13. Mộng thoát luân hồi

21/04/20185:07 SA(Xem: 5044)
13. Mộng thoát luân hồi
VẾT CHÂN TỰ NGà
TRÊN ĐƯỜNG VỀ KHÔNG
NHỤY NGUYÊN
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 

 

Mộng thoát luân hồi

 

Cõi mộng Ta bà âu là do thức biến. Người đang tu chưa thể hiểu thấu, chỉ biết tin và hành theo lời Phật để mong một lần tỉnh mộng. Cơ duyên biết mình đang mơ, tự hỏi tại sao không hành giấc mộng lớn: Siêu thoát luân hồi.

 

1. Nhìn từ cõi buồn cùng tận

Vượt bể khổ, hẳn không ra ngoài chữ Buông. Từ buông vật tài, đến buông thân, rồi buông vọng tưởng chấp trước, phân biệt phiền não, âu là lộ trình vật vã.

 

Học kinh điển mà không hành, thảy cái ta có chỉ là thông tin, nhà Phật chưa gọi trí huệ. Thông tin gọi sang hơn là tri thức. Từ tri thức tới nhận thức cũng hãy còn xa. Nhận thức, ngoài nhận thức về xã hội về nhân loại nói chung còn phải mở cái nhìn về vũ trụ, về những quy luật thường hằng bất biến vốn liên quan mật thiết đến mỗi con người. Nói vũ trụ quá rộng không liên quan đến nồi cơm của ta, không liên quan đến hơi thở, giấc ngủ, đến những ý nghĩ của ta là mới chạm phía ngoài nhận thức. Từ đó đến trí huệ lại là một bước chuyển phi thường. Những điều nhỏ nhặt, chẳng hạn ta vô tư mời bè bạn nhậu nhẹt chơi bời ngót tiền trăm tiền triệu, lại không bố thí nổi mươi ngàn cho người ăn xin; ở tiêu chuẩn của Đạo mà nhìn, là dại khờ hết đỗi. Có hai câu chuyện ngược nhau. Một ông già ăn xin, một lần có người bỏ vào bát tờ bạc, vô tình rơi chiếc vòng kim cương vào đó; ông tìm chủ nhân trả lại. Nếu ông bán chiếc vòng, đến nơi xa xôi sống trong xa hoa, thì nghiệp lực của sự tham này sẽ đeo bám ông suốt tháng ngày còn lại, đến tận những kiếp sau. Sau khi câu chuyện được kể rộng trên truyền thông, người ta đã góp tiền cho ông vượt cả giá của chiếc vòng. Hẳn không nên bình luận gì thêm. Chuyện thứ hai là một tỉ phú, ông chỉ giữ khoảng mười phần trăm số lãi để lo gia đình, còn chín mươi phần trăm dùng vào từ thiện. Lẽ ra ông chủ này theo thời gian sẽ dần tụt lại trong danh sách tỉ phú thế giới, “nghèo” đi. Nhưng không. Gia sản của ông ngày càng lớn. Người càng cho sẽ càng giàu; vế tiếp, càng giàu càng cho, đây là vòng trôn ốc hướng lên mãi. Phước tuồn về nhờ ta mở rộng lượng tâm. Muốn trí tuệ, muốn thành đạt giàu sang, tất cả đều có kim chỉ nam Phật pháp.

Những khoa học gia hàng đầu cũng khuyên người đời nên nối mạng với làn sóng từ vũ trụ. Năng lượng thiện vốn sẵn trong trời đất, ta vừa mở tâm lập tức nó ùa vào; nghĩ ác thì hút năng lượng ác, sự chiêu cảm tự nhiên này thật đáng sợ. Phật dạy hễ ta có gì hãy bố thí rộng khắp với lòng chân thành, bằng niềm thương lợi lạc tha nhân trước hết, đó là nguyên lý của giàu có, trí tuệsức khỏe. Một khi tâm người hướng thiện, muốn tạo nên một sản phẩm (để làm giàu) thì nó phải lợi ích thiết thực cho bản thân, cho người thân của mình; ta luôn nghĩ về việc muốn giới thiệu sản phẩm này đến thật nhiều người. Chẳng hạn khoa học cảnh báo tác hại của đường sữa; với lòng trắc ẩn, bạn chế tạo một loại sữa không đường không chất bảo quản từ thực vật sạch trồng theo kỹ thuật nhà nông xưa. Bạn phát khởi lòng từ quyết đưa sản phẩm này ra thị trường lớn. Đây cũng là cách thực hành bố thí đem lại lợi lạc cho mình. Muốn giàu có hãy bố thí ngoại tài và nội tài; muốn trí tuệ phát khởi hãy bố thí sự hiểu biếtbí quyết làm nên tài giỏi của mình; muốn hướng đến vô bệnh hãy tuyệt việc sát hại kể cả muỗi kiến, thực hành ăn chay, phóng sanh. Nguyên lý này vĩnh viễn đúng, vĩnh viễn là đỉnh cao tót vời chiêu gọi những người bước về cõi thuần tịnh.

Con người được sinh ra từ chỗ hạ tiện nhất, nhưng con người cũng vốn thanh cao bởi con người liên thông với vũ trụ bằng sóng tâm. Mỗi ý niệm, mỗi cử chỉ hành vi cá nhân đều ảnh hưởng trực tiếp đến vũ trụ, trước hết là với trái đất. Kinh Địa Tạng: “Chúng sanh khởi tâm động niệm không gì không tội nghiệp”; sẽ phải được nhìn nhận một cách tỉnh táo nhất trên tiến trình cải đổi vận mạng. Hành giả hiểu câu này như bao học giả thì sự chê bai xem thường phải lường đến mức độ nghiêm trọng. Chúng ta tự hỏi, tại sao những bản kinh “đơn giản dễ hiểu” thường bị quy ngụy tạo lại qua mặt được bao tổ sư đại đức trải mấy ngàn năm? Kinh ấy vẫn được các bậc chứng ngộ đặc biệt quý trọng, thậm chí xem là nền tảng của Phật pháp? Rồi ngẫm thêm tại sao Phật cúi lạy đống xương khô (?) mà theo Ngài là cha mẹ mình từ nhiều kiếp. Tại sao chỉ cha mẹ là Phật đặt cao hơn bậc chứng ngộ như mình? Không cứ ai dẫu sự học uyên thâm, thử đọc Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, kinh Hoa Nghiêm sẽ thấy sao giống cổ tích. Nhưng so với câu kinh kể trên còn đỡ “phi lý” hơn. Rồi nữa, trong nhà Phật có câu “Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng”; lại có câu: Trong những quả báo của việc niệm Phậtquả báo xuống địa ngục. Song cả hai đều tuyệt đối đúng. Sai hay đúng do ở cách thấy, ở góc nhìn ở hệ quy chiếu và tầm nhận thức của mỗi hành giả. Mà trước hết thể hiện ở mức thấu và tin nhân quả.

