Sao giữ được lòng vui

25/04/20191:02 SA(Xem: 11364)
Sao giữ được lòng vui
blank
SAO GIỮ ĐƯỢC LÒNG VUI

Nguyên Cẩn

vesak day 6Hôm nay đây, nhân mùa Phật đản, chúng ta lại thấy dường như hình ảnh Đức Phật đang thấp thoáng trong những lời cầu nguyện hay chìm khuất đâu đó trong màn sương của những tham vọng của từng con người, vì cuộc tranh đoạt quyền lợi vật chất với nhauxã hội vô tình trở thành mảnh đất màu mỡ cho cái ác xâm thực hàng ngày hàng giờ… 

Làm sao đánh thức được Phật tính trong mỗi chúng sinh khi chính chúng ta, nếu không cảnh giác, có khi cũng vong thân vì những động lực thấp hèn của mình. 

Làm sao khơi mở lại lòng từ bi, nói theo Đức Đạt-lai Lạt-ma, “… Chúng ta sinh ra không có tôn giáo nhưng chúng ta không ai sinh ra mà lại không có nhu cầu về lòng từ bi”. 

Hạt bụi gần và cơn bão xa 

Có những hạt bụi nếu chẳng may bay vào mắt sẽ làm ta xốn xang, khó chịu. Có những sự kiện rất nhỏ, những mẩu tin, nghe xong, đọc xong, khiến ta trầm ngâm suy nghĩ. Vì sao? Chúng là những bức xúc của công luận, là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. 

Chúng ta đang sống trong những ngày như thế, khi mạng xã hội trở nên rộng khắp. Người ta báo tin nhau, bình luận, góp ý, đủ mọi lời bình phẩm. Thử chọn một ngày như thế xem chúng ta đọc được gì, nghe thấy gì? Phải chăng những sự kiện hay sự cố đang diễn ra ấy là “ánh xạ” của một nền văn hóa? 

Chiếc giẻ rách của cô giáo 

Vì tao là giáo viên giẻ rách mới có đủ tư cách để dạy cái thằng giẻ rách như mày!”.

Đây là nguyên văn câu nói của một cô giáo được trích từ một clip. Thật khó có thể ngờ được rằng những câu như vậy lại xuất hiện trong một môi trường giáo dục, mà lại còn thốt ra từ cửa miệng giáo viên khi nói với học viên của mình, một người cũng trưởng thành… 

Cô giáo Nguyễn Kim Tuyến chắc chắn không phải là vụ bê bối đầu tiên liên quan tới một giáo viên dạy ngoại ngữ. Trước đó nữa, cô Lê Na cũng đã từng có những lời lẽ thiếu kiềm chế đối với học viên. Đây đều là những vụ việc gây sự chú ý của cộng đồng mạng. Có thể cả học viên và giáo viên đều “sai” nhưng người thầy lẽ ra vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về mặt đạo đức, tư cách, chứ không thể mạt sát “tay đôi” với học trò như thế! Như vậy thì tấm áo trí thức bên ngoài đã thủng lỗ mà tấm áo đạo đức bên trong thì rách bươm! 

Thần Công lý ngoảnh mặt 

Có nhà báo đã viết như thế khi quan tòa tuyên án bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phạm tội ấu dâm, không chỉ với một cháu, bản án phúc thẩm quá “nhẹ nhàng”, 18 tháng tù treo, giảm xuống từ ba năm tù giam ở án sơ thẩm. Cộng đồng mạng dậy sóng, bức xúc. Người ta đòi “giám đốc thẩm” vì xử như vậy lấy gì răn đe, như một trò hề? Còn lấy lý do ông ta là đảng viên lại càng sai! 

Hai hiệp sĩ bị giết 

Theo tin các báo ngày 13-5, nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình đi tuần tra thì phát hiện hai đối tượng đi trên xe máy hiệu Exciter có biểu hiện nghi vấn nên âm thầm theo dõi. Đến một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, nhóm “hiệp sĩ” bắt quả tang hai đối tượng bẻ khóa chiếc SH liền vào khống chế. Hai tên trộm bỏ chạy thì bị nhóm “hiệp sĩ” đuổi theo. Được vài trăm mét, nhóm “hiệp sĩ” đuổi kịp liền bị bọn chúng dùng hung khí tấn công. Hậu quả, anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ quận Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) bị đâm tử vong. Ba “hiệp sĩ” khác cũng bị đâm, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện. 

Chuyện buồn xảy ra cho những người hiệp sĩ cô đơn này, kèm theo nhiều nhận định về thái độ vô cảm của của những người có chức trách không “khẩn trương” cứu viện với lý do “đang trực” hay vì khác phường nên không tiện! 

