Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)

21/09/20146:04 CH(Xem: 11375)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)


Bàn về việc thêm chương “Cách vật trí tri” vào sách Đại học 
Chu Hy khi đọc cổ bản của sách Đại học (大學), cho rằng tiếp theo chương “Thính tụng” (聽訟) thứ tư đã bị mất đi chương thứ năm là “Cách vật trí tri” (格物致知). Do đó, ông sử dụng ý tưởng của Trình tử rồi tự mình viết bổ sung chương ấy, xếp vào trong sách “Hiền truyện”. Bấy giờ, những người học Nho tranh cãi rất nhiều, không cùng một ý. Nhiều người cho rằng, các vị hậu Nho tuy là hiền đức cũng không có lý nào lại tự mình viết thêm vào kinh sách của thánh nhân
Khổng tử viết kinh Xuân thu, có những sự mất mát, thiếu sót, đại loại như đến đoạn nói về Hoàn Công năm thứ 14, sau hai chữ “hạ ngũ” (夏五) bị mất một chữ, hoặc phần nói về Trang Công năm thứ 24, sau hai chữ “quách công” (郭公) bị mất một đoạn... vì sao không vận dụng kiến thức của mình để viết bổ sung vào cho hoàn chỉnh, mà cuối cùng vẫn để những chỗ ấy là tồn nghi? Là vì có sự thận trọng. Huống chi phần bổ sung của Chu tử là người thuộc thời đại gần đây, cách hành văn hoàn toàn không giống với phong cách được sử dụng trước đây trong kinh sách của thánh nhân, lại chưa hẳn đã không bị rơi vào chỗ “biết một mà chẳng biết hai”. 
Theo chỗ suy luận của tôi thì thật ra chương sách này không hề bị mất, mà phần giải thích ý nghĩa “cách vật trí tri” thật ra là nằm trong chương “Thính tụng” (聽訟). Xét như lý lẽ của sự vật trong thiên hạ vốn là không cùng tận, tiến vào một cảnh giới, ắt lại hiện ra thêm một cảnh giới khác nữa. Lấy như trong việc xét xử tranh tụng mà nói, mọi người đều cho rằng nếu đạt được đến chỗ phân tích cặn kẽ sự việc, phán quyết công bằng thích đáng, ắt đã là cùng cực. Thế nhưng nào biết rằng, vượt trên sự cùng cực đó còn có cấp độ cao hơn của sự “không tranh tụng”, quả thật vượt xa rất nhiều.
Người thấu suốt được cấu trúc vận hành của sự vật, ắt nhận biết được lý lẽ trong thiên hạ, từng bước từng bước thấu hiểu đến chỗ cao tột nhất, thì những việc như “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều không còn khó nữa. Vì thế chỉ mượn một việc “tranh tụng” làm ví dụ đơn cử, từ đó suy ra cho đến mọi sự mọi việc trong thiên hạ cũng cùng một nguyên lý ấy, thật ra hoàn toàn không nhằm giải thích về ý nghĩa “bản mạt”.
Chương này vốn nhấn mạnh vào chữ tri (知) trong “cách vật trí tri”, không phải nhấn mạnh vào chữ bản (本) trong “bản mạt”. Chu Hy khi đọc chương này lại chú ý đến chữ “bản” mà quên mất rằng chương này chú trọng chữ “tri”, vì thế mới cho rằng chương này giải thích ý nghĩa “bản mạt”, từ đó tiếp tục suy ra rằng chương giải thích về “cách vật trí tri” đã bị mất! 