Ta toàn phóng tâm ra ngoài nhìn lỗi thế gian, thấy ai cũng lỗi, còn mình thì không! Ta thành tựu sự nghiệp được người đời tán dương, làm ra tiền, lâu lâu tự dưng lại có bổng lộc tưởng như từ trời rơi xuống; tự hào, nghĩ mình đáng được tán thán, đáng kiêu. Rồi có lần gặp nạn, lâm bệnh. Ta oán trời trách người. Thuận cảnh thì duy khẳng định bởi tôi thông minh. Nghịch cảnh lại phủ nhận lỗi ở mình. Trong nghịch duyên lại không nhìn thấy bản chất vốn là thuận giúp ta nhìn lại, nâng cao nhẫn lực. Trong thuận duyên, ta không dụng trí tỉnh táo nhìn nhận sẽ rước họa sự thường. Thuận cảnh nghịch cảnh vốn không hai. Ngả về đằng nào tùy ở cách dụng tâm. Nhưng thường với chân nhân, đa phần nghịch mới là cơ hội rèn dũa tâm; còn thuận duyên chỉ tham khảo ngó qua vui chút chút. Một câu nói đôi khi như cái dùi dộng vào tim, khiến ta đau đến ngất. Ta phải “rùng mình” tỉnh trí, đặt câu nói đó lên cái bệ thật sang như đặt một cái bình cổ, ta đi quanh ngắm nghía, rồi thốt lên “Tuyệt!” 

Suy cho cùng, nghịch hay thuận cảnh đều do tâm chiêu cảm, xuất phát từ nguyên nhân sâu xa giới luật. Bởi ta không nằm trong khuôn khổ của đại giới thập thiện. Phật chế Ngũ giới không phải cho người tu, mà dành cho mọi người. Điều mỗi ai cũng muốn là vô bệnh, trường thọ; nhưng họ lại sát sanh (kể cả giết hại gián tiếp và kể cả ý nghĩ sát hại) - Trong vũ trụ không có chân lý này. Muốn hạnh phúc, muốn vợ tuyệt đối không ai sờ đến lông tơ, nhưng ta bồ bịch, tưởng đến bóng hồng - Trong vũ trụ cũng không có đạo lý này. Nó ngược chân tánh thiện lương, nó nhiễm ô từ trường sạch trong trời đất. Ta giấu giếm lỗi mình. Ta bực dọc với ai ngó lỗi mình, nhưng ta hứng khởi xả năng lượng bêu xấu, hạ thấp kẻ khác. Là hành tà. Bởi ta thoát ra ngoài thập thiện, lọt vào mười ác, vi phạm luật thường hằng, tổn phước hao tài, trí mờ thân bệnh. Thử một lần vào khoa Hồi sức Cấp cứu, với những con bệnh cứt đái vương vãi, hôn mê sâu, sâu đến vĩnh viễn. Nhiều người vẫn còn biết suy nghĩ nhưng không nói không ra hiệu, cứ thế họ không được nằm đó thở mãi mà bị đưa về rút ô xi kết thúc sự sống để chấm dứt tình trạng họ quá phiền hà người thân. Sẽ thấy cuộc đời quá chừng nghiệt ngã! Chết rồi do nghiệp thức tạo tác trong đời, linh hồn hút vào thai các loài thấp thua vạn lần cõi người, phải vào địa ngục thì so với những tra tấn thời Trung Cổ chẳng nhằm nhò. Rồi ta so sánh với những người chân tu, về già trí sáng, tâm bình an giữa muôn nghịch trần. Họ thậm chí biết trước ngày giờ về nước Phật. Tự tại mà đi. Đứng mà vãng sanh. Vẫy tay trần thế mỉm cười mà về với cõi Phật A Di Đà. Để lại thân toàn xá lợi vàng ròng. Ngồi mà dùng lửa tam muội thiêu xác phàm rồi thanh thoát phiêu cùng chúng thánh ở nước Cực Lạc vi diệu đến không tài nào tả xiết.

Bởi ta không quán thân vô thường, ta chấp cứng vô thường, bám víu lấy vô thường biến hoại trong lúc có ai sống mãi. Ta dầm mình trong cõi buồn cùng tận. Là người chủ trương thuật trường sinh, song giáo sư Ohsawa thực tâm chú trọng chất lượng sống chứ không thiên về số lượng. Linh giác ông thấm thía cõi tạm. Cuộc đời dẫu sao cũng chỉ là cuộc chơi ngắn giữa vô thường, nhỏ nhoi và hư ảnh. Những chúng sanh tin lời Phật, theo đó dũng mãnh tinh tấn trên hành trình vượt thoát lục đạo thật hiếm sao!

 

2. Gian nan bào mòn tự ngã

Tự ngã, cần bứng từ gốc rễ kiêu mạn. Đến như một người tầm thường nhất thế gian, tàn ác đến đâu, trong đời họ vẫn có một cái gì đó vượt ta. Chắc chắn. Ở đây không thiên lệch chuyện hơn thua, cái chính nếu thực sự thấy ai cũng dường như là Phật và Bồ tát tái sanh đóng đủ loại vai hóa độ, hay ai cũng đều là con của Phật, trí tuệ và phước báu của ta ắt tăng trưởng. Thấy mình hơn người, hơn ở một lĩnh vực nào là chưa thực sự thấu lý kinh. Một nhà thơ giỏi và một nhà thơ tầm tầm, cả hai đều vắt óc làm thơ, theo Luật hấp dẫn, họ đều chiêu cảm năng lượng vũ trụ, nhưng người chắt ra câu thơ hay, người kia thì tàm tạm, điều này phụ thuộc vào duyên tác động đến phước báu, và chủ yếu phụ thuộc tâm thanh tịnh khiến sự tướng hiện trong tánh minh giác vốn sẵn đủ. Phước lớn chiêu vời được cái hay cái đẹp cái sâu sắc triết lý, phước nhỏ chỉ đổi được thứ bình phàm. Có nhiều tác phẩm nổi tiếng, tác giả bảo chữ cứ tuôn trào đến viết không kịp. Nó từ đâu ra? Những con người lọt lòng chưa có cơ hội vẫy vùng tạo nghiệp, sao đã dị tật méo mó? Nguyên nhân từ đâu? Những thân súc vật với cái đầu người; những người khoác mảng da của vật; vật đẻ ra người v.v, nó từ đâu ra? Những đứa trẻ thông tường Phật pháp, những người nhớ lại tiền kiếp; những vị Lạt ma hơn chục lần tái sanh với đầy đủ vật chứng. Những thiên tài lúc còn trẻ nhỏ, tác phẩm ấy từ đâu ra? Người kia chẳng hay tưởng mình giỏi, sanh tự mãn. Có ngã chắc đã có sự xem thường đối phương. Không chỉ trong cùng ngành nghề, ta nên quán rộng. Mình viết cuốn sách cũng khác gì người chế tạo một nông cụ. Thấy mình hơn người ngủ đầu đường xó chợ, hãy thử qua đêm dưới gầm cầu xem sao. Ta hơn kẻ ăn mày, sao không một lần thử ăn mặc rách rưới hành nghiệp cái bang. Khó thay. Bởi ngã. Ta là kẻ trí thức đường hoàng. Ta được đào tạo bài bản. Ta có học hàm học vị. Ta là nghệ sĩ là ông chủ là tổng quản. Ta là tầng lớp bậc cao trong xã hội. Ta nổi danh thiên hạ. Ngồi đầu này nghe bàn cạnh bên nhắc tên mình liền lắng xem họ nói xấu gì không. Cái tên nhạy cảm số một. Cái tên này phải được đặt ở nơi trang trọng. Cái tên này hễ nhắc đến nhiều người đều nể. Ta ... Một khi xã hội cấp cho danh vị, chính là ngã rồi. Dẫu ngắt được chữ thì vẫn còn chữ ta lù lù đó. Ta ta ta. Cái Ta luôn chìa ra trước lúc đưa tay bắt người, trước lúc ta cúi mình trước một nghĩa cử cao đẹp, thậm chí trước lúc ta lễ Phật. Mà lễ Phật dẫu phước báu vô lượng, ở mức độ chuyên môn tu tập xem ra còn dễ hơn lễ một chúng sanh bình phàm, bởi bao giờ ta cũng nghĩ mình hơn họ nên không thể cúi xuống và buông xuống ngã chấp.

