VII: Dịch Kinh

24/06/20229:33 SA(Xem: 1892)
VII: Dịch Kinh

VŨ THẾ NGỌC
KINH PHẬT
NGUỒN GỐC và PHÁT TRIỂN
Buddhist Sutras: Origin and Development

 

CHƯƠNG VII

DỊCH KINH

 

1- LÝ LUẬN DỊCH KINH

            Lý luận dịch kinh và công tác dịch kinh có quan hệ mật thiết. Lẽ dĩ nhiên người dịch đều tự đặt ra những nguyên tắc chỉ đạo cho mình nhưng không có một nguyên tắc chung. Trước hết, chúng ta đã thấy sự nghiệp dịch kinh hầu như là một công trình tự nguyện và độc lập của nhiều dịch giả cho nên hầu như trong quá trình cả ngàn năm phiên dịch đều không có một phương pháp nhất định cho tất cả mọi người. Tuy nhiên mặc dù không có nguyên tắc nhất định, nhưng người ta thường hay nhắc đến các nguyên tắc nổi tiếng, và ít nhiều đều đồng ý về một số nguyên tắc bất thành văn. Trong số các nguyên tắc này người ta hay nói đến “Ngũ Thất Bản Tam Bất Dị” của Đạo An, “Bát Bị” của Ngạn Tôn, “Ngũ Chủng Bất Phiên” của Huyền Trang, “Lục Lệ” của Tán Ninh.

A. Lý Luận của Đạo An

Đạo An (312-385)[1] là người không trực tiếp dịch kinh nhưng từng tham dự nhiều dịch trường, nơi qui tụ những pháp sư Ấn ĐộTây Vực với những tu sĩ chứng nghĩaxuyết văn người Hoa. Đạo An vì thế có dịp đọc nhiều và nổi tiếng với nguyên tắc “ngũ thất bản, tam bất dị” 五失本三不易. Đây có thể gọi là lý luận dịch kinh đầu tiên về dịch thuật kinh điển từ chữ Phạn (lúc đó gọi là tiếng Tây Trúc) ra Hán ngữ do Đạo An trình bầy trong bài tựa của bộ Ma-Ha Bát-nhã Ba-la mật vào năm Kiến Nguyên 18 (384 Dương lịch). Đầu tiên là “Ngũ Thất Bản” nói về năm điều khiến bản dịch Hán văn mất gốc so với chính bản Phạn văn:

1. “Tiếng Thiên Trúc đảo lộn vị trí so với tiếng Hán, nên bản dịch chữ Hán phải đổi lại. Đó là điều mất gốc thứ nhất”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì Sanskrit là loại ngôn ngữ có biến cách (inflected) cao độ. Nhờ có các tiếp vĩ ngữ đính liền theo từng từ trong câu mà người ta có thể tùy tiện chuyển biến vị trí chủ từ (S), động từ (V) và đối tượng (O) theo bất cứ thứ tự nào. Trong khi đó Hán ngữ (giống như Việt ngữ) mỗi tự là một khối vuông bất di bất dịch, thí dụ câu văn “tôi ăn cơm” câu văn chỉ có thể hiểu được nếu viết theo thứ tự S+V+O (“tôi + ăn + cơm”) mà không thể theo các nào khác (như OSV “cơm ăn tôi” ) trong khi nhờ tiếp tố chỉ rõ nhiệm vụ từ trong câu “tôi+s” “ăn+v” “cơm+o” mà Sanskrit có thể viết theo bất cứ thứ tự nào SVO, SOV, VOS, OVS … đều có nghĩa như nhau (và theo thông lệ thì thường đặt động từ (V) ở cuối câu như tiếng Đức, Nhật). Đến đây tôi thấy cần đưa ra một thí dụ thực tế. Thí như trong tam qui Phật Pháp Tăng, thì câu đầu tiên “Tự Qui y Phật” (自歸依佛) thì chúng ta thấy rất tự nhiên vì câu này viết theo thứ tự quen thuộc SVO “tôi + qui + Phật” của chúng ta. Nhưng đọc lại nguyên văn Phạn ngữBuddham saranm gacchami” là viết theo thứ tự OSV “phật + tôi + qui” (to the Buddha - to the refure place - I go). Lẽ dĩ nhiên dịch ra Hán văn (và Việt văn) thì không ai dịch theo thứ tự đó, cho nên điều mất gốc thứ nhất mà Đạo An nói là ở đây.

2. “Kinh văn Thiên Trúc thì chuộng thực chất nên đơn giản, còn người Hoa thì ưa âm điệu và văn hoa. Cho nên bản dịch Hán văn vì chuộng văn hoa bóng bẩy nên đã  làm mất đi cái thực chất của nguyên cảo”. Cao Tăng Truyện có kể chuyên khi Chi Khiêm (222-280) muốn dịch kinh Pháp Cú (dharmapada) ra loại văn chương bóng bẩy của Hán văn, nhà sư Ấn Độ Duy-Chi-Nan (người mang nguyên tác Phạn văn đến Trung Hoa) đã can ngăn Chi Khiêm đừng gọt rũa lời Phật theo lối văn bóng bẩy này, vì ngài cho rằng quan trọng nhất là chính xác để người đọc nắm được lời Phật dạy và hiểu được rõ ràng. Chi Khiêm nghe theo lời khuyên này nên đã dịch kinh Pháp Cú một cách mộc mạc nhưng rất chính xác.

3. “Kinh Luận của Thiên Trúc rất rốt ráonhấn mạnh sự chính xác, cho nên việc lập đi lập lại cũng không ngại bị coi là rườm rà”. Cũng nên nhớ nguyên trạng kinh Phật là khẩu truyền cho nên để nhấn mạnh cũng là phương pháp để dễ nhớ, cho nên nguyên bản Phạn văn ưa dùng lối lập đi lập lại này (ngày nay cần nhấn mạnh chúng ta có thể đổi font chữ ra chữ đậm chữ nghiêng, nhưng Phạn văn luôn luôn chỉ có viết một kiểu chữ không có chữ TO chữ nhỏ hay chữ đứng chữ nghiêng). Khi dịch qua Hán văn thì coi là rườm rà nên thường cắt bỏ. Đó là điều mất gốc thứ ba.

4. “Văn Thiên Trúc thì câu văn chính được đi kèm với chú thích, nhiều khi phần chú thích dài cả ngàn chữ, xen cả vào chính văn của đoạn tiếp theo” - Ngày nay chúng ta dùng chú thích hay cước chú. Khi dịch qua Hán văn thì thường bị cắt bỏ vì người dịch không hiểu hay vì có thói quen coi trọng sự trôi chẩy văn chương, nên thường loại bỏ các đoạn chú thích bị coi là không cần thiết. Đây là điều mất gốc thứ tư.

5. “Kinh văn Thiên Trúc thì khi việc đã hoàn thành trong đoạn trước lại còn lập lại lời giải thích trong đoạn sau. Khi dịch qua Hán văn thì các đoạn giải thích viết thêm vào đoạn dưới như thế thường bị cắt bỏ vì coi là sự lập lại không cần”. Đây là điều mất gốc thứ năm.