Xét như toàn bộ các chương giải thích của Tăng tử trong sách Đại học, thật không ngoài 3 cương lĩnh, 8 đề mục đã nêu ở đầu sách. Vậy riêng khái niệm “bản mạt” vốn không phải cương lĩnh, cũng chưa đủ là đề mục, vì sao lại có một chương giải thích riêng? Lại nếu như “bản mạt” đã được giải thích, tại sao “chung thủy” lại không được giải thích? Nay phân tích thật kỹ và suy ngẫm về cách hành văn trong các sách truyện thánh hiền thì tự nhiên thấy rõ. Như chương “Thành ý” (誠其意) được dùng làm chương đầu tiên của phần giải thích 8 đề mục, nên mở đầu là “Sở vị thành kỳ ý giả” (所謂誠其意者), lấy cách viết này áp dụng cho cả 4 chương tiếp theo sau, đều giống như vậy. Nếu như phía trước chương giải thích về “thành ý” lại đặt thêm một chương “sở vị trí tri tại cách vật” thì hóa ra văn pháp hoàn toàn rối loạn, không còn tương hợp nhất quán nữa.
Hiện nay hai phần kinh, truyện trong sách Đại học vẫn còn đủ, sao người đọc sách không tĩnh tâm xét lại một lần thử xem? Đến như hai câu cuối cùng “thử vị tri bản” (此謂知本) và “thử vị tri chi chí dã” (此謂知之至也) đều là những câu cảm thán kết ý, khiến cho người đọc hốt nhiên bừng tỉnh, lãnh hội được ý tứ, nhất định không thể xem là dư thừa.
Bàn về cụm từ “phục Nghiêu chi phục”
Chữ phục (服) chính là được dùng với nghĩa như chữ sự (事). Trong sách Thượng thư (尚書), thiên Trọng hủy chi cáo (仲虺之誥) có câu “toản vũ cựu phục” (纘禹舊服) và thiên Bàn Canh thượng (盘庚上) có câu “dĩ thường cựu phục” (以常舊服), thảy đều dùng chữ sự (事) để giải thích nghĩa của chữ phục (服).
Trong sách Mạnh tử (孟死), thiên Cáo tử hạ (告子下), cụm từ “phục Nghiêu chi phục” (服堯之服) chính là muốn nói “sự Nghiêu chi sự” (事堯之事), nghĩa là “làm theo việc của vua Nghiêu”. Đoạn văn tiếp theo có 2 câu “tụng Nghiêu chi ngôn, hành Nghiêu chi hạnh” (誦堯之言,行堯之行), nghĩa là “đọc tụng những lời của vua Nghiêu, làm theo công hạnh của vua Nghiêu”, chính là để giải thích cho cụm từ “phục Nghiêu chi phục”. Có thể tham khảo thêm chữ “động” (動) trong sách Trung dung, ở câu “quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo” (君子動而世為天下道), để thấy chữ động (hành động) ở đây chính là bao hàm cả ngôn (nói) và hành (làm) của câu giải thích trong sách Mạnh tử.
Hiện nay trong sách Mạnh tử tập chú (孟子集注), ở đoạn Mạnh tử trả lời các câu hỏi của Tào Giao, phần chú giải lại nói rằng “y phục, lời nói, hành động đều không theo lễ nghĩa, nên mới lấy những việc ấy mà bảo”. Cứ theo đây mà hiểu thì rõ ràng chữ phục (服) được hiểu là y phục. Thế nhưng, nếu nói về y phục thì thời vua Nghiêu vốn được chế tác phân thành 12 kiểu loại, dành cho các tầng lớp có địa vị khác nhau trong xã hội, Tào Giao bất quá cũng chỉ là em của Tào Quân, lấy tư cách gì để mặc y phục giống như vua Nghiêu? Bằng như nói rằng không phải mặc y phục giống vua Nghiêu, nhưng là mặc theo y phục được chế tác vào thời vua Nghiêu, thì y phục qua từng thời đại vốn đều có sự thay đổi khác nhau, lại như Khổng tử từng nói: “Sinh vào thời nay mà quay lại theo nếp thời xưa ắt phải chuốc họa vào thân.” Tào Giao sinh vào cuối đời Chu, lại bảo ông ta phải mặc theo y phục của 1.800 năm trước, chẳng phải quái đản lắm sao? Lại xét như vua Kiệt tuy là bạo ngược vô đạo, nhưng y phục của ông ta dùng chắc chắn vẫn là y phục của bậc thiên tử, quyết không thể nào lại nói rằng: “Ta là ông vua vô đạo, phải chế tác riêng loại y phục vô đạo cho ta dùng, lưu lại cho hậu thế.” Tào Giao sao có thể phỏng chế theo y phục lưu lại của thời xưa để mặc?
