IX: Quá Trình Hình Thành Đại Tạng Kinh

24/06/20229:33 SA(Xem: 2421)
IX: Quá Trình Hình Thành Đại Tạng Kinh

VŨ THẾ NGỌC
KINH PHẬT
NGUỒN GỐC và PHÁT TRIỂN
Buddhist Sutras: Origin and Development

 

CHƯƠNG IX

TỪ KINH LỤC ĐẾN ĐẠI TẠNG KINH

 

1- KINH LỤC

Kinh luận Hán Tạng càng ngày càng nhiều. Nhu cầu cần phải có một thư mục hay mục lục để sắp xếp các loại kinh luận giúp cho người học Phật cũng giống như thư viện tổ chức sắp xếp kinh luận một cách ngăn nắp và có hệ thống trở nên cần thiết. Vì vậy Phật học Hán văn đã có một loại sách dành riêng cho nhu cầu này gọi là “Lục” (綠) hay “Mục Lục” (目綠) hoặc “Kinh Lục” (經錄). Kinh Lục hay Mục Lục không chỉ liệt kê con số các kinh điển đã được dịch trong thời gian mà còn phần giới thiệuso sánh các bản dịch. Vì vậy Kinh Lục có nhiệm vụ liệt kê, phân tích và sắp loại kinh luận. Nội dung và sắp đặt của Kinh Lục sẽ dẫn đến việc sắp xếp nội dung kinh luận cho việc thành hình khắc in đại tạng kinh trong tương lai. Cho nên có thể nói Kinh Lục chính là cái xương sống cho việc khắc in đại tạng kinh.[1]

Đến nay trong lịch sử thành lập Hán Tạng người ta có thể kể đến tên rất nhiều Kinh Lục đã được biên tập, nhưng đa số đã thất lạc. Hiện nay chúng ta chỉ còn lưu giữ được chừng trên dưới 30 Lục. Điều cần nhắc lại Kinh Lục không phải chỉ liệt kê kinh luận Phật học đã được dịch thuật hay biên soạn, mà nó còn đi kèm cả lời giới thiệu dịch giả, thời đại, phê bìnhso sánh, cho nên đối với ngày nay các Kinh Lục còn trở nên một nguồn sử quí cho người nghiên cứu sử và cổ văn học, không chỉ giới hạn trong văn học sử hay sử Phật giáo.

Để dễ quan sát, chúng ta có thể chia sự hình thành Kinh Lục thành bốn giai đoạn: 1- Thời kỳ phôi thai khi bắt đầu có việc dịch kinh; 2- Sự xuất hiện loại sách liệt kê kinh luận đã được dịch gọi là Kinh Lục; 3- Giai đoạn phát triển Kinh Lục, 4. Giai đoạn thống nhất tiến đến việc in Đại Tạng Kinh.

A- THỜI KỲ PHÔI THAI

Giai đoạn đầu tiên của Đại Tạng Kinh Hán ngữ đương nhiên là khởi từ những bộ kinh riêng lẻ được dịch ra Hán ngữ. Chúng ta có thể tạm sắp đặt khung thời gian cho giai đoạn này khởi đầu từ năm 76 là năm quyển kinh nổi tiếngTứ Thập Nhị Chương được dịch ra Hán văn dưới triều Hán Minh Đế sau sự tích Hán Minh Đế nằm mơ thấy “người Vàng” (Phật) đến từ phương Tây, nên cho người đi tìm hiểu về “Phật”. Kết quả là Ca Diếp Ma Đằng (Kāśyapa-mātanga) và Trúc Pháp Lan (Mdian Dharmaraksa) đã dịch ra quyển Tứ Thập Nhị Chương Kinh 四十二章經 . Quyển Tứ Thập Nhị Chương được coi là quyển kinh được dịch ra chử Hán đầu tiên. Nhưng Tứ Thập Nhị Chương Kinh thực ra không phải là tên một kinh Phật nào mà chỉ là một tập hợp các đoạn kinh với mục đích giới thiệu Phật giáo cùng với các bài học đạo đức tổng quát. Cho nên hiện nay trong đại tạng kinh chúng ta có nhiều bản cùng tên là Tứ Thập Nhị Chương Kinh nhưng dài ngắn khác nhau.

Cho nên nếu nói về “dịch Kinh” thì quyển kinh đầu tiên được dịch ra Hán văn phải là các dịch phẩm của An Thế CaoChi Lâu Ca Sấm. An Thế Cao tên là Thế Cao là hoàng tử nước An Tức (Parthia).[2] Thế Cao đến Trung Hoa vào năm 148. Ngài là người có danh phận lớn nên có tổ chức trường dịch khá qui củ, cho nên ngài dịch được rất nhiều. Các Kinh Lục cũ ghi ngài đã dịch đến 95 bộ, nhưng trong Đại Chính Tạng ngày nay chỉ còn 54 bộ (59 quyển). Thời đó đại đa số việc dịch kinh thường đều là những nỗ lực cá nhân. Dịch trường của An Thế Cao có lẽ là trường dịch có tổ chức đầu tiên ở Trung Hoa. Thế Cao chính là người dịch đầu tiên và là người đầu tiên truyền bá giáo pháp Thiền của pháp tu quán hơi gọi là An Ban Thủ Ý (ānāpanasati) của kinh Tứ Niệm Xứ (satipatthāna sutta). Cho nên có thể coi ngài là tổ thiền đầu tiên của Trung Hoa.

