PHẦN II
2. VẤN ĐỀ BẢN ĐÁY
Điểm lôi cuốn nằm ở chỗ nếu như ta chấp nhận niên đại 251 này, vấn đề chưa phải đã chấm dứt. Ai từng đọc Lục độ tập kinh cũng đều thấy văn từ và nội dung nó chứa đựng một số nét làm cho người ta nghi ngờ nó có phải là một dịch phẩm từ một nguyên bản tiếng Phạn không. Thực tế, ngay vào thế kỷ thứ VI sdl, Pháp Kinh khi viết Chúng kinh mục lục đã xếp nó vào loại tác phẩm “do các thánh hiền phương Tây soạn tập”. Quan điểm này sau đó đã được Ngạn Tôn và Tỉnh Thái tán đồng, khi họ viết các bản kinh lục của mình và xếp Lục độ tập kinh vào loại “hiền thánh tập truyền do hiền thánh soạn”, mà không nói đến “phương Tây” nữa.
Thế đã rõ. Càng đọc kỹ Lục độ tập kinh, người ta càng thấy nó bộc lộ nhiều dấu vết cho phép giả thiết nếu không nói là khẳng định, nó “do thánh hiền soạn ra”. Và “thánh hiền” đây không còn nhất thiết là “phương Tây” nữa. Bởi vì nó chứa đựng những dữ kiện, mà dù “thánh hiền phương Tây” cũng không thể thốt ra được. Chẳng hạn, truyện 49 của Lục độ tập kinh 5 ĐTK 152 tờ 28a22-24 có câu phát biểu của anh thợ săn nói rằng: “(Tôi) ở đời lâu năm, thấy nho sỹ tích đức làm lành, há có bằng đệ tử Phật quên mình cứu mọi người, ở ẩn mà không dương danh ư?” Rõ ràng “thánh hiền phương Tây” không thể có một phát biểu như thế “về nho sĩ” được. Bởi “phương Tây” thời ấy không có “nho sĩ”.
Phát biểu đó do vậy phải được thốt ra từ miệng một “thánh hiền phương Đông”, và trong trường hợp này lại là một “thánh hiền” của nước ta, đến năm 251 Khương Tăng Hội mới dịch ra tiếng Trung Quốc bản Lục độ tập kinh ngày nay. Bản kinh đây từ đấy chứa đựng những dữ kiện không thể xuất phát từ nguyên bản Phạn văn cho Khương Tăng Hội dịch được. Khương Tăng Hội phải dùng một nguyên bản đã có cải biên các truyện của truyền thống Phạn văn hay Pali, để có thể cho phép các phát biểu loại dẫn trên xuất hiện. Thực tế, không phải chỉ có truyện 49 mới có hiện tượng phát biểu ấy. Một số truyện khác của Lục độ tập kinh cũng được “thánh hiền phương Đông” canh cải và biên tập lại.
Chẳng hạn, truyện 86, Nho đồng thọ quyết. Đây là một truyện tiền thân mà cốt lõi ta hiện thấy trong Phạn bản Lalitavistara và Hán bản Phổ diệu kinh do Chi Khiêm dịch đồng thời với Khương Tăng Hội. Thế nhưng, nếu so sánh hai bản Phạn và Hán này với truyện 86, chúng ta một lần nữa thấy truyện nhiều lần nhắc đến “chúng nho”, “quốc nho”, “chư nho” và gắn cho họ những quan điểm kỳ thị, bảo thủ, lạc hậu đáng phê phán, mà hai bản kia không có. Rõ ràng, đây là một bộc lộ quan điểm của người biên tập Lục độ tập kinh đối với nho giáo, một lối phê phán gián tiếp học thuyết ấy, một học thuyết không phải không có những nhược điểm cơ bản. Nó do vậy chỉ thể hiện quan điểm của người biên tập, chứ không thể có trong nguyên bản chữ Phạn được.
