Quyển Một: Cương yếu của pháp môn Tịnh độ

12/07/20164:44 CH(Xem: 6024)
Quyển Một: Cương yếu của pháp môn Tịnh độ

AN SĨ TOÀN THƯ
KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT 
CẦU SINH TỊNH ĐỘ
Nguyên tác: Tây Quy Trực Chỉ
Chu An Sỹ - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

 

Quyển Một: Cương yếu của pháp môn Tịnh độ

Ngài A-nan thưa thỉnh

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: Một hôm, dung nhan của đức Thế Tôn bỗng dưng có sự biến chuyển [trang nghiêm] khác thường, ngài A-nan liền thưa thỉnh nguyên do

Đức Phật dạy: Sự thưa hỏi của ông hôm nay lợi lạc còn hơn cả việc cúng dường tất cả các vị Thanh văn, Duyên giác cùng bố thí cho hết thảy chư thiên, nhân dân, cho đến tất cả các loài hữu tình trong bốn cõi thiên hạ. Lại cho dù trải qua nhiều kiếp tiếp tục cúng dường bố thí như vậy, nhiều hơn gấp trăm ngàn lần, cũng không thể lợi lạc bằng sự thưa hỏi này. Vì sao vậy? Vì hết thảy chư thiên cho đến các bậc đế vương, nhân dân trong cõi người, tất cả đều nhờ câu hỏi của ông hôm nay mà được [truyền dạy] pháp môn giải thoát.”

Lời bàn

Xét theo đây thì có thể thấy rằng, pháp môn Tịnh độ không chỉ là thuyền từ cứu vớt nhân loại, mà cũng là ngọn đuốc soi đường giải thoát cho chư thiên, phải thận trọng chớ nên khinh thường.

Hai lần nêu rõ cõi Cực Lạc

Kinh A-di-đà chép rằng: “Về phương tây, cách đây mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Ở cõi ấy có đức Phật hiệu A-di-đà hiện nay đang thuyết pháp. Xá-lợi-phất! Tại sao cõi ấy gọi là Cực Lạc? Vì nơi ấy chúng sinh không có những sự khổ não, chỉ hưởng các điều vui sướng, nên gọi là Cực Lạc.”

Nhân duyên quá khứ 

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Cách đây vô lượng kiếp, có đức Phật hiệu là Thế Tự Tại Vương ra đời hóa độ chúng sinh. Lúc bấy giờ có vị đại quốc vương đến nghe thuyết pháp, được tức thời giác ngộ, liền từ bỏ ngôi vua xuất gia tu tập, thành một vị tỳ-kheo hiệu là Pháp Tạng, nay chính là đức Phật A-di-đà.

“Khi ấy, tỳ-kheo Pháp Tạng đối trước đức Phật Thế Tự Tại Vương mà phát 48 lời đại nguyện, vì muốn cứu độ chúng sinh nên ngài hết sức tinh tấn tu hành, đạt đến địa vị Bồ Tát

“Bồ Tát ấy bên trong tu tập trí tuệ, bên ngoài tu tạo phúc đức, đối với hết thảy mọi việc trong thế gian, không một việc gì ngài không thấy biết. Sau đó lại thác sinh vào cảnh giới của tất cả chúng sinh, hóa hiện hình thể giống như họ, thông hiểu ngôn ngữ của họ, để nhân đó giáo hóa cho tất cả. Vì thế, trên từ thiên đế, dưới đến các loài côn trùng, không một chúng sinh nào ngài không mong muốn cứu độ cho được siêu sinh về thế giới Cực Lạc.”

Tròn nguyện xưa, thành quả Phật 

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Đức Phật A-di-đà trải qua nhiều đại a-tăng-kỳ kiếp thực hành hạnh Bồ Tát, không nề mọi sự gian khổ, từ trong tay ngài thường hóa hiện ra đủ các loại y phục, thức ăn, âm nhạc, cho đến những thứ thiết yếu nhất để bố thí, ban cho tất cả chúng sinh, khiến cho hết thảy đều được vui mừng, hoan hỷ. Ngài phát tâm Bồ-đề đã trải qua vô số trăm ngàn vạn ức kiếp mới được thành tựu 48 lời đại nguyện đã phát khởi trước đây rồi chứng đắc quả vị Phật. Cho nên, vô số chúng sinh trong mười phương, chỉ cần một niệm quy y liền được vãng sinh về cõi nước của ngài.”

Bốn mươi tám đại nguyện

Đại nguyện thứ nhất: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện trong cõi nước của ta tránh khỏi ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, cho đến không có cả các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy...

Đại nguyện thứ nhì: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện trong cõi nước của ta không có nữ giới. Tất cả chư thiên, loài người cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... trong vô số thế giới khác, nếu được sinh về cõi nước của ta đều sẽ hóa sinh từ hoa sen quý trong hồ nước bằng bảy báu.

