Mỗi khi nghĩ về nhân và quả chúng ta thường có khái niệm trước sau. Nghĩa là, nhân đi trước quả. Có trồng cây thì mới được hái quả về sau. Nhưng thực ra, trong tu tập, hành trì chúng ta phải hiểu rằng nhân và quả xuất hiện cùng lúc. Nghĩa là, phương tiện (nhân) và cứu cánh (quả) cùng đồng thời đạt được, không phải chờ đợi về sau như việc trồng cây hái quả. Cho nên khi hành trì, chúng ta phải hiểu rằng hành động hành trì để có hiện pháp lạc trú đó chính là cứu cánh, không phải chờ đợi để có kết quả về sau.
Nhớ rằng câu ‘tri dị, hành nan’ thật sự có ý nghĩa thâm sâu vì đa số chúng ta nói nhiều, hiểu nhiều, nhưng không làm nhiều! Khi mình thực sự làm một điều gì thì mình mới thực sự thấy rõ. Do vậy mà trong thiền tập có câu ‘bất lập văn tự’ (không dùng ngôn ngữ) vì ngôn ngữ hay lời nói không chuyển tải hết những ý nghĩa. Như muốn giải thích mùi thơm của hoa hồng, hoặc vị ngọt béo đặc biệt của trái sầu riêng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể dùng lời nói để giải thích được! Phải chính thực bản thân mình trải nghiệm qua, phải ngữi nếm qua thì mình mới hiểu rõ, giác ngộ. Đó chính là tuệ giác mà người chưa trải nghiệm sẽ không bao giờ có thể thấy biết được!
Sở dĩ chúng ta không tìm thấy an lạc, hạnh phúc trong lúc hành trì vì chúng ta tu tập là do sợ hãi, âu lo chớ không phải do lòng thích muốn tu tập để tiến bộ. Mình lo tu vì ‘sợ’ chết nên phải làm để cầu chư Phật, Bồ tát gia hộ cho tai qua nạn khỏi, hoặc vì ‘sợ’ chết bị đọa vào chỗ u ám, tối tăm, xấu xa… Bất kể là lý do gì khiến mình tu tập nhưng nếu chúng là những lý do không tốt như sợ hãi, âu lo, buồn khổ v.v.. Như vậy, cái động lực để khiến mình tu không phải là do mình hiểu thấu suốt, hay giác ngộ mà lo tu, mà là vì những lý do tiêu cực. Cho nên thay vì chú tâm đến công phu hành trì chúng ta chỉ lo tìm kiếm cái tốt đẹp, nhẹ nhàng, an lạc cho kiếp sau. Còn an lạc hay không trong khi hành trì không có cũng không sao vì mình có hành trì là đã được tính sổ rồi!
Chúng ta hành trì miên mật chăm chỉ ngày đêm chỉ vì do ‘lo và sợ’ cho đời sau hoặc tương lai, cho nên rất khó tìm thấy hoàn toàn an lạc, hạnh phúc trong khi hành trì. Mình phải bắt đầu bằng việc hành trì tu tập vì mình thích làm (love to do it), chứ không phải vì sợ mà làm. Như người ăn kiêng cử (diet) vì sợ mập nên họ rất đau khổ khi ăn. Họ không có tâm ý nào mà thưởng thức món ăn mà chỉ muốn nuốt đại cho xong. Thậm chí có lúc vừa ăn xong, họ lại móc họng cho ói ra vì ‘sợ’ thức ăn ngon nên ăn hơi nhiều sẽ bị mập thêm! Thế nên, chúng ta hành trì không phải do động cơ tiêu cực mà mình muốn làm vì tu tập sẽ giúp mình sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Vì động cơ tích cực nên khi mình niệm Phật hay ngồi thiền, chúng ta trải nghiệm được sự an lạc, tự tại, thư giãn. Những trạng thái tâm này chính là quả của lúc mình đang ngồi niệm Phật hay thiền quán. Sau khi ngừng niệm Phật hay xả thiền mình không mong đợi sự tĩnh lặng và an lạc sau đó. Bằng không mình sẽ dễ lười biếng và chán chường nếu không thấy thành tựu gì sau khi tu niệm. Không phải hành trì nào cũng đều mang đến kết quả như mình mong muốn vì tâm trạng của mình luôn thay đổi. Chính vì vậy khi ta chánh niệm mình sẽ thấy những tâm hành nào đang ngự trị trong tâm. Chẳng hạn, khi mình có tâm trạng giận hờn nhờ chánh niệm chúng ta thấy sự có mặt của tâm hành này trong ta và nó có khuynh hướng lôi kéo tâm ta đi vào trạng thái hờn giận đó!
