Chương 1: Nghệ thuật làm chủ sở thích

03/08/20173:26 SA(Xem: 8183)
Chương 1: Nghệ thuật làm chủ sở thích
NGHỆ THUẬT SỐNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Phương Đông 2016

Chương 1: Nghệ thuật làm chủ sở thích

Giảng tại chùa Xá Lợi, ngày 2 tháng 11 năm 2011 Phiên tả: Lê Thị Huệ Hoàng.

Sở thích là nguồn động lực hướng chúng ta tới các việc làm cụ thể, định hướng nghề nghiệp, phong cách sốnghiện tại và tương lai. Việc làm chủ sở thích sẽ giúp cho chúng ta xác định được đâu là điều nên theo đuổi và đâu là những đam mê nhất thời. Đam mê nhất thời không có giá trị, còn những sở thích có định hướng thường mang lại những kết quả tất yếu và hiển nhiên.

Sở dĩ chúng ta thất bại hoặc không có được thành công như mong đợi là vì ta không làm chủ được sở thích của mình, hoặc khi đã có sở thích rồi mà ta không quyết tâm theo đuổi để đạt được mục đích, kết quả sau một thời gian ta chán và bỏ dở giữa chừng.

1- XÁC ĐỊNH SỞ ĐOẢNSỞ TRƯỜNG

Trong kinh Pháp Cú bài kệ 209, Đức Phật dạy:

“Tự chuyên không đáng chuyên
Không chuyên việc đáng chuyên
Bỏ đức theo hỷ ái
Ganh tị bậc tự chuyên”.

Hai câu đầu nói lên sự trái chiều giữa tính chuyên môn ta có với nỗi đam mê ta đang tập trung vào. Ta không thành tựu được sự nghiệp, tức là bỏ sở trường để chạy theo sở đoản. Đây là sai lầm về phương pháp. Từ sự nghiệp trong đời đến đạo nghiệp, việc sai lầm trong sự xác định sở đoảnsở trường đều có thể dẫn đến các hậu quả tai hại như nhau.

Câu cuối cùng nói đến tác hại của việc bỏ sở trường theo sở đoản, tệ hại hơn là sinh tâm ganh tị những người tự chuyên, tức những người có sở trường chuyên môn trong lĩnh vực nào đó và trở thành người thành công.

Sở thích quá rộng, đam mê quá nhiều, lòng tham quá lớn mà không biết phấn đấu để trở thành một chuyên gia sẽ dẫn tới hậu quả là ta bị bỏ lại rất xa so với những người khác có hoài bão và quyết tâm cao.

Chương trình học tín chỉ của giáo dục hiện đại nhằm huấn luyện sinh viên xác định dần dần từ sở thích đến sở trường. Nguyên tắc này khác hoàn toàn với chương trình học niên chế, khi mà trường đã thiết kế sẵn chương trình và người học không có quyền lựa chọn. Do đó, nhiều sinh viên phải học những môn mà sau này không ứng dụng được trong cuộc sống. Từ hai khoa chính là khoa nghệ thuật và khoa học tự nhiên, ngày nay các trường đại học lớn trên thế giới đã mở rộng ra thành vài chục khoa, mỗi khoa có vài chục phân khoa để đáp ứng được sở thích, sở trường của người theo học. Do vậy, muốn thành công trong đời ta cần xác quyết rõ sở trường và sở đoản của mình là gì. Tiêu chí để xác định có thể bao gồm các yếu tố sau đây:

2- HỌC ÍT HIỂU NHIỀU

Chỉ cần đọc lướt sách về một lĩnh vực, quan sát những gười chuyên môn hoặc vừa nghe phân tích, giải thích là có thể cảm nhận và hiểu được ngay. Nếu sở thích của ta được biểu hiện như vậy thì ta có thể mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực này để trở thành sở trường trong tương lai.

Nói đến sở trường là nói đến những hạt giống đã được gieo trồng từ nhiều kiếp. Vì vậy mà ta học một biết mười, học ít biết nhiều, từ nguyên lý suy ra được các trường hợp cá thể, từ những trường hợp rời rạc có thể suy ra tính nguyên lý của nó. Người nào có phương pháp làm việc như vậy sẽ xác định được sở trường rất dễ. Phong tục thôi nôi thực ra rất có giá trị vì người lớn trong gia đình có thể xác định sở trường và thiên hướng nghề nghiệp sau này cho đứa con mới tròn một tuổi của mình. Rất tiếc hiện nay người ta không sử dụng thước đo đó để hỗ trợ cho việc giáo dục con em, mà chỉ xem tục thôi nôi là một bữa tiệc ăn mừng đơn giản mà thôi. 

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đào tạo rất nhiều bậc tăng tài, trong số đó có Hòa thượng Nhất HạnhHòa thượng Thanh Từ. Hai vị đã kết nghĩa huynh đệ mặc dù khác bổn sư và đã về lập Phương Bối Am tại Đức Trọng để cùng tu, với nguyện vọng lớn lao là mong giúp Phật giáo Việt Nam có được phương pháp hành trì khả dĩ mang lại lợi lạc cho số đông và giới trẻ.

Trong suốt thời gian ở tại Phương Bối Am, hai vị đã nỗ lựcquyết tâm thực tập thiền. Sau đó Hòa thượng Thanh Từ vào Bà Rịa để thành lập thiền viện Chân Nguyên, Chân Không, được xem là vùng kiểm soát an ninh đặc biệt của quân đội. Hòa thượng Thanh Từ đã rời khỏi đây, tới khu đất tại Long Thành lập thiền viện Thường Chiếu.

Vào thời đó, Phật giáo Việt Nam vừa mới hình thành, mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Số lượng các vị tăng sĩ tài ba lỗi lạc không nhiều, cho nên sự đóng góp của từng thành viên có ý nghĩa rất lớn cho đại cuộc chung. Riêng Hòa thượng Nhất HạnhHòa thượng Thanh Từ có hướng đi riêng là chuyên tu về thiền để mong sau này có những đóng góp cho Phật giáo nước nhà.

Hòa thượng Thích Thanh Từ chuyên về thiền, mặc dù bổn sư là Hòa thượng Thiện Hoa chuyên về Tịnh độ. Kết quả sau mấy chục năm đầu tư, số lượng thiền viện trong và ngoài nước trên 40 ngôi, số lượng tăng sĩ theo học tới cả vài nghìn, các Phật tử hưởng được lợi lạc rất lớn từ việc hướng dẫn tu học của Hòa thượng.