Chuyện đất Thủ Thiêm 

Một chiến lược rất hay xây dựng thành phố mới bao năm qua đã bị “bóp méo” vì lợi ích nhóm, đền bù quá thấp, hàng chục ngàn dân không thể mua nhà mới, bơ vơ, nheo nhóc! Nếu những tin tức ấy chỉ là hạt bụi làm mắt ta xốn xang thì một cơn bão cát phía xa đang thổi tới khi đọc tin sau. 

Quân sự hóa Biển Đông 

Đài CNBC của Mỹ hôm 2/5 đưa tin Trung Quốc đã gắn các phi đạn hành trình chống hạm và hệ thống phi đạn địa-đối-không trên ba tiền đồn ở Biển Đông. Một quan chức Mỹ phát biểu, tình báo Mỹ đã nhìn thấy một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã chuyển một số hệ thống vũ khí đến quần đảo Trường Sa trong tháng qua. CNBC dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng theo đánh giá tình báo của Mỹ, các phi đạn vừa kể đã được chuyển đến các bãi Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn… 

Tất cả những chuyện ấy đưa ta đến những cảm xúc tiêu cực: tức giận, buồn bã, xót xa, lo lắng … 

Bao nhiêu loại thức ăn cho chúng ta? 

Nhà Phật phân biệt bốn loại thức ăn:

 - Loại thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta. Chánh kiến cũng là biết phân biệt những đoàn thực có hại và những đoàn thực không có hại. 

- Loại thức ăn thứ hai là xúc thực. Chúng ta có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ta phải ý thức xem việc tiếp xúc đó có đem chất độc vào người hay không. Phải thực tập chánh kiến khi đọc báo, đọc trang mạng, xem chương trình truyền hình, để xem những nội dung có đó có đưa vào trong tâm ta những độc tố như sợ hãi, căm thùbạo động hay không. Phải biết rằng có những bài viết, chương trình truyền hình hay phim ảnh chứa đựng rất nhiều độc tố nên khi xem một tờ báo không có chánh niệm, chúng ta có thể tiếp nhận rất nhiều độc tố

- Loại thức ăn thứ ba là niệm thực. Đó là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời ta. Mong muốn làm một công ty thu nhập cao hay đậu bằng này bằng nọ, thâm nhập vào người ta giống như một loại thức ăn. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta đủ nghị lực thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời như danh, lợi, tài và sắc. Phải chuyển hóa cái “muốn” này: muốn đóng góp cho gia đìnhxã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, tu tập để chuyển hóa, thì đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc

- Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Chúng ta là sự biểu hiện của thức, gồm có y báochánh báo. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món ăn. Nếu trong quá khứ tâm thức ta đã tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báochánh báo không lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trở về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho nó ăn từ, bi, hỷ, xả hay là chúng ta cho nó ăn trạo cử, hôn trầm, giải đãi, phóng dật? Bụt dùng ví dụ lấy dao đâm 300 cái mỗi ngày để nói chúng ta cũng đang hành hạ tâm thức của mình y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh.

Bầu không khí văn hóa quanh ta 

Thử tưởng tượng chúng ta sống gần một nhà máy, một khu công nghiệp, chúng ta sẽ thấy bầu không khí quanh đấy, nếu không xử lý thích đáng, sẽ phủ bụi mờ lên mọi thứ trong nhà chúng ta, rồi đến khi có người phát sinh bệnh phổi, chúng ta biết nó đã thâm nhập âm thầm và không hề vô hình như ta nghĩ. 

Bầu không khí văn hóa cũng vậy! Chúng ta nghe nói, bàn bạc, góp ý và cảm thấy nặng nề như chính mình là người trong cuộc. Càng bàn tán nhiều, càng cảm thấy bất an, bất mãn và bất đắc ý khi chúng ta tiếp thu một lượng xúc thực mang “âm tính” quá nhiều. 

Trong biển tâm thức ấy, chúng ta tiếp nhận những rác rến, qua màng lọc vô minh nên cứ thế mà tuôn vào, trở nên buồn phiền và mất niềm tin vào cuộc sống. 

Con người đang đi tìm niềm vui nào? 

Nếu chỉ đi tìm niềm vui thì con người đâu có khốn đốn sa vào tội lỗi vì ngắm một cảnh bình minh hay hoàng hôn, chơi với một em bé cũng đã thấy vui? Nhưng vì con người tìm các loại niềm vui khác nhau, thỏa mãn các giác quan khác nhau nên mới sinh ra nhiều hệ lụy! 


