Chương 18: Những bài viết ngắn

24/08/20163:59 CH(Xem: 7846)
Chương 18: Những bài viết ngắn

PHẬT GIÁO 
NHÌN TOÀN DIỆN 
Piyadassi Manhāthera | Phạm Kim Khánh dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

CHƯƠNG 18: 
NHỮNG BÀI VIẾT NGẮN

Dân ChủPhật Giáo

Nếu hiểu dân chủ theo ý nghĩa sâu xarộng rãi nhất của danh từ thì nó phải bao hàm ý niệm tự do của tâm. Nơi đây vấn đề này được khảo sát, không phải với mục đích đề cập đến dân chủ trong mọi sắc thái của nó trong đó cái tâm là nền tảng, mà với ý định hạn chế là chỉ rõ rằng lý tưởng dân chủlý tưởng tự do suy tư chằng chịt liên hệ mật thiết với nhau trong cơ cấu của Phật Giáo.

Nguyên tắc của dân chủ là gì? Một nền dân chủ thật sự phải có tự do ngôn luận; chánh quyền do dân làm chủ, một chánh phủ thay mặt dân, một quốc gia trong đó chánh quyền do dân bầu cử. Chánh thể dân chủ trong toà án tạo công lý bình đẳng cho tất cả mọi người: công minh, bình đẳng, quyền lợi, bằng nhau trên bình diện chánh trị.

Danh từ "Democracy" (dân chủ) bắt nguồn từ chữ Greek (Hy Lạp): demos (dân) + krateein (cai trị), do đó là một hình thức chánh phủ trong đó người dân có quyền và được xử dụng quyền chánh trị. Như vậy, một người dân chủ là người chủ trương, hay binh vực, một hình thức chánh phủ như vậy. Theo Harry Emerson Fosdick: "Dân chủ đặt căn bản trên niềm tin chắc rằng bên trong người dân thường, có những khả năng phi thường."

"Trong thế giới Tây Phương dân chủ bắt đầu tại Greece (Hy Lạp) khoảng năm 450 trước D.L., tức độ 2,500 năm trước đây, vào thời Đức Phật đản sanh ... giờ đây, bởi vì chánh thể dân chủ được thảo luận trong thời xa xưa Hy Lạp, nhiều người lầm tưởng rằng chế độ dân chủ khởi phát từ Hy Lạp. Đứng về mặt lịch sử, điều này không đúng. Đó chỉ là những ý niệm trong hiến pháp của họ ... Những đại tư tưởng gia nòng cốt, Socrates, Plato và Aristotle, thảo luận về dân chủ, nhưng bác bỏ, xem đó là không thích hợp cho một chánh phủ. Những ý niệm tân thời về đại diện dân chủ được phổ biến tại vùng Tây Âu vào thế kỷ mười chín và hai mươi và chúng ta thấy nhiều chế độ dân chủ đã được phát triển tại Âu Châu trong thời kỳ gần đây hơn. Đây không phải là một ghi chép rộng rãi lắm. Trên bình diện lịch sử, những người nghĩ rằng dân chủ đến từ Phương Tây đã sai lầm ...

"Những chế độ dân chủ không-phải-Tây-Phương đã bắt đầu tại Ấn Độ, trong làng 'Panchayats' ở nhiều nơi xa cách nhau vào khoảng 2300, 2400 hay 2500 năm trước đây. Vài nơi được phát triển do ảnh hưởng của Phật Giáo. Nhưng trong một thời gian lâu dài, các quốc gia Á Đông này do những nhà vua độc tài và chế độ thuộc địa cai trị cho đến thế kỷ hai mươi. Như vậy ta phải kết luận rằng nói rộng rãi về những hình thức chánh phủ, chế độ dân chủ có một lịch sử rất hạn hẹp bất cứ đâu trên thế giới, ở Á Đông cũng vậy. ở Á Đông có nhiều văn minh to lớn nhưng không có bao nhiêu dân chủ.

"Dầu sao, ngày nay bỗng nhiên nổi lên một làn sóng dân chủ trong thế giới Tây Phương. Nền dân chủ đã phát khởi trong nhiều thành phần thuộc Thế Giới Thứ Ba của vùng Đông Âu, và thời đại này đang trở thành thời đại dân chủ.

"Ta có thể nhận thấy trong giáo huấn của Đức Phật những điểm giống nhau giữa Phật Giáodân chủ. Ngài khuyên dạy lòng khoan dung đại lượng, ý niệm khơi dậy những cuộc thảo luận, quyền tự do lựa chọn rộng rãi, bình đẳng, bất bạo động, vô thường -- mỗi ý niệm ấy đều đi ngược dòng những tập tục thông thường vào thời của Ngài. Đó là những khái niệm cách mạngĐức Phật đưa vào từ 2,500 năm trước. Đó là những cải tiến trí thức trọng đại ... Nhưng tất cả đều có tánh cách dân chủ, trong nội dung cũng như tác ý."

(Trích từ một bài giảng của Giáo Sư Ralph Buultjens với đề tài "Buddhism and Democracy," được đăng trong Sunday Observer, ngày 15, tháng Bảy, năm 1990)

Một cuộc đàm thoại hứng thú giữa Đức Phật và vị thị giả Ànanda của Ngài được ghi trong Mahà Parinibbàna Sutta (Kinh Đại Niết Bàn), Dìgha Nikàya (Trường A Hàm) ii. 74. Đức Phật dạy người Vajjians bảy điều để ngăn ngừa quốc gia khỏi suy đồi. Ngỏ lời với Đức Ànanda Ngài nói như sau: "Này Ànanda, con có nghe rằng người dân Vajjian thường xuyênđều đặn gặp nhau trong những buổi họp mặt không?" "Vâng, Bạch Đức Thế Tôn, con có nghe như vậy." "Này Ànanda, ngày nào người Vajjian còn đều đặn và thường gặp nhau trong những buổi họp mặt, thì họ sẽ còn hưng thạnh và không suy đồi. Con có nghe rằng những người Vajjian họp mặt và giải tán ôn hoà thuận thảo và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết không?" "Bạch Đức Thế Tôn, con có nghe như vậy." "Này Ànanda, ngày nào mà người Vajjian họp mặt và giải tán ôn hòa thuận thảo và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết thì họ sẽ còn hưng thạnh, không suy đồi." (Để có thêm chi tiết, xin đọc Thus Have I Heard -- một bản dịch Dìgha Nikàya của Maurice Walshe, Wisdom Publication, London, trang 231 và Last Days of the Buddha, Kandy, BPS.)

Đây là tuyên ngôn xác định rõ ràng giá trị của một hình thức dân chủ mới mẻ trong những ngày cổ xưa.

Xứ Ấn Độ có những nhà vua Phật Giáo xuất chúng: Đại Đế Asoka vào thế kỷ thứ ba trước D.L., Kanishka vào thế kỷ thứ hai trước D.L., Harsha (Shìlàditya) vào thế kỷ thứ tám. Có những hệ thống chánh phủ Phật Giáo và những văn minh Phật Giáo quan trọng được phát triển.

Quả thật rõ ràng dân chủ có nghĩa là một hình thức chánh phủ trong đó mỗi tầng lớp dân chúng đều tham dự vào bằng cách chọn cử người đại diện; hoặc một quốc gia có loại chánh phủ tương tợ, đặc biệt là một xứ trong đó có tự do tư tưởngtự do ngôn luận. Theo nghĩa phổ thông ngày nay dân chủ thường có nghĩa là một quốc gia xã hội trong đó tất cả mọi người đều có quyền như nhau.

Như vậy, chế độ dân chủ hoàn toàn đối nghịch với chế độ độc đoán, vốn là một chánh phủ trong đó một người duy nhất nắm trọn quyền hành trong tay. Nói cách khác, là chuyên chế độc tài. Một chánh quyền chuyên chế độc tài bao hàm kiểm soát tất cả mọi sự việc dưới quyền mình và không cho phép đối nghịch. Trong quyển Why I am not a Christian, trang 135 Bertrand Russell viết:

Nguyên tắc của nền dân chủ tự do đã gợi cảm cho những người sáng lập hiến pháp Hoa Kỳ là những vấn đề tranh chấp nên được giải quyết bằng cách biện luận thay vì bằng bạo lực. Những người dân chủ luôn luôn chủ trương rằng ý kiến phải được thâu nhận xuyên qua cuộc tranh biện không bị ngăn trở, chớ không phải chỉ một bên được phép phát biểu. Các chánh phủ độc tài, thời xưa cũng như trong thời hiện đại, thì hành động ngược lại ... Nếu tôi nắm quyền hành tôi không nên tìm cách ngăn cản, không cho tiếng nói của những người đối nghịch được nghe. Tôi phải tìm cách cung ứng mọi dễ dàng cho tất cả những ý kiến, và để cho hậu quả của cuộc thảo luậntranh biện tự nó xảy diễn.

Hai đặc tính quan trọng của thời đại chúng ta là khoa học và dân chủ. Hai đặc tính ấy lan tràn trong thế giới Tây Phương và hiện đang mạnh mẽ du nhập vào các quốc gia Á Châu. Nó đến, và sẽ ở đó. Không thể tống xuất. Dân chúng, nhất là thế hệ trẻ, lấy hai đặc tính ấy làm tiêu chuẩn để nhìn sự vật. Họ muốn biết sự vật thích hợp với khoa học và dân chủ đến mức độ nào. Chí đến tôn giáo, họ cũng nhìn với hai "con mắt" đó. Tôn giáo có khoa học không? Cơ cấu tôn giáo này có dân chủ không? Đó là những vấn đề mà họ nêu lên.

Trong một quốc gia dân chủ, nền giáo dục phải được mở rộng. Dầu sao, giáo dục không cần phải chỉ có tính cách lý thuyết không mà thôi. Dân chúng còn phải trau giồi tình thương, đức hạnh nhẫn nhục, chịu đựng, ngay thẳng và thanh liêm.

Nói rằng trong tất cả tôn giáo, Phật Giáo đề cập nhiều nhất đến vấn đề tự do của tâm thì quả thật không quá đáng, bởi vì Phật Giáo đặt nặng phần tâm linh hơn tất cả các tôn giáo. Tâm lý học chiếm phần quan trọng trong Phật GiáoĐức Phật rất chú trọng đến tâm, trong chương trình thành tựu giải thoát của Ngài. Giải thoát cái tâm là toàn thể giáo huấn của đạo Phật.

Đức Phật dạy: "Như Lai hướng dẫn các con đến giải thoát; chân lý phải tự mình chứng ngộ. Chư Phật chỉ là những người soi sáng con đường" (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 276). "Giáo lý này chỉ có một hương vị, đó là hương vị giải thoát." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, iv, 203). Khúc ca khải hoàn của chư vị đệ tử của Đức Phật khi thành đạt tuyệt đỉnh thanh tịnhthanh bình an lạc chỉ là: Tâm ta đã giải thoát; ta đã tháo gỡ các trói buộc" (cittam me vimucci, muttosmi bandhanà).

Để thông hiểu đầy đủ lý tưởng tự do của tâm cần phải nhận định tầm quan trọng của tâm. Nếu không hiểu biết thích nghi tâm của con người trọng yếu như thế nào ắt không bao giờ có thể nhận định đúng mức tại sao cần phải gìn giữ tự do của tâm.

Chính câu đầu của Dhammapada, Kinh Pháp Cú, nhấn mạnh đến tánh cách quan trọng này:

"Tất cả các trạng thái tâm đều do tâm dẫn đầu
Như người lãnh đạo; và do tâm tạo tác."