Khi viết Trí Tuệ Giải Thoát: Dịch Giảng Kinh Kim Cương[2] tôi có dịp so sánh khá kỹ hai bản Hán dịch của La ThậpHuyền Trang với bản Sanskrit thì càng thấy rõ quan điểm “ngũ thất bản” này ảnh hưởng như thế nào với hai đại dịch giả này. Với Huyền Trang ngài hầu như theo rất sát năm nguyên tắc này. Với cá nhân người có chút học vấn Sanskrit thì đọc bản dịch của Huyền Trang rất thú vị. Huyền Trang không bỏ một chữ nào của bản Sanskrit (cứ tạm xem bản Sanskrit hiện nay là bản chuẩn mà Huyền Trang dùng). Đôi chỗ dường như Huyền Trang còn bị ảnh hưởng của lối văn Sanskrit. Cho nên đọc bản dịch Huyền Trang còn giúp người học Sanskrit. Còn với người sử dụng Hán văn (Hoa, Việt, Nhật, Hàn) phần lớn họ sẽ thích bản dịch La Thập hơn, vừa dễ đọc vừa chao chuốt (nhưng vẫn không xa nguyên văn). Có lẽ vì thế mà trong kho sách Hán Nôm ở Hà Nội chúng ta chỉ thấy các cụ Việt Nam khi xưa chỉ biết có bản La Thập mà không hề biết đến 7 bản dịch khác có đủ trong các Đại Tạng Kinh Hán ngữ. Còn “Tam Bất Dị” có nghĩa là “Ba điều không dễ” là khó khăn chung của tất cả dịch giả phải dịch từ nguyên cảo Phạn văn qua Hán văn:

1- Khó thứ nhất là nguyên cảo quá cổ kính trang nhã. Kinh Phật là kết quả của truyền thống cổ kính trang nhã, nay phải chuyển qua văn phong ngôn ngữ đương thời cho thích hợp với người thường thì đó là điều không dễ thứ nhất.

2. Nguyên cảo kinh Phật là lời vi diệu của thánh nhân từ ngàn năm trước, nay phải chuyển dịch cho phàm phu ngày nay lãnh hội. Đây là điều không dễ thứ hai.

3. Kinh Phật ngày trước vốn được các thánh nhân đại trí đại ngộ kết tập, nay đưa cho những kẻ bình thường phiên dịch, thì làm sao dễ được.

            Học vấn Đạo An uyên thâm, học đạo cũng đến chỗ sâu sắc, lại được tôn trọng như tăng thống của toàn quốc. Ngài lại có nhiều công nghiệp với sự nghiệp tăng già cho nên dù ngài không phải là dịch giả trực tiếp nhưng thời ở Trường An chính ngài thường được mời tham dự nhiều dịch trường. Cho nên dù nguyên lý “ngũ thất bản, tam bất dị” không phải là nguyên tắc mọi người bắt buộc phải tuân thủ, nhưng luôn luôn là những nguyên lý được các dịch giả đương thời và đời sau coi trọng. Đệ tử cự phách của ngài là sư Tăng Duệ sau đó là người chấp bút cho Cưu Ma La Thập từng hay nói “khi cầm bút tôi luôn luôn nhớ lời răn dạy của tiên sư” là có ý nhắc lại các nguyên lý này.

B. Nguyên Tắc của La Thập

            Cưu Ma La Thập (344-413) là một trong “Tứ Đại Dịch Giả” của Phật học Trung Hoa. Ngài để lại những bản dịch đã trở thành tiêu chuẩnhọc giả cận đại Lương Khải Siêu phải tôn ngài là “vua dịch thuật”. Sự nghiệp của ngài không phải chỉ là những bản dịch danh tiếng, mà quan trọng hơn nữa là qua những bản dịch này ngài đã đặt để cơ sở cho ngôn ngữ Hán-Phật cho học giả Trung Hoa. Chính từ lối dịch dùng những từ Phật giáo nguyên thủy của Phạn ngữ chuyển qua Hán văn một cách vừa chính xác vừa sáng tạo, nên người học Phật Trung Hoa (và sau đó là toàn cõi Á Đông những nước sử dụng Hán văn như Nhật Hàn Việt) mới hiểu được tinh túy chính xác của kinh luận Phật giáo. Cho nên sau những bản dịch kinh của La Thập mà nhiều tông môn Phật giáo nổi lên và phát triển ở Trung Hoa như Tam Luận tông, Thiên Thai tông, Thành Thật tông đều khởi phát từ các bản dịch của La Thập. Trái lại, cũng nhờ hiểu được chính xác hơn về Không tông Đại thừa cũng như Trung Quán, mà các phong trào tông môn thời Lục Triều như Lục Gia Thất Tông (Bản Vô tông, Bản Vô Dị tông, Ảo Hóa tông, Tức Sắc tông, Duyên Hội tông, Thức Hàm tông, Tức Tâm tông) rầm rộ một thời thì nay cũng tự động tan rã và biến mất.

La Thập để lại nhiều tuyệt phẩm, ngài lại chỉ huy cả một dịch trường lớn nhất trong lich sử dịch kinh, nhưng ngài không lập ngôn hay để lại nguyên lý hay nguyên tắc dịch thuật của mình. Tuy nhiên qua nội dung kinh bản, lời tựa và lời dẫn trên những bản dịch của các đệ tử ngài như Tăng Triệu, Tăng Duệ, chúng ta cũng có thể từ đó rút ra những kinh nghiệm và chủ trương của ngài trong vấn đề dịch kinh, mà ở đây tôi tạm gọi là “nguyên lý dịch kinh” của La Thập

            Nguyên lý căn bản thứ nhất của La Thậptrau chuốt văn chương. Trong Cao Tăng Truyện (高僧傳)[3] truyện về Cưu Ma La Thập theo lời của Tăng Duệ cho biết sư thường nói “Phong tục của Ấn Độ rất coi trọng chau chuốt lời văn, cân nhắc nhịp điệu trầm bổng, lại còn theo nội dung mà biến hóa. Nếu khi dịch ra tiếng Trung Hoa mà không chú ý đến câu văn trao chuốt nhịp điệu trầm bổng của văn thì dù có được ý nhưng không phải là thể văn Ấn Độ”. Có lẽ thời La Thập người Trung Hoa đã theo thói quen ngâm vịnh của Hán văn khi dịch kinh Phật. Cho nên La Thập cũng thường dịch theo thệ kệ, tức là thể văn có vần đối nhịp điệu. Cách dịch này phù hợp với lối tán tụng kinh của người Trung Hoa nên các bản kinh của La Thập rất phổ biến, ngay cả đến khi có bản trùng dịch của Huyền TrangHuyền Trang vừa là một người Hoa chính gốc có thực học và uyên thâm về văn tự văn chương Hán ngữ, vừa nổi tiếng là người dịch kinh rất chính xác nhưng các bản dịch của ngài vẫn không được ưa chuộng bằng bản dịch của La Thập khi có trùng dịch. Một thí dụ cho thấy La Thập rất thích nguyên tắc trao chuốt văn chương, cũng trích từ truyện Tăng Duệ trong Cao Tăng Truyệntrường hợp sư dịch lại Chánh Pháp Hoa Kinh Thụ Quyết Phẩm mà trước đó Trúc Pháp Hộ đã dịch. Đến câu “trời thấy người, người thấy trời” La Thập bèn nói “Dịch như thế là đúng với văn phong Tây Trúc, nhưng lời văn như vậy còn quá chất phát”. Tăng Duệ bèn góp ý “Hay dịch là, trời người giao tiếp, hai bên thấy nhau.” La Thập hoan hỷ đồng ý và dịch theo cách dịch của Tăng Duệ.

