Thư Viện Hoa Sen

Liễu Phàm Tứ Huấn

20/01/201112:00 SA(Xem: 69635)
Liễu Phàm Tứ Huấn

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
Viên Liễu Phàm 了凡四訓 袁了凡居士著
Nguyên bản: 了凡四訓精解- 黃智海 先生演述 http://book.bfnn.org/books/0113.htm
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Vạn Phật Thánh Thành dịch và chú thích
lieu_pham_tu_huan

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT: Liễu Phàm Tứ Huấn là quyển sách khuyến dạy tu thiện, giúp xây dựng lại và củng cố nền tảng căn bản làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí ,Tín. Khổng giáo nhắm đến xây dựng con người quân tử lương thiện, xã hội đại đồng, mọi người giúp đỡ lẫn nhau không vị kỷ. Khoa cử, công danh nhằm tuyển chọn hiền tài, nhưng qua thời gian các tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử bị biến chất, lạm dụng, diễn dịch sai lạc; người đời dùng khoa cử, công danh để làm phương cách tiến thân tìm hưởng thụ cho bản thân, trái hẳn tinh thần Đại Đồng nguyên thủy của Khổng Tử (*). Qua quyển Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng ta có thể thấy được con người không bị vận mạng trói buộc , và có thể sửa đổi vận mạng tốt đẹp hơn bằng cách làm thiện, tu đức khiêm nhường, gây tạo âm đức .... Hy vọng người đọc dùng tinh thần giải thoát vô ngã của Phật giáo để hành thiện, giúp mình và người cùng tu phước huệ, vựợt qua vận mạng, đồng lên bờ giải thoát.

Mục lục
Chương một : Thay đổi số mạng
Khổng tiên sinh bói số mạng
Thuyết đổi mạng của thiền sư Vân-Cốc
Phàm phu động niệm theo nghiệp không hay, thánh nhân vô tâm nghiệp lôi liền biết
Phải tìm cầu mọi việc trong tâm, không gì mà không được
Sâu tìm nguyên nhân vô phước
Phước ai nấy hưởng
Định mạng do trời, sửa mạng do ta
Quyết tâm sửa đổi
Trì chú vô niệm
Vô niệm nhìn không hai
Tu thâncảnh giác niệm trong lòng
Phương pháp trì chú
Tu hành suốt ngày đề cao cảnh giác
Số mạng bắt đầu thay đổi
Tự kiểm ưu khuyết điểm
Nghiêm chỉnh thi hành sổ thiện ác
Lời dạy con
Đo lường tiến bộ
Chương hai : Phương pháp sửa đổi
Cử chỉ lời nói, hiển bày thành bại
Yếu tố sửa đổi
1. Biết xấu hổ
2. Biết lo sợ
3. Có tâm cương quyết
Hình thức sửa đổi
a. Sửa theo việc; ngăn chặn tạo lỗi lầm
b. Sửa trên lý; thấy lý nhờ bình tĩnh
c. Sửa trong tâm; cảnh giác niệm trong lòng
Kết quả sửa đổi
Chương ba : Phương pháp làm thiện
Những câu chuyện làm thiện dư phước cho con cháu
Cứu người chết đuối
Xin tòa bớt nóng
Nhịn ăn cứu tù
Tránh giết dân lành
Bố thí chân thành
Cứu người rét cứng
Ngầm giúp đỡ
Giúp nghèo xây công
Âm thầm làm thiện không ai biết
Chân thành cúng dường xây mái chùa
Giúp tù nhân không cần đền đáp
Tiêu chuẩn làm thiện
Lợi người, dù chửi đánh đều là thiện. Lợi mình, dù kính chiều vẫn là ác
Giúp, thương, tôn kính đời là thiện. Nịnh, ghét, bỡn cợt đời là ác
Dương thiện hưởng tiếng, âm đức hưởng phước
Việc thiện phải nghĩ đến hậu quả lâu dài
Gặp ác không can thiệp là làm ác
Làm ác với động cơ thiện là làm thiện
Thiện ác tích trữ như đồ vật, nhanh chậm nhiều ít tuỳ theo mình
Chân thành cúng dường hai xu hơn công đức ngàn lượng vàng
Làm thiện vì mình, công đức chỉ phân nửa. Không vì mình, được trọn vẹn
Lòng khởi động niệm, dù thân chưa làm, thiện ác đã tạo
Khó mà làm được mới là quý
Mười việc thiện
1. Khiến người làm thiện không cần lời
2. Thánh phàm khác ở chỗ lòng kính yêu
3. Nâng đỡ người thiện đến nơi chốn
4. Khuyên người mê lầm phải khéo léo
5. Giúp đỡ nhiều ít không cần biết, ra tay giúp ngay mới là quý
6. Xây dựng lợi chung, kêu gọi góp sức
7. Tập làm thiện, trước tiên tập bố thí
8. Hộ trì chánh pháp
9. Tôn kính trưởng lão như tôn kính trời
10. Yêu quý mạng sống, nhớ ơn cơm áo
Chương bốn : Đức hạnh khiêm tốn
Thật thà chất phác, cung kính vâng chiều, thận trọng dè dặt, bị nhục không cãi
Khiêm hạ nghiêm nghị, thản nhiên nhận lỗi
Phước sắp đến, trí tuệ mở : lông bông sẽ chững chạc, láo xược sẽ nghiêm túc
Tạo công đức không cần tốn tiền, giữ niệm thiện trong lòng là đủ
Khiêm tốn đi đến đâu đều được hoan hỷ chỉ dạy, ích lợi vô cùng
Chí nguyện như gốc rễ, có rễ mới có trái

Chương một : Thay đổi số mạng.

Khổng tiên sinh bói số mạng

Lúc ta (1) còn nhỏ, thân phụ mất sớm. Thân mẫu bảo ta «Nên bỏ con đường thi cử (2) làm quan mà nên chọn nghề thầy thuốc, vì nghề này vừa có thể sinh sống, vừa có thể giúp người. Hơn nữa, nếu hành nghề giỏi sẽ có tiếng tăm. Đó cũng là ước muốn của cha con vậy. »

Sau ta gặp một cụ già tại chùa Từ Vân, cụ râu dài oai nghi, phơi phới như tiên. Ta do đó cung kính chào hỏi. Cụ thấy ta bèn nói: « Tướng ngươi có mạng làm quan, năm tới sẽ đậu Tú Tài, sao giờ này còn lang thang ở đây không lo học ? » Ta trình bày nguyên dođồng thời xin cụ cho biết tên họ và quê quán. Cụ nói: « Ta họ Khổng, người Vân Nam. Ta được chân truyền quyển Hoàng-Cực-Số (3) của ông Thiệu. Ta biết môn này sau này sẽ truyền lại cho ngươi. » Ta mời cụ về nhà và kể lại cho mẹ. Mẹ dặn phải tiếp đãi tử tế và xem cụ đoán số ra sao. Cụ bói cho ta từ việc lớn đến việc nhỏ đều chính xác vô cùng. Làm ta ước mơ trở lại học văn và bàn giấy với ông anh họ Thẩm Xứng. Ông anh nói : « Thầy Úc Hải Cốc đang mở lớp học tại nhà ông Thẩm Hữu Phu, anh sẽ gởi em đến đó học không thành vấn đề. » Ta bèn bái lạy thầy Úc làm thầy.

Cụ Khổng lấy số cho ta như sau : Lúc còn là đồng sinh (4), sẽ thi ở Huyện đậu hạng 14, thi ở Phủ hạng 71 và thi ở Đề Đốc (5) hạng 9. Năm tới đi thi, quả thật cả ba nơi đều đậu hạng đúng y như tiên đoán của cụ.

Cụ Khổng lấy thêm số tốt xấu suốt cuộc đời cho ta. Tiên đoán rằng, năm nào sẽ thi đậu hạng mấy, năm nào sẽ thi vào dự bị lẫm sinh (6), năm nào sẽ lên cống sinh. Sau khi lên cống sinh, đến năm nào sẽ được bổ nhiệm làm huyện trưởng của tỉnh Tứ-Xuyên, nhưng chỉ làm được ba năm rưỡi rồi sẽ xin về hưu. Năm 53 tuổi, ngày 14 tháng 8, giờ Sửu, sẽ mất tại nhà. Tiếc rằng không con nối dõi. Ta cẩn thận ghi lại tất cả.

Từ đó về sau, mỗi lần thi cử đều đậu hạng không ngoài sự tiên đoán của cụ Khổng. Chỉ có một lần, cụ tiên đoán chừng nào phụ cấp lẫm sinh ta lên đến 91,5 thạch (7) gạo mới được lên cống sinh. Nhưng đến khi phụ cấp ta lên đến 70 thạch, quan Tông-Sư họ Đồ trong Đề-đốc-học-viện đã xin cho ta lên dự bị cống sinh. Ta thầm nghi trong bụng rằng cách bói của cụ Khổng chưa chắc chính xác hoàn toàn.

Nhưng sau đó quả thật vì cấp trên vắng mặt, quan thay thế tạm thời lúc đó là ông Dương, bác bỏ đơn xin này. Mãi cho đến năm Đinh Mão (1627), quan Tông-Sư Ân Thu Minh tình cờ xem lại những bài thi tuyển (8) còn sót lại nơi trường thi, thấy bài thi của ta xuất sắc mà tiếc rằng : « Năm bài thi vấn đáp này đâu có thua những bài tấu nghị (9) trong triều đình. Ta nỡ nào để những học trò tài giỏi như thế mãibị chôn vùi trong phòng học. » Bèn chiếu theo đơn xin cũ, phê chuẩn cho ta lên dự bị cống sinh. Nếu tính luôn những trợ cấp từ trước đến giờ, vừa đúng 91,5 thạch.

Kể từ đó ta càng tin theo số mạng an bài; mọi việc thăng quan tiến chức, giàu sang phú quý đều có thời có lúc của nó. Vì vậy ta an phận mặc đời đẩy đưa, chẳng mong cầu gì cả.

Chú thích:

(1) Liễu Phàm : họ Viên, hiệu Liễu Phàm, tên Huỳnh, tự Khôn Nghị. Người Giang Nam sông Ngô, đời Minh. Sanh năm 1535, mất năm 1609, hưởng 74 tuổi. Sống tại quê vợ ở tỉnh Triết Giang, huyện Gia Thiện. Lúc 16 tuổi đậu Tú tài, 33 tuổi đậu Cử nhân và 52 tuổi đậu Tiến sĩ. Ông viết lại 4 bài để dạy con của ông là Thiên Khải, sau này cũng đậu tiến sĩ.

(2) Thi cử : Ngày xưa Trung Hoa lập chế độ thi cử để tuyển lựa người tài giỏi làm quan.

(3) Hoàng Cực số : Sách Hoàng Cực Kinh Thế Thư , tác giả là Thiệu Khang Thiết. Sách này căn cứ trên Kinh Dịch và số học để bói về thời thế đất nước cũng như vận mệnh của con người.

(4) Đồng sinh : học sinh chưa thi đậu lần nào. Đồng sinh theo học ở trường tư thục (tiểu học tư nhân do một người thầy tổ chức tại địa phương). Sau đó đồng sinh sẽ thi tú tài. Tú tài phải thi ba nơi; huyện, phủ và Đề đốc (tỉnh). Cả 3 nơi đều đậu mới được gọi là đậu tú tài.

(5) Đề đốc học viện : là bộ giáo dục cấp tỉnh. Các kỳ thi cử tú tài và cử nhân đều tổ chức tại đó.

(6) Lẫm sinh : Học sinh sau khi đậu tú tài sẽ học ở Học-Cung (trường trung học công lập địa phương) gọi là tiến học. Trong vòng 3 năm đầu phải trải qua 2 kỳ thi : Tuế khảo và Khoa khảo. Nếu thi đậu sẽ được liệt vào danh sách dự bị lẫm sinh gọi là bổ lẫm. Đợi cho đến khi nào có chỗ trống sẽ được đôn lên làm lẫm sinh. Kể từ lẫm sinh trở đi có thể hưởng phụ cấp gạo theo tiêu chuẩn. Lẫm sinh phải thi nhiều lần để lên cõng sinh. Các kỳ thi đều tổ chức tại Đề đốc học viện. Thi đậu cống sinh sẽ coi như mãn khoá Học-Cung, gọi là xuất học hay xuất cõng. Rồi lại phải lên thủ đô, vào Quốc Tử Giám để học tiếp và thi lên tiến sĩ.

(7) 1 thạch = 100 lít (gao)

(8) Bài thi tuyển : Những giám khảo trong Đề đốc học viện đều do triều đình bổ nhiệm xuống. Trong đó có một chánh chủ khảo, một phó chủ khảo và nhiều giám khảo phòng thi. Mỗi phòng thi có khoảng từ 8 đến 18 thí sinh. Lúc chấm bài, giám khảo phòng thi tuyển lựa những bài xuất sắc cho chủ khảo chấm. Ngoài những bài chủ khảo đã chấm đậu, phần còn lại gọi là bài thi tuyển, trong đó có bài của ông Liễu Phàm.

(9) Tấu nghị : Các quan trong triều đình mỗi khi muốn đề nghị chính sách đều phải viết trên giấy để trình lên vua xét duyệt gọi là tấu nghị.

Thuyết đổi vận mạng của thiền sư Vân-Cốc

Sau khi xuất cống, ta lên Yến-Đô (1) học tiếp. Ở đó một năm, suốt ngày ngồi yên không học chữ nào. Đến năm sau Kỷ Tỵ (1629), ta trở về Nam-Ung (2). Nhân dịp Quốc-Tử-Giám(3) còn chưa khai giảng, ta lên núi Thê Hà thăm thiền sư Vân-Cốc Pháp-Hội (4). Ngồi trong phòng đối diện với thiền sư suốt ba ngày đêm không chợp mắt.

Sau sư hỏi : « Sở dĩ con người không thể trở thành thánh nhân chỉ vì bị những vọng niệm lăng xăng trong lòng không ngừng trồi sụt quấy rầy mà thôi. Ngươi ngồi ba ngày mà không thấy khởi lên một vọng niệm nào, làm sao mà làm được như vậy » ? Ta trả lời rằng : « Vì sau khi Khổng tiên sinh bói số mạng con, con đã thấy cuộc đời sống chết vinh nhục đều do trời đã sắp đặt sẵn. Dù muốn dù không cũng chẳng thay đổi được gì. Suy nghĩ thêm cũng vậy thôi! »

Chú thích:

(1) Yến Đô : Nay tên là Bắc Kinh.

(2) Nam Ung = Nam Kinh Bích Ung, nay gọi là Nam Kinh.

(3) Quốc Tử Giám : Trường đại học công lập. Đặc biệt trong thời Minh, vì Nam Kinh từng là kinh đô nhà Minh, nhưng sau đó dời lên Bắc Kinh cho nên thời đó có 2 kinh đô và 2 Quốc Tử Giám.

(4) Thiền sư Pháp Hội : biệt hiệu Vân Cốc. Người Triết Giang. Người ta xưng ngài là tổ thiền tông Trung Hưng. Năm đó thiền sư 69 tuổi, Liễu Phàm 35 tuổi.

