- Lời Giới Thiệu
- Chương Một Vì Sao Phải Quan Tâm Đến Thiền?
- Chương Hai Những Gì Không Phải Là Thiền?
- Chương Ba Thiền Là Gì?
- Chương Bốn Thái Độ
- Chương Năm Sự Thực Tập
- Chương Sáu Phương Cách Điều Thân
- Chương Bảy Phương Pháp Điều Tâm
- Chương Tám Ngồi Thiền
- Chương Chín Chuẩn Bị Trước Khi Ngồi Thiền
- Chương Mười Những Khó Khăn Trong Lúc Ngồi Thiền
- Chương Mười Một Đối Trị Với Sự Xao Lãng - Phần I
- Chương Mười Hai Đối Trị Với Sự Xao Lãng - Phần Ii
- Chương Mười Ba Chính Niệm (Sati)
- Chương Mười Bốn Niệm Và Định
- Chương Mười Lăm Thiền Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày
- Chương Mười Sáu Được Gì Cho Ta?
- Lời Kết Năng Lực Của Tâm Từ
CHÍNH NIỆM - THỰC TẬP THIỀN QUÁN
Nguyễn Duy Nhiên dịch,
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009
Chương
Tám
Ngồi thiền
Từ đầu đến giờ chúng ta chỉ nói về lý thuyết. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu phần
thực hành. Và ta bắt đầu thiền tập như thế nào?
Trước nhất, bạn cần tự quyết định cho mình một chương trình thực tập rõ ràng,
có một thời gian nhất định để ngồi thiền và không làm gì khác. Khi ta còn bé
thơ, ta chưa biết đi. Phải có người mất bao công khó để dạy ta. Họ nắm tay ta,
khuyến khích ta, hướng dẫn ta đặt bàn chân này trước bàn chân kia, cho đến khi
ta có thể tự đi được một mình. Thời gian đó có thể gọi là một tiến trình thực
tập cho nghệ thuật đi.
Trong thiền tập, chúng ta cũng phải theo một tiến trình giống như vậy. Chúng ta
dành ra một thời gian nhất định, đặc biệt chỉ dành riêng cho sự thực tập chính
niệm. Ta dành hết thời giờ ấy chỉ riêng cho việc ngồi thiền. Sắp xếp môi trường
chung quanh sao cho thuận lợi và giảm thiểu tối đa sự quấy rầy. Học cách thực
tập chính niệm không phải là một chuyện dễ. Chúng ta đã bỏ cả cuộc đời mình ra
để huân tập những thói quen, tập quán suy nghĩ tán loạn. Bây giờ, muốn tháo gỡ
chúng ra cũng đòi hỏi nhiều công phu và sự tập luyện.
Như đã trình bày, tâm ta cũng giống như một ly nước đục vì bùn. Mục tiêu của
thiền là gạn lọc những cặn bẩn ấy, để ta có thể nhìn thấy được rõ ràng những gì
trong đó. Phương cách hay nhất là để cho nó yên lắng. Có đủ thời gian, cặn bẩn
sẽ lắng xuống. Ta có được một ly nước trong. Trong thiền tập, ta bỏ ra một thời
gian đặc biệt để thực hành công việc gạn lọc này. Nhìn từ bên ngoài, việc chúng
ta làm có vẻ như vô ích. Ta ngồi đó vô dụng như những hình tượng bằng đá trên
các nóc nhà. Nhưng bên trong ta, có biết bao nhiêu việc đang xảy ra. Những tâm
hành vọng động lắng yên xuống, tâm ta trở nên trong sáng hơn, và nó sẽ giúp cho
ta đương đầu với những khó khăn sau này trong cuộc sống.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta cần phải làm gì, tâm mình mới được ổn
định. Đây là một tiến trình tự nhiên, nó tự động diễn ra. Chính hành động ngồi
yên xuống và giữ chính niệm là lý do mang lại sự an tĩnh này. Thật ra, bất cứ
một cố gắng nào khác của ta cũng sẽ có tác dụng ngược lại. Bất cứ sự kiềm chế
nào cũng sẽ không thành công. Khi ta cố gắng xua đuổi một điều gì ra khỏi tâm
mình, thật ra ta chỉ đem cho chúng thêm nhiều năng lượng mà thôi. Tạm thời ta
có thể thành công, nhưng kết quả sau cùng là làm cho chúng mạnh hơn. Chúng ẩn
núp sâu trong tiềm thức, đến lúc ta không để ý, chúng sẽ nhảy ra, và ta hoàn
toàn bất lực không chống cự được.
