VUA MILINDA VẤN ĐẠO
Một bản thâu gọn quyển "Milinda Panha"
Bản Anh ngữ: Tỳ Kheo Pesala - Bản Việt ngữ: Cư sĩ Liễu Pháp
1. “Bạch Đại Đức, ngài và các bậc thầy của ngài đã từng thấy Đức Phật không?”
“Thưa Đức Vua, không.”
“Vậy thì, bạch ngài Nāgasena, không có Đức Phật!”
“Nhưng Đức Vua và Vua Cha đã từng thấy sông Ūha trong Hi Mã lạp Sơn chưa?”
“Bạch Đại Đức, chưa thấy.”
“Vậy thì vì chưa thấy mà nói không có sông Ūha, nói thế có đúng chăng?” (*E 5.1)
“Bạch ngài Nāgasena, ngài quả thật tài tình trong việc đối đáp.”
2. “Phải chăng Đức Phật không có gì so sánh được?”
“Đúng vậy.”
“Nhưng làm thế nào ngài biết được nếu ngài chưa bao giờ thấy Đức Phật?”
“Giống như những ai chưa bao giờ thấy đại dương có thể biết được đại dương vĩ đại như thế nào vì năm dòng sông lớn chảy vào đại dương mà mức nước đại dương vẫn không dâng lên; cũng như vậy, bần tăng biết không gì so sánh được với Đức Phật khi nghĩ đến các vị thầy cao cả mình đã biết mà họ chỉ là đệ tử của Đức Phật.”
3. “Phải chăng những người khác có thể biết không gì so sánh được với Đức Phật?”
“Đương nhiên họ có thể biết được.”
“Bằng cách gì mà họ biết được?”
“Thuở xưa lâu lắm, có bậc thầy viết lách tên là Tissa Thera; bằng cách gì mà người ta biết về ông ta?” (*E 5.3)
“Bằng công trình viết lách của ông ta.”
“Thì cũng như vậy, thưa Đức Vua, người nào thấy giáo pháp mà Đức Phật đã giảng dạy thì có thể biết Ngài là bậc tối thắng, không có gì so sánh được với Ngài.”
4. “Bạch ngài Nāgasena, ngài đã đạt được chân đế chưa?”
“Thưa Đức Vua, chúng tôi là đệ tử của Đức Phật, phải tuân theo những giới luật Đức Phật đã dạy.” (*E 5.4)
5. “Có thể có sự tái sanh nơi mà không có sự di chuyển thân tâm hay không?”
“Vâng, có thể được, giống như một người mồi một ngọn đèn dầu từ một ngọn đèn khác
*E 5.1: Ūha là ngọn của sông Ganges
*E 5.3: Tissa Thera có thể chỉ ngài Moggalliputta Tissa Thera ( Mục-kiền-liên Tử-đế tu), người triệu tập đại hội Kết Tập Tam Tạng lần thứ ba và là tác giả của tác phẩm Kathāvatthu (Luận sử), ‘Points of Controversy’(Những điểm tranh luận).
*E 5.4: Một giới luật cho các tỳ kheo là không được tiết lộ chứng ngộ mình đạt được.
________________________________________________________________________
mà chẳng có gì di chuyển cả từ ngọn đèn này qua ngọn đèn kia; cũng giống như một người học trò có thể học thuộc lòng một bài thơ từ người thầy mà bài thơ chẳng di chuyển từ người thầy qua người trò.”
6. Và vua Milinda lại hỏi: “Có thực chăng một cái gì như là kẻ thông thái (vedagū)?”
“Chẳng có một người như vậy nếu nói trong nghĩa chân đế.” (*E 5.6; *V5.6)
7. “Có chăng một chúng sinh nào di chuyển từ một thân thể này qua một thân thể khác?”
“Không có như vậy.”
“Nếu quả thực như vậy thì phải chăng có thể trốn thoát khỏi quả của những ác nghiệp?”
“Có thể trốn thoát nếu không bị tái sanh, nhưng không thể trốn thoát nếu sẽ phải tái sanh.
Cái tiến trình thân tâm này làm những việc trong sạch hoặc xấu xa, và bởi do nghiệp mà một thân tâm khác tái sanh. Vì thế thân tâm này không thoát khỏi quả của hành động xấu xa.”
“Xin ngài cho một ví dụ.”
“Nếu một tên trộm lấy xoài của người khác, có xứng đáng bị trừng phạt không?”
“Đương nhiên là đáng tội.”
