Biết Ơn Ôn Với Tấm Lòng Kính Cẩn (Thích Từ Lực)

08/11/20235:03 SA(Xem: 694)
Biết Ơn Ôn Với Tấm Lòng Kính Cẩn (Thích Từ Lực)
KỶ YẾU TRI ÂN
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ
Hội Đồng Hoằng Pháp ấn hành 2023

BIẾT ƠN ÔN VỚI TẤM LÒNG KÍNH CẨN
(THÍCH TỪ LỰC)

thich tue syCó thể, tôi biết đến tôn danh của Ôn Tuệ Sỹ lần đầu tiên là khi đọc tác phẩm “Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng” vào năm 1978 trong một thư viện ở UC Berkeley. Trước đó, đi lính trong rừng, quanh năm sống trên dãy Trường sơn có biết gì về văn chương đâu, trong đầu, chỉ nhớ đến tựa đề một bài viết: “Viên đạn đồng chữ nổi” của nhà văn Mai Thảo, với bìa tờ tạp chí Phổ Thông của cụ Nguyễn Vỹ. Rồi đọc thêm, vài ba quyển sách về Phật pháp, xem một bộ phim, về Tô Đông Pha, và cứ mỗi lần biết thêm, đọc thêm thì hình ảnh một nhà tu, tài ba, uyên bác đi vào lòng mình, càng ngày thêm sâu đậm. Cho đến khi đọc bài thơ: “Lô sơn yên tỏa Triết giang triều…” hiểu chút chút, có nhiều cảm xúc thì lại quý trọng Ôn Tuệ Sỹ thêm nhiều.

Có một buổi chiều, trời sắp tối, ngồi trên bãi biển San Francisco, của Thái bình dương, nhớ nhà, nhìn về quê hương, tôi đã mơ mộng, như mình là một chú tiểu nhìn lên trời cao có một ánh sao đang sáng lung linh. Đó là hình ảnh Ôn Tuệ Sỹ!

Về sau, có 2 lần tôi thật lòng xúc động:

  1. Trong một khóa Tu học cho Tăng NiTu viện Kim Sơn, Sư Ông Nhất Hạnh giảng pháp thoại và nói: “Trong hàng hậu học, thầy Tuệ Sỹ là người có thể vượt trội hơn tôi…” Tôi cảm nhận như một lời chứng thực, có con dấu đóng vào tâm thức của mình. Như vậy, Ôn Tuệ Sỹ đúng là tài ba trác tuyệt rồi, bên cạnh những tác phẩmgiá trị, lại còn được ấn chứng bởi Sư Ông, cũng là một thiền sư, học giảuy tín trên thế giới.
  2. Nghe nói, Cụ Trúc Thiên đã dịch bộ Thiền luận của Daisetz Suzuki, xong quyển thứ nhất thì Cụ qua đời. Và chính Ôn Tuệ Sỹ là người tiếp tục dịch quyển thứ 2 và 3 cho được trọn bộ, hoàn tất công việc của cụ Trúc Thiên. Đẹp và quý hóa biết bao nhiêu, với một tấm lòng của người sĩ phu, biết trân quý tấm lòng của nhau. Tôi khóc, cầm quyển sách trên tay, tôi khóc trong niềm sung sướng, khi nhận thấy trong hàng Tăng lữ còn có những tâm hồn khoáng đạt, cao thượng như Ôn Tuệ Sỹ.

Trong những lần tiếp xúc với những người thuộc hàng tiền bối, lại nghe rất nhiều câu chuyện về Ôn Tuệ Sỹ, mà chi tiết nào cũng cho mình thêm niềm tin vào Chánh pháp, Tăng đoàn, sức sống của người tu. Gần nhất, là những lời tâm tình, chia sẻ của Ôn Thái Siêu, khi có dịp đi chung xe, trong những kỳ Bố tát, lễ lược ở miền Bắc Cali. Ôn thích kể chuyện, mình lại muốn nghe, cho nên đoạn đường gần 2 tiếng đồng hồ như ngắn lại. Ôn nói: “Thầy Tuệ Sỹ cùng tuổi với tôi, cũng như Sư phụ Kim Sơn của thầy đó…” rồi Ôn kể chuyện khi sinh hoạtGià Lam, những lần thăm nuôi, cái Thất của Ôn Tuệ Sỹ đơn giản như thế nào, đối xử với mọi người ra sao, miệt mài với chữ nghĩa. sách vở… Còn chị Tâm Minh (Vương Thúy Nga) trong các dịp sinh hoạt của Tổ chức GĐPT thì tán thưởng, khâm phục Ôn Tuệ Sỹ mọi mặt, cứ nhắc tôi, tìm cách liên lạc đi… cho biết thêm con người “siêu việt” ấy! Nhiều năm trôi qua, tôi cũng chỉ ngưỡng vọng và “xem” Ôn như ánh sao trên trời!

