Chương 9. Tăng-già Với Xã Hội

06/09/201012:00 SA(Xem: 23381)
Chương 9. Tăng-già Với Xã Hội

TĂNG GIÀ THỜI ĐỨC PHẬT
Thích Chơn Thiện
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương chín

Tăng-già với xã hội

 

Sau bảy tuần an hưởng hạnh phúc Niết-bàn tĩnh mịch, đức Phật đã quyết định đem đạo cả truyền cho đời. Bên cội Bồ đề, đức Phật thuyết giảng cho hai thương gia Ballika và Trapusha. Về sau, Ballika đã tìm đến đức Phật để thọ đại giới, gia nhập Giáo đoàn và đắc A-la-hán. Trapusha thì trọn đời gữ cuộc sống hiền thiện của một cư sĩ tại gia. Sự việc này xác định ý nghĩa cơ bản của mối liên hệ của Tăng- già (của người thiết lập, lãnh đạo, đại diện tối caođức Phật) với xã hội: đem Chánh pháp đến với xã hội để kêu gọi người đến với Tăng-già, hoặc để mọi người theo đúng Chánh pháp mà sống an lạc. Đức Phật đã từ chối không nhập lại Niết-bàn ngay sau khi chứng đạotrở lại thế gian là do lòng đại từ bi muốn cứu vớt chúng sinh thoát khỏi luân hồi nghiệp chướng. Vậy sự liên hệ của Tăng-già với xã hội là do lòng từ bi ấy. Nhưng đối với một vị Tỳ-kheo thành viên của Tăng-già, ngoài lòng từ bi còn có nghĩa vụ của một con người thọ nhận Pháp từ bậc Đạo Sư mà đem truyền pháp ấy cho người khác theo nguyên lý thọ nhận và trao truyền, tức nguyên lý vận hành của Chánh pháp.

Hình ảnh của một Tỳ-kheo đi khất thực, nhận các thứ cúng dường, thuyết pháp cho mọi người; hình ảnh những con người bình thường cúng dường vị Tỳ-kheo, nghe vị ấy giảng pháp, khởi lòng tin mà sống theo pháp, rõ ràng đã làm nổi bật sự liên hệ giữa Tăng-già và xã hội về hai ý nghĩa vật chấttinh thần.

Tưởng cũng cần bàn qua về ý kiến của một số người chưa quen với Phật giáo, cho rằng khất thực là một hình thức phi lao động, lười biếng, rằng sự phi sản xuất của Tăng-già là một gánh nặng cho xã hội. Một quan điểm như vậy quả thực là thiếu biện chứng, không đứng đắn, hời hợt.

Trước hết, chúng ta phải xét đến hoàn cảnh sinh hoạt vật chấttinh thần của cái xã hội đang có sự khất thực của vị tu sĩhoàn cảnh cá nhân của vị ấy. Như đã biết, những đoàn Sa-môn, du sĩ khất thực đã xuất hiện tại Ấn độ từ lâu, trước thời đức Phật và sự việc này còn kéo dài mãi về sau cho đến cả bây giờ tại nhiều nơi trên thế giới. Các cư sĩ tại gia vẫn tiếp tục cúng dường cho các tu sĩ, điều ấy chứng tỏ rằng việc mong mỏi được nghe pháp, được cúng dường cho các bậc thầy là một yêu cầu thực tế của xã hội. Hàng ngày người ta vẫn thường nhịn bớt một số tiền, một ít giải trí để thỏa mãn những nhu cầu tinh thần như đọc sách, xem chiếu bóng, văn nghệ, thể thao... hoặc những nhu cầu khác ít thực tế hơn, ít lợi lạc hơn. Nhu cầu được nghe giảng dạy, khuyên bảo, được tỏ bày vị tha, lòng từ, sự kính mộ, nhất là nhu cầu được giải thoát, quả thực là cao quý và rất thực tế. Hơn nữa, nếu xã hội dành một khoản tài vật để cúng dường các tu sĩ để đáp lại một sự đáp ứng nhu cầu cao quý của tinh thần thì quả là một sự đền đáp "công bằng".

Mặt khác, Tăng già đến với xã hội, như đã nói, là do động cơ của lòng từ bi, nghĩa vụ thiêng liêng. Các vị đã bỏ tất cả tư hữu, chỉ sống nghèo nàn, trong sạch, tinh tấn tu hành "vì lợi ích chúng sanh", các vị không mong dư thừa, không biết đến lợi nhuận riêng tư. Hơn nữa, hãy xem trong Tăng-già thời đức Phật, rất nhiều Tỳ-kheo là vua chúa, vương tôn, quan chức, đại thương gia, đại phú hộ; các vị thừa phương tiện để có thể dùng tiền đã có để nuôi sống mình và nhiều Tỳ-kheo khác, nhưng các vị đã bỏ tất cả, đã thực hiện vô ngã để nhằm mục đích tối hậu: tự giải thoátgiải thoát chúng sinh. Đấy là một sự hy sinh cao quý, và đứng về mặt xã hội, cần phải có sự đền đáp xứng đáng.

Nói cho cùng, nếu một xã hội nghèo khổ đến độ không ai thực hiện được bố thí cúng dường, nếu việc cúng dường cho Tăng-già thực sự gây trở ngại cho các thí chủ thì khất thực có thể biến dạng hình thức, chỉ mang tính chất tượng trưng, và chính các tu sĩ phải tự sản xuất lấy, tự nuôi sống bằng lao động của mình như một số nơi, một vài thời đã có xuất hiện những tu viện xa xôi, tại đấy các tu sĩ tự trồng trọt, lượm hái mà lo cho bữa ăn hằng ngày của mình. Và trong trường hợp này, lòng kính mộ, tín thành, bố thí của người cư sĩ khó có dịp thể hiện hơn, yêu cầu tinh thần như đã nói trên khó được đáp ứng hơn.

Kinh Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy) có ghi lời Phật dạy: "Có ba hạng người xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho Trời và cho Người."