Cho nên, chỉ có thể giải thích chữ phục (服) là được dùng thay chữ sự (事) thì ý nghĩa mới phù hợp
Lời bàn
Kinh thư là sách vở văn chương của thánh hiền, lý lẽ đúng thật là lý lẽ được thiên hạ từ xưa đến nay đều công nhận là đúng. Đã là lý lẽ cần được thiên hạ công nhận, thì người trong thiên hạ đều có quyền phân tích bàn luận. Sở dĩ người xưa trước tác thư tịch thảy đều có câu “đợi người quân tử đời sau”, đó là vì trong lòng hết sức mong muốn người đời sau có thể vượt hơn người đi trước, hoàn toàn không muốn rằng càng về sau mỗi đời lại mỗi kém cỏi hơn. Nếu như nói rằng, vì đã có những cách giải thích cố định của người đi trước, nên người sau dù có phát minh điều gì cũng không được nói ra, thế tức là chỉ một nhà Nho đi trước cũng đã đủ để bịt miệng khắp cả thiên hạ đời sau rồi, lẽ nào lại như thế được sao? 
Cẩn thận giữ gìn phẩm hạnh, lúc một mình suy xét không hổ thẹn với lòng
Giảng rộng
Sự khác biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân xét cho cùng cũng chỉ là ở chỗ dựa vào chính mình hay sống dựa vào người khác mà thôi. Nếu như người có ý chí dựa vào chính mình, nhưng trong những lúc ở nơi vắng vẻ không người lại không thể giữ tâm nghiêm khắc ngăn phòng, sợ sệt cảnh giác, thì dù có sự nỗ lực dựa vào chính mình nhưng vẫn không khỏi có lúc sơ sót lỗi lầm. Người xưa nói: “Đi một mình không thẹn với bóng, nằm một mình không thẹn với chăn.” Khi có thể đạt đến chỗ không thẹn với bóng, với chăn như thế, tức là đã đạt được sự thận trọng giữ mình đến mức cùng cực.
Câu văn này nói lên sự hiện thực hóa câu trước đó, tức là: “Kính ngưỡng bậc thánh hiền tiên triết, đi đứng nằm ngồi vẫn thường nghĩ nhớ.” Vì từ chỗ kính ngưỡng, thường nghĩ nhớ như vậy nên mới có thể thực hành giữ gìn phẩm hạnh, đạt đến chỗ không có gì phải hổ thẹn với lòng.
Câu văn này cũng lại nói lên sự chuẩn bị nền móng căn bản cho câu tiếp theo, tức là: “Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.” Vì từ chỗ giữ gìn phẩm hạnh được hoàn toàn trong sáng, mới có thể tránh xa được tất cả các thói hư tật xấu và thành tựu được hết thảy các hạnh lành
Trong văn nói việc thận trọng “lúc ở một mình suy xét”, không có nghĩa là chỉ thận trọng giữ mình trong lúc không có ai quanh mình, mà nên biết rằng cả những thời gian trước và sau đó cũng đều phải có công phu hành trì. Trong thời gian trước lúc ở một mình, phải chuyên cần nỗ lực trong sự học hỏi rộng khắp, thẩm xét rõ ràng, suy ngẫm thận trọng và phân tích sáng suốt. Trong thời gian sau lúc ở một mình, phải nỗ lực thực hành tất cả những gì đã học hiểu và suy ngẫm được.

Câu văn này kết hợp với câu văn trước đó thành một dụng ý cực kỳ sâu sắc, công phu thực hiện hết sức tinh tế ẩn mật, rõ ràng là Đế quân tự nói ra những sở đắc của chính mình, không phải chỗ người phàm tục có thể biết được. 