Phải có sự chuyển biến mạnh mẽ

Sư cười rằng : « Ta tưởng ngươi là người xuất chúng, nào ngờ chỉ là phàm phu ». Ta không hiểu và hỏi tại sao ? Thiền sư trả lời rằng : « Lòng người còn lăng xăng không yên, thì còn bị bị âm dương khí số (1) trói buộc, làm sao có thể bảo là không số mạng được ? Nhưng số mạng chỉ chi phối cho người thường, là những người suốt đời sống xuôi chiều theo tánh mình, không biết thay đổi mà thôi. Còn đối với những người có sự chuyển biến mạnh mẽ thì số mạng không thể chi phối. Như người trở nên quá tốt, sẽ thấy đời đi lên. Ngược lại, người trở nên quá xấu sẽ thấy đời đi xuống. Hai mươi năm nay Khổng tiên sinh cho ngươi thấy được số mạng mà ngươi không thể thay đổi chút nào, vậy không phải phàm phu là gì » ?

Chú thích:

(1) Âm dương khí số : Tức là số mạng. Vì mỗi lý luận trong bói số đều suy diễn trên quan niệm âm dương của Kinh Dịch.

Phải tìm cầu mọi việc trong tâm

Ta hỏi thêm : « Không lẽ người ta có thể thoát khỏi sự chi phối của số mạng hay sao » ? Sư rằng : « "Mạng do ta tạo, phước do mình tìm". Kinh-thư và Kinh-Thi đã dạy rõ ràng như thế. Còn kinh Phật cũng dạy : "Mong cầu giàu sang sẽ giàu sang, mong cầu sanh gái trai sẽ sanh gái trai, mong cầu sống lâu sẽ sống lâu". Này, vọng ngữđại giới của đức Thích Ca, chẳng lẽ chư Phật, Bồ tát cũng nói dối lừa gạt người sao ? »

Ta không đồng ý rằng : « Mạnh tử dạy (1) : "Không tìm thì thôi, tìm sẽ được. Tìm như vậy có ích lợi vì tìm được, đó là tìm bên trong ta. Còn tìm không đúng cách mà kết quả tuỳ thuộc số mạng, tìm như thế thì vô ích vì tìm chẳng được, đó là tìm bên ngoài ta". Như nhân nghĩa đạo đức, đó là những gì trong ta, ta có thể đạt được bằng sức mình. Nhưng đi tìm công danh phú quý bên ngoài ta, tìm như vậy làm sao tìm được ?

trả lời : « Mạnh Tử nói rất đúng, chỉ vì ngươi hiểu sai mà thôi. Ngươi không nghe Lục Tổ nói sao ? "Tâm ta như miếng ruộng, phước hoạ do mình trồng". Phải tìm trong lòng mà gieo, không gì mà không được cả. Tìm do ta, không riêng nhân nghĩa đạo đức, mà công danh phú quý cũng sẽ được hết. Trong và ngoài đều được, tìm như vậy mới có ích lợi vì tìm được. Ngược lại, nếu không biết xem xét trong lòng mà tìm cầu bên ngoài, thì có vẽ đúng cách tìm nhưng được hay không lại tuỳ thuộc số mạng. Cuối cùng trong và ngoài đều mất. Vì vậy Mạnh Tử nói "vô ích" là vậy ».

Chú thích:

(1) Mạnh Tử, chương Tận Tâm : Cầu tắc đắc chi, xá tắc thất chi, thị cầu hữu ích ư đắc dã,cầu tại ngã giả dã 。Cầu chi hữu đạo,đắc chi hữu mệnh,thị cầu vô ích ư đắc dã,cầu tại ngoại giả dã 。

Sâu tìm nguyên nhân vô phuớc

Thiền sư hỏi tiếp: « Khổng tiên sinh lấy số mạng suốt đời cho nhà ngươi thế nào ? » Ta trình bày hết từ đầu đến cuối cho thiền sư. Rồi thiền sư hỏi: « Ngươi tự xét lại xem ngươi xứng đáng đậu tiến sĩ hay không ? Có xứng đáng có con nối dõi hay không? »

Ta tự kiểm lại khá lâu rồi đáp : « Dạ, con không xứng. Vì những người thi đậu làm quan là những người có phước. Con không phước. Hơn nữa, con không lo xây dựng đức hạnh để tạo nền tảng tiếp nhận phước lớn. Tánh con thường bực bội bồn chồn, chịu không nổi những phiền toái vụn vặt xảy đến trong đời sống. Lòng hẹp hòi không thể bao dung người khác. Thường lấy tài mình chèn ép người khác. Lại thích sao làm vậy, không suy nghĩ cặn kẽ. Lời không thận trọng thường nói bậy. Những điều như thế đều là tướng vô phước, làm sao xứng đáng con đường khoa cử » ?

« Con cũng không đáng có con. Vì chỗ nào càng dơ càng nhiều sinh vật, nước trong thì ít tôm cá. Con có tật thích sống sạch cho riêng mình, đó là nguyên nhân thứ nhất không con. Bầu không khí hòa thuận sẽ làm cho mọi loài sanh sôi, mà tánh con lại hay nóng giận bực bội, đó là nguyên nhân thứ hai không con. Yêu thương là nền tảng của sự sanh sôi, còn khắt khe ích kỷ là nguồn gốc của sự không sanh dục. Con chỉ biết yêu quý danh vọng tiết tháo của mình, thường không thể hy sinh giúp đỡ người khác, đó là nguyên nhân thứ ba không con. Sức khoẻ con người là nhờ tinh, khí, thần. Con thích nói nhiều hao khí, đó là nguyên nhân thứ tư không con. Con thích uống rượu mà hao tinh, đó là nguyên nhân thứ năm không con. Thường thích ngồi suốt đêm không ngủ mà hao thần đó là nguyên nhân thứ sáu không con. Ngoài ra còn nhiều lỗi lầm, không sao nói hết » .

Phước ai nấy hưởng

Thiền sư Vân Cốc nghe xong rồi bảo : « Đâu phải chỉ có vấn đề thi cử mới như vậy đâu. Có người hưởng được gia tài hàng tỷ bạc, có người hưởng được gia tài hàng triệu bạc, cũng có người nghèo đến chết đói. Người thấy lý lẽ, biết đó là phước báo mỗi người. Còn người không thấy thì sẽ giải thích bằng định mệnh, là trời kêu ai nấy dạ. Thật ra trời chẳng qua xử lý trên những gì con người có, chứ có bao giờ thêm bớt chút nào theo ý riêng của mình đâu » ?

« Vấn đề sinh con nối dõi cũng vậy, có người tích trữ được trăm đời công đức sẽ dư lại cho trăm đời con cháu hưởng. Người có tích trữ được mười đời công đức sẽ dư lại cho mười đời con cháu hưởng. Người chỉ tích trữ được hai ba đời công đức thì chỉ dư lại cho hai ba đời con cháu hưởng. Còn những người vô hậu thì thấy rõ phước họ không còn gì nữa ».

« Nay ngươi đã thấy vấn đề ở đâu thì phải hết lòng sửa lại những nguyên nhân làm cho không đậu tiến sĩ cũng như không con nối dõi. Phải tích trữ công đức, phải bao dung lỗi lầm người khác, phải hoà thuận yêu thương mọi người và phải giữ gìn sức khoẻ. Những gì từ trước đến nay coi như đã chết đi, từ nay về sau phải sống lại như một người hoàn toàn đổi mới, một người sống bằng nghĩa và lý chứ không phải một người tầm thường bằng xương thịt nữa ».

Định mạng do trời, sửa mạng do ta

« Phàm phu sống bằng xương thịt lẽ dĩ nhiên bị lệ thuộc vào số mạng. Nhưng con người sống bằng nghĩa và lý không lẽ không cảm động được trời để thay đổi số mạng hay sao ? Chương Thái Giáp trong Kinh Thư có nói : "Chúng ta có thể tránh khỏi tai hoạ do trời đã đặt. Nhưng chúng ta không thể chạy thoát hậu quả do chính mình làm". Kinh Thi cũng có nói : "Việc làm mình phải phù hợp với ý trời mới tạo được nhiều phước cho mình". Khổng tiên sinh đoán ngươi không đậu tiến sĩ, không con nối dõi, tuy đó là số trời đã định nhưng vẫn có thể không tuân theo. Nhưng từ nay về sau ngươi phải trau dồi thật nhiều tánh hạnh đạo đức, hết lòng làm thiện, tích trữ âm đức. Phước này do mình tạo, không hưởng sao được » ?

« Mục đích của Kinh Dịch là giúp cho con người biết tìm phước tránh hoạ. Nếu nói số mạng không đổi thì làm sao mà tìm phước tránh hoạ được ? Ngay chương đầu của Kinh Dịch đã nói : "Gia đình làm thiện, ắt dư phước cho con cháu". Ngươi có tin những điều đó không » ?

Quyết tâm sửa đổi

Ta hoàn toàn tin phục những lời dạy của thiền sư và quỳ sụp xuống xin thọ giáo. Trước bàn thờ Phật, ta viết hết tất cả tội trạng từ trước đến nay để xin sám hối. Sau đó ta xin cầu được đậu cử nhân và hứa sẽ làm ba ngàn điều thiện để đền đáp ân đức nuôi dưỡng của trời đất và tổ tiên.

Trì chú vô niệm

Vân Cốc thiền sư đưa cho ta cuốn sổ thiện ác (1), bảo ta phải ghi hết những điều thiện ác đã làm trong ngày; thiện thì được điểm, ác thì trừ điểm. Ngoài ra còn dạy ta trì chú Chuẩn-Đề và chờ ngày ứng nghiệm.

Thiền sư dạy ta rằng : « Những người chuyên vẽ bùa chú cho rằng : "Vẽ bùa không đúng cách sẽ bị quỷ thần chê". Bí quyết vẽ bùa là vẽ trong lúc niệm không động mà thôi. Khi tay cầm viết vẽ bùa, trước hết phải buông hết mọi duyên (2), không nổi lên một trần (3) nào. Rồi từ chỗ niệm chưa động chấm xuống, chấm đó gọi là "hỗn độn khai cơ". Rồi vẽ một hơi liên tục đến hết. Trong lúc vẽ, lòng không suy nghĩ thì bùa mới linh. Cầu trời đổi mạng cũng vậy, phải cảm ứng trong lúc niệm không động ».

Chú thích:

(1) Sổ thiện ác : là cuốn sổ ghi hết những tiêu chuẩn thiện ác và số điểm tương đương để hành giả có thể dựa vào đó mà tự cho điểm thiện ác.

(2) Nhân duyên : Nhân là nguyên nhân trực tiếp trong lòng đưa đến hậu quả. Duyên là nguyên nhân gián tiếp ngoại lai đưa đến hậu quả. Ở đây ý nói phải buông hết mọi vấn đề buồn vui lo sầu trong đời sống.

(3) Trần : Đây ý chỉ đứng trước ngoại cảnh mà lòng không động. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Là đối tượng của tâm qua 6 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Vô niệm nhìn không hai

« Mạnh tử nói về số mạng (1) rằng : "Yểu thọ không hai, lấy cảnh giác để tu thân, rồi mới an trụ trong bất cứ hoàn cảnh nào". Về vấn đề "yểu và thọ", nếu ai cho là hai việc khác nhau, thì xin quan sát hai việc này trong lúc niệm không động, trong tâm trạng đó, thế nào là yểu? Thế nào là thọ? Suy diễn ra, nhìn giàu nghèo không hai rồi mới sống an vui trong giàu nghèo. Nhìn may rủi xui không hai rồi mới không bận tâm trong thân phận quý hèn. Nhìn yểu thọ không hai rồi mới sống chết tự tại. Con người đều cho sống chết là việc quan trọng. Cho nên Mạnh Tử ở đây chỉ đề cập đến vấn đề yểu thọ mà thôi. Hiểu được yểu thọ không hai thì sẽ hiểu hết mọi việc thuận nghịch trên đời đều như vậy cả » .

Chú thích:

(1) Mạnh Tử, chương Tận Tâm : "Yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mạng dã"

Tu thâncảnh giác niệm trong lòng

« Còn vấn đề " Lấy cảnh giác để tu thân" là về việc tích trữ đức hạnh và cầu trời đổi mạng. Chữ "tu" có nghĩa là tu sửa hành vi. Khi lời nói, hành động hay ý nghĩ có gì không tốt đều phải sửa ngay. Còn chữ "cảnh giác" là công phu theo dõi niệm trong lòng. Khi trong lòng vừa khởi lên một chút ước mong thầm kín không chánh đáng hay một chút ý nghĩ vẩn vơ không cần thiết đều phải phát giác liền và không theo. Khi làm được như vậy thì mới có thể đi thẳng vào cảnh giới tiên thiên (1), học được như vậy mới thật sự là học ».

Chú thích:

(1) Cảnh tiên thiên : Tấm lòng ban sơ trong sáng chưa bị ô nhiễm bởi tư tưởng trần tục.

Phương pháp trì chú

Hiện giờ ngươi còn chưa đạt đến trình độ vô tâm, cho nên phải trì chú Chuẩn Đề (1). Trì liên tục không ngừng, không cần đếm số, cũng không cần nhớ. Trì đến thuần thục sẽ đến trạng thái trì như không trì, không trì mà trì. Trì đến lúc niệm không khởi sẽ thấy linh nghiệm.

Chú thích:

(1) Bồ tát Chuẩn Đề : là Bồ tát Quan Thế Âm ứng hiện trong mật tông

Tu hành suốt ngày đề cao cảnh giác

Ta trước đây hiệu là Học Hải. Kể từ ngày đó ta đổi hiệu (1) thành Liễu Phàm. Liễu là chấm dứt. Vì đã hiểu rõ làm sao thay đổi số mạng, không muốn rơi trở vào khuôn khổ của phàm phu nữa. Từ đó trở đi, ta hoàn toàn khác hẳn ngày xưa. Ngày xưa thong dong luông tuồng, bây giờ cả ngày đề cao cảnh giác. Ở nơi phòng tối không ai thấy mà ta vẫn thường lo âu, không biết có làm mất lòng thiên địa quỷ thần không ? Nếu có ai thù ghét ta, hủy báng ta, ta có thể cam chịu một cách thản nhiên.

Chú thích:

(1) Hiệu : Người xưa có họ, tên, tự và hiệu. Tên do cha mẹ đặt, không thể đổi được. Khi còn nhỏ, được mọi người gọi bằng tên. Nhưng khi con trai đến lúc 20 tuổi sẽ làm lễ Quán(lễ đội mũ). Lễ đó nói lên rằng người con trai đã trưởng thành. Trong buổi lễ , bạn bè tặng người con trai đó một chữ, gọi là tự. Kể từ ngày đó, để tỏ lòng tôn trọng, ai cũng phải gọi bằng tự, chỉ có cha mẹ và thầy giáo mới có quyền trực tiếp gọi bằng tên, còn người ngoài nếu gọi bằng tên sẽ xem như sỉnhục mình. Nếu muốn tôn trọng hơn nữa thì gọi bằng hiệu như Viên Liễu Phàm. Và tôn trọng hơn nữa gọi bằng tên địa phương như Đại sư Thiên-Thai thay vì đại sư Trí-Giả. Vì Thiên-Thai là tên của núi mà ngài hành đạo ở đó.

Số mạng bắt đầu thay đổi

Đến năm sau, ta thi khoa cử (1) ở Bộ Lễ (2). Khổng tiên sinh tiên đoán ta sẽ đậu hạng ba, nhưng ta chợt đậu hạng nhất. Ông nói mạng ta không có cử nhân. Nhưng đến mùa thu năm ấy, ta lại đậu cử nhân. Lời tiên đoán của Khổng tiên sinh không còn linh nghiệm nữa.

Chú thích:

(1) Khoa cử : Tú tài muốn thi lên cử nhân đều phải trải qua môt kỳ thi ở Bộ Lễ gọi là Khoa Cử. Nếu thi đậu khoa cử mới có thể tham dự Hương Thi (thi cử nhân). Hương thi tổ chức tại tỉnh vào mùa thu tháng tám mỗi năm.

