TẠI TU VIỆN LUNG-NGON
Hungkar Dorje Rinpoche soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Do Khyentse Yeshe Dorje (1800-1866), vị tái sinh tức thì của Tổ Rigdzin Jigme Lingpa (1729-1798)[1], đã thành lập Tu viện Lung-ngon vào năm 1828. Tu viện này tọa lạc ở Amdo, một trong ba vùng của Cao nguyên Tây Tạng. Tu viện thuộc hạt Gande ở vùng Golog thuộc tỉnh Thanh Hải.
Trước kia, Lung-ngon là một Tu viện du mục, bao gồm những lều trại mà trong mùa hè và đông sẽ di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Viện trưởng thứ chín, Kyabje Pema Tumdrak Dorje (1934-2009), đã thiết lập một địa điểm vĩnh viễn cho Tu viện vào năm 1985.
Trong quá khứ, các Tu viện là nơi chư Tăng thọ nhận giáo lý và rất hiếm khi người bình thường đến thọ nhận chúng. Tuy nhiên, một điểm độc đáo của Tu viện Lung-ngon là từ thời kỳ cổ xưa nhất, những cư sĩ nam và nữ đã thọ nhận các giáo lý ở đó, chẳng hạn giáo lý về Sáu Bardo.
Đức Jamyang Khyentse Wangpo – Pema Osal Dongak Lingpa (1820-1892)[2] sinh ra ở Kham vào thế kỷ mười chín và là vị tái sinh (Tulku) của Tổ Rigdzin Jigme Lingpa. Ngài giống như bông sen trắng siêu việt giữa khu vườn của những Tulku Tây Tạng. Ngài là một học giả và hành giả thành tựu, người đã phát lộ bảy kiểu trao truyền và là vị nhiếp chính của Guru Rinpoche.
Ngài đã ban quán đỉnh và những chỉ dẫn về Sáu Bardo cùng chư Bổn tôn an bình và phẫn nộ của Bardo cho Lama Pema Lhundrup. Ngài nói với vị Lama này rằng, “Hãy đến Golog và hoằng dương những giáo lý về Đại Viên Mãn Dzogchen và Sáu Bardo. Điều đó sẽ làm lợi lạc nhiều chúng sinh”.
Lama Pema Lhundrup đã đến Golog, nơi Ngài gặp Đức Do Khyentse và thưa với Đại Sư về điều mà Ngài đã được chỉ dẫn. Đức Do Khyentse hài lòng và nói, “Từ nay trở đi, con cần ban những giáo lý về Sáu Bardo ở Tu viện Lung-ngon”. Trong nhiều năm, Lama Pema Lhundrup đã giảng dạy Sáu Bardo và Giải Thoát Nhờ Lắng Nghe Trong Bardo ở đó. Đức Do Khyentse cũng giảng dạy về Bardo tại Tu viện.
Những chỉ dẫn về Sáu Bardo là tâm yếu sâu xa của Guru Rinpoche, điều được chôn giấu như một kho tàng và do Terton Karma Lingpa (1326-1386?) phát lộ. Giáo lý này có những chỉ dẫn cực kỳ quan trọng. Ví dụ, Sáu Bardo bao gồm trọn vẹn chu trình cuộc đời của một người và nhờ được giới thiệu về Sáu Bardo như là sự hiển bày của tâm mình, ngay vào khoảnh khắc đầu tiên của cái chết trong Bardo của bản tính chân thật, người ta giải thoát trong nền tảng trọng yếu của tâm hoặc họ giải thoát sau đó trong Bardo của bản tính chân thật [Bardo Pháp tính], khi xuất hiện hình tướng của chư Bổn tôn an bình và phẫn nộ. Sau đấy, có Bardo trở thành, khi người ta có thể tái sinh là một Tulku.
Lama Pema Lhundrup đã trao truyền các giáo lý của Ngài cho đạo sư Đại Viên Mãn Puru Lama Kunzang Rigdzin. Vị này là một hóa thân của Tổ Yudra Nyingpo[3] và là đệ tử của Đức Adzom Drukpa Natsok Rangdrol (1842-1924)[4].
[Lama] Kunzang Rigdzin đã trao truyền chúng cho Washul Lama Sonam Khedrup. Vị này là một hóa thân của Bồ Tát Trừ Cái Chướng và là đệ tử của Đức Dodrupchen Jigme Tenpe Nyima (1865-1926)[5].
Lama Sonam Khedrup đã trao truyền chúng cho Kyabje Pema Tumdrak Dorje, một hóa hiện của Bồ Tát Kim Cương Thủ và Tổ Lhalung Palgyi Dorje[6], người là một đệ tử của Đức Palyul Choktrul Jampal Gyepe Dorje và những vị khác.
Lama Sang đã trao truyền những giáo lý này cho tôi, Hungkar Dorje, người mà Ngài công nhận là một hóa thân của Tổ Do Khyentse. Tôi hiện tại là Viện trưởng thứ mười của Tu viện Lung-ngon.