Cùng thời với An Thế CaoChi Lâu Ca Sấm (Lokakshema) – Lâu Ca Sấm người Việt Chi. Lâu Ca Sấm là người đầu tiên giới thiệu Phật giáo Đại thừa đến Trung Hoa. Đa số kinh ngài dịch là kinh luận Đại thừa. Trong số này có Đạo Hành Bát Nhã chính là quyển kinh căn bản “Bát Nhã Bát Thiên Tụng” của văn học Bát Nhã. Quyển kinh quan trọng khác do ngài dịch là kinh Bát Châu Tam Muội ngày nay vẫn còn được rộng truyền. Lâu Ca Sấm dịch rất nhiều, theo các Kinh Lục cũ ghi ngài dịch 23 bộ, ngày nay chỉ còn giữ được 11 bộ (26 quyển).

Đó là sự thật lịch sử của giai đoạn truyền bá sơ kỳ và về các kinh luận đầu tiên được dịch ra Hán văn. Nhưng ở thế giới ưa thích truyền kỳ Trung Hoa chúng ta còn thường nghe những truyền kỳ mơ hồ nhưng cũng có thể cho chúng ta biết một phần về phản ứng của quần chúng với Phật giáo. Trước hết là vài nhà nghiên cứu Phật học Trung Hoa còn cho rằng Trung Hoa có thể biết đến Phật giáo từ thời Hán Vũ Đế (làm vua 141-87 trước Dương lịch) là người vào năm 139 B.C. đã gửi Trương Hàn mang quân viễn chinh miền Tây giúp Việt Chi chống Hung Nô. Trương Hàn thua trận và bị Hung Nô bắt giữ suốt 11 năm. Đến năm 126 B.C. ông trốn đến được Việt Chi rồi về nước. Đây là thời gian đầu tiên Trung Hoa biết về thế giới Tây Vực và do đó Trung Hoa phải biết đến Phật giáo. Một số học giả khác lại đề nghị một niên đại sớm hơn nữa, là Phật giáo được truyền vào Trung Hoa từ thời Tần Thủy Hoàng (246-210 trước Dương lịch) vì thời đại của vị hoàng đế đầu tiên của người Trung Hoa này cũng trùng hợp với triều đại vua A Dục. Khi Tần Thủy Hoàng cho xây Vạn Lý Trường Thành thì cũng trùng hợp với thời gian các phái đoàn truyền bá Phật giáo do vua A Dục gửi đi. Tuy nhiên các truyền kỳ lý thú này cho đến nay vẫn chưa đưa ra một chứng cớ nào đáng kể.

Đặc điểm trong giai đoạn này là các dịch giả hoàn toàn dịch các kinh luận theo ý của mình. Cho nên chúng ta thấy nhiều kinh luận của cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa đều được dịch, và người Hoa cũng chưa phân biệt được rõ ràng Đại thừa Tiểu thừa. Nội dung kinh luận được dịch trong giai đoạn này bắt đầu là các kinh luận thuộc loại tổng quát và đơn giản, tuy đơn giản những vẫn có các pháp môn nhằm giới thiệu cho người Hoa giáo pháp thiền định căn bản nhưng rất thực tế và hữu hiệu cho đến ngày nay vẫn còn “hợp thời” với các lớp trí thức trẻ Tây phương như kinh Tứ Niệm Xứ (satipatthāna sutta). Tuy nhiên nội dung căn bản của kinh luận Phật giáo trong giai đoạn này là các bài học đạo đức tổng quát như Tứ Thập Nhị Chương Kinh, hay các kinh nói về tiểu sử Đức Phật qua các kiếp quá khứ như kinh Bản Sinh (jakatas) nguyên thuộc Tiểu Bộ-Kinh (khuddaka nikāya). Sau giai đoạn các kinh cơ bản, thì đặc biệt các dịch giả Đại thừa bắt đầu giới thiệu các kinh hệ Không tông Bát Nhã như Tiểu Phẩm Bát Nhã (Chi Lâu Ca Sấm dịch), Quang Tán Bát Nhã Ba-la-mật- đa kinh (Trúc Pháp Hộ dịch), Phóng Quang Bát nhã Ba-la-mật-đa kinh (Vô La Xoa dịch). Thì đến lúc này người học Phật Trung Hoa bắt đầu thấy khó hiểu và không thâm nhập được. Đó là lý do xuất hiện phương pháp 格義 (cách nghĩa) tức là dùng các ý niệm của Lão Trang để diễn tả ý kinh Phật.