(2) Bộ Lễ : Ngày xưa một nước có 6 Bộ ; Bộ Si, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Bộ Lễ tương đương bộ giáo dục ngày nay.

Tự kiểm ưu khuyết điểm

Tuy nhiên, ta làm thiện còn chưa quen, mỗi lần kiểm điểm lại đều thấy nhiều sơ sót; Như làm việc thiện mà không mạnh dạn, cứu giúp người mà không dứt khoát. Hoặc thân làm một cách miễn cưỡng, nhưng miệng vẫn còn lời xấu ác. Hoặc lúc tỉnh táo còn giữ được thái độ nghiêm chỉnh, nhưng khi say sưa rồi thì buông tuồng. Điểm làm thiện tích trữ khá nhiều, nhưng điểm lầm lỗi cũng không ít. Hai điểm khấu trừ qua lại, cuối cùng thường thấy thời gian trôi đi mà điểm thiện chẳng tăng lên được bao nhiêu. Ta phát nguyện vào năm Kỷ Tị (1629) nhưng mãi đến năm Kỷ Mão( 1639), trảiqua mười năm trời, mới làm xong ba ngàn điều thiện.

Lúc đó ta cùng ông Lý Tiệm Ấn mới từ Quan Hải Sơn trở về, chưa kịp hồi hướng. Mãi đến năm sau, năm Canh Thìn (1640), trở về miền nam, liền thỉnh các vị pháp sư Tính Không, Tuệ Không làm lễ hồi hướng tại thiền đường Đông Tháp.

Nghiêm chỉnh thi hành sổ thiện ác

Tiếp theo, ta phát nguyện cầu sanh con và cũng hứa làm ba ngàn điều thiện. Năm Tân Tị (1641) sanh con đặt tên là Thiên Khải. Mỗi khi ta làm một điều thiện liền lấy viết ghi vào sổ. Mẹ của con (1) không biết chữ, mỗi khi xong một điều thiện, chỉ có thể lấy lông ngỗng khoanh một vòng mực đỏ lên trên lịch. Làm các việc thiện như cho người nghèo ăn, có khi thì phóng sanh. Đôi khi làm được hơn mười vòng đỏ trong một ngày. Chỉ cần hai năm, đến tháng tám năm Quý Mùi (1643), ba ngàn điều thiện đã làm đầy đủ. Lại thỉnh các vị pháp sư Tính Không hồi hướng tại nhà. Ngày 13 tháng chín năm ấy, ta lại phát nguyện làm mười ngàn điều thiện để cầu xin đậu tiến sĩ. Ba năm sau, năm Bính Tuất (1646) ta thi đậu tiến sĩ, được bổ nhiệm chức huyện trưởng huyện Bảo Đề.

Ta chuẩn bị một cuốn sổ đặt tên là Sổ-Trị-Tâm. Mỗi sáng đến công đường làm việc ta đều dặn người trong nhà đem cuốn sổ đó trao cho lính gác cổng toà để đem lên bàn làm việc của ta. Mọi điều thiện ác ta làm trong ngày, dù lớn hay nhỏ, đều phải ghi vào. Ban đêm ta noi gương ông Triệu Duyệt Đạo (2), đặt bàn trên sân, đốt nhang khai báo cho Ngọc Hoàng những việc đã làm trong ngày.

Mẹ con thấy điều thiện không làm được bao nhiêu, thường cau mày rầu rĩ mà nói : « Trước kia thiếp ở nhà giúp chàng làm thiện, ba ngàn điều vẫn có thể làm xong. Nay phát nguyện mười ngàn điều, mà đời sống mới trong cửa quan lại không nhiều dịp làm thiện, biết đến bao giờ mới làm xong ».

Có một đêm ta nằm chiêm bao gặp một vị người-thần, ta than rằng : « Mười ngàn điều thiện khó mà làm xong ». Người-thần bảo : « Nội trong vụ giảm thuế đã đầy đủ công đức cho mười ngàn điều rồi ». Ta tỉnh dậy nhớ lại thật sự có chuyện này: Vì thuế ruộng ngày xưa trong huyện Bảo Đề mỗi mẫu phải đóng hai phân ba ly bảy hào. Ta có điều chỉnh lại và giảm xuống thành một phân bốn ly sáu hào. Nhưng vụ đó có đáng mười ngàn điều thiện hay sao ? Lòng ta vẫn lo lắng nghi ngờ. May có thiền sư Huyền Dư mới từ Ngũ Đài Sơn đến. Ta kể giấc mơ cho thiền sư nghe và hỏi giấc mơ này có đáng tin không? Sư nói : « Nếu có lòng tha thiết làm thiện thì làm một điều có thể tương đương với mười ngàn điều. Huống hồ cả huyện đều được giảm thuế, toàn dân đều được hưởng ». Ta bèn đem tiền lương cúng dường, nhờ thiền sư lúc trở về Ngũ Đài Sơn làm trai tăng một vạn người và xin đem công đức ấy hồi hướng.

Chú thích:

(1) Bài này là lá thư của Liễu Phàm viết cho con.

(2) Triệu Duyệt Đạo : Họ Triệu, hiệu Duyệt Đạo, tên Biện, người đời Tống, làm quan Điện Trung Thị Ngự Sử. Ngự Sử là chức chuyên môn điều tra các vụ tham nhủng bất công của các quan cao cấp. Ông Triệu xử lý nghiêm minh. Có biệt danh là « Thiết Diện Ngự Sử ». Lúc ông mất, Vua truy phong ông hai chữ « Thanh Hiến » . Kể từ đó, người ta tôn xưng ông là Thanh Hiến Công.

Lời dạy con

Khổng tiên sinh đoán ta năm 53 tuổi sẽ mất, tuy ta chưa hề cầu sống lâu, nhưng đến năm đó vẫn bình an trôi qua. Đến năm nay ta đã 69 tuổi (1) rồi. Kinh Thư nói : « Thiên mạng không nên tin, vì mạng người không cố định ». Lại nói : « Chỉ có mạng người mới có thể thay đổi ». Những lời trên không sai chút nào. Ta nhờ vậy mà hiểu được rằng : Những ai cho rằng họa phúc là do mình tạo thì đó là lời thánh hiền. Còn cho là trời định, thì đó chẳng qua là lý luận của giới phàm tục mà thôi.

Số mạng của con chưa biết sẽ ra sao. Cho dù con đang sống trong thời vinh quang, lỗi lạc, cũng phải nghĩ như đang thất bại, bị bỏ rơi. Cho dù gặp thời thuận lợi, suôn sẽ, nên nghĩ như gặp xui xẻo, trắc trở; Cho dù đời sống hiện giờ ăn mặc đầy đủ vẫn phải nghĩ như đang nghèo đói, thiếu thốn. Cho dù được người quý trọng kính yêu cũng phải nghĩ như lúc sợ hãi lo âu. Cho dù sống trong thời được nhiều tiếng tăm, uy quyền đều phải nghĩ như mình còn thấp hèn. Cho dù có học thức giỏi cũng phải nghĩ như mình còn nông cạn.

Nhìn xa phải nghĩ đến truyền bá đức hạnh của tổ tiên. Nhìn gần phải nghĩ đến che giấu lỗi lầm của cha mẹ. Nhìn trên phải nghĩ đến đền ơn tổ quốc. Nhìn dưới phải nghĩ đến tạo hạnh phúc cho gia đình. Đối ngoại phải nghĩ đến giúp người lúc cần. Đối nội phải nghĩ đến ngăn chặn ý nghĩ tà xấu của mình.

Chú thích:

(1) Liễu Phàm sống đến 74 tuổi.

Đo lường tiến bộ

Mỗi ngày đều phải thấy lỗi sửa sai. Nếu một ngày không thấy lỗi tức là ngày ấy đã hài lòng trôi qua. Như vậy phải xem như mất đi một ngày cơ hội để tiến bộ.Trong thế gian này không thiếu gì người thông minh tài giỏi. Nếu những người ấy không chịu trau dồi thêm đức hạnh, không chịu mở mang sự nghiệp, chẳng qua chỉ vì thích an vui hiện tại, không muốn sửa đổi mà thôi. Uổng phí cả một đời.

Thuyết lập mạng của thiền sư Vân Cốc là một lý lẽ tinh túy nhất, thâm thuý nhất, chân thực nhất, đúng đắn nhất mà con phải gắng sức nghiền ngẫm cho kỹ rồi hết lòng áp dụng trong đời sống, đừng để thì giờ uổng trôi.

Chương hai : Phương pháp sửa đổi

Cử chỉ lời nói, hiển bày thành bại

Vào thời Xuân Thu (1), người ta chỉ cần nhìn cử chỉ lời nói của một người là có thể biết người ấy sẽ thành công hay thất bại. Những lời tiên đoán đó luôn luôn chính xác. Chúng ta có thể cứu xét những chuyện ấy qua các cuốn sách sử như Tả Truyện (2) hay Quốc ngữ (2).

Nói chung, mọi dấu hiệu họa phước sắp xảy đến đều nảy mầm từ nội tâm rồi biểu hiện ra ngoài hành vi con người. Như người nhân hậu rộng lượng sẽ có thái độ chững chạc bình tĩnh, thường được phước. Người khắt khe hẹp hòi sẽ có thái độ bộp chộp nóng nẩy, thường gặp họa. Người thường không thấy xa, tưởng rằng họa phước là việc hên xui may rủi không thể tiên đoán được.

Theo nguyên tắc, lòng chân thành là lòng hợp ý trời. Muốn đoán phước sắp đến hay không chỉ cần biết người ấy có lòng thiện hay không. Muốn đoán họa sắp đến hay không chỉ cần biết người ấy có lòng ác hay không. Muốn tìm phước tránh họa, điều cần thiết nhất là việc sửa lỗi bản thân, sau mới nói đến việc làm thiện.

Chú thích:

(1) Xuân Thu : Vào cuối đời nhà Chu (khoảng 500 năm trước tây lịch), thế lực của Chu vương suy yếu, các chư hầu không còn thần phục sự cai trị của Chu vương nữa. Đó là thời Xuân Thu. Khổng Tử sống trong thời đó, thấy xã hội loạn lạc, đạo đức bị chôn vùi, Khổng Tử ghi hết mọi chuyện xảy ra vào cuốn sách sử mang tên là Xuân Thu.

(2) Tả Truyện, Quốc Ngữ : là hai cuốn sách sử nổi tiếng vào thời Xuân Thu. Quốc Ngữ ghi chép những chính trị lớn của các nước. Cón Tả Truyện ghi lại những chuyện nhỏ hơn.

Yếu tố sửa đổi

1. Biết xấu hổ

Người muốn sửa lỗi, việc đầu tiên là phải biết xấu hổ. Nghĩ đến các bậc thánh hiền ngày xưa cũng là con người như chúng ta, nhưng tại sao họ có thể gương mẫu ngàn đời mà chúng ta lại thân bại danh liệt. Vì ta đắm mê trần duyên, làm lén những việc trái với lương tâm, tưởng không ai biết liền ưỡn ngực làm như vô tội. Như vậy sẽ có ngày sống như con thú mà không hay. Trên đời không gì xấu hổ cho bằng . Mạnh tử nói: « "Biết xấu hổ" đối với con người rất quan trọng ». Người biết xấu hổ sẽ ngang hàng với thánh hiền, còn không biết xấu hổ thì chẳng khác gì con thú. Đó là điểm then chốt của việc sửa lỗi.

2. Biết lo sợ

Điều thứ hai là phải biết lo sợ. Trên có trời dưới có đất, chúng ta không thể qua mặt được quỷ thần. Dù chúng ta ở nơi kín đáo thì thiên địa quỷ thần vẫn hằng theo dõi ta. Nếu ta có lỗi nặng ắt sẽ giáng ta trăm điều tai hoạ. Nếu có lỗi nhẹ ắt sẽ giảm liền phước thọ. Chúng ta không lo sợ sao được?

Không những thế, ở những nơi riêng tư không ai thấy đều có quỷ thần canh phòng gắt gao. Dầu ta giấu diếm tội lỗi kín đáo, ngụy trang khéo léo chăng nữa, nhưng đối với họ, những gì ta nghĩ trong lòng họ đều biết hết, không lừa gạt được ai. Một khi bị người khác biết thì ta không còn giá trị gì nữa. Vậy không lo sợ sao được ?

Không những thế, dù là tội lỗi đầy trời, nếu ta còn một hơi thở thì vẫn còn có thể hối cải kịp thời. Người xưa có người cả đời làm ác, nhưng trước khi lìa đời, ăn năn lỗi lầm, phát một niệm thiện, liền được qua đời trong an lành. Cho nên người ta nói : « Một niệm mãnh liệt cũng đủ để tẩy sạch tội ác trăm năm ». Tỷ như một hang cốc tối tăm ngàn năm, vừa thắp lên ngọn đuốc thì ngàn năm tối tăm ấy liền tan mất. Cho nên không cần biết là tội lỗi nhiều ít hay lâu mau, điều quan trọng là phải biết hối cải.

Nhưng đời người vô thường, thân thể dễ hoại. Một khi hơi thở thở ra không hít vào nữa thì lúc đó muốn hối cải cũng đã muộn. Trên trần gian này cũng đã thối nát tiếng tăm. Tuy có con hiếu cháu ngoan vẫn không cách nào rửa sạch dùm được. Dưới cõi âm sẽ bị đọa vào địa ngục ngàn kiếp, dù có thánh hiền, Phật, bồ tát, có lòng thương xót chăng nữa cũng chẳng thể cứu vớt được gì. Vậy không lo sợ sao được ?

3. Có cương quyết

Thứ ba là có lòng cương quyết. Con người không muốn sửa lỗi chỉ vì trốn tránh không dám đương đầu với sự thật. Chúng ta phải phấn chấn lên, không do dự, không chần chừ. Phạm lỗi lầm nhỏ như bị gai đâm, phải lễ ngay tại chỗ. Phạm lỗi lầm lớn như bị rắn độc cắn ngón tay, phải chặt liền tức khắc. Phải dứt khoát không chút chần chừ do dự. Làm được như vậy mới có ích lợi như quẻ Phong Lôi (1) vậy.

Nếu đầy đủ cả ba yếu tố trên thì gặp lỗi mới có thể sửa liền được. Như tuyết xuân gặp nắng rọi, lỗi lầm nào chẳng tiêu tan ? Nhưng lỗi lầm con người có thể sửa trên sự việc, sửa theo lý luận hay sửa trong nội tâm. Hình thức sửa khác nhau và kết quả đem lại cũng khác nhau.

Chú thích:

(1) Quẻ Phong Lôi : Trong Kinh Dịch, quẻ Phong Lôi là một quẻ mang đặc tính ích lợi. Ví gió thổi và sấm nổ hỗ trợ lẫn nhau mà tạo ích lợi.

Hình thức sửa đổi

a. Sửa theo việc

Như hôm trước sát sanh, nay cấm sát sanh. Như hôm trước nóng giận, nay cấm nóng giận. Như vậy là sửa trên sư việc. Kềm ngọn mà không sửa gốc, điều đó rất khó, vì gốc bịnh vẫn còn. Kềm được tật này, tật khác lại trồi lên. Cho nên sửa ngọn không phải là môt phương pháp trừ sạch được bệnh gốc.

b. Sửa trên lý

Người khéo sửa lỗi, trước khi đặt điều cấm phải biết suy nghĩ lý do tại sao. Như lỗi sát sanh, phải hiểu rằng : Trời thích muôn loài vượng sống, không thích tàn sát. Mỗi loài vật đều muốn sống, đều sợ chết. Giết chúng để nuôi thân ta, lương tâm nào chấp nhận? Hơn nữa, đối với những loài vật bị giết, nào bị dao cắt, nào bị chảo chiên, những khổ đau đớn, thấu đến cốt tủy. Còn đối với chúng ta, giết chúng để trưng bày cao lương mỹ vị, ăn xong rồi cũng hết. Nếu ta thay thế bằng ăn chay vẫn có thể no bụng. Tại sao lại phải giết chúng để tổn phước của mình ?

