AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ GIẾT HẠI
Nguyên tác: Vạn thiện tiên tư tập
Chu An Sỹ - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Quyển Bốn - Những điều tinh tế nên thận trọng lưu ý
Những điều khi làm quan nên cấm
Người được làm quan là nhờ trải qua nhiều đời tu tập lòng từ, tu sửa đức độ, nên ngày hôm nay mới nhất thời được hưởng quan tước vinh hiển. Vì thế nên phải nhận lấy trách nhiệm hết lòng thương yêu nhân dân, bảo vệ muôn vật để không phụ ân sủng của triều đình.
Chỉ lấy riêng một việc cấm giết mổ súc vật mà nói, trong đó cũng che giấu nhiều điều lọc lừa dối trá khó nói hết. Xưa nay nha dịch thường quen thói dối lừa không thật, khiến cho quan trên dù sáng suốt vẫn thường rơi vào cảnh bị người giễu cợt.
- Người làm quan gặp những ngày như sinh nhật hoàng đế, lễ tiết trong năm, cho đến những ngày kỵ giỗ chung của cả nước, thì cần phải dự tính và ban lệnh cấm giết mổ từ trước đó.
- Cấm giết thịt trâu cày, vốn là lệnh cấm theo chiếu lệnh triều đình, bất kỳ vương công, quan thuộc, tất cả các cấp đều phải vâng theo nghiêm túc, không thể chỉ làm chiếu lệ. Cho nên, ngay khi vừa mới nhận chức quan, cần phải tập hợp tất cả nhân dân trong địa hạt mà ban bố, giải thích rõ lệnh cấm này.
- Cấm nhà đồ tể giết mổ trâu bò, không bằng ban lệnh cấm tất cả các nhà chung quanh [không được mua bán thịt trâu bò]. Các nhà chung quanh đã sợ tội [không dám mua bán], thì nhà giết mổ tự nhiên cũng phải buông dao.
- Các loại da trâu, xương trâu, sừng trâu, dây gân trâu... cần dùng trong quân đội chỉ một, hai phần, nhưng được dùng trong dân gian đến tám, chín phần. Nhu cầu lớn, ắt sẽ có người lén lút giết mổ. Vì thế, các vật dụng có dùng đến da trâu, xương trâu, sừng trâu... mà có thể dùng các loại tre trúc, cây gỗ để thay thế, nên hiểu dụ các nơi chế tạo, khuyến khích họ sử dụng các vật liệu thay thế này.
- Vào thời bình, không nên cho phép dân thường chứa giữ các loại binh khí đao kiếm, cung tên. Nên ban lệnh cấm đến các địa phương, không được phép tự ý chế tạo, mua bán đao kiếm, cung tên...
- Chó giữ nhà cùng những loài vật dưới nước như lươn, ếch, rùa, ốc... các loại xét thấy có thể cấm hẳn việc giết mổ, đánh bắt, thì cũng nên chính thức đưa vào bảng cấm.
- Đối với các nha dịch làm nhiệm vụ truy bắt, phải chọn người có tài đức, năng lực, phân công thay nhau tuần sát cũng như bí mật dò xét, nếu bắt được kẻ vi phạm lệnh cấm, nên áp dụng chế độ phạt tiền và dùng tiền đó thưởng cho người có công bắt được.
- Dân chài lưới sống trên thuyền bấp bênh không nơi nương tựa, sở dĩ không thể cấm hẳn được là do những vùng sông nước hiện nay áp dụng thuế khóa cao. Nếu có thể tâu xin triều đình miễn trừ thuế khóa, lại khuyến khích ngư dân khai khẩn đất hoang ven sông, ắt lợi tức thu hoạch được từ ruộng đất sẽ vượt xa hơn hẳn việc đánh bắt tôm cá trên sông. Như vậy, chẳng những vĩnh viễn chấm dứt được sự tàn hại sinh linh, mà còn làm tăng được nguồn thu thuế ruộng cho đất nước, đó là một việc làm mà được lợi cả đôi đường.
- Những vị quan nào biết quý tiếc, thương xót vật mạng thì trong khắp địa phương do mình cai quản, ở những nơi sông suối ven đô, ngoại thành, đều nên thiết lập những khúc sông dành cho việc phóng sinh, khắc bia đá ghi chép rõ ràng để lại cho người đời sau được biết.
- Mỗi năm vào tháng mùa đông nên thông báo cho cư dân địa phương đều được rõ, không cho phép ngăn dòng tát nước bắt tôm cá. Nếu đã thiết lập những khúc sông dành cho việc phóng sinh, cần phải thường xuyên cho người kiểm soát.
- Những khi nước lớn vừa rút, người dân thường dựng đăng tre trên sông bắt cá, không biết rằng việc ấy làm ảnh hưởng dòng chảy của sông. Khi có nhiều người dựng đăng thả lờ, dòng nước nhất định sẽ chảy chậm lại, nếu có mưa lớn bất ngờ đổ xuống, nước không rút kịp, lúa thóc trên đồng ruộng ắt phải chịu thiệt hại lớn. Vì thế, trong khoảng giao thời giữa mùa hạ và mùa thu phải có sự kiểm tra hằng ngày, vừa phát hiện thì phá bỏ ngay.
