Cộng Đồng Người Minh Hương Trên Vùng Đất Phương Nam

10/05/20233:52 SA(Xem: 5433)
Cộng Đồng Người Minh Hương Trên Vùng Đất Phương Nam

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MINH HƯƠNG
TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM
(CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MINH HƯƠNG TRONG ĐỊA PHẬN DINH LONG HỒ XƯA)
Người Long Hồ

 PDF icon (4)

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MINH HƯƠNG TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM 

I

 Tổng Quan Về Tên Gọi Minh Hương

 

     Trung Hoa là một nước lớn nằm về phía Đông Bắc Á Châu. Tuy nhiên, từ ngày lập quốc đến năm 1911, chưa bao giờ nước nầy có một quốc hiệu thống nhất. Thời các vua Nghiêu Thuấn thì chưa có sử sách rõ ràng về một quốc hiệu Trung Hoa. Đến đời nhà Chu thì người ta cũng chỉ gọi tên nước theo họ của người làm vua; và nước nầy chưa bao giờ có được một tên gọi thống nhất. Không biết tên mà chúng ta gọi nước nầy là Trung Hoa ngày nay có từ thời nào, chứ từ sau đời nhà Chu thì họ y cứ theo họ của vị hoàng đế đầu tiên mà gọi. Đến đời nhà Tần, sau khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, thì nước nầy có danh xưng là Tần Quốc. Đến đời nhà Đường thì gọi là Đại Đường, đời nhà Tống thì gọi là Đại Tống, thời lệ thuộc Mông Cổ thì gọi là Đại Nguyên, sau khi Chu Nguyên Chương thu hồi độc lập rồi lập lên nhà Minh thì gọi là Đại Minh. Đến khi lệ thuộc tộc Mãn Thanh thì gọi là Đại Thanh, vân vân. Còn nói về người Trung Hoa di dân đến Việt Nam có lẽ đã diễn ra từ hàng chục thế kỷ về trước, từ sau khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam hán giành lại độc lập cho Việt Nam, một số quan quân nhà Hán không chịu về nước, đã định cư luôn ở xứ Đại Việt. Trước thế kỷ thứ XVI, người Hoa ở Đại Việt chỉ tập trung tại miền Bắc, trong các vùng Vân Đồn, Phố Hiến, chứ chưa có sử liệu nào cho thấy họ đã vào xứ Đàng Trong. Đến cuối thế kỷ thứ XVI, đã có một số thương buôn Hoa kiều theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào buôn bán và định cư luôn tại miền Thuận Quảng, như tại các vùng Ái Tử, Hội An, và Quảng Ngãi, nhưng với một số lượng không đáng kể, vì thời đó cả vùng từ Thuận Hóa vào đến Phú Yên dân cư thưa thớt và kinh tế không mấy phát triển. Trong khoảng thời gian đó, vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ, chưa có người Hoa nào vào sinh sống vì toàn hãy còn chìm ngập trong sình lầy hoang vu, chưa được khai phá. Khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, chúa Nguyễn khuyến khích tàu buôn nước ngoài đến mua bán tại các hải cảng của xứ Đàng Trong (1). Từ nửa đầu thế kỷ thứ XVII, số kiều dân Trung Hoa cư ngụ tại cảng Hội An đã khá đông. Theo Christoforo Borri, một giáo sĩ người Ý đã từng cư ngụ tại Hội An từ năm 1618 đến năm 1621, đã ghi lại như sau: “Vì muốn cho tiện việc họp hội chợ, vua xứ Đàng Trong đã cho phép người Trung Hoa và người Nhật Bản lựa chọn một nơi thích hợp để xây dựng thị trấn. Thị trấn nầy gọi là ‘Faifo’. Vì tại đó đất rộng, nên người ta có thể nhận ra hai phố. Một là phố Khách, hai là phố Nhật. Các phố đặt riêng thủ lãnh và y theo phong tục tập quán riêng mà sinh sống.” Như vậy ngay từ thế kỷ thứ XVI, người Hoa đã lập thành cộng đồng đầu tiên của họ tại xứ Đàng Trong. Từ giữa thế kỷ thứ XVII, sau những biến cố chánh trị bên Trung Hoa, những di thần nhà Minh không phục nhà Thanh như Trần Thượng Xuyên, Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến cùng khởi binh dưới sự lãnh đạo của Trịnh Thành Công, kéo nhau ra cố thủ Đài Loan, nhưng rồi cũng thất bại, họ đành phải kéo hết gia đình và thuộc hạ dong buồm xuôi Nam tìm đất tỵ nạn. Họ đã được chúa Nguyễn cho phép đi vào vùng đất Thủy Chân Lạp khai hoang lập ấp. Sau khi đã ổn định, an cư lạc nghiệp và hòa nhập vào cuộc sống mới trên vùng đất Nam Kỳ, những người Hoa nầy đã tự cho mình hay được người Việt gọi họ là người “Minh Hương”. Theo thiển ý, có lẽ những người Hoa nầy đã tự xưng mình là người Minh Hương thì đúng hơn, vì hai chữ “Minh Hương” có nghĩa là những người còn tưởng nhờ đến quê hương nhà Minh, hay những người có cùng một quê hương dưới thời nhà Minh. Những người Minh Hương ở Nam Phần thời đó đã lập ra 5 bang chánh, gồm Quảng, Hẹ, Triều Châu, Phước Kiến và Hải Nam, nhưng đông nhất là hai bang Quảng Đông và Triều Châu. Điểm đặc biệt là người Minh Hương gốc Quảng Đông thường sống co cụm tại các tỉnh thành và chuyên nghề kinh doanh và buôn bán; trong khi người của các bang khác thì sinh sống bất cứ nơi nào mà họ có thể làm ăn được, như người Tiều thì thường sống hòa nhập với người Khmer trên các giồng cao và chuyên nghề làm rẫy, người Hải Nam thì thường sống bằng nghề đánh cá tại các vùng ven biển, vân vân.

     Đối với xứ Đàng Trong từ thế kỷ thứ XVI trở về sau nầy, người Minh Hương đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn và phát triển đất nước, nhất là trong tiến trình Nam Tiến. Riêng những người Minh Hương tiên phong như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương đều là những phần tử ưu tú, có tinh thần yêu nước chống nhà Mãn Thanh, và khi sang tỵ nạn bên xứ Đàng Trong, họ đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế. Và phải thành thật mà nói ở những vùng mới khai phá trên tiến trình Nam Tiến, người Việt luôn giữ thế chủ động, tuy nhiên, nếu không có sự đóng góp của người Minh Hương chắc hẳn cha ông chúng ta đã gặp phải nhiều trở lực và công cuộc khai phá đã phải tiến triển chậm chạp hơn nhiều. Theo Gia Định Thành Thông Chí, chính những quan quân của những di thần nhà Minh đi tiên phong như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu chẳng những đã khai phá hoang địa mà còn chiêu mộ lưu dân Trung Quốc để thành lập những cộng đồng người Hoa có tầm cỡ đầu tiên trong vùng Nam Kỳ (2). Quan Tổng binh Trần Thượng Xuyên cùng Phó Tướng Trần An Bình và Dương Ngạn Địch cùng phó tướng Hoàng Tiến cùng một số thuộc hạ chạy sang xứ Đàng Trong vào khoảng năm 1679, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa đã cho phép ông được giữ nguyên chức Tổng binh và cùng bộ tướng đi vào khai phá vùng đất Nông Nại, tức vùng Đồng Nai-Biên Hòa ngày nay. Trong khi nhóm của Trần Thượng Xuyên đã vào cửa Cần Giờ, rồi lên đồn trú ở vùng Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai thời đó; còn nhóm của Dương Ngạn Địch đã theo cửa Tiểu hoặc cửa Đại, rồi lần lên theo sông     Tiền để khai phá vùng Mỹ Tho Đại Phố.

     Phải thực tình mà nói, đa số người Minh Hương sang Việt Nam hồi hậu bán thế kỷ thứ XVII, đều là những người tài giỏi chẳng những về hành chánh, quân sự mà còn cả về kinh tế, thương mạixây dựng nữa. Họ là những người rất thành thạo về việc xây dựng phố sá. Còn về nông nghiệp, lúc đó những người Minh Hương mang theo với họ những nông cụ có lẽ đã được cải tiến hơn những nông cụ của xứ Đàng Trong nhiều. Có một điểm đặc biệt, người Minh Hương thích cưới con gái người Việt cho con trai của họ, chứ ít khi chịu gả con gái mình cho con trai của người Việt. Theo thiển ý, đây có lẽ là để bảo tồn sắc thái văn hóa cũng như phong tục tập quán của riêng họ, chứ không phải là sự kỳ thị Việt-Hoa như một số người lầm tưởng. Lúc ban đầu tuy là như vậy, nhưng nhiều thế hệ về sau này, những đứa con có cha Tàu mẹ Việt đã bớt đi cái ý nghĩ không chịu gả con gái cho con trai Việt Nam nữa. Lâu dần về sau này, riêng tại vùng Nam Kỳ, nhất là vùng Vĩnh Long, có rất nhiều gia đình trông bên ngoài có vẻ hoàn toàn Việt Nam, nhưng lại có gia phả gốc gác từ những người Minh Hương phản Thanh phục Minh đến Việt Nam hồi cuối thế kỷ thứ XVII.

 

Chú Thích:

(1)​Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã ghi chép về việc xứ Đàng Trong buôn bán với các thuyền buôn của thương nhân Trung Hoa như sau: “Xứ Thuận Hóa, đường thủy đường bộ liên tiếp với xứ Quảng Nam, phía hữu xứ Quảng Nam lại thông với các phiên quốc. Về đường biển thì xứ Thuận Hóa và Quảng Nam chỉ cách tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Quảng Đông không đến 3, 4 ngày đường, nên các tàu buôn của Trung Quốc từ xưa đến nay thường tụ tập ở hải phận Thuận Hóa và Quảng Nam.”

(2)​Ngay từ thế kỷ thứ XVI, những thương nhân người Hoa đã thành lập cộng đồng đầu tiên của họ tại Hội An của xứ Đàng Trong.

 

Hình 1: Một ngôi đình Minh Hương tại Mỹ Tho, được xây dựng hồi thế kỷ thứ XVII,

lúc đó vùng nầy có tên là Mỹ Tho Đại Phố, ảnh Internet.

 

Hình 2: Chùa Ông, phường 5, thành phố Vĩnh Long, được xây dựng không lâu sau khi

Dinh Long Hồ trực thuộc chủ quyền của Xứ Đàng Trong (1732), ảnh chụp 2018.

II

 Sự Phát Triển Cộng Đồng Người

Minh Hương Trên Vùng Đất Phương Nam

 

     Người Hoa đã di cư đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á từ rất sớm. Thường thì các cuộc di cư này được diễn ra sau những biến cố chính trị hay sự thay đổi triều đại ngay tại đất nước Trung Hoa. Theo Châu Đạt Quan trong Chân Lạp Phong Thổ Ký, vào khoảng thế kỷ thứ XIV, đã cho biết khi ông tới Chân Lạp, đã có một số đông người Hoa định cư sẵn dọc theo đường ông đang đi chạy dài đến thủ đô của Chân Lạp. Ông cũng cho biết đời sống của người Hoa tại Chân Lạp tốt hơn rất nhiều so với cuộc sống cơ cực của họ tại quê nhà. Đa số người Hoa sinh sống tại các vùng thành thị và làm nghề buôn bán. Họ xây cất nhà cửa rất khang trang, đẹp đẽ. Thường thường thì người con trai Trung Hoa thích kết hôn với người con gái bản xứ, nhưng ngược lại, ít thích con gái Trung Hoa kết hôn với con trai bản xứ. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cộng đồng người Hoa ở bên ngoài Trung Hoa đa số rất mạnh. Châu Đạt Quan cũng cho biết rất nhiều người Hoa từ Triều Châu thích sống ở những vùng ven sông nước và chuyên nghệ làm rẫy trồng hoa màu phụ và đời sống của họ cũng sung túc không kém gì những người buôn bán ở thành thị, có lẽ do bản chất siêng năng cần mẫn của họ.

     Riêng tại Việt Nam, cuộc Nam Tiến của người Việt và cuộc di dân của người Minh Hương vào hậu bán thế kỷ thứ XVII và kéo dài đến hồi tiền bán thế kỷ thứ XX đã đưa một số rất đông người Việt, người Hoa đến vùng Đất Phương Nam sống chung đụng với nhiều tộc người bản địa Stiêng, Mạ, Cơ Ho, cũng như các dân tộc Chapmpa và Khmer có sẵn tại vùng đất này... đã tạo ra những bản sắc đặc thù về văn hóa của người Việt tại vùng đất phương Nam. Khi nói đến vùng đất này, chúng ta không thể không nói đến bản sắc văn hóa của người Khmer, người Trung Hoa, và của các cư dân cổ khác, đặc biệt là bản sắc văn hóa của người Minh Hương. Người Minh Hương là những người Hoa, là những cựu thần nhà Minh không phục nhà Mãn Thanh nên bỏ xứ ra đi tìm đất sống. Họ đã có mặt tại hầu hết các vùng đất miền Nam gần như cùng lúc với người Việt, và đã góp phần không nhỏ trong công cuộc khai hoang lập ấp trong suốt quá trình Nam Tiến của Việt Nam. Thật ra các nhóm người Hoa đã đến Việt Nam làm ăn và buôn bán từ rất sớm, có lẽ ngay từ thời Việt Nam còn bị Trung Hoa đô hộ, nhưng vào sau năm 40 sau Tây lịch đã diễn ra một cuộc di cư lớn của người Hán vào nước ta, đó là nhóm “Mã Lưu”. Rồi sau đó, trong suốt thời Bắc thuộc cho mãi đến thế kỷ thứ XV. Tuy nhiên, đó là nói về người Hoa di cư đến xứ Đàng Ngoài, chứ trước giữa thế kỷ thứ XVII, chưa có nhóm người Hoa nào di cư đến miền đất phương Nam của chúng ta ngày nay. Kể từ sau năm 1679 khi những nhóm người Minh Hương (1) ‘Phản Thanh Phục Minh’ được chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép đến vùng đất nầy để lập nghiệp. Các vị tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đã dẫn trên 3.000 quân binh vào miền Nam để khai khẩn đất hoang. Cánh quân của tướng Trần Thượng Xuyên vào cửa Soài Rạp rồi ngược dòng Đồng Nai lên khai phá vùng Nông Nại và lập ra Cù Lao Phố. Cánh nầy về sau chuyên về thương mãi nhiều hơn.    Riêng tướng Dương Ngạn Địch thì theo Cửa Tiểu rồi ngược dòng Cửu Long lên khai phá khu Đại Phố Mỹ Tho. Hầu như đa số người Minh Hương tại vùng Mỹ Tho đều chuyên về nông nghiệp, nên tại đây quân binh của ông vừa khẩn đất, vừa đào một số kinh nhỏ nhằm dẫn thủy nhập điền. Tuy nhiên, ngày nay không có sử liệu nào nói rõ một cách chính xác về công tác thủy lợi tại vùng Mỹ Tho của tướng Dương Ngạn Địch. Nhờ tinh thần hiếu khách của người Việt mà những người Minh Hương đã gắn bó và xem mảnh đất phương Nam như là quê hương của chính họ. Không phải chỉ riêng triều Nguyễn đã xem những vị tướng người Minh Hương đi tiên phong trong công cuộc khai khẩn đất hoang và mở cõi về phương Nam là những ‘Khai Quốc Công Thần’, mà người Việt Nam cũng tôn thờ họ như những bậc ‘Tiền Hiền’ và ‘Hậu Hiền’ (2) đã góp phần khai phá cơ nghiệp và lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam. Khi các tướng Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình, Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến và Mạc Cửu (3) dẫn gia quyến và bộ hạ đến miền Nam khai hoang lập ấp, họ đã nhận được từ phía những người Việt Nam một thái độ hết sức hòa hợp và đoàn kết, chỉ với một mục đích chung là biến mảnh đất nầy thành một nơi an cư lạc nghiệp cho mọi người.

     Sau những đợt di dân ào ạt của người Minh Hương vào hậu bán thế kỷ thứ XVII, nhiều nhóm người Minh Hương không có tầm cỡ lớn như trước, nhưng vẫn còn rất nhiều người Minh hương tiếp tục đến lập nghiệp trong địa phận dinh Long Hồ cho đến giữa thế kỷ thứ XVIII. Năm 1834, vua Minh Mạng cho cải cách quy chế định cư cho người Hoa, nhưng vẫn giữ quy chế người đứng đầu Minh Hương Xã là một ông Trùm. Kỳ thật, vào thời một Minh Hương Xã cũng gần giống như một khu làng tự trị của người Hoa, họ cũng có chợ búa giao dịch với người Việt trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng họ được giữ nguyên những bản sắc văn hóa mà họ đã mang theo từ bản quán. Bên cạnh đó, họ được tự do mở các trường học dạy tiếng Hoa. Nhờ sự dễ dãi của các chúa nhà Nguyễn mà người Hoa và con cháu của họ đã cùng sát cánh bên người Việt Nam tiếp tục khai hoang lập ấp và mở mang bờ cõi đến tận vùng Mũi đất Cà Mau như ngày hôm nay.

 

Chú Thích:

(1)​Từ Minh Hương gồm hai từ Hán Việt, Minh là người Hoa của thời nhà Minh, Hương có nghĩa là làng. Minh Hương có nghĩa là làng người Hoa của thời nhà Minh. Kỳ thật, khi nói tới người Minh Hương thì chúng ta nghĩ ngay đến người Hoa, con cháu của những cựu thần nhà Minh, không chịu khuất phục nhà Thanh nên bỏ xứ dong buồm về phương Nam xin tỵ nạn với triều đình chúa Nguyễn của xứ Đàng Trong.

(2)​Những bậc khai cơ và phát triển thôn ấp, những thế hệ đầu tiên đi khai phá đất phương Nam, mà tên tuổi của họ đã được thờ phụng trong những đình làng. Họ đã trở thành những thành hoàng bổn cảnh của các thôn ấp, mà người dân ngày nay mỗi khi cúng đình đều cúng họ trước để tỏ lòng biết ơn những người đầu tiên đi khai hoang mở cõi, và đồng thời cũng xin các ngài tiếp tục phù hộ cho quốc thái dân an. Trường hợp quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu là một thí dụ điển hình, ở miền Nam, đi đâu đến đâu người ta cũng tìm thấy đền thờ của ông, từ Châu Đốc, qua cù lao Ông Chưởng ở Chợ Mới, đến Cần Thơ, Sài Gòn... ở đâu cũng có đền thờ của ông.

(3)​Ngày nay lăng Mạc Cửu ở Hà Tiên còn ghi đậm 4 chữ ‘Khai Trấn Công Thần’.

 

Hình 1: Hội Quán Minh Hương đầu tiên tại vùng đất Long Hồ, có lẽ được xây dựng từ cuối

thế kỷ thứ XVII, khi tổng đốc Long Môn Dương Ngạn Địch được chúa Nguyễn cho vào

xây dựng Mỹ Tho Đại Phố vào năm 1679. Đến năm 1688, sau vụ phó tướng Hoàng Tiến

nổi lên làm phản, giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch để chiếm cứ vùng Đại Phố Mỹ Tho.

Những người trung thành với chủ tướng Dương Ngạn Địch bỏ Đại Phố chạy về

vùng đất Tầm Bào, rồi xây dựng lên Hội Quán. Trước kia Hội Quán được đặt gần

Miếu Bà Thiên Hậu, đối diện với Nhà Việc Long Châu. Khoảng năm 1920,

hội quán tạm dời qua chùa Ông bên phường 5 ngày nay, nhường chỗ cho việc

xây dựng trường Hoa Kiều Vĩnh Liên, ảnh Trong album của

gia đình bà Trần thị Út, một con dân kỳ cựu của đất Long Hồ.

 

Hình 2: Mới đây, chị Minh Nguyễn (Nguyễn thị Liễu) cung cấp ảnh mới của

Hội Quán Minh Hương tại Vĩnh Long. Chị nói là hiện tại Hội Quán Minh Hương

nằm trong khuôn viên Miếu Bà Thiên Hậu cũng tại Phường 5, Vĩnh Long.

 

Hình 3: Một bữa tiệc của các bang hội người Hoa tại Vĩnh Long, ảnh internet.

 

 

 III

 Phân Biệt “Chủ” Và “Khách”

Đối Với Người Minh Hương

 

     Đối với xứ Đàng Trong từ thế kỷ thứ XVI trở về sau nầy, người Minh Hương đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn và phát triển đất nước, nhất là việc thành hình của đa số các đô thị ở Xứ Đàng Trong trong tiến trình Nam Tiến. Chính vì vậy mà các chúa tiên triều nhà Nguyễn luôn có chính sách rất dễ dãi đối với con cháu của họ về sau này. Tuy nhiên, bên cạnh sự dễ dãi ấy chúng ta thấy các chúa cũng rất kiên quyết không để cho họ lấn lướt người Việt. Sau khi hàng ngàn quân binh của quan Tổng Binh Dương Ngạn Địch (1) và Phó Tướng Hoàng Tiến ồ ạt tiến về khai phá đất Mỹ Tho, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã cho phép nhiều đoàn lưu dân người Việt dong buồn đi về Đất Phương Nam khai hoang lập ấp. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào năm 1623, sau khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) cho thiết lập 2 đồn thâu thuế đầu tiên ở vùng Prei Nokor, tức Sài Gòn về sau này, thì cư dân người Việt trong 2 phủ Phước Long và Tân Bình đã có khoảng 6 vạn người; đến năm 1679 khi 3.000 người Minh Hương tới đây thì cư dân người Việt đã lên tới 10 vạn. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Tần, mặc dầu con số người Việt tại 2 phủ Phước Long và Tân Bình đã lên tới khoảng gần 20 vạn, nghĩa là lúc nào số cư dân người Việt cũng đông hơn người Hoa rất nhiều. Tuy nhiên, điều khiến cho các chúa Nguyễn phải lo lắng là tại các vùng đất vẫn còn trực thuộc vương quốc Chân Lạp như Méso, Longhor, và Hà Tiên thì cư dân người Việt lại rất ít; trong khi đó, người Hoa tại đó đã lên đến con số vài ngàn người; riêng tại Hà Tiên, con số người Hoa đã lên tới hàng mấy vạn người. Bởi vì lúc ấy vùng đất này dầu trên danh nghĩa trực thuộc vương quốc Chân Lạp, nhưng trên thực tế gần như vô chủ, nên ai đến trước và ở đông thì hiển nhiên là “chủ”, còn ai đến sau và ít hơn thì phài làm “khách” và phải tuân theo luật lệ của người làm chủ. Chính vì vậy mà trong giai đoạn này, các chúa Nguyễn đã làm đủ mọi cách để cho thấy những người Minh Hương chỉ là những người “Khách” đến ở nhờ chứ không phải là chủ. Từ đó mà Xứ Đàng Trong của chúng ta có danh xưng “khách trú”, được dùng để gọi những người Hoa hay Minh Hương đến đây lập nghiệp. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), vào năm 1698, chúa đã cử quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất Đồng Nai-Gia Định để lập lên 2 phủ Phước Long và Tân Bình.  Đồng thời, chúa cũng khuyến khích, cho phép và giúp đỡ những lưu dân nghèo khổ tại 2 phủ này đi xa về khai khẩn các vùng hoang địa ở Méso và Longhor, lúc này vẫn còn trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Chủ ý của chúa Nguyễn Phúc Chu là muốn có một lực lượng người Việt hơn con số của người Minh Hương đang khai khẩn tại đó để Xứ Đàng Trong có thể luôn làm chủ được tình hình tại đó. Nhất là sau khi việc Phó Tướng Hoàng Tiến nổi lên giết chết Tổng Binh Dương Ngạn Địch vào năm 1680, một số lớn người Minh Hương tại Mỹ Tho Đại Phố không phục Hoàng Tiến nên đã bỏ Đại Phố mà chạy về các vùng cù lao thuộc dinh Long Hồ sau này. Dầu không có thống kê chính xác, nhưng lúc này, con số người Minh Hương tại vùng đất Longhor đã lên cao. Chính vì thế mà chỉ trong thập niên 1680s, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã thúc đẩy các quan lại tại 2 phủ Phước Long và Tân Bình tạo điều kiện và giúp đỡ cho dân nghèo trong hai phủ này đi đến khai phá vùng Longhor; đồng thời, chúa Nguyễn cũng phát động cho hàng loạt những đoàn ghe bầu xuôi Nam, đi đến những vùng phía Nam quận Tân Bình, ý nói là vùng đất Long Hồ về sau này để khẩn hoang lập ấp. Phải thực tình mà nói, mặc dầu các triều chúa Nguyễn rất dễ dãi trong việc nhập cư và hội nhập của người Hoa vào vùng Đất Phương Nam, nhưng các chúa rất kiên định trong vai chủ nhà đối đãi với khách đến xin trú ngụ. Chính vì thế mà chủ ý của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần là luôn muốn cho con số người Việt ở vùng chưa được xác lập chủ quyền của Xứ Đàng Trong phải cao hơn con số người Hoa, để tránh một tình trạng tương tự như Singapore(2) có thể xảy ra tại vùng Đất Phương Nam.

 

Chú Thích:

(1)​Lúc đó ở Trung Hoa vào năm 1644, Lý Tự Thành, người Mãn Châu, đã đưa quân tiến vào kinh đô Bắc Kinh của nhà Minh, Minh Nghệ Tông tự tử mà chết, mở đầu cho sự diệt vong của nhà Minh. Mặc dầu các tướng tá của nhà Minh vẫn còn tiếp tục kháng cự lại nhà Thanh, nhưng đến năm 1683, những cuộc kháng cự cuối cùng của phong trào Phản Thanh Phục Minh tại các tỉnh phía Nam trung Hoa và Đài Loan tan rả. Năm 1671, tại Đài Loan tướng Trịnh Thành Công cũng đưa 400 binh lính cùng gia quyến đi đến vùng Singapore xin tỵ nạn. Trong khi đó, tại các vùng Quảng Đông và Quảng Tây, năm 1679, các tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đưa khoảng 3.000 quan binh tùy tùnggia quyến dong buồm xuôi Nam và xin tỵ nạn tại Xứ Đàng Trong. Vương triều Mãn Thanh được xác lập từ đó.

(2)​Rất có thể ngày ấy chúa Nguyễn Phúc Tần không biết về chuyện người Hoa di cư đến Singapore, cũng cùng lúc với những người Minh Hương đến xin tỵ nạn tại Xứ Đàng Trong, nhưng chúa đoán biết chuyện gì có thể xảy ra nếu họ cứ ào ạt kéo tới với con số vượt trội hơn số người Việt. Chính vì vậy chúa Hiền đã vội vã cho rất nhiều đoàn lưu dân người Việt vào khai khẩn miền Nam. Tưởng cũng nên nhắc lại, Singapore là một Quốc Đảo, trước đây thuộc liên bang Đại Mã Lai Á (Malaysia), vì nằm ở một vị trí rất thích hợp cho việc trao đổi hàng hóa thương mại, nên rất nhiều người Hoa đã tìm đến đây cư trú. Trong khi người Anh đô hộ Mã Lai, lại có thêm rất người Hoa ào ạt di cư đến vùng đất này, nên sau khi người Anh trao trả độc lập cho Mã Lai vào năm 1947, số người Hoa di cư đến đây đã chiếm khoảng trên 90 phần trăm tổng dân số Singapore. Đến khoảng năm 1960 thì Singapore tách rời khỏi Mã Lai và trở thành một quốc gia độc lập.

 

Hình 1: Gia đình của một người Minh Hương tại Việt Nam,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

 

Hình 2: Phố buôn bán của người Minh Hương tại

Việt Nam hồi đầu thế kỷ thứ XX, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

 

Hình 3: Cảnh buôn bán dưới sông của người Minh Hương tại

Việt Nam hồi đầu thế kỷ thứ XX, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

 

IV

 

Cộng Đồng Người Minh Hương

Trên Vùng Đất Tầm Bào

 

     Tháng giêng năm Kỷ Tỵ, 1686, tại vùng Đại Phố Mỹ Tho, Phó tướng Hoàng Tiến nổi lên giết chết Chủ tướng Dương Ngạn Địch để đứng lên thống lãnh toàn bộ quân Long Môn. Sau đó, Hoàng Tiến tự xưng là Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân và đã để cho quân sĩ dưới quyền của mình cướp bóc nhiều nơi trong vùng bất kể là người Hoa, người Việt hay người Khmer... Lại thêm lúc này vua Chân Lạp là Nặc Thu bỏ việc triều cống triều đình chúa Nguyễn, đồng thời lại đắp thêm ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam, và Nam Vang cũng như dùng dây xích sắt ngăn chặn tất cả những cửa sông. Trong tình cảnh này, dân chúng các vùng Tầm Bôn, Lôi Lạp và Meso (Mỹ Tho ngay nay) rất ư là khốn khổ, vì thế mà họ tìm cách tránh đi nơi khác. Một số rất ít thì đi ngược trở lên vùng Nông Nại, còn lại một số lớn người Minh Hương ở vùng Mỹ Tho Đại Phố chạy bằng đường bộ qua ngã Cai Lậy rồi đi xuống vùng đất Tầm Bào để tránh nạn chiến tranh. Một số lớn khác lại cùng nhau chèo chống vượt sông Cửu Long để đi về hướng Bến Tre, xuống Trà Vinh, Ba Thắc (tức vùng Sóc Trăng ngày nay), một số đi thẳng qua Sóc Trăng, còn một số lớn quyết định lưu lại vỡ đất làm rẫy trên những vùng đất Tầm Bào này.

     Đến năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái cử Phó Tướng dinh Trấn Biên là Mai Vạn Long đem quân đánh dẹp, giết chết Hoàng Tiến, rồi giao toàn bộ quân Long Môn lại cho quan Tổng Binh Trần Thượng Xuyên cai quản. Trần Thượng Xuyên bèn đưa quân Long Môn đến lập đồn lũy ở Doanh Châu, tức thành phố Vĩnh Long ngày nay. Cùng với những người Minh Hương chạy loạn Hoàng Tiến, đây là những người Minh Hương đầu tiên trên vùng đất Tầm Bào. Sau khi quân của chúa Nguyễn bình định xong vùng này thì Nặc Thu dâng cho chúa Nguyễn hai phủ Meso và Longhor, tức là vùng Mỹ Tho và Vĩnh Long ngày nay. Chúa Nguyễn sai Trần Đại Định lập ra châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ, nên đa phần những người Minh Hương chạy loạn Hoàng Tiến và Nặc Thu đến đây đã quyết định ở lại vùng Long Hồ lập nghiệp. Khi dinh Long Hồ được dựng lên và khi lỵ sở được dời về đất Tầm Bào, rất nhiều những người Minh Hương từ vùng Mỹ Tho và các vùng khác của miền Tây tìm đến vùng có lỵ sở để lập nghiệp. Do đó mà dân chúng vùng Long Hồ ngày một đông.

     Sau đó ít lâu, Hà Tiên Trấn và gần như toàn bộ miền Tây bị giặc Xiêm La lấn chiếm, ngoại trừ các vùng Vĩnh Long, Trấn Di và Long Xuyện (Cà Mau ngày nay). Quân Xiêm La hết sức tàn ác với cư dân trong vùng mà họ chiếm giữ, bất kể là người Việt, Hoa, hay Khmer. Chính vì vậy mà khi nghe Tướng Mạc Thiên Tích vừa tái chiếm lại vùng Cần Thơ, một số lớn người Triều Châu đã từ Hà Tiên chạy về Cần Thơ lánh nạn và sau đó quyết định lưu lại đây để lập nghiệp. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào khoảng đầu và giữa thế kỷ thứ XVIII, vùng Cần Thơ còn trực thuộc dinh Long Hồ, và hãy còn rất hoang vu. Chính vì vậy mà những người Minh Hương đến đây từ Hà Tiên, đa số là người Phúc Kiến và Triều Châu chuyên nghề thương mại buôn bán, đã một lần nữa chạy sang vùng thủ phủ của đất Long Hồ để mua bán.

     Đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVIII, một nhóm khá lớn khoảng vài trăm người Minh Hương do ông Nguyễn Tấn Định dẫn đầu đã đến định cư bên phía bờ Đông Bắc của sông Long Hồ, từ khoảng cầu Thiềng Đức ngày nay, ra đến vàm sông. Vào khoảng năm 1783, đứng đầu một nhóm người Minh Hương là Ông Trùm Mạc Thu Thịnh đã đưa một số rất đông người Hoa đến định cư buôn bán tại lỵ sở của đất Tầm Bào, bây giờ là vùng bến đò phường 5, bên kia cầu Thiềng Đức (1). Theo sử liệu của Phường 5 thành phố Vĩnh Long, thời kỳ năm 1783, vùng Thiềng Đức đã có sổ đinh bạ nhằm quản lý nhân khẩu, lúc đất người Hoa có 55 nhân đinh. Đến năm 1788, xã Minh Hương lúc đó có sổ đinh bạ với 104 nhân đinh. Từ năm 1788 đến sau khi vua Gia Long lên ngôi vào năm 1802, xã Minh Hương tại đất Tầm Bào có thêm 6 Ông Trùm nữa quản lý người Hoa tại vùng trấn Vĩnh Thanh. Vào khoảng năm 1791 thì người Hoa chính thức thành lập tại khu vực này một làng Minh Hương, đến năm 1804, một ngôi chùa Minh Hương được xây dựng lên tại đây có tên là Chùa Ông để cho người Hoa trong làng có nơi đến bái viếng. Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, khu làng Minh Hương tại đây đã góp phần không nhỏ trong việc thành lập và phát triển ngôi chợ Long Hồ, một trong những ngôi chợ lớn nhất của miền Nam thời bấy giờ. Trong khi đó, tại tổng Vĩnh Chính, cũng thuộc trấn Vĩnh Thanh, tọa lạc bên bờ Đông sông Trà Ôn, đã trở thành một tổng có đông đúc người Minh Hương sống hòa nhập với người Việt và người Khmer. Tuy nhiên, đa số người Minh Hương chuyên làm nghề buôn bán ngay tại vùng phố chợ tổng Vĩnh Chính, một số người Triều Châu thì làm rẫy dọc theo bờ sông.

     Năm 1805, dưới thời Gia Long, thành Gia Định có một xã Minh Hương và 4 phân xã ở 4 trấn (Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, và Hà Tiên). Lúc này phân xã Minh Hương Vĩnh Thanh Trấn chính thức ra đời, do ông Liêu Tấn Phụng làm vị Phân Xã Trưởng đầu tiên. Đến năm 1842, vua Thiệu Trị ra lệnh cho người Hoa không được để râu và bím tóc, và những ai đến tuổi 18 thì bang trưởng phải trình quan để biên vào sổ đinh người Minh Hương để chịu thuế, chứ không được biên vào sổ là Hoa Kiều như cha ông của họ đã làm trước đây nữa. Trong khi đó, tại các tỉnh, cứ 25 nhân khẩu trở lên là được lập thành một xã Minh Hương. Trong thời kỳ này, xã Minh Hương trong tỉnh Vĩnh Long do ông Trương Ngọc Bạch làm Xã trưởng. Kể từ sau hậu bán thế kỷ thứ XIX đến thời cận đại, có rất nhiều người Minh Hương từ 7 phủ thuộc các tỉnh Trực Lệ, Phúc Kiến và Quảng Đông ở miền Nam Trung Hoa: Minh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Triều Châu, Quảng Châu, Truyền Châu và Quỳnh Châu (trên đảo Hải Nam) đến Vĩnh Long lập nghiệp và được vua Thiệu Trị cho phép thành lập bang hội, gọi là Thanh Hương Thất Phủ, có nghĩa là bang hội của những người dân Trung Hoa thời nhà Thanh ở bảy phủ. Thời đó, tại mỗi làng xã hay bang hội của người Hoa đều được đặt dưới quyền của một bang trưởng (2). Sau năm 1867, khi người Pháp đã chiếm hết miền Nam, họ hủy bỏ các đơn vị Minh Hương và Thanh Hương (3), và cho sáp nhập vào các làng xã của người Việt. Chính vì vậy mà ngày nay tại tỉnh Vĩnh Long, đa số người Hoa đã dần dần trở thành người Việt, nên theo thống kê dân số năm 2009, ở Vĩnh Long chỉ có 4.879 người Hoa, chỉ chiếm 0,48% tổng dân số toàn tỉnh. Đây đa số là những người Hoa mới tới Việt Nam làm ăn sau này.

