07 Phá Tam Tướng – Phẩm 7

03/07/201012:00 SA(Xem: 12921)
07 Phá Tam Tướng – Phẩm 7

TRUNG QUÁN LUẬN 13 PHẨM
Bồ Tát Long Thọ - Cưu Ma La Thập Hán dịch
Chân Hiền Tâm Việt dịch & Giải thích
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh 2007

Phá TAM TƯỚNG

Giải thích đề tựa

TAM TƯỚNG là 3 tướng sanh – trụ - diệt. Bất kỳ một pháp hữu vi nào cũng có 2 hoặc 3 tướng này, nên lấy 3 tướng này làm đại diện cho pháp hữu vi. Tức, khi nói đến pháp hữu vi thì pháp ấy phải có đủ 3 tướng sanh - trụ - diệt. Người xưa định nghĩa 3 tướng như sau :

SANH : Trước không nay có, khi vừa mới có gọi là sanh. Với định nghĩa như vậy thì ý nghĩa của SANH rất rộng. Không phải chỉ có mẹ sanh con mới gọi là SANH mà bất cứ một pháp nào dù là một ý tưởng, một ngọn đèn v.v… cũng gọi là SANH nếu nó tuân theo qui luật “Trước không nay có, khi vừa mới có gọi là sanh”.

TRỤ : Sau khi có, pháp tồn tại một thời gian. Tướng tồn tại này của pháp gọi là trụ.

DIỆT : Trước có nay không, khi vừa không gọi là diệt.

Người đời cho pháp hữu vi là thực, vì thấy nó sanh ra, tồn tại rồi hoại diệt. Chính vì thấy có sanh, có trụ, có diệt mà ai cũng cho rằng pháp là CÓ. Phá, để hiển bày thực tướng của 3 tướng, để thấy pháp hữu vi chỉ là pháp hư huyễn không thực như ta vẫn lầm. Không lầm thì không chấp thủ. Không chấp thủ thì không khổ đau. 

LUẬN GIẢI TOÀN PHẨM 

Phá cả 3 tướng, nhưng phá tướng SANH trước.

1. Phá tướng sanh

若生是有為 Nếu sanh là hữu vi
則 應有三相 Ắt phải có ba tướng
若 生是無為 Nếu sanh là vô vi
何 名有為相 Sao gọi tướng hữu vi? (1)

Đầu tiên lý luận để thấy SANH là pháp hữu vi.

Lập luận đơn giản nhưng chặt chẽ : Nó là pháp hữu vi, vì nó không thể là pháp vô vi.

Vì SANH là pháp hữu vi nên SANH cũng có 3 tướng sanh - trụ - diệt. Ngay đây có 2 việc để nói.

三相若聚散 Ba tướng nếu tụ tán
不 能有所相 Không thể có sở tướng

云何於一處 Làm sao ở một chỗ
一 時有三相 Một thời có ba tướng (2)

TƯỚNG là chỉ cho những phần riêng lẻ của một pháp. Như nhà thì cột, kèo, mái v.v… là tướng của nhà. Nhờ những phần riêng lẻ này ta có tổng trạng của cái nhà. Tổng trạng đó gọi là SỞ TƯỚNG. Nhờ SỞ TƯỚNG ta biết được pháp. TƯỚNG và SỞ TƯỚNG không bao giờ tồn tại lìa nhau. 

Trong trường hợp của SANH : SANH là pháp hữu vi nên 3 tướng sanh - trụ - diệt là tướng của SANH. Nếu 3 tướng này có, tức có tự tánh, thì sở tướng của SANH không có. Vì sao? Vì sanh - trụ - diệt là 3 tướng trái nhau. Nếu SANH có tự tánh thì SANH sẽ thường hằng không diệt, tức không có tướng DIỆT. Nếu có DIỆT thì không có TRỤ và SANH. Thành SANH không bao giờ có đủ 3 tướng - tức sở tướng - để nhận biết nó là pháp hữu vi. Đây là điều bất hợp lý thứ nhất khi cho pháp SANH có tự tánh