- Những chốn núi sâu đồng hoang thường là nơi bọn tội phạm, kẻ gian tà lẩn trốn. Bọn chúng thường trang bị vũ khí như quân đội nhưng giả danh làm người săn bắn. Nếu có thể áp dụng lệnh cấm [săn bắn], ấy là bảo vệ được sinh linh, mà kỳ thật cũng là chặn đứng được mưu đồ của bọn chúng.
- Bọn người bắt chó bắn chim, hầu hết đều là những kẻ du thủ du thực, nếu bắt được nên khuyên bảo họ tìm nghề chân chánh mưu sinh. Nếu khuyên bảo nhiều lần không nghe, vẫn còn tái phạm, nên trị tội thật nghiêm khắc.
- Việc cấm giết mổ là điều tốt lành, không ngại làm nhiều lần, nếu gặp những khi trời khô hạn ít mưa, hoặc nhân ngày sinh của cha mẹ cũng nên áp dụng.
- Các vị thần linh dưới nước trên bộ, người quân tử chỉ nên cung kính mà tránh xa. Thân là mệnh quan triều đình, không nên trực tiếp đến thắp hương cầu đảo, cúng tế, làm khơi dậy ý tưởng giết hại vật mạng [để cúng tế] nơi người khác. Ví như có những người dân trong địa phương cùng nhau đứng tên cáo trình, xin lập miếu thờ các hạng thần linh nhận cúng tế bằng máu thịt chúng sinh, nhất định không thể chuẩn thuận.
- Vào những ngày cúng tế các vị thần, thường có những thị dân cùng nhóm họp thành hội, thành toán, [quyên góp tiền bạc,] giết mổ vật tế, trịnh trọng tế lễ cầu đảo. Tế lễ xong thì cùng nhau rượu thịt no say, rồi rước tượng thần đi dạo quanh phố chợ, khiến cho những người dân hiếu kỳ chen nhau đi xem, giẫm đạp lẫn nhau, thật là đau đớn đáng giận. Quan phủ địa phương nên nghiêm cấm việc này, đừng để lâu ngày thành hủ tục khó dứt.
- Những bọn đồng cốt, bói toán, thường dối gạt bịa đặt chuyện họa phúc, xui người cầu đảo cúng tế, nhưng người bình dân ít học lại hết sức tin theo, vì thế nên đối với lời nói của bọn họ đều không dám bỏ qua, khiến cho kẻ mang bệnh thì không thuyên giảm, kẻ không có bệnh lại sớm rơi vào cảnh đói nghèo túng thiếu, thường thường vẫn là như vậy. Quan phụ mẫu có đức hiếu sinh nên dùng pháp luật mà trừng trị những trường hợp này.
- Những bậc có lòng trung hiếu tiết nghĩa, người dân vì họ xây dựng miếu thờ, tất nhiên rất đáng ngợi khen khích lệ, để tạo thành phong tục tốt đẹp. Tuy nhiên, đã có miếu thờ ắt theo lệ xưa nay sẽ có hai kỳ tế tự xuân thu, nên từ đó về sau sẽ giết hại vật mạng nhiều vô số, không lúc nào dừng, như thế đâu phải là ý muốn của kẻ nhân từ đức độ? Vì thế, nếu là quan phủ có đức hiếu sinh, nên có sự thay đổi, cho phép những trường hợp ấy được ghi vào sử sách nhưng không nhất thiết phải dựng thành miếu thờ.
- Những nhà có việc thưa kiện, trước hết vì việc chiêu đãi kẻ chức quyền nên không một ngày nào mà không giết hại vật mạng. Vì thế, việc thưa kiện càng ít, ắt vật mạng bị giết hại cũng ít. Cho nên, quan phụ mẫu có đức hiếu sinh không thể xem nhẹ việc chuẩn nhận các đơn thưa kiện.
- Quan viên có đức hiếu sinh thì trước khi chuyển đi nơi khác, vào ngày cuối cùng nên đem những phương pháp bảo vệ vật mạng mà mình đã áp dụng, khẩn thiết ân cần chuyển giao, dặn dò lại vị quan kế nhiệm.
Phần 45: Những điều nên áp dụng trong gia đình
Thế gian suy mạt ít có nhà hiền lương tốt đẹp, cõi thiên cung thì phước báu càng tăng. Tôi thường nghe rằng, một việc lành có thể hóa giải điềm dữ, huống chi có thể ban ơn cứu nhiều mạng sống? Ông bà cha mẹ trước có kiên trì giữ giới không giết hại, thì cháu con về sau mới có thể noi theo khuôn phép. Đừng xem nhẹ sinh mạng nhỏ nhoi của muôn loài vật, xin hãy thử lắng nghe kẻ quê mùa này.
- Người có đức hiếu sinh thì ngay trong gia đình mình nên có sự giáo hóa bằng đạo lý nhân từ, khiến cho tất cả mọi người, trên dưới già trẻ lớn bé đều không bao giờ nghĩ đến việc giết hại vật mạng, đó là điều đáng quý nhất.
- Vào những ngày kỵ giỗ, sinh nhật, nên thiết lập thành thông lệ, thường mua vật mạng phóng sinh.