            Nguyên lý dịch căn bản thứ hai của La Thậptôn trọng diệu lý nghĩa kinh mà có thể chấp nhận dịch một cách không cần chao chuốt. Nguyên lý này cần đi song song với nguyên lý trước, nên nếu gặp trường hợp phải chọn lựa, ngài luôn luôn chấp nhận chọn cách dịch lấy chất mà bỏ văn. Tăng DuệTăng Triệu đều tâm đắc với nguyên lý “lấy chất mà bỏ văn” này mà họ gọi là “yếu chỉ không trái với kinh giáo” theo nghĩa ngày nay chúng ta gọi là “lấy ý tưởng nội dung làm chỉ đạo”. Tăng Triệu là người rất trọng kinh Duy Ma Cật và chính là người đã yêu cầu La Thập dịch lại kinh này, khi dịch xong (và chính do Tăng Triệu chấp bút) thì Tăng Triệu không khỏi vô cùng phấn khích và phê bình các bản dịch cũ là “lý bế tắc bởi chuộng theo văn”.[4] Trong lời tựa cho bản dịch Bách Luận[5] của La Thập, Tăng Triệu cũng nhận định “văn chất phát mà không quê mùa, văn đơn giảnđạt được mục đích”. Tăng Duệ khi viết tựa Đại Trí Độ mà sư làm bút thọ cho La Thập cũng nhận định tương tự “Văn nước Hồ thanh nhã chất phát, nên dựa vào nguyên bản mà dịch thì sự đẹp đẽ kéo léo không chưa đủ, mà sự mộc mạc chính xác (của La Thập) lại có thừa”.

            Nguyên lý quan trọng khác về dịch kinh Phật của La Thập là đòi hỏi người dịch phải thấu triệt nguyên bản. Thí dụ cụ thể là dù đã có văn bản sẵn sàng nhưng sư vẫn trì hoãn việc dịch Daśabhūmika sūtra (Thập Địa Kinh – T.286) đề chờ cho được Buddhayaśas (Phật Đà Da Xá) đến được Trường An mới bắt đầu dịch, vì theo ngài sư Buddhayaśas (Phật Đà Da Xá)[6] là người hiếm hoi hiểu được chân nghĩa của kinh này. Đó cũng là trường hợp khi Punyatrata (Phất Nhã Đa La) phụ La Thập dịch Sarvāstivādin-vinaya (Thập Tụng Luật – T 1435) mất trước khi hoàn tất, La Thập đã không chịu dịch tiếp – dù chúng ta biết La Thập đã nổi tiếng thuộc lòng luật này từ hồi 20 tuổi ở quê nhà.

            Nguyên lý dịch căn bản thứ tư trong việc dịch kinh Phật của La Thập là dùng luận để hỗ trợ cho việc dịch kinh. Đó là nhờ luận mà nắm được ý kinh. Dịch kinh nhưng vẫn cần cân nhắc theo luận để diễn tả cho người đọc thấu được ý chỉ của kinh. Cho nên chúng ta thấy dù đôi chỗ La Thập không ngần ngại cắt gọt nguyên bản rườm rà mà vẫn diễn tả được thần tháiý tưởng của nguyên cảo.

Nguyên lý thứ năm là trọng văn bản. Đa số các bản dịch kinh trước kia là dịch theo khẩu truyền – Nên nhớ truyền thống nặng khẩu truyền nhẹ văn bản của Phật giáo Ấn Độ đã được đề cập trong các chương trước – Sử Phật (như Cao Tăng Truyện hay Chúng Kinh Mục) không nói về điều này nhưng qua các câu văn “tay cầm sách, miệng dịch thẳng v.v.” hay tự than “người trước dịch từ ngôn từ nước Hồ, nên đọc tên thường sai so với kinh điển Thiên Trúc .v.v.”  chúng ta biết ông sử dụng văn bản. Vì có văn bản nên ông dễ sửa hay cắt bỏ các phần rườm rà của kinh luận mà ông hoàn thành được các bản dịch vừa chính xác vừa dễ hiểu.

Tóm lại vì các nguyên tắc dịch như thế mà so với tất cả các bản dịch kinh của các dịch giả trước đã từng dịch cùng môt bộ kinh, vì họ luôn luôn lấy chính kinh làm cơ bản và quá kính trọng nguyên bản (nhất là khi nguyên bản lại là lời của Phật) cho nên họ càng cố theo sát nguyên bản thì càng dễ tiến đến cách diễn tả giáo lý không rõ ràng và trở nên luộm thuộm làm người đọc không hiểu được chính ý – chưa nói đến dịch nhầm hay hiểu sai. Cho nên đôi chỗ La Thập không ngại cắt lược nguyên cảo nếu cần thiết. Đây chính là điều Tăng DuệTăng Triệu đã khen thày mình chủ trương “tôn trọng yếu chỉ miễn là không trái với kinh giáo”. Nhưng như thế có thể là La Thập đã cắt bớt ý hay đã chuyển ý nguyên cảo? Kinh nghiệm trong việc so sánh các bản dịch kinh Kim Cương, Tâm KinhTrung Luận của La Thập với các bản Hán dịch khác và nguyên cảo Phạn văn,[7] thì tôi có thể nói rằng ngay ở những đoạn có lược bỏ nguyên cảo, bản dịch của La Thập chưa bao giờ làm thay đổi ý nguyên tác hay có thể làm người đọc hiểu sai nguyên tác, mà trái lại còn luôn luôn giúp người đọc tập trung vào được ý chỉ nguyên cảo chặt hơn. Đây chính là nhận định chung của các học giả đạo gia Trung Hoa từ xưa cho đến các học giả thời hiện đại. Như ngài Nam Sơn Đạo Tuyên (596-667) khai tổ của Luật tông đã kết luận “Những kinh luận do La Thập phiên dịch một đời, đến nay vẫn luôn mới mẻ và được mọi người thọ trì càng ngày càng nhiều … những bộ kinh ngài dịch, cắt chỗ thừa thêm chỗ thiếu, đều là tùy cơ mà vận dụng.

Nguyên lý quan trọng hơn tất cả là La Thập cố gắng khôi phục lại diện mạo Phật điển bằng chính nguyên cảo (văn bản Sanskrit) – La Thập thường than các bản dịch cũ (cựu dịch) thường dựa trên “Hồ ngữ” của các đại sư người Tây Vực cho nên khi phiên âm những danh từ Phạn văn ra Hán văn không chỉnh, nhiều người không hiểu cho rằng La Thập chỉ nói về những danh từ đọc âm không chỉnh như “nghiệt đế nghiệt đế” so với “yết đế yết đế” hay “Tu Bồ Đề” so với “Tô Bộ Để” như Huyền Trang, mà đây chỉ là lối nói “uyển ngữ” của La Thập. Ngài vừa là người ngoại quốc vừa là hậu bối, không tiện nói thẳng ra là các tiền bối đã không dựa vào nguyên cảo chính xác của văn bản Phạn ngữ mà chỉ dịch từ kinh luận học thuộc lòng bằng phương ngữ ngoại quốc (Hồ ngữ) nên nhiều khi đã không dịch chính xác. (Trong trường hợp này thì Huyền Trang mạnh miệng hơn và sẽ nói thẳng là “dịch sai vì không theo văn bản nguyên cảo Phạn văn” nên đã có lúc ban đầu Huyền Trang đã không chịu tụng giảng các kinh cựu dịch).

