Môi Trường Tu Học Theo Kinh A Di Đà

02/08/20184:03 CH(Xem: 8550)
Môi Trường Tu Học Theo Kinh A Di Đà

MÔI TRƯỜNG TU HỌC THEO KINH A DI ĐÀ
Thích Trung Hữu và các học trò

 

TCPH Binh DuongTrường TCPH tỉnh Bình Dương tổ chức thi học kỳ 2 năm II từ này 30-7 đến 4-8 năm 2018. Trong đó đề thi môn Nhị khóa hiệp giải là: “Qua kinh A Di Đà, tăng ni sinh hãy nói lên tầm quan trọng của môi trường đối với việc tu học, liên hệ thực tế hiện nay”. Nhận thấy bài viết của tăng ni sinh có nhiều điều đáng ghi nhận, xin được chia sẻ với độc giả gần xa.

Trước hết, có thể nói rằng môi trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người, nó có thể làm cho con người đau khổ hay hạnh phúc, gây ra thái độ tích cực hay là tiêu cực. Đối với vấn đề tu học cũng thế, môi trường thích hợp sẽ giúp cho việc tu học tiến bộ, ngược lại, môi trường không thích hợp có thể làm thui chột hạt giống bồ đề của người mới phát tâm.

Như chúng ta đã biết, đức Phật A Di Đà xây dựng thế giới Tịnh Độ với mụch đích là tạo ra một môi trường tu học lý tưởng với những điều kiện thuận lợi để cho việc tu học có kết quả tốt nhất. Môi trường gồm có hai yếu tốhoàn cảnhcon người.

Về hoàn cảnh thì cũng có hai yếu tốvật chấttinh thần. Về vật chất, nhân dân cõi Cực Lạc không phải bận tâm về những vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, thuốc men, cũng như những bất trắc liên quan đến vật chất. Họ có một cơ thể mạnh khỏetrường thọ do thọ dụng những thức ăn trong sạch, nguồn nước và không khí trong lành cũng như không bao giờ bịnh tật hay tai nạn giao thông. Đây là những đảm bảo căn bản để hành giả có thể yên tâm tu tập.

Về tinh thần thì đức Phật Di Đà đã tạo ra và sử dụng mọi phượng tiện và cách thức để người dân ở đó có thể tu hành một cách hiệu quả nhất. Ở đó chẳng những chỉ có bồ tát, thanh văn, duyên giác hay các thượng thiện nhơn hướng dẫn người dân tu tập mà ngay cả chim chóc, cây cói và thậm chí gió cũng được tận dụng để làm phương tiện nhắc nhở chúng sinh ở đó tu hành. Điều này nói lên rằng tất cả cảnh trí hay sinh hoạt ở cõi Cực Lạc chỉ để phục vụ cho một mụch đích duy nhấttu hành, cụ thểniệm Phật, niệm Phápniệm Tăng:

“Thị chư chúng điểu trú dạ lục thời xuất hòa nhã âm. Kỳ âm diễn xướng Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ-đề phần, Bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp. Kỳ độ chúng sanh văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…. Xá-lỵ-phất! Bỉ Phật quốc độ vi phong xuy động chư bảo hàng thọ, cập bảo la võng, xuất vi diệu âm, thí như bá thiên chủng nhạc đồng thời câu tác. Văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm”.

Niệm Phật, Pháp, Tăng ở đây ta có thể hiểu theo cả hai nghĩa đen lẫn nghĩa biểu tượng đều đúng. Ở phương diện nghĩa đen thì niệm Phật niệm danh hiệu hoặc/và tưởng nhớ đến đức Phật A Di Đà, niệm Phápđọc kinh hoặc/và nghĩ nhớ đến giáo pháp, và niệm tăng là nghĩ nhớ đến hiền thánh tăng, chư tôn đức đạo cao đức trọng để nôi gương quý ngài mà tu tập. Ở phương diện nghĩa biểu tượng thì niệm Phật là sống tĩnh giác, sống có ý thức; mình suy nghĩ, nói năng hay làm gì thì mình đều ý thức rõ ràng, và cũng biết rõ ràng những cái đó là đúng hay sai. Niệm Pháp nghĩa là sống theo những điều chân chánh, cụ thể là những lời Phật dạy như chánh nghiệp, chánh mạngpháp luật do nhà nước quy định. Và niệm Tăng nghĩa là sống cuộc sống thanh tịnhhòa hợp, hòa hợp với chính mình và hòa hợp với hoàn cảnh. Niệm Phật, niệm Phápniệm Tăng còn có nghĩa là sống theo tinh thần bi, trí và dũng. Vì đức Phật là đấng đại từ đại bi, Chánh phápcông năng soi sángTăng chínhbiểu tượng của đại lực đại dũng. Bởi vì nếu khôngý chí lớn, sức mạnh lớn thì làm sao mà từ bỏ thế gian ngũ dục cho được (Giờ thì tôi mới hiểu câu nói: “Xuất gia là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải việc quan tướng có thể làm được”).