     Tóm lại, vai tròảnh hưởng của người Minh Hương rất lớn trên vùng Đất Phương Nam nói chung, trên đất Vĩnh Long nói riêng. Sự có mặt của người Minh Hương trên vùng Đất Phương Nam đã tạo nên những biến chuyển quan trọng về nông nghiệp cũng như về kinh tế, xã hộivăn hóa. Đa phần những lãnh đạo người Minh Hương sau khi đã nhận quan chức của triều đình chúa Nguyễn, họ cùng gia đình và cả đoàn quân đi theo họ đã mặc nhiên trở thành thần dân của chúa Nguyễn. Như chúng ta đã thấy qua những sự kiệnbiến cố lịch sử, những người Minh Hương này lúc nào cũng một lòng trung thành với triều đình chúa Nguyễn. Học đã hết lòng hết sức giúp các chúa trong việc mở mang, khai khẩn, bình định và phát triển vùng Đất Phương Nam. Đồng thời, cũng kể từ đó, mọi nơi trên khắp vùng đất mới này, đi đâu đến đâu người ta cũng thấy rất rõ dấu ấn văn hóa của người Hoa từ ngôn ngữ, văn học, lễ nghi, phong tục, tập quán, ăn uống, đến những kiến trúc đền miếu, phố sá và nhà cửa... Phần đông người Minh Hương ở Vĩnh Long sống rất hòa đồng với người Việt. Vì cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long không lớn lắm, nên rất nhiều người Hoa lấy chồng lấy vợ người Việt và sống hòa nhập với cộng đồng người Việt. Chính Trịnh Hoài Đức cũng ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí, chính những dấu ấn ấy đã góp phần thành hình nền văn hóalịch sử của vùng Đất Phương Nam. Riêng tại thành phố Vĩnh Long cũng như những thủ phủ của các quận huyện, những người Minh Hương gốc Quảng Đông tập trung buôn bán, họ nắm giữ hầu như tất cả những cơ sở thương mại trọng yếu trong tỉnh, chẳng hạn như những chành lúa, những nhà máy, cơ sở may mặc, và các cơ sở buôn bán lẽ trên các khu phố đông dân. Trong khi tại các vùng đất giồng cao ở nông thôn thì người Triều Châu làm rẫy. Tưởng cũng nên nhắc lại, khi người Tiều di cư sang Việt Nam, họ đã mang theo đủ các loại giống như hành, hẹ, tỏi, cải tùa sại, cải tần ô còn gọi là cải cúc, đậu que, vân vân. Chính họ đã bán những thu hoạch của mình cho thương lái đem về chợ cung cấp cho những người bán lẽ. Ngày nay, nếu đi về các vùng quê Vĩnh Long, chúng ta thấy hãy còn rất nhiều những hậu duệ của nhóm người Minh Hương này vẫn tiếp bước làm rẫy sinh sống như, cha anh mình đã làm hằng mấy trăm năm trước đây, nhưng ngày nay đa phần họ đã tự xem mình như là người Việt, họa quằng lắm thì còn một vài gia đình vẫn còn giữ được truyền thống của người Hoa và nói được tiếng Hoa. Bên cạnh những thương nhânnông dân người Hoa, chúng ta thấy người Hoa đến vùng Đất Phương Nam nói chung, dinh Long Hồ nói riêng, còn có rất nhiều những người thợ thủ công mỹ nghệ rất giỏi tay nghề. Nhóm người này thường tới định cư ở vùng Đât Phương Nam sau nhóm Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Sau khi lưu dân người Hoa trên vùng Đông Phố và Mỹ Tho Đại Phố đã ổn định và an cư lạc nghiệp, họ bèn nghĩ đến những tay thợ thủ công với tay nghề điêu luyện vẫn còn ở Trung Hoa, nên họ đã tìm cách liên lạc và đưa những người sang Đất Phương Nam định cư. Nhờ vậy màliên quan đến mỹ thuật của vùng Đất Phương Nam phát triển không thua kém bất cứ vùng đất nào trên cả nước.

Chú Thích:

(1)​Khu vực người Minh Hương bên kia cầu Thiền Đức đã được thành lập rất sớm, có thể từ trước khi vùng đất Tầm Bào trực thuộc Xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, hiện chúng ta không có sử liệu về sự việc này, chỉ biết cộng đồng người Minh Hương trên vùng đất Tầm Bào được thành lập rất sớm vào thế kỷ thứ XVIII.

(2)​Bang trưởng hay hội trưởng được các thành viên bầu ra để điều hànhgiải quyết các công việc của đồng hương; đồng thời quản đốc việc đóng thuế của Hoa Kiều cho triều đình.

(3)​Danh xưng Minh Hương có nghĩa là đồng hương thần dân của nhà Minh; Thanh Hương cũng có nghĩa là đồng hương thần dân của nhà Thanh.

 

Hình 1: Khung cảnh cử hành nghi lễ Phật giáo trong một ngôi chùa người

Minh Hương tại Nam Phần, ảnh Bulletin de Cochinchine 1905.

 

Hình 2: Quang cảnh một lò rèn của người Minh Hương,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1905.

 

Hình 3: Một người Hoa trong bang hội Minh Hương,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1905.

 

 

 

V

 

Người Minh Hương Tại Các Vùng Khác

 Trong Dinh Long Hồ Xưa

 

     Mặc dầu cộng đồng người Minh Hương trong vùng dinh Long Hồ không có tầm cỡ lớn và đông đúc như ở các vùng cù lao Phố ở Biên Hòa hay vùng Đê Ngạn, tức vùng Chợ Lớn ngày nay, nhưng công lao khai phá, phát triển, và sự lớn mạnh của cộng đồng này trong địa phận dinh Long Hồ không phải là nhỏ. Ngoài những cộng đồng lớn của người Minh Hương tại các vùng Đồng Nai, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Hà Tiên mà sự liệu còn ghi lại, chắc hẳn hãy còn nhiều cộng đồng người Minh Hương trong những vùng khác ở Nam Kỳ, nhưng không có tầm cỡ như những khu vực vừa kể trên. Vài năm sau khi tướng Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho thì những người Minh Hương đã ổn định và an cư lạc nghiệp tại vùng Mỹ Tho Đại Phố, tuy nhiên, sau vụ phó tướng Hoàng Tấn nổi lên giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi đem quân đi đánh phá khắp nơi, một số không nhỏ trong cộng đồng người Minh Hương trong vùng Mỹ Tho Đại Phố đã một lần nữa phải ra đi tìm chỗ khác an toàn hơn để sinh sống. Họ đã chia làm nhiều nhóm đi về nhiều hướng, một nhóm đi về phía đông để đến tái định cư tại vùng Lôi Lạp, nay là Gò Công (1), một nhóm đi về phía tây qua định cư tại vùng mà ngày nay là Sa Đéc, nhóm khác đi về phía nam để tới định cư tại dinh Long Hồ (2), và một nhóm nữa đi về phía bắc để lên vùng Tầm Bôn (vùng Tân An ngày nay). Cũng như tại các vùng khác, đa số họ làm nghề buôn bán ở các phố chợ, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Bắc tông. Người Việt gốc Hoa có một đặc điểm là dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long và Bến Tre cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đỡ về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên với nhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh. Theo Gia Định Thành Thông Chí (3), ngoài các vùng Biên Hòa, Mỹ Tho và Hà Tiên là những địa điểm thu hút gần như toàn bộ những người Minh Hương vào giữa thế kỷ thứ XVII, lưu dân Minh Hương còn sống rải rác khắp mìn Tây Nam Phần, từ Mộc Hóa, Tân An, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, vân vân. Họ đã tạo nên những cộng đồng thịnh vượngsinh động trong hầu hết các đô thị tại miền Nam.

     Ngay từ năm 1705, sau khi Nguyễn Cửu Vân đã nạo vét xong kinh Vũng Gù, hai nhóm lưu dân Việt và Hoa đã đổ xô đến định cư tại các vùng ven sông Hưng Hóa (4), vùng Trường Tàu (5), vùng cửa biển Ba Lai, vùng cửa biển Mỹ Thanh (6), khu vực núi Linh Quỳnh và khu vực cảng Cần Bộ (Kampot), cách lỵ trấn Hà Tiên khoảng 165 dặm về phía tây. Năm 1731, nhân vụ quân Chân Lạp từ vùng Tầm Bôn (Tân An) kéo lên quấy phá lưu dân ở Gia Định nên chúa Nguyễn Phúc Chu tức giận bèn xua quân đánh chiếm các vùng Định Tường và Long Hồ và sáp nhập Định Tường vào dinh Trấn Phiên (Gia Định), đồng thời thành lập thêm dinh Long Hồ. Cũng năm này thủ phủ của tỉnh Định Tường tại Cái Bè được dời về bên bờ rạch Bảo Định. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập đạo Trường Đồn gồm đất Mỹ Tho và Cao Lãnh, rộng đến biên giới Cao Miên bây giờ. Từ sau những biến cố nầy, cả một vùng đất bao la bạt ngàn về phía bắc, phía tây và phía nam của Mỹ Tho Đại Phố đã được mở ra ngay trước mắt những người Minh Hương thích phiêu lưu nầy. Năm 1756, sau khi hai vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp chính thức được sáp nhập vào xứ Đàng Trong, rất nhiều người Hoa nữa từ vùng Chợ Lớn đi xuống và từ vùng Mỹ Tho Đại Phố đi lên để tìm đất sinh nhai tại vùng đất mới Tầm Bôn, và họ đã thành lập tại đây một cộng đồng người Minh Hương, dầu không lớn như tại vùng Mỹ Tho và Chợ Lớn, nhưng cũng đủ lớn để nắm hầu hết các cơ cấu thương mãi tại đây. Như vậy, tính đến năm 1757, khi vùng đất còn lại cuối cùng của Thủy Chân Lạp là phủ Tầm Phong Long vừa được sáp nhập vào xứ Đàng Trong thì cộng đồng của người Minh Hương cũng đã phát triển và lớn mạnh trên khắp các vùng đất phương Nam.

     Riêng tại vùng Bạc Liêu và Cà Mau, theo các ông bà già xưa kể lại thì ông bà mình lúc mới xuống khai khẩn các vùng rừng rậm phải đối đầu với không biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ, lớp thì sơn lam chướng khí, lớp thì thú dữ khắp nơi đang rình rập, lớp muỗi mồng, lớp không có nước ngọt, vân vânvân vân, nhưng các thế hệ cha ông đã kiên cường vượt qua hết những trở ngại để biến vùng đất mà chưa có dân tộc nào dám cho dân mình định cư thực thụ như vùng Nam Kỳ thời đó. Thời Phù Nam thì họ cũng chỉ co cụm tại những vùng Ốc Eo, Đồng Tháp, Tây Ninh... mà thôi, đến thời Chân Lạp thì dân họ chỉ rút lên các giồng đất cao chứ không dám bén mảng vào rừng khai phá. Chính vì vậy mà mãi đến thời Pháp thuộc, vùng Cà Mau có rất ít cư dân người Việt, chứ đừng nói chi đến người Minh Hương. Thật tình mà nói hồi Tây mới vô đánh nước mình thì cả một vùng rộng lớn từ Rạch Giá xuống Cà Mau, qua Bạc Liêu, Sóc Trăng hầu như hãy còn rất hoang vu và có rất ít cư dân, nhưng vào khoảng 1788, ngay tại cửa biển Mỹ Thanh, Trấn Di, cũng thuộc trấn Vĩnh Thanh, tọa lạc bên bờ Tây sông Mỹ Thanh, đã có một thôn đông đúc người Minh Hương sống hòa nhập với người Việt và người Khmer. Tuy nhiên, đa số người Minh Hương chuyên làm nghề buôn bán ngay tại vùng phố chợ cửa biển, trong khi một số người Triều Châu sống chung với cộng đồng người Khmer chuyên làm rẫy dọc theo bờ sông về phía biển. Họ trồng trọt đủ thứ hoa màu phụ như khoai, bắp, rau, củ, thuốc lá. Một số khác thì làm nghề biển, họ đánh bắt tôm cá biển rồi phơi khô, đem ra tiêu thụ ngoài chợ biển Mỹ Thanh. Trên vùng bờ biển này, càng đi về phía huyện Long Xuyên, tức thành phố Cà Mau ngày nay, dân cư càng thưa thớt, có khi đi cả ngày trời mà vẫn không thấy có nhà cửa. Còn ngoài khơi thì chỉ lác đác vài chiếc ghe đánh lưới của người Hải Nam, còn trên bờ chỉ lưa thưa vài cụm nhà của những người Triều Châu và Phước Kiến qua đây lập nghiệp từ thời ông Mạc Cửu. Chính vì vậychúng ta có thể nói mà không sợ bị sai lầm là người Hoa, nhất là những người Triều Châu và Phước Kiến, chính là những người đầu tiên đến đây khai phá vùng đất nầy. Như chúng ta đã biết, đa số các địa danh có sẵn tại miền Nam đều được đọc trại ra từ tiếng Khmer. Riêng với địa danh Bạc Liêu hay “Pó Lẻo” được đọc trại ra từ tiếng Triều Châu, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề chài lưới, hay đi biển, cũng đủ nói lên ảnh hưởng của người Triều Châu trên vùng đất nầy như thế nào. Lịch sử thiên di của người Hoa đến vùng đất Nam Kỳ có nhiều nhóm trong nhiều thời điểm khác nhau. Nhóm thứ nhất là những người Hoa tháp tùng theo các tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, được chúa Nguyễn cho vào khai phá các vùng Cù Lao Phố ở Biên Hòa và Đại Phố Mỹ Tho. Sau khi cù lao Phố bị tàn phá vì chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì những người Hoa bỏ về vùng Prei Nokor (về phía tây nam của vùng Bến Nghé) để lập nên vùng Chợ Lớn ngày nay. Sau một thời gian trên dưới nửa thế kỷ thì những người Hoa ở vùng Mỹ Tho Đại Phố đã vượt sông Tiền và sông Hậu để đi đến khai phá vùng Trấn Di. Đồng thời tại Hà Tiên, Mạc Cửu cũng phái nhiều đoàn đến khai phá những vùng đất phía Nam Hà Tiên. Phải nói đây là những người Minh Hương thuộc nhóm thứ hai, họ đã theo đường biển từ Hà Tiên vòng xuống Long Xuyên (Cà Mau ngày nay), hoặc từ Mỹ Tho họ đi lần theo các kinh rạch qua Bến Tre, Trà Vinh, và Ba Thắc. Đi đâu đến đâu họ cũng cất chòi, lập trại, và xây dựng làng xã và đi lần đến vùng Trấn Di (Bạc Liêu ngày nay). Đây chính là những người Hoa đi tiên phong trên vùng đất nầy. Những lớp người Hoa đến Việt Nam đầu tiên nầy hầu hết là thanh niên trai tráng, họ cưới vợ Việt Nam hay Khmer và nhận nơi nầy làm quê hương. Con cháu của họ về sau nầy chính là những người mà chúng ta gọi là người Minh Hương. Thế nhưng vào thời các chúa Nguyễn, vùng Trấn Di không được xem trọng cho lắm vì thứ nhất là đường sá xa xôi trắc trở, thứ nhì đa số đất đai chỉ là những hoang địa chưa được khai phá. Chính vì thế mà các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạochỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa phương Nam thời đó. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên (7), năm 1790, chúa Nguyễn hạ lệnh cho bốn dinh sửa lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường (8 )  thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam ngụ ở trong hạt. Chúa Nguyễn cũng ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh trung quân quản đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ người Đường mới và cũ. Đến năm 1790, chúa Nguyễn sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là tổng phủ phủ Trà Vang; đồng thời chúa Nguyễn cũng hạ lệnh cho bốn dinh sửa lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường (người Hoa) thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam ngụ ở trong hạt. Lại ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh trung quân quản đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ người Đường mới và cũ. Đến năm 1791, sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là tổng phủ phủ Trà Vang. Hồi nầy cộng đồng người Minh Hương chẳng những góp phần lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, mà các chúa Nguyễn còn sử dụng nhiều nhân tài trong những cộng đồng Minh Hương nầy trong việc đi sứ sang Trung Hoa. Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (p.115), chúa Nguyễn Phúc Chu sai bọn Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Quảng Đông để cầu phong. Bên cạnh đó, chính những cộng đồng người Minh Hương nầy đã cung cấp cho quân đội triều Nguyễn rất nhiều những viên quan tài ba lỗi lạc, cả văn lẫn võ. Ngoài các vị Đô đốc tài ba như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Trần An Bình, Trần Đại Định, Mạc Thiên Tứ, còn có nhiều lắm những vị quan nổi tiếng thời đó như các quan Điều khiển Trần Công Chương, Trần Đĩnh, quan tổng binh Trần Ứng, Lâm Hức; quan Tham tướng Mạc Tử Sanh; các quan Đại tướng quân Hà Hỉ Văn, Lương văn Anh; quan Khâm sai tổng binh Chu Viễn Quyền, quan thống binh Trương Bát Quan, quan hiệp trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức, vân vân.

     Dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, Nguyễn tri Phương có đến kinh lược vùng đất nầy với chánh sách sở hữu ruộng đất rất dễ dãi, nhưng rồi cũng không thu hút được nhiều người. Mãi đến năm 1882 khi lần đầu tiên người Pháp làm thống kê dân số tại Bạc Liêu thì trên tổng số 25.000 dân, đã có tới gần 5.000 Hoa kiều. Nhiều người Hoa, nhất là người Triều Châu, đều cư ngụ tại chợ Bạc Liêu và nắm vai trò chủ động trong việc buôn bán, nên ngôn ngữ chính của vùng chợ Bạc Liêu vào thế kỷ thứ 19 là tiếng Triều Châu. Ngay cả người Việt hay người Khmer ở bạc Liêu cũng phải biết tiếng Tiều, nếu không thì khó lòng giao dịch trong thương mại được. Một số không nhỏ người Triều Châu ở Bạc Liêu làm ruộng rẫy và khai thác những vùng đất ven biển như các vùng Rẫy Chệt và Trà Ban, vân vân. Kể từ khi Bạc Liêu được nâng lên làm tỉnh vào năm 1882 thì không những thương mãi tại đây phát triển rất nhanh, mà các ngành nông ngư nghiệp cũng phát triển vượt bực. Chính vì vậyvào khoảng thập niên 1930, những tàu buôn Hải Nam đã đưa một số không nhỏ những thanh niên người Hoa, đủ các sắc tộc từ Hải Nam, Phúc Kiến đến Quảng Đông và Triều Châu... đến làm lao động tại chợ Bạc Liêu. Đến năm 1964, theo thống kê của chánh phủ VNCH, Bạc Liêu đã có gần 22 ngàn người Hoa sinh sống, đó là chưa kể đến rất nhiều thương nhân hay những người sống trên những ghe buôn. Rồi đến năm 1997, số người Hoa tại đây đã lên đến trên 32 ngàn người.

Chú Thích:

(1)​Kỳ thật khi tướng Dương Ngạn Địch đi vào Mỹ Tho Đại Phố, ông đã cho một số nhỏ ghé lại khai khẩn vùng Lôi Lạp rồi.

(2)​Ngày nay là hai vùng Vĩnh Long và Bến Tre.

(3)​Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, tờ 63a – 64b.

(4)​Sông Hưng Hóa là tục danh của sông Vũng Gù, cách trấn Phiên An khoảng 160 dặm về phía tây, cách lỵ trấn Định Tường khoảng 47 dặm về phía đông), vùng hạ lưu sông Bát Chiên (hồi nầy cũng thuộc trấn Định Tường.

(5)​Vùng Trường Tàu cách cửa sông Bassac khoảng 60 dặm về phía tây.

(6)​Hồi nầy cửa biển Mỹ Thanh thuộc trấn Vĩnh Thanh.

(7)​Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Q.III, Đệ Nhất Kỷ tr. 255.

(8)​Người Trung Hoa.

Hình 1: Cụ Võ Trường Toản (1709-1792), một trong những hậu duệ xuất sắc nhất của những người Minh Hương, một nhà giáo nhà giáo kiệt xuất của Việt Nam hồi cuối thế kỷ thứ XVIII.

Hình 2: Quan Kinh Lược Sứ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ Phan Thanh Giản (1796-1867), cũng là một trong những hậu duệ xuất sắc nhất của những người Minh Hương tại Việt Nam, một vị quan thanh liêm, suốt đợi vì dân vì nước, cuối đời phải tự kết liễu đời mình để tránh cản núi xương sông máu cho đồng bào miền Tây.Hình 3: Đường phố của người Hoa ở Chợ Lớn vào nửa đầu thế thế kỷ thứ XX, ảnh Bulletin de Cochinchine 1920.

Hình 4: Một tiệm nước của người Hoa tại Vĩnh Long trước năm 1975, ảnh internet.

 

 

 

VI

Sự Đóng Góp Của Người Minh Hương Trong

Việc Khẩn Hoang Và Phát Triển Đất Phương Nam

 

     Ngay từ khi những người Hoa đầu tiên theo chân các tướng Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu đến xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã có những chánh sách hết sức dễ dãi cho họ trong vấn đề khẩn đất và làm ăn trong vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần. Nhờ vậy mà di dân người Hoa đã tận dụng những điều kiện có lợi trong việc làm ăn sinh sống để tạo nên những cộng đồng người Hoa rất thịnh vượng và đoàn kết trên khắp xứ Đàng Trong. Khởi đầu bằng những cộng đồng Minh Hương ở vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho Đại Phố, Hà Tiên... rồi sau đó phát triển đến các vùng Prei Nokor (1), Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Tân An, Gò Công, Mộc Hóa, Tây Ninh, Cao Lãnh, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Châu Đốc và Rạch Giá. Chính sự dễ dãi của chính quyền xứ Đàng Trong mà các công đồng người Minh Hương đã phát triển vững mạnh cho đến ngày nay. Theo tài liệu lịch sử của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, rõ ràng các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạochỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa Nam Kỳ thời đó. Theo tài liệu lịch sử của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, rõ ràng các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạochỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa Nam Kỳ thời đó. Theo quyển Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long, đa số những lưu dân Nam Kỳ đều là những nông dân nghèo ở miền ngoài hay những người Hoa không chịu hợp tác với Thanh Triều. Đây là những nông dân, binh lính, địa chủ và thương gia người Hoa ở các vùng Quảng Đông, Quảng Tây và Phước Kiến đã vì yêu nước và bảo vệ dân tộc chống lại sự đàn áp của triều đại Mãn Thanh. Họ còn là những nông dân bị cướp đất đuổi ra khỏi vùng môi sinh mà họ đã khai phá ở các vùng ngoại ô các thành phố miền Nam Trung Hoa (2). Khi đến xứ Đàng Trong, họ được sự bao dung đón nhận của một dân tộc hiền hòa hiếu khách, thà chịu “chật bụng chứ không chật nhà” như dân tộc Việt Nam, thêm vào đó vùng đất phương Nam quả đúng như lời truyền tụng từ bao đời nay là vùng của “đất lành chim đậu”, nên những người Hoa một khi đã đến đây là muốn ở lại luôn chứ không còn có ý định muốn trở về xứ nữa. Chính nhờ vậy mà sau đó những khu buôn bán sầm uất ở Đông Phố (Biên Hòa), Bến Nghé (Sài Gòn), Chợ Lớn, Hà Tiên, và Bạc Liêu tuần tự được thành hình.

     Ngoài ra, các chúa Nguyễn cũng hết sức dễ dãi cho người Hoa trong mọi vấn đề khiến cho cuộc sinh hoạt của họ trên vùng đất mới khai phá phương Nam thật là thuận tiện. Trước tiên, các chúa Nguyễn cho người Hoa được tự do lựa nơi cư trú. Chính vì thế mà sau khi tướng Trần Thượng Xuyên đã thành lập khu cù lao Phố, một số không nhỏ người Hoa đã lần mò đi đến các vùng xa hơn như Biên Hòa, Bình Long, Phước Long, Xuyên Mộc, Tây Ninh, Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Dương. Sau cuộc chạm trán khốc liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh tại vùng cù lao Phố vào năm 1776, rất nhiều người Hoa bị kẹt giữa hai chiến tuyến và đã chết trong trận chiến nầy, nên sau đó những người còn sống sót đã bỏ đi thật xa, họ chạy về phía tây nam của vùng Bến Nghé, tức vùng Prei Nokor thời đó hay vùng Chợ Lớn ngày nay để thành lập một cộng đồng người Hoa lớn nhất cả nước. Hiện nay tại Hội An vẫn còn một tấm bia “Tuy Tiên Đường Bi” hãy còn ghi lại một đoạn văn nói về sự thiên di của nhóm ‘mười vị đại lão’ như sau: “Ban đầu họ ở Trà Nhiêu, sau dọn về Hội An, chia thôn đào giếng, dựng cổng xây tường, lưu truyền cho con cháu đến ngày nay.” Đây là một bằng chứng hiển nhiên về sự tự do lựa chọn chỗ ở của người Hoa ở xứ Đàng Trong. Kế đến, các chúa Nguyễn còn cho phép những người Hoa được tự do lựa chọn nghề nghiệp. Nói về buôn bán, chỉ cần họ đóng thuế đầy đủ, còn thì họ được tự do làm ăn tùy theo điều kiệnphương tiện mà họ có. Nói về làm ruộng rẫy, theo Đại Nam Thực Lục, họ có thể tự mình khẩn đất để làm ruộng rẫy hay họp lại thành nhóm khẩn đất để lập nên những đồn điền (3). Thời đó chính nhờ vậy mà rất nhiều người Minh Hương đã phiêu lưu tới những vùng xa để phá rừng làm rẫy như tại các vùng Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Hớn Quản, Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Trấn Di (Bạc Liêu), Ba Thắc (Sóc Trăng), Trà Vinh và Trấn Giang (Cần Thơ). Chính nhờ chánh sách dễ dãi đối với sự di dân của người Hoa ngay từ thời các chúa Nguyễn, rồi đến thời các vua nhà Nguyễn, rồi đến thời Pháp thuộc và sau cùng là thời Việt Nam Cộng Hòa, nên lưu dân người Hoa đến lập nghiệp ở Nam Kỳ ngày càng đông. Năm 1955, theo thống kê của VNCH, tổng số người Hoa từ vĩ tuyến 17 trở vào là hơn 800 ngàn người. Riêng tại Sài Gòn-Chợ Lớn đã có trên 500 ngàn, Rạch Giá khoảng 27 ngàn, Bạc Liêu khoảng 26 ngàn, Sóc Trăng khoảng 25 ngàn, Trà Vinh và Gia Định mỗi nơi khoảng 20 ngàn người; trong khi đó toàn miền Trung từ Quảng Trị vào Phan Thiết chỉ có khoảng chừng 25 ngàn người mà thôi. Sau năm 1975, tổng số người Hoa trên toàn quốc khoảng từ 1,3 đến 1,5 triệu người (4).

     Ngoài việc trồng lúa nước, người Minh Hương còn lên líp làm rẫy và trồng nhiều loại hoa màu khác như củ cải, thuốc lá, bí, dưa, bắp, khoai. Chính những hoa màu phụ nầy đã giúp người Minh Hương làm giàu ở nhiều nơi như dọc theo bờ sông Ba Lai và cửa biển Mỹ Thanh (5). Bên cạnh việc buôn bán và làm ruộng rẫy, người Minh Hương còn làm nghề đánh bắt thủy hải sản và làm muối như tại các vùng Bạc Liêu và Hà Tiên (6). Ngoài ra, dầu ở Nam Kỳ không có nhiều quặng mỏ như các vùng Bắc và Trung bộ, vẫn có một số người Hoa làm nghề khai thác quặng mỏ, như những người Phúc Kiến khai thác quặng sắt ở núi Lò Thổi, thuộc trấn Biên Hòa. Họ lấy sắt đúc chảo, nồi, và nhiều vật gia dụng khác. Trong tất cả mọi ngành nghề mà người Minh Hương làm ở xứ Đàng Trong phải nói đến nghề buôn bán, đây là sở trường của người Hoa. Họ thường tập trung sinh sống tại những nơi có điều kiện mua bán như tại các đầu mối giao thông, các hải cảng, giang cảng, hoặc khu trung tâm của địa phương. Cũng giống như những người tiên phong của họ đã làm ở cù lao Phố, Mỹ Tho Đại Phố và Hà Tiên, vân vân, họ xây dựng phố sá để buôn bán ở những nơi thuận tiện, tạo nên cảnh quang thật tấp nập, trên bến dưới thuyền. Ngay từ cuối thế kỷ thứ 16, đầu thế kỷ thứ XVII, người Hoa đã lập nên những phố Thanh Hà ở Phú Xuân, phố Khách ở Hội An và Quảng Ngãi. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, ở vùng Đồng Nai-Gia Định, họ đã lập ra cù lao Phố, Mỹ Tho Đại Phố, và những khu phố sá buôn bán của người Hoa ở Hà Tiên. Đến giữa thế kỷ thứ 18, hầu hết những khu phố của người Minh Hương ở Nam Kỳ đã trở thành những nơi buôn bán phồn thịnh nhất trong vùng. Theo Gia Định Thành Thông Chí, Nông Nại Đại Phố ở đầu phía tây cù lao Đại Phố, lúc đầu tướng Trần Thượng Xuyên chiêu tập nhiều người Hoa đến xây dựng phố sá, mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới 5 dặm, chia vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, đường phố rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau, ấy là một chỗ đô hội.” (7)

     Đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVIII, khoảng năm 1776, sau trận chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, số người Minh Hương còn sống sót đã bỏ cù lao Phố để chạy về vùng Prei Nokor, tức vùng Chợ Lớn ngày nay, để thành lập một khu thương mại của người Hoa, chẳng những lớn nhất ở Nam Kỳ, mà có thể nói là lớn nhất trong cả nước. Trịnh Hoài Đức đã ghi lại vùng Chợ Lớn trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Đường phố lớn thẳng, suốt ba đường giáp đến bờ sông, bề ngang một con đường giữa và một con đường dọc theo sông. Các con đường ấy xuyên giáp nhau như hình chữ điền, phố sá liên tiếp sát mái nhau, người Tàu và người ta ở chung lộn dài độ ba dặm... Ấy là một thị phố lớn và đô hội náo nhiệt.”( 8 ). Đến thời Pháp thuộc, họ cho sáp nhập hai thành phố Bến Nghé và Chợ Lớn lại với nhau để thành lập đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, lúc đó Chợ Lớn là kho hàng chính của toàn miền Nam. Thời đó, Chợ Lớn là điểm tập trung phân phối hàng hóa cho sáu tỉnh miền Nam. Đồng thời, vào cuối thế kỷ thứ 18, nhiều khu phố khác của người Minh Hương đã được thành lập dọc theo bờ sông Cửu Long như Vĩnh Long, Sa Đéc, An Giang và Châu Đốc. Tuy nhiên, những nơi nầy chỉ là những điểm chuyển tiếp, họ mua hàng hóa tại địa phương để chuyển về Chợ Lớn, và ngược lại họ lấy hàng hóa mà địa phương của họ không có từ Chợ Lớn để mang về phân phối lại cho các vùng xa trong tỉnh. Nói như vậy không có nghĩa là thương nhân người Hoa chỉ tập trung buôn bán tại những trung tâm buôn bán lớn, mà họ còn phiêu lưu đi về các vùng xa xôi hẻo lánh, tại các bờ sông, cửa biển, vân vân. Nói chung, hễ chỗ nào có cư dân người Việt hay người Khmer là có người Hoa tới cộng cư. Một điểm đặc biệt khác khiến cho các cộng đồng người Hoa ngày càng phát triển vững mạnh, dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long và Bến Tre cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đỡ về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên với nhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh.

     Tóm lại, với chánh sách thật dễ dãi của các chúa Nguyễn đối với người Hoa đã góp phần không nhỏ trong việc khiến cho vùng đất Nam Kỳ đi sau mà đến trước. Ngày nay, ai trong chúng ta cũng đều phải công nhận Nam Kỳ chẳng những là vựa lúa lớn nhất cho cả nước, mà nó còn là trung tâm thương mại phát triển mạnh nhất trên toàn quốc. Trong sự nghiệp khai khẩn và phát triển vùng đất phương Nam, dĩ nhiên người Việt luôn đóng vai trò chính yếu và chủ động; tuy nhiên, nếu không có sự góp sức một cách tích cực của người Hoa, thiết tưởng Nam Kỳ chưa có được bộ mặt của nó như ngày nay. Chính những người Minh Hương mà khởi đầu từ các bậc tiền bối Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu... cùng nhiều thế hệ con cháu của họ đã đóng góp vào việc khẩn hoang lập ấp, định hình làng xã và bộ máy hành chánh, rồi mở mang sản xuất và phát triển mọi ngành nghề. Họ đã cùng chia ngọt sẻ bùi với các cộng đồng người Việt, người Khmer và người Chăm, vân vân, trong mọi hoàn cảnh lịch sửtrải qua một thời gian gần bốn thế kỷ nay. Là con dân Nam Kỳ chúng ta không thể nào không nhớ ơn các bậc tiền hiền và hậu hiền người Minh Hương, những người đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn và phát triển, khiến cho vùng đất Nam Kỳ trở nên phồn thịnh như ngày nay.

Chú Thích:

(1)​Vùng Chợ Lớn ngày nay.

(2)​Theo Nguyễn Công Bình-Lê Xuân Diệm-Mạc Đường trong “Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long”, NXB Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 223-224.

(3)​Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Tập III, đệ nhất kỷ, bản dịch của NXB Sử Học Hà Nội, 1963, tr. 94.

(4)​Theo Phan Quang trong “Bút Ký Đồng Bằng Sông Cửu Long”, NXB Trẻ, TPHCM, 2002, tr. 139-140.

(5)​Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.II, Xuyên Sơn Chí, tờ 64b.

(6)​Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.V, Sản Vật Chí, tờ 7b.

(7)​Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, Thành Trì Chí, tờ 28a.

(8)​Gia Định Thành Thông Chí, Q.VI, Thành Trì Chí, tờ 18b.

Hình 1: Bên ngoài cổng Khu Mộ Cổ của quan Tổng Binh người Minh Hương Trần Thượng Xuyên, ảnh 2018.

Hình 2: Khu Đền Thờ bên trong Khu Mộ Cổ của quan Tổng Binh người Minh Hương Trần Thượng Xuyên, ảnh 2018.

Hình 3: Bệ thờ ảnh tượng của quan Tổng Binh người Minh Hương Trần Thượng Xuyên bên trong Khu Mộ Cổ, ảnh 2018.

 

Hình 4: Bên ngoài cổng đền thờ quan Tổng Trấn người Minh Hương đầu tiên của Hà Tiên là Mạc Cửu, ảnh 2018.

Hình 5: Khu Lăng mộ của gia đình của quan Tổng Trấn người Minh Hương của Hà Tiên là Mạc Cửu, ảnh 2018.

 

 

 

VII

 

CÔNG LAO CỦA MẠC CỬU & DÒNG HỌ

MẠC TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM (P-1)

 

MẠC CỬU (1655-1736): NGƯỜI MINH HƯƠNG

CÔNG KHAI PHÁ, BẢO VỆ & PHÁT TRIỂN

TRẤN HÀ TIÊN CỦA ĐẤT PHƯƠNG NAM

 

     Mạc Cửu hay Mạc Kính Cửu, một thương gia người Trung Hoa có công khai phá và xây dựng vùng đất Hà Tiên (1) vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII. Mạc Cửu nguyên quán đất Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, trong một gia đình thương nhân nổi tiếng. Gia đình ông ở Trung Hoa đã từng là chủ những thương thuyền trên các tuyến đường từ Trung Hoa qua Phi Luật Tân, Nam Dương, Cao Miên, Mã Lai, vân vân. Tưởng cũng nên nhắc lại, khi nhà Minh bị nhà Thanh diệt, gần như cùng lúc với Trần Thượng Xuyên ở vùng Cù Lao Phố và Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, một thương gia người Trung Hoa tên là Mạc Cửu cũng dong buồm xuôi Nam. Tuy ông không làm quan với nhà Minh, nhưng không phục nhà Mãn Thanh nên đem hết gia quyến sang ở tại đất Chân Lạp vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII. Được vua Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha ở Sài Mạt (2), một chức quan nhỏ của Chân Lạp thời bấy giờ, tương đương với chức quận trưởng bây giờ. Tại đây ông thấy có nhiều người Hán, Mã Lai, Nam Dương và Ấn Độ tụ tập buôn bán, ông bèn mở sòng bạc kiếm lời.

     Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi Mạc Cửu đặt chân tới Hà Tiên, thì tại đó người Hoa, người Việt, Cao Miên và Xiêm La đã có mặt rải rác ở vùng này. Họ làm đủ thứ công việc, từ khai hoang làm ruộng đến ra biển đánh bắt hải sản, sống ngoài vòng ảnh hưởng của đất nước họ. Ngay từ thời Mạc Cửu còn đang làm Ốc Nha cho xứ Cao Miên, cũng đã được nhiều lưu dân Việt và Hoa biết tiếng là một con ngườinghĩa khí. Chính vì vậy mà khi nghe tin ông vừa tới vùng Mang Khảm, rất đông lưu dân Việt-Hoa theo ông về đó khẩn đất làm ruộng và làm những dịch vụ cần thiết trong khu vực của ông. Ông đã đứng ra phân chia đất đai cho họ khẩn hoang làm ruộng, rồi còn cung cấp cày bừa, dao, mác, cuốc, rựa, vân vân. Đặc biệt nhất vẫn là việc ông cung trâu bò thay sức người trong việc cày bừa, và lúa giống, nhất là những giống lúa mới từ Ma Ní và Đài Loan, Riêng với những tù phạm bị đày đi biệt xứ khỏi đất nước của họ, ông cũng gom về đây, rồi cung cấp cho nông cụ để khai hoang cày cấy. Bên cạnh đó, ông tuyển lựa những lưu dân Việt Nam giỏi giang trong việc trồng lúa nước để dạy cho các nông dân người Miên. Vốn dĩ là một thương gia giàu kinh nghiệm từ trước và có óc quản lý chẳng những về kinh tế, mà còn về chính trị và xã hội nữa. Mạc Cửu là người đầu tiên trong vùng này đã đặt tại khắp nơi trong lãnh địa của mình, chạy dài từ Kompongsom (Vũng Thơm hay Hương Úc), Cần Bột, Linh Quỳnh, Sài Mạt, Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau và Bạc Liêu... những trạm thu mua toàn bộ nông sản và thủy hải sản như lúa gạo, hồ tiêu, cá tôm, mực... để cung cấp cho các chợ và thương điếm. Chính nhờ vậy mà chẳng bao lâu sau đó thì người người trong lãnh địa của ông ai cũng có công ăn chuyện làm, và sống đời an cư lạc nghiệp (3).

     Trong vòng hai chục năm Mạc Cửu làm quan cho nước Chân Lạp, đa phần ông chỉ chuyên lo về giao dịch ngoại thương cho nước này. Mọi hoạt động của ông đều không nằm ngoài hoạt động thương mại. So với Tổng Binh Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, thì Mạc Cửu không xuất thân từ binh nghiệp, nhưng nhờ tài giao thiệp qua kinh nghiệm buôn bán, Mạc Cửu cũng đã khai phá một vùng đất co thể nói là lớn hơn gấp nhiều lần so với những vùng mà hai vị Tổng Binh kia đã khai phá. Phải nói Hà Tiên dưới thời Mạc Cửu là một nơi có rừng có biển mênh mông, đồng ruộng cũng bao la bạt ngàn, sản vật dồi dào không thiếu thứ gì, thủy bộ đều tiếp giáp với đất Cao Miên, có thể được xem như là một thương cảng chính trong Vịnh Xiêm La thời đó.

     Quốc Sử Quán Triều Nguyễn không ghi lại nhiều chi tiết về Mạc Cửu cũng như công lao của dòng họ ông ở Hà Tiên. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có khá nhiều tư liệu về dòng họ Mạc ở Hà Tiên nói chung và Mạc Cửu nói riêng từ nhiều nguồn khác nhau. Trong Hà Tiên Trấn Hiệp Trấn Mạc Thị Gia Phả, tên một quyển sách hoàn thành trước Gia Định Thành Thông Chí 2 năm (1818), Vũ Thế Dinh ghi: “Mạc Cửu ra đời ngày mồng 8 tháng 5 năm Ất Mùi, 1655, niên hiệu Vĩnh Lịch thứ 9 triều Minh... Vì không chịu được cảnh rối loạn nhiễu nhương của giặc nên vào năm Tân Hợi, 1671, khi mới lên 17 tuổi, ông vượt biển đi về phương Nam, đến nước Chân Lạp thì ở lại, lấy đất khách làm quê hương, được vua nước ấy yêu mến và tin dùng, mọi công chuyện buôn bán đều giao cho ông lo liệu.” Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, xuất bản năm 1820, có ghi: “Mạc Cửu người xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, nước Đại Minh, vào niên hiệu Khang Hy thứ 19, 1680, nhà Minh bị mất vào tay nhà Mãn Thanh, Mạc Cửu không phục chính sách của nhà Thanh, nên chạy qua phương Nam, xin vào khai khẩn đất Mang Khảm của xứ Cao Miên.” Trong khi đó, ông Pierre Poivre, trong một bài tham luận mà ông đọc trước Viện Hàn Lâm Lyon, Pháp quốc, ấn hành năm 1768, nói về “Quốc gia nông nghiệp... châu Phi và châu Á (l'État de l'Agriculture et les Moeurs et les Arts des Peuples de l'Afrique et de l'Asie)” có viết về buổi đầu của xứ Hà Tiên, và người sáng lập ra nó. Tác giả người Pháp này giới thiệu Mạc Cửu như “Một thương gia Trung Hoa, làm chủ chiếc thương thuyền, thường tới lui bờ biển xứ này. Người ấy có óc suy tínhtrí thông minh truyền thống của dân tộc... Trong những cuộc du hành ở các đảo thuộc Philippines và Batavia, ông đã học hỏi được nơi người Âu, những cái gì hay nhất, theo người Trung Hoa, về chánh trị, nghệ thuật tự phòng ngự và tự vệ.” Đây là một trong những bản văn khả tín sớm nhất viết về Mạc Cửu, vì dưới triều chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), tác giả có từng đến Huế vào năm 1749 và lưu lại nhiều tháng ở Hội An và Đà Nẳng từ ngày 29 tháng 8 năm 1749 đến ngày 11 tháng 2 năm 1750. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, tác giả không bàn về khoảng thời gian khác biệt 9 năm về việc Mạc Cửu đến Mang Khảm vào năm 1671 theo Mạc Thị Gia Phả và vào 1680 theo Gia Định Thành Thông Chí. Chuyện này xin để sau này cho các nhà sử học làm thì chính xác hơn.

     Như vậy chúng ta thấy theo Mạc Thị Gia Phả và Gia Định Thành Thông Chí, thì sau khi đến Chân Lạp, Mạc Cửu đã từng cư ngụ tại Nam Vang trong nhiều năm, ông được nhà vua Chân Lạp tin dùng và cho làm tới chức Ốc Nha, tương đương với chức tri huyện của Việt Nam. Vì ông thuộc một gia đình thương buôn truyền thống nên Vua Chân Lạp còn giao cho ông việc làm kinh tài cho mình. Vì thế ông thường lui tới giữa Nam Vang, Sài Mạt (Bantay Méas), và Lũng Kỳ (còn gọi là Trũng Kè, tên Cao Miên là Réam) để thu thuế và phụ trách khai khẩn đất đai. Theo truyền thuyết thì ít lâu sau khi đến Sài Mạt, ông tìm được hầm chôn giấu vàng bạc, có lẽ là của bọn hải tặc, nên trở nên giàu có. Truyền thuyết này cũng trùng khớp với chi tiết được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Thấy nơi Sài Mạt của nước Chân Lạp có nhiều người từ các nước Trung Hoa, Cao Miên, Đồ Bà đến tụ tập mở trường đánh bạc để thu thuế, gọi là thuế hoa chi, ông bèn trưng mua thuế ấy, lại được cái hầm bạc nữa, nên mau giàu có.” Tại vùng này Mạc Cửu đã qui tụ nhiều người, nhất là người Hoa về làm ăn và phát triển thủ phủ Sóc Mẹt (Tuk Méas), cách Hà Tiên khoảng 60 cây số đường chim bay, nằm trong tỉnh Bantay Méas, tức Sài Mạt của Chân Lạp.

     Về sau, thấy Trũng Kỳ nhỏ hẹp, không thể mở mang giao thương được, lại nghe tin đồn vùng Phương Thành hay có tiên hiện ra trên sông nên ông bèn bỏ vùng Sài Mạt mà di cư về Phương Thành, và qui tụ người đến đó phát triển và đặt tên là Hà Tiên. Kể từ đó ông vẫn luôn tiếp tục chiêu dụ dân phiêu bạc giang hồ đến làm ăn và khai phá các vùng Phú Quốc và Cần Bột, Giá Khê, Luống Cày, Hương Úc, Cà Mau và lập được 7 xã. Vùng biển Hà Tiên-Phú Quốc-Rạch Giá-Cà Mau không chỉ đẹp, với rải rác đó đây có trên 105 hòn hay cụm hòn, mà đây còn là vùng biển có trữ lượng hải sản rất lớn. Là vùng thềm lục địa cạn, với độ sâu trung bình chỉ khaỏng 45-46 mét, nên biển rất yên, ít bị ảnh hưởng bởi sóng triều và bão tố trong khu vực Biển Đông vì nằm sâu kín bên trong Vịnh Thái Lan. về khí hậu, vùng biển này có nhiệt độ cận xích đới, nên nhiệt độ cao hơn nhiệt độ Biển Đông từ 5 đến 8 độ C. Nên vùng này cũng chính là nơi lý tưởng cho tôm cá từ Biển Đông và Thái Bình Dương vào sinh sản. Chính vì lẽ đó mà mới có tên hòn đảo giàu có là Phú Quốc. Ngoài ra, bên cạnh trữ lượng dồi dào về hải sản, dọc theo bờ biển từ Hà Tiên xuống tận Cà Mau với những khu rừng ngập mặn và các cửa sông cũng là nơi trú ngụ của vô số các chủng loại thủy sản.

     Nhờ vậy mà tại đây chẳng mấy chốc, tiếng tăm của Mạc Cửu lẫy lừng, và số người theo về Hà Tiên với ông rất đông. Các tàu buôn từ khắp nơi đều biết tiếng của ông nên hay đi lại đây để mua bán. Người Âu Châu, Nhật Bổn và Trung Hoa tới buôn bán tấp nập. Tiếng nói tuy có khác, nhưng văn tự Việt Nam thời đó vẫn còn dùng chữ Hán. Điều này cũng trùng khớp với những gì mà ông Pierre Poivre đã viết trong bài tham luận của ông tại Hàn Lâm Viện Lyon, Pháp quốc, ấn hành năm 1768: “Mạc Cửu rất đau lòng trông thấy những đất đai rộng mênh mông mà bị bỏ hoang, tuy đất vùng này rất màu mỡ hơn đất ở quê ông. Ông có ý khai hoang để làm cho đất có giá trị. Để thực hiện kế hoạch này, ông đã đứng ra chiêu mộ một số nông dân xứ ông và các xứ láng giềng, bảo đảm đời sống cho họ, rồi ông bắt đầu ngoại giao một cách khéo léo và được sự che chở của các vương quốc hùng mạnh chung quanh, nước nào cũng gửi quân tới giúp và ông đều trả lương hẳn hòi cho những binh lính này... Chẳng bao lâu sau đó, với những lợi tức thâu được trong việc làm ăn buôn bán, ông đã tổ chức xây thành lũy, đào hào và mua thêm vũ khí, Việc phòng bị này tránh cho ông một cuộc bị đánh úp và bảo đảm an ninh cho những vùng đất mà ông đang khai khẩn. Ông chia tất cả đất ruộng cho những người làm ruộng của ông để họ làm của riêng, chứ không giữ cho mình một quyền lợi riêng nào, như quyền thu tô hay quyền lấy thuế. Những quyền lợi này là những tai họa kinh khủng cho nền nông nghiệp mà những dân tộc khôn ngoan không bao giờ có ý tưởng. Thêm vào ân huệ này, ông còn mua thêm cho nông dân trong xứ ông những nông cụ cần thiết để họ khai thác ruộng đất. Chẳng mấy chốc, vùng đất của ông trở thành cái xứ của những người siêng năng, muốn đến đó lập nghiệp. Hải cảng của ông được mở ra cho tất cả các quốc gia đến giao thương, Chẳng bao lâu sau đó, rừng hoang được khai phá một cách thông minh, đất hoang biến thành ruộng lúa; kênh rạch đã được đào thêm để đem nước sông vào ruộng; mùa màng thu hoạch dồi dào, ban đầu cung cấp lương thực cho dân chúng sống no đủ, nhưng về sau này là một mối lợi cho công cuộc thương mãi phồn thịnh... Cái mảnh đất nhỏ kia, ngày nay đã được coi như một kho lúa dồi dào nhất của phần phía đông châu Á này... Nếu như người thương gia Trung Hoa sáng lập ra cái xã hội gồm những người vừa làm ruộng vừa buôn bán này mà bắt chước vua chúa tầm thường ở Á châu để đặt ra những thứ thuế độc đoán nặng nề, nếu ông đối xử với những người cộng tác với ông như là hạng nô lệ, thì đất đai của ông sẽ còn bị bỏ hoang và thưa thớt người ở, hoặc là dân cư khốn khổ của ông sẽ chết đói. Ông chỉ đặt một thứ thuế nhỏ cho hàng hóa nhập cảng vào cửa biển của ông; vì theo ông thì lợi tức từ đất đai cũng đủ làm cho ông hùng mạnh. Cái thiện ý của ông, tính ôn hòalòng nhân đạo của ông đã làm cho mọi người đem lòng kính mến ông. Ông không bao giờ có cao vọng muốn trị vì như vua chúa mà chỉ muốn thực hiện một nền đạo lý mà thôi...”

Khoảng năm 1687, quân Xiêm sang cướp phá Hà Tiên và bắt Mạc Cửu đem về Muang Galapuri (Vạn Tuế Sơn) (4). Hai năm sau, nhân lúc bên Xiêm rối ren, ông bèn trốn trở về Lũng Kỳ tụ tập dân xiêu tán các nơi trở về tái thiết lại Hà Tiên (5). Về sau có người bạn tên là Tô Quân, khuyến khích Mạc Cửu nên về với chúa Nguyễn vì người Chân Lạp rất gian xảo, thiếu trung hậu, không thể tin cậy được. Trong khi đó, các chúa nhà Nguyễn của Xứ Đàng trong đã lập xong phủ Gia Định. Người Việt và các di thần người Hoa cũng đang định cư yên ổn. Nhận thấy muốn tự tồn phải có đủ sức mạnh để bảo vệche chở cho lãnh địa mà mình đã dày công gây dựng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Mạc Cửu quyết định theo về với chúa Nguyễn để lở có điều gì còn có chỗ nhờ cậy lâu dài. Theo Đại Nam Liệt Truyện, Sơ Tập, quyển 6, Mạc Cửu nghe theo lời khuyên của Tô Quân (6), nên tháng 8 năm Mậu Tý 1708 (có sách ghi là năm Giáp Ngọ, 1714), đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu cùng Trương Cầu, Lý Xá mang lễ vật đến kinh đô gặp chúa Nguyễn xin dâng đất Hà Tiên. Không nhọc công chinh chiến mà lại có lợi to nên chúa thu nhận ngay phần đất này. Nên ngay trong tháng 8, mùa thu năm Mậu Tý, 1708, chúa Nguyễn Phúc Chu chuẩn ban cho Mạc Cửu chức Tổng Binh, phong tước Cửu Ngọc Hầu, ban cho ấn kiếm, cờ hiệu, và xuống chiếu cho Mạc Cửu được khai khẩn dãy đất mà bây giờ chạy dài từ Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau (7)... Chúa lại cho mở yến tiệc khoản đãi Mạc Cửu. Như vậy tính đến năm 1708, miền Nam đã có 3 trấn: Trấn Biên, Phiên Trấn và Hà Tiên Trấn, tuy nhiên, chủ quyền của cả vùng vẫn còn là một tấm da beo đối với cả hai nước Chân Lạp và Xứ Đàng Trong của Việt Nam.

     Từ đó Mạc Cửu danh chánh ngôn thuận là quan Tổng Binh của triều đình. Ngoài việc giữ chức Tổng trấn cho triều đình, nghĩa là từ đó Mạc Cửu danh chính ngôn thuận được quyền thu thuế, họ Mạc còn là một nhà buôn lớn nhất vùng Hà Tiên thời bấy giờ. Theo sách sử Cao Miên, Xiêm La và Việt Nam, vựa buôn của Mạc Cửu cử người thu mua từ Cao Miên đủ thứ sản vật, từ ngà voi, sừng tê, đậu khấu, gỗ... đồng thời, ông bán lại cho họ các đồ vật dụng như cày cuốc, gạo, muối, hồ tiêu và những đồ vật dụng khác như đồ gốm sứ, nồi niêu, xoong, chảo... Riêng với hải thủy sản, như cá, tôm, vừa thu mua là ông cho ướp muối, không những chỉ để bán lại cho dân chúng trong lãnh địa, mà còn bán cho các tàu buôn từ những nước khác từ Đông Nam Á và Âu Châu. Lúc này chúa Nguyễn Phúc Chu cũng cấp cho Mạc Cửu ba chiếc thương thuyền cỡ lớn có long bài của chúa, đủ sứ vận chuyển hàng hóa đến tận các xứ Tân Gia Ba (Singapore), Nhật BảnĐài Loan. Ngoài ra, Mạc Cửu còn mở ra các sòng bạc tại những địa điểm có đông khách thương buôn lui tới.

     Khi Mạc Cửu về lại trấn Hà Tiên, ông cho xây dựng thêm doanh trại, lập thành quách, xếp đặt mà mở thêm nhiều nhà khách để đón tiếp nhân tài, dân chúng theo về ngày càng đông, dần dần Hà Tiên trở thành một nơi đô hội. Tháng 4 năm Tân Mão, 1711, quan Tổng binh Cửu Ngọc Hầu Mạc Cửu đích thân đi đến phủ chúa để tạ ơn. Tuy nhiên, sau khi về lại Hà Tiên ít lâu, vào tháng 2 năm Ất Mùi (1715), sau khi hay tin Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, Nặc Thâm bất thình lình đem quân Xiêm đến cướp Hà Tiên. Rồi đến năm 1718, quân Xiêm La lại đánh phá Hà Tiên. Hồi này không thấy sách sử nào của triều đình Huế ghi chép lại chi tiết số lượng hàng hóa của Mạc Cửu lúc đó, chỉ biết vào năm quân Xiêm La đánh hà Tiên, chúng phá kho lẫm của Mạc Cửu và tịch thâu khoảng 200 tấn ngà voi, lúa gạo, và các hàng hóa khác, phải sử dụng cả đoàn thương thuyền lớn mới chở được hết về Vạn Tuế Sơn. Vì quân Xiêm La tới đánh quá bất ngờ, Mạc Cửu không kịp phòng bị nên phải bỏ chạy vào giữ đất Lũng Kỳ. Sau khi cướp bócphá hủy thành quách, Nặc Thâm ra lệnh lui quân( 8 ). Trong trận này, giặc cũng đã đốt cháy trên 200 tấn ngà voi. Năm sau, Mạc Cửu lại đưa vợ con quay về Hà Tiên cho xây lại thành quách, tổ chức lại quân đội, xây đồn bảo ngoài xa, lập phong hỏa đài trên núi, cảnh báo nghiêm nhặt và phòng thủ vô cùng kiên cố. Về hành chánh, Mạc Cửu đặt quan lại cai trị tại các địa phương, xây dựng cơ sở, kiểm tra dân số, chiêu hiền đãi sĩ, đón tiếp nhân tài, tổ chức làng mạc, thôn xóm, khuyến khích dân chúng trong vùng khai khẩn đất đai. Dân chúng biết tiếng, ngày theo về một đông. Chẳng bao lâu sau Hà Tiên trở thành một phố thị phồn hoa thịnh vượng. Mẹ ông nghe tiếng con thành công bên trời Nam, nên dong buồm tìm đến. Tuy nhiên, sau bao ngày vượt biển xa xôi thấm mệt nên khi bước vào chùa để lễ tạ, bà ngồi nghiêm trang trước tượng Phật mà qua đời. Mạc Cửu cho đúc tượng thờ bà, hiện vẫn còn di tích ở Hà Tiên.

     Mạc Cửu là người đầu tiên có công khai phá và phát triển phủ Sài Mạt của Chân Lạp, từ Hà Tiên chạy xuống Rạch Giá, xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Chậu Đốc. Trong 18 năm Mạc Cửu đã lập nên 7 thôn đầu tiên là Phú Quốc, Cần Bột (Kampot), Giá Khê (Rạch Giá), Trũng Kè, Hương Úc (Kompong Som), Cà Mau và Hà Tiên. Vùng Hà Tiên thời Mạc Cửu bao gồm cả một vùng đất bao la bạt ngàn từ Giang Thành, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng ngày nay. Theo Gia Định Thành Thông Chí, được Trịnh Hoài Đức viết hồi đầu thế kỷ thứ XIX: “Hà Tiên là một trung tâm kinh tế lớn. Đường lối tiếp giáp, phố sá liền lạc... ghe thuyền ở sông biển qua lại không dứt, thật là một đại đô hội nơi góc biển.” Khi vào đến trấn Hà Tiên (nghĩa là khoảng trên 100 năm sau ngày Mạc Cửu về đất Hà Tiên), thấy cảnh kho, chành, vựa được Mạc Cửu đặt dưới chân núi Phù Dung (nay là núi Đề Liêm), đã thối lên: “Chân núi, tiếng chuông mõ pha trộn tiếng kệ kinh lẫn tiếng ồn ào của phố thị, chợ búa, thật là cảnh nửa tăng nửa tục.”

     Đến năm Bính Thìn, 1736, đời chúa Nguyễn Phúc Trú, Mạc Cửu mất, thọ trên 80 tuổi, giao lại cơ đồ cho con là Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Thiên Tích). Chúa Nguyễn phong tặng ông làm Hàm Đại Tướng Quân, Võ Nghi Công, sắc phong Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Cửu Lộc Hầu, cho lập đền thờ ở Hà Tiên. Đến đời Minh Mạng lại ban một sắc phong làm Thọ Công Thuận Nghĩa Trung Đẳng Thần, cho phép nhân dân vùng Mỹ Đức ở Hà Tiên được phép thờ tự. Thời Thiệu Trị thứ 3 có ban thêm 2 sắc phong (9) và đến thời Tự Đức lại ban thêm một sắc phong cho ông làm “Tổng Binh Tướng Quân, tặng Hà Tiên Trấn Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công, gia tặng Thọ Công Thuận Nghĩa Trung Đẳng Thần.” Đến thời Bảo Đại sắc phong làm “Mạc Thị Thần Chi, Tư Thành Hoàng Tôn Thần, hàm Quang Dực Bảo Thượng Đẳng Thần.”

     Không biết Mạc Cửu có bao nhiêu người vợ, chỉ biết theo Gia Định Thành Thông Chí, thì ông có người vợ tên Bùi Thị Lẫm, gốc người huyện Đồng Môn, Biên Hòa, và sinh được người con trai đầu lòng tên là Mạc Sĩ Lân, tức Mạc Thiên Tứ. Căn cứ trên bia mộ của bà Bùi Thị Lẫm trong khu mộ của dòng họ Mạc trên núi Bình San, Hà Tiên, do chính Mạc Thiên Tứ lập mộ, thì bà Lẫm được chúa Nguyễn ban cho quốc tính là Nguyễn Thị Lẫm.

     Phải công tâm mà nói, cả dòng họ Mạc vì trung thành với nhà Minh mà nhất quyết không phục nhà Mãn Thanh, nên dong buồm về phương Nam, quy thuận chúa Nguyễn, trải qua nhiều đời trấn giữ, khai khẩn, và bình định vùng Hà Tiên một dãy đất chạy dài từ Hà Tiên xuống Rạch Giá, tận đến Cà Mau, qua Bạc Liêu, Sóc Trăng, rồi vòng trở lên Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc, nghĩa là cả một vùng miền Tây Nam Kỳ. Dòng họ Mạc đã không ngại hiểm nguy, vào sanh ra tử bình định lãnh thổ, mở mang bờ cõi, xây dựng phố chợ, làng mạc... biến cả một vùng đất hoang vu, lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc, muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh... thành một vùng bao la trù phú với những cánh đồng bạt ngàn. Dòng họ Mạc đã biến cả một vùng ủng phèn với toàn giá, mắm, lau, sậy, năng, ô rô, cóc kèn... thành những vựa lúa, không chỉ cho vùng Nam Kỳ, mà còn cho cả nước nữa. Khi từ bỏ nhà Mãn Thanh dong buồm ra đi, dòng họ Mạc đã hết lòng với đất Nam Kỳ, một lòng sống chết cho quê hương thứ hai, họ đã chấp nhận tất cả những rủi ro thiệt thòi cho dòng họ khi chấp nhận trấn giữ một vùng hoang vu không một bóng người lui tới. Dòng họ này là một trong những người đi tiên phong trong công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam, xứng đáng là những bậc công thần của đất nước. Kẻ hậu bối chúng ta không thể không nhớ ơn họ. Có sách nói rằng danh tiếng của dòng họ Mạc về sau này bị lu mờ vì con cháu chạy theo và được Lê văn Khôi phong cho chức tước. Đó là chuyện của về sau này. Riêng chuyện của dòng họ Mạc kể từ thời Mạc Cửu, đến Mạc Thiên Tích, rồi Mạc Tử Sanh... không ai chối cãi được công trạng của các Ngài. Chỉ tiếc là về sau này sách sử triều Nguyễn với những sử gia gia nô của triều Nguyễn đã viết sử vì xôi thịt chứ không viết theo đúng chức năng cao đẹp của những người làm sử. Đến triều đại vĩ đại của nhà Tây Sơn mà họ còn cho là ngụy, thì há gì một người thấp cổ bé miệng như Lê văn Khôi, chỉ muốn đứng lên để chống lại những bất công của phong kiến áp bức, mà đại diện cho giới này thời đó là tên tham quan ô lại Bạch Xuân Nguyên, vì tư thù, vì nhỏ nhen vị kỷ, ngay sau khi quan Thượng Công vừa mới mất, y đã dám đứng ra tra xét hành vi của quan Thượng Công Lê văn Duyệt lúc sinh thời, y còn hạ lệnh bắt giam đứa con nuôi của Ngài là Lê văn Khôi và toàn thể gia quyến. Việc con cháu dòng họ Mạc sau này theo Lê văn Khôi chống lại sự áp bức bất công của dòng họ Nguyễn hãy để cho những nhà làm sử chân chánh phán xét. Riêng thiển ý vẫn đứng về phía những con người nghĩa hiệp, thấy chỗ nào có áp bức bất công là đứng lên chống lại, dù phải nhất thời mang tiếng là giặc hay là ngụy.

     Với người viết tập sách Hào Kiệt Đất Phương Nam này, rất biết ơn các chúa Nguyễn bởi vì các ngài đã có chính sách chiêu hiền đãi sĩ, nên các ngài đã thu phục được nhân tâm, khiến cho những nhóm người Minh Hương lớn như nhóm Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu... đã đem hết tim óc mình ra giúp chúa mở mang vùng đất phương Nam. Đến đời của Gia Long và những ông vua nhà Nguyễn về sau này, thì các ngài đã lấy gì để đền đáp cho những công lao hạn mã của những người Minh Hương này? Chỉ vì lòng nghi kỵ mà các ngài đã nhẫn tâm lấy oán báo ơn. Thật đáng buồn và đáng xấu hổ lắm vậy! Những hậu duệ của dòng họ Mạc kể từ sau Mạc Tử Sanh, như Mạc Tử Thiêm (con của Mạc Thiên Tích) làm cai cơ, rồi sau làm trấn thủ Hà Tiên, Mạc Công Bính (cháu nội Mạc Thiên Tích) làm Lưu thủ Long Xuyên, Mạc Công Du, Mạc Công Tài... đều là những con người giàu lòng nghĩa hiệp, biết nghĩ và biết thương xót những con người cùng khổ đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Kỳ, không thể để cho hạng người vô ơn bạc nghĩa như Nguyễn Ánh và con cháu của ông ta tiếp tục áp bức. Chính Nguyễn Ánh đã nợ đất Nam Kỳ quá nhiều trong thời chạy trốn nhà Tây Sơn, và chính con dân Nam Kỳ đã cưu mang Nguyễn Ánh quá nhiều, cưu mang hết lòng, cưu mang trong mọi tình huống, ngay cả đến hy sinh thân mạng, họ cũng không tiếc, nhưng khi lên được ngai vàng rồi thì Nguyễn Ánh đã làm được gì cho con dân Nam Kỳ? Tất cả tiền của của dân của nước thì chính ông vua ấy và các ông vua đời sau đã đem ra xây thành quách, cung điện và lăng tẩm ở kinh thành Huế, còn trong Nam thì ngay cả một cái thành phòng thủ cho tươm tất cũng không có. Chỉ có thành Gia Định thời Đức Tả Quân Lê văn Duyệttương đối kiên cố, nhưng gì cả giận “Giặc Khôi” mà Minh Mạng đã cho thiêu rụi toàn bộ thành Gia Định, để rồi khi xây lại thì chỉ xây cho lấy có. Tất cả những diễn biến ấy đã không qua được mắt những con “cú vọ” của các Tây Dương Đạo Trưởng, và tất cả đều được báo cáo kỹ càng về Tây, cho đến một ngày đẹp trời năm 1859, tàu Tây dong buồm thẳng từ Đà Nẳng vô Gia Định và đánh chiếm đất phương Nam như chỗ không người. Đó là cách Nguyễn Ánh và những ông vua con cháu của ngài sau này trả ơn cho đất Nam Kỳ.

     Phải thành thật mà nói, nhờ có vùng đất Hà Tiên của Mạc Cửu, lúc đó bao gồm cả một vùng đất bao la bạt ngàn chạy dài từ Trấn Giang (Cần Thơ), Ba Xuyên, Bạc Liêu Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, mà giang sơn gấm vóc Việt Nam mới được liền một dãy từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Hiện tại, những dấu tích của cảnh một thời đô hội của miền biển Hà Tiên đã không còn, đầm Đông Hồ đã bị bồi lấp và sau này lại có kế hoạch lấn biển nên hiện chỉ còn lại như một con kênh đào. Từ trên cầu Tô Châu nhìn ra biển Cảng Khẩu ngày nay đã bị đất bồi lắng nên đã cạn, tàu bè không vào được nữa. Về phía tay trái Cảng Khẩu là Nam Phố được Mạc Thiên Tích nói đến trong Nam Phố Trừng Ba, một trong Hà Tiên Thập Vịnh, nay đang bị dự án lấn biển lấy mất đi khu vực thẳm cá rồng của 300 năm về trước (Vực thẳm cá rồng còn ẩn náu; Êm đềm nước ngậm bóng trăng soi). Rạch Vược mà Lư Khê đã cảm tác trong thơ của mình đã bị người Pháp lấp mất từ cả trăm năm trước.

     Hai cha con dòng họ Mạc có công rất lớn đối với dân tộc Việt Nam nói chung, đối với dân chúng vùng Đất Phương Nam nói riêng, trong sự khai khẩn và trấn giữ vùng đất mới vừa được khai mở này. Gia tộc họ Mạc quả là thật xứng đáng với đôi câu đối được ngay cổng tam quan Mạc Công Miếu ngay chân núi Bình San, mà theo tương truyền là của Trịnh Hoài Đức:

​                        “Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng,

​                          Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh.”

     Về sau này, thi sĩ Đông Hồ, một người sinh ra và lớn lên trên vùng đất Hà Tiên, có cảm tác thơ nói về công trạng của hai cha con họ Mạc trong bài Nghĩ Vịnh Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích, xin trích một đoạn như sau:

​                        “Chẳng đội trời Thanh Mãn

​                          Lần qua đất Việt bang

​                          Triều đình riêng một góc

​                          Trung hiếu vẹn đôi đường

​                          Trúc thành xây vũ lược

​                          Anh các cao văn chương

​                          Tuy chưa là cô quả

​                          Mà cũng đã bá vương

​                          Bắc phương khi vỡ lở

​                          Nam hải lúc kinh hoàng

​                          Giang hồ giữa lang miếu

​                          Hàn mạc trong chiến trường

​                          Đất trời đương gió bụi

​                          Sự nghiệp đã tang thương...”

     Hiện tại Hà Tiên có 2 nơi thờ Mạc Cửu, đó là Mạc Công Miếu và Đình Thần Thành Hoàng Hà Tiên. Tại vùng Cống Tre, ấp Ngã Ba thị trấn Kiên Lương cũng có lập đình thờ Mạc Cửu, hàng năm dân chúng địa phương cúng lễ đúng ngày giỗ của ông như ở Hà Tiên.

     Tại các vùng Sài Gòn, Gia Định, Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, vân vân, dân chúng và chính quyền địa phương lấy tên ông đặt cho nhiều tên đường để tưởng nhớ đến công lao của một bậc tiền hiền đã có những cống hiến vô cùng lớn lao cho dân tộc và đất nước Việt Nam trong công cuộc mở cõi về Đất Phương Nam, cũng như góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn bờ cõi và làm rạng danh dân tộc Việt Nam. Vào sáng ngày 7 tháng 9 năm 2008, tại thị xã Hà Tiên, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài quan Tổng Trấn Mạc Cửu trong dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập trấn Hà Tiên (1708-2008).

 

Ghi Chú:

(1)​Phủ và Núi Sài Mạt được người Hà Tiên quen gọi là Sóc Mẹt. Trước đây, người Pháp ghi là Tuk Meas (Bantey Meas). Trên bản đồ hành chánh Việt-Miên-Lào, xuất bản năm 1995, lại ghi là Tuc-Mia. Đây là một thủ phủ xưa của vùng Kampot, nằm trên dòng sông Prek Ten, cạnh bên núi Sóc Mẹt, ngày nay thuộc tỉnh Kampot của Campuchia. Thời Mạc Cửu, đây là điểm buôn bán trên đường giao thương giữa vùng Oudong và Hà Tiên. Trong địa phận Trấn Hà Tiên dưới thời Mạc Cửu có những phủ Sài Mạt, Cần Bột, Lũng Kỳ và Hương Úc bây giờ đã thuộc về Campuchia. Trong khi đó thì Trịnh Hoài Đức có ghi về Hà Tiên trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Hà Tiên vốn là đất cũ của Chân Lạp, tục gọi là Mang Khảm, tiếng Tàu gọi là Phương Thành. Ban đầu có người tên là Mạc Cửu, gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi C hâu, tỉnh Quảng Đông, vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hy thứ 19, 1680, nhà Minh mất hẳn, nhưng mãi đến năm 1680 mới bình định xong vùng Quảng Đông. Mạc Cửu không khuất phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, mới để tóc rồi chạy qua phương Nam. Ban đầu trú tại phủ Nam Vang, nước Cao Miên. Ông thấy ở phủ Sài Mạt của nước ấy, người Việt, người Trung Hoa, Cao Miên, Đồ Bà (Chà Và)... tụ tập mở trường đánh bạc để lấy xâu, gọi là thuế hoa chi, ông bèn làm thầu mua thuế ấy, lại còn đào được một hầm bạc nên bỗng chốc trở thành giàu có. Từ đó, ông chiêu mộ dân Việt Nam lưu tán ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Vũng Thơm-Kompong Som), Giá Khê (Rạch Giá), Cà Mau... lập thành bảy xã thôn. Tương truyền ở đây thường có tiên xuất hiện trên sông, do đó mới đặt tên là Hà Tiên. Vốn có óc tổ chức, Mạc Cửu chiêu tập dân xiêu tán người Hoa, Việt mở phố sá, xây thành lũy, đẩy mạnh khai hoang lập ra bảy xã thôn chạy dài từ Kompongsom đến Cà Mau. Mạc Cửu chủ trương để cho dân khai hoang tự do, không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính điều này đã quy tụ ngày càng đông cư dân đến Mang Khảm. Ghe thuyền các nơi, kể cả nước ngoài đến mua bán tấp nập. Sự thịnh vượng khiến cho đất này gặp tai họa. Trong khoảng thời gian từ 1687 đến 1688, quân Xiêm vào cướp phá Mang Khảm, bắt Mạc Cửu đưa về Vạn Tuế Sơn bên Xiêm La. Sau đó, ông trốn về Lũng Kỳ, dân xiêu tán lại quy tụ về làm ăn với ông ngày một đông, nhưng do địa thế chật hẹp, khaỏng năm 1700, ông lại quay trở về Phương Thành, tức Hà Tiên ngày nay. Từ năm 1680 trở đi, Mạc Cửu đã lập các thôn ấp rải rác từ Vũng Thơm, Lũng Kỳ, Cần Bột, Rạch Giác, Cà Mau... Lúc này Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở các giồng dọc theo hai bên bờ các sông Giang Thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, sông Ông Đốc... để canh tác. Mạc Cửu lại lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển từ Mang Khảm, Lũng Kỳ, Cần Bột, Hương Úc, Sài Mạt, Linh Quỳnh và Phú Quốc (đảo Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Cảng Khẩu, còn gọi là Mang Khảm. Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp. Dần dần, vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi là Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc, tức vùng đất giàu có.”