Cho nên một khổ tâm của La Thậpcố gắng dùng chính xác thuật ngữ Hán văn, dù rất nhiều khi phải tốn công sức sáng chế mà không chịu dùng các câu cú thuật ngữ có sẵn của Hán văn – Một vài hậu bốiđa văn như Lữ Trừng còn không hiểu mà cho rằng La Thập là người ngoại quốc không hiểu hết “thông ngữ” Hán văn, mà không biết là trong trường dịch của La Thập còn có rất nhiều danh gia văn học lo việc xuyết văn - Đây là sự nghiệp đóng góp lớn bậc nhất của La Thập mà ít người để ý. Thứ nhất là đại đa số các Pháp sư dịch kinh trước La Thập, người nếu giỏi Phạn ngữ thì không thông suốt Hán văn, người giỏi Hán văn thì thường không giỏi Phạn văn. Cho nên thường hay mượn ngôn từ thuật ngữ có sẵn của Hán ngữ. Lẽ dĩ nhiên việc dịch kinh đều có người hợp tác hay xuyết văn, nhưng các vị này hầu hết cũng rơi vào một trong hai trường hợp trên. Ngay cả trường hợp có được vị dịch giả hiếm hoi thông thạo cả hai ngôn ngữ, thì đa phần các vị cũng ở vào hai trường hợp giới hạn khác: Thứ nhất là nhiều vị đều thuộc lòng kinh luận (theo truyền thống truyền pháp khẩu truyền) nhưng không có văn bản, nên các ngài đều thường dịch theo trí nhớ. Thứ hai là các kinh luận các ngài thuộc trong đầu hay có mang theo thì cũng thường không phải là Phạn văn (Sanskrit) mà là “Hồ ngữ” (Kuchean/ Qui Tư, Khotanese/ Vu Điền, Uigur/ Hồi Hột, Turkic/ Đột Quyết v.v.). Cho nên ngoài sự thêm bớt nguyên điển theo tư kiến, phần dịch thuật qua nhiều lần thông dịch như thế làm sao có thể mong cầu chính xác? Rồi nguy hiểm nhất còn là tệ nạn lạm dụng các thuật ngữ hay các từ có sẵn trong văn chương triết học Trung Hoa để chuyển dịch tư tưởng ngôn ngữ Phật giáo (xem phần riêng viết về phương pháp “cách nghĩa” (格義) và “hợp bản” (合版)[8] trong việc dịch kinh Phật). Phương pháp cách nghĩa, hay biến thể của phương pháp này là sử dụng thành thạo các ‘thông ngữ’ có sẵn trong kinh điển Trung Hoa. Phương pháp này như thế này vừa dễ dàng, bớt nhức đầu để tìm chữ tìm ý mới, lại dễ vừa lòng với giới trí thức – họ sẵn hiểu các ngôn ngữ này. Nhưng cũng dễ bị hiểu sai là “không hiểu đủ thông ngữ Hán văn” (như Lữ Trừng phê bình). La Thập đã chọn con đường khó đi hơn, và cũng vì vậy ông đã để lại một sự nghiệp vượt cao hơn chỉ là một dịch giả tài năng.

Cho nên có thể nói là trước khi La Thập đến Trường An năm 401 ngoài những kinh điển nhập môn dễ hiểu như Tứ Thập Nhị Chương v.v. có thể nói người Hoa chưa từng biết đến kinh luận sâu sắc hơn như các luận của Long Thọ.[9] Tóm lại, việc La Thập phải làm đầu tiên là dịch lại nhiều kinh luận đã được dịch một cách võ đoán này bằng chính văn bản Phạn ngữ mà ngài có được (vì vậy phần lớn dịch thuật của La Thập là dịch lại các kinh luận quan trọng đã được dịch, gọi là trùng dịch). Trong nỗ lực này La Thập đã phải khổ công tạo ra cả ngàn Phật ngữ Hán tự mới và cách diễn tả mới, để thay thế cho các cách dịch võ đoán hoặc mượn văn mượn chữ của các dịch giả cũ. Vì vậy La Thập đã tự gọi các kinh luận mới dịch của sư là “tân kinh” để đánh dấu các bản dịch này khác với “cựu kinh”. Cho nên trong bài viết về hành trạng La Thập tôi đã kết luận về công nghiệp lớn nhất của ngài là “sự nghiệp lớn của ngài là việc đặt lại cả cơ cấu Hán ngữ cho Phật học”.[10]

C. Lý Luận của Huyền Trang

Về tiểu sửcông nghiệp của Huyền Trang (602-664) chúng ta đã có phần viết riêng trong phần phụ lục. Ở đây chúng ta chỉ nói về việc phiên dịchphương pháp phiên dịch của sư trong suốt hai mươi năm công sức kiên trì làm việc hầu như không có một ngày gián đoạn. Với sự nghiệp dịch 73 bộ kinh gồm 1330 quyển, thì chỉ với số lượng như thế quả thực ngài đã xứng đáng là người dịch kinh số một trong lịch sử phiên dịch kinh Phật ở Trung Hoa. Tuy nhiên con số lớn lao đó chưa đủ diễn tả hết về sự nghiệp của ngài. Thứ nhất là khác với La Thập, đa số các bộ kinh của ngài mang về và dịch là những bộ kinh chưa bao giờ được dịch trước đó. Thứ hai là phạm vi dịch thuật của ngài rất rộng. Huyền Trang không chỉ dịch kinh của cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa, mà sư còn dịch nhiều luận của nhiều tông môn khác nhau từ Trung Quán Không tông đến Du Già Hành Tông. Không những thế sư còn dịch và giới thiệu nhiều chuyên môn trong Phật học. Điển hình là sư là nguời đầu tiên dịch và giới thiệu môn luận lý học Phật giáo, gọi là Nhân Minh Học, một môn học phát triển luận lý họctri thức học rất sâu của Phật giáo đã được phác họa trong các luận của Long Thọ từ thế kỷ thứ hai và sau đó được Trần Na (dignāga 480-540) rồi Pháp Xứng (dharmakirti 600-650) phát triển - Nhân Minh Học từ đó trở thành một trong năm môn học bắt buộc của các trường Phật học chính qui của Phật giáoNalānda Ấn Độ trước kia và Tây Tạng hiện nay. Trước khi Huyền Trang dịch và giới thiệu Nhân Minh học thì Phật giáo Trung Hoa không hề biết gì về bộ môn học quan trọng này.

Về lý luậnphương pháp dịch thuật, thì người ta đều biết sư chủ trương trung thành tuyệt đối với nguyên bản (khác với La Thập)[11]. Trong luận về kinh Kim Cương[12] tôi đã có dịp so sánh bản dịch kinh Kim Cương của Huyền Trang và bản dịch của La Thập cùng với nguyên tác Sanskrit và bản dịch Anh ngữ của Eward Conze. Tôi đã cho thấy bản dịch của Huyền Trang là một bản dịch không những không cắt gọn hay nhuận sắc, mà còn theo sát đến từng chi tiết nhỏ của nguyên cảo.[13] Thí dụ rất nhỏ trong phẩm “Nhất thể đồng quán” khi Đức Phật hỏi “Tu Bồ Đề! Ý ông như thế nào? Như Lainhục nhãn hay không? Tu Bồ Đề trả lời “Bạch Thế Tôn, đúng như thế…” Đức Phật lập lại năm lần như thế với thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Huyền Trang đều dịch đầy đủ như thế. Nhiều bản dịch như của Edward Conze đến các lần sau chỉ tóm chung lại  “Như Lai hỏi: Tu Bồ Đề, Như laithiên nhãn, có tuệ nhãn, có Phật nhãn hay không?”[14] Ngay cả trong nguyên bản Sanskrit sau danh xưng Như Lai, thường có thêm rất nhiều danh tự xưng tán khác như “bậc cao cả ứng cúng, bậc chính đẳng chính giác v.v.” La Thập thường bỏ đi, nhưng trong bản dịch của Huyền Trang mỗi lần có tên Như Lai, Huyền Trang lại tiếp tục viết theo đầy đủ các danh hiệu xưng tán đó y như nguyên cảo. Ngay cả danh xưng “bodhisattva” trong nguyên tác thường đi kèm đủ “mahasattvaLa Thập thường dịch gọn “Bồ tát” nhưng Huyền Trang luôn luôn là “bồ tát ma ha tát.”