Đức Phật giải thích rằng ba hạng người ấy là Như Lai, các đệ tử A-la-hán của Ngài, và các vị Tỳ-kheo hữu học. Tóm lại, Tăng-già xuất hiện trong lòng xã hội là vì nhằm lợi ích cho đời.

Việc thuyết pháp tạo sự an ổn, hạnh phúc tâm linh cho con người trong xã hội là một ý nghĩa thù thắng, nhưng đồng thời Tăng-già cũng vạch ra cho xã hội một lối sống, một sinh hoạt cụ thể, có khi mang tính cách vật chất cho mọi người để giảm thiểu những trở ngại, những khổ đau trong xã hội.

Tăng-già đi vào lòng xã hội để truyền bá Chánh pháp. Xã hội còn lắm đau khổ, nghiệp chướng mê mờ, nên việc hoằng hóa bao gồm cả việc tạo dựng một xã hội tốt đẹp, gồm những con người đạo đức, với những giao tiếp thuận hiền giữa người và người, với nếp sống lành mạnh, an ổn về vật chấttinh thần.

Trước hết, Tăng-già chủ trương xây dựng một xã hội vững vàng về mặt đạo đức luân lý đúng theo tinh thần từ, bi, hỷ, xả, hòa bình, bất bạo động, không thù hận, không ghen ghét, không lừa đảo... Đấy là quan điểm đạo đức đã được nhân loại chấp nhận từ xưa đến nay nhưng đã không thực hiện đúng đắn vì tâm chưa được tụ tập, chưa được điều ngự.

Cá Tỳ-kheo đi đến từng nhà, từng đám đông để thuyết giảng giáo lý của đức Phật, nêu lên những bài học luân lý đạo đức có thể vốn đã rất phổ biến nhưng do cốt cách từ bi, hiền hòa, lời nói của các vị dễ đi vào trong lòng người, dễ gây sự tuân phục.

Nhưng trở ngại cơ bản cho đời sống của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ sự phân chia đẳng cấp, là tinh thần bạo động, là sự thể hiện nhưng sai trái của người lãnh đạo... Thực ra cũng là những trở ngại của bất cứ xã hội nào, ở mọi thời đại. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đã bày tỏ một quan điểm rõ ràng, đúng đắn về những sai lầm ấy.

Thành phần của Tăng-già gồm đủ mọi hạng người, mọi đẳng cấp chứng tỏ tinh thần bình đẳng, dung hòa của Phật giáo, khác hẳn mọi "kỳ thị" trong cuộc sống bấy giờ và khá phổ biến cho đến ngày nay qua sự phân biệt đẳng cấp, màu da, thành phần chức vụ, gia cảnh, dòng họ...

"Không phải do sinh ra mà thành Bà-la-môn,
Không phải do sinh ra mà thành tiên nhân.
Trở thành một tiện nhân là do hành vi của mình,
Trở thành một Bà-la-môn là do hành vi của mình". (Kinh Tập, 136)

Một thanh niên Bà-la-môn thông tuệ được các Bà-la-môn khác cử đến vấn nạn đức Phật về chủ trương bình đẳng của đức Phật. Bằng cách vặn hỏi, đức Phật đã đưa đến kết luận tất cả mọi đẳng cấp xã hội đều bình đẳng về mọi phương diện:

- "... Lại nữa, nếu một người là kẻ sát nhân, trộm cướp, ngoại tình, hoặc can phạm những trọng tội khác, thì khi chết đi, người ấy sẽ đọa sinh nếu như người ấy là Sát-đế-lợi, là Tỳ-xá-đa, là Thủ-đà-la (*); nhưng nếu người ấy là Bà-la-môn thì không bị như thế?

-" Bạch đức Cồ-đàm, không! Trong những trường hợp như thế, dù người ta thuộc đẳng cấp gì đi nữa, số phận dành cho mỗi người đều như nhau.

-" Còn nếu người ấy tránh được các trọng tội thì người ấy sẽ tái sinhcõi trời nếu như người ấy là một Bà-la-môn; chứ nếu người ấy thuộc đẳng cấy thấp hơn thì sẽ không được như thế?

-" Bạch đức Cồ-đàm, không! Dù thuộc đẳng cấp gì đi nữa thì trong những trường hợp như thế, mọi người đều hưởng thiện quả.

-" Và có phải một Bà-la-môn tuyên bố rằng họ có thể phát triển lòng từ ái, không sân hận, không ác độc, còn những người thuộc đẳng cấp khác thì không được như thế ?

-" Bạch đức Cồ-đàm, không! Cả bốn đẳng cấp đều có thể được như thế .

-" Có phải chỉ người Bà-la-môn mới có thể xuống sông mà tẩy rửa được những bụi bặm dơ bẩn còn những người thuộc các đẳng cấp khác thì không thể như thế được ?

-" Bạch đức Cồ-đàm, không! Cả bốn đẳng cấp đều làm được như thế.

- "Lại nữa, ví dụ một ông vua tập họp một số người gồm các đẳng cấp khác nhau và ra lệnh cho những người Bà-la-môn, Sát-đế-lợi nhóm lửa bằng gỗ sài, gỗ thông, sen hay trầm, và những người thuộc đẳng cấp khác cũng nhóm lửa bằng những thứ ấy. Ông nghĩ rằng điều gì sẽ xảy ra? Lửa do những người sinh ra với đẳng cấp cao sẽ cháy sáng, còn lửa do những người sinh ra với đẳng cấp thấp sẽ không cháy sáng?

- "Bạch đức Cồ-đàm, không! Dù người nhóm lửa có đẳng cấp cao thấp thế nào, lửa cũng cháy sáng như nhau.

- "Ví dụ có hai anh em Bà-la-môn trẻ tuổi, một người có học thức và một người không có học thức. Người nào sẽ được chọn để làm cúng lễ hay được mời làm khách tham dự?

- "Dĩ nhiên là người có học thức được chọn mời, vì chọn mời người không có học thức thì lợi lạc gì đâu!