Thời gian hay khung cảnh “một mình suy xét” thì ai ai cũng có, nhưng hoàn toàn không giống nhau. Kẻ tham danh có chỗ “một mình suy xét” của sự tham danh, người hám lợi có chỗ “một mình suy xét” của sự hám lợi. Hết thảy đều do chìm trong biển nghiệp mênh mang, không rõ biết được sự giác ngộ, chẳng khác nào như rồng không thấy đá, cá không thấy nước; như con người không thấy được những hạt bụi quá nhỏ, như người sống không thấy được ma quỷ, đó đều là những lẽ tự nhiên cả. 
Nếu như trong trạng huống tự nhiên “không thấy” đó, vào những lúc đêm khuya thanh vắng có thể một mình tĩnh lặng suy xét, tự vấn chính mình: Đối với cha mẹ, anh chị em hiện nay, mình đã có lúc nào hết lòng hiếu thuận, đối đãi tử tế chưa? Đối với người trong thân tộc, bằng hữu, thật sự đã có bao giờ mình đối đãi chân thành với họ chưa? Trong giao tiếp ứng xử có gì sai lầm, không tốt chăng? Trong chuyện tiền bạc, quả thật mình có thể thấy điều lợi kịp nghĩ đến nhân nghĩa, không nhận những đồng tiền phi nghĩa từ người khác hay chăng? Trong những lúc đi đứng nằm ngồi, có thường nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, một lòng muốn báo đáp chăng? Mỗi ngày từ sáng đến tối, có bao giờ được một vài lần phát khởi những ý niệm tốt đẹp cứu người giúp đời chăng? Đối với nữ sắcthật không thèm muốn ưa nhìn chăng? Thấy người được thành tựu, có thật không sinh lòng ghen ghét đố kỵ chăng? Những lúc sống trong hoàn cảnh thuận lợi, có thật sự giữ mình khiêm hạ, không kiêu căng xa xỉ chăng? Có thật không lấn lướt ngược đãi những người cô thế yếu ớt không nơi nương tựa chăng? Mỗi ngày đến bữa ăn có thường nhớ nghĩ công lao khó nhọc của những người nông dân cần khổ hay chăng? Có người nghèo khó đến xin, có thật khởi tâm thương xót chia sẻ ít nhiều cho họ mà không chán ghét chăng? Cứ như vậy lần lượt tự kiểm điểm lại, ắt là trong chỗ “một mình tự xét” như thế không khỏi nhận ra những điều khiến mình hết sức ray rứt hối hận, làm sao có thể xem thường mà tự tha thứ cho mình được?
Trưng dẫn sự tích
Thích thú thấy người khác săn bắn 
Đời Bắc Tống, tỉnh Hà Nam có người tên Trình Hạo, tên tự là Bá Thuần, học giả đương thời đều tôn xưng là tiên sinh Minh Đạo. Thuở nhỏ Trình Hạo rất thích săn bắn, về sau được gặp tiên sinh Chu Đôn Di ở Liêm Khê thì quyết định dứt trừ thói tật ấy, tự nói rằng mình đã dứt sạch không còn chút hứng thú gì với việc ấy cả. 
Tiên sinh Liêm Khê dạy: “Sao có thể nói dễ dàng như vậy? Chẳng qua tâm niệm cũ của ông đang tạm thời tiềm ẩn chưa bộc phát đó thôi. Một ngày nào đó nó phát lộ ra, ắt sẽ lại giống như trước thôi.”
Trải qua đến 12 năm, một hôm Trình Hạo tình cờ nhìn thấy người khác săn bắn, quả nhiên khởi tâm thích thú. Lúc ấy mới biết lời dạy của tiên sinh Liêm Khê là đúng.
Lời bàn
Từ bỏ sự giết hại và làm việc phóng sinh, đó là cách dễ nhất để bỏ ác làm thiện. Từ bỏ việc săn bắn là hình thức giới sát phóng sinh rõ ràng dễ thấy nhất. Tiên sinh Minh Đạo là một bậc hiền đức, lại trải qua đến 12 năm học đạo, vậy mà cái căn gốc của tâm giết hại vẫn còn chưa dứt sạch. Thế nên đối với những bậc cao tăng giới luật tinh nghiêm, thiên thần đều kính lễ cũng là chuyện đương nhiên. 