Theo nguyên tắc trung thành với nguyên điển cho nên Huyền Trang cũng phê bình cả bản dịch kinh Kim Cương đã quá phổ biếnnổi tiếng của La Thập. Trong Đại Đường Đại Từ Ân Tam Tạng Pháp Sư Truyện của Huệ Lập, Huyền Trang phê bình bản dịch này “Ba câu hỏi của Tu Bồ Đề đã thiếu một câu”[15]đặc biệt là bỏ mất chữ “năng đoạn” nên không giải thích rõ kim cương không phải là ví với trí tuệ (prajñā) như xưa nay các nhà chú giải, mà kim cương được vì như lòng ngã chấpphiền não cứng chắc như kim cương và chỉ có kinh này mới có thể đoạn trừ nó được. Nguyên văn viết rõ lời Huyền Trang “Các bản chữ Phạn đều viết “Năng đoạn kim cương bát nhã” nhưng bản cũ chỉ viết “Kim cương bát nhã.” Rõ ràngBồ tát xem sự phân biệtphiền não, mà cái mê hoặc phân biệt thì cứng chắc như kim cương, chỉ có kinh này giải thích rõ, chỉ có trí tuệ phi phân biệt mới có thể đoạn trừ được nó”.

Việc Huyền Trang khi dịch lại kinh Kim Cương cương quyết lấy lại đủ tên Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa còn bao hàm ý nghĩa chủ trương trung thành với nguyên điển để tránh hiểu lầm tai hại. Như luận án “Phật Điển Hán Dịch Chi Nghiên Cứu” của Vương Văn Nhan có viết có năm cách đặt tên kinh, nhưng cách dùng nghĩa khái quát của bộ kinh để dặt tên kinh thì phải cẩn thận “Nếu không sẽ biến hay thành dở, làm trò cười cho thiên hạ. Chẳng hạn “Kim cương bát-nhã” với “Năng đoạn kim cương bát-nhãhoàn toàn tương phản. Đề trước rất dễ dấn tới sự ngộ nhận kinh Bát Nhã cứng như kim cương (bát-nhã kinh kỳ ngạnh như kim cương), đề sau biểu đạt ý nghĩa chính xác kinh bát-nhã sắc bén có thể cắt đứt kim cương (bát-nhã kinh kỳ lợi năng đoạn kim cương). Thế nên tên dịch của loại sau là ổn nhất.”[16] Nếu tác giả Vương Văn Nhan biết thêm rằng cách hiểu “bát nhã cứng rắn sắc bén như kim cương” (bát-nhã kinh kỳ ngạnh như kim cương) đã đưa nhiều dịch giả Việt Nam đến giải thích hoàn toàn khác với nội dung kinh Kim Cương có lẽ ông còn phải chú thích nhiều hơn nữa.

Chủ trương trung thành với nguyên điển nên Huyền Trang không những không cắt gọn hay nhuận sắc mà còn theo sát cả đến cách hành văn nhiều khi rất lề mề của nguyên cảo Sanskrit. Quan điểm tổng quát thì đa số người có dịp đọc hai bản “Kim Cương Bát Nhã” và “Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã” thì thường ưa thích bản của La Thậpvăn chương chao chuốt và dễ đọc hơn, vì vậy bản dịch này phổ biến hơn. Như trường hợp ở Việt Nam hầu như trước đây người ta còn không biết đến các bản dịch Hán văn khác ngoài bản dịch của La Thập (trong tất cả các bản văn còn giữ được ở kho văn khố Hán Nôm Hà Nội chỉ thấy có bản La Thập). Tuy nhiên cũng là một người có đôi chút học vấn về chữ Hán và Sanskrit thì cá nhân tôi có thú vị riêng khi đọc bản Huyền Trang. Đọc bản dịch của La Thập vì quá trau chuốt khiến người ta nhiều khi quên rằng mình đang đọc một bản dịch. Trái lại đọc bản Huyền Trang rõ ràng biết mình đang đọc bản dịch nên phần nào thấm được tư vị của nguyên cảo. Vì rõ ràng là bản dịch của Huyền Trang có trúc trắc, có lề mề, nhưng dường như chính ngài cố tình dịch luôn cả cái trúc trắc luộm thuộm của nguyên cảo. Đây có phải là một ưu điểm hay không? Nhưng rõ ràng đó là điểm độc đáo văn dịch của Huyền Trang.

Huyền Trang là một học giả Phật học cẩn trọng, là dịch giả hiếm hoi vừa giỏi cả hai ngôn ngữ vừa từng sống lâu trong cả hai xã hội chịu ảnh hưởng của hai văn hóa này. Huyền Trang lại còn là người tường tận cả tri thức luận và logic ngôn ngữ Phật học (Nhân Minh Học), vì vậy ngài quả thật hội đủ tất cả các phẩm chất cần và đủ để trở thành môt dịch giả kinh Phật lý tưởng. Sự nghiệp dịch kinh của sư đã là một minh chứng rõ ràng. Vì vậy lý thuyết “Ngũ Chủng Bất Phiên” của sư không còn là một lý thuyết mà chính là kết quả của một thực hành lâu dài. Ở đây chúng ta cần nghiêm thẩm về lý thuyết này một cách kỹ lưỡng hơn là chỉ có tính cách liệt kê.

Ngũ Chủng Bất Phiên 五種不番

Ngũ Chủng Bất Phiên là năm trường hợp cần giữ nguyên nguyên ngữ (qua các dịch âm / transliteration) mà không phiên dịch (dịch nghĩa / translation). Sau đây là năm trường hợp:

1. Vì bí mật nên không dịch, như chữ đà-la-ni (dhārani).
2. Vì hàm nhiều nghĩa nên không dịch, như chữ “bạt-già-phạm” (bhagavat), a-la-hán (arhat).
3. Vì ở Trung Hoa không có thứ đó nên không dịch, như chữ (cây) “diêm-phù” (jambū)
4. Vì giữ theo người dịch xưa nên không dịch, như chữ “bồ-đề” (bodhi).
5. Vì trân trọng nên không dịch, như chữ “bát-nhã” (prajñā).