- "Nhưng, giả như người có học thức lại xấu xa ác độc, trong khi người không có học thức tốt lành, đức độ thì thế nào?

- "Thế thì trước tiên phải chọn mời người không có học thức ấy, vì chọn người xấu xa ác độc thì có lợi lạc gì đâu!

- "Này Assalàyana, ban đầu ông dựa vào dòng giống với đẳng cấp, rồi ông từ bỏ dòng giống đẳng cấp mà chọn lấy kiến thứccuối cùng ông lại quay sang cách suy nghĩ của Ta mà cho rằng cả bốn đẳng cấp đều thanh tịnh như nhau!" (Trung Bộ)

Ghi chú: (*) Xã hội Ấn Độ thời đó có 4 giai cấp: Giáo sĩ (Bà La Môn), Vương tướng (Sát Đế Lợi), Buôn bán (Tỳ Xá Đa), và Nông dân (Thủ Đà La), cao nhất là Bà-la-môn, thấp nhất là Thủ-đà-la.

Tôn giả Kaccayàna cũng cực lực phê phán sự phân chia đẳng cấp trong xã hội, đã nhắc lại các ý kiến của đức Phật khi thuyết giảng cho vua Madhuraràja.

Từ bi, bất bạo động vốn được đề cao trong nhiều tôn giáo, nhưng có lẽ thể hiện rõ nét nhất là trong Phật giáo. Rất nhiều kinh điển Phật giáo nhắc đến từ bi, bất bạo động. Tính chất này đã được nói đến ở chương IV, ở đây xin nhắc thêm hai lời dạy của đức Phật về lòng Từ:

"Lòng từ, mở rộng ra đến phương thứ nhất, cũng đến phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư, phương trên, phương dưới, rải khắp lòng từ vô lượng, không giận, không ghét, bao trùm khắp thế gian lòng thương vô hạn" (Trung bộ I, Tăng Chi II, III).

"Trong loài hữu tình, nếu tu từ tâm thì phước ấy vô biên, huống chi trong khắp mọi nơi" (Kinh Bổn Sự, quyển 2).

Đức Phậttừ bi, chủ trương bất bạo động, hòa bình. Ngài đã trực tiếp đứng ra dàn xếp để ngưng cuộc chiến tranh giữa những người Sakya với Koliya; chính Ngài đã gián tiếp can vua Ajatasattu khi vua chuẩn bị chinh phạt xứ Vajjì; chính Ngài đã đứng ra điều đình để vua Ajatasattu được phóng thích khi vua bị bắt trong trận chiến tranh giữa Magadha với Kosala...

Những người lãnh đạo xã hội, quốc gia ảnh hưởng khá lớn đến hạnh phúc quần chúng nhân dân. Đức Phật và các đại đệ tử thường đóng vai cố vấn cho các vị vua bấy giờ như Bimbisara (Tần-bà-sa-la), Ajatasattu (A-xà-thế), Pasenadi (Ba-tư-nặc), Suddhodana (Tịnh Phạn), Madhuraràja (Ma-đô-la) về các vấn đề triết học, đạo học, phép trị nước, v.v...

Người lãnh đạo lý tưởng, theo đức Phật, phải như một vị Chuyển luân vương (Cakkavatti), đủ tài năng, đức độ, trị nước đúng theo Chánh pháp, mang lại hạnh phúc cho toàn dân. Ở đây không bàn đến những miêu tả về hạnh phúc của quốc độ lý tưởng do Chuyển luân vương lãnh đạo mà chỉ nhấn mạnh đến sự tôn trọng Phật Pháp, sự bảo hộ hết lòng đối với toàn thể nhân dân của người lãnh đạo. Kinh Chuyển Luân Vương trong Trường Bộ (Dìghà Nikàya, 26-Cakkavattisutta) ghi lời Phật dạy:

"Người phải y theo Chánh pháp, trọng pháp, kính pháp, suy nghĩ về pháp, tôn vinh pháp, ca tụng pháp, dựng phướn pháp, cờ pháp, y vào pháp mà bảo hộ các thể nữ, quần thần, quân nhân, Sát-đế-lợi, cư sĩ, làng xóm, thành thị, Sa-môn, Bà-la-môn, cho đến chim chóc, thú vật..."

Trong Jataka Nikàya (Bổn Sanh) I, II, III, V, đức Phật có nhắc đến mười đức, tức mười bổn phận của một vị vua mà ta thấy có thể áp dụng cho bất cứ một người lãnh đạo nào cho đến ngày nay. Đại khái các bản Kinh có khác nhau vài tiểu tiết nhưng ý chính có thể tóm tắt mười đức ấy như sau:

1) Quảng đại, từ ái;
2) Giữ giới đức: không giết hại, không bóc lột, không cướp của, không giam dâm, không dối trá, không rượu chè;
3) Vì hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi lạc, danh vọngcuộc đời mình vì nhân dân;
4) Liêm chính, thực thà, thể hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình, không dối trá mọi người;
5) Dịu dàng, hòa ái;
6) Nghiêm chỉnh, đúng đắn, sống giản dị không xa hoa, chế ngự mình;
7) Không thù hận, ganh ghét;
8) Không dùng bạo lực;
9) Kiên nhẫn, vị tha, thông cảm với người;
10) Không khắc nghiệt, phải hòa hợp với nhân dân.

Tăng Nhất A-hàm, quyển 42, ghi mười đức của vị lãnh đạo như sau:

1) Thanh liêm, quảng đại;
2) Nghe lời can gián của người khác;
3) Thi ân cho nhân dân;
4) Thu thuế đúng pháp định;
5) Phòng the phải nghiêm túc;
6) Không say sưa rượu chè;
7) Siêng năng, nghiêm chỉnh;
8) Xét xử nghiêm túc, công bằng;
9) Hòa hợp với quần thần;
10) Giữ gìn sức khỏe của bản thân.