Nguyên nhân được Phật sử ghi là do Đạo Anđệ tửHuệ Viễn thảo luận với Trúc Pháp Nhã đến khái niệm “Thực Tướng” của tư tưởng Tính Không thì bế tắc, nhưng sau khi thử dùng các từ và ý niệm của Lão Trang thì mọi người đều hiểu. Từ đó phương pháp Cách Nghĩa rất phổ biến trong việc dịch kinh. Nhờ phương pháp này mà Phật Pháp được phổ biến rất nhanh và từ đó nhiều tông môn Phật giáo Trung Hoa được nẩy sinh. Tuy nhiên cũng vì vậyđa số người học Phật đã đi xa giáo pháp Phật giáo. Điển hình là các tông môn như “Lục Gia Thất Tông” phát triển rất mạnh trong sự sai lầm căn bản của giáo lý Tính Không với khái niệm Hữu Vô, Niết Bàn (Nivana) với Vô Vi của Lão Trang. Các tông môngiáo pháp như thế phải đợi cho đến khi La Thập vào Trường An (năm 401) chính thức dịch các luận căn bản của Long Thọ, thì người Trung Hoa mới thật hiểu ra giáo lý Tính Không của Trung Quán, cho nên các tông môn này cũng từ từ biến mất. Cũng nên nhắc đến Đạo An, vốn là người tiền phong hậu thuẫn cho việc dùng ngôn từý niệm Lão Trang để chuyên chở Phật lý, nhưng cũng chính ngài là người sớm biết trước sự tai hại này. Cho nên cuối đời chính Đạo An lại là người cực lực phản đối phương pháp cách nghĩa.

Sự thực phương pháp dùng thuật ngữý niệm của học vấn Trung Hoa để truyền dịch kinh Phật đã có từ lâu, người đầu tiên ghi lại các cách này chính là Mâu Tử tác giả Lý Hoặc Luận đã vạch ra từ thế kỷ thứ hai. Các bản dịch kinh của An Thế Caodẫn chứng cụ thể của giai đoạn này vì ngày nay đọc lại, người ta sẽ thấy rõ ngài đã dùng rất nhiều danh từ mượn từ Lão Trang để dịch kinh Phật. Tuy nhiên di căn của phương pháp này không phải hoàn toàn đã chấm dứt. Thật dễ hiểu trong một xã hội có tới hai ý niệm khác biệt cùng dùng một ngôn ngữ học thuật giống nhau, thì lẽ dĩ nhiên số người hiểu Phật ý trong khuôn khổ học thuật Lão Trang không thể không tránh khỏi. Sai lầm này còn quan trọng hơn nữa đối với các dân tộc Á Đông phải dùng nhờ văn tự chữ Hán như Việt Nam, vốn từ xưa bắt buộc phải sử dụng chữ Hán vay mượn của Trung Hoa. Một trong những mục đích của Tùng Thư Long ThọTính Khôngcố gắng nỗ lực giải tỏa những sai lầm văn tự này. Dù bình thường chỉ là các chú thích nho nhỏ đó đây - nhưng cũng không khỏi gây phiền nhiễu và phản cảm với một vài người theo thói quen các huân tập lâu đời.

B. SỰ XUẤT HIỆN CÁC KINH LỤC

            Khi có nhiều kinh luận được dịch thì đương nhiên phải cần các bảng Kinh Lục để liệt kê, xắp đặt và giới thiệu các kinh luận. Giai đoạn này có thể đánh dấu bởi bản mục lục kinh luận đầu tiên của Đạo An (312-385) có tên là Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục 綜理衆目錄 còn gọi là Đạo An Lục 道安錄 hay An Lục 安錄 năm 374. An Lục thống kê cho biết kinh luận Phật giáo trong thời gian này có đến 639 bộ (886 quyển). An Lục là quyển mục lục đầu tiên liệt kê các kinh luận Phật giáo đang có đương thời. Hiện nay bản An Lục đã không còn nhưng nhiều dữ kiện đã được một số các thư mục sau đó kịp lập lại và nhờ đó ta biết thời Đạo An đã có đến 639 bộ kinh luận đã được dịch ra Hán văn. Điểm độc đáo khác của An Lục là lần đầu tiên tác giả đã sử dụng các khái niệm về Ngụy Kinh và Nghi Kinh để cho biết trong số kinh này đã có hơn một phần ba là kinh giả gọi là ngụy kinh do người Hoa tự chế tác (xem chi tiết trong phần viết về ngụy kinh). Nhờ An Lục chúng ta cũng biết thời đại này Phật học Trung Hoa cũng chưa có khái niệm phân biệt giữa Tiểu thừaĐại thừa một cách rõ rệt. Chúng ta cũng không biết chi tiết về thực tế hành trì Phật giáo trong thời gian này, nhưng biết rõ kinh điển Tiểu thừaĐại thừa tiếp tục được dịch song song.

C. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN KINH LỤC

Giai đoạn phát triển loại Kinh Lục được đánh dấu bằng sự có mặt của Cưu Ma La Thập (344-413) ở Trường An năm 401 để dịch kinh, và kéo dài cho đến giai đoạn Phí Trường Phòng 費長房 soạn Lịch Đại Tam Bảo Ký 歷代三寶記 năm 587. Trong giai đoạn này hình ảnh vĩ đại của La Thập đã che lấp nhiều dịch giả tài ba khác. Thực ra giai đoạn này là giai đoạn dịch kinh rất phát triển và có rất nhiều dịch giả quan trọng khác ngoài La Thập như Phật-đà Bạt Đa la (Buddhabhadra 369-429), Pháp Hiển (法顯 330-420). Giai đoạn này cũng đánh dấu bằng cuộc hành trình Tây du cầu Pháp đầu tiên của Chu Sĩ Hành (khoảng năm 260) hay của Pháp Hiển trước Huyền Trang cả 260 năm. Pháp Hiển còn để lại tập du ký quan trọng là Phật Quốc 佛國記 thuật lại cuộc Tây Du Thỉnh Kinh của ngài bằng đường bộ (như Huyền Trang sau này) nhưng khi trở về ngài đã đi bằng đường biển gian truân đến sáu tháng mới trở về được. Đây là tài liệu rất quí báu, vì đây là tài liệu gần như đầu tiên cho chúng ta biết đến sinh hoạt tự việnẤn ĐộPhật giáoTích Lan, Java và Đông Nam Á trong thế kỷ thứ IV. Đây là phần quan trọng mà tác phẩm danh tiếng hơn sau này là Đại Đường Tây Vực Ký (大唐西或記) của Huyền Trang khiếm khuyết.