(2)​Sự kiện Mạc Cửu đã từng làm quan Ốc Nha, một chức quan của Chân Lạp, đem đất dâng lên cho chúa Nguyễn, đã khiến cho nhà cầm quyền Kampuchia nhiều lần lên tiếng về chủ quyền của họ trên những vùng đất Hà Tiên và đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, có lẽ họ quên đọc lại phần chính sử của Cao Miên, đại khái như sau: “Năm 1710, Nặc Ang Em lên ngôi vua. Đây cũng là lần thứ hai ông lên trị vì vương quốc Chân Lạp. Trong ba năm 1711, 1712, và 1713, ngài đã đẩy lùi ba lần tấn công của Thomo Réachea với sự hổ trợ của quân Xiêm La. Ngài đã nhờ triều đình Huế giúp đở về mặt quân sự. Ngài phó thác việc phòng thủ các tỉnh Peam, Kampot, Kompong Som, đảo Phú Quốc cho một người Trung Hoa tên là Mạc Cửu... Mạc Cửu đã cho xây dựng một pháo đài ở Peam, tuyển mộ binh lính và thủy thủ. Có lần một hạm đội Xiêm La đổ bộ gần thị trấn, để yểm trợ cho Thomo Réachea, bị quân của Mạc Cửu tiêu diệt gần hết. Tuy nhiên, theo Lê Hương trong quyển Sử Cao Miên, Nhà Sách Khai Trí ấn hành, Sài Gòn, 1962, trang 168-169, năm 1715, Mạc Cửu quy phục chúa Nguyễn, quốc vương Nặc Ang Em bèn giao việc kiểm soát từ biên giới Xiêm La đến Hà Tiên cho người Việt cai quản. Về sau Mạc Cửu trả lại Kampot và Kompong Som nhưng tỉnh Peam và đảo Phú Quốc vẫn do hậu duệ của Mạc Cửu cai trị cho vua Việt Nam. Những nhà sử học Cao Miên phải nên nhớ rằng, mặc dù Mạc Cửu làm quan Ốc Nha cho Chân Lạp, nhưng năm 1687, khi quân Xiêm La đánh chiếm Hà Tiên và bắt Mạc Cửu về Vọng Các, thì triều đình Chân Lạp không hề tiếp cứu. Sau hai năm bị giam cầm ở Vọng Các, Mạc Cửu trốn thoát và tự đánh chiếm lại Hà Tiên mà không có sự trợ giúp nào của triều đình Chân Lạp. Lúc này Mạc Cửu không còn là quan Ốc Nha của Chân Lạp nữa. Đến năm 1715 khi vua Ang Em bị Nặc Ông Thâm kéo quân Xiêm La về vây đánh. Ang Em không chống nổi, nên chạy sang cầu cứu với triều đình Việt Nam và giao cho Mạc Cửu cả vùng duyên hải chạy dài từ Hà Tiên đến biên giới Thái Lan. Lúc bấy giờ làm gì vua Ang Em không biết Mạc Cửu đã là Tổng Binh của triều đình Việt Nam? Biết chứ! Nhưng để cho an toàn, để cho có người bảo vệ cả một vùng duyên hải cho an toàn những vùng đất đai bên trong của mình mà Ang Em đã chấp nhận giao hết toàn bộ đất vùng duyên hải cho Mạc Cửu. Ang Em phải dựa vào thế lực của triều đình nhà Nguyễn để chống lại kế hoạch tiêu diệt Chân Lạp của người Xiêm La. Ngay chính sử Cao Miên cũng thừa nhận việc chuyển nhượng chủ quyền này xảy ra khi Ang Em là quốc vương Chân Lạp. và việc chuyển nhượng này là hoàn toàn phù hợp với quốc tế công pháp thời đó, vì vua là chủ của một đất nước. Về sau này, sau khi lên ngôi vua Chân Lạp, Nặc Ông Tôn lại xác nhận một lần nữa về việc dâng hiến 5 phủ này cho họ Mạc, để đền ơn Mạc Thiên Tứ đã giúp cho nhà vua được lên ngôi.

(3)​Lãnh địa vùng đất Hà Tiên thời Mạc Cửu tới khai khẩn rộng lớn hơn bây giờ nhiều, vì về phía Tây của trấn Hà Tiên thời đó giáp với Xiêm La, phía Bắc giáp với Cao Miên, và phía Tây Nam giáp Vịnh Thái Lan. Ngày đó trấn Hà Tiên chạy dài từ Trấn Giang, Ba Thắc, Bạc Liêu, Cà Mau, lên Rạch Giá, Long Xuyên, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Linh Quỳnh, Hương Úc (Kompngsom của Cao Miên ngày nay). Nhờ có tài và sẵn có tiền của từ trước khi về khai khẩn trấn Hà Tiên, nên Mạc Cửu đã biến Hà Tiên thành một trung tâm thương mạigiải trí lớn nhất của Xứ Đàng Trong. Để tiện việc thu mua sản phẩm, Mạc Cửu đã đặt đúng vị trí những điểm thu mua nông sản và thủy hải sản tại các vùng từ Rạch Giá qua Long Xuyên, Ba Thắc, Bạc Liêu và Cà Mau. Với cửa biển sâu, lại được thông với đầm Đông Hồ chảy vào sông Giang Thành đi thẳng vào nội địa Cao Miên, và nhờ vị trí đặc biệt hướng ra Vịnh Thái Lan, lại rất gần với các xứ Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương (Indonesia), Tân Gia Ba (Singapore), nên Hà Tiên đã nhanh chóng trở thành một cảng khẩu lớn nhất thời bấy giờ.

(4)​Trong khoảng những năm 1688-1689, xảy ra 2 biến cố lớn, có ảnh hưởng quyết định tới việc Mạc Cửu xin nội nhập vùng Hà Tiên với Xứ Đàng Trong: Thứ nhất , năm 1688, Phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tiến nổi lên giết chủ tướng rồi nắm quyền cai quản vùng Mỹ Tho Đại Phố và cả dòng sông Cửu Long. Nhóm này cướp bóc tiền của của những thương nhân người Khmer qua lại trên sông để buôn bán với thương nhân các nước khác. Lúc này Nặc Ông Nộn là em vua Nặc Thu, lại tranh quyền với vua anh, đồng lõa với nhóm người Hoa này. Biến cố thứ 2 là với sự tiếp tay của nhóm Hoàng Tiến, Nặc Ông Nộn tiến quân về đánh Nam Vang, nhưng đánh mãi không thắng. Khi đó, có sách nói là Mạc Cửu bị người Xiêm bắt về Vọng Các, nhưng trên thực tế, Mạc Cửu đang làm quan cho Nặc Thu, không thể nào yên thân trước cánh quân của Nặc Nộn đang đánh vào Nam Vang, nên ông đã theo chân người Xiêm chạy lên hướng Bắc để qua xứ Xiêm La. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời này Nặc Thu (Ang Saur) giao hảo rất tốt với người Xiêm, không thể có chuyện quân Xiêm La đánh Phương Thành. Điều này cũng được Vũ Thế Dinh ghi lại rõ ràng trong Mạc Thị Gia Phả như sau: “Tướng Xiêm La thấy Mạc Cửu là người hùng dũng cương nghị, trong bụng rất mến, nên đối đãi tử tế và khuyên ông nên cùng theo về nước...” Như vậy, rất có thể Mạc Cửu không bị quân Xiêm La bắt, mà chỉ theo quân Xiêm để lánh nạn Nặc Nộn mà thôi.

(5)​Cũng theo Mạc Thị Gia Phả, Vũ Thế Dinh ghi: “Bên xứ Xiêm La, vua Xiêm cho ông được ra trú ngụ tại vùng thuộc địa nước Xiêm bên bờ biển núi Vạn Tuế Sơn (Mung Tachi, địa phận Muang Galapuri). Gặp lúc Xiêm La đang xảy ra nội loạn, ông liền ngầm dẫn dắt dân chúng đi theo về Lũng Kỳ.” Vào khoảng năm 1687, Phó tướng Hoàng Tiến đã nổi lên giết Chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi chiếm lãnh vùng sông Tiền, phong tỏa đường đi Nam Vang, thẳng tay giết chóc và cướp bóc người Cao Miên, khiến cho họ căm ghét người Hoa. Đến năm 1688, người Hoa lại theo về với Nặc Ong Nộn đánh chiếm thành Nam Vang, nhưng không chiếm được lòng dân, nên người Cao Miên đã truy lùng tìm bắt người Hoa khắp nơi trong xứ. Thấy tình hình quá căng thẳng, Mạc Cửu phải tìm đường thoát thân, nhưng sông Cửu Long đã bị Hoàng Tiến phong tỏa, nên ông đành phải chaỵ qua Xiêm La. Tại đó, ông được vua Xiêm cho ra bãi Vạn Tuế Sơn trú ngụ khoảng 10 năm. Mãi đến năm 1699, Mạc Cửu mới tìm về Lũng Kỳ và bắt đầu khai khẩn vùng Hà Tiên trấn.

(6)​Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Tập I, có ghi: “Có mưu sĩ là Tô Quân nói với Cửu rằng: Người Chân Lạp giảo quyệt, ít trung hậu, không thể cậy nhờ lâu dài được. Nghe nói Thiên Vương Nam triều, tức chúa Nguyễn Phúc Chu, nhân nghĩa lẫy lừng, oai đức gồm đủ, chi bằng gõ cửa xưng thần để kết làm thế vững vàng, nếu chẳng may có biến thì dựa vào đó để được giúp đỡ. Cửu khen là hay. Mùa thu năm Mậu Tý, năm Hiển Tông Hoàng Đế thứ 17, 1708, Cửu cùng thuộc hạ là bọn Trương Cầu và Lý Xá, đem ngọc lụa tới cửa khuyết dâng biểu xưng thần, xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa thấy Cửu tướng mạo khôi kiệt, cử chỉ kính cẩn, khen là trung thành, sắc cho làm đất phụ thuộc, gọi là trấn Hà Tiên, phong cho Cửu làm Tổng binh, ban cho ấn thụ. Lại sai nội thần trong cung tiễn ra tới ngoài cửa đô thành, người ta đều cho là vinh dự.”

(7)​Năm 1708, Mạc Cửu cùng thuộc hạ dong buồm ra Phú Xuân dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chu ở xứ Đàng Trong vùng đất Hà Tiên. Chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu thấy ông tướng mạo đỉnh đạt khôi ngô, tới lui kính cẩn, khen là người trung thành, sắc phong cho làm thuộc quốc, đặt tên là Hà Tiên Trấn, cho ông làm chức Tổng Binh, ban cho ấn thụ và sai nội thần tiễn chân tới quốc môn. Phải thành thật mà nói, miền đất tận cùng của vùng đất phương Nam, nhất là vùng Hậu Giang, được phồn thịnh như ngày hôm nay phần lớn do công sức đóng góp ban đầu của cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích. Từ vùng đất Mang Khảm, tức Hà Tiên bây giờ, hai cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích đã dần dần khai khẩn đất đai miền Tây và thành lập 4 huyện rồi đem dâng cho chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong. Đó là các huyện Long Xuyên, ngaỳ nay là vùng Cà Mau; huyện Kiên Giang, ngày nay là vùng Rạch Giá; huyện Trấn Di, ngày là vùng Bạc Liêu; và huyện Trấn Giang, ngày nay là vùng Cần Thơ.

(8)​Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn, trận giặc này xảy ra vào tháng 2 năm Ất Mùi, 1715. Tuy nhiên, theo Turpin trong sách Lịch Sử Văn MinhTự Nhiên của Vương Quốc Xiêm La (Histoire civile et naturelle du royaume de Siam), xuất bản tại Paris vào năm 1771, và sách Sự kiện mới của vùng Đông Ấn (New Account of the East Indies, Édimbourg, 1727) của Alexandre Hamilton, thì cả hai đều ghi trận giặc này xảy ra vào năm 1717. Nhất là ông Hamilton đã đến Hà Tiên vào năm 1720, đã nói chuyện với nhiều thị dân tại đây về trận giặc này, và chính mắt ông còn thấy cảnh đổ nát của vùng này với nhiều xác tàu chìm còn nằm ngổn ngang trên bãi biển. Trong khi đó, theo Trinh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, trong tiểu đề mục “Tiểu Lũng Kỳ”, ghi chép trận giặc này đúng vào mùa xuân năm Mậu Tuất, 1718. Theo Nguyễn Văn Nguyên, dịch giả quyển Hà Tiên Trấn Hiệp Trấn Mạc Thị Gia Phả của Vũ Thế Dinh, NXB Thế Giới, 2006, có ghi: “Tướng nước Xiêm La thấy ông Thái Công, tức Mạc Cửu, người có vẻ hùng nghị, nên rất yêu mến, rồi khéo dụ ông đem về nước, ông bất đắt dĩ phải đi theo về Tiem6 La. Vua Tiêm La thấy dung mạo ông, rất mừng và giữ ông ở đấy. Sau ông phải nói khéo với những bầy tôi thân cận của vua nước Xiêm, xin cho ông ra ở nơi bãi biển núi Vạn Tuế, thuộc địa của nước Xiêm. Chợt gặp lúc nước Xiêm có nội biến, ông mới ngầm đem những người dân theo ông qua đây quay về đất Lũng Kỳ.” Như vậy, chuyện ông bị Xiêm La bắt đi hay bị khéo dụ đi qua Xiêm La hãy còn là một vấn đề cần đến sự nghiên cứu tìm tòi của các nhà sử học về sau này.

(9)​Năm Thiệu Trị thứ 3, 1843, nhà vua có ban 3 đạo sắc phong: ngày mồng 2 tháng 7 và ngày mồng 2 tháng 7 nhuận.

 

Hình 1: Bản đồ Trấn Hà Tiên được Mạc Cửu khai phá và phát triển từ năm 1671.

 

 

Hình 2: Sơ đồ Khu Di Tích Của dòng họ Mạc tại Núi Bình San,

ảnh tháng 10 năm 2019.

 

Hình 3: Hình ngôi mộ của quan Tổng Binh Đại Đô Đốc Mạc Thiên Tích.

 

Hình 4: Một trong hai pho tượng trước mộ của Mạc Cửu.

 

Hình 5: Cổng vào lăng mộ gia đình họ Mạc trên Núi Bình San, Hà Tiên.

** Hình 3, 4, và 5 được một người lính Pháp đồn trú tại Hà Tiên,

tên Roland Drosson chụp vào năm 1953.

 

Hình 6: Tượng đài Mạc Cửu tại chân cầu Tô Châu

trong thị xã Hà Tiên, ảnh 2015.

 

Hình 7: Cổng vào khu Lăng Mộ Mạc Cửu trên núi Bình San,

có 2 câu đối trước cổng tam quan Mạc Công Miếu:

“Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng,

Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh”, ảnh 2015.

 

 

 

 

Hình 7-8-9-10-11: Bên trong khu Mạc Công Miếu, ảnh 2015.

 

Hình 12: Cổng vào Lăng Mộ của Mạc Cửu, ảnh 2015.

 

 

Hình 13-14: Đường đi đến Lăng Mộ của Mạc Cửu, ảnh 2015.

 

Hình 15: Lăng Mộ của Mạc Cửu, ảnh 2015.

 

 

 

TỔNG BINH ĐẠI ĐÔ ĐỐC MẠC THIÊN TÍCH (1706-1780): VĂN VÕ TOÀN TÀI, NGƯỜI

CÓ CÔNG TRONG VIỆC BÌNH ĐỊNH &

GOM HẾT PHẦN CÒN LẠI CỦA THUỶ

CHÂN LẠP VỀ TAY XỨ ĐÀNG TRONG

 

     Mạc Thiên Tích, tên thật là Bạc Tông, tự là Sĩ Lân, trước tên là Thiên Tứ, người gốc Trung Hoa con trưởng của quan Tổng Binh Mạc Cửu, người đã có công khai phá đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ sanh năm Bính Tuất, 1706 (1) tại Lũng Kè (Peam), thuộc Chân Lạp. Mẹ ông tên Bùi thị Lẫm, người vùng Đồng Môn, Biên Hòa, nhưng được chúa ban quốc tính họ Nguyễn (2). Thiên Tích tánh tình khí khái, thông minh hơn người, học thức uyên bác, lại tinh thông võ nghệ.

     Khi Mạc Cửu mất vào năm Bính Thìn, 1736, Thiên Tích được chúa Túc Tông Nguyễn Phước Trú phong cho ông chức Tổng Binh Đại Đô Đốc, tiếp tục cai quản đất Hà Tiên và khai khẩn các vùng đất lân cận. Chúa Nguyễn còn ban cho ông 3 chiếc thuyền Long Bài. Ngoài ra, chúa Túc Tông cho ông toàn quyền đúc tiền để tiện việc buôn bán và khuếch trương thương mãi. Chính vì vậy mà dưới thời Mạc Thiên Tứ, Hà Tiên trở thành tụ điểm của thương nhân đến từ các nước để làm ăn buôn bán. Sau đó ông lo việc đắp thành lũy, mở chợ, làm đường sá, tuyển thêm quân binh, cất trường học và rước thầy về dạy Nho học để khai hóa cho dân chúng trong vùng. Ngoài ra, ông còn tập họp các văn nhân thi sĩ khắp nơi về Hà Tiên. Vào mùa xuân năm Bính Thìn, 1736, ông thành lập Chiêu Anh Các, để cùng nhau xướng họa (3). Thời bấy giờ ông Nguyễn Cư Trinh đang trấn nhậm chức Gia Định Khẩu Súy Tham Mưu, cũng thường lui tới bầu bạn văn thơ với Thiên Tích.

     Chính nhờ công lao của Mạc Thiên Tích mà lần lượt chúa Nguyễn có thêm 2 vùng Tâm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công), do vua Nặc Ông Nguyên dâng hiến), rồi sau đó là vùng Tầm Phong Long (Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc). Mùa Xuân năm Kỷ Mùi, 1739, vua Chân Lạp là Nặc Bồn (4) đem quân sang đánh phá Hà Tiên. Trong khi Mạc Thiên Tứ đích thân chỉ huy đánh dẹp, vợ của Mạc Thiên Tứ là Nguyễn Thị Hiếu Túc cũng hợp sức đốc thúc vợ lính chuyển quân lương và vũ khí cho binh sĩ. Chính nhờ vậy mà binh sĩ hăng say chiến đấu, nên Thiên Tích dẹp được Nặc Bồn. Từ đó quân Chân Lạp không còn đem quân sang đánh phá nữa. Được tin thắng trận chúa Nguyễn Phúc Khoát phong cho Thiên Tích chức Đô Đốc Tướng Quân, và vợ ông được phong làm Hiếu Túc Thái Phu Nhân.

     Năm Đinh Mão, 1747, Mạc Thiên Tứ sai người dùng thuyền Long Bài đem phẩm vật về Huế cung tiến Chúa Nguyễn. Chúa hết sức ngợi khen, cho 4 đạo sắc Cai Đội, Đội Trưởng làm việc ở trấn, lại ban cho ông gấm vóc đồ đạc rồi cho về. Trên đường về, thuyền Long Bài gặp tên giặc cướp biển tên Đức, tức Đức Bụng, chận thuyền cướp của ngoài biển vùng Long Xuyên, nay là vùng Cà Mau. Lúc đó vùng biển Cà Mau thường bị nạn cướp biển, Thiên Tích sai con rể là Từ hữu Dụng đem 10 chiến thuyền vây bắt được bốn tên, còn tên Đức chạy về Ba Thắc bị dân địa phương giết chết, từ đó bọn cướp tan rã.

     Năm Ất Hợi, 1755, khi chúa Định Vương bỏ thành Phú Xuân chạy vào Nam, được ông theo giúp. Mùa Xuân năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên đã ba năm liền không chịu nộp cống cho chúa Nguyễn, lại còn đánh phá người Côn Man. Chúa truyền Nguyễn Cư Trinh thống lĩnh tướng sĩ năm dinh đi chinh phạt. Nặc Nguyên thua phải chạy về Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tích xin được dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (bây giờ là hai vùng Tân An và Gò Công) để tạ tội với chúa Nguyễn, và xin nộp đủ số cống vật còn thiếu trong ba năm.

     Năm Đinh Sửu, 1757, sau khi Nặc Nguyên mất, triều đình Chân Lạp rối rắm. Nặc Nhuận là chú họ của Nặc Nguyên tạm thời nhiếp chánh. Sau đó Nặc Nhuận xin được lập lên làm vua, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ra điều kiện Nặc Nhuận phải dâng 2 phủ Trà Vinh và Ba Thắc (tức Trà Vinh và Sóc Trăng ngày nay) rồi mới ưng thuận. Tuy nhiên, sau khi Nặc Nhuận vừa dâng 2 phủ này xong thì bị con rể là Nặc Hinh giết chết để cướp ngôi. Con trai Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu với Mạc Thiên Tứ và xin Tứ nhận ông làm con nuôi. Mạc Thiên Tứ xin với chúa Võ Vương đưa quân đánh dẹp Nặc Hinh và đưa Nặc Tôn về nước lên ngôi vua (5). Sau khi lên ngôi, Nặc Tôn xin dâng vùng Tầm Phong Long, nay là vùng Vĩnh Long, Sa Đéc, Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh. Ngoài ra, Nặc Tôn cũng xin dâng 5 phủ Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng-Rưm), Sài Mạc (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (từ Sre Ambel đến Peam). Một phần của 5 phủ này nay thuộc Hà Tiên, phần còn lại, một thời gian sau được trả về cho Cao Miên.

     Năm Ất Dậu, 1765, giám mục Bá Đa Lộc (Béhaine de Pigneau) đã thành lập tại Hòn Đất một chủng viện nhỏ, với khoảng 40 giáo dân Việt, Hoa và Xiêm sống trong những ngôi nhà được làm bằng tre. Năm Đinh Mão, 1867, Bá Đa Lộc cho vị Hoàng tử cựu trào của Xiêm La là Chiêu Thúy trú ngụ trong chủng viện Hòn Đất (6). Mùa thu năm Đinh Hợi, 1767, một nhóm người Triều Châu của Thanh triều được chỉ huy bởi Hoắc Nhiên, đem quân đến trú đóng trên đảo Cổ Công, có ý dòm ngó Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đem quân đến vây bắt, giết chết Hoắc Nhiên, đồng bọn cũng tan rã sau đó. Năm 1768, lấy cớ truy lùng một Hoàng tử cựu trào của Xiêm La tên là Chiêu Thúy, vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh mang quân đến chiếm Hòn Đất, bắt giam nhiều giáo sĩ Thiên Chúa điều tra để tìm ra nơi trú ẩn của Chiêu Thúy. Đồng thời vua Xiêm cũng sai tướng Chất Tri (Chakri, sau này trở thành vua Rama Chakri I của Xiêm La) mang quân bảo hộ Chân Lạp và đưa Nặc Ong Nộn (Ang Non II) lên làm vua Cao Miên. Nặc Tôn thua trận phải chạy về Gia Định lánh nạn. Quân Xiêm đóng tại Hòn Đất một thời gian, nhưng không tìm ra được Chiêu Thúy, nên rút đi. Tuy nhiên, trước khi rút lui, tướng Xiêm La cho thành lập tại đó một căn cứ hải quân và một toán cướp biển với mục đích nghe ngóng tình hình để tìm cơ hội đánh chiếm Phú Quốc và Hà Tiên về sau này.

     Năm Kỷ Sửu 1769, có người Triều Châu tên Trần Thái, liên kết với Mạc Sùng trên núi Bạch Mã, được gia nhân của Mạc Thiên Tứ là Mạc Khoan làm nội ứng nổi lên đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tích phục binh đánh và bắt được Sùng và Khoan, phá tan đồ đảng, còn Trần Thái thì trốn chạy sang Xiêm. Công việc phát triển Hà Tiên đang tiến hành tốt đẹp thì vào mùa Thu năm Canh Dần 1770, một cận thần của Mạc Thiên Tứ, tên là Phạm Lam tập họp bọn cướp ở Hương Úc, Cần Bột cùng với tên Vinh Ly Ma Lư, gốc người Mã Lai, và Ốc nha Kê người Cao Miên, tập họp trên 800 người và 15 chiến thuyền, chia hai đường thủy bộ tiến đánh Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đem quân ra nghênh chiến giết được Phạm Lam, bắt sống Ốc Nha Kê và Vinh Lu Ma Lư (Vinly Malu, người Mã Lai). Sau nhiều năm liên tiếp Hà Tiên bị giặc giã nổi lên khắp nơi, Thiên Tứ dâng sớ xin chịu tội với chúa Nguyễn. Chúa biết dòng họ Mạc đã hết lòng với đất nước Việt, nên an ủi và căn dặn các quan quân Gia Định phải cứu nguy Hà Tiên khi có biến.

     Tháng mười năm Tân Mão 1771, được tin vua Xiêm là Trịnh Tân đang chuẩn bị đánh Hà Tiên (7), Thiên Tích liền gửi thư báo cho Gia Định biết. Năm trước Tống văn Khôi đã cho quân đi cứu viện nhưng không thấy gì, nên lần này dụ dự chưa muốn cất quân. Lúc đó thì tên Trần Thái dẫn đường cho hai vạn quân Xiêm chia ra hai đường thủy bộ tiến đánh Hà Tiên. Thiên Tích biết mình quân ít, nên cố thủ trong thành và cho người cấp báo với dinh Long Hồ xin cứu viện. Quân Xiêm kéo qua đóng trên núi Tô Châu, dùng súng đại bác bắn vào thành. Trong đêm, kho thuốc súng trong thành phát hỏa làm dân chúng trong thành rối loạn, quân Xiêm nhân đó phá cửa sau thành mà tiến vào đốt doanh trại. Dù cố gắng chống đỡ, nhưng quân Xiêm quá đông, quân của Thiên Tích bị tan rả. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ đều bị quân Xiêm bắt đem về Bangkok. Thiên Tứ cùng Cai đội Đức Nghiệp lên thuyền chạy. Các con là Tử Hoàng, Tử Thàng và Tử Duyên từ Châu Đốc đem thủy quân phá vòng vây, chạy về Rạch Giá, rồi qua Trấn Giang (nay là Cần Thơ). Tướng Xiêm là Trần Liêm vừa đuổi quân của Thiên Tích và các con đến Châu Đốc thì gặp quân cứu viện của Tống Phước Hiệp (lúc ấy là Lưu thủ dinh Long Hồ). Quân Xiêm rút lui, chiến thuyền Xiêm gặp ngõ cụt trên sông nên bị mắc cạn. Quân của Tống Phước Hiệp đánh phá dữ dội, tướng Xiêm là Trần Liêm phải bỏ thuyền chạy bộ về Hà Tiên, trên đường rút chạy lại bị quân của Nguyễn hữu Nhân đón đánh nên quân Xiêm chết hơn phân nửa. Thấy không xong, vua Xiêm để Trần Liêm ở lại Hà Tiên còn mình thì rút quân về Chân Lạp. Thiên Tích gửi cấp báo về tạ tội với chúa Nguyễn về việc để mất thành Hà Tiên, chúa đã hiểu rõ tình hình nên ban thư an ủi và cấp thêm lương thực, lại còn bảo quan trấn thủ Gia Định đưa quân thêm xuống Trấn Giang để kêu gọi dân chúng trở về đánh đuổi giặc Xiêm.

     Mùa Hè năm Nhâm Thìn, 1772, vua Xiêm đem quân đi đánh Chân Lạp, Nguyễn cửu Đàm chỉ huy quân Gia Định đến Nam Vang cứu viện, Cửu Đàm phá được quân Xiêm, vua Xiêm chạy về Hà Tiên gửi thư cầu hòa với Mạc Thiên Tích, nhưng Thiên Tích không thuận, vua Xiêm bèn cho Trần Liên tiếp tục trấn giữ Hà Tiên còn tự mình tiếp tục dẫn quân đi cướp phá khắp nơi. Năm 1773, chúa ra lệnh cho Thiên Tích mượn tiếng sang Xiêm để giảng hòa với vua Xiêm để dò xét tình hình. Thiên Tứ cho sắm sửa lễ vật sang cầu hòa với vua Xiêm, vua Xiêm rất mừng, trả lại con trai và con gái của Thiên Tích bị Xiêm bắt năm trước và triệu Trần Liêm về, trả lại trấn Hà Tiên cho Thiên Tích. Tuy nhiên, lúc bấy giờ nhà cửa dinh thự ở Hà Tiên đều bị quân Xiêm phá hủy nên Thiên Tích phải lưu lại Trấn Giang (Cần Thơ) và cho con là Mạc Tử Hoàng về Hà Tiên lo sửa sang trước. Năm Giáp Ngọ, 1774, giám mục Bá Đa Lộc trở về Hòn Đất thành lập họ đạo tại đây. Năm 1775, Mạc Thiên Tích tiếp đãi vị giám mục này rất trọng hậucho phép đi giảng đạo ở Hà Tiên

     Mùa Xuân năm Ất Mùi (1775), chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy trốn quân Trịnh, đến Bến Nghé, thì Mạc Thiên Tích đã dẫn hết gia đinh lên bái yết chúa. Chúa rất cảm động, ban cho Thiên Tích lên chức Đô Đốc Quận Công, phong cho Mạc Tử Hoàng làm Chưởng cơ, Mạc Tử Thàng làm Cai cơ, và Mạc Tử Duyên làm Tham Tướng, tất cả được lệnh trở về giữ Trấn Giang (nay là vùng Cần Thơ). Năm Bính Thân, 1776, khi quân Tây Sơn vào đánh thành Gia Định, quân chúa Nguyễn lại bị quân Tây Sơn truy nã rất gắt, hoàng thân Dương bị Tây Sơn bắt giết tại Sài Gòn, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Cần Thơ hợp binh với Thiên Tích. Thiên Tích đã cùng các con là Mạc Tử Dung, Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thàng phò tá chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần đóng giữ ở Trấn Giang, nay là vùng Cần Thơ. Con của Thiên Tích là Tham Tướng Mạc Tử Duyên cũng bị thua và tử trận tại Trấn Giang. Mạc Thiên Tích bèn rước chúa Nguyễn chạy về Trấn Giang để bảo vệ. Chúa Nguyễn Phúc Thuần sai Đỗ Thành Nhân ra Bình Thuận mời Châu văn Tiếp vào giúp. Trong khi đó thế quân Tây Sơn quá mạnh, mà Trấn Giang lại không hiểm yếu, khó lòng trốn thoát Tây Sơn, nên xin rước chúa theo sông cạn Cần Thơ qua Kiên Giang, rồi tạm lánh ra các đảo nhỏ ngoài khơi Phú Quốc. Trên đường, chúa Nguyễn Phúc Thuần có ý muốn dong buồm qua Trung Hoa cầu cứu với nhà Thanh.

     Năm Đinh Dậu, 1777, khi tới Long Xuyên thì chúa Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn bắt giữ. Mạc Thiên Tích cùng một tướng của chúa Nguyễn là Tôn Thất Xuân trốn qua Xiêm, được vua Xiêm tiếp đãi trọng thể. Nhưng đến năm Canh Tý, 1780, có người tâu với vua Xiêm là bắt được thư của Gia Định sai Mạc Thiên Tích và Tôn Thất Xuân làm nội ứng lấy thành Vọng Các. Vua Xiêm tức giận cho vời Thiên Tích vào gạn hỏi. Con trai của Thiên Tích là Tử Thàng cũng biện hộ cho cha, nói rằng đó chỉ là điều vu khống liền bị vua Xiêm giết ngay. Mạc Thiên Tích phẫn uất nên tự tử. Ông chết năm 70 tuổi. Số phận của Tôn Thất Xuân, Cai cơ Tham, Cai cơ Tịnh, Mạc Tử Hoàng và 50 tùy tùng đều bị hại sau đó. Tuy nhiên, người con nuôi là Tử Sinh và người em là Tử Tuấn, Tử Thiêm và các cháu là Công Bình, Công Du, Công Tài (con của Tử Hoàng) được một vị đại thần Xiêm tên là Kha La Hân xin vua tha mạng, nên chỉ bị đày đi xa mà thôi. Đến khi đại tướng Chất Tri của Xiêm tự lập lên làm vua, cho đem các cháu của Thiên Tích về Vọng Các nuôi dưỡng. Khi Nguyễn Ánh sang Xiêm, ông cho tìm con cháu của Mạc Thiên Tích đưa trở về đánh Tây Sơn. Mạc Tử Duyên chết tại Cần Thơ năm 1788, được phong Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ, Chưởng Vệ Sự Đô Đốc Chưởng Cơ. Mạc Công Bính, cháu nội Thiên Tích, làm lưu thủ Long Xuyên. Mạc Tử Thiêm, con trai Thiên Tích, làm Cai cơ, rồi sau đó trấn thủ Hà Tiên. Mạc Công Du làm Cai cơ, rồi trấn thủ Hà Tiên. Con cháu của Thiên Tích cũng nối tiếp làm trấn thủ Hà Tiên.

     Phải nói dưới thời Mạc Thiên Tích, kể từ năm Bính Thìn, 1736, việc buôn bán ở Hà Tiên còn tấp nập hơn trước. Cảng Khẩu và đầm Đông Hồ lúc nào tàu thuyền thương hồ cũng đậu kín. Trong khi đó, dòng sông Giang Thành thì ghe thuyền đi Cao Miên lúc nào cũng ngược xuôi tấp nập. Hai bên bờ là san sát những chành vựa. Lúc này chúa Nguyễn cho phép Mạc Thiên Tích được đúc tiền riêng, lấy tên là Thái Bình, và đồng tiền Thái Bình thời đó có thể được dùng cho giao dịch quốc tế. Mãi hơn 100 năm sau, khi Trịnh Hoài Đức đến Hà Tiên mà sự sầm uất nơi xưởng đóng thuyền ở chân núi Ngũ Hổ, cách đầm Đông Hồ khoảng vài trăm trượng vẫn còn sung mãn, khiến ông đã phải thốt lên: “Thuyền biển, thuyền sông đi laị như mắc cửu, thật là một nơi đô hội miền biển.” Vào thời điểm Trịnh Hoài Đức đến Hà Tiên, sau nhiều thay đồi, chiến tranh, ly tán, hoạt động giao thương đã sút giảm đi rất nhiều so với trăm năm trước mà còn như vậy, mới biết vào kỳ cực thịnh, trấn Hà Tiên sầm uất thế nào.

     Đời Minh Mạng, Mạc Thiên Tích được phong tặng Tổng Binh Đại Đô Đốc Quốc Lão Sùng Quận Công Đạt Nghĩa Chí Thần, cho phép dân xã Mỹ Đức thờ tự. Về sau vua Thiệu Trị và Tự Đức cũng ban sắc phong thần cho ông. Hiện tại trong Mạc Công Miếu, các sắc phong các triều vua ban cho ông vẫn còn được lưu giữ đầy đủ và được bảo quản trong tình trạng tốt. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng 10 âm lịch, dân chúng vùng Hà Tiên tề tựu đông đảo về đây cúng giỗ cho ông.

     Mạc Thiên Tích là tác giả của nhiều tập thơ, trong đó có Hà Tiên Thập Cảnh (8); Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh hay Tứ Cảnh Hồi Văn Thụ Đức Hiên (9); “Hà Tiên Thập Vịnh Tập (10)”, một tập thơ vịnh về đất Hà Tiên rất nổi tiếng, gồm các bài Kim dự Lan đào (Đảo Kim chận sóng), Bình Sơn điệp thúy (Núi Bình xanh biếc), Tiêu tự thần chung (Chuông sớm chùa Tiêu), Giang Thành dạ cổ (Trống đêm Giang Thành), Thạch động thôn vân (Động Đá nuốt mây), Châu Nham lạc lộ (Cò đậu núi Châu), Đông Hồ Ấn Nguyệt (Trăng in Đông Hồ), Nam Phố trừng ba (Phố Nam im sóng), Lộc Trĩ thôn cư (Cảnh làng núi Lộc), Lư khê ngư bạc (Thuyền đậu khe Lư). Mười bài thơ này do chính Mạc Thiên Tích sáng tác, được rất nhiều người khác trong Chiêu Anh Các (11) họa lại thành một thi tập tổng cộng 320 bài thơ chữ Hán của 32 tác giả (12). Trong số những người nổi trong nhóm có Trần Tự Hương, Mạc Triêu Đán, Trịnh liên Sơn, Châu Phách... Ngoài ra, theo Trịnh Hoài Đức thì Mạc Thiên Tích còn là tác giả của các bộ sưu tập “Minh Bột Di Ngư Thi Thảo (13)” (sưu tập các bài thơ của nhóm Chiêu Anh Các), “Hà Tiên Vịnh Vật Thi Tuyển”, “Châu Thị Trịnh Liệt Tặng Ngôn”, “Thi Truyện Tặng Lưu Tiết Phụ” và “Thi Thảo Cách Ngôn Vi Tập”. Dưới đây là bài Trống Canh Giang Thành, một trong Hà Tiên Thập Cảnh:

​​            “Trống canh Giang Thành thú nổi oai phong,

​​              Nghiêng giáng đòi canh ỏi núi sông.