Phương cách hay nhất để thanh lọc ly nước tâm của mình là để cho nó tự ổn định
lấy. Đừng đem vào tình trạng đó thêm bất cứ một năng lượng nào nữa hết. Chỉ
nhìn những bùn cặn cuộn xoáy dưới ánh sáng chính niệm, không để bị lôi cuốn
hoặc dính mắc. Và khi nó đã ổn định xuống rồi, nó sẽ được ổn định mãi. Trong
thiền tập, chúng ta sử dụng năng lượng nhưng không dùng sức lực. Sự cố gắng duy
nhất của ta chỉ là từ tốn và kiên trì chính niệm.
Giờ thiền tập cũng là tiêu biểu cho trọn một ngày của ta. Tất cả những gì xảy
đến cho ta trong ngày đều được gìn giữ lại đâu đó trong tâm thức, qua những
hình thái của tinh thần hoặc cảm xúc. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn phải chịu
áp lực của nhiều sự kiện mà rất hiếm khi có thể giải quyết được trọn vẹn những
vấn đề căn bản trong đó. Những vấn đề này sẽ bị vùi lấp trong tiềm thức, nằm ở
đó cứ sôi sục, ray rứt, không yên. Và rồi ta cứ thắc mắc không biết những căng
thẳng của mình do đâu mà có!
Tất cả những thứ ấy, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, sẽ lại khởi lên
trong lúc ta ngồi thiền. Bạn sẽ có cơ hội nhìn lại chúng, thấy được chân tướng
của chúng, rồi buông bỏ đi. Chúng ta sắp đặt một thời gian ngồi thiền nhất định
là để tạo một môi trường thuận lợi cho sự hóa giải này. Ta đều đặn mỗi ngày
thiết lập lại chính niệm. Ta sẽ tập tránh bớt đi những hoàn cảnh nào luôn kích
động tâm mình. Ta bớt tham gia vào những sinh hoạt nào hay đam chọc vào cảm xúc
của mình. Ta tìm một nơi vắng vẻ và ngồi xuống thật yên, và chúng sẽ tự nhiên
sôi sục lên. Và rồi chúng cũng sẽ đi qua hết. Kết quả cũng giống như là ta nạp lại
bình điện của mình vậy. Thiền tập nạp lại năng lượng chính niệm trong ta!
Ngồi thiền ở đâu?
Hãy tìm một nơi im lặng và vắng vẻ, nơi ta có thể ở một mình được. Bạn không
cần phải tìm một nơi thật lý tưởng như ở giữa rừng. Nhưng phải là một nơi bạn
cảm thấy thật thoải mái, không bị quấy rầy. Và cũng đừng để cho mình cảm thấy
bị phô bày quá. Bạn muốn được hoàn toàn chú tâm đến việc hành thiền, không phải
bận tâm lo lắng về lời khen chê của người chung quanh. Hãy chọn một nơi nào
càng yên lặng càng tốt. Không cần phải là một căn phòng cách âm hoàn toàn,
nhưng có một số âm thanh ta cần để ý nên tránh. Âm nhạc và tiếng trò chuyện là
những thứ tệ hại nhất. Tâm ta có khuynh hướng bị cuốn hút vào những âm thanh
này không cưỡng lại được, và định lực ta sẽ tiêu tán hết.
Trong truyền thống cũng có một số điều có thể hỗ trợ, giúp cho ta có được một
môi trường thuận lợi trong khi ngồi thiền. Một căn phòng tối với một ngọn nến
cũng tốt. Một nén hương thơm cũng tốt. Một chiếc chuông nhỏ để bắt đầu và chấm
dứt giờ ngồi thiền cũng tốt. Nhưng ta nhớ đây chỉ là những thứ phụ mà thôi.
Chúng có thể hỗ trợ, khuyến khích thêm đối với một số người, nhưng hoàn toàn
không phải là thiết yếu cho sự thực tập.
Nếu ta có thể mỗi ngày ngồi cùng một chỗ thì rất tốt. Một chỗ chỉ dành riêng
cho ngồi thiền, và không làm một việc gì khác. Dần dà bạn sẽ liên kết chỗ ngồi
ấy với sự tĩnh lặng của thiền định, và sự kết hợp đó sẽ giúp cho bạn đi vào
trạng thái định nhanh chóng hơn. Điểm chính yếu là ngồi ở một nơi nào bạn cảm
thấy thích hợp cho sự thiền tập của mình. Việc ấy có thể đòi hỏi một chút thử
nghiệm. Hãy thử vài chỗ khác nhau, cho đến khi nào bạn tìm được một nơi thoải
mái. Bạn chỉ cần tìm một nơi nào không tạo cảm giác e ngại, lúng túng và bạn có
thể ngồi thiền mà không gặp phải những quấy nhiễu không đáng có.
