PHẦN II
3. SỰ NGHIỆP PHIÊN DỊCH VÀ TRƯỚC TÁC
Không chỉ làm công tác truyền giáo, Khương Tăng Hội còn tiến hành sự nghiệp phiên dịch trước tác. Như đã thấy, ông dịch Lục độ tập kinh vào năm Thái Nguyên thứ nhất (251) đời Tôn Quyền và Đạo phẩm vào đời Tôn Lượng (252 - 258). Cứ Xuất Tam tạng ký tập 2 ĐTK 2145 tờ 7a27-b1, Khương Tăng Hội đã phiên dịch hai bộ kinh là Lục độ tập kinh 9 quyển và Ngô Phẩm 5 quyển “vào đời Ngô chúa Tôn Quyền và Tôn Lượng”. Xuất Tam tạng ký tập là một bản kinh lục xưa nhất hiện còn đáng tin cậy, vì khi viết nó, Tăng Hựu có tham khảo với bản kinh lục của Đạo An và một số kinh lục khác. Tuy nhiên, trong bản tiểu sử của Khương Tăng Hội ở Xuất Tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 97a13-16, Tăng Hựu lại viết: “Hội ở chùa Kiến Sơ dịch kinh pháp (như) A nan (?) niệm di kinh, Kính diện vương, Sát vi vương, Phạm hoàng vương kinh, Đạo phẩm và Lục độ tập kinh, đều khéo được thể kinh, văn nghĩa doãn chính. Lại chú thích ba kinh là An ban thủ ý, Pháp kính và Đạo Thọ, cùng viết lời tựa cho các kinh ấy, lời lẽ đẹp đẽ, nghĩa lý vi diệu, đều được hậu thế kính trọng”.
Thế thì, không chỉ dịch Lục độ tập kinh và Ngô Phẩm hay Đạo phẩm, Khương Tăng Hội còn dịch các kinh A ly niệm di, Kính diện vương, Sát vi vương và Phạm hoàng vương. Kinh A ly niệm di, mà Xuất Tam tạng ký tập và Cao tăng truyện đều viết thành A nan niệm di, ngày nay có mặt trong Lục độ tập kinh. Các kinh Kính diện vương, Sát vi vương và Phạm hoàng vương đều cũng thế. Hiện chúng cùng kinh A ly niệm di đã tạo nên bộ phận cuối cùng của Lục độ tập kinh. Vậy phải chăng tự nguyên thủy Lục độ tập kinh không có các kinh này? Xuất Tam tạng ký tập 4 ĐTK 2145 tờ 25b8-9 trong mục tân Tập tục soạn thất dịch tạp kinh lục đã ghi “Kính diện vương kinh 1 quyển xuất từ Lục độ tập kinh, Sát vi vương kinh 1 quyển xuất từ Lục độ tập”. Thế thì, tự nguyên thủy Lục độ tập kinh tự bản thân đã có các kinh đó, rồi sau mới tách rời ra thành từng bản đơn hành.
Một kiểm soát sơ bộ chính Xuất Tam tạng ký tập cũng cho thấy, ngoài hai kinh vừa nói, Lục độ tập kinh còn có 20 kinh lưu hành dưới dạng đơn kinh bản, mà Tăng Hựu ghi rõ xuất phát từ nó. Cụ thể là Di liên kinh (tờ 16b25), Tát hòa đàn vương kinh (tờ 17c6), Mật phong vương kinh (tờ 17c23), Phật dĩ tam sự tiếu kinh (22a26), Nho đồng bồ tát kinh (22c18), Bồ tát dĩ minh ly quỉ thệ kinh (23a25), Điều đạt giáo nhân vi ác kinh (23c18), Kiệt tham vương kinh (25b11), Sát thân tế cổ nhân kinh (26c25), Sát long tế nhất quốc nhân kinh (26c26), Bồ tát thân vi cáp vương kinh (27b5), Tước vương kinh (27b10), Trung tâm chính hạnh kinh (29a12), Già la vương kinh (34a6), Càn di vương kinh (34a11), Thái tử Pháp thí kinh (34a23) Tiên thán kinh (34b9), Bồ tát tác qui bản sự kinh (34c29), Bồ tát vi ngư vương kinh (35a2), Bố thí độ vô cực kinh (36a11).
Vậy, các kinh A ly niệm di, Kính diện vương, Sát vi vương và Phạm hoàng vương là những đơn hành bản của Lục độ tập kinh. Bản thân Lục độ tập kinh là một “tập kinh” nên các kinh trong nó có thể được tách ra và lưu hành độc lập, mà không ảnh hưởng gì đến nội dung của chúng. Vì thế, ta mới thấy lưu hành một số lượng lớn đơn hành bản, như vừa thấy. Nếu vậy, tại sao cả Tăng Hựu lẫn Huệ Hạo đều viết: “Hội ở chùa Kiến Sơ, dịch ra kinh pháp (như) A ly niệm di kinh, Kính diện vương, Sát vi vương, Phạm hoàng vương kinh, Đạo phẩm và Lục độ tập kinh". Việc ghi tên bốn kinh A ly niệm di, Kính diện vương, Sát vi vương, Phạm hoàng vương tách riêng ra với Lục độ tập kinh như thế này hẳn để báo cho chúng ta biết quá trình phiên dịch của Lục độ tập kinh. Nói cách khác, trong khi tiến hành phiên dịch Lục độ tập kinh, Khương Tăng Hội đã chọn bốn kinh vừa nêu dịch và cho lưu hành trước, rồi mới tiếp tục dịch tiếp toàn bộ bản Lục độ tập kinh còn lại. Sự thực, bốn kinh có một nội dung triết học sâu xa, đặc biệt kinh A ly niệm di và Sát vi vương. Cho nên, có thể vì yêu cầu học tập và phổ biến giáo lý cho các tầng lớp trí thức cỡ từ Tôn Quyền trở xuống, Khương Tăng Hội phải cho chọn và nhuận sắc lại một số kinh cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi trước mắt. Do thế, mới có việc Tăng Hựu và Huệ Hạo ghi tên các kinh ấy trước Lục độ tập kinh.