若謂生住滅 Nếu nói sanh trụ diệt
更 有有為相 Lại có tướng hữu vi
是 即為無窮 Ấy tức là vô cùng
無 即非有為 Không, tức không hữu vi (3)

Điều bất hợp lý thứ hai khi cho SANH có tự tánh : SANH là pháp hữu vi nên có 3 tướng là sanh - trụ - diệt. Tướng SANH của pháp SANH này cũng là pháp hữu vi nên cũng có 3 tướng sanh - trụ - diệt … Cứ vậy mà nối tiếp vô cùng vô tận không dứt, nên nói VÔ CÙNG. Đây là điều trái với qui luật hiện tướngthế gian.

“Không, tức không hữu vi” là, nếu không như vậy thì SANH không phải là pháp hữu vi. Không phải hữu vi thì không thể đại diện cho pháp hữu vi.

Có thể hiểu tiến trình của VÔ CÙNG này như sau :

Nói pháp hữu vi có 3 tướng sanh - trụ - diệt thì khi pháp hữu vi ấy xuất hiện, tức tướng SANH của nó hiện hành. Pháp hữu vi tồn tại một thời gian, tức tướng TRỤ của nó hiện hành. Pháp hữu vi hoại diệt, tức tướng DIỆT của nó hiện hành. Vì tướng SANH của pháp hữu vi ấy là một pháp hữu vi nên khi tướng SANH ấy xuất hiện, thì tướng SANH của tướng SANH ấy - gọi là SANH SANH - hiện hành. Vì SANH SANHpháp hữu vi, nên khi SANH SANH xuất hiện, thì tướng SANH của SANH SANH - gọi là SANH SANH SANH - cũng hiện hành … Cứ vậy mà tiếp tục liên tu bất tận. Với TRỤ và DIỆT cũng vậy. 

Để cứu chữa cho vấn đề này, ngoại nhân đưa ra thuyết Cộng sanh.

生生之所生 Sanh sanh là sở sanh
生 於彼本生 Sanh ra bổn sanh kia
本 生之所生 Bổn sanh là sở sanh
還 生於生生 Sanh trở lại sanh sanh (4)

Nội dung của thuyết Cộng sanh : Khi một pháp được sanh, thì có 7 pháp cùng sanh là pháp, sanh, trụ, diệt, sanh sanh, trụ trụ, diệt diệt. Trừ tự thể, BỔN SANH có khả năng sanh ra 6 pháp còn lại. SANH SANH sanh trở lại BỔN SANH, BỔN SANH sanh trở lại SANH SANH

Đây có từ BỔN SANH. BỔN SANH là âm Hán. BỔN là ban đầu, gốc. BỔN SANH là chỉ cho cái sanh đầu tiên, cái sanh gốc. SANH SANH là tướng của BỔN SANH. Còn SỞ SANH là chỉ cho cái được sanh ra. 

Có thể hiểu vấn đề ấy như sau :

Theo Luận chủ : SANH không có tự thể vì hình thành từ nhân duyên. Do thấy pháp xuất hiện mà gọi là SANH. Tức SANH tuy có danh có tướng mà không có thực thể. Có thể kết luận như vậy vì hết thảy pháp đều là pháp duyên khởi - không tánh, chỉ do tự tâm bất giác vọng hiện, không có tánh sanh. Nói ở mặt Nhân duyên, sự XUẤT HIỆN của pháp là nhân, SANH là quả. Hình thành theo qui luật Nhân quả nên tánh của chúng là không. Phẩm “Phá Nhân Duyên” đã hiển rõ điều này.

Theo ngoại nhân : SANH là một pháp có tự thể. Nhờ có SANH - tức BỔN SANH - tác động vào tự thể của pháp A, mới có sự xuất hiện của pháp A. Đó là lúc BỔN SANH hiện tướng mà ta gọi là SANH. Tức BỔN SANH và SANH không khác, nhưng dùng BỔN SANH là để biện giải cho vấn đề SANH có chỗ lập cước, là pháp có tự tánh, không phải là pháp duyên khởi - không tánh.