​​              Đánh phá mặt gian người biết tiếng,

​​              Vang truyền lịnh sấm chúng nghiêng hàng.

​​              Phao tuôn đã thấy yên ba vạc,

​​              Nhiệm nhặt chí cho lọt mảy lòng.

​​              Thỏ lụn sớm hầu trưa bóng ác,

​​              Tiếng xe sầm sạt mới nên công.”

     Hà Tiên là vùng đất mới được Mạc Cửu tạo lập và Mạc Thiên Tứ chẳng những có công nối nghiệp cha mình là Mạc Cửu, ông còn là một con người cũng giàu nghị lực như cha, có chí tiến thủ, không ỷ lại vào những gì cha mình đã gầy dựng, không ngồi đó để hưởng thụ những gì mà người đời cho là được kế thừa và được phép hưởng thụ. Cũng như cha mình, Mạc Thiên Tứ luôn tỏ ra yêu mến thần dân trong lãnh địa của mình, vì đó là nguyên tắc cốt lỏi trong lãnh đạo, vì lãnh đaọ mà không được lòng dân thì không sớm cũng muộn sẽ phải bị đào thải. Dòng họ Mạc có công rất lớn trong việc khai phá, bình định và phát triển Hà Tiên, mà còn biến Hà Tiên thành xứ sở của văn hiến cùng thời với đất Gia Định của vùng Đất Phương Nam. Hai cha con họ Mạc đã chăm lo chiêu hiền đãi sĩ, đào tạo nhân tài ngay trong hàng ngũ quân binh và dân, tức những người không thuộc dòng họ lãnh đạo. Nhờ vậy mà ai nấy cũng đều nức lòng kéo nhau về lập nghiệp trong lãnh địa của dòng họ Mạc thời đó. Mạc Thiên Tứ còn cho lập Tao Đàn Chiêu Anh Các, miếu thờ Khổng Tử, lập nhà Nghĩa Học để dạy các thanh niên ưu tú trong trấn, mà nghèo không tự túc đi học được. Đồng thời, ông cho mời những người từ Trung Hoa sang đây mà có khả năng văn học đến dạy học tại trường Nghĩa Học. Trong khi đó, cả Gia Định và Thuận Hóa chưa lấy có một thi đàn nào cả. Khiến cho Nguyễn Cư Trinh khi được cử vào Kinh Lược xứ nầy đã phải hết lòng tán thưởng và thường xuyên lui tới để cùng Thiên Tứ họa thơ. Quả là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử văn học nước nhà. Một nhóm người di cư từ Bắc phương xa xôi mấy ngàn dặm, tới chỗ hẻo lánh mà chỉ chưa đầy một thế kỷ sau đó, đã biến cho vùng đất hoang vu rừng rậm thành đất văn vật. Dầu chỉ tồn tại có trên dưới 30 năm, đến năm Tân Mão, 1771, người Xiêm bắt đầu thường xuyên đánh phá, khiến mạc Thiên Tích phải lui về Gia Định. Chiêu Anh Các bị giặc Xiêm La tiêu hủy. Đến năm 1778, Thiên Tứ phải trốn nghĩa binh Tây Sơn, rồi chạy qua Xiêm La và tuẫn tiết tại đó. Dầu là người Minh Hương, Đô Đốc Mạc Thiên Tích sinh trưởng tại Hà Tiên, ông là người văn võ song toàn, là một trong những hào kiệt có công rất lớn trong việc khai phá, bình định và phát triển cả một vùng đất rộng lớn nằm về phía Tây và Tây Nam sông Hậu Giang, chạy dài từ Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên và Châu Đốc. Hậu bối của những người đi mở cõi đất phương Nam sẽ đời đời tưởng nhớ đến công lao của quan Đô Đốc Quận Công Mạc Thiên Tích và dòng họ Mạc trên vùng đất này!

 

 

Ghi Chú:

(1)​Theo Vũ Thế Dinh trong Mạc Thị Gia Phả, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2006, Mạc Thiên Tứ sanh năm Bính Tuất, 1706, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 triều Lê, năm thứ 15 đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Nơi trang 38, Vũ thế Dinh viết: “Bấy giờ là lúc ông nhà ta, tức là Mạc Thiên Tứ, vừa mới sinh ra, vào năm Tuất, tự nhiênđiềm lành kỳ lạ xuất hiện. Trong đầm Thanh Đàm ở vùng bỗng nổi lên pho tượng Phật cao bảy thước, tỏa ra ánh sáng rực rỡ chiếu thấu mặt nước. Nhà sư người thổ dân thấy vậy lấy làm lạ, tìm đến Thái công, tức Mạc Cửu, bạch rằng: Đây là điềm báo nước này xuất hiện hiền nhân, thực là phúc lớn vô biên. Thái công liền sai người tới rước tượng về. Nhưng người nhà tìm đủ mọi cách mà không sao di chuyển được tượng, đành dựng một ngôi chùa nhỏ ngay bên bờ đầm để thờ.”

(2)​Bà Bùi thị Lẫm, mẹ của Mạc Thiên Tứ, được vua ban quốc tính họ Nguyễn. Sau khi mãn phần, bà được truy tặng thụy danh Y Đức Thái Phu Nhân.

(3)​Lúc này Thiên Tứ cùng với Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, một danh sĩ Việt Đông bên Trung Hoa, đã tổ chức thành công Tao Đàn Chiêu Anh Các. Sau khi mở hội Tao Đàn tại Chiêu Anh Các vào năm 1736, đến mùa xuân năm 1737, Mạc Thiên Tứ cho khắc in Tập thơ “Hà Tiên Thập Vịnh” để lưu hành ở đời. Đó là tập thơ có 320 trang của 32 thi nhân, ca ngợi 10 cảnh đẹp của Hà Tiên, tất cả đều do Mạc Thiên Tứ xướng. Từ năm 1736 đến năm 1771, Tao Đàn tại Chiêu Anh Các đã đóng góp cho nền văn học Việt nhiều tác phẩmgiá trị như Hà Tiên Thập Cảnh, Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh, Hà Tiên Thập Cảnh Khúc Vịnh, Minh Bột Di Ngư, van6 vân.

(4)​Năm Kỷ Mùi, 1739, vua Chân Lạp là Nặc Bồn, còn gọi là Nặc Thâm, đem quân xâm lấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tích dùng lực lượng do chính ông đứng ra chiêu mộ chống lại với Nặc Bồn, được sự tiếp tay của người vợ là bà Nguyễn thị Bội Ngọc, nhũ danh Nguyễn thị Huy, miếu danh Nguyễn thị Hiếu Túc. Bà đã cùng với các vợ lính đem cơm, tiếp nước cho quân binh đang tham dự cuộc chiến. Nhờ vậy mà tinh thần binh sĩ lên cao và đã giúp ông đánh đuổi Nặc Bồn chạy về núi Sài Mạt. Tin chiến thắng đưa về, chúa Nguyễn cho là lạ, bèn đặc cách cho ông làm Đô Đốc Tướng Quân, ban cho áo bào màu đỏ và mũ đai. Vợ ông cũng được phong làm phu nhân. Từ đó Chân Lạp không dám dòm ngó tới Hà Tiên nữa.

(5)​Trong thời gian này uy danh của Mạc Thiên Tứ nổi lên như cồn, tiếng tăm lừng lẫy, nhất là thần dân trong xứ Chân Lạp dưới thời vua Nặc Tôn, con nuôi của ông. Mạc Thiên Tứ cho tàu thuyền buôn bán với Nhật Bản và Phi Luật Tân.

(6)​Năm 1767, giám mục Bá Đa Lộc cho vị Hoàng tử của cựu trào Xiêm La là Chiêu Thúy ẩn trú trong Chủng Viện Hòn Đất. Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đó quân Miến Điện tiến chiếm Xiêm La, bắt được vua Xiêm là Phong Vương (Vua Cùi, Ekkathat) và con là Chiêu Đốc, rồi thiêu hủy thành Ayutthaya, nhưng sau đó phải rút về Miến Điện vì đang bị Trung Hoa tấn công. Hai người con khác của Phong Vương là Chiêu Xỉ Khang chạy thoát sang Chân Lạp và Chiêu Thúy chạy thoát sang Hà Tiên. Trong khi đó, tại Xiêm La, một người Xiêm gốc Triều Châu tên Trịnh Quốc Anh, từng làm chức Phi Nhã (xã trưởng) đất Mang Tát, khởi binh chống lại Miến Điện rồi tự xưng làm vua. Trịnh Quốc Anh tổ chức lại lực lượng, chiêu mộ rất nhiều hải tặc, và cho người sang Chân Lạp và Hà Tiên để truy tìm 2 vị Hoàng tử của cựu trào Xiêm La. Lúc này Trịnh Quốc Anh cũng muốn triệt hạ Mạc Thiên Tứ, vì cho rằng ông Tứ là một địch thủ lợi hại cho quyền uy của ông trên đất Xiêm La.

(7)​Năm Tân Mão, 1771, vua Xiêm La là Trịnh Tân cho rằng con vua Boromonaja là Chiêu Thúy đang ở tại Hà Tiên, e rằng sẽ có mối lo về sau này. Bèn tuyển mộ quân lính chuẩn bị tiến đánh Hà Tiên. Tháng 10 năm 1771, quân Xiêm kéo 20.000 quân binh có cả thủy lục bao vây Hà Tiên. Quân Xiêm chiếm đóng núi Tô Châu rồi dùng súng đại bác bắn vào thành. Đêm đến họ cho người lẻn vào thành đốt hết kho lương thực. Quân binh trong thành Hà Tiên rối loạn, quân Xiêm La tràn vào. Lúc này Thiên Tứ đang đốc thúc quân binh đánh sáp lá cà, nhưng quân ít vũ khí lại không cân xứng với Xiêm La, nên Thiên Tứ lâm vào cảnh nguy khốn. May nhờ Cai Đội Đức Nghiệp cứu ông lên thuyền chạy ra sông Giang Thành. Trong khi đó, các con của Thiên Tứ cũng thoát được ra biển. Quân Xiêm La vào thành cướp phá tan hoang.

(8)​Hà Tiên Thập Cảnh Khúc Vịnh gồm 10 bài thơ viết bằng chữ Nôm, vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ sáng tác. Thập thơ dài 422 câu liên ngâm vừa lục bát gián thất, vừa Đường luật bát cú, liên hành. Chính tác phẩm này đã gợi ý cho Nguyễn Cư Trinh sáng tác “Quảng Ngãi Thập Nhị Cảnh.”

(9)​Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh hay Tứ Cảnh Hồi Văn Thụ Đức Hiên, theo Lê Quý Đôn thì có 88 bài thơ của 32 tác giả, họa 4 bài thơ hồi văn (theo Nguyễn Văn Khôn trong Hán Việt Từ Điển, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr. 408, hồi văn là thể văn đọc quan co xuôi ngược đều thành câu cả), vịnh phong cảnh bốn mùa của Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng tác. Sách đã được khắc in trong cùng thời gian với Hà Tiên Thập Vịnh, hiện đã bị thất lạc, chỉ còn 9 bài in trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn.

(10)​Hà Tiên Thập Vịnh là tập thơ đầu tiên được Tao Đàn Chiêu Anh Các cho khắc bản in tại Hà Tiên vào năm 1737, do chính chủ soái Tao Đàn là Mạc Thiên Tứ xướng thơ và đề tựa. Trần Trí Khải và Dư Tích Thuần viết lời bạt (Dư Tích Thuần tự Kiêm Ngũ, người đất Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông. Theo Quảng Đông Thông Chí, Dư Tích Thuần có làm sách Ngũ Sơn Đường Văn Cảo 3 quyển, Ngũ Sơn Đường Thi 12 tập). Tác phẩm có cả thảy 320 bài thơ chữ Hán của 32 tác giả, vịnh 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên. Năm Ất Hợi, 1755, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) vào Nam giao thiệp với họ Mạc, đã họa thêm 10 bài nữa.

(11)​Tao đàn Chiêu Anh Các, gọi tắt là Chiêu Anh Các. Theo thi sĩ Đông Hồ giải thích: Chiêu là chiêu tập hay hội họp. Anh là anh hùng hay anh tài. Các là tòa lầu các. Chiêu Anh Các do Trần Trí Khải tự Hoài Thủy, một danh sĩ người Việt Đông, Trung Hoa, sáng lập vào năm Bính Thìn, 1736; và Mạc Thiên Tứ làm Tao Đàn Nguyên Soái, ra đời từ năm 1736 ở Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây chẳng những tổ chức gần giống như hội Tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông (1442-1497), mà còn là nơi thờ đức Khổng Phu Tử, nơi chiêu tập các bậc hiền tài; và đây cũng là nơi giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học qua việc thiết lập nhà Nghĩa Học bên trong Chiêu Anh Các. Dưới thời Mạc Cửu, cha của Mạc Thiên Tứ, ông đã xây dựng thành quách, đặt liêu tá, làm nhiều nhà khách để đón tiếp hiền tài. Đến thời Mạc Thiên Tứ, ông cũng nối tiếp giềng mối của cha, dựng lên Chiêu Ánh Các để thờ Tiên Thánh và làm nơi tiếp đón hiền tài. Thi sĩ Đông Hồ là người sinh ra và lớn lên tại Hà Tiên, và có nhiều năm nghiên cứu đã cho biết: Đời Hồng Đức có lập Tao đàn là một tổ chức văn học rất hoàn bị. Cách tổ chức của Tao đàn Chiêu Anh Các Hà Tiên cũng gần giống như vậy. Nhân vật trong Tao đàn Hồng Đức thì có Nhị thập bát tú. Tao đàn Chiêu Anh Các Hà Tiên có số người nhiều hơn. Có sách chép 32, nhưng có sách chép 36, gọi là Tam thập lục kiệt, trong đó có Thập Bát Anh, tức là 18 vị anh hoa xuất chúng, nên có câu thơ rằng:

​​​​ “Tài hoa lâm lập trú Phương thành

​​​ ​ Nam Bắc hàm vân thập bát anh. ”

​Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong Từ Điển Văn Học (bộ mới), NXB Thế Giới, 2004, thơ văn Chiêu Anh các hầu hết là thơ đề vịnh thiên nhiên. Tính chất ước lệ, phong cách khoa trương, sư thi vị hóa cảnh vật và thông qua cảnh vật mà phơi bày tâm trạng thỏa mãn với hiện thực của những người mai mắn cai quản một vùng đất nước... Tuy vẫn còn những sáng tác mang tính chất sách vở, khuôn sáo, nhưng chúng vẫn thể hiện được những tình cảm lạc quan yêu đời của những tam6 hồn gắn bó với cuộc sống, niềm tự hào về đời sống hòa bình, no đủ và tinh thần trách nhiệm cùng ý chí muốn gìn giữ nơi biên cương sao cho yên ổn, giàu mạnh. Sắc thái tích cực đó đã làm cho nhiều bài thơ mang được vẻ đẹp chân thực, giản dị, đạt đến cái nhã đạm của văn chương cổ điển.

(12)​Theo Lê Quý Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục, NXB KHXH, 1977, nơi trang 231-232, Chiêu Anh Các có 32 vị, ngoài Mạc Thiên Tứ chủ xướng nên Hà Tiên Thập Vịnh, còn có 25 nhà thơ người Trung Hoa là: Chu Phác, Ngô Chi Hãn, Lý Nhân Trường, Đơn Bỉnh Ngự, Vương Sưởng, Phương Minh, Lộ Phùng cát, Từ Hiệp Phỉ, Lâm Duy Tắc, Từ Huyễn, Lâm Kỳ Nhiên, Trần Duy Đức, Từ Đăng Cơ, Thang Ngọc Sùng, Trần Tự Phát, Hoàng Kỳ Trân, Chu Cảnh Dương, Trần Thụy Phượng, Trần Tự Lan, Trần Dược Uyên, Trần Minh Hạ, Trần Diễn Tứ, Tôn Thiên Trân, Tôn Thiên Thụy, Tôn Quý Mậu; và 6 người Việt là: Trịnh Liên Sơn, Phan Thiên Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Trinh, Đặnh Minh Bản và Mạc Triều Đán. 31 vị sau viết 120 bài thơ họa Hà Tiên Thập Vịnh.

(13)​Minh Bột Di Ngư gồm bài phú “Lư Khê Nhàn Điếu” hơn trăm câu và 32 bài thơ Đường luật bằng chữ Hán. Tập thơ được Trịnh Hoài Đức phát hiện, rồi cho khắc in. Đây là tập thi họa rất quý, chẳng những về phương diện sử liệu, văn học, mà còn quý về mỹ thuật, về bút tích của các danh bút trong nhóm Chiêu Anh Các. Ngoài ra, theo Trịnh Hoài Đức, trong bài Tân Tự được viết năm Minh Mạng thứ 2, 1821, in trong tập Minh Bột Di Ngư, thì Chiêu Anh Các còn có các bộ sách Hà Tiên Vịnh Vật Thi Tuyển, Châu Thị Trinh Liệt Tặng Ngôn, Thi Truyện Tặng Lưu Tiết Phụ và Thi Thảo Cách Ngôn Vị Tập.

 

Hình 1: Cổng vào khu Đền Thờ Họ Mạc trên núi Bình San, Hà Tiên, ảnh 2019.

 

Hình 2: Đường đi đến phần mộ của quan Tổng Binh Đại Đô Đốc Mạc Thiên Tích

trong khu Đền Thờ Họ Mạc trên núi Bình San, Hà Tiên, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

Hình 3: Mộ Mạc Thiên Tích trong khu Đền Thờ Họ Mạc trên núi Bình San,

Hà Tiên, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

 

Hình 4-5: Khu Lưu Niệm Tao Đàn Chiêu Anh Các trong khu Đền Thờ Họ Mạc

trên núi Bình San, Hà Tiên, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

Hình 6: Cảnh Chùa Phù Dung nằm ngay dưới chân núi Bình San, ảnh 2019.

 

Hình 7: Cổng Chùa Phù Dung nằm ngay dưới chân núi Bình San,

ảnh tháng 10, năm 2019.

 

 

Hình 8-9: Ngay trước Chánh Điện Chùa Phù Dung, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

 

Hình 10-11: Bên trong Chánh Điện Chùa Phù Dung, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

Hình 12: Bàn thờ Bà Phù Dung, Thứ Thiếp của Mạc Thiên Tích,

trong Chùa Phù Dung, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

Hình 13: Đường lên Điện Ngọc Hoàng phía sau Chánh Điện của

Chùa Phù Dung, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

Hình 14: Điện Ngọc Hoàng tọa lạc ngay phía sau Chánh Điện của

Chùa Phù Dung, ảnh tháng 10, năm 2019.

 

 

 

THAM TƯỚNG MẠC TỬ DUYÊN

 

     Mạc Tử Duyên (1) (?-1780), có nơi ghi là Mạc Tử Dung, một võ tướng thuộc dòng họ Mạc Cửu, làm quan trải qua hai triều chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Ánh. Ông sinh trưởng tại Hà Tiên, là con trai thứ năm của quan Đô Đốc Tổng Trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích và Hiếu Túc Thái Phu Nhân Nguyễn Hiếu Túc, cháu nội của Mạc Cửu. Ngay từ nhỏ, Mạc Tử Duyên đã tỏ ra là một thanh niên khôi ngô đỉnh đạt, lại được cha và ông nội cho học cả văn lẫn võ, nên ở tuổi 14, 15, ông đã tinh thông võ nghệ và am tường tứ thư ngũ kinh. Sau đó, ông được ông nội là Mạc Cửu cho phép đi theo cha là Mạc Thiên Tích cùng theo giúp chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần đi đánh nghĩa binh Tây Sơn và được chúa Nguyễn phong chức Tham Tướng (2). Kể từ khi được phong chức, 1775 đến 1777, cha con Mạc Thiên Tứ, Mạc Tử Duyên, Mạc Tử Thảng đã dốc hết lòng hết sức phò tá chúa Nguyễn Phúc Thuần (3).

     Ông đã từng sát cánh với cha mình trên trận mạc cũng như trong việc trị an khắp miền Tây Nam Phần, nhất là việc khai khẩn và bảo vệ các vùng Trấn Giang, tức Cần Thơ nhày nay; Trấn Di, tức Bạc Liêu ngày nay; và Long Xuyên, tức Cà Mau ngày nay. Năm Nhâm Thìn, 1772, quân Xiêm tràn qua đánh phá Hà Tiên, ông đã cầm quân đánh giặc nhiều trận, nhưng quân số địch quá đông đảo nên ông phải cầm cự cho cha mình là Mạc Thiên Tích rút quân về Trấn Giang. Rồi sau đó, vì sực địch quá mạnh, nên ông cũng phải rút quân theo về Trấn Giang. Trong trận này, sinh mạng dân chúng Hà Tiên tổn thất rất nặng nề, vì quân Xiêm đi đến đâu cũng đốt phá và giết hại dân lành. Khi mang quân trở lại Hà Tiên, Mạc Tử Sanh phải giúp cha mình trong việc an dân như ngay lập tức tái thiết những công trình bị giặc Xiêm La phá hoại, ủy lạoan ủi những nạn nhân bị giặc Xiêm làm hại trong khi chúng chiếm đóng Hà Tiên. Nhờ lòng nhiệt thành thương dân mà chẳng bao lâu sau đó toàn bộ Hà Tiên đã được tái thiết một cách nhanh chóng.

     Vào năm Đinh Dậu, 1777, xa giá của Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương bị nghĩa binh Tây Sơn truy đuổi cũng chạy vào vùng đất Gia Định, lại bị truy đuổi nữa, chúa Nguyễn Phúc Dương phải chạy xuống vùng Ba Giồng và bị bắt ở đó. Trong khi đó, cũng trong năm Đinh Dậu, 1777, nghĩa binh Tây Sơn truy đuổi chúa Định Vương đến vùng Trấn Giang, Tham Tướng Mạc Thiên Tứ đã chỉ huy binh sĩ ngăn chống quân Tây Sơn hết sức anh dũng. Nhưng thế lực của nghĩa binh quá mạnh, nên cuối cùng ông thất thủ tại mặt trận gần sông Cái Răng, vì đây là một trận đánh lớn nên về sau này dân chúng đặt tên là rạch Tham Tướng và về sau này khi xây cầu dân chúng địa phương đặt tên là Cầu Tham Tướng. Sau khi thất trận, Tham Tướng Mạc Tử Duyên kéo tàn quân chạy về Hà Tiên.

     Lúc đó Long Nhượng Tướng Quân Nguyễn Huệ cho người đến Hà Tiên chiêu dụ dòng họ Mạc. Tuy nhiên, sự mến mộ và lòng chiêu hiền đãi sĩ của Nguyễn Huệ đã không lay chuyển được lòng trung quân ái quốc của dòng họ này. Ít lâu sau đó, Mạc Thiên Tứ cùng các con là Mạc Tử Duyên, Mạc Tử Thảng, Mạc Tử Sanh... đều lánh ra Phú Quốc. Ít lâu sau, vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh sai người đi đón gia đình Mạc Thiên Tứ sang Vọng Các. Về sau này, có người tố cáo Tông Quận Công Mạc Thiên Tứ làm nội ứng mưu lấy thành Vọng Các. Vua Xiêm tin lời, ngày mùng 5 tháng 10 bèn cho bắt giam và đến ngày 24 tháng 10 năm Canh Tý, 1780, Xuân Quận Công Tôn Thất Xuân và toàn thể con cháu dòng họ Mạc cả thảy 53 người đều bị giết chết. Số dân Việt Nam khác ở Vọng Các đều bị đày đi ra vùng biên ải xa xăm(4). Theo Mạc Thị Gia Phả, thì đến năm 1788, Cai Cơ Mạc Công Bính đã đem hài cốt Mạc Thiên Tứ, Mạc Tử Duyên cùng những người trong dòng họ Mạc về cải táng trong khu mộ dòng họ Mạc, trên núi Bình San, Hà Tiên.

     Phải nói binh lực của dòng họ Mạc ở Hà Tiên đã hết lòng hết sức giúp sức bảo vệ cả Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương, nhưng vì binh lực của họ Mạc quá yếu so với Tây Sơn, nên cuối cùng cả hai chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương đều bị bắt và bị xử tử tại thành Gia Định. Đến thời vua Minh Mạng, Tham Tướng Mạc Tử Duyên được phong tước Chính Lý Hầu. Vua Minh Mạng cũng phong cho ông làm thần Trung Nghĩa.

 

Ghi Chú:

(1)​Tưởng cũng nên nhắc lại, dòng họ Mạc ở Hà Tiên có hai người làm tới chức Tham Tướng, đó là Tham Tướng Mạc Tử Duyên và Tham Tướng Mạc Tử Sanh. Tại Cần Thơ hiện nay có những cái tên như cầu Tham Tướng, rạch Tham Tướng, chợ Tham Tướng (nay là chợ Xuân Khánh), vân vân. Theo Mạc Thị Gia Phả, Vũ Thế Dinh có ghi: “Mạc Tử Duyên là người đã đốn cây chặt gỗ để bít đường nước, lập chướng ngại chống giữ cửa thành Trấn Giang. Những vùng có tên Tham Tướng đó còn là vùng mà Tham Tướng Mạc Tử Duyên đã đặt bản doanh lúc đang giúp Nguyễn Ánh chống lại nghĩa binh Tây Sơn.”

(2)​Hiện nay chúng ta không có nhiều tài liệu về buổi thiếu thời của Tham Tướng Mạc Tử Duyên, chỉ biết vào khoảng tháng 2 năm Ất Mùi, 1775, chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần bị quân Trịnh từ đàng ngoài vào đánh chiếm thành Phú Xuân và nghĩa binh Tây Sơn từ Quy Nhơn đánh ra, Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Bến Nghé, Gia Định. Nhận được tin này, Mạc Thiên Tứ từ Trấn Giang đem các con đến bái yết chúa Định Vương. Chúa lấy làm cảm kích và khen ngợi, gia thăng cho Mạc Thiên Tứ làm Đô Đốc Quận Công, cho con là Mạc Tử Duyên làm Tham Tướng Cai Cơ sai về trấn giữ đạo Trấn Giang.

(3)​Theo Mạc Thị Gia Phả, Vũ Thế Dinh có ghi: “Ông, Mạc Thiên Tứ, bảo quan Tham Tướng Mạc Tử Dung chỉ huy binh sĩ vào đạo Đông Khẩu, nay là vùng Sa Đéc, tập lính tráng ủng hộ vua, và kết hợp các đạo quân để đánh nghĩa binh Tây Sơn. Địch thua phải rút lui. Tham Tướng Mạc Tử Duyên trở về Trấn Giang lập chướng ngại, chống giữ cửa thành. Rồi vào khoảng tháng 7 năm Đinh Dậu, 1777, Ông, Mạc Thiên Tứ, phụng giá đưa vua Định Vương Nguyễn Phúc Thuần đi trước, giữ Tham Tướng ở lại, vào đoạn sông hẹp, vùng Cần Thơ, đốn cây, chặt gỗ mà lấp bít đường nước.

(4)​Kể về cái chết của nhiều người họ Mạc, trong số đó có Tham Tướng Mạc Tử Duyên, trong sách Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức có ghi: “Năm Canh Tý, 1780, mùa hạ, tháng 6, Nguyễn Phúc Ánh sai Cai Cơ là Sâm Đức Hầu, Tĩnh Viễn Hầu làm sứ thần sang Xiêm. Vừa gặp tàu buôn của vua Xiêm về báo rằng tàu Xiêm từ Quảng Đông, Trung Hoa về, qua phần biển Hà Tiên bị chủ tướng là Chưởng Cơ Thăng Bình Hầu cướp của giết người. Về sau này, có một vị tướng Xiêm tên là Bồ Ông Giao từ Cao Miên về Xiêm tố cáo rằng y đã bắt được mật thư từ Gia Định khiến Xuân Quận Công Tôn Thất Xuân và Tông Quận Công Mạc Thiên Tứ làm nội ứng mưu lấy thành Vọng Các. Vua Xiêm tin lời, ngày mùng 5 tháng 10 bèn cho bắt giam và tra hỏi, nhưng mọi người đều kêu oan và không biết gì. Tham Tướng Mạc Tử Duyên cố sức cải là bị oan, bèn bị Phi Nhã Tân đánh chết (4). Trong khi đó thì Mạc Thiên Tứ tự tử chết trong ngục. Đến ngày 24 tháng 10 năm Canh Tý, 1780, Xuân Quận Công Tôn Thất Xuân và toàn thể con cháu dòng họ Mạc cả thảy 53 người đều bị giết chết. Số dân Việt Nam khác ở Vọng Các đều bị đày đi ra vùng biên ải xa xăm.”

THAM TƯỚNG MẠC TỬ SANH (1769-1788)

 

     Mạc Tử Sanh sinh năm 1769 tại Hà Tiên. Ông là con của bà vợ thứ tư của Đô Đốc Mạc Thiên Tứ. Như vậy, ông là em cùng cha khác mẹ với Mạc Tử Duyên. Ngay từ lúc còn rất trẻ, ông đã được cha mình cho học cả văn lẫn võ, nên năm vừa 16 tuổi là ông đã văn võ song toàn. Lúc này ông thường theo cha đi bình định những vùng phía đông bắc Mang Khảm, có khi ra Phú Quốc tiểu trừ nhóm cướp biển Đồ Bà.

     Năm 1775, chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần bị quân Trịnh và nghĩa binh Tây Sơn đánh đuổi khỏi Phú Xuân, nên bỏ chạy vào vùng Bến Nghé, thuộc Gia Định, Mạc Thiên Tứ đem các con từ Trấn Giang, Cần Thơ, đến bái yết chúa. Chúa khen và ủy lạo, gia thăng làm Đô Đốc Quận Công, cho con là Mạc Tử Dung làm Tham Tướng Cai Cơ, Mạc Tử Hoàng làm Chưởng Cơ, Mạc Tử Thượng làm Cai Cơ, lúc này Mạc Tử Sanh mới vừa 7 tuổi, nên không được ban chức gì. Đến năm Canh Tý, 1780, Tôn Thất Xuân, Mạc Thiên Tứ, Mạc Tử Dung, Mạc Tử Thàng cùng với 53 người nữa bị vua Xiêm La sát hại ở Vọng Các. Lúc này Mạc Tử Sanh và những anh em khác vì còn nhỏ nên không bị giết mà chỉ đày đến vùng quê xa xôi thôi.

     Vũ Thế Dinh có ghi lại trong Hà Tiên Hiệp Trấn Mạc Thị Gia Phả, hay gọi tắt là Mạc Thị Gia Phả như sau: “Vua Xiêm là Trịnh Tân (1) ra lệnh đày tất cả dân ta ra miền đất hoang thật xa. Cho đến năm Nhâm Dần, 1782, Trịnh Tân bị Chất Tri, tức Chakra, Rama I, lật đổ. Anh em Mạc Tử Sanh còn nhỏ, may được một viên quan người Xiêm tên Kỳ La Hâm nuôi nấng. Đến năm Giáp Thìn, 1784, khi Nguyễn Ánh tử đảo Cổ Công chạy qua Xiêm, vua Rama I cho đón ở Vọng Các. Vua Xiêm cho Mạc Tử Sanh đến chào. Rồi đến ngày mồng chín tháng 6 năm Giáp Thìn cho xuất binh, lấy Chiêu Tăng làm chủ tướng, Chiêu Sương làm tiên phong. Đồng thời, vua Xiêm ra lệnh cho Mạc Tử Sanh theo hầu nguyễn Ánh. Năm này Tử Sanh vừa lên 16 tuổi.”

     Như vậy đến tháng 6 năm 1784, Mạc Tử Sanh mới được phong làm Tham Tướng Lý Chánh Hầu, với nhiệm vụ theo hầu Nguyễn Ánh và giữ gìn vùng đất Trà Ôn. Trong khi liên quân Xiêm La-Nguyễn Ánh đang đánh nhau với nghĩa binh Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, thì Mạc Tử Sanh đậu thuyền ở xa mặt trận chờ chúa Nguyễn từ Hà Tiên về Trấn Giang, tức Cần Thơ ngày nay. Tối ngày mùng 9 tháng 12 năm Giáp Thìn, 1784, Tham Tướng Mạc Tử Sanh đưa quân về bên bờ sông Hậu, cũng trong vùng Trấn Giang (2), thuộc dinh Long Hồ, thì hay tin nghĩa binh Tây Sơn đã đánh bại liên quân Xiêm La-Nguyễn Ánh. Chiêu Tăng và Chiêu Sương đang trốn về Xiêm La bằng đường bộ. Lúc này, Nguyễn Ánh bôn tẩu về Trấn Giang, được Phó Cai Đội tên Tín rước lên thuyền của Tham Tướng để chạy về Hà Tiên.

     Rõ ràng liên quân Xiêm La-Nguyễn Ánh thất bại không chỉ vì bị trận hỏa công long trời lở đất trên khúc sông Mỹ Tho vùng Rạch Gầm Xoài Mút của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, mà theo sự ghi chép lại của Tham Tướng Mạc Tử Sanh, bọn Xiêm La dưới sự chỉ huy của Chiêu Tăng và Chiêu Sương đã làm nhiều điều tàn bạo khiến mất lòng dân, nên mới dễ dàng bị nghĩa binh Tây Sơn đánh cho tơi tả.

     Sau đó Nguyễn Ánh bảo Tham Tướng Lý Chính Hầu Mạc Tử Sanh: “Khanh hãy mang bức quốc thư này đi trước sang Xiêm thông báo tình hình sự việc cho họ hay, trẫm sẽ cử Đội Trung (3) đi theo sau. Khanh khá vì quốc giatận tâm làm tròn việc này, chớ để phụ lòng trẫm.” Lúc bấy giờ thuộc quyền của Tham Tướng chỉ còn ba chiến thuyền. Sau khi dặn dò Tham Tướng Mạc Tử Sanh mọi chuyện, Nguyễn Ánh lấy 2 chiếc cùng với đám tàn quân chạy ra đảo Thổ Chu, chỉ chừa lại cho Tham Tướng 1 chiếc để đi Xiêm La. Tham Tướng Mạc Tử Sanh khởi hành đi Xiêm vào khoảng ngày 15 tháng 12 năm 1784. Đến ngày 18 thì dừng lại ở đảo Cổ Công để chờ Đội Trung. Khi ấy lại gặp được đoàn thuyền của Xiêm đi tuần biển, nên cả đoàn được quan Xiêm là Phi Nhã Thôn dẫn về kinh đô Vọng Các.

     Đến ngày 25 tháng 12, Lý Chính Hầu Mạc Tử Sanh vào yết kiến vua Xiêm để đệ trình quốc thư. Nhị Vương Xiêm La xem quốc thư xong cả giận nói: “Hôm trước thấy bọn này sai người đem về nước nào là đàn bà con gái, và rất nhiều vàng bạc, ta đã đoán trước là bọn này rồi sẽ làm hỏng chuyện. Đang định sắm sửa tàu thuyền qua cứu viện, nhưng không còn kịp nữa. Tuy nhiên, thắng bại cũng là chuyện thường tình của nhà binh, bọn ấy dẫu có thua trận, lẽ nào lại không biết thu gom tàn quân để khôi phục lại hay sao? Nay xem thư của quốc vương ngài gửi, ta mới biết nguyên do tại sao bại trận.” Sau đó vua Xiêm La cử tướng Phi Nhã Xuân chỉ huy 10 chiến thuyền dẫn theo đoàn thuyền của Lý Chính Hầu Mạc Tử Sanh đi đường biển ngược về hướng Cao Miên để dò xét tình hình của 2 bại tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương. Đến lúc gần tới Phú Quốc thì gặp nhóm tàn quân cướp ghe thuyền của dân chúng để chạy về bằng đường biển. Bọn này cho biết 2 tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đã bỏ lên đường bộ mà về trước. Đến tháng 2 năm Ất Tỵ, 1785, nhóm tàn quân của Chiêu Tăng và Chiêu Sương mới chạy về đến Vọng Các. Vua Xiêm La ra lệnh hạ ngục cả hai viên bại tướng.