Nhà lãnh đạo tốt, chính quyền tốt sẽ xây dựng xã hội tốt. Nhưng chủ yếu vẫn là nỗ lực xây dựng cuộc sống của quần chúng nhân dân. Một thành viên của xã hội muốn sống hạnh phúc, phải có ý thức xây dựng cuộc sống của riêng mình. Tạp A-hàm IV và Tăng Nhất A-hàm IV ghi lời Phật dạy cho một thanh niên Bà-la-môn tên Byagghapaja (Bạt-xà-ca) rằng muốn được an lạc trong đời sống thì cần có bốn điều kiện:

1) Chuẩn bị đầy đủ kiến thức chuyên môn;
2) Ổn định tài sản;
3) Có thầy, bạn tốt;
4) Sống theo lợi tức mà mình làm được.

Trường Bộ Kinh III kể chuyện đức Phật giảng cho Trưởng giả Anathapindika về bốn thứ hạnh phúc của người Cư sĩ:

1) Có sự ổn định về kinh tế gia đình, có tiền đầy đủ do kiếm được bằng những cách đứng đắn, lương thiện;
2) Chi tiêu cho bản thân, gia đình, cha mẹ và cho việc thiện;
3) Không có nợ nần;
4) Sống ngay thẳng, trong sạch, không phạm điều xấu về thân, khẩu, ý.

Đức Phật còn dạy rằng trong bốn thứ hạnh phúc ấy, hạnh phúc thứ tư (thuộc tinh thần) là cao quý nhất, trong khi ba hạnh phúc đầu (thuộc vật chất) không bằng 1/16 hạnh phúc thứ tư.

Tứ Nhiếp phápphương pháp hoằng hóa của chư Phật, chư Bồ-tát nhưng cũng là phương pháp giao tiếp giữa người với người để thu nhiếp nhân tâm một cách chính đáng, đúng hợp với đạo đức. Đó là:

1) Bố thí nhiếp (bố thí tài vật khi người ta cần);
2) Ái ngữ nhiếp (lời nói dịu dàng);
3) Lợi hành nhiếp (làm điều lợi cho người);
4) Đồng sự nhiếp (gần gũi, cùng sinh hoạt với người).

Sự giao tiếp, bổn phận, sự cư xử giữa người với người được phân tích rất đầy đủ trong kinh Singàlovada (Kinh Thiện Sinh). Kinh được sao chép ra nhiều bản, ở nhiều nơi, ghi trong Trường Bộ, A-hàm quyển 11, Trung Bộ 33... một số chi tiết có hơi khác nhau, nhưng nội dung có tính nhất thống. Kinh kể chuyện một thanh niên Bà-la-môn, tên Singala rất giàu có, rất thuần đạo, hiếu nghĩa. Từ khi cha mất, Singala cứ theo lời cha dạy, mỗi sáng sớm ra lễ sáu phương Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới. Đức Phật nhân vào thành Ràjagaha khất thực, trông thấy chàng đang lễ bái, liền dạy cho chàng một bài luân lý rất quan trọng về những nguy hại trong đời sống, về mối liên hệ đúng đắn giữa người với người, từ đó cần sửa đổi ý nghĩa của việc lễ bái sáu phương.

"Nếu một đệ tử cư sĩ cao thượng loại trừ được bốn ác hại trong hành động, nếu người ấy không phạm vào bốn động cơ hành động xấu, nếu người ấy không dùng sáu cách làm tiêu hao tài sản; nếu người ấy không mắc vào mười bốn điều tệ hại ấy thì khi lễ bái sáu phương, người ấy đã sẵn sàng chinh phục cả hai cuộc đời, sẽ thắng trong đời này và đời sau; và sau khi thân xác tan rã, người ấy sẽ tái sinh vào cõi trời hạnh phúc"

Đức Phật giải thích tiếp: bốn ác hại trong hành động là sát sinh, trộm cắp, gian dâm, nói ngoa; bốn động cơ hành động xấu là tham dục, sân hận, si muội, sợ hãi; sáu cách làm tiêu hao tài sản là: rượu chè, la cà ngoài đường phố, ham mê ca kỹ, cờ bạc, giao du với kẻ xấu, lười biếng.

Tất cả cộng lại là mười bốn điều tệ hại. Đức Phật còn phân tích kỹ những tai hại do rượu chè, giảng thêm về nguyên nhân làm phung phí tài sản, về thế nào là người bạn xấu, người bạn tốt.

Phần tiếp theo của Kinh nhằm nêu lên ý nghĩa của việc lễ bái tứ phương, qua đó, ý nghĩa chủ yếu là bổn phận, là mối liên hệ, cách cư xử giữa cha mẹ, thầy trò, vợ chồng, chủ và người làm công, người xuất gia và người tín đồ:

"Một đệ tử cư sĩ cao thượng lễ bái sáu phương như thế nào? Người ấy cần biết sáu phương ấy như sau: phương Đông chỉ cha mẹ, phương Nam chỉ các bậc thầy, phương Tây chỉ vợ con (chồng con), phương Bắc chỉ bạn bè, phương Dưới chỉ những người giúp việc, phương Trên chỉ các tu sĩ.

"Một người con phải đối đãi cha mẹ, thuộc phương Đông theo năm cách: vì được cha mẹ săn sóc từ thuở ấu thơ, người ấy phải săn sóc cha mẹ trong tuổi già của cha mẹ; phải làm tròn những bổn phận mà ngày xưa cha mẹ đã làm tròn; phải giữ truyền thống gia tộc; phải bảo vệ tài sản mà mình thừa hưởng; phải cúng bái tổ tiên (lo đám tang). Được con đối đãi như thế, cha mẹ thuộc phương Đông cũng phải cư xử với con mình theo năm cách: phải ngăn con làm điều xấu; phải khuyên con làm điều tốt; phải dạy cho con một nghề; phải chọn người phối ngẫu xứng đáng cho con; phải cho con thừa hưởng gia sản vào lúc thích hợp. Phương Đông phải được lễ báigiữ gìn như thế.