Đại nguyện thứ ba: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện chúng sinh trong cõi nước của ta khi muốn ăn liền có trăm vị ngon lạ tự nhiên hiện ra trong bát quý bằng bảy báu. Sau khi ăn xong thì bát ấy tự nhiên biến mất. 

Đại nguyện thứ tư: 

Sau khi ta thành Phật, chúng sinh trong cõi nước của ta khi cần đến y phục thì vừa nghĩ đến liền có ngay đúng như ý muốn, không bao giờ phải cần đến những việc cắt, may, nhuộm, sửa... 

Đại nguyện thứ năm: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện trong cõi nước của ta từ mặt đất lên tận hư không đều có những cung điện lầu gác xinh đẹp, có đủ các hương thơm vi diệu hợp thành. Hương thơm ấy xông khắp các thế giới trong mười phương. Những chúng sinh nào ngửi được mùi hương ấy đều phát tâm tu theo hạnh Phật.

Đại nguyện thứ sáu: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều thương yêu kính trọng lẫn nhau, không có lòng ganh ghét oán giận.

Đại nguyện thứ bảy: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều không có các tâm tham lam, sân hậnsi mê

Đại nguyện thứ tám: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều cùng một tâm lành, không nghi ngờ lẫn nhau. Có điều gì vừa muốn nói ra thì tự nhiên đều hiểu được ý nhau. 

Đại nguyện thứ chín: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều không nghe biết đến những danh từ chỉ sự bất thiện, huống chi là thật có những điều ấy. 

Đại nguyện thứ mười: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều biết rõ thân thể là hư huyễn, không có tâm tham đắm. 

Đại nguyện thứ mười một: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta tuy có phân ra loài ngườichư thiên khác nhau, nhưng đều có hình thể toàn một màu vàng ròng, vẻ mặt đoan chánh đẹp đẽ

Đại nguyện thứ mười hai: 

Sau khi ta thành Phật, ví như chư thiênloài người trong khắp vô lượng thế giới mười phương thảy đều chứng quả Thanh văn, Duyên giác, cũng không có khả năng biết được tuổi thọ của ta được bao nhiêu vạn ức kiếp

Đại nguyện thứ mười ba: 

Sau khi ta thành Phật, ví như chư thiênloài người trong cả ngàn ức thế giới mười phương thảy đều chứng quả Thanh văn, Duyên giác, đều một lòng cùng nhau tính đếm số lượng chư thiên, loài người trong cõi nước của ta, cũng không thể biết được số lượng ấy. 

Đại nguyện thứ mười bốn: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều có thọ mạng dài lâu vô số kiếp, không ai có thể tính đếm được. 

Đại nguyện thứ mười lăm: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta thảy đều được thọ hưởng những sự khoái lạc không khác gì các bậc tỳ-kheo đã dứt sạch lậu hoặc

Đại nguyện thứ mười sáu: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho chúng sinh trong cõi nước của ta đều trụ nơi địa vị chánh tín, lìa xa mọi tư tưởng điên đảo, phân biệt, các căn đều tịch tĩnh, dừng lắng cho đến lúc đạt được Niết-bàn. 

Đại nguyện thứ mười bảy: 

Sau khi ta thành Phật, sự thuyết giảng kinh điểntu hành đạo pháp đều nhiều hơn gấp mười lần so với chư Phật. 

Đại nguyện thứ mười tám: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều rõ biết hết thảy những kiếp quá khứ, biết được mọi sự việc đã xảy ra trong trăm ngàn muôn ức na-do-tha kiếp. 

Đại nguyện thứ mười chín: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được thiên nhãn, nhìn thấy khắp trăm ngàn ức na-do-tha thế giới

Đại nguyện thứ hai mươi: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được thiên nhĩ, nghe tiếng thuyết pháp của trăm ngàn ức na-do-tha chư Phật. Nghe rồi liền có thể tin nhận vâng làm theo. 

Đại nguyện thứ hai mươi mốt: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được tha tâm trí, rõ biết được tâm niệm của hết thảy chúng sinh trong trăm ngàn ức na-do-tha thế giới

Đại nguyện thứ hai mươi hai: 

Sau khi ta thành Phật, nguyện cho tất cả chúng sinh trong cõi nước của ta đều được phép thần túc, chỉ trong khoảng thời gian của một niệm có thể vượt qua được trăm ngàn ức na-do-tha thế giới

Đại nguyện thứ hai mươi ba: 

Sau khi ta thành Phật, danh hiệu của ta vang truyền khắp vô số thế giới trong mười phương. Hết thảy chư Phật đều xưng tán công đức của ta cùng ca ngợi thế giới thù thắng của ta. Hết thảy chư thiên, loài người, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... khi nghe được danh hiệu của ta, chỉ cần phát khởi tâm lành mừng vui hoan hỷ, ta sẽ khiến cho đều được sinh về thế giới của ta. 