Vì là pháp hữu vi nên SANH này xuất hiện là do tướng sanh của nó - gọi là SANH SANH - hiện hành. Tức ngay khi có SANH là có SANH SANH. Đối với trụ và diệt cũng vậy. Ngay khi có trụ là có trụ trụ, ngay khi có diệt là có diệt diệt. Trụ trụ là tướng của trụ. Diệt diệt là tướng của diệt. Do “ngay khi cái này xuất hiện, có ngay cái kia xuất hiện” nên tiến trình trên xảy ra gần như đồng thời. Nói vậy để ta tạm hình dung ý nghĩa của mệnh đề “BỔN SANH hay sanh 6 pháp còn lại”. Còn chữ TỰ THỂ được nói ở thuyết Cộng sanh chính là chỉ cho tự thể của pháp. Vì SANH không thể sanh ra pháp mà chỉ có thể tác động vào tự thể của pháp làm pháp xuất hiện, nên nói TRỪ TỰ THỂ RA.

Theo lý giải trên, nếu đúng với tiến trình đó thì rõ ràng không phải chỉ có 7 pháp chung sanh mà có vô cùng vô tận pháp chung sanh. Vì thế, để giải quyết cái vô cùng vô tận này, thuyết Cộng Sanh còn một vế quan trọng : “SANH SANH là sở sanh, sanh ra BỔN SANH kia. BỔN SANH là sở sanh, sanh trở lại SANH SANH”. 

Với cách lập luận sau, ta sẽ hiểu được do đâu ngoại nhân đã lý giải như vậy : Khi SANH xuất hiện thì tướng của SANH - là SANH SANH - xuất hiện. Tức SANH là pháp sanh ra SANH SANH, nên nói SANH SANH LÀ SỞ SANH.[18] Vì SANH SANH là tướng sanh của SANH, nên tướng này phải xuất hiện thì SANH mới hiện hành, tức SANH SANH là pháp sanh ra SANH, nên nói SANH RA BỔN SANH KIA. Lúc này, SANH trở thành SỞ SANH, còn SANH SANH là năng sanh, nên nói BỔN SANH LÀ SỞ SANH. SỞ SANH này xuất hiện, tướng SANH SANH của nó liền hiện hình, nên nói SANH TRỞ LẠI SANH SANH. Vin vào quá trình đó mà kết luận : Không phải chỉ có SANH SANH là tướng của SANH, mà SANH cũng chính là tướng của SANH SANH. Cứ sanh qua sanh lại như thế nên không cần phải có một cái SANH SANH SANH thứ ba làm tướng của pháp để sanh khởi thêm tướng thứ tư, thứ năm v.v… mà vướng lỗi vô cùng

Phần diễn giải về thuyết Cộng sanh này là dựa vào định nghĩa của thuyết - được trích từ Thập Nhị Môn Luận - mà luận ra, để tạm hiểu sơ về chỗ chấp, từ đó thấy được chỗ phá của Luận chủ. Vì thế, nó không mang tính đầy đủ và hoàn chỉnh. Xét cho cùng, bản thân của thuyết cũng chưa phải là cái lý rốt ráo xuyên suốt tất cả mọi hiện tượng và sự vật trên thế gian, nên ngay bản thân thuyết cũng không có tính hoàn chỉnh. Vì không hoàn chỉnh, mới phá và phá được. 

Cái thấy của thuyết Cộng sanh là cái thấy khá tinh tế : Thấy được mặt duyên khởi của vạn pháp nhưng lại chấp có tánh duyên khởi.[19] Nghĩa là, dù thấy các pháp duyên khởi không có trước sau - như thấy 7 tướng trên cùng khởi - nhưng chưa thấu được cội nguồn nhất tâm của muôn pháp, nên chấp các pháp có tự tánh của riêng nó. Vì chấp các pháp có tự tánhchân lý, nên Duyên khởi thành có tánh. Song Duyên khởi mà có tánh thì luận Trung Quán không xuất hiện, trong luận cũng không có phẩm Phá Nhân Duyên

Đó là ý nghĩa giữa 2 cách lập luận, trên cùng một vấn đề, bắt nguồn từ 2 quan điểm khác nhau : Một, thấy pháp như huyễn. Một, thấy pháp là thực. 