Nhiều người thấy rằng việc ngồi thiền chung với những người khác rất có lợi. Sự
thực hành đều đặn là một điều thiết yếu, và hầu hết mọi người đều cảm thấy dễ
duy trì sự đều đặn hơn khi có một sự thúc bách phải giữ đúng theo thời biểu của
cả nhóm thực tập. Bạn đã hứa tham gia và có những người khác đang chờ đợi bạn.
Vì thế, việc bỏ qua một buổi tập vì “độ rày tôi bận quá” sẽ bị loại trừ một
cách khéo léo. Bạn có thể tìm một nhóm tập thiền nào đó ở gần nơi mình ở. Nếu
họ thực hành theo một phương pháp thiền nào khác, điều đó cũng không quan
trọng, miễn sao đó là những kiểu thiền giữ im lặng. Mặt khác, bạn cũng nên cố
gắng tự lực trong sự thực tập. Đừng phụ thuộc vào sự có mặt của các bạn tu như
động lực duy nhất của việc ngồi thiền. Nếu thực hành cho đúng cách, ngồi thiền
là một niềm vui lớn. Hãy xem các bạn tu như là một sự hỗ trợ chứ không phải là
chỗ để bạn nương tựa.
Ngồi thiền khi nào?
Quy tắc quan trọng nhất ở đây là: Phải vận dụng nguyên lý trung đạo trong việc
ngồi thiền. Đừng thái quá, cũng đừng chểnh mảng. Điều đó không có nghĩa là bạn
chỉ ngồi thiền khi cảm thấy thích, mà là hãy đặt cho mình một thời biểu thực
tập rõ ràng và kiên trì nhưng thoải mái tuân thủ theo đó. Việc đặt ra một thời
biểu là để tự khuyến khích. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy thời biểu ấy không còn
giá trị khuyến khích mà trở thành một gánh nặng, có nghĩa là bạn đã đi sai
đường. Ngồi thiền không phải là một bổn phận, cũng không phải là trách nhiệm!
Ngồi thiền là một hoạt động tâm lý. Bạn sẽ đối phó với những “chất liệu” thô là
cội nguồn của mọi cảm thụ và cảm xúc. Vì vậy, thái độ của bạn trước mỗi giờ
ngồi thiền sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả. Khi bạn có một kỳ vọng nào,
thường thường bạn sẽ đạt được cái đó. Vì vậy, sự thực tập của ta sẽ trôi chảy
tốt đẹp nếu ta có một thái độ mong đợi tới giờ ngồi thiền. Và nếu khi ta ngồi
xuống và nghĩ rằng nó sẽ gay go, cực nhọc, thì có lẽ nó sẽ thật sự là như vậy.
Thế cho nên, bạn hãy sắp đặt một chương trình nào mà mình có thể theo được mỗi
ngày. Nó phải thực tế. Nó phải thích hợp với cuộc sống của ta. Và khi nào bạn
bắt đầu cảm thấy chương trình ấy trở thành một gánh nặng trên con đường giải
thoát, bạn cần phải thay đổi một điều gì đó.
Buổi sáng sớm khi vừa mới thức dậy là thời gian tốt nhất cho việc ngồi thiền. Tâm ý ta còn tươi mới, chưa bị những vấn đề và trách nhiệm trong ngày làm mệt mỏi. Một thời ngồi thiền buổi sáng là cách rất tốt để bắt đầu một ngày mới. Nó giúp ta điều chỉnh lại, và giúp cho ta có thể đương đầu với những vấn đề trong ngày hữu hiệu hơn. Một ngày của ta nhờ vậy mà cũng được nhẹ nhàng hơn. Nhưng bạn nhớ là mình cần phải thật tỉnh táo. Còn nếu ta dậy sớm, nhưng ngồi ngủ gà, ngủ gật thì cũng chẳng có ích lợi gì. Bạn nên rửa mặt, hoặc tắm cho tỉnh, trước khi bắt đầu. Bạn cũng có thể làm vài động tác thể dục cho máu được lưu thông điều hòa. Làm những gì bạn cần làm để giúp cho mình thật tỉnh giấc, rồi bắt đầu ngồi thiền. Nhưng cũng đừng để bị vướng víu quá vào những thủ tục mỗi sáng của mình. Chuyện ngồi thiền rất dễ bị quên hoặc bị gác bỏ sang một bên. Hãy sắp việc ngồi thiền lên trên hết, và đặt nó thành một việc quan trọng nhất mỗi buổi sáng.