Đại nguyện thứ hai mươi bốn: 

Sau khi ta thành Phật, hào quang trên đỉnh đầu của ta chiếu sáng rực rỡ nhiệm mầu, hơn cả ánh sáng của mặt trời mặt trăng đến trăm ngàn vạn lần. 

Đại nguyện thứ hai mươi lăm: 

Sau khi ta thành Phật, hào quang của ta chiếu sáng đến vô số cõi thế giới. Hết thảy chư thiênloài người, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... khi được thấy hào quang của ta rồi thảy đều sinh khởi lòng từ, làm việc thiện, rồi tất cả đều được sinh về thế giới của ta. 

Đại nguyện thứ hai mươi sáu: 

Sau khi ta thành Phật, chư thiênloài người trong vô số cõi thế giới, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... khi được hào quang của ta chiếu vào thân thể liền được thân tâm từ hòa hơn cả chư thiên

Đại nguyện thứ hai mươi bảy: 

Sau khi ta thành Phật, chư thiênloài người trong vô số cõi thế giới, nếu có ai phát tâm Bồ-đề, vâng giữ trai giới, thực hành sáu pháp ba-la-mật, tu các công đức, hết lòng phát nguyện được sinh về thế giới của ta, thì khi người ấy lâm chung ta sẽ cùng với đại chúng hiện đến trước mặt, tiếp dẫn người ấy sinh về thế giới của ta, làm bậc Bồ Tát trụ ở địa vị không còn thối chuyển

Đại nguyện thứ hai mươi tám: 

Sau khi ta thành Phật, chư thiênloài người trong vô số cõi thế giới, nếu có ai được nghe danh hiệu của ta liền thắp hương, dâng hoa, dùng các thứ đèn đuốc, cờ phướn trang nghiêm, cúng dường trai tăng, xây dựng chùa tháp, giữ gìn trai giới thanh tịnh, làm các việc thiện, một lòng nhớ nghĩ đến ta, cho dù chỉ trong một ngày một đêm không gián đoạn, cũng chắc chắn sẽ được sinh về cõi thế giới của ta. 

Đại nguyện thứ hai mươi chín: 

Sau khi ta thành Phật, chư thiênloài người trong vô số cõi thế giới, nếu có ai hết lòng tin tưởng muốn được sinh về cõi thế giới của ta, chỉ cần niệm rõ lên danh hiệu của ta mười tiếng, hết thảy liền được sinh về cõi thế giới của ta, chỉ trừ ra những kẻ phạm vào năm tội nghịch hoặc phỉ báng Chánh pháp

Đại nguyện thứ ba mươi: 

Sau khi ta thành Phật, chư thiênloài người trong vô số cõi thế giới, cho đến các loài trùng bọ biết bò, biết bay, biết động đậy... nếu như trong những kiếp trước đã từng làm các việc ác, nay được nghe danh hiệu của ta liền hết lòng sám hối, quay sang làm thiện, vâng giữ giới luật, thọ trì kinh điển, phát nguyện được sinh về thế giới của ta, thì khi lâm chung liền không bị đọa vào trong ba đường ác, thẳng tắt một đường sinh về thế giới của ta, mọi chỗ mong cầu đều được như ý

Đại nguyện thứ ba mươi mốt: 

Sau khi ta thành Phật, chư thiênloài người trong vô số cõi thế giới, nếu ai được nghe danh hiệu của ta liền cúi đầu sát đất lễ lạy cung kính, mừng vui tin tưởng phát tâm ưa muốn tu theo hạnh Bồ Tát, liền được hết thảy chư thiên và người đời kính trọng.

Đại nguyện thứ ba mươi hai: 

Sau khi ta thành Phật, hết thảy nữ nhân trong vô số cõi thế giới, nếu được nghe danh hiệu của ta liền mừng vui tin tưởng, phát tâm Bồ-đề, sinh lòng chán ghét thân nữ. Sau khi lâm chung liền không còn phải thọ sinh làm thân nữ. 

Đại nguyện thứ ba mươi ba: 

Sau khi ta thành Phật, những chúng sinh nào sinh về cõi thế giới của ta đều là hàng Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ, trừ ra những vị có phát nguyện sinh về những thế giới khác để giáo hóa chúng sinh, tu hạnh Bồ Tát, cúng dường chư Phật, liền được tùy ý sinh về phương ấy. Ta sẽ dùng sức oai thần khiến cho vị ấy giáo hóa được hết thảy chúng sinh đều phát khởi lòng tin, tu hạnh Bồ-đề, hạnh Phổ Hiền, hạnh tịch diệt, Phạm hạnh thanh tịnh, hạnh cao trổi nhất, cùng với hết thảy các hạnh lành

Đại nguyện thứ ba mươi bốn: 

Sau khi ta thành Phật, những chúng sinh nào ở thế giới của ta muốn sinh về thế giới khác liền được như ý nguyện nhưng không còn phải đọa vào trong ba đường ác