Riêng Hòa thượng Nhất Hạnh được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cử sang Hoa Kỳ vào năm 1966 với tư cáchđại diện chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để vận động hòa bình cho Việt Nam. Trong thời gian đó, Hòa thuợng đã nỗ lực đóng góp cho Phật tử Việt Nam ở hải ngoại rất nhiều, đồng thời theo học ngành tâm lý trị liệutrở thành giảng viên của trường đại học Colombia. Sau đó Hòa thượng đóng cốc chuyên tu và tại đây Hòa thượng thực tập phương pháp thiền Tứ niệm xứQuán niệm hơi thở, phương pháp thiền nguyên thủy của Đức Phật. Trước khi sang Hoa Kỳ, Hòa thượng đã là một hành giả lỗi lạc về các phương pháp thiền của Trung Quốc, nói chung là thiền Đại thừa.

Hiện nay Hòa thượng Nhất Hạnh có khoảng 400 trung tâm thiền lớn nhỏ trên toàn cầu. Phần lớn những người giáo thọ hướng dẫn thiền theo phương pháp của Hòa thượng là những người ngoại quốc, người bản địa. Các trung tâm thiền đó mang lại rất nhiều lợi lạc cho rất nhiều người phương Tây. Theo đánh giá của người phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ đứng sau đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tấm gương sáng ngời về người Việt Nam hoằng pháp trong thời hiện đại. Điều chúng tôi muốn nêu ra đây là hai vị Hòa thượng đã xác định rõ được sở trường của mình chính là phương pháp thực tập thiền và quyết tâm truyền bá nó.

Hòa thượng Thích Thanh Từ thực tập thiền tri vọng và khá thành công trong nước. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh thực tập thiền Tứ niệm xứ, hiện nay Thiền sư đang sử dụng những phương pháp thực tập rất sáng tạo, cho nên những người theo đạo Phật truyền thống vẫn thấy có những cái mới để học, những người theo đạo Phật Đại thừa vẫn thấy có những điều lạ để nghiên cứutham khảo. Vì thế dòng thiền của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đi tới đâu được đón nhận tới đó. Giới trẻ tham dự các khóa tu rất đông, trung bình từ 700-1.000 người. Xác định được sở trường, đầu tư vào và bền bỉ theo đuổi sở trường sẽ dẫn đến thành công rất đáng kể

Nhiều người có năng lựcViệt Nam ngày nay thường gọi là “đa hệ”, dễ bị lúng túng trong việc xác định sở trường của mình. Kiến thứchạt giống của họ phong phú và đa dạng, dường như lĩnh vực nào họ cũng biết, cũng làm được. Nhưng nếu xét về lâu dài, theo tính chuyên môn thì họ sẽ không bằng những chuyên gia đầu tư tuyệt đối vào lĩnh vực nhất định nào đó. Cơ chế nghề nghiệp ngày nay ở thế giới phương Tây  được thiết lập theo  mô hình mắt xích. Mỗi người biết rõ một chuyên môn hẹp và được phân công làm một phần việc cụ thể, giống như mắt xích trong cả dây chuyền làm việc. Dĩ nhiên họ phải có đủ kỹ năng để biết cách phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trong qui trình chung.

Trong tu học, việc chọn lựa các pháp môn cũng liên hệ đến sở trườngsở đoản. Có nhiều vị xuất gia rất giỏi về thuyết giảng thì nên chọn lĩnh vực đó để mang lại lợi lạc cho quần sinh. Có người chỉ lặng lẽ tu tập, không thích tiếp xúc nhiều với Phật tử, nhưng họ có thể là tấm gương mẫu mực cho mọi người học theo về sự tinh tấn. Có người giỏi về nghệ thuật thì nên thông qua các phương diện nghệ thuật truyền bá Phật giáo. Có người giỏi về giáo dục thì nên chọn con đường giáo dục. Thậm chí có một số nhà sư giỏi về kinh tế, đầu tư ở đâu đều mang lại lợi lạc cho chùa ở đó thì cũng nên phát huy theo hướng này. Bây giờ cũng có nhà sư giỏi làm phim, giỏi sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như thiết kế và điều hành trang web… Tất cả họ đều có thể đóng góp cho sự phát triển chung của tổ chức Phật giáo

Các đồ đệ của Thiền sư Nhất Hạnh không phải ai cũng chuyên tu. Có người làm công tác quay phim, người dựng phim, người quản lý trang web, người lo nấu nướng, tiếp tân, người làm giáo thọ, trụ trì… Thiền sư Nhất Hạnh xác định sở trường của một đệ tử nào đó bằng cách giao cho họ các việc khác nhau. Trong khóa tu A người này được đặc trách làm tiếp tân, qua khóa tu B người đó được đặc trách làm nhà bếp, tới khóa tu C thì làm nhiệm vụ khác. Dựa vào hiệu quả công việc của người đó có thể biết được người này thực sự giỏi về việc gì. Người đó sẽ được khích lệ giữ vai trò đó trong một thời gian, sau đó thay thế người khác để đảm bảo luôn có sự kế thừa, tránh ách tắc. 

Ta thử áp dụng công việc sở đoản, sở trường đối với một gia đình. Có những đứa con học đâu biết đó, đến kỳ thi không cần ôn bài nhiều cũng đỗ kết quả cao. Nhưng có đứa thi trượt năm lần bảy lượt, học hoài, ôn hoài cũng quên thì đừng nên ép những người như thế phải học. Sự ép buộc như thế dễ dẫn đến trầm cảm và nhiều hậu quả khác. Trong trường hợp đó ta có thể khích lệ họ làm công việc kinh doanh hay làm nghề nghiệp nào khác xem rahiệu quả hơn. 

Học chỉ là một trong những con đường vào đời, gây dựng sự nghiệp, nhưng không phải là con đường duy nhất. Rất nhiều đại gia trên hành tinh này có sở trường học không bao nhiêu, kiến thức văn bằng cũng không nhiều nhưng có phước và hội tụ được những nhân tài nên cuối cùng họ cũng thành công

Mỗi người phải xác định cho được sở trườngsở đoản của mình. Khi đã biết đâu là sở đoản của mình thì ta không nên ganh tị với người khác vì ganh tị sẽ khiến cho tâm bị phiền não. Theo Phật giáo, ta phải học tâm tùy hỷ để thấy được thành công của người và phân tích xem tại sao họ thành công như thế để rút ra bài học có ích cho mình.

3- THÍCH LÀM VIỆC PHƯỚC BÁO

Thích làm phước báo được xem là sở thích của nhiều người có thiện tâm. Các Phật tử có quá trình thực tập thiền từ bi, lòng trở nên rộng rãi, cao thượng, thấy người thì muốn giúp, gặp khó khăn thì muốn chia sẻ, mọi trở ngại của người khác trở thành mối quan tâm của những người này. Ở vai trò nào, người có tâm thiện cũng đều là những người đóng góp rất tích cực. Khi làm quản trị quốc gia thì họ gần như không màng đến bản thân, lo cho vận nước. Có mặt trong công ty hay một tập đoàn thì sự đóng góp của họ trở nên ấn tượng và làm cho sự phát triển bền vững của công ty hay tập đoàn đó ngày càng được đảm bảo. Trong gia đình, người đó có khuynh hướng thích gánh vác, không ganh tị hơn thua. Việc làm đó sẽ làm ta có phước báo rất nhiều.