            Cách không dịch nghĩa thứ nhất, Huyền Trang giải thích là không nên dịch nghĩa các từ Phạn ngữý nghĩa sâu sắc bí mật mà khi dịch chỉ dùng một từ đơn giản có một nghĩa giới hạn thì nên dùng lại nguyên từ (qua cách đọc / transliterate). Huyền Trang thí dụ như chữ Phạn dhārani thì chỉ cần đơn giản dùng cách đọc âm “đà-la-ni” để bảo tồn được phần nào nguyên âm của nguyên trạng. Không dịch vì ngoài sự bảo vệ ý nghĩa bí mật, mà tránh cách dịch nghĩa một cách trực tiếp nhiều khi không có nghĩa gì hết như thần chúoṃ ma-ṇi pad-me hū” dù có thể dịch nghĩa là “om, ngọc quí trong hoa sen” thì câu này thật ngô nghê chẳng có nghĩa gì, thế thì đành “dịch” âm (đọc theo Hán Việt) là “án ma-ni bát-mê hồng”. Nguyên tắc với các thần chú như thế không phải do Huyền Trang chủ trương mà nó đã là nguyên tắc của thần chú từ xưa. Cho nên như thần chú gate ở cuối kinh Bát Nhã Tâm Kinh từ các bản dịch xa xưa của La Thập qua các bản dịch Hán, Tạng, Mông cho đến Anh Pháp Đức hiện đại cũng đều là “dịch âm” là “gate, gate, pāragate, pārasaṃgate, bhodi svāhā” như thế.

Trường hợp thứ hai không dịch nghĩa là những từ trong nguyên cảo quá hàm xúc và nhiều nghĩa. Huyền Trang thí dụ như chữ bhagavat “bạt già phạm” có đến sáu nghĩa, nếu chỉ một nghĩa được dịch, thì năm nghĩa kia cũng mất. Trong thí dụ chữ Bhagavat (thế tôn) theo Huyền Trang từ này gồm sáu nghĩa: (1) người có những hảo tướng, (2) người chiến thắng các ảo tưởngma quỉ, (3) người chia sẻ những thiện đức như tự tại trước các cám dỗ của danh vọng tiền tài vật chất, (4) người hoàn toàn thấu triệt chân lý Bốn Thánh Đế, (5) người luôn thực hành thánh sự, (6) người đã từ bỏ luân hồi. Cả sáu nghĩa đó đồng lúc nói lên trong từ Bhagavat “bạt già phạm” nay nếu chỉ dịch một nghĩa thì mất luôn năm nghĩa kia. Đây là trường hợp rất thường thấy trong thuật ngữ Phật giáo, tỷ như từ thông thường là mahā chúng ta tưởng rằng dễ dàng dịch ra là “đại” như “đại thừa” Mahāyāna. Thực ra mahā trong Phật học có đến 6 nghĩa chính “1- Thường nên gọi là mahā, 2- Rộng nên gọi là mahā, 3- Cao nên gọi là mahā, 4- Sâu nên gọi là mahā, 5- Nhiều nên gọi là mahā, 6- Hơn nên gọi là mahā.” Nên cuối cùng để mở “mahā” là tốt nhất.

Cách không dịch nghĩa thứ ba là các danh từ chỉ các địa danh, sự vật, cây cỏ, muôn thú v.v. không có ở Trung Hoa và Trung Hoa cũng không có tương tự. Huyền Trang cho thí dụ như loại cây jambū “diêm phù” là loại cây chỉ thấy ở Ấn Độ, môt năm thay lá đến ba lần, và thay lá rất nhanh trong khoảng khắc. Ở Tây phương các thuật ngữ triết học khoa học nhiều khi cũng bắt buộc phải dùng nguyên tự gốc, như ngày nay chúng ta thấy đại đa số các quốc gia dùng mẫu tự la-tinh khi viết về các thuật ngữ điện tử điện toán cũng thường viết theo Anh ngữ, mà không cố dịch ra ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, dù có thể dịch được.

            Không dịch nghĩa thứ tư là gồm các từ mà qui ước truyền thống đã quen dùng lối phiên âm theo phạn âm (transliteration). Huyền Trang cho thí dụ chữ anuttarā-saṃyak-saṃbodhi dù có thể dịch được là “vô thượng chính đẳng chính giác”, nhưng chúng tathói quen dịch âm (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề) cho nên dù có thể dịch nghĩa cũng không nên dịch.    

            Loại thứ năm không dịch là những từ có nghĩa đặc biệt sẽ mất khi dịch ra Hán ngữ. Thí dụ như từ prajñā (bát nhã) dù có thể dịch ra là “trí tuệ” nhưng cách dịch này đã làm mất đi ý nghĩa sâu sắc của nó. Cho nên cách dịch âm (bát nhã) thì cái nghĩa toàn vẹn của chữ prajñā sẽ được gìn giữ.[17]

D. Lý Luận của Tán Ninh

            Tán Ninh (919-999) là người Ngô Hưng, Hàng Châu và là tác giả Đại Tống Cao Tăng Truyện. Tán Ninh là một người bác học, nổi tiếng trong giới Luật sư đương thời, viết nhiều sách còn truyền đến tận ngày nay. Lý luận về dịch kinh của ông được ghi trong Tống Cao Tăng Truyện gọi là “Tân Ý Lục Lệ” (sáu quy tắc mới) là tổng kết các kinh nghiệm của tiền nhân gồm sáu tiêu đề như sau:

1- Dịch Chữ, Dịch Âm:

            Tán Ninh phân biệt thành bốn trường hợp: 1- Âm chữ đều dịch, đây là lối dịch bình thường. 2- Âm chữ đều không dịch; đây là trường hợp thông thường ngày nay chúng ta cùng dùng chung mẫu tự abc như Boston, London. 3- Dịch chữ không dịch âm, tức không phiên dịch (translating) mà chỉ dùng chữ Hán chú âm chữ Phạn (transliterating); đây là loại Huyền Trang nói là “Bí Mật không nên dịch” chi dùng chữ Hán chú âm chữ Phạn, như chữ đà-la-ni (dhārani). 4- Dịch âm không dịch chữ, tức trường hợp chữ “vạn” 卍 dùng nguyên chữ Phạn chỉ dịch âm.

2- Tiếng Hồ, Tiếng Phạn:

            Qui tắc này cũng chia làm bốn loại: 1- Thanh Tạngngôn ngữ thuần Phạn ngữ (Sanskrit) khác với ngôn ngữ các nước Hồ. 2- Miền bắc Tuyết Sơn thuộc về Hồ, có chữ viếtngôn ngữ khác với Thiên Trúc (Sanskrit). Đây là sai lầm về địa lý, người Trung Hoa xưa gọi chung các nước Tây Vực là Hồ, rồi từ nhà Tùy lại gọi chung là Phạn. 3- Vừa Hồ vừa Phạn; tỷ dụ như trường hợp kinh Phật truyền đến nước Quy Tư, người nước này dịch ra tiếng của họ, chỗ nào dễ hiểu thì để nguyên tiếng Phạn. Khi kinh này mang qua Trung Hoa thì lẫn lộn vừa Phạn vừa Hồ. 4- Chỉ thuần tiếng Hán, nhiều thành ngữ tục ngữ tiếng Phạn dịch theo nghĩa chữ cũng không được, mà dịch theo âm thì cũng không ai hiểu. Nên chỉ có cách chuyển thành thành ngữ, tục ngữ Trung Hoa tương đương.

3- Tái dịch, trực dịch:

            Kinh Phật truyền đến các vùng Lâu Lan, Yên Kỳ v.v. được dịch ra tiếng bản xứ. Rồi các kinh này mới đưa đến Trung Hoa và dịch ra chữ Hán văn thì gọi là dịch lại (tái dịch). Còn kinh điển từ Thiên Trúc (Ấn Độ) mang thẳng đến Trung Hoa, rồi người Hoa dịch ra Hán văn thì gọi là dịch thẳng (trực dịch)

4- Thô ngôn, tế ngữ:

            Kinh Phật được kết tập nhiều lần nên ngôn ngữ cũng không đồng nhất. Thô ngữngôn ngữ phổ thông của đời thường, tế ngữ là ngôn ngữ tế nhị tao nhã.