Các phân đoạn sau, Luận chủ chỉ ra sự nghịch lý trong cách lập luận của ngoại nhân.

若謂是生生 Nếu nói sanh sanh ấy
能 生於本生 Sanh ra bổn sanh kia
生 生從本生 Sanh sanh từ bổn sanh
何 能生本生 Sao lại sanh bổn sanh? (5)
若 謂是本生 Nếu nói bổn sanh ấy 
能 生於生生 Sanh ra sanh sanh kia
本 生從彼生 Bổn sanh từ sanh kia
何 能生生生 Sao lại sanh sanh sanh? (6)

Nói SANH SANH sanh ra BỔN SANH là có vấn đề. Vấn đề ở chỗ : SANH SANH từ BỔN SANH mà có, tức BỔN SANH có rồi, vậy khi SANH SANH sanh là sanh cái gì chứ sao lại sanh BỔN SANH? Nếu SANH SANH sanh BỔN SANH vậy có hai BỔN SANH? Trường hợp BỔN SANH sanh ra SANH SANH cũng vậy.

Ngoại nhân không đồng ý với cách lập luận như vậy. Vì cách lập luận trên cho thấy BỔN SANH và SANH SANH sanh theo kiểu thứ lớp. Trong khi thuyết Cộng sanh là thuyết đưa ra 7 pháp chung sanh. Với cách lập luận “Ngay khi A xuất hiện thì tướng của A xuất hiện” đã nói lên tính cách đồng thời này. Vì vậy, sự phản bác của ngoại nhân hoàn toàn hợp lý. Phần này không có trong bài, chỉ hiểu ngầm qua cách trả lời của Luận chủ ở (P.7) và (P.8) sau.

若生生生時 Nếu sanh sanh khi sanh
能 生於本生 Có thể sanh bổn sanh
生 生尚未有 Sanh sanh còn chưa có 
何 能生本生 Sao lại sanh bổn sanh? (7)
若 本生生時 Nếu bổn sanh khi sanh
能 生於生生 Có thể sanh sanh sanh
本 生尚未有 Bổn sanh còn chưa có
何 能生生生 Sao lại sanh sanh sanh? (8) 

Khi SANH SANH sanh, lại vừa sanh BỔN SANH, thì khi SANH SANH đang sanh đó là từ cái gì mà ra? Rõ ràng không thể từ BỔN SANH, vì SANH SANH khi sanh mới sanh BỔN SANH. Với BỔN SANH, cũng tương tự.

Để biện cho vấn đề này, ngoại nhân đưa ra dụ đèn chiếu để thấy SANH tự sanh và đồng thời sanh cái khác. 

如燈能自照 Như ngọn đèn tự chiếu 
亦 能照於彼 Cũng hay chiếu cái khác
生 法亦如是 Pháp sanh cũng như vậy
自 生亦生彼 Tự sanh cũng sanh kia (9)

BỔN SANH khi sanh, đồng thời sanh SANH SANH. SANH SANH khi sanh, đồng thời sanh BỔN SANH. Giống như cái chiếu tự chiếu, cũng đồng chiếu cái khác. CHIẾU là chiếu sáng, soi sáng

Luận chủ chỉ ra chỗ lầm của ngoại nhân như sau :

燈中自無闇 Nơi đèn tự không tối
住 處亦無闇 Trụ xứ cũng không tối
破 闇乃名照 Phá tối mới gọi chiếu
無 闇則無照 Không tối ắt không chiếu (10)
云 何燈生時 Làm sao đèn khi sanh
而 能破於闇 Mà hay phá được tối
此 燈初生時 Đèn ấy khi mới sanh
不 能及於闇 Chẳng thể đến gặp tối (11)
燈 若未及闇 Đèn, nếu chưa đến tối