Điều này được đức Phật khích lệ trong kinh Pháp Cú, bài kệ 219 và 220 như sau: “Khách lâu ngày ly hương, an toàn từ xa về, bà con cùng thân hữu, hân hoan đón chào mừng. Cũng vậy các phước nghiệp, đón chào người làm lành, đời này đến đời sau, như thân nhân đón chào”. 

Hình ảnh được đức Phật nêu ra trong hai bài kệ rất ấn tượng. Một người thích làm việc phước lành thì quả phúc sẽ đón chào người đó như thân nhân đón chào một người quí trọng. Điều này ta phải tin một cách tuyệt đối. Trong nhiều tai ương tật ách, có người chết liền tại chỗ, có người thoát chết, cũng có người thương tật suốt đời, nhưng cũng có người không hề hấn gì. Có người mới ra trận đã chết, có người xông pha bao tháng năm giữa làn tên mũi đạn mà không hề hấn gì. Đó không phải là tình cờ, vô cớ hay có các vị thượng đế, thần linh bảo hộ mà là phước về tuổi thọ và mạng sống của từng người tạo ra kết quả sống thọ hay chết yểu.

Hạnh phúc hay khổ đau trong đời cũng đều do phước hoặc nghiệp tạo ra. Cho nên, ai thích làm phúc nhiều sẽ có nhiều hộ pháp, bồ tát nâng đỡ, đó là phước nghiệp của chúng ta. Trên thực tế không có Bồ tát, vệ sĩ, hộ pháp thật bảo hộ chúng ta, nhưng phước quả tự động tạo ra thuận duyên, khi ta gặp hoạn nạn, khó khăn thì có người giúp. Đó là do phước mà ra. Khi có niềm tin sắt đá này, chúng ta không rơi vào mê tín dị đoan, không cầu nguyện van xin khi gặp những trở ngại mà bình tĩnh, sáng suốt giải quyết khó khăn. 

Phúc có nhiều loại, gieo phúc nào thì được quả phúc loại đó. Đi chùa, cúng dường tiền là ta đang gieo phúc về tài sảnvật chất chứ không chỉ cầu sự bình an cho bản thân. Người đóng góp vào các hoạt động ấn tống, mở mang kiến thức Phật pháp và giúp người vượt qua nỗi khổ niềm đau thì phúc này thuộc về trí tuệ. Không thể hồi hướng các nhân phúc đó cho sức khỏe và tuổi thọ. 

Giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, hun đúc tinh thần những người khổ đau và sẵn lòng tặng những lời khuyên chân thành để giúp người vượt qua bế tắc là phúc của soi sáng, dẫn đường, hanh thông, thuận lợi. Không thể hồi hướng để có được quả mua may bán đắt. Phải thấy rõ được các loại hình phúc đó để khi ta làm phúc gì tự động ra phúc đó. Do vậy cầu nguyện mà chưa có kết quả thì ta cũng không nên vì thế mà buồn. 

Nhiều người làm việc phúc sơ sài thì không có được quả tốt. Nhân phúc phải được sự hỗ trợ của duyên phúc. Duyên phúc theo Phật giáo phải là duyên tăng trưởng. Nếu chỉ gieo trồng mà không tiếp tục vun bón, chăm sóc, bảo hộ thì các hạt giống đó có thể bị chết non, quả trổ về phước báo chắc chắn không thể nào như mong đợi

Đó là chưa nói đến thái độ tâm lý như hối hận sau khi làm được một việc phúc do người nhận việc phúc đó không biết ơn mà còn gây oán. Mỗi tâm niệm của sự hối hận có thể đốt cháy dần hạt giống lành ta từng gieo trồng. 

trường hợp, một mặt ta làm phúc, một mặt ta lại gieo trồng những nghiệp vô tình phá hoại phúc. Ví dụ có những thông tin không chính xác, mới nghe đồn đại ta đã nhiệt tình truyền bá, gây sự tổn phúc về uy tín ở người khác. Do vậy, những trở ngại duyên mà ta mới gieo trồng này lại tác động theo hướng đối lập với những phúc mà mình đã từng gắn bó trong quá khứ. Tiến trình trổ quả của nhân phúc có thể đôi lúc bị sai lệch đi. 

Nhiều người quá mê tín dị đoan, trong gia đình có chuyện trục trặc họ lại “đổ vấy” cho ông bà đã mất, do ngày chết, ngày chôn ông bà không đẹp. Người chết rồi mà vẫn không an phận, bị oan ức mà không giãi bày được. Đó là tội bất hiếu rất lớn. Tất cả những việc đó đều ảnh hưởng đến phúc mà ta đã gieo trồng. Đi đến đâu gặp người khác ta cũng vu oan giáng họa, nói xấu, xuyên tạc, rồi than phận mình tại sao sống tốt mà vẫn gặp những chuyện rủi ro

Phải đam mê việc làm phúc thì quả phúc báo sẽ đến với chúng ta như những thuận duyên. Mọi nỗ lực chân chính, có phương pháp sẽ đưa tới thành tựu và kết quả mỹ mãn. Tốt nhất nên làm việc phúc, đừng nên so đo, phân bì, nếu không tâm lượng của việc làm phúc trở nên nhỏ hẹp đi và kết quả của phúc sẽ không lớn. Khái niệm làm công quả trong các ngôi chùa Bắc tông là một khái niệm hay. Bỏ công sức ra đầu tư cho việc phúc để ta hưởng được quả phúc – công và quả. Như vậy, người hưởng phúc không ai khác hơn là mình. Đang khi làm phúc ta nghĩ mình giúp người A, cứu gia đình B, hỗ trợ cộng đồng C, giúp đỡ quốc gia D. Trên thực tế ta đang bỏ vào trong tài khoản công đức vô hình của mình những nhân phúc và duyên phúc để ta có những quả phúc lớn hơn. Làm công quả mà còn phân bì, ganh tị thì rất không phải, vì mình bỏ công để được phúc, mình gieo hạt để rồi về sau này được chính tay hái quả.

4- TỪ BỎ YÊU VÀ GHÉT

Yêu và ghét là hai phạm trù tâm lý đối lập, dẫn đến sự lựa chọn khác biệt về đối tượng - thích và không ưa. Đời sống của người đời lẩn quẩn trong thương và ghét, lựa chọnvứt bỏ. Người tu không có kinh nghiệm thực tập thì cũng dễ rơi vào vòng lẩn quẩn của kiếp người là thương và ghét.