Buổi tối trước khi đi ngủ cũng là một thời điểm rất tốt để ngồi thiền. Tâm ta đầy những rác rưởi đã thu nhận trong suốt một ngày. Ta cũng muốn buông bỏ những gánh nặng trong tâm trước khi đi ngủ. Ngồi thiền sẽ giúp ta thanh lọc và làm tươi trẻ lại tâm mình. Thiết lập lại chính niệm, và giấc ngủ của bạn sẽ thật sự là một giấc ngủ yên.
Khi mới bắt đầu, mỗi ngày bạn chỉ cần ngồi thiền một lần là đủ. Nếu bạn cảm thấy muốn ngồi nhiều hơn cũng được, nhưng nhớ đừng thái quá. Thường thường, các thiền sinh mới thường gặp hiện tượng đuối sức. Họ nhảy vào và ngồi thiền mười lăm tiếng mỗi ngày suốt mấy tuần liên tiếp. Và rồi họ phải đối mặt với cuộc sống thực tế. Khi ấy, họ thấy rằng việc thiền tập đòi hỏi quá nhiều thời giờ. Họ phải hy sinh quá nhiều! Họ không có đủ thời gian dành cho việc ngồi thiền! Đừng để sa vào cái bẫy đó. Đừng vắt kiệt sức mình ngay trong tuần lễ đầu tiên. Tinh tiến nhưng phải từ tốn. Sự cố gắng phải đều đặn và bền bỉ. Hãy dành đủ thời gian để sự thực tập thiền quán hòa nhập vào đời sống hằng ngày và phát triển một cách dần dần, đều đặn.
Khi sự ưa thích của bạn về thiền tập tăng trưởng, bạn sẽ tự tìm cho mình nhiều thời giờ hơn để thực tập. Đó là một điều rất tự nhiên, tự nó xảy ra không cần một sự ép buộc nào hết.
Những thiền sinh lâu năm có thể bỏ ra ba hoặc bốn giờ mỗi ngày để ngồi thiền. Họ cũng sống một cuộc sống bình thường, đi làm như tất cả chúng ta, nhưng họ vẫn có thể sắp đặt được thời giờ. Và họ rất vui thích. Điều đó đến rất tự nhiên!
Ngồi thiền bao lâu?
Vẫn là sự vận dụng nguyên lý trung đạo: Ngồi lâu tùy theo sức của mình, nhưng
nhớ đừng thái quá. Những thiền sinh mới chỉ nên ngồi từ hai mươi đến ba mươi
phút. Lúc mới bắt đầu, ngồi lâu hơn thời gian đó cũng khó mang lại cho ta một
lợi ích nào. Tư thế ngồi chưa được tự nhiên và vững vàng, cũng cần mất một thời
gian để điều chỉnh. Tâm ta cũng chưa thuần thục, việc theo dõi hơi thở chưa
quen, cũng cần có một thời gian để thích nghi.
Và khi nào đã quen với cách thức thực tập rồi, bạn có thể tăng thời gian ngồi
thiền lên, mỗi lần một chút. Tôi tin rằng, sau khoảng một năm thực tập đều đặn
bạn sẽ có thể ngồi thoải mái được suốt một giờ đồng hồ.
Đây là một điểm quan trọng bạn cần nhớ: thiền quán vipassana không phải là một
hình thức khổ hạnh. Mục đích không phải là để hành xác. Chúng ta cố gắng làm
tăng trưởng chính niệm, chứ không phải sự đau đớn. Có những cái đau không tránh
được, ví dụ như ở chân. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về vấn đề đối trị những cơn đau
trong chương 10. Tôi sẽ chia sẻ với bạn một số những phương pháp và thái độ đặc
biệt để đối diện với những sự khó chịu này. Điều tôi muốn nói: đây không phải
là một cuộc thi đua chịu đựng hành xác. Bạn không cần phải chứng minh một điều
gì cho bất cứ ai. Vì vậy, bạn không cần phải ngồi yên với một cơn đau dày xé để
rồi có thể nói rằng mình đã ngồi suốt một giờ đồng hồ! Đó là một việc làm vô
ích của một cái ngã. Và ở giai đoạn đầu, bạn nhớ đừng bao giờ làm gì quá độ.
Biết được giới hạn của mình, và đừng bao giờ tự trách sao ta không thể ngồi yên
được mãi mãi, như một tảng đá.
Và khi thiền tập bắt đầu thâm nhập, trở thành một phần trong đời sống của mình,
ta có thể tăng giờ ngồi thiền lên lâu hơn một tiếng. Luật chung ở đây là, quyết
định cho mình khoảng thời gian mà ta có thể ngồi thoải mái được trong giai đoạn
này. Và rồi ngồi lâu hơn thời gian đó chừng năm phút.