Hơn nữa, nghĩ đến những loài vật có sanh mạng đều có linh tánh và tri giác. Mà đã có linh tánh và tri giác thì chúng với ta cùng một bản thể. Chúng ta đã cảm thấy xấu hổ vì không đủ đạo đức để chúng kính ta thân ta (*), mà sao lại còn mỗi ngày giết chúng để chúng mãi thù ta oán ta ? Khi nghĩ như thế, sẽ thấy miếng thịt mà đau lòng thương xót, làm sao nuốt nổi ?

Như hôm trước nóng giận, nên nghĩ rằng : Ai cũng có sai sót, ta phải thông cảm. Nếu ai xâm chạm đến ta một cách phi lý, vậy lỗi người đó, can chi với ta? Có gì mà giận?

Lại nghĩ thêm: Không hào kiệt nào mà tự cao, cho mình là đúng hết. Không người trí thức nào mà cứ oán trời trách người khi gặp những chuyện không vừa ý. Khi sự việc xảy đến không vừa ý, chỉ vì đức hạnh ta tu còn kém, lòng chân thành chưa đủ để cảm ứng trời mà thôi. Nếu mọi việc chúng ta đều biết tự xét lại, thì dù gặp người hủy báng ta đó đều là cơ hội cho ta rèn luyện. Ta phải cảm thấy mừng mới đúng, có gì mà phải tức giận ?

Hơn nữa, nếu ta nghe lời phỉ báng mà không giận, thì dù lời hủy báng ác độc đến đâu, chẳng khác nào như đem lửa đốt trời, chẳng cháy được gì, rồi cũng sẽ tắt. Ngược lại, nếu nghe những lời phỉ bángnổi giận. Dù hết lời biện hộ, chẳng khác nào như con tằm nhả tơ, tự trói buộc mình mà thôi. Sự nóng giận tai hại vô ích. Mỗi lần gặp lỗi lầm ta đều phải bình tĩnh sáng suốt để thấy lý của nó, khi lý đã rõ thì việc làm lỗi tự động sẽ dứt.

c. Sửa trong tâm

Thế nào là sửa trong tâm ? Lỗi lầm thiên hình vạn dạng đều do tâm tạo. Nếu tâm ta không động (1) thì thiện ác (2) từ đâu mà có ? Những thói hư tật xấu như háo sắc, ham danh, tham của, hay nóng giận, v.v. đâu cần sửa từng điều một, chỉ cần một lòng hướng thiện là chánh niệm hiển bày trong lòng, tà niệm tất nhiên không chỗ dung thân. Như mặt trời mọc lên thì quỷ quái phải tìm đường lẩn trốn. Đây là chỗ then chốt của lý này. Tội do tâm tạo, sửa cũng do tâm. Như muốn trừ một cây độc, chỉ cần đốn ngay gốc, đâu cần bẻ từng lá,chặt từng nhánh ?

Nói chung, phương pháp hay nhất là sửa tâm vì khi gặp cảnh, tâm luôn thanh tịnh. Ta biết rõ những gì đang xảy ra trong tâm. Nếu thấy tâm động, vọng niệm nổi lên, ta liền phát hiện mà không theo. Không theo thì lỗi đâu mà có ? Trong trường hợp áp dụng phương pháp sửa tâm không được, ta có thể dùng phương pháp lý luận để loại tà niệm. Nếu vẫn làm không được, ta còn có phương pháp giới luật để cấm cản. Ta có thể áp dụng cả ba phương pháp cùng một lúc vẫn không sao. Nhưng nếu chỉ cố chấp vào phương pháp thấp mà bỏ hẳn phương pháp cao là không hay rồi đó.

Chú thích:

(1) Tâm động : khi ngoại cảnh liên quan đến ta (chấp ngã), lòng bị tác động và trở nên nóng bổng (động) mà ý nghĩ (vọng niệm) nổi lên, liền có phản ứng hành động. Ngược lại, nếu tu tâmcông phu, khi gặp cảnh, lòng bình tĩnh, trí sáng suốt.

(2) Tâm không động không thiện ác : Như đi ngoài đường gặp người bên cạnh té xỉu. Ngay lúc đó, ý nghĩ chưa khởi, ta phản ứng theo bản tánh, không có thiện ác. Sau lúc đó, nếu tâm động thì người thiện tính theo thiện, người ác tính theo ác.

Kết quả sửa đổi

Khi phát nguyện sửa đổi , chúng ta một mặt cần đến bạn bè nhắc nhở, mặt khác phải xin quỷ thần chứng minh gia hộ. Thành tâm sám hối, ngày đêm không ngừng. Sớm thì sau 7 ngày, 14 ngày, trễ thì một tháng, hai tháng hay nhiều nhất là ba tháng sẽ có kết quả. Như lòng cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, trí tuệ bừng sáng. Vì thế khi gặp phải những chuyện rắc rối khó giải quyết hay những việc nhỏ nhoi buồn phiền ta đều có thể giải quyết nhanh chóng rõ ràng. Khi gặp chuyện oán thù đều có thể hòa giải thành vui. Hoặc nằm mơ thấy nhả ra đồ dơ bẩn, hoặc thấy Phật, Bồ tát đưa tay tiếp đón, hoặc thấy nhẹ nhàng bay bổng, hoặc thấy lâu đài lộng lẫy, cờ và lọng bằng châu báu v.v… Những cảnh thù thắng đó nói lên nghiệp tội đã được tiêu trừ. Nhưng đừng nên vì vậykiêu ngạo thỏa mãn, làm đứt đoạn con đường tiến lên.

Ngày xưa có ông Cự Bá Ngọc. Lúc ông hai mươi tuổi đã cảm thấy không còn lỗi gì để sửa nữa. Nhưng khi ông lên hai mươi mốt tuổi, nhìn lại tuổi hai mươi vẫn còn sót lại lỗi chưa sửa hết. Lên hai mươi hai tuổi vẫn còn thấy lỗi của tuổi hai mươi mốt chưa sửa hết. Vẫn còn thấy mình còn lờ dờ, chưa hết mình. Cứ thế cố gắng cải sửa thêm nữa và thêm nữa, từ năm này qua năm nọ, mãi đến năm năm mươi tuổi, vẫn còn thấy năm bốn mươi chín tuổi còn sót lỗi. Ngày xưa người ta sửa lỗi kỹ lưỡng đến như thế đó.

Chúng ta đều là giới phàm phu, lỗi lầm đầy mình. Xưa không thấy lỗi nay thấy lỗi là chứng tỏ ta đã có tiến bộ, có thêm trí tuệ. Nếu nhìn lại quá khứ mà không thấy lỗi nào, thật sự người đó sống quá hời hợt không thấy gì cả.

Ngược lại, nếu con người có nhiều lỗi lầm sâu nặng, sẽ có những triệu chứng như tâm thần bị hỗn loạn bế tắc, hay đãng trí trầm trọng. Hay tự nhiên cảm thấy bực bội không lý do. Hoặc gặp người phẩm hạnh cao quý thì cảm thấy hổ thẹn, ủ ê. Hoặc nghe người bàn luận điều đúng lẽ phảicảm thấy không vui. Hoặc giúp người lại bị người hiểu lầm oán trách. Hoặc ngủ không yên, nhiều ác mộng. Nếu trầm trọng sẽ phát ngôn bừa bãi, điên cuồng. Đó là tướng của người làm nhiều tội ác. Nếu ai cảm thấy mình đúng trong trường hợp này nên lập tức quyết chí phấn đấu cải sửa, dứt khoát bỏ hết những tánh ác tật xấu, làm lại đời mới. Đừng nên trễ nải.

Chương ba : Phương pháp làm thiện

 

Những câu chuyện làm thiện dư phước cho con cháu

Kinh Dịch dạy: « Gia đình làm thiện, ắt dư phước cho con cháu ». Xưa có gia đình họ Nhan cho con gái lấy ông Túc Lương Hột (1) chỉ vì tổ tiên của ông Túc đã làm nhiều phước thiệntin chắc con cháu sau này sẽ thịnh vượng. (Quả nhiên sau này sanh ra thánh nhân Khổng Tử).

Khổng Tử cũng nói : « Đại hiếu như vua Thuấn (2), không những ông bà tổ tiên được hưởng mỗi khi cúng giỗ, mà cũng đảm bảo được con cháu đời đời thịnh vượng ». (Sau này con cháu của vua Thuấn cai trị nước Trần). Đó là những câu chuyện thật, ai ai đều bàn đến. Nay dẫn chứng thêm những câu chuyện lịch sử.

Chú thích:

(1) Túc Lương Hột : Thân phụ của đức Khổng Tử.

(2) Vua Thuấn : Một trong những vị lãnh đạo đầu tiên của Trung Hoa (trước công nguyên khoảng 2500 năm). Trong lịch sử Trung Hoa ai cũng công nhận vua Thuấn là ngườiđại hiếu. Mẹ Ngài mất lúc Ngài còn nhỏ. Cha Ngài cưới vợ khác, sau sanh thêm người con. Trong gia đình, Ngài bị cha, mẹ và em ăn hiếp, đánh đập, đến nỗi nhiều lần bị ép hại đến chỗ gần chết. Ngài không bao giờ oán trách sự độc ác của người khác mà chỉ kiểm lại khuyết điểm của mình, không ngừng sửa lỗi, không ngừng thương giúp mọi người. Cuối cùng Ngài cảm động cả gia đình. Người lãnh đạo lúc đó là vua Nghiêu thấy như vậy, sau truyền ngôi cho Thuấn vì việc Thuấn cảm động được cả gia đình sẽ là gương sáng cho thiên hạ.

Cứu người chết đuối

Thiếu Sư (1) Dương Vinh, người Kiến Ninh. Các tổ tiên đều sống với nghề chèo đò đưa khách sang sông. Có lần mưa lâu ngập lụt, nước chảy xiết cuốn trôi nhà cửa, dân làng và súc vật. Các ghe khác lo vớt của cải trôi trên mặt nước, còn ông cố và ông nội của Thiếu Sư chỉ lo cứu người, không lấy của trôi. Dân làng cho họ là ngu. Sau đến đời cha Thiếu Sư, đời sống dần dần khá lên. Có vị thần hóa thành một ông đạo sĩ đến nói : « Ông nội ông có nhiều âm đức, cho nên con cháu sẽ vượng thịnh. Ông có thể chôn cất họ ở nơi này … ». Cha ông Thiếu Sư nghe lời chôn cất ông nội và ông cố. Đó là Mồ Thỏ Trắng nổi tiếng hiện nay. Sau đó Thiếu Sư ra đời, hai mươi tuổi đã đậu tiến sĩ và làm quan đến Tam Công (*). Sau đó hoàng đế còn truy phong ông cố, ông nội và ông cha của Thiếu Sư với quan tước như Thiếu Sư. Con cháu của Thiếu Sư rất thịnh vượng. Mãi đến bây giờ vẫn còn có nhiều người tài giỏi ...

Chú thích:

(1) Quan Thiếu sư : Quan chức phụ trách vấn đề học hành của hoàng đế. Có : Thái sư, Thái Phó, Thái Bảo, Thiếu sư, Thiếu Phó và Thiếu Bảo. 6 chức này gọi chung là Tam Công (vì Thiếu cũng xem như là Thái)

Xin toà bớt nóng

Ông Dương Tự Trừng, người tỉnh Triết Giang, huyện Ngân. Mới nhậm chức thư ký trong huyện không bao lâu. Tuy chức không cao nhưng đầy lòng thương người và độ lượng, tôn trọng luật pháp và xử lý công bằng. Huyện trưởng là người nghiêm khắc, có lần phạt hình tù nhân đến đổ máu mà cơn nóng vẫn chưa hạ. Ông Dương thấy vậy quỳ xuống xin toà nương tay. Ông huyện trưởng rằng : « Tù phạm này quá đáng như vậy, ta không nóng sao được » ? Ông Dương vừa quỳ lạy vừa thưa rằng : « Đức Khổng Tử dạy (1) : "Trên làm không đúng khiến dân thờ ơ sự dạy dỗ đã lâu. Tội nghiệp họ không thấy lẽ phải . Một khi vụ án tìm ra sự thật, ta không nên mừng mà phải đau lòng thương xót mới đúng". Mừng đã không nên, huống hồ nóng giận » . Huyện trưởng nghe cảm động và hạ cơn nóng.

Chú thích:

(1) Luận Ngữ, chương 19 Trương Tử: « Thượng thất kì đạo,dân tán cửu hĩ,như đắc kì tình,ai căng vật hỉ »

Nhịn ăn cứu tù

Ông Dương tuy rất nghèo nhưng trong sạch. Người khác tặng quà không bao giờ nhận. Mỗi khi gặp phạm nhân thiếu ăn, ông Dương luôn tìm mọi cách để giúp đỡ. Có hôm có vài phạm nhân mới đến, đói mà không có ăn. Nhà ông Dương vừa nhằm lúc hết gạo. Nếu cho phạm nhân ăn thì người nhà sẽ nhịn đói. Nếu dành cho người nhà thì thấy tội nghiệp phạm nhân. Cuối cùng, ông thương lượng với vợ. Vợ rằng : « Phạm nhân từ đâu đến » ? Ông Dương đáp rằng : « Mới từ Hàng Châu đến. Vì dọc đường nhịn đói, cho nên mặt ai cũng xanh lè ». Vì tội nghiệp tù nhân quá, cuối cùng gia đình ông Dương quyết định nhịn đói, lấy hết gạo còn lại nấu cháo cho các tù nhân ăn. Sau này ông Dương sanh được hai con trai. Đứa lớn tên là Thủ Trần, đứa nhỏ tên là Thủ Chỉ. Cả hai đều làm quan Lại Bộ Thị Lang (1), một người làm ở Bắc kinh, một người làm ở Nam kinh(2). Còn đứa cháu lớn của ông Dương làm quan Hình Bộ Thị Lang. Đứa cháu nhỏ làm quan Liêm-Hiến (3) ở tỉnh Tứ Xuyên. Hai con hai cháu đều là đại thần nổi tiếng trong nước. Và hai nhân vật nổi tiếng ngày nay là ông Sở Đình và ông Đức Chánh đều là con cháu đời sau của ông Dương.

Chú thích:

(1) Quan Thị Lang : Quan cao nhất trong một bộ gọi là Thượng Thư (tương đương bộ trưởng ngày nay), Quan kế Thượng Thư gọi là Thị Lang.

(2) Nam Bắc : Đáng lẽ một nước chỉ có 6 bộ. Nhưng đặc biệttriều đại nhà Minh, vì thủ đô từng ở Nam Kinh, sau dời lên Bắc Kinh. Cho nên có 2 thủ đô và các bộ cũng chia ra Bắc 6 bộ và nam 6 bộ.

(3) Quan Liêm Hiến : Ngoài thủ đô, những quan lo về hình sự gọi là Liêm-Hiến hay Án-Sát-Tư.

