20 Phẩm Thường-bất-khinh Bồ-tát

24/05/201012:00 SA(Xem: 10799)
20 Phẩm Thường-bất-khinh Bồ-tát

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ 20
THƯỜNG BẤT KHINH BỒ-TÁT

(Le Religieux Sadâparibhuta)

Lúc bấy giờ, Phật bảo Bồ-tát Đại-Thế: “Ngươi nay nên biết, nếu Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di trì Kinh Pháp-Hoa mà bị mắng nhiếc chê bai, thời người mắng nhiếc chê bai mắc tội báo lớn như trước đã nói, còn người trì Kinh thì đặng công-đức như cũng đã nói rồi: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đặng thanh-tịnh.

“Này Đại-Thế, thuở xưa cách nay vô lượng vô biên số kiếp, có Phật hiệu Oai-Âm-Vương ra đời, nhằm thời (kiếp) Ly-Suy, tại nước Đại-Thành. Vì người cầu quả Thanh-văn, Phật nói pháp Tứ-đế; vì người cầu quả Bích-chi-Phật, Ngài nói pháp Thập-nhị nhân-duyên; vì hàng Bồ-tát cầu Vô-thượng-giác, Ngài nói pháp ba-la-mật dẫn đến cứu-kính Phật-huệ.

“Đắc-Đại-Thế, Phật Oai-Âm-Vương sống lâu 40 ức na-do-tha hằng-sa kiếp; Chánh-pháp của Phật trụ trong một số kiếp nhiều như vi-trần của một thế-gian; Tượng-pháp trụ trong một số kiếp nhiều như vi-trần của 4 châu. Sau khi Phật Oai-Âm-Vương diệt độ, Chánh-pháp, Tượng-Pháp diệt độ, một Đức Phật khác ra đời, cùng tại một nước, cũng lấy hiệu là Oai-Âm-Vương. Sau đó và tuần tự, có hai muôn ức Đức Phật ra đời cùng một danh-hiệu”.

“Phật Oai-Âm-Vương đầu tiên diệt độ rồi và sau lúc Chánh-pháp diệt độ thời trong thời Tượng-pháp, các tỳ-kheo tăng-thượng-mạn([1]) có thế lực lớn. Bấy giờ có một Bồ-tát tên Thường-Bất-Khinh([2]). Sở dĩ có tên này là vì mỗi khi gặp các hàng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Bồ-tát lễ lạy khen ngợi: “Tôi rất kính quí vị, không dám khinh dễ, vì quí vị đều đi trên đường Bồ-tát và sẽ được làm Phật". Bồ-tát Thường-Bất-Khinh không chuyên đọc kinh điển, chỉ thực hành việc lễ bái, thậm chí hễ xa thấy tứ chúng là lạy nói: “Tôi chẳng dám khinh quí vị, quí vị đều sẽ làm Phật”.

“Trong tứ chúng, có người lòng bất tịnh, giận mắng: “Ông vô-trí tỳ-khưu này ở đâu đến mà cứ nói” tôi chẳng dám khinh quí vị rồi lại thọ-ký cho chúng tôi sẽ thành Phật; chúng tôi không dùng lời thọ-ký láo khoát đó đâu”.

“Tuy trải qua nhiều năm bị mắng nhiếc, Bồ-tát Thường-Bất-Khinh không giận hờn, cứ luôn nói: “Quí vị sẽ làm Phật”. Lắm khi bị đánh mắng bằng gậy, bị ném gạch đá, Bồ-tát chạy tránh ra xa, miệng vẫn nói: “ Tôi chẳng dám khinh quí vị, quí vị đều sẽ làm Phật”. Vì đó mà ông được gọi là : Thường-Bất-Khinh”.

“Lúc Bồ-tát Thường-Bất-Khinh mệnh chung, trong hư-không nghe tiếng của trọn hai mươi ngàn muôn ức bài kệ Kinh Pháp-Hoa của Phật Oai-Âm đã nói thuở trước. Nghe xong, Bồ-tát liền năng thọ-trì, đặng sáu căn thanh-tịnh như đã nói. Sáu căn đặng thanh-tịnh rồi, Bồ-tát sống thêm hai trăm muôn ức na-do-tha tuổi, vì người rộng nói Kinh Pháp-Hoa”.

“Lúc đó, những người trong tứ-chúng trước kia đã khinh rẻ Bồ-tát Thường-Bất-Khinh, nay thấy Bồ-tát đặng sức thần-thông lớn, sức nhạo-biện-tài, sức đại-thiện-lực([3]) và nghe Bồ-tát thuyết pháp, đều tin phục và theo Bồ-tát (làm đệ tử)”.

“Bồ-tát Thường-Bất-Khinh giáo hoá ngàn muôn chúng, khiến đứng yên trong Vô-thượng-giác. Những chúng ấy, sau khi mệnh chung, đặng gặp hai ngàn ức Phật, đồng hiệu Nhật-Nguyệt Đăng-Minh trong pháp-hội nói Kinh Pháp-Hoa này. Nhờ nhân-duyên đó, những chúng ấy lại gặp hai ngàn Phật đồng hiệu Vân-Tự-Tại Đăng-Vương tại pháp-hội của các Ngài, rồi thọ-trì, đọc tụng, vì hàng tứ-chúng nói Kinh Pháp-Hoa, cho nên sáu căn thường mà đặng thanh-tịnh, nói pháp cho tứ chúng nghe mà lòng không sợ sệt”.

