Hà Trạch Thần Hội Ngữ Lục

06/07/20225:26 SA(Xem: 4801)
Hà Trạch Thần Hội Ngữ Lục
HÀ TRẠCH THẦN HỘI NGỮ LỤC 
荷澤神會禪師語錄
Đôn Hoàng Xuất Thổ Hà Trạch Thần Hội Thiền Sư Ngữ Lục
敦煌出土荷澤神會禪師語錄
Hiệu đính bởi
Suzuki Teitarō 鈴木貞太郎
Kōda Rentarō公田連太郎
Như Hạnh dịch


GIỚI THIỆU

thien su than hoi
Thiền sư Thần Hội - Ảnh minh họa

Lịch sử Thiền Tông Trung Quốc hầu như gắn liền với cái tên Huệ Năng (638-713) 慧能, mà theo truyền thống thì ông là tổ thứ sáu, Lục Tổ của dòng Thiền sáng lập bởi Bodhihama, Bồ-đề-đạt-ma 菩提達摩. Giáo lý của Huệ Năng được ghi lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh 法寶檀經, trong đó chứa đựng những giáo lýtính cách rất là cách mạng về phương pháp tu tập Thiền chẳng hạn như truyền vô tướng giới, nhấn mạnh vào đốn ngộ và chủ trương đồng nhất định 定và huệ 慧. Chương mở đầu Đàn Kinhtính cách tự truyện. Huệ Năng thuật lại về gốc gác của mình và cơ duyên như thế nào mà ông được công nhậnLục Tổ, người chính thức thừa kế, theo ngôn ngữ Thiền là được chính thức và trực tiếp trao truyền tâm ấn bởi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601-674) 弘忍, bậc đạo sư lừng danh thuở ấy.

Đây là những giai thoại của Thiền Tông Trung Quốc mà hầu như người nào có đọc sách về Thiền cũng rất quen thuộc. Có một chi tiết rất “thơ mộng” là Huệ Năng là một người mù chữ xuất thân quê mùa mà thắng lướt được một vị sư huynh đức độtài năngThần Tú (606-706) 神秀để nhận chức vị Lục Tổ. Đây là một trong các chủ đề chính của Đàn Kinh. Cũng theo kinh này thì Thiền của Huệ Năng theo đúng với nguyên tắc, “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật.” Lại cũng theo Đàn Kinh, vấn đề Huệ Năng được thừa nhậnLục Tổ không được ổn thỏa lắm với đa số đồ đệ của Hoằng Nhẫn, nhất là các tăng và tục ủng hộ Thần Tú. Hoằng Nhẫn cũng biết như vậy cho nên khuyên Huệ Năng phải trở về Lĩnh Nam ẩn dật một thời gian. Sau đó Thần Tú ở phương Bắc được triều đình trọng vọng và tôn ông là người thừa kế chính thức của Hoằng Nhẫn.

Trong một khoảng thời gian Thiền có hai vị tổ thứ sáu, một người ở phương Bắc là Thần Tú và một người ở phương Nam là Huệ Năng. Do đó mà trong Thiền có thành ngữ “Nam Năng Bắc Tú” 南能北秀. Nói một cách hết sức giản lược thì Thần Tú chủ chương tiệm ngộ, Huệ Năng chủ trương đốn ngộ. Không lâu sau khi Thần Tú mất, Bắc Tông bị mai một đi. Nam Tông đốn ngộ của của Huệ Năng trở thành truyền thống Thiền chính thống của Trung Quốc cũng như của các quốc gia Đông Á chịu ảnh hưởng văn minh Trung Quốc. Những sự kiện này hầu như không gây ra vấn đề gì với những tín đồ và các hành giả Thiền. Nhưng mà cách đây hơn một thế kỷ nhiều tư liệu liên quan đên Phật Giáo được tìm thấyĐôn Hoàng 敦煌. Trong số này có một số bản thảo liên quan đến Phật Giáo Tiền đã đóng góp thêm phần nào cho cái nhìn về lịch sử Thiền Tông sơ kỳ.

Một trong những người đi tiên phong về nghiên cứu lịch sử Thiền Tông sơ kỳ là Hồ Thích (1891-1962) 胡適. Hồ Thích không phải là học giả về Phật Giáo. Ngành chính của ông là nghiên cứu văn học Trung Quốc. Ông cũng chẳng hề ái mộPhật Giáo. Ông chỉ lưu tâm vào lịch sửnhấn mạnh chủ trương rằng muốn có một kiến thức đúng đắn về Thiền, chúng ta cần phải trước tiên nhìn Thiền trong bối cảnh của văn hóa Trung Quốc. Chủ trương này của ông không hẳn là không có lý. Hồ Thích phản bác lại quan điểm của Daisetz Suzuki vì Suzuki cho rằng kinh nghiệm Thiền hay tâm linh Thiền đứng ngoài lịch sử. Trong khoảng cuối thập niên 1960 qua những năm đầu của 1970 sách của Suzuki viết về Thiền bằng Anh ngữ cho độc giả Tây phương được dịch ra khá nhiều ở Nam Việt Nam. Sự kiện này đã đóng góp rất nhiều cho việc hồi phục lại một truyền thống Thiền mà chưa từng bao giờ hiện hữu ở Viết Nam cả. Nói đúng hơn, đây không phải là hồi phục mà là tái tạo (reinvent) một căn cước tính (identity) cho Phật Giáo Việt Nam theo khuôn mẫu Nam Tông Thiền Trung quốc.

Tuy độc giả Việt Nam ái mộ Suzuki, nhưng đa số không hiểu rõ về ông. Họ nghĩ ông là tâm linh, lãng mạn hay phản trí thức vân vân. Những điều này hoàn toàn không chính xác. Đúng, Suzuki là Thiền giả rất nghiêm nghị cả đời ông. Nhưng mà ông cũng là một học giả nghiêm ngặt (rigorous), khoa bảng. Ông đọc thông thạo Phạn văn và Tạng văn. Có lẽ cũng chính vì thế mà Suzuki không hề muốn trở thành “guru”, lập trung tâm, thu thập tín đồ, nhận mình là giác ngộ. Ông cũng không hề lơ là lịch sử. Suzuki tham dự tích cực vào việc nghiên cứuấn hành các tư liệu tìm được ở Đôn Hoàng. Cho đến hiện giờ ông vẫn là người đứng đầu về việc nghiên cứh Kinh Lăng-già, Laṅkāvatāra Sūtra. Bản dịch kinh này từ Sanskrit sang Anh ngữ của ông vẫn là bản dịch duy nhất. Gần đây có hai bản dịch sang Anh ngữ bởi hai học giả Mỹ, nhưng đều là dịch từ bản Hán. Cuốn Studies in the Laṅkāvatāra Sūtra (Nghiên Cứu Kinh Lăng-già) của ông cũng vẫn còn rất là hữu ích. Suzuki cũng soạn một cuốn sách dẫn Hán-Phạn-Tạng về Kinh Lăng-già hết sức tiện lợi cho người nghiên cứu.

Trở lại với Hồ Thích. Các bài viết về lịch sử Thiền Tông sơ kỳ của ông được thu tập và in thành sách có tựa đề là Hồ Thích Thiền Học Án 胡適禪學桉 bởi hai học giả Nhật Bản lừng danh về Thiền học là Seizan Yanagida了田聖山và Iriya Yoshitaka入矢義高. Trong một số các bài viết này Hồ Thích vạch ra một cách rất khả tín rằng đa số tư liệu về Thiền Tông sơ kỳ Trung Quốc là ngụy tạo. Nhiều khi ngụy tạo một cách rất vụng về đến mức ngây ngô. Ví dụ như danh sách 28 vị tổ kể từ Phật Shakyamuni (Thích-ca-mâu-ni) cho đến Bodhidharma. Chẳng hạn, các tư liệu đưa ra nhiều danh sách khác nhau. Rồi lạ đôi khi thời gian quá ngắn hay quá dài để mà có từng ấy vị tổ. (Điều này không khỏi khiến chúng ta nghĩ đến Bốn Phúc Âm/Gospels của Tân Ước/New Testament trong truyền thống Thiên Chúa Giáo, trong ấy bốn ông Matthew, Mark, Luke và John mâu thuẫn nhau tùm lum). Ngụy tạo sử liệu là một vấn đề thường thấy nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Về truyền thống Thiên Chúa Giáo, độc giảthể tham khảo cuốn: Forged: Writing in the Name of God—Why the Bible’s Authors Are not Who We Think They Are của Bart D. Ehrman (giáo sư dạy về New Testament, Đại Học North Carolina) và nhiều cuốn khác. Gerd Lüdermann (giáo sư dạy về New Testament, Đại Học Göttingen) viết rất nhiều sách liên quan đến các vấn đề ngụy tạo trong Thiên Chúa Giáo. Candida Moss (giáo sư về New Testament, Đại Học Notre Dame) chất vấn sự thực lịch sử về đàn áp và tử đạo trong cuốn The Myth of Persecution: How Early Christianity Invented a Story of Martyrdom). Gần đây hơn, từ các thập niên 70 một số tu sĩ Phật Giáo Việt Nam cũng (ngụy) tạo ra các dòng truyền thừa (Tổ Sư) Thiền vốn chưa từng bao giờ có ở Việt Nam.

Theo tôi nghĩ thì các tín đồ Thiền hay Thiền giả không cần lắm phải bận tâm đến cái danh sách 28 vị tổ cùng với cái chủ trương “nhất đại nhất nhân”, mỗi đời một vị tổ. Họ không cần những thứ ấy để thấy được các đặc sắc của tư tưởng Thiền về quán tâm, tọa thiền, Phật Tính, kiến tính, vân vân, cũng như cách tiếp cận của Thiền với kinh điển. Nếu chúng ta quen thuộc với nội dung của Kinh Kim Cương, đọc Ngữ Lục của Thần Hội, chúng ta không khỏi nhận thấy tư tưởng của ông phản ánh nhận thức đúng đắn của ông về kinh này. Có thể vì Thần Hội chuộng Kinh Kim Cương nên ông quả quyết rằng Bồ-đề-đạt-ma truyền Kim Kim Cương cho Huệ Khả. Trong khi các sử liệu khả tín hơn nói rằng Bồ-đề-đạt-ma truyền Kinh Lăng-già cho Huệ Khả. Sau này Bắc Tông của Thần Tú dựa theo Kinh Lăng-già và còn được gọi là Lăng-già Tông.

Hồ Thích cũng nghiên cứu khá nhiều về nhân vật Thần Hội. Ông có ấn hành bộ Thần Hội Di Tập 神會遺集thu tập trước tác của Thần Hội. Như chúng ta biết Thần Hội cũng có xuất hiện trong Đàn Kinh như là một đệ tử trẻ tuổi của Huệ Năng. Theo Hồ Thích thì Thần Hộitác giả của Đàn Kinh và chính Thần Hội là người ngụy tạo ra hoặc thêm màu mỡ cho nhân vật Huệ Năng để mà tiến cử các tư tưởng của mình. Thần Hội là một kế hoach gia tài ba. Ông đả kich nặng nề Bắc Tông của Thần Tú khiến phái này lụn bại luôn. Phần vì Thần Hội tấn công tới tấp, phần vì phe Thần Tú cũng hơi xìu ển, không biết phản công. Sự liên hệ của Thần Hội với triều đình cũng khá phức tạp. Một cách vắn tắt cuối cùng cả hai phía cần nhau và lợi ích cho cả hai.

Ở đây tôi nghĩ cần một chú thích ngắn về Bodhidharma và Huệ Năng. Bodhidharma là một nhân vật có thật trong văn học Phật Giáo Trung Quốc. Theo sử liệu ghi lại thì có hơn một nhân vật mang tên Bodhidharma và các vị này có liên hệ đến các hoạt động Phật Giáo khác nhau. Còn vị Bodhidharma kỳ đặc như trong văn học Thiền mô tả, đại khái như đối thoại với Lương Vũ Đế/梁武帝 (466-549) và câu trả lời sấm sét “không biết”, bất thức 不識 trước khi bỏ đi và qua sông bằng cộng lau. Sau đó lên Tung Sơn Thiếu Lâm Tự 嵩山少林寺 ngồi quay mặt vào tường suốt chín năm. Sau khi mất vài năm, lại thoát khỏi quan tài, lững thững đi trên ngọn Thông Lĩnh một chân đi một chiếc giầy, một chiếc kia gánh trên vai. Rồi lại còn sáng tạo ra vũ thuật nữa. Những hình ảnh đẹp như vầy làm sao chúng ta không thích được? Có thật hay không không quan trọng. Âm nhạc, văn chương nghệ thuật cũng đâu là “thật”, nhưng mà không cấm được chúng ta yêu chuộng. Tuy nhiên, cái chính yếu trong Thiền là quán tâm, những gì khác đều không quan trọng.

Về Huệ Năng cũng thế. Hầu hết các nhà nghiên cứu Thiền không chối cãi rằng Huệ Năng là có thật. Nhưng mà những hành trạng cũng như giáo lý của Huệ Năng trong Đàn Kinh không ít thì nhiều đều là do Thần Hội tái tạo. Điều này lại khiến chúng ta liên tưởng đến nhân vật Jesus của truyền thống Thiên Chúa Giáo. Các học giả về Tân Ước (vâng, học giả có PhD được trả lương để dạy ở đại họcđại đa sốtín đồ Thiên Chúa Giáo) một số cho rằng thuở đó có hơn một tiên tri/prophet mang tên Jesus. Một số cho rằng Jesus không phải là nhân vật lịch sử. Một số nói rằng Jesus có thật, nhưng mà nhân cách của ông theo như truyền thống này là do Paul tạo ra. Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo cứu độ (salvation religion). Do đó vai trò của một đấng cứu thế (savior) rất trọng yếu. Chứng minh rằng đấng này không có là toàn thể hệ thống sụp đổ.

Phật Giáo trái lạimột thế giới quan (worldview) không ngớt nhấn mạnh rằng người không quan trọng, giáo lý tức là lời dạy hay Pháp/Dharma mới là quan trọng. Trong kinh điển Phật Giáo từ Tiểu Thừa hay Theravāda cho đến Đại Thừa (Mahāyāna) nhất là trong các kinh Bát-nhã-ba-la-mật/Prajñāpāramitā chúng ta thường xuyên gặp phát biểu này, đại khái “Phật có ra đời hay không thực tại vẫn là thế”. Do đó, người Phật tử cần phải nhận thức sự vật (tức là thân tâm) một cách trung thực (yathābhūtam) thì mới giác ngộ và thoát khổ được. (Ví dụ giản dị, việc ai thực sự phát minh ra cái iPad không quan trọng. Biết được thì tốt nhưng mà không phải là quan trọng nhất. Quan trọng là nó có hữu ích như quảng cáo không. Bài hát Sương Trắng Miền Quê Ngoại bất chấp là do Duy Khánh, Giang Tử hay Trịnh Công Sơn viết thì vẫn cứ là bài hát bất hủ vậy). Nhưng mà đa số Phật tử hình như không biết điều này, đa số chỉ thích lạy lục, hành sử không khác gì tín đồ của các tôn giá duy thần (theism). (Theism phải dịch là duy thần thay vì hữu thần, giống như materialism là duy vật, chỉ có vật chất là thành tố chính yếu).

Tín đồ Phật Giáo có một “vũ khí” rất lợi hại trong tay mà họ quên đi và không chịu sử dụng. Người nào cũng biết và hay nói câu “vạn pháp duy tâm”. Đúng, như chúng ta sẽ thấy trong Ngữ Lục của Thần Hội và trong giáo lý của Thiền nói chung. Tất cả chỉ ở nơi tâm. Dĩ nhiên, tâm không phải là một thứ trực giác vớ vẩn. Tâm là một “hệ thống” nhận thức phức tạp mà các sinh linh hữu tình (tức là các chủng loại có ý thức/consciousness sở hữu). Tâm hay ý thức không phải chỉ thuần túy nhận thức thực tại mà còn thường tạo ra thực tại nữa. Trước các ngành nhận thức tâm lý học (cognitive psychology) và khoa học về não (neoroscience) hàng thế kỷ triết học Ấn Độ và nhất là triết học Phật Giáo đã nhận xét như thế. Các Bô-tát và Phật như Văn Thù (Mañjuśrī), Phổ Hiền (Samatabhadra) và A-di-đà (Amitabha) chẳng hạn, không phải là những nhân vật ở các “cõi trời” hay hành tinh nào đó, mà trong tương lai nếu nhờ phước đức lớn chúng ta sẽ được tái sinh lên đó để bắt tay họ. Đây chỉ là các hình tướng do tâm tạo như phương tiện thiền định để quán tâm mà thôi. Thiền có thái độ phá chấp (iconoclastic) chính là do quan niệm này mà ra.