Sự hơn thua là do thức phân biệt-chấp trước hoạt dụng, hoàn toàn không có phần của trí. Thức luôn luôn phân biệt, chấp trước, Trí thì bình đẳng. Trang Tử trong Đạo gia từng nghiệm: trời người, vạn vật và ta vốn cùng một thể. Phật thấy tánh (“của mình”) bình đẳng với mọi chúng sanh. Chấp ngã, ta luôn thấy hơn người. Nhớ một lần con chó hàng xóm nằm xoãi trước hiên, đi ngang nó liếc mắt ơ hờ, đi lại nó chỉ chuyển cái tròng; những người khác qua nó vẫn vậy; liền “ô” lên tự biện đến khi nào tâm tôi được như con chó kia. Nó như đang thiền. Tôi có hơn nó lúc này chăng. Rồi tôi liệu có hơn loài quỷ, mới nghĩ gì chúng đã biết. Tôi tham dục trong bóng tối cũng đâu qua mắt quỷ. Hổ thẹn nhường nào đến ma quỷ cũng khinh mình lại đòi Phật rước. Lại nghe có hành giả tu đến nhập định cả ngày, không khéo chỉ mới đủ để ma trêu chọc chứ chưa đủ mức để ma quấy phá, cản trở đường tới Phật, tức “ra đề” khó hơn hầu ta thăng nhẫn lực. Sao Ma cao vậy? Bởi ma biết, sức định của hành giả kia có nhưng sâu xa vẫn mê cõi tạm, vẫn trong chấp ngã, chấp pháp quá sâu; khởi tâm được về với Phật ngay lúc đó hành giả bỗng vội vàng xuất định; hay đó là công phu tăng trưởng theo cái Ngã; Ngã ấy khiến Hộ pháp khước từ, để ma đi guốc trong bụng nên ma túm chuôi dao. Cao hơn ma đã khó; hoặc giả ta có cơ duyên tu thành Phật, thì bao người khác cũng thế. Lúc ta và họ đều thành Phật, chẳng lẽ ta còn tu được cao hơn quả vị Phật để hơn thua?

Tôi có duyên lành thân cận với một vị hiện đang ẩn tu. Bởi thấy mình tu quá tệ, tuổi tác so với họ lại không lệch nhiều nên cái sự xưng hô rất ái ngại; gọi ngang tên chỉ là xin cái tướng, còn với tánh sợ mắc tội bất kính. Có lần gửi email hỏi pháp, nửa đùa nửa thật tôi có đặt hai chữ Sư phụ ở đầu, liền bị quở: “Trong tam giới ai có thể làm sư phụ? Là bậc từ A la hán trở lên các đại Bồ tát, Như Lai quả địa. Còn mình ngay quả Tu đà hoàn chưa với nổi, thậm chí bậc thiện nhơn thế gian cũng không bằng thì sao làm sư phụ đây. Được người gọi sư phụ mà chẳng xứng thì tổn phước biết bao. Trong các bản kinh Đại thừa, thường nghe Phật gọi các vị đại Bồ tát Đẳng giác như Văn Thù, Phổ Hiền là "này Phật tử", các đại Bồ tát còn là đệ tử, nếu ta làm sư phụ thì các Ngài ấy gặp ta phải chân mỏi gối chùn ư? Lại luận theo thật tướng bình đẳng, chư Phật thấy trong chúng sanh đều có ông Phật khổng lồ; riêng sư thừa của tổ truyền là mô hình giáo dục. Ngay Krishnamurti đương thời cũng được gọi là vị sư phụ luôn xua đuổi đệ tử như đuổi tà, ông không công nhận khái niệm sư - đệ như truyền thống sư thừa Á đông; ngài nói các vị nhận làm đệ tử thường hay hủy hoại ông thầy!! Còn nói như Đạt Lai Lạt Ma ‘phải làm đệ tử tất cả chúng sanh’ là tinh thần Bồ tát đạo, cũng là tu hạnh lễ kính của Phổ Hiền. Những ai làm đệ tử của tất cả chúng sanh mãn 3 đại a tăng kỳ kiếp, công phu dồi dào thâm hậu rồi thì mới có thể... có thể làm gì đây? Vừa cảm thấy mình không tệ, mới cảm thấy tư cách sư phụ trỗi dậy thì Địa Tạng Bồ tát liền trao cho cái kính "chiếu yêu", người đó nhìn vào gương thì thấy gì? Thấy hiện ra gương mặt hồng hào quắc thước, tiên phong đạo cốt, sắp sửa mỉm cười tự hào thì bỗng ngước nhìn lên, bóng của ma vương Ba Tuần đang phủ chụp! Cho nên các vị tu Bồ tát đạo mãi mãiđệ tử, cho đến quả vị Bồ Tát vẫn còn vô lượng vô biên sư phụ có thể dạy bảo mình là chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Ai thực học kinh Hoa Nghiêm vĩnh viễn chẳng dám làm thầy người”.

