VŨ THẾ NGỌC
KINH PHẬT
NGUỒN GỐC và PHÁT TRIỂN
Buddhist Sutras: Origin and Development
CHƯƠNG V
KINH TẠNG CỦA TAM THỪA
Trong chương này chúng ta sẽ điểm qua về kinh Phật có trong kinh tạng của ba thừa. Tuy nhiên các học giả thận trọng đều khuyến cáo chúng ta rằng cách phân loại cứng rắn theo truyền thống “ba cỗ xe” (Tam thừa 三乘, triyāna gồm Tiểu Thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa) thì thường làm mất đi sự thật linh động của quá trình thành hình kinh tạng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều chứng cứ rõ ràng cho thấy trước khi hình thành các tông môn gọi là “phát triển” hay “đại thừa” thì đã có những kinh tối cổ, như những kinh Pāli của Thượng Tọa Bộ cũng đã chứa các yếu tố chủ yếu của kinh văn đại thừa. Trong nhiều trường hợp khác, như Kim Cương Thừa cũng đã tự sáng tạo ra nhiều kinh luận rồi đề tên Long Thọ trên đủ loại tantra của họ, hoặc còn vay mượn kinh điển Đại thừa ghép vào kinh điển Kim Cương Thừa, như đã lấy Bát Nhã Tâm Kinh (thế kỷ IV-V) của Đại Thừa cho vào Phật Thuyết Đà la ni Tập Kinh 佛説陀羅尼集經 (thế kỷ X). Trường hợp khác lại khó giải thích như Đại Nhật Kinh (mahā-vairocana-sūtra)[1] được coi là kinh căn bản của Kim Cương thừa thì lại có mặt rất sớm trong kinh tạng Phật giáo, trước cả khi Mật tông Ấn Độ trở thành “Phật giáo Mật tông” vào thế kỷ thứ bẩy.[2] Vì vậy trong chương này chúng ta sẽ khái lược về nội dung kinh tạng của “ba thừa” nhưng với một khái niệm rất mở, và cũng xin nhắc lại rằng các từ như Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cang thừa tôi dùng ở đây chỉ như các cái tên theo nghĩa phổ thông.
KINH PHẬT
Sūtra सूत्र
Chữ sūtra (kinh) Sanskit viết là sūtra सूत्र (Pali: sūtta, Ardha Magadhi: sūya) có nghĩa sợi chỉ xuyên xuốt, có từ gốc là siv với nghĩa khâu, cột chặt.[3] Trong văn mạch sūtra có nghĩa là tập hợp những lời giáo huấn, kinh điển hay bài học. Theo nghĩa cụ thể là sợi chỉ thâu cốt những kinh điển viết trên lá, vỏ cây hay phiến gỗ lại với nhau thành tập. Trong truyền thống văn chương Ấn Độ, sūtra còn chỉ một câu cách ngôn (aphorism) hay tập họp những câu cách ngôn. Do đó trong nghĩa rộng, sūtra có nghĩa là một văn bản ghi chú cách ngôn, lời dạy của thánh nhân. Đó là nghĩa sūtra được dùng trong nghĩa là kinh điển của Ấn giáo, Phật giáo và Kỳ-na giáo.
Cho nên trong Hán văn có chữ 經 (kinh) có nghĩa nguyên thủy là sợi dây dọc hướng đạo cho dệt vải, cũng chỉ cột bên lề các trang kinh sách, rồi nới rộng thành nghĩa kinh là “sách của thánh nhân viết ra làm hướng đạo cho đời sau”. Thành ra việc dịch sūtra là 經 là một trường dịch thuật tối ưu. Tuy nhiên về ý nghĩa sūtra và kinh cũng có những khoảng cách. Trong văn pháp Sanskrit của Ấn Độ sūtra có nghĩa là một tập hợp những nguyên tắc, luật tắc, hướng dẫn, lời dạy về tất cả những gì liên quan đến triết lý, tôn giáo, văn phạm, nghề nghiệp. Một tập hợp những sūtra thành một văn bản, văn cảo cũng gọi là sūtra.[4] Vì vậy trong Phạn ngữ sūtra là một thuật ngữ khác hẳn các thuật ngữ shokas (chỉ văn chương cổ điển và cả luật tắc về âm nhạc), anuvyakkaya (chỉ loại chú giải), và vyakhya (chỉ loại văn bình luận). Trong khi đó, từ 經 (kinh) của Hoa văn rộng hơn, như người ta dùng trong Thi Kinh, Dịch Kinh, Đạo Đức Kinh và cả Trà Kinh. Trong lịch sử văn chương Ấn Độ, người ta còn chia làm bốn giai đoạn (period) văn học gọi là Chhandas, Mantra, Brahmana và Sūtra.[5] Theo đó “Giai Đoạn Kinh Điển” (Sūtra Period) là giai đoạn trong thời gian từ 600 đến 200 năm trước Dương lịch, là thời gian có những tập hợp sūtra (kinh) lớn và đó cũng là thời gian có những sūtra do Đức Phật giảng thuyết xuất hiện.
經 Kinh
Chúng ta ngày nay quen dịch sūtra là 經 (kinh). Chữ Kinh là “dịch theo chữ Hán-Việt” còn “dịch âm Hán Việt” là 修多羅 (tu đa la). Trước đó Hán ngữ còn dịch sūtra là 契經 (khế kinh), 修羅 (tu la), 素怛纜 (tố đát lãm). Theo nghĩa tổng quát của Phật giáo Đại Thừa thì kinh là tên gọi chung của các bài giảng của Đức Phật gộp lại gọi là Kinh Tạng (sūtra-piṭaka) có nghĩa là “kho chứa kinh” (piṭaka Hán văn dịch là 藏 “tạng” có nghĩa là kho chứa). Kinh tạng về sau còn gồm các sách về luận và luật nên sẽ gọi là Tam Tạng (tri-pitaka).
Kinh Tạng 經藏 (sūtra-piṭaka)
Ở đây chúng ta xét kinh tạng theo nghĩa nguyên thủy nhất là các bài giảng Pháp của Đức Phật. Kinh Phật trong năm thế kỷ đầu tiên, từ kỳ kết tập thứ nhất (ngay sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn năm 483 trước Dương lịch) cho đến kỳ kết tập thứ tư (khoảng đầu Dương lịch) đều chỉ là truyền khẩu. Sau đó mới được ghi lại bằng Phạn ngữ (Sanskrit và Pāli) với loại chữ Kharosthi hay Brahmi (tiền thân của Siddham/ Tất Đàn) – Xin nhắc lại không có chữ Sanskrit hay chữ Pāli - Dần dần Phạn ngữ được dịch ra chữ Hán và Tây Tạng (cũng có nhiều kinh chữ Tạng dịch từ kinh chữ Hán). Ngày nay từ các ngôn ngữ Phạn Hán Tạng, người ta bắt đầu dịch ra các ngôn ngữ khác.
Trên căn bản kinh ghi lại những gì chính Đức Phật giảng dạy. Hầu như tất cả các kinh dù Nguyên Thủy hay Đại Thừa đều khởi đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy” (Như thị ngã văn 如是我聞, evaṃ śrute mayā). Câu này theo truyền thống chính là xuất phát từ lời tụng của A-Nan, (một đệ tử thị giả của Đức Phật trong 25 năm cuối cùng, và là người có một trí nhớ phi thường) tụng đọc trong kỳ kết tập đầu tiên. Tuy nhiên những kỳ kết tập sau đó, cũng theo nguyên tắc tập thể chư tăng tập họp lại cùng tụng chung để ôn nhớ lại các kinh (các kỳ kết tập sau vẫn chỉ là truyền khẩu). Cho nên các kinh đều cũng mở đầu bằng câu “Tôi nghe như vầy” nhưng lúc này “tôi” ở đây là những vị tham dự kết tập, chứ không còn là “Tôi, A-Nan, nghe như vầy” nữa. Cũng có nghĩa vì trong các kỳ kết tập sau người ta còn cho thêm nhiều kinh của đời sau – về các sự việc xẩy ra sau thời Đức Phật đã nhập Niết Bàn, như chúng ta đã nói chi tiết trong phần viết về “Ba Kỳ Kết Tập” ở trước.
Hình Thức Một Bản Kinh Phật
Bình thường thì các kinh Phật đều có ba phần chính gọi là Tự Phần, Chính Tông và Lưu Thông. Phần thứ nhất Tự Phần còn gọi là “lục chủng thành tựu” gồm tín thành tựu, văn thành tựu, thời thành tựu, chú thành tựu, xứ thành tựu và chúng thành tựu. Theo nghĩa tổng quát của “lục chủng thành tựu” như thế thì Tự Phần là phần giới thiệu, bắt đầu bằng câu “như thị ngã văn” (Tôi nghe như vầy) xác tín tính cách chính danh của kinh với sự hiện diện của Đức Phật với các chi tiết xác định và giới thiệu về địa điểm, không gian, thời gian và thành phần thính chúng tham dự. Phần thứ hai Chính Tông tức là danh từ ngày nay chúng ta gọi là “nội dung” kinh. Phần cuối cùng Lưu Thông, tức là phần kết luận và tán thán công đức thường kết luận với câu văn quen thuộc “hoan hỷ tín thụ phụng hành” (vui mừng tin nhận và phụng hành). Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu các kinh điển có trong ba thừa, đúng ra là kinh tạng Pāli của Phật giáo Nam truyền, kinh tạng Hán ngữ của Phật giáo Bắc truyền và kinh tạng Tạng ngữ của Mật tông Kim Cang thừa.[6]
I - KINH TẠNG PALI (Tiểu Thừa)
So với Hán Tạng thì kinh tạng Pāli chuyên nhất hơn. Vì kinh Phật Pāli hiện nay là kinh tạng của một bộ phái duy nhất (Theravāda) trong khi Hán Tạng không những gồm của nhiều bộ phái (gồm cả kinh tạng Theravāda và Mật tông Tây Tạng) mà còn là kết quả của một thời gian phiên dịch kéo dài cả ngàn năm. Tuy nhiên trong các truyền thống, kinh Phật không phải chỉ là lời Đức Phật (Buddhavacana) mà còn là lời của các đệ tử Phật, các thánh nhân ngoại đạo (ṛṣis) và thiên nhân (devas) – nhưng sau đó đều được Đức Phật chấp nhận cho nên người ta đều gọi chung là “Lời Phật” (Buddha-vacana).
Lẽ dĩ nhiên ngay cả những kinh cổ nổi tiếng như các bộ kinh Pāli nikāya và Sanskrit āgama cũng không còn là nguyên văn lời Đức Phật, dù rằng có thể rất gần với chính kim khẩu của Đức Phật lịch sử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.[7] Theo truyền thống Theravāda thì kinh tạng khẩu truyền từ kỳ kết tập thứ nhất (ngay sau khi Đức Phật Nhập Niết Bàn) đến kỳ kết tập thứ ba đưới triều đại vua A Dục, đều không có gì thay đổi và đó chính là kinh tạng Pāli ngày nay,[8] vì đã được phái đoàn truyền giáo của Mahinda con vua A Dục đưa đến Tích Lan (Sri Lanka).
Tóm lại theo truyền thống Theravāda thì kinh luận của Phật giáo
VẤN ĐỀ CHÍNH THỐNG CỦA TẠNG PALI
Sau khi Phật giáo theo giáo đoàn Arahant Mahinda truyền đến Tích Lan thì đến thế kỷ thứ năm Phật giáo lại phát triển qua Miến Điện, Thái Lan và Campuchia, chúng ta gọi là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Nam truyền, và ngày nay gọi là Phật giáo Theravāda (Sanskrit Sthaviravāda). Tuy nhiên chúng ta nên biết Phật giáo khi truyền qua Tích Lan (Sri Lanka) gồm có nhiều chi phái “Tiểu thừa” của Thượng Tọa Bộ (Sthaviravada – Pāli gọi là Theravāda) và tông môn gọi là Theravāda ngày nay chỉ là một (sau khi các chi phái khác không còn)
Tuy nhiên ở Tích Lan không những có nhiều chi phái Tiểu thừa mà còn có Phật giáo Đại thừa. Đảo Sử ghi rõ vào thế kỷ thứ IV, vua Mahāsena theo Phật giáo Đại thừa và phá hủy Tiểu thừa (cả tông môn Đại Tự /Mahāvihāra lẫn Vô Úy Sơn/ Abhayagiri). Pháp Hiển (320?-420?) trong Phật Quốc Ký (佛國記) từng dừng ở Tích Lan hai năm và du hành qua
Riêng về nội bộ Phật giáo Theravāda (Sanskrit: Sthaviravāda), Đảo Sử của Phật giáo Tích Lan cũng cho chúng ta biết ngay từ thế kỷ thứ nhất trước Dương lịch, nước này đã có mâu thuẫn giữa ba tông môn là nhóm Đại Tự (Mahāvihāra-vāda) với nhóm Vô Úy Sơn Tự (Abhayagiri-vāda) và nhóm Kỳ Viên Tự (Jetavaniya). Từ khoảng thập niên 29-17 B.C. Vô Úy Sơn đã tách khỏi Đại Tự. Lúc đầu Vô Úy Sơn thắng thế và tiếp tục chèn ép Đại Tự. Tuy nhiên Đại Tự cũng sống sót và đến thế kỷ thứ sáu thì tái phát triển trong khi nhóm Vô Úy Sơn lại bắt đầu xuy vi vì chính quan điểm tiến bộ của mình. Khoảng 851-885 tông môn Pamsukulikas lại ly khai khỏi Vô Úy Sơn. Cho nên sau khi thống nhất đất nước, vua Parakrama Bahu Đệ Nhất (làm vua 1153-1186) nhận thấy phe Phật giáo tiến bộ càng ngày càng “cấp tiến xa hoa”, nhà vua quyết định hỗ trợ Phật giáo nhằm trừng phạt khuynh hướng cấp tiến này và từ đó Đại Tự (Mahāvihāra-vāda) thắng thế các tông môn khác và được triều đình coi là tôn giáo quốc gia. Để chính thức hóa vị trí căn bản bảo thủ và trấn chỉnh toàn diện Phật giáo, nhóm Đại Tự kêu gọi đại hội kết tập thứ tư do vua Parakrama Babu bảo trợ. Kinh điển Pāli của Phật giáo Theravāda ngày nay chính là kết quả của kỳ kết tập thứ tư này chứ không phải là kỳ kết tập thứ ba (dưới triều đại vua A Dục). Lẽ dĩ nhiên với quan điểm của Theravāda thì kinh điển không có gì thay đổi từ kết tập lần thứ ba dưới thời vua A Dục (khoảng năm 244 trước Dương lịch). Nhưng học giả thế giới cũng có quyền nghi ngờ rằng trong thời gian dài như thế mà hoàn toàn không thay đổi là một sự cực kỳ hy hữu.