Tại sao phải nhấn mạnh đến việc này? Vì chính tuệ giác này sẽ khiến mình thêm tinh tấn khi hiểu rằng có hành trì, tu tập thì sẽ có ngay lợi lạc. Chúng ta không tu tập giống như người ta bỏ tiền vào nhà băng rồi chờ đợi để sinh lợi. Việc này có thể xảy ra, nhưng mục đích chính của việc tu tập là sự thành tựu trong lúc mình thực hành, như câu nói: 'Không có con đường nào đưa đến Niết bàn, vì con đường (trong khi tu tập, hành trì) chính là Niết bàn vậy!' (there is no way to Nirvana, Nirvana is the way!)
Khi hành trì tâm mình không bận bịu với quá khứ, không lo lắng cho tương lai, chỉ có chánh niệm sống trong giây phút hiện tại. Hơi thở vào ra và chánh niệm giúp chúng ta ‘thấy’ được cái sát na nhanh chóng của phút giây hiện tại tương tục không ngừng, như một giòng chảy vô tận. Chừng nào mình còn duy trì được chánh niệm, mình sẽ thực sự sống trong hiện tại:
Người tự tại sống trong hiện tại,
không tương lai, quá khứ quấy rầy,
chẳng muộn phiền vì quá khứ bủa vây,
chả lo lắng về tương lai mù mịt.
Nhờ có quán chiếu và tu tập trong giây phút này nên mình có sự vững chãi và thảnh thơi trong hiện tại. Đó là một sự thực mầu nhiệm! Hiện tại làm, hiện tại hưởng. Chúng ta không chờ đợi một kết quả trong tương lai vì không có gì chắc thực.
Theo cái nhìn của tục đế thì thế giới hiện tại, mà chư tổ gọi là thế giới sát na sinh diệt, khiến cho sinh tử, khổ đau không tồn tại lâu dài. Nó hình như bất động nhưng luôn luôn chuyển động không ngừng như chúng ta ở trên trái đất nhưng không bao giờ cảm nhận được sự di động của nó. Đó chính là sự nhiệm mầu của thế giới sát na sinh diệt này. tất cả mọi thứ rồi đều phải trải qua sinh và diệt trong thế giới này.
Thế giới hiện tại có mặt là nhờ chánh niệm phà hơi thở của sự sống vào. Nếu không có chánh niệm thì dù thế giới hiện tại vẫn luôn có đó mà ta hoàn toàn không ‘sống’ với nó. Chúng ta mãi mê chìm đắm trong thế giới của quá khứ, hoặc thế giới của tương lai. Nếu đặt câu hỏi thế giới hiện tại ở đâu thì câu trả lời là ở đây và ngay bây giờ (right here and right now). Để thấy được an lạc ngay trong hiện tại, mình phải biết sống trong thế giới hiện tại. Nhận diện từng hơi thở đang an trú trong thế giới hiện tại. Cứ mỗi hơi thở đến mà ta chánh niệm nhận diện thì thế giới của hiện tại sẽ tức khắc có mặt. Sống trong thế giới hiện tại mình sẽ thấy có đầy đủ tất cả những tâm hành, từ khổ đau phiền não đến hạnh phúc an lạc. Cho nên có thể nói đây là thế giới ‘chân không diệu hữu’, một thế giới có mặt của tất cả những sự nhiệm mầu, huyền diệu, thế giới của ‘nhi sinh kỳ tâm’ trong kinh Kim Cương.
Tóm lại, phương tiện là cứu cánh, cứu cánh là phương tiện. Nghĩa là, phương tiện là nhân đưa đến quả cứu cánh, và cứu cánh là nhân đưa đến quả phương tiện. Sự hổ tương qua lại của phương tiện và cứu cánh giúp hành giả thấy được hiện pháp lạc trú. Chính hành động tu tập, hành trì đã bao gồm cả hai mặt: phương tiện (mean) và cứu cánh (end), không cần phải chờ đợi, tìm kiếm kết quả về sau. Đó chính là nhân quả đồng thời! Biết thưởng thức cảm giác an lạc ngay lúc hành trì trong phút giây hiện tại chính là hiện tại làm thì hiện tại hưởng.
Những ngày đâu xuân Giáp Ngọ - 2014
Thiện Ý