Đặc điểm của việc dịch kinh ở giai đoạn này là người dịch đã bắt đầu dịch từ văn bản. Trong thời gian trước, đa số được dịch từ trí nhớ vì đại đa số các đại sư dịch giả vẫn thuộc về thời đại thuộc lòng kinh điển và việc cưu mang kinh sách vừa khó tìm vừa khó mang theo. Chúng ta nên nhớ trong Phật Quốc của Pháp Hiển (340-420) cho biết khi đến được Ân Độ trong mấy năm đầu ngài thăm nhiều tự viện nhưng đều không tìm thấy kinh văn (vì các tăng quen truyền thống khẩu truyền). Cho đến khi ngài Pháp Hiển đến Magadha (Ma Kiệt Đà) mới tìm được kinh văn để chép. Nhờ các sách Kinh Lục này chúng ta biết được phần nhiều kinh La Thập dịch là trùng dịch, và ngài nhiều lần than là các bản dịch cũ vì dịch theo “Hồ ngữ” (các ngôn ngữ Tây Vực) không phải là chính văn Thiên Trúc (Sanskrit) nên nhiều cách đọc không chuẩn nên dịch cũng không chuẩn, ngài cần phải dịch lại cho chuẩn xác hơn.[3] Chính La Thập dùng chữ “cựu kinh” và “tân kinh” để phân biệt.

Chính nhờ có những dịch phẩm trường qui của La Thập mà lần đầu tiên giới học Phật ở Trung Hoa biết về nội dung chân thực của kinh luận Phật giáo. Kết quả chính là lý do của hai biến cố rất quan trọng sau khi các dịch phẩm của La Thập được phổ biến. Thứ nhất là dựa trên những bản dịch kinh luận của La Thập nhiều tông môn Phật giáo Trung Hoa đã được thành lập như Tam Luận Tông (dựa trên ba luận là Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận của Long ThọBách Luận của Thánh Thiên học trò Long Thọ). Rồi đến Thiên Thai Tông, Thành Thực tông, Tịnh Độ tông v.v. (Tất cả thành lập qua các kinh luận do La Thập dịch). Thứ hai, ngược lại, đó là là sự tàn rụi của nhiều tông môn trước đó như Lục Gia Thất Tông (Bản Vô tông, Tâm Vô tông, Bản Vô Dị tông, Thức Hàm tông v.v.) Lý do là nhờ kinh luận Long Thọ dịch, họ mới biết họ đã hiểu sai Tính Không của Phật giáo với tư tưởng Hữu Vô của Đạo học.

Cuối giai đoạn này được đánh dấu bằng Lịch Đại Tam Bảo Ký 歷代三寶記 của Phí Trường Phòng 費長房 soạn năm 597. Lịch Đại Tam Bảo Ký còn gọi là Trường Phòng Lục (長房錄) thống kê cho thấy thời gian này số kinh luận Hán nghữ đã có đến 1,076 bộ kinh luận (3,292 quyển).

Tuy nhiên trước Phí Trường Phòng chúng ta còn có Xuất Tam Tạng Ký Tập (出三藏記集) còn gọi là Hựu Lục (祐錄) của Tăng Hựu (僧祐) thời nhà Lương soạn khoảng năm 510-518. Trong Lục này Tăng Hựu cũng đã liệt kê tất cả các kinh luận được dịch ra Hán ngữ từ thời Đông Hán đến thới nhà Lương gồm có 1,306 bộ (1,570 quyển) chia làm tập ký, danh mục, kinh tự và liệt truyện bốn bộ 15 quyển. Đây là một tác phẩm rất quan trọng vì Hựu Lục là Kinh Lục sớm nhất mà hiện nay còn tồn tại. Cho nên Hựu Lục không những được dùng như tiêu chuẩn cho loại sách “Lục” của đời sau, mà cho đến nay vẫn còn giá trị nghiên cứu. Vì chúng ta nên nhớ các Kinh Lục không chỉ liệt kê kinh luận Phật giáo, mà nó còn mang giá trị sử liệu quan trọng qua các mục như Ký Tự, Truyện Ký, So SánhPhê Bình các kinh luận. Tuy nhiên con số bộ và sách quá khác biệt giữa Tăng HựuPhí Trường Phòng khiến chúng ta có một thắc mắc lớn vì số lượng của hai tài liệu này không thống nhất.[4]