Lại quay lạ với Hồ Thich. Hồ Thích cho rằng Thần Hội là người thủ đoạn, ngụy tạo đủ thứ để tiến cử Nam Tông Thiền. Tôi không có vấn đề gì với những hành động của Thần Hội. Bởi vì thứ nhất, dù cho Hồ Thích và sau này một hai học giả Mỹ đưa ra các bằng cớ khả tín về các hành vi của Thần Hội, lịch sử bao giờ cũng phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Thứ hai, tôi nghĩ Thần Hội có thể dùng một số phương tiệnHồ Thích cho là không thẳng thắn, nhưng mà với tư cách lãnh đạo, đôi khi Thần Hội cũng phải sử dụng “phương tiện thiện xảo” để bảo vệ lập trườngcộng đồng của ông. Ít ra ông chưa bao giờ sách động bạo lực cả. Độc giả muốn biết thêm chi tiết về vai trò của Thần Hội trong lịch sử Thiền Tông Trung Quốcthể tham khảo cuốn Hồ Thích Thiền Học Án.

Bài viết này chính yếu là dịch Ngữ Lục của Thần Hội. Tôi nghĩ Thần Hội có một hiểu biết rất đúng đắn về những điểm chính của Phật Giá Đại Thừa. Ngoài ra các quan điểm riêng của ông cũng rất độc đáo và có nhiều sáng tạo tính. Nói tóm, vai trò của ông trong lịch sử Thiền chiếm một chỗ rất trọng yếu, dù rằng ông không được biết đến và nhắc đến nhiều như Huệ Năng, Lâm Tế, Tào Sơn, vân vân. Đại cương về giáo lý vô niệm 無念của ông, độc giảthể tham khảo cuốn The Zen Doctrine of No Mind của Suzuki. Sách này Suzuki viết cách đây khá lâu, cách dịch các đoạn trích dẫn từ Hán văn sang Anh văn cũng hết sức luộm thuộm. Tuy nhiên, sách vẫn có thể cho chúng ta một kiến thức đại cương về giáo lý của Thần Hội.

Bản được sử dụng ở đây là bản được khai quật ở Đôn Hoàng được hiệu đính và ấnh hành bởi hai học giả Nhật Bản là Suzuki Teitarō và Kōda Rentarō. Toàn văn được phân thành năm mươi sáu đoạn dài ngắn khác nhau. Bản dịch dưới đây có kèn theo một số chú thích ngắn hoặc là để giải thích thuật ngữ hay các khái niệm triết học của Phật Giáo Đại Thừa nói chung và của Thiền nói riêng.

Hà Trạch Thần Hội Thiền Sư Ngữ Lục
荷澤神會禪師語錄
Đôn Hoàng Xuất Thổ Hà Trạch Thần Hội Thiền Sư Ngữ Lục
敦煌出土荷澤神會禪師語錄
Hiệu đính bởi
Suzuki Teitarō 鈴木貞太郎
Kōda Rentarō公田連太郎
Như Hạnh dịch

 

Bài văn này bị khuyết đoạn đầu, sau có Bác Lãm Đạo Nhân tầm bổn mà viết tiếp.

[1] Hỏi: Bổn hữu kim vô kệ, ý nghĩa như thế nào? Đáp: Theo ý nghĩa của Kinh Niết-bàn, bổn hữu có nghĩa là gốc vốn có Phật tính, kim vô có nghĩa là nay không có Phật tínhHỏi: Đã nói gốc vốn có Phật tính, Tại sao lại nói nay không có Phật tính? Đáp: Nay nói không có Phật tính là bởi vì bị phiền não che phủ do đó không thấy. Cho nên nói là không có. Còn như nói gốc vốn có nay không có, gốc vốn không có, có nghĩa là vốn không có phiền não. Nay có có nghĩa là hôm nay có đủ thứ phiền não. Dù cho là trải nhiều kiếp như số cát sông Hằng, phiền não vẫn là nay có. Cho nên nói ba đời có pháp, không có chuyện đó vậy. Đó gọi là Phật tính không liên tục trong ba đời.

Hỏi: Tại sao Phật tính không liên tục trong ba đời? Đáp: Vì thể của Phật tínhthường hằng, không phải là sinh diệt pháp. Hỏi: Là hay không là sinh diệt pháp? Đáp: Ba đờisinh diệt pháp. Hỏi: Phật tínhphiền não có cùng hiện hữu với nhau không? Đáp: Có. Tuy cùng hiện hữu, sinh diệt có đến đi. Phật tính không có đến đi. Bởi vì Phật tính là thường, giống như hư không. Sáng tối có đến đi, hư không không có đến đi. Bởi vì không có đến đi, ba đời không có pháp không sinh diệtHỏi: Phật tínhphiền não đã cùng hiện hữu, tại sao lại chỉ độc đoạn phiền não mà không đoạn gốc? Đáp: Ví dụ như vàng và quặng cùng phát sinh một lúc, được người thợ vàng nung đúc trong lò, vàng và quặng, tách biệt khỏi nhau. Vàng được luyện nhiều lần thành tinh ròng, quặng nếu như luyện nữa thì biến thành tro bụi. Kinh Niết-bàn nói: vàng là để ví dụ Phật tính, quặng là để ví dụ phiền não. Các kinh luận Đại Thừa đều giải thích rằng phiền não là từ bên ngoài đến, cho nên không được gọi là gốc. Nếu như lấy phiền não làm gốc, phiền não vốn tối ám, làm sao mà sáng tỏ được? Kinh Niết-bàn chỉ nói lấy sáng phá tối, không nói lấy tối phá được sáng. Nếu như tối phá sáng, thì kinh luận ắt phải nói, đã không có trong kinh luận, pháp này từ đâu mà lập? Nếu lấy phiền não làm gốc, thì không thể đoạn phiền não mà cầu Niết-bàn được.

Hỏi: Tạ sao kinh nói không đoạn phiền não mà nhập Niêt-bàn? Xét tính của phiền não, vốn không tự đoạn. Đáp: Chỉ tính của phiền não tức là Niết-bàn. Không cần khuyên chúng sinh, tu đầy đủ sáu Ba-la-mật, đoạn tất cả các ác pháp, tu tất cả các thiện pháp, lấy phiền não làm gốc, đó là bỏ gốc mà theo ngọn. Kinh Niết-bàn nói: Tất cả chúng sinh tự gốc là Niết-bàn, tuộc vô lậu trí tính, vốn dĩ cụ túc. Ví dụ như tính của lửa và tính của gỗ cùng phát sinh một lúc, được , lửa và gỗ, lập tức phân biệt. Kinh nói: Gỗ là để ví dụ Phật tính, lửa là để ví dụ Phật tính. Kinh Niết-bàn nói: Trí huệPhật tính, cho nên biết rằng các kinh đều có phát biểu này, biết rõ ràng rằng phiền não không phải là gốc. Hỏi: Tại sao Kinh Niết-bàn, chương mười lăm phẩm Phạm Hạnh nói gốc vốn có. Tự gốc vốn có phiền não, nay không có. Nay không có đại bát Niết-bàn. Tự gốc không có, gốc vốn không có Ma-ha bát-nhã. Nay có tức là nay có phiền nãoĐáp: Vì đối với ngũ ấm sắc thân cho nên nói phiền não vốn không có. Lại kinh nói, Phật nói, thiện nam tử, Vì để hóa độ chúng sinh, cho nên mới nói như vầy, cũng vì Thanh Văn và Bích-chi-phật cho nên mới nói như vầy. Lại trong phẩm ba mươi sáu Kiều-trần-như, có Phạm Chí hỏi Phật, thân và phiền não, cái nào đi trước? Phật nói: Không thể nói thân đi trước cũng không thể nói là đi trước. Chính vì phiền não mới bắt đầu có thân. Suy ngẫm kinh văn này, cho nên biết phiền não lấy thân làm gốc, không nói đối với Phật tính.

Lại kinh nói, Vì có Phật tính, mới được gọi là thường, bởi vì thường, mới được gọi là gốc, không phải là gốc vốn không có bây giờ có. Quyển mươi lăm [Kinh Niết-bàn] nói, Phật tính không đắc không sinh. Tại sao vậy? Bởi vì không là sắc mà cũng không là không sắc, không dài không ngắn, không cao không thấp, không sinh không diệt. Bởi vì không sinh không diệt, được gọi là thường, bởi vì là thường, được gọi là gốc. Chương mười chín nói, như trong phòng tối có thất bảo, người ta không biết ở chỗ nào, bởi vì tối nên không thấy. Người có trí huệ, thắp đèn sáng lớn, đi vào rọi sáng, cho nên thấy được. Người này thấy được thất bảo kia, rốt cuộc không nói bây giờ có. Phật tính cũng thế, không phải bây giờ mới bắt đầu có. Bởi vì phiền não che mờ cho nên không thấy, mới nói là tự gốc không có bây giờ mới có. Giống như người mù không thấy mặt trời mặt trăng, nay được lương y trị liệu cho nên thấy được, nói rằng mặt trời mặt trăng vốn không có nay có. Bởi vì mù cho nên không thấy, mặt trời mặt trăng vốn tự có.

Chương hai mươi lăm nói: Tất cả chúng sinh, trong đời vị lai, nhất định sẽ đắc a-nậu-bồ-đề, đó gọi là Phật tính. Tất cả chúng sinh hiện tại bị đủ thứ phiền não trói buộc cho nên không thấy, nói rằng tự gốc vốn không có. Lại Chương mười chín nói: Có Phật hay không có Phật, tính tướng thường tại, bởi vì các chúng sinh bị phiền não che phủ, không thấy Niết-bàn. Không thấy Niết-bàn, nói rằng không có. Nên biết rằng Niết-bàn là pháp thường trụ, không phải là vốn không có bây giờ có. Phật tính không thuộc ấm giới nhập, không phải là vốn không có bây giờ có. Cũng không phải có rồi lại trở thành không có. Từ nhân duyên thiện, chúng sinh được thấy Phật tính. Bởi vì thấy được Phật tính, nên biết rằng mình vốn có Phật tính.

Hỏi: Đã nói [chúng sinh] vốn có Phật tính, tại sao không tự thấy được, lại phải dựa vào nhân duyên? Đáp: Giống như dưới đất có nước, nếu như không bỏ công đào đục, sẽ không được nước. Cũng như ngọc ma-ni, nếu không mài dũa, sẽ không được trong sáng. Bởi vì không được trong sáng, không được gọi là bảo. Kinh Niết-bàn nói: Tất cả các chúng sinh, không nhờ chư Phật, Bồ-tát, thiện tri thức dùng phương tiện chỉ dẫn, không thể đạt [bồ-đề] được. Nếu nói là tự thấy được, không có chuyện đó. Bởi vì không thấy, nói rằng vốn không có Phật tính. Phật tính, không phải là vốn không có nay có.

[Ba đời: tam thế 三世 có nghĩa là quá khứ hiện tạivị lai. Sáu Ba-la-mật, pāramitā gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Sáu đức hạnh mà Bô-tát phải tu tập trọn vẹn. Bích-chi Phậtpratyekabuddha chỉn hững người tự giác ngộ vì nghe Pháp chứ không có thầy. Cũng còn được gọi là duyên giác 緣覺. Phạm Chí tức là Brahmin, người thuộc giới tăng lữ Ắn Giáo. A-nậu-bồ-đề nói tắt cho a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, anuttarasamyaksambodhi tức là giác ngộ viên mãn.Ấm giới nhập chỉ ngũ ấm hay ngũ uẩn, thập nhị nhập hay thập nhị xứthập bát giới gồm các thành tố bản thể luận của Phật Giáo. Thiện tri thức 善知識, kalyanamitra là những người có thể giúp mình trên con đường tu tập.]

[2] Chân Pháp Sư hói: Một pháp thường (hằng) có nghĩa là gì? Đáp: Pháp vô thường có nghĩa là pháp thường. Lại hỏi: Nay hỏi về pháp thường, tại sao lại đáp là pháp vô thường là pháp thường? Đáp: Bởi vì có vô thường, cho nên mới nói thường. Nếu khôngvô thường, cũng không có pháp thường. Bởi vì ý nghĩa như thế, mới được gọi là thường. Tại sao vậy? Ví dụ như dài do ngắn mà sinh khởi, ngắn do dài mà được lập. Nếu như không có dài, ngắn cũng không được thành lập. Sự vật làm nhân lẫn cho nhau, pháp làm sao mà khác? Lại thể của pháp tính bất khả đắc, là thường pháp. Hư không cũng lại là thường pháp. Hỏi: Tại sao hư không là thường pháp? Đáp: Hư không không lớn nhỏ cũng không có khoảng giữa, cho nên gọi là pháp thường. Nói rằng thể của pháp tính bất khả đắc, là không có [bất hữu]. Có thể thấy thể của bất khả đắctrạm nhiên thường tịch, cho nên là không không [bất vô]. Đó là pháp thường. Nếu chỉ dựa vào hữu vô mà luận, thì là như thế. Nếu dựa vào trong thể của pháp tính, ở nơi không, cũng không không [bất vô], ở nơi có, cũng không có. Hằng sa công đức, vốn tự đây đủ, đó là pháp thường. Lại không lớn không nhỏ, là pháp thường. Nói rằng hư không không lớn, không thể nói cái lớn của nó. Hư không không nhỏ, không thể nói cái nhỏ của nó. Nay nói về lớn, thì nhà nhỏ lớn, Nay nói về cái nhỏ, thì nhà lớn là nhỏ. Điều này đối với người chưa liễu đắc, ắt lấy thường và vô thường mà luận. Nếu dựa vào thể của pháp tính, cũng là vô thường, cũng là không vô thường. Bởi vì không vô thường, cho nên được gọi là thường.

[Hằng sa là cát sông Hằng, Ganga, Ganges. Từ Hằng sa ngụ ý nhiều vô số không thể đếm được như cát sông Hằng. Bất hữu, bất vô, nhiều khi là phi hữu, phi vô cũng không có gì khác nhau.]

[3] Hộ Bộ Thượng Thư Vương Triệu Công, dùng kệ hỏi về ý nghĩa của ba chiếc xe. Hỏi: Trong nhà không ba xe, đất sương duy được một, không biết chỗ dụng nào, mà nói ba xe này. Đáp: Ba xe ở ngoài cửa, nói tức ở trong nhà. Chư tử khi nghe nói, đã được ba xe rồi. Nay đã ở bên ngoài, ngồi xe đi trước đi. Lại hỏi: Trong nhà đã có xe, ra ngoài đâu cần kiếm. Đáp: Chư tử khó đạt được, không biết xe là xe. Đã không tự chứng tri, cho nên tìm ngoài cửa. Lại hỏi: Chỗ nào có người đắc được quả của đạo, lại không tự biết sao? Đáp: Không nói tự chứng, công đức đạt được, vẫn không tự giác tri. Lấy điều này. Hỏi: Chư tử không tự biết, tìm bên ngoài làm gì? Cha nên biết con được, đâu cần lại cho xe. Đáp: Chư tử không tự biết, cho nên tìm bên ngoài. Trưởng giả nay cho xe, lại còn cho trước nữa. Hỏi: Ba xe vốn không thực, điều nói cũng quyền nghi. Cho là cho xe cũ, nào được được vật mượn. Đáp: Trưởng giả ý nơi một, phương tiện quyền nói ba. Trước đây nói ba xe, ba xe vốn là một. Hỏi: Một xe xem là ba, ba xe xem là một, tại sao không nói một? Khổ sở nói ba xe. Đáp: Nếu vì người mê được, một xe làm thành ba. Dựa vào người ngộ hiểu, thì ba vốn là một.

[4] Thôi Tề Công hỏi: Thiền sư ngồi thiền sau khi nhập định, đến bao giờ xuất định? Đáp: Thần không phương sở, lấy gì mà định? Lại hỏi: Đã nói vô định, dụng tâm là gì? Đáp: Tôi nay định chưa thành lập, chỉ nói dụng tâmHỏi: Tâm định đều không nói thế là sao? Đáp: Nói chỉ không nói, cũng không có nói như thế. Hỏi: Đã nói không nói như thế, chỗ nào có chỉ không nói? Đáp: Nay nói chỉ không nói, là có nói như thế. Nếu nói không làm thế, chỉ mất mà không còn.

[5] Lô Sơn Pháp Sư hỏi: Thế nào là nghĩa của trung đạo? Đáp: Chính là nghĩa của biên. Hỏi: Hiện giờ hỏi về nghĩa của trung đạo. Tại sao lại đáp chính là nghĩa của biên? Đáp: Hiện giờ nói về trung đạo, cần phải dựa vào nghĩa của biên mà lập. Nếu như không lập biên, trung đạo cũng không được thành lập.