Kể từ khi Đức Pema Tumdrak Dorje, cũng được biết đến là Lama Sang, qua đời, tôi đã hiến dâng bản thân để thúc đẩy những giáo lý Mùa Đông. Năm 2010, tôi đã ban giáo lý về Lời Vàng Của Thầy Tôi; năm 2011, giáo lý về Sáu Bardo từ Giáo Pháp Sâu Xa Của Chư Bổn Tôn An Bình Và Phẫn Nộ: Tự Nhiên Giải Thoát Trong Bardo; và năm 2012, Con Đường Tuần Tự Đến Giác Ngộ của Tổ Tsongkhapa. Mùa đông năm 2013 này, tôi sẽ ban giáo lý về Đại Thừa Vô Thượng Tục Luận, điều miêu tả về Phật tính.
Sự trao truyền những giáo lý hay truyền thừa xảy ra khi một Lama chứng ngộ cao, vị nắm giữ và giảng dạy một truyền thừa, cho phép và thọ ký cho những vị có sự hành trì đúng đắn, niềm tin với bậc thầy và truyền thừa, thệ nguyện thanh tịnh, tinh tấn và trí tuệ, nói với họ rằng, chỉ dẫn này cần phải là thực hành căn bản của họ và họ cần truyền bá truyền thừa này cho những người khác.
Bởi giao thông gần đây có nhiều cải thiện, việc đến Tu viện trở nên dễ dàng hơn và số lượng người đến tham dự Pháp hội Mùa đông đã tăng lên mỗi năm. Đến nay, số lượng này đã lên đến hàng nghìn người.
Trách nhiệm của tôi là giữ gìn truyền thừa của những chỉ dẫn từ chư đạo sư quá khứ và với động cơ thanh tịnh, cung cấp con đường đúng đắn cho những thiện nam, tín nữ có kết nối với tôi nhờ nghiệp và lời cầu nguyện, để tình yêu thương và lòng bi mẫn cùng với tri kiến của sự khởi lên phụ thuộc [duyên khởi] sẽ sinh khởi trong tâm họ và để họ sẽ tái sinh trong các cõi giới như Cực Lạc Sukhavati, Núi Huy Hoàng Màu Đồng Zangdok Palri hay Shambhala và để họ sẽ dễ dàng đạt được trạng thái giải thoát, khi mà mọi phiền não và che chướng chấm dứt.
Ân phước gia trì của Giáo Pháp sâu xa này là vô song. Lịch sử của những giáo lý mùa đông này được biết đến rộng rãi. Có nhiều người với niềm tin và lòng sùng mộ đã thọ nhận những giáo lý này, thực hành chúng và không sợ hãi vào lúc chết. Họ chết khi đang thực hành Đạo Sư Du Già hay chết mà thấy rõ Bổn tôn và Bậc Thầy. Một số thấy Đức A Di Đà đến đón. Một số chết khi ban Giáo Pháp cho gia đình họ. Vài người chết khi ngồi kiết già và một số khi nằm trong tư thế sư tử.
Trong những năm gần đây, nhiều người Trung Hoa và mọi người từ các quốc gia khác mong muốn có kết nối với những giáo lý mùa đông này. Nếu hoan hỷ với niềm tin, các bạn chắc chắn sẽ thọ nhận sự gia trì cùng với chúng tôi. Vì thế, tôi đã viết lời giới thiệu ngắn gọn về lịch sử của những giáo lý mùa đông này.
Hungkar Dorje Rinpoche 17/11/2013
Nguồn Anh ngữ: http://www.hungkardorje.com/winterRetreat/.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ năm 2018, hiệu đính toàn bộ & bổ sung chú thích năm 2020.
[1] Về Đức Jigme Lingpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a31755/3/cau-chuyen-cuoc-doi-to-jigme-lingpa.
[2] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a34299/tieu-su-van-tat-ton-gia-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-.
[3] Theo Rigpawiki, Yudra Nyingpo – một trong hai mươi lăm đệ tử của Guru Rinpoche. Ngài là một dịch giả – học giả vĩ đại, người đã thọ nhận các giáo lý từ Đức Vairotsana, Đại Sư Vimalamitra và Guru Rinpoche. Ngài chuyển dịch nhiều tác phẩm, bao gồm mươi ba bản văn cuối của phần Semde.
[4] Về Đức Adzom Drukpa, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a34938/tieu-su-van-tat-adzom-drukpa-rinpoche-drodul-pawo-dorje-1842-1924-.
[5] Tức vị Dodrupchen Rinpoche thứ ba.
[6] Theo Rigpawiki, Lhalung Palgyi Dorje – một trong hai mươi lăm đệ tử của Guru Rinpoche. Ngài đã giết vua ác Langdarma, nhờ đó, giải thoát ông ấy và chấm dứt sự khủng bố Phật giáo ở Tây Tạng. Ngài đắc thân cầu vồng vào cuối đời.
.