"Một học trò phải đối đãi với thầy dạy học của mình, thuộc phương Nam, theo năm cách: Phải đứng dậy chào thầy khi đến; phải giúp việc cho thầy; phải chú ý nghe thầy giảng, phải săn sóc thầy chu đáo; phải chăm chỉ học tập theo thầy. Được học trò đối đãi như thế, người thầy, thuộc phương Nam, phải cư xử với học trò mình theo năm cách: phải dạy học trò điều tốt; phải dạy sao cho học trò ghi nhớ điều mình dạy; phải dạy cho học trò các học nghệ; phải nói tốt về học trò với các bạn bè đồng sự của mình; phải luôn luôn che chở, bảo vệ học trò. Phương Nam cần phải được lễ bái, giữ gìn như thế.

"Một người chồng phải đối đãi với vợ mình thuộc phương Tây, theo năm cách: phải kính trọng, thương yêu vợ; phải trung thành với vợ; phải giao việc nhà cho vợ; không được coi thường vợ, phải sắm đồ nữ trang cho vợ. Được người chồng phục vụ như thế, người vợ thuộc phương Tây, phải cư xử với chồng theo năm cách: phải lo tròn việc nhà; phải khéo điều động người giúp việc; phải trinh tháo; phải giữ gìn của cải do chồng mang về; phải khéo léo chuyên cần trong mọi việc. Phương Tây cần phải được lễ báigiữ gìn như thế.

"Nột người chủ phải đối đãi với những kẻ giúp việc của mình thuộc phương Dưới theo năm cách: phải giao việc đúng với sức lực của họ, phải cung cấp cho họ đủ thực phẩm và tiền lương, phải săn sóc khi họ đau ốm, phải chia xẻ cho họ thức ăn ngon, phải cho họ những ngày nghỉ định kỳ. Được chủ đối dãi như thế, những người giúp việc thuộc phương Dưới phải cư xử với chủ theo năm cách: dậy trước chủ, đi ngủ sau chủ, bằng lòng với những thứ chủ cấp, làm việc giỏi và truyền rộng tiếng tốt của chủ. Phương Dưới cần được lễ báigiữ gìn như thế.

"Một người cao quý cần đối đãi với các ẩn sĩ, Bà-la-môn thuộc phương Trên theo năm cách: cử chỉ dịu dàng, lời nói hiền hòa, ý tứ tế nhị, không đóng cửa khi các vị ấy đến, cúng dười thức ăn. Được đối đãi như thế, các ẩn sĩ, Bà-la-môn thuộc phương Trên phải cư xử với người ấy theo sáu cách: ngăn người ấy làm điều xấu, khuyến khích người ấy làm điều tốt, phải có lòng từ cái đối với người ấy, chỉ dạy người ấy những điều mà người ấy chưa nghe được, khích lệ người ấy làm theo những điều đã học và chỉ cho người ấy con đường đến cõi trời. Phương Trên cần được lễ báigiữ gìn như thế" (Trường Bộ)

Phần cuối của bản Kinh bàn đến những đức tính cần có để đạt thành công trong đời: đức độ, dịu hiền, khiêm tốn, nhu hòa, quả cảm, thông tuệ, tự tại, vị tha, quảng đại, bình đẳng...

Một lần khác, trông thấy một người Bà-la-môn khác tế lễ Tam hỏa, đức Phật đã sửa lại ý nghĩa của Tam hỏa thành ra:

1) Căn bản hỏa, tức chỉ của cải để phụng dưỡng cha mẹ;
2) Cư gia hỏa, chỉ của cải để tiêu trong gia đình, bạn bè, thân thuộc;
3) Phúc điền hỏa, chỉ của cải chỉ tiêu vào việc cúng dường cho các tu sĩ đạo hạnh.

Đức Phật và chư vị Tỳ-kheo đến từng nhà giảng pháp độ người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Kinh ghi lại rất nhiều trường hợp đức Phật và các đệ tử của Ngài đến với người nghèo, người bệnh, người hấp hối, người có tang, người gặp cảnh ngang trái, thậm chí cả với những phụ nữ đang quằn quại vì sinh đẻ khó... Các Tôn giả Sàriputta, Moggallàna, Ananda, Punna..., các nữ Tôn giả Mahapajapati, Patacara... đều nổi danh là những vị thuyết pháp độ hàng nhiều ngàn người thành những cư sĩ thuần thành hoặc những Tỳ-kheo đạt Thánh quả. Toàn thể những điều mà các Ngài giảng dạy cho đông đảo quần chúng không phải là những lý thuyết, luận lý, phân tích suông mà là những phương cách cụ thể để tránh khổ đau, nhưng bài đạo đức, luận lý dễ hiểu, thiết thực, những phương cách sinh hoạt, gián tiếp... Đấy là những bằng chứng hùng hồn về tính chất thực tiễn, giáo dục, xã hội của Phật giáo, phủ nhận những luận điệu cho rằng Phật giáoyếm thế, bi quan, xa rời quần chúng.

Mục tiêu trước mắt của Tăng-già là xây dựng một xã hội gồm những người tại gia thuần thành, những tín đồ Phật giáo chân chính. Có như thế ngôi Tam bảo mới được tôn trọng, hộ trì, và con đường giải thoát khổ đau dễ được thực hiện. Từ sự nhận biết đời là khổ, quyết tâm giải thoát, một con người quy hướng đến Phât, Pháp, Tăng - tức quy y Tam Bảo - nguyện suốt đời nương tựa vào ngôi Tam Bảo:

1) Quy y Phật (Buddham saranam gacchàmi)
2) Quy y Pháp (Dhammam saranam gacchàmi)
3) Quy y Tăng (Sangham saranam gacchàmi)

Từ khi thành tâm quy y trước đức Phật hoặc trước chư vị Tỳ-kheo, người ấy trở thành một đệ tử của đức Phật sống tại nhà, không xuất gia - tức cư sĩ - một Ưu-bà-tắc (Cận sự nam), hoặc Ưu-bà-di (Cận sự nữ) thuộc vào bốn chúng đệ tử Phật: 1) Tỳ-kheo; 2) Tỳ-kheo ni; 3) Ưu-bà-tắc; 4) Ưu-bà-di. Từ đó người Phật tử được sự giáo huấn, nâng đỡ của Giáo hội và có bổn phận hộ trì Giáo hội.

