Thực ra, nếu trước mắt không có những khó khăn, nghịch cảnh thì thông thường con người khó trưởng thành. Gọi là “Có làm thì mới có khôn”, bất trắc cũng chính là một thứ kinh nghiệm, là một quá trình. Hoàn cảnh khó khăn là một thử thách, luyện tập. Nếu có thể đối diện với hoàn cảnh khó khăn mà tinh thần không hoảng loạn, không trách oán, biết dùng trí tuệ để giải quyết, dùng trái tim từ bi để đối diện thì hoàn cảnh khó khăn không còn là hoàn cảnh bất lợi nữa!
Ví như chúng ta đi đường hoặc leo núi, bước xa hơn một chút chân sẽ có cảm giác bị đau, cơ thể cũng cảm thấy mệt mỏi, đó không được gọi là “hoàn cảnh khó khăn”, đó chỉ là một “quá trình”. Chưa từng trải qua những sự việc sẽ không biết được khó khăn, không có việc nào là không có khó khăn cả, chỉ cần coi những trắc trở trước mắt không phải là trắc trở, coi những trắc trở như một hiện tượng nhất định sẽ xảy ra trong quá trình phát triển, trắc trở sẽ không còn là những cú sốc nữa. Cũng có thể nói, khi làm bất kỳ việc gì, cần phải suy nghĩ đến cả hai mặt lợi và hại, như vậy sẽ cảm thấy tự do, lùi cũng cảm thấy tự do, tự tại.
Tuy nhiên, cho dù việc dự liệu chu đáo vẫn có những lúc khó khăn chồng chất không thể vượt qua được, lúc đó tâm lý khó tránh khỏi bất an, hoang mang, những lúc như thế cần phải giữ được niềm tin. Niềm tin ở đây là cái gì? Là có niềm tin vào xã hội, rằng việc làm của mình đóng góp vào xã hội, giúp ích lợi cho người khác nhất định là việc tốt đẹp, có thể hóa hung thành cát (tốt lành). Nếu chỉ vì cá nhân, vì chính mình, khi hoàn cảnh khó khăn xuất hiện thì bạn sẽ thất bại hoàn toàn, không thể đứng lên được. Đương nhiên, con người không thể không có những tư lợi, nhưng nên nghĩ về lợi ích của mình ít đi và nghĩ nhiều về mọi người hơn.
Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, điều đầu tiên cần làm là hãy nghĩ rằng khó khăn này vốn có trong dự liệu của mình: tôi sớm đã biết nhất định sẽ có khó khăn, chỉ là không biết đó là khó khăn gì mà thôi. Tiếp đó cần nghĩ đến cách giải quyết những khó khăn trước mắt. Đầu tiên, tất nhiên cần vận dụng trí tuệ của mình, nếu năng lực của mình không đủ, cần tìm người có chuyên môn, hoặc người thông minh hơn mình để giúp đỡ, hoặc vài người cùng bàn luận, bởi vì suy nghĩ của cá nhân một người khó chu toàn được. Trí tuệ của hai, ba người chính là trí tuệ của quần chúng, đôi khi còn hơn cả Gia Cát Lượng, vấn đề sẽ dễ dàng được giải quyết. Vì vậy, cần có sự bình tĩnh để đối diện với vấn đề, đồng thời cần có sự cứu viện một cách thích hợp, đó là cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Rất nhiều người cảm thấy hoàn cảnh thuận lợi sẽ rất tốt. Thực ra, khi con người ở hoàn cảnh thuận lợi, khó tránh khỏi việc tự mãn, không còn tỉnh táo để đề phòng thất bại. Vì vậy, chúng ta nên chuẩn bị những điều không tốt khi còn ở chỗ an toàn, lúc nào cũng cần khiêm tốn, thận trọng, không nên ngạo mạn, dương dương tự đắc, tự mình cho là nhất. Bởi sự thành công và thuận lợi của bất kỳ sự việc gì không hoàn toàn dựa vào chính mình, mà còn do “thời thế tạo anh hùng”, do bối cảnh của thời đại và hoàn cảnh xung quanh.
Có người cho rằng đó là do vận may của mình, năng lực của mình, điều đó không sai. Có vận may mới gặp được nhân duyên tốt, nhưng vận may không phải bao giờ cũng luôn đi cùng chúng ta, vận may sẽ rời xa chúng ta. Vì vậy, khi gặp vận may cần cẩn thận, giống như khi mình leo đến đỉnh cao nhất, không nên quá tự mãn, nếu không cẩn thận sẽ bị rơi xuống vực sâu.
Lên được đến đỉnh núi, cần phải biết rằng tiếp theo sẽ cần phải xuống dốc; sau khi xuống dốc, sẽ có một đỉnh núi khác. Cuộc sống của con người cũng giống như dốc núi gập ghềnh, khi ở hoàn cảnh thuận lợi không nên kiêu ngạo, khi ở hoàn cảnh khó khăn không được nản chí. Chúng ta cần phải nhớ rằng, bất kì nơi nào, lúc nào cũng có khả năng phát sinh những cái mới.