Trong kinh Pháp Cú bài kệ 210 và 211, Đức Phật phân tích tác hại sự yêu và ghét. Hai bài kệ dạy như sau: “Chớ gần  gũi người yêu, trọn đời xa kẻ ghét. Yêu không gặp là khổ, oán phải gặp cũng đau. Do vậy chớ yêu ai, ái biệt ly là ác, những ai không yêu ghét, không thể có buộc ràng”. 

Câu cuối cùng của hai bài kệ xác định rõ lý do tại sao Đức Phật dạy và khích lệ chúng ta vượt lên trên yêu và ghét. Bởi yêu dẫn đến ràng buộc trong tình yêu, ghét dẫn đến ràng buộc trong hận thù, mà hễ có ràng buộc là mất tự do. Đối tượng chính của bài kệ chính là các vị tu sĩ Phật giáo. Việc thực tập tâm linh đòi hỏi ta phải xóa đi ranh giới của bạn và thù, không bị vướng vào hai thiên cực vừa nêu. Đối với người tại gia, ta thực tập lời dạy này một cách tương đối, ta phải biết yêu cái thiện, ghét cái ác, ủng hộ những người làm lành và không tán đồng những kẻ làm xấu. Điều này cần thiết về phương diện luật phápđạo đức xã hội

Vì giảng cho người tu nên đức Phật dạy cho chúng ta con đường tuyệt đối để vượt qua dòng cảm xúc của thương và ghét, bạn và thù. Hai câu đầu thực ra có thể áp dụng được cho cả người xuất gia và người tại gia. “Chớ gần gũi người yêu” trong nguyên ngữ có nghĩa là đừng quá gần gũi người mình thương yêu vì sẽ sinh nhàm chán.

Thường khi mới yêu nhau, người ta chỉ mong thường xuyên gặp nhau để thỏa mãn dục vọng của con mắt, của tai, mũi, của thân. Họ muốn nhìn thấy nhau, nghe tiếng nói của nhau, ngửi mùi hương thân thể của nhau, chạm vào nhau. Đức Phật gọi đó là “xúc thực”. Sự gắn bó như thế tạo ra lực hút rất mạnh, dẫn đến sự ái trước, nhiễm đắm. Để tránh tình trạng “yêu quá hóa ghét”, hay phản tác dụng về tâm lý, đức Phật khuyên con người đừng quá gần gũi người mình yêu để trở thành bị lệ thuộc, khiến cho người kia cảm thấy mất tự do

Nhiều ông chồng than thở rằng vợ mình giống hệt thám tử tư mặc dù ông ta không hề làm điều gì xấu. Thậm chí các nhà tâm lý học phương Tây lại đưa ra những “mẹo” mới để giữ gìn hạnh phúc vợ chồng, chẳng hạn vợ chồng sau khi quan hệ giới tính rồi thì giường ai nấy ngủ để khỏi nhàm chán nhau. Lại nữa, ở nhà vợ chồng ăn mặc xuề xòa. Trong khi đó, đến công sở thì gặp người trợ lý, đối tác ăn mặc sang trọng, sẽ có sự so sánh đối chiếu, điều đó làm cho một số người thích của lạ có cảm giác nhàm chán với người bạn đời của mình.

Một thái cực khác là ghét người nào thì ta không muốn gặp, không muốn nghe, không muốn tiếp xúc. Điều này khiến cho cả hai bên mệt mỏi, bức xúc. 

Ví dụ: Trong một nhóm bạn bè, nếu ghét người A thì yêu cầu những người bạn trong nhóm không được giao du tiếp xúc với người A đó. Nhưng khi thương một người B nào đó thì muốn tất cả mọi người phải có thiện cảm với người B. Dân gian có câu: “Thương người thương cả đường đi, ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Đó là thái độ tâm lý tiêu cực. Từ một trục trặc nhỏ, ta cường điệu hóa làm vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Trong chính trị người ta cũng thường dùng áp lực liên minh. Khi một nước nào đang “bị ghét” thì nước “ghét” sẽ tạo liên minh và yêu cầu các quốc gia có mối quan hệ lệ thuộc vào mình phải ứng xử theo chính sách ngoại giao của nước mình. Chẳng hạn như khi Việt Nam bị cấm vận, các đồng minh của Mỹ không được mậu dịch hai chiều với Việt Nam, cho nên Việt Nam trở thành nước bị bế quan tỏa cảng. Khi Mỹ bang giao chính thức với Việt Nam thì liên minh của Mỹ cũng có cái nhìn thoải mái với Việt Nam hơn. Đây là giai đoạn đại kết, mở rộng vòng tay, xem kẻ thù trong quá khứ là bạn thânhiện tại, như thế mới có thể phát triển đất nước. Nếu còn ôm tâm hận thù thì không thể làm cho đất nước đi lên.

Những người tu học Phật được đức Phật khích lệ từ lâu rằng không nên xem ai là kẻ thù. Có thể trong quá khứ họ làm những điều sai trái, ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân ta. Nhưng đã là người tu học thì cần buông bỏ tâm hận thù, bằng không ta sẽ rất mệt mỏi và bế tắc. Rất may là thế hệ trẻ ngày nay dễ dàng làm mới mối tương quan xã hội quốc gia và quốc tế. Bằng tinh thần này, ta sẽ loại bỏ được những hận thù.

Đức Phật phân tích rằng yêu mà không gặp là khổ, oán mà phải gặp nhau cũng là khổ. Đây là hai thiên hướng đối lậpcon người phải tránh. Bài kệ 211 được đức Phật áp dụng nhiều hơn cho người tu. Đối với người tại gia, nên hiểu rằng những người mới yêu nhau nên gần gũi vừa phải để có thời gian tìm hiểu kỹ nhau hơn. Nếu thấy không hợp thì cần chia tay và suy nghĩ một thời gian trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới.

Người xuất gia tu tập để chuyển năng lực tình yêu trở thành năng lượng từ bi. Phải thấy được giá trị tâm linh của việc thoát khỏi yêu và ghét. Có những người nỗ lực vượt qua được điều đó, nhưng có trường hợp mình không thương họ nhưng họ cứ đeo đuổi hoài. Đây là lúc cần sự vững tâm, biết tập trung vào những niềm vui chánh pháp để ta không bị dao động

Người phàm khi bị vướng vào một nỗi buồn không nên đi chơi, vì trong trạng thái trống trải ta dễ tưởng lầm những lời an ủi của người khác lời tỏ tình để vội vã trao thân gửi phận. Khi buồn ta nên tìm người có sở trường và tính chuyên môn để tháo gỡ. Giận cha, giận mẹ mà đi kết thân với những người bạn mới thì không khéo bị rơi vào những cạm bẫy. Hoặc khi giận người bạn đời hay bạn tình mà bỏ đi tìm người khác thì dễ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường trước.

