AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
CẦU SINH TỊNH ĐỘ
Nguyên tác: Tây Quy Trực Chỉ
Chu An Sỹ - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
Dẫn Nhập
Tiểu sử tiên sinh Chu An Sĩ
Tiên sinh tên thật là Chu Mộng Nhan, còn có tên khác là Tư Nhân, hiệu An Sĩ, là hàng trí thức ở đất Côn Sơn.
Ngài thông hiểu Kinh tạng, tin sâu pháp môn Tịnh độ nên tự lấy hiệu là Hoài Tây Cư sĩ. Ngài thường suy xét thấy rằng, tất cả chúng sinh tạo vô số tội nghiệp, trong đó có đến hơn một nửa là do hai nghiệp tà dâm và giết hại, nhân đó liền soạn ra hai quyển sách để khuyên răn người đời từ bỏ sự tà dâm và giết hại.
Sách khuyên người bỏ sự giết hại lấy tên là Vạn thiện tiên tư, lời lẽ thiết tha thành khẩn, ý tứ sâu xa cảm động lòng người. Theo lời ngài kể lại thì mỗi khi đi qua bất kỳ miếu thần nào cũng đều có lời khấn nguyện rằng:
“Nguyện chư vị thần linh hãy phát tâm xuất thế, đừng thọ hưởng những đồ cúng tế bằng máu thịt chúng sinh, một lòng thường niệm đức Phật A-di-đà, cầu vãng sinh Tây phương Tịnh độ. Chu Tư Nhân này kể từ năm 24 tuổi cho đến cuối đời, nguyện rằng nếu có tự tay giết hại dù một con cá nhỏ, cho đến những người trong nhà tôi nếu có ai làm tổn hại đến con muỗi, con kiến, xin tôn thần thẳng tay nghiêm trị, nổi lên sấm sét đánh nát những sách tôi viết ra.
“Lại kể từ năm 24 tuổi cho đến cuối đời, xuống sông gặp cá, ngẩng mặt thấy chim, nếu như không nghĩ việc cứu giúp phóng sinh mà còn khởi tâm giết hại, cũng xin chịu sự trừng phạt như trên.
“Lại kể từ năm 24 tuổi cho đến cuối đời, dù là trong giấc mộng, nếu thấy người giết hại chúng sinh mà không hết lòng xưng danh hiệu Phật, không khởi tâm cứu giúp, ngược lại còn vui vẻ tán thành, cũng xin chịu sự trừng phạt như trên.”
Về quyển sách khuyên người bỏ sự tham dục của tiên sinh, tựa đề là Dục hải hồi cuồng, khuyên hết thảy những người nặng lòng tham dục, trước tiên dùng phương tiện quán chiếu việc ở trong thai mẹ như tù ngục, thấy rõ đủ mọi sự khổ não, do đó liền dứt trừ được tâm tham dục.
Tiếp theo dạy người quán xét thân thể bằng xương thịt này, là nơi hội tụ của đủ loại ký sinh trùng, thường lưu chuyển trong thân người, ăn hút tủy não, máu thịt của người. Cách quán chiếu này được xem như mở ra phương tiện ban đầu của phép quán bất tịnh.
Tiếp theo nữa lại dạy việc quán chiếu thân thể kẻ nam người nữ đều chứa đựng những máu, mủ, đờm dãi... đầy những thứ nhơ nhớp, chẳng khác nào một hố phân hôi hám chất chứa phẩn uế. Dùng phép quán này làm phương tiện đối trị để dứt trừ tham dục.
Tiếp theo nữa lại dạy quán xác chết nằm cứng đờ ngửa mặt, khí lạnh thấu xương, đến khi thối rữa, nước mủ vàng từ trong rỉ chảy ra, hôi thối không sao chịu nổi, giòi bọ rúc rỉa khắp trong thân cắn rứt, cho đến khi da thịt đều hoại nát, xương cốt cũng tách lìa, thậm chí trải qua thời gian rồi mồ mả xói mòn, xương cốt lộ ra bị người, thú giẫm đạp... Quán xét như vậy rồi thấy rằng, chính thân thể này của mình cuối cùng cũng sẽ phải trải qua sự hư hoại như vậy không khác.
Tiếp theo lại quán chiếu theo như lời dạy trong kinh Pháp Hoa về nhân duyên, về tướng sinh, tướng diệt, tướng không sinh không diệt. Đây là phương tiện dứt trừ đến tận cội nguồn tham dục.