Sau năm 251 đến năm 258, Khương Tăng Hội dịch Đạo phẩm. Đạo phẩm, mà Xuất Tam tạng ký tập 2 gọi là Ngô phẩm, vì nó được dịch ở triều Ngô của Tôn Quyền, thực chất là bộ kinh Bát nhã tám ngàn kệ, đúng như Cao tăng truyện đã nói là Khương Tăng Hội dịch Tiểu phẩm. Tiểu phẩm đây là Tiểu phẩm bát nhã tám ngàn kệ, mà Kumarajìva dịch về sau. Vào thời Tăng Hựu viết Xuất Tam tạng ký tập, Đạo phẩm đang còn lưu hành. Đến khi Phí Trường Phòng hoàn thành Lịch đại tam bảo ký, nó đã thất lạc. Cho nên, Đại đường nội điển lục và Khai nguyên thích giáo lục đã xếp nó vào loại khuyết bản.
Như thế, theo Tăng Hựu sự nghiệp dịch thuật Khương Tăng Hội chỉ giới hạn vào Lục độ tập kinh và Đạo phẩm. Và vì Đạo phẩm thất lạc sớm, nên hiện nay chỉ còn Lục độ tập kinh. Tuy nhiên, theo Huệ Hạo, Khương Tăng Hội còn dịch Tạp thí dụ kinh. Xuất Tam tạng ký tập 42 ĐTK 2145 hiện có bốn mục ghi Tạp thí dụ kinh, nhưng không ghi là dịch giả. Ở quyển 4 tờ 21c11, nó ghi dưới mục Tân tập tục soạn thất dịch tạp kinh lục: “Tạp thí dụ kinh 6 quyển, hoặc gọi là Chư Tạp thí dụ kinh”. Cũng dưới mục ấy ở tờ 22a5 ghi: “Tạp thí dụ kinh 2 quyển”. Rồi ở tờ 31a11, nó ghi: “Tạp thí dụ kinh 1 quyển, phàm 11 việc. An pháp sư chép Trúc Pháp Hộ kinh mục có Thí dụ kinh 300 chuyện 25 quyển, xen lẫn không có danh mục, khó có thể phân biệt. Bản mới soạn vừa có được đều liệt định các quyển để người xem hiểu. Tìm hiểu các bản này phần lớn xuất phát từ các kinh lớn, có lúc mất tên người dịch, nhưng bản Hộ cũng dịch ra, hoặc có ở trong đó”.
Ba bản Tạp thí dụ kinh, mà Tăng Hựu vừa liệt kê, đó là các “tân tập mới được, nay đều có bản của chúng, tất cả đều ở kinh tạng” (tờ 32a1-7). Cũng ở quyển 4 tờ 32a3-4, dưới mục Điều tân soạn mục lục khuyết kinh, Tăng Hựu viết: "Tạp thí dụ kinh 80 quyển. Cựu lục có ghi". Bản Tạp thí dụ kinh này Tăng Hựu bảo là “chưa thấy kinh văn” của nó.
Trong Đại Chính đại tạng kinh đang lưu hành hiện nay, có một bản Cựu tạp thí dụ kinh 2 quyển thượng hạ, ghi là do Khương Tăng Hội dịch. Vậy, trong bốn bản Tạp thí dụ kinh do Tăng Hựu kể trên, phải chăng bản 2 quyển là bản của Khương Tăng Hội? Câu hỏi này hiện không thể trả lời dứt khoát được, vì Tăng Hựu làm việc khá nghiêm túc, và ông đã không biết ai là dịch giả của bản 2 quyển ấy. Dẫu thế, ngày nay nếu căn cứ vào nội dung và văn phong của chính bản Cựu tạp thí dụ kinh hiện còn, ta vẫn có thể kết luận nó là do Khương Tăng Hội dịch, đặc biệt trong đó có dấu vết của các câu tiếng Việt cổ, mà cụ thể là chữ “thần thọ”, tức thần cây, như ta đã gặp trong Lục độ tập kinh. Sự nghiệp dịch thuật của Khương Tăng Hội, như vậy, ngoài bản Đạo phẩm đã mất, hiện đang tồn tại trong Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh.
Bản Cựu tạp thí dụ kinh này có thể là một bản phác thảo, chứ không phải là một bản phiên dịch thực thụ, bởi vì nếu phân tích kỹ, một số truyện ta thấy chúng được giản lược tối đa, và cuối truyện có khi Khương Tăng Hội ghi lại lời bình luận của vị thầy của ông qua câu “Thầy nói” (sư viết). Điều này chứng tỏ ông có thể đã nghe thầy ông giảng những chuyện ấy và ông ghi lại trong khi ở Việt Nam. Đến lúc qua Kiến Nghiệp, trong những thời gian rãnh rỗi, ông đem ra nhuận chính và tổ chức lại bản phác thảo ấy và biến thành Cựu tạp thí dụ kinh. Có lẽ vì tính chất phác thảo này, nên cho đến thời Tăng Hựu nó vẫn chưa được thừa nhận là một dịch phẩm của Khương Tăng Hội. Phải đợi hơn ba mươi năm sau, khi Huệ Hạo viết Cao tăng truyện, tính kinh điển của nó và tác quyền của Khương Tăng Hội mới được thừa nhận.