Ở đây chúng ta cũng nên nhắc lại hai kỳ kết tập kinh điển Pāli sau cùng đều ở Miến Điện (
Lần kết tập thứ sáu (1954-1957) tại thạch động Mahāpāsāna, thủ đô Yangoon, Miến Điện, có sự tham dự của 2.500 tăng sĩ Theravāda khắp thế giới do cao tăng Revata (Nyaungan Sayadaw) chủ tọa và do thủ tướng U Nu tài trợ. Ba ngôn ngữ sử dụng trong đại hội lần này là Pāli, Miến Điện và Anh ngữ. Kết quả đại hội kết tập này là toàn bộ kinh điển Pali của Phật giáo Theravāda được kết tập công phu và khoa học nhất. Lần đầu tiên toàn bộ văn bản Pāli gồm 40 tập Chính tạng (Tipiṭaka Pāli) và các phần phụ lục gồm 51 tập Chú Giải (Aṭṭhakathā), 26 tập Phụ Giải (Ṭīkā) và Phụ Chú Giải (Anuṭīkā).
TAM TẠNG PALI
Hiện nay chúng ta còn có khá nhiều văn bản của Tam Tạng Pali, nổi tiếng nhất là những văn bản được kể theo thứ tự thời gian như sau:
1. Ấn Bản Miến Điện (
2. Ấn bản PTS của Pali Text Society (1877-1927) của người Anh có trụ sở chính ở Luân Đôn. Đây cũng là trung tâm phát triển “Pāli học” quan trọng. Các học giả lớn thế giới về văn học Pali và Phật giáo Theravāda đều có cộng tác mật thiết với hội. Ấn bản PTS của kinh điển Pāli gồm có 57 tập gồm cả chỉ dẫn. Đây là Tam Tạng Pāli phổ biến và là căn bản cho các nghiên cứu hàn lâm cho các học giả Tây Phương gần trăm năm vừa qua. Hiện nay đã có CD-ROM toàn bộ tạng kinh và một phần đã được sửa chữa và tái bản.
3. Ấn bản Thái Lan (1925-1928) gồm 45 tập. Giống nhưng tương đối chính xác hơn bản PTS.
4. Ấn Bản Miến Điện (1954-1956) gồm 40 tập. Đây là kết quả của kỳ kết tập thứ sáu ở
5. Ấn bản Thái Lan (2005) gồm 40 tập. Đây cũng là ấn bản in theo kết quả của kỳ kết tập thứ sáu ở Rangoon năm 1954 nhưng được chỉnh sửa tốt hơn ấn bản Miến Điện trên. Ấn bản này cũng gọi là World Tipitaka Edition do vua sãi Thái Lan bảo trợ và Dhamma Society Fund tài trợ. Ấn bản này được coi là đầy đủ nhất và cho đến nay phổ biến rất rộng rãi. Đặc biệt là đã được kỹ thuật số hóa nên có thể xem trên internet của Tipiṭaka Quotation WebService.
Ngoài các ấn bản Pali kể trên, chúng ta hiện có rất nhiều trang WEB bằng nhiều ngôn ngữ trên mạng, nhiều ấn bản hiện đại và các CD-ROM của nhiều tổ chức Phật giáo như của Vipāssana Research Institute. Ngoài ra chúng ta cũng có các bản in trên giấy bằng các ngôn ngữ Đông Nam Á và các bản dịch ra nhiều ngôn ngữ hiện đại trong đó có toàn bộ bản dịch Việt văn 5 tạng Bộ-Kinh Nikāya của Hòa thượng Thích Minh Châu.
NỘI DUNG
Theo truyền thống kinh điển “Tam Tạng” (tipiṭaka) thì tạng văn Pāli cũng gồm ba tạng (piṭaka: tạng, kho) phát xuất từ các thủ bản chép trên lá bối là Kinh Tạng (Sutta Piṭaka), Luật Tạng (Vinaya Piṭaka) và Luận Tạng (Abhidhamma Piṭaka):
1- Kinh Tạng (Sutta Piṭaka): 5 Bộ Nikāya
Kinh Tạng gồm các Pháp thoại của Đức Phật, tập trung vào năm bộ-kinh Nikāya. Đây là tạng lớn nhất gồm năm bộ kinh là 1- Trường Bộ-Kinh (dīghanikāya), 2- Trung Bộ-Kinh (majjhima-nikāya), 3- Tương Ưng Bộ-Kinh (saṃyutta-nikāya), 4- Tăng Chi Bộ-Kinh (aṅguttara-nikāya), 5- Tiểu Bộ-Kinh (khuddaka-nikāya). Chúng ta đã có dịp thảo luận trong Chương Hai.
2- Luật Tạng (Vinaya Piṭaka)
Luật Tạng liên quan đến giới luật của tăng lữ. Hiện nay chúng ta đang còn các kinh luật của nhiều bộ phái như Dharmaguptaka (Pháp Tạng Bộ), Sarvāstivāda (Nhất Thiết Pháp Hữu Bộ), Mahīśāsaka (Trưởng Lão Bộ) và Mahāsaṃghika (Đại Chúng Bộ) đều có trong bản dịch trong Hán Tạng. Trên đại thể các kinh luật của Phật giáo ngày nay (Tiểu thừa và Đại thừa) đều không khác nhau nhiều như Kinh Tạng hay Luận Tạng. Như Tây Tạng từ thời Phật giáo chính thống Ấn Độ (Tịch Hộ śāntaraksita) cho đến thời hiện đại, giáo luật chủ yếu cũng là theo giáo luật Tứ Phần (四分律) của Pháp Tạng Bộ và Nhất Thiết Pháp Hữu Bộ. Trung Hoa cũng không khác, từ Nam Sơn Luật tông của Đao Tuyên cho đến hiện tại cũng dùng Tứ Phần Luật và Ngũ Phần Luật là chủ yếu.[10]
Luật Tạng hiện nay của Theravāda gồm các phần là a) Pācittiyapāḷi (Phân Tích) giải thích các giới áp dụng cho tỳ khưu và tỳ khưu ni như Ba-la-di (波羅夷, pārājika) như bị trục xuất nếu phạm các tội giết, trộm cắp, hành dâm, nói dối là đã đạt Thánh quả. - b) Tăng tàn (僧殘, s: saṅghāvaśeṣa; p: saṅghādisesa) là luật cho phép tạm thời trục xuất nếu phạm một trong 13 tội như vu cáo, gây bất bình, tà dâm với phụ nữ v.v. - c) Bất định (不定)là qui định về các lỗi không được ghi ra trước. - d) Xả đoạ (捨墮, s: naihsargika; p: nissaggika) là 30 lỗi cần phải từ bỏ về quần áo, ăn uống, thuốc men. - e) Ba-dật-đề (波逸提; s: pātayantika; p: pācittiya) là 90 lỗi nhẹ cần phạt như la lối, không nghe lời, dối trá. - f) Hối quá (悔過; s: pratideśanīya; p: pātidesanīya) là 4 lỗi xung quanh việc ăn uống; g) Chúng học (眾學, s: śikṣākaranīya, p: sekhiya) gồm các quy định về giao tiếp, xử sự, hòa giải v.v. Ngoài ra kinh Luật còn có ba chương khác gọi là Mahāvaggapāḷi (Đại Phẩm), Cullavaggapāḷi (Tiểu Phẩm) và Parivārapāḷi (Tập Yếu).
3- Luận Tạng – Tạng Abhidhamma (Abhidhamma Piṭaka)
Luận Tạng là phần luận giảng về các bài bài Pháp của Đức Phật. Trước đây từ “luận” thường chỉ dùng cho tạng Abhidhamma/ Abhidharma nên gọi là “Abhidhamma Piṭaka”. Tạng này được một số tông môn coi trọng như là lý luận và tang chứng cơ bản cho chính pháp, cho nên được gọi là “Luận” nhưng ở đây tôi muốn gọi là “Tạng Abhidhamma” vì để dành dùng từ “luận” dùng cho chữ “śāstra” – là các luận bình giảng về các kinh luận, được sơ lược ở đoạn dưới.
Tạng Abhidharma không được thành lập trong ba kỳ Kết Tập đầu tiên. Quá trình thành lập tạng Abhidhamma kéo dài từ thế kỷ III trước Dương lịch cho đến thế kỷ III sau Dương lịch. Như tên gọi “Abhidhamma” có nghĩa là “tuyệt đối, vượt trên các pháp” nên nhiều tông môn rất trọng tạng này, như Nhất Thiết Hữu Bộ. Nhưng cũng ngay từ thời kỳ “Phật giáo Bộ phái” thì đã có bộ phái đã không coi trọng Abhidhamma, đó là trường hợp Kinh Lượng Bộ (Sautrāntika) đã ly khai khỏi Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) vì không chấp nhận thẩm quyền của lý luận trong tạng Abhidhamma. Cho nên các bộ phái đều có tạng Abhidhamma của mình để giải thích kinh Phật theo quan điểm chủ quan của bộ phái. Vì vậy trước đây người ta tưởng rằng các Adhidhamma đều “đại đồng tiểu dị” (như trường hợp Nikāya và Āgama) nhưng gần đây chúng ta mới biết rằng các bộ Abhidrama này không những khác biệt mà còn rất nhiều trường hợp còn phản bác lẫn nhau.[11] Cho nên khác với Luật Tạng của các bộ phái thì thường giống nhau mà chúng ta đã sơ khảo ở phần trước, còn tạng Abhidhamma của Phật giáo Theravāda rất khác với các tạng Abhidhamma của các tông môn khác. Hiện nay chúng ta còn hai tạng Abhidhamma / Abhidharma. Một của Thượng Tọa Bộ viết bằng Pāli, một của Nhất Thiết Hữu Bộ viết bằng Sanskrit, được lưu truyền trong Đại Tạng chữ Hán và chữ Tạng. Đây cũng là một lãnh vực nghiên cứu Phật học đang cần có người nghiên cứu.[12]
* LUẬN (śāstra) của Phật Giáo
Giống như Phật giáo Đại thừa (Bắc truyền), Phật giáo Theravāda cũng có nhiều luận (śāstra) tuy không nhiều và danh tiếng như các luận của Phật giáo Đại thừa. Bình thường các luận sư
Phật Âm (Buddhagosa, thế kỷ IV) là một cao tăng thạc học danh tiếng nhất của truyền thống Phật giáo
Kết Luận về Kinh Tạng Pāli:
Hiện nay chúng ta có thể thu tập các ý kiến và các nghiên cứu của các hoc giả về vấn đề chân xác của kinh hệ Pāli. Về mức độ khả tín về nguồn gốc kinh điển Phật Tạng Pāli, chúng ta nhận thấy có thể chia làm ba khuynh hướng; 1- Khuynh hướng thứ nhất thường là khuynh hướng của tu sĩ và Phật tử Theravāda. Họ theo truyền thống cũ và có đức tin rằng kinh tạng Pāli là lời Đức Phật (và các đệ tử lớn của Đức Phật được Phật chuẩn nhận). Kinh tạng Pāli theo họ là sự lưu truyền chính xác và không gián đoạn từ ngày kết tập kinh điển lần thứ nhất. 2- Khuynh hướng thứ hai cho rằng kinh điển Pāli cuối cùng cũng chỉ là những gì nhớ được của các tu sĩ Phật giáo trước thời phân biệt bộ phái (trước kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba). Khuynh hướng này tin vào một sự thực cụ thể là các kinh điển chỉ là sự ghi nhớ của các đệ tử Phật sau khi Đức Phật nhập diệt, vì quả thật ngày Đức Phật còn tại thế chưa có ai viết ra để ghi chính xác lời Phật dạy. 3- Khuynh hướng thứ ba là quan điểm “bất khả tri” (agnosticism). Những người theo quan điểm này thấy rằng đây là một đề tài không thể chứng minh được một cách tách bạch. Những người theo khuynh hướng này vừa không bác bỏ lý luận của khuynh hướng thứ nhất, nhưng cũng đòi hỏi một sự kiện có thể minh chứng được.