Tôi thầm xin phép trích ra nguyên văn như trên cũng là để thấy mình đáng thương xót xiết bao! Mộng siêu xuất tam giới còn đưa cán cân thế gian đo lường tự ngã. Chợt nghĩ cái thằng Bờm nếu biết Phật pháp chắn chẳng ngại một phen đại ngộ. Đã thành phú ông rồi, thấu lý nhân quả sao còn không quay lại học cho thành thằng Bờm. Sao tôi không ngu ngu như Bờm được nhỉ. Thấm thấu kinh điển phải là người mà tự ngã bị đánh sập. Bước ra đường nhìn ai cũng thấy là ân nhân. Phật dạy mọi người từ vô thỉ đều từng làm cha mẹ ta. Có lại thân người ta phải nặng mang ơn. Trách IS ác, sao tôi không lập trình lại ý niệm khởi lòng thương đến những kẻ đã gây tội nghiệp quá nặng để trong kiếp này hoặc kiếp khác họ sẽ nhận quả báo thảm sầu. Khoa học đã thấy giữa người với người đều “nối mạng” tư tưởng với nhau, không ai đứng độc lập giữa vũ trụ bao giờ. Lên án IS, sao không biết mỗi ngày tôi cũng đang phát ý niệm “thập ác” góp phần gia tăng động đất sóng thần bão tố hại vô số tha nhân. Ta chống IS là chống ngay bản tánh lương thiện trong mình. Ai đó nói, bảo đừng chống chiến tranh hãy ủng hộ hòa bình, vậy chúng nó ác thế không tiêu diệt sao. Ừ, với người đã thuần tâm cầu giải thoát, hãy đừng chống lại sự chống IS, là đã góp ý niệm thiện vào từ trường vũ trụ. Ta đến đời này để trả ơn nghĩa; trả ân nhưng ta nhận lại phước báu, tăng trí huệ qua việc nhìn thấu muôn mặt nhân sinh cùng với mình ‘đồng thể đại bi’. Một nụ cười, một ánh mắt tin cẩn, một miếng ăn chia sớt, cùng ấm áp chỗ nằm trong hành lang bệnh viện giữa người nhà các bệnh nhân, nhường một chỗ ngồi trên xe bus chật chội; nấu thêm chút cơm cho những con chó bị chủ bỏ đói… đều là trả ân.

Sống trong nỗi cảm ân là đang hướng về tha nhân, đang nhẹ dần tiếng tăm lợi dưỡng, là bào mòn dần Tự Ngã. Ngũ dục lục trần buông bao nhiêu ta sẽ nhìn thấu bấy nhiêu. Thấu thêm một phần, ánh sáng trong tự tánh thêm rọi chiếu chan hòa. Buông rồi sờ tới pháp môn nào cũng dễ chứng dễ ngộ như nhau. Buông không nổi thì tụng kinh bái sám, tham thiền niệm Phật cho đến trì chú suốt ngày đêm tâm ấy vẫn trơ như núi. Bởi ta vẫn tham vọng tưởng. Bởi ta phân biệt chấp trước, tham sân. Tâm hiện cục đá, ta không thấy bản tánhnhư như, lại để mắt soi mói, khởi ý cục đá này cần đẽo thế này tạc thế kia cho đặng. Rồi cứ thế bỏ chân theo vọng lấy cớ mê đắm cõi trần kết thêm nhiều duyên mới biến hiện trong cảnh giới của ma vương, trong lâu đài của vũ điện luân hồi ai oán.

 

3. Hòa giải vọng tưởng đảo điên

Lời một vị Chân Tu tại gia: Nếu thâu Phật pháp vào một chữ thì đó là Tâm. (Tâm vốn hàm dung vũ trụ, Tâm sanh vạn Pháp). Nếu thâu Phật pháp vào hai chữ, đó là Buông Xả. Những vị sư chứng quả thánh, có thiên nhãn, đã nhìn thấy một số đứa trẻ nằm trong nôi khóc ngặt, tay không ngừng khua khoắng, chính vì ma quỷ hiện trước mắt. Tại sao có đứa trẻ thấy được còn người lớn thì không? Bởi tâm nó còn trong veo; lớn thêm chút bắt đầu nhiễm các tập khí thế gian, tấm gương sáng nhuốm bụi; người thực dụng vật chất, mê mờ tin “không có quả báo thiện ác đời này, đời sau; không có A la hán”, “không ưa bố thí, không giữ giới luật” gương ấy càng dày bụi đến không thể soi rõ vật gì, Phật gọi là hạng người “trước khổ, sau khổ”. Vô Minh, một từ không có gì xấu, đơn giản là chưa đủ cơ duyên tin nhận chân lý siêu hình. Không tin nổi chính bản thân vật chất của họ cũng là hư giả

 

Thân người vốn huyễn tướng, còn “cái tâm suy nghĩ” là vọng; chỉ bổn tánh mới thật. Không níu vào cái chân lại theo cái giả, lúc thân hoại sẽ trắng tay. Ở trong ngôi nhà, lại tưởng ngôi nhà là ta, ngày ngày tô điểm trang trí rực rỡ trước thiên hạ, còn ta ở trong đó thì héo tàn. Đến ngày ngôi nhà hư hoại theo quy luật vô thường, ta đau đớn khổ sở, chụp bắt hư không. Thử tưởng đến một thời điểm ta nhận nhiệm vụ canh gác tối quan trọng, lại buồn ngủ, ta cố trương mắt đứng dậy đi lại nhảy nhót, nhưng vừa trở lại thế đứng gác lại ríu mắt. Chống mi lên tự răn ngủ quên sẽ mất mạng. Tiếp tục gắng, vẫn rụi xuống. Rồi ta buông xuôi, thiu thiu. Giật tỉnh. Than ôi, thấy mình đã khoác một thân mới của loài khác trong tam đồ. Đây là thí dụ nhẹ nhàng. Câu hỏi: Con người từ đâu đến và chết về đâu? Một bậc sư tôn kính trả lời: Con người từ lục đạo (trời, người, A tu la (tam thiện đạo) bàng sanh, ngạ quỷ, địa ngục) theo nghiệp mà tới, chết phần nhiều về lục đạo; thực chất mà nói, chết trở về ác đạo, rồi một số sinh linh chịu hết nghiệp báo từ tam đồ có cơ may đầu thai làm người. Bởi ta bị rối giữa vọng tâm, không nhận ra chân tâm thanh cao minh tuệ đầy đủ phước báu và trí tuệ. Chân tâm thuần như gương, thô hơn thì tạm hiểu như tờ giấy trắng. Ta sống mỗi ngày là chấm mực vẽ vời lung tung lên đó. Ai xả nhẹ thân kiến, vẫn vẫy vùng trong vô vàn những chấm đen và vạch xóa đủ thứ trần ai. Một khi trí sáng, hành giả từ vọng vẫn có thể nhìn thấy phần giấy trắng tinh phía dưới, dần dần tách bóc (không xóa) những thứ trên tờ giấy đó. Tức không diệt mà lìa vọng. Chuyển vọng quy chân, cảm hóa vọng khiến nó trở về như như.