5- TỪ BỎ THAM ÁI

Cả năm bài kệ trong chương này, từ bài kệ 212 đến 216, đức Phật phân tích về những hệ lụy của tham ái dưới bốn góc độ và khích lệ người tu nên vượt qua. Phần này chỉ dành cho người tu, người tại gia có thể hiểu biết để ủng hộ và giúp người tu thực hiện tốt công việc tu của mình. Sự thay thế các chủ từ và tân ngữ trong năm bài kệ chủ yếu để phân tích những góc độ khác nhau của tham ái.

Ví dụ, kinh Pháp Cú bài kệ 212 dạy: “Do ái sinh sầu ưu, do ái sinh sợ hãi, ai thoát được tham ái, không sầu không sợ hãi. Ái được hiểu là tình yêu. Tiếp đó, bài kệ 213 dùng cụm từ “ái luyến”, tức là sự quyến luyến, vướng dính trong tình yêu, đây là cấp độ cao hơn của ái nhiễm. Ví dụ một người nam đam mê người nữ vì thương chiếc răng khểnh, mái tóc mượt mà, giọng nói ngọt ngào, dáng đi uyển chuyển, hay một cô gái mê chàng trai tính ga lăng, vóc dáng khỏe mạnh, lực lưỡng. Ái luyến đưa tới sự vướng dính rất nặng nề. 

Trong bài kệ 214 đức Phật dùng từ “luyến ái”. Trong tìnhyêu trai gái, có những khi mặc dù biết thương người đó là không có tương lai, theo người đó là mất hạnh phúc. Nhưng vì có niềm vui trước mắt nên nhiều người không bận tâm đến những hậu quả về sau. 

Trong bài kệ 215 đức Phật sử dụng từ “dục ái”. Sau khi yêu chàng trai một thời gian, nếu thiếu sự làm chủ bản thân, cô gái vì nghe theo những lời đường mật của người tình mà đem hiến tặng thân xác như một biểu hiện của đỉnh cao tình yêu. Những người nam có tính lợi dụng không thiếu chiêu thuyết phục bạn tình nhưng sau khi hưởng thụ xong lại thiếu tính trách nhiệm

Bài kệ 216 đưa ra lời tổng kết rằng tình yêu hay ái luyến, niềm vui, tính dục trong tình yêu đều là một phần của tham ái. Đức Phật nói rằng: “Tham ái sinh sầu ưu, tham ái sinh sợ hãi, ai thoát được tham ái, không sầu không sợ hãi”.

Tham ái bao gồm ba loại: Dục ái, hữu áivô hữu ái. Dục ái gồm 5 phương diệnchúng ta vừa phân tích trên đây. Hữu ái là niềm đam mê tiếp tục có mặt trong đời sau, tức là tái sinh. Vô hữu ái là khi một người muốn kết liễu mạng sống, không muốn có mặt trên đời nữa. Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng nói: “Kiếp sau xin chớ làm người”, dù ông còn đính kèm theo vế “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Không muốn làm người là vô hữu, tức là không muốn tiếp tục sự sống với hình thức mình đang có. Hoặc có người vì phải sống trong giai đoạn lịch sử khó khăn mà phát nguyện rằng: “Kiếp sau tôi xin thôi làm người Việt Nam”. Nhưng nếu đầu thai vào nước Somali ở châu Phi thì còn khổ hơn nhiều. Đó cũng là một hình thức vô hữu ái ở mức độ đơn giản. Còn có người đã nói “Tôi cảm thấy vô cùng nhục nhã khi làm người Việt Nam”, đây là một dạng vô hữu ái rất nguy hiểm. Làm người Việt Nam đâu có gì phải xấu hổ như thế. Có hàng trăm phương diện tốt và đẹp của người Việt Nam mà ta không thấy hãnh diện, lại bị dính mắc vào một hai chuyện không đáng kể rồi xúc phạm cả tổ tiên, dòng họ Việt Nam con lạc cháu rồng.

Ở mức độ tham ái rộng, khi tâm vướng vào tình yêu, ái dục, sự mong muốn có tiếp nối trong đời sau, hoặc sự kết liễu mạng sống như tự tử, tất thảy đều là các phương diện tiêu cực của sự chấp trước.

Tham ái dưới hình thức tham luyến là một sự chấp trước đã đành. Nhưng những người muốn kết liễu mạng sống hay kết thúc một mối quan hệ, họ cũng đang vướng vào một hình thức khác của ham muốn, mà ham muốn này dẫn đến sự bế  tắc nhiều hơn. Chẳng hạn, một số người nam khi buồn khổ thì mượn rượu giải sầu, đó là hình thức của vô hữu ái. Càng uống rượu thì càng khổ đau nhiều hơn bởi sinh bệnh, tuổi thọ kém, tính trách nhiệm với gia đình ngày càng mất đi, công việc làm bị trở ngại, không còn sáng suốt trong cuộc sống nữa.

Đối với người tại gia, đức Phật cho phép được yêu và xây dựng gia đình theo hình thức chung thủy một vợ một chồng. Còn đối với người xuất gia, trong 5 bài kệ trên đức Phật phân tích những hệ quả về tâm lý, những vướng dính về tâm tưởng làm cho họ khó bền bỉ tu tập

Sáng nay cũng tại giảng đường này, sau khi chia sẻ đề tài những vấn đế căn bản của người tu học Phật, có một Phật tử nêu ra câu hỏi: “Có phải vì rời bỏ cuộc sống xuất gia mà một số tu sĩ khi quay lại làm người phàm trở nên nghèo khổ, khốn khó hay không?”. Chúng tôi trả lời - không. Người Phật tử lớn tuổi đó tỏ ý ngạc nhiên vì đã nghe trong chùa nhiều vị tu sĩ đồn đại như thế. Thực tế không phải vậy. 

Khổ có nhiều nguyên do nguyên do căn bản nhất là không có kiến thức, sở trường chuyên môn, sự nỗ lực đúng phương pháp trong làm ăn, hoặc không có kiến thức về nhân quả kinh tế thị trường. Có rất nhiều người xuất thân từ người tu khi ra đời rất giàu. 

Ví dụ tổng giám đốc của chuỗi khách sạn Hương Giang ở Huế là một người tu ra đời hoặc tổng giám đốc Suối Tiên cũng là một người tu ra đời, họ làm được rất nhiều việc. Nhiều nhà sư Nhật Bản khi ra đời trở thành tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn. Hoặc Michael Roach là người phương Tây tu theo Phật giáo Tây Tạng, hiện là một cư sĩ, ông là chủ tịchhội đồng quản trị của một tập đoàn kim cương lớn. 

