17 Phẩm Phân Biệt Công Đức

24/05/201012:00 SA(Xem: 10396)
17 Phẩm Phân Biệt Công Đức

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ 17
PHÂN BIỆT CÔNG-ĐỨC

(Proportion des mérites)

Khi đó, Thế-Tôn bảo Bồ-tát Di-Lặc: “Này A-Dật-Đa! Lúc ta nói về thọ mạng lâu dài của Như-Lai, thì có:

- sáu trăm tám muôn ức na-do-tha Hằng-sa chúng-sanh đặng “Vô-sanh pháp-nhẫn”([9]).

- một số đại Bồ-tát ngàn lần gấp đôi đặng môn “văn-trì đà-la-ni”([10]).

- một số đại Bồ-tát đông như một thế-giới vi-trần đặng “nhạo thuyết vô ngại biện-tài”([11]).

- một số đại Bồ-tát đông như một thế-giới vi-trần đặng trăm ngàn muôn ức vô lượng môn “triền đà-la-ni”([12]).

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của tam thiên đại thiên thế-giới chuyển được “pháp luân bất-thối”([13]).

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của nhị thiên quốc độ chuyển được “pháp luân thanh tịnh”([14]).

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của tiểu thiên quốc độ, trong 8 đời tái-sanh sẽ được “Vô thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của bốn tứ-thiên-hạ([15]), trong 4 đời tái sanh, sẽ đặng “Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của ba tứ-thiên-hạ, trong 3 đời tái sanh, sẽ đặng “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của hai tứ-thiên-hạ, trong 2 đời tái sanh, sẽ đặng “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số đại Bồ-tát đông như vi-trần của một tứ-thiên-hạ, trong 1 đời tái sanh, sẽ đặng “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

- một số chúng-sanh nhiều như vi-trần của tam thế-giới, đều phát tâm “Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

Đức Phật nói xong, một trận mưa hoa báu từ hư-không rơi xuống trên vô lượng trăm ngàn muôn ức Phật ngồi trên toà sư-tử, dưới cội cây báu, trên đức Phật Thích-Ca và đức Phật Đa-Bảo đang ngồi trong tháp bảy báu, và trên tất cả Bồ-tát và bốn bộ chúng. Lại có trận mưa hương bột chiên-đàn, hương trầm-thủy, và trống trời tự vang. Lại có trận mưa thiên-y (áo trời) và trên không thòng xuống các thứ chuỗi ngọc, các lò hương báu đốt hương vô giá để cúng dường đại-chúng.

Trên mỗi đức Phật có các Bồ-tát tay cầm phan lọng, trước sau lên đến trời Phạm-thiên, dùng âm thanh vi diệu, ca vô lượng bài kệ tán thán chư Phật.

Khi ấy Bồ-tát Di-Lặc đứng dậy lễ Phật rồi nói một bài kệ nhắc lại và xưng tụng những lời Phật vừa dạy.

Bồ-tát Di-Lặc nói kệ xong, Phật nói: “Này A-Dật-Đa! Chúng-sanh nào nghe Phật thọ mạng lâu dài như thế mà chỉ sanh được một niềm tin tưởng, thì đặng công đức không thể hạn lượng. Công đức này lớn lao cho đến nỗi đem công-đức tu 5 ba-la-mật đầu (bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định) trong 80 muôn ức na-do-tha kiếp ra so sánh, thì trong muôn ức ngàn phần, công đức tu ba-la-mật không kịp một. Lại nữa, ai được công-đức tin tưởng như trên thì không bao giờ thối bước trên đường dẫn đến Chánh-giác.

Sau khi nói một bài kệ đáp lại ý trên, đức Phật nói tiếp: “Này A-Dật-Đa! Người nào nghe nói về thọ mạng lâu dài của Phật mà hiểu được cái ý thú trong lời nói đó, thì người ấy đặng công đức vô lượng, lại có thể phát khởi trí-huệ vô-thượng của Như-Lai. Huống là người rộng nghe Kinh Pháp-Hoa, hoặc bảo người nghe, hoặc tự thọ trì, hoặc bảo người thọ trì, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, hoặc dùng mọi thứ hương hoa, v.v..cúng dường Kinh. người ấy đặng công đức vô biên có thể sanh “nhầt thế chủng-trí” (trí Phật).

“Này A-Dật-Đa! Còn thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào nghe ta nói mà sanh lòng tin hiểu chắc về thọ mạng lâu dài của Phật, thì người ấy ắt thấy Phật thường tại Kỳ-xà-quật nói Pháp cho các đại Bồ-tát và Thanh-văn vây quanh nghe. Chẳng những thế, mà còn thấy đất cõi Ta-bà bằng lưu ly, mặt liền bằng thẳng, tám nẻo rào bằng dây vàng ròng, bảy hàng cây báu và lầu đài cũng đều bằng bảy báu họp thành, trong có Bồ-tát ở. Ai mà quán tưởng được như thế, thì nên biết đó là biểu hiện của một lòng tin tưởng sâu chắc”.