“Nhưng mà những trái xoài trên cây mà tên này lấy trộm không phải là xoài mà người chủ đã trồng trước đây; tại sao tên trộm lại nên bị phạt tội?”
“Tại vì quả xoài lấy trộm là do quả xoài trồng ra cây mà có.”
“Thưa Đức Vua, cũng giống như tiến trình thân tâm này làm những việc trong sạch hay xấu xa; và bởi do nghiệp đó mà một tiến trình thân tâm khác tái sanh. Vì thế thân tâm này không thoát khỏi quả của hành động xấu xa.”
8. “Khi các hành nghiệp đã được làm bởi một tiến trình thân tâm thì các hành nghiệp này được giữ lại ở đâu?”
“Những hành nghiệp theo ta như cái bóng của mình, không bao giờ rời xa. Nhưng ta không thể chỉ vào hành nghiệp mà nói ‘chúng ở đây hoặc ở đó’, cũng giống như trái của cây không thể được chỉ rõ là ở đâu trước khi cây sinh ra trái.”
9. “Phải chăng người sắp tái sanh biết được là mình sắp tái sanh?”
“Vâng, người đó có thể biết được, giống như nhà nông gieo hạt xuống đất và thấy mưa nắng thuận hòa thì có thể biết được mùa màng sẽ được sản xuất.”
10. “Có thực chăng một người như Đức Phật?”
“Vâng có thực.”
“Phải chăng Ngài có thể được chỉ rõ là ở đây hay ở đó?”
“Đức Thế Tôn đã qua đời, chẳng có gì còn lại để tạo nên một người khác. Ngài không được tìm thấy ở đâu cả, như một ngọn lửa đã tắt thì không được tìm thấy nữa. Tuy nhiên, sự hiện hữu của Đức Phật có thể biết được qua giáo pháp Ngài đã giảng dạy.” (*E 5.10)
*E 5.6: Có hai mức độ của sự thực: tục đế và chân đế. Trong tục đế, nói rằng một con người không hiện hữu là sai, nhưng trong chân đế, điều đó là đúng. Trong thực tại, chỉ có một dòng thân tâm liên tục thay đổi, nhưng chúng ta tưởng lầm cho rằng đó là một con người hiện hữu thay vì thực sự đó chỉ là một tiến trình (E: chú thích của soạn giả bản tiếng Anh).
*E 5.10: Điều này cũng đúng với sự hiện hữu của nhiều vị Phật trong tương lai.
*V 5.6: Câu này đã được hỏi ở Chương 3, câu hỏi số 6; ở đây câu trả lời dùng tục đế và chân đế để giải thích. Tục đế (sammuti-sacca, conventional truth) hay là chân lý qui ước, là thực tại theo qui ước ở đời thường, của thế gian; chân đế (paramattha-sacca, ultimate truth) hay chân lý rốt ráo, là thực tại trừu tượng biết được nhờ trạch pháp và thực hành Phật Pháp. Vì thói quen suy nghĩ theo tục đế, người đời lầm tưởng có một chủ thể, một tự ngã điều khiển mọi sự; đúng ra theo chân đế phải hiểu đó chỉ là ngũ uẩn, một dòng thân tâm biến chuyển, thay đổi không ngừng…Khái niệm về Vô Ngã, Tánh Không rất khó lãnh hội, nhất là khi chúng ta không có sự tu học Phật Pháp đầy đủ trong đó việc học hỏi Vi Diệu Pháp cũng như tìm hiểu Tâm Kinh rất là quan trọng. Trên phương diện chân đế, bốn đề tài được đề cập trong Vi Diệu Pháp là: Tâm Vương, Tâm Sở, Sắc và Niết Bàn. Nghiên cứu Vi Diệu Pháp không những để học hiểu về chức năng, vận hành của thân, tâm, hiểu biết về chính mình mà còn giúp chúng ta tu tập…Nghiên cứu Tâm Kinh để hiểu về Tánh Không, Vô Ngã, để mong thấy được mọi sự, mọi vật đều không có tự tánh, mọi hiện tượng đều là do nhân duyên mà không tự có…Tuy nhiên trạch pháp và suy tư chỉ sẽ mang lại văn tuệ và tư tuệ, để tâm được thanh tịnh và sự phát triễn trí tuệ được rốt ráo (tu tuệ) thì phải tu tập theo con đường Giới, Định, Huệ trong đó sự thực tập thiền quán rất là thiết yếu …(V: Chú thích của dịch giả bản tiếng Việt).