Đại nguyện thứ ba mươi lăm: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta dùng đủ loại hương hoa, cờ phướn, trân châu, chuỗi ngọc, cùng với đủ mọi thứ phẩm vật cúng dường, muốn hiện đến vô số cõi thế giới để cúng dường chư Phật, liền chỉ trong khoảng thời gian của một bữa ănthể hiện đến khắp mọi nơi

Đại nguyện thứ ba mươi sáu: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta nếu muốn dùng đủ mọi thứ phẩm vật để cúng dường vô số chư Phật trong mười phương, liền tức thời hiện đến trước các vị Phật ấy với đầy đủ mọi thứ phẩm vật. Cúng dường rồi, ngay trong ngày ấy chưa đến giờ thọ trai đã kịp trở về

Đại nguyện thứ ba mươi bảy: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta thọ trì kinh pháp, tụng đọc, giảng thuyết, liền có đủ biện tài trí tuệ

Đại nguyện thứ ba mươi tám: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta có thể giảng thuyết hết thảy các pháp, được biện tài trí tuệ không hạn lượng. 

Đại nguyện thứ ba mươi chín: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát trong thế giới của ta đều được sức mạnh như lực sĩ Kim cang Na-la-diên ở cõi trời, thân thể đều toàn một màu sáng đẹp như vàng tử ma, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, giảng kinh hành đạo không khác gì chư Phật. 

Đại nguyện thứ bốn mươi: 

Sau khi ta thành Phật, cõi thế giới của ta thanh tịnh soi chiếu khắp vô lượng thế giới trong mười phương. Các vị Bồ Tát nếu muốn nhìn vào trong cây quý để thấy được hết thảy những cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh trong khắp mười phương, liền tức thời nhìn thấy hiện ra đầy đủ như trong tấm gương sáng ở ngay trước mặt

Đại nguyện thứ bốn mươi mốt: 

Sau khi ta thành Phật, những vị Bồ Tát trong cõi thế giới của ta, dù có ít công đức cũng có thể thấy biết được cây bồ-đề nơi đạo tràng của ta cao đến bốn ngàn do-tuần. 

Đại nguyện thứ bốn mươi hai: 

Sau khi ta thành Phật, hết thảy chư thiênloài người cùng với vạn vật trong cõi thế giới của ta đều trang nghiêm thanh tịnh, sáng suốt đẹp đẽ, hình dáng và màu sắc đều đặc biệt kỳ diệu, nhiệm mầu tinh tế đến mức không ai có thể nói hết được. Chúng sinh dù có đạt được thiên nhãn cũng không thể phân biệt gọi tên hay tính đếm được hết mọi thứ trong thế giới của ta. 

Đại nguyện thứ bốn mươi ba: 

Sau khi ta thành Phật, hết thảy chúng sinh trong cõi thế giới của ta, tùy theo chí nguyện, nếu muốn nghe pháp liền tức thời được nghe. 

Đại nguyện thứ bốn mươi bốn: 

Sau khi ta thành Phật, hết thảy hàng Bồ Tát hay Thanh văn trong cõi thế giới của ta đều có đủ trí tuệ, thần lực, trên đỉnh đầu cũng có hào quang chiếu sáng, tiếng nói phát ra vang rền, lưu loát, giảng kinh hành đạo đều không khác với chư Phật. 

Đại nguyện thứ bốn mươi lăm: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, đều được phép Tam-muội thanh tịnh giải thoát. Các vị trụ yên nơi phép tam-muội này thì chỉ trong thời gian một ý niệm khởi lên đã có thể cúng dường vô số chư Phật mà vẫn không rời khỏi thiền định

Đại nguyện thứ bốn mươi sáu: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, đều được phép Tam-muội Phổ đẳng, từ đó cho đến khi thành Phật luôn thường được nhìn thấy vô số chư Phật. 


Đại nguyện thứ bốn mươi bảy: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, liền được ngay địa vị không còn thối chuyển

Đại nguyện thứ bốn mươi tám: 

Sau khi ta thành Phật, các vị Bồ Tát ở những phương khác được nghe danh hiệu của ta đều quy y tinh tấn, liền được ngay các bậc nhẫn nhục từ thứ nhất, thứ hai cho đến thứ ba, đều được phép Tam-muội thanh tịnh giải thoát. Các vị trụ yên nơi phép tam-muội này thì chỉ trong thời gian một ý niệm khởi lên đã có thể cúng dường vô số chư Phật mà vẫn không rời khỏi thiền định

Đức Phật Thích-ca dạy rằng: “Khi tỳ-kheo Pháp Tạng đối trước đức Phật Thế Tự Tại Vương phát khởi những lời đại nguyện ấy thì cõi đất chấn động, chư thiên rải hoa báu xuống như mưa để xưng tán. Giữa không trung có tiếng ngợi khen xưng tán, rằng tỳ-kheo này quyết định sẽ thành Phật.”