- Gia đình tu tích phước đức nhiều đời, nếu muốn cảm hóa những người trong tộc họ, không gì hơn là ngay trong gia phả của tộc họ cùng thảo luận đưa vào một bản công ước để tất cả mọi người cùng tuân theo. Trong đó quy định rõ, người trong tộc họ dù nghèo khổ phải tìm việc mưu sinh cũng nhất quyết không được làm các nghề đồ tể, mua bán rượu thịt, làm đầu bếp, lưới cá, săn bắn, bẫy thú... hết thảy các nghề liên quan đến giết hại vật mạng đều không được làm. Cũng không được làm nghề chế tạo các công cụ giết hại chim cá cầm thú như lưới, nơm, chỉa đâm, cung tên, súng, lồng nhốt thú... Nếu có người trong tộc họ vi phạm vào công ước này thì vị trưởng tộc sẽ nhóm họp tất cả mọi người nơi từ đường của tộc họ và nghiêm trị kẻ vi phạm về tội bất hiếu.
- Đối với những người giúp việc trong gia đình, nếu có ai theo các nghề nghiệp giết hại vật mạng, phải khuyên bảo họ gấp rút sửa đổi, nếu không nghe liền trục xuất ra khỏi nhà.
- Người dân thường sở dĩ dám dựng đăng, đặt lờ bắt cá giữa sông [vi phạm lệnh cấm], thường là dựa vào các nhà hào phú quyền thế. Nhà quyền thế tham mối lợi từ những lễ vật biếu xén nên buông thả cho họ phạm pháp, tạo nghiệp giết hại. Người có đức hiếu sinh phải thận trọng giữ mình, chớ tham mối lợi ấy.
- Một số vùng ven biển có lệ, điền chủ khi thu tô thuế của tá điền, mỗi mẫu đất đều kèm theo một số gà vịt. Nên khuyên các nhà có ruộng thay đổi lệ ấy, chuyển sang dùng các vật phẩm thay thế khác.
- Gà, chó, chim ưng, mèo, cá vàng, dế đá... cùng những con vật làm hại đến vật khác, đều không nên nuôi dưỡng trong nhà.
- Lúa chưa xay thành gạo thì dù để qua năm cũng không thay đổi mùi vị, sang mùa hạ mùa thu, cần dùng lúc nào thì xay ra lúc ấy, mùi vị không khác gạo mới, lại không có sâu mọt sinh ra. Vì thế, thay vì tích trữ gạo thì nên tích trữ lúa.
- Sâu mọt sinh ra trong gạo, đa phần đều bị chết trong lúc mang ra làm sạch, vo gạo nấu thành cơm. Vì thế, nên tính toán trước số gạo sẽ dùng mỗi ngày, lấy ra trước đó vài ba hôm, trải mỏng hong trên mặt đồ chứa, để cho sâu mọt có cơ hội bò thoát đi hết rồi mới dùng đến. Nếu vẫn còn sót lại con nào, nên dùng một món đồ chứa đã bỏ đi để cho chúng vào đó.
- Trong gạo còn có một loại trùng cực nhỏ, chỉ như lớp phấn bao quanh hạt gạo, số lượng nhiều vô cùng. Loại trùng này thường do gạo để gần chất gỗ ẩm ướt mà sinh ra. Vì thế, nắp gỗ đậy trên khạp gạo phải giữ thật khô ráo. Dụng cụ để hong gạo trước khi nấu cũng vậy.
- Nắp gỗ đậy khạp gạo nên cất riêng một nơi, sang năm sau dùng lại, [đừng dùng làm củi đốt]. Như vậy không chỉ tránh cho trùng sinh ra trong gỗ không bị đốt cháy, mà còn giúp giữ cho gạo có màu trắng sạch.
- Không nên chất củi ở gần nơi đặt khạp gạo, vì trong gạo có rất nhiều những con trùng nhỏ, nếu đặt gần củi, chúng sẽ chui vào trong củi [sau đó phải bị đốt cháy].
- Lúa mạch chứa trữ rất dễ sinh ra sâu bướm, nên mang phơi ngoài nắng nóng khoảng vài ba hôm cho chúng đi hết rồi mới chứa vào vựa. Sau khi cất chứa trong vựa, phải tránh không cho gió vào [gây ẩm]. Nếu số lượng quá ít không đủ cho vào vựa, phải chứa trong khạp thì nên rải một ít tro trên bề mặt để hút ẩm. Trong trường hợp lúa mạch sinh ra quá nhiều sâu bướm, nên cho vào một vật chứa riêng biệt để đợi chúng đi hết.
- Chứa củi trong bếp nên chọn nơi thật khô ráo. Phần củi ở dưới cùng thường ẩm thấp sinh trùng, mỗi ngày nên mang ra phơi nắng một lần trước khi dùng để nấu nướng. Mỗi khi cần dập lửa, không được dùng nước có trùng trong đó, cũng không được ném củi cháy vào chỗ đất có trùng sinh sống.
- Vào mùa hè cúng tế táo thần, hoặc nơi phần mộ tổ tiên, thường đốt giấy vàng bạc có thể làm hại đến sinh mạng những loài côn trùng nhỏ trên mặt đất bị đốt. Vì thế, nên chọn chỗ đất cứng chắc, quét sạch đôi ba lượt rồi nhanh chóng đốt ở trên đó, để côn trùng không kịp tìm đến mà bị hại.
- Khi làm tương nếu dùng nước mưa hứng vào tiết vũ thủy thì vị ngọt mà ít sinh trùng. Nếu phát hiện trong tương có trùng, nên chứa riêng ra một khạp, tìm cách tách hết trùng ra rồi mới cho vào lại. Nếu trong giấm ăn có sinh trùng cũng làm như vậy.
