32. Đời Là Bể Khổ

15/10/201012:00 SA(Xem: 73735)
32. Đời Là Bể Khổ

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH PHẬT GIÁO
DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH

NỘI DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 32
ĐỜI LÀ BỂ KHỔ
(Nghe audio bấm vào hàng chữ này)

Thưa quý thính giả,

 

Một vị thính giả đã gửi về cho chúng tôi câu hỏi như sau:

"Nhà Phật thường hay nói "đời là bể khổ", và "tất cả thế gian đều chỉ là huyễn mộng, là không" nhưng đồng thời lại bảo phải coi trọng sinh mạng, dù là sinh mạng con sâu cái kiến, không được giết, vân vân …".

Thắc mắc của tôi là: 

Thứ nhất: Đời có thật là "bể khổ" không? Hay chỉ những người nghèo mới khổ, người giầu có tiền rừng bạc biển, "có tiền là có tất cả", dùng tiền mua được cả vua chúa, kẻ hầu người hạ, muốn gì được nấy, trong nhà thì chăn êm nệm ấm, ra ngoài thì mọi người nể sợ, cuộc đời sướng như thần tiên, có gì là khổ đâu?

Thứ hai : Nếu "đời là bể khổ" và "tất cả thế gian đều chỉ là huyễn mộng, là không", thì hành động sát sinh chính là chấm dứt sự khổ, và cũng chỉ hành động trong huyễn mộng, tại sao lại phải coi trọng sinh mạng, coi sự phạm vào giới sátphạm tội nặng nhất?" Xin quý ban Biên Tập vui lòng giải thích giúp cho, cảm ơn quý vị.

Thưa quý thính giả,

Chúng tôi xin cảm ơn vị thính giả đã nêu lên những thắc mắc này, để chúng ta có dịp cùng nhau thảo luận. Chúng tôi cũng ước mong tất cả quý vị nếu có điều gì thắc mắc trong phạm vi tìm hiểu Phật pháp thì xin tích cực nêu ra, như thế chúng ta sẽ có dịp cùng nhau tìm hiểu cho thật rõ ràng, sáng tỏ, để có thể tận hưởng lợi ích từ những lời dạy quý báu của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 

giáo chủ của đạo giải thoát, đức Phật đã tận tụy suốt đời để phổ biến, gửi gấm những lời giảng dạy cao cả về bình đẳng, khai phóng vào mọi ngõ ngách tâm hồn của thế nhân để gỡ bỏ bức màn vô minh cho họ. Ngài luôn luôn nhắc nhở mọi người phải hiểu giáo pháp một cách triệt để, nếu chỗ nào còn chưa hiểu tường tận thì phải hỏi. Thậm chí ngay trước giờ phút nhập Niết Bàn, đức Phật vẫn còn lập lại tới ba lần câu “Ai còn thắc mắc về giáo pháp thì hãy nêu lên câu hỏi”. Đến tận giây phút cuối trước khi vĩnh biệt chư đệ tử, trong tâm bậc đạo sư vẫn chỉ là mong sao cho các đệ tử hiểu thấu đáo giáo pháp để có thể tu hành đạt được giác ngộ, giải thoát

Trong đạo Phật, không có chỗ đứng cho sự tin tưởng một cách mù quáng. Nếu có ai nói những điều mê tín hoang đường, muốn người nghe phải nhắm mắt tin bừa, mà gán cho đạo Phật thì đó là người ấy đang phỉ báng chánh pháp, như lời đức Phật đã cảnh cáo "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta". Người Phật tử học đạo phải nghe giảng (Văn), nghe rồi suy nghĩ cho tới hiểu thấu, chưa hiểu thì hỏi cho rõ (Tư), giáo pháp đã được hiểu rõ ràng, người Phật tử mới bước lên đường luyện tâm (Tu).