而 能破闇者 Mà phá được cái tối
燈 在於此間 Thì đèn ở chỗ này
則 破一切闇 Ắt phá tất cả tối (12)
若 燈能自照 Nếu đèn hay tự chiếu
亦 能照於彼 Cũng hay chiếu cái khác
闇 亦應自闇 Tối cũng hay tự tối
亦 能闇於彼 Cũng che tối cái khác (13)

CHIẾU chỉ là một pháp do đối đãi với TỐI mà có. Nhờ có TỐI mà ánh sáng ngọn đèn làm hiển mọi vật nên gọi là CHIẾU. Không có TỐI thì không có CHIẾU. Điều này có thể kiểm nghiệm khi đặt ngọn đèn ngoài trời nắng gắt

Nhờ có TỐI mới có CHIẾU thì TỐI là nhân, CHIẾU là quả. Nó là pháp nhân duyên không phải pháp có tự tánh, mà nói là CHIẾU tự chiếu. Nếu là pháp nhân duyên mà CHIẾU tự chiếu được, thì TỐI cũng có thể tự che tối được (P.10) và (P.13). Điều này không đúng. Đây là phá cái TỰ chiếu.

Gọi là CHIẾU khi có ánh sáng của ngọn đèn. Vì vậy khi nói đến chiếu thì đèn đã xuất hiện. Đèn xuất hiện thì trụ xứ của nó không bao giờ tối để nói là chiếu. Nên biết, khi tự chiếu không có việc đồng thời chiếu cái khác. Với cái nhìn hiện tại, điều này đã được khoa học chứng minh : Ánh sáng là một thứ có vận tốc (300.000km/s). Vậy thì, chỗ nào ở xa, ánh sáng đến sau, chỗ nào quá mức không cho phép thì ánh sáng không đến được. Chỉ vì vận tốc ánh sáng quá lớn, mắt thường không đủ độ tinh tế để thấy nên tưởng là cùng lúc. Trong bài, Luận chủ lập luận rất đơn giản bằng phương pháp phản chứng để biện cho vấn đề ấy như sau “Đèn nếu chưa đến tối, mà phá được cái tối, thì đèn ở chỗ này, ắt phá tất cả tối”. Nghĩa là, nếu đèn tại chỗ này, không phá được mọi tối, tức đèn chưa đến tối, nên không thể phá tối. CHƯA ĐẾN, tức đã có thứ lớp trước sau không phải đồng thời, nên nói “Tự sanh cũng sanh kia” là không đúng. Đây là phá cái đồng thời sanh.

Đưa ra một luận cứ để biện cho vấn đề TỰ và ĐỒNG, mà TỰ và ĐỒNG đều bị phá thì luận cứ ấy không còn giá trị

Các phân đoạn sau là phá tiếp vào tướng SANH, TRỤ và DIỆT. Hiển bày thực tướng của chúng. 

此生若未生 Nếu sanh ấy chưa sanh 
云 何能自生 Làm sao hay tự sanh
若 生已自生 Nếu sanh đã tự sanh
生 已何用生 Đã sanh sao dùng sanh? (14)

Nếu đã có pháp sanh, tức SANH đã sanh thì cần đến sanh làm gì? Như vậy, SANH chưa có, mới nói đến sanh. Nhưng nếu SANH chưa có, thì làm sao tự sanh? Như mẹ sanh con. Mẹ tự sanh tức không cần đến nhân duyên mẹ vẫn sanh được. Nhưng cũng phải có mẹ rồi mới nói đến việc tự sanh. Ở đây, muốn sanh tự sanh, thì cũng phải có sanh trước rồi mới tự sanh. Nhưng nếu có sanh trước rồi, thì cần sanh làm gì? Trong cả hai trường hợp sanh đã có, sanh chưa có, đều không có sanh.

Đã sanh, chưa sanh đều không tự sanh, nhưng đang sanh thì có tự sanh?