Ngày nay đa số các chuyên gia về kinh điển Pāli và thời kỳ nguyên thủy của Phật giáo đều đồng ý tâm điểm của kinh tạng Pāli là lời của Đức Phật, nhưng lẽ dĩ nhiên tất cả những kinh Phật trong hai tạng Kinh và Luật không phải là nguyên văn trăm phần là của Đức Phật vì không thể có gì bảo đảm cho năm trăm năm truyền giáo bằng truyền khẩu qua trí nhớ mà có thể ghi nhận toàn hảo lời Đức Phật. Đầu tiên Richard Gombrich phân tích cho rằng cốt lõi các phần chính trong các kinh Phật gắn bó rất chặt chẽ, cho nên phải là của một tác giả duy nhất, tức là Đức Phật, nên không thể do một nhóm đệ tử sau khi ngài nhập diệt tụ tập lại mà sáng tác.[14] Còn Peter Harvey thì cẩn thận hơn thêm rằng qua nhiều chứng cớ như Tăng Chi Bộ nói về quốc vương Munda người lên ngôi cả 40 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, hay trong kinh các câu văn như “Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn…” có trong Tăng Chi Bộ lẫn Tăng Nhất A Hàm, cho nên dù phần lớn kinh điển Pāli là chuyển từ lời Đức Phật giảng nhưng “rõ ràng có một phần kinh điển Pāli có nguồn gốc sau khi Đức Phật nhập diệt”.[15] Giáo sư Warder cho thấy “Không có chứng cớ gì để chứng tỏ rằng những lời dạy của kinh là do người nào đó khác ngoài chính là bản thân Đức Phật”.[16] Giáo sư kỳ cựu J. W. de Jong phát biểu “Kinh là lời dạy căn bản từ Đức Phật, được lưu truyền và sau đó được phát triển bởi các học trò của người.” [17] Giáo sư Alex Wynne khẳng định “Văn bản kinh Pāli khởi từ giai đoạn bắt đầu của Phật giáo, gồm căn bản là những lời giáo huấn của Đức Phật, có trường hợp là kim ngôn của ngài”.[18]
Những nhận định trên không phải là nhận định chủ quan lấy Đức Tin làm chuẩn mực tuyệt đối của các tu sĩ Phật giáo Pāli (Theravāda) mà là những nhận định tiêu biểu của học giới Tây phương và có lẽ cũng là của đa số độc giả sách này. Đây cũng là sự khác biệt căn bản giữa Phật giáo Theravāda và Kim Cang thừa. Một bên là Theravāda cố gắng giữ liên hệ mật thiết như là truyền thống trực tiếp từ chính đức Phật lịch sử (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni), một bên là Mật tông Kim Cang Thừa đứng ngoài truyền thống lấy Đức Phật lịch sử làm trung tâm điểm xuất phát.
II - KINH TẠNG HÁN NGỮ (Đại Thừa)
Nếu có người nào nói rằng “không có tông môn Phật giáo Đại Thừa” thì chắc chắn sẽ bị gọi là “có vấn đề”. Nhưng thật sự điều người đó phát biểu có đúng hơn một nửa. Có nghĩa là lời người đó phát biểu có phần đúng hơn những vị đang ba hoa “tông phái Đại thừa” trên diễn đàn hoặc các người đang tuyên truyền “kinh Đại thừa phi Phật thuyết” trên internet. Nghiên cứu và quan sát về lịch sử thành hình và phát triển kinh tạng Phật giáo sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh toàn vẹn về kinh điển Đại thừa. Ít nhất là về ba phương diện: (1) Lịch sử phát triển của Đại thừa, (2) Lịch sử tổ chức của các tông môn Đại thừa, (3) Nội dung và nguồn gốc của Kinh Điển Đại thừa.
Thứ nhất từ lịch sử phát triển, Đại thừa (Mahayāna) không phải là một tông môn nào đó được thành lập từ Ấn Độ hay Trung Hoa mà là cả một phong trào phê phán và thách thức tầng lớp tu sĩ lãnh đạo bảo thủ thời bấy giờ. Kết quả đó khởi từ sự phân liệt đầu tiên giữa Phật giáo đại chúng (gọi là Đại Chúng Bộ mahāśāmghika) và nhóm Thượng Thủ lãnh đạo (gọi là Thượng Tọa Bộ sthavira/ Pāli có tên là thera-vāda) trong kỳ kết tập thứ hai (100 năm sau Phật nhập niết-bàn). Lịch sử Phật giáo cũng có thể chú ý đến việc đòi xét lại của tỳ khưu Đại Thiên (mahādeva) về năm điểm bất toàn của vị được tôn xưng là A La Hán, trong kỳ kết tập thứ ba (khoảng 200 năm sau Phật nhập niết-bàn). Trong bối cảnh gọi tên và phân chia vô cùng lỏng lẻo như vậy, cho nên hầu như tất cả các nhóm Phật giáo nào đó nếu chấp nhận một quyển kinh Đại thừa nào đó và không qui thuộc thẩm quyền của giới thượng thủ truyền thống sthavira thì đều được dễ dãi gọi là “Đại Thừa” - dù nhóm tông môn “đại thừa” đó chỉ là một tổ chức tôn giáo phát nguyên từ tập tục thờ thần Thấp Bà của Bà-la-môn ở Ấn Độ hay là một nhóm xuất phát từ tập tục tu tiên của Đạo giáo ở Trung Hoa.
Thứ hai từ lịch sử tổ chức, sự thành lập Đại thừa chỉ là một sự kết hợp lỏng lẻo vô tổ chức của nhiều nhóm hay tông môn Phật giáo như thế. Các nhóm Phật giáo này chỉ có chung một mẫu số là gắn liền đức tin và sự hành trì của mình vào một hay nhiều quyển kinh mới xuất hiện không có trong danh sách kinh điển của Phật giáo truyền thống. Vì vậy “Phật giáo Đại thừa” có rất nhiều tông phái và các tông phái đều có nhiều kinh luận riêng. Ngoài giáo lý Phật giáo căn bản, các kinh luận bác tạp này còn hàm chứa những tư tưởng hay lời dạy khác biệt và nhiều khi trái ngược nhau. Cho nên đã có nhiều giải thích những khác biệt này ra đời, vừa để cố gắng thống nhất Đại thừa như một chỉnh thể, vừa giải thích cho các khác biệt này. Đó là lý do phát triển của phong trào “Phán Giáo” chúng ta sẽ nói nhiều trong sách này. Phong trào “phán giáo” đã phát sinh ra rất nhiều thuyết khác nhau nhưng cũng ít còn ai chú ý, trừ vài thuyết như “Ngũ Thời Phán Giáo” của Huệ Lập (thế kỷ thứ năm) hay “Ngũ Thời Bát Giáo” của Thiên Thai tông Trí Khải (thế kỷ thứ sáu) thì lại trở nên quá nổi tiếng – Cho nên hiện nay vẫn còn có các giảng sư tin tưởng và tiếp tục giảng các thuyết phán giáo này như một sự thật lịch sử rằng sau khi giác ngộ đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm 21 ngày, rồi giảng kinh A-hàm 12 năm, rồi giảng kinh Phương Đẳng 8 năm v.v.
Thứ ba, có lẽ là quan trọng nhất, là về nội dung và xuất xứ của Kinh Điển Đại Thừa. Có gì khác biệt giữa kinh điển Đại thừa và kinh điển truyền thống (của Phật giáo Theravāda)? Kinh điển Đại thừa là do Phật thuyết hay sáng tác của ai đó sáng tác? Có hay không có các loại kinh giả hay ngụy kinh? ... Đây là vấn đề cần thảo luận ở một chương riêng “Kinh Đại Thừa và Ngụy Kinh” là chương cuối cùng của sách này.
Vì vậy khác với Tạng Pāli chỉ là kinh luận của một tông môn (Theravāda), còn Tạng Hán ngữ là một kho tạng kinh luận vĩ đại gồm Đại Thừa và hầu hết tất cả các tông môn (kể cả Theravāda và Kim Cương Thừa) và cả các tông môn đã không còn tồn tại. Cũng nên nhắc lại Hán Tạng lẽ dĩ nhiên là một tập hợp kinh luận Phật giáo nhưng Hán Tạng cũng là một tập hợp kinh luận Phật giáo ngoài các bản dịch chữ Hán của các kinh luận từ Phạn ngữ (gồm cả Sanskrit và “Hồ ngữ”), Hán Tạng còn có cả các luận sớ của các đại sư người Trung Hoa (có trong phần “Luận Sớ” của Đại Chính Tạng, mà trong sách này chúng ta không đề cập tới). Tóm lại Hán Tạng có hai đặc điểm (1) dịch giả không phải là một cá nhân hay một tổ chức nào mà là gồm nhiều cá nhân tự do, không liên hệ tông môn hay chủng tộc. (2) Hán Tạng thành hình trong một diễn trình không tổ chức, không hạn chế và liên tục kéo đài cả ngàn năm.
Nguồn gốc đầu tiên của Hán Tạng là các kinh luận dịch từ Phạn ngữ. Tuy nhiên “Phạn ngữ” ở đây cũng không nên hiểu là chỉ là Sanskrit vì có nhiều kinh luận Phật giáo Hán Tạng không dịch thẳng từ Sanskrit mà là qua trung gian thứ hai gọi là “Hồ ngữ” đó là các ngôn ngữ của các quốc gia Vu Điền (Khotan), Quy Tư (Koche), Hồi Hột (Uigur), hay Đột Quyết (Turk) và điều quan trọng nhất là mới đây người ta còn thấy Hán Tạng có cả những bản dịch kinh Phật thời kỳ “Tiền Sanskrit” (xem phụ lục về “Tạng Kharosthi”). Cũng nên biết Hán Tạng còn có những kinh luận không dịch từ văn bản mà chỉ dịch từ trí nhớ của các đại sư truyền giáo – truyền thống truyền khẩu vốn có trước khi kinh được viết xuống bằng văn tự - Trong thời kỳ dịch thuật đầu tiên, người ta cũng không phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa. Thật sự, cho đến khi La Thập đến Trường An năm 401, Trung Hoa mới biết rõ ràng về giáo lý Không Tông và từ đó mới phân biệt rõ ràng Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa.
Quá Trình Lịch Sử Hình Thành Hán Tạng
Nếu tính theo lịch sử thành hình Hán Tạng thì người ta có thể chia thành ba giai đoạn dịch kinh Phật như Lương Khải Siêu đã đề nghị: 1- Giai đoạn hình thành mà chủ dịch là các pháp sư ngoại quốc; 2- Giai đoạn hợp tác là giai đoạn dịch kinh có sự hợp tác của người bản địa, đại diện cho dịch giả giai đoạn này là Cưu Ma La Thập (kumārajiva 344-413) và Giác Hiền (buddhabhadra 359-429); 3- Giai đoạn phát triển là giai đoạn dịch kinh do người bản địa làm chủ dịch, đại diện cho giai đoạn này là Huyền Trang (601-664) và Nghĩa Tịnh (635-713). Ở đây tôi cũng theo cách phân chia này nhưng bổ khuyết bằng thời gian các kinh luận nổi tiếng được dịch.
1 - Giai đoạn hình thành:
Giai đoạn hình thành có thể đánh dấu bằng kinh Tứ Thập Nhị Chương do Ca-diếp Ma-đằng (Kāśyapa) và Trúc Pháp Lan dịch vào năm 76 Dương lịch được coi là bộ kinh Phật đầu tiên được dịch ra Hán văn. Nhưng Tứ Thập Nhị Chương thật ra không phài là Kinh, mà chỉ là tập hợp nhiều đoạn văn lấy từ một số kinh khác. Cho nên, chính xác hơn chúng ta có thể cho rằng giai đoạn hình thành của lịch sử phiên dịch Hán Tạng khởi đầu từ các bản dịch kinh của Chi Lâu Ca-Sấm (Lokaraksa) và An Thế Cao[19], như các kinh A-hàm Chánh Hạnh, Đại Thừa Phương đẳng, Yếu Tuệ, An Ban Thủ Ý, Thiền Hành Pháp Tưởng v.v. dịch vào những năm 147 - 167 Dương lịch. Rồi từ đây trở đi, nhiều vị cao tăng khác từ Tây Vực và Thiên Trúc (Ấn Độ) lần lượt đến Trung Hoa tham gia vào công cuộc dịch kinh. Thời kỳ này hầu như tất cả các nhà dịch kinh đều là người Thiên Trúc (Ấn Độ) hay Tây Vực (các quốc gia nằm giữa Trung Hoa và Ấn Độ). Đại diện cho các dịch giả thời này là An Thế Cao và Chi Lâu Ca-Sấm. Nội dung kinh luận của giai đoạn này hoàn toàn tùy thuộc vào ý định của các dịch giả. Tâm lý của các dịch giả thời này ngoài việc tự chọn kinh luận để dịch theo sở trường cá nhân còn là từ nhu cầu truyền giáo riêng như An Thế Cao chuyên dịch kinh “Tiểu thừa” và Chi Lâu Ca Sấm ưa dịch kinh ‘Đại thừa”. Vì nhu cầu cần thiết, các vị dịch giả thời này thường cố gắng dịch càng nhiều càng tốt.
Có ba đặc điểm chung của giai đoạn này mà tôi thường lập lại trong luận này khi nói về các dịch giả và phương pháp dịch thuật của họ. Thứ nhất là phần nhiều dịch giả trong giai đoạn sơ kỳ này không dịch theo văn bản mà dịch theo trí nhớ của truyền thống khẩu truyền. Thứ hai là nhiều các dịch giả không dịch từ Phạn ngữ (Sanskrit) mà từ các “Hồ ngữ” tức là các ngôn ngữ địa phương vùng Tây Vực như Quy Tư, Vu Điền, Khang Cư, Nguyệt Chi, An Tức vốn là ngôn ngữ mẹ đẻ của các ngài. Thứ ba là phần lớn các dịch giả cũng không hoàn toàn giỏi Hán ngữ, người bản địa trợ thủ cộng tác cũng thường là người không giỏi cả hai ngôn ngữ. Cho nên nhiều bản dịch không có phẩm lượng tốt (Những nhận xét trên là của Cưu Ma La Thập và Huyền Trang).