“Lại nữa, sau khi Phật diệt độ, ai nghe Kinh này mà không chê bai, sanh lòng tuỳ-hỷ, thì đó cũng là biểu hiện của một lòng tin hiểu sâu chắc. Còn ai đọc, tụng, lãnh giữ Kinh này, thì người đó đầu đội Như-Lai”.

“Này A-Dật-Đa! Tin hiểu được như thế, thì không cần vì ta mà dựng chùa tháp, cũng không cần cất tăng-phường và dùng “tứ sự” cúng dường chúng Tăng. Vì sao? Vì thọ trì đọc tụng được kinh này là đã dựng tháp, tạo lập tăng-phường, là đã dùng hương hoa, chuỗi ngọc, tràng phan, kỹ nhạc…tán thán chư Phật trong muôn ngàn ức kiềp rồi”.

“Này A-Dật-Đa! Thọ trì, đọc, tụng Kinh này được công đức như thế, hà huống còn tu hạnh bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, nhất tâm (thiền-định) và trí-tuệ, thì công đức này không còn gì hơn”.

“Nếu thọ trì đọc tụng Kinh này mà còn tạo tháp xây dựng tăng-phường, cúng dường, khen ngợi chúng Thanh-văn và Bồ-tát, hoặc giải nói Kinh Pháp-Hoa rồi còn thanh-tịnh trì-giới, nhẫn-nhục, quí việc ngồi thiền, tinh tấn mạnh mẽ, căn lành trí sáng, thì đó là những người đã đến Đạo-tràng, gần ngồi dưới cội Đạo để chứng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

Tới đây, đức Phật nói một bài kệ nhắc lại ý trên.

 

Huyền nghĩa

I. Những “pháp-lợi” (những sự lợi-ích của Pháp) khi được nghe Phật nói về “thọ mạng của như-Lai”.

Như-Lai là Tâm, mà Tâm thì bất-sanh (non-né) cho nên bất-diệt (non-mort), do đó nói thọ mạng của Như-Lai không cùng không cực.

Trong mỗi con người, có hai phần: a) phần sanh-diệt là ngũ-uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tức là xác thịt và tinh thần; b0 phần bất-sanh và bất-diệt (hay vô-sanh), tức là Tâm hay bản-thể. Phần trước thì đổi dời (vô thường), phần sau không đổi dời (thường). Chính phần sau này mới là con người thật(Chân-nhân hay Chân-ngã), còn phần trước là con người bề ngoài (homme apparent), con người giả (Giả-ngã).

Từ trước đến giờ, ai cũng lấy phần giả làm thiệt cho nên lầm tưởng mình có sanh, có chết và sống theo sự kích-thích của xác thịt, tình-cảm và tư-tưởng, nghĩ ngợi. Nay Phật đem sự thật ra nói và dạy cho biết con người thật là Tâm, là Như-Lai, không sanh cũng không diệt, sống mãi đời đời, không cùng không tận.

Ai nghe được chân-lý này và hiểu được thì thu hoạch được nhiều lợi-ích. Nhưng không phải đồng là người mà thụ hưởng được những sự lợi-ích như nhau. Vì căn cơ của chúng-sanh không đều, cho nên sự hiểu biết về “Như-Lai thọ mạng” cũng hkông đều: hiểu biết không đều cho nên sự lợi-ích hưởng được trong chỗ giác-ngộ cũng không đều. Vì vậy, hiểu cạn, hưởng lợi-ích nhỏ thì nhiều, mà hiểu sâu và hưởng lợi-ích to, thì càng sâu càng ít.

Những sự lợi-ích ấy như thế nào? Đại khái có 8:

a) Vô-sanh pháp-nhẫn(kiến tánh): rất đông người được: 6 trăm tám mươi vạn ức na-do-tha Hằng-sa chúng-sanh.

b) Văn-trì đà-la-ni (nghe hiểu và nắm giữ được) số người hưởng được là hàng Bồ-tát một ngàn lần nhiều hơn.

c) Nhạo thuyết vô ngại biện tài (thích nói Pháp và có biện tài): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của một thế-giới.

d) Triền đà-la-ni (thông hiểu đầy đủ, ra vào cửa Pháp vô ngại): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của một thế-giới.

e) Pháp-luân bất thối (tu hành tinh tấn): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của tam thiên.

f) Pháp-luân thanh-tịnh (được sự thanh-tịnh): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của hai ngàn cõi.

g) Vô-lượng Chánh-đẳng Chánh-giác (thành Phật): 4 hạng đại Bồ-tát nhiều ít khác nhau và mau chậm cũng khác nhau.

h) Phát tâm vô thượng ( phát tâm tu thành Phật): chúng-sanh nhiều như vi-trần của 8 thế-giới.