Đức Phật không bao giờ lẫn xen vào tự do tư tưởng của người khác, vì tự do suy tư là quyền của mỗi cá nhân từ lúc ra đời. ép buộc người khác đi lệch ra khỏi lối sống thích hợp với tâm tánh, hiểu biết và khuynh hướng suy tư của họ là sai lầm. Cưỡng bách, lôi cuốn người ta ra khỏi bất luận gì cũng không tốt. Bắt buộc người ta phải nuốt vào những tín ngưỡng mà họ không thích quả thậtđen tối nhất; phương cách dồn ép cho ăn như thế không tốt cho bất cứ ai, bất luận ở nơi nào.

Trong sự hiểu biết sự vật, đức tin và nỗi niềm lo sợ suông không có vai trò trong tư tưởng Phật Giáo. Mỗi người phải được phép trưởng thành theo phương cách mà sẽ đưa đến mình những gì tốt đẹp nhất. Bất luận cưỡng bách nào để ép buộc, khép tư tưởng của người khác vào khuôn khổ của mình là xen vào cuộc sống tinh thần thầm kín của người. Người Phật tử xem sự xen lẫn như vậy là loại cố chấp hẹp lượng tệ hại nhất.

Cả hai, tự do của tâm và dân chủ là hai điều thân yêu nhất của người Phật tử, là những gì chúng ta yêu chuộng nhất. Đàng khác, trói buộc, chuyên chế hay độc tài, là những gì mà người có mắt để thấy và có tâm để hiểu biết sẽ ghê tởm, chán ghét. Cũng như bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, United Nations Universal Declaration of Human Rights, viết: "Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởngngôn luận."

Ý Nghĩa Thật Sự

Mặc dầu chữ "democracy", dân chủ, ngày nay được thông dụng ở nhiều nơi trên thế giới, ý nghĩa thật sự của danh từ không được nhận định đầy đủ. Dân chủ là một lối sống có nhiều ảnh hưởng đến dân bổn xứ bằng nhiều cách khác nhau. Chính năng lực tích cực đã vượt lên như một tiến trình.

Một đại thi hào người Mỹ, Walt Whitman, nói:

"Có phải chăng, này bạn, bạn cũng nghĩ rằng dân chủ chỉ là những cuộc bầu cử, những gì có tánh cách chánh trị và để đặt tên cho một chánh đảng? Tôi nói dân chủ chỉ ứng dụng thích nghi ở nơi nào mà nó có thể trao truyền và đi đến mức trổ hoa kết trái bằng nhiều cách, trong hình thức cao cả nhất của sự tương phản giữa người và người, và niềm tin của họ -- trong văn hóa tôn giáo, đại học và các trường học -- dân chủ trong tất cả đời công và đời tư ..."

Khi con người sống trong chế độ thật sự dân chủ, họ biết điều đó, cảm nhận và hô hấp điều đó. Trong bức thơ cuối cùng của Thomas Jefferson, cố tổng thống Hoa Kỳ, ông viết: "Đám đông nhân loại không phải được sanh ra với bộ yên ở phía sau, cũng không có đôi giày ống quen thuộc và đinh thúc ngựa gắn trong giày, sẵn sàng lên yên, với phước lành của Chúa."

Trong không khí dân chủ chắc chắn không thể có chủ và tớ. Dân chủcứu tinh cho cá nhân mà cũng là cứu tinh cho quốc gia. Để thành tựu điều này phải thông hiểu giá trị và tầm quan trọng của tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, màu da, tín ngưỡng, nam nữ hay lối phân chia nào khác. Khi nói đến tình trạng tốt đẹp của xã hội, phải chăng ta muốn đề cập đến sự tốt đẹp của tất cả những cá nhân cấu tạo nên xã hội ấy? Chúng ta phải cho cá nhân chỗ đứng đúng của nó và nâng họ, từ thấp lên những tầng lớp cao hơn.

Những người sống thiên về vật chất sẽ nói rằng có những vật cần thiếtnếu khôngchúng ta không thể sống. Rất đúng. Đức Phật cũng chú trọng đến nhu cầu vật chất khi Ngài đề cập đến bốn món cần thiết cho đời sống của chư tỳ khưu, các đệ tử Ngài, tức: y, vật thực, chỗ ở và thuốc men. Trên căn bản, đó cũng là những nhu cầu chánh yếu của người tại gia cư sĩ. Mặc dầu Đức Phật không đặc biệt chú trọng đến tiến bộ vật chất theo ý nghĩa mà hiện nay người ta hiểu, không chú trọng đến tình trạng an lành trần tục, Ngài cũng không hoàn toàn lờ hẳn, không lưu tâm đến, bởi vì đó là nền tảng của mọi tiến bộ, tinh thầnvật chất, của con người. Nếu không có bốn vật dụng cần thiết, những nhu cầu tối thiểu không thể không có, hoặc nếu thiếu kém, nhất là vật thực, thì tâm của ta cũng không an.

Ta không thể và không nghĩ đến đời sống đạo đức, cũng không nghĩ đến phưong cách sinh sống như thế nào cho được thích hợp với chánh mạng. Con người là một thành phần của xã hội, phải hoạt động mạnh mẽ để sống và tăng trưởng tình trạng kinh tế và địa vị xã hội, nếu không sẽ trở thành gánh nặng cho mình và cho kẻ khác; nhưng đồng thời phải tránh lối nuôi mạng sai lầmgian xảo, không lệch xa con đường trách nhiệm và ngay thẳng. Theo Phật Giáo, động cơ thúc đẩy đưa đến hành động và hậu quả của hành động, cả hai phải được cân nhắc thận trọng.

Dầu động cơ xem có thể tốt như thế nào nhưng hậu quả sẽ không lành mạnh thì ta phải tự chế, kiêng cữ những hành động và lời nói trá hình ấy. Ta cũng nên thận trọng giữ mình, tránh khỏi phải sai lầm vì chỉ nhìn sắc thái vật chất của đời sống và quá thiên về nó trong khi nhiệt thành phục vụ kẻ khác.

Phải thấy cả hai sắc thái của đời sống, vật chấttinh thần đạo đức, nếu muốn giữ cho sự phát triển của ta được quân bình, không nên nghiêng hẳn về một bên. Dân chủ thật sự phải có căn bản thực tiễn, triết lý và tôn giáo. Những người hiểu biết, những người trí não sáng suốt, sẽ nhận thức rằng trong khi có vài vật cần thiếtnếu không có ta không thể sống, cũng có những giá trị tinh thầnđạo đứcnếu không có ta không cần sống.

Nhiệm Vụ Của Một Ông Vua

Có sự giống nhau rất gần giữa Phật GiáoDân chủ. Đức Phật thị hiện vào thời mà chế độ chuyên chế độc tài rất thạnh hành tại Ấn Độ. Phần lớn các quốc giaphong kiến, nằm trọn dưới quyền cai trị của một vị ràjà, (vua), như trường hợp dòng Sakyans (Thích Ca) của Đức Phật. Cũng có những nước cộng hòa như Licchavi, của người dân Vajjian, do một Thượng Nghị Viện gồm những Trưởng Lão cai trị. Trong các vương quốc, vị ràjà (vua) là người trị dân mà mọi người khép nép vâng lịnh và hết dạ trung thành. Đời sống hình như yên tĩnh, so với nhiều lãnh thổ ngày nay.

Tuy nhiên giáo huấn của Đức Phật có phần là một đe dọa cho những chế độ chuyên chế trong nước. Đức Phật không xen vào chánh trị và chánh quyền trong xứ, vì Ngài không bao giờ thích xen vào chuyện của người khác khi mà làm như vậy không ích lợi gì. Dầu sao, điều này không ngăn cản Ngài nói lên tiếng nói của những tư tưởng và quan kiến dân chủ của mình.

Trong kinh điển Phật Giáo có những bài giảng chỉ rõ một nhà trị dân phải như thế nào để lãnh đạo quần chúng. Kể ra sau đây là Mười Bổn Phận hay Nguyên Tắc chỉ đạo cho một vị Vua (dasa-ràjà-dhamma): Rộng lượng bố thí, giới đức, hy sinh hay không vị kỷ, thanh liêm, hiền hòa, không xa hoa phung phí, sống tự chế, không nóng giận, không hung bạo, nhẫn nại và dễ mến (Jàtaka, Túc Sanh Truyện I. 260). Nên đặc biệt chú trọng đến danh từ "dễ mến" vì nó chỉ rằng nhà vua phải tôn trọng ý muốn của dân. Như Đức Phật chỉ dạy, nhà cầm quyền trị dân phải tự mình củng cố trong Giáo Pháp, trong nhiệt tâm sùng đạo và trong đức hạnh chánh trực, cố tránh những thói hư tật xấu, và như vậy làm gương lành để dẫn dắt dân chúng.

Vua Asoka

Về điểm này Đại Đế Asoka của Ấn Độ được xem là nhà trị dân công minh, sáng suốthiền hòa hơn tất cả trong các thời đại. Điều này được sáng tỏ trong những sắc lịnh của ông:

"Tất cả thần dân là con của tôi."

"Cũng giống như tôi ước muốn cho con cái của chính tôi được hưởng mọi sở hữuhạnh phúc trong đời này và trong kiếp sống tới, cùng thế ấy tôi ước muốn cho mọi người."

"Tôi phải là niềm an ủi cho thế gian. Nơi tôi thế gian phải cảm nhận hạnh phúc, không phải sầu muộn." (Sắc lịnh I)

"Không có nhiệm vụ nào cao cả hơn là nhiệm vụ tạo hạnh phúc cho toàn thể thế gian."

"Tôi phải hoạt động vì sự tốt đẹp của toàn thể thế gian." (Sắc lịnh II)

Ta có thể nói mà không chút hoài nghi, rằng Vua Asoka (A Dục) đã hành đúng theo lời khuyên dạy của Đức Phật, luôn luôn giữ mình công minh chánh trực trong việc trị nước an dân, là một nhà trị dân gương mẫu, và như H.G. Wells viết: "Giữa hằng chục ngàn những vua chúa ... choán đầy những cột trang lịch sử, tên của Asoka rực rỡ sáng ngời hầu như đơn độc, một ngôi sao." (The Outline of History, London: Cassel & Co, 1934, trang 402).

Trong khi ngỏ lời với Quốc Hội Ấn Độ Jawaharlal Nehru, vị cố thủ tướng xứ Ấn Độ, có lần nói: "Tôi có đủ đức tin để khấu đầu đảnh lễ khi được nhắc đến tên Đức Phật. Con đườngĐức Phật và Asoka đã chỉ vạch không thể bị bỏ quên, và bề nào cũng còn lưu lại trong những tâm hồn của xứ Ấn Độ. Trong thời của chúng ta Mahatma Gandhi cũng noi theo con đường ấy, và noi theo con đường ấy, uy tínsức mạnh của quốc gia tăng trưởng. Nếu có vấn đề cần phải được xem xét, ta phải xem xét một cách ôn hòadân chủ, theo đường lối mà Đức Phật dạy."