Sở dĩ chúng tôi dài dòng trình bày như thế mục tiêu là để minh xác lại với quý vị rằng đạo Phật là một con đường sáng, đến với đạo Phật để học cho thấu hiểu Phật pháp, biết được cách thanh lọc tâm mình, biết buông xả những điều tầm thường để hiển lộ Giác Tánh, giải thoát khỏi những mê vọng che mờ Chân Tâm. Như thế, sự tìm hiểu, hỏi và đòi hỏi câu trả lời là một thái độ rất quý, cần thiếttrong sáng của người Phật tử.

Bây giờ chúngtôi xin đi vào câu hỏi thứ nhất, như sau:

-- Đời có thật là "bể khổ" không? Hay chỉ những người nghèo mới khổ, người giầu có tiền rừng bạc biển, "có tiền là có tất cả", dùng tiền mua được cả vua chúa, kẻ hầu người hạ, muốn gì được nấy, trong nhà thì chăn êm nệm ấm, ra ngoài thì mọi người nể sợ, cuộc đời sướng như thần tiên, có gì là khổ đâu?

Thưa quý thính giả,

Câu "đời là bể khổ" không phải là lời nói xuông, mà là một phát biểu từ quá trình tu chứng của đức Phật. Do sự chứng đạo, đức Phật nhận chân được một điều có thể phát biểu tóm gọn lại là:

 "Tất cả mọi sự xuất hiện trên thế gian này đều vô thường, đều nằm trong chu kỳ của "sanh, trụ, dị, diệt", nghĩa là xuất hiện, rồi có mặt một khoảng thời gian, rồi thay đổi, rồi hoại diệt". 

Vô thường nghĩa là không vĩnh viễn, luôn luôn có sự thay đổi, có thể thay đổi từ từ như nước chảy đá mòn, có thể thay đổi bất thình lình như những sự xụp đổ do thiên tai, chiến tranh, vân vân. Và vô thường là khổ.

Nếu chúng ta lắng tâm xuống mà suy ngẫm về mọi sự việc xẩy ra trong đời sống hằng ngày thì ta sẽ thấy nỗi khổ không chừa một ai. Vua chúa, người nhiều quyền lực, hay người giầu có, cũng vẫn phải ở trong quy luật này. Giầu có, quyền uy thì muốn được hưởng sự giầu có, quyền uy vĩnh viễn. Nhưng vô thường ập đến bất cứ lúc nào. Dù là vua chúa quyền uy, cũng không thể cứu được chính mình và người thân yêu ra khỏi bàn tay của tử thần khi vô thường tới. Vua Tự Đức của triều đình nhà Nguyễn quyền uy như thế mà khi tử thần mang Bằng Phi đi cũng không thể cứu nổi, chỉ còn biết rống lên tiếng khóc thê lương:

Ơi Thị Bằng ơi đã hết rồi
Ơi tình, ới nghĩa, ới duyên ơi !
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Mối tình muốn dứt càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

Nhà vua muốn cùng người yêu vui hưởng hạnh phúc mãi mãi bên nhau, nhưng vô thường đến chia hai người ra thành hai ngả, không thể dùng quyền lực, tiền bạc mà thay đổi được, chỉ còn lại sự chịu đựng nỗi thống khổ mà thôi.

Từ thí dụ này, quý vị thính giả có thể suy rộng ra biết bao nhiêu nỗi thống khổ do tính chất vô thường, không bền vững trong đời sống mang lại. Chúng ta sẽ thấy rằng ngay lúc mới gặp nhau đã có mầm khổ của sự chia tay tiềm ẩn, và nó có thể tới một cách bất thình lình. Ngay sự gặp gỡ của chúng ta trong chương trình phát thanh Phật giáo này cũng nằm trong quy luật ấy.

Mỗi buổi sáng, khi bà mẹ mặc đồ cho con đi học, là nơm nớp lo không biết trong thời gian vắng mặt mình, con có gặp chuyện bất ngờ nguy hiểm không may nào không. Chúng tôi tin rằng tất cả các bà mẹ khi nghe nói về một tai nạn xe cộ vừa mới xảy ra đâu đó, là sẽ hỏi coi có dấu tíchliên quan xa gần đến những đứa con của mình hiện đang vắng nhà chăng, thí dụ mầu xe, con đường có xe đụng, vân vân, để hoặc là yên tâm, hoặc là lo lắng. Nói ra thì có vẻ ích kỷ, nhưng đấy là thực tế.