Bậc đại đức muôn lần căn dặn: ‘Không thiểu dục tri túc thì ma nạn trùng trùng’. Nguyện tu về nước Phật, công phu đắc lực hơn thì chuyển qua đoạn dục khử ưu, nhận nghĩa như của muôn pháp. Không bào mòn tâm mê dục thì luôn trong nhà lửa, lánh chốn nào tâm cũng xao động như khỉ chuyền cành. Ly ái dục, người kia dẫu thờ Phật nơi đâu thì đó là Đại hùng bảo điện. Cuộc đời vốn dĩ giấc mơ buồn thảm. Chúng ta, nhiều lúc ẩn mình dưới thú. Chúng ta nhiều lúc đeo mặt nạ người bao biện cho thú tính bản năng. Tham, sân hận, kể cả vỗ ngực làm bộ anh hùng cũng dễ lấp ló mặt thú dưới cái gọi hình nhân. Giới tà dâm còn kể đến việc không được tự thỏa mãn, rõ việc đoạn ái phải từ gốc mê, tức rút năng lượng của cái vọng niệm ấy. Một khi ý dâm vừa xoẹt liền ngay cảnh tỉnh, tưởng đến sự phanh đó khiến ta cũng đang đứng trước vực thẳm, chới với suýt lao xuống toi mạng. Giả như lỡ tưởng thảm cảnh quan hệ, lại quán thân nữ là cái xác bệu bạo tanh tưởi da dẻ xám ngoét, quán sự hôi thối từ miệng từ chỗ dơ dáy như hầm phân; không ngớt nghĩ dục là than là lửa, lửa thiêu rụi công đức nhọc nhằn có được, dừng lại vẫn còn kịp; riết ráo thâu vọng niệm khiến trở về lần theo từng chữ từng câu Phật hiệu; hằng ngày cầu mong chư Phật và Bồ tát gia trì ly dục; xem món dục như ăn khoai sắn qua bữa; hành thì phải là ban đêm trong bóng tối với tâm hổ thẹn tận cùng, hổ thẹn đến muôn loài súc sanh ngạ quỷ. Rồi luôn phát nguyện không bao giờ tưởng đến một cảnh dục trong quá khứ. Bởi, chúng chỉ là ảo ảnh, là những chiếc bóng như sương khói. Hễ cảnh vừa dựng liền xóa, liền niệm “A Di Đà Phật”. Những cảnh quá khứ không tưởng lại, cảnh mới trong tương lai không tưởng đến, tâm hiện tại sao chẳng an? Đang tĩnh tọa bỗng khởi niệm, liền biết, như một bông hoa dần bung nở rồi héo tàn rũ xuống. Tưởng đến dục, tưởng những thứ liên quan đến ngã, là niệm tà vạy số một trong các tà vạy. Nhất khoát phía trước là hố thẳm. Là trầm luân bể khổ không bến quay về

Gốc rễ của ưu phiền là vọng/tưởng chấp trước, phân biệt với vạn pháp từ khuôn nghiệp đáng thương. Ta có nên chống lại. Hành giả Tịnh độ, giai đoạn đầu đương nhiên phải gắn bằng được câu Phật hiệu vào tâm. Ta có thể “chống” vọng tưởng, “tuyên chiến” với vọng tưởng; như ngăn nước đổ bằng được một khối bê tông xuống đáy sông. Lúc Phật hiệu tự khởi, ở đó rồi, thì bốn bề đều là hàng xóm đều ân nhân, ta phải hài hòa hết thảy. Chưa nói việc mất lòng ra mặt, hễ trong lời nói bỗng cảm nghiệm thấy vướng mắc, nên tưởng ngay đến họ trước mặt, tưởng ngay đến mình đang cúi lễ thành tâm mong họ thứ lỗi. Vọng tưởng cũng đồng nghĩa với oan gia luôn vây quanh chúng ta giờ giờ khắc khắc, chống lại họ là tự rào đường về cõi Tịnh. Lý bát nhã (hàng hạ liệt như tôi chưa dám sờ tới), thì thiện và ác, vọng và chân là hai mặt của bàn tay; trừ ác, diệt vọng, là chặt đứt bàn tay. Lấy ví dụ vọng tưởng là muỗi, ta ngồi chúng tới. Đuổi, nó bay một vòng lại vu vu. Phải làm gì. Giết? Tự xem mình Phật tử chân chính, bạn đừng nói vậy bởi sẽ chẳng ai tin đâu. Ngay đến ý nghĩ bực cũng chớ khởi. Ta có thể cúng dường nó một phần tư giọt máu, chẳng sao; lắng tâm sẽ cảm nhận được những chân muỗi đậu lên da mình, rồi cái vòi chích vào hơi nhói, sau đó ngưa ngứa đến lúc muỗi no tròn thì nó tự bay. Tạm biệt. Vọng chính là vậy. Nghĩ mình nợ nó nên giờ vui vẻ trả thôi. Oan gia nên giải không nên kết. Nỗ lực sám hối, nỗ lực thấy mình tội lỗi tràn hư không vẫn may sao có được thân người, may sao gặp chánh pháp, ta phải tận lòng lễ Phật niệm Phật hồi hướng mong có ngày hòa giải với mọi vọng niệm thế gian để chân tâm dần hiển lộ mở lối về Cực Lạc. Ở đó mới là nhà mới là quê hương.

Ta muốn trở về bản quán lẽ dĩ nhiên không vọng niệm nào cản nổi. Vọng khởi lên mở bài câu chuyện, chưa kịp thân bài và kết luận ta liền biết. Vừa biết liền mỉm cười (trong tâm) và tự nói, “này, ta biết mi rồi nghe”, kiểu như bọn trẻ chơi trốn tìm ngày xưa; ta biết mi ở bụi nọ bụi kia. Chà, mới ngồi đây đã phóng (tâm) đến chợ rồi à. Rỗi nhỉ, tham gia cả vào chuyện thế sự nữa. Rồi là: nghĩ à tưởng à. Ai bắt? Ai bắt mi phải tưởng chứ? Nghĩ để làm gì? Tưởng để làm gì? Ta phải tưới mát tâm bằng chút hài hước. Lâu lâu nó hơi quậy, cũng cần nghiêm nghị tí xíu: Này, đủ rồi nghe, đừng để mất lòng nhau đó nghe. Cứ thế, một khi vọng niệm được gạn đục, câu Phật hiệu vốn vẫn niệm nay trỗi lên. Bây giờ hãy nghĩ, thân ta như ngôi nhà, trong nhà có cái máy niệm Phật suốt ngày đêm; do quanh xóm có trẻ con nô đùa, có nhà này hát ka-ra nhà kia nhậu nhẹt, nhưng hễ mọi âm thanh ngưng thì tiếng niệm Phật từ máy trong nhà vỗng lên trong vắt; chứ thực ra máy niệm Phật (trong tâm) chưa bao giờ dừng. Như vậy giai đoạn thứ nhất là khiến tâm luôn niệm Phật, tập thành thói quen thành phản xạ vô điều kiện. Hoặc nếu bạn chuyên mặc niệm, cứ niệm một chuỗi ấn định bao câu Phật hiệu, rồi ngưng lại quan sát xem có vọng nào khởi lên. Như ai đó trong rừng thẳm, bước một đoạn liền đứng xem có người có vật thoáng qua không. Không có, lại niệm một chuỗi nữa. Cốt yếu là niệm từng chữ, tánh của tai nghe rõ từng chữ; như là bạn chỉ niệm cho duy nhất cái tai nghe vậy. Thời điểm quan trọng là trước lúc ngủ, tập niệm Phật đến ngủ quên, giấc ngủ chỉ mang duy nhất Phật hiệu. Ngay đến chợt tỉnh thì tâm tự khởi đầu tiên phải là A Di Đà Phật.