Những Tư Tưởng Dân Chủ

Những lời dạy của Đức Phật khẳng quyết khuyến khích những tư tưởng và tổ chức dân chủ. Ngài sáng tạo Sangha (Giáo Hội Tăng Già), cộng đồng của những nhà sư, một cơ cấu tuyệt đối dân chủ. Hầu Tước của Zetland, một Phó Vương xứ Ấn Độ, viết trong phần nhập đề của quyển The Legacy of India:

Có thể khuynh hướng thiên về chánh phủ tự trị, hiển lộ trong những hình thức khác nhau của sinh hoạt hiệp hội, đã tiếp nhận một sự thúc đẩy mới mẻ từ sự bác bỏ chế độ chuyên chế trong đời sống các nhà sư và hơn nữa, từ giáo lý bình đẳng, được thể hiện qua sự kiện cự tuyệt không chấp nhận giai cấp. Quả thật vậy, ta phải dở ra những trang sách Phật Giáo để tìm hiểu phương cách mà các cơ quan đại dhện chánh quyền tự trị trong thời xa xưa ấy giải quyết vấn đề. Và nhiều người có thể ngạc nhiên, biết rằng hơn hai ngàn năm trăm năm về trước hội nghị của những người Phật tử có đủ những thủ tục, những nghi thức thực hành, chánh yếu cho quốc hội của chúng ta ngày nay. Phẩm giá của Quốc Hội được bảo tồn do sự chỉ định một viên chức đặc biệt -- thai bào mà ngày nay nở sanh ra vị 'Chủ Tịch' Quốc Hội (Mr. Speaker) của chúng ta. Một viên chức thứ nhì được đề cử có nhiệm vụtrông chừng giữ mức định số tối thiểu khi cần -- theo kiểu mẫu vị 'Chief Whip' của Quốc Hội trong hệ thống của chúng ta. Một hội viên đề khởi chương trình nghị sự dưới hình thức kiến nghị rồi mở cuộc thảo luận. Trong vài trường hợp, điều này chỉ làm một lần, trong những trường hợp khác phải lặp lại ba lần, như vậy đã đi trước thủ tục của Quốc Hội, buộc phải đọc quyết nghị ba lần mới trở thành luật. Nếu cuộc thảo luận cho thấy có những quan điểm bất đồng, vấn đề phải được quyết định bằng cách bỏ phiếu, thiểu số phục tùng đa số.

Chí đến quan niệm thủ tục về "người vắng mặt ủy quyền cho một người khác bỏ thăm" cũng có trong giới luật, Vinaya, mà Đức Phật ban hành. Khi ban truyền lời dạy này cho các đệ tử, Đức Phật không có bất luận sự phân biệt nào giữa hàng môn đệ, vì không có những đệ tử ưu tú được đặc biệt chọn lựa. Đức Phật không bao giờ ban cho ai ưu quyền hay ưu thế. Như Ngài Upali chẳng hạn, sanh trưởng từ một gia đình thợ cạo, được chọn làm tăng trưởng trong những vấn đề giới luật, trong khi ấy có nhiều vị xuất thân từ giai cấp quý phái và chiến sĩ. Đây thật sự là dân chủ, xứng với ý nghĩa của danh từ.

Không có dấu hiệu nào cho thấy rằng trước khi nhập diệt Đức Phật giao quyền lãnh đạobản Phật sự lại cho vị nào. Ngài không đề cử người kế vị.

Về điểm này chúng ta có thể hứng thú ghi nhận rằng trước khi nhập diệt Đức Phật minh bạch nói rõ rằng không bao giờ Ngài có ý kiểm soát Giáo Hội. Ngỏ lời với chư Tăng, Ngài dạy: "Giáo Pháp và Giới Luật (Dhamma-Vinaya) mà Như Lai trao truyền cho các con, hãy lấy đó làm thầy khi Như Lai nhập diệt."

Ngài công bố giáo lý một cách tự dobình đẳng cho tất cả mọi người. Ngài không giữ lại gì. Ngài không có cái chi giống như "bàn tay nắm lại" để giấu đệ tử một vài kiến thức chánh yếu; và Ngài không bao giờ vắt ép các đệ tử để lấy ra một đức tin mù quáng, luôn luôn phải vâng dạ phục tùng Ngài hay giáo lý của Ngài.

Ngài nhấn mạnh đến sự khảo sát sáng suốt và phân biện. Bằng những ngôn từ khẳng quyết Ngài khuyến khích công trình khảo sát với tâm trí phê bình sáng suốt khi ngỏ lời với người Kàlàma muốn tìm hiểu, trong bài kinh được gọi rất đúng là hiến chương tự do khảo sát (xem phần trên, trang 148).

Điểm Chủ Yếu

Điểm chủ yếu của Phật Giáotình trạng châu toàn tối thượng. Nhắm đến mục tiêu cứu cánh ấy Đức Phật dạy nhân loại giá trị của tự do tư tưởng. Ngày nào mà con người còn bị ràng buộc dính kẹt trong những quan kiến, tư tưởngý thức hệ thì tâm không thể trưởng thành to lớn và mạnh mẽ. Như vậy, ta có thể nói, chế độ dân chủảnh hưởng san bằng giá trị trong những phân hạng và những giai cấp khác nhau trong xã hội. Người nam phải được tôn trọng vì là người nam. Người nữ phải được tôn trọng vì là người nữ. Những hàng rào chia cách giai cấp, màu da, chủng tộc, hàng rào tài sảnuy tín gia đình, những hàng rào quyền thếđịa vị, đều bị phá vỡ và giá trị cố hữu của người nam là người nam, hay của người nữ là người nữ, phải được thừa nhận. Đúng quan điểm của Phật Giáo là vậy.

Những điều kiện xã hội tại Ấn Độ trước thời kỳ Phật Giáo thật rất nhơ bẩn và uế trược vì quá chú trọng đến sự phân chia giai cấpchủng tộc. Một vị Bà La Môn mà được xã hội xem là thuộc giai cấp cao sẽ nhìn xuống với cặp mắt khinh rẻ một người không-phải-Bà La Môn. Chính Đức Phật đã bác bỏ ưu thế tối cao của giai cấp Bà La Môn. Những bài giảng như kinh Vasala (Sutta Nipàta trang 21) v.v... minh bạch chỉ rằng Đức Phật phải trải qua nhiều công phu để giảng dạy tình trạng bình đẳng giữa con người. Nếu có chi làm cho người này cao hơn hay thấp hơn người kia, đó là hành động của người ấy. Cũng trong bài kinh trên Đức Bổn Sư dạy: "Bằng hành động ta trở thành Bà La Môn; bằng hành động ta trở thành cùng đinh."

Trong một xã hội tự do dân chủ điều cần phải có là tình trạng hợp hòa thuận thảo, không phải phân tranh, cãi lẫy và thù hằn. Dân chủ là hòa bình và đoàn kết, không phải chiến tranh và chia rẽ. Toàn thể thế gian hình như đang trải qua những thời điểm khó khăn. Có quá nhiều xung đột, ác ýngờ vực lẫn nhau trong bầu không khí của thế gian. Trong tình trạng căng thẳngtranh chấp tâm ta phải hướng về thông điệp tình thươngthông cảm nhau của Đức Phật.

Vấn đề là bằng cách nào thế gian có thể sống chung hòa bình. Thế gian đã tiến bộ nhiều trong việc sáng tạo vũ khí có tánh cách tiêu diệt, nhưng con người vẫn chưa có thể kiểm soát đầy đủ tâm mình. Nhu cầu khẩn thiết nhất là đào luyện tâm tánh con người. Nếu muốn cứu vãn văn hóa của ta, phải biến cải bản chất của ta. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc chỉ vang âm những lời của Đức Phật khi vạch tỏ rằng tất cả những tranh chấp, xung đột và chiến tranh đều bắt nguồn từ trong tâm của con người, và chính tại nơi đó mà ta phải ngăn ngừa.

Nghiên cứu lịch sử, ta thấy rằng tất cả những tàn phá trên thế gian đều do những người không có tập luyện để giữ tâm yên lặng, quân bìnhtrầm tĩnh. Tâm trạng yếu kém ấy là do sự bộc phát những cơn cuồng điên giận dữ, cố chấp, thiếu lượng khoan hồng và bạo động, và tâm tính hung bạo có thể gây án mạng giữa người và người. Chí đến nay ta còn thấy tình trạng thù ghét lẫn nhau, cố chấp, chia rẽ và căng thẳng ngày càng tăng trưởng mà không được kiểm soát. Người ta bị danh, lợi, tài sản, quyền thếdục vọng đầu độc.

Kỷ Luật

Vài chánh phủ khai thác tính lo sợ phức tạp cố hữu dính liền với con người để thiết lập tình trạng thanh bình và ổn định, nhưng người sáng suốt đã tin chắc vào giá trị sâu xa của chế độ dân chủ không thể chấp nhận lối chữa trị như vậy. Không quốc gia nào có thể tiến hóa nếu không có kỷ luật, và kỷ luật phải được trau giồi từ bên trong, không thể từ bên ngoài áp đặt vào. Không thể dùng thế lực ép buộccưỡng bách thiết lập kỷ luật, dầu bằng khoa học cũng không nên, mà chỉ bằng cách thành thật theo chân một tôn giáo binh vực hoà bình, chủ trương trạng thái trong sạchhạnh phúc. Một quan điểm đạo đức về đời sống rất cần thiết để kiến tạo tình trạng thuận thảo hòa hợpan lành. Ngày nay, hơn bất cứ lúc nào, chúng ta cần ánh sáng của Giáo Pháp (Dhamma), chân lý và tánh thanh liêm chánh trực, tình thương và sự thông cảm lẫn nhau.

Phải nhận thức rằng chúng ta sống ở đây không phải để chỉ lo cho chính mình, mà phải thương yêuphục vụ người khác bất cứ chủng tộc, giai cấp, màu da và tín ngưỡng nào. Không ai có thể sống lẻ loi một mình. Chúng ta tùy thuộc lẫn nhau. Chúng ta phải sống chung với nhau, phải nhìn nhau với cặp mắt hiền hòatừ ái bi mẫn, thay vì lạnh lẽo lãnh đạm và hung dữ trừng mắt nhìn nhau với tâm bất thân thiện.

Dân chúng cần phải hội họp, gặp nhau thường xuyên, để gieo thiện tâmcảm tưởng tốt đẹp đến nhau. Điều này được Đức Phật chú trọng nhắc nhở người Vajjian như có ghi trong kinh Mahà Parinibbàna Sutta (Đại Niết Bàn).

Nói đến chế độ dân chủ, Tổng Thống xứ Sri Lanka, Ranasinha Premadasa, ghi nhận:

"... Dân chủ là dân chúng. Dân chúng phải có quyền vào những cơ sở lập pháp và hành pháp".

"Và nói dân chúng, không phải tôi chỉ muốn đề cập đến những vị nghị viên được dân cử, năm hay sáu năm một lần. Dân chúng, tôi muốn nói là người dân nặc danh thông thường, sống trong thành phố hay ở đồng quê. Tôi muốn nói đám đông thầm lặng. Họ phải được có cơ hội tham gia chánh phủ."

"Phần lớn văn hóa và những giá trị mà tôi thừa hưởngdi sản chung với Ấn Độ. Vua Dharmasoka (A Dục), vị Sơ Tổ của triều đại Mauryan đã cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao. Như vậy, nói tôi là người chống Ấn Độ có thể là nghĩa gì?" -- (A Charter for Democracy in Sri Lanka)

"Khẩn thiết kêu gọi giới trẻ chiến đấu chống chế độ kỳ thị người da đen ở South Africa (Nam Phi), Đức Giám Mục Anh Giáo người da đen, Desmond Tutu nói với đám đông im lặng lắng nghe: 'Thượng Đế đúc khuôn con người bằng đất sét, đặt cái lố đầu vào lò rồi đi làm công việc khác. Đến lúc nhớ lại, Ngài dở lò ra thì khuôn đất sét đã bị nướng quá mức -- sậm màu và đen. Đó là dân của chúng ta.' Đức Giám Mục ngưng một lúc. Rồi người kể chuyện trứ danh, người sáng suốt lanh trí và khôi hài, giữa đám đông nhân viên cảnh sát giữ an ninh, Đức Giám Mục, nói tiếp 'Lần thứ nhì Thượng Đế không dám bỏ liều. Sợ e lỡ quên, Ngài sớm sủa lấy khuôn đất ra và thấy "đất chưa đủ chín. Đó là những người da trắng,' Ngài nói trước một cử tọa vổ tay như sấm.