Đức Phật đề cập đến nhiều cấp độ hạnh phúc hay kinh nghiệm lạc thọ khác nhau và nêu rõ mức độ thù thắng giữa chúng. Ví dụ thú vui giác quan hay sự thỏa mãn lòng dục, ham muốn sắc đẹp, tiếng vui tai, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu được gọi là dục lạc

Đức Phật gọi niềm vui hay hạnh phúc này là cảm giác lạc (kamasukha), ô uế lạc (milhasukha), phàm phu lạc (puthujjanasukha), phi thánh lạc (anariya sukha) và khuyên các môn đệ không nên tìm cầu thứ “lạc” ấy, đem lại nhiều tiêu cực cho “tư niệm thực” vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn, gần với khao khát, thất vọng, lo âu, giành giật, tranh chấp, cướp bóc, bạo động, xa hơn là chiến tranh.

Đức Phật chỉ cho ta thấy rằng do “… không hiểu rõ quy luật Duyên khởithế giới này trở thành rối loạn như ổ kén, tàn tạ rối bời như cỏ chỉ, không thoát khỏi bất hạnh, khổ đau”. (M. Walshe - The Long Discourse of the Buddha) 

Làm sao vượt qua 

Theo Thượng tọa Thích Tâm Minh, niềm vui của sự hướng thiện bỏ ác làm lành, được cảm nhận ngay trong đời này, tận hưởng đời sau được gọi là thiên lạc (devasukha), loại hạnh phúc này là hướng thượng, tối thắng, không sợ hãi bởi nó siêu việt. Nó phát sinh do tâm nguyện hướng thiện và công đức làm lành lánh dữ. Niềm vui hay sự tịnh lạc đạt được do điều phục tâm và nhờ chứng đắc các thiền nên được gọi là thiền lạc. Đức Phật gọi niềm vui này là yểm ly lạc (nekkhammasukha), độc trú lạc, an tịnh lạc (upasamasukha) chánh giác lạc (sambodadukha) bởi nó phát sinh do duyên ly dục, ly các bất thiện pháp do tâm định do xả niệm lạc trú và do xả niệm thanh tịnh, thông qua các cấp độ thiền chứng. Niềm vui hay sự an lạc là do phát triển trí tuệ, thấy rõ bản chất các pháp, hướng đến đoạn trừ vô minh, tham ái, chấp thủ được gọi là giải thoát lạc hay Niết-bàn lạc (Nibbanasukha). Đức Phật mô tả trạng thái giải thoát hay Niết-bàn là tối thắng lạc (Nibbanam paramam sukham). (Thích Tâm Minh - Trung đạo - Con đường chắc thật đưa đến Niết-bàn) 

Đức Phật đã nhìn thấy, hiểu thấu và đã chỉ cho chúng ta cách vượt qua, chiến thắng chính bản thân mình. Khi Đức Phật nói rằng mỗi người là chủ nhân của chính mình, Ngài tuyên bố một nguyên tắc căn bảncon người phải tự kiểm soát bản thân trước khi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Tâm lý học hành vi hay ứng xử ghi nhận thực nghiệm tác động tích cực đối với tổ chức xã hội khi cá nhân con người tự điều chỉnh hành vi của mình theo tinh thần hướng thượng, hướng thiện, có trách nhiệm và luôn tôn trọng chân lý của cuộc sống. Dù theo triết thuyết nào, những người hành xử trong chiều hướng ấy tự trong tâm thức chính họ đã là Phật tử theo những giá trị nhân bản đã nêu trên. 

Đạo Phật dù với tư cách là một tôn giáo hay là một hệ thống tư tưởng, một lối sống sẽ giúp mở ra con đường tu tập, vượt lên chính mình của từng cá nhân. Vì sao? Vì Phật giáo là một tôn giáo hay một triết thuyết phi thời gian và thực chứng. Một tôn giáo của hòa bình vì luôn lấy Từ bi làm nền tảng, chưa bao giờ có cuộc thánh chiến nào trong lịch sử do Phật giáo gây ra. 

Ngược lại, còn bị Hồi giáo tàn sát và tấn công trong nhiều thế kỷ. Nhiều người thường tự hỏi rằng tại sao Phật giáo lại được gọi là “Akàlika”, nghĩa là “không thời gian” (timeless) với Chánh pháp đã hiện hữu trong nhiều thế kỷ qua. Càng thấy những thay đổi xảy ra trong Phật giáo, chúng ta càng thấy rõ Phật giáo đã luôn tự điều chỉnh đáp ứng mọi đòi hỏi của những thời đại khác nhau, với các dân tộc và mọi cá nhân với những dị biệt và tính cách riêng. Nếu Phật giáo tồn tại và được ứng dụng trong thực tiễn ngày nay, đó là vì tính phi thời gian bao gồm một hệ thống những giá trị vĩnh cửu

F.L. Woodword, một trong những dịch giả nổi tiếng về những lời dạy của Đức Phật, đã từng nói Phật giáo là “tôn giáo tự thân vận động” (a do-it-yourself religion). Điều đó giải thích có hàng trăm ngàn hay hàng triệu người chưa bao giờ nghĩ rằng mình theo đạo Phật, hay vào một ngôi chùa Phật giáo nào, cũng như chưa bao giờ thọ giới, quy y, hay có pháp danh, hoặc chỉ tự nhủ mình theo “đạo ông bà”, vô tình đã nhận biết trong tâm họ ý nghĩa của “tứ ân” theo quan điểm nhà Phật, và đã sống theo triết lý ấy. 