Với tư cách một bản phác thảo được nhuận chính, Cựu tạp thí dụ kinh chắc hẳn phải được hoàn thành trong một thời gian dài. Điều này có nghĩa nó đã được ghi chép ở Việt Nam rồi sau đó qua Trung Quốc mới nhuận chính. Và việc nhuận chính chắc chắn phải xảy ra sau năm 258 cho đến khi Khương Tăng Hội mất vào năm 280, bởi vì những năm trước đó ông còn lo phiên dịch Lục độ tập kinh và Đạo phẩm.
Không những phiên dịch, cả Tăng Hựu lẫn Huệ Hạo đều nói Khương Tăng Hội còn viết chú thích cho ba kinh An ban thủ ý, Pháp kính và Đạo thọ cùng lời tựa cho chúng. Trong ba bản này, ngày nay bản chú thích cho kinh An ban thủ ý đang còn, còn hai bản kia đã thất lạc. Về phần ba bài tựa, hiện được bảo lưu hai bài trong Xuất Tam tạng ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 42c29-43c3 và tờ 46b19-c11.
Hai bài tựa này cùng An ban thủ ý kinh chú giải có thể nói chắc chắn được biết rất sớm trong toàn bộ sự nghiệp trước tác của Khương Tăng Hội với những lý do sau: Thứ nhất, An ban chú tự của Đạo An (314-385) do Tăng Hựu sưu tập lại trong Xuất Tam tạng ký tập 6 ĐTK 2154 tờ 43c22-23 nói: “Ngụy sơ, Khương Hội viết chú nghĩa cho (kinh). Nghĩa hoặc ẩn mà chưa rõ. An trộm không tự lượng dám nhân người trước, viết giải thích vào dưới”.
Nhà Ngụy do Tào Phi thành lập năm 221 và chấm dứt năm Hàm Hy thứ nhất (265) của Nguyên đế Tào Hoán, kéo dài được 45 năm. Cho nên, nếu Đạo An nói Khương Tăng Hội viết An ban thủ ý kinh chú giải vào “đầu đời Ngụy” (Ngụy sơ), thì dứt khoát Hội không thể viết nó sau năm 247 được. Bởi vì từ năm 247 trở đi không thể gọi là “Ngụy sơ” được mà phải gọi là “Ngụy mạt”. Đây chắc là lý do tại sao Tăng Hựu đã tõ ra do dự khi nói về thời điểm dịch Lục độ tập kinh và Ngô Phẩm trong Xuất Tam tạng ký tập 2 ĐTK tờ 7a27-b1 với câu: “Thời Ngụy Minh đế (228-240) sa môn Khương Tăng Hội dịch ra vào đời Ngô chúa Tôn Quyền (222-252) và Tôn Lượng (253-258)”.
Và không chỉ chú giải kinh An ban thủ ý Đạo An còn là một nhà kinh lục đầu tiên có uy tín của lịch sử kinh lục Trung Quốc, mà Tăng Hựu trong Xuất Tam tạng ký tập 1 ĐTK tờ 1a27-b1 đã ca ngợi là người “đem tài lớn thấy sâu, soạn viết kinh lục, đính chính thấy nghe, phân biệt rõ ràng”. Huệ Hạo trong Cao tăng truyện 5 ĐTK 2059 tờ 352a27-b1 thì viết: “Từ Hán Ngụy đến Tấn, kinh đến càng nhiều., mà tên tự người truyền dịch kinh chẳng chép. Người sau tìm hiểu, không biết niên đại. An bèn Tổng tập danh mục, ghi lại thời đại và tên người, chép phẩm mới cũ, soạn làm kinh lục. Các kinh có chứng, thật do công của An”.
Bản kinh lục của Đạo An mà Huệ Hạo vừa đề cập và Tăng Hựu xử dụng để viết nên Xuất Tam tạng ký tập, chính là Tổng lý Chúng kinh mục lục. Phí Trường Phòng trong Lịch đại tam bảo ký 8 ĐTK 2034 tờ 76b13, Đạo Tuyên trong Đại đường nội điển lục 3 ĐTK 2149 tờ 251a2 và Trí Thăng trong Khai nguyên thích giáo lục 10 ĐTK 2104 tờ 572c29-573a6 đã ghi lại và nhận xét nó “đủ để lại mẫu mực cho người sau”. Cho nên, những gì Đạo An phát biểu về An ban thủ ý kinh chú giải không phải chỉ với tư cách của một nhà chú giải, mà còn với tư cách một nhà kinh lục có tầm cở và uy tín, một nhà kinh lục sống không cách thời Khương Tăng Hội bao nhiêu. Hội mất năm 280. Ba mươi bốn năm sau Đạo An ra đời.
Vì thế, khi An nói Khương Tăng Hội viết An ban thủ ý kinh chú giải vào thời Ngụy Sơ, thì đó là một mẫu tin có độ tin cậy cao. Và nó hoàn toàn phù hợp với những gì chính Hội viết trong bài tựa cho bản chú giải ấy, mà Tăng Hựu “sao soạn” lại trong Xuất Tam tạng ký tập dưới tên An ban thủ ý kinh chú tự. Chẳng hạn, khi nói An Thế Cao đến Trung Quốc, Hội viết: “Bèn ở kinh sư”. Kinh sư đây chỉ Lạc Dương, mà cả nhà Hán lẫn Ngụy đều lấy làm thủ đô. Do đó, không thể có việc Khương Tăng Hội đã viết bài tựa ấy sau năm 247, khi đang sống tại Trung Quốc, bởi vì lúc ấy Tôn Quyền đã xưng đế và kinh sư là Kiến Nghiệp chứ không thể là Lạc Dương.