生非生已生 Đã sanh, sanh không sanh
亦 非未生生 Cũng không chưa sanh sanh
生 時亦不生 Đang sanh, cũng không sanh 
去 來中已答 Trong Đến Đi đã đáp (15)

ĐANG SANH là chỉ cho sự kiện sanh ở thời hiện tại. ĐANG SANH là nhơn nơi SỰ KIỆN SANH mà lập. Nó là pháp duyên hợp, không phải là pháp có tự tánh nên ngay khi sanh đó không có tự sanh. Đã luận tương tự ở phẩm Phá Đi Và Đến, nên nói “Trong Đến Đi đã đáp”.

Đó là biện ngay trên tướng SANH. Sau là biện ngay nơi pháp, để thấy không CÓ sanh. 

Hỏi : Khi duyên hợp ra pháp mới, lúc ấy có sanh? 

若謂生時生 Nếu nói sanh khi sanh 
是 事已不成 Sự ấy đã bất thành
云 何眾緣合 Làm sao chúng duyên hợp
爾 時而得生 Khi ấy mà có sanh? (16)
若 法眾緣生 Nếu pháp do duyên sanh
即 是寂滅性 Tức là tánh tịch diệt
是 故生生時 Thế nên sanh đang sanh
是 二俱寂滅 Cả hai đều tịch diệt (17) 

Ngay khi ĐANG SANH đã không có sanh, làm sao nói chúng duyên hợp mà có sanh? Ở phẩm Phá Nhân Duyên, trong cả 3 trường hợp : Có quả, không quả, vừa có vừa không quả, đều không tìm thấy tướng sanh, nên dù duyên hợp cũng không có sanh.

Pháp do duyên sanh thì tánh nó là KHÔNG. Tịch diệt là chỉ cho cái KHÔNG không thuộc phạm trù CÓ – KHÔNG đó. Tánh của hết thảy pháp đều như vậy, nên nói “Thế nên sanh đang sanh, cả hai đều tịch diệt”.

Hỏi : Đối với pháp chưa xuất hiện, khi pháp xuất hiện vẫn cần một sự sanh để pháp được sanh? 

若有未生法 Nếu có pháp chưa sanh
說 言有生者 Để nói rằng có sanh
此 法先已有 Pháp ấy trước đã có
更 復何用生 Sao lại cần dùng sanh? (18)

Nếu vạn pháp, trong đó có sanh, có tự tánh thì pháp thường trụ. Thường trụ, thì pháp mà mình thấy chưa sanh rồi sanh đó, thật ra đã có sẵn. Có sẵn thì không cần đến sanh, nó vẫn có. Nên nói “Pháp ấy trước đã có, sao lại cần dùng sanh”. 

Hỏi : Nhưng muốn xuất hiện vẫn cần đến pháp SANH tác động vào tự thể của pháp để pháp xuất hiện?

若言生時生 Nếu nói sanh khi sanh
是 能有所生 Sanh ấy có sở sanh
何 得更有生 Sao lại thêm có sanh
而 能生是生 Mà hay sanh sanh ấy? (19)

Theo Luận chủ, pháp xuất hiện gọi là sanh. Sự xuất hiện là nhân, sanh là quả. Hình thành theo quan hệ nhân quả nên chúng không tánh

Do bảo tồn việc pháp có tánh, ngoại nhân luận ngược lại : Nhờ pháp SANH tác động, mới có sự XUẤT HIỆN. Sự xuất hiện là pháp được sanh khi có pháp SANH, nên nói SANH ẤY CÓ SỞ SANH. 

Nếu nhơn sự xuất hiện mà gọi là SANH, thì không có gì để bàn cãi về SANH nữa. Nhưng vì dựng lập một cái SANH có sở sanh, nên có một cái SANH cần phải rõ về nguồn gốc của nó. Vì vậy nói “Sao lại thêm có sanh mà hay sanh sanh ấy?”. Việc dựng lập này khiến nảy sinh vấn đề mâu thuẫn sau :

若謂更有生 Nếu nói là có sanh
生 生則無窮 Sanh sanh ắt vô cùng
離 生生有生 Lìa sanh sanh có sanh
法 皆能自生 Pháp thảy đều tự sanh (20)

SANH ấy tự sanh hay từ một SANH khác sanh ra?

-Nếu SANH tự sanh, thì vạn pháp đều tự sanh.