Bởi vì cuộc đời đầy dẫy những bất trắc, vô thường, không có gì là tồn tại vĩnh viễn, cho nên mọi người đều có những mối lo từ trong tiềm thức rằng cái mình đang có sẽ mất. Và quả nhiên là đến một lúc nào đó, nó sẽ mất thật. Đây là chỉ nói về một nỗi khổ là sự không bền chắc của thế giới tương đối này, chưa kể đến những nỗi khổ như sự đau đớn khi lọt lòng mẹ, khổ vì tuổi già, khổ vì bệnh tật, khổ vì lo sợ lúc gần chết, khổ vì mong cầu mà không đạt được, khổ vì thương yêu mà phải xa nhau, khổ vì ghét nhau mà phải chung sống, khổ vì tâm và thân thay đổi bất thường, vân vân ...

Cho nên mới có câu “đời là bể khổ và nước mắt chúng sinh trong thế giới Ta Bà nhiều như nước ngoài biển cả”.

Về câu hỏi thứ 2:

 -- Nếu "đời là bể khổ" và "tất cả thế gian đều chỉ là huyễn mộng", thì hành động sát sinh chính là chấm dứt sự khổ, và cũng chỉ hành động trong huyễn mộng, tại sao lại phải coi trọng sinh mạng, coi sự phạm vào giới sátphạm tội nặng nhất?"

Thưa quý thính giả,

Câu: "tất cả thế gian đều chỉ là huyễn mộng" cần được giải thích trong những trường hợp khác nhau, do tu chứng và do nhận thức.

Do tu chứngđức Phật sau khi bừng tỉnh, thấy được rằng mọi hiện tượng trên thế gian đều là "huyễn hiện", không phải là Sự Thực. Từ kinh nghiệm đó, Ngài thuyết kinh Viên Giác để chỉ dạy người Phật tử tu hành ngõ hầu buông xả cảnh giới huyễn mộng mà tìm về bản thể chân thật, tạm gọi là Chân Tâm. Bài kệ trong kinh Kim Cang cũng dạy về “quán như huyễn”, một trong các phương pháp luyện tâm:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán.

nghĩa là :

Mọi việc trên thế gian
Như mộng, huyễn, bèo, ảnh
Như sương mai, điện chớp
Hãy quán chiếu như thế

Quán chiếu như thế thì lòng tham lam chấp chặt vào của cải vật chất, thị phi hơn thua sẽ giảm, dần dần tâm hồn sẽ vắng lặng, đó là đường lối để “thanh tịnh hóa Tâm”, dẹp những lăng xăng vọng tâm để Chân Tâm hiển lộ, đạt được mục tiêu cốt tủy của đạo Phật, điều mà đức Phật đã thể nghiệm.

Nhưng trước khi đi tới đích, người hành giả từ sự nhận thức mà bước được lên con đường, bắt đầu sống đạo, giảm thiểu gánh nặng Tham Sân Si, là đã được hưởng mùi vị giải thoát. Từ nhận thức thôi, người Phật tử cũng hiểu được rằng cuộc đời này quả là không có gì bền vững, mọi sự xảy ra chỉ tồn tại một thời gian rồi biến hoại, tình cảm, của cải vật chất, tất cả đều đến rồi đi như trong giấc mơ, như mộng huyễn do lòng người thay đổi, do thiên tai, chiến tranh, bệnh hoạn, chết chóc bỗng nhiên ập đến, không báo trước, một sớm một chiều đang có đủ thứ bỗng bị mất hết. Từ suy tư, cảm nhận được lý vô thường, nếu chúng ta chuyển hóa tâm thức theo với những nhận thức này thì cuộc đời cũng sẽ thoải mái, bớt gay gắt với thế nhân, tâm tư cũng được nhẹ nhàng hơn nhiều.