Viêc quy y đi kèm theo việc thọ năm giới. Người cư sĩ trọn đời năm giới:

1, Không giết hại.
2. Không trộm cướp.
3. Không gian dâm.
4. Không nói lời độc ác, dối trá.
5. Không uống rượu.

Trong một số ngày nhất định trong tháng âm lịch (mồng 1, mồng 8, 14, 15, 23, 30), người Phật tử tại gia gọi là ngày trai giới (Uposattha - cận trú), ngày tinh tấn tu tập, giữ gìn thêm ba giới nữa, cộng là tám giới (tức Bát Quan Trai giới).

1. Không ăn phi thời (không ăn ngoài bữa ngọ).
2, Không trang điểm, không xức dầu thơm, không dự hội hè, văn nghệ.
3. Không nằm giường cao, chiếu rộng.

Tám giới của người cư sĩ trong ngày trai giới là tám trong mười giới của người Sa-di, tức người chuẩn bị thọ Đại giới làm Tỳ-kheo. Vậy trong ngày trai giới, người cư sĩ tập sự sống đời tu hành, thánh thiện của một tu sĩ. Trong ngày này các cư sĩ thường đến tịnh xá để được gần đức Phật hay các Tỳ-kheo, được nghe Pháp, được chiêm ngưỡng đời sống trong Tăng-già.

Sự liên hệ giữa Tăng-già và xã hộihình tướng là sự trao nhận, tức là hình thức bố thí và thọ nhận. Các Tỳ-kheo bố thí Pháp và nhận phẩm vật cúng dường; các gia chủ thọ nhận Pháp và cúng dường phẩm vật. Một ý nghĩa phụ cũng cần được nói tới là trong khi thọ nhận sự cung kính phẩm vật của gia chủ, vị Tỳ-kheo được động viên trong nỗ lực tu tập, xứng đáng với lòng thành tín của gia chủ. Đứng về mặt giá trị mà nói thì sự bố thí của Tăng-già là cao quý hơn, được thể hiện do lòng từ bi, vô vị lợi. Đức Phật còn dạy rằng bố thí Pháp, nhiêu ích Pháp có giá trị hơn hẳn bố thí tài vật, nhiêu ích tài vật.

Đức Phật từng nói với Trưởng giả Anathapindika: "Này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì các Tỳ-kheo bằng cách cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và dược phẩm". Và tuân theo nguyên tắc vận hành của Chánh pháp, khi đã thọ nhận pháp, người cư sĩ phải lo tu tập pháp, truyền bá pháp. Kinh có nêu là có một phong trào Phật học sâu rộng trong quần chúng cư sĩ. Cư sĩ Citta Macchikasandika đứng đầu một hội chúng cư sĩ gồm nhiều ngàn người, cùng chung học tập, thảo luận về Phật Pháp, rất được đức Phật khen ngợi.

Tăng Chi Bộ Kinh I, phẩm "Người Tối thắng", có liệt kê một số nam nữ cư sĩ được đức Phật khen ngợi là những người tối thắng trong quần chúng cư sĩ Phật giáo, như sau:

Các nam cư sĩ:

Tối thắng về Quy y đầu tiên: Ballikà và Trapusha.
Tối thắng về Bố thí: Anàthapindika.
Tối thắng về Thuyết pháp: Hatthaka Àlavaka.
Tối thắng về Cúng dường Thức ăn cho Tỳ-kheo: Mahananusakka.
Tối thắng về Cúng dường các vật dụng: Ugga Vesalika.
Tối thắng về Hộ trì Tăng chúng: Hatthigàmaka Uggàta.
Tối thắng về Lòng tin kiên cố: Jivaka Kamàrabgacca.

Các nữ cư sĩ:

Tối thắng về Quy y đầu tiên: Sujàta Sevanidhità.
Tối thắng về Bố thí: Visàkha Migaramàta.
Tối thắng về Đa văn: Suppavàsà Koliyadhità.
Tối thắng về Săn sóc người bệnh: Suppiyà.
Tối thắng về Nói năng thân mật: Nakulàmàtà.
Tối thắng về Lòng tin kiên cố: Kali ở Kulagharikà.

Tất nhiên, bảng liệt kê tên các vị nam, nữ cư sĩ Phật tử, nổi danh trên đây đáng lẽ phải dài hơn nhiều, nét thù thắng của từng vị cũng chỉ có tính cách tương đối và sự sắp xếp thứ tự cũng không phải theo tầm mức quan trọng của từng vị. Các vị trên đây cũng tối thiểu là đạt Thánh quả Dự lưu, có vị còn cao hơn, đắc quả A-la-hán, có vị về sau gia nhập Giáo đoàn, thọ giới Tỳ-kheo rồi đắc A-la-hán.

Sau đây, chúng tôi xin liệt kê sơ lược tiểu sử vài cư sĩ thường được Kinh nhắc đến và hầu hết đã được nêu tên rải rác trong cuốn sách này.

Anàthapindika (Cấp Cô Độc)

Ông là một tài chủ trưởng giả ở Sávatthi, xứ Kosala. Ông gặp đức Phật tại Ràjagaha xứ Magadha và thỉnh đức Phật về Sàvatthi. Ông trở lại Sàvatthi, mua đất và xây cất tịnh xá lừng danh Jetàvana (Thắng Lâm hay Kỳ Hoàn) với đầy đủ tiện nghicúng dường đức Phật và đoàn Tỳ-kheo. Ông là vị thí chủ lớn nhất, mộ đạo nhất, mỗi ngày ông cung cấp tiện nghi, thực phẩm cho năm trăm Tỳ-kheo, ngoài ra còn bố thí không biết bao nhiêu những kẻ nghèo khổ, bệnh tật. Hạnh bố thí của ông lớn đến nỗi cả gia sản đồ sộ của ông đến gần như tiêu tan với những thể hiện từ tâm không hề ngưng.