Người biên tập từ đó không thể là một “thánh hiền phương Tây”, vì hệ tư tưởng nho giáo không tồn tại ở “phương Tây”. Ngược lại, ông phải là một thánh hiền “phương Đông”, mà cụ thể là nước ta, vì hệ tư tưởng ấy lúc đó không chỉ tồn tại, mà còn ra sức tấn công vào thành trì văn hóa dân tộc ta. Việc phê phán nó do thế trở thành một yêu cầu tất yếu, nếu không nói là quan tâm hàng đầu của bất cứ một công trình lý luận nào của dân tộc, trong đó có cả Phật giáo dân tộc. Lục độ tập kinh vì không phải dịch trực tiếp từ các nguyên bản Phạn văn, nên phải ít nhiều đáp ứng yêu cầu quan tâm vừa nói trong khi biên tập. Thế người biên tập phải chăng là Khương Tăng Hội.
Sống gần như sát thời với Hội, Đạo An viết Thập pháp cú nghĩa kinh tự, mà Tăng Hựu chép lại trong Xuất Tam tạng ký tập 10 ĐTK 2145 tờ 70a11-13, đã nói: “Xưa Nghiêm Điều soạn Thập huệ chương cú, Khương Tăng Hội tập Lục độ yếu mục, mỗi tìm dấu chúng, vui vì có hiểu, nhưng vẫn có phiến, truyền lâu chưa chép. Nay sao sắp xếp, đặt tên Thập pháp cú nghĩa”. Vậy, ngoài dịch Lục độ tập kinh, ta biết Khương Tăng Hội có (biên) tập Lục độ yếu mục, Lục độ yếu mục có nội dung gì, ta ngày nay không thể biết được, bởi vì nó thất lạc tương đối sớm, đến nổi các kinh lục xưa nhất và sau đó không một bộ nào đã ghi nó vào danh sách các tác phẩm dịch phẩm của Khương Tăng Hội.
Có thể nó gồm những đoạn giới thiệu về độ hiện thấy trong Lục độ tập kinh? Ta không thể khẳng định được. Điều chắc chắn là Khương Tăng Hội đã có một quan tâm đặc biệt về tư tưởng lục độ, nên đã viết một tập riêng về các “yếu mục” của tư tưởng đó. Thực tế, nếu so sánh những gì hiện biết về quan điểm của Hội đối với Nho giáo với những phát biểu dẫn trên của Lục độ tập kinh, ta thấy có một sai khác đáng chú ý. Truyện của Hội trong Xuất Tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a29-97a17 và trong Cao tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 325a13-326b13, mà sau này các bản kinh lục đều chép lại với một vài thêm bớt không đáng kể, đều ghi quan điểm của Hội là “cách ngôn của sách Nho tức cũng là minh huấn của Phật giáo”, “tuy lời Châu Khổng lược bày việc gần rõ, còn đến Phật dạy thì đủ tới u viễn”.
Quan điểm này tất không thể nào phù hợp hoàn toàn với quan điểm phát biểu trong truyện 49 và 86. Trong những truyện ấy, ngay cả cách ngôn nhà Nho liên hệ với chuyện “rõ gần” (hiển cận), như vợ chồng, danh tiếng v.v... cũng bị đả kích mạnh mẽ, không thương tiếc. Cho nên, về mặt tư tưởng có một sai khác đáng kể giữa quan điểm của Lục độ tập kinh và bản thân Khương Tăng Hội. Từ đó, dù Đạo An có nói tới việc Hội “biên tập” một tác phẩm nhan đề Lục độ yếu mục, ta cũng không thể đơn giản đồng nhất Lục độ yếu mục này với Lục độ tập kinh hay một bộ phận của nó, và coi Lục độ tập kinh là do Hội biên tập.
Không những về mặt quan điểm mà về mặt văn từ, Lục độ tập kinh hiện nay chứa đựng một số lượng lớn các câu chữ mang sắc thái văn hóa Viễn Đông, tức văn hóa Trung Quốc và Việt Nam. Cụ thể là các từ nhân nghĩa (truyện 48), nhân đạo (41, 84), bất nhân (11, 43), nhân hiếu (45), nhân ái (57), nhân từ (91), thành tín (91), các câu “quân nhân, thần trung, phụ nghĩa, tử hiếu, phu tín, phụ trinh”, (70, 67), “gia hữu hiểu tử” (82), “bất nhân nghịch đạo” (11) v.v... Các từ và câu này chiếm một tỉ lệ khá cao trong toàn bộ bản văn Lục độ tập kinh, tạo nên ấn tượng “văn tsừ điển nhã”, như Thang Dụng Đồng đã nhận định [6]và đã dẫn họ Thang đến việc coi Lục độ tập kinh không phải do Khương Tăng Hội dịch, mà do Hội viết.