Nhiều nhà đạo học Đông Phương cũng quán huyễn, khuyên nên coi chuyện đời như một giấc mộng lớn (xử thế nhược đại mộng), để mà có thể sống một cách ung dung, thanh thoát, tóm lại là “sống đạo”. Riêng đối với nhà Phật thì quán “huyễn” là một cách luyện tâm, nếu hành trì miên mật, dẹp tan vọng tâm chấp chặt, hành giả có thể chứng ngộ Sự Thật.

Trong sự tìm hiểu thực chất của thế giới hiện tượng, nhà khoa học làm thí nghiệm thấy hạt vật chất cơ bản vốn “không có thật”, mà chỉ biến đi rồi lại hiện ra liên tục rất nhanh, như làn sóng, trong một thoáng thời gian chỉ ngắn hơn phần tỷ của một giây đồng hồ rất nhiều, kinh Phật gọi sự thay đổi biến hiện này là “lân - hư - trần”, tức là từ dạng “ánh sáng”, tới khoảng “hư không”, rồi tới “vật chất”. Sự thay đổi biến hiện này xảy ra quá nhanh khiến cho mắt người thường thì tưởng vật chất là có thật một cách chắc nịch. Nhưng người chứng đạo, tâm thức vắng lặng, thì thấy được “sát na huyễn hiện” này. Huyễn hiện có nghĩa là không phải “có thật” nhưng cũng không phải là “không”, nhà Phật gọi là Chân Không Diệu Hữu. Chữ “không” của nhà Phật là Chân Không, không phải là “không có gì”, không phải là “hư vô”. Trong Chân Không đó, mọi sự vật “huyễn hiện”, gọi là Diệu Hữu.

Thâm nhập thiền quán “mọi việc trên thế gian đều như mộng, huyễn, bèo, ảnh, sương mai, điện chớp”, dù chưa tới được cảnh giới “chứng đạo”, cũng làm cho cuộc sống tâm lý của chúng ta được giải thoát phần nào.

Trong cuộc đời, chúng ta có rất nhiều bằng chứng cụ thể về tính không bền chắc của mọi sự trong thế giới hiện tượng tương đối này, thí dụ những biến thiên xảy ra cho con người trong chiến tranh, trong thiên tai, thí dụ trận sóng thần bên Á Châu xảy ra cuối năm 2004 và trận bão lụt Katrina vừa mới xảy ra tại Hoa kỳ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn mà những nạn nhân đã mất đi tất cả những công lao gây dựng trong suốt cuốc đời.

Chúng tôi xin thuật lại câu chuyện của một trong hàng ngàn nạn nhân của trận bão lụt Katrina, câu chuyện của bà Fitzgerald, đăng trên Internet: 

“Ngồi trên đống chăn mền trải dưới sàn Trung Tâm Baton Rouge River, giữa những nạn nhân của trận bão Katrina, bà Fitzgerald, 56 tuổi, tính toán việc chôn cất mẹ bà ta. Bà kể lại sự phấn đấu khó khăn của gia đình khi di chuyển người mẹ tám mươi tuổi đang ốm nặng của bà lên lầu thứ hai để chạy nước lụt đang dâng lên đuổi theo họ và sự tận tụy của gia đình đã ở lại một cách vô vọng để săn sóc mẹï. Bà vừa khóc vừa nói:

- Thật là quá sức mà bệnh tim của mẹ tôi có thể chịu đựng nổi.

Rồi bà cứ nức nở vừa khóc vừa nhắc lại cảnh đau lòng đến đứt ruột khi cuối cùng gia đình đành phải để xác bà cụ lại mà bỏ chạy.

Bà Fitzgerald cư ngụ tại thành phố New Orleans, ngay gần đoạn đê chắn lụt bị vỡ, kể lại rằng cả một khối nước dường như đổ ập vào nhà bà qua bức tường, trong vòng 15 phút mực nước từ vài inches dâng lên đến cổ. Bà lao đến tủ lạnh định quơ đống giấy tờ quan trọng để trên nóc nhưng chỉ còn kịp nhìn thấy cả cái tủ chìm lỉm dưới làn nước đen ngòm, hôi thối.