Chưa dám mơ đến loại công phu sự nhất tâm, lý nhất tâm; công phu thành phiến là ta tin chắc mình có vé lên Cực Lạc thế giới. Phải sập mọi giác quan không dễ dàng để duyên trần lôi đi, nói không với ti vi không xem đến một phút, không rờ tới internet nếu không phải để nghe kinh đọc pháp, tránh tham gia lễ hội tránh la cà và tránh xa các trang mạng dẫu chỉ vờn qua khoảnh khắc nhục dục. Giờ giờ khắc khắc nên luôn trong tư thế quán sát tâm. Đi đứng nằm ngồi cho đến làm việc gì tâm cũng không ngơi nghỉ việc hòa giải vọng niệm, nhẹ nhàng gạn vọng niệm. Hở việc áo cơm liền quay lại với Phật hiệu, rỗi thêm thì nghe giảng kinh giải chú sớ, đọc luận và học theo cách sống của chư tổ đại đức. Chúng ta có thể nghe Pháp thâu đêm suốt sáng và đừng bao giờ nghĩ đế sự ngủ. Một khi tâm hút vào sự nghe vi diệu ấy, sức khỏe không dễ tiêu hao. Sự thật vẫn có trường hợp niệm Phật còn tạp, nhưng do xả vạn duyên ta bà tha thiết về Quê Hương trong nỗi nhớ quay quắt, cũng dễ toại nguyện. Nên xét đến cùng, mọi pháp môn đưa đến mọi thứ bậc công phu chưa hẳn là vấn đề, vấn đề ở sự buông xả. Buông thân huyễn tâm vọng, buông sự đối lập phân biệt chấp trước với tất cả cảnh duyên không còn vướng víu gì nữa rồi, câu Phật hiệu mới chính thức vang đến cõi Tịnh nơi Tâm của mình. Ai hành trì dăm mười năm tâm vẫn bị cuốn theo lục trần như trâu bị xỏ mũi, cầu về Cực Lạc không khéo đang chơi trò oẳn tù tì trước mặt chư Phật.

 

4. Pháp liễu nghĩa và bước nhảy vô hồn

Niệm Phật là pháp Đại thừa, cũng cao thâm như bát nhã; nó có tính phá chấp nên ngoại trừ những người thượng căn xả bỏ thân kiếnngã kiến thiết nguyện cầu vãng sanh, trong một thời gian ngắn dễ gặp được bè giác ngộ, nhận lời hứa tiếp dẫn về cõi Tịnh từ Phật A Di Đà; những căn cơ còn lại, thiết nghĩ cần tu vững căn bản, lấy Tiểu thừa làm nền.

Lẽ ra Phật giáo không có sự phân chia Tiểu thừaĐại thừa, nhưng điều này đã trở thành lịch sử, cũng không nên bận tâm. Ai tu Đại thừa mà không tu Tiểu thừa không phải đệ tử ta. Lời kinh này tối quan trọng. Theo bậc minh sư, có thể xem Tiểu thừa là móng, Đại thừa là nhà. Cụ thể móng ở đây là giới luật. Nhà không móng là nhà giữa hư không. Ở cõi ta bà mà nói, ngôi nhà ấy rất dễ là ảo ảnh! Dĩ nhiên người tu Đại thừa có thể vừa tu vừa bồi đắp căn nền Tiểu thừa, cách này thật sự khôn ngoan. Nếu không học kỹ Tứ niệm xứ, quán thân vô thường, tâm vô ngã để lung lay gốc rễ của Ái và Thủ vốn bám chặt cõi trược nghìn vạn rễ độc, sẽ không phá nổi Sắc, Thọ, Tưởng, sự niệm Phật chờ Phật rước lúc lâm chung, thực tế cũng khá phiêu.

Không thấy sự vô thường của thân xác đâu dễ bước về ánh sáng vô lượng. Hình dung về cái máy niệm Phật được giấu trong đống rơm, mọi người ngang qua đều trầm trồ “đống rơm đang niệm Phật kìa”; thế rồi đống rơm tưởng mình là máy niệm Phật. Nó xuôi theo lời khen tiếng chê, rồi mê thất bổn tánh đến không còn biết cái máy vẫn vốn dĩ không ngừng niệm A Di Đà Phật; bởi vọng tưởng duyên theo trần cảnh đành chờ một nhân duyên đặc biệt, xoay cái nhìn xoay cái nghe vào trong, cứ thế yên lặng và yên lặng cho đến từng mảng an lạc bừng vỡ. Con đường tu đạt đến sự trong lặng đòi hỏi hành giả phải buông ráo riết. Một con đường dài vô tận song không quá xa vời. Khoa học cũng khuyên, mỗi người đều có năng lực lũy thừa khả năng. Từ 7 + 7 = 14, ta có thể thực hiện phép 7 x 7 = 49 sự thành tựu. Tại sao người tu không tự lũy thừa khả năng chứng ngộ của mình.