-Nếu SANH từ một SANH khác sanh ra thì cái SANH khác đó lại từ một cái SANH khác nữa sanh ra v.v… lại vướng lỗi vô cùng

Nên biết, không hề tồn tại một tánh sanh nào để pháp xuất hiện

有法不應生 Có pháp chẳng nên sanh
無 亦不應生 Không cũng chẳng nên sanh
有 無亦不生 Có không cũng chẳng sanh
此 義先已說 Nghĩa này trước đã nói (21)

Đây là phá tướng sanh trong cả 3 trường hợp : Pháp có, pháp không, pháp vừa có vừa không. Cả 3 đều không tìm thấy có tướng sanh.

若諸法滅時 Nếu các pháp khi diệt
是 時不應生 Khi ấy chẳng nên sanh 

法若不滅者 Pháp nếu chẳng có diệt
終 無有是事 Không có trường hợp này (22)

Đây là cái phá cuối cùng về tướng sanh. Nếu tướng sanh có thực thể, thì SANH sẽ thường trụ, tức tướng của pháp không bao giờ diệt. Nhưng thực tế, pháp nào có sanh là có diệt. Nên biết tướng sanh không thường trụ, tức không có tự tánh.

Theo luận Đại Trí Độ, đây là phần nói về vô sắc pháp, là nói về các niệm sanh diệt trong tâm. Nếu SANH thực có, thì không bao giờ có DIỆT để có niệm niệm sanh diệt liên tục.

Kết luận : Trong tất cả thời, tất cả mọi trường hợp của pháp đều không tìm thấy tướng sanh, tức SANH không có. KHÔNG CÓ, là tướng của nó “Chẳng có cũng chẳng không”. 

2. Phá tướng trụ

不住法不住 Pháp không trụ chẳng trụ
住 法亦不住 Pháp trụ cũng chẳng trụ
住 時亦不住 Khi trụ cũng chẳng trụ
無 生云何住 Vô sanh làm sao trụ (23)

Đây là lý do đơn giản nhất để thấy pháp không có tướng trụ. Đồng thời nêu bày mặt duyên khởi giữa SANH và TRỤ.

若諸法滅時 Nếu khi các pháp diệt
是 則不應住 Thì ắt không nên trụ
法 若不滅者 Pháp nếu như không diệt
終 無有是事 Thì không có việc này (24)

Đây là lý do thứ hai để biết pháp không tướng trụ. TRỤ có tự tánh thì thường trụ. Ngay khi các pháp diệt thì không tướng trụ. Nhưng vạn phápthế gian đều có tướng diệt, chứng tỏ TRỤ không thường trụ, tức TRỤ không có tự tánh

所有一切法 Tất cả pháp có đây
皆 是老死相 Đều là tướng già chết
終 不見有法 Không hề thấy có pháp
離 老死有住 Lìa lão tử có trụ (25)

Trên thực tế, cái mà gọi là tướng trụ của pháp là một dòng chuyển biến liên tục từ tướng trạng này sang tướng trạng khác. Để có tướng mới, tướng cũ phải mất, nên nói “Không hề thấy có pháp, lìa lão tử có trụ”. 

住不自相住 Trụ không tự tướng trụ
亦 不異相住 Cũng không khác tướng trụ
如 生不自生 Như sanh không tự sanh
亦 不異相生 Cũng không khác tướng sanh(26)

“Trụ không tự tướng trụ, cũng không khác tướng trụ” là trụ không tự nó có tướng để trụ, cũng không khác tướng mà trụ. Nếu TRỤ có tự tướng để nói là trụ, thì tướng trụ này phải thường. Thường thì các pháp chỉ có một tướng duy nhất là tướng trụ. Điều này không đúng với thực tế, nên nói không tự tướng mà trụ.

Không tự nhưng không khác. Nếu khác tướng mà trụ, tức rơi vào trường hợp tha sanh nói trên. Song trụ có, là nương vào tướng sanh và tướng diệt, mà nói là trụ. Nên nói, cũng không khác tướng mà trụ. 