[Trong triết học Phật Giáo, trung đạo có nghĩa là tránh hai biên 邊, anta, có nghĩa là cực đoan. Một cực đoanthường kiến, một cự đoan kia là đoạn kiến. Trung đạo về mặt đạo đức có nghĩa là tránh theo đuổi dục lạc cũng như tránh khổ hạnh quá đáng. Trong Đại Thừa trung đạo mang cùng một ý nghĩa với duyên khởi.]

[6] Lễ Bộ Thị Lang Tô Tấn hỏi: Đại Thừa là gì? Thế nào là Tối Thượng Thừa? Đáp: Bồ-tát là Đại Thừa, Phật là Tối Thượng ThừaHỏi: Đại ThừaTối Thượng Thừa có gì khác biệt? Đáp: Gọi là Đại Thừa, như Bồ-tát thực hành Đàn Ba-la-mật, quán tam sự thể không, cho đến sáu Ba-la-mật, cũng y như thế, cho nên gọi là Đại Thừa. Còn như Tối Thượng Thừa, chỉ cần thấy tự tính không tịch. Chỉ cần thấy là tự tính vốn không, tức là biết được tam sự vốn dĩ tự tính không. Lại không cần phải khởi quán, cho đến lục độ cũng vậy. Đó gọi là Tối Thượng Thừa. Lại hỏi: Có cần dựa vào duyên khởi không? Đáp: Ở đây không lập duyên khởi. Lại hỏi: Nếu khôngduyên khởi, làm sao biết được? Đáp: Trên thể vốn không tịch, tự có trí Bát-nhã có thể biết, không cần dựa vào duyên khởi. Nếu lập duyên khởi, ắt có thứ đệHỏi: Như vậy có nghĩa là lại không cần tu tất cả các hạnh sao? Đáp: Nếu đạt được cái nhìn như vậy, vạn hạnh đều đầy đủ cả. Lại hỏi: Người thấy được tính này, nếu khởi vô minh, có bị thành nghiệp trói buộc không? Đáp: Tuy có vô minh, không thành nghiệp trói buộcHỏi: Tại sao không thành? Đáp: Chỉ cần thấy được là bổn tính thanh tịnh thể bất khả đắc, tự nhiên nghiệp trói buộc vốn tự không sinh.

[Đàn ba-la-mậtdānapāramitā còn được dịch là bố thí ba-la-mật, chỉ sự rộng lượng chia sẻ với người khác không những tài vật mà cả đạo pháp nữa. Tam sự thể không 三事體空hay tam luân thể không có nghĩa là khi mình cho chẳng hạn, mình không thấy người cho, người được cho và vật cho. Bất khả đắc 不可得, anupalabdhi là từ có nhiều nghĩa trong triết học Phật Giáo và Ấn Giáo. Đại khái có nghĩa là jhông nhận thức được bằng căn hay thứ, hoặc không nắm bắt được bằng khái niệm..]

[7] Nhuận Châu Thứ Sử Lý Lăng hỏi: Thấy một sơn tăng lễ lạy Tung Sơn, An Thiền Sư nói, đi gặp Chúc Đạo Nhân. Lại một tăng thụ ký lễ lạy. An Thiền Sư nói: Xưa Chúc Đạo Nhân, hỏi hai điều này để làm gi? Đáp: Cả hai việc này đều bỏ đi. Hỏi: Làm thế nào để bỏ? Chỉ cần lìa tức là bỏ. Hỏi: Làm thế nào để lìa? Đáp: Tôi hiện giờ chỉ không lìa, không làm gì để khởi lìa. Hỏi: Là tâm lìa hay mắt lìa? Đáp: Hiện giờ chỉ không lìa, cũng chẳng dựa vào tâm hay mắt để lìa. Hỏi: Tâm mắt đều không thấy, hẳn là người mù. Đáp: Chỉ là người mù xưng mù, người khác nhìn thấy, nguyên lai không mù. Kinh nói, lỗi của người mù, không phải lỗi của mặt trời mặt trăng.

[Thụ ký 授記 vyākaraṇa là từ thường gặp trong kinh Đại Thừa. Phật đối với các đệ tử phát tâm thụ ký có nghĩa là tiên đoán trong tương sẽ thành vị Phật đặc thù nào đó.]

[8] Trương Yến Công hỏi: Thiền sư hằng ngày thường nói vô niệm pháp, khuyên người ta tu học, chưa hiểu được là vô niệm pháp có hay không? Đáp: Vô niệm pháp, không nói là có, không nói là không. Hỏi: Tại sao vô niệm không nói có hay không? Đáp: Nếu như nói vô niệm pháp là có, tức là không giống cái có của thế gian. Nếu nói vô niệm phá là không có, cũng không giống cái không của thế gian. Cho nên vô niệm pháp không giống với có hay không. Hỏi: Có gọi là không được không? Đáp: Không gọi được là không. Hỏi: Lúc khác với không thì là cái gì? Đáp: Cũng không là một cái gì cả. Cho nên vô niệm không thể nói được. Nay gọi là nói, vì là để trả lời câu hỏi. Nếu như không để trả lời câu hỏi, cứu cánh không có ngôn thuyết. Ví như như gương sáng, nếu không có đối tượng, trong gương rốt cuộc không có hình hiện lên. Nay nói có hình hiện lên, là vì để đối lại với vật, cho nên có hình hiện. Hỏi: Nếu không đối với hình gương có chiếu hay không? Đáp: Nay nói đối chiếu, không nói đối hay không đối cả hai đều thường chiếuHỏi: Nếu như đã không có hình tượng lại cũng không có ngôn thuyết, tất cả có không đều không lập được. Nay nói về chiếu, là chiếu cái gì đây? Đáp: Nay nói về chiếu, bởi vì gương sáng, có tự tính để chiếu, nếu như tâm chúng sinh tịnh, tự nhiên có ánh sáng của đại trí huệ, chiếu vô dư thế giới. Hỏi: Nếu đã như thế, sao lại có thời để đắc? Đáp: Chỉ cần thấy không (vô). Hỏi: Đã không, thì thấy là vật. Đáp: Tuy thấy, nhưng không thể gọi là vật được. Hỏi: Đã không gọi được là vật, sao gọi là thấy? Đáp: Thấy vô vật tức là thực sự thấy thường hằng thấy.

[9] Hòa Thượng hỏi: Viễn Pháp Sư, có từng giảng Kinh Đại Bát-nhã chưa? Viễn Pháp Sư nói, giảng Đại Bát-nhã mấy chục lần rồi. Hòa Thượng lại nói: Tất cả các kinh luận Đại ThừaTiểu Thừa nói chúng sinh không giải thoát là vì dựa vào hai tâm sinh diệt. Lại Kinh Niết-bàn nói: Chư hành vô thường, là sinh diệt pháp, sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là lạc. Chưa hiểu được là cái sinh và diệt này, có thể diệt hay không có thể diệt, đó là diệt cái sinh diệt hay là diệt cái diệt sinh. Đó là sinh có thể tự diệt sinh, hay là diệt tự diệt diệt. Xin Pháp Sư giải thích cặn kẽĐáp: Viễn Pháp Sư nói: Cũng thấy các kinh luận nói y như thế, còn như nghĩa này, thật sự không thể liễu giải. Thiền Sư nếu liễu giải ý nghĩa này, xin nói cho đại chúng nghe. Hòa Thượng nói: Không từ chối nói, sợ có người không hiểu. Pháp Sư nói: Đạo tục có hơn vạn người, không thể không có ai hiểu. Hòa Thượng nói: Nhìn, thấy hay không? Viễn Pháp Sư nói: Thấy là không. Hòa Thượng nói: Quả nhiên không thấy. Viễn Pháp Sư đã được những lời này, ú ớ không trả lời được. Không luận có chữ mà không nói được, cũng khiến các đồ đệ thất chí. Thắng thua đã phân biệt, đạo tục sai khác.

[Chư hành vô thường, thịs sinh diệt pháp, sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc 諸行無常,是生滅法.生滅滅已,寂滅為樂 là câu kệ trong Kinh Niết-bàn mà người Phật tử nào cũng biết. Đạo tục có nghĩa là các đệ tử tăng sĩ và cư sĩ.]

[10] Hòa Thượng hỏi Trừng Thiền Sư: Tu pháp gì để được kiến tính? Trừng Thiền Sư đáp: Trước tiên học tọa tu định, sau khi đã đắc định, do định phát huệ, do nơi trí huệ, tức đắc kiến tínhHỏi: Lúc tu định, lại cũng không cần tu tác ý sao? Đáp: Cần. Hỏi: Đã là tác ý tức là thức định, làm sao đắc kiến tính? Đáp: Nay nói kiến tính, cần phải tu định để mà kiến tínhHỏi: Nay tu định, nguyên là vọng tâm, vọng tâm tu định, làm sao đắc định? Đáp: Nay nói việc tu định đắc định, tự có nội ngoại chiếu. Bởi vì nội ngoại chiếu, đắc được kiến tịnh, bởi vì tâm tịnh, tức là kiến tínhHỏi: Nay nói về kiến tính, tính không có trong ngoài, nếu nói do nội ngoại chiếu, vốn là kiến vọng tâm, làm sao kiến tính được? Kinh nói: Nếu học các tam-muội, là động không phải là tọa thiền. Tâm trôi theo cảnh giới, làm sao gọi là định được? Nếu bảo cái định này là đúng, Duy-ma-cật đã không phải mắng Xá-lợi-phất là ngồi bất động.

[Kiến tính 見性là một thuật ngữ chính yếu của Thiền. Ngụ ý nói nhìn thấy được Phật tính trong mình. Thiền giống đa số các tông phái thuộc Đại Thừa chấp nhận lời dạy, tất cả mọi chúng sinh đều có Phật Tính. Yến tọa 宴坐, ngồi bất động. Duy-ma-cật, Vimalakīrti, nhân vật chính trong Kinh Duy-ma-cật, Vimalakīrti-nirdeśa-sūtra, là một cư sĩtrình độ đắc Pháp rất sâu, ngay cả các đệ tử hạng cao của Phật cũng ngại không dám đấu lý với ông. Duy-ma-cật nhiều khi bề ngoài có vẻ buông thả. Kinh Duy-ma tượng trưng cho một khía cạnh nữa của Đại Thừa khác với Tiểu Thừa là không phải chỉ có tăng sĩ mới có khả năng đắc Pháp.]

[11] Hòa Thượng hỏi các người học đạo: Nay nói về việc dụng tâm, đó là tác ý hay không là tác ý? Nếu không tác ý, tức là không khác gì những kẻ dung tục. Nếu nói là tác ý, tức là có sở đắc. Bởi vì có sở đắc, tức là bị trói buộc, làm sao có thể đặt được giải thoát? Thanh Văn tu không trụ không, tức bị trói buộc bởi không. Nếu tu định trụ định, tức bị trói buộc bởi định. Nếu tu tĩnh trụ tĩnh, thì bị trói buộc bởi tĩnh, nếu tu tịch trụ tịch, thì bị trói buộc bởi tịch. Cho nên Kinh Bát-nhã nói: Nếu thủ pháp tướng, tức là chấp trước vào ngã nhân chúng sinh thọ giả. Lại Kinh Duy-ma nói: Điều phục tâm, là Thanh Văn pháp, không điều phục tâm, là pháp của người ngu. Người nhân đã dụng tâm, là điều phục pháp. Nếu điều phục pháp, sao gọi là giải thoát được. Tu-đà-hoàn cũng điều phục, Tư-đà-hoàn cũng điều phục, A-na-hàm, A-la-hán cũng điều phục, phi tưởng định và phi phi tưởng định cũng điều phục, tam hiền cũng đều điều phục. Nếu như phân biệt, nếu quyết định như thế, đều chưa được giải thoát.

[Ngã nhân chúng sinh thọ giả tướng là các từ trong Kinh Kim Cương Bát-nhã-ba-la-mật 金剛經般若波羅蜜多, Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra. Ý nói thực tại cứu cánh là tính không性空, śūnyatā vượt ngoài tất cả các giả tướng của ngã kia. Tu-đà-hoàn 須陀洹 śrotāpanna, 斯陀含 sakṛdāgamin, 阿那含 anāgāmin là bốn quả vị thánh trong Phật Giáo Nguyên Thủy.]

[12] Thần Túc Sư hỏi: Thể của chân như, chính là bổn tâm, lại không có các tướng vàng xanh, làm sao có thể nhận thức được? Đáp: Tâm vốn không tịch, không giác vọng niệm khởi, nếu giác được vọng niệm, có giác thì vọng tự diệt hết. Đó là người thức tâmHỏi: Tuy có giác chiếu, vẫn đồng với sinh diệt. Nay nói pháp nào đắc được không sinh diệt. Đáp: Chỉ bởi vì do tâm khởi, là có sinh diệt, nếu như khởi tâm đã diệt, tức sinh diệt tự trừ khử. Không có tướng để đắc, tạm nói giác chiếu, giác chiếu đã diệt, sinh diệt tự không. Sinh diệt tức là không sinh diệt.

[13] Sùng Viễn Pháp Sư hỏi: Thế nào là không? Nếu nói có không, vẫn còn đồng với chất ngại. Nêu nói không có không, thì qui y chỗ nào? Đáp: Chỉ vì chưa kiến tính, cho nên nói không. Nếu thấy được bổn tính, không cũng không có. Thấy được như vầy, gọi là quy y.

[14] Hòa Thượng nói với các tri thức, nếu muốn thấu hiểu được thậm thâm pháp giới, nhập thẳng Nhất Hàng Tam-muội, nếu nhập tam-muội này rồi, trước tiên nên tụng trì Kinh Kim Cương Bát-nhã-ba-la-mật, tu học Bát-nhã-ba-la-mật. Cho nên Kinh Kim Cương Bát-nhã-ba-la-mật nói: Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhân phát bồ-đề tâm, ở nơi kinh này, thụ trì đọc tụng thậm chí chỉ bốn câu kệ, rồi giải thích cho người khác, phước đức còn hơn kia. Thế nào là giải thích cho người khác, không chấp vào tướng. Không chấp vào tướng gọi là như như. Gọi là như như là gì? Là vô niệm. Thế nào là vô niệm? Đó gọi là không niệm hữu vô, không niệm thiện ác, không niệm có biên tế vô biên tế, không niệm có hạn lượng vô hạn lượng. Không niệm bồ-đề, không lấy bồ-đề làm niệm. Không niệm Niết-bàn, không lấy Niết-bàn làm niệm. Đó là vô niệm. Cái vô niệm này, tức là Bát-nhã-ba-la-mật. Bát-nhã-ba-la-mật tức là Nhất Hàng Tam-muội. Các tri thức, như ở chỗ học, tâm nếu có niệm thì giác chiếu ngay. Nếu như khởi tâm diệt ngay, giác chiếu tự biến mất. Đó là vô niệm. Cái vô niệm này, không tất cả các cảnh giới. Nếu như có tất cả cảnh giới, thì là không tương ưng với vô niệm. Các tri thức, như thực kiến được, liễu đạt thậm thâm pháp giới. Đó là Nhất Hàng Tam-muội. Cho nên Kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã-ba-la-mật nói: Thiện nam tử, đó là Bát-nhã-ba-la-mật, đó gọi là vô niệm trong các pháp. Chúng ta trụ trong vô niệm pháp, được kim sắc thân như vầy, ba mươi hai tướng, đại quang minh, trí huệ bất khả tư nghị, vô thượng tam-muội, vô thượng trí huệ của chư Phật, tận các công đức. Chư Phật thuyết về việc đó mà cũng không tận được. Hà huống các Thanh VănBích-chi Phật có thể thấy được vô niệm, sáu căn không nhiễm, thấy được vô niệm, hướng được về Phật trí. Thấy được vô niệm, đó gọi là thực tướng. Thấy được vô niệm, đó là đệ nhất nghĩa đế của trung đạo. Thấy được vô nhiệm, hằng sa công đức, một lúc đầy đủ cả. Thấy được vô niệm, có thể phát sinh tất cả các pháp. Thấy được vô niệm, có thể nhiếp tất cả các pháp.

[Pháp Giới 法界dharmadhātu trong Đại Thừa Phật Giáo có nghĩa yếu tính của thực tại. Nhất Hàng Tam-muội 一行三昧 là từ có nhiều ý nghĩa, chỉ hành giả bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu cũng giữ tâm cho thẳng. Huệ Năng cũng dạy đệ tử pháp này trong Đàn Kinh. Đệ nhất nghĩa đế 第一義諦 hay chân đế真諦, paramārtha satya có nghĩa là sự thực hay thực tại cứu cánh. Trong Đại Thừa Phật Giáo thì thực tại cứu cánhduyên khởi 緣起, pratītyasamputpada. Thanh VănŚrāvaka có nghĩa là người nghe. Một trong thánh quả của Tiểu Thừa. Bích-chi Phật, Pratyekabuddha là người sống biệt lập tự giác ngộ sau khi nghe về thập nhị duyên khởi của Phật.]

