm Sinh Diệt”.

- “Tâm Chân Như” còn được gọi là “Chân Tâm”. Chân Tâm cũng tức là Bản Thể Tuyệt Đối, Phật Tánh, Giác Tánh, Giác Tri Kiến, Tri Kiến Phật, Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna Paramita), Tánh Không, Niết Bàn, Buddha Nature, Buddha Mind, True Mind, The Truth, ... vân vân ...

Tâm Sinh Diệt” còn được gọi là “Vọng Tâm” thì nền tảng của nó là Tàng Thức, nghĩa là cái kho, còn gọi là Thức Thứ Tám trong Tâm Lý Học, mà thuật ngữ nhà Phật gọi là Duy Thức Học.

Nhà Phật quan niệm rằng tất cả các hiện tượng trên thế gian đều do Tâm Thức biến hiện mà thành, cho nên gọi là Duy Thức. Muốn thấu triệt quan điểm này thì phải nghiên cứu sâu vào Duy Thức Học. Ở đây, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu khái quát. Cũng như chúng tôi chỉ có thể giới thiệu với những người chưa bao giờ biết bánh chưng là gì, rằng: “Dùng lá dong, gạo nếp, đậu xanh gói lại luộc kỹ, sẽ thành bánh chưng”. Có khái niệm tổng quát rồi, ai muốn nấu sẽ phải nghiên cứu vào chi tiết, mới có thể thực hiện được.

Theo kinh Viên Giác của nhà Phật, thì “Tất cả chúng sinh vốn là Phật” cũng như vàng vốn sẵn là vàng, nhưng là vàng quặng, lẫn tạp chất, nên phải gạn lọc, xả bỏ tạp chất cho sạch để trở về bản chất vàng, chứ không phải dùng chất khác mà làm thành vàng được. Tu hành cũng vậy, chỉ là xả bỏ chất độc hạiTham Sân Si, chấm dứt vọng tâm điên đảo, thanh tịnh hóa Tâm,trở về Bản Thể Phật Tánh, mà Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma dùng chữ của thế gian cho dễ hiểu, gọi là “Kiến Tánh thành Phật”.

Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng dòng sinh mệnh khởi đi do một niệm vô minh bất giác, bỗng nổi lên từ Biển Tâm mênh mông, cũng như người đang thức, chớp mắt đã lạc vào giấc ngủ. Trong mơ, thấy đủ thứ hiện ra, bị đánh cũng thấy đau, khóc cũng có nước mắt, sợ hãi cũng chạy trốn, vân vân ... Nhưng thời gian của giấc ngủ bình thường chỉ lâu có một đêm, sáng dậy bèn biết ngay rằng chuyện xảy ra trong đêm là ngủ mơ, không thật.

Dòng sinh tử của con người kéo dài triền miên, từ cái niệm vô minh bất giác đó khởi đi, hết đời này tới kiếp khác, tạo nghiệp thiện, hoặc ác, tất cả đều chứa trong Tàng Thức (là cái kho), làm nhân cho những kiếp sau, tiếp tục trôi lăn trong mê vọng của sinh tử luân hồi, mãi đến khi nào thức tỉnh, trở lại được trạng thái Tâm Thanh Tịnh, thì mới hội nhập lại với Bản Thể Chân Tâm được, đó là Kiến Tánh thành Phật.

Phật có nghĩa là người giác ngộ, không phải thần linh. Vì vô minh khởi đi từ vô thủy, hiện hành Thức Tâm sinh diệt, vốn không có thật, nên nhà Phật không quan niệm rằng có một linh hồn trường tồn bất biến, kéo dài từ kiếp này qua kiếp khác đến vô tận, mà chỉ coi dòng đời hiện ra do sự chi phối của nghiệp nhân thiện, hoặc ác, trong Tàng Thức, khi Tâm trở lại trạng thái thanh tịnh, không còn nghiệp nhân làm chủng tử gây nên đời sau, thì dòng đời sẽ chấm dứt, hội nhập Bản Thể Chân Tâm.