- Trong mùa hè, các loại bột mì, bột gạo, bánh bột cùng các loại thức ăn ngon được lưu trữ, thỉnh thoảng đều nên mang ra phơi nắng [để tránh sinh trùng].
- Vào mùa hè, các dược liệu chứa trữ cũng rất dễ sinh trùng, người bào chế thuốc phải hết sức thận trọng.
- Mỗi khi cắt tóc vụn không nên ném bỏ xuống sông, vì tóc vụn vào bên trong vỏ các loại sò, ốc, hến thì chúng sẽ bị tóc đâm mà chết.
- Những nô tỳ giúp việc thường ghét kiến bò lên bếp, một khi nhìn thấy ắt ra tay giết sạch. Nếu mỗi buổi chiều đều chứa đầy nước trong nồi thì kiến sẽ không thể vào nồi rồi bò qua bếp.
- Vào mùa hè, những người giúp việc trong nhà thường nhóm lửa trong các phòng để xua muỗi, nhân đó rất dễ gây ra hỏa hoạn, nên phạt nặng việc này.
- Nước gội đầu hoặc tắm rửa đều có hơi nóng, không được tùy tiện đổ tràn trên đất, vì các tháng mùa hè thì khắp nơi trên mặt đất đều có các loại trùng nhỏ sinh sống.
- Khi rửa các thứ ướp muối cũng như đồ vật đựng muối, phải dùng nước trong pha loãng đi rồi mới được đổ lên mặt đất.
Phần 46: Những điều nên áp dụng vào các dịp lễ mừng
Con người gặp dịp mừng vui thì chúng sinh nhiều loài phải rơi lệ đối mặt với bi thương thảm khốc. Tấm thân nhỏ nhoi một khi đã bị chủ quyết định phải dâng lên đãi khách thì mỗi đêm còn được sống phải ngàn lần run sợ. Ai biết trước chuyện nghiệp duyên rồi sẽ gặp lại, oán cừu lần lượt tìm nhau? Khi ấy e rằng đã mang lông đội sừng, có miệng không thể nói thành lời, rồi cũng phải cúi đầu chịu dắt lôi vào chỗ chết, [có khác gì những con vật hôm nay]?
- Người có đức hiếu sinh, khi bản thân đang được vinh hiển phú quý, gặp những dịp lễ mừng của quan chức đương triều, nếu có thể dùng các món lễ vật khác để chúc mừng thay cho rượu thịt thì nên làm như vậy.
- Quan chức từ xa xôi tìm đến thăm, nên dùng các bức họa, thư pháp, đồ cổ quý giá cùng các sách khuyến thiện để trao tặng. Nếu bất đắc dĩ phải bày tiệc khoản đãi cũng không được giết hại vật mạng.
- Quan phủ lui tới nên cung kính đủ lễ, nhưng không được dùng lễ vật là những con vật còn sống.
- Lễ mừng thọ của cha mẹ, nếu thân hữu có góp tiền mừng thọ, nên mang số tiền ấy làm việc thiện, phải liệt kê đầy đủ họ tên những người góp tiền.
- Lễ chúc thọ ngày nay thường liên hệ đến phong thái kiêu căng của con người thời suy mạt. Người xưa hơn sáu mươi tuổi còn chưa chúc thọ, huống chi những kẻ chỉ mới ba, bốn mươi tuổi? Nếu không muốn làm trái thế tục, ít nhất cũng nên đợi trên sáu mươi tuổi, sau đó cứ mười năm mừng thọ một lần còn có thể được.
- Bạn bè thân quyến nếu có người sắp lên đường dự thi, hoặc đi nhậm chức, hoặc đi buôn bán xa, không thể không có sự tiễn biệt, nên dùng tiền bạc, quà biếu để thay cho yến tiệc linh đình, như vậy thì đôi bên đều được phước [vì tránh được sự giết hại] .
- Khi người thân gặp chuyện tốt đẹp, lúc đã đạt được rồi cũng không cần phải hối hả chúc mừng. Vì nếu điều tốt đẹp quả thật thuộc về mình, càng không nên phô trương ra bên ngoài.
- Học trò chuẩn bị đi thi Hương, thi Hội, phần lớn là bạn bè thân quyến cùng nhau góp tiền rồi tổ chức cúng tế cầu đảo Văn Xương Đế quân, Quan Thánh Đế quân. Người thấu hiểu lý lẽ phải hết sức từ chối, ngăn chặn việc này.
- Trong nhà gặp chuyện tốt đẹp, bất đắc dĩ phải bày tiệc mừng, nên hạn định trước số bàn tiệc. Nếu nhằm các ngày rằm, mồng một, nên dùng các loại rau quả tinh sạch [thay cho thịt cá].
- Vùng Giang Bắc có tục lệ mỗi khi bày tiệc đãi khách luôn chuẩn bị sẵn mấy mâm cơm chay. Như vậy chẳng những tu tích phước đức, mà cũng tiện cho những thân hữu ăn chay. Cách làm đó rất tốt, người có đức hiếu sinh nên bắt chước làm theo, duy trì thành một phong tục tốt đẹp.
- Thân hữu ở xa có việc mừng, bất đắc dĩ phải thân hành đến chúc mừng, không nên mang theo quá đông người.