[15] Thị Lang Miêu Tấn Khanh hỏi: Tu đạo thế nào để đắc được giải thoát? Đáp: Đắc vô trụ tâm, thì đắc giải thoátHỏi: Làm thế nào để đắc vô trụ? Đáp: Trong Kinh Kim Cương có nói đầy đủ. Hỏi: Kinh Kim Cương nói không dùng ngôn ngữĐáp: Lại nữa, Tu-bồ-đề, các Bồ-tát Ma-ha-tát phải như thế nào để sinh thanh tịnh tâm? Không được trụ sắc trụ tâm, không được trụ thanh hương vị xúc pháp mà sinh tâm. Phải không trụ vào đâu cả mà sinh tâm. Chỉ đắc vô trụ tâm, tức đắc giải thoátHỏi: Vô trụ, làm thế nào để biết vô trụ? Đáp: Trên thể của vô trụ, tự có bổn trí. Dựa và bổn trí có thể biết. Thường để bổn trí sinh tâm.

[Phải không trụ vào đâu mà sinh tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心 là một phát biểu trong Kinh Kim Cương mà người Phật tử nào cũng biết.]

[16] Ngụy Quận Kiền Quang Pháp Sư hỏi: Cái gì là Phật tâm? Cái gì là chúng sinh tâm? Đáp: Chúng sinh tâm tức là Phật tâm. Phật tâm tức là chúng sinh tâmHỏi: Chúng sinh tâmPhật tâm, đã không sai biệt, tại sao còn nói chúng sinh nói Phật? Đáp: Nếu dựa vào người không liễu ngộ mà luận, thì có chúng sinh có Phật. Nếu như liễu ngộ rồi, chúng sinh tâmPhật tâm nguyên lai không sai biệtHỏi: Thường nghe Thiền sư thuyết pháp không giống với thiên hạ. Phật pháp một loại, tại sao lại không giống? Đáp: Nếu là Phật pháp, nguyên lai không sai biệt. Bởi vì những người giác ngộ ngày nay chỗ thấy của mỗi người có sâu cạn khác nhau, cho nên nói là không giống. Hỏi: Xin nói về nguyên do không giống nhau. Đáp: Nay nói không giống nhau, ngưng tâm thủ định, hoặc có trụ tâm khán tịnh, hoặc có khởi tâm ngoại chiếu, hoặc có nhiếp tâm nội chứng, hoặc có khởi tâm quán tâm mà chấp vào không, hoặc có giác vọng đều diệt, không liễu ngộ bổn tính, trụ vào vô ký không. Những người như vầy, không thể kê ra đủ hết được, cái lý của bổn tính hư vô này, người ta không liễu đạt, tùy niệm mà thành cho nên không giống nhau, không luậm phàm phu. Như Lai thuyết một pháp vô vi, tất cả các hiền thánh mà có sai biệt, hà huống tất cả những người học đạo ngày nay, làm sao có thể giống nhau được?

Hỏi: Nghĩa bốn câu kệ trong Kinh Kim Cương là như thế nào? Đáp: Thấy các pháp sư nói bốn câu kệ này, có người lấy tám chữ làm câu, ba mươi hai chữ thành bốn câu. Có người lấy năm chữ làm câu, có người lấy bốn chữ làm câu. Có người lấy “nhất thiết hữu vi pháp” kệ ở cuối kinh làm bốn câu kệ. Cũng có người lấy kệ “nhược dĩ sắc kiến ngã” làm nghĩa của bốn câu kệ. Vô Trước Bồ-tát nói: Quảng đại đệ nhất thường, tâm không điên đảo. Vì ý nghĩa của bốn câu, có người lấy “vô ngã tướng vô nhân tướng vô chúng sinh tướng vô thọ giả tướng” làm ý nghĩa của bốn kệ. Bây giờ không như thế. Tại sao vậy? Bởi vì có ngã tướng, mới bắt đầu nói vô ngã tướng. Bởi vì có nhân tướng, mới bắt đầu nói vô nhân tướng. Bởi vì có chúng sinh tướng, cho nên bắt đầu nói vô chúng sinh tướng. Bởi vì có thọ giả tướng, mới bắt đầu nói vô thọ giả tướng. Nay thấy ý nghĩa này không như thế. Tại sao vậy? Không có vô ngã tướng, không có vô nhân tướng, không có vô chúng sinh tướng, đó gọi là chân nghĩa của bốn câu kệ. Lại thấy Đại Trí Độ Luận nói: Bát-nhã-ba-la-mật ví dụ như đám lửa lớn, bốn phía không thể thủ (nắm bắt), đó gọi là chân thủ. Đây chính là ý nghĩa thực của bốn câu.

[Đại Trí Độ Luặn 大智度論là một bộ luận lớn truyền thống nói tác giả là Nāgārjuna, 龍樹Long Thụ. Hiện chỉ còn trong bản dịch Hán văn. Bộ luận này cũng giống như một đại tự điển (encyclopedia) Phật giáo. Trọn bộ đã được dịch sang Pháp văn bởi Etienne Lamotte.]

[17] Trịnh Tuyền hỏi: Đạo là gì? Đáp: Vô danh là đạo. Hỏi: Đạo đã vô danh, tại sao còn gọi là đạo? Đáp: Đạo cứu cánh không tự nói, nói là đạo, là chỉ để trả lời câu hỏi. Hỏi: Đạo đã mượn vào danh, vô danh là thực hay không? Đáp: Không thực. Hỏi: Vô danh đã không thực, tại sao lại nói vô danh là đạo? Đáp: Bởi vì có câu hỏi, cho nên có ngôn thuyết. Nêu không có câu hỏi, cứu cánh không có ngôn thuyết.

[18] Kiền Pháp Sư hỏi: Kinh Kim Cương Bát-nhã nói: Nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào thụ trì tụng đọc kinh này, nếu là những người thấp hèn bởi vì nghiệp xấu của kiếp trước, đáng rơi vào ác đạo. Bởi vì trong đời này thấp hẻn, nghiệp ác của đời trước, ắt tiêu diệt. Ý nghĩa như thế nào? Đáp: Người trì kinh, đáng được tất cả mọi người cung kính lễ bái, ngày nay tuy tạm có kinh để đọc tụng, vì trước khi trì kinh có tội nặng nghiệp chướng. Ngày nay do uy lực trì kinh, hoặc bị người đời khinh thường, có thể khiến các tội nặng nghiệp chướng của người trì kinh đều tiêu diệt. Bởi vì các tội chướng được tiêu diệt, cũng đắc được a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Lại cũng có lý giải thích rằng, ác nghiệp của kiếp trước, ví dụ như niệm trước khởi vọng tâm, ngày nay bị thế nhân khinh thường, là ví dụ cho hậu niệm đều giác. Hậu giác vì hối tiền tâm, nếu tiền tâm đã diệt, hậu hối cũng diệt. Hai niệm đều diệt đã không tồn tại, đó là công đức cụ túc của trì kinh, tức là a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Lại nói: Hậu giác là ví dụ cho người thấp hèn, bởi vì tiền niệm khởi vọng tâm, nếu khởi hậu giác, cũng là khởi tâm. Tuy danh xưng là giác, giác cũng không lìa phàm phu là ví dụ cho bị người đời khinh thường.

[19] Triết Pháp Sư hỏi: Thế nào là ý nghĩa của định huệ đồng đẳng? Đáp: Niệm không khởi, không vô sở hữu, tức gọi là chính huệ. Nếu được như thế, thì lúc định, gọi là thể của huệ. Lúc có huệ, tức là dụng của định. Lúc định không khác với huệ, lúc có huệ không khác với định. Lúc định chính là huệ, lúc có huệ chính là định. Lúc định không có định, lúc có huệ không có huệ. Tại sao vậy? Tính tự như thế, đó gọi là định huệ đẳng học.

[Cách tiếp cận định và huệ ở đây của Thần Hội phản ánh quan điểm của Huệ Năng trong Đàn Kinh. Đây cũng là một trong lý doHồ Thích khẳng định rằng Thần Hộitác giả của Đàn Kinh.]

[20] Từ Đạo Vương hỏi: Vô Niệm pháp là để phàm phu tu hay là để thánh nhân tu? Nếu là thánh nhân tu, thì lý do gì để mà khuyên phàm phu tu vô niêm pháp? Đáp: Vô niệm pháp là thánh nhân pháp. Phàm phu nếu như tu vô niệm pháp thì không còn là phàm phu nữa. Hỏi: Vô là vô pháp gì? Niệm này là niệm pháp gì? Đáp: Vô là vô nhị pháp, niệm là chỉ niệm chân nhưHỏi: Niệm với chân như có gì sai biệt? Đáp: Không có sai biệtHỏi: Đã không sai biệt, tại sao nói niệm chân như? Đáp: Cái gọi là niệm, là dụng của chân như. Chân như là thể của niệm. Bởi vì ý nghĩa này, lập vô niệm làm tông. Nếu thấy được vô niệm, tuy có kiến văn giác tri, nhưng thường không tịch.

[21] Chí Đức Pháp Sư hỏi: Thiền sư, nay dạy chúng sinh, chỉ cầu đốn ngộ. Tại sao không theo Tiểu Thừa mà hướng dẫn tiệm tu? Chưa có ai lên đài chín từng mà không do từng bực mà từ từ lên. Đáp: Chỉ e người sợ leo chứ không phải là vì đài chín tầng. Đó là ý nghĩa của đốn ngộ. Nay trong đốn mà lập cái tiệm, cũng giống như leo lên đài chín tầng, muốn từ từ từng bậc, cưú cánh không lập tiệm nghĩa trong tiệm. Sự cần lý và trí cùng giải thích. Gọi là đốn ngộ, đều không do giai tiệm, tự nhiên là nghĩa của đốn ngộ. Tự tâm từ gốc đến nay vốn không tịch, đó là đốn ngộ. Tức tâm vô sở đắcđốn ngộ. Tồn pháp ngộ tâm, tâm vô sở đắc, là đốn ngộ. Biết tất cả các pháp là tất cả các pháp là đốn ngộ. Nghe nói không (空) không chấp trước vào không tức là không nắm bắt bất không (不空), là đốn ngộ. Nghe nói ngã không chấp trước vào ngã, tức là không nắm bắt vô ngã, là đốn ngộ. Không bỏ sinh tử mà nhập Niết-bàn là đốn ngộ. Lại có kinh nói: Nói tự nhiên trí vô sư trí, từ lý phát ra hướng về đạo là nhanh, kẻ ngoại tu hướng vào đạo chậm. Xuất thế mà có bất tư nghị sự, nghe nói tức sinh hoài nghi. Nay thấy tại thế bất tư nghị sự mà có đốn, tin không?

Hỏi: Ý nghĩa như thế nào, xin hiển thị yếu chỉĐáp: Như Chu Thái Công Ân Truyện nói: Thả câu bên cầu trúc, mà được đế trọng dụng, khởi từ thất phu, vị đốn nhiên đăng đài. Há không phải là thế gian bất tư nghị sự sao? Xuất thế bất tư nghị, trong tâm chúng sinh, đầy đủ rõ ràng tham ái vô minh, nhưng mà gặp được chân chính thiện tri thức, một niệm tương ưng, liền thành chính giác. Lại không phải là thế gian bất tư nghị sự sao? Lại kinh nói: Chúng sinh kiến tính thành Phật đạo, Long nữ phút chốc đốn phát bồ-đề tâm, liền thành chính giác, lại khiến chúng sinh nhập Phật tri kiến, nếu không chấp nhận đốn ngộ, Như Lại hợp nói hết năm thừa, nay đã không nói năm thừa, chỉ nói chúng sinh nhập Phật tri kiến. Dựa vào nghĩa của kinh kia, chỉ hiển đốn môn. Duy nơi một niệm tương ưng, thật là không do tằng bậc tiệm tiến. Nghĩa của tương ưng là thấy vô niệm. Thấy vô niệm có nghĩa là liễu tự tính. Liễu tự tính có nghĩa là vô sở đắc. Bởi vì vô sở đắc, tức là Như Lai Thiền. Duy-ma-cật nói: Như tự quán thân thực tướng quán Phật cũng vậy. Tôi quán Như Lai tiền tế không đến, hậu tế không đi. Nay tắc vô trụ. Bởi vì vô trụ tức là Như Lai Thiền.

Lại Kinh nói: Tất cả chúng sinh bổn thuộc về Niết-bàn vô lậu tính trí, vốn tự đầy đủ. Muốn tìm cách phân biệt khéo tự tâm hiện và lý tương ưng, lìa ngũ pháp, tam tự tính, lìa bát thức, nhị vô ngã, lìa nội kiến ngoại kiến, lìa hai pháp hữu vô, tất cánh bình đẳng, trạm nhiên thường tịch, quảng đại vô biên, thường hằng bất biến. Tại sao vậy? Vốn tự tính thanh tịnh, thể bất khả đắc. Thấy được như thế là thấy bổn tính. Nếu người thấy được bổn tính, tức là ngồi trên đất Như Lai. Thấy được như thế, lìa tất cả các tướng, đó gọi là chư Phật. Thấy được như thế, hằng sa vọng niệm, một lúc đều tịch tĩnh. Thấy được như thế, hằng sa thanh tịnh công đức, một lúc đầy đủ cả, một lúc có đủ hết. Thấy được như thế, gọi là vô lậu trí. Thấy được như thế, gọi là nhất thiết pháp môn. Thấy được như thế, lục độ viên mãn. Thấy được như thế, gọi là pháp nhãn thanh thịnh. Thấy được như thế, gọi là vô sở đắc. Vô sở đắc tức là chân giải thoát, tức là đồng với Như Lai, tri kiến rộng lớn sâu xa, không chút sai biệt. Biết được như thế tức là Như Lai Ưng Cúng Chính Biến Tri. Biết được như thế, phóng trí huệ quang lớn, chiếu khắp tất cả thế giới. Tại sao vậy? Thế giới tức là tâm, tâm không tịch thì không còn dư niệm nữa. Cho nên nói là chiếu sáng tất cả thế giới. Những người học đạo, tâm không xanh vàng đỏ trắng đen, cũng không ra vào đi đến, xa gần trước sau. Cũng không có tác ý, cũng không có không tác ý. Nếu được như thế, gọi là tương ưng. Nếu có xuất định nhập định và tất cả các cảnh giới, không luận thiện ác này nọ, đều không lìa vọng tâm, đều có sở đắc. Bởi vì có sở đắc, đều là hữu vi, toàn không tương ưng. Nếu như quyết tâm chứng đắc, lâm vào giữa ba quân, dao sắc sắp hạ xuống, đao bén cũng rời khỏi thân.

Thấy vô niệm, rắn như kim cương, hào li không động, dù cho hằng sa Phật đến, cũng không hề có một niệm hỉ tâm, dù cho đột nhiên thấy hằng sa chúng sinh nhất thời đều diệt, cũng không khởi một niệm bi tâm. Đó là đại trượng phu, đắc không bình đẳng tâm. Nếu như ngồi, ngưng tâm nhập định, trụ tâm khán tịnh, khởi tâm ngoại chiếu, nhiếp tâm nội chứng, đây là chướng ngại bồ-đề, chưa tương ưng với bồ-đề. Làm sao có thể đắc giải thoát được? Nếu giải thoát bồ-đề là như thế, Xá-lợi-phất ngồi bất động trong rừng, đã không bị Duy-ma-cật mắng. Mắng rằng, không ở tam giới hiện thân ý, đó là ngồi yên. Nhưng mà trong tất cả mọi thời, thấy vô niệm, không thấy thân tướng, gọi là chính định, không thấy tâm tướng, gọi là chính huệ.