Một khi viết An ban thủ ý kinh chú giải và An ban thủ ý kinh tự vào thời "Ngụy sơ", tức khoảng những năm 221-230, thì cũng có khả năng Khương Tăng Hội đã soạn Pháp kính kinh tự và Pháp kính kinh giải tử chú vào cùng giai đoạn đó. Pháp kính kinh giải tử chú ngày nay đã mất, nên ta không thể bàn gì thêm. Nhưng Pháp kính kinh tự hiện còn do Tăng Hựu chép lại trong Xuất Tam tạng ký tập. Khi nói về tình cảm của mình đối với các vị thầy, Hội viết: “Táng sư lịch tải, mạc do trùng chất, tâm sảng khẩu bồi, đình bút sảng như, truy viễn mộ thành, thế tứ tinh lưu”. Đọc những dòng này, ta thấy phảng phất giống như câu Hội viết trong An ban thủ ý kinh chú tự: “...Tam sư điêu táng, ngưỡng chiêm văn nhật, bi vô chất thọ, quyện ngôn cố chi, san nhiên xuất thế”. Do tính nhất quán trong tình cảm và ngôn từ của hai đoạn vừa dẫn, ta có thể giả thiết Pháp kính kinh tự viết không cách xa An ban thủ ý kinh tự bao nhiêu. Vì vậy Pháp kính kinh giải tử chú có khả năng hoàn thành vào khoảng những năm 221-230 ở nước ta.
Cần nói thêm là những lời tựa bạt do Tăng Hựu chép lại trong Xuất Tam tạng ký tập đã chịu một quá trình "sao soạn", như Huệ Hạo đã nhận xét trong truyện của Tăng Hựu ở Cao tăng truyện 11 ĐTK 2059 tờ 402c29 - 403a1: "Xưa khi Hựu đã tập hợp tạng kinh xong, bèn sai người sao soạn yếu sự làm Tam tạng ký, Pháp uyển ký, Thế giới ký, Thích Ca phổ và Hoằng Minh tập v.v... đều lưu hành ở đời". Quá trình sao soạn này đã làm mất đi bao nhiêu diện mạo thực của các văn bản, ta hiện nay không thể xác định được một cách chính xác. Tuy nhiên, cứ vào những gì đang có trong tay, ta có thể nói Tăng Hựu đã ít nhiều cải đổi bộ mặt của văn bản, mà ông cho người “sao soạn”.
Chỉ cần đọc lại Lý hoặc luận trong Hoằng Minh tập 1 ĐTK 2102 tờ 1a28-7a22 và các trích dẫn của Kinh Khê đại sư Trạm Nhiên trong Ma ha chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết và Hoằng quyết ngoại điển sao thì thấy ngay. Trong trường hợp An ban thủ ý kinh tự ở đây, ta may mắn có một câu trích của Huệ Hạo trong truyện của An Thế Cao ở Cao tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 324a27 - b1, nói rằng: “Chú An ban thủ ý kinh tự của Khương Tăng Hội nói: Kinh này do Thế Cao dịch ra, lâu bị chìm che, may có Hàn Lâm từ Nam Dương, Văn Nghiệp từ Dĩnh Xuyên, Trần Huệ từ Cối Kê, ba vị hiền này tin đạo dốc lòng, Hội cùng họ thỉnh thọ, nên Trần Huệ chú nghĩa, tôi giúp châm chước”. Rõ ràng bản An ban thủ ý kinh tự hiện nay không có hai câu “kinh này do Thế Cao dịch ra, lâu bị chìm che”.
Dẫu sao đi nữa, ta ngày nay vẫn ít nhiều có được hai bài tựa viết cho kinh An ban thủ ý và kinh Pháp kính, cùng với bản chú thích kinh An ban thủ ý. Bản chú thích kinh An ban thủ ý này hiện nay gây không ít khó khăn, vì có sự nhập nhằng giữa lời chú của Khương Tăng Hội và lời giải của Thích Đạo An, mà An ban chú tự dẫn trên đã nói tới. Tuy vậy, dù có khó khăn nhập nhằng, điều may mắn là nó đã tồn tại và sẽ là đối tượng nghiên cứu của chúng ta, để tìm lại những gì mà thầy của Khương Tăng Hội đã truyền cho ông, và từ đó xác định hệ tư tưởng nơi vị thày này cũng như của Phật giáo Việt Nam thời Hội.
Ngoài việc viết ba bản chú thích và ba bài tựa vừa bàn, Cao tăng truyện còn nói Khương Tăng Hội “lại truyền lời bối Nê hoàn réo rắt trầm buồn, làm mô thức cho một thời”. Tiểu sử của Khương Tăng Hội trong Xuất Tam tạng ký tập 13 không ghi sự kiện này. Nhưng quyển 12 ĐTK 2145 tờ 92b3, khi chép lại nội dung Pháp uyển tạp duyên nguyên thỉ tập mục lục, có ghi Khương Tăng Hội truyền Nê hoàn bối ký. Điều này chứng tỏ Tăng Hựu có biết việc truyền bá Nê hoàn bối của Khương Tăng Hội, nhưng đã không ghi vào tiểu sử. Có thể Tăng Hựu cho Nê hoàn bối tự bản thân là một bài ca bày tỏ tình cảm về sự viên tịch của đức Phật, nên không xứng đáng để vào sự nghiệp trước tác của Khương Tăng Hội. Thêm vào đó, tiểu truyện trong các quyển 13, 14 và 15 của Xuất Tam tạng ký tập đều xoay quanh chủ đề phiên dịch và chú thích kinh điển. Cho nên, có lẽ Tăng Hựu thấy nó không hợp để ghi vào tiểu truyện một tác phẩm âm nhạc. Cao tăng truyện của Huệ Hạo ngược lại đã dành hẳn một mục gọi là kinh sư, để ghi lại những cao tăng giỏi về lễ nhạc Phật giáo Trung Quốc. Cho nên, Huệ Hạo ghi Nê hoàn bối như một tác phẩm của Khương Tăng Hội là điều tự nhiên.