Đức Giám Mục Tutu, vị lãnh đạo của hai triệu người Anh Giáo Nam Phi, và Đệ Nhất Tổng Thơ Ký của Nhà Thờ Nam Phi, nhấn mạnh đến tự do, nói với những thính giả trẻ tuổi của Ngài rằng thà Chúa để cho con người tự do đi địa ngục, còn hơn là ép buộc họ lên thiên đàng ... 'Quý vị đã đi đến tự do, đã hát bài ca tự do, đã đứng lên và binh vực tự do và quý vị đã đem lại niềm hy vọng kỳ diệu trong quả tim của nhiều người." (Among My Souvenirs, Kirthie Abeysekera, trang 377, 379, 380).

Ngày nay có những hoạt động không ngừng ở mọi phương trời để cải thiện thế gian. Những nhà khoa học không ngừng thí nghiệm và nghiên cứu những phương pháp khoa học một cách cương quyết, với lòng hăng say không thối chuyển, và nhiệt tâm bền chắc. Những phương tiện truyền thôngtiếp xúc hiện tại đã thành tựu nhiều kết quả phi thường; tiến bộ khoa học đã đem lại nhiều tốt đẹp cho nhân loại. Tất cả những cải tiến ấy -- mặc dầu có những lợi ích và những phần thưởng -- hoàn toàn vật chất và ở bên ngoài.

Tình Trạng Hạn Định Của Chế Độ Dân Chủ

Mặc dầu có những phát triển và cải thiện vật chất và ở bên ngoài, phần lớn dân chúng vẫn không châu toàn. Họ luôn luôn bị những tai ương và nạn tiêu diệt đe dọa. Người dân trên thế giới ngày nay sống không yên ổn, chán ngán mệt nhọc, luôn luôn lo sợ và bất mãn, và ta phải yên lòng với niềm hy vọng rằng ngày nào đây một chiếc đủa thần sẽ làm cho mọi việc trở lại ngay ngắn bình thường. Nếu thế gian phải vượt qua tình trạng khuấy động hiện tại, không những chúng ta chỉ cần đến các khoa học gia, mà cũng cần những người chú trọng mạnh mẽ đến, và lo lắng cho, tình trạng an lành, giá trị và phẩm giá con người. Nếu chỉ có tiếng đập nhảy của tâm từtâm bi xuyên qua những lời dạy của bậc Toàn Giác từ thời xa xưa làm khuôn vàng thước ngọc cho hành động của con người ngày nay, ắt chúng ta không sống trong bầu không khí ngờ vực, lo sợ, ganh tỵ, tham vọng, thù hận và si mê.

Nếu dân chủđại diện của lòng dân, ý muốn không bị trở ngại và không bị ràng buộc của người dân có đủ tự do tư tưởng, thì còn gì để bảo đảm rằng ý muốn của dân là chánh đáng? Còn gì để bảo đảm rằng những gì họ mong muốn là điều chân chánh để muốn? Và đó là những gì tốt đẹp nhất cho họ. Tự do của tâm là tốt, nhưng tâm có thể chạy loạn. Cần phải có vài giới hạn cho dân chủ. Là một chế độ do con người tạo ra, chế độ dân chủ phải chia sẻ với con người tánh cách giới hạntình trạng hữu hạn của tâm. Phật Giáo không đặt tự do của tâm là mục tiêu tối thượng. Phật Giáo trèo lên cao hơn. Phật Giáo nhắm đến mục tiêu vượt lên khỏi tình trạng tự do của sự vật, nhắm đến tự do ngoài cái tâm nữa. Lẽ dĩ nhiên, đó là cái gì ngoài quan điểm tại thế.

-ooOoo-
Phật Giáo Và Hòa Bình Thế Giới
Cách nay hơn chín mươi năm, Tướng Sherman nói, "Tôi đã mệt mỏichán ngán chiến tranh. Vinh quang của nó chỉ như ánh mặt trăng ... Chiến Tranh là địa ngục." Hơn một trăm năm trước đó, Benjamin Franklin đã nói: "Không bao giờ có một chiến tranh tốt hay một hoà bình xấu."

Một trăm năm trước, john Milton tuyên bố: "Chiến tranh có thể sanh ra gì, nếu không phải là chiến tranh vô tận." Hai ngàn năm trước Milton, Thucidides, sử gia người Hy Lạp, trong quyển History, thấy rằng "chiến tranh là một điều xấu, là cái gì mà tất cả chúng ta đều biết, và liệt kê tất cả những tệ hại dính liền với nó là vô ích."

Và hai trăm năm trước đó nữa, cách nay gần hai mươi sáu thế kỷ, Đức Phật Siddhattha Gotama, Vua Hòa Bình (Santiràjà), đã thuyết giảng nhiều lần để chỉ rõ tệ hại của chiến tranh.

Huấn lịnh mà Ngài ban truyền cho những vị đệ tử kế cận chứa đựng ý niệm hòa bình: Hãy đi đó đây, này chư đệ tử, vì tình trạng an lànhhạnh phúc của chư thiênnhân loại. Hãy ban rải bức thông điệp đượm nhuần ý niệm hòa bình của Giáo Pháp" (Vinaya Mahàvagga, phẩm Mahàvagga của Tạng Luật).

Chiến tranh mà có một thời nào là phương tiện để giành thị trường, ngày nay chính nó là cuộc giao dịch có lợi. Kỷ nghệ chế tạo vũ khí giết người và chất độc đem lại những mối lợi khổng lồ, và một phần các mối lợi này được xử dụng để mua chuộc những người ủng hộ "chiến tranh vì lẽ này, hay chiến tranh vì điều kia", luôn luôn có lý do biện giải mới mẻ và một loại ma quỷ mới để làm cho người phản đối nhút nhát phải rụt rè kinh sợ.

Có một thời nhiều quốc gia tin tưởng nơi toa thuốc cho rằng nếu anh muốn hoà bình anh phải chuẩn bị chiến tranh, nhưng một cuộc quan sát tình hình quốc tế trong vài thập niên qua cho thấy rằng toa thuốc ấy không công hiệu.

Một toa thuốc chắc chắn công hiệu hơn nằm trong ánh sáng của những gì Đức Phật Gotama công bố 2,500 năm về trước: "Trong thế gian này hận thù không bao giờ làm suy giảm hận thù, chỉ có tình thương mới làm giảm bớt lòng thù hận. Đó là nguyên tắc từ ngàn xưa." (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 5).

Liên Hiệp Quốc được ủy thác gìn giữ hòa bình trên thế giớiđại diện cho niềm hy vọng của nhân loại. Liên hiệp này được sáng lập với mục đích chánh là duy trìthiết lập hòa bình. Tổ chức này đặc biệt có nhiều ý nghĩa trong những lúc căng thẳng và khủng hoảng.

Ngày nay toàn thể thế gian đang trải qua những thời kỳ khó khăn. Thế gian của chúng ta bị phủ vây tứ bề giữa những vấn đề khó khăn đang làm hao mòn nền tảng hòa bình và thiện ý của mọi người. Có tệ nạn ghiền ma túyô nhiễm xã hội ngày càng tăng trưởng trong giới trẻ mà không có dấu hiệu nào chận đứng tình trạng phá sản này.

Người ta càng ngày càng ý thức hơn và quan tâm đến ô nhiễm biển cả, ô nhiễm không gianô nhiễm đất đai. Nhưng con người có hay biết đến nạn ô nhiễm đạo lý đang tràn ngập thế gian ngày nay không? Thay vì tiến bộ khoa học và kỹ thuật, mục tiêu của một nền văn hóa thanh bìnhcông lý vẫn còn lẫn tránh, và liều thuốc vạn ứng do con người vật chất sáng tạo vẫn không đem lại thỏa mãn.

Các chuyên viên nói với ta rằng kiến thức về khoa học và kỹ thuật đã tăng trưởng gắp đôi trong vài thập niên qua, nhưng những vấn đề khó khăn của thế gian cũng tăng gắp đôi. Tại sao? Hiển nhiênkiến thức khoa học và kiến thức kỹ thuật không đem con người lại gần hơn giải đáp cho những vấn đề khó khăn của thế gian. Loại kiến thức ấy chỉ dẫn đến tình trạng sanh sôi nảy nở vấn đề càng nhanh chóng hơn và dẫn nhân loại đến cạnh vực thẩm của nạn tự hủy diệt với khí giới hạt nhân.

Vị cố Tổng Thống Hoa Kỳ, Dwight D. Eisenhower, nói: "Khoa học hình như sẵn sàng ban bố cho ta món quà cuối cùng của nó, năng lực bôi bỏ đời sống của con người trên hành tinh này." Nhưng làm sao tránh cho thế gian sự tàn phá khủng khiếp ấy? Giải đáp cho cuộc chạy đua trang bị vũ khí hạt nhân đến Armageddon (nơi mà cuộc giao tranh giữa hai lực lượng, thiện và ác, cuối cùng kết thúc) là thế nào?

Vài lý thuyết chánh trị của thế kỷ hiện tại tuyên bố rằng phát triển kinh tế là "tất cả" và "chấm dứt tất cả", và nếu dân chúng được khá giả về mặt kinh tế thì tất cả đều tốt đẹp.

Đó là tư tưởng sai lầm chủ trương rằng những giá trị tinh thần hay giá trị của tâm là không cần thiết nếu có giá trị khoa học. Đó là nhược điểm của nền văn minh thế giới ngày nay: không biết đến giá trị tinh thần.

Để kiểm soát những động lực vị kỷ ta cần phải cố gắngtôn trọng kỷ luật. Đó là những điều đến với ta, không phải bằng con đường của khoa học, mà từ kỷ luật của một tôn giáo.

Như một vị thầy thực tếlòng bi mẫnhiểu biết vô lượng, Đức Phật luôn luôn chú tâm đến tình trạng xã hội và kinh tế an lành của đám đông, và lúc nào cũng muốn làm vơi nỗi khổ của dân chúng bằng những lời khuyên dạy, và thấy họ sống mà không có quá nhiều bất hạnh.

Lẽ dĩ nhiênnếu khôngtình trạng an ninh vật chất và kinh tế ổn định đến một mức độ nào, không thể có tiến bộ tinh thầnđạo đức. Theo giáo huấn của Đức Phật, an ninh kinh tế phải tay cầm tay cùng đi chung với những giá trị tinh thần. Con người không nên đi lệch ra khỏi con đường nhiệm vụ. ngay thẳng và thanh liêm chánh trực, nhưng phải cố gắng tìm mức quân bình giữa những giá trị vật chấttinh thần.

Với mức độ tiến hóa của khoa học hiện đại rất nhiều chuyển biến đã xảy diễn, và những cải tiếnbiến đổi ấy, vốn dĩ là vật chất và ở bên ngoài, có chiều hướng làm cho con người hiện đại ngày càng thiên về thế gian và những dục vọng trần gian, kết quả là họ lãng quên, không quan tâm đến, hay cố ý bỏ lơ, những đức tánh của tâm và trở thành vị kỷ và chai đá. Những làn sóng vật chất hình như ảnh hưởng và đổi thay đường lối suy tư và sinh sống của nhân loại. Người ta bị ràng buộc quá nhiều trong nhục dục ngũ trần, chỉ sống trong thế gian vật chất, đến độ không còn tiếp xúc với những gì tốt đẹp bên trong mình.

Nếu những cường quốc chánh yếu không thay đổi đường lối của họ, chúng ta còn phải đối phó với thảm kịch trầm trọng nguy hại của nhân loại. Thế gian bị chiến tranh đe dọa. Chiến tranh ở đây có nghĩa là hoàn toàn diệt chủng, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt. Một cuộc đổi thay đường lối của những đại cường quốc là giải pháp duy nhất cho nền hòa bình thế giới. Tất cả những hội nghị hòa bình chân chánh và những buổi họp để nguyện cầu sẽ góp phần truyền bá bức thông điệp hòa bình thế giới cho người dân đang ở ngã rẻ của thời cuộc.