[Ngũ pháp là năm phạm trù bản thể luận của Duy Thức Tông: danh 名, tướng 相, phân biệt 分別, chính trí 正智và như như 如如hay chân như真如. Năm phạm trù này được thảo luận trong Kinh Lăng-già. Tam tính hay tam tự tính 三自性, trisvabhāva cũng là ba phạm trù bản thể luận trong Duy Thức Tông. Đó là: biến kế sở chấp tự tính 遍計所執自性, parikalpita-svabhāva, 依他起自性, paratantra-svabhāva, viên thành thực tự tính園成實自性, pariniṣpanna-svabhava. Biến kế sở chấp là cái nhìn của phàm phu thấy mọi sự là có tự tính, từ chủ thể nhận thức cho đến sự vật thuộc thế giới bên ngoài. Y tha khởi là nhìn thấy được rằng sự vật cả nội tại lẫn ngoại tại dựa trên nhân suyên mà có, tức là không có tự tính. Cứu cánh không có dị biệt giữa biến kếy tha. Chỉ không còn nhìn thấy các tự tính áp đặt bởi biến kế lên y tha là không có. Đó được gọi là viên thành thực. Nhị vô ngã 二無我là hai khái niệm quan trọng trong Đại Thừa Phật Giáo gồm nhân vô ngã 人無我, pudgala-nairātmya và pháp vô ngã 法無我dharma- nairātmya. Theo Đại Thừa thì Tiểu Thừa chỉ thấy được nhân vô ngã, tức là tính không của chủ thể, nhưng mà vẫn nhìn những thành tố tạo thành sự vật là có tự tính. Đại Thừa nói những thành tố này cũng không có tự tính, tức là không (śūnya). Đoạn này rõ ràngThần Hội phê bình phương pháp quán tâmtọa Thiền của Bắc Tông Thần Tú.]

[22] Thường Châu Tư Hộ Nguyên Tư Trực hỏi: Thế nào là không, thế nào là bất không? Đáp: Chân như thể bất khả đắc gọi là không. Có thể thấy bất khả đắc thể, trạm nhiên thường tịch, mà có dụng vô cùng, cho nên nói bất không.

[Đây là cách tiếp cận chân đếtục đế của Phật Giáo Đông Á dựa trên khái niệm giải thích thể 體và dụng 用.]

[23] Tưởng Sơn Nghĩa Pháp Sư hỏi: Tất cả chúng sinh đều có chân như Phật tính, cho đến trung gian, người có kiến người không có kiến. Tại sao lại có sự sai biệt này? Đáp: Chúng sinh tuy có tính chân như, cũng giống như bảo đại ma-ni, tuy hàm chứa tính sáng, nếu không có ai mài rũa, cứu cánh không minh tịnh. Cái tướng sai biệt, cũng giống như thế. Tất cả chúng sinh, không gặp được chư Phật Bồ-tát và thiện tri thức dạy cho phát tâm, cưú cánh không thấy được tướng sai biệt.

[24] Nghĩa Văn Pháp Sư hỏi: Tuy có chân như, nhưng không có hình tướng, làm sao khiến cho chúng sinh vào được? Đáp: Tính của chân như, tức là bổn tâm, tuy niệm mà không có năng niệm khả niệm. Tuy thuyết mà không có năng thuyết khả thuyết. Đó gọi là đắc nhập (vào được).

[25] Lô Sơn Giản Pháp Sư hỏi: Kiến giác tuy là hành, vẫn đồng với sinh diệt. Nay tu pháp gì để được không sinh diệt? Đáp: Nay gọi là thấy, vốn vô sinh diệt, nay gọi là sinh, là do người sinh diệt tự thấy. Nếu vô sinh diệt, tức là bất sinh diệt.

[26] Nhuận Châu Tư Mã Vương Ấu Lâm hỏi: Thế nào là không có pháp có thể thuyết gọi là thuyết pháp? Đáp: Bát-nhã-ba-la-mật thể bất khả đắc, là không có pháp để thuyết. Bát-nhã-ba-la-mật thể tự có trí chiếu kiến thể bất khả đắc, trạm nhiên thường tịch mà có dụng vô cùng tận, đó gọi là thuyết pháp.

[27] Ngưu Đầu Sủng Pháp Sư hỏi: Sám hối tội có diệt được không? Đáp: Thấy được vô niệm, nghiệp tự không sinh. Tại sao phải dựa vào vọng tâm để có dục mong sám hối diệt nó? Diệt chính là sinh. Hỏi: Thế nào là sinh? Đáp: Sinh tức là ở nơi diệt.

[28] La Phù Sơn Hoài Do Thiền Sư hỏi: Tất cả chúng sinh, bổn lai tự tính thanh tịnh, tại sao lại nhiễm sinh tử pháp nữa, rồi không ra khỏi tam giới được? Đáp: Bởi vì không biết tự thể bổn lai không tịch, nên theo vọng niệmsinh khởi nghiệp trói buộc. Những kẻ thụ sinh tạo ác, không thể nói xuể được. Nay những người tu đạo, lại cũng mê mờ ở đó. Chỉ reo trồng nhân duyên nhân thiên, không tập trung vào cứu cánh giải thoát. Lại nếu không gặp được chư Phật Bồ-tát thiện tri thức, làm sao tránh được cái khổ của luân hồi?

[Tam giới 三界tridhātu là từ để chỉ tất cả các cõi hữu. Đó là dục giới 慾界 kāma-dhātu, sắc giới色界 rūpa-dhātu và vô sắc giới 無色界 arūpya-dhātu.]

Hỏi: Tâm tâm thủ tịch diệt, niệm niệm nhập pháp lưu, há không động niệm sao? Đáp: Bô-tát hướng bồ-đề đạo, tâm niệm niệm không trụ, giống như ngọn đèn ánh sáng liên tục, tự nhiên không đoạn, cũng không phải là đèn tạo ra ánh sáng. Tại sao vậy? Nói rằng vì chư Bồ-tát hướng về bồ-đề, niệm niệm tương tục, không gián đoạn.

[29] Môn nhân Lưu Tương Thính nói: Ở Nam Dương Quận, gặp Thị Lang Sứ Vương Duy tại Thoan Dịch khuất Thần Hội Hỏa Thượng và đồng tự tăng Huệ Trừng Thiền Sư, nói kinh vài ngày. Vào lúc đó Vương Thị Ngự hỏi Hòa Thượng rằng: có phải do tu đạo mà đắc giải thoát? Đáp: Chúng sinh vốn tự tâm tịnh, nếu lại còn muốn khởi tâm có tu, đó là vọng tâm, không thể giải thoát được. Vương Thị Ngự kinh ngạc nói: Kỳ thật. Từng nghe chư đại đức giảng thuyết, chưa từng ai nói như vầy cả. Rồi nói với nhóm Khâu Thái Thú Trương Biệt Giá Viên Tư Mã rằng: Nam Dương Quận này, có hảo Đại Đức, có Phật pháp hết sức bất khả tư nghị. Khấu Thái Thú nói: Hai Đại Đức này kiến giải không hề giống nhau. Vương Thị Ngự hỏi Hòa Thượng: Tại sao không giống nhau? Đáp: Nay nói không giống nhau, vì Trừng Thiền Sư muốn trước tiên tu định cái đã, sau tu định rồi huệ phát. Hội thì không như thế. Nay chính đang nói với Thị Lang, định huệ đồng đẳng với nhau. Kinh Niết-bàn nói: Định nhiều huệ ít, tăng trưởng vô minh, huệ nhiều định ít, tăng trưởng tà kiến. Nếu như định huệ đồng đẳng với nhau, gọi là thấy Phật tính. Cho nên nói không giống nhau.

Vương Thị Lang hỏi: Lúc nào thì định huệ đồng đẳng? Hòa Thượng đáp: Gọi là định, thể bất khả đắc. Gọi là huệ, không thể thấy thể được, trạm nhiên thường tịch, có hằng sa xảo dụng. Đó chính là định huệ cùng học. Đồ chúng đứng dậy trước sảnh đường. Trừng Thiền Sư hỏi Vương Thị Lang: Huệ Trừng và Hội Xà-lê, chỗ chứng không giống nhau. Vương Thị Lang cười nói với Hòa Thượng: Tại sao không giống nhau? Đáp: Nói không giống nhau bởi vì Trừng Thiền Sư dạy tu định trước, sau khi đắc định rồi phát huệ. Hội thì không thế. Giống như vừa nói với Thị Lang đó, định huệ đồng đẳng với nhau. Cho nên không giống (với Trừng Thiền Sư). Thị Lang nói: Xà-lê, Chỉ đừng nói không giống nhau. Đáp: Không dung được một ti hào. Hỏi: Tại sao không dung được? Đáp: Nay thực sự không thể giống được, nếu cho phép nói là giống, tức là lời dung hợp.

[Xà-lê hay a-xà-lê 阿闍梨là phiên âm chữ Phạn acārya có ngĩa là thầy hay đạo sư. ]

[30] Ngưu Đầu Sơn Viễn Thiền Sư hỏi: Phật tính có bao trùm khắp mọi nơi không? Đáp: Phật tính bao trùm tất cả hữu tình, không bao trùm tất cả vô tình. Hỏi: Các đại đức tiên bối đều nói rằng: Thanh thanh thúy trúc, tận thị Pháp thân. Uất uất hoàng hoa vô phi Bát-nhã. Nay Thiền sư tại sao lại nói đạo? Phật tính chỉ độc bao trùm tất cả hữu tình, không bao trùm tất cả vô tình. Đáp: Lại xem thanh thanh thúy trúc là ngang với công đức Pháp Thân lại xem uất uất hoàng hoa là bằng với trí Bát-nhã sao? Nếu như thanh trúc hoàng hoa ngang hàng với Pháp Thân và Bát-nhã, Như Lai trong kinh nào nói thụ ký cho thanh trúc hoàng hoa bao giờ. Nếu như thanh trúc hoàng hoa ngang hàng với Pháp Thân và Bát-nhã, đó là lời của ngoại đạo. Tại sao vậy? Niết-bàn kinh nói: Không có Phật tính, đó được gọi là vô tình vật.

[31] Tô Châu Trường Sứ Đường Pháp Thông hỏi: Phật tính của chúng sinhPhật tính của Phật giống hay khác? Đáp: Vừa giống vừa khác. Hỏi: Tại sao lại vừa giống vừa khác? Đáp: Nói là giống cũng tựa như vàng. Nói là khác cũng như các khí cụ như chén bát. Như thế. Hỏi: Caí này có giống vật kia không? Đáp: Không giống một vật. Hỏi: Đã không giống một vật, tại sao có thể gọi là Phật tính được? Đáp: Nếu như nó giống một vật, không gọi là Phật tính được.

[32] Lô Sơn Giản Pháp Sư hỏi: Gương sáng đài cao, tức năng chiếu vạn tượng. Vạn tượng tất đều hiện trong đó. Có phải vậy không? Đáp: Gương sáng đài cao, có thể chiếu vạn tượng. Vạn tượng tất đều hiện trong đó. Cổ đức tương truyền, đều nói là vi diệu. Nay trong môn này, chưa xem là vi diệu. Tại sao vậy? Thả như gương sáng, ắt có thể soi vạn tượng. Vạn tượng không hiện trong đó. Đây là vi diệu. Tại sao vậy? Như Lai dùng phân biệt trí, có thể phân biệt tất cả. Nào có tâm phân biệt, mà có thể phân biệt tất cả.

[33] Dương Châu Trưởng Sứ Vương Di hỏi: Thế gian có Phật hay không? Đáp: Nếu có thế gian tất có Phật. Nếu khôngthế gian thì không có Phật. Hỏi: Nhất định có Phật hay Nhất định không có Phật? Đáp: Không thể nhất định có cũng không thể nhất địnhkhông có. Hỏi: Tại sao nói không thể nhất định là có không thể nhất định là không? Đáp: Không thể nhất định là có. Văn Thù Bát-nhã Kinh nói: Bát-nhã-ba-la-mật bất khả đắc. Bồ-đề Niết-bàn cũng bất khả đắc. Phật cũng bất khả đắc. Cho nên nói không thể nhất định là có, không thể nhất định là không. Kinh Niết-bàn nói: Có Phật không có Phật, tính tướng thường trụ. Nếu các chúng sinh, theo thiện nhân phương tiện, thấy được Phật tính, cho nên nói không thể nhất định là không.

[34] Tề Tự Chủ hỏi: Đại Thừa là gì? Đáp: Là Tiểu ThừaHỏi: Nay hỏi Đại Thừa, tại sao lại nói là Tiểu Thừa? Đáp: Bởi vì có tiểu cho nên bắt đầu lập đại. Nếu như không có tiểu, đại từ đâu mà sinh? Nay nói là đại, chính là cái lớn của cái nhỏ. Nay nói đại Đại Thừa, không vô sở hữu, tức không thể nói đại tiểu. Tựa như hư không, hư không không có hạn lượng, không thể nó là vô hạn lương. Hư không vô biên, không thể nói là vô biên. Đại Thừa cũng vậy. Cho nên kinh nói: Hư không không có trung biên. Chư Phật thân cũng vậy. Nay hỏi về Đại Thừa, cho nên đó là Tiểu Thừa, đạo lý hết sức phân minh. Đâu phải lấy làm lạ.

[35] Hành Luật Sư hỏi: Kinh nói: Thụ các xúc như trí chứng. Điều này có nghĩa là gì? Đáp: Thụ chư xúc ý nói bổn tính bất động. Nếu như cảm thấy khác đi, tức là động. Do như trong kính tùy theo đủ thứ thi vi cử động của người mà vẫn vô tâm. Nay th các xúc, cũng giống như thế. Trí chứng là trí bổn giác. Nay gọi là trí chứng, tức là lấy cái trí bổn giác mà biết được. Gọi là trí chứng, lấy sừng bò làm ví dụ lập nghĩa. Lúc chính giác không thể nói như ý. Lúc như ý, không thể gọi là giác. Giác tuy bao hàm như ý tính, lúc chưa diệt giác, không thể được gọi là như ý. Như ý tuy nhân giác mà thành, thành rồi không thể gọi là giác. Kinh nói: Diệt giác thành đạo. Nghĩa cũng giống như vầy. Nếu thấy khặp thì giác chiếu cũng không lập. Nay còn giác chiếu, dựa theo phía kiến giải mà luận. Nếu dựa vào thanh tịnh thể, cái gì là sở giác, cái gì là sở chiếu? Người ta xem thế vật là có, tôi lại xem thế vật là không. Người ta xem hư không là vô, tôi xem hư không là hữu. Tại sao vậy? Thế vật duyên hợp thì hữu, duyên tán thì vô. Gặp lửa thì cháy, gặp nước thì chìm. Không lâu hoại diệt, cho nên nói là vô. Hư không lửa không đốt được, nước không chìm được, không thể phá hoại, không thể tiêu tán. Do đó gọi là thường, cho nên có thể được xem là có.

[36] Tương Châu Biệt Giá Mã Trạch hỏi: Trạch lúc ở triều đình hỏi Thiên Hạ Nội Cung Phụng tăng và đạo sĩ, họ không giải quyết được mối nghi của đệ tử. Không hiểu Thiên Sư có giả quyết được mối nghi của Trạch không? Đáp: Tôi từ đó đến giờ giải quyễt mối nghi cho thiên hạ cũng không tệ hại lắm. Không hiểu Mã Biệt Giá nghi điều gì? Mã Biệt Giá nói: Nay muốn nói, chỉ e Thiền Sư không hiểu được điều nghi của Trạch. Đáp: Cứ nói ra đi, rồi sẽ biết là được hay không được. Nguyên lai không nói thì làm sao biết được? Lúc ấy có Biệt Giá Tô Thành, Trưởng Sử Bùi Ôn, Tư Mã Nguyên Quang Thiều, ba người nói: Nói với Thiền Sư đi. Mã Biệt Giá bèn hỏi: Các tăng trong triều, chuyên nói nhân duyên, lại không nói tự nhiên. Các đạo sĩ trong triều, chỉ nói tự nhiên, mà không nói nhân duyênĐáp: Tăng chỉ chuyên lập nhân duyên, không nói tự nhiên là sự ngu si sai lầm của tăng. Đạo sĩ chuyên lập tự nhiên, không nói nhân duyên là sự ngu si sai lầm của đạo sĩ. Mã Biệt Giá nói: Nhà sư nói nhân duyên thì có thể hiểu, cái gì là tự nhiên của nhà sư? Nếu như đạo sĩ nói tự nhiên thì có thể hiểu, cái gì là nhân duyên của đạo sĩ? Hòa Thượng đáp: Tự nhiên của nhà sư là bổn tính của chúng sinh. Lại như kinh văn có nói: Chúng sinhtự nhiên trí vô sư trí. Đó là tự nhiên. Nhân duyên của đạo sĩ, Đạo được gọi là tự nhiên. Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Từ Đạo trở xuống, đều thuộc nhân duyên. Nếu không có Đạo, nhất từ đâu sinh ra? Nay nói nhất, nhân Đạo mà lập. Nếu như không có đạo, vạn vật không sinh. Nay nói vạn vật, bởi vì có Đạo, mới bắt đầu có vạn vật. Nếu như không có Đạo. Cũng không có vạn vật. Nay nói vạn vật, đều thuộc nhân duyên.

[Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật 道生一一生二二生三三生萬物 là từ Đạo Đức Kinh 道德經 chương 42.]

[37] Đệ tử Tỳ-Khưu Vô Hành hỏi: Vô Hành gặp Tương Dương Tuấn Pháp Sư cùng các Pháp sư khác, ở Hòa Thượng đường cùng thảo luận sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không không tức thị sắc cùng với chuyện Long Nữ sát-na phát tâm rồi thành chính giác, các vấn đề đó. Vô Hành do đó có nghi. Hòa Thượng nói: Ông gặp các Pháp sư hỏi điều gì? Đáp: Kiến Phẩm Pháp Sư hỏi Tuấn Pháp Sư và những người kia, sắc bất dị không không bất dị sắc là gì. Tuấn Pháo Sư đáp: Mượn thân tướng Pháp Sư, có thể giải thích vấn đề này. Pháp Sư là gì? Nếu nói mắt không phải là Pháp Sư, miệng cũng không phải là Pháp Sư, cho đến tai và lưỡi này nọ kiểm tra từng cái, đều không là Pháp Sư. Chỉ có giả danh, cầu Phápcuối cùng không có được. Đó tức là không. Mượn vào duyên mà có, đó tức là sắc. Điều nghi ngờ hiện giờ của Vô Hành là cách Tuấn Phápgiải thích như thế. Xin Hòa Thượng vạch cho yếu chỉ. Hòa Thượng nói: Như Pháp Sư sở luận, tự làm đạo lý của một nhà, nếu tìm ý của kinh, thì chưa được tương ưng. Điều Tuấn Pháp Sư nói, phân tích vật để giải minh không, tức không hiểu tâm cảnh cao như Tu-di. Ông nay lắng nghe kỹ, sẽ nói vắn tắt cho ông. Tâm này khởi cho nên là sắc, sắc bất khả đắc cho nên là không. Lại nói: Pháp tính diệu hữu cho nên là sắc, sắc diệu hữu cho nên là không. Cho nên kinh nói: Sắc bất dị không. Lại nói: Thấy là sắc, thấy cái không thể thấy là không. Cho nên kinh nói: Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thụ tưởng hành thức cũng đều như thế.

[Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không không bất dị sắc 色不異空空不異色xuất phát từ Tâm Kinh Bát-nhã Ba-la-mật 心經般若波羅密. Đây là một kinh ngắn, hầu như người Phật tử nào cũng thuộc lòng. Nhưng mà đa số hiểu lầm xem chữ tâm đây có nghĩa như là tâm thức. Thiệt ra chữ tâm ở đây chỉ có nghĩa là cốt yếu, cốt tủy. Tác giả của kinh này có thể là Huyền Tráng 玄奘 (602-664). Long Nữ là cố sự trong Kinh Pháp Hoa 法華經. Tu Di 須彌, phiên âm chữ Sumeru, tên mt ngọn núi tượng trưng cho trung tâm vũ trụ trong văn hóa Ấn Độ.]

Hỏi: Chúng sinh phiền não, vô lượng vô biên, chư Phật Như Lai, Bồ-tát Ma-ha-tát, trải kiếp tu hành mà cũng không thể đắc, tại sao Long Nữ phát tâm trong sát-na lại thành chính giác? Hòa Thượng nói: Phát tâmđốn tiệm, mê ngộ có nhanh chậm. Nếu mê thì vướng nhiều kiếp, ngộ thì trong khoảnh khắc. Điều này khó hiểu, đề lấy ví dụ này cho ông trước, rồi sau mới giải thích ý nghĩa này. Thảng hoặc do đây mà được giác ngộ. Ví dụ như một cọng cỏ lệ, số nó vô lượng, nếu gộp lại thành một sợi giây, đặt lên gỗ, kiếm sắc chém một nhát, lập tức đều đứt ngay. Số sợi tuy nhiều, không chịu được một kiếm. Phát bồ-đề tâm cũng y như vậy. Nếu gặp được thiện tri thức chân chính, dùng phương tiện thiện xảo, chỉ thẳng chân như, dùng kim cương huệ, chặt đứt phiền não trên các địa, hoát nhiên hiểu ngộ, tự thấy pháp tính bổn lai không tịch, huệ lợi minh liễu, thông đạt vô ngại. Lúc chứng được điều này, vạn duyên đều dứt bặt. Hằng sa vọng niệm, một lúc đều diệt hết, vô biên công đức, lập tực đầy đủ. Kim cương huệ phát, làm sao không thành tựu.

[Phát bồ-đề tâm 發菩提心 bodhicittotpada. Bồ-đề có nghĩa là trí huệ hay giác ngộ. Phát bồ-đề tâm ngụ ý nói thoạt tiên trên đường tu tập hành giả phải phát bồ-đề tâm, có nghĩa phát sinh cái tâm hướng đến bồ-đề. Cũng có cách giải thích khác là phát khởi cái tâm hiác ngộ của mình. Địa 地 bhūmi chỉ các giai tầng mà Bồ-tát trải qua trên con đượng đạt đến giác ngộ viên mãn. Có thập địa tức là mười giai tầng.]

Hỏi: Nghe Tuấn Pháp Sư nói: Long Nữ là quyền, không phải là thực. Nếu đó là thực, sát-na phát tâm lại có thể đoạn được phiền não trên các vị địa? Nghe Tuấn Pháp Sư nói như thế, Vô Hành có nghi, xin Hòa Thượgn chỉ thị lần nữa. Hòa Thượng nói: Vừa rồi dùng sợi làm ví dụ để giải minh, nếu hợp tất cả chỗ thấy, sao còn có nghi nữa. Hoa Nghiêm Kinh nói: Ban sơ của thập tín, phát kim cương huệ, liền thành chính giác.Bồ-đề pháp, nào có thứ đệ. Nếu nói Long Nữ là quyền, viên đốn bất tư nghị giáo của Pháp Hoa Kinh, còn có uy lực gì nữa.

[Quyền 權có nghĩa là tạm trái với thực 實.]

[38] Đệ Tử Vô Hành hỏi: Nghe Tuấn Pháp Sư giảng, Pháp Hoa Kinh nói ý nghĩa của Như Lai ngũ nhãn, từ giả nhập không, gọi là huệ nhãn, từ không nhập giả, gọi là pháp nhãn. Phi không phi giả, gọi là Phật nhãn, đô thành đạo tục, thán bất khả tư nghị. Vô Hành đối với việc này có nghi, chưa hiểu điều nói có đúng hay không? Hòa Thượng nói: Ông có điều nghi gì, nay thử nói ra xem. Điều Vô Hành nghi là, việc nói trong kinh, Như Lai ngũ nhãn, thường tại tam-muội, tất thấy quốc độ của chư Phật. Không có nhị tướng, làm sao mà huệ nhãn phải từ giả nhập không. Tại sao pháp nhãn lại từ không nhập giả? Nếu là như thế, đều là dựa vào nhân, nếu không nhân giả, tức không thể nhập không. Nếu không dựa vào không, tức không thể nhập giả. Phải biết rằng nhập không tức không giả, nhập giả tức bất không. Giả không hai đường, pháp huệ cách biệt, Phật viên chân nhãn, không thể có dị biệt. Mối nghi là ở đó, lại xin Hòa Thượng giải quyết cho. Hòa Thượng nói: Bởi vì người có sắc bén chậm lụt khác nhau, cho nên có đốn tiệm. Điều Pháp Sư nói, là vì kẻ mê mờ. Nếu luận Như Lai ngũ nhãn, thì thực không như thế. Như Lai biểu thị đồng phàm phu, cho nên nói có nhục nhãn. Tuy là như thế, chỗ thấy không đồng với phàm phu. Phục bạch Hòa Thượng, lại xin chỉ thị cho. Hòa Thượng nói: Thấy sắc thanh tịnh, gọi là nhục nhãn. Thấy thanh tịnh thể, đối với các tam-muội cùng tám vạn bốn ngàn loại ba-la-mật, đều ở chỗ thấy. Một lúc khởi dụng, gọi là huệ nhãn. Thấy thanh tịnh thể, không thấy không không thấy, gọi là pháp nhãn. Thấy không tịch không chiếu, gọi là Phật nhãn.

[39] Cấp Sự Trung Phòng Oản hỏi: Ý nghĩa của phiền não tức bồ-đề. Đáp: Nay mượn hư không làm ví dụ. Như hư không bổn lai không động tĩnh, không vì sáng đến mà sáng, tối đến mà tối. Cái không tối (ám không) này không khác với cái không sáng (minh không) không sáng không khác với không tối. Sáng tối tự có đi đến, hư không nguyên vô động tĩnh. Phiền não là bồ-đề, ý nghĩa này cũng thế. Mê ngộ tuy có khác biệt, bô-đề tâm nguyên lai bất độngHỏi: Có phiền não gì mà phải cần đến ngộ? Đáp: Kinh nói: Phật vì người căn cơ trung bình cho đến thấp, nói mê ngộ pháp. Đối với người căn cơ cao, thì không như thế. Kinh nói: Bô-đề không từ quá khứ đến hiện tại, cho nên không có người đắc, hiểu lầm nghĩa này, thì chỗ thấy không khác với Cấp Sự. Thấy được như thế, không phải là cái mà những người trung bình và thấp có thể suy trắc được..

[40] Tuấn Nghi Huyện Ủy Lý Oan hỏi về ý nghĩa của tự nhiênHỏi:Tối sơ Phật có do nhân mà đắc đạo không? Nếu nói không do nhân mà đắc đạo, dựa vào giáo lý nào để thành Phật? Đáp: Chúng sinh vốn có vô sư trí tự nhiên trí. Chúng sinh nương vào tự nhiên trí, được thành Phật. Phật dùng pháp này triển chuyển giáo hóa chúng sinh để đắc được đẳng chính giácHỏi:Trước đây chúng sinh, nói có tự nhiên trí được thành Phật. Tại sao chúng sinh hiện nay, đều có Phật tính. Sao lại không co tự nhiên trí, cho nên không thành Phật được. Đáp: Chúng sinh tuy có tự nhiên Phật tính, vì mê cho nên không giác. Bị phiên não che phủ, lưu lãng sinh tử, không được thành PhậtHỏi: Chúng sinh bổn lai tự tính thanh tịnh, cái phiền não kia từ đâu mà sinh ra? Đáp: Phiền nãoPhật tính, cùng có như nhau. Nếu được thiện tri thức chân chính chỉ thị, thì có thể liễu tính ngộ đạo. Nếu không gặp được thiện tri thức chân chính chỉ thị, thì tạo các ác nghiệp, không xuất ly sinh tử được, cho nên không thể thành Phật. Giống như vàng và quặng lúc còn nương vào nhau mà có, nếu không gặp thợ vàng, chỉ được gọi là quặng vàng, không được sử dụng như vàng. Nếu gặp được thợ vàng nung luyện, tức đạt được chỗ dụng của vàng. Giống như phiền não dựa vo tính mà trụ, nếu như liễu được bổn tính, phiền não tự nhiên biến mất. Hòa Thượng lại hỏi rằng: Như thế gian thể, bổn có nay không, Lý Thiếu Phủ đáp: Bởi vì con người tạo ra cho nên nay có thể. Hòa Thượng lại hỏi:Nếu như vì con người tạo ra cho nên nay có, sài giết thú, rái cá giết cá, thiên nhiên tự làm, đâu có do con người làm. Nếu đạt được lý này, hiểu rõ được vấn đề trước có. Như chúng sinh Phật tính, cũng giống như vầy. Đây tức là bổn lai tự có, không dựa vào cái khác mà có.

[41] Nội lang Huyện Lệnh Trương Vạn Khoảnh hỏi: Chân như giống cái gì? Đáp: Điều này các đại đức đạo tục đều nói, không biến đổi gọi là chân. Thần Hội nay lại không như thế. Nay nói chân là không thể biến đổi, cho nên gọi là chân. Gọi là như, xưa nay chư đại đức đạo tục đều nói, hai vật tương tự gọi là như. Hội hiện giờ không nghĩ như thế. Không có vật gì tương tự gọi là như. Hỏi: Phật tính có hay không? Đáp: Phật tính không phải vật của một phía (biên/邊, cũng có nghĩa là cực đoan), cớ gì hỏi có hay không? Hỏi: Thế nào là vật không thuộc một phía? Đáp: Không hữu không vô, là ý nghĩa của không thuộc về một phía. Hỏi: Thế nào là bất hữu? Thế nào là bất vô? Đáp: Bất hữu là không nói về không có. Bất vô là không nói về không không. Cả hai đều bất khả đắc, cho nên là không thuộc về một phía.

[42] Môn nhân Thái Cảo gặp Vũ Hạo hỏi về trung đạo nghĩa của Trung Thiền SưĐápHữu vô đều loại trung đạo cũng trừ. Hỏi: Kinh nói ngũ lục hay thập độ. Trung Thiền Sư đáp: Là không. Hỏi: Không rồi hữu có có không? Đáp: Tướng phi tướng lại có thức cùng sinh, cho nên Trung Thiền Sư trả lời như thế. Vũ Hạo đem điều đó ra hỏi Hòa Thượng. Hòa Thượng nói: Vũ Bát Lang, từ tháng ba đến tháng mười, chỉ hỏi một vấn đề này. Hội nay nói vấn đề này có dị biệt với Trung Thiền Sư. Vũ Hạo nói: Dị biệt ở chỗ nào? Đáp: Hữu vô đều loại trung đạo cũng trừ tức là vô niệm. Vô niệm tức là một niệm. Một niệm tức là nhất thiết trí. Nhất thiết trí tức la thậm thâm Bát-nhã-ba-la-mật. Bát-nhã-ba-la-mật tức là Như Lai Thiền. Cho nên kinh nói: Phật nói: Thiện nam tử, ông dùng gì để quán Như Lai? Duy-ma-cật nói: Như tự quán thân thực tướng, quán Phật cũng thế. Tôi quán Như Lai, không đến từ phía trước, không đi về phía sau. Nay đã vô trụ, vì vô trụ cho nên tức là Như Lai Thiền. Như Lai Thiền tức là đệ nhất nghĩa không. Vì như thế, Bồ-tát Ma-ha-tát tư duy quan sát như thế, tiến tới rất nhanh, tự giác thánh trí.

[43] Lạc Dương Huyện Lệnh Từ Ngạc hỏi: Tất cả chư Phật và chư Phật a-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề pháp, đều xuất phát từ kinh này. Không hiểu là Phật trước hay pháp trước. Nếu Phật có trước, thì bẩm thụ giáo lý gì mà thành đạo? Nếu như Pháp có trước thì Pháp do ai nói? Đáp: Nếu luận về văn tự pháp thì Phật trước Pháp sau, nếu luận từ mặt tịch diệt Pháp, thì Pháp trước Phật sau, lại rõ rệt trong kinh nghĩa. Kinh nói: Thầy của chư Phật, đó là Pháp. Bởi vì Pháp thường hằng chư Phật cũng thường hằng. Còn như Phật bẩm thụ giáo lý gì mà thành đạo. Kinh có nói, chúng sinhvô sư trí, có tự nhiên trí. Chúng sinh nương vào tự nhiên trí, tùy tiện tu tập, gọi là tịch diệt pháp, được thành Phật. Rồi Phật đem Pháp này tiếp tục lưu chuyển để giáo hóa chúng sinh. Chúng sinh nương vào lời Phật dạy tu tập, được thành chính giác.

[44] Nam Dương Thái Thú Vương Bật hỏi: Ý nghĩa của sinh trụ dị diệt theo Kinh Lăng-già. Đạp: Ý nghĩa này có hai loại. Hỏi: Thế nào là hai loại? Hỏi: Tại sao phân ra hai loại? Đáp: Con người lúc thụ thai, gọi là sinh, lớn lên đến ba mươi, gọi la trụ, mặt nhăn tóc bạc, gọi là dị, vô thường đến nơi, gọi là diệt. Lại như hạt lúa khi mới nẩy mầm, tức la sinh, đã sinh rồi tức trụ, đó là thuộc về trụ. Đã sinh tức là khác với lúc chưa sinh, đó là ý nghĩa của dị, tức là sinh đã hàm chứa diệt, đó là ý nghĩa của diệt. Bồ-tát-ma-ha-tát, Bát-nhã-ba-la-mật tâm, tức là đầy đủ bốn tướng này. Hỏi:Thiền Sư, do đó nói thông hay, hay là tông thông? Đáp: Nay điều nói, nói cũng thông, tông cũng thông. Hỏi: Như thế là nói thông, hay như thế là tông thông? Đáp: Miệng nói bồ-đề, tâm vô trụ xứ. Miệng nói Niết-bàn, tâm duy tịch tĩnh. Miệng nói giải thoát, tâm không trói buộc. Đó là thuyết thông, tông không thông. Hỏi: Có phải là tông thông không? Đáp: Chỉ cần liễu tri tự tính vốn không tịch, không cần phải khởi quá, tức là tông thông. Hỏi: Đúng vào lúc nói, lại không là sinh diệt sao? Đáp: Kinh nói: Có thể khéo phân biệt các pháp tướng, ở đệ nhất nghĩa mà không động.