Về sau, tiên sinh Minh Đạo từng đến Nam Kinh làm quan, thấy người làng thường dùng keo dính bôi lên cây sào để bẫy bắt chim, tiên sinh liền cho bẻ gãy hết những cây sào ấy, rồi hạ lệnh cấm hẳn luôn việc đó. Đến lúc ấy thì tâm giết hại ngày xưa đã thực sự được đoạn trừ. Cho nên có thể thấy rằng công phu “thận trọng tự mình suy xét” thật không dễ dàng chút nào, đâu chỉ riêng là những cái khó như mười năm đọc sách chưa dứt được sự kiêu căng, mười năm đọc sách chưa dứt được lòng tham muốn công danh? 
Hốt khởi niệm tà 
Xưa có vị thiền sư nghiên cứu học hỏi về lẽ thiền, công phu tu tập có nhiều tiến bộ, muốn cầu được hòa thượng ân sư truyền pháp. Hòa thượng không đồng ý, khiến ông cũng có chút oán trách.
Sau khi hòa thượng viên tịch, trải qua đến 20 năm sau, vị tăng ấy một hôm tình cờ trong lúc đi dọc theo bờ sông, bỗng nhìn thấy từ xa ở phía bờ bên kia có một người con gái đang rửa chân, trong lòng hốt nhiên khởi lên tà niệm, thấy đôi chân người con gái kia có làn da trắng đẹp quá! Ngay lúc ấy bỗng thấy hòa thượng ân sư hiện ra bên cạnh, nghiêm khắc gặn hỏi: “Tâm niệm vừa rồi của ông có thể nhận truyền y bát tổ sư được chăng?” Vị tăng hết sức hổ thẹn, quỳ lạy cầu xin sám hối
Lời bàn
Nói theo người thế tục thì tâm niệm ấy bất quá chỉ là một lỗi hết sức nhỏ nhặt. Nhưng nếu luận theo giới luật của người xuất gia thì tâm niệm ấy đã là phạm giới rồi. Khắp trong sáu tầng trời thuộc cõi Dục, chúng sinh không giống như ở cõi người, được hưởng phước báo càng lớn thì tâm tham dục càng giảm đi. Đến như trên cõi trời Hóa lạc thì chúng sinh khác giới tính bất quá chỉ nhìn nhau thôi đã đủ thỏa mãn lòng dục, không cần nói năng đùa cợt. Lại cao hơn thế nữa, đến cõi trời Tha hóa tự tại thì nam nữ chỉ cần được nghe âm thanh, hay ngửi mùi hương của nhau cũng đủ để thỏa mãn lòng dục, không cần phải đưa mắt nhìn nhau nữa. Thật chẳng giống như người thế gian đắm chìm trong tham dục luyến ái, đến nỗi ham muốn không hề biết mệt mỏi! 
Phát nguyện không ăn thịt trâu 
Vào triều Thanh, tại huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô có một viên thư lại họ Vương. Vào năm Đinh Dậu thuộc niên hiệu Thuận Trị, vì chuyện ghi chép lương tiền có sai sót nên bị giam rồi chết trong ngục Bắc Đô. 
Đến tháng tư niên hiệu Khang Hy năm thứ hai, có con trai của Kim Thái là Hán Quang, người Tô Châu, từ kinh thành đi thuyền về quê. Thuyền vừa đi qua bến Trương Gia bỗng nghe có tiếng người gọi: “Tôi là người họ Vương ở Vô Tích, xin được đi nhờ thuyền.” Hán Quang đồng ý, cho thuyền ghé vào, nhưng chẳng thấy ai cả. Thuyền ra đi, lại nghe có tiếng gọi như trước. Hán Quang lên tiếng hỏi, liền nghe tiếng họ Vương đáp thật rằng: “Tôi là quỷ chết oan, thuyền ông đậu xa bờ quá nên tôi không lên được.” Người trên thuyền nghe như vậy đều kinh hãi. Quỷ họ Vương liền nói: “Không sao đâu, cho tôi ngồi ở mạn thuyền là được.”