Khi nói về lịch sử của nền lễ nhạc này, Huệ Hạo trong Cao tăng truyện 13 ĐTK 2059 tờ 415b23-29 đã viết: “Khỉ nguyên của Phạn bối vốn bắt nguồn từ Trần Tư Vương khởi đầu viết Thái tử tụng và Thiệm tụng... Sau đó cư sỹ Chi Khiêm cũng truyền Phạn bối ba bài đều mai một không còn... Chỉ Khương Tăng Hội sáng tạo Nê hoàn Phạn bối đến nay vẫn truyền, tức Kính yết một bài, lời lấy từ bản kinh Nê hoàn hai quyển, nên gọi là Nê hoàn bối”. Rồi khi ca ngợi lễ nhạc của Chi Đàm Thược là tuyệt vời ở tờ 413c11-12, Huệ Hạo lại nói: “Tuy có Đông A (tức Tào Thực) bắt đầu ở trước, Khương Hội sáng tạo về sau, đầu cuối tiếp nhau, cũng chưa có ai tuyệt vời như Thược”.
Bối hay Phạn bối là một loại nhạc bản dùng trong lễ nhạc Phật giáo. Chính Huệ Hạo đã phân biệt nhạc và bối khác nhau như thế nào ở tờ 414c22-28: “Cho nên lời tựa Kinh thi nói: ‘Tình động ở trong, thì biểu hiện thành lời nói, lời nói không đủ, nên vịnh ca’. Song lời ca của Đông Quốc là kết vận để thành vịnh, còn tán của phương Tây là làm kệ để hòa thanh. Tuy ca tán khác nhau, nhưng đều lấy việc hiệp hài chung luật, phù hợp cung thương thì mới nên hay ho thấm thía. Cho nên, tấu ca vào kim thạch thì gọi nhạc, diễn tán bằng ống dây thì đặt tên là bối”.
Rõ ràng, nói đến bối hay Phạn bối phải giả thiết người ta biết xử dụng nhạc lý và nhạc cụ, phải hiểu khả năng diễn xuất và tiết tấu của từng nhạc khí, vì “diễn tán bằng ống dây thì đặt tên là bối”. Ống đây là các loại tiêu, địch, kèn, tù và v.v... Và dây đây là các loại đàn từ một dây, như đàn độc huyền, mà Soạn tập bách duyên kinh đã nói tới, cho tới nhiều dây như tranh, nguyệt, tỳ bà, mà ta thấy khắc trên bệ đá chùa Phật Tích[80][80]
Cho nên, Nê hoàn bối có thể nói là một phổ nhạc lời ai điếu của chư thiên trong kinh Niết bàn bản hai quyển. Lời văn như thế không phải là một sáng tạo của chính Khương Tăng Hội. Điểm Khương Tăng Hội sáng tạo là biến nó thành một bản nhạc, và trở thành Nê hoàn bối. Nê hoàn bối còn có tên Kính yết. Gọi là Kính yết hẳn ám chỉ đến việc đến yết kiến đức Phật. Nhưng vì yết kiến Ngài qua xá lợi còn để lại, nên có lẽ Khương Tăng Hội mới làm bài Nê hoàn bối, diễn tả tình cảm nhớ thương vô hạn của những người con Phật về sau khi chiêm ngắm di cốt của Ngài qua xá lợi. Nếu giả thiết này đúng, thì có thể Nê hoàn bối là một trong những sáng tác phẩm đầu tiên được viết ở Trung Quốc của Khương Tăng Hội, khoảng những năm sau khi cầu được xá lợi, tức từ năm 247 đến năm 251.
Vậy, viết Nê hoàn bối, Khương Tăng Hội chứng tỏ không những ông là một trong những người đặt nền móng cho nền lễ nhạc Phật giáo Trung Quốc, mà còn là một thành tựu kiệt xuất của nền âm nhạc và giáo dục âm nhạc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. Lịch sử và truyền thống âm nhạc Việt Nam trước năm 939 khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, không phải hoàn toàn trống vắng, như trước đây nhiều người đã lầm tưởng[81][81]. Với những thành tựu như Khương Tăng Hội, ta thấy giả thiết về một nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam hoàn chỉnh, đa dạng và khai phóng ở trên là hoàn toàn có thể biện minh và đúng đắn. Chính nền giáo dục hoàn chỉnh đa dạng cởi mở đó đã tạo nên được những thiên tài có những đóng góp nhất định cho dân tộc và nhân loại.