Đức Phật đã giảng nhiều kinh cho ông, ông chứng quả Dự lưu. Ông ham học và sáng trí, đã tranh luận và thắng nhiều du sĩ ngoại đạo, bênh vực cho giáo lý đức Phật. Khi ông sắp mất, Tôn giả Sàriputta có đến giảng pháp cho ông. Kinh chép rằng sau khi trút hơi thở cuối cùng, ông được sinh lên cõi Trời Tusità (Đâu-suất) và tối hôm ấy ông có hiện về đảnh lễ đức Phật.

Bhallikà và Trapusha (Bạt-lê-ca, và Đế-lê-phú-bà)

Hai ông là hai cư sĩ đầu tiên quy y Phật tại Bodhigaya (Bồ-đề đạo tràng). Khi đức Phật vừa thành đạo, hai ông dẫn đoàn xe chở hàng hóa đi ngang qua chỗ đấy, thấy đức Phật đang thiền định, cảm vẻ oai đức của Ngài, liền cúng dường một bữa cơm và mật. Đức Phật thuyết pháp cho hai ông nghe, hai ông liền xin quy y. Đức Phật chấp nhận, ban cho một nắm tóc mà hai ông giữ kỹ như một báu vật thiêng liêng. Về sau Trapusha vẫn là một cư sĩ thuần thành. Còn Bhallikà thì xin thọ giới Tỳ-kheo và đắc A-la-hán.

Bimbisara (Tần-bà-sa-la)

Vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà). Vua từng đến tham bái đức Phật khi đức Phật cón là một đạo sĩ tu khổ hạnh tại Uruvelà và có đề nghị đức Phật ghé lại Ràjagaha cho vua tham bái sau khi Ngài chứng đạo. Chính vua đã cúng dường đức Phật và chúng Tỳ-kheo tịnh xá Veluvana (Trúc Lâm) là tinh xá đầu tiên của Tăng-già, định hình một nếp sống mới mang tính cách có định cư, có tập trung an cư mùa hạ. Vua là một cư sĩ thuận thành, đắc quả Dự lưu, hết lòng hộ trì Tăng-già, giúp moi phương tiện để Chánh pháp được mở rộng. Con vua là thái tử Ajatasattu nghe lời xúi dục của Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) chống lại nhà vua để đoạt ngôi. Việc bại lộ, nhưng vua không trừng trị Ajatasattu, lại thoái vị để thái tử lên ngôi. Về sau, Devadatta lại xúi vua Ajatasattu hại phụ vương. Thế là vua Bimbisara bị nhốt vào ngục, bị giam đói cho đến chết.

Ajatasattu (A-xà-thế)

Vua xứ Magadha, con vua Bimbisara. Devadatta là một Tỳ-kheo ác hạnh, vốn là em họ của đức Phật, muốn thay đức Phật lãnh đạo Giáo hội nên xúi vua hại vua cha và hại đức Phật, thấy Ngài vẫn an nhiên, nhà vua sợ hãi, ân hận, liền đuổi Devadatta đi. Ít lâu sau, theo lời khuyên của ngự y Jìvaka, vua đến với đức Phật tỏ vẻ ăn năn, thành tâm nghe pháp. Đức Phật từ ái đón nhận vua, giảng pháp cho vua, vua tỏ ra rất thông tuệ, xin quy y Phậttỏ ra là người hộ trì đắc lực của Tăng-già. Đức Phật có lần bảo rằng nếu không phạm tội hại cha thì vua đã đắc quả Dự lưu ngay tại chỗ vua nghe pháp lần đầu. Về sau, vua bị con là Udàyin giết để đoạt ngôi (Udàyin sinh ra nhằm ngày nhà vua Bimbisara chết trong ngục).

Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Vua xứ Kosala (Kiều-tất-la), vốn giao hảo với phụ vương đức Phật là vua Suddhodana (Tịnh Phạn) của xứ Kapilavatthu. Để kết thân hơn, vua xin cưới một công chúa dòng dõi Sakya của đức Phật. Họ Sakya do tự cao, ích kỷ, gởi đến một nữ nô lệ cải trang. Khi vua phát hiện được sự thật thì rất tức giận, định gây chiến với Kapilavatthu, đức Phật phải đứng ra can ngăn, giảng hòa. Vua là một cư sĩ tín thành, hết lòng giúp đỡ hộ trì Tăng-già, thường đến hỏi đức Phật và các đệ tử của Ngài về đạo học, về phép trị nước..., trở thành người rất thân tín với Tăng-già. Về sau, vua bị con là Virùdhaka (con của vua và người nô lệ do Kapilavatthu gởi đến) chiếm ngôi. Vua phải chạy sang Rajagaha tá túc được vua Ajatasatta đối xử tử tế và cuối cùng vua chết tại đấy.

Jivaka (Kỳ-bạt)

Khi mới sinh ra tại Ràjagaha, ông bị bỏ vào một cái giỏ, vứt vào đổ rác, được hoàng tử Abhaya đem về nuôi cho ăn học về y khoa và kiến trúc tại Takkasila. Khi thành tài ông trở về Ràjagaha, rất được hâm mộ tài năng. Ông chữa lành bệnh cho vua Bimbisara và trở thành y sĩ cùa hoàng gia. Ông cũng thường đến chữa bệnh cho đức Phật và chúng Tỳ-kheo, rồi cũng trở thành y sĩ chuyên thăm bệnh cho đức Phật. Ông được nghe pháp, rất mộ đạo. Ông cũng đến chữa bệnh cho vua Candaprudyota ở Ujjayimì. Ông xây cất một tinh xá lớn, tức tinh xá Jìvaha ở Ambavana và cúng dâng cho đức Phật và Tỳ-kheo. Ông còn đến tinh xá chữa bệnh giúp cho những người nghèo khổ từ các nơi kéo đến (có tài liệu ghi rằng ông là con không chính thức của vua Bimbisara, có tài liệu ghi rằng ông là con một kỹ nữ).

