Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ
THÀNH TÂM CẢM ỨNG PHẬT NHIỆM MẦU
Thật là một duyên lành khi Châu Thanh có cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mình, về nhân duyên đến với đạo Phật và cả sự nhiệm mầu của Phật pháp trong cuộc đời. Tuy vậy, những điều Châu Thanh chia sẻ sau đây chỉ là sự thấy biết còn hạn hẹp của mình đối với Phật pháp. Châu Thanh nghĩ sự thấy biết ấy chỉ như là một giọt nước trên biển cả vậy. Nhưng hy vọng, dù là một giọt nước nhỏ bé cũng có thể góp phần ươm thêm một hạt giống Bồ Đề cho quý vị nào hữu duyên.
Châu Thanh sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Tây Ninh, quanh năm chỉ biết cày cấy. Tuy vậy, Châu Thanh lại có lòng đam mê nghệ thuật, rất yêu ca hát. Một nhân duyên tình cờ, năm 1979 Châu Thanh gặp được người cậu là nhạc sĩ Đoàn Viên làm ở đoàn Sài Gòn 2. Cậu nói: "Giọng hát cháu được đó, để cậu đưa vào đoàn gặp NSND Nhật Lam để thử hơi xem sao, nếu ông đồng ý thì mình sẽ đi hát". Châu Thanh nghe cũng thích lắm, tuy từ bé đến lớn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành nghệ sĩ nhưng ở quê hồi đó cấy lúa xong đợi tới mùa lúa chín cũng lâu, nên Châu Thanh nghĩ hay là trong thời gian đợi mùa lúa chín mình đi theo đoàn hát để kiếm cơm sống qua ngày, đỡ tốn kém gia đình. Nói vậy là Châu Thanh đi, sau đó được thử giọng và không ngờ mình trở thành nghệ sĩ luôn cho tới bây giờ.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, Châu Thanh cũng trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời nghệ sĩ. Đời sống của một nghệ sĩ có chút thành công cứ cuốn mình theo những show diễn ở nơi này nơi kia. Rồi những cuộc vui thâu đêm khiến Châu Thanh không có giây phút nào được lắng đọng tâm tư để nghĩ đến việc chăm bón cho hạt giống tâm linh nơi tâm hồn mình. Cho đến năm 2000, Châu Thanh có duyên được sư Minh Giới mời thu CD vở tuồng Bước Chân Xuất Thế nhưng lúc đó Châu Thanh bận hợp đồng lịch diễn ở miền Tây, nên không thể nhận lời cùng sư. Khoảng một tháng sau, Châu Thanh về thành phố thì nhận được điện thoại của sư: “Châu Thanh về chưa?” Châu Thanh nói: “Mô Phật, dạ bạch sư con đã về rồi ạ”. Rồi Châu Thanh hỏi tiếp: “Vở tuồng hôm trước mình thu chưa sư?” Sư nói: “Chưa, sư vẫn đang đợi Châu Thanh đây!” Châu Thanh mừng lắm, nghĩ vậy là mình có duyên được đóng vở tuồng kể về lịch sử đức Phật Thích Ca rồi. Sau đó, Châu Thanh cùng với sư bắt tay vào công việc thu băng. Trong quá trình thu âm, Châu Thanh bỗng thấy thấm thía những lời văn kể về đức Phật. Thấy sao mà hay, mà kỳ diệu quá! Châu Thanh còn nhớ mãi những câu văn như thế này: “Vui trong tham dục, vui rồi khổ, khổ để tu hành, khổ hóa vui. Nếu biết có vui rồi có khổ, thà rằng đừng khổ, cũng đừng vui”. Khi được đọc, được ngâm những lời pháp của đức Từ Phụ, Châu Thanh cảm thấy hổ thẹn cho mình, sao lâu nay mình lại sa đọa trong cuộc sống với những tháng ngày thật vô bổ. Lâu nay ai nhìn cũng nghĩ là Châu Thanh hiền, nhưng mà sự thật là những năm tháng tuổi trẻ Châu Thanh cũng cờ bạc, rượu chè, trai gái, ăn chơi nhảy nhót thâu đêm,… Cuộc đời của một người nghệ sĩ, khi đã có chút thành công sớm thì bản ngã càng lớn, mình không làm chủ được bản thân nên càng dễ sa vào con đường đọa lạc. Được tham gia trong vở tuồng Bước Chân Xuất Thế nghe được những lời pháp “Cuộc đời có nghĩa gì đâu, nay còn mai mất có chi của mình”, Châu Thanh lại càng tỏ ngộ, sống trên cuộc đời này nếu chỉ chăm lo cho gia đình thì đó là trách nhiệm của một người con, người chồng, người cha trong gia đình, đó là điều hết sức bình thường. Nhưng còn trách nhiệm đối với xã hội, nhất là khi được nhiều người yêu mến thì phải làm gì đó để đền ơn xã hội. Nên, những năm tháng gần đây Châu Thanh cũng thường cùng với bạn bè đồng nghiệp tham gia những chương trình từ thiện, mong có thể làm một chút gì đó đóng góp với xã hội.