2 – Giai đoạn hợp tác:
Giai đoạn thứ hai được coi là hợp tác chặt chẽ giữa dịch chủ (bình thường vẫn là người ngoại quốc) nhưng có tổ chức kỹ hơn và có trợ thủ chọn lọc hơn. Giai đoạn này có nhiều đạo sư dịch giả đến từ Tây Trúc và Tây Vực tham gia việc dịch kinh. Sự kiện quan trọng bậc nhất của giai đoạn này là việc La Thập đến Trường An năm 401. Sau giai đoạn dịch kinh có tính cách cá nhân thì đây là giai đoạn dịch thuật có tổ chức. Khởi đầu giai đoạn là từ hoạt động của La Thập ở Trường An. La Thập được vinh danh là quốc sư, được nhà vua trọng vọng và hàng tăng ni kỳ vọng. Nên nhớ Đạo An là người đã tha thiết yêu cầu nên vua Phù Kiên sai cả một đạo quân của tướng Lữ Quang chinh phạt Hà Tây chỉ để đón La Thập. Đây là lần đầu tiên Trung Hoa có hẳn một “Quốc Lập Dịch Trường” do một đại sư tài trí lãnh đạo lo việc dịch kinh. Ở Dịch Trường lại có sự trợ giúp của các chuyên gia về nội điển, ngôn ngữ, và có sự tài trợ hầu như không giới hạn của Triều Đình. Việc dịch kinh của La Thập không thuần túy chỉ là dịch kinh, mà còn là cả một công nghiệp thiết lập và hoàn thành một nền tảng và cơ chế cho việc định hình ngôn ngữ Phật học Hán ngữ. Cho nên dù La Thập đến Trường An chỉ sống ở đây 12 năm, ngài không chỉ đã đặt ra một khuôn phép và tiêu chuẩn dịch kinh mà còn đặt định cả một nền tảng về ngôn ngữ Phật học Hán ngữ cho người sau tiếp nối.
3 – Giai đoạn phát triển:
Sau La Thập 250 năm, công nghiệp dịch kinh Phật đã đến giai đoạn trưởng thành và phát triển được đánh dấu khởi đầu bằng sự hồi cư của Huyền Trang vào năm 645 sau 17 năm thỉnh kinh và du học ở Ấn Độ. Ngài Huyền Trang là một dịch giả uy tín bậc nhất của mọi thời đại với số dịch phẩm lớn nhất và cẩn trọng nhất. Đây cũng là lần thứ hai sau La Thập người ta lại thấy sự hiện diện của một “Quốc Gia Dịch Trường” với cách tổ chức và phương tiện dịch thuật còn chu đáo hơn cả thời La Thập. Lẽ dĩ nhiên công nghiệp dịch thuật của người bản sứ không phải chỉ có một mình Huyền Trang nhưng đại danh của Huyền Trang không những chỉ khiến khuyến khích nhiều nhà chiêm bái khác theo gót chân Tây Du học Phật mà cũng khởi nên một ngọn gió học Phật lớn ở chính quê nhà. Chúng ta có thể nói sau nền móng La Thập thiết lập và với kết quả dịch thuật của Huyền Trang, Phật học Á Đông đã trở thành một trung tâm học Phật, không kém gì Ấn Độ trong một số lãnh vực.
Giai đoạn này cũng là giai đoạn cực thịnh của sự nghiệp dịch kinh Phật. Từ đỉnh cao của Huyền Trang (600-664), Nghĩa Tịnh (625-715) qua giai đoạn các nhà dịch thuật lớn ngoại quốc như Tam mật Đại sĩ Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí và Bất Không chúng ta vẫn còn có những dịch giả tài trí. Nhưng sau thời Bất Không (705-774), suốt hai trăm năm từ những năm Trinh Quán nhà Đường (789) đến Thái Bình Hưng Quôc nhà Tống (982) các Kinh Lục không ghi thêm được một dịch giả nào hay một kinh Phật nào được dịch ra Hán văn. Sau hai thế kỷ im lặng này, đến đời nhà Tống trở đi số dịch giả và kinh điển mới dịch cũng hầu như rất thưa thớt rồi cuối cùng không còn ai. Sự thật đây cũng là một sự kiện dễ hiểu, vì lúc này Phật giáo ở Ấn Độ bị coi như bị quân Hồi giáo tận diệt. Vài thành phần Phật giáo cuối cùng lui vào Mật tông một thời gian (vì tổ chức Mật Tông truyền thừa rất bí mật, đơn giản và trung thành giữa đệ tử và sư phụ). Nhưng đến thế kỷ XI cả hai cũng bị các đạo quân Hồi giáo truy lùng và tận diệt. Phật giáo coi như không còn ở Ấn Độ. Cho nên các nhà Phật học đều cho rằng cùng với sự tận diệt Phật giáo ở Ấn Độ, lịch sử dịch kinh Phật của Đại Tạng Kinh Phật Tạng đến đây là kết thúc.
NỘT DUNG HÁN TẠNG
Chi tiết về nội dung Hán Tạng chúng ta có thể nhìn vào thành phần nội dung của Đại Tạng Kinh cuối cùng và đầy đủ nhất hiện nay là Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh gồm “100 Tập, gồm 3,053 Bộ kinh (11,970 Quyển)” sẽ được nói đến chi tiết sau. Phần đầu của Đại Chính Tạng là 55 tập khổ lớn, mỗi tập dầy hơn 1000 trang. Tổng cộng có 2,148 bộ là các kinh luận được dịch từ Tạng văn (gồm Sanskrit và Hồ ngữ - các ngôn ngữ của các vùng nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa). Trong số này gồm cả 4 bộ A-hàm (āgama) tương đương với 4 Nikāya của Theravāda và 572 tantra của Mật tông. Mục Lục Đại Chính Tạng có thể tóm lược như sau:
1- A-hàm Bộ (阿含部 Āgama): 151 kinh, 2 tập (T. 1-2)
2- Bản Duyên Bộ (本緣部 Jātaka): 68 kinh, 2 tập (T. 3-4)
3- Bản Dịch các kinh Đại thừa:
- Bát Nhã bộ (般若部 Prajñapāramitā): 42 kinh, 4 tập (T. 5-8)
- Pháp Hoa bộ (法華部 Saddharma Puṇḍarīka): 16 kinh, 1 ½ tập (T. 9a)
- Hoa Nghiêm bộ (華嚴部 Avataṃsaka): 32 kinh, 1 ½ tập (T. 9b-10)
- Bảo Tích bộ (寶積部 Ratnakūṭa): 64 kinh, 1 ½ tập (T. 11-12a)
- Niết Bàn bộ (涅槃部 Nirvāṇa): 23 kinh, ½ tập (T. 12b)
- Đại Tập bộ (大集部 Mahāsannipāta): 28 kinh, 1 tập (T. 13)
- Kinh Tập bộ (經集部 Sūtrasannipāta): 423 kinh, 4 tập (T- 14-17)
4- Mật Giáo bộ (密教部 Tantra): 572 kinh, 4 tập (T. 18-21)
5- Luật bộ (律部 Vinaya): 84 kinh, 3 tập (T. 23-24)
6- Thích Kinh Luận bộ (釋經論部 Sūtravyākaraṇa): 31 kinh, 1 ½ tập (T. 25-26a)
7- A-tì bộ (毗曇部 Abhidharma): 28 kinh, 3 ½ tập (T. 26b-29)
8- Trung Quán bộ loại (中觀部類 Mādhyamaka): 14 bộ, ½ tập (T. 30a)
9- Du Già bộ loại (瑜伽部類 Yogācāra): 48 bộ, 1 ½ tập (T. 30b-31)
10- Luận Tập bộ (論集部 Śāstra): 64 bộ, 1 tập (T. 32)
11- Kinh Sớ bộ (經疏部 Sūtravibhāṣa): 210 bộ, 7 tập (T. 33-39)
12- Luật Sớ bộ (律疏部 Vinayavibhāṣa): 11 bộ, ½ tập (T. 40a)
13- Luận Sớ bộ (論疏部 Śāstravibhāṣa): 34 bộ, 1 tập (T. 40b-44a)
14- Chư Tông bộ (諸宗部 Sarvasamaya): 264 bộ, 4 ½ tập (T. 44b-48)
15- Sử Truyện bộ (史傳部): 94 bộ, 4 tập (T. 49-52)
16- Sự Vựng bộ (事彙部): 15 bộ, 1 ½ tập (T. 53-54a)
17- Ngoại Giáo bộ (外教部): 7 bộ, ½ tập (T. 54b)
18- Mục Lục (目錄部): 1 tập (T. 55)
2- Chú Thích về một vài Kinh Đại Thừa:
Rõ ràng trong các kỳ kết tập, chúng ta chỉ nghe nói về kinh Nikāya và Āgama (A-hàm) nhưng không hề nhắc đến tên các bộ kinh Đại Thừa. Các đại sư trong quá khứ đã giải thích cũng giống như các học giả đều đồng ý rằng kinh điển Đại thừa chỉ xuất hiện vào sau lần kết tập thứ ba. Điển hình như Bộ Bát Nhã đại đa số học giả đều đồng ý nó chỉ liên tục xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất trước Dương lịch và tiếp tục xuất hiện cho đến thế kỷ thứ tư sau Dương lịch. Điều quan trọng nhất là kinh điển Đại thừa phải được coi như là một tổng thể hữu cơ. Có nghĩa là các kinh Đại thừa đều có liên hệ với nhau. Các kinh đều thường dẫn thuật các kinh khác. Thí dụ như kinh Vô Lượng Nghĩa có dẫn thuật kinh Đại Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm lại dẫn kinh Vô Lượng Thọ, kinh Đại Bát Niết Bàn có dẫn đến kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa có dẫn kinh Đại Vân, kinh Lăng Già có nhắc đến kinh Niết bàn, Đại Vân v.v. Trong các kinh Đại thừa lại có các huyền ký nói đến các luận sư đời sau, như kinh Ma Ha Ma Da, kinh Lăng Già đều nhắc đến sự xuất hiện của ngài Long Thọ … Tất cả các thảo luận này chúng ta sẽ đi vào chi tiết trong phần hai của sách này là Kinh Điển Hán Tạng: Kinh Luận Phật Giáo Đại Thừa. Sau đây chúng ta sẽ điểm riêng về một số kinh có tầm ảnh hưởng quan trọng trong thực tế hành trì của Phật giáo Đại thừa như Bát Nhã, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Tịnh Độ.
Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh 般若波羅蜜多經
Kinh hệ Bát Nhã, gọi đầy đủ là “Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh” (prajñā-pāramitā sūtras) là bộ kinh xuất hiện sớm nhất của Đại Thừa và có ảnh hưởng lớn đến tất cả các tông môn Đại thừa xuất hiện sau đó. Theo Edward Conze có bốn thời kỳ thành hình của kinh hệ Bát Nhã:[20]
1- 100 BC–100 AC: Ratnaguṇasaṃcaya Gāthā và Aṣṭasāhasrikā (8,000 lines – Bát Nhã Bát Thiên Tụng)
2- 100–300 AC: Thời gian các kinh Bát Nhã dài 18,000, 25,000, and 100,000 lines/ tụng (như kinh Kim Cương /Vajracchedikā)
3- 300–500 AC: Thời gian các kinh Bát Nhã cô đọng (như Tâm Kinh/ Hrdaya)
4- 500–600 AC: Giai đoạn các kinh Bát Nhã có dấu vết Mật tông (vẫn còn là câu hỏi)
Chủ điểm của kinh hệ Bát-Nhã là tư tưởng về Tính Không (Śūnyatā) – Tính không nghĩa là vạn vật không hề có cái gọi là Tự Tính (svabhāva)[21] để có thể tự sinh, tự diệt - đã được giải thích tường tận trong Tùng Thư Long Thọ và Tính Không. Ở Việt Nam có hai kinh Bát Nhã quen thuộc là Tâm Kinh (Bát Nhã Tâm Kinh) và kinh Kim Cương (Kim Cương Năng Đoạn Bát Nhã) [22] là hai kinh trong số tám kinh còn nguyên bản Sanskrit.[23] Trong Đại Chính Tạng số dịch giả đã tham gia dịch kinh Bát Nhã qua các thời đại lên đến số 33 người. Ở đây chúng ta chỉ có thể nói về vài bản dịch quan trọng như sau:
1- Tiểu Phẩm Bát Nhã – Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 小品般若波羅蜜多經 tức là Bát Nhã Bát Thiên Tụng 8000 kệ (Aṣṭasāhasrikā Prajñā-pāramitā) do Chi Lâu Ca Sấm (Lokakshema) dịch năm 180 dưới tên là Đạo Hành Bát Nhã Kinh (T227), La Thập (Kumārajīva) dịch năm 382, Huyền Trang dịch năm 660. Không phổ biến và nổi tiếng như kinh Kim Cương hay Bát Nhã Tâm kinh, và cũng không đồ sộ như hai bộ Đại Bát Nhã chúng ta giới thiệu ở dưới, nhưng Tiểu Phẩm Bát Nhã rất quan trọng trong việc nghiên cứu về quá trình thành lập kinh điển Phật giáo Đại thừa – một chuyên nghành nghiên cứu mới của Phật học chỉ phát triển từ cuối thế kỷ XX.
2- Đại Bát Nhã – Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 大般若波羅蜜多經 tức là Bát Nhã Nhất Bách Thiên Tụng 100,000 kệ (Śatasāhasrikā Prajñā-pāramitā ). Bộ kinh Bát Nhã này là bộ kinh dài nhất trong các kinh Bát Nhã, và là tập đầu tiên trong 16 bộ làm thành bộ Maha Prajñā-pāramitā do Huyền Trang dịch.
3- Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 摩訶般若波羅蜜多經 tức Bát Nhã Nhị Thập Ngũ Thiên Tụng 25,000 kệ (Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñā-pāramitā). Kinh này được dịch ra Hán văn bốn lần. Lần thứ nhất do Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksha 239-316) dịch năm 286, lần thứ nhì do Vô Xoa La (Mokshala) dịch năm 291, lần thứ ba do La Thập (Kumārajīva) dịch năm 404, và lần thứ tư do Huyền Trang dịch năm 663.