Do quan niệm rằng cõi đời này là thế giới tương đối, là hư vọng, không phải là tuyệt đối chân thật, cho nên nếu có người khi tái sinh không nhớ được kiếp sống cũ, trong khi có người khác lại nhớ được, thì cũng là chuyện nằm trong quy luật tương đối. Nhà Phật không thuyết phục mọi người bằng những lối giải thích mê tín, áp đặt người nghe phải tin. Vì thế, trước những hiện tượng xảy ra có bằng chứng rõ ràng, người Phật tử ghi nhận một cách công bình, phóng khoáng.

Với tinh thần nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một vài trường hợp hiển nhiên, điển hình là trường hợp ông Edgar Cayce, một người đã có khả năng thần giao cách cảm, trong khi nhắm mắt ở trạng thái bị thôi miên, ông có thể thấy và chẩn bệnh, điều trị cho những bệnh nhân ở bất cứ nơi đâu, dù cách xa hàng trăm dặm và dù ông không phải là y sĩ.

Edgar Cayce sinh ngày 18 tháng 3 năm 1877 tại tỉnh Hopkinsville, tiểu bang Kenturky, tạ thế ngày 3 tháng Giêng năm 1945, tai tỉnh Virginia Beach, tiểu bang Virginia.

Từ năm 1901, vừa tròn 24 tuổi, cho đến khi qua đời, ông ta đã giải quyết được 14 ngàn trường hợp bệnh tật, trong số đó có chín ngàn hồ sơ ghi bằng lối tốc ký, hiện được tàng trữ tại tỉnh Virginia Beach.

Trong khi nhắm mắt ở trạng thái bị thôi miên, sau khi nghe lời giới thiệu về tên họ và địa chỉ bệnh nhân, ông bắt đầu cất tiếng nói, phần lớn là với giọng bình thường của ông, về bệnh lý của bệnh nhân, ngay cả những người ở cách xa hàng trăm dặm, như là tâm ý thức của ông đang ở bên cạnh họ, đang nhìn thấy họ vậy. 

Trong khi ông nói thì tốc ký viên ghi lại. Nếu người tốc ký ghi sai thì dù đang nằm nhắm mắt, ông cũng “nhìn” thấy, và yêu cầu người tốc ký sửa lại. Điều này cũng phù hợp với lời Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm rằng “Tâm không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở quãng giữa, (mà ở khắp nơi)”.

Vào năm 1932, một tổ chức được thành lập, mang tên là Association For Research and Enlightement, tại tỉnh Virginia Beach, để lưu trữ các tài liệu quý giá này của ông. Nếu muốn nghiên cứu thêm, xin mời quý thính giả tìm đọc những tài liệu này ở địa chỉ hội tại số nhà 215 đường 67th Street, thành phố Virginia Beach, Zip code 23451, hoặc vào website : http://www.edgarcayce.org

Câu chuyện về Edgar Cayce là một trong những đề tài khó hiểu đối với giới khoa học kỹ thuật. Nhưng sự thực hiển nhiên được phơi bày rõ ràng như thế, đã tạo cảm hứng cho những nhà khoa học có tâm hồn khai phóng, bắt đầu nhìn thêm nhiều khía cạnh khác, về những hiện tượng trong đời sống tương đối này. Cũng vì vậy, đối với vấn đề Tâm Linh, càng ngày giới khoa học gia càng để tâm nghiên cứu. Theo bác sĩ Peter Fenwick về tâm lý học thì vào năm 1995, chỉ có ba lớp Tâm Linh Học trong các trường Đại Học Y Khoa Hoa Kỳ, qua năm 1998, tăng lên thành 40 lớp, và tăng nhanh lên tới 100 lớp vào năm 2001. 

