GIỚI LUẬT
LÀ YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
Thích Nữ Như Luật
LÀ YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
Thích Nữ Như Luật
KẾT LUẬN
Con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn là Giới-Định-Tuệ. Trong đó Giới luật là bước đi đầu tiên căn bản, là thềm thang hướng đến Niết bàn an lạc, là kim chỉ nam trong đờisống của người xuất gia. Chính vì thế mà Giới luật được xem là nơi nương tựa an ổn nhất cho người xuất gia. Giới luật chính là vị đạo sư cao cả của chúng ta. Điều này đã được đức Phật dạy trong kinh Di giáo như sau: “Nhữ đẳng Tỳ kheo, ư ngã diệât hậu đương tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa như ám ngộ minh, bần nhân đắc bảo. Đương tri thị tắc nhữ đẳng đại sư, nhược ngã trụ thế vô dị thử dã”, có nghĩa là: Này các Tỳ kheo sau khi ta diệât độ các ông phải lấy giới luật làm thầy cũng như người đi trong đêm tối gặp đèn sáng, người nghèo được của báu. Phải biết giới luật là thầy của các ông, dù Ta có trụ ở đời cũng chẳng khác gì pháp này vậy.[10, 328]. Như vậy, người xuất gia thì điều cần thiết nhất là phải nghiêm trì tịnh giới. Nỗ lực tinh tấn không ngừng trau dồi giới đức, vì Giới là cội gốc Bồ đề, là nền tảng Niết bàn, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là phao nổi để đưa người qua biển khổ sanh tử và cuối cùng là kho tàng công đức. Cũng như bất cứ bao giờ và ở đâu, nếu giới còn được tôn trọng và hành trì nghiêm túc thì chánh pháp mới được trường tồn mãi mãi. Một khi đã nhận thức rõ điều này thì hàng xuất gia phải có nhiệm vụ bảo tồn chánh pháp tự mình tinh nghiêm giới luật, lấy giới làm mạch sống tu hành. Mỗi chúng ta là một nhân tố tạo lập ngôi Tam bảo, quyết định sự tồn tại của đạo pháp. Bởi nhờ có giới luật mà hàng tu sĩ chúng ta được cơ duyên vun bồi phước đức, tâm thức hành nghi, un đúc đạo đức thâm sâu, tâm hành thuần thục, cung cách oai nghi tỏ rạng khiến cho mọi ngườikhởi tâm kính mộ và từ đó đem lại sự hưng thịnh cho Phật pháp, lợi lạc nhơn quần xã hội. Qua đó chúng ta có thể khẳng định rằng “Giới luật là yếu tố cơ bản đối với người xuất gia”. Như cổ đức đã từng tán dương:
“Ôi! Biển Phật pháp rất là mát mẽ
Giới Thi-la là cái thềm bờ
Thánh phàm tắm gội không nhơ
Cõi lòng thanh tịnh là bờ giác kia”
Đồng thời, muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài và truyền bá được rộng rãi thì các sứ giả Như lai phải biết tùy theo căn cơ thời đại và hoàn cảnh mà áp dụng giới luật một cách uyển chuyển, linh động miễn sao không hại đến mục đích giải thoát, nhất làụ trong tình trạng đạo đức nhân phẩm đang bị xem thường như hiện nay. Chính là lúc tất cả mọi người đang cần đến những phương thuốc tinh thần (giới luật) để cứu chữa căn bệnh suy thoái đạo đức. Do vậy vấn đề cho người thực hiện nếp sống của đạo là cần phải thể nhập bằng cách nào, trong khi xã hội đang trên đà phát triển dân trí ngày càng cao, càng rộng. Hơn nữa, nếu xã hội thặng dư những điều kiện này thì sẽ đưa đến thái độ khó chấp nhận của con người đối với thực trạng, định luật của kiếp người. Nếu chúng ta không có một phương hướng đào luyện kiến thức và không có sự cố gắng phát triển sinh lực của đạo một cách chân chánh, thì làm sao có thể đạt đến mục đích của người xuất gia.
Như vậy, hành trì giới luật trong thời đại ngày nay cần phải uyển chuyển theo xã hội nhưng điều cốt yếu là phải lấy giới luật làm nền tảng căn bản cho tự thân. Như Ngũ Phần luật quyển 22 Phật dạy: “Tuy điều giới Ta chế nhưng phương khác chẳng cho là thanh tịnh đều chẳng nên dùng. Tuy chẳng phải điều Ta chế nhưng phương khác cần phải làm thì chẳng được chẳng làm”. [4, 50]