[Ba mươi theo quan điểm của văn hóa Trung Quốc là tuổi chín chắn nhất của người đàn ông. Đây là dựa theo khái niệm tam thậ nhi lập 三十而立. Triết học Phật Giáo và cả Ấn Giáo nhấn mạnh sinh hàm chứa diệt. Diệt không phải là một cái gì từ ngoài sinh đến diệt sinh.]

[45] Dương Châu Trưởng Sứ Vương Di hỏi: Phật tính đã ở trong tâm chúng sinh, lúc chết đi xuống (nhập) địa ngục, cái Phật tính kia có xuống hay không? Đáp: Thân là vọng thân, tạo nghiệp địa ngục, cũng là vọng tạo. Hỏi: Đã là vọng tạo, thì cái xuống (địa ngục) kia là xuống đâu? Đáp: Xuống đó là vọng nhập. Hỏi: Đã là vọng nhập, thì (Phật) tính kia ở đâu? Đáp: Tính không lìa vọng. Hỏi: Như thế có là cùng xuống không? Đáp: Tuy cùng xuống nhưng mà không thụ. Hỏi: Đã không lìa vọng, tại sao có thể xuống mà không thụ được? Đáp: Giống như trong mộng bị đánh, vì thân ngủ không giác tri, Phật tính tuy cùng xuống, nhưng mà không bị thụ gì cả. Cho nên biết rằng tạo nghiệp là vọng, địa ngục cũng là vọng. Vọng tự mê mờ cái chân, tính vốn không thụ.

[46] Chí Đức Pháp Sư hỏi: Ý nghĩa của sinh trụ dị diệt là thế nào? Đáp: Sinh trụ dị diệt chính là nói một. Đã có một tất có bốn. Vô thủy vô minh, dựa vào Như Lai Tạng, cho nên lúc một niệm vi tế sinh, khắp tất cả mọi nơi, lục đạo là do chúng sinh tạo, bất giác bất tri, không đâu không bao trùm, cũng bất giác bất tri, từ đâu mà đếnm đi về nơi nào. Thế có nghĩa là thể của chúng sinhlục đạo. Tại sao như thế? Chúng sinh cũng niệm biến tri khổ lạc của lục đạo, đã từng thụ, cho nên biết dựa vào thức mà có sinh trụ đi đến. Chân thức như như, đều không có đến đi sinh diệt. Giống như lúc một người mắt đang ngủ, tâm vô minh biến khắp mọi nơi, tỉnh dậy có (cảm thức) thô tế, cho nên biến bất biến. Giống như hạt lúa đã hàm chứa mầm, đó là ý nghĩa của sinh. Đã sinh rồi tức là trụ cái sinh. Đã trụ tức là khác với lúc chưa sinh. Có nghĩa là trong cái sinh đã bao hàm cái diệt. Đó là ý nghĩa của sinh trụ dị diệt.

[47] Viễn Pháp Sư hỏi: Tại sao không tận hữu vi? Tại sao không trụ vô vi? Đáp: Không tận hữu vi là từ khi mới phát tâm, cho đến bồ-đề thụ thành đẳng chính giác, cho đến song lâm nhập Niết-bàn, trong ấy tất cả các thiện, tất đều không xả, tức là không tận hữu vi, bất trụ vô vi. Tu học không (空), không lấy không làm chứng đắc, tu học vô trụ, không lấy vô trụ làm chứng đắc, đó là không trụ vô vi. Tọa niệm không khởi là tọa, thấy bổn tính là thiền.

[48] Viễn Pháp Sư nói: Thiền Sư tu pháp gì hành hành gì? Hòa Thượng đáp: Tu Bát-nhã-ba-la-mật pháp, hành Bát-nhã-ba-la-mật hành. Viễn Pháp Sư hỏi: Tại sao không tu các pháp khác, không hành các hành khác? Hòa Thượng đáp: Tu hành Bát-nhã-ba-la-mật có nhiếp tất cả các pháp. Hành Bát-nhã-ba-la-mật hành, tức là căn bản của tất cả các hành. Cho nên Kim Cương Bát-nhã-ba-la-mật là tối tôn tối thắng tối đệ nhất, không sinh không diệt không đến không đi. Tất cả chư Phật từ đó mà ra, Thắng Thiên Vương Bát-nhã Kinh nói: Tại sao Bồ-tát Ma-ha-tát học Bát-nhã-ba-la-mật, thông đạt thậm thâm pháp giới. Phật nói với Thắng Thiên Vương: Đại Vương, đó là như thực. Thế Tôn: như thực là gì? Đại Vương, đó là không biến đổi. Thế Tôn: Thế nào là không biến đổi? Đại Vương: Gọi là như như. Thế Tôn: Như như là gì? Đai Vương: Điều này có thể lấy trí mà biết, không phải ngôn ngữ có thể nói được. Tại sao vậy? Bởi vì nó vượt qua văn tự, không thử không bỉ, lìa tướng vô tướng, xa lìa tư lương, vượt ngoài đối tượng của giác quan. Do liễu đạt thậm thâm Pháp Giới, phát tâm cứu cánh hai thứ không khác biệt. Hai tâm này tâm trước khó. Tự mình chưa đắc độ trước độ người khác. Cho nên tôi lễ các Bô-tát sư phát tâm. Giải Thoát Bồ-tát nói: Thế Tôn: Cái tâm vô sinh, có gì thủ xả, trụ pháp tướng gì. Phật nói: Cái tâm vô sinh, không thủ không xả, trụ nơi bất tâm, trụ nơi bất pháp. Tâm Vương Bồ-tát nói: Thế Tôn: Vô sinh Bát-nhã, ở khắp mọi nơi không trụ, ở khắp mọi nơi không lợi. Tâm vô trụ xứ, vô xứ trụ tâm, vô trụ vô tâm, tâm vô sinh trụ, tâm là vô sinh. Tôn Giả: Tâm vô sinh hành, bất khả tư nghị. Tâm Vương Bồ-tát nói: Như vô sinh hành, tính tướng không tịch, không thấy không nghe, không đắc không thất, không ngôn không thuyết, không tri không tướng, không thủ không xả. Thủ là gì? Nếu nói chứng (ngộ) tức là tranh luận, vô tránh vô luận, là vô trụ hành. Thiên tư vạn lợi đều vô ích. Đạo lý tắc vô sinh diệt, như thực không khởi các thức. An tịch trôi chảy không sinh, đắc pháp nhãn tịnh, đó gọi là Đại Thừa.

[49] Viễn Pháp Sư hỏi: Thiền Sư, miệng xưng tông chỉ Đạt-ma, chưa hiểu Thiền môn có tương truyền phú chúc, xin nói điều này. Đáp: Từ xưa đến nay, có đủ tương truyền phú chúc. Hỏi: Cho đến nay là bao nhiêu đời rồi? Đáp: Cho đến nay là sáu đời. Xin nói sáu đời đại đức là các vị nào? Nói rõ nguyên do truyền thụ.

[Trước câu “Xin nói sáu đời…“ thiếu mất chữ “Hỏi”. Rõ ràng đây là câu hỏi của Viễn Pháp Sư.]

[50] Đời thứ nhất là hậu Ngụy Tung Sơn Thiếu Lâm Tự có Bà-la-môn tăng tên là Bồ-đề-đạt-ma, là con thứ ba của quốc vương Nam Thiên Trúc. Xuất gia từ bé, ngộ Tối Thượng Thừa, trong các tam-muội, chứng Như Lai Thiền. Rong thuyền khắp biển, vượt sóng xa xôi đến đất Hán. Rồi gặp Huệ Khả. Huệ Khả theo Đạt-ma, đến Tung Sơn Thiếu Lâm Tự, theo hầu sát bên. [Một hôm] đứng trước Đạt-ma đường, đêm đó tuyết rơi, ngập đến hông Huệ Khả. Huệ Khả đứng không rời chỗ. Đại Sư trông thấy, hỏi: Ông tại sao lại đứng trong tuyết. Huệ Khả bạch với Đại Sư: Hòa Thượng từ Tây phương xa đến nơi này, ý muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh. Huệ Khả không tiếc thân thể, chí cầu thắng Pháp. Xin nguyện Hòa Thượng, đại từ đại bi, văn Phật tri kiến,cứu cái khổ của chúng sinh, bạt cái nạn của chúng sinh, là điều sở vọng. Đạt-ma Đại Sư nói: Ta thấy người cầu pháp, đều không như vầy. Huệ Khả lấy dao, tự cắt cánh tay trái, đặt trước Đạt-ma. Đạt-ma chấp nhận Huệ Khả vì cầu thắng Phápxả bỏ thân mạng, giống như chuyện ở tuyết sơn xả thân để xin nửa câu kệ. Bèn nói: Ông có thể bước tới, trước tiên đặt tên cho ông là Thần Quang, do đó mà có tên ấy. Rồi gọi là Huệ Khả. Đạt-ma Đại Sư mới dựa theo Kinh Kim Cương Bát-nhã, thuyết Như Lai Tri kiến truyền cho Huệ Khả. Huệ Khả sau khi nghe lời dạy trở thành phù hợp với Pháp, rồi được truyền cà-sa để làm Pháp tín. Giống như câu truyện Phật truyền cho Sa Kiệt Long Vương Nữ. Đại Sư nói: Kim Cương Kinh một quyển, trực liễu thành Phật. Các ông người đời sau, theo Bát-nhã môn tu học, bất vi nhất pháp, tức là Niết-bàn, bất động thân tâm, thành vô thượng đạo.

[… “phù hợp với Pháp”, pháp khế 法契. Tất cả các đoạn dưới đây đều dùng từ pháp khế 法契thay vì pháp khí 法器như trong hầu hết các văn tịch Trung Quốc. Có lẽ vì khế 契và khí 器đều phát âm là qi. Pháp khí ngụ ý hành giả đã đủ khả năng để truyền thụ Pháp.]

Đạt-ma Đại Sư tiếp dẫn đạo tục, trải qua sáu năm, lúc ấy có nạn khởi, sáu lần bị đầu độc, năm lần ăn xong, đều đào đất nhổ ra. Nói với Huệ Khả: Ta với đất Hán duyên đã hết, ông sau này cũng không tránh được nạn này, đến sau đời thứ sáu, người truyền pháp, sinh mệnh như giây tơ. Các ông khéo trụ. Nói xong rồi thiên hóa, táng ở Tung Sơn. Lúc ấy có quốc sứ Tống Vân, trên ngọn Thông Lĩnh, gặp một Hồ tăng, một chân đi giày, một chân không, nói với Sứ Tống Vân: Hán gia thiên tử của các ông, ngày nay vô thường. Tống Vân nghe thế, hết sức kinh ngạc, lập tức ghi lại ngày tháng. Tống Vân bèn hỏi Đạt-ma Đại Sư, ở Hán địa hành hóa, có người tín thụ hay không. Đạt-ma Đại Sư nói: Sau ta hơn bốn mươi năm, có người ở Hán địa, sẽ hoằng Pháp của ta. Tống Vân về đến triều đình gặp Hoàng Đế, nhưng Hoàng Đế đã mất trước đó rồi. Rồi lấy ghi chép ngày tháng lúc gặp Hồ tăng ra so sánh, thì không có sai biệt. Tống Vân mới nói với bách quan trong triều biến cố kia. Lúc ấy trong triều đình cũng có mấy chục môn đồ của Đạt-ma, nói với nhau: Không phải là Hòa Thượng cùa chúng ta sao? Rồi phát mộ khai quan, không thấy Pháp thân, chỉ thấy trong quan tài có một chiếc giầy. Toàn quốc mới biết đó là thánh nhân. Chiếc giầy kia hiện được thờ phượngThiếu Lâm Tự. Lương Vũ Đế làm văn bia, hiện còn ở Thiếu Lâm Tự.

[51] Đời thứ hai Bắc Tề Khả Thiền Sư, được Đạt-ma truyền thửa. Họ ngoài đời là Chu, người Vũ Hán. Lúc ấy bốn mươi tuổi, phụng sự Đạt-ma suốt chín năm. Nghe nói Kinh Kim Cương Bát-nhã-ba-la-mật, chứng được nguyên lý Như Lai thực vô hữu Pháp là Phật. Bồ-đề lìa tất cả các pháp, đó gọi là chư Phật. Sau khi được thụ ký, trải qua Chu Vũ Đế diệt Phật Pháp, đi ẩn cư ở Thư Châu Nghiễn Sơn. Sau khi Đạt-ma nhập diệt hơn bốn mươi năm, trùng khai Pháp môn, tiếp dẫn quần phẩm. Lúc ấy Sán Sư phụng sự, trước sau trải sáu năm. Sư dựa theo Kinh Kim Cương, giảng Như Lai tri kiến. Nghe giảng bèn giác ngộ thụ trì đọc tụng kinh này, tức là Như Lai tri kiến, mật truyền mặc ngữ, trở thành khế hợp với Pháp. Được truyền cà-sa để làm Pháp tín. Giống như ghi chép việc Văn-thù-sư-lợi truyền cho Thiện Tài. Khả Đại Sư nói với Sán: Ta về Nghiệp Đô trả nợ, rồi từ Nghiễn Sơn đến Nghiệp Đô thuyết pháp. Hoặc ở nơi thị tứ đường ngõ, không ở đâu lâu, đạo tục đều qui ngưỡng, đông không kể xiết. Trải qua mười một năm, lúc ấytai nạn, phiến loạn nổi lên. Bị bài báng, vì yêu tà hại loạn Phật Pháp, rồi Thành An Huyện lệnh tụ tập đồng đảng, người này không hiểu lý do gì lại đánh chết Huệ Khả. Chết hơn một đêm sống lại, rồi lại bị đầu độc mà chết. Cố sự trong Dương Lăng-già Nghiệp Đô quyển mười có thuật đầy đủ sự việc này.

[Cố sự Văn-thù-sư lợi và Thiện Tài này là trong Hoa Nghiêm Kinh.]

[52] Đời thứ ba Tùy triều Sán Thiền Sư, được Huệ Khả truyền thừa. Không rõ danh tính, cũng không biết là người miền nào. Được Khả Sư thụ ký. Bởi vì tị nạn, thị tứ náo loạn, gửi thân trong rừng núi, ẩn cư tại Tư Không Sơn ở Tư Châu. Lúc ấy Tín Thiền Sư, tuổi ba mươi, phụng sự suốt chín năm. Sư dựa vào Kinh Kim Cương, giảng Như Lai Tri Kiến, nghe rồi liền chứng thực khôngchúng sinh được diệt độ. Thụ mặc ngữ đã trở thành khế hợp với Pháp, rồi được truyền cà-sa để làm Pháp tín. Giống như minh nguyệt bảo châu xuất phát từ biển lớn, Sán Đại Sư cùng Bảo Nguyệt Thiền Sư cùng với Định Công đi La Phù Sơn. Lúc ấy Tín Thiền Sư cũng muốn đi theo Sán Đại Sư. Sán Đại Sư nói: Ông không nên đi. Sau này sẽ có lợi ích hoằng Pháp lớn. Sán Đại Sư đến La Phù Sơn, ba năm sau muốn quay về Nghiễn Sơn, nơi đã từng ở. Nói với [các đồ đệ]: Các ông thí lương thực trai cho ta. Đạo tục tất cả đều qui y, không người nào không bố thí. Bầy đồ chay, mọi người ăn xong, trong trai trường có một cây đại thụ. Lúc ấy Sư đứng dưới cây, chắp tay mà mất. An táng Au sơn cốc tự. Trong chùa có bia khắc và hình tượng. Cho đến nay vẫn được thờ phượng.

[Sán Thiền Sư tức là Tăng Sán 僧璨 (496-606).]