Để chứng tỏ sự quan tâm của các tầng lớp vốn ảnh hưởng nặng về khoa học kỹ thuật, nay đem công sức nghiên cứu về các hiện tượng tâm linh, chúng tôi xin kính gửi quý thính giả bài viết “Câu chuyện tái sinh của Jenny”, do cư sĩ Tâm Diệu thuật lại theo tài liệu của chương trình 20/20, đài ABC, phát hình vào lúc 10 giờ đêm Thứ Sáu ngày 10 tháng 6 năm 1994, như sau:

Vào mùa xuân năm 1993, một bà mẹ người Anh 40 tuổi, tên là Jenny, đang sinh sống với chồng và hai con ở thành phố Northamptonshire Anh quốc, đã đoàn tụ với năm người con của bà trong đời sống trước, tại Malahide, một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Aí Nhĩ Lan.

Mùa xuân năm nay 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình của chương trình 20/20 ABC, Hoa Kỳ, đã đến tận nơi đây làm phóng sự về câu chuyện tái sinh của bà mẹ này, cùng hội họp với những người con trong kiếp sống trước của bà. Đây là câu chuyện tái sinh có thực, đã xảy ra vào cuối thế kỷ thứ hai mươi này, một câu chuyện cảm động về một người mẹ đi tìm con vượt biên cương, trở về kiếp quá khứ

Ngay từ nhỏ, cô Jenny luôn luôn nhớ ra rằng mình đã có một đời sống ở kiếp trước, nơi một ngôi làng nhỏ bên bờ biển xứ Ái Nhĩ Lan, với tên là Mary. Mary, một người đàn bà trẻ, tầm vóc trung bình, đã từ trần 21 năm trước khi Jenny được sinh ra ở Anh Cát Lợi. 

Một trong những giấc mơ luôn luôn hiện lên trong trí nhớ của Jenny là giây phút lìa đời của Mary, trong nỗi đơn độc đau khổ của mình, và lo âu về tương lai đầy bơ vơ của các con, mà đứa lớn nhất mới có 13 tuổi. Nỗi lo âuđau khổ này đã ám ảnh, hiển hiện thường trực trong tâm trí nàng từ lúc còn nhỏ. 

Ngay từ khi mới bắt đầu cầm được cây bút, Jenny đã vẽ bản đồ làng, với những con đường dẫn đến một căn nhà mái tranh nơi Mary ở, đến nhà thờ, ga xe lửa, các cửa hàng bách hóa... và sau này so sánh với bản đồ Ái Nhĩ Lan của nhà trường, Jenny đã khám phá ra rằng, bản đồ mà nàng đã vẽ từ trí nhớ, và trong những giấc mơ tiền kiếp, đã thật giống với bản đồ một làng nhỏ nằm ở phía bắc thành phố Dublin Ái Nhĩ Lan, có tên gọi là Malahide. 

Theo năm tháng, Jenny lớn dần cùng với hình ảnh căn nhà mái tranh, với từng căn phòng, góc bếp, với hình ảnh nhà thờ quán chợ, nơi thị trấn hiền hòa Malahide càng lúc càng rõ rệt. Trong tâm tưởng, nàng vẫn cảm thấy có lỗi với các con, khi bỏ chúng lại bơ vơ nơi cõi trần, nên nàng quyết định đi tìm con. 

Jenny sắp đặt kế hoạch, nhưng lại không đủ khả năng tài chánh cho chuyến đi qua xứ Ái Nhĩ Lan, nên đành hoãn lạitình nguyện làm một người thôi miên, cho một thôi miên gia chuyên môn tìm hiểu quá khứ. Qua thôi miên Jenny đã mô tả chi tiết căn nhà, từng bức hình treo trên tường, kể cả một tấm hình của Mary. Jenny cũng mô tả và vẽ ra hình nhà thờ. 

Cuối cùng Jenny đã để dành đủ tiền, để thực hiện một chuyến du hành qua Ái Nhĩ Lan, đi tìm những dấu tích của căn nhà mái tranh, của những đường xưa lối cũ. Đến Malahide, nàng đã đứng lặng trước một căn nhà, mà bên kia là ngã ba đường, dẫn về thành phố. Nàng thấy hình ảnh này sao mà quen thuộc quá, giống như trong trí tưởng, giống như bản đồ nàng đã vẽ. 