Riêng bộ Đại Bát Nhã 大般若 Maha Prajñā-pāramitā (T. 220) gồm 16 kinh Bát Nhã là do Huyền Trang dịch. Bộ này Huyền Trang dịch thành 600 tập, gồm 3 Tập (volumes 5-7), tức là ba trong 85 tập của toàn thể các kinh của Đại Chính Đại Tạng .
Diệu Pháp Liên Hoa kinh 妙法蓮華經
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (saddharma-puṇḍarīka-sūtra) được gọi tắt là kinh Pháp Hoa (法華經). Trong Đại Chính Tạng chúng ta có Liên Hoa Bộ gồm 16 kinh. Một chương (phẩm) nổi tiếng của kinh này là Phẩm Phổ Môn (普門品) nói về Bồ Tát Quán Thế Âm hứa độ trì cho những ai tu học kinh Pháp Hoa, thường được in ra làm một kinh riêng gọi là “Kinh Phổ Môn”. Trong kinh, đức Phật đã chỉ rõ có nhiều cách để giác ngộ nhưng chúng chỉ là phương tiện Phật tùy cơ duyên, sử dụng như những phương tiện thiện sảo (upāya-kauśalya) để dẫn người ta đến giác ngộ. Cho nên kinh nói rằng có thể nói là Tam Thừa (Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa, Bồ Tát thừa) nhưng chỉ là Nhất Thừa hay Phật thừa (Buddha-yāna) bao trùm tất cả để dẫn đến giác ngộ. Chú ý đến kinh này đức Phật trong kinh không còn là đức Phật lịch sử (Phật Thích Ca Mâu Ni) mà là dạng Pháp Thân[24] (dharma-kāya). Từ ý tưởng này mà sau này các tông môn Đại thừa ở Trung Hoa rất ưa chuộng lý thuyết “Tam Thân Phật” (trikāya).[25]
Tịnh Độ Kinh 淨土經
Có ba bộ kinh thường gọi là Tịnh Độ Tam Bộ Kinh (淨土三部經) là ba kinh căn bản của Tịnh Độ Tông gồm: 1- Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經 sukhāvatī-vyūha-sūtra); 2- Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經, amitāyurdhyāna-sūtra); 3- A-Di-Đà Kinh (阿彌陀經, amitābha-sūtra) hay Tiểu Vô Lượng Thọ kinh (小無量壽經).
Tịnh Độ Tông là một tông môn Phật giáo rất phổ biến. Vì đa số Phật điển thường chỉ nhắm vào đời sống hiện thực nhân sinh, lấy việc tu hành làm chủ đề chính mà chưa nói đến cõi chết đi về đâu, tức là về tương lai sau khi chết. Hệ Tịnh Độ xuất hiện như là câu trả lời cho nhu cầu này với ba dòng lớn: Cõi Đâu Suất của Bồ tát Di lặc, cõi Tịnh Độ Diệu Hỉ của Phật A Súc với điều kiện vãn sinh là tu hạnh Lục Độ và Không Quán của Bát Nhã, và nước Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Mặc dù hiện nay tín đồ của Tịnh Độ Tông có đức tin hoàn toàn dựa vào tha lực của việc trì kinh hay trì danh niệm Phật, nhưng thực ra đó chỉ là một phương tiện của tư tưởng căn bản Tịnh Độ tông là “quán tưởng niệm Phật”. Kinh Tịnh Độ miêu tả nguồn gốc và bản chất của Tây Phương Tịnh Độ (trú xứ của Phật A-di-đà), liệt kê 48 lời nguyện của ngài Pháp Tạng khi còn là một vị Bồ Tát đã phát nguyện dựng nên một cõi Tịnh độ. Từ đó người tin pháp môn Tịnh Độ cho rằng khi thành Phật ngài đã thành lập nên cõi Tây phương Tịnh độ, nơi chúng sinh với tâm thức thanh tịnh có thể thác sinh để tu hành mà không gặp chướng ngại.
Trên thực tế hành trì chúng ta thấy từ sau Pháp Nạn “Hội Xương Phế Phật (843-846)” các tông môn đều mai một, chỉ còn hai tông môn của Phật giáo Đại thừa tiếp tục phát triển là Tịnh Độ Tông và Thiền Tông, cho nên từ thời nhà Tống ở Trung Hoa người ta cũng thấy phát triển phong trào “Thiền Tịnh Song Tu.” Sự hiện hữu của phong trào “song tu” nhìn từ một góc cạnh, chúng ta có thể thấy sự phá sản nội dung của hai pháp môn này trong tay của các hậu bối không xứng đáng và không chứng nghiệm được trong Tịnh đã có Thiền, trong Thiền đã có Tịnh. Cho nên ở Tịnh Độ thì tinh túy của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật trở nên phổ biến thành Niệm Vô Lượng Thọ Phật, ở Thiền tông sự tịnh lặng của Bồ Đề Đạt Ma thì trở nên hoạt náo sôi động trong “thiền thi” và “thiền công án” của đời sau.
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (buddha-avataṃsaka-mahavaipulya-sūtra) là một kinh tổng hợp nhiều thành phần như Thập Địa Kinh (十地經, daśabhūmika-sūtra) giảng về 10 địa (từng lớp) của quá trình tu học Bồ tát đạo, và kinh Hoa Nghiêm (華嚴經 gandavyūha), đặc biệt là phẩm Nhập Pháp Giới (còn có tên là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Kinh) đầu tiên là do Phật Thích Ca nhập định, từ trong Định ngài hiển thị cảnh giới Bất Khả Tư Nghị của Pháp giới trong định, lấy hành trình vấn đạo của Thiện Tài (Sudhana) nhân đó kinh trình bầy về bản tính ảo diệu của thế giới thực tại. Thiện Tài là đại biểu cho người tu chứng ngộ nhập ngay dưới chỗ ngồi của Bố tát Văn Thù (đại biểu cho Trí Tuệ Phật) và Bồ tát Phổ Hiền (đại biểu cho hạnh nguyện Phật). Kinh Hoa Nghiêm xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ tư, tuy nhiên có thể môt số thành phần của nó đã xuất hiện từ thế kỷ thứ nhất. Kinh Hoa Nghiêm có thể được xem là nguồn gốc của sự tôn xưng đức Phật Đại Nhật, sau này, kinh là cơ sở phát triển Mật tông Kim Cương thừa trong bộ Đại Tì lô Giá na thành Phật Biến Gia Trì Kinh (大毘盧遮那成佛神變加持經,mahā-vairocanābhi-sambodhi-tantra). Đây là một trong hai kinh trung tâm của Chân Ngôn tông và sau cũng được đưa vào Đại tạng kinh Tây Tạng trong nhóm “Hành tantra” (caryā-tantra). Kinh Hoa Nghiêm sau này cũng trở thành bộ kinh chính của tông mang cùng tên là Hoa Nghiêm Tông với giáo lý tập trung vào sự tương tác của vạn pháp.
Duy-ma-cật sở thuyết kinh 維摩詰所説經
Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (vimala-kirtinirdesa) gọi tắt là kinh Duy Ma Cật (維摩詰) là một kinh độc lập, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai. Chi Khiêm dịch từ thời Tam Quốc (223-253), về sau có La Thập (năm 410) rồi Huyền Trang (năm 650) đều dịch lại. Trong kinh này Bồ Tát Duy-Ma-Cật trong hiện tướng là một cư sĩ để thuyết pháp cho chính các đại đệ tử đức Phật, để cho thấy cư sĩ cũng có khả năng tu đạo thành Phật. Kinh nhấn mạnh đến việc tu tập của hàng cư sĩ, cho nên có ảnh hưởng rất lớn trong các tôn môn Đại thừa vốn là các tông môn phản kháng lại truyền thống chỉ chú trọng đến việc tu hành của các tu sĩ tự viện. Về giáo lý thì kinh chủ ý dạy về giáo lý Tính Không và Bất Nhị giống như các kinh Bát Nhã. Cho nên kinh Duy Ma Cật rất có ảnh hưởng trong Thiền Tông Trung Hoa. Trong kinh cũng nói về các Tịnh Độ của chư Phật (buddhakṣetra) nên cũng có ảnh hưởng đến Tịnh Độ tông.
III - KINH TẠNG TẠNG NGỮ (Kim Cang Thừa)
Cá nhân tôi rất khó sử dụng một từ như Đại Thừa, Kim Cang Thừa hay Tantra-thừa để chỉ Phật giáo Tây Tạng như thường đã giải thích trong các kinh luận của Tùng Thư Long Thọ và Tính Không. Trước tiên có thể gọi Phật giáo Tây Tạng là Phật giáo Đại thừa – Nên nhớ bất cứ tông môn phát triển nào thành lập sau kỳ kết tập thứ ba cũng có thể gọi là “Phật giáo Đại thừa” với ý “không phải là Phật giáo nguyên thủy (Phật giáo Pāli) và chấp nhận một hay nhiều kinh Phật mới xuất hiện không nằm trong các kinh luận truyền thống. Cho nên giống như các tông phái Phật giáo Đại Thừa khác, Phật giáo Tây Tạng cũng có đầy đủ tam tạng kinh điển Kinh Luật Luận như Phật giáo Trung Hoa. Việc xác định Phật giáo Tây Tạng là Phật giáo Đại thừa cũng là một sự thật lịch sử vì lịch sử thành lập Phật giáo Tây Tạng đều là do các đại sư Phật giáo Đại thừa từ Ấn Độ đến. Tuy nhiên, kinh điển Phật giáo Tây Tạng ngoài phần kinh điển giống như Phật giáo Trung Hoa (nghĩa là gồm kinh điển của Tam Tạng Kinh Luật Luận, của nhiều tông môn Đại thừa) nhưng kinh điển Phật giáo Tây Tạng còn có thêm phần “tạng Tantra” của Kim Cang thừa tôi sẽ nói đến trong phần cuối.
Về lịch sử kinh điển Tam Tạng, thì trước hết về Luật tạng Phật giáo Tây Tạng từ ngày đầu tiên truyền từ Ấn Độ cho đến hiện tại đều theo qui củ luật tạng của Nhất Thiết Hữu Bộ (sarvāstivāda) cho nên chúng ta sẽ thấy Luật Tạng đầu tiên của Tây Tạng là luật tạng Tứ Phần Luật của Nhất Thiết Hữu Bộ thì cũng không khác Phật giáo Trung Hoa.[26] Về Kinh Tạng thì truyền thống Phật giáo Tây Tạng luôn luôn lấy cơ sở từ giáo lý Trung Quán và Du Già Hành Tông (Duy Thức) vì các tổ sư đưa Phật giáo vào phát triển ở Tây Tạng như Tịch Hộ (śantāraksita 725-788), Liên Hoa Sinh (Padma-sambhava 755-797), A Đề Bà (Atiśa 982-1054) đều là những đại sư của truyền thống Trung Quán Ấn Độ. Các vị này lại cũng trưởng thành trong thời kỳ toàn thịnh của Du Già Hành Tông (yogācāra hay Duy Thức Tông) nên cũng đều giỏi giáo lý Duy Thức. Cho nên Tịch Hộ được coi là thành lập cơ sở “Trung Quán Du Già Hành Tông” (Yogācāra -Madhyamita) có khuynh hướng phối hợp Trung Quán và Du Già Hành Tông ở Tây Tạng.[27] Tóm lại, từ cốt lõi căn bản thì Phật giáo Tây Tạng chính là Phật giáo Ấn Độ của thời kỳ cuối cùng. Thành ra từ lịch sử và kinh tạng như thế Phật giáo Tây Tạng cũng không khác Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa.
Nhưng thời gian sau thì giáo pháp “Mật giáo Kim Cang thừa” tiến vào Tây Tạng, mau chóng kết nạp với đạo BÖN bản địa và phát triển thật nhanh trong lòng giáo pháp Phật giáo Tây Tạng và đẩy giáo lý Đại thừa vào bóng tối. Cho nên về mặt hành trì thì Phật giáo Tây Tạng rất giống như Mật tông Ấn Độ có nghĩa là có những kinh luận tantra hoàn toàn xa lạ với kinh luận truyền thống của cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa - tantra về tính dục nam nữ chỉ là một phần nhỏ trong trong các tantra đó – Nhưng đây chính là lý do mà Phật giáo Trung Hoa, ngay cả những học giả và đại sư Trung Hoa hiện đại như Lữ Trừng hay Thánh Nghiêm vẫn thường có thành kiến với Phật giáo Tây Tạng, và không ngần ngại gọi là “Tả Đạo”.[28]
Trong bối cảnh và nội dung như thế nên Phật giáo Tây Tạng không phân chia rõ ràng kinh điển thành “Tam Tạng Kinh” như Phật giáo Theravāda Tích Lan hay Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa. Đây không phải là quan điểm lý luận triết lý nhìn mọi kinh điển đều chỉ là những phương tiện hành trì, mà thực ra chỉ là phản ảnh thực tế hành trì của Phật giáo Tây Tạng. Quan điểm này còn tùy theo giáo phái (Phật giáo Tây Tạng có bốn tông môn chính và nhiều tông môn phụ) mà các chùa viện có thể tùy tiện hành trì tụng niệm một số kinh điển nào đó khác hẳn tự viện khác.