[53] Đời thứ tư Đường triều Tín Thiền Sư, được Sán Thiền Sư truyền thừa. Họ ngoài đời là Tư Mã, người Hà Nội. Sau khi được phú chúc, đi về Cát Châu, gặp phải lúc cuồng tặc vây thành, suốt hơn trăm ngày. Suối giếng đều khô. Tín Thiền Sư từ ngoài vào thành, khuyến dụ đạo tục, niệm Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật. Lúc ấy lập tức cuồng khấu rút lui, suối giếng nước chảy tràn trề. Thành ấy được an toàn. Gặp được người giải thoát, Cát Châu được giải thoát. Rồi Sư đến trên đỉnh Lô Sơn, nhìn thấy trên đỉnh Phá Đầu Sơn ở Hoàng Mai Kỳ Châu có đám mây tím, bèn ở lại núi ấy, đổi tên là Song Phong Sơn. Lúc ấy Nhẫn Thiền Sư mới bảy tuổi theo hầu suốt hơn ba mươi năm. Dựa vào Kinh Kim Cương, thuyết Như Lai tri kiến, nghe lời dạy lại chứng được Tối Thượng Thừa Pháp, ngộ được nguyên lý tịch diệt, nhẫn thụ mặc ngữ, đã trở thành khế hợp với pháp. Rồi được truyền cà-sa để làm Pháp tín. Giống như Tuyết Sơn đồng tử được ngọc như ý. Tín Đại Sư trùng khai Pháp môn, tiếp dẫn chúng sinh, long tượng bốn phương thảy đều vui vẻ qui y. Trải hơn hai mươi năm. Vào tháng tám năm Vĩnh Huy thứ hai, hốt nhiên ra lệnh cho Đệ tử Nguyên Nhất, tạo một ngôi mộ bên sườn núi. Vào ngày bốn tháng chín nhuận, hỏi mộ đã xong chưa. Được báo là đã hoàn tất. Sư bèn đến nơi, thấy mộ đã hoàn tất, quay về phòng, lặng lẽ thiên hóa. Đại Sư thọ bảy mươi hai tuổi. Hôm ấy đại địa chấn động, mặt trời mặt trăng không ánh sáng, lá rừng héo úa. Táng được nửa năm, mộ tự nhiên mở ra, cho đến nay vẫn chưa đóng lại. Đỗ Chính Luân viết văn bia. Bia này hiện vẫn còn trong núi.

[Tín Thiền Sư tức là Đạo Tín 道信 (580-651).]

[54] Đời thứ năm Đường triều Nhẫn Thiền Sư, được Tín Đại Sư truyền thừa. Họ ngoài đời là Chu, người Hoàng Mai. Sau khi được [Đạo Tín] thụ ký, lui về ở tại Phùng Mộ Sơn, ở phía đông Song Phong Sơn. Thuở ấy thiên hạ đặt cho biệt hiệuĐông Sơn Pháp Môn. Là như thế. Lúc ấy Năng Thiền Sư phụng sự suốt tám tháng. Sư dựa vào Kinh Kim Cương, thuyết như Lai Tri kiến, nghe rồi đắc chứng. Nếu tâm này có trụ lại là phi trụ. Sư mật thụ mặc ngữ, đã trở thành khế hợp với pháp. Rồi được truyên cà-sa để làm Pháp tín. Giống như trong Thích-ca-mâu-ni Thụ Di-lặc Ký, Nhẫn Đại Sư khai Pháp hơn ba mươi năm, tiếp dẫn đạo tục, bốn phương qui y, quay về như mây. Đến năm Thượng Nguyên nguyên niên, Đại Sư tuổi bảy mươi tư, năm ấy vào ngày mười một tháng mười hai, lặng lẽ tọa hóa. Hôm ấy, núi lở đất động, mây che nhật nguyệt. Lư Khâu Quân viết văn bia. Bia này thấy ở Hoàng Mai.

[Nhẫn Thiền Sư tức là Hoằng Nhẫn 弘忍 (601-674).]

[55] Đời thứ sáu Đường Triều Năng Thiền Sư, được truyền thừa bởi Nhẫn Đại Sư. Họ ngoài đời là Lư, tổ tiên là người Phạm Dương. Bởi vì đi làm quan ở Lĩnh ngoại cho nên sống ở Tân Châu. Tuổi hai mươi hai đến Đông Sơn bái lạy Nhẫn Đại Sư. Nhẫn Đại Sư nói: Tại sao lại bái lạy ta? Ý muốn cầu cái gì? Năng Thiền Sư đáp: Đệ tử từ Lĩnh Nam Tân Châu đến đảnh lễ, duy cầu làm Phật, không cầu bất cứ gì khác. Nhẫn Đại Sư nói Ông là dân quê mùa Lĩnh Nam, làm sao mà kham nổi Phật Pháp? Năng Thiền Sư nói: Phật tính của kể quê mùa với Phật tính của Hòa Thượng, có gì sai biệt? Nhẫn Đại Sư ngầm cảm thấy cái kỳ đặc của lời nói kia, rồi không muốn nói nữa bởi vì có nhiều người chung quanh, chỉ đuổi Huệ Năng đi, ra lệnh theo quần chúng làm việc. Cuối cùng đi giã gạo cho đồ chúng. Suốt tám tháng trời.

[Quê mùa, 猲獠cát liêu. Thuở ấy người miền Bắc dùng từ này để gọi người thôn dã miền Nam.]

Nhẫn Đại Sư tìm trong đại chúng xem ai có thượng kiến. Nói chuyện với Huệ Năng, thấy Huệ Năng thật sự liễu đạt kiến tính, đợi đến đêm, bí mật gọi vào phòng. Ba ngày ba đêm nói chuyện với nhau, Huệ Năng liễu tri chứng Như Lai tri kiến, không chút nghi trệ. Sau khi phú chúc xong , nói: Duyên của ông ở Lĩnh Nam, nên mau đi ngay, chúng nhân mà biết được, sẽ muốn hại ông. Năng Thiền Sư nói: Hòa Thượng, làm sao mà đi được? Nhẫn Đại Sư nói: Ta đích thân đưa ông. Đêm ấy, đến trạm Cửu Giang, lúc ấy có thuyền qua sông. Đại Sư tiễn [Huệ Năng] qua sông rồi, đêm ấy quay về bổn sơn. Chúng nhân không ai biết gì xảy ra. Đến ba hôm sau, Nhẫn Đại Sư nói: Đồ chúng nên giải tán, trong núi này không có Phật Pháp. Phật Pháp đã qua sông về Lĩnh Nam rồi. Chúng nhân nghe Đại Sư nói như thế, đều hết sức kinh ngạc, đưa mắt nhìn nhau thất sắc. Rồi nói với nhau: Lĩnh Nam có ai? Cứ thế hỏi lẫn nhau. Trong đại chúng có Lộ Châu Pháp Như nói: Ở đây chỉ thiếu Huệ Năng thôi, rồi mọi người đổ xô đi tìm. Trong đại chúng có một tứ phẩm tướng quân xả quan nhập đạo, họ ngoài đời là Trần, có tự là Huệ Minh, ở dưới trướng của Đại Sư đã lâu, mà không khế ngộ được.Nghe Đại Sư nói thế, bèn lập tức đêm ngày rong ruổi, đến trên đỉnh Đại Dữu Lĩnh thì gặp nhau. Năng Thiền sư sợ hãi cấp bách, e rằng thân mệnh khó mà bảo toàn. Lấy cà-sa ra trao cho Huệ Minh. Huệ Minh Thiền Sư nói: Tôi vốn không vì cà-sa mà đến. Lúc Đại Sư đưa ông đi, có lời ngôn giáo. Xinh giải thích dùm cho tôi. Năng Thiền Sư giải thích rốt ráo tâm pháp, Minh Thiền Sư nghe giảng tâm pháp xong, chắp tay đảnh lễ. [Huệ Năng] vội vã vượt núi.

Sau đó có rất nhiền người đuổi theo. Năng Thiền Sư vượt núi đến Thiều Châu sống ở Tào Khê, qua lại bốn mươi năm, dựa theo Kinh Kim Cương, trùng khai Như Lai tri kiến. Bốn phương đạo tục, kéo đến như mây. Giống như mặt trăng ở trên bầu trời, chiếu ngay tất cả sắc tượng, giống như đêm rằm trung thu. Tất cả chúng sinh không ai không chiêm ngưỡng. Đến năm Cảnh Vân thứ hai, hốt nhiên ra lệnh cho đệ tữ Huyền Giai Trí Bổn, xây một ngôi tháp tại nhà cũ ở Tân Châu Long Sơn. Vào tháng tám năm Tiên Thiên thứ nhất, từ Tào Khê trở về Tân Châu. Vào ngày mồng ba tháng tám năm Tiên Thiên thứ hai, hốt nhiên nói với các môn đồ: Ta sắp đi xa đây. Đệ tử tăng Pháp Hải hỏi Hòa Thượng: Sau này có người tương thừa không? Có y này tại sao không truyền? Hòa Thượng nói: Hiện giờ ông đừng hỏi, sau này nạn khởi rất nhiều. Ta vì cà-sa này gần mất thân mạng. Ông nên biết răng sau khi ta diệt độ, hơn bốn mươi năm, tông này sẽ được thụ lập. Đêm ấy lặng lẽ tọa hóa. Đại Sư thọ bảy mươi sáu tuổi. Hôm ấy núi lở đất động, nhật nguyệt không ánh sáng. Lá rừng biến thành trắng, có dị hương phưng phức. Suốt mấy ngày trời, khe rãnh Tào Khê nước không trôi. Suối hồ khô cạn suốt ba ngày. Năm ấy ở Tân Châu Quốc Ân Tự, đón Hòa Thượng thần tọa. Tháng mười một, táng ở Tào Khê. Hôm ấy, chim chóc kêu buồn bã, thú vật gầm rống. Trước mộ của Huệ Năng có bạch quang xuất hiện bay thẳng lên trời. Ba ngày sau mới bắt đầu tan. Điện Trung Thừa Vi Cứ viết văn bia. Đến năm Khai Nguyên thứ bảy, bị người cạo sửa. Có biệt văn được khắc. Lược trừ lý do sáu đại sư truyền thừa cho nhau và truyền cà-sa, văn bia này vẫn còn ở Tào Khê.

Môn đồ hỏi: Chưa hiểu là Pháp ở trên y, cho nên dựa vào y để truyền Pháp. Đại Sư nói: Pháp tuy không ở nơi y, nhưng để đại biểu cho đời đời truyền thừa, lấy truyền y làm tín. Nay Phật Pháp có được bẩm thừa, người học đạo mới biết được tông chỉ, không sai lầm. Hà huống Thích-ca Như Lai Kim Lan Cà-sa hiện ở tại Kê Túc Sơn. Ca-diếp nay thấy gìn giữ bộ cà-sa kia, đợi đến khi Di-lặc xuất thế, phân phó y này. Đó là để biểu thị Thích-ca Như Lai truyền y làm tín. Lục đại Tổ Sư của chúng ta cũng làm như thế. Ta nay có thể liễu giải Như Lai tính, Như Lai nay ở trên thân ta. Ta và Như Lai không có sai biệt. Như Lai tức là chân như của ta.

[56] Đại Thừa Đốn Giáo Tụng Tính Tự. Tự rằng: Nhập Pháp Giới giả liễu tâm. Đạt-ma nguyên lai kiến tính. Tính tịnh thì Pháp Thân tự hiện. Tâm như thì đạo thể tồn tại. Thiên địa không biến đổi được cái thường của nó. U minh không thể thay đổi cái lý của nó, có ngay vô minh làm chủ. Tham ái ma vương mượn hư không để thành nhân, uẩn trần lao mà thành nghiệp. Cho nên năng nhân lợi vật, diệu lực vô biên, diễn ra tám vạn bốn ngàn giáo đoan, xiển ba mươi bảy đại Pháp yếu. Do đó có mê ngộ đốn tiệm chi tiết chỉ qui. Ngộ được thì phiền não là bồ-đề, mê thì phương bắc đưa đến Sở. Nói về tiệm thì, tích tăng-kỳ kiếp số, vẫn ở luân hồi. Nói về đốn, như khoảnh khắc cúi mình, là lên diệu giác. Vì sự cao ngất này, xa thì rất xa, ai hoằng lý này. Hà Trạch Thần Hội của chúng ta, thiên sính trí giả, đức hợp với đạo. Nguyện hợp thời gian, ở ấu trĩ khoa, du phương hỏi đạo. Gặp các đại đức trong núi, hỏi về ý nghỉa Niết-bàn bổn tịch. Đều lâu mà không đúng, lòng rất lấy làm lạ. Đến Lĩnh Nam, từ bi mà được tôn giả công nhận. Gửi vàng tuy ít, thưởng ngọc lại nhiều. Phó tâm khế nơi một người, truyền Pháp đăng nơi Lục Tổ. Do nơi từ bi tâm rộng, hấp dẫn tình thâm. Năm xưa chín tuổi, đã phát hoằng nguyện. Nếu tôi ngộ giải, thề sẽ hiển thuyết.

[Tăng-kỳ hay a-tăng-kỳ 阿僧祇ṁlà phiên âm Phạn ngữ asaṃkhyeya có nghĩa là vô số, đếm không xuể. Tôn giả ở đây chỉ Huệ Năng.]

Nay đến truyền thụ, lại hơn tâm trước, chỉ ngọc quí cho người say, mở kho tàng cho bần nữ. Tùy theo lưới nghi, dùng huệ kiếm cắt đứt. Kẻ chìm bến mê, dùng thuyền trí mà vớt. Quảng bổn thâm nguyên, đều khiến ngộ nhập. Minh tứ hành để thị giáo. Hoằng ngũ nhẫn để ban vui. Không thiếu gì nơi tổ, chính là thế sao. Tuy tâm có sinh diệt, pháp lại vô khứ lai. Vô niệm thì cảnh lự không sinh, không tác thì phàn duyên tự dứt. Hoặc thủy giác để diệt vọng, hoặc bổn giác để chứng chân. Giài thoát nằm trong một chớp mắt. Lìa tuần hoàn trong tam giới. Tuy là trưởng giả tử cầm lọng. Long vương nữ lại dâng châu. So với điều đó, còn nhanh hơn nữa. Gọi là không động niệm mà siêu bỉ ngạn, không xả sinh tử mà chứng Niết-bàn. Dựa đốn ngộ mà tới, có gì là xa. Thích môn chi diệu, đều ở đây cả. Do đó trâm áo lầu các, người già nơi cổng, đắc vô sở đắc, văn vô sở văn. Ngỡ là Đạt-ma tái sinh, nói Ưu-đàm một lần hiện. Tiếng tụng lan đi xa tắp, pháp hỉ diệu nơi thênh thang. Y vương đại bảo, tự nhiên mà đến. Đệ tử muội đạo quên học, may nhờ áo nghĩa. Xưa bước lên đường, đi gang tấc mà ngàn dặm. Nay được chỉ thẳng, nhìn hoang dã trong mắt nhỏ. Bút mực không đủ để trong áo, thân mệnh cam lòng để báo đức. Đưa ngay đoản tụng, phát minh yếu nghĩa. Như gò đất trợ bụi lau trên núi, ngòi nước làm khe súi sâu thêm. Người họ chúng ta, rồi sẽ đạt đến.

Tra minh đạo tinh, thanh tịnh pháp tính, liễu đạt hư vọng, kiên tu giới định, phụng giới làm gì. Biết bổn tính ấy, tu định làm gì. Vô niệm tự tịnh, khắc cần huệ dụng, mới trừ pháp bệnh, hư giám không mệt, sương rơi không ướt, sáng như trăng thu, rạng như gương sáng. Không nhiễm lục trần, lên ngay bát chính. Đại đạo rất dễ, mà người mau đi, mừng gặp được tông, tăng trưởng may mắn. Cúi đầu qui thành, đốn ngộ diệu môn, ở đó hưng thịnh.

Đường Trinh Nguyên cuối năm thứ tám. Sa-môn Bảo Trân, kiền tâm triển kính cùng Phán Quan Trriệu Khán Lâm, ở bắc đình, phụng Trương Đại Phu xử phân, lệnh làm xong. Ghi ngày hai mươi hai tháng mười mùa đông.

Đường ngày hai mươi ba tháng mười năm quí dậu Tỳ-khưu ghi.



NGUYEN TU CUONGNhư Hạnh

Như Hạnh, Pháp danh của Giáo sư Nguyễn Tự Cường, PhD, Harvard University. Ông là người tị nạn (refugee) Việt Nam đầu tiên lấy bằng PhD tại Harvard với tư cách là công dân Mỹ. Đã nghĩ hưu sau 25 năm dạy về Triết HọcTôn Giáo Ấn Độ, tại Department of Philosophy and Religious Studies, George Mason University, Hoa Kỳ. Trong các trước tác đã xuất bản gồm: Zen in Medieval Vietnam: A Study and Translation of the Thiền Uyển Tập Anh (Honolulu: Hawaii University Press, 1997), Wonhyo's Philosophy of Mind (with Charles Muller) (Honolulu: Hawaii University Press, 2012) và một số bài viết trong các tuyển tập hoặc Encyclopedia.



(Tạp chí Triết)

Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…