Tuy nhiên tạm lấy con số 639 bộ kinh trong Đạo An Lục 道安錄 năm 374 (và trừ đi số ngụy kinh hay kinh giả) so với Trường Phòng Lục 長房錄 chúng ta thấy số kinh Phật đã được dịch trong hơn hai thế kỷ này đã gia tăng đến gần 300 bộ, quả là môt con số rất lớn. Nhưng con số đó là thực tế, vì cứ theo con số kinh luận đang có trong Đại Chính Tạng, riêng môt mình La Thập (344-413) hiện nay chúng ta còn giữ đến 52 bộ (302 quyển). Cũng theo con số kinh luận còn trong Đại Chính Tạng ngày nay thì trong thời gian này, về số lượng chúng ta cũng có nhiều dịch giả khác có rất nhiều đầu sách, như Trúc Phật Niệm (7 bộ, 61 quyển), Phật Đà Đa Xá (4 bộ, 84 quyển), Đàm Ma Sấm (12 bộ, 118 quyển), Đàm Ma Phật Đa (7 bộ, 7 quyển),  Cầu Na Bạt Đà la (26 bộ, 100 quyển), Bồ Đề Lưu Chi (29 bộ, 97 quyển), Chân Đế Ba La Mạt Đà (6 bộ, 15 quyển) … Quả là một giai đoạn cực kỳ phát triển của sự nghiệp dịch kinh Phật.

D. THỐNG NHẤT TRƯỚC KHI IN ĐẠI TẠNG KINH

            Từ giai đoạn Lịch Đại Tam Bảo Ký của Phí Trường Phòng (soạn năm 597) cho đến giai đoạn Khai Nguyên Thích Giáo Lục do Trí Thăng (soạn năm 730) chúng ta có thể gọi là giai đoạn thống nhất. Về chính trị thì nhà Tùy đã thống nhất được Trung Hoa, chấm dứt giai đoạn chiến tranh sử gọi là Nam Bắc Triều, rồi mở ra nhà Đường lẫy lừng. Về Phật giáo thì đây là thời gian Phật học Trung Hoa phát triển cực kỳ với những dấu mốc quan trọng như Trí Khải (538-597) thành lập Thiên Thai tông, Pháp Tạng (545-712) thành lập Hoa Nghiêm tông, Huyền Trang (602-664) thành lập Pháp Tướng Tông / Duy Thức tông, Huệ Năng (638-713) phát triển Thiền Trung Hoa.

            Về phát triển việc dịch kinh tạng Phật giáo trong giai đoạn này chúng ta tạm bắt đầu bằng Chúng Kinh Mục Lục (眾經目錄) do nhóm Pháp Kinh (法經) soạn năm 597 vào đời nhà Tùy nên cũng còn gọi là Pháp Kinh Lục (法經錄). Pháp Kinh Lục liệt kê 2,257 bộ kinh (5,310 quyển). Chỉ trong vài năm sau, đến năm 603 chúng ta thấy Tùy Chúng Kinh Mục Lục (隋眾經目錄) ra đời. Tùy Chúng Kinh Mục Lục liệt kê 2,190 bộ kinh (5,059 quyển). Đến đây chúng ta lại thấy hai con số kinh dịch ở đây không thống nhất. Tuy nhiên số khác biệt không nhiều.

Đến triều đại nhà Đường chúng ta có danh lục Đại Đường Nội Điển Lục (大唐内典錄) của Đạo Tuyên, soạn năm 664. Rồi Tịnh Thái Lục (静泰錄) do Tịnh Thái soạn cùng năm. Cuối giai đoạn này là Khai Nguyên Thích Giáo Lục 開元釋教錄 còn gọi là Khai Nguyên Lục 開元錄 hay Trí Thăng Lục 智昇錄 vì do nhà sư Trí Thăng soạn vào năm 730 thời Khai Nguyên nhà Đường. Trí Thăng Lục đưa ra con số là 1,076 bộ (5,048 quyển). So với số lượng kinh luận ở đầu giai đoạn này, thì tổng thể số lượng quyển (quyển là tạm thời để đo lường số trang kinh dài hay ngắn) không biến động nhiều. Nếu so số kinh luận thời này với số lượng kinh luận chúng ta hiện có (trong Đại Chính Tạng) thì số kinh luận Phật giáo tính đến đầu thế kỷ thứ tám (theo Trí Thăng Lục) đã chiếm đến một phần ba. Cuối cùng của thời kỳ hoàng kim về dịch kinh chúng ta có thể thấy trong Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục (貞元新定釋教目錄) hay Viên Chiếu Lục (圓照) liệt kê được 2,417 bộ (7,388 quyển) do Viên Chiếu chủ biên năm 800.

