Sn 4.11 – Kalaha-vivada Sutta Kinh Cội Nguồn Tranh Cãi

28/10/201810:02 SA(Xem: 3059)
Sn 4.11 – Kalaha-vivada Sutta Kinh Cội Nguồn Tranh Cãi
NGUYÊN GIÁC
Dịch Việt & Chú Giải
KINH NHẬT TỤNG SƠ THỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation

 

Sn 4.11 – KALAHA-VIVADA SUTTA

KINH CỘI NGUỒN TRANH CÃI

 

 

Đức Phật nói về thuyết duyên khởi: tham sinh ái (lòng tham sinh ra các thứ nhị nguyên, được ưa thích hay ghét bỏ), ái sinh thủ (để làm duyên nắm giữ), từ thủ sinh ra hy vọng và ước muốn sinh hữu trong cõi dục (kiếp này và kiếp sau)… Chưa xếp thành 12 duyên khởi như hình thức về sau, nhưng đã cho thấy thế giới này vận hành trên lòng tham. Nghĩa là, dứt bỏ tâm tham, là giải thoát.

Trong kinh này có chữ “danh” và “sắc” -- trong đó “danh” là dịch từ  chữ “nama” -- tức là vận hành của tâm; và chữ “sắc” là dịch từ chữ “rupa”… Hầu hết dịch giả dịch chữ “sắc” là “form” hay “appearance”… Hiện tượng “xúc” (contact, hay touch) khởi lên là khi con mắt gặp sắc (hình tướng, cơ thể, hay đối tượng của ý căn), sẽ sinh khởi nhãn thức. Lúc đó, phán đoán so đo “ưa/không ưa” có thể khởi dậy, sẽ sinh ra nắm giữ (thủ) để làm “cái của tôi” và như thế là rơi vào sinh tử. Tương tự với tai nghe tiếng…

Danh và sắc có khi còn được dịch là tâm và thân. Tuy nhiên, chữ thân không riêng chỉ cơ thể người. Vì sắc được hiểu là đối tượng của tâm, tức là: cái được thấy, cái được nghe… cái được suy nghĩ tư lường. Nghĩa là, cơ thể, núi sông, biển rừng… đều là thân. Và “khái niệm” (cái được suy nghĩ tư lường) cũng là thân. Câu hỏi trong bài Kệ 873 là “làm sao để thân biến mất” cũng có nghĩa là, làm sao để “vô niệm” – do vậy, Kinh Sn 4.11 có thể được hiểu đầy đủ qua ngôn ngữ Pháp Bảo Đàn Kinh của ngài Huệ Năng. Câu trả lờibài Kệ 874, nói rằng biết mà không phải là biết, mà cũng không phải là không biết…

Do vậy, khi Thiền Tông nói rằng phải thấy “Thực tướng không thân, tức Pháp thân” thì chữ “thân” có nghĩa là “tất cả những cái được thấy nghe… tư lường” đều được thấy rỗng rang duyên khởi, và đó chính là thấy được Pháp thân.

Nhưng Pháp (Dhamma, Dharma) nơi đây là gì? Pháp chính là Luật duyên khởi, vì từ đó thế giới thân tâm vận hành. Khái niệm Ngộ của Thiền Tông có lẽ xuất phát từ chữ Biết, hay Nhận Ra. Bài kệ 877 trong kinh này nói rằng người tu phải khảo sát Luật duyên khởi, và khi Ngộ xong thì tự động xa lìa tranh cãi. Như thế, chữ Tự Tánh trong Thiền Tông của Huệ Năng, hẳn là chữ Pháp trong các bản kinh cổ.

Đức Phật nơi đây không dạy Vipassana như hình thức của thế kỷ 21 ở Hoa Kỳ (như: khi đi thì biết đi, ngồi biết ngồi, ngứa biết ngứa, lạnh nóng thì biết lạnh nóng; khi khởi niệm vui, buồn, ưa, ghét thì biết khởi niệm vui, buồn, ưa, ghét). Đức Phật nơi đây không dạy niệm, mà dạy phải tỉnh thức để Khảo Sát (investigate), để ngộ ra Pháp, nghĩa là một phương pháp tỉnh thức, nhìn vào nơi sinh khởi tâm -- tương tự như pháp Tham Thoại Đầu khi ngài Hư Vân dạy nhìn xem tận gốc câu “Niệm Phật là ai?”

Trích từ bài kệ 877 (viết theo văn xuôi để dễ đọc):

… người trí sẽ khảo sát luật duyên khởi. Biết xong (ngộ xong), người giải thoát không tham dự tranh cãi. Người trí không còn dính gì nữa với hữu/vô, sinh/diệt.

Bản Fronsdal: A sage investigates conditionality. Knowing, the liberated one doesn’t get into disputes; This wise one doesn’t associate with becoming or not-becoming.

Bản Thanisarro: …the sage, ponders dependencies. On knowing them, released, he doesn't get into disputes, doesn't meet with becoming & not-: he's enlightened.

Bản Khantipalo: …having Known their dependence, the investigative Sage/since Liberated Knows, so no longer disputes, the wise one goes not from being to being.

Bản Bodhi: … having known the dependencies, the muni, the investigator, having known, liberated, does not enter disputes; the wise one does not come upon various states of existence.

Tóm lược ý kinh: Còn tranh cãi là còn tham ái, còn so đo ưa/ghét, đúng/sai, là sẽ mãi tái sinh luân hồi. Thế giới sắc tướng hiện lên qua tâm [được thấy, được nghe, được thọ…], là do duyên khởi. Khi ngộ ra Pháp [thấy Tánh Duyên Khởi], người tu sẽ rỗng rang thanh tịnh, sẽ xa lìa các niệm tranh cãi, sẽ không còn tái sanh ở bất kỳ cõi nào.