Để có thể thấy thực tế kinh điển Phật giáo của Phật giáo Tây Tạng chúng ta có thể thấy trong hành trình tu học đầy đủ của một Lạt ma Tây Tạng.[29] Cụ thể là chúng ta thấy các nhà sư chính thống đều phải học và tinh thông “ngũ minh” (pañcavacanagrantha) là năm môn học chính của tất cả các đại tùng lâm chính qui Tây Tạng. Đây chính là học trình do Tông Khách Ba (Tsong-Khapa) soạn thảo. Tông Khách (1357-1419) vốn là một học giả uy tín của truyền thống Trung Quán Du Già Hành Tông” (Yogācāra -Madhyamita) là người được coi là “tổ sư thời kỳ Trung Hưng” của Phật giáo Tây Tạng:
1- Bát Nhã Ba La Mật (prajñāpāramitā):
Bát Nhã học được coi là giáo lý căn bản của Trung Quán cũng như của tất cả các tông môn Đại Thừa, chuyên dạy về giáo lý Tính Không. Kinh căn bản là toàn bộ kinh Bát Nhã,[30] luận căn bản là Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Abhisamayalankara) của Di-lặc (Maitreya). Như thế văn bản của môn học này không khác gì Đại thừa Không Tông Trung Hoa.
2- Trung Quán (mādhyamika):
Trung Quán là giáo lý Trung Đạo của Đức Phât được ngài Long Thọ xiển dương và cũng là cơ sở triết lý của tất cả các tông môn Đại Thừa. Kinh luận chính thức của giáo lý Trung Quán ở Tây Tạng là Trung Luận (Mūlamadhyamakakārikā) của Long Thọ, Tứ Bách Luận (Catuhsataka) của Thánh Thiên (Aryadeva), Minh Cú Luận (Madhyamakāvatāra) của Nguyệt Xứng (Chandrakīrti). Nếu theo đúng học trình giáo án này thì tu sĩ Tây Tạng đều giỏi về biện chứng Trung Đạo của Long Thọ là một tất yếu. Trong các luận về Long Thọ và Tính Không tôi đều có sơ lược về tranh luận giữa lạt ma Liên Hoa Giới (Kamalaśīla) và nhà sư có tên là “Đại Thừa” của Đại Thừa Không tông Trung Hoa. Sơ lược tranh luận này rất ngắn nhưng rất có ý nghĩa. Nói theo ngôn ngữ “đời thường” thì đây là điểm mạnh nhất của Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo Tây Tạng hiện nay đang “chinh phục” Tây Phương chính là từ thế mạnh về “Trung Quán học” này, chứ không phải vì “tantra học”.[31]
3- Nhân Minh (pramāṇavāda):
Nhân Minh học là môn luận lý tri thức luận khởi nguyên từ Long Thọ sau được Thế Thân (vasubandhu), Trần Na và Pháp Xứng phát triển trong giáo lý Du Già Hành Tông (Duy Thức tông). Trước Tây Tạng, ngay sau khi đi du học Ấn Độ trở về Huyền Trang đã dịch và giới thiệu Nhân Minh Học sớm hơn Tây Tạng, nhưng dường như Phật giáo Trung Hoa không có duyên với môn học quan trọng này, nên Nhân Môn Học không phát triển ở Trung Hoa. Trong khi đó môn Luận Lý Nhân Minh Học trở nên một trong năm môn học cơ bản tại các tu viện Tây Tạng.[32] Trên “mặt nổi” thì đây là môn học duy nhất khác với Phật giáo Trung Hoa vì môn Nhân Minh Học không được trọng dụng ở Trung Hoa.
4- A Tì Đạt Ma (abhidharma):
Đây là A Tì Đạt Ma của Nhất Thiết Hữu Bộ (sarvāstivāda), cho nên kinh luận căn bản chính là Câu xá Luận (abhidharma-kośa) của Thế Thân và luận A Tì Đạt Ma Tập Luận (abhidharma-samyccaya) của Vô Trước (asaṅga). Cứ theo văn bản giáo án này thì cũng rất giống với Phật giáo Trung Hoa.
5- Luật (vinaya):
Như đã nói chủ yếu là luật tạng của Phật giáo Tây Tạng là của Nhất Thiết Hữu Bộ (sarvāstivāda). Trừ sự khác biệt về tạng A Tì Đạt Ma, chúng ta nên biết kinh điển về giáo luật của đa số các tông môn, tiểu thừa cũng như Đại thừa thường là đại đồng tiểu dị.
Nhìn tổng quát trong danh mục “ngũ thông” và những kinh luận được dùng làm văn bản học tập như thế, chúng ta có thể thấy nội dung kinh điển của Phật giáo Tây Tạng là từ cơ sở Đại thừa Trung Quán (mādhyamika), Du Già Hành Tông (Yogacara) và như thế có thể nói là rất giống với Phật giáo Đại thừa Trung Hoa. Đây là một cải cách triệt để của Tông Khách Ba, vốn là một đạo sư học giả uy tính nhất của Tây Tạng có tầm ảnh hưởng trên tất cả các tông môn Phật giáo Tây Tạng (mặc dù ngài được coi là sáng tổ của tông môn Gelupa). Cho nên chúng ta sẽ thấy nội dung của kinh điển Phật giáo cũng sẽ phản ảnh thực tế lịch sử này trong hai tạng có tên là Kangyur (ngữ dịch) tương đương với “Kinh Tạng” và Tengyur (luận dịch) tương đương với “Luận Tạng”. Ở đây tôi sẽ đặt phần Tantra thành một “tạng” riêng của Kim Cang thừa Tây Tạng – Và ‘Tantra Tạng’ mới là phần đặc biệt của Phật giáo Tây Tạng.[33]
KANGYUR
Kangyur hay “ngữ, lời” là phần tương đương với Kinh Tạng của Đại thừa. “Ngữ dịch” là ám chỉ phần kinh điển dịch từ “lời Phật” (Buddhavacana). Trên lý thuyết đây là những kinh điển dịch từ Phạn ngữ (Sanskrit) nhưng thực tế nhiều kinh điển trong tạng này chỉ là những bản Tạng dịch từ Hán Tạng và một số ngôn ngữ khác. Theo truyền thống thì sự sắp đặt Kangyur đã có từ thời vua Trisong Detsen (làm vua từ năm 755 đến 797). Tạng Kangyur được chia làm nhiều phần gồm các kinh Luật, kinh Bát Nhã và nhiều kinh khác – Phần kinh điển Tantra theo truyền thống Tây Tạng thì được sắp vào Kangyur nhưng riêng ở đây tôi kéo ra làm một tạng riêng -
Như thế trừ kinh điển Tantra thì Kangyur giống như Kinh Tạng của Phật giáo Hán tạng, có nghĩa là gồm đủ loại kinh (về số lượng thì kinh Đại thừa chiếm khoảng 7 phần và Tiểu thừa khoảng 3 phần)[34] vì thế số lượng Kangyur rất lớn và cũng không thống nhất giữa các tông môn hay tùng lâm. Thí dụ phần Kangyur ở chùa Narthang có 98 tập kinh mà tùng lâm khác gần đó có tới 120 tập. Theo thống kê hiện đại thì có đến 12 sưu tập Kangyur theo địa danh như Narthang, Lhasa, Derge, Cone, Peking, Urga, Phudrak, Stog. Sử gia Bu-ston (1290–1364) là người quan trọng trong việc biên tập tạng này.
TANGYUR
Tangyur hay “ngữ dịch” tức là “luận dịch” thì nguyên lai để gọi tạng Abhidharma (luận tạng) như các tông môn khác. Nhưng Tangyru cũng gồm những “luận” (śāstra) như Hán Tạng, nên Tangyur ngoài A Tỳ Đạt Ma và các luận về A Tỳ Đạt Ma còn có nhiều luận (śāstra) của các đại sư Ấn Độ và của các Lạt ma Tây Tạng. Cho nên số lượng tạng Tangyur lên đến con số là 3,626 sớ giải chứa đầy 224 quyển
TANTRA TẠNG
Đến đây ta tạm thời có thể hiểu Kangyur tương đương với Kinh Tạng và Tangyur tương đương với Luận Tạng của Phật giáo Đại thừa Trung Hoa. Tuy nhiên hai tạng này chưa hoàn toàn đại diện cho kinh tạng Phật giáo Tây Tạng. Phần riêng biệt độc đáo của Phật giáo Tây Tạng là phần kinh điển gọi là Tantra. “Tantra” theo nghĩa cụ thể là những văn kiện ghi những phép tu luyện bí mật và các bài chú giải về các phép tu luyện của Kim Cương thừa – gồm cả các tantra về tính dục, y học, thiên văn v.v.[35] Theo nghĩa từ nguyên thì tantra có thể gồm hai tự “tan” có nghĩa là “chi tiết hóa” và “tra” có nghĩa là “bảo vệ”, vậy tantra có thể có nghĩa nguyên thủy là luật tắc (rule), kinh văn (scripture), đạo luận (religious treatise) dùng để hướng đạo và bảo vệ người tu học. Học giả Tây Phương, vốn thích sáng tỏ và phân minh mọi việc, nhưng cuối cùng cũng không có cách dịch nào tốt nhất nên cuối cùng cũng dành phải dùng lại nguyên chữ tantra. Hán văn dịch âm “tantra” là “đát đặc la” (怛特羅) và đôi khi dịch nghĩa là “nghi quỹ” (儀軌).
Vì sự hiện diện của “tantra tạng” mà trong một nghĩa nhất định, Phật giáo Tây Tạng cũng còn có thể coi là “Kim Cang Thừa” (金剛乘, vajrayāna) hay “Mật Tông” vì các pháp môn thường mang hình tướng “bí mật” để phân biệt với các tông môn khác gọi là “hiển” trong khẩu ngữ bình dân phân biệt “hiển –mật”. Về lịch sử chúng ta từng thấy Vô Trước (asaṅga thế kỷ IV) đã trước tác những luận có nói về cơ bản giáo lý Mật giáo, Huyền Trang (602-664) cũng từng dịch Du Già Sư Địa (yogācāna-brumi-śāstra) từ năm 647 làm cơ bản cho việc sau này của Kim Cương Trí, Bất Không Kim Cương chính thức mang Mật tông đến Trung Hoa năm 702. Cho nên so với Trung Hoa, dù Mật tông Ấn Độ đến Tây Tạng muộn hơn, nhưng có lẽ vì thích hợp với tín ngưỡng đạo BÖN bản địa, nên Mật tông phát triển rất nhanh trong lòng Phật giáo Tây Tạng. Trong sinh hoạt hình tướng nhiều khi người ta chỉ thấy các nghi quĩ Mật tông “độc chiếm” khán đài, rất dễ cho người quan sát khó hiểu về Phật giáo Tây Tạng.[36]
Kim Cương Thừa thường giảng rằng đây là giáo pháp do Bồ tát Phổ Hiền (Samantabhadra) sáng lập và là một tông môn Đại Thừa. Nhưng lịch sử và văn bản các tantra cho thấy Kim Cương thừa có nguồn gốc là Mật Tông Ấn Độ, với nhiều tantra có nguồn gốc trực tiếp từ tantra thuộc hệ Thấp-bà (śaiva) của tín ngưỡng thờ phụng thần śiva của Bà La Môn giáo, được tiếp thu và thay đổi cho phù hợp với Phật giáo. Tóm lại Kim Cương thừa có một truyền thừa từ lâu đời trước khi trở thành một tông môn của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ[37] vào khoảng thế kỷ thứ bẩy Dương lịch sau khi mượn dùng rất nhiều lý thuyết và phương tiện ngôn ngữ của Phật giáo.
Có một sự kiện lịch sử mà rất tiếc cho đến nay các học giả vẫn chưa nghiên cứu rõ là sau 17 lần quân Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ truy diệt Phật giáo (với sự tiếp tay của Bà La Môn giáo), Phật giáo trong thời gian cuối cùng này là tự nguyện thu vào Bà La môn giáo (cho nên Bà La Môn giáo đã tiếp thu được rất nhiều tư tưởng Phật giáo) hoặc phải trú ẩn trong Mật tông – Mật tông sống sót trong thời gian này vì tổ chức đơn giản (nên chữ Hán có từ gọi là Dị Hành Thừa) và sự gắn bó giữa sư thừa và đệ tử - Nhưng cuối cùng thì Phật giáo và cả Mật Tông Phật giáo cũng bị truy lung và tận diệt, theo sử thì chỉ còn 70 tu sĩ cuối cùng phải lánh nạn qua Nepal và Tây Tạng. Kết quả của sự kiện lịch sử này là ảnh hưởng của Mật tông trong Phật giáo ở Tây Tạng càng thêm đậm nét.
Mật tông tại Trung Hoa từng được các đại sư Trung Hoa giới thiệu trước cả khi ba đại sư Mật Tông chính thức đến Trung Hoa, như Huyền Trang đã dịch Du Già Sư Địa (yogācāna-brumi-śāstra) từ năm 647, nhưng dù sao lịch sử Phật giáo Trung Hoa ghi nhận rằng Mật tông là do Tam Đại Tổ Sư Mật Tông Trung Hoa là Thiện Vô Úy (subhākārasimba 637-735), Kim Cương Trí (vajrabodhi 663-723) và Bất Không Kim Cương (amoghavajra 705-744) truyền bá đến Trung Hoa vào khoảng năm 702 thời nhà Đường - Bất Không được coi là một trong 4 đại dịch giả kinh Phật ngang hành với Chân Đế, La Thập, Huyền Trang vì sư đã dịch rất nhiều kinh điển Mật tông ra Hán văn - Nhưng có lẽ vì mật truyền nên Mật tông sau đó không có truyền thừa ở Trung Hoa mà chỉ phát triển qua Nhật Bản[38] còn khi đến Tây Tạng thì nở hoa kết trái.