     Tham Tướng Mạc Tử Sanh ở lại Xiêm La cho mãi đến năm 1787 thì vua Xiêm mới ra lệnh cho ông cùng Cai Hoạt trở về trấn giữ đất Hà Tiên để làm chỗ dựa cho Nguyễn Ánh. Khi trở về Hà Tiên, Mạc Tử Sanh sai Cai Hoạt chở 300 khẩu súng điểu thương dâng cho Nguyễn Ánh để giúp vị chúa này tăng cường vũ khí. Trong khi đó, ở tại Hà Tiên, dầu lúc này hãy còn rất trẻ nhưng Tham Tướng Mạc Tử Sanh cũng theo gương ông nội và cha mình ráo riết thiết lập hệ thống phòng thủ cũng như bố phòng quân lính để bảo vệ trị an cho dân chúng trong trấn. Dầu thời gian ông trấn nhậm đất Hà Tiên rất ngắn, nhưng ông lại là là một trong những hào kiệt có công rất lớn trong việc làm cho nhà cửa phố thị trong cả vùng đất Hà Tiên trở nên khang trang yên ổn với kinh tế phát triển khiến cho dân chúng được an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, không may cho dân chúng Hà Tiên, chỉ hơn một năm sau khi về Hà Tiên thì Tham Tướng Mạc Tử Sanh lâm trọng bệnh và qua đời tại đó (4). Có một điều khó hiểu là Mạc Tử Sanh chết tại Hà Tiên, nhưng trong khu mộ của dòng họ Mạc lại không có mộ của ông. Hiện nay chúng ta vẫn chưa có tài liệu xác thực về nơi ông được an táng. Tưởng cũng nên nhắc lại điều này để cho những người đời sau rộng đường nghiên cứu, đối với con cháu họ Mạc, ngay cả hài cốt của hai ông Mạc Thiên Tứ và Mạc Tử Duyên chết bên Xiêm La còn được mang về cải táng ở Hà Tiên. Vậy thì chuyện Mạc Tử Sanh chết ở Hà Tiên mà không được an táng ở Hà Tiên là một điều lạ, rất lạ!

 

Ghi Chú:

(1)​Trịnh Tân (Phraya Tak), tức Phi Nhã Tân, có sách ghi là Trịnh Quốc Anh.

(2)​Có người ngộ nhận Tham Tướng Mạc Tử Sanh chết tại Trấn Giang, ngay cầu Tham Tướng ngày nay. Theo Mạc Thị Gia Phả, chính Tham Tướng Mạc Tử Duyên mới là người đốn chặt cây gỗ lập ra chướng ngại, bít đường nước để chống giữ thành Trấn Giang, chứ không phải là Tham Tướng Mạc Tử Sanh. Hiện nay còn một con rạch mang tên Tham Tướng thuộc phường Xuân Khánh, thành phố Cần Thơ, không biết lúc viết bài này thì con rạch ấy còn hay không, vì rất có thể chính phủ mới đã cho lấp lại trong kế hoạch phát triển thành phố Cần Thơ.

(3)​Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục ghi chép nhân vật này là Cai Cơ Trung, không nói họ, là cậu của Châu Văn Tiếp.

(4)​Theo Vũ Thế Dinh, biệt hiệu Thận Vi Thị, làm chức Hà Tiên Trấn Tùng Trấn Cai Đội, tước Dinh Đức Hầu, đã viết trong quyển “Hà Tiên Trấn, Hiệp Trấn Mạc Thị Gia Phả” vào năm Gia Long thứ 17, vào ngày 19 tháng 6 năm Mậu Dần, nhằm ngày 21 tháng 7 năm 1818, Tham Tướng Mạc Tử Sanh về lại Hà Tiên năm 1787 và mất vào năm sau, tức năm 1788. Sách Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên cũng ghi tương tự: “Mùa thu năm Đinh Mùi, 1787, Sanh theo vua (Nguyễn Phúc Ánh) về Gia Định, được lấy làm Lưu thủ Hà Tiên. Khi đai binh tiến đánh quân giặc. Tử Sanh hiến 300 khẩu súng cò máy đá lửa để giúp vào quân dụng. Mùa hạ năm Mậu Thân, Tử Sanh chết, được tặng là Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Chưởng Vệ Sự Đô Đốc Chưởng Cơ.”

 

Hình 1: Cầu Tham Tướng, ảnh tháng 12 năm 1973.

 

Hình 2: Chợ Xuân Khánh, trước năm 1975 có tên là Chợ Tham Tướng.

 

 

 

 

VIII

 

CÔNG LAO CỦA TỔNG BINH LONG MÔN DƯƠNG NGẠN ĐỊCH TRONG CÔNG CUỘC

KHAI PHÁ & PHÁT TRIỂN ĐẤT PHƯƠNG NAM

 

SƠ LƯỢC VỀ QUAN TỔNG TỔNG BINH

LONG MÔN DƯƠNG NGẠN ĐỊCH (?-1688)

 

     Vùng cuối miền xứ Đàng Trong vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ 17 là vùng Mô Xoài và Đồng Nai. Lúc này lưu dân Việt Nam đã đi đến những vùng xa hơn về phương Nam và cư ngụ chung đụng với người Chân Lạp, nhưng chúa Hiền Vương lúc ấy phải đương đầu với nhiều vấn đề về phía mặt Bắc nên chưa rảnh tay để tính chuyện trong Nam. Năm 1644, thời chúa Nguyễn Phúc Tần thì chúa Hiền Vương đã có công đánh tan Hải Quân Hòa Lan tại cửa biển Thuận An. Sau khi lên ngôi chúa năm 1648, chúa Hiền Vương lại phải đánh nhiều trận với quân chúa Trịnh từ năm 1648 đến năm 1672 nên kế hoạch lưu dân về phương Nam bị đình trệ. Năm 1679, có nhiều nhóm cựu thần nhà Minh vì không phục Thanh Triều nên dong buồm xuôi Nam tìm nơi tỵ nạn (1). Trong số những nhóm này, đáng kể nhất là Tổng Binh Trấn Thủ Thủy Lục ở Long Môn, thuộc tỉnh Quảng Đông là Dương Ngạn Địch và Phó Tướng của ông là Hoàng Tấn (Huỳnh Tiến), và quan Tổng Binh Trấn Thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, còn gọi là Trần Thắng Tài, cùng phó tướng là Trần An Bình, đem gia quyếntùy tùng trên 3.000 người và 50 chiến thuyền đến cửa Từ Dung và cửa Đà Nẳng, xin yết kiến chúa Hiền Vương để xin tỵ nạn.

     Tưởng cũng nên nhắc lại một chút về Dương Ngạn Địch, một thủ lãnh phản Thanh phục Minh, Tổng Binh. Sau khi nhà Minh sụp đổ, theo Trịnh Thành Công trấn giữ các vùng Long Môn, Khâm Châu, Quảng Tây... Theo sách Phòng Thành Huyền Chí (防 城 志), năm 1661, Dương Ngạn Địch xuất quân tiến chiếm đảo Long Môn ở Khâm Châu và kiểm soát toàn bộ khu vực biển chung quanh Khâm Châu và Phòng Thành, tự xưng là Dương Vương. Sau đó được Trịnh Kinh, con trai Trịnh Thành Công, phong chức Vũ Trấn Tổng Binh. Sau khi lật đổ nhà Minh, nhà Thanh chỉ bình định được vùng từ phía Bắc sông Dương Tử, còn về phía Nam, nhiều thủ lĩnh phản Thanh phục Minh nổi lên khắp nơi, nên có khi nhà Thanh đem quân tới đánh chiếm, rồi rút lui. Khoảng những năm 1665-1666, quân Thanh tiến chiếm đảo Long Môn, nhưng đến 1677, tại Long Môn có loạn Tam Phiên, Dương Ngạn Địch được lệnh Trịnh Kinh, cất quân tái chiếm đảo Long Môn và các vùng khác ở Khâm Châu. Đến đầu năm Kỷ Mùi, 1679, sau khi bình định các vùng ở phía Bắc, quân Thanh đem đại quân xuôi Nam công hãm đảo Long Môn và truy kích binh tướng Long Môn một cách quyết liệt. Dương Ngạn Địch thấy không còn hy vọng khôi phục nhà Minh, bèn cùng gia quyến và binh tướng quyết định xuôi thuyền về phương Nam. Đến tháng 3 năm 1679, thuyền của ông cùng binh tướng Long Môn tới bờ biển miền Trung, xin được thần phục chúa Nguyễn và trở thành người có công đầu trong việc khai khẩn và phát triển vùng đất Mỹ Tho.

     Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, Dương Ngạn Địch tên thật là Dương Nhị, gốc người tỉnh Quảng Tây bên Trung Hoa. Sau khi nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt, ông trở thành một tên cướp biển từng vẫy vùng tại miền Nam Trung Hoa, vừa hoạt động bảo vệ các đội thương thuyền của Trịnh Thành Công, mà cũng vừa hoạt động quân sự hướng ứng phong trào Phản Thanh Phục Minh của Ngô Tam Quế, quấy rối nhà Thanh tại các phủ Cao, Lôi, Liêm trong tỉnh Quảng Đông. Đến khi thấy sự vô vọng của phong trào Phản Thanh Phục Minh, ông cùng quan Tổng binh ba châu Cao, Lôi, Liêm đưa hết quân binh và gia quyến khoảng 3.000 người và 30 chiến thuyền đến treo cờ trắng và đậu dọc eo biển Đà Nẳng. Khi quan tuần tra cửa biển Tư Dung đến tra hỏi sự việc thì Dương Ngạn Địch đã trình rằng: “Chúng tôi là bầy tôi của nhà Đại Minh, vì nước hết lòng trung, nay đã lực kiệt thế cùng, quốc tổ nhà Minh đã chấm dứt. Chúng tôi chẳng chịu làm tôi nhà Thanh, nên chạy đến quý quốc, thành tâm xin làm tôi tớ.” Đồng thời, Dương Ngạn Địch cũng sai Phó tướng Huỳnh Tiến cùng Quách Tam theo quan Tuần biển Trí Thắng Hầu đến Phủ Chúa trình bày nguyện vọng.

  

 

DƯƠNG NGẠN ĐỊCH & QUÂN LONG MÔN ĐÃ

BIẾN MÉSO TỪ VÙNG ĐẤT HOANG VU

TRỞ THÀNH MỸ THO ĐẠI PHỐ

 

     Thoạt đầu chúa muốn từ chối vì thấy không tiện khi cho hai đạo binh khá lớn ở sát kinh thành, lại nữa nếu chứa chấp họ, có thể bị rắc rối với Thanh Triều. Lúc bấy giờ, chúa Nguyễn và bề tôi gặp một trường hợp vô cùng khó xử, vì Nam-Bắc đang phân tranh, chúa Trịnh đang tìm cách dòm ngó miền Nam, mà lại có một đoàn chiến thuyền và quân binh lạ từ xa đến, không biết thực hư ra sao, làm sao tin được? Thêm vào đó, lòng dạ của những người này chưa hiểu được và ngôn ngữ bất đồng, làm sao điều khiển được họ? Còn nếu từ chối, với một đội chiến thuyền lớn và binh sĩ đông đảo như vậy, nếu họ cố tình đánh lại thì nhất thời quân Nam cũng khó mà đánh trả. Tuy nhiên, khi chúa Nguyễn cùng bàn bạc với quần thần, thấy rằng họ đang bị thế cùng bách mới chạy đến nhờ mình, chúng ta không thể cự tuyệt lòng trung ý thành này của họ.

     Nhưng về sau tính lại, chúa Nguyễn nhận thấy đất Đông Phố của nước Chân Lạp bao la bạt ngàn, mà triều đình vẫn chưa có điều kiện để kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến đó khai khẩn để ở, nên chúa Nguyễn bèn đồng ý cho hai ông một về miệt Mỹ Tho và một về vùng Đồng Nai, để vừa giúp đám lưu dân Việt Nam đang ở chung đụng với người Chân Lạp, vừa tiếp tục khai khẩn những vùng đất hãy còn hoang vu, mà cũng vừa trấn át quân Xiêm và Chân Lạp lúc nào cũng lăm le quấy phá vùng đất mới này. Gia Định Thành Thông Chí có chép: “Khi ấy Bắc Hà có nhiều việc biến loạn, mà quan binh của họ ở xa tới, chưa biết hư thực thế nào, huống chi họ lại y phục khác, tiếng nói khác, khó sử dụng. Nhưng họ trong lúc thế cùng nên phải chạy sang, khẩn khoản bày tỏ tấm lòng thì cũng không nên cự tuyệt... Vả lại địa phương Giản Phố (Gia Định) đất ruộng tươi tốt kể đến ngàn dặm, triều đình chưa rành kinh lý, chi bằng nay ta lợi dụng sức mạnh của họ, cho khai phá đất đai để ở, cũng là một việc mà được ba điều lợi.” Vì thế Chúa Hiền ra lệnh khoản đãi và cho họ giữ nguyên chức tước như cũ. Sau đó Chúa ban chiếu chỉ cho Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tấn theo cửa Xoài Rạp và các cửa Tiểu, Đại đi lên khai phá hướng Mỹ Tho (2). Đây quả là một quyết định hết sức quan trọng của Chúa Hiền về cả hai mặt kinh tế và chiến lược. Nhất là vùng Mỹ Tho, trên vùng sông Tiền Giang, hàng năm quân Lào và quân Xiêm La thường hay theo con nước đi xuống vùng này cướp phá và săn lùng nông nô. Tuy nhiên, chính nhờ những đạo quân hùng mạnh giữ an ninh trật tự nên chẳng mấy chốc, các sắc tộc Việt, Miên và Hoa cùng nhau khai phá, phát triển và biến những vùng đất này thành một trong những vùng đất trù phú nhất Nam Kỳ thời đó.

     Dương Ngạn Địch được chúa Nguyễn cho phép đi vào vùng Peam Meso (3) để khai hoang lập phố thị và chợ búa. Theo Gia Định Thành Thông Chí: “Tại Mỹ Tho, phố xá buôn bán đông đúc. Chợ phố Mỹ Tho có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngã sông, biển đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo. Bên cạnh đó, tại Mỹ Tho Dương Ngạn Địch cũng khai khẩn nhiều thôn ấp. Vùng này đất đai phì nhiêu, sông sâu nước chảy, rất thuận tiện cho việc trồng trọt.” Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: “Ở đây người Hoa cùng người Việt khai phá đất mới làm ruộng, lập vườn trồng cau bán cho thương nhân Mã Lai. Ruộng bằng phẳng tốt ... có những vườn cau xum xuê. Nhà nào cũng có chứa cau khô và cau tươi đầy sân, đầy lẫm để bán đi các nơi xa gần. Đời sống dân Mỹ Tho thời đó có phần sung túc hơn ở Gia Định. Phụ nữ thì nuôi tằm, dệt cửi cũng hơn, mà nhà nông cày cấy cũng hơn.” Khác với những nhóm lưu dân người Việt đến đó trước đây là chỉ lưu tâm đến phá rừng làm ruộng rẫy, những nhóm người Hoa mới đến này họ vừa phá rừng làm ruộng rẫy, vừa làm thương mại buôn bán. Hai nhóm người Hoa này đến Việt Nam thời đó đi theo rất nhiều nhà khoa bảng bất mãn với Thanh triều nên chẳng mấy chốc hai vùng Đồng Nai và Mỹ Tho biến thành hai thành phố vừa lớn mạnh về các mặt nông nghiệp, thương mại, và văn hóa (4). Họ biến hai vùng này thành hai trung tâm thương mại và giao dịch với nước ngoài lớn nhất vùng Nam Kỳ. Cũng như Mạc Cửu ở Hà Tiên, họ giao dịch với người với người Tân Gia Ba, Hương Cảng, Nhật Bản, và người Tây Dương (người Âu châu nói chung). Thuyền buôn các xứ này tới lui vùng Mỹ Tho và Đồng Nai tấp nập, nhất là vùng Mỹ Tho rất thuận đường ra biển để đi về miền Trung hay các xứ khác.

     Tưởng cũng nên nhắc lại, quân Long Môn của Tổng Binh Dương Ngạn Địch đa số là người Triều Châu trong khi quân của Tổng Binh Trần Thượng Xuyên đa số lại là người Quảng Đông. Chính vì vậy mà sự liên hệ của những nhóm người Minh Hương di cư được thiết lập trên cơ sở văn hoá và tập tục của những người thuộc những địa phương khác nhau tại Trung Hoa của thời nhà Minh. Khi qua Việt Nam, họ cũng được Chúa Nguyễn sắp sếp cho định cư và thành lập những làng xã theo ngữ phương riêng của họ. Nói cách khác, đa số người Minh Hương theo quan Tổng Binh Dương Ngạn Địch về khai phá Mỹ Tho Đại Phố đa số nói tiếng Triều Châu, còn người Minh Hương theo quan Tổng Binh Trần Thượng Xuyên đi khai phá các vùng Biên Hòa và Cù Lao Phố đều nói tiếng Quảng Đông. Tháng 5 năm 1679, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai Văn Trinh hướng dẫn đoàn binh thuyền của Dương Ngạn Địch đến đóng ở Peam Meso. Dương Ngạn Địch cho quy tụ dân bản địa Cao Miên và người Việt về đây cùng kết thành thôn xóm để cùng nhau khai khẩn hoang địa và phát triển. Khi đoàn dân binh Long Môn của Dương Ngạn Địch tới định cư tại vùng Mỹ Tho thì tình hình Chân Lạp rất rối rắm. Hai anh em chánh vương Nặc Thu (ở Nam Vang) và nhị vương Nặc Nộn (ở Sài Côn) đang lúc tranh giành quyền lực, nên kình chống nhau quyết liệt. Nặc Nộn từ Sài Côn kéo quân lên đánh Nặc Thu ở Nam Vang. Nặc Thu cầu viện và đưa quân Xiêm La về đánh, Nặc Nộn thua nên phải chạy trở về Sài Côn. Sau đó Nặc Nộn nhờ quân Long Mônquân Đồtrợ lực đánh chiếm hai phủ Kankau và Trapéang. Năm 1684, Nặc Thu lại nhờ quân Xiêm La giúp để trừ khử Nặc Nộn, nên Nặc Nộn phải cầu cứu đến chúa Nguyễn. Về sau này khi miền Đông đã phát triển, nhiều nhóm di dân nghèo dưới thời nhà Thanh từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, và Hải Nam của Trung Hoa cũng đi bằng đường biển vào miền Nam xin định cư và lập nghiệp. Những người này được cũng được Chúa Nguyễn cho phép phân phối đi về các vùng đất mới và sinh hoạt với những gia đình có cùng ngữ phương với họ đã có mặt từ trước tại 2 vùng Cù Lao Phố và Mỹ Tho Đai Phố. Hai vị tướng Minh triều cũ là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch được phép thay mặt chúa Nguyễn thu thuế (gạo, cá khô, lâm hải sản) rồi chở ra Phú Xuân nộp lại cho triều đình. Về sau hai vị tướng Minh Hương nầy lại được lệnh của Chúa Nguyễn phụ giúp Nặc Ông Nộn bình định đất đai tại Thủy Chân Lạp.

     Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển IV, trong khoảng những năm 1689, 1690, Phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tiến âm mưu ly khai, muốn tách rời ra khỏi thế lực nhà Nguyễn, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch rồi tự xưng là Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân, thống lãnh binh tướng Long Môn, kéo quân về vùng Rạch Than, nay thuộc tỉnh Kiến Hòa, xây thành đắp lũy, đúc súng đạn, và đóng thêm chiến thuyền. Bên cạnh đó, Hoàng Tiến còn cho quân sĩ đi các nơi cướp phá. Chính vương Chân Lạp lúc đó là Nặc Ông Thu tức giận triều đình xứ Đàng Trong đã đưa giặc vào đất của ông ta, nên bỏ lệ triều cống xứ Đàng Trong. Đồng thời, Nặc Thu còn cho xây đắp ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang, rồi chắn xích sắt ngang các cửa sông với ý định chống đối lạu dài. Phó Vương Nặc Ông Nộn liền báo âm mưu ấy về cho triều đình nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Trăn bèn sai Mai vạn Long, Nguyễn Hữu Hào và Trần Thượng Xuyên cất quân đi đánh dẹp (5). Tưởng cũng nên nhắc lại, trong những năm từ 1682 đến 1688, có nhiều mối bất hòa đã xảy ra giữa quân sĩ của hai vị tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Trong khi Tổng Binh Trần Thượng Xuyên cùng binh sĩ muốn an cư lập nghiệp, tập trung xây dựng và phát triển vùng đất đang cư trú, ngược lại binh sĩ của phó tướng Long Môn là Hoàng Tiến lại muốn tiến chiếm luôn đất Chân Lạp và thành lập một vương quốc riêng cho mình. Quan Tổng Binh Dương Ngạn Địch không tán thành mưu đồ của Hoàng Tiến, vì đã thề trung thành với chúa Nguyễn, không muốn có hành động phản bội ơn của các Chúa Nguyễn đã ban cho lúc ông sa cơ thất thế. Đến năm 1688, Dương Ngạn Địch vì cương quyết không chiều theo mưu đồ của phó tướng Hoàng Tiến, nên Hoàng Tiến đã cùng một số binh sĩ nổi lên giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch. Sau đó, Hoàng Tiến còn ra lệnh cho quân sĩ chống lại Trần Thượng Xuyên và chống luôn chúa Nguyễn. Hoàng Tiến ra lệnh cho quân trú đóng ở đồn Nam Khê (Mỹ Tho), đóng tàu, đúc súng chuẩn bị tiến đánh Lục Chân Lạp. Vua Chân Lạp Nặc Ông Thu cũng cho đào hào, đắp lũy cố thủ và bỏ không triều cống chúa Nguyễn nữa.

Cũng theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển IV, Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn ra lệnh cho Tổng Binh Trần Thượng Xuyên mang quân đánh dẹp, dùng mưu bắt và giết Hoàng Tiến. Chiến trận xảy ra rất khốc liệt, cuối cùng quân của Hoàng Tiến bị sát hại rất nhiều. Những người sống sót một số đầu hàng, một số chạy sang Chân Lạp lánh nạn rồi sau đó định cư và lập nghiệp luôn tại Phnom Penh và những tỉnh quanh Biển Hồ (Tonlé Sap) : Neak Luong, Kompong Chanang. Đám tàn quân này sinh lòng thù hận cả người Việt lẫn người Hoa sống tại miền Nam, đã phụ giúp các vua Chân Lạp và Xiêm La chống lại Việt Nam. Tình hình Chân Lạp và miền Đông trở nên mất an ninh, loạn lạc xảy ra khắp nơi, quan quân triều đình nhà Nguyễn phải vất vã lắm mới dẹp yên. Sau khi dẹp xong loạn Hoàng Tiến, Tổng Binh Trần Thượng Xuyên được lệnh Chúa Nguyễn đưa quân đi các nơi chiêu dụ được rất nhiều quân Long Môn, và được chúa Nguyễn Phúc Trăn giao cho ông và con là Trần Đại Định tiếp tục cai quản quân Long Môn. Sau đó, Trần Thượng Xuyên nhập hai nhóm người Minh Hương lại rồi phân công ra đóng nhiều nơi tại các vùng Phiên Trấn (Sài Gòn-Gia Định), Ngư Khê (thuộc dinh Long Hồ), Doanh Châu (thuộc đạo Tân Châu), vân vân.

     Đến năm 1698, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Kính làm Kinh lược sứ các vùng lãnh thổ miền Nam. Nguyễn Hữu Kính đến Đông Phố lập thành dinh, huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lấy đất Biên Hòa lập Trấn Biên dinh và đất Gia Định lập Phiên Trấn dinh. Như vậy trước khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam làm tờ khai sinh cho các vùng Biên Hoà và Gia Định thì các vùng Cù Lao Phố và Mỹ Tho Đại Phố đã phát triển rất mạnh về việc xây dựng phố sá và kinh tế. Lúc nầy các tàu buôn nước ngoài thường đến hai nơi nầy để giao thương. Chính nhờ vậy mà công việc kinh lý của Nguyễn Hữu Cảnh có phần dễ dàng hơn, và nhờ đó mà ông có nhiều thì giờ để chiêu mộ thêm lưu dân ngũ Quảng (Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên) vào khai khẩn đất hoang. Nguyễn Hữu Cảnh lại sắp xếp cho những người Minh Hương đã từng theo Hoàng Tiến trước đây và những di dân nhà Thanh sau nầy được gom lại thành một xã lấy tên Thanh Hà (làng của người nhà Thanh) ở Trấn Biên dinh. Trong khi những người Minh Hương theo Dương Ngạn Địch và những người phục vụ dưới trướng của tướng Trần Thượng Xuyên thì được tập trung vào xã Minh Hương ở Gia Định rồi giao cho Trần Thượng Xuyên quản lý. Trần Thượng Xuyên được phong làm đô đốc Phiên Trấn dinh. Từ đó coi như toàn bộ đất đai miền Đông Nam Phần được sát nhập vào sổ bộ Việt Nam, những phố xá và làng xã mang tên Khmer đều được phiên âm ra tiếng Việt.

     Nói tóm lại, nếu không có cuộc nổi loạn của Hoàng Tiến, rất có thể vùng Mỹ Tho Đại Phố sẽ tồn tại với bộ mặt không thua gì Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay, nhưng thôi, lịch sử đã qua đi, và phải thật tình mà nói, công lao khai phá vùng đất Mỹ Tho của Dương Ngạn Địch là quá lớn lao đối với người dân Đất Phương Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, ông và binh sĩ của ông đã biến một Meso với rừng rậm hoang vu thành ra một Mỹ Tho Đại Phố với đường sá và nhà cửa đúng nghĩa của một đại phố thời đó. Trong những nhóm người Minh đến khai phá Xứ Đàng Trong, có lẽ Dương Ngạn Địch là người lớn tuổi nhất, lại thêm tài nghệ vô song, văn võ kiêm toàn, nên ông đã cùng với Tổng binh Cao Lôi Liêm là Trần Thượng Xuyên nhanh chóng đưa vùng Đất Phương Nam đến chỗ trù phú và thịnh vượng. Như trên đã nói, mặc dầu ông chỉ sống tại vùng đất này vỏn vẹn trong 9 năm, nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó, cũng đủ cho một người lãnh đạo tài ba như ông biến một vùng Mỹ Tho rừng rậm hoang vu thành một Mỹ Tho Đại Phố với phố sá uy nghiêm tráng lệ trên bờ, dưới sông thì ghe thuyền buôn bán tấp nập. Công lao khai mở và bảo vệ vùng Đất Phương Nam của Dương Ngạn Địch và lòng trung thành của ông với các Chúa Nguyễn, những người đã cưu mang đoàn binh của ông lúc sa cơ lỡ vận, ông thà chết chứ quyết không nghe theo lời xúi dục của Hoàng Tiến làm phản quả là rất đáng được trân trọng. Tấm lòng trung liệt và công lao khai mở đất phương Nam của ông rất đáng được dân chúng Việt Nam nói chung, dân chúng vùng đất này nói riêng, nhất là dân vùng Mỹ Tho đời đời kính ngưỡng và ghi ơn.

 

Ghi Chú:

(1)​Năm 1644, quân Mãn Thanh ở miền Bắc Trung Hoa xâm chiếm và lật đổ vương triều nhà Minh. Lúc đó quan quân và dân chúng Trung Hoa trung thành với nhà Minh nổi lên kháng chiến chống lại sự xâm lăng của nhà Mãn Thanh. Phong trào phản Thanh phục Minh ở các vùng Triết Giang, Phúc Kiến, và Quảng Đông do Trịnh Thành Công lãnh đạo được coi là mạnh nhất. Tuy nhiên, trước sức tấn công như vũ bão của quân Mãn Thanh, năm 1661, Trịnh Thành Công phải rút lui ra đảo Đài Loan. Sau đó các lực lượng phản Thanh dần dần tan rã và bị truy đuổi, nên họ phải bỏ chạy khỏi Trung Hoa.

(2)​Chúa lại còn gửi chỉ dụ sang Cao Miên cho vua Nặc Ông Thu để đất Meso cho quân binh của Dương Ngạn Địch khai khẩn. Đồng thời chúa Nguyễn cũng sai tướng thần Xá Sai Văn Trinh dẫn đường đưa Dương Ngạn Địch vào cửa Soài Rạp và cửa Tiểu, cửa Đại để đi vào Pream Meso (nay là Mỹ Tho). Mỹ Tho là vùng đất đai rất rộng. Trước khi đoàn dân binh Long Môn của Dương Ngạn Địch đến thì đã có một số dân Việt vào đây khai hoang mở ruộng. Chính vì vậy mà khi nhóm Long Môn tới định cư tại đây họ đã dễ dàng lập nên Mỹ Tho Đại Phố, nơi một thời quy tụ rất nhiều loại thuyền buôn của người Trung Hoa, Tây Dương, Nhật Bàn, Đồ Bà (Java), vân vân, tới lui mua bán tấp nập. Tuy người Hoa chuyên nghề thương mãi và một số làm dịch vụ, nhưng lúc họ đến Mỹ Tho thì đất hoang còn quá nhiều, nên một số đông người Hoa đã phân tán theo người Việt đi vào những vùng xa làm nông.

(3)​Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, soạn năm 1844, Viện Sử Học phiên dịch, NXB Sử Học, Hà Nội, 1962, nơi những trang 136-140 có ghi: “Năm Kỷ Mùi, 1679, mùa xuân, tháng Giêng, tướng cũ của nhà Minh là Long Môn Tổng Binh Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến; cùng Cao Lôi Liêm Tổng Binh Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình, đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung, nay là Tư Hiền, và Đà Nẳng, tự trần thuật là bề tôi của nhà Minh, mất nước, trốn ra ngoài, vì không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin làm tôi tớ cho chúa Nguyễn.” Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đó, vào năm Quý Sửu, 1673, ở Chân Lạp nổ ra cuộc tranh chấp quyền lực giữa một bên là hai anh em Nặc Ông Đài (Ang Chea)-Nặc Ông Thu (Ang-Sur) và bên kia là hai bác cháu Nặc Tân (Ang Tan)-Nặc Nộn (Ang-Nan). Phe Nặc Tân-Nặc Nộn chạy sang cầu cứu với chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm Giáp Dần, 1674, Nặc Tân chết, ba năm sau, Nặc Ông Đài bị giết. Chúa Nguyễn giải hòa hai phe bằng cách cho Nặc Ông Thu làm chính vương, đóng ở Oudong, và Nặc Nộn làm Phó vương đóng ở Prei Nokor, tức Sài Gòn ngày nay. Vào thời điểm những người Hoa Phản Thanh Phục Minh đến xin tỵ nạn thì biên giới Đại Việt và Cao Miên còn ở tại bờ sông Phan Rang, chính vì thế mà chúa Nguyễn Phúc Tần phải cho người đưa thư đến cho Nặc Ông Nộn, đang làm phó vương tại đó, yêu cầu chia cấp đất cho họ vào làm ăn sinh sống quanh vùng Đông Phố và Mỹ Tho, và Nặc Nộn rất đồng ý. Vậy là nhóm Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ về vùng Bàn Lân, thuộc Kâmpéâp Srêkatrey, nay là Biên Hòa; trong khi nhóm Dương Ngạn Địch thì vào cửa Soài Rạp đến khai phá vùng Pream Meso, nay là Mỹ Tho.

(4)​Cũng theo sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, soạn năm 1844, Viện Sử Học phiên dịch, NXB Sử Học, Hà Nội, 1962, khi nhóm Dương Ngạn Địch vào đến vùng Peam Meso (Mỹ Tho) như đã được chỉ định, ông bèn quy tụ người Việt, lẫn người Cao Miên về đó cùng với người Hoa kết hợp thành làng xóm, rồi cùng nhau khai khẩn hoang địa để làm ruộng. Về sau này, chúa Nguyễn cho lập thành trang trại, man, nậu, và xây dựng 9 trường biệt nạp ngay trên những làng xóm do Dương Ngạn Địch thành lập trước đó: Quy An, Duy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Gian Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh và Tân Thạch. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, trong mục Định Tường-Mỹ Tho có khen ngợi: “Phong tục của Định Tường-Mỹ Tho cũng giống Gia Định, nhưng vật lực có hơn, cho nên cũng ham vui và thích chơi nhiều hơn. Phục sức cũng xa xỉ hơn, phụ nữ nuôi tằm dệt vải cũng nhiều hơn, mà nhà nông cày cấy cũng hơn...” Về sau này, đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa cho lập ra phủ trị ở phía Bắc chợ, lệ thuộc vào dinh Phiên Trấn. Đời chúa Nguyễn Phúc Thuần cải đổi thành Đạo Trường Đồn, có một viên Cai Cơ hoặc Cai Đội và một Ký Lục ở đó làm việc, rồi sau đó thì lập thành dinh trấn. Phía Nam lỵ sở là phố chợ Mỹ Tho, trên bờ thì nhà phố san sát, dưới sông thuyền bè qua laị như mắc cửi, đúng là một nơi phồn hoa đô hội. Đến năm 1781, Nguyễn Ánh cho dời lỵ sở của dinh Trấn Định từ giồng Kiến Định, nay thuộc Tân Lý, Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, về thôn Mỹ Chánh, chợ Mỹ Tho ngày nay. Phải nói, trong khi ở Cù Lao Phố, Trần Thượng Xuyên chuyên tâm phát triển về thương mại và tập trung thành một khu người Hoa, thì ở vùng Mỹ Tho Đại Phố, Dương Ngạn Địch vừa phát triển thương mại mà cũng vừa thành lập những khu trang trại, phát triển ruộng rẫy và cộng cư với cả người Hoa-Việt-Cao Miên. Về sau này, đến năm 1784, khi Nguyễn Ánh cầu viện với quân Xiêm La, đem quân sang đánh phá Việt Nam. Khi chiến tranh lan đến tàn phá vùng Mỹ Tho Đại Phố, khiến cho nơi này trở thành hoang phế tiêu điều. Sau khi Nguyễn Huệ dẹp tan quân Xiêm La trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút vào năm 1785, hầu hết cư dân ở đây quá sợ sự tàn bạo của giặc Xiêm La, nên họ đã kéo nhau lên định cư trên vùng Bến Nghé, nay là Sài Gòn. Đến năm 1788, mặc dầu được dần khôi phục, nhưng cũng như số phận của Cù Lao Phố, Mỹ Tho Đại Phố không còn phồn thịnh như dưới thời Tổng Binh Long Môn Dương Ngạn Địch nữa.

(5)​Vào năm Mậu Thìn, khi Phó tướng Huỳnh Tiến làm phản, nổi lên giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi dời quân qua đóng tại vùng Rạch Năn, tức vùng sông Vàm Cỏ ngày nay. Tại đây, Huỳnh Tiến cho đắp lũy, đóng thêm chiến thuyền, đúc thêm súng đại bác, rồi tự xưng là Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân, để mặc tình cho quan quân tràn đi khắp nơi cướp phá dân lành, nhất là những người Chân Lạp tại đây vô cùng khổ sở. Chính vì vậy mà sau năm 1688, hầu như tất cả những người Chân Lạp tại vùng Mỹ Tho đều bỏ đi về các vùng Trà Vinh, Ba Thắc, nay là Sóc Trăng, và Tầ Phong Long (nay là các vùng Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên và Châu Đốc) để sinh sống. Trong khi đó Chánh Vương Nặc Thu ở Oudong oán giận, lầm tưởng chúa Nguyễn ngầm xúi nhóm Hoàng Tiến để tàn hại dân lành và xâm chiếm Cao Miên, nên Nặc Thu ra lệnh cho quân sĩ giăng dây sắt và đắp lũy cùng nhiều chướng ngại vật tại vùng Gò Bích, Cầu Nam và Nam Vang; đồng thời ra lệnh cho Ốc Nha Cống Sa bỏ việc triều cống. Nhị vương Nặc Nộn, từ Sài Côn lại tưởng là Chánh Vương Nặc Thu âm mưu với Hoàng Tiến, nên dâng thư lên chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) báo tin rằng Nặc Thu đã liên kết với Huỳnh Tiến. Phó tướng dinh Trấn Biên ở Phú Yên là Mai Vạn Long đem thư tâu lên. Chưởng dinh Trấn Biên Tống Phước Minh đề nghị chọn Cai Cơ Nguyễn Thắng Long, một vị tướng có mưu lược và hiểu rõ phong thủy xứ Chân Lạp, làm Thống Binh đi đánh Nặc Thu. Tống Phước Minh lại tâu với chúa Nguyễn: “Huỳnh Tiến giết chủ nó nhưng chưa biết thật sự nó theo phe nào, chi bằng phong cho nó chức Tiên Phong. nếu nó dụ dự không theo ta thì ta tiến đánh nó ngay.” Chúa Nguyễn bèn cử Mai Vạn Long làm Thống suất, Nguyễn Thắng Long và Nguyễn Tấn Lễ làm Tả hữu Vệ Trấn, Thủ hạp Văn Vị làm Tham mưu, và giao cho Huỳnh Tiến làm Tiên Phong. Tuy nhiên, đến tháng Giêng năm Kỷ Tỵ, khi quân Mai Vạn Long đến Mỹ Tho thì Huỳnh Tiến bỏ chạy về Rạch Gầm. Biết được ý phản của Huỳnh Tiến, nên Mai Vạn Long sai Trương Văn Thông, còn gọi là Trương lão gia, hên với Huỳnh Tiến ra giữa sông hội đàm, rồi bất ngờ cho người đâm chết Huỳnh Tiến.

