Thư Viện Hoa Sen

06 Trì Giới Ba La Mật

22/07/201012:00 SA(Xem: 31631)
06 Trì Giới Ba La Mật

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1997
KHOÁ THỨ 4: DUYÊN GIÁCBỒ TÁT THỪA PHẬT GIÁO

Bài Thứ 6 (tt)
Độ thứ hai: Trì Giới Ba La Mật 

A. Mở Đề 

Bất luận một đoàn thể, một tổ chức nào trong xã hội, muốn có quy củ, có đường lối để tiến triển, đều phải có kỷ luật hay giới điều. Kỷ luật càng chặt chẽ thì đời sống chung của tổ chức, cũng như của mỗi cá nhân trong tổ chức ấy lại càng mau tiến phát. Trái lại, một đoàn thể không kỷ luật là một toán người ô hợp, dù ban đầu có đông đảo, hùng mạnh bao nhiêu, rồi chẳng bao lâu cũng sẽ tan. 

Kỷ luật bao giờ cũng do những người lãnh đạo đặt ra. Một người lãnh đạo càng sáng suốt bao nhiêu, có kinh nghiệm bao nhiêu, thì quy luật, giới điều mà họ chế ra, lại càng có giá trị thực tiễn, có công dụng quí báu bấy nhiêu. 

Đạo Phật là một cái đạo có mục đích đưa người đến chỗ giác ngộ, và sáng lập là đức Thích Ca, một đấng giác ngộ hoàn toàn. Vậy những giới luật, những giáo điều của đạo Phật tất nhiên là phải có một giá trị, một công dụng quí báu, bổ ích vô cùng cho những ai muốn theo dấu chân của đức Phật

Chính vì sự quan trọng và lợi ích lớn lao của giới luật như thế, nên đức Phật đã nhiều lần nhắn nhủ với các hàng Đệ tử của Ngài phải nghiêm trì giới luật. Ngài thường dạy: "Gặp thời không có Phật, hãy lấy giới luật làm thầy". Kinh Phạm võng cũng có chép: "Giới sáng như mặt nhật, quí báu như ngọc châu anh lạc, các vị Bồ Tát đều do trì giới thanh tịnh mà thành Chánh giác". 

B. Chánh Đề 

I. Định Nghĩa 

"Trì" là giữ giới chặt chẽ; "Giới" là những điều răn dạy, ngăn cấm, những qui luật mà đức Phật đã chế ra để hướng dẫn các Đệ tử của Ngài đi vào con đường chánh, và tránh cho họ những hầm sâu hố hiểm mà họ có thể rơi vào, trên con đường đi đến quả vị Phật

Vậy trì giới ba la mật là một môn tu để đi đến bờ giác ngộ bằng cách giữ gìn nghiêm chỉnh, trọn vẹn giới luậtđức Phật đã răn dạy. 

II. Thành Phần Của Giới Luật 

Căn cơ của chúng sanh không đồng nhau, và sự tu hành của Đệ tử Phật cũng có nhiều cách; vì thế, đức Phật phải chế ra rất nhiều giới luật và phân ra nhiều loại để áp dụng cho sát vào căn cơlối tu của mỗi hạng người. Tuy thế, chúng ta có thể phân chia giới luật của Phật ra làm ba phần và hai cấp bậc: 

Giới tại gia cho hàng Tiểu Thừa

Giới xuất gia 

Giới Đạo và Tục thông hành (Bồ Tát giới) cho hàng Đại Thừa

1. Giới tại gia: Giới tại gia là những giới dành cho những người chưa xuất gia trong hàng Tiểu Thừa, tức là những cận sự namcận sự nữ (cư sĩ tại gia). Những người này có thể thọ trì từ một đến năm giới (Ngũ Giới) hay tám trai giới (bát quan trai). 

2. Giới xuất gia: Xuất gia gồm có năm chúng: Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheoTỳ kheo ni. Các chúng này tùy theo sự tu hành thấp hay cao, nam hay nữ mà giữ giới nhiều hay ít: 

Sa diSa di ni phải giữ 10 giới. 