Xưa nay chúng ta hiếm thấy người đốn ngộ trong một đời, nhưng người cầu vãng sanh về Cực Lạc thành Phật khó tính đếm hết - là một cách hiểu khác của đắc đạo. Vấn đề ta có muốn buông? Ta nắm cái điện thoại giá trị, chấp vào nó, ngày ngày sợ cả trầy xước; cái ngoài thân buông chưa nổi thì thân này sao đành. Ta không muốn, Phật cũng tạm thời bó tay. Do thói quen, do ấn tượng sâu sắc về những gì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lưu giữ cẩn mật trong vọng thức; ta đưa nó ra ngắm nghía từng ngày, đưa so sánh với những thứ mới tiếp xúc rồi phân tích đánh giá, luận bàn, phán xử; hơn 90% năng lượng tiêu hao vào đó. Cho đến lúc thân rã rời ngả lưng thư giãn, tâm vẫn tiếp tục tưởng đến thị phi nhơn ngã, vẫn không chịu nương vào câu “A Di Đà Phật”, để tiếp tục tiêu hao 90% của 10% còn lại. Ta như “thầy đồ liếm mật” ngoạm bên này ngoạm bên kia, đem bóng tối chiếm dần sự minh tuệ. Tưởng đến câu chuyện đẹp, ta cũng không thể gạt khỏi dòng nghiệp thức những câu chuyện xấu xa tội lỗi. Người thân yêu mất, ta luôn tưởng lại họ trong mọi cử chỉ hành động gắn chặt cùng mình, rồi tâm bệnh sinh thân bệnh chết dần mòn. Nghĩ về họ chẳng những ta buồn đau mà họ buồn đau gấp bội. Sự nghĩ tưởng là tham thuộc hạng hàng đầu. Ta không muốn buông sự tham đó. Nghĩ về một lần được vinh danh giữa đám bạn, nghĩ về một kỷ niệm đẹp, nghĩ về dục vọng, ôi, thật điên đảo cái tâm này. Ôi! - tôi thường quán cái chữ này thật sắc và thật diễu nhại; “ôi, vọng tưởng phân biệt chấp trước cũng trói được ta trong lục đạo ư?!”

Không quán thân vô thường, pháp pháp vô ngã, ta niệm Phật đôi khi khiến mây ngũ dục, mây ngũ ấm càng kéo về dày đặc. Không thấy đời vô thường, ta vừa niệm Phật vừa tìm đường thoát khỏi Ngũ giới Thập thiện để rồi lạc vào cái gọi phá chấp vốn chỉ dành cho người đang hàng thâm pháp vô ngã. Vô ngã là gì? Là hạng người mà áo quần gọn gàng mặt mày sáng sủa vừa bước ra đường bất ngờ bị người ta tạt phân vào mặt, họ vẫn chỉ… cười thôi. Ta có ngã, có phân biệt và đầy mình chấp trước, niệm Phật dĩ nhiên sợ vãng sanh. Ta chưa thấu hai chữ vãng sanh nên cứ nghĩ nó là một cách diễn đạt khác của chết. Phật gia trì thọ mạng mỗi mỗi chúng sanh không hết lại ngắt bớt tuổi thọ của ai bao giờ. Ta sợ đạt công phu thành phiến, là điều kiện cần Phật tiếp độ. Ta sợ một ngày niệm Phật được nhất tâm tức là không còn nghĩ tưởng thế gian, sợ “chán” ta bà. Ta sợ đến một ngày không bè bạn không điện thoại, không tivi không internet ru rủ một mình. Ta cầu vãng sanh nhưng lúc nào cũng sợ “chứng”, sợ phải rời bỏ chốn dung thâncây bồ đề tỏa bóng trước hiên nhà, bạn bè thân quyến và biết bao cuộc hẹn bao dự định dở dang nữa. Ta đang phát cái nguyện giả. Thực tâm không muốn thoát bể khổ. Ta không muốn ra khỏi chốn lấm bết bùn lầy. Bởi ta chưa nhìn thấu nó bùn lầy uế trược. Bởi ta chấp xà phòng thơm nước hoa ngoại ngày ngày thoảng trên tấm thân đáng tội. Ta nhăn mặt bịt mũi nhổ dãi vén áo quần là lượt khi vào đại tiện, lại không quán mình khác chi cái nhà xí di động chứa hầm phân và nghĩa địa chúng sanh. Ta vẫn muốn già muốn bệnh và muốn hấp hối đảo điên đã mới muốn cầu về nước Phật. Ta không muốn biết chính cõi này cũng là Cực Lạc. Chính ở cõi này nhiều vị tu chứng nhìn thấy chúng ta vàng ròng trong suốt, thấy vạn vật đều trang nghiêm thanh tịnh. Nhiều vị âm thầm sống trong niềm hỷ lạc vô biên khôn tận, âm thầm cứu rỗi linh hồn của vũ trụ. Chính do con mắt phàm của ta nhìn thế gian lắm nỗi. Chính do tâm vọng ta làm rối loạn tối tăm cảnh trần. Lúc gặp pháp niệm Phật lại tưởng mình cao sang không cầu hòa giải lại đối lập phân biệt với mọi người mọi sự mọi vật.

Chẳng xem nhẹ thân này, chẳng xem nhẹ dục lạc, chẳng thấm triết lý hết thảy chỉ là phương tiện như rau cháo qua ngày thì tu song dưới bề sâu tâm thức chẳng muốn ra ngoài tam giới; vẫn thấy cuộc đời này thật và còn rất tươi đẹp trong lúc mình vẫn thanh xuân. Vẫn công khóa đều đặn ngày vài thời, đi đứng nằm ngồi vẫn nhớ niệm Phật nhưng vẫn còn ẩn giấu cái ý nghĩ cũng phải nhìn thế gian ngả màu thời gian đã rồi tính đến vãng sanh chưa muộn. Bởi chấp thân. Thân này lại chấp tài sản gia quyến. Ngay đến xả vật “của ta” vốn ở ngoài thân đã quá khó nói chi đến xả thân quý báu nô lệ nó hết mực này. Xả được tài, ít nhất bạn phải có ý nghĩ đang đi bỗng thấy từ trên ngôi nhà cao tầng tung xuống cả núi tiền, người người ùa tới đua nhau nhặt nhạnh, bạn sẽ đắm trong nỗi hân hoan như thấy trước mắt là người trẻ nô đùa tắm táp dưới một cơn mưa rào bất chợt. Phật từng bảo nếu thân này của ta sao không thể khiến nó trẻ mãi. Chấp thân là ta cũng như nhân viên ngân hàng chấp lượng tiền đếm mỗi ngày là của mình. Cái thân này, là nơi ẩn náu của tâm vọng. Còn hơn thế, thân chẳng những không là của ta như áo quần đang mặc, mà thân này cũng không phải của ta nốt. Nó thuộc về hư không. Ta mượn cái hư huyễn trú ngụ, niệm Phật cầu trở về Cực Lạc mà thôi.