Lại nói về vở tuồng, công việc này được thực hiện với rất nhiều thuận duyên, khi thu CD xong, Châu Thanh ước giá mà quay video để phát hành cho đại chúng xem thì hay quá! Sư cũng tán đồng với ý tưởng của Châu Thanh nhưng lúc đó cả hai thầy trò vẫn chưa biết tìm đâu ra nguồn kinh phí để thực hiện. Không lâu sau, Châu Thanh có người bạn bên Canada về, người bạn ấy cũng là một khán giả mến mộ Châu Thanh. Khi biết sư và Châu Thanh có nguyện vọng như thế thì người bạn ấy hỏi quay video như vậy cần bao nhiêu tiền. Lúc ấy Châu Thanh gọi điện cho đạo diễn Phượng Hoàng, anh nói cần khoảng 5 ngàn đô-la. Nghe vậy thì người bạn ấy phát tâm cúng dường số tiền ấy để Châu Thanh và sư thực hiện vở tuồng Bước Chân Xuất Thế.
Vở tuồng thành công tốt đẹp, sư cùng với Châu Thanh chở đi khắp các chùa phát hành, được chư Tôn đức và Phật tử khắp nơi đón nhận, hoan hỷ. Rất nhiều Phật tử đã gọi điện bày tỏ mong muốn được xem tiếp vở tuồng còn lại. Sư mừng lắm, rồi sư báo tin cho Châu Thanh biết có người phát tâm cúng dường để thực hiện vở tuồng tiếp theo. Nhưng người đại thí chủ ấy không để Châu Thanh đóng nữa mà thay người khác. Một người bạn của Châu Thanh nói lại rằng, sư nhờ chị ấy nhắn lại với Châu Thanh là sư cũng khó xử lắm, không biết làm sao, vì những ngày tháng ở thành phố này sư đi đâu, làm bất cứ công việc gì Châu Thanh cũng lo cho sư, nên giờ không biết nói sao với Châu Thanh, trong khi người thí chủ ấy cũng có tâm nguyện là muốn xiển dương đạo pháp. Nghe người bạn nói vậy, Châu Thanh buồn lắm, không nói gì, Châu Thanh về nhà thắp nhang cầu nguyện: “Bạch Từ Phụ, con có nhân duyên được kể về cuộc đời của Ngài, con rất ngưỡng mộ từ phụ vì tâm đại hùng, đại lực, đại từ bi của Ngài. Con rất kính ngưỡng Ngài, con mong sao được đóng vở tuồng trọn vẹn, dù có chết con cũng mãn nguyện, xin từ phụ hãy chứng lòng con”. Thấy chồng buồn mà không nói năng gì, vợ Châu Thanh hỏi: “Sao thấy mấy hôm nay anh buồn quá vậy? Có chuyện gì không?”. Châu Thanh kể lại sự tình cho vợ nghe, rồi Châu Thanh nói: “Em ơi, anh nhờ em giúp cho anh một chuyện, anh mong em hãy giúp anh, tại vì không biết kiếp sau anh có được đầu thai làm người nữa hay không, vậy nên anh mong em hãy giúp anh được bán nhà”. Vợ Châu Thanh hoảng hốt hỏi: “Bán nhà làm chi?”. Châu Thanh bảo: “Bán nhà làm phim Phật”. Vợ Châu Thanh nói tiếp: “Rồi mình ở đâu?”. Châu Thanh nói: “Mình vô chùa ở, anh quen nhiều chùa lắm”. Vợ Châu Thanh lặng thinh một lúc lâu rồi nói: “Thôi được rồi, anh cứ bán nhà để làm phim đi anh”. Châu Thanh mừng quá thỉnh hoa quả chạy vào chùa, quỳ bạch với đức Thế Tôn: “Bạch đức Thế Tôn, hôm nay con đã thuyết phục được vợ con đồng ý cho con bán nhà, và lần này con xin Từ Phụ chứng minh cho lòng thành của con để con được gọi điện thỉnh ý sư xem sư có đồng ý cho con được như tâm nguyện không”. Châu Thanh gọi cho sư: “Bạch sư, vở tuồng mình bao giờ thực hiện vậy sư?” Sư nói: “Tuồng đã xong rồi nhưng còn thực hiện thì…” Châu Thanh hiểu ý sư nên nói luôn: “Bạch sư, con hiểu rồi sư à, nhưng bây giờ Châu Thanh có thể giúp sư phương tiện để thực hiện vở tuồng, sư có đồng ý không?” Sư nói: “Nhưng mà Châu Thanh làm gì có tiền?”