Đức Phật xác định rõ trong kinh rằng người tu là ruộng phước của người tại gia. Cho nên, trong quá trình họ tu,người tại gia giúp đỡ, đóng góp cho người xuất gia thì tựmình đang vun trồng phước báo. Người xuất gia khi không tu nữa thì đánh mất quyền lợi tạo phước báo cho mình và cho người. Còn ai ẩn dương nương Phật, tức lợi dụng Phật giáo để hưởng thụ, thọ nhận tặng vật cúng dường, hay lòng tôn kính của quần chúng thì mới bị tội. Nếu tu đàng hoàng, đến lúc nào đó cảm thấy không thích hợp với việc tu nữa, thay vì phạm giới thì ta ra đời, lại trở thành người tại gia, sống tốt với tư cách là người vợ hay người chồng cũng không sao. Miễn là trong thời gian tu ta tu tốt, tức tu đúng tinh thần giới luật Phật dạy, hết lòng làm các Phật sự. Như vậy đã có sự bù trừ

Cho nên, các Tổ thường dạy người xuất gia ngoài việc tu hàng ngày cần giảng kinh thuyết pháp, làm Phật sự để không mắc nợ đàn na thí chủ. “Tài pháp nhị thí đặng thành công, phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật”. Người tại gia ủng hộ về vật chất để ta an tâm tu hành. Còn người xuất gia ủng hộ người tại gia bằng lời kinh Phật dạy, hướng dẫn, tư vấn. Đó là sự trao đổi, tiếp nhận để không ai bị mang nợ. Có người giỏi về kinh tế nhưng không giỏi về tâm linh, nhưng cũng có người giỏi về tâm linh mà không giỏi về kinh tế, khi đó hai bên phải hỗ trợ lẫn nhau. Tương tự, phải có đủ trí tuệ và phước báo thì mới có thể mong chứng Phật quả. Nếu chỉ có trí tuệ không thôi thì cũng không làm Phật được, phải trọn vẹn phước báo, tức là phải làm rất nhiều việc phước lành.

Một người xuất gia trong đời tu, có thể có những khi buồn nản vì các huynh đệ không hiểu được mình, thậm chí thầy không hiểu mình, hoặc mình bị nghĩ oan, hay mình làm không đúng Phật sự được giao, lúc đó mình bị quở trách nên phiền lòng. Đó là vì tâm phàm trong ta vẫn còn, nhưng đó là chuyện bình thường. Điều cốt yếu là trong nỗi buồn đó mình phải phấn đấu vươn lên. Đừng vì bị nghĩ sai mà chán nản bỏ cuộc, trắng đen rồi đến một ngày sẽ tỏ, phước và công đức mình gieo trồng vẫn còn bên ta, không mất đi đâu cả. Người ta có thể ăn cắp công lúc đó, nhưng quả phúc của mình nếu chưa hưởng thì vẫn còn nguyên.

Phước báo khác với việc chấm công trong các tổ chức, công ty, xí nghiệp. Ví dụ ta có công nhiều mà không quen biết thì không được chấm công nhiều, không được đưa vào danh sách khen thưởng. Trong khi đó, người khác không được như mình mà vẫn được hưởng, người đó giống như người cắp công, còn phước chưa hưởng thì vẫn còn nguyên, phải hiểu vậy để ta không ganh tị hơn thua với ai. Cũng có những lúc một người xuất gia gặp phải hoàn cảnh cô độc, khi mà bạn đồng tu quay lưng, xa lánh. Cũng không có gì là lạ, tất cả chúng ta đều là người phàm đi tu.
Trong tình huống đó, nếu có Phật tử khác giới ủng hộ quá mức, tình cảm gắn bó quá mức dễ dẫn đến phát sinh tình yêu. Đức Phật gọi đó là ái luyến, dẫn đến cấp bậc thứ hai là hỷ ái, rồi sau đó dẫn đến dục ái. Cho nên, đang khi tu mà gặp những trở ngại thì phải nhờ tư vấn, không nên đè nén trong tâm. Hãy tìm tới hỏi các bạn đồng tu hay những vị tu trước. Nếu chưa được giải thích thỏa đáng thì nên gặp các bậc thầy cao hơn. Còn nếu cứ ôm nỗi niềm phiền muộn mà không phóng xả, rũ bỏ được thì rất khó tu bền. 

Đang khi tu cũng phải nỗ lực làm Phật sự, vì việc làm này mang lại niềm vui, giúp ta vượt qua sự trống trải và chống trả được những cơn khổ đau tấn công. Giai đoạn sau năm 1975 có rất nhiều khó khăn, tu sĩ không được ngủ ở chùa, cứ tối tối phải về nhà hay đến nhà các Phật tử thân tín để nghỉ. Thậm chí ở một số tỉnh tu sĩ bị bắt phải đi nghĩa vụ quân sự, tương lai việc tu tập trở nên bấp bênh, nhiều người rất nản lòng. Cứ vài ba ngày chùa lại bị khám xét, có khi tu sĩ còn bị bắt và giam nhốt.

Nhiều vị không thấy lợi ích việc tu mà trước mắt thì quá khổ nên chán nản bỏ ra đời. Một số khác có Phật tử ủng hộ thì mua vé đi vượt biên. Nếu chủ tàu là Phật tử thuần thành thì sẽ thỉnh một thầy đi theo, miễn vé để gia hộ phúc cho các thành viên trên chuyến tàu đó. Rất nhiều người đã để tóc dài theo năm tháng, tức ra đời. Họ không thấy được niềm vui, một số vị ra đến đảo rồi ra đời bởi vì ở đảo giống như ở tù, chờ đến lượt được qua nước thứ ba rất khó, không phải ai cũng thành công. Sang tới hải ngoại, mất đến cả năm trời mới chờ được đồ tu từ Việt Nam gửi sang để mặc, “lột xác” trở lại thành người tu. Trong trại tị nạn, mặc đồ tu cũng là thách đố lớn bởi vì người quản lýtín đồ thiên chúa giáo. Vào thời kỳ khó khăn đó, chỉ cần một tình cảm nhỏ phát sinh cũng có thể đẩy người tu ra đời. 

Bất kể người tại gia hay người xuất gia vào những lúc đang có chuyện buồn khổ, nếu gặp ai tỏ ý quan tâm đặc biệt thì dễ bị rơi vào cạm bẫy. Phải thực tập, huấn luyện ý chí để xem các trở ngại đó là thử thách để chúng ta trưởng thành hơn, thành công hơn. Đừng thấy khó khăn thì nản chí, tìm người tâm sự, giãi bày, tình cảm phát sinh, mà tình cảm phát sinh thì hỏng việc. Đối với người tại gia, khi có chuyện buồn thì đừng nên tâm sự với đồng nghiệp khác giới vì dễ phát sinh tình cảm, dẫn đến tình yêu. Lúc đầu ta có thể nghĩ rằng người tư vấn chỉ giúp ta giải quyết bức xúc trong lòng mà thôi. Nhưng dần dà mỗi ngày một chút, ta nhận ra rằng ta không còn thương người bạn đời nữa mà lại đem lòng yêu người tư vấn. Đó là hỷ ái. Từ hỷ ái dẫn đến dục ái chỉ là tích tắc của nhận thức, lúc đó ta đã mất sự làm chủ. 