5- Hoa ngôn, nhã tục:

            Hán văn (Hoa văn) cũng có nhã (như văn cao nhã của kinh điển) có tục (như văn thường đàm thông dụng). Nếu các bản dịch kinh qua tay các nhà bậc cao sĩ nổi tiếng làm công việc xuyết văn nhuận sắc thì chung cuộc sẽ có bản dịch tao nhã, còn chỉ có ngươi bình phàm học thức nông cạn thì chỉ có được các bản dịch bình thường dung tục.

6- Trực ngữ, mật ngữ:

            Căn cứ vào văn tự (trực dịch) là dịch theo “nghĩa đen”. Căn cứ vào nghĩa sâu kín gọi là “mật ngữ” tức là dịch theo “nghĩa bóng.” Thí dụ dịch pāramitā là “bỉ ngạn” (bờ bên kia) là trực dịch, dịch “viên mãn, rốt ráo” là dịch theo mật ý, mật ngữ.  

2- CÁCH TỔ CHỨC MỘT DỊCH TRƯỜNG

            Dù có thể được trợ giúp, nhưng tuyệt đại đa số người dịch kinh Phật là cá nhân. Đầu tiên các tăng nhân Thiên Trúc (Ấn Độ) hay Tây Vực (các quốc gia Phật giáo ở phía Tây Trung Hoa) đến truyền pháp ở Á Đông đều là cá nhân và nhiều người cũng không thông thạo Hán ngữ. Cho nên các bản dịch kinh dù có thể thường sẽ nhờ một vị sư hay một nhà trí thức nội địa “xuyết văn” thì từ căn bản vẫn chỉ là công tác của một cá nhân. Tuy nhiên trong lịch sử phiên dịch Hán ngữ chúng ta có hai trường hợp nhà vua cho thiết lập cả một “quốc gia dịch trường” qui mô mà chúng ta đề biết. Đó là dịch trường của La Thập và dịch trường của Huyền Trang. Chi tiết về dịch trường của La Thập thì hầu như chúng ta chỉ biết nhà vua và triều đình cựu kỳ tôn kính và hỗ trợ vô giới hạn cho công cuộc dịch thuật của ngài, ngoài ra chúng ta hoàn toàn không biết chi tiết nào về tổ chức của dịch trường này. Tuy nhiên về dịch trường Huyền Trang thì chúng ta tương đối có một số tài liệu.

            Điều quan trọng chúng ta thấy các sách hiện tại khi nghiên cứu về Huyền Trang không chú ý. Đó là qua cách sắp đặt vị trítrách nhiệm trong dịch trường, chúng ta biết dịch trường của Huyền Trang là dịch trường tổ chức trên căn bảndịch theo văn bản. Có lẽ đây là điểm độc đáo then chốt của dịch trường Huyền Trang.

            Chúng ta nên biết vào những thế kỷ xa xưa thì mang được tấm thân trần đi được từ Ấn Độ đến Trường An đã là cả một kỳ công hãn hữu (theo Cao Tăng Truyện “mười người đi chỉ có hai người đến được Trung Nguyên”) nói gì đến việc mang theo văn bản, vốn thời đó không gọn nhỏ như quyển sách của chúng ta ngày nay. Rất may là sau thời gian thỉnh kinh gian khổ, chuyến trở về của Huyền Trang là cả một chuyến đi hoành tráng, có người tổ chức, có ngựa xe, có người phụ trách mang kinh sách, với các giấy giới thiệu hết sức trân trọng của vua các quốc gia mà ngài đi qua. Sử nói rõ chuyến trở về Huyền Trang “có 20 con ngựa để chở kinh sách” nên ta hiểu ngài đã mang theo được rất nhiều văn bản kinh luận.

Khi Huyền Trang từ Ấn Độ trở về, vua Thái Tông đã để riêng Huyền Trang ở chùa Hoằng Phúc để làm dịch trường. Sau cho xây riêng Đại Từ Ân Tự cũng ở kinh đô rất qui mô và hoàn bị cho mục đích tổ chức trường dịch. Sau về già ngài Huyền Trang lại hay về dịch ở Ngọc Hoa Cung trong núi Chung Nam cũng ở gần kinh đô. Chúng ta thường nghe nói dịch trường có cả ngàn nhân viên giúp việc, nhưng có lẽ phần lớn là công việc chép kinh hay hành chính. Thứ nữa là các nhân vật trực tiếp tham dự dịch không phải luôn luôn có mặt mà là tùy theo kinh. Khi dịch đến kinh nào thì triều đình mới thỉnh các vị phụ dịch đến tham gia, khi dịch xong người nào về lại trú xứ cũ.

Trong một số trường hợp chúng ta còn được biết tên và chức vị của từng người tham dự, như tên tuổi các vị sư danh tiếng về kinh điển chuyên môn và danh tính chức vụ phẩm hàm của các văn quan khoa cử giỏi văn chương. Như trường hợp khi Huyền Trang dịch kinh ở chùa Hoằng Phúc ở kinh đô Trường An, triều đình đã cho triệu tập hầu như hầu hết các đại đức hòa thượng danh tăng ở Kinh Đô và phụ cận, cùng với các văn quan khoa cử nổi tiếng văn chương về tập trung trợ dịch. Thí dụ như khi dịch Đại Bồ Tát Kinh tháng 5 năm Trinh Quán 19 (645) có tên tuổi 11 hòa thượng sa môn làm công tác “Chứng Nghĩa”, 9 vị làm công tác “Xuyết Văn” v.v. Khi dịch Du Già Địa Sư Địa tháng 5 năm Trinh Quán 22 (648) có 5 vị phụ trách “Bút Thọ”, 7 vị phụ trách “Chứng Văn”, 8 vị phụ trách “Chứng Phạn ngữ”, 2 đại thần giữ việc “Giám Duyệt”.[18]

Đại khái theo các kinh lục còn có hiện nay chúng ta tạm thời có thể biết tổ chức Dịch Trường của Huyền Trang lãnh đạo gồm có các chức vụ như sau:

1. Vi Chủ tức dịch chủ, Huyền Trang là người chủ dịch, tuyên xướng Phạn văn, đọc nguyên văn Phạn ngữ của bộ kinh được phiên dịch.

2. Chứng Phạn Nghĩa, tức chứng nghĩa chữ Phạn, bàn luận với dịch chủ về nghĩa lý nguyên văn  Phạn ngữ, để cân nhắc điều chỉnh ngữ nghĩa.

3. Chứng Văn, cũng gọi là chứng Phạn Bản, nghe dịch chủ đọc tụng Phạn văn, kiểm sự sai sót khi tụng đọc.

4. Độ Ngữ còn gọi là Thư Tự, có nhiệm vụ nghe đọc Phạn văn rồi viết theo âm Hán văn (transliteration).