Dựng lập những ý niệm này vững chãi thật chẳng dễ mấy ai: Con đã xong mọi chuyện thế gian. Vợ con, nhà cửa danh vọng đó song con đã sắp xếp ổn thỏa không lưu luyến; con muốn về cõi Tịnh bất cứ lúc nào Phật cảm ứng. Con muốn tu chứng ngay bây giờ ngay ngày mai; song hành với công phu niệm Phật tương tục, thành phiến. Niệm Phật, vấn đề ở chỗ tai có nghe rõ từng chữ hay không. Nghe chữ thứ nhất trọn vẹn, ta phải níu lấy những vang động của A đó rồi nối vào chữ Di, chữ Đà, chữ Phật tiếp theo; nhất là khi tan mình trong mật âm của chữ Phật đang ngân vang, thì ta lại tiếp tục trở lại với chữ A. Đây là mức đầu tiên để ghép từng chuỗi lại với nhau, ba chuỗi, năm chuỗi; để một lúc nào đó câu Phật hiệu tương tục quyện lại giữa không gian. Nhược bằng ta niệm Phật mà tai không chậm rãi nghe rõ, dẫu niệm nhanh niệm chậm, dẫu niệm bao nhiêu thời gian, vọng niệm sẽ cuốn “A Di Đà Phật” đi thật dễ dàng. Ở đây cần một điều tối quan trọng: Đã qua giai đoạn bất chấp vọng niệm để gắn bằng được “máy niệm Phật” vào tâm, qua tiếp giai đoạn hòa giải vọng niệm, rồi khá nhuần việc phẩy qua chuyện thế tục dẫu hấp dẫn hay oan nghiệt đến đâu lội qua tâm trí; bây giờ với vọng niệm cần hơn cả hòa giải, là Cảm Hóa. Phiền não tức Bồ đề, Tham Sân Si tức Giới Định Tuệ. Chẳng như đoạn Si, không có nghĩa ta bứng gốc Si rồi trồng vào đó gốc Tuệ, mà ngay nơi si kia vừa mất chính là tuệ hiện tiền, không có trước không có sau. A Di Đà Phật dội vào, vọng niệm ẩy ra, cứ lấn qua lấn về không chừng đối kháng. Người ta đã “buông dao”, bạn còn ở đó trui rèn giáo mác mà thánh chiến với vọng tưởng! Vọng rốt cùng cũng là “sinh mệnh”; niệm Phật với tâm từ bi vô hạn tự khắc Vọng sẽ được cảm hóa, sẽ hòa vào A Di Đà Phật như mây hồng hư huyễn. Người nước ngoài chưởi ta, ta không biết tiếng nước họ sẽ không khởi sân giận. Chính vì ta lầm chấp vào tướng nội dung của nó. Tánh của vạn pháp là Không; pháp vọng niệm tánh của nó cũng Không. Nên chính vọng niệm cũng là “A Di Đà Phật”. Các Tổ giảng niệm đến Sự/Lý nhất tâm thì hồng danh không còn tướng danh tự, niệm mà không niệm. Phật hiệu như con thuyền hoàn thành nhiệm vụ đưa vọng tâm trở về tự tánh mênh mang.

Ấy là điều khó. Nên trước hết trở về niệm Phật với tâm thiết tha được về cõi Tịnh, với lòng cảm ân sâu xa mười phương chư Phật - điều này đôi khi quan trọng chẳng thua việc trì niệm. Căn nền vẫn ở chữ Buông. Buông mới mong thể nhập nghĩa chân thật kinh điển, sẽ không còn thấy gì trong thế gian hấp dẫn hơn pháp lực nữa. Cái cảm giác được trở về làm rung động sâu xa tâm khảm. Một danh sách dài dặc những người từng gặp dẫu thoáng qua danh vị, như cái máy dò tìm thấy không dừng lại ở dòng tên nào khởi lên vướng mắc. Ta bắt đầu chuỗi ngày thấy ai cũng đã “trở về” với mình như sự hội ngộ trong một ngày xuân tươi mới. 

Thử vẽ ra một con sông, bên này cõi uế, bên kia cõi Tịnh. Có Buông nghĩa là ta một mình đứng ở bờ bên này sẵn sàng qua sông. Là lúc đã thấm thía Khổ Không Vô Thường. Bỗng thấy giữa sông có những chỗ tiền trạm, bắt đầu là cái chòi có oan gia trái chủ ẩn nấp, rồi đến túp lều có ma vương đang thưởng trà, tiếp đến là chỗ các bậc tổ sư đại đức. Nếu theo Bát Nhã tức phải một cú nhảy vọt qua hết thảy đến thẳng trước Phật bên kia bờ. Nghĩa là trước đó ta đã một mình lầm lụi quãng đường rất xa từ ngôi làng thân thương đến chỗ đang đứng, chứ không phải vướng theo thân quyến và rất nhiều đồ đoàn đến đó. Ý muốn ra ngoài cõi khổ, ý muốn gặp Phật A Di Đà bừng cháy trong ta. Bấy giờ, hãy thực hiện cú nhảy. Còn không ta mới tiền trạm ở cái chòi đầu tiên đã bị các “chủ nợ” quẳng xuống nước (chướng duyên, lâm bệnh ngặt nghèo, tai nạn, hễ ngồi xuống thì vọng tưởng trào sôi cuốn phăng chánh niệm, cuốn phăng câu Phật hiệu lúc nào chẳng hay; thì ta phải trở về tu lại Lục hòa kính, Thập thiện, Ngũ giới, Tứ chánh cần, Tứ niệm xứ, tu kỹ Lục độ và hơn hết là Hiếu thân tôn sư, tu hạnh nguyện Sám hối nghiệp chướng, Phổ Hiền hạnh nguyện. Đến lúc ra đường gặp ai kể cả loài vật ta cũng chừng muốn bật khóc, cũng có cảm giác muốn cúi lạy. Rồi thỏng tay vào chợ. Với ta lúc này sở học thế gian bụi bám, bể học thánh hiền rêu phong, đến cả Phật pháp nửa chữ cắn đôi cũng Không nốt; ta mãi miết dạo “trên lối mòn thỏ chạy” cho tới khi người người đoan quyết, ồ cái tướng ấy trông khờ khờ làm sao, cái tướng ấy trông hao hao Bờm quá; giữa rừng dục phấp phới ta không còn lung lay bởi tám gió. Vậy xem như Buông rồi, tự tại hướng về bờ sông để thực hiện lại bước nhảy cuối cùng.

TÁC GIẢ

 

Nhà văn Nhụy Nguyên tên thật là Trần Nguyên Sỹ
Quê quán: Phù Lưu - Lộc Hà - Hà Tĩnh
Hiện công tác tại Tạp chí Sông Hương
Tác giả từng viết đều ở các thể loại:
thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, tiểu luận.



Mong muốn pháp được lưu truyền rộng rãi, tác giả và nhà xuất bản không giữ bản quyền sách. Giá bán khi độc giả đặt mua là giá thành tối thiểu của Amazon nhằm trang trải chi phí in ấn cho một quyển theo hình thức POD (Print on Demand).

 








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 190792)
01/04/2012(Xem: 36393)
08/11/2018(Xem: 15081)
08/02/2015(Xem: 54217)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.