Tiếp theo lại quán tự thân mình ở thế giới Cực Lạc, hóa sinh từ hoa sen giữa hồ bảy báu, hoa nở liền được thấy Phật A-di-đà ngự trên tòa sen báu, có đủ các tướng lành trang nghiêm thân Phật, lại thấy tự thân mình được lễ bái cúng dường Phật. Khi quán chiếu như vậy rồi liền phát nguyện vãng sinh về thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn lìa thoát khỏi hố hầm tham dục. Phép quán này là phương tiện rốt ráo để đạt đến sự giải thoát.
Tiên sinh lại biên soạn sách Âm chất văn quảng nghĩa giảng rộng nghĩa lý bài văn Âm chất để khuyên người tin sâu nhân quả, gồm 2 quyển, sách Tây quy trực chỉ gồm 4 quyển, khuyên người tu tập niệm Phật cầu vãng sinh.
Vào tháng giêng niên hiệu Càn Long năm thứ tư, ngài từ biệt người nhà, nói là sắp về Tây phương Cực Lạc. Người nhà xin nấu nước thơm để tắm rửa, ngài gạt đi mà nói: “Ta vốn tắm nước thơm từ lâu rồi!” Ngài vẫn cười nói vui vẻ an nhiên cho đến lúc qua đời. Khi ấy có mùi hương thơm lạ ngào ngạt tỏa lan khắp nhà.
Năm ấy, ngài thọ được 84 tuổi.
MƯỜI ĐIỀU THÙ THẮNG Ở CÕI TÂY PHƯƠNG
1. Hóa sinh từ hoa sen, khác biệt với cõi Ta-bà sinh trưởng từ bào thai.
2. Sinh ra liền được tướng hảo đoan nghiêm, khác biệt với cõi Ta-bà thọ thân xương thịt ô uế.
3. Mặt đất khắp nơi bằng vàng ròng, khác biệt với cõi Ta-bà đất cát dơ nhớp.
4. Y phục và thức ăn tự nhiên hóa hiện, khác biệt với cõi Ta-bà thường chịu khổ đói rét.
5. Cung điện tùy ý hiện ra, khác biệt với cõi Ta-bà phải vất vả xây dựng.
6. Tùy ý đi lại giữa hư không, khác biệt với cõi Ta-bà thân như túi da chứa đầy bệnh khổ.
7. Được sống chung cùng bạn lành yêu kính, khác biệt với cõi Ta-bà oan gia thường đối mặt.
8. Tuổi thọ dài lâu không thể suy lường, khác biệt với cõi Ta-bà sống chết ngắn ngủi trong gang tấc.
9. Vĩnh viễn không còn thối chuyển, khác biệt với cõi Ta-bà nghiệp duyên che chướng đường tu.
10. Được thọ ký sẽ thành Phật, khác biệt với cõi Ta-bà nhiều lần luân chuyển trong ba đường ác.
- Từ điều thứ nhất đến điều thứ năm, so sánh giữa ô uế với thanh tịnh, khác biệt rất xa một trời một vực.
- Từ điều thứ nhất đến điều thứ tư và từ điều thứ sáu đến điều thứ mười, so sánh giữa khổ não với an vui, khác biệt rất xa một trời một vực.
- Các điều thứ tư, thứ năm, thứ chín và thứ mười, so sánh giữa đời sống dễ dàng với khó khăn, khác biệt rất xa một trời một vực.
ĐẠI SƯ LIÊN TRÌ RỘNG KHUYÊN MỌI NGƯỜI NIỆM PHẬT
- Nếu người giàu sang, hiện được mọi sự thọ dụng, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người nghèo khó, gia đình suy vi khổ lụy, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người có con, tông đường đã có thể phó thác, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người không con, sống cô độc không ràng buộc, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người có con hiếu, an ổn được sự phụng dưỡng, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người có con ngỗ nghịch, không sinh lòng thương yêu lưu luyến, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người được thân thể khỏe mạnh không bệnh tật, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người mắc phải bệnh tật, mạng sống mong manh trong sớm tối, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người cô quả, sống đơn chiếc không ràng buộc, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người bị tai nạn, gặp cảnh cùng khốn cùng, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người già yếu, mạng sống chẳng còn bao lâu, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người tuổi trẻ, tinh thần sáng suốt nhanh nhạy, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người sống an nhàn, trong lòng không bị điều gì quấy nhiễu, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu người bận rộn, thỉnh thoảng mới có một được đôi khi rảnh rỗi, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu là người xuất gia, sống vượt ngoài thế sự, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu là người tại gia, rõ biết ba cõi như căn nhà đang cháy cần phải thoát ra, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu là người thông minh trí tuệ, hiểu thấu ý nghĩa Kinh điển, nhân đó rất nên niệm Phật.
- Nếu là người ngu si đần độn, không có được bất kỳ khả năng gì khác, nhân đó rất nên niệm Phật.