Sự thực, những phân tích tư tưởng trên cho thấy không thể kết luận Khương Tăng Hội đã biên tập Lục độ tập kinh. Ấn tượng “văn từ điển nhã” ấy có được là do khi dịch Lục độ tập kinh, Khương Tăng Hội đã sử dụng một bản đáy tiếng Việt, thay vì tiếng Phạn. Chính nhờ căn cứ vào bản đáy Lục độ tập kinh tiếng Việt này, Khương Tăng Hội mới có được một bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc mang tính “văn từ điển nhã” vừa thấy. Nói cách khác, Hội đã không dịch Lục độ tập kinh từ nguyên bản tiếng Phạn, vì bản kinh này ngày nay chứa đựng những phê phán đối với Nho giáo, mà nguyên bản chữ Phạn khó có thể có được. Và Hội cũng không thể viết bản kinh đó, vì quan điểm phê phán Nho giáo của Lục độ tập kinh không phù hợp với quan điểm của Hội đối với Châu Khổng.
Vì thế, ấn tượng “văn từ điển nhã” bắt nguồn từ việc Khương Tăng Hội đã sử dụng một bản đáy Lục độ tập kinh tiếng Việt với một hệ thống văn từ Phật giáo đã được Việt hóa mang sắc thái văn hóa Viễn Đông, để dịch ra bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc hiện nay. Sự kiện Khương Tăng Hội sử dụng những bản đáy tiếng Việt cho công tác dịch thuật không phải không xảy ra trong những trường hợp khác, mà cụ thể là Cựu tạp thí dụ kinh.
Cựu tạp thí dụ kinh với 14 đoạn bình luận cho 13 trong số 61 truyện của nó và được Khương Tăng Hội ghi là “Thầy nói” (sư viết) rõ ràng chứng tỏ một nguyên bản đã tồn tại để cho “thầy” Hội dùng mà giảng cho Hội và đưa ra những đoạn bình luận ấy. Hội do thế dứt khoát không thể biên tập Cựu tạp thí dụ kinh. Bản kinh này đã có trước thời Hội. Căn cứ vào những cấu trúc tiếng Việt hiện có trong bản Cựu tạp thí dụ kinh tiếng Trung Quốc ngày nay, ta có thể kết luận thêm ngôn ngữ của bản kinh đó là tiếng Việt. Nói thẳng ra, Cựu tạp thí dụ kinh được Khương Tăng Hội dịch ra từ một nguyên bản tiếng Việt của nó.
Chỉ với một kết luận như vậy, ta mới lý giải sự kiện tại sao những lời bình luận của thầy Hội lại xuất hiện trong Cựu tạp thí dụ kinh. Chúng xuất hiện nhờ Hội đã chép toàn bộ bản kinh và ghi lại những lời bình luận của thầy vào một truyện nào đó do thầy ông giảng. Một khi đã thế, ta không có một đòi hỏi tất yếu nào buộc ta phải giả thiết, chứ khoan nói chi đến việc khẳng định, Lục độ tập kinh là do Khương Tăng Hội viết, chứ không phải do ông dịch, như các bản kinh lục đã ghi. Sự thật, nếu phân tích kỹ hơn Lục độ tập kinh về mặt văn bản học, ta sẽ phát hiện ra một số cấu trúc ngữ học bất bình thường trong các truyện của nó.
Chính những cấu trúc ngữ học bất bình thường này sẽ đánh tan ấn tượng “văn từ điển nhã” vừa nói, bởi vì với những cấu trúc bất bình thường ấy làm sao văn từ của Lục độ tập kinh “điển nhã”. Không những thế, chúng còn giúp củng cố kết luận trên về việc Khương Tăng Hội đã sử dụng một nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt để dịch ra bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc. Thế thì, những cấu trúc ngữ học bất bình thường trong Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc ngày nay là gì?