 

 

 

Hình 1: Hoạ ảnh Dũng tướng Long Môn Tổng Binh Dương Ngạn Địch,

một người văn võ toàn tài, hết lòng trung thành với các Chúa Nguyễn,

những người đã cưu mang ông và binh sĩ của ông trong cơn

sa cơ thất thế, ảnh internet.

 

Hình 2: Ảnh phác hoạ cuộc mưu phản của Phó Tướng

Long Môn Hoàng Tiến tại cửa biển Mỹ Tho, ảnh internet.

  

 

IX

 

CÔNG LAO CỦA QUAN TỔNG BINH NGƯỜI MINH HƯƠNG TRẦN THƯỢNG XUYÊN & HẬU DUỆ CỦA ÔNG TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM

 

SƠ LƯỢC VỀ QUAN TỔNG BINH TRẦN THƯỢNG XUYÊN (1626-1720)

 

Trần Thượng Xuyên, tự là Thắng Tài, hiệu Nghĩa Lược, bản quán ở làng Điền Đầu, trấn Nam Tam, huyện Ngô Xương, phủ Cao Châu (Giao Châu), tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Ông nguyên là quan tổng binh 3 châu Cao-Lôi-Liêm dưới thời nhà Minh. Trần Thượng Xuyên là dòng dõi tướng Trần Văn Long dưới thời nhà Nam Tống, người có công lớn trong việc đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi Trung Hoa. Vào năm 1644, lúc quân Thanh đã đánh chiếm hầu hết Trung Hoa, thì gia đình Trần Thượng Xuyên đã dời đến phủ Triệu Khánh. Đến tháng 10 năm 1646, Quế Vương Chu Do Lang xưng làm Giám Quốc, đóng đô ở Triệu Khánh. Đến tháng 11 năm 1646, lên ngôi thành lập chính quyền Vĩnh Lịch nhà Nam Minh. Trần Thượng Xuyên liền khởi binh hưởng ứng. Tháng 4 năm 1662, Ngô Tam Quế giết chết Vĩnh Lịch Đế, nhưng Trần Thượng Xuyên vẫn tiếp tục công cuộc kháng Thanh, hoạt động ở vùng bờ biển Quảng Đông và trong nội địa 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Sau đó, thủ lãnh kháng Thanh là Trịnh Thành Công phong cho Trần Thượng Xuyên làm Tổng Binh ba châu Cao-Lôi-Liêm. Đến năm 1673, nổ ra loạn Tam Phiên, Trần Thượng Xuyên hưởng ứng theo Ngô Tam Quế, đánh chiếm Khâm Châu. Tuy nhiên, đến năm 1679, sau khi bình định xong phía Bắc Trung Hoa, nhà Thanh mang đại quân xuống đánh phía Nam, Trần Thượng Xuyên phải mang gia quyến và quân binh đi về phương Nam xin tỵ nạn.

Phải thực tình mà nói, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế. Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, soạn năm 1844, Viện Sử Học phiên dịch, NXB Sử Học, Hà Nội, 1962, nơi những trang 136-140 có ghi: “Năm Kỷ Mùi, 1679, mùa xuân, tháng Giêng, tướng cũ của nhà Minh là Long Môn Tổng Binh Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến; cùng Cao Lôi Liêm Tổng Binh Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình, đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung, nay là Tư Hiền, và Đà Nẳng, tự trần thuật là bề tôi của nhà Minh, mất nước, trốn ra ngoài, vì không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin làm tôi tớ cho chúa Nguyễn.” Thoạt đầu chúa muốn từ chối vì thấy không tiện khi cho hai đạo binh khá lớn ở sát kinh thành, lại nữa nếu chứa chấp họ, có thể bị rắc rối với Thanh Triều. Nhưng về sau tính lại, Chúa đồng ý cho hai ông một về miệt Mỹ Tho và một về vùng Đồng Nai, để vừa giúp đám lưu dân Việt Nam đang ở chung đụng với người Chân Lạp, vừa tiếp tục khai khẩn những vùng đất hãy còn hoang vu, mà cũng vừa trấn át quân Xiêm và Chân Lạp lúc nào cũng lăm le quấy phá vùng đất mới này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đó, vào năm Quý Sửu, 1673, ở Chân Lạp nổ ra cuộc tranh chấp quyền lực giữa một bên là hai anh em Nặc Ông Đài (Ang Chea)-Nặc Ông Thu (Ang-Sur) và bên kia là hai bác cháu Nặc Tân (Ang Tan)-Nặc Nộn (Ang-Nan). Phe Nặc Tân-Nặc Nộn chạy sang cầu cứu với chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm Giáp Dần, 1674, Nặc Tân chết, ba năm sau, Nặc Ông Đài bị giết. Chúa Nguyễn giải hòa hai phe bằng cách cho Nặc Ông Thu làm chính vương, đóng ở Oudong, và Nặc Nộn làm Phó vương đóng ở Prei Nokor, tức Sài Gòn ngày nay. Vào thời điểm những người Hoa Phản Thanh Phục Minh đến xin tỵ nạn thì biên giới Đại Việt và Cao Miên còn ở tại bờ sông Phan Rang, chính vì thế mà chúa Nguyễn Phúc Tần phải cho người đưa thư đến cho Nặc Ông Nộn, đang làm phó vương tại đó, yêu cầu chia cấp đất cho họ vào làm ăn sinh sống quanh vùng Đông Phố và Mỹ Tho, và Nặc Nộn rất đồng ý. Vậy là nhóm Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình vào cửa Cần Giờ, đi lên khai phá vùng Bàn Lân, thuộc Kâmpéâp Srêkatrey, nay là Biên Hòa; trong khi nhóm Dương Ngạn Địch thì vào cửa Soài Rạp đến khai phá vùng Peam Meso, nay là Mỹ Tho.

Gia Định Thành Thông Chí có chép: “Khi ấy Bắc Hà có nhiều việc biến loạn, mà quan binh của họ ở xa tới, chưa biết hư thực thế nào, huống chi họ lại y phục khác, tiếng nói khác, khó sử dụng. Nhưng họ trong lúc thế cùng nên phải chạy sang, khẩn khoản bày tỏ tấm lòng thì cũng không nên cự tuyệt... Vả lại địa phương Giản Phố (Gia Định) đất ruộng tươi tốt kể đến ngàn dặm, triều đình chưa rành kinh lý, chi bằng nay ta lợi dụng sức mạnh của họ, cho khai phá đất đai để ở, cũng là một việc mà được ba điều lợi.” Vì thế Chúa Hiền ra lệnh khoản đãi và cho họ giữ nguyên chức tước như cũ. Chúa bèn ra chiếu chỉ cho Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình theo cửa Cần Giờ vào khai phá xứ Đồng Nai. Đồng Nai là điểm nối liền Gia Định và Nam Vang thời đó, nên các thương thuyền trong nước tụ tập về đây buôn bán nông lâm sản với thương thuyền nước ngoài. Khác với những lưu dân đến Đồng Nai trước đây, nhóm người Minh Hương của Tổng Binh Trần Thượng Xuyên vừa chú trọng khẩn hoang làm ruộng rẫy, tạo ra nông lâm sản, mà cũng vừa phát triển thương mại, chủ yếu là để trao đổi những sản phẩm do chính họ làm ra để đổi lấy những thứ họ không làm ra được. Hơn nữa, Trần Thượng Xuyên đã từng là một vị Tổng Binh, nên việc tổ chức hành chánh trong khu vực của ông rất có qui củ. Đương nhiên việc phòng thủ quân sự đối với quan Tổng Binh là chuyện dễ dàng. Chính vì thế mà chẳng mấy chốc, dân chúng toàn vùng Cù Lao Phố(1) được thanh bình thạnh trị và an cư lạc nghiệp. Thời đó, hầu như các nước lân cận đều nghe danh Cù Lao Phố, nên những thương thuyền ngoại quốc đến Cù Lao Phố hầu như mỗi ngày. Lúc đó Cù Lao Phố đã có mối giao thương với Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản, Mã Lai, Nam Dương, và ngay cả những thương thuyền đến từ Âu Châu.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Thượng: “Cù Lao Phố chỗ sông sâu thuận tiện cho tàu biển đậu. Trần Thượng Xuyên chiêu tập thương buôn nước Tàu, xây dựng đường sá, nhà lầu đôi tầng, rực rỡ bên sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn ở giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, và nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng, bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.” Trần Thượng Xuyên lại khéo chỉ huy và tổ chức, quy tụ các thương nhân người Hoa ở các nước khác đã có mối quan hệ từ trước, các nhà buôn bán chuyên nghiệp có vốn lớn, giàu kinh nghiệm đến xây dựng Cù Lao Phố thành một thương cảng quốc tế phồn thịnh vào bậc nhất thời đó, được mang tên là “Châu Đại Phố Cảng.”

Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển IV, trong khoảng năm Mậu Thìn, 1688, Phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tiến âm mưu ly khai, muốn tách rời ra khỏi thế lực nhà Nguyễn, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch rồi tự xưng là Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân, thống lãnh binh tướng Long Môn, kéo quân về vùng Rạch Than, nay thuộc tỉnh Kiến Hòa, xây thành đắp lũy, đúc súng đạn, và đóng thêm chiến thuyền. Bên cạnh đó, Hoàng Tiến còn cho quân sĩ đi các nơi cướp phá. Chính vương Chân Lạp lúc đó là Nặc Ông Thu tức giận triều đình xứ Đàng Trong đã đưa giặc vào đất của ông ta, nên bỏ lệ triều cống xứ Đàng Trong. Đồng thời, Nặc Thu còn cho xây đắp ba lũy Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang, rồi chắn xích sắt ngang các cửa sông với ý định chống đối lạu dài. Phó Vương Nặc Ông Nộn liền báo âm mưu ấy về cho triều đình nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Trăn bèn sai Mai vạn Long, Nguyễn Hữu Hào và Trần Thượng Xuyên cất quân đi đánh dẹp. Tháng Giêng năm Kỷ Tỵ, 1689, Mai Vạn Long kéo quân đến đóng tại cửa sông Rạch Gầm, Mỹ Tho, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, sai người đến Nan Khê triệu Hoàng Tiến đem quân bản bộ đến bằng cách đánh lừa mời Hoàng Tiến đến hội. Khi Hoàng Tiến đi thuyền ra giữa sông thì bị phục binh bốn mặt đánh ra. Hoàng Tiến hoảng sợ, bỏ thuyền lội vào bờ. Quân của Mai Vạn Long vào lũy Rạch Than, bắt vợ con của Hoàng Tiến đem ra chém hết. Sau đó, Hoàng Tiến cũng bị bắt và bị xử chém.

Thừa thắng, tháng 7 năm 1699, sau khi Trần Thượng Xuyên báo khẩn lên triều đình, thì chúa Nguyễn sai quân triều đình dưới sự chỉ huy của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào phối hợp với quân bản bộ của Trần Thượng Xuyên tiến đánh luôn các lũy Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang và vào khoảng tháng 3 năm 1700, thì dẹp bỏ được tất cả những xích sắt cản ngăn trên sông Tiền. Sau đó, Trần Thượng Xuyên đến nơi chiêu dụ được rất nhiều quân Long Môn, và được chúa Nguyễn Phúc Trăn giao cho ông và con là Trần Đại Định tiếp tục cai quản quân Long Môn. Lúc này Trần Thượng Xuyên nhập hai nhóm người Minh lại rồi phân công ra đóng nhiều nơi tại các vùng Phiên Trấn (Sài Gòn-Gia Định), Ngư Khê (thuộc dinh Long Hồ), Doanh Châu (thuộc đạo Tân Châu), vân vân.

Như vậy sau trận tháng 3 năm 1700, Trần Thượng Xuyên đã đánh tan vỡ toàn bộ quân Chân Lạp, khiến họ phải rút chạy về vùng Oudong. Coi như kể từ đó, người Chân Lạp không còn kiểm soát các vùng Biên Trấn (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định), Định Tường, Long Hồ (Vĩnh Long), và An Giang nữa. Đến năm Giáp Ngọ, 1714, quân của Nặc Ông Thâm đến lấy thành La Bích và vây đánh Nặc Ông Yêm rất nguy cấp. Ông Yêm bèn sai người sang Gia Định cầu cứu. Lúc này Tổng Binh Trần Thượng Xuyên đang được chúa Nguyễn cho trấn giữ toàn bộ quân Long Môn và cai quản luôn đất Gia Định. Được lệnh chúa Nguyễn, Trần Thượng Xuyên bèn hợp quân cùng Phó tướng Nguyễn Cửu Phú phát binh sang đánh thành La Bích, Nặc Ông Thu và Nặc Ông Thâm bỏ chạy sang Xiêm La. Trần Thượng Xuyên lại vâng lệnh chúa Nguyễn đưa Nặc Ông Yêm lên ngôi vua Chân Lạp.

Cũng như Dương Ngạn Địch trong vùng Mỹ Tho Đại Phố, Trần Thượng Xuyên vừa khai phá và phát triển vùng Cù Lao Phố, đồng thời cũng hỗ trợ các tướng của chúa Nguyễn ổn định tình hình an ninh về cả các mặt chính trị và xã hội ở Gia Định và Chân Lạp. Ngày 23 tháng 10 năm Canh Tý, 1720, Trần Thượng Xuyên qua đời. Ông được an táng ở làng Mỹ Lộc, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đồng thời, Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn sắc phong Phụ Quốc Đô Đốc Trần Phù Quân Thượng Đẳng Thần, và cho lập đền thờ tại Biên Hòa. Trải qua mấy thế kỷ, mộ Trần Thượng Xuyên cùng các ngôi mộ của các gia tướng đều đã rất hoang tàn.

Về đường miêu duệ, Trần Đại Định, con trai lớn của Tổng Binh Trần Thượng Xuyên, cưới con gái của Mạc Cửu, vị Tổng Trấn Hà Tiên. Vào năm 1725, Đại Định nối nghiệp cha mình, phục vụ dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chú, được tập phong tước Định Viễn Hầu, chức Tổng binh, chỉ huy cả 2 đạo binh Phiên Trấn và Long Môn. Con trai của Trần Đại Định là Trần Đại Lực hay Trần Hầu, rất được người cậu tên Mạc Thiên Tích thương yêu và tin dùng.

Phải nói Trần Thượng Xuyên là một dũng tướng có tài thao lược, lại thêm văn võ toàn tài, nên đã giúp các chúa Nguyễn không ít trong việc bảo vệ vùng Đất Phương Nam. Ông đã nhiều lần cất quân đánh dẹp loạn bên Cao Miên, giữ yên bờ cõi, mở rộng biên cương cho Đại Việt. Ông còn là một trong những người Hoa có công rất lớn trong công cuộc khai phá và xây dựng vùng Đất Phương Nam, nhất là vùng Đồng Nai-Gia Định. Chính vì vậy mà chúa Nguyễn đã ban cho ông danh hiệu cao quý: “Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt.” Các vua Minh Mạng và Thiệu Trị đều phong ông làm “Thượng đẳng thần”. Để tỏ lòng kính ngưỡng và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai-Gia Định, dân chúng trong vùng gọi Trần Thượng Xuyên là “Đức Ông” và nơi nơi đều có lập đền thờ. Trong số đó có đình Tân Lân, Xóm Mới ở Biên Hòa, nơi thờ tướng Trần Thượng Xuyên.

 

Ghi Chú:

(1)​Ban đầu nhóm của Tổng Binh Trần Thượng Xuyên đến Bàn Lân, ngày nay thuộc Biên Hòa để khai hoang lập ấp. Lúc đó vùng Bàn Lân hãy còn rất hoang vu, toàn là rừng rú đầm lầy. Gia đình của Tổng Binh Xuyên lại vốn có truyền thống mua bán, nên sau khi đã ổn định vùng Bàn Lân, ông đã phát hiện ra vùng Cù Lao Phố, một bãi cát bồi hoang sơ nằm giữa dòng sông Hương Phước, một đoạn của sông Đồng Nai, trải dài trên khoảng 7 dặm, bề ngang khảng hai phần ba bề dài. Tuy có cách xa cửa biển, nhưng nơi đó sông sâu, nước chảy, về phía Bắc có thể đi ngược lên khai thác nguồn hàng lâm sản; về phía Nam có thể ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên. Cho nên đa số người Hoa đều rủ nhau lên Cù Lao Phố định cư để buôn bán làm ăn. Tại đây, Tổng Binh Trần Thượng Xuyên tiến hành khai khẩn hoang địa với quy mô lớn hơn. Vì vậy mà chỉ trong vòng bốn năm năm sau đó, toàn vùng Cù Lao Phố đã nghiễm nhiên trở thành một trung tâm thương mại lớn và quan trọng nhất của vùng Đất Phương Nam. Đồng thời Cù Lao Phố cũng trở thành trung tâm đầu mối trao đổi các nguồn lâm sản và thổ sản từ vùng rừng trên thượng nguồn, cũng như hàng hóa từ các vùng Quảng Đông, Đài Loan và Tân Gia Ba (Singapore). Từ sự phát đạt về thương nghiệp khiến những ngành nghề thủ công khác cũng tiến theo như: dệt chiếu, tơ lụa, gốm sứ, đúc đồng, làm đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo, vân vân. Trong Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, NXB Xuân Thu, California, U.S.A., 1995, từ trang 26 đến trang 28, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Cù Lao Phố: Nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu (Trấn Biên) với đường bộ đường thủy nối liền về miền Trung, đường bộ lên Cao Miên và đường thủy xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thắng Tài gây cơ sở lớn ở Cù Lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. Năm năm sau khi định cư, chùa Quan Đế dựng lên.” Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Thượng, trang 25, mô tả Cù Lao Phố như sau: “Trần Thắng Tài chiêu nạp được những người buôn bán từ nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ bên bờ sông, liên lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn ở giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng, bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn lớn ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.” Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, NXB Tổng Hợp Đồng Nai, 2005, dịch giả Lý Việt Dũng, nơi trang 28, Cù Lao Phố còn gọi là Đông Phố hay Giản Phố, cũng còn gọi là Cù Châu, bởi địa thế cù lao uốn mình khoanh duỗi hình như con cù bông giỡn nước, nên có tên như vậy. Cù lao này cách phía đông trấn độ 3 dặm, dài hơn 7 dặm, bề rộng bằng hai phần ba bề daì, như con kim ngư trấn nơi thủy khẩu, cây trụ đá ngăn sóng lớn cho trấn thành... Các thuyền buôn ngoại quốc tới Cù Lao Phố bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước rồi nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy các thứ hàng khác rất thuận lợi...Tuy nhiên, sự thịnh vượng của Cù Lao Phố chỉ kéo dài được 97 năm (1679-1776), vì sau khi nghĩa binh Tây Sơn tức giận người Hoa tại đây hợp tác với Nguyễn Ánh nên sau khi chiếm thành Gia Định vào khoảng năm 1776, đã tàn sát rất nhiều người Hoa, và sau đó những người Hoa còn sống sót đã chạy về Đê Ngạn khai sinh ra thành phố Chợ Lớn về sau này.

 

 

Hình 1: Bia ghi công ơn Trần Thượng Xuyên trước đình

Tân Lân, Biên Hòa, Đồng Nai, ảnh lấy từ internet.

Hình 2: Đình Tân Lân tại Biên Hoà, nơi thờ quan

Tổng Binh Trần Thượng Xuyên, ảnh Internet.

 

 

 

Hình 3: Bệ thờ ảnh tượng của quan Tổng Binh người Minh Hương

Trần Thượng Xuyên bên trong Đình Tân Lân, ảnh Internet.

 

Hình 4: Bên ngoài cổng Khu Mộ Cổ của quan

Tổng Binh người Minh Hương Trần Thượng Xuyên, ảnh 2018.

 

Hình 5: Khu Đền Thờ bên trong Khu Mộ Cổ của quan

Tổng Binh người Minh Hương Trần Thượng Xuyên, ảnh 2018.

 

Hình 6-7: Bia tưởng niệm quan Tổng Binh Trần Thượng Xuyên

bên trong khu mộ cổ, mặt trước ghi chữ Việt và mặt sau ghi chữ Hoa, ảnh 2018.

 

 

 

 

Hình 7: Nhà mồ của quan Tổng Binh Trần Thượng Xuyên

nằm bên trong khu mộ cổ, ảnh 2018.

 

 

 

TỔNG BINH TRẦN THƯỢNG XUYÊN &

VÙNG ĐẤT CÙ LAO PHỐ

 

Tổng Quan Về Cù Lao Phố:

Cù lao Phố không phải là phố cảng đầu tiên được thành lập bởi người Hoa tại Việt Nam, mà vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII trước đó, sau khi chúa Nguyễn Phúc Lan cho dời dinh chúa từ Phước Yên vào Kim Long (Huế) vào năm 1636, chúa đã cho phép thành lập phố Thanh Hà gồm những cư dân người Việt và người Hoa. Theo quyển “Nam Bộ Nhìn Về Lịch Sử Nhìn Vào Hiện Tại Nhìn Ra Khu Vực”, phố cảng Thanh Hà đã có từ thời nhà Trần, vì dọc theo bờ sông gần Thanh Hà và thành Hóa Châu người ta tìm thấy hàng trăm đồng tiền thời Trần mang niên hiệu Thiệu Phong (1341-1357) và Đại Trị (1358-1369). Đến giữa thế kỷ thứ XVII, những người Hoa di dân được chúa Nguyễn cho phát triển phố Thanh Hàthế hệ đầu tiên có Trần Dưỡng Thuần (1610-1688), quê quán phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Chính Alexandre de Rhodes đã thừa nhận, mặc dầu không lớn như Kim Long, nhưng Thanh Hà là một phố cảng lớn thời đó với tên là “Đại Minh Khách Phố”. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, phố cảng Thanh Hà đã nghiễm nhiên trở thành phố cảng quan trọng của xứ Đàng Trong. Các tay thương buôn Hoa kiều thường vào Hội An mua hàng hóa nước ngoài về Thanh Hà bán lại cho vùng Thuận Hóa(1).

Đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVII khi vùng biên trấn của xứ Đàng Trong là phủ Thuận Thành thì lưu dân Việt Nam đã đi đến những vùng xa hơn về phương Nam và cư ngụ chung đụng với người Chân Lạp, nhưng chúa Hiền Vương lúc ấy phải đương đầu với nhiều vấn đề về phía mặt Bắc nên chưa rảnh tay để tính chuyện trong Nam. Năm 1644, thời chúa Nguyễn Phúc Tần thì chúa Hiền Vương đã có công đánh tan Hải Quân Hòa Lan tại cửa biển Thuận An. Sau khi lên ngôi chúa năm 1648, chúa Hiền Vương lại phải đánh nhiều trận với quân chúa Trịnh từ năm 1648 đến năm 1672 nên kế hoạch lưu dân về phương Nam bị đình trệ. Năm 1679, có nhiều nhóm cựu thần nhà Minh vì không phục Thanh Triều nên dong buồm xuôi Nam tìm nơi tỵ nạn. Trong số những nhóm này, đáng kể nhất là Tổng Binh Trấn Thủ Thủy Lục ở Long Môn là Dương Ngạn Địch và Phó Tướng của ông là Hoàng Tấn, va quan Tổng Binh Trấn Thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, còn gọi là Trần Thắng Tài, cùng phó tướng là Trần An Bình, đem gia quyếntùy tùng trên 3.000 người và 50 chiến thuyền đến cửa Từ Dung và cửa Đà Nẳng, xin yết kiến chúa Hiền Vương để xin tỵ nạn. Thoạt đầu chúa muốn từ chối vì thấy không tiện khi cho hai đạo binh khá lớn ở sát kinh thành, lại nữa nếu chứa chấp họ, có thể bị rắc rối với Thanh Triều. Nhưng về sau tính lại, Chúa đồng ý cho hai ông một về miệt Mỹ Tho và một về vùng Đồng Nai, để vừa giúp đám lưu dân Việt Nam đang ở chung đụng với người Chân Lạp, vừa tiếp tục khai khẩn những vùng đất hãy còn hoang vu, mà cũng vừa trấn át quân Xiêm và Chân Lạp lúc nào cũng lăm le quấy phá vùng đất mới này. Gia Định Thành Thông Chí có chép: “Khi ấy Bắc Hà có nhiều việc biến loạn, mà quan binh của họ ở xa tới, chưa biết hư thực thế nào, huống chi họ lại y phục khác, tiếng nói khác, khó sử dụng. Nhưng họ trong lúc thế cùng nên phải chạy sang, khẩn khoản bày tỏ tấm lòng thì cũng không nên cự tuyệt... Vả lại địa phương Giản Phố (Gia Định) đất ruộng tươi tốt kể đến ngàn dặm, triều đình chưa rành kinh lý, chi bằng nay ta lợi dụng sức mạnh của họ, cho khai phá đất đai để ở, cũng là một việc mà được ba điều lợi.” Vì thế Chúa Hiền ra lệnh khoản đãi và cho họ giữ nguyên chức tước như cũ. Sau đó Chúa ban chiếu chỉ cho Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tấn theo các cửa Tiểu và cửa Đại đi lên khai phá hướng Mỹ Tho. Trong khi chiếu chỉ cho Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình theo cửa Cần Giờ vào khai phá xứ Nông Nại(2) . Đây quả là một quyết định hết sức quan trọng của Chúa Hiền về cả hai mặt kinh tế và chiến lược. Nhờ hai đạo quân hùng mạnh giữ an ninh trật tự nên chẳng mấy chốc, các sắc tộc Việt, Miên và Hoa cùng nhau khai phá, phát triển và biến những vùng đất này thành một trong những vùng đất trù phú nhất Nam Kỳ thời đó. Khác với những nhóm lưu dân người Việt đến đó trước đây là chỉ lưu tâm đến phá rừng làm ruộng rẫy, những nhóm người Hoa mới đến này họ vừa phá rừng làm ruộng rẫy, vừa làm thương mại buôn bán. Hai nhóm người Hoa này đến Việt Nam thời đó đi theo rất nhiều nhà khoa bảng bất mãn với Thanh triều nên chẳng mấy chốc hai vùng Đồng Nai và Mỹ Tho biến thành hai thành phố vừa lớn mạnh về các mặt nông nghiệp, thương mại, và văn hóa. Họ biến hai vùng này thành hai trung tâm thương mại và giao dịch với nước ngoài lớn nhất vùng Nam Kỳ. Cũng như Mạc Cửu ở Hà Tiên, họ giao dịch với người với người Tân Gia Ba, Hương Cảng, Nhật Bản, và người Tây Dương, tức người từ các xứ Âu châu. Thuyền buôn các xứ này tới lui vùng Mỹ Tho và Đồng Nai tấp nập.

Vào đầu thế kỷ thứ XVII, tại vùng Đồng Nai thì người Minh Hương tập trung nhiều ở vùng cù lao Phố. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Thượng: “Cù Lao Phố chỗ sông sâu thuận tiện cho tàu biển đậu. Trần Thượng Xuyên chiêu tập thương buôn nước Tàu, xây dựng đường sá, nhà lầu đôi tầng, rực rỡ bên sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ, nhai lớn ở giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, và nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng, bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.” Đa số người Hoa tập trung ở vùng Cù Lao Phố, dọc theo bờ sông Đồng Nai, mở mang cho phố nầy ngày càng thêm thịnh vượng, thu hút nhiều thương nhân ngoại quốc như Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Mã Lai, và rất nhiều người Âu Châu. Trần Thượng Xuyên lại khéo chỉ huy và tổ chức, quy tụ các thương nhân người Hoa ở các nước khác đã có mối quan hệ từ trước, các nhà buôn bán chuyên nghiệp có vốn lớn, giàu kinh nghiệm đến xây dựng Cù Lao Phố thành một thương cảng quốc tế phồn thịnh vào bậc nhất đất Gia Định thời đó, được mang tên là “Châu Đại Phố Cảng.”

Ngày nay đi đâu đến đâu trong vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh, chúng ta cũng đều nghe văng vẳng hai câu ca dao:

​​​                  “Nhà Bè nước chảy chia hai

​​ ​                   Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.”

Nói đúng hơn đây là những điệu hát câu hò chèo ghe cho đỡ buồn chán vào thời cha anh chúng ta đi mở cõi về phương Nam. Tuy nhiên, theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thì ở ngã ba Tam Giang là một điểm mà ba con sông lớn gặp nhau. Đó là về phía Nam có sông Đồng Nai(3), về phía bắc có sông Tân Bình(4), gặp với sông Nhà Bè thành một điểm giao thủy với tàu bè đi lại tấp nập. Chính những dòng sông nầy đã là nơi quyến rũ, là điểm đến của những lưu dân Thuận Quảng đến vùng Sài Gòn-Gia Định khẩn hoang lập nghiệp. Tại sao lưu dân thuở đó chỉ nói đến Gia Định và Đồng Nai mà không hề đề cập đến Sài Gòn? Ngược dòng lịch sử, vào năm 1679, chúa Nguyễn cho phép nhóm di thần của nhà Minh là Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, rồi lên đồn trú ở vùng Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai thời đó. Họ đã khai phá đất hoang, lập nên phố chợ thương mãi rất phồn thịnh, thông thương với người Hoa tại Đài Loan, người Nhật, người Ấn, cũng như người Âu Châu. Đó là khu Giản Phố hay Cù Lao Phố, hay nói đúng ra là cả vùng Biên Hòa ngày nay. Cù Lao Phố là một giang cảng nằm sâu trong đất liền, cách bờ biển khoảng trên 100 cây số. Thời đó sở dĩ nó có được vị trí thuận lợi là vì nó là khu thương mại đầu mối, vì từ đó người ta có thể dự trữ và đưa nông lâm sản đi các nơi khác rất dễ dàng. Nông Nại Đại Phố đã sớm trở thành một trung tâm thương mãi có nhiều tàu ngoại quốc tới lui buôn bán. Vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy cũng đã sẵn có người Việt Nam ở đây làm ăn khá đông. Việc thương mại của vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy phần lớn dựa vào nghề nông của người Việt và cư dân bản địa. Thật tình mà nói, vùng Nông Nại Đại Phố lúc nầy trù phú và cường thịnh nhưng không vượt nổi vùng Prei Nokor do người Việt Nam khai phá từ trước, vì Prei Nokor nằm gần cửa biển hơn Nông Nại Đại Phố đến hàng mấy chục cây số. Tuy nhiên, do tài giao tiếp của tướng Trần Thượng Xuyên nên chẳng mấy chốc mà cù lao Phố đã nghiễm nhiên trở thành một thương cảng lớn và quan trọng nhất của Nam Kỳ thời đó. Cù lao Phố tiếp tục phát triển trong suốt gần một thế kỷ, kể từ năm 1679 đến 1776. Năm 1698, khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào kinh lược đất Nông Nại thì vùng cù lao Phố đang hưng thịnh. Mặc dầu lúc ấy hầu như các đồn binh của xứ Đàng Trong đều đóng ở vùng Prei Nokor và Kas Krobei, tức Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay, nhưng Nguyễn Hữu Cảnh đã kéo thủy quân vào cửa Cần Giờ rồi theo dòng Đồng Nai mà đi ngược lên vùng Nông Nại và đóng quân tại cù lao Phố trong suốt thời gian ông làm Kinh Lược tại vùng đất nầy. Có lẽ chính vì vậy mà sau khi ông qua đời tại vùng Rạch Gầm, quan tài của ông đã được đưa về quàn tại cù lao Phố trước khi được đưa về chôn cất tại Quảng Bình. Ngày nay nơi quàn quan tài của ông người ta đã lập nên một phần mộ, mặc dầu không phải là mộ thật, nhưng đồng bào địa phương rất kính ngưỡng và tôn kính ông nên lúc nào nơi nầy cũng khói hương nghi ngút. Năm 1747, một thương gia người Phước Kiến tên Lý văn Quang nổi lên mong biến vùng nầy thành một khu tự trị của người Hoa; rồi tiếp theo đó là đại quân Tây Sơn vào đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ Giản Phố(5). Người ta phải dời vùng đất trung tâm về một nơi gần miền tây hơn, chính vì vậy mà khu Bến Nghé-Sài Gòn được chọn và đồng thời vùng Nông Nại bị lãng quên một cách nhanh chóng hơn. Đến khi vùng miền Tây Nam Phần được khai phá và trải qua bao cuộc bể dâu thì Giản Phố bị tàn phá không còn xây dựng lại được nữa. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ thì cù lao Phố không còn lưu lại vết tích gì của một thương cảng đã có thời cực thịnh trên vùng đất nầy. Tuy nhiên, hiện nay, những đình chùa cổ trong địa bàn xã Hiệp Hòa của thành phố Biên Hòa hãy còn rất nhiều.

 

Trần Thượng Xuyên Và Vùng Đất Cù Lao Phố:

Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương tiên phong đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế. Trần Thượng Xuyên, tự là Thắng Tài, làm quan dưới thời vua Nghi Tôn nhà Minh, bên Trung Hoa, tới chức Tổng Binh 3 châu: Cao, Lôi và Liêm, thuộc tỉnh Quảng Tây. Khi quân Mãn Thanh vào chiếm Trung Hoa, vua Nghi Tôn tự vẫn mà chết, những vị vua nối nghiệp cuối đời nhà Minh bỏ kinh thành mà chạy đến Hoài An, Phúc Châu hay Đài Loan, nhưng tất cả đều lần lượt bị quân nhà Thanh bắt giết. Quan Tổng binh Trần Thượng Xuyên không chịu thần phục nhà Thanh, nên cùng Phó Tướng Trần An Bình và một số thuộc hạ chạy sang xứ Đàng Trong vào khoảng năm 1679, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Chúa đã cho phép ông được giữ nguyên chức Tổng binh và cùng bộ tướng đi vào khai phá vùng đất Nông Nại, tức vùng Đồng Nai-Biên Hòa ngày nay. Có thể nói Trần Thượng Xuyên là một trong những người đi tiên phong trong việc khai phá hoang địa tại miền Nam. Ông chẳng những có công trong việc khai hoang lập ấp, mà còn góp phần rất đắc lực trong việc chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy hành chánh tại vùng Biên Hòa ngày nay. Lúc ông và phó tướng Trần An Bình tới vùng Nông Nại thì vùng đất nầy hãy còn là một hoang địa, đất rộng người thưa. Trên đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đến khúc Cù Lao Phố, Trần Thượng Xuyên đã ra lệnh hạ trại và khởi công khai khẩn đất hoang. Đây là một vùng đất nằm trên khu đất mầu mỡ nhất giữa lưu vực sông Đồng Nai. Nhờ đất đai đầy phù sa mầu mỡ nên việc khai thác cũng rất dễ dàng. Lại thêm có ưu thế giao thông đường thủy rất thuận tiện, nên chẳng bao lâu sau đó Cù Lao Phố đã nổi tiếng khắp miền Nam. Tại đây, tướng Trần Thượng Xuyên đã tập trung nhiều người Minh Hương ở vùng cù lao Phố, cùng nhau khai khẩn đất hoang để làm ruộng và lập nên phố phường buôn bán rất sầm uất. Dần dần thu hút được rất nhiều lưu dân Việt Nam đến sinh cơ lập nghiệp, nên chỉ không đầy một thập niên sau đó, cù lao Phố đã trở thành một trung tâm đô hội rất phồn thịnh. Khoảng những năm 1689, 1690, phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tiến nổi lên giết chủ tướng rồi kéo về vùng Rạch Than cho xây dựng đồn lũy để chống lại với quân xứ Đàng Trong. Đồng thời vua Nặc Thu bên Cao Miên cũng phá bỏ lệ triều cống hàng năm, và thường mang quân sang đánh phá vùng Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Trăn bèn sai Mai vạn Long, Nguyễn Hữu Hào và Trần Thượng Xuyên cất quân đi đánh dẹp. Trần Thượng Xuyên đến nơi chiêu dụ được rất nhiều quân Long Môn, và được chúa Nguyễn Phúc Trăn giao cho ông và con là Trần Đại Định tiếp tục cai quản quân Long Môn để tiến quân dẹp loạn Nặc Thu. Năm 1690, quân của tướng Trần Thượng Xuyên đã đuổi Nặc Thu chạy về Nam Vang. Từ đó, Nặc Thu lại xin tiếp tục triều cống như xưa. Mùa thu năm Kỷ Mão 1699, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Nặc Thu lại làm phản, không chịu triều cống và thường mang quân sang quấy phá vùng Nông Nại. Chúc Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh phối hợp với 7 đội binh thuyền của Quảng Nam và quân Long Môn của Trần Thượng Xuyên sang đánh Cao Miên. Năm 1700, tướng Trần Thượng Xuyên đánh dẹp xong quân Cao Miên, Nặc Thu và Nặc Nộn xin đầu hàng. Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân vào Nam Vang cho Nặc Thu tiếp tục làm vua nước Cao Miên. Năm 1705, Nặc Thu nhường ngôi cho con là Nặc Thâm, nhưng Nặc Thâm vì sợ Nặc Yêm và Nặc Nộn làm phản nên đã dựa vào thế lực của quân Xiêm La để đánh nhau với Nặc Yêm. Nặc Yêm bỏ chạy sang Gia Định cầu cứu với chúa Nguyễn. Chúa sai Nguyễn cửu Vân sang đánh quân Xiêm và đưa Nặc Yêm về Nam Vang lên ngôi vua. Nặc Thâm bỏ chạy sang Xiêm, đến năm 1711 lại đưa quân Xiêm La trở về đánh chiếm Nam Vang. Sau khi nhận được thư cầu viện của Nặc Yêm, năm 1714, chúa Nguyễn cử Trần Thượng Xuyên cùng với Phó tướng Nguyễn Cửu Phú đem quân sang vây đánh Nặc Ông Thâm tại thành La Bích. Trần Thượng Xuyên chẳng những có công rất lớn trong việc khai khẩn đất đai ở miền Nam, mà ông còn lập được nhiều công lớn trong việc bình định nước Chân Lạp. Ông đã nhiều lần vào sanh ra tử và đã đem lại ổn định cho cả miền Nam lẫn Chân Lạp. Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách nên được chúa Nguyễn phong chức Đô Đốc Thắng Tài Hầu, và được bổ nhiệm vào chức Trấn thủ Phiên Trấn cho đến khi ông qua đời vào năm 1720(6). Ông được an táng tại vùng Phước Bình, Tân Uyên, thuộc phủ Phước Long, ngày nay nằm trong địa phận tỉnh Biên Hòa. Khi mất, Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn ban đặc ân là ‘Nguyên Vị Vương Trần Vi Tướng, Đại Đại Công Thần Bất Tuyệt,’ và sắc phong ‘Phụ Quốc Đô Đốc Trần Phù Quân Thượng Đẳng Thần,’ đồng thời cho lập đền thờ ông tại vùng Biên Hòa. Không riêng gì con dân vùng Biên Hòa, mà tất cả con dân miền Nam đều phải nghiêng mình nhớ đến ân đức của tướng Trần Thượng Xuyên, một trong những bậc tiền bối, khai quốc công thần đã có công nối liền miền Nam thành một dãy sơn hà gấm vóc cho tổ quốc Việt Nam. Chính vì vậy mà không riêng gì tại Biên Hòa, mà tại các vùng Gia Định và Vĩnh Long đều có đền thờ tướng Trần Thượng Xuyên. Riêng tại Biên Hòa, ngôi đền thờ của ông vẫn hằng ngày khói hương nghi ngút tại đình làng Tân Lân(7). Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng 10 âm lịch thì khách thập phương đổ xô nhau đến đình Tân Lân để dự lễ vía đức ông ‘Trần Thượng Xuyên’ rất linh đình.