Tránh giết dân lành

Ngày xưa, vào thời Vua Chánh Thống đời Minh, có giặc Đặng Mậu Thất cầm đầu nổi loạn ở tỉnh Phước Kiến. Giới trí thức cũng như dân làng tham gia rất đông. Triều đình sử dụng lại quan Đô Hiến (1) Trương Giai ở huyện Ngân xuống miền nam dẹp loạn. Ông Trương đưa ra kế hoạchcuối cùng bắt được giặc Đặng. Nhưng bọn giặc còn lại vẫn còn hoạt động rải rác phía đông. Ông Trương phái Đô Sự (2) Tạ trong Bố Chánh Tư(3) tỉnh Phước Kiến đi lùng bắt bọn giặc, ra lệnh bắt được là giết tại chỗ. Ông Tạ không muốn giết oan người dân vô tội, cố gắng sưu tầm danh sách bọn giặc. Nếu gia đình nào không có trong danh sách sẽ phát ngầm một lá cờ trắng nhỏ, dặn đến ngày lùng bắt phải treo lên trước cửa nhà. Đồng thởi ra lệnh binh lính tuyệt đối không được giết hại những nhà có treo cờ trắng. Nhờ vậy mà hàng vạn người khỏi bị giết oan. Sau này con của ông Tạ, tên là Thiên, thi đậu trạng nguyên(4), làm Thủ Tướng. Cháu của ông Tạ, tên là Pi, cũng đậu được Thám hoa (4).

Chú thích:

(1) Quan Đô Hiến : Quan cao cấp nhất trong các quan Ngự Sử. Nhiệm vụ của quan Ngự Sử chuyên môn thanh tra các quan khác làm việc có đàng hoàng hay không và tấu lên Vua để xét xử.

(2) Quan Đô sự : Một quan chức trong Bố Chánh Tư.

(3) Bố Chánh Tư : cơ quan quản lý tài chánh và nhân sự cấp tỉnh.

(4) Trạng nguyên, thám hoa : Trong kỳ thi tiến sĩ, đậu thủ khoa gọi là Trạng Nguyên, hạng nhì là Bảng Nhãn, hạng ba là Thám Hoa . . .

Bố thí chân thành

Trong huyện Bổ Điền có ông Lâm. Mẹ ông thích làm thiện, thường tặng bánh bao cho người nghèo đói. Ai xin là cho, không bao giờ tỏ vẻ phiền chán. Có ông tiên hoá thành một đạo nhân mỗi sáng đều xin sáu bảy bánh bao. Mẹ ông ngày nào cũng cho, liên tục ba năm không ngừng. Ông tiên cảm động trước lòng chân thành làm thiện của bà mẹ già và nói : « Bà nuôi dưỡng tôi ba năm, không biết làm sao mà trả ơn. Đằng sau nhà bà có một miếng đất, sau khi bà mất nên chôn tại đó, sau này con cháu bà sẽ làm quan tước nhiều như một gáo mè ». Sau khi bà qua đời, con bà chôn bà theo lời dặn. Đời sau liền có chín người thi đậu tiến sĩ. Con cháu nhiều đời kế tiếp đều là quyền cao chức trọng. Vùng tỉnh Phước Kiến đồn rằng : « Thi cử nào không thí sinh họ Lâm sẽ không ai đậu ».

Cứu người rét cứng

Thân phụ của Thái sử (1) Phùng Trác Am, lúc còn là học sinh tú tài trong huyện. Một buổi sáng lạnh rét, ông đi học thấy một người nằm ngã trong tuyết. Người đã cứng đờ. Ông liền cởi áo lông cừu khoác lên và dìu về nhà cấp cứu. Sau có vị thần báo mộng rằng : « Thấy ngươi cứu người chân thành, ta sẽ gởi Hàn Kỳ (2) làm con ngươi ». Sau ông sanh con hiệu là Trác Am, đặt tên là Kỳ để kỷ niệm việc này.

Chú thích:

(1) Thái sử : quan trong Hàn Lâm Viện, chuyên về lịch sử.

(2) Hàn Kỳ : Một quan tướng văn võ toàn tài trong đời Tống. Từng làm mười năm thủ tướng, người tài giỏi vô cùng, trong nước ai ai đều kính nể, nước ngoài e sợ. Lập nhiều công lớn cho triều đình. Vua Thần Tông phong cho ông hai chữ "Trung Hiến". Người sau này gọi ông là Ông Hàn Trung Hiến.

Giúp đỡ ngấm ngầm

Ở Đài Châu có ông Thượng Thư tên là Ứng. Lúc còn trẻ học trong vùng núi. Ban đêm nhiều ma tụ lại la hú ghê sợ. Mọi người đều sợ không dám ở, song ông Ứng không sợ. Một đêm ông nghe ma nói chuyện với nhau rằng : « Có một bà, người chồng đi xa lâu quá không tin tức, cha mẹ chồng tưởng con đã chết cho nên ép bà này lấy người khác. Bà không chịu cho nên định tối nay treo cổ tự tử ở đây. Vậy ta sẽ có người thế (1) rồi ». Ông Ứng nghe vậy ngầm bán đi miếng ruộng của mình được bốn lạng vàng, và viết thêm một lá thư giả làm như người con từ xa gửi tiền về. Cha mẹ chồng thấy chữ viết không giống sanh nghi ngờ. Nhưng lại nghĩ rằng thư có thể giả nhưng ai mà giả mạo gửi tiền về để làm gì ? Vì thế mà tin con mình còn sống, không ép con dâu lấy chồng khác nữa. Sau con trở về, vợ chồng ái ân không bị tan rã nữa.

Một đêm khác ông Ứng lại nghe ma nói nhau rằng : « Tôi đáng lẽ đã tìm được người thay thế, không ngờ lại bị gã Tú-tài này làm hỏng việc ». Ma bên cạnh bảo: « Sao không hại nó » ? Rằng : « Thượng đế cho rằng ông này có lòng tốt, đã phong cho ông chức Âm Đức Thượng Thư, cho nên ta hại không được » ? Ông Ứng biết vậy càng cố gắng hành thiện thêm. Điều thiện ngày càng tu thêm, âm đức ngày càng trữ nhiều. Gặp năm mất mùa nạn đói, ông Ứng đều lấy gạo của mình ra cứu trợ. Khi bà con bạn bè gặp khó khăn ông đều hết lòng giúp đỡ. Khi gặp người khác đối xử không tốt với ông, ông chỉ trách mình có thái độ nào không đúng cho nên người khác hiểu lầm và đối xử không tốt với mình, nghĩ như vậy ông liền cam tâm chấp nhận. Con cháu của ông Ứng thi đậu làm quan nhiều không kể được.

Chú thích:

(1) Ma treo cổ chết phải đợi người treo cổ khác thay thế mới được đi đầu thai.

Giúp nghèo xây công

Ở huyện Thường Thục tỉnh Giang Tô có ông Từ, hiệu Phụng Trúc, tên Thức. Cha ông là chủ ruộng khá giàu. Thỉnh thoảng gặp phải năm mất mùa, cha ông đều không lấy tiền thuê ruộng của các nông dân, làm gương cho các chủ ruộng khác noi theo. Ngoài ra còn lấy gạo cứu giúp dân nghèo. Đêm thường nghe quỷ la trước nhà rằng : « Trăm không dối (1), ngàn không dối, tú tài nhà Từ sắp lên cử nhân lối ». Đêm nào cũng la hét như vậy. Quả nhiên trong năm đó đứa con Phụng Trúc thi đậu cử nhân. Vì vậy ông càng cố gắng tích trữ công đức thêm, hăng say không ngừng. Thấy cầu hư sửa cầu, thấy đường hư sửa đường, cúng dường trai tăng, tiếp tế cứu trợ dân nghèo. Chuyện gì hễ có lợi cho công cộng ông đều hết lòng mà làm. Sau đó lại nghe quỷ la trước nhà rằng : « Trăm không dối, ngàn không dối, cử nhân nhà Từ đi đến Đô Đường (2) lối ». Cuối cùng đứa con Phụng Trúc làm đến quan Tuần Phủ (3) trong coi cả miền đông và miền tây tỉnh Triết Giang.

Chú thích:

(1) Dối trá.

(2) Quan Đô Đường : quan chức cao cấp trong Đô sát viện, gọi là Tả Đô Ngư Sử .

(3) Quan Tuần Phủ : quan cao nhất trong tỉnh.

Âm thầm làm thiện không ai biết

Ở phủ Gia Hưng có ông Đồ Khang Hy. Lúc mới làm chủ sự (1) trong Bộ Hình, ông thường trực ban đêm ở trong tù. Cho nên có rất nhiều dịp tiếp xúc các tù phạm, biết được một số tù phạm bị oan. Ông có thể biện hộ cho tù phạm trắng án để lập công riêng, nhưng ông không làm như thế. Ông bí mật viết báo cáo lên quan toà. Mỗi năm vào mùa thu là lúc quan toà xử lại các vụ an lớn. Quan toà thường căn cứ trên báo cáo của ông Đồ mà xét xử, làm ai ai đều khâm phục sự phán xét công bằng của toà và trắng án được mười mấy người tù. Dân chúng trong Kinh Đô đều hoan hô sự xử lý công bằng của Thượng Thư Bộ Hình mà không biết sau lưng là công lao của ông Đồ. Ông Đồ lại xin đề nghị cấp trên rằng : « Nội trong Kinh Đô đã nhiều tù phạm bị oan như vậy, thử hỏi trong nước cả triệu triệu dân, những người bị oan chắc sẽ rất nhiều. Xin đề nghị mỗi năm năm phái một quan giảm hình đến khắp nơi điều tra lại các vụ án, cân nhắc lại các trừng phạt hầu đem lại sự chính xáccông bằng ». Quan Thượng Thư theo đề nghị này tấu lên vua và được chấp thuận. Ông Đồ cũng được phái làm một trong những quan giảm hình. Một đêm có thần báo mộng ông Đồ rằng : « Mạng ông vốn không con, nhưng đề nghị giảm hình của ông rất hợp lòng trời. Thượng đế tặng ngươi ba đứa con, trong tương lai sẽ làm quan lớn ». Đêm đó phu nhân có thai. Sau sanh con Ứng Huân, Ứng Khôn và Ứng Tuấn, đều làm quan hiển hách.

Chú thích:

(1) Chủ sự : quan chức nhỏ trong Bộ.

Chân thành cúng dường xây mái chùa

Ở tỉnh Gia Hưng có ông Bao Bằng, hiệu là Tin Chi. Thân phụ ông là quan Thái Thú (1) ở phủ Trì Dương, tỉnh An Huy. Ông Bằng có tất cả bảy anh em, ông là con út, là rễ của của gia đình họ Viên ở Hồ Bình. Hai gia đình rất thân nhau. Ông Bằng tài cao học rộng, nghiên cứu sâu rộng về Phật và Lão Tử. Nhưng thi mãi không đậu. Có lần đi chơi ở hồ Liễu phía đông. Tình cờ đến một ngôi chùa trong làng. Thấy tượng Quan âm đứng bị ướt đẫm vì mái chùa bị dột. Ông liền cúng dường hết mười lạng vàng cho vị Trụ Trì để sửa mái nhà. Vị Trụ Trì nói công đức thí chủ tuy lớn nhưng công trình sửa mái khá lớn, e rằng số tiền cúng dường không đủ để hoàn tất. Ông liền lấy ra bốn tấm vải quý, sản xuất tại Tùng-Giang, và một số áo mới mắc tiền để cùng dường. Người hầu thấy vậy xin cản. Ông Bằng nói : « Chỉ cầu thánh tượng yên ổn là được rồi, còn tôi không áo mặc cũng chẳng sao » ? Thầy Trụ Trì cảm động khóc ra nước mắt rằng : « Bỏ ra tiền và áo vải bố thí cũng chẳng phải là khó, nhưng lòng chân thành như thế thật là hiếm có ». Sau khi sửa xong mái chùa, ông dẫn thân phụ đến viếng chùa. Đêm đó ngủ lại tại chùa. Ông nằm mơ thấy thần hộ pháp Già-Lam đến cám ơn và nói rằng : « Con cháu ông sẽ hưởng giàu sang phú quý ». Sau ông có con tên là Biện, có cháu tên là Sanh Phương, cả hai đều thi đậu tiến sĩ, làm quan rất hiển hách.

Chú thích:

(1) Quan Thái thú : Phủ trưởng, quan cao nhất trong một phủ.

Giúp tù nhân không cần đền đáp

Ở huyện Gia Thiện có ông Lập Chi. Cha ông làm quan trong Bộ hình. Thấy một tội phạm bị oan tội tử hình, cha ông rất lấy làm thương hại, tìm cách gỡ tội oan đó. Ông tù cảm động nói với vợ rằng : « Anh rất lấy làm hỗ thẹn vì không thể đền đáp lòng tốt của ông Chi. Ngày mai em mời ông Chi về nhà mình. Em xin làm thiếp ông ấy. Nếu nhận mối tình này thì anh mới có hy vọng không chết ». Vợ khóc nhưng cũng phải đồng ý. Khi ông Chi đến nhà, vợ lấy rượu chiêu đãingỏ ý của chồng mình. Ông Chi từ chối. Nhưng vẫn hết mình chạy cho phạm nhân trắng án. Đến khi ông tù được thả tự do, hai vợ chồng đến nhà quỳ lạy cám ơn rằng : « Trên đời này không còn ai có đức cao nghĩa rộng như ngài. Biết ngài không con, chúng tôi xin dâng đứa con gái làm thiếp ngài. Vậy chắc cũng hợp tình hợp lý ». Ông Chi đồng ý và chuẩn bị nhiều quà để xin cưới. Sau sanh con tên là Lập. Hai mươi tuồi đã thi đậu cử nhân hạng đầu. Làm quan Khổng Mục (1) trong Hàn Lâm Viện. Lập sanh con tên là Cao. Cao sanh con tên là Lộc. Đều được bổ nhiệm quan Bác-Học (2). Lộc sanh con tên là Đại Luận, đậu tiến sĩ.

Chú thích:

(1) Quan Khổng Mục : Một quan chức nhỏ chuyên giữ tài liệu trong Hàn Lâm Viện.

(2) Quan Bác-Học : quan dạy học ở tỉnh.

Tiêu chuẩn làm thiện

Mười câu chuyện kể trên tuy việc làm khác nhau nhưng chung quy chỉ là làm thiện mà thôi. Nếu nói kỹ hơn, làm thiện có nhiều tiêu chuẩn ; có thật có giả, có thẳng có cong, có âm có dương, có đúng có sai, có chánh có tà, có vơi có đầy, có lớn có nhỏ, có khó có dễ, đều phải phân biệt cho sâu sắc. Làm thiện mà không hiểu rõ lý lẽ, thì mình tưởng hành thiện, ngờ đâu là tạo ác, uổng công vô ích.

Lợi người, dù chửi đánh đều là thiện. Lợi mình, dù kính chiều vẫn là ác.

Thế nào là thiện thật hay thiện giả ? Xưa có vài học giả đi thăm hòa thượng Trung Phong (1), hỏi rằng : « Nhà Phật nói thiện ác báo ứng như bóng theo hình, không chạy đâu khỏi. Nhưng tại sao có người làm thiện mà con cháu không vượng, mà kẻ ác lại phát đạt ? Không lẽ lời nói của Phật vô căn cứ sao »? Hòa thượng trả lời rằng: « Người phàm tâm tính chưa được tẩy gội thanh tịnh, pháp nhãn(2) chưa mở, cho việc thiện là ác, cho ác là thiện là chuyện thường. Quý vị điên đảo thị phi không thấy xấu hổ mà còn chỉ trich báo ứng thiện ác của Phật là sai lầm ». Những học giả lại nói : « Thiện là thiện, ác là ác, đâu thể nhằm lẫn được » ? Hòa thượng bảo họ nêu lên thí dụ cụ thể thế nào là thiện và thế nào là ác. Một người nói : « Mắng chửi, đánh đập là ác, tôn kính lễ phép là thiện ». Hòa thượng rằng chưa chắc. Một người khác nói : « Tham lam, ăn cắp là ác, liêm khiết giữ luật là thiện ». Hòa thượng đáp rằng chưa chắc. Mọi người đều lần lượt đưa ra thí dụ, nhưng Trung Phong hòa thượng đều nói chưa chắc.