Hán Quang cho ghé thuyền lại vào sát bờ, liền nghe như có người nhảy lên thuyền. Thuyền vừa đi chưa bao lâu, chợt lại nghe tiếng quỷ kêu lên. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Tôi bỏ quên cái túi nhỏ trên bờ sông rồi. Trong đó có sổ ghi chép lương tiền các khoản, về nhà có người tra hỏi, cần phải lấy đó làm bằng chứng. Xin cho tôi trở lại để lấy.” Hán Quang liền chiều ý.
Sau đó thuyền đi tiếp được 3 ngày, lúc trời sắp tối bỗng nghe quỷ nói: “Xin tạm dừng thuyền, trên bờ chỗ kia có đàn phổ trai, tôi muốn đến dự.” Hán Quang không hiểu, hỏi: “Phổ trai là gì?” Quỷ đáp: “Người đời thường gọi là thí thực, tức là bố thí thức ăn.” Hán Quang liền ghé thuyền cho quỷ đi. Vừa đi được chốc lát đã trở lại ngay, nói: “Bồ Tát Quán Âm làm chủ đàn, không có phần cơm cho tôi, vì ngày trước tôi thích ăn thịt trâu. Mỗi khi Bồ Tát chủ đàn, tất cả những người ham thích thịt trâu đều không được vào ăn.” Hán Quang nghe như thế kinh hãi nói: “Có chuyện như vậy thật sao? Tôi vốn thường ăn thịt trâu, từ nay xin bỏ.” Chốc lát sau, nghe tiếng quỷ khóc lớn. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Vì ông phát tâm giữ giới không ăn thịt trâu, nên thần chứng giới đàn từ cõi trời sắp đến, tôi không thể ở đây được nữa.” Hán Quang liền hỏi: “Vậy ông làm sao về nhà?” Quỷ đáp: “Tôi phải chờ thuyền khác thôi.” Hán Quang dừng thuyền, quỷ lẳng lặng rời đi.
Lời bàn
Hán Quang mở lời kiêng ăn thịt trâu, vừa nói ra thì thần chứng giới đàn đã đến, có thể thấy rằng mỗi khi khởi tâm động niệm thì trời đất đều biết, ghi rõ thiện ác, mảy may không sai lệch. 
Xưa, danh tướng Thích Kế Quang mỗi ngày đều tụng kinh Kim Cang. Có một con quỷ báo mộng với ông, xin được tụng cho một quyển kinh để cầu siêu. Lúc Kế Quang đang tụng kinh, có con hầu gái mang trà đến, ông bèn khoát tay ý nói “không dùng”. Đêm đó mộng thấy quỷ hiện về nói: “Ông tụng kinh hay lắm, nhưng vì có thừa ra hai chữ ‘không dùng’ nên nguyện lực không thành tựu, tôi chưa thể được siêu thoát.” 
Hôm sau, Kế Quang chí thành tụng kinh, không khởi niệm gì khác. Đêm đó mộng thấy con con quỷ ấy hiện đến cảm tạ, nói rằng nhờ công đức tụng kinh đã được siêu thoát
Ấy là vì quỷ thần phần nhiều đều có khả năng biết được ý nghĩ con người, nên mỗi khi khởi tâm động niệm, quỷ thần đều rõ biết con người đang nghĩ việc gì. Người đời hiện nay từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, những ý niệm tội lỗi như giết hại, trộm cắp, dâm dục, dối trá, cho đến mười nghiệp ác, năm tội nghịch... nhiều không xiết kể, làm sao có thể không bị trời đất trừng phạt, quỷ thần giận dữ? Cho nên, những lúc “một mình tự xét” không thể không hết sức thận trọng
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189050)
01/04/2012(Xem: 34550)
08/11/2018(Xem: 13449)
08/02/2015(Xem: 51664)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.