. Châu Thanh liền trả lời: “Bạch sư, con có tiền, con đã quyết định bán nhà rồi”. Bên kia đầu dây, Châu Thanh nghe tiếng sư khóc, sư nói: “Châu Thanh làm sư cảm động quá, thôi để sư nói với Ban tổ chức nếu người ta không đồng ý thì sư sẽ làm theo ý của Châu Thanh”. Chừng một lát sau, sư gọi lại và nói: “Châu Thanh ơi, vậy là Đạo Vàng Muôn Thuở đang chờ Châu Thanh kể tiếp”. Châu Thanh vui mừng khôn tả, vậy là đức Phật đã chứng cho lòng thành của Châu Thanh. Châu Thanh không cần phải bán nhà nữa mà vẫn có thể tiếp tục thực hiện vở tuồng tiếp theo.
Từ khi có duyên lành được đến chùa, được nghe những lời giảng dạy của chư Tôn đức, của quý thầy, Châu Thanh thấy rằng cuộc đời này thật vô thường, chẳng bao giờ có thể biết được chuyện gì sẽ xảy đến với mình. Bản thân là một người nghệ sĩ, cuộc sống nay đây mai đó, cứ mải mê với những lịch trình mới, cho đến một ngày Châu Thanh nhận thấy dường như có vấn đề gì đó với sức khỏe của mình, đi khám bác sĩ, mới hay mình đã mắc viêm gan siêu vi C. Lúc ấy, Châu Thanh biết là cái gọi là vô thường ấy không còn nằm trong lời dạy của quý thầy nữa, mà nó đã thực sự đến với cuộc đời Châu Thanh rồi. Châu Thanh bắt đầu chuẩn bị hành trang cho mình. Châu Thanh tâm sự với vợ: “Trước nay vì cuộc sống, vì em và các con nên anh phải đi hát ngày đêm để lo cho gia đình chúng ta có mái ấm hôm nay. Bây giờ sức khỏe của anh không được như trước, nên anh sẽ không đi diễn nữa.” Bình thường, Châu Thanh chỉ niệm Phật những ngày không đi hát, nhưng bắt đầu hôm ấy Châu Thanh niệm chú đại bi mỗi ngày 21 biến và niệm Phật 1080 lần. Châu Thanh niệm Phật không phải để hết bệnh, mà để lúc lâm chung được theo Phật. Nhưng có ngờ đâu khoảng chừng ba tuần sau đi kiểm tra lại sức khỏe thì tự nhiên thấy bệnh không còn nữa. Châu Thanh còn tưởng mình nhầm, nhưng xem lại tên thì đúng là tên của mình rồi. Đúng là Phật pháp nhiệm mầu quá!
Lúc trẻ, Châu Thanh thường hát về tình yêu, về những câu chuyện tình trắc trở, trái ngang, đẫm nước mắt. Sau này, Châu Thanh nghĩ mình nên hát những bài hát về quê hương, đất nước để đóng góp một phần cho xã hội. Đặc biệt là khi biết đạo rồi thì Châu Thanh hay hát những bài nói về công ơn cha mẹ, công ơn thầy tổ, nhất là công ơn đức Phật đã cứu đời ta. Hiện tại, Châu Thanh cùng với gia đình cứ mỗi mùa Phật đản hoặc mùa Vu Lan, cảm thấy vui vì được đem lời ca tiếng hát của mình dâng cúng lên chư Phật mười phương. Khi đã hiểu được lời dạy của Phật, Châu Thanh cũng mong mình có được hạnh nguyện lợi tha là đem đến niềm vui cho người khác, nên mỗi khi có việc từ thiện, Châu Thanh đều sẵn lòng tham gia. Châu Thanh cũng có duyên tổ chức những chương trình trợ giúp cho công việc từ thiện, nên anh em nghệ sĩ thường gọi vui Châu Thanh là ông bầu chùa.