II. Những công-đức của người hiểu và tin lời dạy của Phật về Như-Lai thọ mạng. Quan trọng vô cùng vì hơn công-đức của những người tu 5 ba-la-mật dầu là bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn và thiền-định. Chỉ những ai có tu thêm ba-la-mật thứ sáu là Trí-huệ thì công-đức mới to hơn.

III. Kết quả của lòng tin thuyết Như-Lai thọ mạng:

Tin thuyết này là người khai mở trí-huệ nhờ đó mà cái thấy được biến cải:

a) Không thấy chúng-sanh mà thấy Phật, tức là không đãi chúng-sanh theo hình tướng (sắc) mà đãi theo Như-Lai (chân-tâm thực-tướng).

b) Không thấy Ta-bà uế-độ mà thấy quốc-độ thanh-tịnh. Cõi này do Tâm hay Như-Lai mà biến hiện và Ta-bà thật ra không uế mà cũng không tịnh. Uế hay tịnh là do tâm chúng-sanh. Chúng-sanh tâm uế thì Ta-bà là uế-trược. Tâm chúng-sanh thanh-tịnh thì Ta-bà là nước Phật. Huống chi trên căn bản, Ta-bà là hoàn toàn thanh-tịnh vì từ Tâm, từ bản-thể, từ Như-Lai xuất phát ra.

 IV. Tin như thế là pháp cúng dường tối thượng: Lối cúng dường thường là dựng chùa tháp, xây cất tăng phường hay lo miếng ăn, thức uống, nhà cửa, quần áo. thuốc men cho chư Tăng. Nhưng cúng dường những thứ ấy để làm gì há không phải với lòng mong được khai ngộ đến mức “minh tâm kiến tánh”?. Mà minh tâm kiến tánh là thấy được Như-Lai ở trong ta, đức Như-Lai thọ lượng vô cùng, hay Tâm bất sanh bất diệt. Tánh hoàn toàn sáng suốt của ta.

Nay nghe Phật giảng về Như-Lai thọ mạng và đã hiểu được Phật muốn nói gì, thì là đã nhận ra cái “Vô-samh” rồi. Ngộ đặng “Vô-sanh”, là đạt đến mục đích của cúng dường, thì còn cúng dường nữa làm gì?

 V. Nhưng có một thứ công-đức cao nhất: Đó là công-đức của người vừa hiểu vừa tin thuyết Như-Lai thọ mạng (nghĩa là minh tâm kiến tánh) mà cũng vừa hành 5 ba-la-mật, lại vừa tạo tháp, xây cất tăng -phường và cúng dường mọi thứ.

VI. Kết luận phẩm này: Biết trong mình có Như-Lai thọ mạng vô cùng, là bậc sáng suốt, giác-ngộ rồi. Nhưng đó mới là giai-đoạn “tin và hiểu”. Bây giờ cần phải thực hiện cái hiểu bằng năm phép tu ba-la-mật, luôn cả những việc cúng dường bề ngoài. Hãy suy nghiệm về câu: “Phật-tử trụ thử địa, thị tắc Phật thọ dụng” (Làm tất cả những việc kể trên là cái Phật của mình có chỗ dùng- hay nói một cách khác- là diễn đạt trong thực-tế cái Như-Lai đã tin hiểu và nhận nơi mình).

([9]) Vô-sanh pháp-nhẫn: Mức giác-ngộ của hàng Bồ-tát đã đắc chân-trí và an trụ vào lý-thể của sanh diệt.

([10]) văn-trì đà-la-ni: Nghe pháp hiểu nhớ.

([11]) nhạo thuyết vô ngại biện-tài: Thích nói pháp và có tài biện luận thông suốt.

([12]) Triền đà-la-ni: Trong cửa pháp, ra vào vô ngại, nghĩa là thông hiểu đầy đủ, muốn giải thích thế nào cũng được.

([13]) Pháp luân bất-thối: Đẩy bánh xe pháp tới hoài không lùi.

([14]) Pháp luân thanh tịnh: Pháp luân là bánh xe Pháp. Tuy một danh-từ thường dùng để chỉ giáo-pháp của Phật, nhưng có khi đặc biệt chỉ Bát Chánh-đạo. Bánh xe có trục, căm, vành; Pháp Phật cũng có ba tướng nhu thế (huệ, định, giới)- Thanh-tịnh là trong sạch- Ở đây ý nói, được sự thanh-tịnh như người tu giới, định, huệ.

([15]) Bốn tứ-thiên-hạ: Ám chỉ 4 châu: 1) Động-thắng, 2) Tây-ngưu, 3) Bắc-cu-lô, 4) Nam-thiệm cũng gọi là Nam-diêm-phù-đề là trái đất chúng ta hiện ở.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57135)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.