 

Chú Thích:

(1) Theo “Nam Bộ Nhìn Về Lịch Sử Nhìn Vào Hiện Tại Nhìn Ra Khu Vực”, Viện Khoa Học Xã Hội Hà Nội: NXB Từ Điển Bách Khoa, 2009, tr. 344-356.

(2) Theo Sơn Nam trong “Cù Lao Phố, Cảng Biển Đầu Tiên Ở Nam Bộ”, Nông Nại Đại Phố tức là Chợ Lớn của xứ Đồng Nai, mà Đồng Nai là âm theo tiếng Quảng Đông từ chữ Nông Nại. Theo trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí: “Nông Nại Đại Phố, lúc đầu do Trần Thượng Xuyên, tức Trần Thắng Tài khai thác. Ông chiêu mộ thương buôn người Hoa đến xây dựng phố sá với mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liên tiếp đến 5 dặm. Đường phố chia vạch làm 3 loại, đường phố lớn thì lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, và đường phố nhỏ lót đá xanh. Đường rộng và bằng phẳng, dưới sông thì tấp nập thuyền buôn lớn đến đậu tại bến, ấy là chỗ đô hội, là nơi hội tự của nhiều nhà buôn bán lớn từ khắp nơi. Cũng theo Gia Định Thành Thông Chí, phía bắc gành đá có vực sâu làm chỗ cho tàu biển các nước tới đậu. Xưa nay thuyền buôn đến đây bỏ neo xong thì lên bờ mướn phố để trú ngụ. Sau đó họ đi đến nhà các chủ vựa để thương lượng bán hàng. Thường thì chủ vựa định giá và mua tất cả hàng hóa bất kể tốt xấu. Trong lúc lưu lại Đại Phố, các chủ thương thuyền cũng đi tìm mua hàng hóa trước khi nhổ neo về xứ.

(3) Đôi khi người cố cựu ở đây còn còn gọi sông Đồng Nai theo tên xưa là sông Phước Long.

(4) Tên xưa của sông Tân Bình là Bến Nghé.

(5) Năm 1776, khi đại quân Tây Sơn kéo vào vùng Gia Định để tảo thanh tàn quân của Nguyễn Ánh, nhưng ở vùng Cù Lao Phố quân Tây Sơn không được sự yểm trợ của người Minh Hương nên quân Tây Sơn đã bị tổn thất khá nặng. Nguyễn Nhạc nghĩ rằng chính những người Hoa ở đây đã theo phe Nguyễn Ánh để đánh lại Tây Sơn, nên ông đã cho đốt phá và tàn sát rất nhiều người Minh Hương trong vùng cù lao Phố. Sau sự kiện nầy, đa số người Hoa đã bỏ vùng cù lao Phố để chạy về phía Nam, dọc theo sông Tân Bình, để thành lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sau khi đánh phá vùng Nông Nại Đại Phố, quân đội Tây Sơn cho dỡ lấy hết nhà cửa, gạch đá và mang hết của cải về Qui Nhơn. Sau khi Gia Long lên ngôi, dân chúng có trở về đây xây dựng lại, nhưng chưa được một phần trăm thời trước.

(6) Có sách nói là ông mất vào năm 1725?

(7) Đình làng Tân Lân nằm bên bờ sông Đồng Nai.

 

 

Hình 1-2-3: Đình Tân Lân trên Cù Lao Phố năm 1900,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1900.

 

Hình 4: Quang cảnh đình Tân Lân nhìn từ bên ngoài, ảnh 2011.

 

Hình 5: Phía trước bên trong đình Tân Lân, ảnh 2011.

 

Hình 6: Tượng của quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh

trong đến thờ Ngài trên Cù Lao Phố, ảnh 2015.

 

 

Hình 7-8-9-10-11-12: Kiến trúc men sứ thuộc loại kiến trúc đời

nhà Minh bên Trung Hoa trên nóc đình Tân Lân, ảnh Công Báo VNCH 1960.

 

Hình 13: Cầu Ghềnh 1950, Bulletin de Cochinchine 1950.

 

Hình 14: Cầu Ghềnh 1960, Công Báo VNCH 1960.

 

 

 

Hình 15-16-17: Những khu nhà ven bờ Cù Lao Phố

năm 1965, ảnh internet.

 

Hình 18: Cù Lao Phố nhìn từ trên không năm 1960, ảnh internet.

 

Hình 19: Cù Lao Phố năm 1975, ảnh internet.

 

 

 

QUAN ĐÔ ĐỐC ĐỒNG TRI TRẦN ĐẠI ĐỊNH:

CON NGƯỜI TRUNG NGHĨA CAN TRƯỜNG

 

Trần Đại Định (?-1732) là con trai trưởng của quan Tổng Binh Trần Thượng Xuyên. Để cùng nhau giữ vững các vùng đất từ Hà Tiên đến Biên Hòa, gia đình quan Tổng Binh trên Cù Lao Phố đã kết thông gia với gia đình Mạc Cửu ở Trấn Hà Tiên. Trần Đại Định đã kết duyên với thứ nữ(1) của Nghị Vũ Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu. Sau khi Trần Thượng Xuyên mất vào năm 1720, chúa Nguyễn cho phép con trai ông là Trần Đại Định tiếp tục thống lãnh quân binh của hai châu Lôi, Liêm và quân Long Môn. Lúc ấy Trần Đại Định kéo quân binh về Tân Hiệp(2), tiếp tục khai khẩn vùng Cái Bè, Cai Lậy, Ba Dừa, Cổ Cò, cũng như mở rộng sang vùng đất Lâm Vồ(3). Mặc dầu lúc này cả vùng Mỹ Tho và Long Hồ vẫn còn trực thuộc Chân Lạp, nhưng chỉ trên danh nghĩa, còn trên thực tế thì Chân Lạp không có bộ máy hành chánh ở các nơi này nên các nhóm người Việt và người Hoa ở đây tha hồ khai khẩn. Chíng Đô Đốc Trần Đại Định là một trong những người đã góp phần đem 2 vùng đất Mỹ Tho (Pream Meso) và Long Hồ (Longhor) sáp nhập vào Đại Việt. Một chiến công hiển hách của Trần Đại Định còn lưu dấu đến hôm nay là lũy Hoa Phong(4).

Năm Tân Hợi, 1731, có tên Sa Tốt(5), người Lào cư ngụ trên đất Chân Lạp, khởi binh chém giết tất cả người Việt đang sinh sống trong vùng Banam, rồi sau đó tràn xuống Gia Định tiếp tục tàn sát người Việt Nam. Quan chỉ huy toàn bộ binh bị ở miền Nam thời bấy giờ là Trương Phước Vĩnh sai Cai Cơ Đạt Thành mang quân tiễu trừ giặc tại vùng Bến Lức ngày nay, nhưng bị giặc giết chết tại chỗ. Được tin, Trương Phước Vĩnh liền cử giám quân Cai Đội Triêm An Hầu Nguyễn Cửu Triêm đến Bến Lức tiếp ứng, đẩy được quân Sa Tốt về hướng Vũng Gù, Mỹ Tho. Lại điều thêm Tổng Binh Trần Đại Định đem quân Long Môn chặn đánh ở Vườn Trầu, Hóc Môn và phá tan được quân giặc. Dẹp xong giặc tại Hóc Môn, để bảo vệ vùng Sài Gòn-Gia Định lâu dài, Định Thống Binh Trần Đại Định cho đắp lũy Hoa Phong, hiện còn lưu dấu tại vùng Cây Mai, Sài Gòn. Sau đó ông tiến quân tiễu trừ giặc, quân Sa Tốt thua to nên phải bỏ chạy vào khu rừng rậm gần vùng Tây Ninh hiện nay. Ít lâu sau đó chúng lại nổi lên đánh phá Nam Vang. Miên vương cầu cứu với Trần Đại Định. Đồng thời, lúc này Miên Vương Nặc Tha vì sợ vạ lây bèn ẩn trốn, rồi gửi thư cho tướng Đại Định để thanh minh rằng mọi việc không do mình gây ra, cam kết sẽ bắt nạp nhóm cầm đầu, khẩn thiết xin quân triều dừng lại sau khi đã dẹp xong bọn Sa Tốt. Trần Đại Định bèn đem việc này báo ngay về cho tướng Trương Phước Vĩnh, nhưng Vĩnh không nghe, vẫn muốn tiến quân trên đất Cao Miên. Vua Nặc Tha nghe vậy nên càng sợ và chạy trốn xa hơn.

Đến tháng 7 năm 1731, gặp nhằm lúc mưa lũ, rất bất lợi cho việc điều binh, nên Phước Vĩnh mới truyền cho Đại Định kéo quân về lại Gia Định. Quân Đại Việt vừa rút lui thì ngay lập tức quân Sa Tốt tụ tập lại và tiếp tục đánh phá như cũ. Lúc này Nặc Tha đã trở về La Bích, nhưng vì thế quân yếu hơn giặc nên nhà vua phải bỏ thành mà chạy. Đến tháng Giêng năm 1732, tướng Trương Phước Vĩnh tiếp được tin ngoài biên báo về, bèn cùng với Trần Đại Định đốc binh tiến sang Chân Lạp, quân Sa Tốt lại thua chạy. Tháng 3 năm 1732, Trương Phước Vĩnh để Trần Đại Định ở lại ứng phó với tình hình, còn mình thì kéo quân về Gia Định. Theo lệnh của Trương Phúc Vĩnh, Trần Đại Định thống lãnh quân binh dẹp tan giặc và giao kinh thành Nam Vang lại cho Miên vương. Trước khi về nước, Thống Binh Trần Đại Định có phân tích tường tận về hai vùng đất xa xôi Pream Méso và Longhor, tức là vùng Mỹ Tho và Long Hồ. Trần Đại Định có ý khuyên Miên vương nên dâng hai vùng đất ấy cho chúa Nguyễn vì nếu tiếp tục giữ hai phần đất ấy, Miên vương chỉ tốn công tốn sức vô ích chứ không được lợi gì.

Nghe lời quan Thống Binh nên năm 1731, Miên vương Nặc Tha (Sotha II) dâng đất Long Hồ và Mỹ Tho cho Trần Đại Định(6), lập nên Dinh Long Hồ. Sử Cao Miên có ghi rõ ràng: “Sau khi giúp vua Sotha II dẹp tan bọn giặc Lào, theo yêu cầu của quan binh Việt Nam, Quốc Vương Sotha II dâng cho Ninh vương hai phần đất Méso va Longhor.” Tuy nhiên, Quốc Sử quán triều Nguyễn không ghi rõ công lao này của Trần Đại Định, mà chỉ ghi một cách lờ mờ như sau: “Chúa thấy đất Gia Định địa thế rộng rãi, sai khổn thần (quan phụ trách biên cương) chia đất, đặt châu Định Viễn và dựng Dinh Long Hồ.” Trong khi Trần Đại Định còn đang tiễu trừ giặc Lào và tin chiến thắng chưa kịp báo về triều, thì tin Cai Cơ Đạt Thành tử trận đã đến trước, nên chúa Ninh Vương có gửi thơ khiển trách nặng nề, vì đã nhiều năm dụng binh mà việc biên giới vẫn chưa yên. Sợ bị giáng tội nên Trương Phúc Vĩnh bèn mật tâu với chúa: “Việc ấy là do Trần Đại Định chần chừ trong việc hành quân, lại tư thông với vua Cao Miên... Trong lúc đó, Trần Đại Định đang đóng binh trong thành La Bích, vừa tấn công, vừa phủ dụ, còn vua Nặc Tha thì dùng mưu kế diệt được hết nhóm cầm đầu quân nổi dậy.” Và như trên đã nói, theo lời khuyên của Trần Đại Định, vua Nặc Tha đã đồng ý cắt dâng 2 phủ Pream Meso và Longhor, tức Mỹ Tho và Long Hồ cho Đại Việt. Sau khi mọi việc đều thành công viên mãn, Trần Đại Định kéo quân về báo tiệp, nhưng khi về đến Gia Định thì mới hay Trương Phúc Vĩnh đang định họp để tra vấn mình.

Trương Phúc Vĩnh sợ tội nên một mặt vừa cướp công, mặt khác muốn nhân cơ hội nầy triệt tiêu tướng tài Trần Đại Định, y cũng muốn nhân cơ hội này cướp đoạt binh quyền Long Môn và quân binh thiện chiến của hai châu Lôi và Liêm nên y đã cáo gian về triều là Trần Đại Định tư thông với Chân Lạp âm mưu tạo phản. May mà Chúa Ninh Vương sáng suốt nên oan án Trần Đại Định được minh oan. Nếu không thì Trương Phúc Vĩnh, cha chú của lộng thần Trương Phúc Loan sau này sẽ làm cho tình hình thời đó càng thêm rối rắm.

Chuyện Trần Đại Định được Trịnh Hoài Đức ghi rất rõ ràng trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Bấy giờ luôn cả năm dùng binh mà không bắt được giặc, triều đình quở trách rất nghiêm. Phước Vĩnh sợ tội, mật sớ đổ lỗi cho Đại Định năm trước không chịu tiến quân, lại tư thông với Chân Lạp, năm nay lợi dụng cơ hội người Lào gây loạn để giữ mãi binh quyền, mà đánh thì bất lực. Đại Định chiến thắng trở về. Phước Vĩnh muốn ra tay trước để hại ông, bèn định ngày hội tướng để xét hỏi. Đại Định biết mưu, nghĩ rằng trước đây Phước Vĩnh điều binh không khéo nên Đạt Thành bị giặc giết, kế đó lại ăn hối lộ rút binh về, tiến thoái không được việc, nay lại muốn đổ lỗi cho ta, nếu ta đến hội tướng đó bó tay chịu cho xét hỏi, y sẽ dùng quyền thế áp đảo, thêu dệt nên tội rồi ánh sáng không qua chậu úp, ai sẽ biện bạch cho ta. Chi bằng về kinh, xin bề trên thẩm xét, dẫu chết cũng cam tâm. Ông bèn thừa đêm tối, cùng thuộc hạ đi thuyền ra kinh. Lúc thuyền đến Bút Sơn, thuộc địa phận Quảng Ngãi, người em chú bác của ông là Trần Thành can rằng ‘Phước Vĩnh là dòng dõi đại thần nước Nam, ở trong triều có nhiều thân thích, nay anh muốn phân minh lẽ phải trái, ai sẽ biện bạch cho anh? Chi bằng chạy thẳng về Việt Đông, tìm chốn an thân, khỏi đem mình làm cá trên thớt cho người ta bằm xé. Đại Định nói ‘Cha ta là Trần Thượng Xuyên đã mang ơn nặng của triều đình, vua đã từng có lời dụ rằng: Họ Nguyễn làm vua, họ Trần làm tướng, công khanh đời đời không dứt. Vinh hạnh biết chừng nào. Nay vì biên thùy che lấp bất công, nếu chẳng đến triều đình nhờ thẩm xét, ta sẽ mang tội phản nghịch; bao nhiêu công nghiệp ông cha như núi non, sẽ sụp xuống hang, xuống sông; chẳng những ta mang tội bất trung mà còn mang tội bất hiếu nữa, còn mặt mũi nào đứng trong trời đất.’ Bèn quát thủy thủ khiến lái thuyền vào cửa Hàn. Trần Thành cương quyết không chịu, giành cần lái, rồi cho thuyền thẳng ra biển. Đại Định thấy gió Nam thổi mạnh, sợ thuyền đến Quỳnh Hải, không quay buồm trở về được, bèn rút gươm chém Trần Thành, quát thủy thủ quay thuyền vào cửa Hàn, rồi làm tờ trình nhờ dinh Quảng Nam chuyển về triều đình. Sau khi Đại Định trốn đi, Phước Vĩnh nghi chắc ông ta trốn về Quảng Đông, hạ lệnh bắt toàn gia hạ ngục và làm sớ tâu về triều đình định đoạt. Cùng lúc sớ của Đại Định ở Quảng Nam cũng tới. Triều thần hội nghị rồi tâu rằng ‘Trần Đại Định trước tư thông với Chân Lạp, nay lại cố ý vi lệnh thượng tướng, xin xuống sắc lệnh chánh pháp, tức là xử tử, để răn đứa ngoan phu. Nhưng Thánh thượng nghĩ rằng nếu Đại Định có lòng phản bội thì như cá lớn đã ra biển, dễ gì bắt lại được mà giết, nay tự ý tỏ ra xin thẩm xét thì bề trong tình lý còn có thể tha được. Bèn xuống lệnh lưu giam Trần Đại Định ở Quảng Nam, một mặt Chúa cho người vào Gia Định phúc thẩm, chờ kết quả sẽ xét xử. Giám Binh Nguyễn Phúc Triêm cương quyết làm chứng Đại Định không hề tư thông với Chân Lạp và không chậm tiến quân bao giờ. Đại Định ở trong ngục lâu ngày, tức giận, thổ huyết, rồi phát bệnh, qua tới tháng 12 thì chết. Kịp đến khi án thẩm sát tâu về thì Đại Định đã chết rồi. Đại Định được hưởng ân điển, truy tặng hàm Đô Đốc Đồng Tri, thụy là Tương Mẫn. Còn Phước Vĩnh bị tội vu cáo giáng xuống làm Cai Đội. Cai Cơ Nguyễn Hữu Doãn thay Phước Vĩnh Điều khiển Gia Định Thành.”

Về đường miêu duệ, vợ của Trần Đại Định là con gái của Tổng Binh Mạc Cửu. Hai ông bà sinh được một con trai là Trần Đại Lực, còn gọi là Trần Hầu (?-1770). Mai mắn là ngay khi Trần Đại Định vừa nghe tin Trương Phúc Vĩnh nghị bàn định tội mình nên ông đã rời khỏi Gia Định, và vợ ông cũng đưa con trai Trần Hầu về quê ngoại ở Hà Tiên tỵ nạn. Về sau này, khi oan án đã được rõ ràng, Trần Đại Lực được phong làm Cai Đội, cầm quân dưới quyền của cậu mình là Mạc Thiên Tứ. Trải qua mấy đời Chúa từ Chúa Hiền Phúc Tần, chúa Nghĩa Phúc Trăn, chúa Minh Phúc Chu, đến chúa Ninh Phúc Trú đều áp dụng chính sách chiêu hiền đãi sĩ trong kế hoạch mở đất về phương Nam, nên đã được rất nhiều người Minh Hương giúp đỡ, trong đó phải kể Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Trần Đại Định... Uy danh, dũng khí và tài trí của các vị tướng này, nhất là của tướng Trần Đại Định đã quá rõ ràng. Hơn thế nữa, Trần Đại Định lại là con rể của Mạc Cửu. Hai dòng họ ấy đã bao đời chứng tỏ lòng trung nghĩa của họ đối với các chúa và họ cũng đã có công rất lớn với đất nước trong công cuộc mở đất về phương Nam. Họ đã bỏ biết bao nhiêu công sức thu phục đất đai của người Chân Lạp, rồi ra sức khai khẩn, biến những hoang địa rừng thiêng nước độc thành những thị tứ trù phú nhất của miền Nam. Thế mà những tên tướng bất tài vô nghĩa như Trương Phúc Vĩnh, chỉ biết ăn trên ngồi trước, chỉ biết cướp công của người khác, đã làm hư hết đại sự của các chúa. Thử hỏi nếu Đại Trần Đại Định không vì trung vì hiếu, vì nghĩa thì khi bị ép vào đường cùng như vậy, chắc chắn ông đã liên kết với binh quyền bên vợ, huy động toàn quân Long Môn, Lôi Châu, Liêm Châu và Hà Tiên để chống lại triều đình. Thử hỏi nhất thời lúc đó có cách gì triều đình huy động đủ lực lượng để đánh lại họ hay không? Chắc chắn là không rồi! Mà rất có thể cả miền Nam sẽ biến thành một lãnh địa theo kiểu Singapore thứ hai cũng không chừng! Trương Phúc Vĩnh chẳng những gây xáo trộn cho các chúa thời đó, mà về sau này các chúa phải mất ngôi và phải bôn tẩu khắp nơi, nhiều chúa bị giết trên đường bôn tẩu cũng chính vì những tên tướng bất tài vô nghĩa của dòng họ Trương Phúc này. Dù oan án đã được minh oan, nhưng Trần Đại Định đã ra người thiên cổ. Dù sau đó Ninh Vương có giáng chức Phúc Vĩnh và truy tặng cho Đại Địnhân thưởng cho con cháu ông(7), nhưng kể từ đó về sau này, những người Minh Hương tài giỏi không còn muốn ra giúp cho các chúa Nguyễn nữa. Đối với con dân đất phương Nam, nhất là con dân hai vùng Mỹ Tho và Vĩnh Long sẽ mãi mãi nhớ ơn quan Thống Binh Trần Đại Định, vì sách sử Cao Miên vẫn còn ghi rõ chính Đại Định vừa khuyên mà cũng vừa ép vua Nặc Tha nên dâng hai phủ Meso và Longhor cho xứ Đàng Trong. Riêng tác giả tập sách này, một con dân của vùng đất Long Hồ, xin trân trọng ghi lại những dòng chữ này và cũng xin đốt một nén tâm hương kính ngưỡng dâng lên linh vị của Ngài và nguyện rằng chúng con sẽ đời đời tưởng nhớ đến công ơn của Ngài!

 

Chú Thích:

(1)​Cô con gái này của Nghị Vũ Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu là em của Đô Đốc Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tích.

(2)​Nay thuộc tỉnh Tân An.

(3)​Âm theo tiếng Khmer của Long Hồ.

(4)​Khoảng Hốc Môn Bà Điểm ngày nay.

(5) ​Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, tập I, tr. 195, Sa Tốt là người Cao Miên, có nơi ghi là người Lào, người làng Prea Sốt hoặc Prea Sũtr, thuộc tỉnh Ba Nam. Sa Tốt khởi binh ở vùng Ba Nam và tuyên truyền rằng mình có số tiền định đánh đuổi người Việt Nam ra khỏi đất nước Chân Lạp. Nhiều người Chân Lạp nghe theo. Đồng thời, Sa Tốt cũng tập hợp cả những người Lào ở vùng Nam Lào và Cao Miên, rồi từ Ba Nam tiến xuống Gia Định. Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú cho lập chức quan Điều Khiển và giao cho tướng Trương Phước Vĩnh thống lãnh toàn thể lực lượng Việt Nam trên đất Gia Định để điều động binh lính tiểu trừ giặc. Trương Phước Vĩnh sai Cai Cơ Đạt Thành mang quân ra chống giặc ở Lật Giang, tức sông Bến Lức ngày nay. Nhưng vừa xuất trận là Cai Cơ Thành đã bị giặc giết chết ngay tại trận. Lúc này Trần Đại Định, con trai của quan Tổ Binh Trần Thượng Xuyên, đang giữ chức Thống Binh, thống lãnh binh tướng Long Môn phá tan giặc ở Phù Viên, tức vùng Vườn Trầu, Hóc Môn. Trong khi đó, Giám Binh Cai Đội Nguyễn Cửu Triêm đem binh đến cứu viện ở Lật Giang, giặc Sa Tốt bèn rút về Vũng Gù ở Tân An. Quan Điều Khiển Trương Phước Vĩnh chia quân ra làm 3 ngã, cùng tấn công Sa Tốt ở Vũng Gù, nên chúng phải bỏ chạy vào rừng. Lúc này cha con quốc vương Nặc Yêm và Nặc Tha sợ bị họa lây, nên đưa thư nói là Sa Tốt do người Lào xúi dục và xin tình nguyện đi bắt giặc. Thống binh Trần Đaị Định tiến quân đánh chiếm Ba Nam và Nam Vang, rồi sau đó giao lại cho Miên Vương. Đồng thời, Đại Định cũng có ý khuyên Miên Vương nên dâng hai phủ Longhor và Mésa cho chúa Nguyễn vì chúng quá xa xôi với Nam Vang. Sau khi Đại Định báo tin chiến thắng và đề nghị với Miên Vương cho quan Điều Khiển Trương Phước Vĩnh, ông chấp thuận và cho Đại Định rút quân về Gia Định. Sau khi Nặc Tha trở về thành la Bích, người Lào thuộc đám tàn binh của Sa Tốt vẫn tiếp tục nổi lên đánh phá. Nặc Tha không dẹp nổi nên phải kêu gọi các phủ hợp sức. Đến tháng giêng năm Nhâm Tý, 1732, Trương Phước Vĩnh kéo quân lên Nam Vang quở trách Nặc Tha. Nặc Tha bỏ chạy và đem nhiều vàng bạc đút lót cho quan Điều Khiển, yêu cầu hoản binh để tìm kế diệt giặc. Quan Điều Khiển cử Đại Định ở lại tiếp tục dẹp loạn, còn mình thì rút quân về. Tháng 4 năm 1732, Thống Binh Đại Định tiến quân đến Lô Việt, tức Angkor Wat, vừa đánh giặc, vừa an dân. Nặc Tha dùng kế giết hết tàn binh người Lào, rồi về trước cửa quân chịu tội. Thống binh Đại Định rút quân về. Về phần triều đình Thuận Hóa, vì thấy quá lâu mà chưa có báo cáo dẹp xong giặc Sa Tốt, nên chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú đã gửi thơ quở trách quan Điều Khiển. Trương Phước Vĩnh sợ bị tội nên đổ hết mọi sự chậm trễ cho Đại Định.

(6)​Sau khi được Thống Binh Trần Đại Định giúp dẹp xong loạn Sa Tốt và bình định các vùng Ba Nam, Ba Bích, Nam Vang, và Lô Việt, vua Cao Miên là Nặc Tha đã dâng hai phủ Meso và Longhor cho xứ Đàng Trong, tức là 2 vùng Mỹ Tho và Vĩnh Long ngày nay. Trên thực tế, người Việt đã đến khai phá và định cư trên hai vùng đất này từ lâu lắm rồi, và họ sống chen lẫn với dân bản địa.

(7)​Sau khi giải oan án cho Trần Đại Định, chúa truy tặng ông chức Hàm Đô Đốc Đồng Tri. Chúa Nguyễn từng nói “Họ Nguyễn làm vua, họ Trần làm tướng, công khanh đời đời không dứt.” Con của Trần Đại Định là Trần Cơ, kêu Mạc Cửu bằng ông ngoại, được cậu ruột là Mạc Thiên Tích rất thương yêu và tin dùng.

 

 

Hình 1: Sơ đồ hệ thống Luỹ Hoa Phong do quan Đô Đốc

Trần Đại Định xây đắp vào năm 1731 (khoảng từ Chùa Cây Mai

đến Chùa Kiểng Phước mà người Pháp gọi là chùa Clochetons), ảnh internet.

 

Hình 2: Đồn Cây Mai sau ngày người Pháp chiếm Miền Nam,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1880.

 

Hình 3: Đồn Kiểng Phước sau ngày người Pháp chiếm Miền Nam,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1880.

 

Hình 4: Hoạ đồ Sài Gòn (dọc theo bờ sông là nơi mà quan Đô Đốc

Trần Đại Định đã xây đắp Chiến Luỹ Hoa Phong vào năm 1731

từ đồn Cây Mai, qua đồn Kiểng Phước) sau ngày

Pháp chiếm Miền Nam, ảnh Bulletin de Cochinchine 1880.

 

TRẦN HẦU (?-1770)

 

Trần Hầu, còn có tên là Trần Cơ hay Trần Đại Lực. Hiện nay chúng ta không có tài liệu xác thực về năm sinh của ông, chỉ biết ông sinh trưởng tại Hà Tiên, là cháu của Đô Đốc Mạc Thiên Tứ(1). Sau khi cha ông là Trần Đại Định bị oan án, bị bắt giam và chết trong ngục Quảng Nam vào giữa tháng 12 năm 1732, thì ông theo mẹ về sống ở quê ngoại là Hà Tiên. Về sau này, ông được cử làm Cai Đội.

Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: Mùa xuân năm Đinh Hợi, 1767, vào khoảng tháng 3, quân Miến Điện kéo sang đánh phá Xiêm La, đốt hết đền đài cung điện, cướp hết của báu và bắt vua Hủi Boromoraja hay Phung Vương và con vua là Chiêu Đốc Đa cùng mấy vạn dân đem về Miến Điện. Con thứ hai của vua Xiêm La tên là Chiêu Thúy chạy sang Hà Tiên cầu cứu. Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tứ bèn sai cháu là Cai Đội Thắng Thủy Lực Tài Hầu Trần Đại Lực(2) đem chiến thuyền và quân binh đến đóng bên vùng biển Xiêm La và cho tuần phòng cẩn mật.

Lúc bấy giờ nước Xiêm La không có vua, nên quan Phi Nhã (Phya) của vùng đất Mang Tát là Phraya Tak, tức Trịnh Quốc Anh hay Trịnh Tân bèn khởi binh đánh đuổi quân Miến Điện và được tướng sĩ tôn lên làm vua vào tháng 7 năm 1767. Trịnh Quốc Anh biết con của cựu vương là Chiêu Thúy đang ở Hà Tiên, sợ sau này sẽ có chuyện, nên ra lệnh tướng Xiêm La mang quân sang quấy phá Hà Tiên.

Theo Mạc Thị Gia Phả của Vũ Thế Dinh(3): “Năm 1769, ông, tức là Đô Đốc Mạc Thiên Tứ, sai người con của cô em là Thắng Thủy Trần Hầu đốc xuất 5 vạn quân thủy lục bắc phạt Xiêm La. Trần Hầu là cháu Trần Tướng triều Minh, tức Trần Thượng Xuyên. Lúc ấy, chiến thuyền cờ xí liên lạc trên một dặm, quân đóng trên đất Xiêm Chantaboun, tức Trạch Vấn, thiết lập đồn trại để chờ biến động. Vua Xiêm là Trịnh Tân sai tướng đem 3 ngàn bộ binh đến ứng viện Trạch Vấn. Trần Hầu cũng sai quân tiến tới đánh quân Xiêm, quân Xiêm thua phải bỏ chạy... Trần Hầu đóng quân ở Trạch Vấn Sơn hơn hai tháng, vì không hợp thủy thổ nên quân lính mắc bệnh nhiều, mỗi ngày chết cả trăm người. Quan Tham Mưu gửi thơ về cấp báo với Mạc Thiên Tứ, trình bày tự sự. Mạc Thiên Tứ bèn sai người đem lệnh triệu Trần Hầu kéo quân về. Lúc ra đi, Trấn binh lên đến 5 vạn, đến khi về chỉ còn hơn một vạn người.” Sau khi về đến Hà Tiên, Trần Hầu cũng phát bệnh trầm trọng và qua đời vào năm 1770. Theo mộ bia của Trần Hầu trên núi Bình San ở Hà Tiên, ông mất tháng cuối của mùa xuân năm Canh Dần, 1770. Hiện nay tại thị xã Hà Tiên có con đường lớn mang tên Trần Hầu.

 

Ghi Chú:

(1)​Tưởng cũng nên nhắc lại, Trần Hầu hay Trần Đại Lực là con của Thống Binh Trần Đại Định và là cháu nội của Đô Đốc Trần Thượng Xuyên. Ông cũng là cháu ngoại của Mạc Cửu, và là con của em gái Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tứ. Như vậy, có điều chắc chắn là Trần Hầu phải sinh ra trước năm 1732, vì năm đó, sau khi cha ông là Trần Đại Định bị bắt giam ở ngục Quảng Nam, thì ông theo mẹ về sống ở Hà Tiên.

(2)​Theo Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức có ghi: “... nhưng vùng biên giới chưa yên, việc binh không thể bỏ được, vẫn sai Kỳ Tài Hầu Từ Hữu Dũng, con rể của Mạc Thiên Tứ, đạo Ngũ Nhưng đến thay, không bao lâu vì ốm cũng được triệu về, đi giữa đường lại chết.” Tuy nhiên, theo như trên bia mộ tại Hà Tiên của ông Từ Văn Dũng thì ông này mất năm 1767, trong khi đó theo bia mộ của Trần Hầu thì Trần Hầu mất vào năm 1770, nghĩa là khoảng 3 năm sau đó. Như vậy có thể Trịnh Hoài Đức đã ghi nhầm chi tiết trước và sau của 2 nhân vật này lúc đóng quân tại Chantaboun, tức Trạch Vấn, Xiên La.

(3)​Theo Mạc Thị Gia Phả của Vũ Thế Dinh (bản A.39, Thư Viện Hán Nôm, Hà Nội, tờ 8a-8b).

 

 

Hình 1-2-3-4-5-6: Cảnh Công Viên Trần Hầu ở

Hà Tiên vào buổi sáng sớm, ảnh 2019.

 

Hình 7: Ngôi mộ của Trần Hầu trên triền núi Bình San,

trong khu mộ & đền thờ Mạc Cửu, Hà Tiên, ảnh 2019.

 

Tham Khảo

Người Long Hồ, Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh, xuất bản, California, USA, 2006.

Người Long Hồ, Đất Phương Nam, xuất bản, California, USA, 2012.

Người Long Hồ, o Kiệt Đất Phương Nam, xuất bản, California, USA, 2018.

 

Công Báo:

Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945.

Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise 1862-1945.

Công Báo Việt Nam Cộng Hòa 1955- 1975.

Lịch Annam-Sáu Tỉnh Nam Kỳ, Sài Gòn-Bản In Nhà Nước 1869, 1871, 1872, 1874, 1875, 1876, 1878, 1879, 1880.

 

Theo Lời Kể Từ Các Bô Lão:

Theo lời kể miệng của các cụ Trần văn Tiếng, Trần văn Hương, và Ông Cụ Sáu xóm Bánh Phồng bên Thiềng Đức Vĩnh Long (cụ sáu sanh năm 1855, đến năm 1961 thì cụ đã 105 tuổi, nhưng hãy còn rất minh mẫn), kể từ Nam Kỳ Lục Tỉnh đến 20 tỉnh Nam Kỳ  dưới thời Pháp thuộc, cũng như Nam Kỳ từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khoảng thập niên 1950s.

Theo lời kể miệng từ các bô lão trong khắp các vùng Đất Phương Nam, từ Phan Thiết đến Cà Mau, trong khoảng từ năm 1969 đến 1975.

Theo lời kể của hai anh Hứa Hoành và Nguyễn Hữu Trí trong những đêm “Nhớ Về Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh” tại Bataan, Philippines vào cuối năm 1984.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.