“A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn vô lượng, Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. A-nan, bốn vô lượng này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn vô lượng này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”
Cũng theo Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ và Đại Trí Độ luận 20 giải thích thuyết A-tỳ-đàm về Bốn vô lượng như sau: Một, duyên vào vô lượng chúng sanh, tư duy khiến cho họ được pháp vui mà nhập “Từ đẳng chí” gọi là Từ vô lượng. Hai, duyên vào vô lượng chúng sanh, tư duy khiến cho họ lìa pháp khổ, mà nhập “Bi đẳng chí” gọi là Bi vô lượng. Ba, tư duy vô lượng chúng sanh thường lìa khổ được vui; thâm cảm vui thích ở trong tâm, mà nhập vào “Hỷ đẳng chí”, gọi là Hỷ vô lượng. Bốn, tư duy vô lượng chúng sanh tất cả đều bình đẳng, không có bất cứ sai biệt giữa oán và thân, mà nhập vào “Xả vô lượng”, gọi là Xả vô lượng.
Theo Câu Xá luận 29 thì, từ vô lương có ba nghĩa: Một, lấy chúng sanh vô lượng làm chỗ duyên cho bốn tâm này. Hai, bốn tâm này có khả năng dẫn đến phước vô lượng. Ba, bốn tâm này có khả năng chiêu cảm quả báo vô lượng và, cũng theo Câu Xá luận 29 thuyết minh thì bốn vô lượng này dùng để đối trị bốn chướng: Dùng từ vô lượng đối trị sân, dùng bi vô lượng đối trị với hại, dùng hỷ vô lượng đối trị không an vui, dùng xả vô lượng đối trị tham sân dục giới. Đại thừa thì gọi là Bốn tâm vô lượng (Skt: catur-apramāṇavihāra; Pāli: catur-appamañña-vihāra), có nơi còn gọi là Tứ đẳng tâm, Tứ đẳng, Tứ tâm.
Bốn Phạm trú, hay Bốn vô lượng là:
Từ
vô lượng (Skt: maitrī-apramāṇa, Pāli: metta appamaññā).
Bi
vô lượng (Skt: karuṇāpramāṇa. Pāli: karuṇā appamaññā).
Hỳ
vô lượng (Skt: muditāpramāṇa, Pāli: muditā appamaññā).
Xả
vô lượng (Skt: upeksāpramāṇa, Pāli: upekkhā appamaññā).
Bốn phạm trù này dùng để đối trị bốn thứ phiền não đó là tham muốn, sân hận, đố kỵ, buồn lo trong lúc tu tập thiền định và, cũng từ thiền định này tạo điều kiện làm duyên cho bốn tâm thức cao thượng rộng lớn vô lượng phát sinh đối với vô lượng chúng sanh. Theo các nhà Đai thừa thì Bốn phạm trú của Tiểu thừa cũng được gọi là hạnh Ba-la-mật (pāramitā). Đó là tâm thức của chư Phật và Bồ Tát muốn cứu độ chúng sinh trong việc ban vui cứu khổ. Vì tính đặc thù vô lượng (Skt: apramāṇa;Pāli: appamaññā), nên bốn phạm trù này thường được sừ dụng trong việc thực hành Bồ-tát đạo ban vui cứu khổ là chính.