Không có một quy luật cứng nhắc, cố định nào về vấn đề thời gian ngồi thiền
phải là bao lâu. Cho dù bạn đã định trước cho mình một thời gian tối thiểu nào
rồi, cũng sẽ có những ngày cơ thể bạn không thể nào ngồi lâu được như thế.
Nhưng cũng không phải là ngày hôm ấy ta sẽ dẹp bỏ chuyện ngồi thiền sang một
bên. Điều tối quan trọng là ngồi cho đều đặn. Cho dù chỉ ngồi mười phút thôi, cũng
có thể rất ích lợi.
Lẽ dĩ nhiên là ta xác định thời gian ngồi thiền trước khi bắt đầu. Đừng bao giờ
quyết định trong khi đang ngồi thiền. Ta sẽ bị chi phối bởi những bất an của
mình, và tâm bất an là một trong những điều ta muốn quán chiếu trong chính niệm.
Vì vậy, hãy chọn một khoảng thời gian cho thực tế, và giữ đúng như vậy.
Bạn có thể dùng đồng hồ để theo dõi thời gian ngồi thiền, nhưng đừng cứ mỗi hai
phút lại hé mắt ra nhìn. Định lực của bạn sẽ tiêu tán hết, và sự bực bội lại
phát sinh. Bạn sẽ thấy mình xả thiền đứng dậy trước khi giờ ngồi thiền chấm
dứt. Đó không phải là ngồi thiền, đó là ngồi xem đồng hồ. Đừng nhìn đồng hồ cho
đến khi nào bạn nghĩ giờ ngồi thiền đã chấm dứt. Thật ra, bạn cũng không cần
đến đồng hồ nữa, không phải lúc nào ngồi thiền cũng cần đến nó. Nói chung, bạn
chỉ cần ngồi hết thời gian bạn muốn ngồi. Không có một thời gian nào là cố định
hết. Cách hay nhất là định trước cho mình một thời gian tối thiểu. Vì nếu
không, ta sẽ có khuynh hướng chấm dứt sớm hơn. Bạn sẽ tự động xả thiền mỗi khi
có điều gì khó chịu khởi lên, hoặc lúc nào cảm thấy bất an. Điều đó không tốt.
Vì chính những kinh nghiệm ấy sẽ mang đến cho ta rất nhiều ích lợi, nhưng chỉ
khi nào ta chịu ngồi và đối diện với chúng mà thôi. Ta cần phải học cách quán
sát chúng với một sự tĩnh lặng và sáng suốt. Nhìn chúng dưới ánh sáng của chính
niệm. Khi bạn thực hành đầy đủ, chúng sẽ không còn khả năng quấy rầy bạn nữa.
Bạn đã nhìn thấy chân tướng của chúng: chỉ là những cảm xúc, sinh lên rồi diệt
đi, tất cả đều qua đi. Và đời sống của ta sẽ trôi chảy thật suôn sẻ.
“Kỷ luật” là một chữ rất khó đối với phần lớn chúng ta. Nó gợi lên hình ảnh của
một ông thầy già với cây roi dài đứng kế bên và bảo rằng ta đã làm sai hết.
Nhưng kỷ luật tự giác lại là một chuyện khác. Đó là một nghệ thuật nhìn thấu
được cái tính chất rỗng tuếch của những cảm xúc trong ta, và thấy xuyên qua
được những bí mật của chúng. Chúng không còn có khả năng kiềm chế ta được nữa.
Tất cả chỉ là một vở tuồng, một sự dối lừa. Những cảm xúc ấy, chúng thôi thúc
ta, hung hăng với ta, chúng phỉnh phờ ta, dụ dỗ ta, đe dọa ta, nhưng thật ra
chúng lại hoàn toàn rỗng tuếch. Ta tuân phục chúng chỉ vì thói quen mà thôi. Ta
chịu thua vì ta không bao giờ chịu khó nhìn xuyên qua chúng. Phía sau chúng
không có một cái gì hết. Nhưng chỉ có một cách duy nhất để khám phá ra điều ấy,
mà những chữ in trên trang giấy này không thể làm được. Bạn cần ngồi xuống và
nhìn vào bên trong, quán sát những gì sinh khởi: bất an, lo lắng, vọng động,
đau đớn... Chỉ cần nhìn và theo dõi, và đừng tham dự vào. Bạn sẽ ngạc nhiên khi
thấy rằng chúng tự động biến đi mất. Nó sinh lên, nó diệt đi. Rất đơn giản.
Thật ra có một chữ khác để dùng thay cho kỷ luật tự giác, đó là sự kiên nhẫn!