Về con người thì trước hết và quan trọng nhất là đức Phật A Di Đà, sau đó là các bồ tát, duyên giác, thanh văn cũng như chư thượng thiện nhơn, và tất nhiên là cùng với tất cả dân chúng ở đó. Theo nguyện lực của đức Phật A Di Đà thì tất cả chúng sinh sinh về cõi Cực Lạc đều được đảm bảo một điều là bất thoái chuyển. Đây có thể nói là điều quan trọng nhất và cũng là đều mong mỏi nhất của những người phát nguyện sinh về đó. Bởi vì dù môi trường có tốt mà lại bấp bênh thì cũng không thể yên tâm. Đức Phật A Di Đà đảm bảo điều này cho cư dân của ngài.

Đối chiếu lại tình trạng tu học của Phật giáo Việt Nam hiện nay nói chung, môi trường tu học của chúng ta hiện nay như thế nào, được những gì và chưa được những gì, có cần sửa đổi và làm thêm điều gì nữa không? Về phương diện sinh hoạt vật chất, trên cơ bản là tạm ổn. Tôi nói cơ bản nghĩa là trong điều kiện bình thường, chứ trong những điều kiện đặc biệt thì còn nhiều điều cần phải nói lắm. Cái điều mà tăng ni sinh rất băn khoăn là khi bị bịnh, nhất là bịnh nặng đòi hỏi chi phí hàng chục, hàng trăm triệu thì không có tiền để điều trị. Bình thường họ phục vụ cho chùa, lúc trẻ khỏe thì không sao, nhưng đến khi già bịnh thì không người đỡ đần. Đây cũng là lý do vì sao ai cũng muốn làm trụ trì, vì làm trụ trì thì có tất cả, kể cả có đệ tử để nhờ về già có người chăm sóc. Có một thực tế rất đáng buồn là một số tăng ni sau khi học xong về chùa không biết làm gì. Cứ ở đó cho đến luống tuổi, trở thành người vô dụng trong chùa, trên không thể lãnh đạo, dưới không thể làm việc chúng, như những bà cô giá chồng, không ai kính nễ, trở nên dư thừa, thậm chí gánh nặng cho chùa, đành phải tìm cái am cái cốc mà ở. Nghe nói Giáo hội chủ trương không cho lập am cốc, về mặt vĩ mô, đó là chủ trương đúng. Nhưng trước khi thực hiện chủ trương đó, nên chăng Giáo hội cần quan tâmgiải quyết cái thực tế vừa nêu? Theo thiển ý của thầy trò chúng tôi, trong vấn đề này, vai trò của trụ trìvô cùng quan trọng. Vị trụ trì phải có tấm lòng trân trọng đối với những người đã từng đóng góp, cống hiến cho chùa, phải ra “sắc lệnh” là người nhỏ hơn, dù giỏi thế nào cũng phải kính trọng bậc tiền bối, cũng như chính sách chăm sóc những tăng ni già yếu, đau bịnh. Có như vậy thì người tu mới yên tâm mà tu hoặc cống hiến công sức của mình cho chùa và Phật pháp.