- Nếu thân hữu đặc biệt muốn bày tiệc chiêu đãi riêng mình thì trước đó vài ba hôm nên tìm cách nói rõ cho người ấy biết, hoặc từ chối vì mình gặp kỳ ăn chay, hoặc từ chối rằng mình chỉ ăn đúng bữa, hoặc từ chối vì không ăn con vật giết riêng để đãi mình, nhờ đó có thể giúp giảm bớt rất nhiều sự giết hại.
- Đến dự tiệc ở nhà người khác, nếu thấy họ vì mình mà giết hại vật mạng rất nhiều, người có đức hiếu sinh nên buông đũa đứng dậy, vái chào mà về.
- Nếu có bạn bè thân quyến mắc bệnh, người có đức hiếu sinh không nên bày chuyện thu góp tiền bạc cúng tế cầu đảo tà thần ác quỷ. Nếu có người khác đem việc ấy bàn bạc kêu gọi mình đóng góp, nên đem lời Phật dạy mà trình bày rõ ràng với họ, chỉ rõ lẽ nhân quả, nói cho họ biết việc quỷ thần không hưởng đồ phi lễ, nêu rõ việc sống chết đều do nghiệp lực đã tạo quyết định, khiến cho người ấy tự biết nghĩ lại mà từ bỏ việc ấy, được như vậy là tốt nhất.
- Nhà giàu có những khi nạp thê thiếp, người đến chúc mừng thường có cả những bọn không biết xấu hổ, đòi bày tiệc rượu mừng. Thói xấu ấy phải thận trọng không được tán thành nuôi dưỡng.
Phần 47: Những điều nên áp dụng trong việc cưới hỏi
Nam nữ đôi bên, do nhân duyên ngẫu nhiên hòa hợp kết thành hôn nhân, nguyện sống cùng nhau đến răng long đầu bạc. Ngày hợp hôn tốt đẹp, khí lành bao phủ khắp nhà trong sân trước, nhưng tiếc thay chuyện nấu nướng giết hại vật mạng lại càng thêm quá độ. Thương thay cho những lứa đôi trong loài vật, cũng là duyên vợ chồng thắm thiết, nhưng chỉ do đời trước thiếu tâm từ nên hôm nay phải cùng nhau đền mạng.
- Con em nhà mình lo việc cưới hỏi chưa xong thì không nên dễ duôi lui tới bên nhà gái, [vì khiến họ phải lo việc đãi đằng mà giết hại vật mạng].
- Nhà giàu có quan quyền, mỗi khi có việc hôn sự thường thết đãi tiệc rượu linh đình, nhân đó mà trai gái đùa bỡn cợt nhã trở thành hỗn tạp không nghiêm túc, gây hại không nhỏ. Chỉ vì người ta không nghĩ đến việc hôn nhân là một nghi lễ tốt đẹp mà ngay từ ngày khởi đầu đã khởi ra cả một cuộc bỡn cợt hí lộng, liệu còn điều gì có thể là chẳng lành hơn thế nữa, thật đáng ngăn ngừa biết bao!
- Mỗi khi cưới vợ, người ta thường có tục dùng vật sống cúng tế cầu đảo các thần Ngũ thánh. Cúng tế cầu đảo xong rồi mới làm lễ thành hôn, bày tiệc đãi khách. Sở dĩ có việc tạc tượng gỗ mà thờ các tà thần này, chỉ nhân vì có truyền thuyết “ngũ thánh gặt lúa”, dân gian dựa vào đó mà cúng tế không thôi. Nếu là người tốt, có hiểu biết, sao có thể làm theo như vậy? Nên dứt bỏ hoàn toàn hủ tục ấy đi.
- Mỗi khi tổ chức hôn nhân, bày tiệc đãi khách cũng là lễ tục không thể bỏ, nhưng cách làm mỗi ngày một thêm xa xỉ, khách mời càng thêm đông đúc. Nếu muốn duy trì phong tục tốt đẹp, nên lấy việc kiệm ước làm quy tắc.
- Trong việc hôn nhân, lễ tục xưa quy định nhiều lễ như lễ thân nghênh, lễ tam triêu, lễ mãn nguyệt, lễ quy trữ... đều có thể tổ chức giản dị hơn, không nhất thiết phải bày tiệc đãi khách.
- Trong việc tổ chức hôn lễ, trừ ra những người thân thích cố cựu, bất đắc dĩ không thể không mời, ngoài ra không nên lạm dụng dịp này để mời mọc quan khách quá nhiều.
- Những người mai mối, những kẻ làm bếp, khi đến nhà trai thường nói nhiều về việc nhà gái tổ chức đãi đằng linh đình thịnh soạn, đến nhà gái lại cũng nói về nhà trai như vậy. Qua lại giữa hai nhà, chung quy đều muốn xúi giục việc tổ chức ăn uống cho thật linh đình. Phải thận trọng đừng để họ mê hoặc lừa bịp.
- Đối với những người giúp việc nghi lễ, âm nhạc, bếp núc... trong hôn sự, nên đơn giản chuyện ăn uống, đừng quá thịnh soạn linh đình, nhưng tặng thưởng tiền bạc xứng đáng cho công lao của họ.