“Này Đắc-Đại-Thế, sau khi cúng dường cung kính, tôn trọng bao nhiêu đức Phật như thế và trồng các rễ lành, Bồ-tát Thường-Bất-Khinh cuối cùng lại gặp ngàn muôn ức Phật, theo Phật-pháp mà nói Kinh này, thành tựu công-đức và sẽ thành Phật”.

“Nay Đắc-Đại-Thế, ngươi có biết Bồ-tát Thường-Bất-Khinh thuở ấy là ai chăng? Đó là thân ta vậy. Nếu đời trước ta chẳng thọ-trì đọc tụng và giải nói cho người khác nghe Kinh này, thời ta chẳng thể mau đặng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Vì ta đã có trong nước Phật, thọ trì, đọc tụng và vì người khác nói Kinh này, nên mau đặng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác”.

“Này Đắc-Đại-Thế, những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di của thời đã nói, vì khinh tiện ta, nên trong hai trăm ức kiếp luôn luôn chẳng gặp Phật, chẳng nghe Pháp, chẳng thấy Tăng, ngàn kiếp ở địa-ngục chịu khổ não lớn. Hết tội rồi, lại gặp Bồ-tát Thường-Bất-Khinh giáo hoá cho về Vô-thượng-giác”.

“Này Đắc-Đại-Thế, bốn chúng đã khinh khi Bồ-tát Thường-Bất-Khinh nào phải ai lạ, chính đó là những người hiện nay đều là bậc bất-thối-chuyển trên đường Chánh-giác, tức là bọn 500 Bồ-tát của Bạt-Đà-Bà-La, bọn 500 tỳ-khưu của Sư-Tử-Nguyệt, bọn 500 ưu-bà-tắc của Ni-tư-Phật, đang ở trong pháp-hội này”.

“Này Đắc-Đại-Thế, phải biết Kinh Pháp-Hoa này rất lợi ích cho các đại Bồ-tát, có thể giúp họ đến Vô-thượng-giác, cho nên sau khi Phật diệt độ, phải thường thọ trì, đọc tụng, giải nói”.

Đức Phật bèn đọc một bài kệ nhắc lại nghĩa vừa nói.

 

Huyền nghĩa

Ly-Suy là lìa sự suy-tổn, tướng của cái chết. Vậy ly-suy là xa lìa cái chết, tức là giải-thoát sanh tử. Ai giải-thoát đượcsự sanh-tử là người không còn quyến luyến cảnh thế-gian. Có giải-thoát mới thực hiện được một sự thành-công vĩ đại (Đại-thành) là thực-hiện cái Chân-ngã (Oai-Âm-Vương) là nghe được tiếng của tâm (âm), nhận chịu sự điều khiển của oai quyền ấy (oai) như oai quyền của một nhà vua (Vương).

Tâm chỉ có một, cho nên bao nhiêu Phật cũng chỉ có một danh hiệu. Phật lại là Pháp, cho nên cũng chỉ có một Pháp. Do đây Kinh nói Phật Oai-Âm nào cũng chỉ thuyết Tứ Diệu-đế, Thập-nhị nhân-duyên, Lục ba-la-mật.

Lúc tâm còn trong trắng (Phật chưa diệt độ), hoặc trong lúc tâm hết trong trắng (Phật đã diệt độ) mà con người chưa quá xa tâm (thời Chánh-pháp) thời còn khá, vì con người còn có khi biết mình là ai. Đến khi quá xa rồi (Chánh-pháp diệt tới thời Tượng-pháp), con người tự quên mình, luôn luôn tự khinh mình, ai bảo mình có khả năng làm Phật (trở thành sáng suốt) thời không tin lại nhạo báng, cho nên phải sa vào chỗ tối tăm (không gặp Phật), nghe chân-lý không được (chẳng nghe Pháp) và sống trái với cái Hoà của vũ-trụ (chẳng gặp Tăng). Do đây mà phải chịu khổ não.

Ngày nào thức tỉnh (hết tội), không còn tự khinh mình nữa (được Bồ-tát Thường Bất-Khinh giáo hoá) thì sẽ đi về nẻo Vô-thượng-giác.

Phải luôn luôn đừng khinh mình (Thường-Bất-Khinh). Mỗi chúng ta phải là một Bồ-tát Thường-Bất-Khinh đối với chúng ta, ngày đêm phải tự nhắc: “Ngươi sẽ thành Phật”.

[1] Tăng-thượng-mạn: Ngạo nghễ, tu chưa đắc quả mà tư cho là đã đắc.

[2] Thường-Bất-Khinh: Luôn luôn không khinh dễ

[3] Thần-thông, tài biện luận và đức thiện, khi tu tập đến mức rộng lớn thời trở thành những sức mạnh tinh thần, vì vậy gọi là sức (lực).

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57132)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.