Sau đó là biến cố Phật giáo bị triều đình bách hại, sử Phật giáo gọi là “Hội Xương phế Phật” (843-846) của Đường Vũ Tông. Vũ Tông làm vua có 5 năm (841-846) nhưng thời kỳ này chính sự nhà Đường hoàn toàn xuy thoái, nội bộ thì tham nhũng phe phái bên ngoài thì liên tiếp chiến tranh với ngoại bang. Tất cả vua nhà Đường đều kính trọng Phật giáo, nên Phật giáo phát triển cực độ. Nhưng nay lại đến một ông vua cực kỳ chống Phật giáo. Hội Xương Phế Phật là cuộc phế diệt Phật giáo đến độ tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử Trung Hoa. Chỉ trong hai năm số tăng ni bị bắt hoàn tục lên đến hơn 260 ngàn người, số chùa thất bị phá hủy lên đế hơn 40 ngàn tự viện, tất cả các tăng ngoại quốc đều bị đuổi ra khỏi nước. Tất nhiên bên cạnh đó là thời thế cũng phát triển nhiều tệ đoan trong nội bộ Phật giáo, ngay sau khi Vũ Tông tận diệt Phật giáo chúng ta còn thấy Tục Trinh Nguyên Thích Giáo Lục (續貞元釋教錄) viết tắt là Tục Trinh Nguyên Lục soạn năm 945 liệt kê chỉ còn có 1,258 bộ (5,390 quyển) so với số 2,417 bộ (7,388 quyển) của Trinh Nguyên Lục soạn năm 800. Đó cũng là lý do thầm kín tại sao Tục Trinh Nguyên Lục được soạn trong thời gian lửa bỏng này. Sau đó dù Phật nạn chấm dứt ngay, nhưng nguyên khí của Phật giáo không thể nào còn như cũ. Các tông môn Phật giáo hầu đều điêu tàn, chỉ còn Thiền TôngTịnh Độ Tôngtiếp tục sinh hoạt mạnh. Đó cũng là giai đoạn từ thời nhà Tống (960-1279) Phật giáo Trung Hoa phát triển đường lối pháp môn “Thiền Tịnh Song Tu” ảnh hưởng sâu rộnglâu dài cho đến ngày nay.

Bức tranh về lịch sử thành hình và phát triển của Kinh Luận càng rõ ràng hơn là trong gần 200 năm trước và sau Hội Xương Phế Phật (844-846) tức là khoảng thời gian gian giữa triều đại Trinh Quán (789) đến đầu đời nhà Tống (982) chúng ta không hề thấy xuất hiện một nhà dịch giả nào hay một bản dịch mới nào xuất hiện. Sự kiện này để cho thấy hành động hủy Phật của Đường Vũ Tông đương nhiên là lý do cụ thể và trực tiếp, nhưng có thể còn là nhiều lý do khác mà ở đây chưa phải là diễn đàn cho chúng ta thảo luận. Tuy nhiên lịch sử dịch kinhthành lập kinh tạng Phật giáo Đại Thừa có lẽ cũng có thể được coi là kết thúc ở giai đoạn này để tiến qua việc khắc in toàn bộ ba tạng Kinh Luật Luận gọi là Đại Tạng Kinh.

Tóm lại, trong dòng lịch sử, các Lục hay Mục Lục đã trở thành một thể loại kinh sách quan trọng gọi chung là Kinh Lục (mục lục về kinh luận Phật giáo) để làm đề phóng cho việc thiết lập và in ấn đại tạng kinh sau đó. Về Phật học, Kinh Lục không giới hạn chỉ là một bản liệt kê và cập nhật hóa các kinh luận mới được dịch hay trùng dịch, Kinh Lục còn có thêm các ghi chú giới thiệu về các luận, thích, sớ, sao của các đại sư và các nhà Phật học trong nước. Vì thế Kinh Lục còn là những thông tri tin tức liên quan đến hoạt động trong công việc học Phật. Nhờ có Kinh Lục nên giới nghiên cứu ở một quốc gia bao la và nhiều thiên tai tao loạn là Trung Hoa có thể theo dõi được các tin tức và những hoạt động nghiên cứu Phật học khắp nơi[5] – Nhất là trong thời đại truyền thông, giao thông còn vô cùng hạn chế. Nhờ có Kinh Lục mà các thiện trí thức học giả Phật giáo còn có một sợi dây liên lạc tinh thần, biết đến tình trạng học Phật của thiểu số người ưu tú trong thời gian khó khăn của một quốc gia vừa rộng lớn vừa phức tạp vừa vì chiến tranh liên tục. Cho nên họ không bị thời thế và tầng lớp tu sĩ thiếu phẩm chất ảnh hưởng, thiểu số “sĩ phu” tinh hoa của Phật giáo vẫn tiếp tục biên tập những nghiên cứu Phật học ngày nay chúng ta còn học tập.[6]

Danh Sách Các Lục Quan Trọng Theo Thời Gian

420 Chúng Kinh Biệt Lục 衆經別錄 soạn khoảng 420-479 vốn là thư mục riêng lập liệt kê kinh luận cho Trung Quán tông.

479 Chúng Kinh Mục Lục 衆經目錄 (2 quyển) do Thích Vương Tông soạn khoảng 479-502

510 Xuất Tam Tạng Ký Tập (出三藏記集) của còn gọi là Tăng Hựu Lục (僧祐錄) do Tăng Hựu (僧祐) nhà Lương soạn khoảng năm 510-518, liệt kê 1,306 bộ (1,570 quyển)

511 Lý Quách Lục (soạn năm 511)

515 Hoa Lâm Phật Điện Chúng Kinh Mục Lục (華林佛殿衆經目錄) gồm 4 quyển

518 Lương Đại Chúng Kinh Mục Lục (梁代衆經目錄) soạn năm 518 

570 Cao Tề Chúng Kinh Mục Lục (高齊衆經目錄) gọi là Tề Thế Chúng Kinh Mục Lục hay Cao Tề Lục, soạn vào năm 570-576.

479 Chúng Kinh Mục Lục (衆經目錄) do Thích Quảng Tông soạn năm 479-502

594 Chúng Kinh Mục Lục (衆經目錄) còn gọi là Pháp Kinh lục 法經錄 do Pháp Kinh (581-617) đời Tùy Văn Đế soạn năm 594 liệt kê 2,257 bộ (5,310 quyển),