Thức xoa ma na ni phải giữ 6 điều giới và tập 296 hạnh giới. 

Tỳ kheo phải giữ 250 giới 

Tỳ kheo ni phải giữ 348 giới. 

3. Giới đạo tục thông hành: Giới đạo tục thông hành chính là giới Bồ Tát. Ấy là giới mà Phật tử tại giaxuất gia trong hàng Đại Thừa phải thọ trì, sau khi đã phát tâm Bồ đề tu Bồ Tát hạnh để mở rộng bề làm Phật sựhóa độ thế chúng sinh

Phạm vi bài này chỉ nói về Đại Thừa Bồ Tát giới và đây những giới mà người tu hạnh trì giới ba la mật cần phải biết và giữ cho đúng. 

Bồ Tát giới gồm có

Nhiếp luật nghi giới. Người thọ trì "Nhiếp luật nghi giới" là người quyết giữ đúng mười hai giới trọng và bốn mươi tám giới khinh, nghìa là quyết không làm một việc ác nào cả. 

Nhiếp thiện pháp giới. Người thọ trì "nhiếp thiện pháp giới" là người quyết tâm làm tất cả các việc lành

Nhiêu ích hữu tình giới. Người thọ trì giới này là người quyết tâm tu hạnh từ bi, hỷ xả, làm tất cả những điều lợi ích cho tất cả chúng sinh, không một loài nào mà chẳng hóa độ

III. Phải Trì Giới Như Thế Nào Mới Đúng Chánh Pháp 

Cũng như pháp tu bố thí nói ở bài trước; trì giới ba la mật cũng có hai cách: Trì giới sai chánh pháptrì giới đúng chánh pháp, hay nói theo danh từ nhà Phật là: Trì giới chấp tướngtrì giới không chấp tướng. 

1. Trì giới chấp tướng: Trì giới chấp tướngtrì giới mà chỉ có hình thức bên ngoài, chứ bên trong thì rất nhiễm ô. Chẳng hạn trì giới vì háo thắng để được người đời khen ngợi; trì giới với một tâm lý tự cao tự đại, cho mình hơn người, và khinh dễ người phàm giới; trì giới vì bị ép buộc, nên thiếu hoan hỷ mà sanh tâm buồn phiền, miễn cưỡng... Trì giới như thế là thiếu thành tâm, là giả dối, đánh lừa mình và người. Trì giới như thế chẳng ích lợi gì, chỉ thêm mất thời giờ và không phải là trì giới Ba la mật

2. Trì giới không chấp tướng: Trì giới không chấp tướng là làm theo đúng vẹn toàn các điều răn cấm mà đức Phật đã chỉ dạy, không vì danh lợi, không vì háo thắng, không vì bị hoàn cảnh ép buộc mà làm. 

Trong khi trì giới, hành giả không hề nghĩ mình giỏi hơn người, cũng không chấp nê theo giới luật, khinh dễ người phạm giới. Hành giả chỉ vì thuận theo đức tánh vốn không nhiễm trước mà làm điều lợi ích cho tất cả chúng sinh và nhìn nhận "trì giới" là bổn phận của mình không thể bỏ qua được. Trì giới như thế mới đúng là trì giới Ba la mật, công đức sẽ vô lượng vô biên

IV. Công Đức Trì Giới Ba La Mật 

Như trên đã nói, trì giới Ba la mật có một hiệu lực rất lớn lao cho việc tu hành của người Phật tử. Phật tử thọ trì giới luật nghiêm trang thanh tịnh thì lúc hiện tiền tâm được thơ thới an vui, không có gì phải ân hận. Đối với làng nước, hành giả được niềm nở kính nhường, nhất là đối với các tín đồ, lúc nào cũng được hoan hỷ, quý trọng. Trong kiếp vị lai, hành giả chắc chắn được chứng quả Bồ đề, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi

Nếu chúng ta đem so sánh pháp môn bố thí với trì giới Ba la mật, thì sẽ thấy phép trì giới hơn hẳn bố thí một bậc. 