Một vấn đề nữa là một số vị thầy (bổn sư, y chỉ sư) hay trụ trìquan niệm rằng mình nuôi đệ tử hay nuôi chúng nghĩa là mình lãnh đạo, là ban ơn cho họ, nên đã cư xử như một ông/bà chủ, và người đệ tử hay Chúng phải mang ơnphục vụ lại ngôi chùa cũng như cá nhân vị trụ trì. Các vị hành xử một cách độc tài, độc đoán mà không thèm nghĩ đến cảm xúc của người khác. Vui thì cho ở còn buồn thì có thể đuổi đi bất cứ lúc nào. Tôi còn biết một số trường hợp vị trụ trì đuổi đệ tử mình ra khỏi chùa rồi dùng ảnh hưởng của mình không cho các chùa khác nhận người đệ tử bị đuổi đó, khiến cho người đệ tử đó rơi vào cảnh “trời đất mênh mông chẳng chốn về”. Đi tu chứ đâu phải đi ở đợ đâu mà khổ thế này! Một ni sinh đã viết rằng: “Người nữ tu khổ, môi trường sống ai cũng gặp biết bao thảm cảnh. Bên tăng còn được ra vào bảy lần, còn bên ni không có sự lựa chọn. Tu ở đâu là ráng bám trụ dù có nghịch cảnh thế nào. Hơn nữa bên ni bỏ thầy mà đi phải chịu bao tiếng xấu là phản thầy. Môi trường đó tu không được không khác gì địa ngục. Con nghĩ nếu viết hết ra thì chỉ toàn là nước mắt”.

Trong một buổi học, tôi hỏi các tăng ni sinh rằng, trong thơ ca và âm nhạc, chủ đề viết về mẹ và chủ đề viết về thầy, loại nào nhiều hơn và lay động lòng người hơn? Tất cả đều thừa nhận rằng chủ đề về mẹ hay hơn. Đó là vì sao? Vì “mẹ là tình thương, là tất cả, là cho đi không lấy lại bao giờ”. Mẹ có thể mặc áo rách cho con áo lành, nhịn ăn để dành tiền cho con đi học… Còn người thầy thì sao, có làm được như vậy không? Đã vậy thì làm sao cảm động lòng người cho được. Chúng tôi cho rằng người thầy thương đệ tử phải như người mẹ thương con thì Phật pháp mới có hi vọng được. Một trăm phần trăm bài viết của tăng ni sinh đều đề cập đến vị thầy cũng như sự cần thiết và tầm quan trọng của bậc minh sư đối với sự tu học của người đệ tử. Một ni sinh viết: “Thật vậy, khi xuất gia học đạo để đi theo lý tưởng của cuộc đời mình, bản thân con nói riêng và tất cả tăng ni trẻ nói chung đều mong muốn tìm cho mình một bậc minh sư có thể dẫn lối đưa đường cho chúng con, nhưng trên thực tế không phải ai cũng đạt được điều đó”. Mọt ni sinh khác viết: “Một người khi chập chững bước chân vào nẻo đạo thì rất cần một vị thầy hướng dẫn, để nương tựa, dắt dìu cho chúng con đi đúng đường, nếu không thì sẽ cảm thấy rất bơ vơ, lạc lõng trong cuộc sống tu hành. Khi vào chùa, duyên đời đã cắt thì phải tiếp nối được duyên đạo. Nếu không thì sẽ dở dở ương ương uổng phí cả cuộc đời”. Theo nguyên vọng của tăng ni sinh thì một bậc minh sư hay trụ trí lý tưởng là người “Có trí huệ, có lòng từ bi, vị tha, biết hi sinh cho đồ chúng…thân thiện, cởi mở nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghiêm… Người thầy phải là bậc mô phạm, tu đúng chánh pháp mới giúp ta đi đúng đường…”.

Để cho cuộc sống tu hành đạt được kết quả tốt thì môi trường tu tập phải tốt. Thế nào là một môi trường tu tập tốt? Một tăng sinh đã chia sẻ như sau: “Môi trường tu học lý tưởng là môi trường phải có an ninh, có năng lượng bình an của hiểu biết, thương yêunâng đỡ. Môi trường đó không bị ô nhiểm bởi quyền hành, giàu nghèo, sự tham danh lợi, bình đẳng không phe phái, độc quyền… Sống trên tinh thần lục hòa cộng trụ…Con người phải được giáo dục bằng tình thương và sự hiểu biết, phải được soi sáng bằng tấm gương của những người đi trước”. Nói chung là phải đảm bảo được tính “bất thoái chuyển”. Đức Phật Di Đà không hề nói rằng nếu ai tu không tốt sẽ bị đuổi ra khỏi cõi Cực Lạc. Đức Phật nói ngài tiếp dẫn cả những người phạm tội ngũ nghịch, thập ác, miễn là họ nhớ tới ngài và muốn vãng sinh. Điều này có nghĩa là ngài có thể bao dungtha thứ cho những đệ tử lầm lỗi, xấu xa nhất, miễn là họ còn muốn tu. Cũng thế, nếu chúng ta thiết lập được một cơ chế an toàn cho người tu, chứ không phải hở chút là đòi đuổi, thì họ mới ham tu, mới trọn vẹn dâng hiến cuộc đời mình cho Phật pháp.

