Kinh Vị La Hán

13/06/20143:14 SA(Xem: 7170)
Kinh Vị La Hán
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh Việt dịch
Thể kệ: Nguyên Định (chữ đậm)

Kinh Vị La Hán

Tâm ý đã thanh tịnh, chánh niệm đã đạt, không còn vướng vào một tham dục nào nữa, vị A La Hán qua được vượt sâu u mê như con thiên nga đã rời bỏ chiếc hồ.

 

Kinh Vị La Hán
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Phẩm thứ 15

 

Phẩm này có 11 bài tụng. La Hán là bậc đã được giải thoát ra khỏi mọi hệ lụy, đáng được mọi người tôn kính. Tiếng Pali là arahanta. Bài kệ thứ tư tả vị La Hán như con chim trở về hư không, cao bay vô ngại. Bài thứ 7 nói vị La Hán bình tĩnh như đất, bất động như núi. Bài thứ 2 ví vị La Hán như con thiên nga đã rời bỏ chiếc hồ. Bài thứ 10 nói nơi đâu có một vị A La Hán thì nơi ấy trở nên mát mẻ linh thiêng. Bài thứ nhất định nghĩa vị A La Hán là người đã lìa bỏ mọi ưu tư hoạn nạn, thoát ra ngoài mọi hệ lụy, tháo tung được mọi sợi dây ràng buộc, đạt tới sự mát mẻ (Niết bàn), không còn bị các cơn sốt phiền não thiêu đốt.

 

Bài kệ 1

Khứ ly ưu hoạn                              去  離  憂  患

Thoát ư nhất thiết                           脫  於  一  切

Phược kết dĩ giải                            縛  結  已  解

Lãnh nhi vô noãn                            冷  而  無  煖

 Lìa bỏ mọi ưu tư hoạn nạn, thoát ra ngoài mọi hệ lụy, tất cả các sợi dây ràng buộc đều đã được tháo tung, mát mẻ, không còn bị một cơn sốt não phiền nào đốt cháy nữa.

Lìa mọi ưu tư

Thoát mọi hệ lụy

Ràng buộc tháo tung

Không còn cơn sốt

Phiền não đốt cháy.

 

 

 

 

Bài kệ 2

Tâm tịnh đắc niệm                          心  淨  得  念

Vô sở tham lạc                                無  所  貪  樂

Dĩ độ si uyên                                   已  度  癡  淵

Như nhạn khí trì                               如  鴈  棄  池

 Tâm ý đã thanh tịnh, chánh niệm đã đạt, không còn vướng vào một tham dục nào nữa, vị A la hán đã qua được vực sâu u mê như con thiên nga đã rời bỏ chiếc hồ.

Tâm ý thanh tịnh

Chánh niệm đã đạt

Không vướng tham dục

Vượt vực u mê

Như con thiên nga

Rời bỏ ao hồ.

 

 

 

Bài kệ 3

Lượng phước nhi thực                      量  腹  而  食

Vô sở tạng tích                                無  所  藏  積

Tâm không vô tưởng                        心  空  無  想

Độ chúng hành địa                           度  眾  行  地

 Ăn uống chừng mực, không chất chứa của cải, tâm ý rỗng rang không còn vọng tưởng, vượt qua được mọi hành và mọi địa.

Ăn uống chừng mực

Không dồn của cải

Tâm ý rỗng rang

Không còn vọng tưởng

Vượt qua mọi nơi.

 

 

Bài kệ 4

Như không trung điểu                    如  空  中  鳥

Viễn thệ vô ngại                             遠  逝  無  礙

Thế gian tập tận                             世  間  習  盡

Bất phục ngưỡng thực                   不  復  仰  食

 Như con chim bay về hư không, cao bay vô ngại, các tập khí thế gian đã chấm dứt, không còn lo lắng về chuyện ăn uống.

Chim về hư không

Cao bay vô ngại

Chấm dứt tập khí

Không lo ăn uống.