Mahanama (Ma-ha-nam)

Ông thuộc dòng dõi vương tộc Sakya của đức Phật, là anh ruột của Tôn giả Anurudha (A-na-luật hay A-nậu-lâu-đà). Ông được đức Phật khen là người có tín tâm, là cư sĩ bố thí đệ nhất. Ông được đức Phật giảng cho nhiều lần về đức hạnh và việc tu tập của người cư sĩ. Suốt đời sồng thuần thành, tu tập theo đạo pháp, cuối đời ông là một tấm gương sáng chói về người cư sĩ từ bi, bất bạo độngdũng cảm. Sau khi đức Phật nhập diệt, vua Virùdhaka của Kosala kéo quân sang đánh phá Kapilavatthu, giết hại nhiều dân chúng và họ Sakya. Ông đến gặp vua, xin được chết thay cho mọi người bằng cách trầm mình dưới nước. Nghĩ rằng ông không thể nào thực hiện được cái chết như vậy, nhà vua bằng lòng. Ông bước xuống nước, tự trầm mình, lấy tóc buộc chặt vào gốc cây dưới nước mà chết. Vua cho người vớt xác lên, biết được lòng từ bi, dũng cảm của ông, vua rất kính phục, liền ra lệnh bãi binh.

Visàkhà Migàramàta (Tỳ-xà-khư Lộc Mẫu)

Bà là vị nữ cư sĩ được đức Phật khen là nữ cư sĩ tối thắng về hạnh bố thí. Bà sinh tại Badrika xứ Ariga. Bà được gặp đức Phật lúc bà mới bảy tuổi, liền tỏ lòng tín mộ. Lớn lên bà theo cha mẹ đến Saketá rồi lấy chồng tên là Migàra, con của một trưởng khố ở Sávatthi. Hai vợ chồng sống sung sướng ở Sàvatthi. Bà đã cảm hóa được người cha chồng vốn là tín đồ của giáo phái Ni-kiền-tử khiến ông thành một Phật tử thuần thành. Bà sống hạnh phúc, được mọi người trọng vọng: nhan sắc xinh đẹp, về già vẫn khỏe mạnh, tươi tắn, đầy đủ con cháu và chắt. Kinh chép mỗi ngày bà đều thỉnh năm trăm vị Tỳ-kheo thọ trai tại nhà bà rồi sau đó bà đến nghe đức Phật thuyết pháp. Bà cung cấp rất nhiều vật dụng, thuốc men, thực phẩm cho Tăng-già. Bà cho xây cất một tinh xá lớn để cúng dâng cho đức Phật, đó là tinh xá thời danh Migaràmata tại Purnaràma, gần tinh xá Jetavana (Thắng Lâm) ở Sàvatthi.

Ambapàli (Cô gái Vườn Xoài )

Bà sinh ra dưới gốc cây xoài trong vườn hoa của vua xứ Vesali, được người giữ vườn tìm thấy và đem về nuôi. Lớn lên bà rất xinh đẹp, duyên nghiệp đẩy đưa khiến bà phải hành nghề kỹ nữ và trở nên giàu có, nổi danh. Sau đó bà được truyền vào cung vua Bimbisàra rồi có con với vua, sinh một hoàng tử tên Vimàla Konanda, vị này sau xuất gia và đắc A-la-hán. Bà cho xây trong vườn một tinh xá lớn, tức tinh xá Ambapalìvana và cúng dâng đức Phật. Về sau bà xin thọ giới Tỳ-kheo-ni, nỗ lực tu tập và đắc A-la-hán.

* * *

Trên đây chỉ là một số những trường hợp điển hình trong rất nhiều trường hợp những cư sĩ thuần thành, hết lòng hộ trì Tăng-già trong cả một truyền thống Ấn Độ ủng hộ, cúng dường tất cả những tu sĩ đạo danh. Những nêu dẫn trên nhằm chứng tỏ Tăng-già đã thực sự đi vào lòng xã hội để giáo dục, dẫn đạonỗ lực xây dựng một xã hội giảm thiểu tối đa những kẻ khổ đau, thuận tiện cho việc thực hiện giải thoát bằng giáo lý của đức Phật. Tăng-già thực sự được trọng vọng, được hộ trì, đã thực sự mang lại lợi ích xã hội. Mối liên hệ giữa Tăng-già với xã hộithiết thực, chặt chẽ.

Dĩ nhiên, ngoại trừ một số trường hợp các Tỳ-kheo sau khi thọ nhận Phật pháp, đã vào rừng ẩn tu, sống biệt cư trong các chòi lá, trong hang động... sanh sống bằng cách tự trồng trọt, hái, lượm, phần lớn các Tỳ-kheo khác đều sinh sống do sự cúng dường của các Phật tử tại gia bằng vật dụng, thực phẩm, thuốc men hoặc cả đến chỗ ở. Sự đóng góp của quần chúng cư sĩ cũng rất to lớn, đủ để tạo nên một mối liên hệ bền vững lâu dài.

Xã hội có thể thay đổi theo thời gian, theo địa phương, từ đó hình thức cúng dường, thuyết giảng, sinh hoạt có thể thay đổi. Nhưng chừng nào Phật giáo còn hiện hữu trên cõi đời này - một cách nào đó, có thể nói chừng nào chúng sanh còn đau khổ - thì Tăng-già vẫn còn. Ý nghĩa giáo huấn, cứu khổ, tu tập, bố thí, cúng dường, tức là ý nghĩa của sự liện hệ giữa Tăng-già và xã hội vẫn tồn tại.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34455)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51500)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.