Như đã được đề cập, Đức Phật A Di Đà đã tạo ra phương tiện này, phương tiện nọ đều để hướng chúng sinh ở đó đến một mụch đích là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tức là nương tựa Tam Bảo và sống theo tinh thần Giác-Chánh-Tịnh, Bi-Trí-Dũng. Nói cách khác, khi chúng ta làm gì đều phải có mụch đích rõ ràng, và mụch đích của người con Phật không gì khác hơn là Giác ngộGiải thoát, tự lợilợi tha. Xã hội chúng ta ngày nay vô cùng phức tạp, và có thể nói là đã ảnh hưởng, tác động đến cách thức tu họchành đạo của Phật giáo rất nhiều. Bỏ qua những người lợi dụng Phật giáo để trục lợi, ngay cả những người tu học chân chính, những người có tâm huyết với Phật pháp, với sự tu học của tăng niphật tử, cũng có thể bị chao đảo, mất khuynh hướng nếu không đủ sáng suốtnghị lực. Làm thế nào để kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tự lợilợi tha, giữa tu và học, giữa phát triển tâm linhphục vụ xã hội? Cái xu hướng rất rõ rệt của Phật giáo ngày nay là hướng ra cộng đồng xã hội quá nhiều, đặt nặng vấn đề lợi tha, phục vụ các nhu cầu lợi ích thiết thực của xã hội. Nói cách khác, là quá chiều lòng xã hội.

Tôn giáo nào cũng cần có tín đồ. Không có tín đồ thì tôn giáo không thể tồn tại. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt giữa việc giáo hóa tín đồ để đem lại lợi ích cho họ và chiều lòng, đáp ứng tất cả các nhu cầu của họ để họ đến với mình, ủng hộ mình. Nếu để cho họ đến với mình mà mình đánh mất tính chất của mình thì có đáng chăng, và như vậy họ sẽ được lợi ích gì từ Phật pháp? Ngày xưa Đức Phật dạy các thánh tăng hãy du hành vì lòng thương tưởng cho đời, chứ không phải đi tìm lòng thương tưởng của đời dành cho mình. Phục vụ cộng đồng là một việc làm cao quý mà ai cũng nên làm, nhưng phục vụ cái gì và phục vụ như thế nào là chuyện khác. Chúng ta nên nhớ rằng, đức Phật của chúng ta suốt cả cuộc đời hành đạo chưa từng bố thí cho ai một bữa cơm. Ngài chỉ bố thí Pháp mà thôi.