Phần 48: Những điều nên áp dụng trong việc tang ma
Một khi có người thân qua đời, chỉ cần nghĩ đến việc giọng nói tiếng cười của người ấy từ nay không bao giờ còn được nghe lại nữa, thì sự buồn rầu đã bao trùm như sương mùa thu, như móc mùa xuân. Trong lúc ấy lại giết hại vật mạng dâng lên cúng tế để mong hương hồn người chết quay về thọ hưởng, thật chẳng biết rằng như thế chỉ ngược lại làm tăng thêm oan nghiệt cho người đã khuất. Sao bằng kính vâng lời Phật dạy, kiên trì giữ theo Năm giới, quy y Tam bảo. Người đã khuất như còn chưa siêu độ, tấm lòng con cái vẫn chưa yên. Phận làm con phải khắc cốt ghi tâm như vậy.
- Một khi cha mẹ qua đời, phải kiêng giữ không làm chuyện phòng the, dứt bỏ hoàn toàn rượu thịt, tất cả người thân trong gia đình đều phải ăn chay ít nhất trong 49 ngày, chí thành tụng kinh niệm Phật, việc cúng tế chỉ được dùng rau quả.
- Người giàu có quyền thế, một khi gặp tang sự ắt có rất nhiều khách đến điếu viếng, cúng tế người chết, giết hại vật mạng nhiều không kể xiết. Vì thế, trước hết nên cho viết bốn chữ lớn “không cúng đồ mặn” dán ngay trước cửa. Nếu có người vẫn mang những đồ cúng như heo quay, gà luộc v.v... thì phải nhất quyết cự tuyệt.
- Người xưa thọ tang cha mẹ, sau ngày tuần giáp năm mới bắt đầu ăn uống rau quả bình thường. Trong thời gian một năm thọ tang, cơm rau còn không muốn ăn, huống chi lại có thể thỏa thích với những món cao lương mỹ vị hay sao? Vì thế, người làm con nếu thực sự nghĩ đến công ơn cha mẹ thì để tang cha mẹ nên phát nguyện ăn chay trong vòng ba năm.
- Những ngày lễ tiết, kỵ giỗ trong năm, nên hết lòng làm thiện tích phúc, hoặc tụng kinh, bố thí thức ăn, hoặc tạo tác thánh tượng, hoặc mua vật phóng sinh, nên tùy sức mà làm, nhưng nhất định không được giết hại vật mạng để cúng tế.
- Cha mẹ dù đã khuất, những ngày tưởng niệm, kỵ giỗ nên làm nhiều việc thiện, hồi hướng phước lành cho cha mẹ.
- Khi xây dựng hoặc tu sửa phần mộ cha mẹ, đối với công nhân xây dựng nên đợi xong việc rồi thưởng công bằng tiền xứng đáng, tuyệt đối không vì chiêu đãi họ mà giết hại vật mạng.
- Trong nghi lễ cúng tế phần mộ tổ tiên, việc dâng cúng chỉ nên dùng lụa giấy, không được nghe theo người khác bày chuyện hiến tế vật mạng. Bậc thiên tử thờ phụng tổ tiên còn hạn định không quá bảy đời, ngoài ra các đời trước nữa đều chuyển vào thờ chung với tông miếu tổ tiên. Đối với thường dân cúng tế tổ tiên xa xôi đời trước mà bày chuyện giết hại vật mạng hiến tế, đó là lạm dụng lễ nghi tế tự. Huống chi phong tục cúng tế nơi phần mộ theo nghi lễ thời xưa vốn thật không có, nay dù có muốn tùy thuận theo người đời nay mà cúng kính, cũng đâu nhất thiết phải giết hại vật mạng? Người con hiếu biết thương yêu cha mẹ ắt phải lấy việc tự mình nỗ lực tu sửa đức hạnh làm chính, không thể tin theo những việc sai lầm như vậy.
Phần 49: Những điều nên làm trong việc xây dựng
Trong việc xây dựng, lớn thì như thành quách, cung điện, dinh thự, nhỏ thì như mái tranh giậu trúc, chỉ riêng việc vận chuyển ngói gạch, vật liệu cũng đã gây họa lớn cho biết bao côn trùng kiến, dế... Xin đừng giết hại để khao đãi nhân công, khiến loài vật phải tan đàn xẻ nghé. Kẻ mê muội nghe qua lời này ắt phải sinh nghi, người có trí lo tu sửa vun bồi đức tốt.
- Việc tu sửa cung điện, đền đài, nhà cửa cho đến hết thảy những công trình xây dựng trong dân gian, nên chọn làm vào mùa đông, là lúc trăm loại côn trùng đều diệt mất.
- Hết thảy cầu đường, tự viện v.v... nếu không liên quan đến Tam bảo, lợi ích cho đời sống của người dân thì không nên khởi công xây dựng, tu sửa.
- Mỗi khi khởi công xây dựng thường có lệ dâng rượu cúng thổ thần, tốt nhất chỉ nên dùng rau quả.
- Khai mở hoặc nạo vét tu sửa kênh rạch sông ngòi, theo lệ thường phải tát cạn nước ở nơi thi công. Người phụ trách trước đó nên có sự chuẩn bị, yết bảng cấm rõ ràng, tránh tình trạng dân cư quanh vùng thừa dịp nước cạn đến bắt cá tôm.