Tóm lại theo đức Phật, từ bỏ tham ái dưới ba dạng là dục ái, hữu áivô hữu ái làm tăng giá trị của người tu. Người tại gia cũng nên từ bỏ nếu đó không phải là ái luyến, hỉ ái, dục ái đối với người vợ/chồng chính thức của mình.

6- NHẬP VÀO DÒNG THÁNH

Phần này cũng được đức Phật dạy dành riêng cho người xuất gia. Còn người tại gia cần hiểu điều này để hỗ trợ người xuất gia tu tốt hơn.

Kinh Pháp Cú, kệ 217 đức Phật dạy như sau: “Đủ giới đức chánh kiến, trú pháp chứng chân lý, tự làm công việc mình, được quần chúng ái kính”.

Đó là gương của người tu đàng hoàng, chuẩn mực. Một số chùa Tịnh độ có nói câu: “Thuộc kinh Di Đà, ăn tới già không hết”. Tụng đám cầu siêu thì Phật tử cúng dường tạ lễ, tụng 3 thời thì được lễ nhiều, hoặc trong mấy ngày tang lễ tụng một lần thì tạ lễ ít hơn, nhưng cứ có tụng là được tạ lễ. Điều này đã trở thành thói quen văn hóa của các Phật tử. Dù các chùa không yêu cầu, các Phật tử cứ tranh nhau tạ lễ. Không khéo ta biến chùa trở thành dịch vụ theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Cúng nhiều thì các thầy hân hoan đi nhiều, cúng ít thì ít đi. Các tu sĩ mà phát xuất từ tâm như thế thì tu không bền vì họ tu vì lợi dưỡng

Lẽ ra người xuất gia chân chính phải thấy việc đi tụng kinh làm lễ cho người tại gia là một cơ hội để giới thiệu giáo lý đạo Phật tới quần chúng, giải thích căn nguyên khổ đau để giúp người tại gia có lối thoát. Khi ta làm hết lòng như vậy, các Phật sự sẽ tự động được thành tựu. Không nên nhận lễ tạ ngay thời điểm đó, vì nhận như thế là không đúng nghĩa. Các Phật tử cũng không cần tạ lễ ngay khi lễ tang kết thúc. Sau này ta có thể tham gia Phật sự ở chùa như làm từ thiện, góp tiền ấn tống, xây chùa, trùng tu, tạc tượng, đúc chuông. Không nên nghĩ thầy này có đi đám cha/mẹ tôi nên tôi cúng, còn thầy kia không đi thì tôi không cúng. Phần lớn tình cảm con người hay bị gắn chặt vào những chi tiết vặt vãnh như thế. Tình cảm đặc biệt với ai đó thường dẫn đến hỷ ái, không khéo là tới luyến áidục ái. Tu đủ giới đức sẽ giúp người tu tu bền và tu lâu. Chánh kiến người tu rất quan trọng, có chánh kiến mới hướng được Phật tử đi đúng đường, tu đúng pháp và có được kết quả thiết thực hiện tại. Muốn thế khi xuất gia phải học Phật pháp đến nơi đến chốn. 

Thời đại ngày nay chúng ta có đủ cơ hội để học tốt. Thầy giỏi, sách hay, thông tin trên mạng đều nhiều, dễ tìm. Nếu đi tu mà không chịu học Phật pháp thì sau này chỉ có thể làm ông từ giữ chùa, lơ mơ về kiến thức Phật pháp, không biết gì để hướng dẫn Phật tử. Tệ hơn là hướng dẫn những điều mê tín cho quần chúng, làm thế chẳng những không có phước mà còn có tội. 

Ngoài đời một bác sĩ không có kiến thức, làm mất mạng người là mắc tội. Ở phương Tây, người ta khích lệ tinh thần trách nhiệm cao. Bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân được quyền kiện bác sĩ nếu họ làm không đúng qui trình và không thực hiện đúng y đức. Người tu cũng vậy, nếu hướng dẫn sai, làm người ta khủng hoảng sợ hãi, khổ đau thì phải chịu trách nhiệm. Không thể cứ phán bừa. Nhiều chùa thấy người đến có tâm trạng hoang mang, sợ hãi thì khẳng định ngay là người đó bị ma nhập. Hoặc người ta khỏe mà nói mãi làm họ đổ bệnh thật. 

Cách đây vài ngày có một gia đình trên Biên Hòa xuống tìm chúng tôi nhờ giúp đỡ. Người phụ nữ chừng ba mươi tuổi, sống với đứa con, gia đình đang yên ấm, hạnh phúc. Cô làm nghề bán vải. Một buổi trưa đang lúc bán vải, có một phụ nữ đi ngang quầy hàng và buông ra một câu: “Em bị ma theo”, thế là chị bán vải bị khủng hoảng. Chị ta đã đến các chùa nhờ tư vấn. Các chùa cũng đề nghị cô ta phải cúng vì bị ma theo. Chùa tổ chức cúng trai đàn để giải ma, giải vong làm chị này càng tin rằng mình bị ma nhập. Một hai ngày sau khi đi dự lễ người thân, chị ta nhìn thấy đốt giấy vàng mã. Những hình ảnh mang đầy tính tín ngưỡng đó đã tác động lên não cô ta, tối về cô bị ác mộng, rồi sau đó cô ta ứng giống như một người bị ma nhập. Khi tìm đến một chùa khác nhờ giúp đỡ thì cô lại được hỏi: Gần đây có người thân trong nhà chết trẻ hay không? Cô ta đáp: Có người em rể chết cách đây một năm. Từ đó cô ta bắt đầu tin rằng mình bị ít nhất hai ma nhập vào người, ma chị gái chết hồi 10 tuổi và ma là em rể chết cách đây một năm. Cô ta bắt đầu bị mắc chứng hoang tưởng, lúc thì cô ứng xử như chị ruột quá cố của mình, lúc lại như cậu em rể đã mất.

Khi đến gặp chúng tôi, quan sát chị, chúng tôi hiểu ngay ra vấn đề. Chúng tôi đã mời gia đình tới và giải thích rõ ràng rằng đây là căn bệnh hoang tưởng có gốc rễ từ mê tín dị đoan, cộng với suy nghĩ quá mức dẫn đến mất ngủ, tinh thần suy sụp nên ra nông nỗi này. Phương pháp điều trị trong tình huống này là phải uống thuốc tâm thần, rồi gia đình nên tạo cơ hội cho chị đi du lịch để tâmthoải mái, ngừng việc buôn bán một thời gian. Sau khi rũ bỏ hết những căng thẳng thì sức khỏe sẽ trở lại bình thường

Ví dụ trên cho thấy chỉ vì thiếu chánh kiến, mê tín dị đoan mà rất nhiều người bị khổ. Trú pháp là tâm lúc nào cũng nghĩ đến Phật pháp, làm lành, làm Phật sự, tìm niềm vui trong các việc như thế. Người tu mà không có trú pháp thì trước sau cũng ra đời. Đang làm việc Phật sự được phân công mà cứ than phiền thì không thể nào tu bền. Có tu dài dài cũng không mang lợi ích gì cho ai, uổng phí cuộc đời và thời trai trẻ của mình. “Tự làm công việc mình” phải được hiểu là những việc được phân công, việc nào không liên hệ đến mình thì không nên động tới vì thiếu chuyên môn đôi khi sẽ gây ra rắc rối.