Vợ chồng bà đã cùng với người chị chuyển cha mẹ từ căn nhà một tầng của người chị đến lầu hai căn apartment bên hàng xóm, là nơi khô ráo độc nhất còn lại để có thể tạm trú. Họ mượn cái xuồng của một người hàng xóm khác để bơi đi mua thực phẩm và thuốc cho bà mẹ đang ốm nặng. Nhưng người mẹ thập tử nhất sinh của bà đã vì bị ướt lạnh nên qua đời trong khi bà con gái đang đi kiếm thuốc men và thực phẩm

Trong lúc di chuyển dưới nước, bà Fitzgerald bị một một chiếc xuồng đâm vào bắp vế, làm thành một vết thương. Nhân viên y tế bảo rằng vết thương bị làm độc vì nước bẩn và nếu nó không được chữa ngay một cách đúng mức thì có thể đưa đến tình trạng bà ta sẽ mất một chân. Vết thương đã được băng bó bằng thuốc kháng sinh. 

Bà Fitzgerald vừa khóc vừa nói lên lòng mong mỏi được tạm thời di chuyển đến với các thân nhân ở tiểu bang khác vì đã quá sợ những cảnh tượng bày ra trước mắt ở chốn này.”


Thưa quý thính giả

Một gia đìnhcha mẹ con cái đang sống yên lành, một sớm một chiều thiên tai ập đến, mẹ chết không có đất chôn, con cái thương tích từ tâm hồn đến thể xác, không còn mái ấm dung thân, chỉ mong đến được nhà thân nhân để tá túc qua ngày. Ít có ai nghĩ rằng những chuyện kinh hoàng như thế có thể xảy ra cho chính mình. Ấy vậy mà nó lại vẫn thường xảy ra trong cuộc đời. Nhà Phật gọi đó là “vô thường”, là “không có gì chắc chắn, vĩnh cửu”.

Tuy thấm nhuần lý vô thường như thế, nhưng do tin sâu nhân quả, người Phật tử không bi quan. Đức Phật dạy mọi Phật tử phải “không làm điều xấu, ác, siêng làm điều thiện, lành” để chuyển hóa thế giới cho “tâm bình thế giới bình”. Sát sinh là điều xấu ác vì làm cho chúng sinh đau đớn từ thể xác tới tâm hồn. Trong cơn đau đớn kinh hoàng, luồng tâm thức sân hận sẽ phóng lên không gian, dần dần sẽ tạo nên một bầu không khí sát phạt, oán hờn. Đó là cảnh giới trong những lò sát sinh, với những tiếng rú thống thiết, ai oán, tưởng như lan ra khắp bầu trời.

Nhà Phật thấy thế giới hiện tượng tương đối này tuy là huyễn mộng, nhưng dù trong mộng, quy luật nhân quả vẫn vận hành. Ngủ mơ gặp chuyện buồn phiền cũng khóc lên rưng rức, bị đánh trong mộng cũng thấy đau, cũng đánh lại, mộng gặp ác thú cũng sợ hãi bỏ chạy cuống quýt. Cho nên tạo nghiệp thiện hoặc ác đều sẽ gặp thiện quả hoặc ác báo. Vì thế, nếu giết hại mạng sống trong đời sống huyễn mộng thì cũng phải quay lại đời sống huyễn mộng để trả nợ mạng, con đường thanh tịnh hóa Tâm lại bị lùi xa.

Đạo Phật nói “khổ”, nói “huyễn” là nói lên một thực tế chứ không phải là nói theo kiểu triết lý bi quan. “Đời là bể khổ “ nhưng chúng ta có thể đi trên đường Bồ Tát Đạo để giúp cho thế nhân bớt khổ, và có thể hành trì thiền quán để ra khỏi bể khổ. Đó chính là mặt tích cực của thông điệp “Đời là bể khổ “ mà đức Phật muốn gửi tới chúng ta

Ban Biên Tập 
www.thuvienhoasen.org 
(Bài này đã được phát thanh ngày 24 tháng 9 tại Nam California và 25 tháng 9, 2005 tại Houston Texas) 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/10/2010(Xem: 14616)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.