Cuối cùng họ xin hòa thượng giảng giải cho. Hòa thượng nói rằng: « Việc gì có lợi cho người khác đều là thiện, lợi riêng cho mình là ác. Lợi cho người khác dù là mắng chửi, đánh đập vẫn là thiện. Chỉ lợi riêng cho mình dù tôn kính, lễ phép vẫn là ác. Cho nên việc hành thiện, lợi chung là thật, lợi riêng là giả. Xuất phát từ lòng chân thành là thật, lòng giả dối là giả. Không vì mục đích riêng tư là thật, có riêng tư là giả. Phân biệt hành thiện thật hay giả đều phải xét cho rõ.

Chú thích:

(1) Hoà thượng Trung Phong : Tu ở núi Thiên Mục. Sau triều đình nhà Nguyên phong làm quốc sư Phổ Ứng.

(2) Pháp nhãn hay tuệ nhãn : Con mắt thấy rõ lòng mình. Khi trong đã rõ thì mọi sự mọi việc bên ngoài cũng sẽ rõ ràngchính xác.

Giúp, thương, tôn kính đời là thiện. Nịnh, ghét, bỡn cợt đời là ác

Thế nào là thiện thẳng hay thiện cong ? Người đời thích chọn người lãnh đạo xu thời, bảo thủ. Thánh nhân thích chọn người có tinh thần cách mạng, tân tiến. Người xu thời thường yếu đuối, nịnh bợ, biết làm hài lòng dân nhưng dưới cặp mắt của thánh nhân cho đó là giặc, là không đạo đức lương tâm. Nhà cách mạng thường kiêu ngạo, không gây cảm tình, nhưng họ có tài. Điều đó nói lên tiêu chuẩn thiện ác của người đời đều thường sai lệch, trái hẳn với thánh nhân. Còn tiêu chuẩn phước họa thiện ác của thiên địa quỷ thần đều giống như thánh nhân mà khác hẳn với người đời. Nếu muốn làm thiện, tuyệt đối không thể nghe theo ý nghỉ của tai và mắt (1) mình. Mà phải tìm sâu trong đáy lòng những tư tưởng của ta mà thanh lọc; Tư tưởng giúp đời, tôn kính, thương người là thẳng. Nếu có một chút ý nghĩ nịnh bợ, hờn giận, bỡn cợt đời đều là cong. Ta nên phân biệt tỉ mỉ điều này.

Chú thích:

(1) Khi quan sát một đối tượng, cái thấy của mọi người đều như nhau gọi là khách quan. Một khi đối tượng có liên quan đến chủ thể thì cái thấy ấy liền bị sai lệch, che lấp, trở thành chủ quan vì có thêm vào ý nghĩ riêng tư. Cho nên ý nghĩ đó không nên tin.

Dương thiện hưởng tiếng, âm đức hưởng phước

Thế nào là thiện âm hay thiện dương ? Làm việc thiện mà người ta biết gọi là dương thiện. Làm việc thiện mà không ai hay gọi là âm đức. Âm đức, trời sẽ thưởng. Dương thiện, hưởng tiếng tăm. Tiếng tăm, là phước báu của con người nhưng trời đất không thích lắm. Cho nên những ai hưởng tiếng tăm nhưng không xứng đáng với những gì họ làm thì thường gặp những tai họa bất ngờ. Còn người không tội lại bị oan chịu tiếng xấu thì thường con cháu bừng phát đạt. Chỗ sai biệt của dương thiện và âm thiện rất ít, cần phải cẩn thận suy xét.

làm việc thiện phải nghĩ đến hậu quả lâu dài

Thế nào là thiện đúng hay thiện sai ? Trong thời Xuân Thu, các chư hầu thường gây chiến với nhau. Đôi bên đều bắt giữ rất nhiều tù binh làm nô lệ. Người ta có thể dùng tiền để bảo lãnh tù binh về. Nước Lỗ ban hành một luật rằng : « Ai dùng tiền bảo lãnh tù binh về sẽ được thưởng ». Tử Công là học trò của Khổng Tử, tên là Tứ, giàu có và giỏi về quản lý tài chánh. Tử Công dùng tiền bảo lãnh tù binh nhưng từ chối lãnh phần thưởng. Khổng Tử biết được liền giận và bảo : « Tứ làm như vậy sai rồi. Việc làm của thánh nhân đều là gương sáng cho dân noi theo, tạo nên phong tục tập quán cho sau này. Đâu thể chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà muốn làm gì thì làm. Nước Lỗ người giàu ít mà người nghèo nhiều. Nếu dân bắt chước, cho rằng không nhận thưởng là cử chỉ cao đẹp, thì người nghèo sao có thể bắt chước như Tử Công được ? Từ nay về sau chắc không ai lãnh tù binh từ các nước chư hầu về nữa ».

Tử Lộ, tên Do, cũng là học trò của Khổng Từ. Có lần cứu người khỏi chết đuối. Người ta tặng con trâu để tạ ơn. Tử Lộ nhận lãnh. Khổng Tử nghe được lấy làm mừng và bảo : « Từ nay về sau ở nước Lỗ sẽ có nhiều người lo cứu kẻ chết đuối ». Dưới cặp mắt của người thường thì Tử Công không lãnh tiền thưởng là cao cả, còn Tử Lộ nhận tặng trâu là thấp hèn. Nhưng Khổng Tử lại thích Do mà chê Tứ. Cho nên quan niệm làm thiện không nên nghĩ tới lợi ích trước mắt mà phải nghĩ đến hậu quả lâu dài về sau. Không nên nghĩ đến đúng cho bây giờ mà phải nghĩ đến đúng cho tương lai. Không nghĩ đến riêng cho mình mà phải nghĩ đến cho mọi người. Việc làm tuy thiện cho hiện thời nhưng sẽ có tác hại khi diễn tiến trong tương lai thì đó không phải là việc thiện. Còn việc làm hiện thời tuy không thiện nhưng về sau này sẽ có lợi ích nhiều cho mọi người thì đó không thiện mà thiện. Còn những chuyện khác như nghĩa mà không nghĩa, lễ mà không lễ, tín mà không tín, từ bi mà chẵng từ bi v.v… Mọi việc đều phải cẩn thận lựa chọn.

Gặp ác không can thiệp là làm ác

Thế nào là thiện chánh hay thiện tà ? Xưa có ông Lữ văn Ý (1). Lúc mới từ chức thủ tướng về hưu, dân trong nước ai cũng mến phục kính nể. Nhưng có lần có một dân làng say rượu chửi mắng ông. Ông không giận và bảo người hầu rằng : « Đừng suy bì với người say rượu, lễ phép mời họ về ». Qua năm sau, người đó phạm tội tử hình bị giam vào tù. Ông Lữ lúc đó hối hận rằng : « Nếu hôm đó ta cho hắn một bài học, đưa ra quan toà trừng phạt. Có lẽ nhờ chút trừng phạt có thể làm hắn sửa đổi lại hơn là ta vì quá nhân hậu tha thứ bỏ qua mà làm cho hắn càng lộng hành thêm và cuối cùng phải chịu hậu quả ngày hôm nay ». Đó là một ví dụ vì lòng thiện mà hóa ra làm ác.

Chú thích:

(1) Lữ văn Ý : tên là nguyên, hiệu Phùng Nguyên, người Triết Giang, phủ Hồ Châu, huyện Tú Thuỷ. Đậu tiến sĩ, làm quan Biên Thư trong Han Lâm Viện. Từng làm thủ tướng đời Minh.

Làm ác với động cơ thiện là làm thiện

Lại có khi làm ác mà hóa ra là việc thiện. Như có một người giàu gặp năm mất mùa, dân nghèo ban ngày cướp gạo tại chợ. Người giàu báo huyện nhưng huyện không can thiệp. Dân nghèo vì vậy mà lộng hành thêm. Người giàu cho người trừng trị và giam cầm những tên cướp bóc, nhờ vậy mà ổn định được tình thế, nếu không thì tình trạng không biết sẽ hỗn loạn đến cỡ nào. Cho nên ai cũng hiểu việc thiện là chánh, việc ác là tà. Nhưng có trường hợp việc làm có vẻ ác nhưng với động cơ thiện. Cũng có trường hợp làm thiện nhưng với động cơ ác. Chúng ta không thể không biết đến.

Thiện ác tích trữ như đồ vật, nhanh chậm nhiều ít tuỳ theo mình

Thế nào là thiện vơi hay thiện đầy? Kinh dịch nói : « Trữ thiện nhiều mới có tiếng tai tốt. Trữ ác nhiều mới có họa sát thân ». Kinh Thư cũng nói : « Tội ác của vua Trụ nhiều như một xâu tiền (1) đầy ». Thiện ác như trữ đồ trong kho. Siêng năng chất chứa sẽ mau đầy, lười sẽ vơi mãi. Đó là một cách nói về vơi và đầy.

Chú thích:

(1) Một xâu tiền trong thời đó là quá nhiều.

Chân thành cúng dường hai xu hơn công đức ngàn lượng vàng

Xưa có một bà thí chủ vào chùa, muốn cúng dường nhưng trong túi chỉ còn hai xu, đem hết dâng cúng. Vị Trụ trì đích thân làm lễ bái sám hồi hướng. Sau số mạng bà thay đổi, bà được tuyển vào cung vua, trở nên giàu có. Bà đem hàng ngàn lạng vàng vào chùa cúng dường, không ngờ vị Trụ trì chỉ sai người đệ tử hồi hướng. Bà thắc mắc hỏi : « Trước kia con cúng dường hai xu thì Hoà thượng đích thân hồi hướng, lần này con cúng dường hàng ngàn lượng vàng mà Hoà thượng lại không đích thân hồi hướng cho con » ? Vị hòa thượng trả lời : « Trước kia tiền tuy ít ỏi, nhưng lòng chân thành quý giá, nếu lão tăng không đích thân bái sám hồi hướng thì e không xứng với công đức này. Nay tiền cúng dường tuy nhiều, nhưng lòng thành không bằng ngày xưa, cho nên để đệ tử hồi hướng đã đủ ». Đây nói lên tấm lòng hai xu là đầy, còn tấm lòng ngàn lượng là vơi.

Ông Chung Ly (1) truyền phương pháp luyện đan cho Lữ Tổ (2) bảo phương pháp này có thể luyện sắt thành vàng để giúp đời. Ông Lữ hỏi : « Luyện vàng như vậy có phai màu không » ? Ông Chung Ly trả lời rằng : « Năm trăm năm sau vàng ấy sẽ biến trở lại thành chất sắt ngày xưa ». Ông Lữ liền đáp : « Vậy tôi không học vì phương pháp này sẽ hại đến người năm trăm năm về sau ». Ông Chung Ly vừa ý và bảo : « Tôi chẳng qua muốn thử lòng ngươi mà thôi. Muốn tu tiên cần phải tích trữ ba ngàn công hạnh, nhưng chỉ câu trả lời này đã trọn đầy ba ngàn công hạnh rồi ». Đó cũng là một ví dụ về vơi và đầy.

Chú thích:

(1) Chung Ly : tên Quyền, người đời Hán, sau tu thành tiên.

(2) Lữ Tổ : tên là Nghiêm, hiệu Động Tân, người đời Đường. từng đậu khoa cử, từng làm huyện trưởng. Sau gặp Chung Ly. Chung Ly truyền phương pháp luyện đan và tu tiên. Sau Lữ Tổ tu đạt đạo

Làm thiện vì mình, công đức chỉ phân nửa. Không vì mình, được trọn vẹn

Hơn nữa làm việc thiện mà lòng không mắc vào ý nghĩ làm thiện thì làm thiện ở đâu cũng đạt công đức trọn vẹn. Nếu lòng mắc vào ý nghĩ làm thiện thì dù suốt đời siêng năng làm thiện nhưng công đức chỉ được phân nữa mà thôi. Ví như giúp người bằng tiền: Nếu trong không thấy mình cho, ngoài không thấy người nhận, giữa không thấy giá trị đồng tiền, mới gọi là Tam-Luân-Thể-Không. Bố thí với tấm lòng thanh tịnh như vậy thìbố thí một phễu thóc cũng có thể trồng thành vô lượng phước đức. Dù bố thí một đồng tiền cũng có thể tiêu trừ được ngàn kiếp nghiệp tội. Nếu làm thiện mà ghi nhớ trong lòng, thì dù bố thí ngàn lượng vàng chăng nữa, phước đức vẫn không trọn vẹn. Đây cũng là một ví dụ về vơi và đầy.

Lòng khởi động niệm, dù thân chưa làm, thiện ác đã tạo

Thế nào là thiện lớn hay thiện nhỏ ? Xưa ông Vệ Trọng Đạt làm trong Hàn Lâm viện. Có một lần bị bắt xuống âm phủ. Diêm vương bảo thư ký đem hai cuốn sổ thiện và ác ra xem thiện ác ông này lúc còn sống trên dương gian thế nào ? Khi hai cuồn sổ đem đến, thấy những cuốn sổ ghi việc ác nhiều đến nổi chất đầy cả sân, còn việc thiện chỉ có một trang, cuốn lại nhỏ như que đũa. Diêm vương bảo đem để lên cân thì thấy trang giấy ghi việc thiện lại nặng hơn. Ông Trọng Đạt không hiểu, hỏi : « Năm nay tôi chưa đầy 40 tuổi lẽ nào tội lỗi nhiều đến thế » ? Diêm vương trả lời rằng : « Lòng nẩy lên một niệm không đúng đã là tội, đâu cần đợi đến ông thật sự phạm » ? Ông Trọng Đạt lại hỏi : « Trang giấy cuốn lại ghi việc thiện gì mà nặng đến như vậy ? » Diêm vương trả lời : « Vì có lần triều đình dự tính thực hiện một công trình lớn để tu sửa cầu đá ở Tam Sơn (1), ông dâng thư xin cản, vì thấy công trình này sẽ làm khổ cho dân. Trang giấy cuốn lại này chính là lá thư của ông ». Ông Trọng Đạt thưa : « Tuy tôi có dâng thư lên trên, nhưng triều đình không chấp thuận nên cũng như không, nhưng sao lại có tác dụng mạnh mẽ như thế » ? Diêm vương nói : « Tuy triều định không nghe, nhưng vì niệm thiện của ông chỉ nghĩ đến toàn dân, nên công đức được nhiều như vậy. Nếu triều đình chấp thuận thì sức mạnh việc thiện đó sẽ lớn đến cở nào ? » Cho nên niệm thiện chỉ nghĩ đến vì dân vì nước, tuy ít mà công đức nhiều. Còn nghĩ đến mình thì tuy nhiều mà ít.

Chú thích:

(1) Tam Sơn : tức thị trấn Phúc-Châu, tỉnh Phúc Kiến.