3. Phá tướng diệt

法已滅不滅 Pháp đã diệt không diệt
未 滅亦不滅 Chưa diệt cũng không diệt
滅 時亦不滅 Đang diệt cũng không diệt
無 生何有滅 Vô sanh làm sao diệt? (27)

Đây là lập luận đơn giản nhất để thấy trong cả 3 thời đều không tìm thấy CÓ diệt. Qua đó, hiển bày mối quan hệ nhân duyên giữa SANH và DIỆT.

法若有住者 Nếu pháp mà có trụ
是 則不應滅 Thì ắt không nên diệt
法 若不住者 Pháp nếu không có trụ
是 亦不應滅 Thì cũng không nên diệt (28)
是 法於是時 Pháp ấy ở thời ấy
不 於是時滅 Không ở thời ấy diệt
是 法於異時 Pháp ấy ở thời khác
不 於異時滅 Không ở thời khác diệt (29)

Tướng trụ của pháp mà có - tức có tự tánh - thì phải thường hằng, nên không có diệt.
Tướng trụ của pháp không có - tức không có pháp - thì cũng không có diệt. 

如一切諸法 Như tất cả các pháp
生 相不可得 Tướng sanh không thể được
以 無生相故 Vì không có tướng sanh
即 亦無滅相 Nên không có tướng diệt (30)

Hiển bày mặt Duyên khởi giữa SANH và DIỆT của một pháp. Tướng sanh đã bị phá thì tướng diệt cũng không còn.

若法是有者 Nếu pháp mà là có
是 即無有滅 Thì ắt không có diệt
不 應於一法 Chẳng nên trong một pháp 
而 有有無相 Mà có tướng có không (31)
若 法是無者 Nếu pháp mà là không
是 即無有滅 Thì cũng không có diệt
譬 如第二頭 Ví như đầu thứ hai
無 故不可斷 Không, nên không thể đoạn (32)

Khi quyết định pháp là CÓ hay KHÔNG đều không tìm thấy tướng diệt : Nếu pháp là CÓ, tức có tự tánh, thì pháp không bao giờ hoại, tức không có tướng diệt. Nếu pháp là KHÔNG, không rồi thì lấy gì hoại diệt?

“Chẳng nên trong một pháp, mà có tướng có không” là chỉ cho SANH và DIỆT cùng một thời.

VÍ NHƯ ĐẦU … : Đã không rồi, thì còn không gì nữa.

法不自相滅 Pháp không tự tướng diệt
他 相亦不滅 Tha tướng cũng không diệt
如 自相不生 Như tự tướng không sanh
他 相亦不生 Tha tướng cũng không sanh (33)

Nếu DIỆT là tự tướng - tức DIỆT có tánh - thì pháp không có tướng sanh. Tự tướng đã không thì tha tướng cũng không. Đã nói ở phẩm Phá Nhân Duyên.

4. Kết luận về 3 tướng

生住滅不成 Sanh trụ diệt không thành
故 無有有為 Nên không pháp hữu vi
有 為法無故 Vì không pháp hữu vi
何 得有無為 Làm sao có vô vi? (34)
如 幻亦如夢 Như huyễn cũng như mộng
如 乾闥婆城 Như thành Càn Thát Bà
所 說生住滅 Sanh trụ diệt được nói
其 相亦如是 Tướng của chúng cũng vậy (35)

3 tướng đều bị phá, nên nói KHÔNG THÀNH.

NHƯ HUYỄN : Các pháp tuy không thực nhưng sắc có thể thấy, tiếng có thể nghe.

NHƯ THÀNH CÀN THÁT BÀ : Khi mặt trời mới mọc, thấy có cửa thành, lầu gác, có người ra vào v.v… các thứ ấy có thể thấy mà không có thực. Là những loại ảo giác như ảo giác gặp ở sa mạc. 
Tướng của sanh - trụ - diệt đều như vậy. 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/06/2014(Xem: 38291)
03/09/2014(Xem: 25870)
24/11/2016(Xem: 15475)
29/05/2016(Xem: 7680)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.