Đó là kết quả thiết lập theo Tăng Hựu và Huệ Hạo. Đến năm cuối Khai Hoàng đời Tùy (600) Phí Trường Phòng viết Lịch đại tam bảo ký ĐTK 2034 đã kê khai tác phẩm của Khương Tăng Hội gồm “14 bộ hợp thành 29 quyển” như sau:
1. Lục độ tập kinh 9 quyển
2. Ngô Phẩm kinh 5 quyển
3. Bồ tát tịnh hạnh kinh 2 quyển
4. Tạp thí dụ tập kinh 2 quyển
5. A nan (sic) niệm di kinh 2 quyển
6. Kính diện vương kinh 1 quyển
7. Sát vi vương kinh 1 quyển
8. Phạm hoàng vương kinh 1 quyển
9. Quyền phương tiện kinh 1 quyển
10. Tọa thiền kinh 1 quyển
11. Bồ tát nhị bách ngũ thập pháp kinh 1 quyển
12. Pháp kính kinh giải tử chú 2 quyển cùng tựa
13. Đại thọ kinh chú giải 1 quyển cùng tựa
14. An ban kinh chú giải 1 quyển cùng tựa
Bản kê khai này, khi viết Đại đường nội điển lục 2 ĐTK 2149 tờ 230a6-c23 vào năm Lân Đức thứ nhất (679), Đạo Tuyên đã cho chép lại, mà không bình luận gì thêm. Sau đó Tỉnh Mại viết Cổ kim dịch kinh đồ kỷ 1 ĐTK 2151 tờ 352 cũng làm thế. Nhưng đến năm Khai Nguyên thứ 18 (738) Trí Thăng viết Khai nguyên thích giáo lục 2 ĐTK 2154 tờ 490b4 - 491b23 đã rút lại còn “7 bộ 20 quyển”.
1. Lục độ tập kinh 8 quyển
Hoặc 9 quyển. Hoặc Lục độ tập kinh. Hoặc gọi Độ vô cực tập. Hoặc gọi Tạp vô cực kinh. Xem Trúc Đạo Tổ Ngô lục và Tăng hưu lục.
2. Cựu tạp thí dụ kinh 2 quyển
Nội điển (lục) có chữ “cựu”, trong Phòng lục thì không. Cũng gọi Tạp thí dụ kinh. Hoặc không có chữ tập. Xem Cao tăng truyện và Trường Phòng lục.
3. Ngô Phẩm kinh 5 quyển
Hựu lục không có chữ kinh, nói gồm có 10 phẩm, dịch lần thứ ba. (Phí Trường) Phòng nói: “Tức là Tiểu phẩm bát nhã”. Xem Tăng Hựu lục.
4. Bồ tát tịnh hạnh kinh 2 quyển.
Là bản dịch khác của phẩm Bảo Kế của Đại tập (kinh). Hoặc gọi thẳng là Tịnh luật kinh. Dịch năm Xích Ô. Xem Trúc Đạo Tổ Ngô lục.
5. Quyền phương tiện kinh 1 quyển.
Đồng bản với Thuận Quyền phương tiện kinh v.v... Dịch lần đầu. Xem Ngô lục và Biệt ký.
6. Bồ tát nhị bách ngũ thập pháp kinh 1 quyển
Hoặc 2 quyển. Đem kinh này thế 250 giới của đại tăng, để trình với (Tôn) Hạo. Xem Cao tăng truyện và Trường Phòng lục.
7. Tọa thiền kinh 1 quyển.
Xem Trường Phòng lục
Rồi trình bày lý do tại sao phải rút lại còn “7 bộ 20 quyển”, như: “Kinh lục của (Phí) Trường Phòng v.v... lại có A nan niệm di kinh, Kính diện vương kinh, Sát vi vương kinh, Phạm hoàng vương kinh. Bốn kinh trên đây, tuy nói là Hội dịch, nhưng cũng xuất hiện trong Lục độ tập, không hợp với số chính dịch. Nay chép trong Biệt sinh lục. Lại có Pháp kính kinh chú giải 2 quyển, Đạo thọ kinh chú giải 1 quyển, An ban kinh chú giải 1 quyển. Ba kinh trên đây, Hội cũng viết tựa: Ba kinh, Hội tuy chú giải, nhưng vốn không phải do Hội dịch, nên cũng không thể xếp vào số dịch của Hội. Cộng 7 bộ trên đây, nay đều san bỏ”.
Thế đã rõ, đứng về mặt thiết lập mục lục phiên dịch, ba bản chú giải về các kinh Pháp kính, Đạo thọ và An ban thủ ý tất không thể nào xếp vào số kinh do Khương Tăng Hội dịch. Còn bốn kinh A ly niệm di, Kính diện vương, Sát vi vương, Phạm hoàng vương thì đúng là đã xuất hiện trong Lục độ tập kinh 8 ĐTK 152 tờ 49b24 - 52b1 truyện số 88 đến 91. Vì vậy, tuy do Khương Tăng Hội dịch, chúng chỉ nên xếp vào loại “biệt sinh”, tức các bản kinh được trích ra từ một bản kinh gốc và cho lưu hành riêng lẻ. Nói một cách khác, chúng chỉ là những đơn hành bản. Việc san bỏ chúng từ đó là hoàn toàn tất nhiên.