597 Lịch Đại Tam Bảo Kỷ (歷代三寶紀) còn gọi là Trường Phòng Ký (長房紀) do Phí Trường Phòng đời nhà Tùy soan năm 597, liệt kê 1,076 bộ (3,292 quyển)

602 Tùy Chúng Kinh Mục Lục (隋眾經目錄) còn gọi là Nhân Thọ Lục (仁壽錄) đời nhà Tùy liệt kê được 2,109 bộ (5,059 quyển)

664 Đại Đường Nội Điển Lục (大唐内典錄) của Đạo Tuyên gọi tắt là Nội Điển Lục (内典錄) viết năm Lân Đức Nguyên Niên (664). Đại Đường Nội Điển Lục gốm 10 quyển. Năm quyển đầu giống Lịch Đại Tam Bảo Kỳ, năm quyển sau ghi thêm mục lục kinh sách tác giả và danh sách các kinh luận nghi ngụy từ trước đến đầu nhà Đường.

664 Chúng Kinh Mục Lục (衆經目錄) còn gọi là Tịnh Thái Lục (静泰錄) do Tịnh Thái soạn năm 664,

695 Đại Châu San Định Chúng Kinh Mục Lục (大周刊定衆經目錄) cũng gọi là Vũ Châu San Định Chúng Kinh Mục Lục (武周刊定衆經目錄) hay Đại Châu San Định Muc Lục (大周刊定 目錄)

730 Khai Nguyên Thích Giáo Lục 開元釋教錄 còn gọi là Khai Nguyên Lục 開元錄 hay Trí Thăng Lục 智昇錄 gồm 20 quyển, do Trí Thăng soạn năm 730 thời Khai Nguyên nhà Đường Huyền Tông, liệt kê 1,076 bộ (5,048 quyển). Đây là một Lục hoàn bị nhất vì Lục tập trung được các ưu điểm của nhiều Lục có trước. Khai Nguyên Thích Giáo Lục có 10 quyển ghi chép theo thứ tự thời gian các nhà dịch kinh từ thời nhà Hán đến thời nhà Đường. Hệ thống thứ tự này trở thành mẫu  mực cho các Đại Tạng Kinh được in vào thời sau.

800 Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục (貞元新定釋教目錄) viết gọn là Trinh Nguyên Thích Giáo Lục (貞元釋教錄) hay Viên Chiếu Lục (圓照) gồm 30 quyển, liệt kê được 2,417 bộ (7,388 quyển) do Viên Chiếu chủ biên năm 800.

945 Tục Trinh Nguyên Thích Giáo Lục (續貞元釋教錄) viết tắt là Tục Trinh Nguyên Lục soạn năm 945 liệt kê 1,258 bộ (5,390 quyển).

1112 Khai Nguyên Tự Bản (開元寺版) còn gọi là Phúc Châu Khai Nguyên Tự Bản (福州開元寺版), soạn khoảng thời gian 1112-1148 liệt kê 1,429 bộ (6,117 quyển).

1287 Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục (至元法寳勘同總綠) viết tắt là Chí Nguyên Lục (至元綠) soạn năm 1287 vào đời Nguyên Thế Tổ. Lục này liệt kê 1,440 bộ (5,586 quyển). Vì Lục được soạn vào đời Nguyên (Mông Cổ cai trị Trung Hoa 1271-1368) nên Lục có phần đối chiếu kinh tạng của Tây Tạng, có ghi Hán tự dịch âm chữ Phạn v.v có ích cho người nghiên cứu.

Cuối cùng trước khi qua phần giới thiệu về các Đại Tạng Kinh chúng ta còn có thể kể đến một sách Mục Lục được coi là một trong những Kinh Lục cuối cùng trước khi Trung Hoa bị nô lệ và cai trị bởi người ngoại quốc trong gần ba trăm năm (1636-1911) từ sau thời nhà Minh (1644) cho đến thời hiện đại (1911). Đó là Đại Minh Tam Tạng Thánh Giáo Mục Lục (大明三藏聖教目綠) viết tắt là Bắc Tạng Mục Lục (北藏目綠) vào đời nhà Minh (1368-1644).

2 - KHẮC IN ĐẠI TẠNG KINH

            Trong lịch sử hình thành Hán Tạng, Kinh Lục được coi như tiền đề của việc khắc in Đại Tạng Kinh. Trước khi in Đại Tạng Kinh, một công đoạn quan trọng là phải thiết lập danh sách các kinh luận sẽ được khắc in phải cần rất nhiều năm để sưu tầm và tập hợp, rồi dàn trải và sắp xếp hạng mục. Rất may mắn là phần vụ này đã có những Kinh Lục hay Mục Lục giúp người ta hoàn thành phần khâu cần thiết này. Các kinh lục liên tiếp đời để cập nhật hóa mục lục kinh luận có trước nó. Các bảng liệt kê kinh luận và sắp xếp hạng mục của các mục lục đã giúp người biên soạn Đại Tạng Kinh rất nhiều công tác, từ thiết lập danh sách kinh luận cần thu nhập cho đến việc phân loại và tổ chức sắp xếp Đại Tạng Kinh.  