Mật tông truyền đến Tây Tạng sau Trung Hoa cả trăm năm, nhưng có lẽ thích hợp với con người và văn hóa đạo BÖN bản địa (một tín ngưỡng ma thuật) nên Mật tông cực kỳ phát triển, hòa hợp rất nhanh và trên bình diện hình tướng và phổ biến trong quần chúng và còn khuynh loát cả Phật giáo Tây Tạng của Trung Quán Du Già Hành Tông (Yogācāra -Madhyamita).[39] Và từ đó Phật giáo Tây Tạng chấp nhận có một Tam Tạng Kinh Điển rất phong phú vì ngoài Tam Tạng Kinh Điển như các tông môn Đại Thừa, họ còn có thêm Tạng Mật tông Kim Cang thừa (chủ yếu là các tantra) - Theo lý thuyết của Mật Tông thì các bộ kinh đầu tiên là lời của đức Phật lịch sử (Phật Thích Ca Mâu Ni) thuyết giảng dưới dạng Hóa thân (nirmāṇakāya), các bộ kinh thuộc hệ Nhất Thừa được Phật thuyết dưới dạng Báo thân (sambhogakāya), và kinh văn của Mật giáo Kim Cang Thừa được truyền dưới dạng Pháp thân (dharmakāya),[40] và tự coi là cao siêu nhất.
Tóm lại, khi Kim Cương thừa xuất hiện và phát triển thì kinh Phật Tây Tạng ngoài ba loại kinh văn truyền thống Kinh, Luật và Luận, còn chứa đựng các bộ phận kinh điển Tantra gồm khoảng 500 tantra và 2000 sớ luận liên hệ, ghi những phép tu luyện bí mật và các bài chú giải về các phép tu luyện này. Cho nên theo hiện thực mà nói thì tạng Tantra mới là điểm đặc thù của Phật giáo Tây Tạng. Theo đó thì có tới 4 loại tantra như sau: 1- Tác tantra, 2- Hành tantra, 3- Du già tantra và 4- Vô thượng Du già tantra. Trong thực tế quan sát[41] thì dường như hành trì kriyā Tantra mới là sinh hoạt chính của Phật giáo Tây Tạng, vì chỉ có một thiểu số rất nhỏ Lạt ma lớn mới thức ngộ và tu hành theo Vô thượng Du già tantra.[42]
1- Tác tantra (kriyā-tantra): Đây là loại tantra chiếm phần lớn kinh văn tantra nhưng ít quan trọng và xuất hiện sớm nhất trong lịch trình tiến triển của tạng tantra. Tác tantra xuất hiện lần đầu vào khoảng thế kỷ thứ ba Dương lịch. Gọi là “tác” (kriyā) vì tantra này chú ý đến phép tu luyện thông qua hành động nghi lễ như đốt lửa (goma)[43], đánh trống, thổi kèn, bắt ấn. Đây là dạng hình tướng bình dân của giáo lý Mật tông và đang được truyền bá ở Việt
2- Hành tantra (caryā-tantra): Loại tantra này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ sáu. Chỉ có rất ít kinh văn thuộc loại tantra này. Nội dung các tantra hoàn toàn hướng đến việc tôn xưng Phật Đại Nhật như kinh mahāvairocanābhisambodhi-tantra (Đại Tì-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh 大毘盧遮那成佛神變加持經) rất phổ biến trong Chân Ngôn Tông Nhật Bản.
3- Du-già tantra (yoga-tantra): Đây là các tantra chỉ cách tu luyện hướng đến Phật Đại Nhật. Kinh điển căn bản là sarva-tathāgatatattva-saṃgraha-tantra (Nhất thiết Như Lai chân thật nhiếp tantra) và sarva-durgatipariśodhana-tantra (Nhất thiết nghiệp chướng thanh tịnh tantra)
4- Vô thượng du-già tantra (anuttara-yoga-tantra): Đây là loại tantra cao nhất và xuất hiện rất muộn từ thế kỷ thứ chín. Có lẽ vì lý do này nên các đại sư Mật tông đến Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ bẩy chưa kịp phổ biến. Vì vậy Mật tông Trung Hoa và Chân Ngôn tông Nhật Bản không có loại tantra này. Loại vô thượng du già tantra, như tên gọi, tập trung vào sự chuyển hóa tâm thức mà ít lưu ý đến các nghi lễ và nghi quỹ hình tướng như ba loại tantra trước. Quan điểm của Traleg Kyabgon Rinpoche,[45] và cũng là của đại đa số các đạo sư Tây Tạng hiện đang truyền bá Phật giáo Tây Tạng ở Tây Phương, là “khi thảo luận về Mật tông chúng ta chỉ nên thảo luận về dạng vô thượng du già tantra này hơn là các loại tantra hình tướng lễ bái cho quần chúng”. Có thể chia loại Vô thượng Du già tantra này vào hai nhóm gọi là upāya-tantra (phương tiện tantra) hay yoga-tantra (phụ tantra) và yoginī-tantra (mẫu tantra). Đây là loại tantra nhắm vào việc thể hiện Phật A Súc và nữ tử Mamaki như bộ “Bí Mật Tập Hội Tantra” (guhyasamāja-tantra). Đặc biệt của các tantra này là sự xuất hiện và vai trò quan trọng của các Phật nữ. Các tantra quan trọng như saṃvara-tantra (Nhiếp Đát tantra), hevajra-tantra (Hô Kim Cương tantra), và kālaca-kra-tantra (Thời Luân tantra) hay advaya-tantra (Bất Nhị tantra) chỉ xuất hiện từ thế kỷ XI trước khi Mật tông kim cang thừa bị Hồi giáo tận giệt ở Ấn Độ.
Các kinh điển khác của Kim cương thừa.
Ngoài tantra, Mật tông Kim Cang thừa Tây Tạng lại có rất nhiều các bài ca đạo của 84 “đại thành tựu giả” (mahā-siddha) của Mật tông Ấn Độ và các Lạt ma của Tây Tạng như Milarepa – các bài ca đạo là thể thơ giống như thơ kệ của các ông đạo ở miền Nam Việt Nam hay các thơ thiền của thiền gia Trung Hoa – Ngoài ra Phật giáo Tây Tạng còn có loại “Tàng Lục” (藏錄, གཏེར་མ་) là những văn bản sáng tác của các tổ sư Tây Tạng được chôn giấu để người đời sau tìm thấy trong một thời điểm cần thiết. Một Tàng lục nổi tiếng nhất là bộ “Tử Thư” (བར་དོ་ཐོས་གྲོལ་) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có bản Việt văn.
KẾT LUẬN VỀ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Như thế, hoàn toàn khác với Phật điển Hán ngữ và Phật điển Pāli, Phật điển Tây Tạng ngoài các kinh tạng Phật giáo được dịch ra từ Phật giáo Ấn Độ (bằng ngôn ngữ Sanskrit, Hán văn hay các ngôn ngữ khác) còn có cả một kho kinh luận hoàn toàn khác biệt với truyền thống Phật giáo truyền thống là “Tantra Tạng”. Với lý thuyết “Tam Thân” (trikaya) của Phật giáo Đại thừa mà Mật tông giải thích thì đức Phật lịch sử Thích Ca chỉ là một trong muôn ngàn hóa thân (nirmāṇakāya) hay báo thân (sambhogakāya) của một đức Phật duy nhất. Còn kinh văn của Mật giáo được truyền dưới dạng Pháp Thân (dharmakāya) nên được coi là cao siêu nhất. Cho nên theo quan điểm tự đề ra như thế thì không có gì để tranh biện về kinh Phật của Phật giáo Tây Tạng. Vấn đề duy nhất chỉ là Đức Tin trong thực tế hành trì. Có chi phái Phật giáo Tây Tạng còn phát triển Tam Qui đến Tứ Qui (ngoài tam bảo Phật Pháp Tăng thì tứ bảo thứ tư là vị thầy bổn sư của tín đồ) và sự qui thuận với pháp môn và bổn sư là đức tin tuyệt đối.
Cho đến thời hiện đại, khi Phât giáo Tây Tạng phát triển ở Tây Phương thì chúng ta đã thấy Phật giáo Tây Tạng lại một lần nữa chuyển mình. Phật giáo Tây Tạng, ít ra là Phật giáo Tây Tạng do Đức Đại Lai Lạt Ma XIV truyền bá ở ngoài Tây Tạng, lại có khuynh hướng chuyển trở lại Phật giáo cổ truyền của truyền thống Trung Quán và Du Già Hành Tông (Yogācāra -Mādhyamita) Ấn Độ như Long Thọ (tổ sư Trung Quán); Vô Trước (tổ sư Du Già Hành Tông) và mười bẩy “Đại Thánh Giả” (Great Panditas) đều là các đại sư Phật giáo Đại thừa: Vasubandhu (Thế Thân 316-396); Bhāviveka (Thanh Biện 490-570); Buddhapālita (Phật Hộ); Chandrakīrti (Nguyệt Xứng 600-650); Shantideva, Tịch Thiên (thế kỷ VIII): Dharmakirti (Pháp Xứng 600-650). Hiện nay các luận của các đại sư Ấn Độ đã đưa Phật giáo Trung Quán vào Tây Tạng như Tịch Hộ (Śāntarakṣita, 725-788), Liên Hoa Giới (Kamalaśīla), Liên Hoa Sinh (Padma-sambhava) và A Đề Bà (Atiśa) đều được long trọng dịch ra Anh ngữ và các ngôn ngữ Âu châu để phổ biến rộng rãi khắp thế giới.
Trong khi đó chính Đại Lai Lạt Ma cũng xét lại việc thờ cúng các “tà thần” của truyền thống chịu ảnh hưởng của đạo BÖN thần bí bản địa và can đảm xét xử các vụ tai tiếng về tình dục của một số lạt ma còn tiếp tục hành trì các nghi quỹ này.[46] Phật giáo Tây Tạng đang phát triển và sự nghiên cứu của Tây Phương về Phật giáo Tây Tạng cũng tập trung về Long Thọ và 17 Đại Thánh Giả này, chứ không phải về một Phật giáo Tây Tạng bí mật huyền bí với các hình thức nghi lễ nghi quỹ như chúng ta đã thấy ở một số nơi vẫn còn chìm ngập trong đức tin về hình tướng và huyền bí.[47]
[1] Tên đầy đủ là Đại Tì-lô-giá-na thành Phật thần biến gia trì kinh (大毗盧遮那成佛神變加持經, mahā-vairocanābhi-sambodhi-tantra),
[2] Danh từ “Phật giáo Mật tông” (Tantric Buddhism) tôi dùng rất rộng, bao trùm cả Mật tông Trung Hoa, Phật giáo Tây Tạng và Chân Ngôn Tông Nhật Bản.
[3] Sūtra trong từ nguyên Sanskrit còn có liên quan đến sūci nghĩa là “kim khâu” và sūnā có nghĩa là “dệt may” theo Monier Williams, Sanskrit English Dictionary, Oxford University Press, tr. 124
[4] Winternitz M. A History of Indian Literature, Volume 1, Motilal Banarsidass, 2010, tr. 249
[5] Muller, Max. History of Ancient Sanskrit Literature,
[6] Ở đây tôi dùng chữ rất mở, có nghĩa là tạm thời gọi chung Phật giáo Tây Tạng là Phật giáo Kim Cang thừa hay Mật tông Tây Tạng. Trong nội dung phần này thì tôi có nói rõ sự phân biệt giữa ba khái niệm này.
[7] Theo đức tin truyền thống thì các kinh này đã được viết xuống vào năm 29 trước Dương Lịch, trong kỳ Kết tập thứ tư (khoảng 454 sau năm Đức Phật nhập Niết Bàn). Mặc dù theo chứng cớ khảo cổ thì văn tự kinh bản Pāli chỉ tìm thấy sớm nhất là vào thế kỷ thứ năm ở bang Pyu của Miến Điện.
[8] Trong kỳ Kết tập thứ sáu năm 1954 ở Rangoon Miến Điện, để chứng tỏ sự chính xác của truyền thống truyền khẩu, có nhà sư Miến Điện tên là Vicittasara đã đọc thuộc lòng toàn bộ kinh Pāli (ông thuộc cả những con số khó đọc khó nhớ). Xem Mendelson, E. Michael. Sangha and State in
[9] Bất Không Kim Cương là người Tích Lan, học đạo với Kim Cương Trí ở đảo Java (
[10] Tứ Phần Luật có nguồn gốc tử Pháp Tạng Bộ (dharmaguptaka) với giới luật nghiêm khắc, 250 giới cho tăng và 348 cho ni giới là bắt đầu từ đây. Đây cũng là một mỏ vàng cho những người muốn nghiên cứu hay viết một luận án chỉnh chu về so sánh các Luật Tạng trong Phật học.
[12] Idid.
[13] Gombrich, Richard F. Theravāda Buddhism.London: Routledge 2006, tr. 153. Theo nghiên cứu này thì sau kỳ kết tập thứ hai Phật giáo bị chia làm hai nhánh lớn là Trưởng Lão Bộ (Sthaviravāda) và Đại Chúng Bộ (mahāsānghika). Đến thời kỳ 18 Bộ Phái sau đó, Trưởng Lão Bộ phân thành Tuyết Sơn Bộ và Độc Tử Bộ. Trưởng Lão Bộ lại tiếp tục phát triển và phát sinh ra Phân Tích Bộ (vibhajyavāda) và Nhất Thiết Hữu Bộ (sarvāstivāda) rồi Đồng Diệp Bộ (Tamrasatiya). Đồng Diệp bộ ra đến đảo Tích Lan thống nhất hai chi phái khác và tự gọi là Trưởng Lão Bộ Sthaviravāda (Pāli là Theravāda).
[14] Như trên, tr. 20
[15] Harvey, Peter. The Selfless Mind.
[16] Warder, Anthony Kennedy. Indian Buddhism (3rd ed.)