Có duyên được biết đến Phật pháp, Châu Thanh cũng đã thấy, nghe và cảm nhận được hạnh nguyện rộng lớn của nhiều vị Phật tử. Có lần Châu Thanh đi mừng khánh thành tôn tượng đức Phật A Di Đà, nghe nói kinh phí xây dựng lên tới 12 tỷ đồng. Từ đó Châu Thanh nghĩ rằng công việc của mình cũng chỉ là một việc nhỏ bé, góp phần đem đến niềm vui cho cuộc đời này thôi. Nếu đem ra so với những người khác thì Châu Thanh cũng thấy hổ thẹn nhiều lắm. Thế nhưng, Châu Thanh nghĩ mình có thể làm được điều gì có ích thì dù nhỏ cũng hãy cố gắng làm tốt nhất có thể. Bởi những người có số phận kém may mắn khi nhận được sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng thì họ vui mừng và cảm thấy được an ủi nhiều lắm. Họ sống với sự cô đơn, mặc cảm bệnh tật và những đau đớn trên thân thể nên mỗi khi anh chị em nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát đến cho họ giống như là đem mùa xuân, đem sự sống về vậy. Bản thân chúng ta đôi khi chỉ bị nổi một hạt mụn, hay làn da hơi sạm một chút thôi là đã cảm thấy buồn, thấy khổ sở rồi, những còn những con người ấy, có người đã mất đi cả một phần thân thể, chịu đựng biết bao sự giày vò của bệnh tật. Họ bất hạnh hơn chúng ta quá nhiều. Thế nên, dù bận đến đâu Châu Thanh cũng cố gắng sắp xếp cùng anh chị em nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát và một chút quà nhỏ của mình đến với những con người ấy.
Nhân vật: Nghệ sĩ Châu Thanh
----------------------------
Ngọc Huyền Châu cũng có duyên lành được quy y với Hòa thượng Thanh Từ, pháp danh là Chơn Diệu. Huyền Châu thật ra cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường giống như mọi người, chỉ khác là Huyền Châu có chồng là nghệ sĩ. Mà chồng làm nghệ sĩ thì vợ phải hiểu và cảm thông. Thế nhưng, nói thật trước đây Huyền Châu không làm được như vậy, bởi anh Thanh đi diễn xa nhà, nhiều khi đi một tuần, một tháng, hoặc thậm chí là vài tháng. Huyền Châu cũng trăn trở, suy nghĩ nhiều, nên Huyền Châu cũng ghen nhiều. Mà cái ghen khi Huyền Châu còn trẻ nó dữ dội lắm, khi đã ghen thì không còn biết suy nghĩ gì nữa, cũng không nghĩ đến những tổn thương mà con cái mình phải gánh chịu. Hồi trẻ, anh Châu Thanh cũng bay bướm, lãng mạn lắm, nên tình cảm hai vợ chồng cũng trải qua nhiều sóng gió, chia ly rồi hàn gắn lại. Mà thời gian xa cách nhau cũng khá dài, cũng gần 10 năm sau mới tái hợp lại. Sự tái hợp này cũng nhờ sự mầu nhiệm của Phật pháp. Lúc chia tay, con gái Ngọc Linh mới chỉ một tuổi. Đến khi Ngọc Linh được bảy tuổi thì Ngọc Linh biết đi chùa cầu nguyện, rồi còn biết bỏ ống heo cúng dường Tam Bảo cầu nguyện cho cha mẹ quay lại với nhau. Sự việc này Huyền Châu biết được và thấy xúc động, thấy thương con gái nhiều. Và dường như tấm lòng thành của một cô bé bảy tuổi đã cảm động được chư Phật. Huyền Châu cảm thấy có một sự linh ứng mầu nhiệm vô cùng. Sau 10 năm chia tay, hai vợ chồng đã tái hợp vào đúng ngày sinh nhật của Ngọc Linh. Rồi từ đó, theo lời Phật dạy, gia đình Huyền Châu đã được sống vui vẻ, chan hòa và hạnh phúc. Sau này Huyền Châu không ghen giống thời trẻ nữa, tự nhiên cảm thấy cuộc sống rất yên bình, nhiều khi cũng có ghen chút xíu thôi, nhưng tự quán xét lại lời Phật dạy, Huyền Châu niệm Phật, hoan hỷ, xem như chưa nghe, chưa thấy. Vì thế mà Huyền Châu được sống rất an lành và hạnh phúc.
Huyền Châu chia sẻ một sự nhiệm mầu của Phật pháp mà bản thân Huyền Châu cảm nhận được. Vào năm 1996, Huyền Châu có thai, lúc khám định kỳ hàng tháng thai vẫn bình thường. Nhưng khi được khoảng tám tháng hơn thì bác sĩ bảo thai lớn, không xoay đầu, bác sĩ chỉ định phải mổ. Mà lúc đó việc sinh mổ không được nhiều thuận lợi như bây giờ. Nghe vậy Huyền Châu buồn lắm, lại thấy sợ nữa, không hiểu mình đã làm chuyện gì xấu mà giờ phải chịu cảnh này. Bác sĩ bảo hai vợ chồng về chọn ngày để mổ. Huyền Châu lặng lẽ về nhà quỳ trước Tam Bảo cầu xin mẹ hiền Quan Thế Âm: “Kính lạy mẹ, không biết kiếp trước con có gieo nhân gì xấu, mà sao bây giờ lại mang thai ngược, giờ con xin sám hối cùng Tam Bảo để mẹ hiền Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn cho con sinh nở được mẹ tròn con vuông”. Rồi hai vợ chồng chọn 9 giờ ngày 19 tháng 9 (là ngày vía đức Bồ Tát Quan Thế Âm) cũng là đủ duyên đủ tháng để thai nhi ra đời. Hai vợ chồng chọn ngày 19 tháng 9 để mong được sự gia hộ của mẹ Quan Thế Âm. Từ khi nghe tin mang thai ngược là suốt hơn một tháng Huyền Châu không ngủ được, chỉ niệm mẹ Quan Thế Âm. Đến ngày mổ, Huyền Châu đến trước một ngày, rồi suốt đêm đó không ngủ. Đến 7 giờ sáng y tá gọi Huyền Châu tới làm thủ tục, đến lúc gần 8 giờ thì Huyền Châu đau lưng và có dấu hiệu sinh. Khi bác sĩ tới khám lại thì bảo “Ồ tốt quá, không cần phải mổ nữa, mọi chuyện rất tốt, có thể sinh bình thường”. Huyền Châu xúc động quá, lúc đó đau chuyển dạ mà tự nhiên thấy không còn đau nữa. Đó là một sự nhiệm mầu vô cùng của Phật pháp mà Huyền Châu cảm nhận được. Từ đó Huyền Châu phát nguyện hướng về Phật pháp, nguyện đời đời kiếp kiếp được ở dưới chân đức Phật, được phụng sự cho Phật pháp, vậy là Huyền Châu mãn nguyện rồi.
Bởi vậy, vào năm 2000 Huyền Châu biết vở tuồng Bước Chân Xuất Thế được thực hiện rất thành công, quý Phật tử khắp nơi tán thán và yêu cầu sư thực hiện tiếp phần 2. Huyền Châu không biết sự liên hệ giữa anh Thanh và sư như thế nào, chỉ biết là những ngày đó tự nhiên thấy anh rất buồn, còn khóc nữa. Nhiều khi nửa đêm thức giấc thấy anh ngồi trước Tam Bảo nhắm mắt lại như cầu nguyện một điều gì. Huyền Châu gặng hỏi mãi, cuối cùng anh mới kể lại câu chuyện cho Huyền Châu nghe, rồi sau đó anh đề nghị Huyền Châu giúp cho anh được bán nhà để làm phim. Huyền Châu nghe xong giật mình vì hoàn cảnh hai vợ chồng lúc đó đang ở nhà chung cư lại mới sinh bé trai nên cũng còn khó khăn lắm. Nhưng sau khi nghe anh nói: “Em giúp cho anh đi, đóng xong vở tuồng này dầu có chết anh cũng mãn nguyện” thì Huyền Châu thấy xúc động, thấy thương anh lắm! Hơn nữa, Huyền Châu nghĩ, đức Phật đã dạy cõi đời là cõi tạm, cuộc sống này là vô thường, nên hôm nay có thể làm điều gì có ý nghĩa cho người thân thương của mình thì phải làm liền. Vậy là Huyền Châu chấp nhận bán nhà, không hối hận.
Nhân vật: Nghệ sĩ Ngọc Huyền Châu
Nhận định của thầy Thích Chân Tính
Nghệ sĩ Châu Thanh đã phát tâm đóng một vai trong vở tuồng cải lương “Bước chân xuất thế” và từ đó nhờ thâm nhập vào vai diễn của mình mà nghệ sĩ đã giác ngộ Phật pháp. Bản thân tôi là người đã đứng ra xin giấy phép cho vở cải lương Bước Chân Xuất Thế, lúc đó tôi làm thư ký cho Ban Văn hoá Thành Hội Phật Giáo TP. HCM. Được biết vở cải lương này do Đại đức Thích Minh Giới soạn và nghệ sĩ Châu Thanh là người đóng vai chính, vai Thái tử Tất Đạt Đa. Đến hôm nay tôi mới được nghe nghệ sĩ tâm sự câu chuyện của mình phía sau vở tuồng ấy.
Ở phần một, nghệ sĩ được có đầy đủ duyên lành để đóng vai Thái tử Tất Đạt Đa, nhưng sang phần hai thì vị đại thí chủ phát tâm lại muốn thay người đóng vai chính, trong khi nghệ sĩ Châu Thanh muốn mình được tiếp tục thực hiện vở tuồng này. Chính vì tâm nguyện muốn cống hiến tài năng nghệ thuật của mình cho đạo pháp, nghệ sĩ đã bàn với gia đình bán nhà. Qua sự việc này, chúng tôi không biết rằng nghệ sĩ có phải vì muốn được nổi danh hay muốn gieo duyên với đức Phật để sau này được thành Phật, điều này chúng tôi không thể xác định được. Nhưng dù là lý do nào trong hai lý do này đều là tốt cả. Chúng tôi thấy nghệ sĩ là một người có trí tuệ. Bởi tất cả chúng ta hiện hữu trên cõi đời này, ai rồi cũng có ngày phải từ giã, và khi chúng ta lìa bỏ cõi đời này để lại hai sự nghiệp: sự nghiệp vật chất và sự nghiệp tinh thần. Sự nghiệp vật chất là nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc, châu báu; còn sự nghiệp tinh thần là trí tuệ của con người thể hiện trong những lời hay, những tư tưởng, những tác phẩm nghệ thuật… Gia tài vật chất dù có đồ sộ, có lớn mạnh như thế nào đi nữa cũng sẽ bị thời gian làm tiêu hoại, chỉ cần một cơn động đất, một trận sóng thần là xem như tiêu tan hết. Thế nhưng sự nghiệp trí tuệ thì sẽ tồn tại lâu dài, có thể là mãi mãi với thời gian.
Đức Phật trước đây là thái tử con vua, cung vàng điện ngọc thời đó cũng lộng lẫy, tráng lệ, nhưng đến giờ này lịch sử cũng chưa tìm thấy được cung vàng điện ngọc ngày xưa vua Tịnh Phạn và Thái tử Tất Đạt Đa ở, vì thời gian đã xóa hết tất cả. Thế mà hơn 2500 năm nay tư tưởng, những lời dạy, giá trị trí tuệ, tinh thần đạo đức của đức Phật vẫn tồn tại. Điều đó cho thấy, sự nghiệp vật chất chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định nhưng sự nghiệp tinh thần, sự nghiệp trí tuệ sẽ để lại muôn đời. Qua đây, quý Phật tử nên suy nghĩ về sự nghiệp còn lại của mình sau khi từ giã cõi đời này. Tất cả chúng ta ai cũng phải đến một ngày kết thúc cuộc đời mình theo quy luật sinh, già, bệnh, chết. Vậy cái còn lại sau khi chết là những tư tưởng, những tấm lòng, là sự nghiệp trí tuệ mà đức Phật là tấm gương. Và hôm nay nghệ sĩ Châu Thanh cũng đang noi tấm gương của đức Phật muốn cống hiến lại cho đời những giá trị tinh thần, giá trị này sẽ còn lưu lại mãi.
Vợ của nghệ sĩ Châu Thanh cũng là một người có tâm phụng sự đạo pháp, người ta nói “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, vợ chồng có được sự hòa thuận, thuận thảo với nhau thì mọi việc đều tốt đẹp. Đây cũng là điều chúng ta nên suy nghĩ, trong gia đình vợ chồng sống với nhau phải hiểu, phải biết và phải cùng nâng đỡ nhau. Nếu có thể làm được điều gì có ý nghĩa cho đời thì chúng ta nên làm.
(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 30)