Lối sống mà Đức Phật đã dạy rất đơn giản, đối với bất kỳ ai sống tuân thủ năm nguyên tắc đạo đức: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống rượu - những yêu cầu căn bản về giới luật nền tảng của Phật giáo - dù con đườngĐức Phật đã mô tả không chỉ ngừng lại ở luật tắc này. Lời dạy đó được đơn giản hóa theo một cách mà ai cũng có thể hiểu được và làm được nếu cố gắng là: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhụcthiền định. Trong đó Phật nhấn mạnh việc rèn luyện, tu tập TÂM vì “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác”. Chúng ta luôn nhớ rằng bạo lực xuất phát từ tâm, từ ý nghiệp trước khi là thân nghiệp. Mọi bệnh thái tâm linh đều có thể kiểm soát từ tâm. Những khóa tu cho người tại gia ngắn ngày hay những giáo lý hoặc tư tưởng nhân văn truyền bá sâu rộng trong xã hội thông qua nhóm, hội đoàn, tổ chức tôn giáo hay phi tôn giáo đều hữu ích cho việc xây dựng nền tảng văn hóa nhân chủ cho cộng đồng…

Trong bối cảnh đạo đức xã hội suy thoái - đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật - chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong xã hội, tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người… và một số tệ nạn khác đang tạo ra sự bất an cho nhân dân, thì “… Văn hóa là để biết sống. Sử dụng và biết sống với thiên nhiên (Địa), biết sống với người khác (Nhân), và biết sống với cái siêu việt, cái thiêng liêng ở trong chính mình (Thiên) (Nguyễn Thế Đăng - Xã hội hài hòa). 

Tôn giáo vốn được xem là một môi trường tốt huân tập tâm hồn con người với những bài giảng về từ bi hay bác ái. Nhưng ngay cả người vô thần thì cũng phải sống có văn hóa, nghĩa là phải theo lương tâm

Nói theo Đức Đạt-lai Lạt-ma: “Theo tôi, mặc dầu nhân loại có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng không thể sống mà không có những giá trị bên trong… Đạo đức và các giá trị bên trong không có nội dung tôn giáo giống như nước, là thứ mà chúng ta cần hàng ngày để sống còn và khỏe mạnh. Đạo đức và các giá trị bên trong trong bối cảnh tôn giáo giống như trà… Nhưng dù trà được pha chế thế nào thì thành phần chính vẫn là nước. Trong khi chúng ta có thể sống mà không có trà, chúng ta không thể sống thiếu nước. Tương tự, chúng ta sinh ra không có tôn giáo nhưng chúng ta không sinh ra mà lại không có nhu cầu về lòng từ bi…” . (Đạt-lai Lạt-ma - Bên ngoài tôn giáo, bản dịch Trần Ngọc Bảo, 2015) 

Phải khơi gợi lại lòng từ bi trong cuộc sống này, đánh thức từng ngày từng giờ ý thức về sống chung, sống với con người. Làm sao để mọi người luôn thấy mình có trách nhiệm với chính mình, sống chỉn chu, hòa hợp với tha nhân và môi trường, làm gương cho thế hệ trẻ và biết yêu thương. Chừng đó sẽ không còn ai nói những lời thô lậu như cô giáo nọ, hành vi dâm ô không đúng mực như cụ già kia, bọn cướp cũng không còn đất sống nếu không tự chuyển hóa tâm hồn, quan chức cũng yêu thương dân, không “xà xẻo” đất đai, ép buộc người dân vì nghĩ rằng nếu mình không tròn chức trách “phụ mẫu chi dân” có khác gì bọn cướp (?). 

Nếu không, thế hệ trẻ hôm nay sẽ mất điểm tựa khi cha anh không còn là những tấm gương về thân giáo và đến lượt họ, những người trẻ, cũng theo vết xe đổ mà thôi! 

Một dân tộc với những con người kiên định trước xa hoa, cám dỗ, thì kẻ thù bên ngoài cũng khó mà xâm lược! Bài học những triều đại Lý Trần đã chứng minh chân lý ấy! 

Trong mùa Phật đản, hãy chắp tay cầu nguyện “thân tâm an lạc” như cụ Tú Lãm dặn con trước lúc lâm chung trong: “Hãy giữ lòng vui, giữ tâm hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”. (“Nửa chừng xuân” - Khái Hưng)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.