Khó nhưng làm được mới là quý

Thế nào là thiện khó và thiện dễ ? Những người trí thức ngày xưa đều nói : « Muốn chiến thắng lòng ích kỷ phải bắt tay từ nơi khó trước ». Đức Không tử bàn về nhân ái cũng nói : « Phải ra sức từ chỗ khó ». Như ở Giang Tây có hai vợ chồng nọ bị thiếu nợ. Quan toà xử phải bán vợ trả nợ. Lúc đó có vị giáo sư tên là Thư biết được như vậy bèn bỏ ra tiền lương dành dụm trong hai năm dạy học đem ra trả nợ dùm cho cặp vợ chồng đó để họ khỏi phải tan rã. Còn ở huyện Hàm Đan có người cầm vợ mượn tiền, nhưng cuối cùng không tiền trả nợ. Có ông cụ họ Trương biết được chuyện này, bỏ cả số tiền dành dụm trong 10 năm để giúp ông đó chuộc lại vợ. Tiền bạc dành dụm trong nhiều năm đem hết ra bố thí thật là khó. Nhưng hai ông kể trên đều nằm trong trường hợp khó nhưng vẫn làm được. Lại như ông cụ già họ Cận ở huyện Trấn Giang, tuổi đã cao mà không con nối dõi. Có người láng giềng nghèo đem đứa con gái còn trẻ cho ông cụ làm thiếp, ông cụ từ chối trả về vì không nỡ lòng tàn hỏng đời ngưởi con gái trẻ. Đó là chỗ khó mà vẫn ráng làm được. Vì khó làm mà vẫn làm được cho nên trời ban phước cũng khá nhiều. Những người giàu có quyền uy muốn làm công đức thật là dễ. Dễ mà không chịu làm là tự ruồng bỏ mình. Người nghèo làm phước rất khó. Khó mà vẫn làm được mới là quý.

Mười điều làm thiện

Tùy duyên giúp người có nhiều hình thức. Có thể tóm tắt thành mười loại như sau :

1. Khiến người làm thiện không cần lời

Thế nào là khiến người làm thiện ? Xưa, vua Thuấn thấy những người đánh cá ở ao Lôi đều tranh nhau chiếm chỗ sâu nhiều cá. Còn người già yếu đành chịu thua phải câu nơi nước cạn hay nước chảy xiết. Thuấn thấy tội nghiệp, bèn tham gia đánh cá. Nhưng khi thấy người nào dành chỗ thì ông im lặng không nói. Còn khi gặp ai nhường chỗ cho nhau thì ông hết lời khen ngợi và noi gương. Một năm sau, những người đánh cá đều bắt chước nhường chỗ cho nhau. Ôi, với trí thông minh tài giỏi của vua Thuấn, không lẽ không đủ lời để giáo hóa được họ sao ? Nhưng ngài vẫn chịu khó nghĩ ra cách lấy thân làm gương để khiến người khác làm thiện mà không cần nói lời nào, thật là tế nhị.

Chúng ta sống trong thời mạt thế này, đừng lấy ưu điểm của mình mà chèn ép người khác, đừng lấy việc hay của mình đi so sánh với người khác, đừng lấy tài giỏi của mình đi làm khó dễ người khác. Đừng nên khoe lộ tài trí của mình, chỉ sử dụng lúc cần mà thôi. Khi thấy người khác làm lỗi nên bao dung che giấu, để họ vừa có dịp tự sửa chữa vừa e ngại không dám lộng hành. Nếu thấy người ta có chút ưu điểm đáng để noi theo hay làm được chút việc tốt đáng để kể ra, thì ta bèn bỏ cái của ta mà noi gương họ và tán dương cho mọi người biết. Hằng ngày, dù nói một lời nói hay làm một việc làm, đều nên xuất phát từ ý nghĩ lợi tha. Vì việc nên làm mà làm, đó mới là phong độ của thánh nhân, nhìn mọi việc đều là việc của chung vậy.

2. Thánh phàm khác chỗ lòng kính yêu

Thế nào là lòng kính yêu ? Xem bề ngoài Quân tửtiểu nhân đều rất dễ lẫn lộn, vì tiểu nhân có thể giả dạng quân tử. Nhưng lòng quân tử và lòng tiểu nhân khác xa một trời một vực, một đằng là thiện, một đằng là ác như trắng và đen vậy. Cho nên người ta nói : « Quân tử và người phàm chỉ khác nhau tấm lòng mà thôi. Lòng quân tử chỉ gồm sự tôn kínhyêu thương ». Nói một cách tổng quát, tánh người có nhiệt tình, lạnh lùng, sang trọng, bẩn thỉu, khôn khéo, ngu dại, tài giỏi, hèn nhát … đủ hạng người, nhưng đều là anh em của ta cả, đều cùng một bản thể cả. Ai mà không đáng kính yêu ? Kính yêu mọi người tức là kinh yêu thánh hiền. Hiểu được ý hướng của mọi người là hiểu được ý hướng thánh hiền. Tại vì sao? Ý hướng của thánh hiền đều muốn mọi người an cư lạc nghiệp. Cho nên ta ở đâu cũng kính người thương người, làm cho mọi người an lạc hạnh phúc, là đã thực hiện dùm cho thánh hiền rồi đó.

3. Nâng đỡ người thiện đến nơi chốn

Thế nào là nâng đở người thiện ? Như ngọc ẩn trong đá, nếu biết gia công mài dũa ắt sẽ trở thành khuê (1) chương (2) quý giá. Nếu không thì giá trị của họ sẽ bị chôn vùi trong đống gạch. Con người cũng vậy. Khi thấy ai có chí hướng cao, có phẩm chất quý thì ta đều phải nâng đở người đó đến nơi đến chốn. Hoặc khích lệ họ, hoặc bao bọc họ. Nếu họ bị hàm oan thì phải binh vực họ, chia sẻ nỗi oan ức với họ. Cốt sao giúp cho họ trở nên thành tài hữu dụng mới thôi. Thông thường hạng người nào chỉ thích hạng người nấy. Trong xã hội, hạng người hiền thì ít còn kẻ ác thì nhiều. Cho nên người hiền rất khó sống trong giới phàm tục. Ngoài ra, tánh người hào kiệt thường ngang tàng không chịu khuất phục ai, cũng không chú trọng bề ngoàichi tiết nhỏ, cho nên người thường không hiểu được và thường chỉ trích phê bình họ. Vì thế người làm việc thiện thường dễ thất bại và bị nói xấu. Chỉ có người lương thiện đạo đức mới có thể hiểu và nâng đở họ. Công đức ấy lớn lao vô cùng.

Chú thích:

(1) Khuê: Khuê là ngọc được điêu khắc mà thành ; hình dạng trên nhọn dưới vuông. Ngày xưa các vị vua thường tặng Khuê cho những công hầu bá tước hay những vị thần tử có công với vua. Đi gặp vua ở triều đình đều phải mang theo.

(2) Chương : Khi khuê được cắt làm đôi gọi là chương. Dùng để thờ cúng.

4. Khuyên người mê lầm phải khéo léo

Thế nào là khuyên người trở về lương thiện ? Lòng người chẳng ai không lương thiện ? Nhưng khi con người say sưa bận rộn để theo đuổi danh lợi vật dục, thì rất dễ quên đi lương tâm mà sa đọa làm ác. Khi thấy như vậy ta nên khéo léo dìu dắt nhắc nhở lúc họ đang trong cơn mê lầm. Như đánh thức họ khi họ đang trong giấc mơ say. Như người chìm đắm trong vòng luẫn quẫn phiền não mà được kéo ra nơi mát mẽ tĩnh táo. Nếu làm được như vậy thì tạo ân huệ biết bao ? Hàn Dũ (1) từng nói: « Khuyên người bằng lời, được lợi tức thời. Viết sách khuyên người, được lợi ngàn đời ». Nếu so với "lấy thân làm gương" như vua Thuấn thì khuyên bằng lời hay bằng chữ tuy có hình thức nhưng nếu áp dụng đúng lúc thì thường đem lại kết quả tốt đẹp bất ngờ, không thể bỏ qua. Gặp người ngang bướng ta dùng thân làm gương, gặp người nhu nhược ta dùng lời khuyên bảo. Nếu khuyên bạn không khéo sẽ mất bạn, lúc đó ta phải tự trách mình đã làm sai chỗ nào rồi.

Chú thích:

(1) Hàn Dũ : Người đời Đường. Làm quan đến hai bộ Thị LangLại Bộ và Hình Bộ,. khi chết được vua truy phong quan Lễ Bộ Thượng Thư. Vua còn phong một chữ « Văn ». Cho nên người sau này tôn xưng ông là Hàn Văn Công.

5. Giúp đỡ nhiều ít không cần biết, ra tay giúp ngay mới là quý

Thế nào là cứu người nguy ngập ? Ai cũng có lúc tai ương hoạn nạn, tang gia bối rối. Nếu ta thấy có ai trong trường hợp đó thì coi nổi khổ của họ như là nổi khổ của mình mà nhanh chóng cứu giúp. Hoặc dùng lời biện minh cho họ những chuyện oan ức, hoặc dùng mọi cách để giúp họ thoát khỏi những thống khổ triền miên. Thôi Tử có nói: « Giúp đỡ nhiều ít không cần biết, khi cần là ra tay giúp ngay là được rồi ». Đó thực là lời nói của người đầy lòng nhân từ vậy.

6. Xây dựng lợi chung, kêu gọi góp sức

Thế nào là xây dựng lợi chung ? Từ thôn xóm đến thành thị, việc gì có ích lợi chung đều phải làm. Như xây dựng cầu cống, dẫn thủy nhập điền, như xây đập phòng lụt, sửa chữa cầu đường tiện việc đi lại, hay làm phúc lợi xã hội, giúp người đói khổ. Tùy duyên kêu gọi mọi người, góp sức xây dựng. Không ngại gian nan, không sợ ganh ghét.

7. Tập làm thiện, trước tiên tập bố thí

Thế nào là bỏ tiền làm thiện ? Phương pháp hành thiện của nhà Phật rất nhiều, nhưng đứng đầubố thí. Bố thí nói gọn là một chữ xả mà thôi. Người làm được như vậy sẽ trong xả lục căn (1), ngoài xả lục trần (2), xả tất cả những gì đang có. Nếu không làm được như vậy, thì trước tiên tập bố thí bằng tiền. Con người sống cần cơm ăn áo mặc, xem tiền là quan trọng nhất. Nay chúng ta tập xả bỏ tiền, trong có thể phá được tánh tham tiếc của mình, ngoài có thể cứu giúp người đang lâm nạn. Lúc tập ban đầu có lẽ hơi khó, nhưng rồi sẽ quen đi. Bố thí rất dễ rửa sạch được lòng ích kỷ, trừ bỏ tánh keo kiệt.

Chú thích:

(1) Lục căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

(2) Lục Trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

8. Hộ trì chánh pháp

Thế nào là hộ trì chánh pháp ? Pháp là cái thấy của chúng sanh tích trữ trong muôn kiếp và được lưu truyền lại. Nếu khôngchánh pháp thì làm sao ta có thể góp phần xây dựng trời đất ? Làm sao tài bồi vạn vật ? Làm sao thoát khỏi sự ràng buộc bởi lục trần ? Làm sao tổ chức lại thế giới và đưa chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi ? Cho nên khi thấy các pho tượng thánh hiền trong chùa chiền cũng như các kinh sách, ta đều phải kính trọng, bảo trìtu bổ. Càng phải khuyến khích các việc hoằng dương chánh pháp cũng như đền đáp ân Phật.

9. Tôn kính người trên như tôn kính trời

Thế nào là tôn kính trưởng lão ? Đối với cha mẹ anh chị trong nhà, vua quan trong nước, người già cả, người đạo đức, có chức vị, có hiểu biết, ta đều phải hết sức để ý vấn đề tôn kính phụng sự. Ở nhà phụng sự cha mẹ phải hết lòng thương mến, đối xử dịu dàng hòa nhã. Tập cho quen tánh hòa thuận, đó là điều căn bản để cảm ứng với trời. Đi ra ngoài phụng sự người trên, làm bất cứ việc gì, đừng nghĩ người trên không biết thì muốn làm gì thì làm. Xử phạt cũng vậy, đừng nghĩ người trên không biết mà lạm thế làm oai. Cách ngôn có câu : « Phụng sự người trên phải xem như phụng sự trời » vậy. Ở đây, yếu tố quan trọng nhất là âm đức. Chúng ta thử để ý xem những gia đình trung hiếu, không con cháu nào không phát đạt thịnh vượng lâu dài. Ta phải cẩn thận để ý điểm này.

10. Yêu quý mạng sống, nhớ ơn cơm áo

Thế nào là yêu quý mạng sống ? Con người sở dĩ xứng đáng gọi là người chỉ vì có lòng thương xót mà thôi. Ta có thể trở nên người nhân nghĩa đạo đức hay không đều căn cứ trên yếu tố đó. Đầu mùa xuân là lúc muôn loài mang thai sanh con đẻ cái. Cho nên Chu Lễ (1) quy định cấm giết súc vật cái làm đồ tế vào tháng Giêng. Mạnh Tử nói : « Quân tử phải tránh xa nhà bếp » là để bảo toàn lòng thương xót của mình vậy. Các vị tiền nhân đều giữ bốn giới không ăn : « Nghe tiếng kêu của con thú bị giết không ăn. Thấy con thú bị giết không ăn. Con thú do chính mình nuôi không ăn. Con thú bị giết vì mình không ăn ». Nếu chúng ta chưa có thể hoàn toàn bỏ hẳn được ăn mặn thì cũng nên bắt đầu tập giữ bốn giới này. Rồi dần dần tiến lên. Khi lòng từ bi ngày càng tăng trưởng, lúc đó không những giữ giới không sát sanh thú vật mà còn bảo vệ đến cả những con trùng nhỏ bé vì chúng cũng có linh tính, có mạng sống. Những áo lụa ta mặc đã phải nấu chết biết bao con tằm để lấy tơ ? Những miếng cơm ta ăn phải cuốc đất giết hại côn trùng biết bao nhiêu ? Ta phải nhớ ơn và tiết kiệm từng miếng ăn áo mặc vì chúng chết để nuôi sống ta. Nếu ta phí phạm chẳng khác gì sát sanh ? Còn vô tình giết hại như tay đập chân giẫm thì biết đâu mà kể, ta phải hết sức tránh né. Thơ ngày xưa có hai câu : « Thương chuột để lại chút cơm, thương ngài (2) không dốt đèn dầu ». Thật là từ bi biết bao !

Hình thức hành thiện nhiều vô cùng tận, không sao kể hết. Hãy theo mười điều kể trên mà suy diễn phát huy thì tất cả công đức rồi sẽ đầy đủ.

Chú thích:

(1) Chu Lễ : là một cuốn sách do Chu Công viết để quy định mọi nghi lễ của triều đại nhà Chu. Các vua sau này đều căn cứ vào cuốn sách này để soạn ra nghi lễ của họ.

(2) ngài: một loại bướm nhỏ thường bay vào những ngọn đèn sáng, đèn dầu

Chương bốn : Đức hạnh khiêm tốn

Kinh Dịch dạy quy luật vũ trụ:

Luật thiên : Dư thừa bị rút bớt, Thiếu hụt được bổ thêm.

Luật địa : Cao lồi bị bào mòn, Trũng thấp được bồi đắp.

Luật quỷ thần : Kiêu ngạo bị trừng phạt, Khiêm tốn được ban phước.

Luật người : Tự mãn bị người nghét, Khiêm hạ được giúp thương.

Qua những quy luật trên, chúng ta nhận thấy từ thiên, địa, quỷ, thần cho đến con người đều binh vực bên khiêm hạ. Trong Kinh Dịch (1) gồm 64 quẻ, quẻ nào cũng bao gồm tính chất tốt lẫn xấu, chỉ có quẻ Khiêm này trong đó 6 hào (2) đều tốt.