Những quốc gia nhỏ gây chiến tranh vì các quốc gia hùng mạnh và giàu có hơn trợ giúp họ. Cuộc chiến để giành quyền lợi giữa những quốc gia cường thạnh này liên tục tiếp diễn -- quả bóng được vứt ra sân cho kẻ khác. Những phương sách chữa trị để ngăn ngừa một tai biến thế gian phải xuất phát từ đáy lòng.

Ta còn nhớ một diễn biến đã xảy ra vào những năm đầu của thập niên sáu mươi, khi Thủ Tướng Chu-En-Lai (Châu Ân Lai) của Trung Quốc đến viếng Ấn Độ để thảo luận về biên giới Đông Dương. Trong cuộc họp lịch sử ấy, vị Thủ Tướng Ấn Độ thời bấy giờ, Jawaharlal Nehru, đã trích dẫn một câu của Dhammapada, Kinh Pháp Cú:

"Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù (nơi người chiến bại);
Kẻ chiến bại sống đau khổ.
Hạnh phúc thay, người sống thanh bình an lạc,
Dứt khoát từ bỏ, thắng và bại."
-- (Pháp cú, 201)

Vì lẽ chiến tranh bắt đầu từ trong tâm của con người, ta phải nhớ rằng ta chỉ sống trên một đớm nhỏ tí ti trong vũ trụ, được gọi là "quả địa cầu". Nhiều người nghĩ rằng trái đất đang tiến bộ. "Ngày nay chúng ta có đủ tất cả những gì ta cần," họ nói. Đúng vậy, người ta còn lên đến tận mặt trăng nữa là khác. Họ đặt hầu như tất cả mọi sự vật dưới quyền chi phối của họ. Họ có tài sản vật chất, những phương tiện và những tiện nghi để thỏa mãn dục vọng. Chúng ta có những nhà trí thức, những văn hào trứ danh, những diễn giả, những chuyên viên y khoa, triết gia, tâm lý gia, kinh tế gia, luật sư và kỹ sư v.v... Dầu có đầy đủ những điều ấy, thế gian vẫn còn thiếu hòa bình, thiếu tinh thần hòa hợp, đoàn kết và thiếu tinh thần tương quan trách nhiệm.

Như Đức Phật dạy: "Hãy nhìn vào bên trong chúng ta." Tất cả những phương tiện cứu chữa phải xuất phát từ đáy lòng. Chúng ta phải thiết lập trạng thái thanh bình an lạc trong tâm của chính ta, trước khi quảng bá bức thông điệp hòa bình đến kẻ khác và đến thế gian.

Điều mà ta cần làm ngày nay là tạo một chuyển biến trong tâm con người, hơn là thay đổi môi trường sinh sống.

Bởi vì chiến tranh bắt đầu từ trong tâm con người, bởi vì xung độtnguyên nhân của chiến tranh, trong cuộc mưu tìm hòa bình, ta phải dẹp bỏ những nguyên nhân xung đột. Lời mở đầu của Hiến Chương UNESCO nhắc nhở chúng ta rằng "Công cuộc phòng thủ hòa bình phải được xây dựng chính trong tâm của con người."

Trước đây hai mươi lăm thế kỷ, Đức Phật cũng tuyên ngôn tương tợ. Ngài còn đi xa hơn thế nhiều; Ngài tuyên bố rằng tất cả mọi sự vật, tốt hay xấu, đều xuất phát từ nơi tâm.

Đức Phật nói: "Ta phải thường suy niệm về tâm mình như thế này: 'Từ lâu rồi tâm này bị tham, sân và si làm ô nhiễm. Ô nhiễm tinh thần làm cho chúng sanh bợn nhơ, thanh lọc tinh thần làm chúng sanh trong sạch ...'"

Chỉ quảng cáo suông bên ngoài và chỉ dùng những khẩu hiệu, không thể giải quyết vấn đề khẩn thiết của chiến tranh, vì nguyên nhân của nó nằm trong tâm. Mỗi người có một người tốt hơn nằm bên trong mình.

Nếu chỉ có tình thương và tâm hiểu biết lẫn nhau nhịp nhảy xuyên qua giáo huấn mà bậc Toàn Giác của tất cả thời đại làm quy tắc hướng đạo cho hành động của con người, chúng ta sẽ khỏi phải sống trong bầu không khí ngờ vực, ganh tỵ, kiêu căng, tham lam, sân hậnsi mê, đã làm cho thế gian ngày càng là một trại tù binh và dẫn đắt chúng ta một cách vững chắc đến bờ vực Armageddon.

Hạnh phúc thật sự đồng nghĩa với hoà bình thật sự. Không thể có hạnh phúc mà không có hòa bình. Mục đích của Giáo Pháp là hòa bình, và trên tất cả, Giáo Phápcon đường dẫn đến hòa bình. Hãy thành thật và thật sự cố gắng để nới rộng hòa bình, tình đoàn kết và tình huynh đệ giữa con người bằng Giáo Pháp, và dẹp bỏ mọi căng thẳng dưới danh nghĩa tôn giáo, giai cấp, màu da, và những thành phần chia rẽ và bất hòa khác.

Khi nói đến hòa bình thế giới, các vị đại diện của những tôn giáo khác nhau đều có một vai trò quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta hãy bắt đầu phong trào hòa bình này trong quốc gia của mình bằng cách thuyết giảng và viết bài về đề tài hòa bình. Cũng phải đi từ làng này qua làng khác và thị trấn nọ đến thành phố kia, nói chuyện với dân chúng về những phước lành của tình trạng đoàn kết và hòa bình và giảng dạy, làm cho họ thức tỉnhhoan hỷ, như Đức PhậtẤn Độ, hơn 2,500 năm về trước.

Các quốc gia phải hoạt động để được an lành và phát triển, nhưng cùng lúc phải ghi nhận, không nên bỏ lơ mục tiêu rộng rãi hơn là hòa bình và an ninh của toàn thể thế gian. Tất cả mọi quốc gia, dầu là đệ tam hay gì khác, đều cần được hòa bình; bởi vì không có hòa bình sẽ không có tiến bộ, phát triển, hòa hợp, trong đời sống dân chúng. Khi có hòa bình dân chúng có thể hoạt động với lòng tự tin, và tự tin là nền tảng để phát triển.

Hai mươi ba thế kỷ về trước, Hoàng Đế Asoka (A Dục) có cho ghi tạc trên đá: "Samà vàyo eva sàdhu -- Hòa thuận, quả thật vậy, đáng được tán dương." Đại Đế Asoka bước theo dấu chân của Đức Bổn Sư, người đã từng nói: "Samaggà hotha mà vivadatha -- Hãy đoàn kết, không nên cãi lẫy ồn ào." Đây là những tuyên ngôn tích cực mà ngày nay chúng ta cần hơn bao giờ hết; bởi vì chúng ta đang sống trong một thời kỳ xung đột và chiến tranh, thù hận và bạo tàn, cùng khắp thế gian. Không bao giờ trước đây chúng ta cần hơn và tất cả chúng ta phải nhớ thông điệp khuyến thiện cao cả tuyệt luân của Đức Sakyamuni Buddha (Đức Phật Thích Ca) và Asoka.

Hôm nay chúng ta nói về hòa bình. Đúng vậy, hòa bình là quyền của chúng ta từ lúc mới sanh, và chúng ta phải đạt cho kỳ được, hòa bình căn cứ trên chân lý, từ bi, công lýtự do. Nếu người ta công bình và ngay thẳng, gìn giữ lương tri và đương đầu với thời cuộc, dây thân ái và sự thông cảm lẫn nhau giữa những quốc gia, chủng tộc, cộng đồngtôn giáo khác nhau sẽ được tăng cường vững chắc.

Những nguyên tắc: quốc gia này không nên xen vào nội bộ của quốc gia khác và mỗi quốc gia đều được độc lập về mặt chánh trị, là điều kiện tất yếu để sống chung hòa bình. Tỉ mỉ tôn trọng tình trạng lãnh thổ nguyên vẹn và quyền tối thượng của một xứ, không xâm phạm nhau, bình đẳng, không chạm đến quyền lợi của nhau, và sống chung hòa bình, hòa hợp, trong thế gian, là những điều mà sẽ không có ai phủ nhận giá trị của nó.

Tình thương không nằm trên sự gây gổ tranh chấp mà trên thiện cảm nể trọng nhau. Nguyên tắc tình thương phải được thấu rõ và áp đặt trong mọi lãnh vực hoạt động của con người để tăng trưởng hạnh phúc nhân loại và làm tốt đẹp hơn lối cư xử trong xã hội. Hòa bình không phải là một lời nói tiêu cực. Nó là cái gì thật sự rất tích cực. Nó bao gồm sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, chung cùng hợp tác với nhautình thương. Trong không khí tương tợ chỉ có hoà bình thật sự khởi sanh. Hoà bình phải được thành đạt bằng cách nhiệt thành và thành thật tranh đấu. Không thể bằng cách chỉ nói suông. Ta phải suy tư hòa bình, nói hoà bình và hành động hoà bình.

Ý niệm chánh nằm phía sau tất cả những tổ chức yêu chuộng hòa bình như Liên Hiệp Quốc là tất cả mọi ngườianh chị em. Nếu đúng thật là vậy, tại sao sát hại lẫn nhau, hận thù lẫn nhau, chụp giựt lãnh thổ của nhau và bắt người ta làm nô lệ cho mình? Tại sao có thể cướp đoạt ưu quyền mà người ta đã có từ lúc mới ra đời? Ngày nay không có ai độc lập, không quốc gia nào thật sự là độc lập. Chúng ta phải tùy thuộc nơi những quốc gia khác để có những gì cần thiết cho đời sống, những nhu cầu căn bản như vật thực, quần áo, chỗ ở và thuốc men. Những phương tiện truyền thông và giao dịch đã thành tựu nhiều kết quả kinh ngạc. Ấn loát, truyền thanh, truyền hình, giáo dục hiện đại v.v... đã đem chúng ta xích lại gần với nhau hơn. Giao thông cho chúng ta cảm tưởng rằng toàn thể thế gian là một, và chúng tamột thế gian.

Một yếu tố góp phần trọng đại cho việc nới rộng hòa bình trong xã hộichánh ngữ, lời nói chân chánh. Có câu tục ngữ: "Lời nói đã thốt ra, mũi tên đã bắn đi và cơ hội đã mất, không bao giờ có thể thâu hồi." Lời nói là một thiên tánh có nhiều giá trị quý báu bởi vì xuyên qua lời nói chúng ta có thể diễn đạt tư tưởng và quan kiến để chia sẻ với người khác. Nhưng nếu cái lưỡi, vốn không xương và mềm mại dễ uốn, không được khép vào khuôn khổ kỷ cương, ắt có thể gây nhiều tai hại. Có phải chăng nó là nguyên nhân gây nhiều cãi vã, tranh chấpxáo trộn phiền lụy giữa những gia đình và chiến tranh giữa các quốc gia? Nếu con người có thể chỉ thuần hóa cái lưỡi của mình, có phải thế gian sẽ là một nơi tốt đẹp hơn để sống không?

Như vậy người hành theo Con Đường Chân Chánh "suy niệm tâm từ, suy niệm tâm bi, suy niệm tâm hỷ, và suy niệm tâm xả, ban rải theo một chiều hướng; cùng thế ấy rải về một hướng thứ nhì; hướng thứ ba; hướng thứ tư; rồi bên trên và phía dưói; người ấy thấm nhuần toàn thể thế gian, mọi nơiđồng đều, bình đẳng, chân thành và tận tình, với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, thâm sâu, rộng lớn, vô lượng, hoàn toàn không ẩn ý bất thân thiệnphiền muộn."

Nếu ta có thể phát triển những phẩm hạnh đạo đức ấy, chí đến những ngôi sao sáng chói cũng không thể hơn ta.