5. Bút Thụ hay Chấp Bút, dịch nghĩa Phạn âm (Sanskrit transliteration) thành Hán ngữ.

6. Xuyết Văn, có nhiệm vụ chỉnh lý sắp xếp câu văn theo thứ tự văn pháp Hán ngữ thành câu cú có nghĩa lý theo Hán văn.

7. Chứng Dịch, còn gọi là Tham Dịch, tham khảo đối chiếu văn pháp Phạn ngữ và Hán ngữ để tranh sai lầm.

8. San Định hay Khảo Đính, có trách nhiệm hiệu đính, cắt bỏ rườm rà, trau chuốt câu văn thành câu văn trong sáng

9. Nhuận Văn, nhiệm vụ phụ trách nhuận sắc câu văn sau khi san định.

10. Phạn Xuy, thử tụng đọc niệm xướng cho thuận miệng êm tai.

             Tóm lại công tác tại dịch trường cứ như được diễn tả thì quả thật phức tạp nhưng cho thấy tổ chức phân công rất kỹ lưỡng. Đọc một số sách chúng ta thấy người ta còn vẽ ra sơ đồ cả một dịch trường to lớn với vị trí của từng người, giống như phòng họp của một hội thảo lớn ngày nay. Nhưng nếu như thế không thể dịch nhanh như Huyền Trang đã có thể làm được. Cho nên dù có phân trách nhiệm công tác, tôi trộm nghĩ rằng có lẽ dịch chủ Huyền Trang vẫn làm việc chính là một mình, chỉ có khi cần mới họp với vài cộng sự cần thiết. Dịch chủ Huyền Trang không thể cùng một lúc họp trong một hội trường lớn và đông đảo như vậy thì sẽ rất chậm. Cho nên có lẽ nhiều công đoạn chỉ có các thành viên của từng ủy ban họp riêng, trước khi chuyển qua các ủy ban khác. Khi hoàn thành thì mới tập họp chung nghe tụng đọc (Phạn Xuy) lần cuối cùng. Việc xuy nghĩ như trên chỉ là ý kiến riêng của tôi, mọi người có lẽ cũng không cần biết chi tiết dịch trường làm việc. Điều cần biết là trường dịch được tổ chức qui mô và làm việc rất trật tự.



[1] Đạo An (312-385) là lãnh tụ Phật giáo đương thời. Sư là một tôn sư đạo đức và có nhiều đóng góp lớn  cho việc phát triển Phật giáo như thiết lập lần đầu tiên bản tổng mục về kinh điển Phật giáoloại bỏ những ngụy kinh, thiết lập nguyên tắc dùng “họ” thích cho người xuất gia (trước đó, tu sĩ Phật giáo thường lấy “họ” theo nguồn gốc quê hương, thí dụ Trúc Pháp Lan (là Pháp Lan từ Thiên Trúc Ấn Độ), An Thế Cao (là Thế Cao đến từ An-Tây Parthia). Đạo An là người yêu cầu vua Phù Kiên mời Cưu Ma La Thập đến Trường An. Tuy không gặp La Thập nhưng nhiều người tâm huyết trợ giúp cho La Thập dịch kinhđệ tử của sư.

[2] Vũ Thế Ngọc, Trí Tuệ Giải Thoát: Dịch Giảng Kinh Kim Cương, Tùng Thư Long ThọTính Không, tái bản 2020.

[3] Cao Tăng Truyện 高僧傳

[4] Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (vimalakirtinīrdeśa-sūtra): 1- Chi Khiêm dịch thời Tam Quốc (223-253), 2- Cưu Ma La Thập dịch (406), 3- Huyền Trang dịch (650)

[5] Bách Luận (śata-śāstra) của Thánh Thiên Đề Bà (deva) đệ tử Long Thọ, La Thập dịch năm 404, Bách Luận cùng với Trung Luận Thập Nhị Môn Luận của Long Thọ ( cả ba luận này do Vũ Thế Ngọc dịch trong Tùng Thư Long ThọTính Không) là ba luận Căn bản của Tam Luận Tông. Cũng xem Vũ Thế Ngọc, Thánh Thiên Tứ Bách Luận, Tùng Thư Long ThọTính Không. Tứ bách Luận được coi là sâu và rộng hơn Bách Luận.

[6] Phật Đà Da Xá (Buddhayasas) là người cùng Trúc Phật niệm dịch Tứ Phần Luật

[7] Xem các bản dịch và giảng của các bản dịch này trong Tùng Thư Long ThọTính Không.

[8] Hợp Bản (合版) là cách dùng cả hai hay nhiều bản văn để đoán nghĩa.

[9] Trong sách thường có ngôn từnhận định có thể gây hiểu lầm về “cái tôi” của người viết, thí dụ như “trước khi có Phật giáo du nhập Trung Hoa không có tôn giáo” (không phải là nhận định của tôi mà là nhận định của triết gia Phùng Hữu Lan trong Tân Nguyên Đạo) hoặc ở đây “người Trung Hoa chưa hiểu được Phật giáo” (không phải là của tôi mà là của nhiều học giả Trung Hoa). Lẽ dĩ nhiên tôi phải cố tìm xuất xứ để chú thích, nhưng không dễ tìm rõ sách, trang và cũng không thể chú thích quá nhiều quá dài.

[10] Vũ Thế Ngọc, Trí Tuệ Giải Thoát, nxb Thế Giới 2012, tr.359

[11] Một thí dụ nhỏ cùng nguyên tác prajñā-pāramitā La Thập chỉ chuyển bẳng năm âm “bát nhã ba la mật” nhưng Huyền Trang luôn luôn chuyển dịch bằng đủ sáu âm là “bát nhã ba la mật đa”

[12] Vũ Thế Ngọc, Trí Tuệ Giải Thoát: Dịch Giảng Kinh Kim Cương [2013] nxb Hồng Đức tái bản 2020.

[13] Trong Trí Tuệ Giải Thoát tôi đã có dịp tâm sự riêng tư: “Hạnh phúc nhất của người học kinh luận Phật giáo như tôi, là trước mặt có cả bản dịch Hán văn của La Thập lẫn Huyền Trang bên cạnh bản văn Sanskrit có bản dịch của các học giả Tây phương.”

[14] Edward Conze dịch “The Lord asked: What do you think, Subhuti, does the Tathagata’s heavenly eye exist, his wisdom eye, his Dharma-eye, his Buddha-eye?” Trí Tuệ Giải Thoát, sđd, tr. 265-9

[15] Trong kinh Kim Cương, đoạn hai “Tu Bồ Đề Khải Thỉnh” theo bản Sanskrit, luận của Thế Thân và các bản Hán dịch khác thì quả thật Tu Bồ Đề hỏi Phật gồm có ba câu hỏi (1) Làm sao để trụ tâm? (2) Làm sao để tu hành? (3) Làm sao để chế phục tâm? Trong khi bản La Thập chỉ tập trung vào hai câu (1) Làm sao để trụ tâm? (2) Làm sao để hàng phục tâm? (應云何住, 云何降伏其心/ Ưng vân hà trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm). Xem chi tiết trong Trí Tuệ Giải Thoát, sđd.

[16] Xem bản dịch Lịch Sử Phiên Dịch Hán Tạng của Thích Phước Sơn, trang 281-3

[17] Học giả Tây phương sau khi cố thay chử “wisdom” bằng “Wisdom” hay “transcendental wisdom” rồi cũng thường dùng lại chữ Prajna. Xem giảng chi tiết về từ prajñā trong Vũ Thế Ngọc, Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng, nxb Hồng Đức 2019.

[18] Trong thí dụ khác khi Nghĩa Tịnh (635-713) dịch luận Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Ni-dà-na vào năm 710 đời nhà Đường, còn ghi rõ tên tuổi địa chỉ trú xứ của 20 vị tăng nhân, đa số là sư gốc người Thiên TrúcTây Vực phụ trách phần vụ chứng văn, chứng nghĩa, chứng Phạn nghĩa, đọc Phạn bản, chứng dịch, bút thọ… còn có tên tuổi chức vụ cả 30 đại quan của Triều đình tham dự phần giám dịch.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/04/2024(Xem: 236)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.