Quan điểm san bỏ này của Trí Thăng, Viên Chiếu đã lập lại trong Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục 3 ĐTK 2157 tờ 787c4 -788c21 viết vào năm Trinh Nguyên thứ 11 (801), mà không có nhận xét gì. Rõ ràng đứng về mặt kinh lục, một quan điểm như vậy là hợp lý và có thể biện minh được. Tuy nhiên, đứng về mặt thiết lập danh mục các tác phẩm của Khương Tăng Hội, việc loại bỏ ba bản chú giải cùng các lời tựa là không thể chấp nhận. Cho nên, để tiến hành nghiên cứu sự nghiệp của Hội, việc điều tra và dựng lại đầy đủ bảng danh mục toàn bộ các dịch phẩm và tác phẩm của ông là một đòi hỏi cấp bách. Thông qua các mẫu tin của Tăng Hựu và Huệ Hạo, chúng tôi đã bước đầu dựng nên bảng danh mục ấy ở trên. Bây giờ với những đóng góp của Phí Trường Phòng, Đạo Tuyên và Trí Thăng, bảng danh mục được mở rộng thêm với các bản dịch:
1. Bồ tát tịnh hạnh kinh 2 quyển
2. Quyền phương tiện kinh 1 quyển
3. Bồ tát nhị bách ngũ thập pháp kinh 1 quyển
4. Tọa thiền kinh 1 quyển
Nhưng thực chất nó không thay đổi bao nhiêu, bởi vì các bản này ngày nay đã mất và qua thời gian đã không được trích dẫn trong các tác phẩm của người khác. Do thế, trong tình trạng tư liệu và hiểu biết hiện tại, bản danh mục các dịch và tác phẩm của Khương Tăng Hội do chúng tôi thiết lập ở trước vẫn giữ nguyên giá trị của nó và căn bản phản ảnh được sự nghiệp phiên dịch trước tác của Hội, mà ta có thể dùng để nghiên cứu những cống hiến của ông không chỉ đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc, mà còn đặc biệt đối với lịch sử dân tộc ta qua nhiều mặt từ tư tưởng, lịch sử, cho tới ngôn ngữ và khoa học kỹ thuật.
Điểm đáng ngạc nhiên là các kinh lục từ Xuất Tam tạng ký tập cho đến Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục đều hoàn toàn im lặng về một tác phẩm, mà Đạo An khi viết Thập pháp cú nghĩa kinh tự trong Xuất Tam tạng ký tập 10 ĐTK 2145 tờ 70b11-13 đã có nhắc tới, đó là Lục độ yếu mục: “Xưa Nghiêm Điều soạn Thập huệ chương cú, Khương Tăng Hội tập Lục độ yếu mục, rồi tìm dấu chúng, vui vì có hiểu, nhưng vẫn có thiếu, truyền lâu chư a chép. Nay sao sắp xếp, đặt tên Thập pháp cú nghĩa”. Vậy, ngoài 10 tác dịch phẩm đã biết, ta phải kể thêm Lục độ yếu mục.
Lục độ yếu mục có lẽ đã thất lạc rất sớm. Cho nên, đến giữa thế kỷ thứ IV, Đạo An còn nhắc tới và dùng làm tài liệu để viết Thập pháp cú nghĩa. Nhưng qua thế kỷ thứ V và VI, khi Tăng Hựu soạn Xuất Tam tạng ký tập và Huệ Hạo viết Cao tăng truyện đã không nhắc tới nữa. Các bản kinh lục về sau thì hoàn toàn im lặng. Phải chăng đó là vì Lục độ yếu mục là những đoạn giải thích về sáu độ, như ta có ngày nay trong Lục độ tập kinh? Ta không thể trả lời được. Dẫu sao đi nữa, ta biết thêm một công trình khác của Khương Tăng Hội và ảnh hưởng của Hội đến những gương mặt anh tài của Phật giáo Trung Quốc với tầm cỡ như Đạo An. Nói tóm lại, căn cứ vào những bản kinh lục xưa nhất, mà cụ thể là Xuất Tam tạng ký tập, cùng tham khảo thêm Cao tăng truyện, ta hiện biết sự nghiệp phiên dịch và trước tác của Khương Tăng Hội tồn tại trong các tác phẩm sau:
1.Lục độ tập kinh
2. Đạo phẩm
3. Tạp thí dụ kinh
4. An ban thủ ý kinh chú
5. Pháp kính kinh chú
6. Đạo thọ kinh chú
7. An ban thủ ý kinh tự
8. Pháp kính kinh tự
9. Đạo thọ kinh tự
Trong đó hiện thất lạc Đạo phẩm, Pháp kính kinh chú, Đạo thọ kinh chú và Đạo thọ kinh tự. Thế nghĩa là qua thời gian đã mất đi gần một nửa sự nghiệp phiên dịch trước tác của Khương Tăng Hội. Tuy nhiên, với hơn một nửa còn lại, nó cung cấp cho ta khá nhiều thông tin về cuộc sống vật chất và tinh thần của cha ông ta vào thế kỷ thứ III sdl.
Về mặt lịch sử, Khương Tăng Hội, thông qua Lục độ tập kinh, là người bảo lưu đầu tiên hiện biết của truyền thuyết trăm trứng của dân tộc ta. Truyền thuyết chắc hẳn đã lưu hành rộng rãi vào thời Lục độ tập kinh trong nhân dân người Việt để giải thích cho nguồn gốc Bách Việt của họ. Rồi trong quá trình Việt hóa Phật giáo, những trí thức Phật giáo Việt Nam đã dựa vào để cải biên. Đến sau này khi phiên dịch Lục độ tập kinh ra tiếng Trung Quốc, Khương Tăng Hội vẫn bảo lưu tình tiết một trăm trứng này, dù chắc chắn ở Kiến Nghiệp hồi bấy giờ đã biết tới truyện một trăm người con từ một trăm cục thịt do Chi Khiêm dịch trong Soạn tập bách duyên kinh vào khoảng từ 222 đến 253[82][82].
Về mặt ngôn ngữ, Lục độ tập kinh cùng với Tạp thí dụ kinh đã để lại cho ta một loạt những cấu trúc tiếng Việt cổ quý giá, mà từ đó tham khảo thêm bài Việt ca do Lưu Hướng chép lại trong Thuyết uyển[83][83], ta có thể phục chế lại một phần nào diện mạo của tiếng nói dân tộc cách đây hai nghìn năm. Đây phải nói là một đóng góp vô giá đối với khoa ngữ học lịch sử tiếng Việt.