 

 

Bài kệ 5

Hư tâm vô hoạn                             虛  心  無  患

Dĩ đáo thoát xứ                              已  到  脫  處

Thí như phi điểu                             譬  如  飛  鳥

Tạm hạ triếp thệ                             暫  下  輒  逝

 Tâm ý thảnh thơi, không còn hoạn nạn, đã tới được chốn giải thoát như con chim bay tạm thời đáp xuống mà đi.

Tâm ý thảnh thơi

Không còn hoạn nạn

Tới chốn giải thoát

Như con chim bay

Tạm thời đáp xuống.

 

 

 

Bài kệ 6

Chế căn tùng chỉ                            制  根  從  止

Như mã điều ngự                           如  馬  調  御

Xả kiêu mạn tập                             捨  憍  慢  習

Vi thiên sở kính                              為  天  所  敬

 Điều phục các căn, làm cho an tĩnh như con ngựa hay, buông bỏ được mọi tập khí kiêu mạn, cả chư thiên cũng phải kính ngưỡng.

Điều phục các căn

Làm cho an tĩnh

Như thuần con ngựa

Buông bỏ tập khí

Chư thiên kính ngưỡng.

 

 

Bài kệ 7

Bất nộ như địa                                不  怒  如  地

Bất động như sơn                           不  動  如  山

Chân nhân vô cấu                            真  人  無  垢

Sanh tử thế tuyệt                            生  死  世  絕

 Không giận, bình tĩnh như đất, bất động như núi, đã là vị chân nhân thì không còn bị cấu nhiễm, vì sinh tửthời gian đã chấm dứt.

Bình tĩnh như đất

Bất động như núi

Chân nhân không nhiễm

Sinh tử không còn

Thời gian đã hết.

 

 

 

Bài kệ 8

Tâm dĩ hưu tức                               心  已  休  息

Ngôn hành diệc chánh                      言  行  亦  正

Tùng chánh giải thoát                      從  正  解  脫

Tịch nhiên quy diệt                          寂  然  歸  滅

 Tâm tư ngưng nghỉ, ngôn và hành cũng thế, đi theo con đường chánh đạo, đã được giải thoát, yên lặng và trở về Niết Bàn.

Tâm tư ngưng nghỉ

Ngôn hành cũng thế

Theo đường chánh đạo

Giải thoát yên lặng

Trở về Niết bàn.

 

 

Bài kệ 9

Khí dục vô khán                              棄  欲  無  着

Khuyết tam giới chướng                 缺  三  界  障

Vọng ý dĩ tuyệt                               望  意  已  絕

Thị vị thượng nhân                          是  謂  上  人

 Buông bỏ tham dục, không còn dính mắc, vượt mọi chướng ngại ba cõi, vọng tâm đã hết, đó là một bậc thượng nhân.

Buông bỏ tham dục

Không còn dính mắc

Vượt chướng ba cõi

Vọng tâm đã hết

Là bậc thượng nhân.

 

 

Bài kệ 10

Tại tụ nhược dã                              在  聚  若  野

Bình địa cao ngạn                           平  地  高  岸

Ưng chân sở quá                            應  真  所  過

Mạc bất mông hữu                        莫  不  蒙  祐

 Nơi đồng quê hay ở chốn xóm làng, dưới bình nguyên hay trên cao nguyên, địa phương nào có các vị ấy đi tới đều trở nên linh thiêng.

Ở nơi đồng quê

Hay chốn xóm làng

Bình nguyên cao nguyên

Nơi các vị đến

Đều thành linh thiêng.

 

Bài kệ 11

Bỉ lạc không nhàn                           彼  樂  空  閑

Chúng nhân bất năng                    眾  人  不  能

Khoái tai vô vọng                           快  哉  無  望

Vô sở dục cầu                             無  所  欲  求

 Ưa những nơi nhàn vắng, ít người lui tới, hạnh phúc thay khi đã đạt tới trình độ không còn vọng động, không còn mong cầu.

Ưa nơi nhàn vắng

Ít người lui tới

Hạnh phúc lắm thay

Không còn vọng động

Không còn mong cầu.







Tạo bài viết
18/05/2010(Xem: 150501)
16/05/2010(Xem: 93096)
13/03/2017(Xem: 9614)
19/03/2016(Xem: 23158)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…