Sau chuyến đi, Jenny trở về Anh quốc và bắt đầu thực hiện kế hoạch tìm con. Nàng viết thư cho tất cả các báo ở Ái Nhĩ Lan, các tổ chức sử học, các văn phòng hộ tịch, các chủ phố, và dân làng Malahide để yêu cầu giúp đỡ về tin tức của một người đàn bà tên Mary, chết vào năm 1930, cùng với tin tức về những người con của bà này. 

Một thời gian lâu sau đó, Jenny nhận được thư của một chủ đất ở Malahide cho biết ở đó trước đây có một gia đình mà người mẹ tên là Mary đã chết sau khi sinh đẻ một thời gian ngắn, để lại sáu đứa con còn sống. Last name của người đàn bà bất hạnh đó là Sutton, và sau khi bà Sutton qua đời, những đứa con đã được gửi vào các cô nhi viện. 

Đúng như trong trí tưởng, và trong các giấc mơ về nỗi lo âu của Mary khi lìa đời, các con của bà đã thực sự bơ vơ đi vào các trại mồ côi. Jenny đau khổ gửi thư cho tất cả các viện mồ côi ở Ái Nhĩ Lan, để dò hỏi tin tứccuối cùng một vị giáo sĩ của một nhà thờ thành phố Dublin đã hồi âm. Sau khi thư từ qua lại với các cơ sở họ đạo và bộ giáo dục Ái Nhĩ Lan, vị giáo sĩ này cho biết tên của tất cả sáu người con bà Mary, và nói rằng sáu đứa trẻ này đã trở thành Ki Tô hữu tại nhà thờ Thiên Chúa Giáo Saint Sylvester tại Malahide. Lá thư của vị giáo sĩ không dài lắm, nhưng đã mang lại niềm tinhy vọng lớn lao cho Jenny. 

Sau đó, qua niên giám điện thoại, Jenny đã gửi thư đến tất cả những ai mang họ Sutton tại Aí Nhĩ Lan. Nàng cũng nhận được một bản sao giấy khai tử của Mary, và hai bản sao giấy khai sinh của hai người con, nhưng vẫn không tìm ra tung tích. Một lần nữa Jenny lại gửi thư cho tất cả các báo ở Dublin, và thư cho giáo sư Tiến sĩ Stevenson, một chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng của đời sống quá khứ để nhờ giúp đỡ. Stevenson giới thiệu Jenny với Gitti Coast, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan truyền thông Anh quốc BBC. 

Một thời gian khá lâu sau đó, Jenny nhận được điện thoại từ người con thứ hai ở Ái Nhĩ Lan. Cuộc nói chuyện hết sức khó khăn, với nhiều tình cảm lẫn lộn, nhưng nói chung có những dấu hiệu tốt đẹp. Jenny hứa sẽ gửi toàn bộ hồ sơ lưu trữ từ nhiều năm qua. Tư tưởng của nàng lúc này cũng lộn xộn. Mặc dầu biết là các con của Mary bây giờ đều đã ở vào lứa tuổi 50 và 60, nhưng Jenny vẫn có cảm giác mạnh mẽ về tình mẫu tử, vẫn có cảm giác mình là mẹ của họ. 

Giai đoạn cuối của công cuộc tìm kiếm đã tới. Nàng thông báo đầy đủ diễn tiến mới cho Gitti Coast của đài BBC. Câu chuyện kỳ lạ của nàng đã khiến cho đài BBC muốn dự án tìm con của Jenny, trở thành một tài liệu sống của ban nghiên cứu, nên đã thương lượng với Jenny. Phần Jenny, nàng chỉ yêu cầu có một điều duy nhất, là đặt sự phúc lợi và niềm an bình hạnh phúc của gia đình lên trên hết. 

Chờ mãi không thấy thư của người con thứ hai, mà Jenny đã nói chuyện qua điện thoại, nàng quyết định liên lạc với Sonny, hiện đang ở thành phố Leeds Anh quốc.

