TRAI THỜI LOẠN
Người Long Hồ
Trai Thời Loạn chỉ là một đoản văn ngắn, rất ngắn tản mạn về hồi ức của một người tuổi đã quá thất thập. Đoản văn Trai Thời Loạn, nhớ gì viết nấy, viết để cho con cháu tôi hay những thế hệ sau tôi biết rằng cha anh họ cũng đã có một thời sống như thế ấy. Và cha anh họ cũng đã làm hết sức mình những mong duy trì cho những thế hệ sau, nếu không tốt hơn thế ấy, ít nhất cũng bằng được như thế ấy… Nhưng lực bất tòng tâm, cơ trời đã khiến cho vận nước ra như vậy. Mình tự hỏi sau ngần ấy năm trôi qua chắc thời gian cũng đủ dài để cho chúng ta chiêm nghiệm rằng đất nước nầy đã từng có một thời thanh niên phải bỏ học dang dở, xếp bút nghiên lên đường làm Trai Thời Loạn. Tuổi thơ của tôi qua đi nhanh quá, mới đó mà tuổi đời đã quá thất tuần. Ngày ấy, tôi nào có mơ ước gì cao xa, chỉ mong sao được như bao nhiêu đứa trẻ khác, có tuổi thơ hồn nhiên, có bạn bè, tung tăng vui đùa với những người trang lứa, với làng xóm thân yêu, giữa những người dân quê bình dị nghĩa tình. Giấc mơ đơn giản như vậy mà lúc nào cũng ngoài tầm tay không chỉ của riêng tôi mà của hầu hết thanh thiếu niên thời loạn. Hồi đó tôi chỉ mong sao cho đất nước thanh bình để tôi có cơ hội được ở mãi bên mẹ bên cha. Nhưng cây muốn lặn mà gió chẳng chịu ngừng, những điều tôi muốn, những ao ước tầm thường của một con người đã bị người ta vin vào chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, làm cho nó thật xa để rồi tôi sẽ không bao giờ nắm bắt được những mơ ước tầm thường này. Trên đất nước nầy có hàng triệu, hàng triệu thanh thiếu niên đã từng phải hứng chịu đoạn trường chứ không riêng gì tôi. Ngày đó, gần 60 năm về trước tôi phải bỏ học vì nghèo vì đất nước chiến tranh, rồi sau đó với 7 năm lính, tôi đã phải gánh chịu 8 năm khổ sai trong lao ngục của người anh em vô minh phía bên kia. Khi đi tù CS vào tháng 5 năm 1975, lúc đó đứa con trai lớn của tôi chỉ mới khoảng 20 tháng và đứa con gái mới 8 tháng. Đến tháng 5 năm 1983 khi ra khỏi lao tù của người anh em vô minh phía bên kia thì đứa con trai lớn của tôi đã trên 11 tuổi và con gái đã trên 10 tuổi. Rồi họ cũng đâu có để cho mình yên, mỗi sáng họ cứ mang súng tới ngồi trước nhà, khiến cho mình không còn đi đứng làm ăn gì được hết, nên phải quyết định tìm cách vượt thoát, phải vượt biên xa vợ con lần nữa. Thật là cay nghiệt làm sao cho thanh niên thanh nữ thế hệ chúng tôi. Đến khi gia đình nhỏ của tôi đoàn tụ bên Mỹ thì cả tôi và nhà tôi đã bước vào tuổi 40, con trai lớn của chúng tôi đã 16 tuổi, con gái kế đã 15, và đứa con trai út đã 5 tuổi. Nếu tính 15 năm đoạn trường của Kiều, thì nỗi đoạn trường của gia đình chúngtôi , hay nói cho đúng ra là của nhiều gia đình thanh thiếu niên Miền Nam thời đó, đã vượt quá xa cái khoảng thời gian 15 năm đoạn trường của Kiều rồi, bởi vì chúng tôi đã phải sống trong cảnh đoạn trường của đất nước từ cái năm mà người anh em vô minh phía bên kia bắt đầu quậy phá (cuối năm 1959) đến ngày chúng tôi gặp lại nhau trên vùng đất Tự Do vào năm 1989. Mà thôi! Cả nước đều như vậy hết, chứ nào phải riêng gì một mình tôi đâu. Tôi không dám phê phán gì ai, nhưng sau gần 50 năm qua, 50 năm có nghĩa là đã gần một nửa thế kỷ, ngần ấy thời gian cũng đủ dài để cho tôi nói lên không chỉ là nhận xét của riêng mình, mà tôi nghĩ còn là nhận xét của đa số dân mình: “Cuộc đổi đời không những không mang lại hạnh phúc ấm no cho đa số dân mình, mà nó còn dìm sâu những mảnh đời cơ cực xuống vũng bùn tăm tối lầm than hơn.” Từ cái ngày đổi đời ấy đến nay, có bao nhiêu lần dân mình được no cơm ấm áo, bao nhiêu lần dân mình có được giấc ngủ bình yên, hay vẫn chỉ tay làm hàm nhai, đến tối cũng không yên vì không biết tai họa đổ ập lên đầu mình lúc nào. Còn nữa, bao nhiêu trẻ thơ mất đi tuổi thanh xuân hồn nhiên, chẳng những không được đi học, mà ngày ngày còn phải lê lết đó đây trên các vỉa hè để kiếm miếng cơm thừa cá cặn. Còn nhiều lắm, nhiều lắm những cảnh bất hạnh của tuổi thơ Việt Nam.
MỤC LỤC
_____________________
- Không Có Nơi Nào Có Thể Thay Thế Được Quê Hương Trong Tim Tôi