Kinh Thư cũng dạy rằng : « Tự mãn gây thiệt thòi, Tự khiêm được ích lợi ». Ta nhiều lần đi thi với những bạn học đều nhận thấy rằng những thí sinh sắp sửa thi đậu đều có một khuôn mặt tràn đầy khiêm tốn.

Chú thích:

(1) Kinh Dịch : dạy chúng ta hiểu rõ quy luật thiên nhiên cũng như quy luật con người để ta biết điều gì nên tìm đến và điều gì nên tránh né .

(2) Hào : Trong Kinh Dịch có 64 quẻ. Mỗi quẻ gồm 6 hào, hào có nghĩa là giao nhau, nói lên tính chất tốt hay xấu cho từng trường hợp.

Thật thà chất phát, cung kính vâng chìu, thận trọng dè dặt, bị nhục không cãi

Năm Tân Mùi (1571), mười anh em trong huyện Gia Thiện chúng ta lên kinh đô thi cử nhân. Trong đó Đinh Kính Vũ là người trẻ tuổi nhất và cũng là người khiêm tốn nhất trong đám. Ta nói cho người bạn Phi Cẩm Ba rằng : « Người này năm nay sẽ đậu. » Phi Cẩm Ba không hiểu hỏi : « Sao anh biết ? » Ta nói : « Chỉ có người khiêm tốn mới gặp lành. Anh xem trong mười người chúng ta, có ai thật thà chất phát, không dành dẫn đầu lấy oai như Kính Vũ đâu? Có ai cung kính vâng chìu, thận trọng dè dặt như Kính Vũ đâu? Có ai bị làm nhục mà vẫn im lặng, bị nói xấu mà không biện hộ như Kính Vũ đâu? Người được như thế, trời đất quỷ thần đều sẽ phù hộ, làm sao mà không đậu được » ? Đến khi xem kết quả, quả thật Kính Vũ thi đậu.

Khiêm hạ nghiêm nghị, thản nhiên nhận lỗi

Năm Đinh Sửu (1577) ta đi thi tại Kinh đô. Ở chung phòng với ông Phùng Khai Chí (1). Thấy ông khiêm hạ với nét mặt nghiêm nghị, không còn thấy những tạp khí ngày xưa nữa. Ông Phùng có một bạn tốt tên là Lý Tề Nghiêm, người thật thà thẳng thắn, thấy bạn làm sai là phê bình ngay trước mặt. Vậy mà ông Phùng thản nhiên nhận lỗi, không hề cãi lại. Tôi nói với ông Phùng rằng : « Phước hay họa sắp đến đều có những dấu hiệu báo trước của nó. Nếu lòng thật sự khiêm tốn thì trời sẽ giúp. Theo nhận xét của tôi ông năm nay chắc chắn thi đậu ». Sau đó ông Phùng đậu đúng y như ta đoán.

Ông Triệu Dư Phong, người tỉnh Sơn Đông, huyện Quan. Chưa đầy 20 tuổi đã thi đậu cử nhân. Nhưng sau đó thi tiến sĩ mãi vẫn không đậu. Thân phụ ông làm khoa trưởng huyện Gia Thiện. Ông Phong xin đi theo giúp việc. Trong huyện có ông Tiên Minh Ngộ, người tài cao học rộng, ông Phong lấy làm ngưỡng mộ và đem những bài văn xuất săc đến gặp ông Tiên Ngộ nhờ chỉ dạy. Nhưng không ngờ ông Ngộ lấy viết gạch bỏ hết những câu trong văn của ông Phong. Nếu là người khác chắc đã nổi nóng lên rồi, nhưng ông Phong không những không giận, mà lại khâm phục và nhanh chóng vâng lời sửa sai. Năm tới ông liền đậu tiến sĩ.

Chú thích:

(1) Phùng Khai Chi : Họ Phùng, tên Mộng Trinh, hiệu Khai Chi, người Triết Giang đời Minh. Học rộng chí cao, đậu tiến sĩ hạng nhất, làm quan biên soạn trong Hàn Lâm Viện.

Phước sắp đến, trí tuệ mở : lông bông sẽ chững chạc, láo xược sẽ nghiêm nghị

Năm Nhâm Thìn(1592), ta lên kinh đô ra mắt vua. Ở đó ta có quen ông Hạ Kiến Sở. Thấy ông ta có khí sắc nhún nhường hạ mình, vẻ khiêm tốn tràn đầy. Ta về nói với bạn rằng : « Trời sắp ban phước cho người này ! Vì phước chưa đến mà đã thấy trí tuệ mở (1). Một khi trí tuệ mở thì người lông bông sẽ chửng chạc lại, người láo xược sẽ nghiêm nghị lại. Ông Kiến Sơ hiền lành ôn hoà đến mức như thế là dấu hiệu trời đã mở trí huệ cho ông ». Đến khi công bố kỳ thi kết quả, ông Kiến Sơ trúng tuyển thật.

Chú thích:

(1) Trí tuệ mở : Khi lòng yên tịnh đến một mức độ nào đó sẽ có hiện tượng khai trí tuệ. Có nghĩa là người đó sẽ cảm thấy đầu óc bỗng rõ ràng sáng sủa, những vấn đề ngày xưa không thấy mà bây giờ thấy rõ, những vấn đề ngày xưa cho là rắc rối nan giải bây giờ có thể giải quyết nhanh chóng dễ dàng, thái độ bề ngoài trở nên nghiêm nghị chững chạc.

Tạo công đức không cần tốn tiền, giữ niệm thiện trong lòng là đủ

Ở huyện Giang Âm có ông Trương Uy Nghiêm, học vấn giỏi, văn chương hay, nổi tiếng trong giới văn học. Năm Giáp Ngọ (1594) đi thi cử nhânNam Kinh. Ông ở trọ trong một ngôi chùa. Sau khi biết kết quả thi rớt, ông trở về chùa mở miệng mắng chửi giám khảo kỳ thi là mờ mắt, không thấy tài năng của ông. Lúc đó bên cạnh có một đạo sĩ nhìn ông mỉm cười. Ông Trương liền đổ cơn giận về phía đạo sĩ. Đạo sĩ bèn nói : « Văn chương của ông chắc chắn không hay ! ». Ông Trương càng nổi nóng thêm nói rằng : « Thầy chưa đọc văn tôi sao biết văn tôi không hay ? » Đạo sĩ nói : « Làm văn hay điều khó nhất là phải sáng tác lúc trong lòng bình yên. Nay nghe ông chửi rủa lớn tiếng đủ thấy lòng ông không yên, như vậy văn của ông làm sao hay được » ? Ông Trương cảm thấy ông đạo sĩ có lý và xin chỉ dạy.

Đạo sĩ nói : « Đậu rớt đều do số mạng. Nếu số mạng không đậu thì dù văn chương hay cách nào cũng chẳng làm gì được. Cho nên phải tự thay đổi số mạng trước ». Ông Trương hỏi : « Nếu là số mạng thì làm sao thay đổi » ? Đạo sĩ nói : « Mạng tuy do trời tạo, nhưng đổi hay không là do ta. Chỉ cần hết lòng làm thiện, tích trữ âm đức (1). Phước nào mà chẳng cầu không được » ? Ông Trương nói : « Tôi là học trò nghèo, tiền đâu để làm thiện » ? Đạo sĩ nói : « Việc thiện và âm đức chẳng qua phản ảnh tấm lòng của mình. Nếu luôn giữ một lòng lương thiện, công đức sẽ vô lượng. Như giữ lòng khiêm tốn chẳng hạn, chẳng cần tốn xu nào. Sao ông không tự xét lại mình mà lại còn chỉ trích giám khảo làm gì ? »

Từ đó về sau, ông Trương dẹp bỏ tạp khí kiêu ngạo của mình và nghiêm chỉnh kềm chế mình để đừng lạc vào con đường ngày xưa nữa. Vì vậy việc thiện mỗi ngày mỗi tu thêm, phước đức mỗi ngày mỗi tích lũy nhiều. Đến năm Đinh Dậu (1597), ông nằm mơ thấy đi đến một lầu cao, trông thấy danh sách trúng tuyển nhưng bên trong còn có nhiều chỗ bỏ trống. Ông hỏi người kế bên, người đó trả lời rằng : « Đây là danh sách trúng tuyển kỳ thi năm nay. » Hỏi : « Tại sao có nhiều chỗ bỏ trống? » Trả lời rằng : « Danh sách trúng tuyển cứ mỗi ba năm xét lại một lần, phải là những ai có âm đức và không gây tội lỗi mới có tên trong danh sách này. Như những chỗ bỏ trống đều là tên của những người đáng lẽ thi đậu những vì hạnh kiểm của họ không tốt cho nên bị xóa đi. » Sau đó lại chỉ một chỗ trống trên bảng danh sách và nói rằng : « Đây là chỗ của ông. Ba năm nay ông kiểm soát mình khá cẩn thận, có lẽ cũng sắp có tên rồi đấy. Mong ông tự thương lấy mình, đừng làm lỗi lầm nữa ». Quả nhiên năm đó ông Trương đậu hạng 105.

Chú thích:

(1) Âm đức : Làm thiện ngấm ngầm không ai hay.

Khiêm tốn lòng mở rộng, rộng lượng chứa phước nhiều

Qua những chuyện xảy ra ở trên, chúng ta thấy rằng, xung quanh chúng ta đều luôn có thần minh giám sát. Dĩ nhiên ai cũng muốn tích chứa phước đức và tránh né tai hoạ, việc ấy hoàn toàn là do ta quyết định. Ta phải luôn luôn nhớ đến việc kiểm soát hành động của mình. Đừng bao giờ làm mất lòng thiên địa quỉ thần, mà còn phải khiêm tốn hạ mình. Để cho thiên địa quỉ thần lúc nào cũng thương xót ta, vậy mới tạo được cơ sở nhận phước. Còn những người tự cao đều không thể mở lòng rộng lượng hơn thêm. Dù một thời vượng lên rồi cũng không duy trì được lâu. Cho nên đối với người có chút hiểu biết, không ai muốn làm lòng mình nhỏ hẹp rồi hết chỗ chứa đựng phước báo. Hơn nữa, với lòng khiêm tốn, đi đến đâu cũng có người sẵn sàng chỉ dạy giúp đỡ, ích lợi vô cùng. Nhất là đối với những người đi theo con đường thi cử, khiêm tốn là điều không thể thiếu được.

Ước mong như gốc rễ, có rễ mới có trái

Người xưa nói rằng : « Người ước mong công danh (1) sẽ có công danh. Ước mong phú quí sẽ có phú quí ». Ước mong của con người như rễ của cây, có rễ mới có trái. Muốn tạo vững ước mong này, ý nghĩ nào cũng phải khiêm tốn, việc làm nào cũng tạo phương tiện cho người khác, dù là chuyện nhỏ như hạt bụi, cũng hết lòngcống hiến. Như thế mới cảm động trời đất rồi phước mới đến. Phải nhớ rằng phước tạo được hay không là do nơi ta. Nay người mong cầu thi đậu làm quan thường không có chí vững chắc ; Tùy cơn hứng, hứng lên thì hăng say, hứng xuống rồi bỏ. Mạnh tử nói với vua Tề Tôn rằng : « Vua vui thích nhạc. Nếu vua vui mà không quên làm cho dân vui, khổ mà không quên giải quyết vấn đề khổ cho dân thì nước Tề không lý do gì mà không đi đến thịnh vượng ». Ta nhìn con đường công danh cũng như thế; Ta ước mong công danh, nhưng vẫn không quên nâng đở cho mọi người đều được công danh, số mạng mọi người đều chuyển biến vương thịnh.

Chú thích:

(1) Công danh : khi thi đậu từ tú tài trở lên mới được gọi là có công danh.

Ghi chú:

(*) Tinh thần Đại Đồng nguyên thủy của Khổng Tử :

“Thiên hạ vi công” nguồn gốc ở thiên “Lễ vận” của sách “Lễ ký” : “大道之行也,天下為公”. Dịch âm : "Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công". Ý nghĩa nói lên xã hội lý tưởng "Đạo lớn thi hành, cả thiên hạcủa chung của tất cả mọi người", thiên tử truyền ngôi nên truyền cho người hiền tài, chứ không nhất thiết phải truyền cho con mình. Về sau, bốn chữ này dùng để chỉ lý tưởng chính trị và trở nthành phổ thông, được nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Trung Sơn dùng làm tôn chỉ cải thiện xã hội.

Nguyên văn chữ Hán:

大同

昔者仲尼與於蠟賓。事畢,出游於觀之上,喟然而嘆。仲尼之嘆,蓋嘆魯也。言偃在側,曰:”君子何嘆?”孔子曰:”大道之行也,與三代之英,丘未之逮也,而 有志焉。大道之行也,天下為公。選賢與能,講信修睦。故人不獨親其親,不獨子其子。使老有所終,壯有所用,幼有所長,矜寡孤獨廢疾者皆有所養。男有分,女 有歸。貨,惡其棄於地也,而不必藏於己﹔力,惡其不出於身也,而不必為己。是故謀閉而不興,盜竊亂賊而不作。故外戶而不閉。是謂大同。

Dịch âm:

Đại Đồng

Tích giả Trọng Ni dữ ư lạp tân, sự tất, xuất du ư quan chi thượng, vị nhiên nhi thán. Trọng Ni chi thán, cái thán Lỗ dã. Ngôn Yển tại trắc viết: “Quân tử hà thán?” Khổng Tử viết: “Đại đạo chi hành dã, dữ tam đại chi anh, Khâu vị chi đãi dã, nhi hữu chí yên. Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công. Tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, cố nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử. Sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trưởng, khâm quả, cô độc, phế tật giả, giai hữu sở dưỡng. Nam hữu phận, nữ hữu qui. Hóa, ố kỳ khí ư địa dã, bất tất tàng ư kỷ. Lực, ố kỳ bất xuất ư thân dã, bất tất vị kỷ. Thị cố mưu kế nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc nhi bất tác. Cố ngoại hộ nhi nhi bất bế, thị vị đại đồng.

Tạm dịch nghĩa:

Thế Giới Đại Đồng

Xưa, Trọng Ni (Khổng Tử) làm tân khách, dự lễ tế chạp ở nước Lỗ. Việc đã xong, đi ra du ngoạn trên lầu cổng ngoài, đột nhiên thở dài. Trọng Ni thở dài chừng thở dài cho nước Lỗ. Ngôn Yển đứng bên cạnh hỏi: “Người quân tử có gì mà phải thở dài?” Khổng Tử đáp: “ Đại đạo thi hành và các bậc anh hiền ở Tam đại (Hạ, Thương, Chu) thì Khâu này chưa được thấy, nhưng chí thì hướng về chỗ ấy. Đại đạothi hành thì thiên hạcủa chung, tuyển chọn người hiền, cử người tài năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa, nên người ta không riêng thân người thân mình, không riêng yêu con cái mình, khiến cho người già có nơi nương dựa cuối đời, người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, trẻ em có sự chăn dắt để lớn lên; hạng cô phu, quả phụ, côi cút, đơn chiếc và tàn tật đều được nuôi dưỡng; con trai có phận, con gái có nơi chốn để nương về. Về tài hóa, thì không nên để cho rơi vãi phung phí, mà cũng bất tất cất giấu cho mình. Về sức lực thì ưa được thi thố ra, thi thố thì chẳng cứ là cho riêng mình. Ấy cho nên mưu mô đều không dấy lên, trộm cắp giặc cướp không nổi dậy; cổng ngoài không phải đóng, thế gọi là Đại Đồng."

(http://www.dharmasite.net/LieuPhamTuHuan.htm)


Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: