- Bạn nên thiền khi nào và ở đâu ?
- Tự Nhiên Không Vội Vã Mà Mọi Việc Vẫn Thành Tựu
- Khám Phá “bản Ngã” Của Chúng Ta
- Tại Sao Cần Thiền Định?
- Đâu Là Hạnh Phúc Thực Sự?
- Chính Niệm Tỉnh Giác
- Điều Kỳ Diệu Của Sức Mạnh Nội Tâm
- Con Đường Tìm Kiếm Hạnh Phúc
- Điều Gì Khiến Tâm Chúng Ta Bất An?
- Bản Ngã Hời Hợt - Tự Tính Tâm Sâu Sắc
- Sức Mạnh Thay Đổi Cuộc Sống
- Phương Pháp Để Có Cuộc Sống Tràn Đầy Hạnh Phúc
- Năng Lực Kỳ Diệu Của Tâm An Lạc
- Ngôn Ngữ Của Tâm
- Kiếm Tìm Giá Trị Bản Thân
- Ba điều tâm niệm
- Thói Quen Tập Khí Ảnh Hưởng Đến Chúng Ta Thế Nào?
- Thực hành quán niệm Hơi thở hàng ngày (Phần 2)
- Thực Hành Quán Niệm Hơi Thở Hàng Ngày (Phần 1)
- Nguyên Nhân Của Khổ Đau Và Bất An
NĂNG LỰC KỲ DIỆU CỦA TÂM AN LẠC
“Tâm ta tạo nên cuộc sống của chính ta
Suy nghĩ sao sẽ trở thành như vậy”
Đức Phật
Tâm an lạc luôn rộng mở, không phán xét, ham học hỏi, kiên nhẫn, sống động và không sợ hãi. Khi tâm thư thái, an lạc, chúng ta đạt được sự cân bằng tự nhiên giữa tình cảm và lý trí, chúng ta có thể giải quyết mọi công việc cụ thể hàng ngày mà vẫn không quên nhìn cuộc sống một cách tổng thể, toàn diện. Chúng ta đạt được sự hài hòa, đồng điệu với tâm, tâm hợp tác với chúng ta thay vì luôn vọng tưởng vô định khiến ta tất bật, lo toan, căng thẳng về mọi việc. Khi tâm an lạc, bạn thường thấy mình may mắn và hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc sống. Mọi mối nhân duyên đều đem đến ý nghĩa và giá trị nhất định cho đời sống của bạn, ngược lại, bạn cũng đáp lại bằng cách trải rộng lòng từ ái và tình yêu thương tới hết thảy mọi người mọi loài.
Như thế không có nghĩa cuộc sống sẽ là con đường phủ đầy hoa hồng. Bạn sẽ vẫn trải qua mọi vui buồn. Nhưng với sự bền bỉ, kiên định nội tâm và lòng tri ân cuộc sống, bạn có thể vượt qua mọi thử thách và biến động. Ta không còn quá bận tâm đến việc người khác nhìn nhận và phán xét mình ra sao, đồng thời có đủ can đảm để nhìn lại và tìm cách hoàn thiện bản thân mình. Tương tự, dần dần ta sẽ bớt phán xét và trở nên bao dung, kiên nhẫn ngay cả với những người khó chịu nhất. Chúng ta vẫn giận dữ, thất vọng, chán nản khi gặp những thử thách khó khăn trên đường đời, nhưng cũng bắt đầu nhận diện được bản chất của những xúc tình đó: chúng có vẻ rất thật, tuy nhiên lại không phải là điều gì đó bất biến, thường còn. Thực tế là xúc tình đến rồi đi. Vậy hãy đừng bám chấp vào những xúc tình đó.
Để có tâm an lạc, bạn hãy thư giãn trong bản chất tự nhiên của mình. Bạn cần một nơi nương tựa tránh khỏi những xúc tình tiêu cực như sân hận, đố kỵ, tham muốn, kiêu mạn, vô minh. Bạn cần tìm một mảnh đất màu mỡ để ươm mầm các ý tưởng, ra quyết định và tìm hướng đi đúng đắn. Khi đã tìm được mảnh đất ấy, bạn cần làm cỏ, gieo hạt. Bạn cần nuôi dưỡng những hạt giống của cuộc sống thiện lành, chăm bón, tưới tắm những hạt giống đó bằng sự nhẫn nại và tâm từ bi với bản thân và mọi người. Hãy để mặt trời tỏa sáng trong trái tim và tâm hồn bạn, hãy dành cho mình thời gian để nghỉ ngơi và hít thở. Hãy làm quen và kết bạn với tự tính tâm của chính mình.
Tự tính tâm của tất cả chúng sinh đều an tịnh. Tuy nhiên, chúng ta thường bị sự sợ hãi và bản ngã vị kỷ lấn át, chế ngự khiến không thể nhận ra bản chất thật sự đó. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần dành một chút thời gian để tìm hiểu bản chất chân thật của tâm và trưởng dưỡng sự hài hòa của tâm hồn thông qua các bài tập, nhất là các bài tập thực hành thiền định. Điều đó sẽ giúp tâm ta thư giãn, giúp chúng ta nhìn nhận lại cuộc sống và bản thân, từ đó nhận ra những điều nhỏ bé chúng ta có thể làm để cuộc sống của mình và mọi người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Thay vì tập trung giải quyết những vấn đề của tâm bất an, ta sẽ chú tâm trưởng dưỡng, phát triển tâm an lạc, tự tại.
Với nhiều người, đơn giản chỉ cần cho tâm nghỉ ngơi một chút đã là đủ. Khi những vọng tưởng điên đảo dần ngưng lại và tâm bắt đầu lắng xuống, họ có thể nhìn nhận mọi việc rõ ràng hơn. Hoặc họ có thể tận dụng thời gian nghỉ ngơi ấy để mở rộng lòng mình, trưởng dưỡng tâm từ bi và sự cảm thông, tức là khả năng đặt mình vào địa vị của người khác. Với những người khác, đây là lúc thích hợp để “buông xả”, chẳng hạn như, những nỗi đau cũ, những bực bội bất mãn trong lòng, hay những quan điểm bảo thủ. Sự buông xả như vậy sẽ giúp họ suy nghĩ nhẹ nhàng và đơn giản hơn trong mọi vấn đề.
Để tâm nghỉ ngơi thư giãn sẽ giúp chúng ta dừng thói quen giết thời gian bằng những điều vô bổ. Chúng ta bắt đầu rút ra bài học từ những vọng tưởng, xúc tình phiền não và nhìn nhận chúng chính là trí tuệ. Chúng ta học cách quay về làm bạn với sự tĩnh lặng, với thiên nhiên. Chúng ta khám phá lại sức mạnh của sự tập trung, mỗi thời điểm chỉ làm duy nhất một việc nhưng thực sự làm tốt việc đó. Trưởng dưỡng lòng tri ân giúp ta khơi lại ngọn lửa hứng khởi và nhiệt huyết. Chúng ta đưa mình trở về sống đúng giây phút hiện tại, cảm nhận trọn vẹn cuộc sống thay vì không ngừng tiếc nuối quá khứ hoặc lo lắng dự đoán tương lai. Chúng ta bắt đầu học cách cân bằng thân để đạt được cân bằng tâm.