Tu là để giác ngộ giải thoát, nếu chưa được giác ngộ giải thoát thì ít nhất phải hiểu Phật pháp đến nơi đến chốn và thấu đáo. Giống như một bác sĩ giỏi, chỉ cần thoáng quan sát bệnh nhân, khám vài phút là biết bệnh thế nào và phải điều trị ra sao. Người tu chứng chân lý, hiểu rõ Phật pháp cũng phải như thế. Khi tư vấn cho Phật tử cần biết rõ họ đang vướng vào bệnh gì, chấp gì, trở ngại gì thì ta cho đúng liều thuốc, như thế mới hết bệnh hay hết khổ đau được. 

Ai làm được những điều vừa nêu sẽ được quần chúng tôn trọng. Đó là qui luật nhân quả tất yếu. Cho nên, khi tu không cần phải làm chức to trong giáo hội, hay vai trò lớn trong một ngôi chùa, tu đàng hoàng, tu đúng, an trú chánh pháp, có chánh kiến, chánh chân lý, làm các Phật sự, phát tâm hoặc được giao thì tự động ta có được thành quảcông đức để sống an vui và hạnh phúc

Một phương diện khác đức Phật khuyên người tu trong kệ 218 rằng: “Ước vọng pháp ly ngôn, ý cảm xúc tự hoặc, tâm thoát ly các dục, xứng gọi bậc thượng lưu”. 

Người tu phải được xem là dòng thánh cao về phương diện đạo đứctâm linh. Ở các bài kệ khác đức Phật ví họ như những con tuấn mã bỏ sau lưng những con ngựa quèn, tức những người ham vui, lười biếng v.v… Người tu có được tâm hướng đến dòng thánh cao như thế thì sẽ đạt được những kết quả tốt. Chúng ta có thể thực hiện điều này theo từng bước. Trước nhất là thực tập pháp ly ngôn, tức là không chấp vào ngôn ngữ như một phương tiện. Ngôn ngữ sử dụng đúng cách có thể giúp chúng ta được lợi lạc. Nhưng ngôn ngữ cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụyràng buộc nếu bị sử dụng sai. 

Một ví dụ của pháp ly ngônNiết bàn. Niết bàn vượt ra khỏi mọi ngôn luận mô tảgiá trị của nó quá thâm sâu. Ta phải tự làm những việc tốt, thực tế, chứ không thể chỉ kể thật hay mà không làm gì. Sau khi nghe phân tích, giải thích ta phải tự mình chứng nghiệm đạt được kết quả thì đó gọi là chứng đắc được pháp ly ngôn. Ly ngôn không phải thinh lặng, giống như một số Phật tử hiểu sai nên thích tu tịnh khẩu. Họ tự nhốt mình trong một căn phòng mấy chục mét vuông, không nói năng, chỉ ghi ra giấy. Tuy nhiên, tờ giấy cũng là một phương tiện ngôn ngữ, chấp vào cái miệng mà vướng vào cái tay cũng thế. Đức Phật không khích lệ hình thức tu này. 

Con ngườiphước báo hơn các loài động vật ở chỗ biết sử dụng cái miệng để truyền thông, với một hệ thống văn phạm hoàn chỉnh, truyền đạthọc hỏi những kiến thức bằng ngôn ngữ mà loài động vật có muốn cũng không làm được. Ta đang có phước của cái miệng, không tận dụng nó để làm phước báo mà lại tịnh khẩu thì quả chứng theo đức Phật trong kinh Trường Bộ là câm, quả thứ yếu của nó là á khẩu. Nhân vật Robinson sống trên đảo hoang vì không tiếp xúc với ai, không giao du bằng ngôn ngữ, kết quả là một thời gian dài ông dùng tiếng hú của các con vật làm ngôn ngữ giao tiếp, đó là thực tế mà ta thấy. Cái miệng không sử dụng một thời gian thì về sau nói sẽ không lưu loát. Hoặc ai đó đi du học ở nước ngoài quá lâu mà không có điều kiện sử dụng tiếng mẹ đẻ thì có thể bị lúng túng, nói không lưu loát, gãy gọn

Cảm xúc về thượng quả là luôn luôn hướng tâm về những quả cao thượng, giải thoát, không quá sầu lo khi gặp trục trặc, trở ngại, bởi ta tin tưởng rằng những nỗ lực tinh tấn bây giờ nhất định sẽ đem lại kết quả trong tương lai. Chiến thắng nào, thành công nào cũng có giá của nó. Chứng được thượng quả thì quả giác ngộ giải thoát cũng có thể nằm trong tầm tay ta. Cần nỗ lực, tinh tấn rất nhiều, vượt lên trên rất nhiều người bình thường khác mới có được thành quả, chứ không phải tu là có được kết quả. 

Cùng tu một quãng thời gian 10 năm hay 20 năm như người ta, nhưng trong khi người ta đã đi rất xa, ta vẫn còn loanh quanh một chỗ, là bởi ta không nỗ lực tinh tấn nhiều, hoặc khi làm phật sự thì không hoan hỉ, không tùy hỉ, không có tấm lòng vô ngã vị tha thì thành tựu không thể lớn. 

Điều cuối cùng đức Phật dạy rằng: “Giải thoát được các dục ở tâm. Tu mà vướng dục ở tâm thì khó tu bền. 

Tóm lại, chương này dạy về nghệ thuật làm chủ sở thíchĐức Phật muốn chúng ta cần phân tích kỹ, đâu là sở thích nhất thời, đâu là sở trường lâu dài. Có những tình huống phải nhờ vào sở thích để đẩy mạnh sở trường. Cũng có những tình huống sử dụng sở trường để xác định đâu là sở thích không nên theo. Nếu biết uyển chuyển vận dụng hai yếu tố này thì chúng sẽ hỗ trợ lẫn nhau, giúp ta đi tới thành công. Điều này đúng với cả người tại gia cũng thế lẫn người xuất gia. Nếu thích gì làm nấy, ôm đồm nhiều thứ một lúc thì không thể có kết quả. Khi làm chủ được sở thích, ta có thể đầu tư vào những lĩnh vực thực sự có giá trị. Thế giới này có vô số cái để ta đầu tư, làm những việc đáng làm, điều cốt yếu là ta phải thấy đâu là việc ưu tiên hàng đầu, đâu là việc thứ yếu.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.