Tìm đọc lại những lời chỉ dạy của Ôn Tuệ Sỹ đến với Tăng Ni ở chùa Từ Hiếu trong khóa giảng năm nào, thấy thật thấm thía những lời hướng dẫn chân tình của vị Thầy khả kính để giúp hàng hậu học giữ vững niềm tin, biết cách thúc liễm thân tâm, nuôi dưỡng giới thân huệ mạng cho đường tu của mình. Rồi trong một bức thư, ở Quảng Hương Già Lam, ngày 28 tháng 10 năm 2003, Ôn viết: “Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.” Cuối thư, Ôn ân cần khuyến tấn: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.” Năm đó, Ôn mới 61 tuổi thôi! Thật là thắm thiết với tình nghĩa thầy trò, cùng chung vai gánh vác Phật sự, chia sẻ ngọt bùi trên đường phụng sự Tam bảo, làm lợi ích mọi loài.

Rồi cũng có những lúc không phải “viễn mộng” xa xăm nữa, mà lại có những mơ ước trước mắt. Như lần tôi đi hành hương ở Nhật, nghe tin Ông Tuệ Sỹ sang chữa bệnh ở xứ hoa Anh đào, lại mong có bệnh viện ở gần Osaka không, may ra mình có dịp xin vào đảnh lễ Ôn.

Về Mỹ, lại có mơ ước về tình trạng sinh hoạt của Phật giáo Việt nam hiện nay. Nhiều đêm, nằm suy nghĩ, làm sao, làm sao đây. Cứ thế mà để cho những dòng suy tư tiếp diễn:

– Biết đâu, một chuyến viếng thăm Hoa kỳ của Ôn Tuệ Sỹ sẽ đem lại sinh khí, sức sống mới cho đại cuộc. Lại hỏi ý kiến của nhau, bàn tán rộng ra.. dù có dành vài ba tháng để chuẩn bị, hoặc tốn kém năm, bảy chục ngàn đô cũng xứng đáng.

– Đối với tình trạng sinh hoạt của tổ chức GĐPT hiện nay, Thầy Hạnh Tuấn và mình đã làm hết sức rồi, có cần cầu cứu Ôn Hương Tích cho vài lời chỉ dạy, hay một bức tâm thư không?

Ngưỡng vọng quê hương, hướng về Thị Ngạn am, thiền thất Hương Tích, con xin thành kính đảnh lễ cảm niệm Ân đức giáo dưỡng của Ôn, trong từng câu văn, nét chữ, rồi với giây phút tĩnh lặng của tâm hồn, bên bờ rừng Phổ Thiên, đêm nay con ngồi nhìn lên trời cao, để lại thấy ánh sao lung linh tỏa sáng…

Thích Từ-Lực
Chùa Phổ Từ, Hayward, California

Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Là một Phật tử dù đức tin có vững vàng đến đâu mà những hình ảnh, tin tức xấu xí về Phật giáo hàng ngày cứ đập vào mắt mình như thế, tôi cảm thấy rất đau lòng!
Những ngày gần đây lan truyền trên mạng xã hội hình ảnh một vị sư đầu trần chân đất đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam. Xem qua nhiều clip và đọc một số bình luận thấy có người khen kẻ chê, người tán dương, kẻ dè bỉu.. Nhưng nói chung tôi thấy Thầy được cung kính nhiều hơn. Xin có những thiển ý như sau qua hiện tượng này.
Trong tập san Sagesses bouddhistes (Trí tuệ Phật giáo) của Tổng hội Phật giáo Pháp, số mới nhất tháng tư năm 2024, với chủ đề Tìm kiếm một nền hòa bình cho mình, cho thế giới (Trouver la paix pour soi, pour le Monde), trong mục ‘Tin ngắn’ có nêu lên hai mẫu tin đáng cho chúng ta suy nghĩ. Mẫu tin thứ nhất như sau :