- Trong lớp bùn dưới sông có rất nhiều loài vật sinh sống như ốc, trai, sò, hến... Nếu lớp bùn ấy bị đưa ra khỏi nước sông, tất cả đều phải chết. Vì thế, nếu phải tu sửa, đắp đê ven sông, nên chọn một nơi chuyên biệt lấy đất [thay vì vét bùn dưới sông để đắp]. Nếu không thể làm được như thế, thì nên chú ý trong lúc thi công có nhìn thấy con vật nào liền tìm cách cứu vớt.
- Tu sửa xây dựng phần mộ, phía trước nên chôn một tảng đá vuông lớn làm chỗ để đốt lụa giấy, nếu ngày sau quanh đó mọc đầy cỏ khô, có thể đốt giấy ở giữa tảng đá, cẩn thận không gây cháy lan. Nếu ở gần nhà dân, khi đốt giấy trước quan tài còn quàn tạm, càng phải hết sức thận trọng.
- Các loại thuyền bè bằng gỗ, bằng tre, khi dùng lâu dưới nước nhất định sẽ có các loại ốc bám vào bên dưới. Vì thế, trước khi có việc phải đưa lên cạn, cần chú ý gỡ sạch chúng ra thả xuống sông.
- Khi đập phá tường rào cũ, hoặc đốn cây lớn, nếu thấy các loài rắn, rết, bọ cạp... bò ra, nên lưu ý dặn dò những người làm công hãy thả cho chúng đi.
- Tháo dở nhà cũ, bên trong những kèo, cột, đòn tay v.v... thường có những chỗ gỗ mục, nhiều loại trùng, mối, mọt... sinh sống trong đó, không nên dùng ngay làm củi đốt. Đối với giậu tre, rào trúc... cũng tương tự như vậy.
- Khi tôi vôi bằng cách cho vôi sống vào nước, nên chọn chỗ đất sạch, không có trùng bọ. Nên sử dụng nước lấy từ dòng chảy, không nên dùng nước trong các ao, vũng tù đọng, vì nước tù đọng thường có nhiều loại thủy trùng sinh sống trong đó.
- Khi dùng bùn đắp vách, trong bùn thường có nhiều trùng nhỏ sinh sống. Thay vì vậy, nên chọn chỗ đất sạch, đào [bỏ lớp đất mặt, lấy sâu] xuống khoảng 6 tấc thì không có trùng, có thể dùng đất ấy nhồi thành bùn để sử dụng. Không được chọn những nơi gần ngòi rãnh, giếng nước đang sử dụng.
- Chung quanh các khoảng sân rộng nên khai nhiều mương rãnh thoát nước để không có nước đọng, không sinh ra các giống thủy trùng.
- Gạch, ngói, gỗ, đá dùng trong xây dựng, nếu chất chứa ở nơi ẩm thấp sẽ có nhiều côn trùng nhỏ chui rúc vào sống. Khi sử dụng đến cần có phương tiện khéo léo để bảo vệ chúng.
- Khi đắp bếp nấu ăn, nên dùng ba phần vôi khoáng, bảy phần bùn cát, trộn đều rồi đắp nền bên dưới, đặt bếp phía trên, như vậy thì về sau loài kiến sẽ không bò lên bếp.
- Bếp cũ dùng lâu năm thường có kiến chui rúc bên trong. Khi tu sửa, đắp bếp mới, trước đó một ngày nên đập vỡ bếp cũ, để cho kiến bò đi hết rồi hãy khởi công đắp bếp mới.
- Đòn tay bằng tre dưới mái tranh, ở những chỗ cong xuống vào mùa mưa thường đọng nước, nhân đó dễ sinh thủy trùng, nên dùng các đoạn tre thẳng chẻ ra tháp vào những nơi đó để hạn chế.
- Những nơi gần bờ sông không được làm nhà vệ sinh, vì sợ những loài trùng nhỏ trong sông nếu theo nước vào sẽ chết trong phẩn uế.
- Đối với việc ăn uống của nhân công khi xây dựng, tất nhiên rất khó để giảm bớt rượu thịt, nhưng nên dùng cá, thịt mua số nhiều ở chợ về ướp muối để dùng dần, [tránh được việc trực tiếp giết hại].
Phần 50: Những điều cần lưu ý khi sử dụng đồ chứa
Quan sát kỹ các loại đồ dùng để chứa đựng, [nếu có chứa nước thì] vào những tháng mùa hạ đều có nhiều loài trùng rất nhỏ sống trong đó. Một khi ngọn gió bấc sang mùa vừa thổi đến thì tất cả đều bỏ mạng, không thể sống qua đến tiết đông lạnh giá. Tuy nhiên, đang khi vẫn còn được sống thì chúng cũng biết tham sống sợ chết chẳng khác chi con người, nên đừng cho rằng việc bảo vệ mạng sống những sinh vật nhỏ nhoi ấy chẳng có công đức gì. Nên biết, tuy thân hình lớn nhỏ có khác nhau, nhưng sự tri giác, cảm nhận của vạn loại sinh linh đều không khác.
- Hết thảy các loại lu, hũ, vò chứa để ngoài sân, nếu không dùng đến đều nên úp xuống để chúng không tích chứa nước bên trong, sinh ra thủy trùng.
- Trong bếp thường có nhiều kiến là do mùi hôi tanh của thức ăn mời gọi chúng đến. Nên dặn dò những người làm bếp phải luôn giữ cho nhà bếp thật sạch sẽ, đó là cách để tránh được việc giết kiến.