Về mặt tư tưởng, những phạm trù và quan hệ xã hội cơ bản đã được thiết định theo nhân quan người Việt và Phật giáo một cách minh nhiên trong Lục độ tập kinh, đồng thời tiến hành phê phán hệ tư tưởng người Hán, mà đại biểu cụ thể ở nước ta thời bấy giờ là các tay Nho cở như Lưu Hy, Hứa Tỉnh, Tiết Tôn, Ngu Phiên v.v... Những phạm trù nhân nghĩa, trung hiếu, thành tín v.v... những quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, thầy trò này được thổi vào một nội dung mới, dựa trên cơ sở những thành tựu của nền văn hóa Việt Nam và tiếp thu những đóng góp của hệ tư tưởng Phật giáo[84][84]. Chính xuất phát từ những lý luận mới được thiết định này, dân tộc ta phản công lại các luận điệu vu vơ do các tay ấy tung ra với ý đồ nô dịch lâu dài, nếu không là đồng hóa vĩnh viễn dân tộc ta.
Về mặt văn học, những cống hiến của sự nghiệp dịch thuật và trước tác của Khương Tăng Hội càng khởi sắc, vì ở đây Khương Tăng Hội đã bảo lưu cho chúng ta một số các tác phẩm văn học dân tộc, mà sau này đã trở thành loại hình văn học dân gian vô danh không niên đại. Truyện người mù rờ voi, truyện giết rồng cứu một nước của Lục độ tập kinh chẳng hạn, hay truyện cò đem rùa đi chơi của Tạp thí dụ kinh... là những thí dụ điển hình. Chúng sẽ là đối tượng nghiên cứu của khoa lịch sử văn học Việt Nam, nhằm xác định lại quá trình hình thành và phát triển của lịch sử văn học dân tộc. Lịch sử văn học dân tộc ta như vậy không phải bắt đầu với Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi, hay xa hơn với Từ Đạo Hạnh với bài thơ mở đầu tuồng chèo, thậm chí với cả Đạo Cao, Pháp Minh, Lý Miễu. Nó đã bắt đầu với các truyện của Lục độ tập kinh, nếu không là bài Việt ca do Lưu Hướng ghi lại trong Thuyết uyển.
Về mặt khoa học kỹ thuật, Lục độ tập kinh, và Tạp thí dụ kinh sẽ cung cấp cho ta các dữ kiện trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, và kỹ thuật, giúp ta không những hiểu được trình độ khoa học kỹ thuật của dân tộc ta thời bấy giờ, mà còn giúp ta xây dựng lại lịch sử khoa học kỹ thuật Việt Nam. Những tri thức khoa học tự nhiên như quá trình phát triển thai nhi, thời gian hoàn tất mỹ mãn quá trình v.v... những hiểu biết về khoa học xã hội như quan hệ hôn nhân, tập tục cưới xin, những kiến thức kỹ thuật như rèn, đúc, làm gốm... với trình độ ngày nay, phải nói đã đạt được một sự chính xác khá cao đáng khâm phục.
Về mặt nghệ thuật âm nhạc, với sự xuất hiện của các tượng Phật và Nê hoàn bối, ngày nay ta biết lịch sử nghệ thuật và âm nhạc Việt Nam không trống vắng, vào những thế kỷ đầu của cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù phương Bắc, như trước đây nhiều người đã lầm tưởng. Đặc biệt về âm nhạc Việt Nam và lễ nhạc Phật giáo Việt Nam, bây giờ ta có thêm tên tuổi của một nhạc sỹ tầm cỡ, từng làm “khuôn mẫu cho một thời”, đó là Khương Tăng Hội, dù Khương Tăng Hội chỉ làm công tác “truyền”, chứ không phải sáng tác loại nhạc Phạn bối đó.
Như vậy, sự nghiệp phiên dịch trước tác của Khương Tăng Hội không chỉ giới hạn vào việc hoằng dương chính pháp ở Trung Quốc, mà đối với lịch sử dân tộc ta đã để lại nhiều cống hiến quý báu. Tất nhiên, đối với lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Khương Tăng Hội có một vị trí và ảnh hưởng lớn lao, mà những nhân vật lớn của nền lịch sử ấy không ai là không nhắc tới. Từ Đạo An cho đến Huệ Duệ, từ Tăng Hựu cho đến Huệ Hạo, từ Tôn Xước cho đến Phí Trường Phòng, từ Đạo Tuyên cho đến Trí Thăng, họ đã dành cho Khương Tăng Hội một niềm kính trọng sâu xa và một lòng ngưỡng mộ thắm thiết.
Còn đối với lịch sử Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, vị thế của Khương Tăng Hội nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên Phật giáo nước ta đã thành công thực hiện nghĩa vụ hoằng pháp của mình đối với thế giới và dân tộc ta đã khẳng định mạnh mẽ bản lĩnh văn hóa ưu việt của mình qua việc đông du khai hóa của Khương Tăng Hội. Dĩ nhiên, Khương Tăng Hội không phải là người duy nhất đi ra khỏi nước để làm nhiệm vụ truyền giáo. Sau ông có Huệ Thắng, Đạo Thiền, rồi Đại Thừa Đăng v.v... Điểm lôi cuốn là vào cuối thế kỷ thứ hai đầu thế kỷ thứ ba, dân tộc ta thông qua và kết hợp chặt chẽ với Phật giáo đã xây dựng xong bức tường thành văn hóa có khả năng chận đứng mọi âm mưu xâm lược và đồng hóa của kẻ thù, mà Khương Tăng Hội là một cột mốc trong bức tường thành đó.