Có người đem so sánh Phật giáo với đạo Thiên Chúa, rằng đạo Thiên Chúa làm công tác xã hội rất tốt, rất nhiều như mở trường học, bệnh viện, nuôi trẻ mồ côi. Tuy nhiên, khi so sánh như vậy, họ quên đi cái thế mạnh, điểm đặc sắc của Phật giáo của mình là gì. Nói một cách thẳng thắn, Đạo Thiên Chúa yếu về giáo lý cho nên họ phát triển hoạt động xã hội để bù lại. Còn Đạo Phật có một nền giáo lý cao siêu, tuyệt vời để phát triển tâm linh, hóa giải khổ đau, phiền não của con người. Nếu chúng ta đem đạo Thiên Chúa ra so sánh với đạo Phật và muốn tăng ni phật tử cũng làm như những gì đạo Thiên Chúa làm là chúng ta đã bỏ sở trường của mình mà đi tìm sở đoản rồi. Ta nên biết rằng mỗi người có sở trường khác nhau. Chỉ thấy người khác thành công mà bắt chước y chang như họ trong khi không nhận thức được đâu là sở trường sở đoản thì cho dù có thành công cũng không thể nào bằng họ được. Hơn nữa, như đức Phật đã dạy, con người không phải khổ vì vật chất mà vì tinh thần. Không phải thiếu cơm, thiếu áo mà họ khổ mà họ khổ vì tham lam, sân hậnsi mê, vì những tham dục vô tận của họ. Những nhu cầu xã hội như từ thiện, giáo dục (theo kiểu mở lớp mầm non để giữ trẻ) không phải là không có tác dụng trong việc hoằng pháp, nhưng nếu chúng ta vì để có tín đồ cho đông mà phải làm vừa lòng xã hội thì đạo Phật sẽ đi về đâu? Đạo Phật sẽ dần dần biến chất, sẽ không còn là đạo Phật nữa mà chỉ là một tổ chức từ thiện hay một cơ sở giáo dục, làm vừa lòng người khác để mà tồn tại. Và tăng ni, thay vì tu hành để giác ngộ thì lại trở thành… vú em. Khi nghe nói Giáo hội mở lớp mầm non Phật giáo, một vị ni sư đã nói đùa rằng “nếu muốn nuôi trẻ thì tôi đẻ tôi nuôi chứ mắc gì nuôi con người khác”. Lời nói ấy có vẻ thô nhưng không phải là không có lý. Người dân ta đã quen nhìn tăng ni như những bậc mô phạm trang nghiêm kính cẩn, nay lại thấy một sư cô đứng múa may và ca hát thì khó coi quá. Mà đã dấn thân vào con đường đó, coi đó như cái nghề thì cái “nghề tu” bỏ đâu?

Một tăng sinh đã viết trong bài thi rằng, “chúng ta chỉ tổ chức khóa tu cho phật tử mà không thấy có khóa tu nào cho người tu”. Các chùa hiện nay tranh nhau mở đạo tràng, mở khóa tu cho phật tử và người dân. Mỗi khóa tu như vậy kéo dài từ một ngày cho đến một tuần. Các phật tử tu rất tốt. Còn tăng ni làm gì? Làm người phục vụ cho khóa tu đó. Kết quả là phật tử được giác ngộ, còn tăng ni thì được… phước. Đó là chưa kể một số chùa tổ chức đám xá quanh năm. Phật tử đến ăn còn tăng ni thì phụ vụ như nhân viên nhà hàng. Phục vụ cho người khác tu hay cho một số phật sự không có gì là sai, nhưng nếu đi tu chỉ để làm cái việc đó thì đi tu để làm gì, được gì, ngoài những tín đồ? Đó có phải là mụch đích chân chính của việc đi tu không? Tôi không hề phản đối các hoạt động từ thiện xã hội hay hoằng pháp lợi sinh, nhưng coi chừng chúng ta hướng ngoại quá nhiều rồi dần dần quên đi mụch đích chính của người tu. Hướng ngoại có thể rất quan trọng và hữu ích cho đạo phápnhân sinh, nhưng đó không phải là hướng “niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”, tức hướng của giác ngộgiải thoát mà “con một nhà thiện lương vì mụch đích chân chính mà xuất gia”, theo cách nói của đức Phật.

Kinh Di Đà có rất niều cách tiếp cận và hiểu khác nhau. Một trong những cách hiểu đó là “tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. Kỳ tùy tâm tịnh, tức Phật độ tịnh”. Hễ tâm mình thanh tịnh thì ở đâu cũng là Cực Lạc. Nhưng mà nói thì nói vậy chứ có mấy ai đạt được cảnh giới đó. Đối với những tăng ni mới tu học thì môi trường vẫn là vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm. Qua bài viết này, tôi rất mong chư tôn đức lãnh đạo trong Giáo hội, các vị trụ trì, thầy tổ có cái nhìn sâu sát, cận cảnh đối với thực trạng Phật giáo hiện nay. Làm gì làm nhưng phải đảm bảo được hai điều cơ bản, đó là không xa rời mụch tiêu giác ngộ giải thoát và tạo tạo môi trường tu học thích hợp cho tăng ni, nhất là những tăng ni trẻ mới vào đạo được yên tâm tu học như những gì đã đề cập từ trước đến giờ. Mong thay!

Thích Trung Hữu và các học trò

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2013(Xem: 48763)
24/04/2012(Xem: 122285)
21/04/2014(Xem: 14582)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.