Hòa Bình Bằng Ngũ Giới

Đứng về quan điểm của người Phật tử, có một phương cách khác để tạo hòa bình là giữ gìn năm giới. Là Phật tử hay không phải Phật tử, bất luận ai nghiêm trì năm giới tối thiểu (pancasìla -- kiêng cữ sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, vọng ngữ và dùng chất say) sẽ đem lại hòa bình và hòa hợp bất cứ ở đâu. Người ta không lo sợ hay hoài nghi người thọ trìthực hành năm giới; bởi vì những người ấy không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không say sưa, mà là những người có lòng tốt, cố gắng mở rộng hòa bình, hòa hợp, tình huynh đệ và đoàn kết. Giờ đây ta hãy xem qua năm giới.

Lòng rộng rãi bố thí không phải chỉ đối với chúng sanh trong cảnh người. Những người bạn đồng hành câm điếc và buồn thảm của chúng ta trong cảnh thú cũng phải được tâm quảng đại của chúng ta nghĩ đến. Tất cả những ai có thể thừa hưởng lợi ích của tâm bố thí phải được chia sẻ.

Dầu sao những quà tặng vật chất và những lễ vật để bát, trai tăng chỉ đem lại chút ít phước báo. Nhưng người trau giồi phẩm hạnh là phước lành cho tất cả chúng sanh. Người ấy bố thí cho tất cả chúng sanh tình trạng không lo sợ, do đức hạnh trong sạch vô nhiễm của mình.

Do đó Đức Bổn Sư dạy:

"Nơi đây, này chư tỳ khưu, một đệ tử từ bỏ sát sanhkiêng cữ trong vấn đề sát sanh ... từ bỏ trộm cắpkiêng cữ trong vấn đề trộm cắp ... từ bỏ tà hạnhkiêng cữ trong vấn đề tà hạnh ... từ bỏ nói dốikiêng cữ trong vấn đề ăn nói giả dối ... từ bỏ uống rượu mạnh là kiêng cữ trong vấn đề rượu chè, và như thế ấy ban bố cho những chúng sanh khác quà tặng an ninh, không thù hận, và không gây tổn hại. Loại tâm tánh mà đem lại hạnh phúcthoải mái tâm hồn, không bao giờ có chỗ trống để tình trạng ăn năn hối hận phát khởi, dẫn đến tái sanh tốt đẹp và là nền tảng cho một kiếp sống tốt, nơi đây và trong hiện tại, (loại tâm tánh như vậy) được gọi là đức hạnh."

1. Sát Sanh

Kiêng cữ không sát hại chúng sanh khác vì hiểu biết rằng chính ta quý trọng đời sống của ta đến mức nào, và suy bụng ta để hiểu rằng cũng dường thế ấy, người khác cũng quý mạng sống của họ ra sao. Tất cả hạnh phúc của con người trên thế gian đều tùy thuộc vào đời sống. Như vậy, đoạt mất của người cái mà chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp nhất của họ, quả thật là hung bạo và nhẩn tâm đến mức cùng cực. Do đó ta hiểu tại sao người tiêu diệt mạng sống người khác chuốc lấy cho mình lòng thù hận và ác ý của người mình sát hại? Nhưng người giới đức trong sạch, kiêng cữ không sát hại chúng sanh, luôn luôn bảo vệ sanh linh, người biếu món quà an ninh cho chúng sanh khác, cũng tựa hồ như cội cây vững chắc, làm nơi ẩn náu và che mát cho người, cho chim chóc và thú vật, với tàng lá sum sê và bóng lớn mát mẻ của mình.

Mặc dầu cuộc sống của họ đầy hiểm nguy và chết chóc và phải đương đầu với bao nhiêu khủng khiếp kinh hoàng, họ vẫn vững chắc quyết định cứu nguy cho tất cả những sanh linh hữu tri hữu giác.

2. Trộm cắp

Những vật thuộc sở hữu của người khác, những vật mà người khác làm chủ, người đi theo con đường của Giáo Pháp (Dhamma) không bao giờ lầm lạc lấy làm của mình. Sai lạc lấy của người, bằng bạo lực, cưỡng bách hay lường gạt, là trái với mọi tiêu chuẩn phẩm hạnh đoan trang thanh nhã và hợp với lễ nghi. Sách của người thời xưa có ghi:

"Sai lạc lấy của người khác trở thành nguyên nhân mất mát cho chính mình." Và lại nữa: "Cạm bẩy của tử thần không có cái nào tệ hại bằng trộm cắp." Bởi vì người trộm cắp và cướp giựt kẻ khác sẽ bị vua trừng phạt và dân chúng nhục mạ, phải chịu đau đớnkhổ tâm vô cùng tận. Do đó phải tránh hành động tội lỗi, sai lạc lấy vật sở hữu của người khác cũng như ta tránh độc dược, tránh lửa và rắn độc đáng sợ. Người nghiêm trì giới trộm cắp được an lành, bên trong và bên ngoài. Người ấy sống hạnh phúc, cho người khác hạnh phúc và sẽ nhắm mắt ra đi an lành.

3. Tà Hạnh

Người trong sạch giữ giới tà hạnh được phước lành là tâm bao giờ cũng thanh bình an lạc và tĩnh lặng, thân luôn luôn khỏe mạnh và có nhiều nghị lực. Người ấy mạnh mẽ thăng tiến trên đường đời và trong những trạng thái tâm cao quý.

Người sống thanh bạch trinh khiết được sắc đẹp, sức mạnh,
Được bậc thiện trí tán dương, và vui vẻ khỏe mạnh;
Tâm của người ấy trong sángthích hợp để đi
Trên Con Đường đến Chân Lý; và người ấy kết hợp
Với tư tưởng cao quý, hành động hiền hòa,
lời nói trong sạch; người ấy gieo hột giống
Hiếm có của đức hạnh; làm cho tất cả sinh sôi nảy nở,
Và trổ hoa. Rồi quả lành sẽ phong phú dồi dào.

Nhưng số phận của người sống tà hạnh quả thật buồn thảm. Họ làm nhơ đụt luồng tâm của họ và của người khác.

4. Nói Dối

Chân lý là tiếng nói của nội tâm trong sạch. Người giữ giới nói dốiuy tín, được nhiều người tin cậy, và được những người quen biết kỉnh mộ. Đây là giới đức mà chư vị Bồ Tát, những người đang tìm trạng thái giác ngộ tuyệt đối, đặc biệt chú trọng thực hành. Các Ngài không bao giờ thốt ra một lời không thật, trong bất luận trường hợp nào. Người nói thật không sợ hải và run rẩy giữa đám đông. Người ấy luôn luôn can đảm và cương nghị, và dầu phải đương đầu với những hành vi thù nghịch nhất cũng không lay chuyển. Người ấy cứng cỏi với sức mạnh của một chủ nhân phi thường trang bị đầy đủ, bởi vì tâm của người ấy thanh khiết như thủy tinh, trong trẻo và không mang một đớm nhơ. Người ấy luôn luôn vui vẻhiền hòa, lễ độ và ưa giúp người, tự chế và kiên nhẫn, có lời nói làm cho người nghe thỏa thích và tĩnh lặng với sự hùng biện của sự thật, hồn nhiên, không cố gắng. Người như thế ấy có thể nói:

Tâm ta trong sạch vì tất cả mọi suy tư đều là sự thật;
Ý ta thanh tịnh sáng ngời; không ẩn ý giả dối.
Lời nói ta tinh khiết, không có gì làm bợn nhơ,
Một sự trôi chảy dịu dàng như chất dầu trong suốt.

Người nói dối ở đâu cũng bị nghi ngờ. Người nói lời giả dối mà không biết hổ thẹn không có đức hạnh trong tâm. Không có điều sai lầm nào mà người cố tình nói dối không thể làm. Sách nói như vậy.

Nếu người đã chọn lối sống không nhà cửa của bậc xuất gianói dối, do chính sự thốt ra lời giả dối ấy tự nó, đã làm cho đời tu sĩ rỗng không.

"Rỗng không này Ràhula, đời sống của nhà sư mà không biết hổ thẹn, nói lời giả dối," Đức bổn Sư nói như vậy để khuyến dạy sa di Ràhula về tầm quan trọng của lời nói thật trong đời sống thánh thiện (Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 61).

Hơn nữa, người nói dối sẽ mang nghiệp xấu trong tương lai. Người ấy trở thành khờ dại, ngu si, bị người ghê tởm lánh xalời nói mất hết năng lực.

5. Chất Say

Ta kiêng cữ, không dùng những chất say để giữ cho tâm khỏi bị loạn động. Rượu mạnh và ma túy hủy hoại lối suy tư chân chánh, tức có những ý tưởng không-sân hận, không-hung bạo, và ý nghĩ từ khước. Người say sưa nóng giận, hung dữ, không tỉnh trí. Vì lẽ ấy những ai bước theo dấu chân của Đức Phật, đã biết rõ những tệ hại của lối suy tư lầm lạc trong lúc say sưa, không để cho tâm trí bị ô nhiễm vì chất độc của rượu, vốn có khả năng đốt cháy năng lực mầm mống của những hạt giống tốt trong tâm.

Về những tệ hại của thói quen say sưa, Àryasùra, trong Jàtakamàla nói:

"Ôi, vị chúa tể của loài người, tại sao Ngài có thể 
Say sưa, làm cho những đức tánh tốt đẹp tan vỡ,
Những gì có giá trị đều chết, tàn phá thanh danh,
Làm mờ nhãn quan, và đẩy lui mọi hổ thẹn?"

* * *

Đó là kho tàng phẩm hạnh mà người muốn được hạnh phúc phải tăng trưởngbảo vệ. Đó là những phương tiện thích nghi để thành đạt tất cả những gì tốt đẹp trong hiện đời và mai sau.

Tất cả những gì quý giá trong nội tâm đều bắt nguồn từ giới hạnh. Cũng như trong một hầm mỏ phong phúvô số kể những kim cươngchâu báu, cùng thế ấy, đức hạnh cho người giới đức những thích thú vô cùng tận.

Đức hạnh là vùng đất mà từ đó ta có thể bay vọt lên các tầng cao của trạng thái tuyệt đối thánh thiện.

Đức hạnhkhí giới mầu nhiệm mà ta dùng để tiêu diệt dục vọng, là áo giáp để chống đở và đánh bại những cơn bão táp của Màra (Ma Vương, tử thần). Đức hạnh làm cho đời sống vui tươi, đượm nhuần năng lực sáng tạo, sanh khí, và trạng thái mát mẻ dễ chịu.

Đức hạnh cũng giống như đám mưa mát mẻ, trong sạch, làm cho cây cối xanh tươi.

Người có đức hạnh thành đạt trạng thái vinh quang rực rỡ của người danh thơm tiếng tốt, nhiều tiền của và được tôn trọng.

Con người đức hạnh luôn luôn chú niệm và giác tỉnh. Đến lúc lâm chung người ấy không suy tư rối loạnvắng lặngtrầm tĩnh.

Vì những phước lành kể trên cùng đi chung với đức hạnh, ta dưỡng nuôi, giữ gìnbảo vệ đức hạnh với lòng nhiệt thành của bà từ mẫu hết tình đùm bọc đứa con duy nhất, (như bảo bọc) con ngươi của bà. Đức hạnh cho ta tình trạng không sợ sệt, an ninh, thanh bìnhtâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh.

Khái niệm Từ và Bi (mettà và karunà) của người Phật tử không có giới hạn. Theo nhân sinh quan của người Phật tử, không có chúng sanh nào được xem là ở ngoài vòng của tâm từ (mettà) và tâm bi (karunà). Hai phẩm hạnh từ và bi này không có sự phân biệt giữa người cao hay thấp, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, minh mẫn hay tối tăm, đen hay trắng, bà-la-môn hay chăn-đà-la, hay Thiên Chúa Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo v.v... Mettà và Karunà, Từ và Bi, là vô lượng vô biên và khi mà ta cố gắng sắp xếp người này phân biệt với người khác theo lối sắp xếp giả tạo kể trên, thì tức khắc cảm giác phân chia nhảy sổ vào và những đức tính vô lượng vô biên trở thànhgiới hạn -- trái nghịch với lý tưởng cao siêu của những đức hạnh này.

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY, ĐẠI THỪA, VÀ ZEN

Hai sắc thái quan trọng của Phật Giáo phổ cập ngày nay là Phật Giáo Đại ThừaPhật Giáo Zen. Tuy nhiên, vào lúc ban sơ, không có giáo lý nào là Theravàda (Nguyên Thủy) và Mahàyàna (Đại Thừa). Những gì Đức Phật dạy được gọi là Giáo PhápGiới Luật (Dhamma-Vinaya). Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, những vị đệ tử kế cận của Ngài triệu tập một Hội Nghị để đọc lại Dhamma (Giáo Pháp) và Vinaya (Giới Luật). Đại Đức Ànanda, vị thị giả của Đức Phật trong hai mươi lăm năm, đọc lại Dhamma (Giáo Pháp); Đại Đức Upali đọc lại Vinaya (Giới Luật).

Trong Hội Nghị này, những đoạn của Dhamma (Giáo Pháp) được chỉ định cho các vị Trưởng Lão (Theras) và chư môn đệ của những vị này học thuộc lòng. Như vậy Dhamma (Giáo Pháp) được truyền khẩu từ thầy sang trò. Không thêm, không bớt, trong kỳ Hội Nghị này.

Một trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, một cuộc Hội Nghị Thứ Nhì được triệu tập và chỉ có vài vấn đề liên quan đến Vinaya (Giới) được thảo luận, không có Dhamma (Giáo Pháp). Tại kỳ Hội Nghị Thứ Nhì này vài nhà sư "cấp tiến" có chiều hướng muốn thay đổi vài giới phụ thuộc. Tuy nhiên, những vị có khuynh hướng chính thống không đồng ý và nói rằng không nên thay đổi điểm nào. Do đó một nhóm các nhà sư rời Hội Nghịthành lập Mahàsanghika -- Đại Cộng Đồng.

Vào thế kỷ thứ ba trước D.L. dưới triều đại Hoàng Đế Asoka (A Dục), một cuộc Hội Nghị Thứ Ba được triệu tập để thảo luận và đọc lại cả hai, Dhamma (Giáo Pháp) và Vinaya (Giới Luật). Giáo Huấn mà được Hội Nghị này thừa nhậnchấp thuận được gọi là Theravàda -- Giáo Huấn của những vị Trưởng Lão. Sau kỳ Hội Nghị Thứ Ba này, con của Hoàng Đế Asoka, vị A La Hán Maha Mahinda đến Sri Lanka (Tích Lan), có đem theo Tipitka, Tam Tạng kinh điển, và những chú giải được đọc lại trong Hội Nghị Thứ Ba. Kinh điển này được viết bằng tiếng Màgadhi (Pàli), ngôn ngữĐức Phật nói. Chí đến lúc bấy giờ, không có nơi nào nhắc đến Mahàyàna (Đại Thừa).

Lần đầu tiên mà hai danh từ Mahàyàna và Hinayàna được đề cập đến là trong kinh Saddharma- pundarìka Sutra (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) -- trong khoảng thế kỷ thứ nhất trước D.L.và thế kỷ thứ nhất sau D.L.. Nhưng những yànas (thừa) ấy không thấy ở đâu trong Kinh Điển Pali, Tipitaka, hay trong văn học Pali. Cũng không thấy niên sử Dìpavamsa và Mahàvamsa, của Sri Lanka đề cập đến.

Danh từ Mahàyàna rõ ràng được định nghĩa và được chọn vào khoản thế kỷ thứ hai, và Ngài Nàgarjuna (Long Thọ), nhà truyền bá Mahàyàna (Đại Thừa) rất quan trọng, khai triển triết học Đại Thừa, nhấn mạnh về tầm quan trọng của thuyết Sùnyatà -- tất cả mọi sự vật đều rỗng không. (Xem Màdhyamikakàrikà, Trung Quán Luận, của Ngài). Về sau có các Ngài Asanga, Vasubhandhu, Dharmakirti, Àryadeva, Dinnàga v.v... những vị mạnh mẽ ủng hộ Mahàyàna (Đại Thừa Phật Giáo) và văn học Mahàyàna. Như vậy, vào lối 700 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, hai danh từ Mahàyàna (Đại Thừa) và Hinàyàna (Tiểu Thừa) mới xuất hiện.

Những người kém hiểu biết xem Theravàda (Nguyên Thủy), hiện tồn tại ở Sri Lanka (Tích Lan), Burma (Miến Điện), Thailand (Thái Lan), Campuchia (Cam Bốt), Laos (Lao) và Bangladesh, là Hinàyàna (Tiểu Thừa). Họ không hiểu họ đang nói gì. Khi Phật Giáo du nhập vào Sri Lanka vào thế kỷ thứ ba trước D.L., do Đại Đức Mahinda đem sang, thì không có "yàna", hay "thừa" nào cả. Phái Hinàyàna (Tiểu Thừa) được khai triển tại Ấn Độ, không có chi liên hệ đến Phật Giáo Theravàda (Nguyên Thủy). Theravàda không liên can đến trường phái Mahàyàna (Đại Thừa), cũng không liên can đến trường phái Hinàyàna (Tiểu Thừa). Theravàda tồn tại độc lập với cả hai yàna (thừa).

Vào năm 1950, khi hội Phật Giáo thế giới World Fellowship of Buddhists (WFB) được khai mạc tại Colombo, Sri Lanka, các thành viên từ cả Tây Phương lẫn Đông Phương đều đồng thanh quyết định bôi bỏ danh từ "Hinàyàna" được dùng với ý khinh rẻ, khi đề cập đến Phật Giáo Theravàda (Nguyên Thủy) hiện có ngày nay.

Như vậy trong hiện tại không có phái Hinàyàna bất cứ ở đâu trên thế gian. Danh từ đã bị loại bỏ.

Mahàyàna (Đại Thừa) và Theravàda (Nguyên Thủy) là hai trường phái Phật Giáo lớn trong thế gian ngày nay. Mahàyàna được truyền bá sang vùng Viễn Đông - Trung Quốc, Nhật Bổn, Korea (Triều Tiên), Tibet (Tây Tạng) và Mongolia (Mông Cổ). Theravàda được truyền bá sang vùng Nam Á -- Sri Lanka, Burma, Thailand, Campuchia, Laos, Bangladesh và một vài phần ở Malaysia (Mã Lai), India (Ấn Độ) và Indonesia (Nam Dương). Ngày nay cả hai, Mahàyàna và Theravàda đều du nhập vào tận những nơi xa xôi của quả địa cầu. Nhiều quốc gia Tây Phương đã thành lập một Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo trong xứ mình, có thể được thêm vào danh sách.

Giáo lý của hai trường phái, Mahàyàna và Theravàda, gần giống như nhau. Cả hai đều bước theo dấu chân của Đức Sakyamuni Gotama (Thích Ca Mâu Ni Cồ Đàm), và xem Ngài là giáo chủ. Tứ Diệu Đế, phần tinh túy của Phật Giáo, pháp tùy thuộc phát sanh (paticca-samuppàda), hay thập nhị nhân duyên, ba đặc tướng của đời sống (anicca, dukkha, anattà - vô thường, khổ, vô ngã), Bát Chánh Đạo, vốn là pháp hành của Phật Giáo, đời sống trước khi sanh và sau khi chết, và Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo, đều y hệt như nhau.

Vài người tưởng rằng lý tưởng của Bồ Tát, hay Bồ Tát Đạo, chỉ được đề cập đến trong Mahàyàna, và Theravàda chỉ nói đến Đạo Quả A La Hán, một sự thành tựu cá nhân, và như vậy là ích kỷ. Tuy nhiên, người học đạo Phật một cách thận trọng và không thiên vị sẽ thấy lý tưởng của Bồ Tát trong văn học Theravàda.

Hệ thống tư tưởng Theravàda (Nguyên Thủy) không phủ nhận lý tưởng của Bồ Tát, nhằm trở thành Phật để cứu độ kẻ khác ra khỏi samsara (vòng luân hồi), hay những kiếp sinh tồn triền miên tiếp diễn. Tuy nhiên không có những giới luật nghiêm khắc buộc tất cả đều phải thành Phật. Ta có quyền lựa chọn con đường giải thoát cho chính mình tùy khuynh hướng và nguyện vọng của mình. Nếu muốn trở thành Phật, ta sẽ phải trau giồi đầy đủ các Ba-la-mật [*] (pàramità), hay phẩm hạnh tuyệt hảo, những đức hạnh dẫn đến Đạo Quả Phật (xem Chương 1, ghi chú về "Bồ Tát"). Những ai mãn nguyện với lý tưởng A La Hán có thể theo con đường của mình, cũng thực hành các pháp paramitàs. Không có gì bắt buộc. Truyền thống Mahàyàna (Đại Thừa) dạy rằng tất cả những ai theo Đại Thừa đều chuẩn bị để trở thành Phật nhằm cứu độ chúng sanh, vấn đề là ai sẽ cứu độ ai, vì tất cả là Phật.

[*] Quý vị lưu tâm đến vấn đề này có thể đọc bài viết có rất nhiều tài liệu về "Theravàda-Mahàyana and the Bodhisatva Ideal in Buddhism," do tác giả Dr. Walpola Rahula Thera, Buddhist Missionary Society, Kuala Lumpur.

Phật Giáo Zen

Cả hai, Phật Giáo Mahàyàna và Theravàda đều bắt nguồn từ Ấn Độ, nơi phát nguyên tư tưởngtriết học Đông Phương. Một cách gián tiếp, Phật Giáo Zen cũng bắt nguồn từ Ấn Độ. Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) là một nhà sư Phật Giáo từ Ấn Độ đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ sáu. Ngài là con thứ ba của một vì vua Bà La Môn ở Nam Phần Ấn Độ. Ngài là một học giả uyên thâmtrí tuệ sâu sắc, có một sự thúc giục mạnh mẽ khiến ra đi, truyền bá những lời dạy của Đức Phật ở các lãnh thổ xa xôi. Do vậy, Ngài cổi bỏ y phục của người cư sĩ và mặc vào áo tràng của nhà sư Phật Giáo. Ngài đã có hành thiền và đã trau giồi và thành đạt tâm vắng lặng. Đức Bodhidharma rời quê nhà, vượt trùng dương và những vùng đất rộng, đến Trung Quốc. Ngài để lại cho đàn hậu tấn nhiều sách vở và nhiều lời dạy.

Nguồn Gốc Của Danh Từ Zen

Trong Phật Giáo có một danh từ rất quan trọng liên quan đến pháp hành thiền (bhàvanà). Đó là danh từ Jhànatrong tiếng Pali, dhyàna trong Sanskrit. Bỏ âm sau cùng, "a", còn lại jhan, được phiên âm sang tiếng Trung Hoa là chan. Chí đến nay người Trung Hoa dùng danh từ chan để nói thiền samàdhi, định. Nhân vật đầu tiên đem chan từ Trung Quốc sang Nhật Bổn là Dosho. Khi pháp hành chan du nhập vào Nhật Bản, vào thế kỷ thứ mười hai, thì danh từ chan trở thành zen trong tiếng Nhật.

Jhàna có nghĩa là tâm an trụ trọn vẹnthâm sâu vào đề mục, hay tâm định vững chắc dẫn đến minh sát (vipassana). Chính tâm an trụ hay định thấy sự vật như thật sự sự vật là vậy, trong bối cảnh thích nghi.