Kinh này gồm các bài kệ từ 862 tới 877.

 

862

(Câu hỏi)

Từ đâu khởi lên các thứ gây gỗ, tranh cãi

tuyệt vọng, nỗi buồn, ích kỷ, tự hào

kiêu mạn, và lời nói xấu?

Từ đâu chúng khởi lên, xin trả lời với.

 

863

(Đức Phật)

Từ những gì được ưa thích sẽ hiện ra gây gỗ, tranh cãi

tuyệt vọng, nỗi buồn, ích kỷ, tự hào

kiêu mạn, và lời nói xấu.

Gây gỗ và tranh cãi nối kết với ích kỷ

Lời nói xấu hiện ra, khi tranh cãi khởi dậy.

 

864

(Câu hỏi)

Từ đâu khởi dậy những gì được ưa thích, trân quý

Từ đâu tâm tham khởi dậy và lan xa trên thế giới

Từ đâu khởi dậy những hy vọngmục tiêu

mà người ta có, từ đó dẫn tới tương lai [kiếp sau của họ].

 

865

(Đức Phật)

Tham là duyên dẫn tới các thứ ưa thích, trân quý

Tham lan xa, vận hành khắp thế giới này

Tham ái khởi dậy những hy vọngmục tiêu

mà người ta có, từ đó dẫn tới tương lai [kiếp sau của họ].

 

866

(Câu hỏi)

Trong cõi này, từ đâu duyên khởi ra lòng tham

ra các phán đoán [tức là, so đo lựa chọn vì tham]

ra giận dữ, ra lời nói dối, ra tâm ngờ vực bất định

và các tâm mà bậc Ẩn Sĩ  đã nói tới?

 

867

(Đức Phật)

Tham khởi dậy từ các phán đoán so đo

‘cái này quyến rũ [để ưa thích], hay là không’ trong thế giới

Thấy các sắc tướng hiện ra [sinh] và biến mất [diệt],

họ khởi dậy phán đoán trong thế giới này.

 

868

Với giận dữ, lời nói dối, tâm ngờ vực bất định

và các pháp [tâm] như thế, cặp đôi so đo hiện ra.

Người ngờ vực nên rèn luyện trên đường học

vì từ nhận biết như thế, bậc Ẩn Sĩ đã nói ra các pháp như thế.

 

869

(Câu hỏi)

Từ đâu khởi dậy những gì quyến rũ và không quyến rũ?

Dứt bặt cái gì sẽ không khởi dậy các thứ ưa và không ưa đó?

Và cũng là những hiện tướng sinh và diệt

Xin nói rõ cho biết chúng khởi dậy từ đâu.

 

870

(Đức Phật)

Xúc là duyên khởi cho ưa và không ưa

Khi không có xúc, sẽ không khởi dậy ưa và không ưa

Tất cả các pháp hiện ra [sinh] và biến mất [diệt]

cũng đều có duyên khởi như thế.

 

871

(Câu hỏi)

Từ đâu trong thế giới này khởi dậy xúc

và từ đâu, tâm nắm giữ sở hữu khởi dậy?

Dứt bặt cái gì sẽ không khởi dậy “cái của tôi” đó?

Dứt bặt cái gì sẽ không khởi dậy “các xúc” đó?

 

872

(Đức Phật)

Các xúc dựa vào tâm, dựa vào sắc

Tham sẽ duyên cho nắm giữ (chấp thủ)

Khi không có tham, sẽ không có nắm giữ

Khi sắc biến mất, sẽ không khởi dậy xúc.

 

873

(Câu hỏi)

Với người tu, như thế nào để sắc tướng biến mất?

Làm sao để lạc và khổ biến mất?

Xin nói rõ về cách nào

để chúng biến mất?

 

874

(Đức Phật)

Sắc (sắc tướng, sắc thân) biến mất khi

không niệm các [khái] niệm

[mà cũng] không niệm vọng niệm

[mà cũng] không phải là vô niệm

[mà cũng] không niệm cái đã biến mất [tức, cái đã qua và chưa tới]

Sắc biến mất với người đạt được như vừa nói.

Vì tưởng là duyên cho các niệm phan duyên.

(Bài Kệ 874 dịch theo văn xuôi: Sắc biến mất khi chúng ta không khởi tưởng về các khái niệm, không khởi tưởng về các vọng niệm, cũng không phải không khởi tưởng, cũng không khởi tưởng về cái đã biến mất…)

 

875

(Câu hỏi)

Ngài đã giải thích những gì chúng tôi hỏi

Xin Ngài trả lời câu hỏi này nữa

Có phải các bậc trí nơi đây nói rằng vào lúc này

đó là sự thanh tịnh tối thắng của tinh thần

hay họ nói về những gì khác hơn đó?

 

876

(Đức Phật)

Các bậc trí nơi đây nói rằng vào lúc này

đó là sự thanh tịnh tối thắng của tinh thần

Nhưng một số bậc trí trong đó nói rằng

tối thắng thanh tịnh là khi dứt sạch những gì nắm giữ [vô sở trụ].

 

 

877

Biết rằng những pháp đó đều do duyên khởi

người trí sẽ khảo sát luật duyên khởi.

Ngộ xong, người giải thoát không tham dự tranh cãi

Người trí không còn dính gì nữa với hữu/vô, sinh/diệt.

 

Hết Kinh Sn 4.11

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2017(Xem: 11312)
27/03/2014(Xem: 24526)
06/08/2010(Xem: 40836)
14/12/2010(Xem: 231425)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.