Giải thích danh hiệu 

Kinh A-di-đà chép rằng: “Đức Phật ấy vì sao có danh hiệu là A-di-đà? Này Xá-lợi-phất, đức Phật ấy có hào quang vô lượng, chiếu sáng khắp các cõi nước trong mười phương, không gì có thể ngăn ngại được, nên có danh hiệu là A-di-đà.” 

Lại cũng chép rằng: “Thọ mạng của đức Phật ấy cùng với nhân dân trong cõi nước là vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nên có danh hiệu là A-di-đà.”

Cung điện, hồ báu

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ở cõi nước của Phật A-di-đà, tất cả giảng đường, tinh xá đều tự nhiên hình thành bằng bảy món báu. Lại có bảy món báu làm thành lầu đài, lan can... thù thắng hơn gấp trăm ngàn lần so với cung điện của Thiên đếcõi trời Tha hóa tự tại nơi thế giới Ta-bà này. Ngoài ra, những cung điện của các vị Bồ Tát, Thanh vănthế giới Cực Lạc cũng đều như thế. 

“Chư thiên và con người ở đó mỗi khi cần đến y phục, thức ăn uống, âm nhạc mầu nhiệm... đều được tùy ý hóa hiện ra. Đối với cung điện để cư trú, các vị chỉ cần tùy ý nói ra màu sắc, mức độ cao thấp, lớn nhỏ, muốn làm bằng một món báu, hai món báu cho đến vô số các món báu, liền sẽ lập tức hóa hiện đúng như ý muốn. 

“Tuy nhiên, có những vị được tùy ý hóa hiện cung điện lớn nhỏ như thế, lơ lửng giữa hư không, lại cũng có những vị không thể tùy ý hóa hiện, và chỉ có cung điện ở trên mặt đất bằng các món báu. Đó là do trong đời trước khi các vị cầu đạo, tu tập phước đức có khác biệt nhau. Chỉ riêng các thứ y phục, thức ăn uống thì tất cả đều bình đẳng như nhau. 

“Bên trong và bên ngoài các cung điện cũng tự nhiên hóa hiện các dòng suối, ao hồ, hoặc làm bằng một, hai món báu, lớp cát bên dưới đáy cũng bằng một, hai món báu, chẳng hạn như hồ bằng vàng ròng thì cát ở đáy hồ bằng bạc trắng, hồ bằng thủy tinh thì cát ở đáy hồ bằng lưu ly... Nếu ao hồ được làm bằng ba, bốn cho đến bảy món báu thì cát ở đáy hồ cũng hóa hiện tương tự như vậy. Bên trong các ao hồ ấy đều chứa loại nước có đủ tám công đức, trong sạch thơm tho, mùi vị như nước cam lộ.

“Giữa những nơi ấy lại có trăm loài hoa lạ, mỗi cành đều có hàng ngàn chiếc lá, tỏa ra màu sắc, ánh sáng đã khác lạ mà hương thơm cũng khác lạ, ngào ngạt tỏa lan, không thể mô tả hết bằng lời.”

Nhạc trời, mưa hoa

Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở cõi Phật ấy thường có nhạc trời, mặt đất toàn bằng vàng ròng. Suốt ngày đêm đều có mưa hoa mạn-đà-la từ trời rơi xuống. Chúng sinh ở cõi ấy thường vào mỗi buổi sáng sớm dùng vạt áo trước nâng lên hứng lấy hoa trời xinh đẹp, rồi mang đi cúng dường mười vạn đức Phật ở các phương khác. Khi đến giờ ăn thì quay về dùng cơm rồi đi kinh hành.”

Cây báu ven hồ 

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ven bờ các ao hồ báu đều có vô số cây thơm chiên-đàn, hoa quả tốt lành, hương thơm lan tỏa. Lại có hoa sen đủ các màu che kín mặt nước. Lại có cây bằng bảy món báu mọc thành hàng lối. Những cây thuần một món báu thì từ thân cây cho đến cành lá hoa quả đều thuần một món báu. Những cây bằng hai món báu thì tất cả đều bằng hai món báu. Cứ như vậy mọc thành hàng lối ngay ngắn, cành nhánh chuẩn mực, trổ hoa hài hòa, kết quả đều đặn, cho đến bao bọc khắp cả thế giới ấy, không thể dùng mắt nhìn thấu hết.”

Cây báu, lưới báu phát âm vi diệu

Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc, khi gió lay động các hàng cây báu cùng những tấm lưới báu, liền phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm ngàn tiếng nhạc đồng thời vang lên. Bất kỳ ai được nghe âm thanh hòa hợp ấy đều tự nhiên sinh tâm nhớ nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng-già.”

Nước tắm, hương hoa đều mầu nhiệm 

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Người được sinh về thế giới Cực Lạc, mỗi khi bước xuống ao hồ để tắm rửa, nếu muốn nước ngập chân thì được vừa ngập chân, nếu muốn nước lên đến đầu gối, đến lưng hoặc đến cổ, đều lập tức được như ý muốn. Nếu muốn nước ấm hơn hoặc lạnh hơn cũng đều được như ý.

“Sau khi tắm xong, mỗi người đều lên ngồi giữa tòa hoa sen, tự nhiên có gió lành vi diệu nhẹ thổi qua, lay động các hàng cây báu, vang lên tiếng âm nhạc. Gió lay các đóa hoa sen báu tỏa lên hương thơm khác lạ vây quanh các vị Bồ Tát, Thanh văn đang ngồi bên trên.

“Nhìn mút tầm mắt, mọi thứ đều sáng đẹp lộng lẫy. Hương hoa thơm lan tỏa không gì sánh bằng. Đến lúc hoa nào chớm tàn thì lập tức có gió xoáy cuốn đi ngay.

“Trong đại chúng có người muốn nghe thuyết pháp, có người muốn nghe âm nhạc, có người muốn ngửi hương hoa, cho đến có người không muốn nghe gì cả, tất cả đều được như ý muốn mà không hề gây trở ngại cho nhau.”

Chim hót pháp âm

Kinh A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc có đủ các loài chim kỳ diệu đủ màu sắc như bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng... Các loài chim này, suốt ngày thường xuyên phát ra âm thanh hòa nhã. Những âm thanh ấy diễn đạt đầy đủ các pháp như năm căn lành, năm sức, bảy phần Bồ-đề, Tám thánh đạo. Những chúng sinh ở cõi ấy được nghe âm thanh như vậy rồi đều tự mình nhớ nghĩ đến Phật, nhớ nghĩ đến Pháp, nhớ nghĩ đến Tăng-già.” 

Kinh lại chép rằng: “Các loài chim ấy đều do đức Phật A-di-đà vì muốn cho tiếng thuyết pháp được truyền ra khắp nơi nên mới biến hóa tạo thành.” 

Cảnh tượng thù thắng

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Các vị thượng thiện nhânthế giới Cực Lạc đều có tuổi thọ vô lượng vô số kiếp, có khả năng nhìn xa nghe khắp, quan sát từ xa, nghe tiếng nói từ xa. Tướng mạo các ngài đều đoan nghiêm tốt đẹp, không ai có các tướng xấu. Thể tánh các ngài đều trí tuệ dũng kiện, không có ai tầm thường, ngu si. Hết thảy những ý niệm của các ngài không bao giờ trái với đạo đức, nên biểu lộ ra những lời bàn luận đều là chính trực, tốt đẹp, người người đều thương yêu kính trọng nhau, không hề có sự ganh tỵ ghen ghét. Các vị đều rõ biết những việc đời trước, dù trải qua đã hàng vạn kiếp cũng đều nhớ biết rõ ràng. Các vị cũng rõ biết cả những chuyện quá khứ, hiện tạivị lai trong khắp các thế giới mười phương, lại cũng rõ biết cả tâm ý của hết thảy chúng sinh trong khắp thiên hạ, cũng biết cả việc mỗi chúng sinh ấy đến kiếp nào, năm nào sẽ được độ thoát thành người, được sinh về thế giới Cực Lạc.”

Thức ăn uống tự nhiên hóa hiện 

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Những người được vãng sinh về thế giới của đức Phật A-di-đà, khi đến giờ ăn nếu muốn dùng chén bát bằng bạc liền có chén bát bằng bạc, hoặc có người muốn dùng chén bát bằng vàng, hoặc bằng lưu ly, cho đến được làm bằng hạt châu minh nguyệt hay hạt châu ma-ni, đều lập tức được hóa hiện theo ý muốn. Trong bát ấy lại hiện ra đầy đủ thức ăn có trăm mùi vị, dù nhiều cũng không thừa, dù ít cũng không thiếu. Sau khi ăn xong thì tất cả đều tự nhiên tiêu tán hết, không hề còn lại những thức ăn thừa. Hoặc cũng có trường hợp chỉ cần nhìn thấy màu sắc, ngửi thấy mùi hương thì tự nhiên no đủ. Mỗi khi ăn xong thì chén bát tự nhiên mất đi, đến lúc muốn ăn lại tự nhiên hiện ra như trước. Sự khoái lạc mầu nhiệmthế giới ấy chỉ kém hơn cảnh giới Niết-bàn mà thôi.”

Sự tu tập thích hợp

Kinh Đại A-di-đà chép rằng: “Ở thế giới Cực Lạc, nhân dân có những người ở trên mặt đất giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, hoặc suy ngẫm đạo lý hay ngồi thiền. Lại có những người ở trên hư không giảng kinh, tụng kinh, nghe kinh, hoặc suy ngẫm đạo lý hay ngồi thiền. Những người chưa chứng đắc quả Tu-đà-hoàn sẽ nhân đó được chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, những người chưa chứng đắc quả Tư-đà-hàm sẽ nhân đó được chứng đắc quả Tư-đà-hàm, cho đến những người chưa chứng đắc quả A-la-hán hoặc Bồ Tát bất thối chuyển, đều sẽ nhân đó được chứng đắc quả A-la-hán hoặc Bồ Tát bất thối chuyển. Mỗi vị như thế đều tùy theo tư chất riêng của mình mà đạt được sự vui vẻ thích ý.”

So sánh dung mạo 

Đức Phật hỏi ngài A-nan: “Ví như có người ăn mày đứng cạnh một vị đế vương thì hình tướng, dung mạo có thể sánh cùng nhau chăng?”

Ngài A-nan thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, người ăn mày dung mạo xấu xí, làm sao có thể sánh được với vị đế vương?”

Đức Phật dạy: “Vị đế vương kia tuy cao quý, nhưng nếu lại so sánh với vị Chuyển luân Thánh vương thì cũng chẳng khác gì một kẻ ăn mày. Chuyển luân Thánh vương tuy cai trị bốn cõi thiên hạ, nhưng nếu so với Đao-lợi Thiên vương thì kém hơn đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể sánh kịp. Đao-lợi Thiên vương nếu đem so với vị Thiên vương của cõi trời Tha hóa tự tại thì lại kém xa đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể sánh kịp. Thế nhưng vị Thiên vương cõi trời Tha hóa tự tại nếu đem so với các bậc thượng thiện nhân cùng chư Bồ Tátthế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà thì lại kém xa đến trăm ngàn vạn lần, thật không thể nào sánh kịp.”

Tu tập pháp quán được thấy Phật 

Kinh Thập lục quán có chép việc bà Vi-đề-hy là hoàng hậu của vua Tần-bà-sa-la, nhân khi con trai bà là A-xà-thế làm việc thí nghịch, giết cha để cướp ngôi, [nên sinh lòng chán ngán] không muốn ở cõi Ta-bà đầy uế trược này nữa, phát tâm cầu sinh về cõi Tây phương Tịnh độ

Đức Phật dạy bà Vi-đề-hy tu tập 16 pháp quán tưởng. Khi bà thực hành tu tập đến pháp quán thứ 7 thì đã thấy được hồ báu bằng lưu ly ở cõi Cực Lạc, từ xa được trông thấy đức Phật A-di-đà, tướng hảo quang minh, ngự giữa hư không, bên trái có Bồ Tát Quán Thế Âm, bên phải có Bồ Tát Đại Thế Chí.

Khi ấy đức Phật Thích-ca liền thọ ký cho bà Vi-đề-hy cùng 500 thị nữ đều sẽ được vãng sinh về Tây phương Tịnh độ. Đây chính là nhờ tu tập, áp dụng các pháp quán tưởng Phật dạy mà được vãng sinh

Tuy nhiên, đức Phật Thích-ca cũng có nói với bà Vi-đề-hy rằng: “Bà vốn còn là người phàm, tâm tánh yếu ớt kém cỏi, nay nhờ có Như Lai đem phương tiện dễ dàng chỉ dạy cho nên mới được vãng sinh.”

Vì thế, Đại sư Liên Trì có nói rằng: “Các pháp quán [trong Quán kinh] hết sức sâu xa huyền diệu, [người đời nay căn tánh kém cỏi] chỉ nên giữ theo phần căn bản đại lược.” 

Giữ theo phần căn bản đại lược, đó chính là nói đến việc trì niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà.

Niệm Phật được thấy Phật

Đức Thế Tôn khi thuyết giảng kinh Đại A-di-đà đã nói đầy đủ về thế giới Cực Lạc có các sự trang nghiêm. Phật dạy ngài A-nan rằng: “Ông hãy đứng dậy chỉnh trang y phục, chắp tay cung kính, quay mặt về phương tây mà đảnh lễ đức Phật A-di-đà.” Ngài A-nan y theo lời dạy, cung kính lễ Phật rồi bạch rằng: “Nay con nguyện được nhìn thấy đức Phật A-di-đà cùng với thế giới Cực Lạc và tất cả đại chúng các vị Bồ Tát, Thanh văn nơi cõi ấy.” 

Phát nguyện như thế vừa xong thì đức Phật A-di-đà lập tức phóng hào quang chói sáng, soi chiếu khắp hết thảy các thế giới. Khi ấy ngài A-nan liền nhìn thấy đức Phật A-đi-đà, dung mạo uy nghi sừng sững như tòa núi lớn bằng vàng ròng. Bốn chúng trong pháp hội khi ấy đều được nhìn thấy, lại cũng được nhìn thấy cả cõi Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh. Ngay vào lúc ấy, những người mù đều tự nhiên sáng mắt, những người điếc tự nhiên được nghe, những người câm tự nhiên nói được, những người què tự nhiên có thể đứng dậy đi, khắp các cõi địa ngục, ngạ quỷ cũng đều nhất thời được hưởng sự an ổn, mừng vui. Các nhạc khí của chư thiêncõi trời không ai chạm đến cũng tự nhiên vang lên tiếng nhạc.

Niệm Phật được vãng sinh

Kinh A-di-đà chép rằng: “Như những kẻ nam, người nữ có lòng lành, nghe giảng nói về Phật A-di-đà, bèn chuyên tâm niệm danh hiệu ngài, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm không tán loạn. Người ấy khi lâm chung liền thấy đức Phật A-di-đà cùng các vị thánh chúng hiện ra trước mắt. Khi mạng chung tâm không điên đảo, liền được sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.” 

Lại cũng chép rằng: “Nếu ai có lòng tin, nên phát nguyện sanh về cõi ấy.”

Lời bàn

Đoạn kinh này chính là yếu chỉ của trọn bộ kinh, nhấn mạnh ở sự chuyên tâm niệm danh hiệu Phật, đạt đến mức nhất tâm không tán loạn.

Vãng sinh không phải việc dễ dàng

[Kinh A-di-đà chép rằng:] Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất: “Không thể chỉ có chút ít căn lành, phước đức, nhân duyên mà được sinh về cõi Cực Lạc.” 

Lời bàn 

Phần trước có nói: “Nếu ai có lòng tin, nên phát nguyện sinh về cõi ấy.” Cho nên, lòng tin là điều thiết yếu để bước vào pháp môn này. Nếu người không có niềm tin thì không thể niệm Phật. Không thể niệm Phật thì đó chính là không có căn lành, không có phước đức, không có nhân duyên.

Pháp môn này như nước cam lộ, nếu như rốt cuộc ta lại không có phần, lẽ nào không phải là đau đớn đáng tiếc lắm sao! Mỗi khi tôi tụng kinh vừa đến câu này thì tự nhiên cảm thấy toàn thân rúng động, có khi khởi lòng thương cảm rơi lệ như mưa. Đến lúc bình tâm mới tự an ủi mình rằng: “Chỉ sợ không khởi tâm cầu vãng sinh mà thôi. Nếu như đã có thể tin nhận đức Phật A-di-đà là có thật, thì đó chính là căn lành của ta; nếu như đã có thể phát tâm Bồ-đề tha thiết, thì đó chính là phước đức của ta; nếu như đã có thể trì niệm được thánh hiệu của đức Như Lai, thì đó chính là nhân duyên của ta. [Đầy đủ căn lành, phước đức, nhân duyên, thì] có lý nào lại không được vãng sinh?”

Kinh Pháp Hoa nói rằng: “Trong tâm khởi sinh niềm vui mừng lớn, tự biết ngày sau sẽ được thành Phật.”

Lời dặn dò sau chót

[Kinh A-di-đà chép rằng:] Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất: “Như có người nào trước đã phát nguyện, hoặc nay vừa phát nguyện, hoặc sau này sẽ phát nguyện sinh về cõi Phật A-di-đà, thì những người ấy đều được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những người ấy hoặc đã được sanh, hoặc nay được sanh, hoặc sau này sẽ được sanh về cõi ấy.” 

[Kinh lại cũng chép rằng:] “Vì vậy, Xá-lợi-phất, các ông nên tin theo lời ta và chư Phật đã nói.”

Lời bàn

Chúng sinh trong ba cõi cũng giống như người bị vây hãm trong thành, gấp rút tìm đường, mong ra khỏi nhưng không có cách nào. Đến khi may mắn mở ra được một cửa thành, có thể theo đó thoát ra mà nhanh chóng quay về quê cũ, lẽ nào lại bỏ qua mất cơ hội ấy hay sao? 

Pháp môn Tịnh độ chính là con đường giúp người thoát ra khỏi thành bị vây hãm, có thể nhanh chóng quay về quê cũ. Đức Thích-ca Như Lai đại từ đại bi, thương xót những người bị vây hãm trong thành ắt phải chịu giết hại, nên mới khai mở con đường thẳng tắt này, giúp người nhanh chóng thoát ra.

Đoạn kinh văn này chính là lời dặn dò đinh ninh sau chót, không chỉ dạy người tin sâu những lời do chính đức Như Lai nói ra, mà còn là tin nhận lời của chư Phật mười phương, quả thậttâm bi mẫn hết sức thâm thiết.

Chúng ta thọ nhận ân đức lớn lao của Phật [chỉ bày pháp môn này], không biết làm sao báo đáp, chỉ có thể tự mình cố gắng y theo lời dạy tu hành, lập nguyện sâu rộng, cầu sinh Tịnh độ mà thôi.

Nay kính cẩn mang pháp môn này truyền lại, chỉ bày cho người đời sau.




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.