[17] De Jong, J.W. "The Beginnings of Buddhism", The Eastern Buddhist, 26 (2) 1993, tr.25
[18] Wynne, Alex. "The Oral Transmission of Early Buddhist Literature”. Journal of the International Association of Buddhist Studies. Volume 27. No. 1, 2004.
[19] An Thế Cao có nghĩa là “Thế Cao người An Tức”. Ngài là một vương tử nước An Tức (Parthie) xuất gia và trở nên một đại sư bác học có chí nguyện qua Đông thổ truyền đạo, cho nên ngài đến Trung Hoa vào khoảng năm 148 và sống hơn 20 năm ở đây. Ngài đã dịch gần trăm bộ kinh ra Hán văn. Hiện trong Đại Chính Tạng còn đến 54 bộ (59 quyển) mang tên ngài. Trên ý nghĩa về Thiền học nguyên thủy thì An Thế Cao là tổ sư Thiền của Trung Hoa. Chi Lâu Ca Sấm là Lâu Ca Sấm (Lokaraksa) người Nguyệt Chi (Scythian) là nhân vật trung tâm khi nghiên cứu về giai đoạn sơ khởi của Đại Thừa.
[20] Conze, E. Perfect Wisdom: The Short Prajnaparamita Texts, Buddhist Publishing Group, 1993.
[21] Tự Tính là định tính (tính duy trì nguyên trạng - trái ngược với lý Vô Thường của Phật giáo) và tự do độc lập với các nhân duyên (trái ngược với lý Duyên Khởi của Phật giáo).
[22] Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã (vajrachedikā) và Bát Nhã Tâm Kinh (Hrdaya) là kinh mở đầu và đúc kết của Tùng Thư Long Thọ và Tính Không đã được xuất bản qua nhà xuất bản Hồng Đức với các đề tựa Trí Tuệ Giải Thoát: Dịch Giảng Kinh Kim Cương và Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng,
[23] Tám bộ kinh Bát Nhã còn nguyên bản chữ Phạm là: 1. Triśatikā Prajñāpāramitā: 300 kệ, (được biết dưới tên quen thuộc là Kinh Kim Cương Năng Đoạn Vajracchedikā Prajñāpāramitā), 2. Pañcaśatikā Prajñāpāramitā: 500 kệ. 3. Saptaśatikā Prajñāpāramitā: 700 kệ. 4. Sārdhadvisāhasrikā Prajñāpāramitā: 2500 kệ. 5. Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā: 8000 kệ. 6. Aṣṭadaśasāhasrikā Prajñāpāramitā: 18,000 kệ. 7. Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā: 25,000 kệ. 8. Śatasāhasrikā Prajñāpāramitā: 100,000 kệ.
[24] Trước Đại thừa và Kim Cang thừa, kinh Nguyên Thủy cũng có nói đến “Pháp Thân” (Dhammakayo), xem Digha-nikaya (D)/ Trường A-hàm (T): “Này Bà-tất–đà! Vì danh hiệu Như Lai cũng còn được gọi là Pháp Thân là Phạm thân, là Pháp thành là Phạm Thành (Tathagatassa hetam Veretha adhivacanam Dhammakayo iti pi Brahmakayo iti pi Dhammabhuto iti pi Brahmabhuto piti) D.III tr.68, T.6. tr. 794
[25] Theo Hoa Nghiêm tông thì Lô-xá-na (Rocana) tức Tỳ-lô-giá-na (Vairocana) là Phật Đại Nhật chỉ Pháp Thân Phật (dharma-kāya). Theo Thiên Thai tông thì Tỳ-lô giá-na (Varocana) chỉ Pháp thân Phật (dharma-kāya), Lô-xá-na chỉ Báo thân Phật (sambhoga-kāya), Thích Ca chỉ Hóa thân Phật (nirmana-kāya).
[26] Hiện nay chúng ta còn giữ được nhiều Luật Tạng của nhiều bộ phái. Nghiên cứu các Luật Tạng này người ta thấy ngoài những chi tiết dị biệt nhỏ mà không có gì khác biệt lớn. Đây là điểm son lớn của tập thể Phật giáo, để thấy cho thấy rằng trên căn bản giáo pháp của Đức Phật vẫn là một, dù rằng vì thời gian, không gian và hoàn cảnh văn hóa Phật giáo đã biến động thành nhiều tông môn.
[27] Ngoài các sách phổ thông Việt ngữ hiện nay chưa có các sách kinh viện về Phật giáo Tây Tạng, độc giả có thể tạm xem Vũ Thế Ngọc, Nguyệt Xứng: Nhập Trung Quán, nxb Hồng Đức, 2017
[28] “Tả Đạo” là danh từ cả Lữ Trừng và Thánh Nghiêm đều dùng trong các sách của họ viết về Phật giáo Trung Hoa. Một trong những lý do khiến trí thức Trung Hoa và cả Trí thức Tây phương không hiểu Phật giáo Tây Tạng vì họ coi nhẹ về sức mạnh và vai trò của truyền thống đạo BÖN bản địa. Chỉ vắn tắt hai sự kiện nổi bật mà họ thường bỏ qua: Thứ nhất, đã hai lần đạo BÖN đã là nguyên nhân chính trong sự đánh bật Phật giáo khỏi Tây Tạng. Thứ hai, khi Tịch Hộ đến Tây Tạng lần thứ hai, với sự trợ giúp của Liên Hoa Sinh của Mật tông Ấn Độ, khi chiến thắng vu thuật đạo BÖN lại tiếp tục sử dụng vu thuật đạo BÖN làm cơ sở hậu thuẫn để Mật tông Ấn Độ phát triển ở Tây Tạng. Đó là lý do tôi khó có thể dùng danh từ nào để sắp loại Phật giáo Tây Tạng: Đại thừa? Mật tông? Tantra thừa? Nên cuối cùng tôi thường trốn trong danh xưng “Phật giáo Tây Tạng”
[29] Lẽ dĩ nhiên đa phần tu sĩ Phật giáo ở Tây Tạng cũng như ở nhiều quốc gia khác không phải ai cũng được huấn luyện đến nơi đến chốn. Ở Trung Hoa nhiều tu sĩ “bình thường” có thể trở thành trụ trì hay vai vế lãnh đạo nhưng ở Tây Tạng các Lạt Ma nắm giữ vai trò lãnh đạo đều phát xuất từ giai cấp gia đình.
[30] Xem phần viết về bộ kinh Bát Nhã trong hai luận Trí Tuệ Giải Thoát: Dịch Giảng Kinh Kim Cương, Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng của Vũ Thế Ngọc.
[31] Học giả Tây Phương hiện đang có những học giả hàng đầu thế giới về “Tây Tạng Học” nhưng theo ý kiến cá nhân tôi chưa có vị nào thâm nhập được vào thế giới tantra của Kim Cang thừa Tây Tạng – Dù đang có nhiều sách và nghiên cứu đã xuất bản viết về lãnh vực này.
[32] Vũ Thế Ngọc, Long Thọ Hồi Tránh Luận, nxb Hồng Đức, 2017
[33] Năm 2008 nhà nước Bắc Kinh cho xuất bản 中华大藏经 (Zhonghua da zang jing) “Trung Hoa Đại Tạng Kinh” thì sắp kinh luận Tây Tạng vào mục “Tạng Văn” 藏文
[34] Theo học giả cận đại là R.A. Stein thì “Tạng Kangyur có tới hằng trăm bộ sách, cộng với hai trăm năm mươi bộ của tạng Tenyur và những kinh luận khác thì số kinh luận của hai tạng này lên đến 4569 bộ” Tibetan Civilization (1962). Dịch bởi J. E. Stapleton Driver , nxb: Stanford University Press,
[35] Chính vì các tantra tính dục này là một trong những lý do mà Phật học giới Trung Hoa từ Lữ Thuận cho đến Thánh Nghiêm (chỉ tạm nêu tên hai vị Phật học lớn cận đại của Trung Hoa) đã lên án “Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng”
[36] Sự thực trong sinh hoạt của Phật giáo Á Đông cũng không khác, nếu chỉ nhìn Phật giáo qua các hình tướng truyền thống cúng sao giải hạn, thờ Mẫu, oan gia trái chủ, Vu Lan phá ngục, thờ vong v.v.
[37] “Đại thừa” (mahayāna) trở nên một danh xưng chung của tất cả các khuynh hướng Phật giáo không truyền thống (untraditional).
[38] Nhật Bản gọi là Shingon-shū 眞言宗 (tantrayāna, Chân Ngôn Tông).
[39] Trong văn hóa Trung Hoa chúng ta đã thấy có rất nhiều thiên kiến về Mật tông Kim Cương Thừa và Phật giáo Tây Tạng. Thí dụ như Lữ Trừng (1896-1989) một học giả Phật học danh tiếng của Trung Hoa, viện trưởng viện Phật Học Viện Cao Đẳng Đệ Nhất Trung Quốc cũng kết luận về Mật giáo Kim Cương Thừa trong sách Ấn Độ Phật Học Nguyên Lưu của ông như sau “Mật giáo bắt đầu từ thế kỷ VII-VIII tính chất của nó dần dần giống với Ấn Độ giáo, càng ngày càng xa rời diện mạo Phật giáo, mọi người gọi nó là Tả Đạo. Về sau, càng phát triển càng không còn thuần nhất, đặc biệt là chủ trương của Du-già về tính dục, nên mọi người gọi nó là “Tả Đạo Du Già”. Nhưng họ cũng giảng giáo lý Bát Nhã, Khổ, Không v.v. và để phân biệt với Đại Thừa Tiểu Thừa, lại tự gọi là Kim Cương Thừa.” Theo bản dịch của Thích Phước Sơn, nxb Phương Đông 2011, tr. 387. Nhận định của Lữ Trừng không sai nhưng không toàn diện, vì dầu Mật tông Kim Cương thừa tự coi kinh điển của họ nằm ngoài kinh điển truyền thống (tức là không do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng) thì họ vẫn chấp nhận Đức Phật và kinh điển của ngài (dù theo họ là không cao siêu bằng Mật tông). Một cách chủ quan tôi chỉ thấy vài luận như Nguyệt Xứng Nhập Trung Quán (nxb Hồng Đức 2018) là có giảng giải về Phật giáo Tây Tạng một cách toàn diện dựa trên giáo lý Tông Khách Ba mà không bị ảnh hưởng của quan điểm Trung Hoa coi “Phật giáo Tây Tạng là Tả Đạo”. Một vài tác giả (có lẽ bị ảnh hưởng Lữ Trừng, Thánh Nghiêm vốn rất nhậy cảm về các lối tu tantra tính dục và ăn thịt uống rượu của Mật tông) cũng giải thích hiện tượng các ni người Việt đang tu Mật tông là giải tỏa dồn nén tính dục.
[40] Xem lý thuyết về “tam thân” trong Vũ Thế Ngọc. Trí Tuệ Giải Thoát: Giảng Giải Kinh Kim Cương, nxb Thời Đại, 2012, tr.118-129
[41] Cá nhân tôi có may mắn đến tận Tây Tạng quan sát, nhưng xin nhớ “quan sát” (cỡi ngựa xem hoa mà thôi). Độc giả cần biết chi tiết có thể xem sách rất dễ đọc của Dalai Lama XIV, The World of Tibet Budhism, Wisdom Publishing, 1995 hoặc đầy đủ hơn Speak of Gold: Reason and Enlightenment in Tibetant Buddhism vốn nguyên tác là Lamrin Chenmo (Bồ Đề Thứ Đệ) của Tông Khách Ba (1357-1419) do Robert Thurman dịch và giới thiệu, Motilal Banarsidass in lại 1989.
[42] Sự thật đây cũng là lẽ phổ thông thường tình với hầu hết các tông môn Phật giáo. Phần tinh túy của các tông môn luôn luôn chỉ có một thiểu số tinh hoa tu hành. Một vài nhà sư Phật giáo Đại thừa có thành kiến với lối hành trì đốt lửa thổi kèn của Phật giáo Tây Tạng xin hãy nhìn lại những nghi thức thủy lục pháp hội, cúng sao giải nạn, thỉnh vong giải kết tại nhiều chùa Đại thừa.
[43] Goma Hán dịch là “hộ ma” (護摩) có nghĩa là đốt lửa. Trong một lễ đàn người ta đem mọi thứ đốt trong lửa để cúng dường chư Phật và cầu nguyện, trang nghiệm đàn tràng, hiến cúng tịnh thủy vào miệng Phật, dâng hoa và lấy thức ăn ra ăn, rồi sau mới cầu nguyện Bổn Tôn (xem nghi thức Nhập Ngã Ngã Nhập Quán trongVũ Thế Ngọc, Nguyệt Xứng: Nhập Trung Quán Luận)
[44] Đây là kết quả của cuộc quan sát thực địa của cá nhân tôi, Traleg Kyabgon Ripoche (tác giả the Influence of Yogacara on Mahamudra) và Geshe J.J. Lai (Tùng Thư Long Thọ).
[45] Traleg Kyabgon Rinpoche, thân hữu của Tùng Thư Long Thọ và Tính Không, là người cực lực phản đối truyền thống coi các nghi quỹ hình tướng tantra (kriyā và caryā tantra) là cơ bản của Phật giáo Tây Tạng. Sư là tác giả nhiều đầu sách về Phật giáo Tây Tạng
[46] Xem Vũ Thế Ngọc, Nguyệt Xứng Nhập Trung Quán Luận, nxb Hồng Đức 2018.
[47] Đây chính là lý do Phật giáo thường nói về thời “mạt pháp” dù giữa lúc nhiều lễ hội thường vẫn qui tụ đông đảo tín đồ, các thiện tri thức hiểu rằng nghi lễ hành trì hình tướng đều là những gì cần thiết cho nhu cầu quần chúng, nhưng bỏ rơi tu học trí tuệ mới là những gì người quan tâm khi nói về “mạt pháp”.