            Trước khi có đại sự là in Đại Tạng Kinh bằng mộc bản, Trung Hoa đã phát triển nghề in mộc bản. Đó là việc khắc kinh sách trên các tấm gỗ có khắc ngược phần văn tự muốn in. Sau đó trải mực lên và in xuống giấy (đúng ra là để giấy trên mặt gỗ rồi lăn trên giấy). Trong kỳ tái bản năm 2020 của luận Trí Tuệ Giải Thoát: Dịch Giảng Kinh Kim Cương độc giả đã có dịp thấy hình chụp bản Hán dịch kinh Kim Cương in bằng mộc bản năm 868 được coi là cổ bản sớm nhất cũa kỹ thuật in mộc bản ở Trung Hoa. Chúng ta khó có thể tưởng tượng được trước Tây phương nhiều thế kỷ, Á Đông đã có kỹ thuật in sắc sảo như thế. Bản kinh Kim Cương này là di cảo tìm lại được đầu thế kỷ trước ở Đôn Hoàng. Bản in mộc bản cổ này đang được tàng giữ và trưng bầy ở Viện Bảo Tàng Luân Đôn. Sự có mặt của di cảo này cho thấy ở Trung Hoa người ta đã in kinh bằng mộc bản ít nhất là vào thời trước đó, nghĩa là vào đầu triều đại nhà Đường (618-907). Tuy nhiên đó chỉ là trường hợp in mộc bản riêng lẻ một vài kinh nổi tiếng. Vẫn theo chứng cớ tài liệu lịch sử cho biết thì phải cho đến đầu thời nhà Tống (960-1126) người ta mới cho in mộc bản toàn Đại Tạng Kinh đầu tiên gọi là Tống Bản Đại Tạng Kinh (971).



[1] Đời nhà Tùy (581-619) tuy đã có danh từ “Đại Tạng Kinh” nhưng danh từ này chỉ có nghĩa là “tập hợp nhiều kinh” như trường hợp Tùy Văn Đế cho chép tay 48 bộ “Đại Tạng Kinh” để cúng dường các chùa lớn nhân ngày thống nhất Trung Hoa, nên chưa có nghĩa như “Tam Tạng Đại Tạng Kinh” của thời sau. Đại Tạng Kinh theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay chỉ đến đời nhà Tống (960-1126) mới có và được in mộc bản lần đầu tiên năm 971 (Thục Bản (蜀版) Đại Tạng Kinh

[2] Trước khi Đạo An (312-385) đặt ra lệ người xuất gia mang họ Thích (họ của đức Phật Thích Ca) thì người ta quen gọi các đại sư theo quốc gia họ sinh trưởng (như An Thế Cao là “Thế Cao người An Tức” hay Chi Lâu Ca Sấm là “Lâu Ca Sấm người Nhục Chi”). Người Hoa xuất gia bỏ thế danh thì cũng lấy theo “họ” thầy, như Pháp Nhã người Hoa xuất gia theo thầy người Thiên Trúc nên gọi là Trúc Pháp Nhã)

[3] Cho đến Huyền Trang (602-664) lại càng coi thường những bản dịch cũ cho rằng không nguyên vẹn và không trung thành với nguyên bản. Tục Cao Tăng Truyện, chuyện Pháp Xung kể khi về nước Huyền Trang không chịu mở xem các bản dịch cũ, cũng không chịu giảng những bản dịch cũ.  Nên Pháp Xung nói rằng “Ngài nương theo kinh cũ mà xuất gia, nếu nay không chịu hoằng truyền kinh cũ thì nên hoàn tục, rồi nương vào kinh mới dịch mà xuất gia.” Huyền Trang lúc đó mới bỏ ý không tụng giảng kinh cựu dịch.

[4] Với trình độ nghiên cứu hiện tại về Phật học Trung Hoa thì các nghiên cứu cơ bản để trả lời cho các câu hỏi tương tựlẽ phải đợi đến thế kỷ XXII. Ngay ở Hoa Kỳ nhiều nhà tỷ phú Trung Hoa (như Ho Foundation) đã có thiện ý tài trợ cho các đại  học lớn Hoa Kỳ (như Stanford) thiết lập các trung tâm nghiên cứu về Phật học Trung Hoa với đầy đủ học bổng toàn phần nhưng vẫn không có sinh viên (đủ tiêu chuẩn) để theo học.

[5] Cũng nên nhớ đừng nghĩ là Trung Hoa là cường quốc, thật ra 1/3 lịch sử Trung Hoa là bị các dân tộc nhỏ bé hơn cai trị.

[6] Khác hẳn thời hiện tại dù nước hòa bình, thế giới ổn định và đều chú ý đến Phật giáo, dân giầu hơn và tất cả các phương tiện từ giao thông đến thông tin đều tiến bộ khủng khiếp, nhưng Trung Hoa vẫn không tiến bộ một chút nào so với tiền nhânthế giới.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 190830)
01/04/2012(Xem: 36434)
08/11/2018(Xem: 15110)
08/02/2015(Xem: 54253)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :