GƯƠNG THIỀN
THIỀN GIA QUY GIÁM
THỊ GIỚI DỊCH VIỆT
NHÀ XUẤT BẢN ANANDA VIET FOUNDATION
Gương Thiền - Final Draft
Quý độc giả có thể đọc online tại link sau: https://thuvienhoasen.org/a26903/guong-thien-thien-gia-quy-giam Và cũng có thể đặt mua tại Amazon hay tại các nhà sách theo link dưới đây: https://www.amazon.com/Guong-Thien-Vietnamese-Thi-Gioi/dp/1087964873/
LỜI ĐẦU
BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT
Thiền thì đốn ngộ Tự Tánh tức Phật Tánh rồi tiệm tu (Diệu tu). Giáo thì đạt đến Nhất Tâm và tu trong Nhứt Tâm đó.
Hành giả Giáo môn thực hành theo lời Phật dạy trong Kinh để đạt được tâm chuyên nhất. Nơi tâm chuyên nhất, tu tập qua nhiều từng bực, nếm từng phần mùi vị của Pháp, dần khế hợp với Chân Như, hướng đến cứu cánh toàn giác. Hành giả tu Thiền theo lời dạy của Thầy, Tổ để có được cái thấy ban đầu gọi là đốn ngộ hay thấy Tánh, sau đó tiệm tu, giữ gìn và vận dụng cái thấy đó cho đến khi hoàn toàn sáng tỏ, hoàn toàn nhuần nhuyễn.
Giáo như bản đồ đường bộ vẽ con đường dẫn lên đỉnh núi. Thiền như bức không ảnh cho thấy khung cảnh đỉnh núi. Dù dùng bản đồ đường bộ hay không ảnh, cả hai đều cùng hướng về một đỉnh núi, theo con đường Giới-Định-Huệ của Giáo, hay Huệ-Định-Hạnh của Thiền. Nơi Giáo môn, Giới-Định-Huệ hiển bày trong Một Vị, hay Nhất Tâm. Nơi Thiền, Huệ-Định-Hạnh toàn chứa trong Thấy Tánh hay Vô Niệm. Lúc nào cũng ở trong Nhất Tâm là lúc nào cũng ở trong Giới-Định-Huệ, lúc nào cũng Thấy Tánh là lúc nào cũng ở trong Huệ-Định-Hạnh. Nơi Nhất Tâm hay Một Vị, Giới-Định-Huệ là một. Trong Thấy Tánh hay Vô Niệm, Huệ-Định-Hạnh là một. Đó là ba thời bình đẳng.
Theo ngài Tây Sơn Đại Sư, Giáo là Lời của Phật, Thiền là Tâm của Phật. Giáo môn theo lời dạy của Phật mà đi vào Tâm Phật, Thiền theo sự khai mở của Tổ mà vào ngay Tâm Phật. Cả hai đều có cùng một đích là tỏ bày cái không lời, cùng đi đến một cứu cánh là cái không thể gọi tên tả hình, vượt ngoài tri giải. Cái đó chính là Tánh Phật cũng là Tánh Không.
Giáo và Thiền do đó không phải là hai cánh cửa, hai con đường hoàn toàn biệt lập, không thể hổ trợ cho nhau.
Đặc biệt trong phần Tế Hạnh, Tây Sơn Đại Sư dạy rõ về những hạnh mà người tu Thiền thường không coi trọng. Đó là những hạnh như: Bố thí, Giữ giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Trì chú, Lễ bái, Niệm Phật, Nghe Kinh v.v.
Thiền Gia Quy Giám được ngài Tây Sơn Đại Sư, một vị Thiền Sư ngộ đạo lại học rộng nhớ nhiều, từng hoạt động trong nhiều môi trường và hoàn cảnh, viết ra để dạy đệ tử thuộc nhiều căn cơ. Do đó, ngài đã dùng những phương tiện thiện xảo để dẫn vào Nhứt Vị hay Nhứt Tâm của Phật, Kiến Tánh của Tổ, mở cửa cho sự thành tựu Giới Định Huệ và lục độ, vạn hạnh.
Nội dung của Thiền Gia Quy Giám có thể được tóm tắt bằng lời của Đại sư viết trong phần kết luận cuốn sách: “Toàn giáo pháp bắt đầu với cái không thể gọi tên tả hình, kết thúc với việc không còn tri giải. Bao nhiêu vướng mắc, một câu phá hết” và “Trước sau một nghĩa, giữa nêu vạn hạnh.”
Trong nhiều thế kỷ cho đến ngày nay, Thiền Gia Quy Giám đã được coi như cẩm nang tu học của tăng, ni và cư sĩ ở Đại Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản cả trong Thiền lẫn Giáo.
Tôi mạo muội dịch ra tiếng Việt cuốn sách nhỏ vô giá nầy, trước là để tự học hỏi, sau là hy vọng có thể góp một phần nhỏ vào kho tàng Phật học, nhất là Thiền học nước nhà. Nếu có được chút ít công đức, xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh và nguyện được gặp nhau trong Pháp Hội Long Hoa của Đức Di Lặc.
Bản tiếng Việt nầy được dịch theo bản dịch tiếng Anh The Mirror of Zen của Thiền sư Hyon Gak Sunim và bản chữ Hán Thiền Gia Quy Giám của Tây Sơn Đại Sư do CBETA (Trung Hoa Điện Tử Phật Điển Hiệp Hội) phổ biến. Để tiện cho sự tham khảo của độc giả, trong phần chú thích, tôi để thêm âm Hán Việt những câu chủ đề của mỗi chương và những câu trích dẫn trong ngoặc kép, và kèm theo bản Hán văn.
Bản dịch chắc chắn không tránh khỏi những sai sót. Kính mong chư thiện trí thức chỉ giáo.
Xin sám hối chư Phật, chư Tổ, bổn sư Thượng Tịch Hạ Chiếu, anh em bạn đạo và chư thiện trí thức về việc thêm sóng trên nước, vẽ hoa trong không nầy.
Thành phố Calgary, AB Canada
Mùa Thu 2010
Thị Giới.
(Sửa lần 1: Tháng 12 năm 2016.)
LỜI ĐẦU
BẢN DỊCH TIẾNG ANH
Hyon Gak Sunim
Bản dịch Thiền Gia Quy Giám nầy là bản dịch Anh ngữ toàn bộ đầu tiên tác phẩm cổ điển vượt thời gian nầy ở phương Tây.
Nếu bạn có dịp vào sâu trong những núi non và thung lũng ở Đại Hàn, hỏi thăm những vị tăng ni, những người ẩn cư và những nhà khổ hạnh tu tập thiền định về bản tóm tắt giáo lý cần thiết, nền tảng nhất ngoài các kinh do Đức Phật dạy, bạn sẽ nghe hầu hết các vị nầy chọn Thiền Gia Quy Giám. Đó là một bản văn được trích dẫn nhiều nhất, được đề cập nhiều nhất trong những trà thất và giảng đường ở các chùa Đại Hàn. Các tăng ni thường được một vị lão sư viết một trong những câu kệ trứ danh trong đó dưới dạng thư pháp để dán lên tường trong am thất, hoặc tặng cho bạn cùng tu thiền như một tặng phẩm quí giá để sách tấn việc tu tập. Như tất cả những tăng ni Đại Hàn khác, thầy tôi, Thiền Sư Seung Sahn, chịu ảnh hưởng sâu xa từ những lời dạy của ngài So Sahn: những lời khích lệ và những mẫu chuyện trong tập sách nầy thường được đề cập trong những lời dạy của ngài. Và khi Thiền Sư Seung Sahn đến Hoa Kỳ, một trong những việc ngài cố gắng thực hiện là khuyến khích một trong những đệ tử thân cận của ngài dịch tác phẩm nầy. (Nó chưa bao giờ được hoàn thành.) Tác phẩm do ngài viết, The Compass of Zen, là một tác phẩm tiếp nối trực tiếp, có thể nói là một tác phẩm tiếp nối tinh thẩn của Thiền Gia Quy Giám, chia sẻ mục đích, sự súc tích, và cả cấu trúc. Trải qua nhiều thế kỷ, Thiền Gia Quy Giám đã được dùng ở các Thiền đường Nhật Bản và Trung Hoa để học hỏi về những chỉ dẫn súc tích cho việc tu tập.
Không phải là một học giả cũng không phải là một dịch giả chuyên môn, tôi không bao giờ có ý nghĩ sẽ cả gan dám đụng đến một bản văn tôn kính như bản văn nầy. Tuy nhiên việc quyết định thực hiện được thôi thúc bằng một sức mạnh hòa nhã của ngài Boep Joeng, một vị Thiền tăng, nhà hoạt động, thi sĩ, và theo ý kiến chung là một đại biểu tâm linh còn sống được tôn kính nhất trong các giáo phái ở Nam Hàn ngày nay. Bản dịch Thiền Gia Quy Giám của ngài, được dịch từ vài thập niên trước từ bản Hán văn sang tiếng mẹ đẻ Đại Hàn, được chính phủ Hàn Quốc chọn làm đại diện cho những tác phẩm nổi bậc trong nền văn chương nghệ thuật Hàn Quốc tại Hội Chợ Sách Frankfurt ở Đức. Bản dịch của ngài được coi là bản dịch hay nhất tử bản Hán văn sang tiếng mẹ đẻ, và bản dịch của tôi “nhìn qua cặp mắt” bản dịch của ngài để có bản Thiền Gia Quy Giám tiếng Anh.
Do đó, những người đựợc rèn luyện nhiều hơn trong lãnh vực cổ học Trung Hoa hay Phật Giáo có lẽ cần tìm hiểu làm sao một người không được chuẩn bị về học thuật trong lãnh vực lại dịch một tác phẩm thuộc loại đó như cuốn Thiền Gia Quy Giám.
Vào một ngày tháng Ba năm 2004, tôi được cho biết là ngài Boep Joeng Sunim muốn gặp tôi tại Gil Sang Sah, một ngôi chùa ở miền bắc trung bộ Hàn Quốc. Lúc bấy giờ tôi đang làm giáo thọ hướng dẫn ở Trung Tâm Thiền Quốc Tế Hán Thành tại Chùa Hwa Gye Sah, và là thư ký thị giả cho Thầy tôi là Thiền Sư Seung Sahn. Liệu tôi có thể dịch tác phẩm nầy sang Anh ngữ để giới thiệu cho thế giới được không?
Việc tôi có thể dốt chữ Hán, và thiếu khả năng về Hàn ngữ, đối với ngài Boep Joeng Sunim không là vấn đề. Có cơ hội được quỳ trước vị Thầy lớn lao nầy, hoặc được nghe bất cứ lời nào của ngài là một dịp may đặc biệt hiềm hoi. Ngài cứng rắn từ chối việc thường xuyên phải vào thành phố. Ngài thích chiếc lều ọp ẹp không ở chỗ nào cố định trong núi rừng của ngài hơn. Ngài cũng cứng rắn từ chối không cho phép dịch những bài viết của ngài sang Anh ngữ, có thể vì ngài biết rằng nó sẽ làm tăng tiếng tăm, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh khổ hạnh của ngài.
Bên cạnh người đệ tử thân cận lặng lẽ pha trà, một loại trà xanh mùi thơm dịu, thật rất khó từ chối yêu cầu của ngài. Dịch lời của ngài Boep Joeng Sunim đã là công việc lớn lao khó lường, phía sau đó lại là một đỉnh núi vĩ đại, cao ngất nhô lên giữa những rặng núi lớn, đó là Đại Sư So Sahn. Đây lại là một tác phẩm gieo giống Phật của ngài. Và tôi chỉ là một Thiền tăng, một người Mỹ sinh trưởng ở New Jersy, sự tu tập và đạo hạnh còn thiếu sót, và là một người không được học tí nào về Hán học cổ điển.
Khi tôi nêu ra một cách thất vọng tên nhiều người đủ tư cách hơn tôi để nhận lãnh trách nhiệm nầy, người nào ngài Boep Joeng Sunim cũng chỉ lắc đầu. Môi ngài mím chặt với danh sách dài thêm. Và lý do bên sau sự cương quyết hòa nhã của ngài trở nên rõ ràng khi ngài nói: “Không phải người nào cũng có thể dịch cuốn sách nầy và đạt được ý nghĩa chân thật của ngài So Sahn. Những người mà con đề cập không phải là những người có tu tập. Những người đó có thể đủ khả năng về mặt nầy hay mặc khác về chữ nghĩa, và có thể hiều tíếng Anh. Nhưng họ không tu tập thiền quán. Chỉ người nào thật sự tu tập thiền quán – và nếu là một Thiền tăng thì càng tốt, phó thác cả thân-tâm, mới có thể tiếp xúc với ý nghĩa chân thật của những lời dạy nầy. Và tốt hơn nhiều nếu tăng sĩ đó thật sự thực hành một cách đúng đắn.”
Như vậy, quan tâm của ngài Boep Joeng Sunim là thiền quán – thuần túy và đơn giản – không phải là sự chuẩn bị về trí thức. Đối với ngài, ý nghĩa bên trong của tác phẩm nầy đối với người tu thiền là quan trọng hơn cả, quan trọng hơn nhiều việc dịch chuẩn xác, cứng nhắc của học giả. Khoảng sáu tháng làm việc, sau khi tiếp xúc với nhiều tình huống, tôi nhận ra rằng việc dịch thuần túy nghĩa đen, chữ qua chữ từ Hán ngữ sang Hàn ngữ sang Anh ngữ chẳng những nhàm chán và thiếu sót, mà còn làm hỏng nhiều điểm chính yếu của lời dạy, ý nghĩa tinh tế và sâu xa của ngài So Sahn, tôi lại tìm đến ngài Boep Joeng Sunim. Đến cách thế nào để tôi vẫn còn giữ được hay đánh mất lòng tin của ngài vào những cố gắng của tôi?
Lời của ngài mở ra cho tôi những ý nghĩa tiềm ẩn sâu xa hơn của bản văn nầy, và tôi trở lại với công việc bằng một lòng tự tin lớn hơn. Ngài nói: “Tất cả những kinh điển được dịch ở Trung hoa cơ bản có hai vị dịch giả lớn dịch từ Phạn văn sang Hán văn được biết đến nhiều nhất cho đến ngày nay. Ngài Huyền Tráng dịch chữ-sang-chữ, bám chặt vào nghĩa đen rất nghiêm nhặt và thận trọng, kết hợp ‘chính xác’ mỗi chữ Phạn với chữ Trung hoa tương đuơng gần nhất. Còn ngài Cưu Ma La Thập, trong khi dịch đúng, chấp nhận một sự cởi mở hơn, cho phép các bản văn được đọc theo cách khác hơn là một bản dịch quá sát nghĩa đen. Một số người lúc bấy giờ cho rằng bản dịch của ngài không có tính chính thống, ngay cả còn cho rằng không chính xác. Nhưng điều quan trọng đối với ngài Cưu Ma La Thập là làm sao cho bản kinh có thể được chuyên chở theo cách bày tỏ của người Trung hoa, theo cách thức tự nhiên cho họ hơn những bản dịch nghiêm nhặt. Và con biết thế nào không? Những bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập ngày nay được đánh giá cao hơn, và tuyệt đối được những thiền tăng quí chuộng hơn là những bản dịch được coi là ‘chính xác’ của ngài Huyền Tráng.” Sau khi hớp một ngụm trà, ngài nhắm mắt lại và nói với một nụ cười đôn hậu: “Bây giờ con phải trở thành một Cưu Ma La Thập Hoa kỳ.”
Quí vị học giả có thể thất vọng. Nhưng ngài không ngớt thuyết phục tôi nên tạo một bản dịch tiện lợi cho độc giả Tây phương ngày nay hiểu được những điều ngài So Sahn muốn nói. Tôi đã cố gắng bằng mọi giá để tạo một bản dịch mà trong khi vẫn lắng nghe kỹ lưỡng mỗi chữ Hán mà ngài So Sahn viết xuống nhưng đồng thời vẫn không bị nô lệ bởi ý nghĩa quy ước của những từ ngữ đó, đặc biệt là việc ngài đã viết với một văn phong rất trang trọng trong một bối cảnh thời đại và tu viện rất xa với bối cảnh của chúng ta ngày nay ở phương Tây.
Nếu tôi thành công về phương diện nào đó thì khi đọc bản dịch nầy, bạn sẽ không thấy một sự cổ xưa xa cách nói lên bằng một ngôn ngữ cô đọng khó thâm nhập của thời gian cách nay nhiều thế kỷ, nhưng như một vị thầy đang ngồi xếp bằng ngay trước bạn, nói bằng ngôn ngữ của bạn để giúp bạn tu tập ngay trong phút giây hiện tại.
Một ghi chú về chính tả: Độc giả của bản dịch nầy dĩ nhiên là những độc giả trong cảnh ngữ Tây phương. Nhưng đây là một bản văn chứa đựng những câu chuyện liên quan đến những vị thầy, những văn bản, những tên chùa, những địa danh và những giáo lý Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Hàn. Mỗi hệ thống ngôn ngữ nầy có quy luật riêng để chuyển ngữ một cách thích hợp sang Anh ngữ. Không có cách nào để tiêu chuẩn hóa những cách đánh vần tất cả các tên gọi và thuật ngữ để thỏa mãn kinh nghiệm của độc giả ở phương Tây, tất cả họ đến với bản văn nầy từ những truyền thống tâm linh khác nhau.
Những thuật ngữ tiếng Phạn vẫn giữ nguyên chuyển ngữ trong văn thể tiếng Anh tiêu chuẩn. Nhưng “Hàn hóa” việc chuyển ngữ sang tíếng Anh những từ Phật giáo và địa danh chỉ với mục đích “tiêu chuẩn hóa” có thể làm cho nhiều độc giả Tây phương khó hiểu vì từ lâu họ đã quen với những tên đã được tiêu chuẩn hóa bằng khả năng sáng tạo tiếng Anh qua nhiều năm dịch thuật của các học giả tiếng Hán và tiếng Nhật.
Do đó, trong trường hợp những tên và thuật ngữ Đại Hàn và Trung Hoa, một thể loại chữ Trung Hoa tiêu chuẩn, Wade-Giles, đã được tiếp nhận cho những tên và thuật ngữ Trung Hoa, và một thể loại chữ Đại Hàn cho những tên và thuật ngữ Đại Hàn. Tên dùng trong đời sống tu viện cho những vị tăng lớn thường là bốn chữ, và để làm rõ, ở đây tên các vị tăng Trung hoa sẽ có gạch nối giữa các chữ, còn tên các vị tăng Đại hàn sẽ không có gạch nối. Việc này cho người đọc thấy ngay trong mạch văn vị nào ở trong truyền thống nào, mà tôi tin là có tác dụng hơn so với sự cứng nhắc khi sử dụng một kiểu.
Một bản dịch trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ là một phản ánh mờ nhạt của bản chính. Kết quả cao nhất cũng chỉ là đưa ra một tấm guơng phản chiều cho bản chính, và ngay một bản dịch cẩn thận nhất cũng chỉ khá hơn chút ít việc phản chiếu màu sắc và hình dạng của bản gốc. Những hình ảnh trong tấm gương có thể đúng nhưng cũng không bao giờ là kinh nghiệm toàn bộ của bản gốc. Kết cấu, cảm nhận, mùi và vị của bản gốc không thể diễn tả bằng hình ảnh phản chiếu.
Điều nầy là sự thật đối với bất kỳ tác phẩm dịch thuật nào. Điều nầy lại càng đúng hơn đối với việc dịch một tác phẩm nguyên bản về Thiền, một tác phẩm muốn có tác dụng giống như một tấm gương – không tùy thuộc vào chữ hay lời, chỉ thẳng vào chân tánh của chúng ta. Cố gắng dịch một tác phẩm kinh điển, ngay từ khởi đầu đã đầy những sai lầm: sai lầm biết bao khi diễn dịch cái tâm như tấm gương của một vị Đại Thiền Sư. Chẳng phải là chính Thiền sư So Shan nói rằng, trong khi mọi giáo lý dùng ngôn ngữ để chỉ vào thế giới vô ngôn, Thiền dùng vô ngôn để chỉ vào thế giới vô ngôn đó sao? Do đó làm thế nào có thể tin tưởng để chuyển tải cái đó?
Boep Joeng Sunim (b. 1932) có thể không phải là một cái tên quen thuộc đối với người Tây phương, nhưng giáo pháp của ngài và cuộc sống thiền quán một mình, sự khổ hạnh nghiêm nhặt, đức hạnh cũng như sự trong sạch tuyệt vời của ngài, mọi người Đại Hàn đều biết. Mặc dù tác phẩm của ngài được mọi người đọc, không phân biệt tôn giáo, và sách của ngài là những cuốn sách bán chạy nhất trong ba mươi hay bốn mươi năm qua, ngài xa lánh sự giàu có, danh vị, và ngay cả một ngôi chùa riêng, sống trong một túp lều nước và điện không bắt tới nằm sâu trong những rặng núi ở vùng xa. Vị trí của túp lều ngay cả các đệ tử xuất gia của ngài cũng không biết. Sự nghiêm nhặt trong việc giữ giới không sở hữu của ngài thật là khó tin.
Bản dịch của ngài Boep Joeng Sunim là lý do có mặt của bản dịch nầy. Nhưng nền tảng vẫn là bản văn nguyên thủy của ngài So Shan. Bản dịch nầy căn bản được dịch từ bản dịch của ngài Boep Joeng Sunim, nhưng mỗi tiết, mỗi chữ tôi đều quay về đối chiếu trực tiếp với bản Hán văn của ngài So Sahn. Tôi đã gặp nhiều khó khăn với sự diễn đạt có khuynh hướng Đại Hàn của ngài Boep Joeng Sonim, nó đã tạo ra một định kiến nhỏ làm cho ý nghĩa nguyên thủy của bản văn xa rời với cách diễn đạt bằng tiếng Anh. Để tránh bớt bản văn khỏi sự ô nhiễm do sự vô minh của tôi, tôi thường thỉnh ý vị đại tăng đương thời, ngài Song Dahm, trong trường hợp có nhiều nghĩa khác nhau. Tôi cũng đã hỏi ý kiến nhiều vị tăng khác về những lãnh vực mà kiến thức về Hán văn và Phật giáo của tôi còn yếu kém. Các vị ấy không được đề cập ở đây vì sợ rằng sẽ ghép chung các vị ấy vào sự sai quấy của tôi trong những thiếu sót không tránh khỏi của bản dịch nầy.
Và tôi đã làm việc với bản dịch nầy trên hai năm rưỡi, mỗi ba tháng lại ngưng để nhập thất tham thiền tịnh tu trong ba tháng theo truyền thống mà tôi đã thực hành trong mười sáu năm qua. Cuối ba tháng, trở về từ những núi rừng đầy sương mù, Thiền Gia Quy Giám luôn luôn vẫn chờ, và tôi lại cầm lấy, tươi tỉnh với chin mươi ngày chỉ chuyên ròng tham thiền, để nhìn thẳng vào ý nghĩa của nó và việc dịch Anh ngữ của tôi lại bắt đầu. Cách sắp xếp lịch làm việc nầy kéo dài thời gian hoàn tất công việc cao quý nầy, nó cũng là ý muốn trang trọng của tôi rằng giai đoạn chia sẻ công việc nầy với việc tham thiền đã cho bản dịch một chiều sâu sống động, sự tươi mát, thật sự đặt chân vào cuộc sống mà Đại Sư So Sahn chỉ vào và đặt biệt là sự đáng tin cậy.
Tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ của cô Sohn Jong-In đã lo cho tôi một cái sườn của bản thảo. Tôi cũng đã được hướng dẫn với một bản dịch không xuất bản do một người bạn thân của tôi là Charles Mark Mueller thực hiện nhiều năm trước cho dòng Choye của Phật Giáo Đại Hàn. Đó là một bản dịch đầu tiên đã mở ra cho tôi thế giới của ngài So Sahn, và tôi xin cảm ơn những nỗ lực của anh cũng như việc đã rộng lượng cho tôi những ý tưởng ở nhiều điểm trong bản thảo.
Xin cảm ơn mọi người ở Shambhala Publications, đặt biệt là Jonathan Green, Eden Steinberg và Ben Gleason trong việc đánh giá tác phẩm nầy và sự chuyên môn vô cùng tinh tế về mọi khía cạnh trong việc ấn hành tác phẩm.
Ngày đầu tiên của Kỳ Nhập Thất Tham Thiền Ba Tháng Mùa Đông, 2006
Thiền Đường Joeng Hae Sah, chùa Su Dok Sah, Núi Dok Sueng Sahn, Công Hòa Hàn Quốc.
Hyon Gak Sunim.
LỜI ĐẦU
BẢN DỊCH TIẾNG HÀN
BOEP JOENG SUNIM
Thiền Gia Quy Giám được viết ra do Đại Sư So Sahn Hyu Jeong. Như được đề cập trong lời nói đầu của chính đại sư, cũng như trong lời bạt do đệ tử của ngài là ngài Sam Yong, cuốn sách nầy không phải hoàn toàn là sáng tác của đại sư. Ngài góp nhặt tinh túy trong giáo lý của đức Phật từ hơn năm mươi bộ Kinh Luận, cũng như những lời dạy và giai thoại của các vị Tổ. Đầu tiên ngài chỉ viết xuống trực tiếp những lời từ các nguồn tài liệu đầu tiên đó. Những năm sau đó, ngài viết thêm chú giải, những bài kệ ngắn, và những lời bình để giúp những đệ tử gặp khó khăn trong việc hiểu những giáo lý cốt lỗi.
Qua Thiền Gia Quy Giám chúng ta có thể có được cái nhìn tồng quan sự khác nhau giữa Thiền và Giáo về giáo lý và phương pháp thực hành ở Đại Hàn khoảng bốn trăm năm trước. Đại sư nói về quan điểm của ngài về Thiền và Giáo như sau:
Thiền là tâm Phật, Giáo là lời Phật.
Đức Thích Ca Mâu Ni là cội nguồn của cả Thiền và Giáo, sự khác nhau trong thực hành bắt đầu từ ngài Ma Ha Ca Diếp và ngài A Nan. Thiền dùng không lời đề hiền bày ý nghĩa nằm bên sau lời, trong khi đó Giáo dựa vào lời đề hiền bày ý nghĩa bên sau lời. Do đó Tâm chính là giáo lý của Thiền, và Lời là giáo lý của Giáo. Pháp chỉ có một vị, nhưng sự khác nhau giữa thề nghiệm và nhận hiều – bằng khái niệm – cách biệt như trời và đất.
Như vậy ngài cho chúng ta thấy rõ ràng rằng tu Thiền và tu theo kinh điển không phải là hai mà chỉ là một. Đồng thời ngài cũng nói lên một cách rõ ràng sự ưu tiên của kinh nghiệm giác ngộ, và do đó ngài đã ngầm gán cho cho Thiền tính ưu việt trong việc thể hiện giáo lý cốt tủy nhất của Phật Giáo.
Thêm vào đó, Đại Sư So Sahn cũng trình bày rõ ràng quan điểm của ngài về Tịnh Độ Tông, bời vì truyền thống niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà đã bị nhiều thành viên tu Thiền lãng quên hoặc ngay cả còn khinh thị vào lúc bấy giờ. Phê phán một cách tế nhị cái gọi là “Thiền chính thống,” ngài nhấn mạnh lại vai trò của giới luật. Việc nầy không nhằm mục đích buộc người tu Thiền vào khuôn phép, nhưng mục đích là làm thức tỉnh những người tu Thiền giả tạo cho rằng hết thảy đều không – ngay cả giới luật – ngoài sự giác ngộ.
Những cố gắng của ngài đưa đến kết quả là bản văn ngắn gọn và rõ ràng nầy không những được coi như chiếc gương soi riêng của Thiền mà còn là một tấm gương soi chung cho tất cả người học Phật. Độc giả chính của tác phẩm nầy dĩ nhiên là những hành giả đã buớc vào đời sống tu sĩ. Nó còn mở ra một con đường bảo đảm một đời sống minh triết cho người tại gia muốn sống với một tâm thức trong sáng và từ bi.
Tác giả thường được gọi là Đại Sư So Sahn vì phần lớn cuộc đời ngài sống ở Núi Myo Hyang, ngày nay ở Bắc Triều Tiên. Một trong những tên gọi truyền thống của núi nầy là So Sahn (Tây Sơn), và ngày xưa có nhiều ngôi chùa lớn ở đó, với nhiều trăm tăng sĩ thực hành thiền quán. Trên giấy tờ, ngài tự xưng Baek Hwa Do, để ghi nhớ ngôi chùa mà ngài đã trải qua một số tu tập miên mật nhất, chùa Baek Hwa trong dãy núi Kim Cương. Ngài cũng tự xưng là Do Eun sau khi từ nhiệm chức vụ Giám Luật cho các tông phái Thiền và Luật. Pháp danh của ngài là Hyu Jeong và pháp tự là Cheong Heo.
Ngài sinh ngày hai mươi sáu tháng Ba năm 1520 tại Anju, một thị trấn thuộc tỉnh Pyong-Ahn ngày nay thuộc Bắc Hàn. Ngài mất mẹ từ lúc lên chin tuổi và mất cha vào năm sau. Một vị quan tiếp nhận đứa trẻ mồ côi thông minh với tài năng viết lách cừ khôi nầy, và nhìn thấy đứa trẻ bước vào ngôi trường đào tạo cao cấp nhất của Triều Tiên lúc bấy giờ là Song Kyun Kwan ở Seoul, một ngôi trường đào tạo về Khổng Giáo được thành lập năm 1308. Đứa trẻ lúc bấy giờ mới mười hai tuổi.
Ngài du hành về miền Nam đến tỉnh Jeolla với sư phụ, nhưng vị sư phụ ngay sau đó trở về Seoul vì song thân qua đời. So Sahn ở lại một mình, và một hôm, ngài tổ chức một cuộc du hành cùng với những người bạn từ ngôi trường trong làng. Trong cuộc du hành, trước tiên ngài đến học kinh Phật với ngài Sung In ở núi Ji Ri. Nhìn thấy con đường nội tâm mà kinh điển chỉ ra, ngài lập tức thực hành tham Thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Bu Yong Yong Kwan. Lúc đó ngài mười tám tuổi. Đến hai mươi mốt tuồi ngài giải ngộ, và thọ giới để trở thành một tăng sĩ.
Sau tám năm liên tục tu học, một ngày kia khi đang đi qua làng, ngài thình lình giác ngộ khi nghe tiếng gà gáy. Ngài viết một bài kệ nói lên sở ngộ:
Người xưa há không bảo
Tóc bạc tâm không bạc
Vừa nghe tíếng gà gáy
Việc suốt đời trọn nên.
Ngài So Sahn dễ dàng vượt qua cuộc sát hạch toàn quốc rất khó khăn để được gia nhập vào đời sống tu sĩ, và không lâu sau được bổ nhiệm lãnh đạo Thiền tông, và sau đó lãnh đạo Giáo tông. Sau ba năm phục vụ, ngài xin từ chức và lui về sống ẩn tu trên núi Kim Cương.
Lúc bấy giờ, một bài thơ của ngài So Shan gây nhiều tranh luận trong quần chúng, có người còn nghi ngờ rằng ngài có nhúng tay vào một số mưu đồ chính trị lúc bấy giờ. Nhưng khi ngài bị đưa vào để thấm vấn trước vị vua đầy uy quyền, triều đình chẳng tìm thấy gì ngoài sự kích động trước bản chất đơn giản và lòng tư bi tỏa sáng trong cung cách của ngài. Với giọng nói nhún nhường và dịu dàng của ngài, sự việc liền sáng tỏ rằng vị tăng sĩ nầy không có ý muốn nào trong những sự việc thế tục, và ngài được chính vua Seon Jo ra lịnh tha bổng. Từ đó, nhận ra sự liên hệ nhân duyên, ngài giữ mối quan hệ bạn bè với vị vua trong nhiều năm sau đó.
Nhưng một biến cố xảy ra cho đất nước đã giao phó cho ngài So Sahn một trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo về nhân dân Triều Tiên. Đó là một nhiệm vụ không phải dành cho tu sĩ, nhưng ngài So Sahn nhận lãnh (mặc dù miễn cưỡng và với một tâm thức không vui) một cách trang trọng để trở thành một nhân vật lịch sử được yêu mến nhất cho đến ngày nay.
Vào năm 1592, Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên và tiến hành những cuôc hành quân đẫm máu khắp bán đảo, tiêu hủy hoặc cướp đi những tác phẩm lớn nhất của đất nước gởi về Nhật. Nhân dân Triều Tiên, từ lâu chú trọng việc học Khổng giáo hơn là rèn luyện quân sự, hoàn toàn bất lực trước cuộc tấn công dữ dội. Những người xâm lăng ngang nhiên cướp bóc và di chuyển qua các đô thị, các làng mạc những phụ nữ, vô số tác phẩm văn hóa và những nghệ nhân lớn nhất để đưa về Nhật. Đất nước đứng trước vực thẳm suy vong.
Cho đến thời điểm nầy, Phật giáo, mà từ nhiều thế kỷ được coi là quốc giáo cho đến khi chính quyền Nho giáo được dựng lên, đã bị những người lãnh đạo Nho giáo chèn ép. Nhưng với nhiều ngàn tăng sĩ trong những tu viện lớn, chính quyền không còn chọn lựa nào khác: Sự rèn luyện và tổ chức có kỷ luật cao của những cộng đồng tu sĩ Phật giáo là khả năng duy nhất cho chính quyền Nho giáo – đã liên tục bỏ chạy trước sự xâm lăng càng ngày càng siết chặt của quân Nhật – để trang bị cho một cuộc chống đỡ có hiệu quả. Đó là một khối nhân lực không thể coi nhẹ.
Những người lãnh đạo Nho giáo thỉnh cầu vị tu sĩ có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ đem khối tài nguyên nầy ra giúp tổ quốc nhưng cơ hội thuyết phục thật rất nhỏ. Làm thế nào những người được rèn luyện trong giáo lý từ bi và không tổn hại có thể bị thuyết phục tham gia vào việc bảo vệ quốc gia – một thực thể thế tục được coi là một phần của thế giới giả tạo của những biểu hiện của luân hồi?
Đại sư So Sahn được biết như là người hòa giải những khuynh hướng trái ngược. Ngài đã thống hợp các tông phái Thiền và Giáo, mặc dù có những sự khác biệt gốc rễ sâu xa. Liệu ngài có thể hòa hợp nỗi hiểm họa sống còn của quốc gia với truyền thống tu viện đặt nền tảng trên giáo lỳ từ bi và không tổn hại, không sát hại bất cứ một sinh mạng nào?
Ở tuổi sáu mươi chín với con tim trĩu nặng do quyết định của mình, ngài đã đi khắp nơi trong nước để thành lập một đội quân vì công lý và trung nghĩa với hàng ngàn tăng sĩ. Tinh thần kỹ luật, sự ngoan cường và lòng hy sinh của họ cho một mục đích duy nhất là những tính chất đã làm thay đổi chiều hướng cuộc xâm lăng. Quân Nhật bị áp đảo khi nhìn thấy những đoàn quân tu sĩ hành quân qua các làng mạc bảo vệ tổ quốc của họ nhưng không có những hành động tàn bạo với kẻ xâm lăng. Những người tấn công may mắn khi rơi vào tay đoàn quân của ngài So Sahn không bị chém hay đem ra hành hạ (như thói quen đối xứ với hầu hết tù nhân lúc bấy giờ), nhưng được đối xử với tình người và lòng từ bi. Còn phải nói rằng sự anh dũng phi thường của “đoàn quân tu sĩ” nầy ngang ngữa với những người xâm lăng Nhật bản, và còn trội hơn trong nhiều trận đánh lớn.
Đại sư So Sahn và đoàn quân tu sĩ lớn lao của ngài liên tục là một cái gai đối với quân Nhật, và góp phần lớn lao trong việc rút sớm của các lực lượng Nhật ra khỏi bán đảo Trìều Tiên. Khi hòa bình được hoàn toàn tái lập, ngài So Sahn được đề cử vào chức vụ cao nhất của Phật Giáo Triều Tiên. Đại tướng Lee Yo-Song, vị chỉ huy trưởng đội quân tăng viện Trung hoa cho Triều Tiên, đã viết những giòng sau đây để tán dương ngài:
Từ bỏ tiếng tăm và vinh dự vì lợi ích của việc tu Đạo,
Đại Sư đứng lên vì hiểm họa của quốc gia.
Ngay sau khi Hán Thành được lấy lại và vị vua trở về cung điện, đại sư lại xin từ chức vì tuổi già, và tiến cử hai người đệ tử, ngài Sam Yong và ngài Cheo Yeong. Từ chối những tước hiệu triều đình và những ban thưởng uy quyền thế tục trong chính phủ mới, ngài trở về đời sống tu sĩ, vân du đây đó trong những chốn xa xăm của những rặng núi Kim Cương, núi Ji Ri và núi Myo Hyang như một đám mây. Người ta nói rằng lúc nào ngài cũng có hơn ngàn đệ tử đi theo, chờ đợi từng lời dạy của ngài, trong số đó có trên bảy mươi vị đắc pháp.
Vào ngày hai mươi ba tháng Giêng năm 1604, đại sư ban cho đệ tử vân tập ở chùa Won Jeok Sah ở núi Myo Hyang một thời Pháp. Sau đó, ngài liếc nhìn bức hình của ngài treo trên tường, ngài ngừng giảng, viết xuống một bài kệ. Sau khi viết xong giòng cuối cùng, ngài nhập Niết bàn trong khi vẫn ngồi thằng trong tư thế thiền định:
Tám mươi năm trước, cái đó là ta
Tám mươi năm sau, ta là cái đó?
Tác phẩm của ngài gồm có Gương Thiền (Thiền Gia Quy Giám), Tìm Hiểu Thiền Và Giáo, Tấm Gương Của Ba Tông Phái, Bàn Thờ Của Mây Và Nước, và Cheong-heo Toàn Tập gồm bốn cuốn.
Lần đầu tiên tôi đọc cuốn Thiền Gia Quy Giám là trong kỳ Thiền thất ở trung tâm Do Seol Zen Center tại chùa Hae In Sah. Lúc đó, tôi mượn một bản in ronéo từ một vị sư già. Tôi thấy mỗi lời trong đó đều như sống, là “sinh cú” chân thật mà ngài đã dạy cho đệ tử, một pháp thoại nghiêm túc có thể áp dụng cho mọi hành giả tu Đạo.
Thời gian đó ở Đại Hàn chưa có máy photocopier nên tôi vội vã xuống làng lân cận để tìm mua một cuốn tập học trò, và bắt đầu chép lại bằng tay vào buổi tối với cây bút chì nhỏ gọt bằng dao. Khi tôi chép được nửa cuốn, vị sư già cho tôi mượn sách thấy đèn sáng trong phòng tôi. Khi tôi nói vời ngài việc tôi đang làm, ngài mỉn cười nói: “Nếu anh thích cuốn sách nầy quá, anh có thể giữ nó.” Những giọt nước mắt lăn trên má, tôi phục xuống bái tạ ngài. Tôi vẫn cảm ơn lòng lân mẫn của ngài cho đến khi tôi viết những lời nầy.
Từ đó, lúc nào tôi cũng muốn giúp những bạn đồng tu đọc cuốn sách nầy.
Vào mùa Thu năm 1961, tôi bắt đầu dịch tác phẩm gốc của ngài So Sahn từ tiếng Hán sang tiếng Đại Hàn ở chùa Hae In Sah. Sách tham khảo của tôi là tác phẩm gốc Tỉm Hiều Thiền Và Giáo, một tác phẩm tiếng Hán khác của chùa Won Jeok Sah, và bản tiếng Hàn ở chùa Song Gwang Sah. Tôi được sách tấn hơn nữa bởi những sự tương đồng giữa xưa và nay: Hoàn cảnh Phật Giáo Đại Hàn đã thúc giục tác giả viết cuốn sách nầy bốn trăm năm trước vẫn còn rất thích hợp với hoàn cảnh Phật Giáo Đại Hàn ngày nay.
Bản dịch của tôi được Boep Tong Sah xuất bản lần đầu vào năm 1962 với tựa đề Seonhak-ganhaeng-hoe. Lần tái bản là vào năm 1971 do Hong Boep Won, và nhà xuất bản được chuyển sang Jeong Um Mun Goh vào năm 1976. Bản dịch nầy đã được in ra nhiều lần và đã được đọc trong cũng như ngoài Phật Giáo, dĩ nhiên chỉ vì ngài So Sahn đã ban cho những lời dạy nghiêm túc.
Những ấn bản Hàn ngữ tương tự cuốn sách nầy gần đây lan tràn với tên của nhiều người dịch và nhiều nhà xuất bản. Gần đây, khi duyệt lại bản dịch nầy, tôi may mắn có dịp đọc lại bản gốc. Dù chúng ta có nghĩ rằng chúng ta hiểu đến mức nào, những tác phẩm cổ điển lớn luôn luôn truyền cảm hứng mới cho chúng ta mỗi khi chúng ta đọc lại. Tôi cũng đã có cơ hội sửa chữa một số sai lầm trong bản dịch trước. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến nhà xuất bản Dong Jjok Nara đã cho tôi cơ hội so sánh bản dịch trước với bản dịch mới từng chữ một, để có một bản dịch hoàn hảo và sáng sủa hơn.
“Học kinh Phật, nếu không quán xét nơi tâm, dù học 84,000 bộ kinh cũng không ích gì.”
Đó là lời dạy của Đại Sư So Sahn, và với lòng biết ơn sâu xa đối với ngài, tôi gởi gắm chúng vào việc thực hành và quan trọng nhất, sự giác ngộ của tất cả mọi người đang có bản lục nầy.
Chùa Kil Sang Sah, Hán Thành
Tỳ kheo Boep Joeng Sunim
LỜI TỰA
CỦA TÂY SƠN ĐẠI SƯ
Người học Phật ngày xưa không nói lời nào không phải là lời Phật, không làm việc gì không phải là việc Phật. Các ngài gìn giữ giáo pháp của Đức Phật truyền qua kinh điển với trọn tấm lòng.
Người học Phật ngày nay tụng đọc liến thoắng, và hầu như quá tôn trọng những tác phẩm của các học giả thế tục và tác phẩm cổ Trung hoa, tìm cầu và gắn bó với thơ phú của các quan chức triều đình. Họ có những bản viết trên giấy màu và trang trí bằng vải lụa hoa mỹ. Họ không bao giờ thỏa mãn với những loại văn chương nầy, và coi chúng là những của cải quý giá nhất. Của cải của người học Phật ngày xưa và của cải của người học Phật ngày nay sao mà khác nhau!
Mặc dù thiếu khả năng, tôi vẫn yêu mến những tác phẩm xưa và coi những lời trong kinh điển là của cải lớn nhất của tôi. Nhưng những tác phẩm nầy thì bao la, và biển kinh điển thì mênh mông. Tôi lo rằng người đồng hành tu đạo trong tương lai phải nhọc công vô ích trong việc giẫy dọn quá nhiều cành nhánh để có thể thâu hoạch được những quả thật sự nuôi dưỡng được mình.
Để giúp người học không phải trải qua những khó khăn và phiền phức không cần thiết đó, tôi sưu tập ở đây thành một cuốn sách vài trăm chữ từ những tác phẩm cốt tủy và truyển cảm nhất cho sự tu tập. Những lời sơ sài, có thể nói là quá đơn giản, nhưng nghĩa lý thật hoàn hảo. Nếu coi tập sách nầy như một người chỉ đường và theo đuổi những chân lý trong đó đến cùng với mục đích thấu đạt ý nghĩa sâu mầu của pháp, người học sẽ gặp một Đức Phật sống hiện ra từ mỗi câu. Do đó hãy chiêm nghiệm tập sách nầy bằng mọi cách.
Và tuy người học có thề học những lời, những câu trong cuốn sách nầy, nhưng nếu thấu đạt được một chữ vượt ngoài mọi kinh sách thì tốt hơn nhiều. Đó là kho tàng bí ẩn bên ngoài mọi hình tướng. Hãy từng phút từng giây chờ đợi một cơ hội đặc biệt để nó tự thể hiện.
Mùa Hè, niên hiệu Gap Ja
Triều đại Ga Jeong (1564)
Tại am Cheong Heo,
Hành giả
Baek Hwa [một trong những tên của ngài So Sahn]TÁC PHẨM
THIỀN GIA QUY GIÁM
Tác phẩm Thiền Gia Quy Giám viết bằng Hán tự, biên soạn bởi Tây Sơn Đại sư (1520–1604), một bậc long tượng trong lịch sử Thiền Tông Hàn Quốc. Tây Sơn Đại sư dùng một văn phong đơn giản để trình bày các nguyên tắc chính yếu và các lời dạy của Thiền Tông. Mỗi phần mở đầu bằng một trích dẫn --- từ kinh điển, từ lời dạy, và từ chuyện kể --- rồi tới lời tác giả bình luận và thêm vài câu thơ. Tác phẩm dịch sang tiếng Hàn vào giữa thế kỷ 20 bởi nhà sư Hàn quốc Boep Joeng. Và được dịch sang tiếng Anh bởi Thiền sư Hoa Kỳ Hyon Gak.
TIỂU SỬ
TÂY SƠN ĐẠI SƯ (1520-1604)
Tây Sơn Đại Sư (1520-1604) là tác giả sách Thiền Gia Quy Giám. Trong bản tiếng Anh, tên ngài được viết là Zen Master So Sahn (Thiền Sư Tây Sơn). Sau đây là tiểu sử của ngài, dịch theo bản tiếng Anh Wikipedia. Đại sư có tên là Hyujeong (phiên âm theo Hán tự là: Hưu Tĩnh), cũng gọi là Seosan Daesa (phiên âm là: Tây Sơn Đại sư), là một nhà sư trong truyền thống Thiền Tông Hàn Quốc. Theo lệ thường của các nhà sư thời kỳ đó, Đại sư đi từ nơi này tới nơi kia, sống từ tự viện này tới tự viện kia. Các nhà sư trong thời kỳ này phải sống lặng lẽ trong dân gian từ khi Tướng Quân Yi Seonggye loại trừ ảnh hưởng Phật giáo trong các cơ chế triều đình nhằm chiêu dụ ủng hộ từ các quan văn theo khuynh hướng Tân Nho giáo để củng cố quyền lực, chống lại các đối thủ chính trị có khuynh hướng thân Phật giáo khi Tướng quân lật đổ nhà vua Gongyang of Goryeo (Cung Nhượng Vương triều đại Cao Ly) năm 1392 để trở thành nhà vua Taejo of Joseon (Thái Tổ Vương triều đại Triều Tiên).
Trước khi thử sức trong cương vị một cấp chỉ huy quân sự, ngài Hyujeong đã là một Thiền sư thượng thừa và là tác giả nhiều văn bản tôn giáo quan trọng, trong đó quan trọng nhất có lẽ là Seongagwigam (禪 家 龜 鑑 – Thiền Gia Quy Giám), một hướng dẫn Thiền tập được các nhà sư Hàn Quốc nghiên cứu cho đến tận ngày nay. Cũng như hầu hết các nhà sư thời đại Joseon (Triều Tiên), Hyujeong ban đầu được giáo dục về triết học Tân Nho giáo. Tuy nhiên, không hài lòng, ngài đi từ tu viện này tới tu viện kia trên núi. Về sau, sau khi nổi tiếng với cương vị là một bậc Thầy, ngài đã được nhà vua Myeongjong of Joseon (Minh Tông Vương triều đại Triều Tiên), người có cảm tình với Phật giáo, mời vào làm Giám Viện của Trường Thiền. Tuy nhiên, ngài sớm từ bỏ trách nhiệm này, trở lại sống đời du tăng, nghiên cứu thâm sâu thêm về Thiền và giảngd ạy tại nhiều tu viện khắp Hàn Quốc.
Vào các năm đầu thập niên 1590s, Lãnh chúa Nhật Bản Toyotomi Hideyoshi, sau khi ổn định Nhật Bản thời kỳ Sengoku (Chiến quốc Thời đại) dưới sự cai trị của mình, đã chuẩn bị cho một cuộc xâm lược quy mô lớn vào Triều Tiên. Bấy giờ, Triều Tiên không biết và không chuẩn bị để đối phó cuộc xâm lược của Nhật Bản. Năm 1592, sau khi Nhật Bản yêu cầu viện trợ để chinh phục Trung Quốc đang dưới thời nhà bị từ chối, khoảng 200.000 chiến binh Nhật Bản tiến vào Triều Tiên, và bắt đầu cuộc xâm lược của Nhật Bản vào tại Triều Tiên (1592–98).
Khi bắt đầu cuộc xâm lược đầu tiên, nhà vua Seonjo (Tuyên Tổ Vương triều đại Triều Tiên) bỏ chạy khỏi thủ đô, để lại một đội quân suy yếu, được huấn luyện kém so với nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Trong cơn tuyệt vọng, nhà vua đã kêu gọi Thiền sư Hyujeong tổ chức các nhà sư thành các đơn vị du kích. Lúc đó Thiền sư đã 73 tuổi, ngài vẫn nhận nhiệm vụ chiêu mộ chiến binh, cung cấp cho nhà vua khoảng 5,000 tăng binh và các đơn vị này đã giúp đưa tới nhiều thành công.
Thời kỳ đầu, các đạo binh Triều Tiên thua liên tục, các đạo binh Nhật Bản liên tục chiến thắng và tiến về hướng Bắc tới Pyongyang (Bình Nhưỡng) và tỉnh Hamgyong (Hàm Kính). Tuy nhiên, trên biển, Hải quân Triều Tiên, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thần), đã giành được những chiến thắng liên tiếp. Bấy giờ trên khắp đất nước, các đội quân tình nguyện được thành lập và đã chiến đấu chống lại quân Nhật cùng với các nhà sư chiến binh và với quân đội của triều đình Triều Tiên.
Sự hiện diện của binh đoàn tăng sĩ của Thầy Hyujeong, hoạt động từ ngôi chùa Heungguksa ẩn sâu trong rặng núi Yeongchwisan, là một yếu tố quan trọng trong công cuộc đánh đuổi quân Nhật Bản vào năm 1593 và một lần nữa vào năm 1598.
Trong môn võ truyền thống Taekwon-Do của Triều Tiên, có bài quyền đặt tên là Seo-San (Tây Sơn) để vinh danh Tây Sơn Đại Sư.
TIỂU SỬ
DỊCH GIẢ HYON GAK SUNIM
Người dịch Thiền Gia Quy Giám sang tiếng Anh là Hyon Gak Sunim (chữ ‘Sunim’ trong tiếng Hàn có nghĩa chung là Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni), cũng là một Thiền sư, có tên khai sanh là Paul Muenzen, ra đời tại thị trấn Rahway, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Hyon Gak đã hoàn tất học vấn ở các đại học Yale College và Harvard University, được thọ đại giới để trở thành một nhà sư theo học với Thiền sư Seung Sahn (Sùng Sơn) năm 1992 tại chùa Nam Hwa Sah Temple, ngôi chùa của Lục Tổ ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc. Nhà sư Hyon Gak đã hoàn tất hơn hai mươi kỳ thiền thất nghiêm ngặt trong đó mỗi kỳ thiền thất kéo dài 90 ngày, và ba kỳ thiền thất đơn độc với mỗi kỳ thiền thất này dài 100 ngày trên các ngọn núi Hàn Quốc. Nhà sư Hyon Gak đã kết tập và biên tập nhiều sách của Thiền sư Seung Sahn, trong đó có các sách The Compass of Zen (Cẩm nang Thiền Tông), Only Don’t Know (Chỉ giữ tâm đừng biết), và Wanting Enlightenment Is a Big Mistake (Muốn giác ngộ là một sai lầm lớn). Nhà sư Hyon Gak nhận lãnh ấn khả (ấn chứng) từ Thiền sư Sùng Sơn năm 2001, và trở thành Thầy hướng dẫn tại Seoul International Zen Center (Trung Tâm Thiền Quốc Tế Seoul) tại ngôi chùa Hwa Gye Sah Temple, Seoul.
- Từ khóa :
- Gương Thiền
- ,
- Thiền Gia
- ,
- Quy Giám
- ,
- Thị Giới
- ,
- Tây Sơn Đại Sư