Người Phật tửtài thí, pháp thí mà không có trì giới, thì không thể thành Phật được, vì người ấy vừa tạo phước và cũng vừa gây tội, do chỗ không trì giới, thành thử gây nghiệp thiện ác xen tạp, đâu được trọn lành mà mong chứng đến quả Thánh? 

Trái lại, người Phật tử, nếu chỉ chăm chú nghiêm trì giới luật, thì chắc chắn sẽ thành Phật. Vì sao vậy? Vì trong lúc chuyên tâm trì giới là đã có tài thípháp thí hàm súc rồi: 

Khi hành giả trì giới được thanh tịnh, thì tâm từ bi, hỷ xả bủa khắp. Hễ họ thấy kẻ nào làm hạnh tài thí, pháp thí cho ai, thì liền sanh tâm hoan hỷ tán thành công đức, như thế tức là người ấy được một phần công đức "tùy hỷ bố thí". 

Hơn nữa, khi hành giả thành thật chuyên trì giới luật, thực hành theo đúng lời Phật dạy, làm gương mẫu cho quần sinh bắt chước, tức là đã thí pháp bằng thân giáo. Còn khi hành giả trì tụng giới luật cho nhập tâm thuần thục, cũng tức là thí pháp bằng khẩu giáo. 

Xem như thế thì trì giới Ba la mật là một pháp môn rất thần diệu, có thể bao gồm cả bố thí lẫn trì giới, chắc chắn sẽ đưa hành giả đến bờ giải thoát

C. Kết Luận 

Giá trịcông năng của trì giới Ba la mật đã được chứng minh một cách rõ ràng, chúng ta không còn nghi ngờ điều gì nữa. Giờ đây chúng ta còn một quyết định dứt khoátphát tâm dũng mãnh trì giới Ba la mật

Sự tu chỉ cốt ở thực hành. Dù thông minh tài trí đến đâu, dù thâm hiểu giáo lý đến đâu, mà không thực hành, thì cũng vô ích. Chúng ta đừng nên quên rằng chữ "hành" thường đi theo chữ "học" và chữ "tu" (học hành, tu hành). Đạo Nho cũng có câu: "học nhi thời tập chi". Đạo Phật lại dạy một cách mạnh mẽ hơn: "tu mà không học là tu mù; học mà không tu là cái đảy sách". Nhất là khi đã mang danh Phật tử, đã thọ giới mà không giữ giới, thì chẳng khác gì đem giới luật của Phật ra mà phỉ báng và làm trò cười cho thế nhân. 

Vậy chúng tôi xin khuyên quí Phật tử, sau khi đã nhận chân giá trị cao quí và lợi ích lớn lao của pháp môn trì giới Ba la mật, hãy mau mau phát tâm rộng lớn tu hành trì giới này, để chóng thoát vòng sinh tử khổ đau. 

Last updated

 

Tạo bài viết
17/11/2013(Xem: 46385)
16/11/2011(Xem: 34781)
15/06/2024(Xem: 68527)
Kính thưa chư Tôn thiền đức, quý Phật tử và quý độc giả, Như chúng tôi đã bố cáo trên Facebook vào thời điểm một nhà sư Việt Nam sửa soạn bộ hành khất thực từ Gia Lai đi Ấn Độ, website Thư Viện Hoa Sen đã bị một thế lực đen tối dấu mặt đánh sập liên tiếp nhiều lần. Tất cả các cuộc tấn công đều theo mô thức DDoS (Distributed Denial of Service) nhắm vào cơ sở hạ tầng mạng làm quá tải và hư hại máy chủ. Sau mỗi lần tấn công, chúng lại dùng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra các cách tấn công mới hơn và thông minh hơn, vượt qua tất cả những biện pháp phòng ngừa truyền thống. Về nguyên nhân chúng tôi đã thưa trong những lần bố cáo trước. Hiện nay hệ thống máy chủ của Thư Viện Hoa Sen đã được sửa chữa và tăng cường thêm nhiều trang thiết bị mới nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công trong tương lai. Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!