Sonny là người con đầu của Mary Sutton, khi Mary qua đời cậu mới 11 tuổi, và vào ngày Thứ Ba 15 tháng 5 năm 1990 sắp tới, Sonny đã 71 tuổi. Qua cuộc điện đàm, Jenny mô tả cho Sonny biết về quá khứ của cậu, về hình ảnh căn nhà mái tranh, về tính nết của cậu, về những lời nói hay câu mắng của Mary với cậu hồi đó. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và khó có thể ngờ được người đầu dây bên kia lại chính là mẹ mình. Sonny ngỏ ý muốn được gặp Jenny ngay. 

Như đã thỏa hiệp với đài BBC, Jenny thông báo những biến chuyển mới cho họ biết. Đài BBC muốn phỏng vấn Sonny trước, và trong thời gian này hai người không được liên lạc với nhau. Họ muốn nghiên cứu tường tận về Sonny, rồi phân tích và so sánh với những dữ kiện mà họ đã có về Jenny. Cũng trong thời gian này, họ đã phỏng vấn thêm Jenny về những điểm chưa sáng tỏ

Cuộc điều tra của đài BBC kéo dài 4 tháng, và cuối cùng Jenny đã đích thân lái xe đưa cả gia đình của nàng đến thành phố Leeds hội ngộ cùng Sonny. Cuộc đoàn tụ đã diễn ra thật cảm động; Giấc mơ đi tìm con của Jenny đã trở thành sự thực, hai mẹ con, mẹ trẻ con già, đã ôm nhau với những dòng nước mắt tuôn trào. 

Sonny cũng như Jenny đều đã nhận được bảng phân tích và so sánh dữ kiện của đài BBC trước đó. Các chuyên gia đài BBC đều không thể ngờ được rằng những sự kiện hiện ra trong tâm trí lại có thể đúng một cách chính xác với thực tế như vậy, và chuyện có một đời sống sau khi chết đang hiển hiện rõ ràng

Năm 1993, với sự giúp đỡ của Sonny, Jenny đã hội ngộ với tất cả 5 người con còn sống. Hơn 60 năm từ khi mẹ họ qua đời, anh em mới được đoàn tụ với nhau, và đặc biệt hơn cả là đoàn tụ với người mẹ đã tái sinh, trẻ trung trong kiếp sống này, để đi tìm họ. 

Năm 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình chương trình 20/20 đài ABC Hoa Kỳ, đã một lần nữa mang Jenny và 5 người con trở về thị trấn Malahide đoàn tụ với nhau, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 75 của Sonny. 

Trong dịp này, Jenny đã được người con cả, nay đã 75 tuổi, dẫn đến thăm mộ phần của nàng kiếp trước. Đứng trước phần mộ và ống kính thu hình, nàng đã nói rằng: "Không có ai trong mộ này. Cái còn lại trong đó chỉ là những mảnh xương khô, thực sự không là gì cả, phần năng lực tinh thần hiện nay đang ở trong tôi.

Thưa quý thính giả,

Trên đây là câu chuyện bà mẹ đi tìm những người con trong kiếp trước. Cũng như bà mẹ này, trong dòng sinh tử, chúng ta cũng đã liên hệ với biết bao nhiêu người. Ngày nay, nhờ có những máy điện toán tối tân, các nhà toán học và nhân chủng học đã cho chúng ta biết rằng, mỗi chúng ta có tới hàng tỷ ông bà cha mẹ từ quá khứ đến hiện tại, và tất cả nhân loại đều là anh em họ hàng của nhau. Nếu sự nhận ra được mối liên hệ ấy, mà khiến cho mọi người cảm thấy dễ gần gũi, thông cảmtha thứ cho nhau trong giao thiệp hằng ngày, thì cuộc đời tươi đẹp biết bao! 

Ban Biên Tập/TVHS

Bài này đã được phát thanh trên làn sóng AM 1480 (KVNR) tại Nam California  ngày 11-3-2006 và ngày 12-3-2006 trên làn sóng AM1520 (KYND) & AM 880 (KJOJ) tại Texas. Live Webcasting at http://www.littlesaigonradio.com 8:00 PM Saturday.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/10/2010(Xem: 14616)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.