- Các loại chén bát, mâm, nồi, chão... từng chứa qua dầu mỡ hoặc thức ăn tanh, không nên để ở những nơi thấp.
- Khi cất rượu, người thợ thường dùng nước sôi tráng rửa vò rượu. Nếu thấy trong vò có tích nước, chắc chắn có thủy trùng, nên nghiêng đổ nước ấy vào sông, hồ trước khi cho nước sôi vào rửa vò. Nếu có những con nhện nhỏ sống trong vò, nên bắt chúng thả ra bên ngoài.
- Loài muỗi rất ưa thích mùi rượu, thường chết chìm trong những nơi chứa rượu. Vì thế, các vò, hũ, bình đựng rượu đều nên đậy kỹ.
- Nước nóng, nước sôi không được đổ bừa lên những chỗ đất có côn trùng sinh sống hoặc bụi cỏ xanh tốt rậm rạp.
- Trước khi pha trà, nên mang những bồn đồng, chậu gỗ... dùng trong việc pha trà rửa trong nước hồ, sau đó hãy cho nước sôi vào pha trà.
- Vào mùa hè, trên mặt than củi thường có nhiều loại trùng nhỏ sinh sống, nên mang ra phơi nắng [để chúng tránh đi] trước khi cho vào lò đốt.
- Múc nước cho vào vò để cất rượu, tốt nhất nên dùng bát sứ màu trắng sạch.
- Lần đầu tiên chứa nước mưa vào lu, vại... nên cho vào một ít than sạch đang cháy đỏ, như vậy sẽ không sinh trùng. Nếu đã lỡ sinh trùng rồi thì nên dùng một khăn lụa mỏng bọc quanh bên ngoài giỏ tre rồi nhẹ nhàng đặt giỏ vào nước, lấy nước bên trong giỏ ấy mà dùng sẽ không có trùng, cứu được lũ trùng không bị mang đi nấu nước pha trà.
- Nước trong lu, vại... nếu có mùi hôi không thể dùng pha trà, gặp nơi sông, suối đều xa, đi lại không tiện, nên dùng giỏ tre bọc vải lụa mỏng chung quanh để lọc nước sẽ giảm thiểu được trùng trong nước, không phải vất vả ra sông ngay. Nếu làm thế vẫn không được, nên cho nước ấy vào một cái vại riêng rồi để mặc cho trùng sinh sống trong đó.
- Các lu, vại chứa nước đã sinh trùng nhiều trong đó, nên đậy kỹ không cho nước mưa từ mái nhà chảy vào, vì sợ khi mưa lớn nước tràn, thủy trùng bị cuốn theo ra ngoài sẽ chết.
- Hộp thiếc, bình sứ... nếu trước đây từng dùng chứa các loại thức ăn, mùi vị chưa thể mất hết, vào mùa nắng nóng ắt phát sinh các loại trùng nhỏ, nên khi dùng không được rót nước sôi vào ngay, [nên rửa qua trước bằng nước lạnh].
- Bình hoa, chén nước... đặt trên bàn, chỉ cần để qua vài hôm trong mùa nắng nóng là đã sinh trùng trong nước, vì thế không được mang đổ bừa ra đất.
- Đèn lửa thắp trong mùa hè thường có rất nhiều loại bướm đêm, thiêu thân bay vào chết, nên làm một cái giá gỗ nhỏ có khung bao quanh đèn, dùng lụa cực mỏng phủ kín lại. Nếu không, có thể dùng một chụp đồng mỏng có lỗ thông khí che kín phía trên đèn.
- Khi chế tạo các vật dụng, đồ chứa bằng tre trúc, cây gỗ, nên dùng các loại xuyên tiêu, lưu hoàng cho vào nước đun lên luộc qua, sẽ tránh không bị mọt ăn vào trong.
- Cán bút dùng vải xanh bọc kín sẽ không bị mọt ăn.
- Các loại áo, mũ bằng lông cừu, lông chồn, chỉ cần treo ở nơi thoáng gió, không gần chỗ có phấn hoa dương liễu, không gần chỗ chứa lúa gạo, thì không bị mọt ăn.
- Áo dạ dùng sinh dụ xát vào sẽ không bị mọt ăn.
- Các loại tre, trúc, cây gỗ, nếu muốn ngâm vào nước sông để tẩy rửa thì trước hết phải quan sát làm sạch những con vật nhỏ đang bám vào chúng. Khi ngâm dưới sông cũng không nên để qua đêm.
- Các vật dụng, đồ chứa sau khi ngâm rửa xong [phải úp xuống cho khô ráo,] không được chứa đầy nước sông bên trong.
Phần 51: Những điều cần lưu ý khi trồng cây
Hoa tươi rực rỡ khắp nơi, cỏ đẹp đầy sân xanh tốt, tĩnh tâm suy xét, đều có thể là nguyên nhân dẫn đến giết vật hại mạng, nhất là đến tiết thu mát mẻ thì càng xảy ra nhiều hơn nữa. Một khi nhìn thấy hoa thơm cỏ lạ, liền nghĩ ngay đến việc bày tiệc rượu đãi khách. Kẻ tham ăn thấy vậy đều hân hoan, còn loài vật thì do đó mà bỏ mạng!