Như vậy, lẽ dĩ nhiên Zen là thiền -- trực tiếp nhìn ngay vào bản chất của chính mình, hay ngộ (Satori trong tiếng Nhật, Wu trong tiếng Trung Hoa). Pháp hành Zen bắt đầu với nguyện vọng thành đạt giác ngộ. ở Nhật, thiền Zen rất sống độngrõ ràng là một phần của cuộc sống hằng ngày. Phật Giáo Zen đã trở thành phổ cậpTây Phương và người Phương Tây rất ham mộ sùng kính. Pháp hành thiền của Phật Giáo là một lối thực hành của thời đại chúng ta, khi mà con người mãi lúng túng rối ren với những cảm giác bất an toàn mạnh mẽ trong xã hội vật chất hiện đại.

Mặc dầu Zen không phải là một hệ thống căn cứ trên luận lý và phân tách, có thể có một yếu tố trí thức trong Zen. Zen xác nhận sự chứng nghiệm thực tại một cách trực tiếp. Đây không phải là tiêu cực suông hay chỉ là "không không" suông dẫn đến cái gọi là tâm "rỗng không".

Một lần nọ Wu, vị Hoàng Đế đầu tiên của triều nhà Liang (trị vì từ năm 502 đến 549) hỏi Ngài Bodhidharma, Tổ Thứ Nhất của phái Zen ở Trung Quốc, về mục tiêu cùng tột và thánh thiện cao cả nhất của Phật Giáo. Vị hiền triết được tường thuật là đã trả lời: "Sự rỗng không mênh mông và không có chi là thánh thiện cao cả trong đó." Cái không (sùnyatà) là một giáo lý thâm sâu của Đức Phật, và giáo huấn sùnyatà, hư không hay rỗng không, của Ngài Nàgarjuna (Long Thọ) căn cứ trên giáo lý Theravàda (Nguyên Thủy). Đây là lời của Đức Phật (Sutta Nipàta 1119, kinh Mogharàja Sutta. XChương 8)

"Này Mogharàja, hãy luôn luôn giữ chánh niệm
Hãy nhìn thế gian là rỗng không (sunna).

Thỉnh thoảng Zen có thể hình như quá bí ẩn, quá huyền diệu để có thể hiểu, và đầy mâu thuẩn, nhưng nghĩ cho cùng, đây là một giáo lý và một kỷ cương đơn giản. Zen nhằm đến mục tiêu tự mình giác ngộ và giúp cho kẻ khác cũng giác ngộ như mình.

Trong Zen có những lời "cầu nguyện" nhưng đó là nói lên những nguyện vọng của mình (patthanà hay pràrthanà):

1. Dầu chúng sanh vô số kể, tôi cầu xin cho tất cả đều được cứu độ.
2. Dầu khát vọng vô cùng tận, tôi cầu xin cho tất cả đều tận diệt.
3. Dầu Giáo Pháp vô lượng, tôi cầu xin học được tất cả.
4. Dầu Phật Đạo tối thượng tối cao, tôi cầu xin có ngày thành tựu.

Vài Danh Từ Phật Giáo Zen

i. Ngồi tréo chân trong thế "định", tiếng Nhật là zazen. Trung Hoa là tso-chan theo đúng nghĩa từ chữ là "ngồi dhyàna" hay "ngồi Zen".

ii. Ngộ (satori, tiếng Nhật, và wu là tiếng Trung Hoa), không phải là đắc thiền, trong trạng thái không hay biết gì cả, cũng không phải một trạng thái tâm lạ thường.

iii. Koan là một loại vấn đề mà vị thiền sư đặt ra để thiền sinh giải quyết.

iv. Kyosaku là đập với một thiền trượng để giúp Zen (thiền) được chứng nghiệm thâm sâu hơn.

v. Zendo, thiền đường.

Đại hạnh, pàramità (pàrami, Ba la mật) của Bồ Tát hay của người học Zen là: Dàna, sìla, kshànti, dhyàna, prajnà -- Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Trong Phật Giáo Theravàda có mười Ba la mật, paramitàs (xem Chương 1)

Những vị quan tâm đến Phật Giáo Zen có thể đọc :

- The Essentials of Zen Buddhism -- An Anthology of the Writings of Daisetz T. Suzuki, do Bernard Phillips biên sọan;

- Zen Buddhism and Psychoanalysis, do tác giả D.T. Suzuki, Erich Fromm và Richard De Martino;

- Zen Flesh, Zen Bones, do Paul Reps biên soạn (a Pelican Book).


Giấc Mơ Lạc Quan Của Một Con Ong

[*]

"Đêm sẽ qua, bình minh tươi đẹp sẽ đến,
Vầng thái dương sẽ ló dạng, hoa sen sẽ nở nụ cười."
Kẹt bên trong đóa hoa sen, ong suy nghĩ như vậy.
Rồi đùng! đùng! Một thớt voi bẻ nát cọng sen!

Trời đã về chiều, mặt trời từ từ lặn ở hướng Tây. Đàn chim bay lả bay la về ổ, trong khi ấy thú rừng bắt đầu thả rong đi tìm mồi. Giờ đây có một con ong -- ong bé nhỏ bận rộn -- đang vo vo quanh quẩn bay tìm chút ít mật ăn đỡ dạ. Rồi ong thấy một ao hồ đầy hoa sen đang tung nở, và lòng hoan hỷ thỏa thích, ong đáp hạ xuống trên một đài hoa mềm mại và làm tiệc với những giọt mật ẩn kín trong nhụy sen. Ong không làm tổn hại sắc đẹp của hoa, chỉ hút vài giọt mật. Nhưng than ôi, trong khi mặt trời lặn thì những tai hoa mịn màng như tơ lụa cũng từ từ khép lại, gài kẹt người khách bụng đói bên trong. Nhưng ong không tuyệt vọng. Dưới đây là những ý nghĩ thoáng qua trong tâm của con vật bé nhỏ nằm kẹt trong ngục tù hoa sen với đầy những thức ăn ngon miệng.

"Đêm sẽ qua, nhường chỗ cho bình minh tươi đẹp; mặt trời sẽ mọc, và hoa sen sẽ nở tung, rồi ta sẽ sớm sủa rời bỏ cái ngục tù này, bay về với đồng bọn."

Nhưng bất hạnh thay! Điều bất ngờ xảy diễn. Thớt tượng oai vệ, chúa tể của rừng núi, dỏng dạc bước dài theo con đường xuống ao hồ. Voi uống nước no bụng rồi rải tung nước mát, tưới lên hai bên hông to lớn của mình, và vừa lúc ấy cảm nhận mùi thơm ngọt ngào của hoa sen tươi tốt -- chính cái bông mà ong đang bị mắc kẹt trong đó.

Trong bỗng chốc voi hùng dũng bỏ vòi quấn ngang cọng sen và răng rắc nghiền ngấu -- lá, hoa,và ong, biến dạng trong cái bụng khổng lồ! Và con ong bé nhỏ, trái với niềm hy vọng lạc quan, đi vào cõi chết.

Đời sống là vậy! Một giây lát ở đây, rồi vĩnh viễn mất dạng. Ai có thể đoan chắc rằng ta sẽ thấy ngày mai? Tất cả đều trôi qua: cành hoa tươi xinh đẹp, giọng chim du dương lảnh lót, và tiếng ong đều đặn bay vo vo.

Mọi kết hợp đều chấm dứt trong chia ly, mọi cuộc sống đều đi dần đến cái chết. Và trong vũ trụ bí ẩn này, chúng ta sống, chúng ta thương yêu nhau và vui cười với nhau, bởi vì "khi đời sống chảy trôi suôn sẻ như một bài ca thì không khó gì tỏ ra dễ mến." Nhưng "khi sầu muộn đến, nó không đến đơn độc, mà từng đoàn, từng cả đạo binh" (Shakespeare trong Hamlet), và toàn thể thế gianhình ảnh của đau khổ.

Tuy vậy, người nhìn đời sống với cặp mắt buông xả sẽ thấy sự vật đúng trong bối cảnh của nó. Người mà sự tu tập rèn luyện cho mình một tâm tánh trầm tĩnh và không giao động xuyên qua mọi thăng trầm của cuộc sống, người có thể mỉm cười khi mọi việc đều sai quấy -- người ấy, quả thật vậy, là con ngườigiá trị.

Kiêng cữ những chất say và luôn luôn tỉnh giác, vững chắc củng cố trong hạnh nhẫn nhục và đức tính trong sạch, người sáng suốt tự rèn luyện tâm. Và chỉ có cách tu tập như vậy mới thành tựu được tâm vắng lặng.

Một ít hiểu biết nào về hoạt động của nghiệp (kamma), và quả trổ sanh (kamma vipàka) như thế nào, rất cần thiết cho người thật sự có khuynh hướng trau giồi tâm xả. Dưới ánh sáng của định luật nghiệp báo ta sẽ có thể chấp thuận thái độ buông bỏ đối với tất cả chúng sanh, chí đến những vật vô tri vô giác. Nguyên nhân kế cận nhất của tâm buông xảhiểu biết rằng tất cả chúng sanh là kết quả của hành động, kamma, của họ. Thế gianchúng ta đang tạm trú trong đó cũng tựa hồ như một đóa hoa sen rộng lớn, và tất cả chúng ta -- đàn ông và đàn bà -- đang cố gắng tranh đấu hút mật. Chúng ta tự tạo những giấc mơ, những niềm hy vọng, và chúng ta dự trù những kế hoạch cho ngày mai. Nhưng rồi một ngày nào, có thể là bỗng nhiên và bất ngờ, giờ phút không thể tránh mà Tử Thần, thớt tượng, Maccu Màra, phải đến, và xé tan, nghiền nát đời sống của chúng ta, và những niềm hy vọng của chúng ta trở thành hư không. "Gương mặt của đời sống chỉ là cái mặt nạ để che lấp, giấu sự chết ở phía sau. Hãy lắng nghe nhà thơ:

'Hãy học tập, học thật kỹ, thế gian là một giấc mơ và những hình trạng tạm bợ của nó chỉ là bụi bặm của những giấc mơ;
Thân này mà ta ấp ủ với nước hoa, còn phù du hơn là tai hoa đang héo tàn.
Tất cả những sở hữu của ta là xiềng xích trói buộc ta càng chặt chẽ hơn tình trạng nghèo nàn;
Tiền của, tài sản, tuổi thanh xuândục vọng, lôi cuốn ta như một đoàn xe, vào sa mạc tử vong của chúng.'"

Lịch sử đã chứng tỏ và lặp đi lặp lại, và sẽ còn chứng tỏ rằng trên thế gian này không có chi tồn tại lâu dài. Những quốc gia và những nền văn minh khởi lên, hưng thạnh, và suy tàn, không khác nào các lượn sóng trên biển cả, nhô lên rồi lụn tàn, nhường chỗ cho lượn mới, và cứ thế, thời gian cuốn tròn, giữ lại hồ sơ của tấn tuồng đời, ảo ảnh vô căn cứ và sự trôi chảy đang phai mờ, lịch sử của nhân loại.

Do đó lời của nhà hiền triết thời xưa:

"Tám ngọn núi to lớn và bảy biển cả,
Mặt trời, những vị trời ngồi đó để thống trị những vật ấy,
Bạn, tôi, vũ trụ, đều phải diệt vong.
Thời gian chiến thắng tất cả. 
Tại sao còn say mê vở tuồng của Ma Vương?



[*] Câu chuyện này dựa trên một bản dịch của câu thứ tám, và cũng là câu cuối cùng, của bài Bramaràstaka, do thi sĩ người Ấn, Samkaràcàrya, sáng tác bằng chữ Sanskrit. Thi sĩ được xem là người đồng thời với nhà thơ trứ danh nhất của xứ Ấn Độ, Kàlidàsa.









Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189272)
01/04/2012(Xem: 34732)
08/11/2018(Xem: 13619)
08/02/2015(Xem: 51982)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.